Các Tổng lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel và Raphael
Ga 1, 47-51
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Các Tổng lãnh Thiên Thần Micae, Gábrien và Raphaen
Ca nhập lễ
Hãy chúc tụng Chúa, hỡi các Thiên Thần, dũng lực hùng anh, là những vị thi hành lời Chúa, hầu vâng theo mệnh lệnh Chúa truyền.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa là Ðấng thượng trí vô song, Chúa đã muốn cho Thiên thần và người thế cộng tác vào chương trình cứu độ. Xin cho các Thiên thần đang phục vụ Chúa trên trời cũng luôn luôn phù hộ chúng con ở dưới đất. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: Ðn 7, 9-10. 13-14
“Muôn muôn vàn kẻ chầu chực Người”.
Trích sách Tiên tri Ðaniel.
Tôi chăm chú nhìn mãi cho đến khi đặt xong các toà, và vị Bô Lão lên ngự trên toà; áo Người trắng như tuyết, tóc trên đầu Người tinh tuyền như lông chiên, toà của Người như ngọn lửa, các bánh xe như lửa cháy. Trước mặt Người có con sông lửa cuồn cuộn chảy như thác. Có hằng ngàn kẻ phụng sự Người và muôn muôn vàn kẻ chầu chực Người: Người ngự toà xét xử và các quyển sách đã được mở ra.
Trong một thị kiến ban đêm, tôi đã ngắm nhìn, và đây tôi nhìn thấy như Con Người đến trong đám mây trên trời, Ngài tiến đến vị Bô Lão, và người ta dẫn Ngài đến trước mặt vị Bô Lão. Vị này ban cho Ngài quyền năng, vinh dự và vương quốc. Tất cả các dân tộc, chi họ, và tiếng nói đều phụng sự Ngài: Quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu, không khi nào bị cất mất; vương quốc của Ngài không khi nào bị phá huỷ.
Ðó là lời Chúa.
Hoặc đọc: Kh 12, 7-12
“Michael và các thiên thần của ngài giao chiến với con Rồng”.
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.
Ðã xảy ra có đại chiến trên trời: Michael và các thiên thần của Ngài giao chiến với con Rồng. Con Rồng và các thiên thần phe nó nghinh chiến. Nhưng nó không có sức cự lại; chỗ của chúng không còn gặp thấy trên trời. Và nó bị xô nhào xuống, con Rồng lớn, con Rắn thái sơ, gọi là quỷ hay Satan, kẻ mê hoặc toàn thể thiên hạ. Nó đã bị xô nhào xuống đất, và các thiên thần phe nó cũng bị xô nhào xuống làm một với nó.
Và tôi đã nghe có tiếng lớn trên trời rằng: “Nay đã thành sự: toàn thắng, quyền năng, vương quyền của Thiên Chúa chúng ta, và quyền bính của Ðức Kitô của Người, vì nó đã bị xô nhào xuống, kẻ cáo tội anh em ta, kẻ tố cáo họ ngày đêm trước nhan Thiên Chúa. Và họ đã thắng được nó nhờ máu Chiên Con, và nhờ lời đoan chứng của họ, họ đã không ham sống sợ chết. Vì lẽ ấy, hãy hân hoan, hỡi các tầng trời, và các người ở nơi ấy!”
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 137, 1-2a. 2bc-3. 4-5
Ðáp: Lạy Chúa, trước mặt các thiên thần, con đàn ca mừng Chúa
Xướng: Lạy Chúa, con sẽ ca tụng Chúa hết lòng, vì Chúa đã nghe lời miệng con xin; trước mặt các thiên thần, con đàn ca mừng Chúa, con sấp mình thờ lạy bên thánh điện Ngài.
Xướng: Và con sẽ ca tụng uy danh Chúa, vì lòng nhân hậu và trung thành của Chúa. Khi con kêu cầu, Chúa nhậm lời con; Chúa đã ban cho tâm hồn con nhiều sức mạnh.
Xướng: Lạy Chúa, các vua địa cầu sẽ ca ngợi Chúa, khi họ nghe những lời miệng Chúa phán ra; và họ sẽ ca ngợi đường lối Chúa: “Thực vinh quang của Chúa lớn lao!”
Alleluia: Tv 102, 21
Alleluia, alleluia! – Hãy chúc tụng Chúa đi, chư binh toàn thể, chư vị thần hạ thừa hành ý muốn của Chúa. – Alleluia.
Phúc Âm: Ga 1, 47-51
“Các ngươi sẽ thấy các thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu thấy Nathanael đi tới Mình, thì nói về ông rằng: “Ðây thật là người Israel, nơi ông không có gì gian dối”. Nathanaen đáp: “Sao Ngài biết tôi?” Chúa Giêsu trả lời rằng: “Trước khi Philipphê gọi ngươi, lúc ngươi còn ở dưới cây vả, thì Ta đã thấy ngươi”. Nathanael thưa lại rằng: “Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel”. Chúa Giêsu trả lời: “Vì Ta đã nói với ngươi rằng: Ta đã thấy ngươi dưới cây vả, nên ngươi tin. Ngươi sẽ thấy việc cao trọng hơn thế nữa”. Và Người nói với ông: “Thật, Ta nói thật với các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và các thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, chúng con khiêm nhường dâng lên Chúa của lễ này để cảm tạ tri ân. Ðây là của lễ được các Thiên thần đem lên trước Tôn Nhan vinh hiển. Ước chi của lễ này được Chúa thương chấp nhận và đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin…
Lời tiền tụng các Thiên Thần
Ca hiệp lễ
Lạy Chúa, tôi sẽ ca tụng Chúa hết lòng, trước mặt các Thiên Thần, tôi đàn ca mừng Chúa.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa đã lấy bánh bởi trời nuôi dưỡng chúng con, và ban cho chúng con nguồn sinh lực mới. Ước gì chúng con lại được các Thiên thần hỗ trợ và chúng con sẽ vững vàng tiến bước trên đường dẫn tới ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
Bài giảng: Lễ Các Tổng Lãnh Thiên Thần - Bổn mạng Ban VHTT - BMT
Lm. Antôn Vũ Thanh Lịch -Trưởng Ban VHTT - BMT
Phụng vụ hôm nay cử hành lễ tôn kính ba vị Tổng Lãnh Thiên Thần, những vị đã được tôn kính trong suốt lịch sử Giáo Hội.
* Thứ nhất là Đức Micae (Mica-el), nghĩa là “Ai bằng Thiên Chúa”.
* Tổng lãnh Thiên thần thứ hai là Gabriel, một vị có liên hệ gần với mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa (Lc 1, 19 : 26). Danh xưng của Ngài có nghĩa là “Sức mạnh của tôi là Thiên Chúa”.
* Tổng lãnh Thiên Thần thứ ba là Raphael, có nghĩa là “Thiên Chúa chữa lành” (linh dược của Thiên Chúa). Ngài chăm lo cho Tôbia con, trong cuộc hành trình đi kiếm người bạn trăm năm là Sara. Khi suy tư về sứ mạng của Raphael đối với Tôbia, chúng ta hiểu về câu Kinh Thánh trong thư Do-thái nói về các Thiên thần mà chúng ta tôn kính hôm nay: Nào tất cả các vị đó, không phải là những bậc thiêng liêng chuyên lo phụng thờ Thiên Chúa, được sai đi phục vụ mưu ích cho những kẻ sẽ được hưởng ơn cứu độ sao? (Hip 1, 14).
Các thiên thần gần gũi với chúng ta nên trong phụng vụ hôm nay, oremus: Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, Chúa đã hướng dẫn công việc của các thiên thần và người ta một cách kỳ diệu, xin cho những vị hằng phụng sự Chúa trên trời, cũng gìn giữ đời sống chúng con được an toàn khỏi mọi nguy hại ở đời này (lời nguyện nhập lễ).
Chúng ta nhận được vô vàn phù trợ từ các Tổng Thần và các Thiên Thần bản mệnh (những vị mà chúng ta mừng kính tôn vinh vào ngày 02.10): Sự hiện hữu của các thiên thần là một chứng cứ về sự quan tâm hiền phụ của Thiên Chúa dành cho chúng ta là con cái của Người.
1. Tổng lãnh Thiên Thần Micae giúp chống lại quỉ dữ
Bài đọc I trong thánh lễ mô tả cuộc giao chiến giữa Tổng Thần Micae với con mãng xà. Con mãng xà bị thua và bị tống ra ngoài. Đó là con rắn xưa, mà người ta gọi là satan hay ma quỉ. Tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ. Các giáo phụ giải thích và hiểu đó là cuộc chiến satan dấy lên chống lại Thiên Chúa và Giáo Hội. Cuộc chiến ấy kéo dài cho đến ngày tận thế (Thánh Gregorio Cả, Moralia 31, 12).
Thời Chúa Giêsu, đã xuất hiện một quyền lực vô hình rất mạnh. Nó khống chế nhiều người. Nó biến chất các lề luật đạo đức. Nó đối đầu với chính Chúa Giêsu. Nó cản phá công trình cứu chuộc của Đấng Cứu Thế. Nó ngăn chặn việc phát triển Nước Trời.
Quyền lực vô hình đó là satan và bè lũ. Quỷ satan là một quyền lực hung dữ, thông minh, mưu kế giỏi. Ta hãy xem nó cám dỗ Chúa một cách khôn khéo, vừa dựa vào Thánh Kinh vừa rất hợp lý… Nó ranh ma lôi kéo được mấy nhà lãnh đạo tôn giáo vàâ cả quần chúng có đạo nhất trí đồng tâm xin giết Chúa Giêsu (Lc 23, 13 - 25).
Quỉ satan cũng là một quyền lực phá hoại bền vững, ráo riết, luôn gieo cỏ lùng, sự ác… Nó đào tạo nhiều kẻ thông luật nên người đạo đức, nhưng đạo đức giả. Làm các việc đạo đức bình thường nhưng với mục đích phô trương… Quỉ xúi những người nổi tiếng làm những việc phi thường, nhưng do ý riêng mình. Quyền lực của quỉ như thế là cực kỳ mạnh. Chính Chúa Giêsu cũng đã nói với thượng tế, lãnh binh đền thờ… đến bắt Người một câu, như khẳng định quyền lực của satan đã đến giờ thắng thế: “ Đây là giờ của các ông và quyền lực của tối tăm” (Lc 22, 53) (ĐGM. Bùi Tuần, tuần báo CGDT số 1927. tr. 12).
2. Tổng Lãnh Thiên thần Gabriel
Danh xưng Gabriel có nghĩa là “Đầy tớ của Thiên Chúa”, hoặc “Thiên Chúa đã tỏ sức mạnh”. Ngài xuất hiện như nhân vật đem Tin Mừng (J Dheilly, Biblical Dict. 1970).
Trước tiên, Ngài đã được Thiên Chúa ủy thác sứ mạng đem Tin Mừng trọng đại nhất, đó là Tin Mừng Ngôi Lời nhập thể. Thánh Bernađô nhận định: trong tất cả các Thiên Thần, Gabriel đã được coi là vị xứng đáng loan báo những chương trình của Thiên Chúa cho Đức Mẹ, và đón nhận lời Fiat của Mẹ. Lời chào của Đức Tổng Thần rất giản dị và đầy ý nghĩa. Lời chào: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc”, đã trở nên quen thuộc và lâu đời nhất của các tín hữu. Tổng Thần Gabriel có liên hệ với các sứ điệp về Đấng Cứu Thế, và sự xuất hiện của Ngài trong Thánh Kinh, là dấu chỉ thời gian đến hồi viên mãn. Trước đó, Ngài đã được sai đến với ngôn sứ Daniel để tiên báo thời kỳ Đâng Cứu Thế sẽ đến (Dn 8, 1 5-26); 9, 20-27), và đến với ông Giacaria để tiên báo Gioan Tẩy giả chào đời.
Tổng Lãnh Thiên thần Gabriel đã nêu lên ba lý do cho ông Giacaria để vui mừng khi vị Tiền Hô chào đời.
- Thiên Chúa ban cho con trẻ ấy ân sủng và sự thánh thiện phi thường.
- Con trẻ ấy sẽ là khí cụ cho ơn Cứu độ.
- Toàn bộ cuộc đời con trẻ sẽ được hiến dâng để chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế đến.
Với ba lý do đó, Tổng Thần Gabriel đã nói với ông Giacaria: Ta là Gabriel đứng chầu trước nhan Chúa. Ta được sai đến để nói với ngươi và đem cho ngươi tin vui này…” (Lc 1, 19-20). Từ hai trường hơp tiên báo ông Gioan Tẩy giả chào đời và Hài Nhi Giêsu sinh ra, đem niềm vui tràn đây đến cho gia đình Glacaria, và Đức Mẹ, ta có thể nói rằng: Tin báo các con trẻ chào đời, bao giờ cũng là tin vui. Lý do là vì Thiên Chúa trực tiếp can thiệp vào sự tạo dựng con ngươi, bằng cách ban cho họ một linh hồn bất tử. Tổng Thần Gabriel đã nói với ông Giacaria: Ngươi sẽ vui mừng hoan hỉ, và nhiều người cũng sẽ vui mừng vì con trẻ được sinh ra… Thánh Ambrôsiô đã chú giải trình thuật rất hay: Qua bản văn này, các bậc cha mẹ được nhắc bảo cho biết bổn phận của họ là phải tạ ơn Thiên Chúa, và các Thánh cũng được mời gọi hãy vui mừng vì con cháu các Đấng được chào đời… (Thánh Ambrôsiô, in catena aurea V p. 22). Đàng khác, mỗi con trẻ chào đời đều mang theo một mục đích linh thánh.
3. Tổng Lãnh Thiên thần Raphael
Chúng ta biết về Đức Tổng Thần Gabriel chủ yếu là nhờ câu chuyện ông Tobia, một trình thuật rất có ý nghĩa về việc Thiên Chúa ủy thác cho các Thiên Thần trong việc chăm sóc loài người. Bởi vì chúng ta lúc nào cũng cần sự canh chừng, săn sóc và bảo vệ.
Thánh Kinh kể lại Tôbia con chuẩn bị lên đường: ông đã gặp được người bạn là Raphael. Trong cuộc hành trình gian khổ, Tôbia đã cảm nghiệm được sự bảo vệ của người bạn ấy. Raphael đã dẫn người thanh niên tốt phúc ấy đến nhà người thân là Raguel. Ông này có một ái nữ xinh đẹp tên là Sara, mà sau đó, Tôbia đã lấy làm vợ. Người bạn đồng hành ấy còn xua trừ ác quỉ cho cô dâu. Về sau, còn chữa chứng mù lòa cho ông Tôbia cha nữa. Vì vậy, Đức Tổng Thần Raphael được tôn nhận là quan thầy của những người lữ hành, và những người yếu bệnh hồn xác.
Cuộc đời là một hành trình mà đích đến là Thiên Chúa. Để đạt đến đích điểm ấy, chúng ta cần sự trợ giúp, bảo vệ vâ chỉ dẫn. Bởi vì chúng ta sẽ gặp nhiều nguy hiểm… Vì thế, chúng ta nên cầu xin và tin tưởng vào sự phù trợ của Tổng Thần Raphael, Đấng sẽ chỉ dẫn cho những ai muốn tìm biết những gì Thiên Chúa đang trông chờ nơi họ. Điều đó có nghĩa là mỗi người có một ơn gọi, và chúng ta phải sáng suốt quyết định, nhờ sự hướng dẫn của Tổng Thần Raphael, người bạn đồng hành thân thiết ân cần.
4. Ba Tổng Lãnh Thiên thần có mối quan hệ nào với công tác Truyền Thông? Hay là tại sao ta nhận Ba Tổng Thiên Thần làm bổn mạng?
Như chúng ta đã biết, các hoạt động của ma quỉ núp dưới các hình thức và phương tiện truyền thông đại chúng hôm nay, như: Sách báo, phát thanh, truyền hình, điện thoại, fax (phát nhanh) các trang điện tử (wesite), quảng cáo, hội họa, âm nhạc, kịch nghệ, sân khấu, v.v… Các phương tiện truyền thông xã hội này mỗi ngày được cập nhật hóa, tinh vi, mau lẹ và rất hiệu quả, để phổ biến những điều gian dối, phi luân, bạo lực... Nội dung là sự ác dưới mọi hình dáng xinh đẹp, lôi cuốn, làm băng hoại nhiều thế hệ thanh thiếu niên và cộng đồng... Các phương tiện ấy do các thế lực ma quỉ điều khiển, sử dụng để chống lại Thiên Chúa và các giáo huấn của Giáo Hội. Phổ biến, tuyên truyền một thứ luân lý đạo đức tương đối... không dựa vào một tiêu chuẩn, nguyên tắc luân lý thường hằng nào.
Tổng lãnh Thiên thần Micae sẽ đứng về phía đội ngũ những chiến sĩ chống lại sự ác. Và tương kế tựu kế, chúng ta cũng sẽ dùng các phương tiện xã hội của thời đại hôm nay để đánh phá, hóa giải ảnh hưởng của sự ác, và mạnh dạn công bố Tin Mừng Cứu độ.
Như Tổng lãnh Thiên thần Gabriel, chúng ta cũng là những “thiên thần” đem tin vui cho gia đình và thế giới từ chỗ đứng của chúng ta trong xã hội.
Cùng với Ngài, ta mạnh dạn loan báo văn hóa sự sống. Vì sự sống là quà tặng Chúa ban. Trong nền văn minh hưởng thụ, người ta tôn sùng thân xác, đề cao những tiện nghi vật chất hơn là niềm vui đưa thêm những con trẻ vào cuộc sống, và giáo dục chúng trở nên những công dân Nước Trời.
Đứng trước thực trạng xã hội có nhiều dấu chỉ bi quan, tiêu cực, chúng ta là con cái sự sáng cương quyết không để bị thua trước tấn công của các thế lực tối tăm.
Còn Tổng lãnh Thiên thần Raphael? Ngài là bạn của những người lữ hành, là thày thuốc chữa bệnh tật hồn xác. Như trường hợp ông Tôbia cha, bị mù, Ngài đã lấy gan cá đốt thành than, chữa cho ông sáng mắt. Chung quanh chúng ta, rất nhiều người, tuy có hai con mắt sáng, nhưng lại mù lòa về chân lý, về đức tin... do cố chấp, kiêu căng, ngạo mạn, cuồng tín nô lệ vào một hệ ý thức, một tôn giáo. Tiêu biểu là những biệt phái mà Chúa đã phiền trách nặng nề... “Các ông thấy cái rác nơi con mắt người khác, còn cái xà trong con mắt các ông, các ông lại không thấy?”
Chúng ta đang sống trong một thế giới mà môi trường bị ô nhiễm trầm trọng. Không chỉ ô nhiễm môi trường vật chất, mà nhất là ô nhiễm môi trường tinh thần, gây nên nhiều bệnh tật thể lý cũng như tâm linh... Những người là công tác Văn Hóa Truyền thông có trách nhiệm giải độc, chữa trị bằng ngòi bút và các phương tiện truyền thông đại chúng của thời đại hôm nay.
Các bạn thân mến?
Mọi thụ tạo do Chúa dựng nên, kể cả những sản phẩm con người sáng chế, phát minh đều tốt đẹp. Nhưng chúng cũng mang tính lưỡng diện: tích cực và tiêu cực, tốt và xấu; vì con người sử dụng và điều khiển có tự do.
Nhờ ơn phù trợ của ba Tổng lãnh Thiên thần và Chân phước Joan Paulo II - vị Giáo hoàng truyền thông của “thời đại mới” (Novae Eatatis) sẽ được tôn phong hiển thánh nay mai, chúng ta hiên ngang đứng trong hàng ngũ đội quân đối đầu với các thế lực ma quỷ, núp dưới hình hài các phương tiện khoa học kỹ thuật, chống lại Thiên Chúa và Giáo hội. Hơn bao giờ hết, chúng ta ý thức tầm quan trọng và sự lợi hại của các phương tiện truyền thông hiện đại, để biết khôn ngoan sử dụng, nhằm xây dựng vương quốc công chính, bình an và hoan lạc (Rm 14, 17).
Ghi nhận lịch sử – phụng vụ
Trước cải tổ phụng vụ, các tổng lãnh thiên thần Michel, Gabriel và Raphael được mừng kính lần lượt vào các ngày 29 tháng chín, 24 tháng 3 và 24 tháng mười, hiện thời cùng mừng chung ngày 29 tháng chín, ngày kỷ niệm lễ cung hiến một đại giáo đường kính thánh Michel ở thế kỷ IV, trong một miền quê Roma nhưng ngày nay không còn. Việc tôn kính các tổng lãnh thiên thần Michel, Gabriel và Raphael đã được Công đồng Latran năm 745 chấp thuận, dưới sự chủ tọa của Đức giáo hoàng Zacharie. Và thế là người ta phân biệt các ngài với các thiên thần chỉ có tên trong các “ngụy thư” được tôn kính ở phương Đông là Uriel, Salathiel, Jébudiel và Barachiel.
Michel (trong tiếng Do thái là Mika’el, “ai bằng Thiên Chúa?”) được nhắc đến trong sách Đaniel (10,13.21; 12,1) thư Giuđa (1,9), còn sách Khải Huyền (12,7 …) mô tả cuộc chiến do tổng lãnh thiên thần Michel và các tổng lãnh Thiên thần chống lại con Rồng và các thiên thần của nó.
“Con Mãng xà … mà người ta gọi là ma quỷ hay Satan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ, nó bị tống xuống đất, và các thiên thần của nó cũng bị tống xuống cùng nó” (12,9).
Việc tôn kính thánh Michel được phát triển trên núi Gargan miền Pouilles (Italia) từ thế kỷ XI, đặc biệt sau lần người Lombards chiến thắng Sarrasins trong thế kỷ XII, gần Siponto mà người ta nói là nhờ sự bảo vệ của tổng lãnh thiên thần Michel. Tu viện nổi tiếng trên núi Saint-Michel ở Pháp là một trung tâm phát triển lòng sùng kính thánh Michel và, từ năm 966, sau khi có các tu sỹ Biển đức đến tại đây, nhà dòng trở thành một trong những trung tâm hành hương nổi tiếng nhất.
Gabriel (tiếng Do thái Gabri’el, “người của Chúa”, hoặc “Chúa là sức mạnh của tôi”) là tên riêng gọi một thiên thần xuất hiện lần đầu tiên trong sách Đanien (8,16; 9,21) trong một sứ vụ thiên thần truyền tin. Trong Tân ước, Gabriel là sứ giả được Chúa sai (Lc 1,19.26) loan báo việc Gioan tẩy giả sinh ra (Lc 1,11 – 20) và báo việc Đức Giêsu sinh ra từ Mẹ đồng trinh (Lc 1,26 – 28 ). Được tôn kính là tổng lãnh thiên thần từ thế kỷ II, thánh Gabriel được Giáo hội Syrie xem là đứng đầu các thiên thần.
Raphael (tiếng Do thái Repa’el, “Thiên Chúa chữa lành”) là tên một thiên thần chỉ xuất hiện trong sách Tobia (3,17). Raphael đồng hành với Tobia, giúp công việc thành công (5,12s), chửa Tobia cha hết mù, cứu Sara khỏi tay ma quỉ. Raphael là một trong 7 thiên thần đứng trước vinh quang Chúa (12,15), dâng lên Chúa lời cùng của những người thánh thiện cũng như việc lành của họ.
Thông điệp và tính thời sự
Các lời nguyện và kinh tiền tụng trong sách lễ minh họa sứ mệnh của các “sứ giả này được sai đi phục vụ điều thiện hảo cho những kẻ sẽ được thừa hưởng ơn cứu độ” (Dt 1,14).
Lời nguyện trong ngày nói đến chức năng các thiên thần ở trần gian là bảo vệ con người và, trên trời, luôn phụng sự trước mặt Chúa. cùng với các vị khác, thánh Michel là Đấng bảo vệ dân được Chúa chọn (Đn 10,13.21; 12,1) . Thư Giuđa nói rằng thánh Michel bàn cãi và tranh luận với quỷ về thi hài ông Môsê (1,9).
Chức năng của các thiên thần cũng được minh họa bằng bài giảng của thánh Grégoire Cả trong phụng vụ bài đọc, thánh nhân nói rằng chính tên các Ngài nói lên chức năng của mình: “Các ngài chỉ là thiên thần khi đưa tin. Người ta gọi là thiên thần những vị đưa tin ít quan trọng và tổng lãnh thiên thần các vị báo những biến cố quan trọng hơn”.
Lời nguyện trên lễ vật đề cao một khía cạnh khác trong sứ mệnh các thiên thần là trung gian giữa thiên Chúa với loài người. Chính vì các ngài mang lễ hy tế tạ ơn lên trước vinh quanh Thiên Chúa. Vì thế lễ qui Roma giúp chúng ta cầu nguyện: “Xin thiên thần mang lễ vật hiến tế lên trước bàn thờ vinh quang Chúa ...”. Truyền thống tin rằng các thiên thần vẫn liên kết với con người trong việc thờ phượng Chúa (xem Kh 8,3 –5).
Lời nguyện tạ lễ nhấn mạnh ý nghĩa của thánh thể là lương thực đi đường cho người tín hữu, được tiên báo qua chiếc bánh ngôn sứ Êlia nhận được từ thiên thần và nâng đỡ ông tới núi Hô-rép (1 V 19,5).
Sau hết, lễ các tổng lãnh thiên thần Micael, Gabriel và Raphael nhắc chúng ta rằng phụng vụ trần thế của chúng ta liên kết với phụng vụ các thiên thần cử hành trên trời: “Cùng với muôn vàn thần thánh thờ phụng Chúa trên trời qua Đức Kitô Chúa chúng con, chúng con ca ngợi Chúa dưới trần gian này…” (kinh tiền tụng lễ hôm nay). Chính là trước mặt Chúa Giêsu đó, Đấng chúng ta tuyên xưng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết rằng “các thiên thần thán phục” (kinh tiền tụng 1 lễ Chúa thăng thiên).
Enzo Lodi
Các Tổng lãnh Thiên thần
Phêrô Phạm Văn Trung biên tập
Kinh thánh chỉ nêu tên Gabriel, Michael và Raphael. Từ Tổng lãnh Thiên thần (archangel) bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp αρχάγγελος. Archangelos = αρχ– (arch-) (“đầu tiên, bậc nhất, thủ lĩnh”) và άγγελος (angelos) (“người đưa tin”).
Thế giới thiên thần rất bí ẩn và có thể gây nhầm lẫn cho con người chúng ta. Chúng ta thường không nhìn thấy các thiên thần bằng mắt của mình, mặc dù nhiều nhân vật trong Kinh thánh được ghi lại là đã nhìn thấy các vị ở dạng có thân xác.
Đặc biệt, nhiều người hỏi: “Có bao nhiêu tổng lãnh thiên thần trong Kinh thánh?”
Kinh thánh chỉ cho biết tên của ba thiên thần thuộc hạng “tổng lãnh thiên thần”.
Đó là:
Michael “Bấy giờ, có giao chiến trên trời: thiên thần Michael và các thiên thần của người giao chiến với Con Mãng Xà. Con Mãng Xà cùng các thiên thần của nó cũng giao chiến”.(Khải huyền 12:7)
Gabriel “Tôi là Gabriel, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, tôi được sai đến nói với ông và loan báo tin mừng ấy cho ông”. (Luca 1:19)
Tuy nhiên, trong sách Tôbia, khi Thánh Raphael tiết lộ danh tính của mình, tổng lãnh thiên thần nói,“Tôi là Raphael, một trong bảy thiên thần đứng và phục vụ trước Vinh quang của Thiên Chúa” (Tôbia 12:15).
Điều này khiến nhiều người tin rằng có bảy vị tổng lãnh thiên thần. Con số này cũng xuất hiện trong Sách Hípri, một văn bản cổ của người Do Thái không được chấp nhận là kinh điển trong cả Kinh thánh Do Thái hay Kinh thánh Công giáo.
Vì một số giáo hội Kitô giáo, ví dụ như Chính thống giáo, chấp nhận bảy tổng lãnh thiên thần: Michael, Gabriel, Raphael, Uriel, Salathiel, Jébudiel và Barachiel là “chính thức”, nên một số người Công giáo cũng có lòng sùng kính đối với cả bảy vị tổng lãnh thiên thần kể cả bốn vị ngoài Kinh thánh này. Giáo hội Công giáo đã nói rất rõ ràng rằng điều này là nguy hiểm về mặt tâm linh.
Trong Danh mục về lòng đạo đức bình dân, Giáo hội tuyên bố, “Việc gán tên cho các Thánh Thiên thần không nên được khuyến khích, ngoại trừ trường hợp của Gabriel, Raphael và Michael, là những vị có tên trong Kinh Thánh.”
Kinh thánh là danh sách cuối cùng của chúng ta về các tổng lãnh thiên thần. Là người Công giáo, chúng ta chỉ biết đến ba tên nhất định của các thiên thần của Thiên Chúa. Bất kỳ tên nào khác đều bị nghi ngờ vì nó không phải là một phần của sự mặc khải thần linh.
Điều này không có nghĩa là chỉ có ba tổng lãnh thiên thần. Kinh thánh nói rõ rằng có thể có “hàng ngàn” thiên thần hoặc “vô số” thiên thần, như Thánh Luca đã đề cập lúc Chúa Giêsu giáng sinh,“Và bỗng đâu đến hợp đoàn với thiên thần, có đoàn lũ cơ binh trên trời ngợi khen Thiên Chúa” (Luca 2:13).
Sự sáng tạo của Thiên Chúa không chỉ giới hạn trong ba vị tổng lãnh thiên thần, nhưng đồng thời chúng ta cũng không nên phát triển lòng sùng kính đối với các thiên thần không được Lời Chúa xác nhận.
Phụng vụ mừng lễ ba vị tổng lãnh thiên thần được tôn kính theo truyền thống của Giáo hội. Theo Nghi thức Đặc biệt trong Sách Lễ Rôma năm 1962 của Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, 29 tháng 9 là lễ Thánh Micae. Trước khi cải tổ phụng vụ theo Công Đồng Vaticanô II, Lễ Thánh Gabriel được cử hành vào ngày 24 tháng 3 và lễ Thánh Raphael vào ngày 24 tháng 10.(1) Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã dạy một bài giáo lý về các Thiên thần trong các buổi Tiếp kiến Chung của ngài từ ngày 9 tháng 7 đến ngày 20 tháng 8 năm 1986. Thánh Giáo Hoàng nói: “Theo sách Khải Huyền, các thiên thần tham gia vào sự sống của Ba Ngôi trong ánh sáng vinh quang cũng được kêu gọi để đóng vai trò của họ trong lịch sử cứu rỗi con người, trong những khoảnh khắc được Thiên Chúa Quan phòng thiết lập. Tác giả của Thư Hípri (1:14) hỏi: “Hết thảy họ lại không phải là những thần phục dịch được sai đi giúp đáp vì phần ích những kẻ thừa hưởng ơn cứu rỗi đó sao?”
Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo số 328 – 330 dạy chúng ta rằng, “Sự hiện hữu của các hữu thể thiêng liêng, không có thể xác, mà Thánh Kinh quen gọi là các thiên thần, là một chân lý đức tin. Thánh Kinh và Thánh Truyền đều nhất trí như thế”.
Thánh Augustinô nói: “Thiên thần” chỉ chức năng chứ không chỉ bản tính. Xét về bản tính là “thuần linh”. Xét về chức năng là “thiên thần”. Theo hữu thể, là thuần linh; theo hành động, là thiên thần; được tạo ra, ở một thứ bậc cao hơn con người, thiên thần không có cơ thể và không phụ thuộc vào vật chất để tồn tại hoặc hoạt động. Các vị khác với những vị thánh, mà con người có thể trở thành.
Tự bản thể, các thiên thần là những tôi tớ và sứ giả của Thiên Chúa. Vì các ngài hằng chiêm ngưỡng “Thánh Nhan Cha Ta ở trên trời” (Mt 18,10), nên các vị là “những người đi thực hiện Lời Chúa, sẵn sàng phụng lệnh Người”, “Hãy chúc tụng Yavê, hỡi các thần sứ của Người, những anh hùng dũng mạnh làm theo lời Người, sẵn vâng tiếng Người phán ra. Hãy chúc tụng Yavê, hỡi các cơ binh của Người, tôi trung tùng phục ý Người” (Thánh vịnh 103,1,15). Với tư cách là thụ tạo thuần linh, các ngài là những thụ tạo có ngôi vị creaturae personalis (Piô XII: Denzinger 3891)(2) có trí năng, ý chí và bất tử, “Vì chưng họ không thể chết nữa, bởi họ được như thiên thần và nên con cái Thiên Chúa, một khi đã là con cái của sự sống lại” (Luca 20,36). Các ngài hoàn hảo hơn mọi thụ tạo hữu hình. Vinh quang rực rỡ của các ngài minh chứng điều ấy, “Tôi nghe tiếng lời ngài. Vừa nghe tiếng lời ngài, tôi đã chết điếng, dập mặt xuống đất. Và này, một bàn tay đụng đến mình tôi, tôi giật nảy, tôi chỗi dậy trên đầu gối …Trong khi ngài nói với tôi lời ấy, thì tôi đã đứng dậy mà cứ run cầm cập.” (Đaniel 10,9-11).
Tổng lãnh thiên thần Michael
Tổng lãnh thiên thần Michael, được đề cập trong Sách Đanien, “Và này Michael, một trong các tướng hàng đầu đã đến trợ lực với ta…. Và không có một ai tăng sức cho ta đấu với các vị ấy, trừ phi là Michael, (thần sứ) tướng của các ngươi” (Đaniel 10,13.22) và trong Khải huyền của Thánh Gioan (Khải huyền 12.7), là hoàng tử của các thiên thần, chiến thắng Satan trong trận chiến của thời kỳ cuối cùng.
Tên của tổng lãnh thiên thần Michael, trong tiếng Do Thái có nghĩa là ai giống như Thiên Chúa? Ngài thường được hình dung như một chiến binh mạnh mẽ, mặc áo giáp và đi dép.
Tên của ngài xuất hiện trong Kinh thánh bốn lần, hai lần trong Sách Đanien, một lần trong Thư thánh Giuđa và một lần Sách Khải huyền. Từ sách Khải Huyền, chúng ta biết về trận chiến trên thiên đường, Thánh Michael và các thiên thần của ngài chiến đấu với Lucifer và các thiên thần sa ngã khác (hoặc ác quỷ).
Tổng lãnh thiên thần Gabriel
Tên của Tổng lãnh thiên thần Gabriel có nghĩa là “Chúa là sức mạnh của tôi”. Trong Kinh thánh, ngài xuất hiện ba lần với tư cách là một sứ giả. Ngài đã được cử đến Đaniel để giải thích thị kiến liên quan đến Đấng Mêsia, Và tôi nghe có tiếng người giữa (sông) Ulai; tiếng ấy gọi lớn và nói: “Gabriel, hãy cho người này hiểu thị kiến!” (Daniel 8:16), “trong lúc cầu kinh, tôi còn đang nói, thì Gabriel, người mà tôi đã thấy trong thị kiến ban đầu, đã vụt bay đến kề bên tôi vào lúc dâng của lễ ban chiều” (9:21). Ngài hiện ra với ông Dacaria khi ông đang dâng hương trong Đền thờ, để báo trước sự ra đời của con trai ông, Thánh Gioan Tẩy giả, “Thiên thần Chúa đã hiện ra cho ông, đứng bên hữu hương án….Ta là Gabriel, kẻ chầu hầu trước mặt Thiên Chúa, ta đã được sai đến nói với ngươi và đem tin mừng này cho ngươi!” (Luca 1,11-19). Tổng lãnh Gabriel được biết đến nhiều nhất là thiên thần được Thiên Chúa chọn làm sứ giả Truyền tin, loan báo cho nhân loại biết mầu nhiệm Nhập thể, “Tháng thứ sáu, thiên thần Gabriel được Thiên Chúa sai đến một thành xứ Galilê, tên là Nazarét, tới cùng một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Yuse, thuộc nhà Ðavít, và tên trinh nữ là Maria” (Luca 1, 26-27).
Lời chào của Tổng thiên thần Gabriel đối với Đức Mẹ, đơn giản nhưng đầy ý nghĩa, “Vui lên! Hỡi Ðầy ơn phúc! Chúa ở cùng người!” (Luca 1, 28), đã trở thành lời cầu nguyện Ave Maria, Kính mừng Maria, thường xuyên và quen thuộc của mọi người Kitô hữu.
Tổng lãnh thiên thần Raphael
Hiểu biết của chúng ta về Tổng lãnh thiên thần Raphael đến từ sách Tôbia, “Và Raphael đã được sai đến chữa lành cả hai: giựt khỏi mắt Tôbit những vệt trắng, để ông được thấy tận mắt ánh sáng của Thiên Chúa – và ban Sara, con gái Raguel cho Tôbia con của Tôbit làm vợ và giải thoát nàng khỏi quỉ dữ Asmôđê” (3, 17). “Và cũng vậy, Thiên Chúa đã sai ta đến chữa lành ngươi và Sara con dâu ngươi. Ta là Raphael, một trong bảy vị Thần sứ hằng túc trực để vào trước vinh quang Chúa” (12,15).
Nhiệm vụ của ngài như một người chữa bệnh tuyệt vời và đồng hành cùng Tôbia trẻ đã khiến ngài được mời gọi cho những cuộc hành trình và vào những thời điểm quan trọng trong cuộc sống. Truyền thống cũng cho rằng Raphael là thiên thần khuấy động nước tại hồ nước nuôi cừu chữa bệnh ở Bethesda. Tên của ngài có nghĩa là “Chúa đã chữa lành”.
Không giống như chúng ta, các thiên thần là những đấng thiêng liêng thuần khiết và không có bất cứ gì là vật chất. Các ngài không có cánh, thân xác hoặc gươm kiếm. Các Tổng Lãnh Thiên Thần được giao phó công việc giao tiếp và đưa những sứ điệp quan trọng cho con người. Các Tổng Lãnh Thiên Thần có thể bảo vệ chúng ta khỏi sự dữ. Thánh Micae và các thiên thần có quyền lực trục xuất Satan ra khỏi một nơi chốn.
Các Tổng Lãnh Thiên Thần vẫn hiện hữu ngày nay. Thiên Chúa đã tạo dựng các thiên thần bất tử và các vị sẽ không bao giờ ngưng hiện hữu, cho đến muôn đời.
Lạy Chúa Giêsu, Đấng Cứu Chuộc cực thánh của chúng con, chúng con xin Chúa ban phúc cho ngôi nhà của chúng con, gia đình chúng con, mọi người trong gia đình chúng con. Xin bảo vệ chúng con khỏi mọi sự dữ.
Thánh Thiên Thần Michael, xin hãy bảo vệ chúng con chống lại tất cả những kẻ xấu xa của địa ngục.
Thánh Thiên Thần Gabriel, xin hãy ban cho chúng con sự khôn ngoan để chúng con có thể hiểu được thánh ý Thiên Chúa.
Thánh Thiên Thần Raphael, hãy bảo vệ chúng con khỏi bệnh tật và mọi nguy hiểm đến tính mạng.
Xin các thiên thần hộ mệnh thánh thiện gìn giữ chúng con ngày đêm trên con đường dẫn đến ơn cứu độ. Amen.
(1)Năm 745, tại công đồng Latêranô, Đức Giáo Hoàng Zacharia đã tuyên bố: “Giáo hội Công Giáo chỉ nhìn nhận ba tên gọi chính thức của các thiên thần: Michael, Gabriel và Raphael”.
Phụng vụ theo Công Đồng Vaticanô II mừng chung các tổng lãnh thiên thần Michael, Gabriel và Raphael vào ngày 29 tháng chín, ngày kỷ niệm lễ cung hiến một đại giáo đường kính thánh Michael ở thế kỷ IV, trong một miền quê Rôma nhưng ngày nay không còn.
(2)Enchiridion Symbolorum, definitionum et declarationum de rebus fidei et morum: Tuyển tập các tín biểu, định tín và tuyên bố về các vấn đề đức tin và luân lý.