TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật V Phục Sinh -Năm B

“Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sinh nhiều trái”. (Ga 15, 1-8)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Các Thánh Nam Nữ

07/06/2021 10:34:02 |   572

01.11.2020

CÁC THÁNH NAM NỮ


 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
CÁC THÁNH NAM NỮ

Ca nhập lễ

Tất cả chúng ta hãy vui mừng trong Chúa khi cử hành ngày lễ kính các Thánh Nam Nữ; và các Thiên Thần hân hoan về việc mừng lễ trọng các thánh, và đồng ca ngợi Con Thiên Chúa.

Dẫn nhập Thánh lễ

Hôm nay, Hội Thánh khắp nơi trên thế giới mừng kính trọng thể Lễ Các Thánh Nam Nữ. Chung niềm vui của toàn thể Hội Thánh, chúng ta hân hoan chúc mừng các Thánh ở trên trời, trong số đó có các Thánh Việt Nam, có tổ tiên, ông bà, cha mẹ, bà con họ hàng, bạn hữu của chúng ta. Các Ngài đang được hưởng hạnh phúc muôn đời bên Chúa.

Chúng ta vui mừng và hãnh diện vì các Ngài đã hiển vinh sau bao năm hy sinh gian khổ ở trần gian; đồng thời chúng ta cũng ước mong các Ngài cầu bầu cho chúng ta để nhờ ơn Chúa giúp, mai sau này chúng ta cũng được vui mừng họp đoàn với các Ngài trên Thiên Quốc.

Để được như vậy, chúng ta cùng xin lỗi Chúa và chư thần thánh, để lễ dâng chúng ta cử hành được đẹp lòng Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, trong ngày đại lễ hôm nay, Chúa cho chúng con được mừng kính toàn thể các thánh trên trời. Nhờ bấy nhiêu vị thánh hằng nguyện giúp cầu thay, chúng con tin tưởng nài xin Chúa cho chúng con được dồi dào ân sủng như lòng vẫn ước mong. Chúng con cầu xin...

Bài Ðọc I: Kh 7, 2-4, 9-14

"Tôi đã nhìn thấy đoàn người đông đảo không thể đếm được, họ thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng".

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.

Tôi là Gioan đã nhìn thấy một thiên thần khác từ phía mặt trời mọc đi lên, tay cầm ấn Thiên Chúa hằng sống, và lớn tiếng kêu gọi bốn thiên thần được lệnh tàn phá đất và biển mà rằng: "Chớ có tàn phá đất, biển và cây cối trước khi ta đóng ấn trên trán những tôi tớ của Thiên Chúa chúng ta". Và tôi đã nghe biết số người được đóng ấn là một trăm bốn mươi bốn ngàn người, thuộc mọi chi tộc Israel.

Sau đó, tôi đã nhìn thấy đoàn người đông đảo không thể đếm được, họ thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng. Họ đứng trước ngai vàng và trước mặt Con Chiên, mình mặc áo trắng tinh, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô rằng: "Kính lạy Thiên Chúa chúng tôi, Ðấng ngự trên ngai vàng, và Con Chiên".

Rồi tất cả các thiên thần đến đứng chung quanh ngai vàng, và các trưởng lão cùng bốn con vật sấp mình xuống trước ngai mà thờ lạy Thiên Chúa rằng: "Amen! Chúc tụng, vinh hiển, khôn ngoan, cảm tạ, vinh dự, uy quyền và dũng lực cho Thiên Chúa chúng tôi muôn đời. Amen". Rồi một trong các trưởng lão lên tiếng hỏi rằng: "Những người mặc áo trắng này là ai vậy? Và họ từ đâu mà đến?" Tôi đáp lại rằng: "Thưa ngài, hẳn ngài đã rõ". Và người bảo tôi rằng: "Họ là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con Chiên".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 23, 1-2. 3-4ab. 5-6

Ðáp: Lạy Chúa, này là dòng dõi của những kẻ tìm Chúa

Xướng: Trái đất và muôn loài trên mặt đất là của Chúa, hoàn cầu và muôn vật trên địa cầu. Vì chưng Chúa đã xây dựng nền móng trái đất trên biển cả, và Người đã tạo dựng nó trên các sông ngòi.

Xướng: Ai sẽ được trèo lên núi Chúa? Ai sẽ được dừng bước trong thánh điện? Ðó là người có bàn tay vô tội và tâm hồn trong sạch, không để lòng xuôi theo sự giả trá.

Xướng: Người đó sẽ hưởng phúc lành của Chúa và lượng từ bi của Chúa, Ðấng giải thoát họ. Ðấy là dòng dõi của những kẻ tìm Người, những kẻ tìm tôn nhan Thiên Chúa của Giacóp.

Bài Ðọc II: 1 Ga 3, 1-3

"Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy".

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, các con hãy coi: Tình yêu của Thiên Chúa Cha đối với chúng ta thế nào, khiến chúng ta được gọi là con Thiên Chúa và thực sự là thế. Vì đó mà thế gian không nhận biết chúng ta, vì thế gian không biết Người. Các con thân mến, hiện nay, chúng ta là con Thiên Chúa, còn chúng ta sẽ ra sao thì vẫn chưa được tỏ ra. Chúng ta biết rằng: khi được tỏ ra, thì chúng ta sẽ giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy. Và bất cứ ai đặt hy vọng nơi Người, thì tự thánh hoá mình cũng như Người là Ðấng Thánh.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mc 11, 28

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các con". - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 5, 1-12a

"Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng:

"Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. - Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Nước làm cơ nghiệp. - Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. - Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả. - Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. - Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa. - Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. - Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ.

"Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời".

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến, nhờ bí tích Rửa tội chúng ta trở thành đồng hương của các thánh và thành viên trong gia đình Thiên Chúa. Giờ đây, chúng ta dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa, Đấng đã mời gọi chúng ta nên thánh và ký kết giao ước với Ngài.

1. Hôm nay, Giáo Hội mừng kính toàn thể các thánh, những người con của Giáo Hội đã được diện kiến thánh nhan Thiên Chúa. Xin Chúa chúc lành cho Giáo Hội. Xin cộng đoàn các thánh trên trời cầu bầu cùng Chúa cho cộng đoàn các tín hữu ở dưới thế.

2. Thiên Chúa mời gọi mọi người nên thánh vì Ngài là Đấng Thánh. Xin Chúa ban ơn hoán cải cho người tội lỗi, và củng cố niềm tin những ai đang tin tưởng nơi Ngài.

3. “Nguyện xin ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Xin Chúa giúp các tín hữu nhiệt thành tuân giữ thánh ý Ngài trong mọi nơi mọi lúc, và trong mọi hoàn cảnh.

4. Trong khi chiêm ngắm và tôn vinh cộng đoàn các thánh trên trời, xin Chúa giúp cộng đoàn chúng ta tiến bước hướng về quê hương đích thực, và mau mắn trở về với Chúa trong niềm tin tưởng, hy vọng.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin ban ơn Chúa Thánh Thần cho chúng con, để chúng con yêu mến Chúa trên hết mọi sự, và yêu thương người anh em như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng con. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui nhận lễ vật chúng con dâng để mừng kính toàn thể các thánh trên trời. Chúa đã cho các ngài được hưởng phúc trường sinh, xin cho chúng con cũng nghiệm thấy các ngài nâng đỡ trên con đường về với Chúa. Chúng con cầu xin...

Lời tiền tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi, mọi lúc, thật là chính đáng phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con, nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con. Hôm nay, Chúa cho chúng con được vui mừng chiêm ngưỡng thành Giê-su-sa-lem thiên quốc, là Mẹ chúng con. Nơi đó, anh chị em chúng con là toàn thể các thánh muôn đời ca tụng Chúa, và chúng con là lữ khách được đức tin soi dẫn đang vội vã tiến về. Chúng con rất hoan hỷ, vì bao phần tử ưu tú của Hội Thánh được vinh quang. Nhờ đó, Chúa cho các ngài trở thành gương mẫu và trợ giúp chúng con là những kẻ yếu hèn. Vì thế, hiệp với các ngài và cả triều thần thiên quốc, chúng con đồng thanh ca tụng Chúa và tung hô rằng:

Thánh! Thánh! Thánh!...

Ca hiệp lễ

Phúc cho ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa; phúc cho những ai ăn ở thuận hòa, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa; phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì nước trời là của họ.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chỉ có Chúa là Ðấng Thánh, Chúa đã làm bao việc lạ lùng nơi toàn thể các thánh nam nữ, chúng con xin chúc tụng, tôn thờ và nguyện cầu Chúa lấy tình yêu vô tận thánh hoá chúng con để sau khi được thần lương này nuôi dưỡng trên con đường lữ thứ trần gian, chúng con cũng được về thiên quốc dự tiệc vui muôn đời. Chúng con cầu xin...

 

Suy niệm

TÔI PHẢI NÊN THÁNH!

SUY NIỆM LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ (Kh 7, 2-4, 9-14; 1 Ga 3, 1-3; Mt 5:1-12a)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Khi tôi còn ở quê, lúc đó là một chú giúp lễ trong nhà thờ. Vào một buổi chiều, tôi đang ngồi chuẩn bị cho chương trình rước kiệu các thánh tử đạo Việt Nam. Có một ông trùm ở giáo xứ bên cạnh, là người đã quen biết tôi trước đó đến để gặp cha xứ. Trong lúc chờ đợi cha xứ đi kẻ liệt về, ông trùm kể cho tôi nghe chuyện giáo dân của làng ông bị bách hại trong thời kỳ cấm đạo, ông nói: lúc đó, quân lính bao vây làng, sau đó quan quân bắt hết mọi người ra đình làng trình diện và  bắt phải bỏ đạo. Giáo dân trung thành với Chúa đã cương quyết không bỏ đạo, vì thế, họ bắt đi đầy, một số thì bị ghép sống với những người ngoài Công Giáo (phân sáp), số còn lại họ chôn tập thể, nhà của dân thì bị đốt sạch... Tôi nghe đến đây thì rất cảm phục. Điều mà tôi nghĩ trong đầu lúc này là những người giáo dân can trường đó, các ngài chấp nhận chết vì đạo Chúa cách trung thành như vậy, họ cũng là các thánh tử đạo. Thế nhưng, nếu rà soát trong danh sách 118 thánh tử đạo Việt Nam được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh chính thức vào ngày 19/6/1988 thì hoàn toàn không có các ngài.

1. Các Thánh là ai?

Hôm nay, Giáo Hội mừng kính trọng thể các thánh Nam Nữ. Lý do có ngày lễ này là vì trong Giáo Hội có rất nhiều những vị thánh không được phong và có ngày lễ mừng. Các ngày trong năm phụng vụ, Giáo Hội chỉ mừng những vị thánh đã được tôn phong cụ thể và rõ ràng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, có biết bao vị thánh vô danh, nhưng thực sự các ngài cũng là những vị thánh như các đấng được mừng trong lịch phụng vụ. Vì thế, Giáo Hội dành riêng một ngày để mừng kính chung các ngài.

Việc mừng kính các thánh hay không thì cũng chẳng thêm gì cho các ngài, bởi vì các ngài đã là thánh. Nhưng việc mừng kính các ngài là để tôn vinh, cảm tạ Thiên Chúa đã làm những điều kỳ diệu nơi cuộc sống của các ngài. Đồng thời, tôn kính các ngài như là những mẫu gương cho chúng ta noi theo. Vậy con đường nên thánh của các ngài là gì? Cuộc sống của các ngài có phải là siêu quần bạt chúng, là phi thường  không? Thưa là không! Con đường nên thánh của các ngài là một con đường hướng thiện, yêu thương, tha thứ và rất bình dân. Cuộc sống của các ngài cũng bình thường như ai, các ngài chính là những người cha, người mẹ gương mẫu, là người hàng xóm tốt bụng, là người chủ nhà sẵn sàng cho khách trú chân khi lỡ đường, các ngài là những người thợ mộc, thợ nề, thợ thủ công, là công nhân, nông dân, cũng có thể các ngài là những kỹ sư, bác sĩ.... lại có những vị thánh xuất thân từ một hoàng tộc, lại có những đấng sinh ra không ai biết, chết không ai hay, có những vị thánh trong hàng ngũ Giáo Hoàng, Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ. Tất cả họ là những bậc tổ tiên, cô bác, anh chị em với chúng ta lúc còn tại thế.

Tuy xuất phát điểm khác nhau, nhưng đều chung một mẫu số là các ngài làm mọi việc bình thường cách phi thường vì lòng mến Chúa và yêu người. Tất cả cuộc sống của các thánh được trở nên tốt lành và đẹp lòng Chúa là vì các ngài sống những giá trị Tin Mừng cách trung thành. Các ngài đã rập đời sống của mình theo gương mẫu Chúa Giêsu, đã để cuộc đời của mình cho ánh sáng Mặt Trời Công Chính chiếu qua. Các ngài thật giống chúng ta ở điểm khởi đầu, nhưng khác ở chỗ là đi đến cùng. Các ngài sống tinh thần thánh cách trọn vẹn chứ không như kiểu làm thánh “lâm thời” như chúng ta. Thật vậy, thánh “lâm thời” là khi  phong ba dồn dập, nước sơn sẽ phai nhạt và tượng thánh sẽ hiện nguyên hình quỉ. (x. ĐHV, số 44). Các ngài là những người đã dám sống triệt để chân lý đã tin thay vì nửa vời. Và các ngài là những người: " từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con Chiên". Các ngài chính là những người tin vào Đức Kitô Giêsu, và là những người sống tinh thần bản “Hiến Chương Nước Trời” cách trọn vẹn và suất sắc.

Thật vậy, các ngài là những người thuộc nằm lòng và sống trọn vẹn lời mời gọi của Đức Giêsu:  “Anh em hãy mang lấy ách của Tôi và hãy học cùng Tôi vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường vì ách của Tôi thì êm ái, gánh của Tôi thì nhẹ nhàng” ; hay:  “Hãy nên hoàn thiện như Cha Trên Trời” (Mt 5, 48), rồi cả cuộc đời của các ngài là những người đi theo Chúa trên con đường khổ giá vì lòng yêu mến Chúa và yêu thương con người tha thiết. Đây chính là con đường Chân Phúc.  

Có nhiều con đường để nên thánh, và có nhiều cách nên thánh. Hôm nay, Chúa Giêsu đã vạch ra con đường Chân Phúc để như một lời mời gọi những ai muốn trở nên giống Chúa cách trọn vẹn hơn... Con đường đó được gọi là con đường hoàn thiện, hay một bản “Hiến Chương Nước Trời”.

Quả thật, các ngài là những người yêu mến tinh thần nghèo khó, sống hiền lành, biết thương cảm, vui với người vui, khóc với người khóc, luôn thương xót những người cơ bần, khao khát sống công chính, trong sạch, luôn xây dựng hòa bình, kiến tạo sự hiệp nhất và, các ngài là những người sẵn sàng vì Chúa mà quên thân mình. Sẵn sàng noi gương Chúa để sống và chết vì yêu. Các ngài là những người xứng đáng được Chúa ghi sổ vàng và hưởng lời chúc phúc của Chúa: “ Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa.  Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước;  Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm" (Mt 25, 35).

2. Sống thánh trong đời thường

Khi mừng lễ các thánh Nam Nữ như vậy, trước tiên, Mẹ Giáo Hội muốn nhắc nhở cho con cái biết rằng có một sự hiệp thông rất mật thiết giữa ba thành phần trong Giáo Hội: Giáo Hội Lữ Hành, Giáo Hội Thanh Luyện và Giáo Hội Chiến Thắng. Nói cách khác, có một mối liên hệ thiêng liêng hỗ tương giữa những người còn đang sống ở trên dương thế này với những linh hồn đang chịu thanh luyện trong Luyện Tội và với các thánh đang hưởng vinh phúc trên Thiên Đàng (x. GLTYGHCG, số 195 & Lumen Gentium, số 49).

Thứ đến, chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì ân sủng của Chúa tràn ngập trên cuộc đời các thánh, để từ ân sủng của Chúa, các ngài đón nhận và tỏa hương nhân đức trong cuộc sống, đồng thời lưu truyền lại cho con cháu hôm nay. Thật vậy, khi nói về sự ảnh hưởng của các thánh Tử Đạo, Tertuliano nhận xét: "Máu các vị Tử Ðạo là hạt giống trổ sinh nhiều tín hữu".Chúng ta có được đời sống đức tin như ngày hôm nay là do ơn Chúa ban và biết bao hy sinh của các bậc tiền nhân.

Tiếp theo là: noi gương các ngài để ngày càng tiến tới sự trọn lành. Thánh Augustino đã nói một câu thời danh: “Ông nọ bà kia nên thánh được, còn tôi, tại sao không?”. Sống thánh và làm thánh là bổn phận, trách nhiệm của chúng ta. Thánh Giêrađô đã nhất quyết phải làm thánh khi từ giã người mẹ của mình để lên đường theo các cha dòng Chúa Cứu Thế đi tu, ngài đã viết một mảnh giấy để lại rằng: "Mẹ ở lại, con đi làm thánh!”. Như vậy, việc nên thánh là trách nhiệm của chúng ta, và cũng là đòi hỏi của Thiên Chúa: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta  là Đấng Thánh” ( Lêvi  19,2; 1 Tx 4,3 ; 1 Pr 1, 16…).

Cuối cùng, trong một xã hội đang chạy đua với kinh tế thị trường, coi thường đạo lý; một xã hội bất công lan tràn; thượng tôn hưởng thụ và khoái lạc dẫn đến tình trạng vô cảm, vô tâm, vô tình... Nên thánh trong thời đại của chúng ta ngày hôm nay chính là khẳng khái triệt để không sống theo lối sống sa hoa hưởng thụ, lối sống dẫm đạp lên nhau, lối sống nín thở qua cầu, nói chung lối sống chỉ biết lo cho cái bụng mà quên đi trái tim. Các thánh khi xưa là những người hoàn toàn khước từ những gì là mau qua chóng hết để tìm cho mình một kho tàng vĩnh cửu trên Trời là niềm vui, bình an và hạnh phúc vĩnh cửu.

Mừng lễ các thánh hôm nay, chúng ta hãy xin với các thánh là những bậc tổ tiên của chúng ta, xin các ngài nâng đỡ, bầu cử cho chúng ta để chúng ta cũng được hạnh phúc như các ngài trên Thiên Quốc. Và có lẽ không gì làm cho các ngài vui và Chúa được tôn vinh cho bằng chúng ta noi gương các ngài để nên thánh. Vì thế, trong việc giáo dục con em của mình, mong thay trong mỗi giáo xứ hay gia đình nên có những sách truyện, cuốn phim, tranh ảnh của các thánh, đây là những phương tiện bổ trợ rất hữu ích cho việc giáo dục Kitô giáo và cho đời sống đức tin nơi thế hệ mai sau.

Mong thay lời dốc quyết của thánh Giêrađô khi xưa: “Mẹ ở lại, con đi làm thánh!” cũng là sự quyết tâm của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta không ngừng xin Chúa ban ơn trợ lực để chúng ta vượt qua được những cám dỗ hầu tiến tới sự trọn lành như các thánh trên Trời.

Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa vì quyền năng và tình thương của Chúa trên các thánh. Vì lời chuyển cầu của Mẹ Maria và các thánh, chúng con xin Chúa ban cho chúng con cũng được dồi dào ân sủng như các thánh mà hôm nay chúng con mừng kính, hầu mai ngày, chúng con được cùng các ngài xum họp để tôn vinh, thờ lạy và chúc tụng Chúa không ngừng. Amen.

Lễ Các Thánh Nam Nữ
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 5, 1-12a).
 
Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. - Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Nước làm cơ nghiệp. - Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. - Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả. - Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. - Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa. - Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. - Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ.
“Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời”.
 
Suy niệm
 
Mỗi khi tháng 11 trở về, Mẹ Giáo hội mời con cái hướng về gia đình, hướng về các bậc tiền nhân, đặc biệt là Cha Mẹ, Ông Bà. Một lời nhắc cho con cháu hãy sống giới răn của Thiên Chúa với tâm tình hiếu kính tổ tiên. Giới răn thứ tư là lời mời mỗi tín hữu kito hãy bắt đầu từ việc tôn kính tổ tiên, để hướng về nguồn cội của mình là Thiên Chúa. Khởi đi của tháng 11 là lễ các Thánh Nam Nữ, các ngài là những bậc hiền nhân của mỗi gia đình, mỗi con người. Các ngài đến từ bao đau khổ, bao thử thách, bao thăng trầm và cả những thất bại trong cuộc sống, trong ơn gọi và trong từng hoàn cảnh sống, dù bên ngoài đó là những thất bại, những khổ đau, nhưng trong đời sống nội tâm, niềm tin của các ngài đủ lớn để vượt thắng mọi biến cố trong niềm tin yêu và hy vọng. Đây cũng là động lực giúp cho những ai đang trên đường lữ hành, hãy cố gắng sống bổn phận của mình trong niềm tin cùng với lòng cậy trông, họ sẽ được Thiên Chúa trao cho vòng nguyệt quế dành cho người chiến thắng trong cuộc tranh đua tới đích là Nước Trời.
 
Dừng lại nơi bài đọc 1 được trích từ sách Khải huyền, chúng ta có thể hình dung từng đoàn người tiến về Nước Trời trong hân hoan và đầy niềm vui, cho dù họ ra đi trong nước mắt, trong tủi buồn, trong đau khổ, nhưng nay họ trở về trong niềm vui của người chiến thắng. Thánh Gioan đã vẽ lên một bức tranh đầy màu xanh của hy vọng, sáng lên với màu hồng của tình yêu và nhẹ nhàng với màu trắng của sự tinh tuyền, để giúp người tín hữu hãy tin tưởng vào lời hứa của Thiên Chúa dành cho những ai tin tưởng và phó thác vào Ngài: “Sau đó, tôi đã nhìn thấy đoàn người đông đảo không thể đếm được, họ thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng. Họ đứng trước ngai vàng và trước mặt Con Chiên, mình mặc áo trắng tinh, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô rằng: “Kính lạy Thiên Chúa chúng tôi, Đấng ngự trên ngai vàng, và Con Chiên”. Đoàn người đông đảo đó không đến từ chiến tranh, cũng không đến từ những cuộc di dân, họ đến từ cuộc sống hàng ngày với bao thăng trầm, bao thử thách, cùng với những khổ đau và thất bại: “Rồi một trong các trưởng lão lên tiếng hỏi rằng: “Những người mặc áo trắng này là ai vậy? Và họ từ đâu mà đến?” Tôi đáp lại rằng: “Thưa ngài, hẳn ngài đã rõ”. Và người bảo tôi rằng: “Họ là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con Chiên”. Đoàn người đó đi về đâu vậy? Họ đi về quê hương đích thực là Nước Trời. Họ được Thiên Chúa đưa vào dự yến tiệc trong ngôi nhà tình yêu của Ngài là Thiên Đàng. Đó là phần thưởng lớn lao dành cho những ai đã tin vào một Thiên Chúa, đã sống niềm tin đó cách chân thành, luôn biết phó thác trong mọi hoàn cảnh cuộc đời, và rồi Thiên Chúa đã đón họ vào ngôi nhà hạnh phúc là Nước Trời.
 
Thánh Gioan tông đồ được coi là một vị chứng nhân của tình yêu Thiên Chúa, cuộc đời của thánh nhân được ví như là bài ca của tình yêu Thiên Chúa, thánh nhân đã sống với những chuỗi ngày cuối cùng trong đau khổ, tù đày, nhưng niềm tin và tình yêu ngài dành cho Thiên Chúa lớn đến nỗi đã biến những đau khổ, thử thách trở thành những ngày tháng hạnh phúc và bình an trong một Thiên Chúa tình yêu. Những kinh nghiệm về tình yêu quý báu đó được thánh nhân diễn đạt trong những lá thư mục vụ gởi tới các cộng đoàn giáo hội sơ khai lúc bấy giờ: “Các con thân mến, các con hãy coi: Tình yêu của Thiên Chúa Cha đối với chúng ta thế nào, khiến chúng ta được gọi là con Thiên Chúa và thực sự là thế. Vì đó mà thế gian không nhận biết chúng ta, vì thế gian không biết Người. Các con thân mến, hiện nay, chúng ta là con Thiên Chúa, còn chúng ta sẽ ra sao thì vẫn chưa được tỏ ra. Chúng ta biết rằng: khi được tỏ ra, thì chúng ta sẽ giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy”. Các thánh là những người đến từ bao đau khổ, bao thử thách với góc nhìn của thế gian, nhưng dưới lăng kính đức tin, họ là những người có một niềm tin mãnh liệt và sống động trong mọi hoàn cảnh, mọi biến cố. Chính một chút cố gắng của bản thân, họ được Thiên Chúa trọng thưởng, còn thế gian thì coi thường những cố gắng nhỏ bé đó. Vòng hoa chiến thắng đã được Thiên Chúa trao tặng cho những ai sống chân thành, khiêm tốn đủ trong bổn phận và trách vụ của mình.
 
Mỗi lần được nghe lại tám mối phúc của tin mừng, chúng ta có thể hình dung ra bức chân dung của mỗi vị thánh, họ không đến từ những gì lớn lao, họ không đến từ những gì quan trọng, họ đến từ những hy sinh, những việc làm, những thái độ sống hàng ngày rất đơn sơ, nhỏ bé nhưng có giá trị nội tâm vô cùng lớn: “Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. - Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Nước làm cơ nghiệp. - Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. - Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả. - Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. - Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa. - Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. - Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ”. Dù có nhiều của cải vật chất, các ngài đã dùng nó như là những phương tiện để xây dựng gia đình của Thiên Chúa trong tình hiệp thông, tình liên đới con người, chứ không dùng nó như công cụ để bóc lột hoặc để sai khiến anh chị em. Dù trong hoàn cảnh nào, họ luôn coi trọng tình người, tình huynh đệ gia đình “một miếng khi đói bằng một gói khi no” sẵn sàng chia sẻ cho tha nhân dù ngày mai mình chưa có gì bảo đảm cho sự sống. Dù trong bất cứ điều kiện nào, họ luôn cố gắng sống cho, sống cùng và sống với tha nhân, cùng tha nhân xây dựng con người, xây dựng và trân trọng những phẩm giá cao quý nơi con người mà Thiên Chúa đã trao tặng. Tất cả đến từ những hy sinh, những khiêm tốn nhỏ bé, cộng góp lại làm nên một con người vĩ đại trong Nước Trời. Các Thánh của Thiên Chúa đến từ đó và họ đã được trọng thưởng vì sự chân thành và tin tưởng vào một Thiên Chúa tình yêu, một người Cha nhân lành, một người mục tử sống hết mình vì đoàn chiên và cho đoàn chiên.
 
Nhắc đến việc nên thánh giữa đời trong mỗi hoàn cảnh sống, nhiều người cứ nghĩ rằng làm sao mình có thể làm được, bởi trong suy nghĩ việc nên thánh chỉ dành cho một số người được chọn. Đó là suy nghĩ của con người, nhưng với Thiên Chúa, ai ai cũng là con cái của Ngài, được yêu thương, được chăm sóc, được bảo vệ và đồng hành mỗi ngày, hơn nữa, họ được mời gọi sống ơn gọi phù hợp với khả năng của mình, thêm vào đó, họ còn được ban đủ ơn để ơn gọi đó sinh nhiều hoa thơm quả ngọt, và tất cả đều hướng về điểm đến cuối cùng là mọi người sẽ được vào Nước Trời, là con Thiên Chúa tình yêu. Thế nhưng, bao người cứ lầm tưởng ơn gọi tôi đang sống chưa phải là con đường nên thánh, chưa phải là một con đường đem lại nhiều lợi ích thiêng liêng cho bản thân và những người chung quanh, do đó, họ coi việc nên thánh giữa đời với bản thân là một việc xa xỉ, không thể xảy ra với tôi được. Chỉ một chút suy nghĩ chưa thấu đáo đó, mà dẫn tới nhiều giọt nước mắt đã rơi, từ những giọt nước mắt của Thiên Chúa khi thấy con cái ngài bỏ đường nhân đức, chạy theo những ảnh hưởng của tội lỗi và cái xấu, tiếp đến là đã làm cho bao người đau khổ chỉ vì bản thân thiếu sự cố gắng hoàn thiện ơn gọi, sau nữa là đánh mất cơ hội được ở lại trong gia đình của Thiên Chúa là Nước Trời.
 
Ơn gọi nào cũng thế, ơn ban từ trời luôn đủ và đong đầy trong mọi hoàn cảnh, sự cố gắng của con người luôn là điều Thiên Chúa lưu tâm. Cố gắng thay đổi trong suy nghĩ, cố gắng thay đổi trong trái tim, cố gắng thay đổi trong thái độ sống hàng ngày, là hơn nữa là cố gắng thay đổi trong cách nhìn tha nhân và sống với tha nhân. Các bậc tiền nhân của chúng ta đã được Thiên Chúa trọng thưởng với những vòng nguyệt quế vinh quang, các ngài vẫn hiệp thông với chúng ta trong mầu nhiệm các thánh cùng thông công, để nguyện cầu cho con người, cho con cháu, cho mọi người, đừng bao giờ xa lìa Thiên Chúa, đừng bao giờ bỏ Thiên Chúa, đi theo những lối nẻo dẫn tới diệt vong, các bậc tiền nhân luôn cầu bầu cho con cháu hãy trung thành với niềm tin của mình, hãy tín thác vào lòng nhân từ của Chúa, hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức và hết trí khôn của mình, còn lại mọi sự, ngài sẽ ban cho chúng ta khi những yếu tố đó đem lại nhiều lợi ích thiêng liêng cho bản thân và tha nhân.
 
Lạy Chúa, lời hứa cứu độ con người, Ngài đã thực hiện, Ngài còn hứa ban Nước Trời cho những ai khiêm tốn, chân thành, biết xót thương và biết xây dựng tình người, xin cho chúng con luôn biết cố gắng để cộng tác với ơn Chúa, chu toàn trách vụ của mình, góp phần xây dựng Nước Trời ở trần gian và cố gắng ở lại trong Nước Trời đó. Chúa đã trao tặng vòng hoa chiến thắng cho các Thánh Nam Nữ trên trời, xin Chúa nhận lời cầu bầu của các ngài, tha thứ cho những thiếu sót của con người, để họ biết hối cải, biết đứng lên trở về với một Thiên Chúa tình yêu, một người Cha nhân từ chỉ biết nhớ tên con và sẵn sàng quên mọi tội lỗi của con. Amen.


LỄ CÁC THÁNH (Mt. 5:1-12a)
Lm. Lã Mộng Thường

Một ông kia tuy nhà nghèo nhưng nuôi được con trâu cui rất mạnh khoẻ để cày ruộng và cày thuê cho những người trong làng làm nghề nông. Một buổi sáng sau khi sửa soạn phần cơm trưa và vác cày ra đến chuồng trâu thì con trâu đã biến mất. Qua cả tuần lễ đi đây đó tìm trâu mà không thấy ông tin chắc trâu đã bị mất trộm bởi nghĩ rằng “Lạc đàng theo chó, lạc ngõ theo trâu”, cho dù nó bỏ đi theo con trâu cái nào đó thì cũng nhớ đường về chuồng. Vừa tiếc trâu vừa lâm vào cảnh túng quẫn bởi không còn cách nào kiếm tiền chi tiêu trong gia đình, ông chỉ còn cách trình làng may ra cụ tiên chỉ và ban chỉ đạo làng giúp thêm ý kiến nào chăng. Tuy nhiên, khi gặp cụ tiên chỉ định nhờ cụ chỉ bảo phải trình báo theo thủ tục ra sao, vừa dợm tỏ bày nỗi đau xót mất trâu thì cụ tiên chỉ nói một câu khiến ông chưng hửng, “Thì từ nay bác sẽ không bị phiền vì mất trâu nữa”.

Bình thường nếu có ai trình bày về một vấn đề nào đó khác với lối nhận thức của những người đồng thời, chúng ta đều cho rằng người đó nói ngang hoặc coi rẻ những điều họ phát biểu. Thời kỳ Mỹ dự định phóng phi thuyền lên mặt trăng đã có những người mới nghe tin tức đã kết luận dự án đó chứng minh con người đòi cướp quyền của Thiên Chúa! Ngày xưa, Galileo sau khi đã tìm tòi, thí nghiệm, để rồi công bố thành quả nghiên cứu của ông đó là trái đất quay quanh mặt trời! và lời tuyên bố của ông không những đã bị bác bỏ mà ông còn bị cưỡng ép phải nói lên những lời phủ nhận thành quả nghiên cứu của mình. Suy đi, nghĩ lại, chúng ta hình như có đồng một tính chất giống như thánh Phaolô trước khi bị quật ngã ngựa trên đường Damascus. Bất cứ điều gì không phù hợp với quan niệm đã ăn sâu nơi tâm não, chúng ta đều đóng tai, bịt mắt không chấp nhận! trong khi quên rằng nếu không chịu mở rộng lòng để suy tư, nhận định những gì khác với quan niệm của mình thì ánh sáng chân lý dù chói lọi đến mấy chúng ta cũng không thể nào nhìn thấy.

Bài Phúc Âm được gọi là “Bài Giảng Trên Núi” đã hai ngàn năm qua vẫn bị coi thường, dẫu khi được nhắc đến, bất cứ ai cũng đều tỏ lòng thán phục theo kiểu a dua. A dua bởi thấy sách vở ca tụng, bởi mọi người ca tụng, và bởi không ca tụng thì e sợ có kẻ cho rằng mình không hiểu, không tin vào Lời Chúa, không tin vào Đức Giêsu, không tin nơi lời dạy dỗ của Ngài. Nói cho đúng, Bài Giảng Trên Núi nghịch lại với tất cả mọi lối sống, nghịch lại với tất cả những suy luận cũng như tâm lý thông thái bình thường của bất cứ ai. Nếu nói rằng chúng ta ca tụng Bài Giảng Trên Núi để học theo hay mơ ước học theo, lẽ tất nhiên chúng ta đã không theo, vì nếu đã áp dụng trong cuộc sống, chúng ta không cần phải ca tụng bởi chẳng lẽ sống theo Phúc Âm chúng ta lại áp dụng lối “Mèo khen mèo dài đuôi” dẫu rằng mèo có đuôi dài!

Cho dù nơi đầu mỗi câu đều được viết “Phúc cho kẻ!” nhưng bất cứ thực thể lối sống nào được đề nghị nơi Bài Giảng Trên Núi đều ngược lại với mong muốn bình thường của mọi người nếu chúng ta chỉ nghe sao biết vậy hoặc hiểu Lời Chúa theo nghĩa đen.

1/ Dùng tâm lý để suy luận mối phúc thật thứ nhất, “Những ai có tinh thần nghèo khó vì Nước Trời là của họ.” Nếu hiểu theo nghĩa đen, ai không ham tiền? Dẫu cho ai đó đã khá giả nhưng, “Nhà giầu ham việc, thất nghiệp ham ăn.” Và lẽ dĩ nhiên, càng nghèo càng ham tiền! do nào ai lạ gì, “Có tiền mua tiên cũng được.” Thế nên, người có tinh thần nghèo khó phải là kẻ giầu có nứt đố đổ vách bởi chúng ta chỉ mơ ước những gì chưa có hoặc có chưa đủ! Người giầu phải đối diện với quá nhiều sự phiền hà của sự giàu có nên mới có thể mơ ước niềm vui đơn thuần của người nghèo. Tuy nhiên, Phúc Âm dùng chữ nghèo để chỉ những ai theo đuổi cuộc sống tâm linh. Kinh nghiệm cuộc sống minh chứng, chỉ những người được sinh ra để giầu có mới có thể giầu có. Những ai, dù giầu hay nghèo nơi cuộc sống vật chất nhưng chú tâm suy nghiệm ý nghĩa, giá trị, và mục đích cuộc đời một người đều được gọi là người có tinh thần nghèo khó bởi chẳng kíp thì chầy học sẽ nhận ra được thực thể Nước Trời.

2/ Người nào nhận được thực thể Nước Trời sẽ nhận biết và nghiệm chứng được chính Thiên Chúa đang ngự trị và hoạt động nơi mọi người, mọi tạo vật. Vì vậy, đối xử với người, sử dụng tạo vật, họ đang trực tiếp đối diện với Thiên Chúa do đó tâm họ chất chứa đầy sự kính ngưỡng tạo nên thái độ hiền lành, khiêm nhu.

3/ Những ai đã nhận chân được sự hiện hữu của Thiên Chúa nơi mình, nơi mọi người đều cảm thấy đau lòng bởi sự vô minh đang đày ải con người. Tuy nhiên, sẽ đến thời điểm Tin Mừng Nước Trời được Thần Khí bày tỏ nơi mọi tâm hồn, khi ngày đó đến, những ai đã sớm thức ngộ sẽ được hưởng niền ủi an, vì ước mơ thánh thiện của họ đã thành đạt.

4/ Tất nhiên, nơi cuộc đời tranh sống, người công chính thường bị đau khổ khi đối diện với những nỗi bất công, nhưng vì nhận thực được bất cứ thành quả nào cũng phải trả giá, những nỗi bất công lại trở thành cơ may cho những ai sống đời công chính. Không có những cơ may là những điều bất công này, cuộc sống công chính của họ sẽ cũng không mang giá trị nào đáng kể.

5/ Bất cứ ai đã thức ngộ, lòng thương xót sẽ là điều khổ ải lớn lao đối với họ vì muốn không nghĩ tới cũng không được mà thực hiện giúp người khác nhận chân Tin Mừng Nước Trời sẽ bị phản kháng. Con người vô minh chạy theo thế tục làm tổn thương hành trình tâm linh, hành trình đức tin của họ nhưng muốn nói cho họ nhận biết, họ chẳng những không để ý mà còn nhạo cười vì những điều nên nhận thức đều chống nghịch lại tham vọng thế tục, hoặc những quan niệm nhận thức về Phúc Âm theo lối thị dục đã ám ảnh người đời quá nặng nề chẳng khác gì chiếc bì cũ bao bọc nhận thức của con người khiến tâm trí khó lòng vượt thoát. Nỗi đau của người thức ngộ khi nhận thấy con người vẫn còn chìm đắm nơi nhận thức hữu vi nhưng không cách nào giúp họ, được gọi là lòng thương xót.

6/ Chỉ những người nhận chân được thực thể Tin Mừng Nước Trời mới có thể có được lòng trong sạch bởi họ nhận biết được quyền lực của ý định, ước muốn, ước mơ chính là quyền lực của Thiên Chúa đang hoạt động! quyền lực đức tin. Nhận thức được Thiên Chúa ngự trị nơi mọi vật, mọi loài được gọi là nhìn thấy Thiên Chúa nơi tạo vật.

7/ Cũng thế, vì chúng ta đang đối diện với quyền lực hiện hữu tối thượng là chính Thiên Chúa nơi mọi vật, mọi loài nên sự ăn ở thuận hòa là lẽ tất nhiên cho những ai nghiệm chứng được thực thể Tin Mừng Nước Trời.

8/ Bất cứ ai đã nhận thức được thực thể Tin Mừng, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt. 1:23), cuộc đời hữu hình chẳng những là cơ hội cho họ thăng tiến nơi hành trình đức tin mà đồng thời cũng là công cuộc bách hại trường kỳ đối với họ. Dĩ nhiên, con người thì lầm lỗi do tinh thần thì sáng suốt nhưng thân xác lại nặng nề. Nhà tù thân xác không những giam hãm linh hồn mà luôn là cớ vấp phạm cho linh hồn.

9/ Đức Giêsu đã là đích điểm cho người ta ghen ghét vì đã không nói thuận chiều với ham muốn thị dục của con người. Chính chúng ta cũng không dễ chi nhận thức được những lời Ngài giảng dạy nơi Phúc Âm. Kinh nghiệm minh chứng, bất cứ ai dám chuyên chăm nghiệm chứng về Phúc Âm đều bị những tôn giáo lấy Phúc Âm làm chuẩn chẳng sớm thì chầy lên án. Điều này có thể minh chứng tại sao Phúc Âm có những câu khuyên răn lạ kỳ, “Hãy ở khôn như con rắn và đơn thuần như chim câu,” hoặc “Của thánh đừng cho chó, châu ngọc chớ quăng trước miệng heo kẻo chúng dày đạp dưới chân và quay lại cắn xé các ngươi,” dẫu Phúc Âm đã nêu lên câu nói nghịch thường, “Ai có tai thì nghe.”

Tóm lại, ai muốn nghiệm chứng Bài Giảng Trên Núi nên nhập tâm và cần kiên trì thực hành lời khuyên của thánh Phaolô như kết quả thực chứng của ngài, “Đừng dập tắt thần khí. Đừng khinh thị các ơn tiên tri. Hãy nghiệm xét mọi sự; điều gì lành hãy giữ lấy. Hãy kỵ điều dữ dưới mọi hình thức” (1Thes. 5:19-21), và rõ ràng hơn, ngài nhắc nhở, “Hãy coi chừng đừng để ai lấy cách vật trí tri làm mồi rỗng tuếch đánh bã anh em, thể theo truyền thống người phàm, thể theo nhân tố trần gian chứ không theo Đức Kitô” (Col. 2:8). Có điều, dẫu nơi Kitô giáo không ai có công trạng và nhận thức nghiệm chứng hơn Phaolô, nếu ai thực sự cố theo Đức Giêsu áp dụng phương pháp thực chứng Phaolô đề nghị để được thức ngộ nhờ Phúc Âm, người đó chắc chắn sẽ đạt tới lời khẳng định Đức Giêsu đã công bố, và đó là, sẽ bị khốn khổ vì theo Ngài. Phaolô bị bắt bớ đâu phải vì người vô thần nhưng do chính những người tuyên xưng tin vào Chúa, tin vào Đức Giêsu đã kết án ngài! chẳng khác gì Đức Kitô đã bị kết án bởi những người nhân danh Thiên Chúa! Amen.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây