Chúa Nhật Chúa Hiển Linh – Năm C
Mt 2, 1-12
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật Chúa Hiển Linh – Năm C
Ca nhập lễ
Này Chúa Tể càn khôn ngự đến, tay nắm trọn vương quyền, thế lực và vinh quang.
Dẫn vào Thánh Lễ
Anh chị em thân mến, Lễ Hiển Linh cử hành biến cố ba nhà đạo sĩ đến thờ lạy Chúa. Họ là ba người ngoài Do Thái, được coi là dân ngoại nhưng đã tìm hiểu và tin nhận Chúa Giêsu là Chúa của mình. Vì thế ngày lễ này được coi là ngày lễ của niềm tin. Chiêm ngắm cuộc hành trình đức tin của ba nhà đạo sĩ, chúng ta có dịp để hâm nóng lại niềm tin của mình. Tất cả chúng ta đây là các đạo sĩ của thời nay, có nhiệm vụ làm cho cả thế giới nhận biết Chúa Giêsu là Đấng Cứu Chuộc nhân loại. Nhiệm vụ đặc biệt của chúng ta là làm cho mọi người sẵn sàng mở rộng tâm hồn đón tiếp Lời Chúa, để có thể nhận ra Chúa Giêsu trên khắp nẻo đường đời, Người cần chúng ta cộng tác để nối dài công trình cứu thế của Người. Xác tín như thế, chúng ta cùng thành tâm thống hối.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, hôm nay Chúa đã khiến ngôi sao chỉ đường mà mặc khải cho muôn dân nhận biết Con Một Chúa. Phần chúng con đã nhận biết Chúa nhờ đức tin dẫn lối đưa đường, xin dủ lòng thương đưa chúng con về chiêm ngưỡng Thánh Nhan vinh hiển. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: Is 60, 1-6
“Vinh quang Chúa xuất hiện trên ngươi”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Hãy đứng lên, hãy toả sáng ra, hỡi Giêrusalem! Vì sự sáng của ngươi đã tới, vì vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi.
Kìa tối tăm đang bao bọc địa cầu, vì u minh phủ kín các dân, nhưng trên mình ngươi Chúa đang đứng dậy, vì vinh quang của Ngài xuất hiện trên mình ngươi. Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi, và các vua hướng về ánh bình minh của ngươi.
Hãy ngước mắt lên chung quanh, và hãy nhìn coi: tất cả những người đó đang tập họp, đang tìm đến với ngươi; các con trai của ngươi tự đàng xa đi tới, và các con gái ngươi đứng dậy từ khắp bên hông.
Bấy giờ ngươi sẽ nhìn coi, và ngươi trở nên rực rỡ, tim ngươi sẽ rạo rực và sẽ phồng lên. Bởi vì những kho tàng bể khơi tuôn đến với ngươi, nguồn phú túc của chư dân sẽ tới tay ngươi. Những con lạc đà tràn ngập vây phủ lấy ngươi, những lạc đà một bướu tự xứ Mađian và Epha; tất cả những ai từ Saba đi tới, đem theo vàng và nhũ hương, và họ sẽ tuyên rao lời ca ngợi Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 71, 2. 7-8. 10-11a. 12-13
Ðáp: Lạy Chúa, mọi dân tộc trên địa cầu đều thờ lạy Chúa
Xướng: Lạy Chúa, xin ban quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua, và ban sự công chính cho hoàng tử, để người đoán xét dân Chúa cách công minh, và phân xử người nghèo khó cách chính trực.
Xướng: Sự công chính và nền hoà bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người, cho đến khi mặt trăng không còn chiếu sáng. Và người sẽ thống trị từ biển nọ đến biển kia, từ sông cái đến tận cùng trái đất.
Xướng: Vì người sẽ giải thoát kẻ nghèo khó khỏi tay kẻ quyền thế, và sẽ cứu người bất hạnh không ai giúp đỡ. Người sẽ thương xót kẻ yếu đuối và người thiếu thốn, và cứu thoát mạng sống kẻ cùng khổ.
Xướng: Chúc tụng danh người đến muôn đời, danh người còn tồn tại lâu dài như mặt trời. Vì người, các chi họ đất hứa sẽ được chúc phúc, và các dân nước sẽ ca ngợi người.
Bài Ðọc II: Ep 3, 2-3a. 5-6
“Bây giờ được tỏ ra rằng các dân ngoại được đồng thừa tự lời hứa”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, (chắc) anh em đã nghe biết rằng: Thiên Chúa đã ban cho tôi việc phân phát ân sủng cho anh em, là theo ơn mạc khải cho tôi biết, tôi đã được thấu hiểu mầu nhiệm mà con cái loài người các thế hệ khác không được biết, nhưng nay đã mạc khải cho các thánh Tông đồ của Người, và cho các vị Tiên tri, nhờ Thánh Thần. Và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể và đồng thông phần với lời hứa của Người trong Chúa Giêsu Kitô.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Mt 2, 2
Alleluia, alleluia! – Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Ðông phương, và chúng tôi đã đến để triều bái Người. – Alleluia.
Phúc Âm: Mt 2, 1-12
“Chúng tôi từ phương Ðông đến thờ lạy Ðức Vua“.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Ðông phương tìm đến Giê-rusalem. Các ông nói: “Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Ðông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người”. Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Ðức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: “Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Ðấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta”.
Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: “Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người”. Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Ðông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tín hữu
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Vì tình thương, Chúa đã dùng mọi biến cố để tỏ mình cho con người, giúp con người biết được ý Chúa qua các dấu chỉ, và sẵn sàng làm theo ý Ngài. Nhờ đó, mọi người có thể đạt được ơn cứu độ. Ý thức như thế chúng ta cùng dâng lời nguyện xin :
1.“Nguồn phú túc của chư dân sẽ tới tay ngươi”.- Xin cho các vị Chủ chăn, biết tìm nơi kho tàng Thánh Kinh những giải đáp cho việc hướng dẫn đoàn chiên, cũng như giúp mọi người tìm đến nguồn sống thật là Đức Kitô, hầu trở nên những người loan báo cho Tin Mừng.
2. “Người sẽ giải thóat kẻ nghèo khó và cứu thoát người bất hạnh”.- Xin cho các tín hữu biết can đảm nhẫn nại trong hành trình về quê trời, để giữa muôn thử thách, họ luôn vững tin như các đạo sĩ, nhờ đó, họ luôn gặp được Đức Kitô trong mọi biến cô cuộc đời.
3. Nhờ nghiên cứu các hiện tượng thiên nhiên, các đạo sĩ đã nhận ra điềm báo sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế.- Xin Chúa chiếu soi tâm trí những người chưa biết Chúa, giúp họ khám phá ra sự hiện diện của Ngài, qua những công trình nghiên cứu khoa học nơi vũ trụ vạn vật, để họ dễ dàng tin theo Chúa.
4. “Lúc nhìn thấy ngôi sao họ hết sức vui mừng…”.- Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta trở thành ánh sao dẫn đường đưa nhiều người về tới bến cứu độ.
Chủ tế: Lạy Chúa, xin ánh sáng Chúa chiếu soi đến những tâm hồn đang sống xa Chúa, giúp họ nhận ra chỉ mình Chúa là lẽ sống, mà tìm về tháp nhập vào thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô, hầu trở nên những chi thể sống động và hữu dụng cho Tin Mừng cứu độ. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin đoái nhìn lễ vật Hội Thánh Chúa tiến dâng: đây không phải là vàng, nhũ hương và mộc dược, nhưng là bánh rượu tượng trưng cho Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã tự hiến tế và trở thành lương thực nuôi dưỡng chúng con. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Lời tiền tụng Hiển Linh
Ca hiệp lễ
Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện ở Phương Đông, và chúng tôi mang của lễ đến bái thờ Người.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con tham dự vào bí tích Thánh Thể, xin thương ban ánh sáng bởi trời hướng dẫn chúng con mọi nơi mọi lúc, để từ đây chúng con biết chiêm ngưỡng và đón nhận bí tích này với niềm tin sâu sắc là lòng mến thiết tha. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
Khát khao và nhạy bén sẽ được gặp Chúa
Lễ Hiển Linh, Năm C (Is 60,1-6; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12)
Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.
Lễ Giáng Sinh đã đem lại cho chúng ta niềm vui mừng khôn xiết, bởi vì qua biến cố Đức Giêsu Nhập Thể và Giáng Sinh, Thiên Chúa đã tự hạ để cho con người được nâng lên, tức là Thiên Chúa đã làm người để con người được làm con Thiên Chúa. Vì thế, niềm vui của chúng ta chính là được giao hòa, liên đới và ngay cả đụng chạm tới Thiên Chúa qua Người Con Chí Ái của Người, điều mà trước đó không ai dám nghĩ tới.
Tuy nhiên, niềm vui ấy không chỉ dành riêng cho chúng ta, mà là cho hết mọi người, mọi nơi và mọi thời.
Mặc khải này được thể hiện rõ trong phụng vụ lễ Hiển Linh hôm nay.
1. Ơn cứu độ phổ quát
Khi nói đến lễ Hiển Linh, chúng ta hiểu ngay ý nghĩa thần học của nó, đó là lễ Chúa Tỏ Mình. Vì thế, phụng vụ ngày nay hướng chiều về tên gọi Hiển Linh hơn là Ba Vua như trước kia.
Khi Thiên Chúa mặc khải cho các Đạo Sĩ qua ánh sao lạ và dẫn đường đến kính viếng Hài Nhi Giêsu, Thiên Chúa muốn cho mọi người đi vào mối tương quan cứu độ, chứ không chỉ dành riêng cho một nhóm người hay một dân tộc nào, mà là cho muôn dân. Việc Thiên Chúa tỏ mình ra cho các Đạo Sĩ đã phá tan não trạng độc tôn đặc lợi của dân tộc Dothái. Biến cố này cũng loan báo cho mọi người thấy rằng: ơn cứu độ không bị giới hạn bởi chủng tộc, màu da, sắc áo, hay tiếng nói…. Không! Thiên Chúa đã vượt lên trên tất cả, để lòng thương xót và ơn cứu độ của Ngài đến với muôn người.
Khi hiểu Lễ Hiển Linh là Lễ Chúa Tỏ Mình ra cho dân ngoại, sẽ giúp cho chúng ta hiểu rằng: tất cả những ai khao khát và sẵn sàng mở rộng tâm hồn để đón nhận Tin Mừng cứu độ, thì họ cũng được nên đồng thừa tự, cùng một thân thể và cùng thông phần với lời hứa của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô (x. Ep 3,6).
Chính sự khao khát ơn cứu độ đến da riết, nên khi Ánh Sao của Thiên Chúa xuất hiện trên bầu trời, các nhà Đạo Sĩ ngày đêm miệt mài nghiên cứu và đã tìm ra chân lý, đó là sự xuất hiện của Vị Vua người Israel mới sinh. Khi đã xác quyết như vậy, các ngài đã để lại sau lưng danh vọng, quyền bính, giàu sang và đã lên đường với tinh thần hy sinh…, để mong cho được gặp Hài Nhi Giêsu.
Như vậy, ta có thể nhận định: Ánh Sao của Thiên Chúa đã có một chỗ đứng đặc biệt trong tâm hồn của các Đạo Sĩ. Nói cách khác, Ánh Sao của Chúa đã tương hợp được với tâm hồn của các ngài. Vì thế, các ngài đã không ngần ngại lên đường để diện kiến Đấng là nguồn Ánh Sáng, là Chúa các chúa, Vua các vua.
Sự lựa chọn này đã đi ngược hoàn toàn với lối sống và lựa chọn của vua Hêrôđê.
Lẽ ra vua Hêrôđê phải là người am hiểu và mau mắn đón nhận Tin Mừng cứu độ này trước hết, bởi vì một phần do trách nhiệm, một phần do khoảng cách địa lý quá gần gũi, hơn nữa, ông là người Dothái, nên những điều đã nói về Đức Giêsu được tiên báo trong Kinh Thánh, ông cũng nắm trong lòng bàn tay!
Tuy nhiên, khác với các Đạo Sĩ, Hêrôđê đã khước từ Ánh Sáng, chối bỏ Ánh Sáng và chuộng cho mình bóng tối của sự ích kỷ, kiêu ngạo, tự phụ…. Vì thế, thật đúng với lời nhận định của thánh Gioan trong Tin Mừng thứ 4, ngài viết: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11). Quả thật, từ vua Hêrôđê đến các vị lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ, không phải họ không biết Đức Giêsu hay không khao khát kiếm tìm Ngài. Tuy nhiên, động lực và mục đích của họ hoàn toàn khác nhau. Điều này đã thấy rõ trong Kinh Thánh!
Còn chúng ta ngày hôm nay đi tìm Chúa như thế nào?
2. Chúng ta đi tìm Chúa với mục đích gì?
Có lẽ trong cộng đoàn đang hiện diện nơi đây, không ai lại không một lần hay có khi rất rất nhều lần lên đường đi tìm Chúa! Tuy nhiên, cũng biết bao lần chúng ta đi tìm mà không gặp, gõ mà không thấy, nên chẳng lạ gì khi vẫn còn đó biết bao nhiêu người cứ “lơ lơ lửng lửng”; “chân không đạp đất, đầu không đội trời…!”.
Tại sao vậy? Thưa đơn giản, đó là chúng ta đi tìm Chúa theo kiểu gặp chăng hay chớ, gặp cũng được, không gặp cũng chẳng sao, tìm cho có, tìm theo phong trào hay hiệu ứng đám đông.
Hoặc đôi khi chúng ta đi tìm Chúa với một tâm hồn ngổn ngang, đủ mọi thứ, nào là: ghen ghét, ích kỷ, kiêu ngạo và thực dụng…. Vì thế, việc không gặp được Chúa là chuyện bình thường, bởi lẽ Người không ở những nơi đó.
Chúng ta cũng có thể đã đi tìm Chúa với một tâm hồn trống rỗng, hoang vu, không định hướng và cũng chẳng ý thức. Vì thế, những dấu chỉ và biến cố vẫn thường xảy ra, nhưng nó đến rồi lại đi mà chẳng hề đọng lại nơi tâm hồn chúng ta là mấy nếu không muốn nói như “nước đổ đầu vịt” hay “nước đổ lá khoai!”. Vì thế, chúng ta đã bỏ lỡ biết bao cơ hội yêu thương mà Thiên Chúa vẫn hằng ngày dành cho ta.
Như vậy, muốn gặp được Chúa, chúng ta phải có tâm tình như ba nhà Đạo Sĩ, đó là:
Trước tiên, nhạy bén với các dấu chỉ và cần có một đức tin mạnh mẽ khi đã khám phá ra ý định của Thiên Chúa và mau mắn thi hành.
Thứ đến: cần có một tâm hồn khao khát cháy bỏng để mong sao cho được gặp Chúa. Phải chấp nhận một cuộc lên đường và sẵn sàng để lại biết bao kế hoạch, dự phóng…, chấp nhận hy sinh và khó khăn.
Cuối cùng, đến với Thiên Chúa bằng một tâm hồn khiêm nhường như các Đạo Sĩ. Các ngài lên đường để đi tìm Hài Nhi mới sinh, gặp được rồi, họ đã phủ phục tôn thờ trong sự khiêm tốn cũng như thể hiện lòng mến qua việc dâng tiến Hài Nhi những báu vật.
Trên đây chính là những con đường tâm linh của các Đạo Sĩ được hòa quyện vào với con đường vật lý trên hành trình đi tìm Chúa. Thấy được sự khao khát và mong mỏi ơn cứu độ, nên Thiên Chúa đã ân thưởng các ngài và đã cho các ngài được toại nguyện.
3. Sứ điệp Lời Chúa
Bài học được rút ra từ sứ điệp Lời Chúa hôm nay rất phong phú. Tuy nhiên, hình ảnh ngôi sao lạ dẫn đường đóng vai trò rất quan trọng trong hành trình đi tìm Chúa của các Đạo Sĩ. Nhờ ánh sao dẫn lối soi đường mà các Đạo Sĩ đã gặp được Đức Giêsu là nguồn ơn cứu độ.
Vì thế, thiết nghĩ hơn bao giờ hết, mỗi người chúng ta cũng hãy trở thành ánh sao soi đường cho người khác đến gặp Thiên Chúa để họ cũng được cứu độ.
Thật vậy:
Nếu là vợ chồng, chúng ta được mời gọi trở nên ánh sáng của sự thủy chung, yêu thương, để đẩy lui bóng tối của sự thất tín và bội ước quên thề.
Nếu là cha mẹ, chúng ta được mời gọi trở thành ánh sao gương mẫu, trách nhiệm trong việc giáo dục nhân bản cũng như đời sống đạo đức, thiêng liêng, để đẩy lùi bóng đêm của sự vô trách nhiệm, và gương mù gương xấu.
Nếu là con cái, chúng ta được mời gọi trở nên ánh sao của sự vâng phục, chu toàn bổn phận với gia đình, bố mẹ và người trên…, để đẩy lùi bóng đêm của sự lêu lổng, ăn chơi, trác táng.
Với hàng xóm láng giềng, chúng ta được mời gọi trở thành ánh sao của sự liên đới, cảm thông, bác ái và yêu thương, để đẩy lui bóng đêm của sự dửng dưng, vô cảm.
Như vậy, một khi mọi người trong gia đình đều ý thức về đời sống chứng tá qua việc nêu gương sáng cho những người xung quanh, thì chắc chắn gia đình của chúng ta sẽ trở nên như một ánh sao lạ, qua đó, người khác sẽ nhận ra sự hiện diện đầy yêu thương của Thiên Chúa. Và một cách gián tiếp, chúng ta cũng sẽ trở thành ánh sao soi sáng và dẫn đưa nhiều người khác về với Chúa ngang qua đời sống đạo hạnh của mỗi người.
Lạy Chúa Giêsu, hôm nay, Chúa tỏ mình ra cho các Đạo Sĩ để mặc khải ơn cứu độ cho muôn dân. Xin Chúa ban cho chúng con biết noi gương các Đạo Sĩ, đó là luôn nhạy bén với ơn Chúa và sẵn sàng từ bỏ mọi sự để lên đường tìm gặp Chúa. Amen.
Chúa nhật Lễ Hiển Linh
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. (Mt 2, 1-12)
Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Ðông phương tìm đến Giê-rusalem. Các ông nói: “Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Ðông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người”. Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Ðức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: “Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Ðấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta”.
Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: “Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người”. Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Ðông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình.
Suy niệm
Trời hân hoan, đất tưng bừng vui ca, này giờ Con Chúa đấng cứu tinh đã sinh ra. Niềm vui hân hoan của đại lễ Giáng sinh đã làm thay đổi bộ mặt của thế giới, bởi đây là ngày kỷ niệm Con Thiên Chúa bước vào ngôi nhà của nhân loại, bước vào lịch sử của con người. Trời và đất đều hân hoan bởi từ nay, mối duyên đất trời lại được nối kết, Con Thiên Chúa làm người để con người được làm con Thiên Chúa. Thế nhưng, niềm hân hoan vui ca đó được bao nhiêu người nhận ra và hòa mình vào bởi khi cả thế giới đang ngập tràn trong nỗi đau của dịch bệnh, của chiến tranh hận thù và tham vọng. Lễ Hiển linh còn được gọi là ngày Thiên Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại, cho mọi người, mọi nhà trên thế giới biết về một Đấng Cứu Thế đã làm người và đang ở với con người. Niềm vui ca hân hoan như được nhân đôi nếu con người khiêm tốn nhận ra một Thiên Chúa làm người đang ở cùng con người, đang sống cùng con người.
Không có gì đau khổ cho bằng phải sống trong những vùng thiếu ánh sáng và không khí, gia đình nhân loại đang sống dưới tấm màn đen của tội lỗi, của đau khổ và nô lệ. Những tiếng kêu ai oán vang tận chốn trời cao. Thiên Chúa đã lắng nghe tiếng khóc than của con người, đã thấu hiểu những nỗi niềm của con người. Ngài đã sai các tiên tri đến an ủi dân người, đồng thời loan báo về một ngày không xa, mọi người sẽ ngẩng đầu lên, ánh sáng của niềm vui cứu độ đang chiếu tỏa, xua đi những tối tăm của tội lỗi và khổ đau. Tiên tri I-sa-i-a đã được gởi tới để kêu gọi mọi người hãy đứng lên, hãy hướng về trời cao để đón chào Đấng Me-si-a đang tỏ mình ra cho nhân loại: “Hãy đứng lên, hãy toả sáng ra, hỡi Giêrusalem! Vì sự sáng của ngươi đã tới, vì vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi. Kìa tối tăm đang bao bọc địa cầu, vì u minh phủ kín các dân, nhưng trên mình ngươi Chúa đang đứng dậy, vì vinh quang của Ngài xuất hiện trên mình ngươi. Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi, và các vua hướng về ánh bình minh của ngươi”. Thiên Chúa sẽ cất tấm màn đen của tội lỗi, sẽ lau khô mọi giọt lệ trên khuôn mặt mọi người và mọi dân tộc sẽ thấy ơn cứu độ đang hiện diện nơi mỗi người. Niềm vui đó không chỉ dành cho dân riêng Thiên Chúa, nhưng là cho mọi người dưới bầu trời này, đó là niềm vui đoàn tụ, niềm vui huynh đệ cộng đoàn dân thánh của Thiên Chúa.
Niềm vui bất ngờ đã đến với chàng thanh niên Sao-lê trên đường đi Đa-mat, Đấng Cứu Thế phục sinh đã kêu gọi chàng thanh niên đó, thay đổi cuộc đời anh ta. Từ biến cố đó, thánh Phaolô đã nghiệm ra được niềm vui cứu độ từ bản thân, rồi từ đây, qua các lá thư mục vụ, thánh nhân gợi lại niềm vui đó cho các cộng đoàn. Nhờ Tin Mừng, nhờ mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa và cái chết của Ngài, nhân loại sẽ được cứu độ, được giao hòa với Thiên Chúa, đặc biệt là được đồng thừa tự, được trở nên chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Thiên Chúa: “Anh em thân mến, anh em đã nghe biết rằng: Thiên Chúa đã ban cho tôi việc phân phát ân sủng cho anh em, là theo ơn mạc khải cho tôi biết, tôi đã được thấu hiểu mầu nhiệm mà con cái loài người các thế hệ khác không được biết, nhưng nay đã mạc khải cho các thánh Tông đồ của Người, và cho các vị Tiên tri, nhờ Thánh Thần. Và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể và đồng thông phần với lời hứa của Người trong Chúa Giêsu Kitô”. Chiều sâu của tình yêu cứu độ mà thánh Phaolô cảm nghiệm được trong cuộc đời của ngài, đó là đưa mọi người trở về cùng một mái nhà, một gia đình. Ơn cứu độ không dành cho một ai mà cho mọi người, chỉ với một niềm tin chân thành cùng với những cố gắng thay đổi từ bản thân.
Ngôi sao xuất hiện dẫn lối cho các đạo sĩ tới Bê-lem để gặp một Hài Nhi trong nằm trong máng cỏ, đó cũng là dấu chỉ dẫn các đạo sĩ bước sang một con đường mới, con đường đó đòi hỏi các ông phải thay đổi suy nghĩ, thay đổi hình ảnh Đấng Cứu Thế trong ý thức của mình: “Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Ðông phương tìm đến Giê-rusalem. Các ông nói: “Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Ðông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người”. Mất dấu ngôi sao, các ông liền vào thành, gặp nhà vua để hỏi về sự xuất hiện của vua Do-thái. Các ông được hướng dẫn tìm tới Bê-lem, tới nơi Hài Nhi sinh ra. Gặp một gia đình trong chuồng trại súc vật, quá ngạc nhiên nhưng các ông biết đó là ai, là Đấng Cứu Thế, sụp lạy và kính dâng lễ vật là những dấu chỉ cho thấy các ông chân nhận đó là vị vua của họ, vị vua không như người đang sống trong hoàng cung, nhưng đó là vị vua tình yêu, vị vua muốn trở nên con người để sống với con người. Hình ảnh vị vua tình yêu trong máng cỏ đã ảnh hưởng đến tương lai của các ông, quyết định được đưa ra là không trở lại Giê-ru-sa-lem nữa mà đi đường khác về nhà theo sự hướng dẫn của thiên sứ. Sự thay đổi đó bắt đầu từ cái nhìn mới về vua cứu thế trong suy nghĩ của các ông, vua tình yêu không ở lại trong hoàng cung, nhưng sống trong các gia đình với mọi người, vua tình yêu không đến để cai trị, nhưng đến để phục vụ, để yêu thương và để cứu độ mọi người.
Những lễ vật các đạo sĩ dâng tiến là những bảo vật từ các vùng miền thường dùng để tiến dâng nhà vua. Tất cả cho chúng ta thấy tâm tình các đạo sĩ dành cho vua tình yêu như thế nào. Thái độ suy phục, lễ vật quý giá, quyết định thay đổi đường về tương lai, là những dấu chỉ cho thấy các ông đã nhận ra đấng đang xoay chuyển lịch sử nhân loại, đấng đang đưa nhân loại sang một trang sử mới, không như các vị hoàng đế của thế gian. Nhận ra một Hài Nhi nằm trong máng cỏ, các đạo sĩ đã hiểu ra câu chuyện trong biến cố này, Thiên Chúa làm người trong hình hài một trẻ thơ nhỏ bé, mong manh, cần được che chở, cần được bảo vệ, và hiện đang sống giữa loài người. Đó là một vị Thiên Chúa làm người và dù là Thiên Chúa nhưng rất cần có sự cộng tác và giúp đỡ của mọi người, Ngài không dùng quyền năng để thống trị, nhưng dùng tình yêu để cảm hóa và đón nhận, Ngài không dùng bạo lực để thâu tóm các dân tộc, các vùng lãnh thổ, nhưng dùng sự tha thứ cùng với tinh thần phục vụ, để đem mọi con cái trở về cùng một mái ấm gia đình tình yêu.
Hê-rô-đê có thể đã nhận ra vị vua tình yêu đó nhưng ông ta không chấp nhận sự hiện diện của ngài, cũng chỉ vì sợ mất chiếc ghế quyền lực, mất thể diện trước sự xuất hiện của một hài nhi, các nhà lãnh đạo tôn giáo cũng vậy, biết rõ địa chỉ hài nhi sinh ra, biết luôn cả nguồn gốc, gia phả, dòng họ, nhưng các ông không nhận ra sự hiện diện của vua tình yêu và chấp nhận ngài là chủ tể cuộc đời của mình, dù vị vua đó chỉ là một em bé mong manh và rất cần che chở của con người. Một Thiên Chúa đã làm người và đang ở với con người. Hiển linh là lúc con người nhận ra Thiên Chúa từ trời cao đã nhập thể làm người và đang ở giữa chúng ta trong thân phận của những con người nhỏ bé, mong manh, đau khổ, thiếu thốn và bất hạnh. Để có thể thay đổi suy nghĩ và hình ảnh Thiên Chúa trong suy nghĩ, trong ý thức của mình, người tín hữu hôm nay cần có một đức tin năng động, một phương cách giữ đạo thật xác tín, không để bị cuốn vào một xã hội đầy màu sắc mê muội và luôn hoài nghi cùng với sự dửng dưng.
Lạy Chúa Giesu Hài Đồng, Chúa đã trở nên con người trong hình hài một hài nhi bé nhỏ, mong manh, bởi Chúa muốn con người nhận ra trong sự tầm thường hàng ngày, luôn có sự hiện diện của Thiên Chúa, xin cho chúng con hiểu được chiều sâu của mầu nhiệm nhập thể, để giới thiệu với anh chị em về một Thiên Chúa làm người đang đồng hành với mọi người. Chúa đã làm thay đổi suy nghĩ và hình ảnh về một vị vua trong suy nghĩ và thái độ sống của các đạo sĩ, đưa họ trở về gia đình và hướng tới tương lai theo con đường mới, xin hướng dẫn chúng con bước vào thế giới này bằng những lối nẻo của con đường phục vụ, con đường đồng hành và chia sẻ, bởi thế giới hôm nay đang thiếu niềm tin và thiếu cả tình yêu. Xin Chúa Hài Đồng đón nhận tâm tình nguyện cầu của chúng con. Amen.
TÍNH PHỔ QUÁT CỦA ƠN CỨU ĐỘ
(Lễ Hiển Linh) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Kế hoạch của Thiên Chúa là muốn tất cả mọi người nhận biết chân lý để được cứu độ (x.1Tm 2,3-4). Thánh Tông đồ dân ngoại đã khẳng định về tính phổ quát của ơn cứu độ rằng: “Trong Đức Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại cùng được thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (Eph 3,5-6). Họp mừng lễ Hiển linh hay là lễ Chúa tỏ mình cho muôn dân, Hội Thánh muốn khẳng định với chúng ta rằng ơn cứu độ dành cho tất cả mọi người, mọi thời, mọi hoàn cảnh, đồng thời cảnh báo chúng tránh xa thái độ cao ngạo độc quyền chân lý, và mặt khác dạy chúng ta cần tích cực sẻ chia cho tha nhân kho tàng ân sủng mình đã lãnh nhận theo khả năng và hoàn cảnh của mình.
Ơn cứu độ là dành cho tất cả mọi người. Ngôn sứ Isaia loan báo cảnh huy hoàng rực rỡ của Giêrusalem và chư dân Đông Tây, sẽ tay bế tay bồng dìu nhau đến thờ lạy, ca tụng, tôn vinh Thiên Chúa (x.Is 60,3-5). Thiên Chúa là Đấng công bình và đầy tình lân ái. Người tỏ mình cho mỗi người mỗi cách khác nhau tuỳ theo khả năng và hoàn cảnh của họ. Chúa công bình vì Người tỏ mình cho tất cả mọi người, chẳng trừ một ai. Chúa lân ái nên Chúa tỏ mình bằng nhiều cách thế để mỗi người theo mỗi hoàn cảnh có thể gặp được Người.
Với những người chăn chiên cừu, vốn ít học nhưng đơn sơ chất phác, thì lời loan báo của vị Thiên Sứ cùng với tiếng hát của đoàn cơ binh Thiên Thần trong ánh sáng huy hoàng quả là một sứ điệp không gì bằng. Dòng lịch sử minh chứng cho ta sự thật này: Chúa Kitô, Mẹ Maria thường hiện ra với những người thôn quê, nghèo hèn nhiều hơn là với những người trí thức, học cao, hiểu rộng hay chốn thị thành. Với các nhà đạo sĩ Đông phương, thì sự xuất hiện một ánh sao lạ trên bầu trời hẳn là một lời mời gọi thiết thực với những “chuyên gia thiên văn”. Còn với các kinh sư, các Thượng tế Do thái giáo, thì thử hỏi có gì quan trọng cho bằng Thánh Kinh. Chúng ta chớ quên việc họ thường mang Lời Chúa được ghi trên các dải vải đính ở tay áo. Thế thì một duyên cớ để họ đọc lại lời của Ngôn sứ Mikêa: “Phần người, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa. Vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời” (Mk 5,1), quả là một lời mời gọi hay nói cách khác, là một sự tỏ mình của Thiên Chúa cách tuyệt vời cho họ. Rồi với Vua Hêrôđê, một vị vua trần thế vốn tham quyền cố vị, thì câu hỏi của các nhà đạo sĩ Đông phương: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh hiện đang ở đâu?” đúng là một sự tỏ mình của Thiên Chúa cách đúng đối tượng.
Thiên Chúa luôn tỏ mình ra với mọi người theo cách thức Người chọn, phù hợp với từng người theo từng hoàn cảnh, số phận khác nhau của họ. Như thế, ta có thể nói là bất cứ ai cũng đều có thể tìm gặp chân lý, đều có thể tìm đến cội nguồn hạnh phúc vĩnh cửu theo khả năng, hoàn cảnh của mình. Giáo lý Công giáo khẳng định rằng ngoài phép rửa bằng nước còn có phép rửa bằng máu và bằng lòng mến. Thánh Công đồng Vatican II dạy chúng ta: “Vì Chúa Kitô đã chết cho mọi người và vì ơn gọi cuối cùng của con người thực ra là duy nhất, nghĩa là do Thiên Chúa, nên ta phải tin chắc rằng Chúa Thánh Thần ban cho tất cả mọi người khả năng tham dự vào mầu nhiệm Phục Sinh cứu độ của Đức Kitô, tham dự bằng cách nào thì chỉ có Chúa biết mà thôi” (MV số 20). Ơn cứu độ là dành cho muôn dân, vì thế chúng ta có thể rút ra một vài hệ luận như tất yếu như sau:
Không được phép độc quyền chân lý: Chân lý không thuộc riêng một ai, một tập thể nào. Khi ta độc quyền chân lý cách này cách khác là khi ta tự biến mình thành ngẫu tượng. Cần phải bỏ dần thái độ cao ngạo tự tôn của một thời quá khứ khi ta đồng hoá mọi niềm tin, tôn giáo khác ta đều là lầm lạc, là ma quỷ, bụt thần… Cần phải minh định rằng “không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Chúa Kitô” (x.Ga 14,6). Tuy nhiên cũng cần cảnh giác thái độ tự tôn cho rằng “ngoài Giáo Hội thì không có ơn cứu độ”, một thái độ thiếu tôn trọng hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng “muốn thổi đâu thì thổi” (x.Ga 3,8). Khi ta có thái độ độc quyền chân lý là lúc ta tưởng như mình đã nắm trọn vẹn chân lý và hữu ý hay vô tình ta đã rơi vào chước cám dỗ của Satan ngày xưa khi cám dỗ tổ tiên loài người: Cứ ăn trái cấm này đi thì hai ông bà sẽ nên như Thiên Chúa, biết được điều lành điều dữ (x. St 3,5).
“Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ” (Ga 6,45). Thiên Chúa tỏ mình cho mỗi người mỗi cách phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của họ. Tuy nhiên để nhận biết Thiên Chúa, phần phía con người cũng cần có sự đáp trả cân xứng. Một vài thái độ đáp trả cần có đó là:
Một tâm hồn biết lắng nghe: đây là thái độ khiêm nhu chân thành, luôn khao khát tìm về chân, thiện, mỹ. Người có tâm hồn biết lắng nghe là người có tấm lòng thành trước những những gì là chính đáng, là phải đạo. Các nhà đạo sĩ Đông phương và những người mục tử thôn dã lúc bấy giờ là những người có tấm lòng thành. Tấm lòng thành ở đây được hiểu như là sự hướng thượng và hướng thiện. Quân vương Hêrôđê chắc chắn không có tấm lòng thành. Các thượng tế, kinh sư ở thành Giêrusalem lúc bấy giờ thì ta không dám quả quyết nhưng chắc chắn họ thiếu động thái lên đường, ra đi.
Một động thái lên đường, ra đi: Khi đã nhận ra tiếng nói của chân lý toàn thiện, tình yêu vĩnh cửu, thì cần phải lên đường, ra đi. Chân lý toàn thiện, tình yêu vĩnh cửu đòi hỏi chúng phải ra đi khỏi cái vị thế hiện tại. Không một ai ở trần gian này có thể nắm được tình yêu vĩnh cửu hay chân lý toàn thiện. Tất thảy đều ở phía trước, chính vì thế cần phải lên đường, ra đi. Các thượng tế và kinh sư ở thành Giêrusalem năm nào dù đã thoáng nhận ra Ánh Sáng cứu độ nhưng vì họ đã không lên đường nên không thể gặp được Đấng Cứu Thế. Trái lại khi nhận được dấu chỉ mời gọi, các đạo sĩ Đông phương và các mục tử đã biết lên đường, ra đi. Ra đi là chấp nhận từ bỏ. Lên đường là chấp nhận hy sinh và gian khó. Có một cái khó mà không dễ gì vượt qua hay từ bỏ, đó là những tập tục hay truyền thống mang tính nhân loại. Chúng dễ nhận ra sự thật này nơi nhiều người biệt phái, luật sĩ, tư tế thời Chúa Giêsu, khi Người công khai rao giảng tin mừng.
Chân lý đã thực sự hoàn hảo và đầy đủ nơi Chúa Kitô, Đấng là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình (x.Col 1,15; Dt 1,1-2). Nhưng chúng ta, dù là giáo dân hay giáo sĩ, dù là thần học gia hay “xứng với bậc tông đồ” thì cũng chỉ nhận biết chân lý kiểu như thấy trong tấm gương đồng. “Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi” (1.Cor 13,12).
Ra khỏi tháp ngà tự mãn cho rằng đã nắm được trọn vẹn chân lý, ra khỏi tháp ngà độc quyền chân lý là cách thế tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Hiển linh, Chúa tỏ mình cho muôn dân cách thiết thực, hữu hiệu và khả tín. Không ngừng kiếm tìm và đón nhận chân lý là một thái độ khiêm nhu vừa có tính giải thoát và tính truyền giáo. Sự thật không chỉ giải thoát chúng ta, mà còn có sức cuốn hút những tâm hồn thiện chí. Và như thế sự thật sẽ làm cho chúng ta xích lại gần nhau, làm cho chúng ta nên một bằng cách thánh hiến chúng ta, nghĩa là làm cho chung ta thuộc về Thiên Chúa (x.Ga 17,17).
Mừng mầu nhiệm Chúa Hiển Linh, ước gì chúng ta mãi luôn nuôi dưỡng cái tấm lòng thành nơi chúng ta bằng thái độ khiêm nhu biết lắng nghe tiếng nói của Thánh Thần. Lắng nghe tiếng nói của Thánh Thần không chỉ trong Thánh Kinh, trong các cử hành Phụng vụ, trong lời dạy của Hội Thánh… mà còn trong các biến cố lịch sử, trong các nét đẹp thánh thiêng nơi các niềm tin, tôn giáo ngoài Công giáo, nơi các nghĩa cử cao đẹp của những người chưa tin hay chưa nhận biết Thiên Chúa. Lắng nghe không phải để đứng nhìn mà để can đảm lên đường tìm kiếm và đón nhận chân lý. Sự thật toàn vẹn luôn ở phía trước, vì có đó nhiều điều ngay các Tông đồ vẫn chưa thấu hiểu. Chính Thánh Thần là Đấng sẽ dẫn đưa chúng ta đến sự thật toàn vẹn (x.Ga 16,12-13). Người là Đấng đang mãi hoạt động cho đến ngày Đức Kitô lại đến trong vinh quang. Không ai có thể trao ban điều mình không có. Tích cực tìm kiếm và đón nhận chân lý là tiền đề tất yếu để ta chia sẻ cho tha nhân hồng ân cứu độ.