Chúa Nhật VII Phục Sinh – Năm C
Chúa Thăng Thiên
Lc 24, 46-53
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄChúa Nhật VII Phục Sinh – Năm C
Chúa Thăng Thiên
Dẫn vào Thánh Lễ
Anh chị em thân mến! Trong Chúa Nhật Phục Sinh, ngang qua hình ảnh ngôi mộ trống, phụng vụ Lời Chúa cho thấy bởi sự sống lại của Đức Giêsu, Ngài đã tạo dựng nên một thế giới mới. Và không chỉ lập nên một thế giới mới, Đấng Phục Sinh còn lập nên một dân mới khi Người thổi hơi ban Thánh Thần, để biến đổi các Tông Đồ từ những kẻ nhát đảm ở trong những căn phòng đóng kín cửa, ra đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân.
Và hôm nay trước khi chấm dứt sự hiện diện hữu hình của mình giữa nhân loại, Đấng Phục Sinh đã mời gọi các Tông Đồ và từng người chúng ta hãy lên đường ra đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh mà chúng ta đã lãnh nhận.
Hoàn toàn tin tưởng vào Chúa Giê-su, chúng ta xin ơn tha thứ để cùng với Người chúng ta hiệp dâng Thánh lễ này để tỏ lòng vui mừng, biết ơn, tin tưởng phó thác, xin ơn Chúa trợ giúp cho chúng ta có đủ khả năng sống theo gương mẫu và đạo lý của Người, với hy vọng sau này sẽ được về trời với Người.
Ca nhập lễ
Hỡi người Galilê, sao các ông còn đứng nhìn lên trời? Alleluia: Đấng vừa lìa các ông lên trời, sẽ đến cùng một thể thức như các ông đã thấy Người lên trời – Alleluia , alleluia.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin cho cộng đoàn chúng con biết hoan hỷ vui mừng mà dâng lời cảm tạ, vì hôm nay, Con Một Chúa đã lên trời vinh hiển. Là Thủ Lãnh, Người đã đi trước mở đường dẫn chúng con vào Nước Chúa khiến chúng con là những chi thể của Người nắm chắc phần hy vọng sẽ cùng Người hưởng phúc vinh quang. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
Bài Ðọc I: Cv 1, 1-11
“Trước sự chứng kiến của các ông, Người lên trời”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Hỡi Thêôphilê, trong quyển thứ nhất, tôi đã tường thuật tất cả những điều Ðức Giêsu đã bắt đầu làm và giảng dạy, cho đến ngày Người lên trời, sau khi căn dặn các Tông đồ, những kẻ Người đã tuyển chọn dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần. Sau cuộc thương khó, Người đã tỏ cho các ông thấy Người vẫn sống, với nhiều bằng chứng Người đã hiện ra với các ông trong khoảng bốn mươi ngày và đàm đạo về Nước Thiên Chúa. Và trong một bữa ăn, Người đã ra lệnh cho các ông chớ rời khỏi Giêrusalem, nhưng hãy chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa. Người nói: “Như các con đã nghe chính miệng Thầy rằng: Gioan đã làm phép rửa bằng nước, phần các con, ít ngày nữa, các con sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần”.
Vậy các kẻ có mặt hỏi Người rằng: “Lạy Thầy, có phải đã đến lúc Thầy khôi phục Nước Israel chăng?” Người bảo họ rằng: “Ðâu phải việc các con hiểu biết thời gian hay kỳ hạn mà Cha đã ấn định do quyền bính Ngài. Nhưng các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất”. Nói xong, Người được cất lên trước mắt các ông, và một đám mây bao phủ Người khuất mắt các ông.
Ðang khi các ông còn ngước mắt lên trời nhìn theo Người đang xa đi, thì bỗng có hai người mặc áo trắng đứng gần các ông và nói rằng: “Hỡi người Galilê, sao các ông còn đứng nhìn lên trời? Ðức Giêsu, Ðấng vừa lìa các ông mà lên trời, sẽ đến cùng một thể thức như các ông đã thấy Người lên trời”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 46, 2-3. 6-7. 8-9
Ðáp: Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang (c. 6).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: Hết thảy chư dân, hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa tiếng reo vui! Vì Chúa là Ðấng Tối cao, khả uý, Người là Ðại Ðế trên khắp trần gian.
Xướng: Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang. Hãy ca mừng, ca mừng Thiên Chúa’ hãy ca mừng, ca mừng Vua ta!
Xướng: Vì Thiên Chúa là Vua khắp cõi trần gian, hãy xướng ca vịnh mừng Người. Thiên Chúa thống trị trên các nước, Thiên Chúa ngự trên ngai thánh của Người.
Bài Ðọc II: Ep 1, 17-23
“Người đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời”.
Trích thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, xin Thiên Chúa của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Cha vinh hiển, ban cho anh em thần trí khôn ngoan và mạc khải, để nhận biết Người, xin cho mắt tâm hồn anh em được sáng suốt, để anh em biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi, thế nào là sự phong phú gia nghiệp vinh quang nơi các thánh, và thế nào là quyền năng vô cùng lớn lao của Người đối với chúng ta, là những kẻ tin, chiếu theo hành động của sức mạnh quyền năng Người, công việc mà Chúa đã thực hiện trong Ðức Kitô, tức là làm cho Ngài từ cõi chết sống lại, và đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời, vượt trên mọi cấp trật, các lãnh thần, quyền thần, dũng thần, và quản thần, vượt trên mọi danh hiệu được xưng hô cả đời này lẫn đời sau. Chúa khiến mọi sự quy phục dưới chân Ngài, và tôn Ngài làm đầu toàn thể Hội Thánh là thân thể Ngài, và là sự sung mãn của Ðấng chu toàn mọi sự trong mọi người.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Mt 28, 19 và 20
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. – Alleluia.
Phúc Âm: Lc 24, 46-53
“Ðang khi Người chúc phúc cho các ông, Người rời khỏi các ông mà lên trời”.
Bài kết Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Như đã ghi chép là Ðức Kitô phải chịu khổ hình và ngày thứ ba từ cõi chết sống lại; và nhân danh Người mà rao giảng việc sám hối và ơn tha tội trong mọi dân, bắt đầu từ Giêrusalem. Các con là nhân chứng những sự việc ấy. Thầy sẽ sai đến với các con Ðấng Cha Thầy đã hứa; vậy các con hãy ở lại trong thành cho đến khi mặc lấy quyền lực từ trên cao ban xuống”. Rồi Người dẫn các ông ra ngoài, đến làng Bêtania, và giơ tay chúc phúc cho các ông. Sự việc xảy ra là đang khi Người chúc phúc cho các ông, Người rời khỏi các ông mà lên trời. Các ông thờ lạy Người, và trở về Giêrusalem lòng đầy vui mừng. Các ông luôn luôn ở trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa. Amen.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tín hữu
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Đức Giêsu Kitô Phục Sinh đã lên trời ngự bên hữu Chúa Cha trong vinh quang rực rỡ, và Người đã mở rộng cửa trời cho chúng ta. Chúng ta cùng hân hoan dâng lời cầu nguyện:
1. “Các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần”.- Xin cho các vị Chủ chăn được đầy sức mạnh của Chúa Thánh Thần, để trở nên những vị mục tử thánh thiện, khôn ngoan, can đảm và nhiệt thành hướng dẫn đaonf chiên đi đúng ý Chúa và Hội Thánh.
2. “Xin cho mắt tâm hồn anh em được sáng suốt”.— Xin cho các tín hữu khi mừng mầu nhiệm Chúa lên trời, nhận ra được giá trị đích thực của Nước Trời vượt mọi của cải trần gian, để họ không quá tìm kiếm những gì hư nát, nhưng biết mưu cầu những gì đem lại hạnh phúc vĩnh cửu cho họ.
3. ”Nhân danh Ngài mà rao giảng việc sám hối”.- Xin cho những người có trách nhiệm hướng dẫn quần chúng, qua các phương tiện truyền thông xã hội, chỉ biết mưu tìm những gì là Chân, Thiện, Mỹ. Nhờ đó, họ sẽ giúp con người biết sông thanh cao và tốt đẹp hơn.
4. “Đang khi Người chúc phúc cho các ông, Người rời khỏi các ông mà lên trời”.– Xin Mầu Nhiệm Chúa về trời nên nguồn nghị lực nâng đỡ các vị truyền giáo, để các ngài can đảm, nhẫn nại chịu mọi thử thách trong niềm hi vọng, cùng đồng hành với Chúa Kitô trên đường đau khổ, cũng sẽ được cùng với Người tiến vào cõi vinh quang.
Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết cộng tác với Chúa Thánh Thần mà sống đời chứng nhân trong mọi cảnh ngộ, hầu đời chúng con trở nên lời rao giảng sống động về mầu nhiệm Chúa Kitô Phục Sinh cho mọi người, Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, ngày hôm nay mừng Con Một Chúa lên trời vinh hiển, chúng con thành kính dâng lên Chúa những lễ vật này. Cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận và ban lại cho chúng con hồng ân cao cả là được phục sinh cùng Ðức Kitô và chung hưởng vinh phúc quê trời. Chúng con cầu xin…
Lời tiền tụng Thăng Thiên
Ca hiệp lễ
Các ngươi hãy ca mừng Chúa, Đấng lên trời cao thẳm, hướng về phía đông – Allêluia
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã cho chúng con ngay khi còn ở dưới thế được nếm thử phúc lộc quê trời. Xin cho lòng chúng con luôn hướng về bên Chúa là nơi Ðức Kitô, Vị Thủ Lãnh của chúng con đang hiển trị. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Suy niệm
Bàn tay Chúa
Người ta kể rằng: sau thế chiến thứ hai, một toán lính đồng minh đi giúp các người dân xây dựng lại cuộc sống trên đống gạch hoang tàn đổ nát. Họ làm lại nhà cửa, sửa chữa ngôi nhà thờ trong làng. Nhưng đến khi dựng tượng Chúa, thì toán lính không tìm đâu ra hai bàn tay của pho tượng đã bị bọm đạn cắt cụt. Tìm kiếm suốt ngày trong đám xà bần mà cũng chẳng thấy. Toán lính bèn chịu thua. Viên sĩ quan viết vào pho tượng câu này: Dân làng sẽ thay Chúa làm những công việc mà đáng lẽ hai bàn tay Chúa sẽ làm.
Một người khốn khổ nằm chờ chết bên vệ đường. Chúa xót thương người ấy, nhưng Chúa lại không thể gởi chén cơm manh áo cho người ấy. Nhưng may quá, tôi không phải là Chúa, tôi có thể đem cho người ấy một ly nước, một chén cơm. Đó là chỗ duy nhất tôi hơn Chúa.
Trong Phúc Âm chính Chúa cũng đã phán: Ta đói, các ngươi đã cho ăn, Ta khát, các ngươi đã cho uống, Ta mình trần các ngươi đã cho mặc, Ta bị đau yếu và bị cầm tù, các ngươi đã viếng thăm. Chúa có thể làm nên cơm gạo cho người nghèo nhưng Chúa lại không thể đưa cơm gạo ấy cho họ được. Ngài phải nhờ đến đôi bàn tay của chúng ta.
Đó là những suy tư tôi đọc thấy trong một cuốn sách. Nghe qua thì rất táo bạo, nhưng đã nói lên một sự thật rất sâu xa, đó là Chúa dùng bàn tay chúng ta để ban phát những quà tặng, để xoa dịu những nỗi khổ đau cũng như để nâng đỡ và khích lệ cho những người chung quanh.
Trong chương trình cứu độ của Chúa, phần đóng góp của con người cũng thật là quan trọng như lời thánh Augustinô đã nói: Chúa sẽ không thế nào cứu chuộc được chúng ta nếu như chính bản thân chúng ta lại không muốn. Chúa đã chịu chết một lần trên cây thập giá và đã làm nên kho tàng ơn cứu độ. Thế nhưng Chúa muốn chúng ta cộng tác với Ngài, để phân phát nguồn ơn sủng ấy cho anh em đồng loại. Hay nói một cách khác cuộc sống của người Kitô hữu, phải là một sự nối tiếp công trình cứu độ của Đức Kitô. Bản thân chúng ta phải kéo dài sự hiện diện của Chúa cho đến tận cùng thời gian.
Cũng chính vì thế, trước khi về trời, Chúa đã truyền cho các môn đệ: Đức Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Ngài mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê rusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này. Và như vậy, Chúa muốn chúng ta cộng tác với Ngài đễ đem Tin Mừng cứu độ đến cho mọi người. Bởi đó, chúng ta phải sống thế nào để người khác khi nhìn vào chúng ta sẽ nhận ra sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa.
Lễ Chúa Thăng Thiên -2001
(Lc. 24:46-53) Lm Lã Mộng Thường
Đọc Phúc Âm nếu để ý, chúng ta thấy bốn Phúc Âm được kết thúc khác nhau. Phúc Âm Matthêu đặt nơi miệng Đức Giêsu lời dạy, “Vậy các ngươi hãy đi thâu nạp môn đồ khắp muôn dân, thanh tẩy chúng nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy chúng giữ hết mọi điều Ta đã truyền cho các ngươi. Và này Ta sẽ ở với các ngươi mọi ngày cho đến tận thế” (Mt. 28: 19-20). Phúc Âm Marcô nhấn mạnh sự luận phạt với lời dặn, “Hãy đi khắp cả thiên hạ rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin cùng chịu thanh tẩy thì sẽ được cứu còn ai không tin thì sẽ bị luận tội” (Mc. 16:15-15).
Đồng thời, Phúc Âm Marcô kèm thêm một vài dấu chỉ minh chứng những ai được gọi là tin nơi Đức Giêsu. Phúc Âm Gioan được kết thúc với lời dặn dò thánh Phêrô chăm sóc cho dân Chúa kèm theo sự tiên đoán những việc sẽ xảy đến cho ông vào cuối đời, “Quả thật Ta bảo ngươi: khi ngươi còn trẻ ngươi tự thắt lưng mình và đi đâu tùy ý; nhưng khi đã về già, ngươi sẽ giăng tay ra và người khác sẽ thắt lưng cho và lôi đi nơi ngươi không muốn” (Gn. 21:18).
Riêng Phúc Âm Luca nhấn mạnh về vai trò của Đức Giêsu và đặt nơi miệng Ngài lời loan báo sẽ sai Thánh Thần đến cũng như khuyên các môn đồ nên chờ đợi. Nơi cuộc sống nhân gian, nhiều khi chúng ta phải đối diện với những trường hợp khá nghịch thường đó là càng những người thiếu hiểu biết hoặc không có quyền, không có khả năng giải quyết vấn đề lại càng bới bèo ra bọ, gây thêm sự khó dễ. Những ai đã rơi vào trường hợp phải gặp những bậc vị vọng, quyền thế mới có thể cảm thấy sự khó khăn phải đương đầu với người gác cửa hay những nhân viên chuẩn bị hồ sơ trình báo. Cũng có thể những bậc vị vọng có chủ đích để người khác gặp khó khăn hy vọng vai trò của mình tăng thêm phần quan trọng chăng. Tuy nhiên theo kinh nghiệm sống, những người có khả năng và quyền hành giải quyết vấn đề, thái độ và phương cách đối xử của họ lại không có vẻ gì rườm rà, phách lối, hoặc làm khó dễ người khác, mà có chăng họ hành xử như không theo lề luật nào nếu không muốn nói bất chấp luật lệ. Điều này cũng dễ hiểu vì chính họ là người nắm giữ lề luật nên không bị lệ thuộc lề luật.
Qua bài Phúc Âm vừa được công bố, Đức Giêsu căn dặn các môn đồ của Ngài chờ đợi Thánh Thần do chính Thiên Chúa Cha sẽ sai đến. Đức Giêsu không bắt các môn đồ của Ngài phải lệ thuộc bất cứ sự trung gian nào; cũng như Thiên Chúa Cha không đòi hỏi điều kiện gì nơi con người mà sai Thánh Thần trực tiếp hoạt động nơi mọi người. Đức Giêsu đến gian trần rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Ngài công bố cho chúng ta biết chính Thiên Chúa đang ngự trị và hoạt động nơi mỗi người, nơi tạo vật và như vậy, Thánh Thần không phải chỉ đến sau khi Đức Giêsu lên trời mà tự thuở đời đời đã hoạt động nơi tạo vật. Đây là ý nghĩa của lời kết thúc nơi Phúc Âm Marcô, “Hãy đi khắp cả thiên hạ rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”.
Xét thế, Đức Giêsu đến để nói lên thực thể sự hoạt động của Thiên Chúa nơi mọi loài thụ tạo tự thuở tạo thiên lập địa mà chúng ta đã không nhận biết chứ không đem cho chúng ta bất cứ những sự gì mới. Tin Mừng Đức Giêsu công bố luôn luôn hiện diện nơi mọi loài, mọi vật bất cứ thời điểm hoặc nơi chốn nào. Do đó, những sự hiểu biết nào không đặt căn bản nơi Tin Mừng, nơi sự hiện hữu tối thượng là chính Thiên Chúa đang hoạt động nơi tạo vật, đều thuộc về quan niệm thế tục. Nói cách khác, nếu mục đích của bất cứ sự hiểu biết, suy tư, và thành quả nào không đem lại sự nhận biết Tin Mừng, sự nhận chân thực thể Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Thiên Chúa đang ngự trị và hoạt động nơi mỗi người, nơi mọi tạo vật, những hiểu biết, suy tư, và thành quả đó đều chỉ là tham vọng thế tục của con người mà thôi.
Suy như vậy, bất cứ công việc gì dù thuộc về những hành vi đạo đức, tôn sùng, hoặc tôn giáo hay kiếm kế sinh nhai, hoặc hy vọng có đôi chút tâm tình thoải mái mà giúp chúng ta nhận thực được sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời đều là những sự thánh thiện. Nói cho đúng, tất cả những hoạt động này đều do chính Thiên Chúa đang ngự trị nơi chúng ta thực hiện và chúng ta chỉ là công cụ cho những sự việc phải đến xảy ra. Bởi vậy, bất cứ sự việc, hoạt động nào nơi cuộc sống thường ngày theo ý nghĩ hay tùy thuộc chủ đích riêng tư đều được gọi là thế tục vì đã không giúp chúng ta nhận ra Tin Mừng, đã không giúp chúng ta nhận được sự hoạt động của Thiên Chúa nơi cuộc đời.
Hôm nay chúng ta mừng lễ thăng thiên của Đức Giêsu; chúng ta chung lòng kỷ niệm thời điểm Đức Giêsu hoàn thành sứ vụ đã được Thiên Chúa Cha trao phó. Tương tự như thế, mỗi người chúng ta được sinh ra có cùng một mục đích đó là tìm kiếm hay nhận biết Nước Thiên Chúa, nhận biết Tin Mừng Đức Giêsu rao giảng. Chẳng những thế, chúng ta còn có bổn phận tiếp tục công bố Tin Mừng Nước Trời.
Tuy nhiên, nếu đã không để tâm suy nghiệm Tin Mừng Đức Giêsu đã công bố sao chúng ta có thể chu toàn bổn phận làm con dân Nước Trời. Dĩ nhiên, ai trong chúng ta cũng đều chấp nhận, có công thì được thưởng và có tội sẽ bị trừng trị như một lẽ đương nhiên. Có được cuộc sống như khoảng thời gian làm phương tiện công bố Tin Mừng mà không biết Tin Mừng là gì phỏng công lao có thể tính thế nào đối với cuộc đời đã được ban cho. Phỏng cuộc đời của mỗi người tự nó đã là hồng ân hay án phạt đối với chúng ta? Mục đích của cả cuộc đời Đức Giêsu cũng chỉ là rao giảng Tin Mừng. Chúng ta, những người nối gót theo Ngài cần phải ra sao để hoàn thành trách nhiệm rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo? Amen.
Lễ Thăng Thiên
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Bài kết Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 24, 46-53).
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Như đã ghi chép là Ðức Kitô phải chịu khổ hình và ngày thứ ba từ cõi chết sống lại; và nhân danh Người mà rao giảng việc sám hối và ơn tha tội trong mọi dân, bắt đầu từ Giêrusalem. Các con là nhân chứng những sự việc ấy. Thầy sẽ sai đến với các con Ðấng Cha Thầy đã hứa; vậy các con hãy ở lại trong thành cho đến khi mặc lấy quyền lực từ trên cao ban xuống”. Rồi Người dẫn các ông ra ngoài, đến làng Bêtania, và giơ tay chúc phúc cho các ông. Sự việc xảy ra là đang khi Người chúc phúc cho các ông, Người rời khỏi các ông mà lên trời. Các ông thờ lạy Người, và trở về Giêrusalem lòng đầy vui mừng. Các ông luôn luôn ở trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa. Amen.
Suy niệm
Khi được chứng kiến vinh quang của Đức Giêsu trên đỉnh núi Tabor, các Tông đồ như chìm ngập trong niềm hạnh phúc và vui sướng, thế nhưng, niềm vui và hạnh phúc đó chưa thể sánh bằng niềm vui và hạnh phúc khi các ông được chứng kiến Thầy mình được cất nhắc lên trời trong tiếng hát của các Thiên Thần. Niềm vui của ngày lễ Thăng Thiên nhắc cho chúng ta hôm nay hãy hướng về điểm đến cuối cùng của người tín hữu là niềm hạnh phúc và bình an trong Nước Trời, để từng ngày chúng ta cố gắng vượt qua những thăng trầm, những khó khăn trong hành trình theo Chúa, trong vai trò là một chứng nhân tin mừng phục sinh, một nhân chứng họa lại cuộc đời của Con Thiên Chúa làm người. Mừng lễ Chúa Giêsu lên trời không đưa con người đến chỗ buồn tủi, hụt hẫng, nhưng là khởi đầu một niềm hy vọng khi Con Thiên Chúa, trong bản tính con người, nay được Thiên Chúa thưởng công trong vinh quang vĩnh cửu của Thiên Chúa, thì con người ngày sau cũng được bước vào chốn vinh quang đó nếu tin nhận một Thiên Chúa, nếu chấp nhận đi theo con đường thương khó của Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ trung gian duy nhất.
Với những quan niệm về thưởng phạt, về trời đất và địa ngục vào thời các tác giả viết Kinh thánh, chúng ta hôm nay dễ nhìn nhận biến cố Chúa lên trời như các Tông đồ, như các tín hữu thời sơ khai, họ nghĩ rằng Thầy Chí Thánh sau khi hoàn tất sứ vụ của mình, được Chúa Cha sai các Thiên Thần đến, đem về trời cao để sống, bởi đó là nơi ở của các thần linh, của Thiên Chúa. Cách suy nghĩ đó được tác giả sách Tông đồ Công vụ diễn tả trong bài đọc 1 như sau: “Lạy Thầy, có phải đã đến lúc Thầy khôi phục Nước Israel chăng?” Người bảo họ rằng: “Ðâu phải việc các con hiểu biết thời gian hay kỳ hạn mà Cha đã ấn định do quyền bính Ngài. Nhưng các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất”. Nói xong, Người được cất lên trước mắt các ông, và một đám mây bao phủ Người khuất mắt các ông”. Các Tông đồ cùng với các cộng đoàn phải đợi tới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, họ mới hiểu phần nào về niềm vui Nước Trời dành cho những ai biết chu toàn thánh ý Thiên Chúa, cũng như sống theo đường lối của Ngài.
Đức Giêsu khi bước vào lịch sử nhân loại để thi hành thánh ý Chúa Cha, Ngài cũng chỉ như một tác viên của Thiên Chúa. Trong phận con người như bao người, Đức Giêsu luôn tìm thánh ý Cha, luôn thực hiện ý Cha muốn, do đó, sau khi hoàn tất sứ mạng của mình, Đức Giêsu được Chúa Cha trọng thưởng, đưa về chốn trời cao trong vinh quang vượt trội của Thiên Chúa, bởi nơi từ đó Ngài đã ra đi, Ngài luôn mong sao cho ý Cha được thành toàn, cho chương trình cứu độ của Cha được thực hiện. Thánh Phaolô, sau khi trở lại, ngài đã chiêm ngắm chiều kích của người tôi tớ trong con người Giêsu lịch sử, thánh nhân tìm gặp một hình ảnh người đầy tớ trung tín, khôn ngoan, đã được ông chủ là Chúa Cha thưởng công bằng cách đặt mọi sự dưới chân của Người Con duy nhất đó: “Anh em thân mến, xin Thiên Chúa của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Cha vinh hiển, ban cho anh em thần trí khôn ngoan và mạc khải, để nhận biết Người, xin cho mắt tâm hồn anh em được sáng suốt, để anh em biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi, thế nào là sự phong phú gia nghiệp vinh quang nơi các thánh, và thế nào là quyền năng vô cùng lớn lao của Người đối với chúng ta, là những kẻ tin, chiếu theo hành động của sức mạnh quyền năng Người, công việc mà Chúa đã thực hiện trong Ðức Kitô, tức là làm cho Ngài từ cõi chết sống lại, và đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời, vượt trên mọi cấp trật, các lãnh thần, quyền thần, dũng thần, và quản thần, vượt trên mọi danh hiệu được xưng hô cả đời này lẫn đời sau”. Phần thưởng lớn lao dành cho người trung tín, cho người có niềm tin dù nhỏ bé nhưng chân thành, là được ở bên hữu Thiên Chúa trong ngôi nhà tình yêu của Ngài.
Trước lúc được cất nhắc lên trời, Đức Giêsu đã căn dặn các Tông đồ hãy cố gắng thực hiện sứ mạng của mình cách trọn vẹn, để mai sau các ông được vào nơi hạnh phúc mà người chủ dành cho các đầy tớ trung tín và khôn ngoan. Phần thưởng lớn lao đó chỉ dành cho những người tin vào một Thiên Chúa, biết tìm đến ơn cứu độ của Ngài theo con đường Đức Giêsu đã giới thiệu, đồng thời, sau khi được tái sinh trong nước và Thánh Thần, họ phải là những chứng nhân sống động và tích cực của Tin Mừng Phục Sinh: “Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Như đã ghi chép là Ðức Kitô phải chịu khổ hình và ngày thứ ba từ cõi chết sống lại; và nhân danh Người mà rao giảng việc sám hối và ơn tha tội trong mọi dân, bắt đầu từ Giêrusalem. Các con là nhân chứng những sự việc ấy”. Biến cố Đức Giêsu được cất nhắc lên trời không thể hiểu theo quan niệm của nhân loại, đó là một dấu chỉ hướng về ngày chung thẩm, ngày Thiên Chúa thưởng công cho những ai tin vào Ngài, dù có phải chấp nhận đau khổ, bắt bớ, nhưng vẫn một niềm tin yêu phó thác. Đức Giêsu đi trước để dọn chỗ cho các môn đệ của Ngài như lời Ngài đã trăn trối cho các môn đệ ngày xưa và chúng ta hôm nay. Vậy chung cuộc của hành trình đức tin của các tín hữu là Nước Trời mai sau hay là những phần thưởng hôm nay theo kiểu thế gian?
Vào thời các Tông đồ cũng như các tác giả viết Kinh thánh, quan niệm về trời là nơi các thần linh, nơi Thiên Chúa và các Thiên thần hiện diện, do đó, Đức Giêsu xuống trần gian, tới mặt đất, nơi con người cư ngụ, để chiến đấu chống lại ma quỷ, chống lại sự dữ, sau khi hoàn tất sứ mạng trong chiến thắng, Ngài được các Thiên thần đem lên trời trở lại. Đó là cách nhìn biến cố lên trời vào thời điểm cách chúng ta hơn hai ngàn năm, thế thì hôm nay biến cố đó còn được nhìn dưới lăng kính hạn hẹp và mang tính trần thế như vậy nữa không. Chắc chắn là không, biến cố lên trời của Con Thiên Chúa được nhìn nhận là một sự chiến thắng của Con Thiên Chúa trong nhân tính của Ngài. Vâng lời Chúa Cha, Đức Giêsu mặc lấy bản tính nhân loại, nhưng luôn thực hiện ý Cha mọi lúc mọi nơi, do đó, sau khi đã vượt qua cái chết trong sự phục sinh vinh quang, Đức Giêsu, trong vai trò nhân tính, được Chúa Cha đem về trời để gợi nhắc cho các môn đệ của Ngài, bất cứ ai tin nhận vào Thiên Chúa, sống ơn gọi của mình cách trọn vẹn theo con đường Đức Giêsu giới thiệu, thì ngày sau họ sẽ được hưởng niềm vui Nước Trời, đó là phần thưởng lớn lao cho người đầy tớ trung tín và khiêm nhường.
Sống trong một xã hội thực dụng, người tín hữu không khỏi bị lây nhiễm quan niệm là phải tận hưởng tất cả từ hôm nay, phải trải nghiệm vui buồn sướng khổ, thành công, thất bại trong cuộc đời này, đợi mai sau còn gì là niềm vui và hạnh phúc. Do đó, người tín hữu vô tình xa lạ với ý nghĩa của biến cố về trời của Thầy mình. Hơn nữa, người tín hữu Kito còn giới hạn phần thưởng hạnh phúc đó, cho là Thiên Chúa đã định đoạt cho ai, người ấy được hưởng. Ơn cứu độ và phần thưởng Nước Trời không dành cho riêng ai, mà là cho tất cả mọi người, mọi dân tộc và mọi thế hệ, bất cứ ai tin vào một Thiên Chúa duy nhất, sống và thực hiện những gì Ngài hướng dẫn, đặc biệt là tuân giữ các giới răn của Ngài, họ sẽ được cứu độ, họ sẽ được ngụp lặn trong niềm vui và hạnh phúc Nước Trời.
Để cảm nếm niềm vui Nước Trời mai sau, người tín hữu cần thay đổi suy nghĩ của mình trong niềm tin, cần thay đổi cách suy nghĩ về ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho con người, và cũng cần thay đổi quan niệm về trời của Đức Giêsu trong suy nghĩ của mình. Đức Giêsu là Thiên Chúa và là Con Thiên Chúa, Ngài mặc lấy bản tính con người, để chia sẻ phận người hữu hạn với con người. Đồng thời, từ đây Ngài mở cho con người cánh cửa, để con người cố gắng sống tinh thần Nước Trời ngay từ hôm nay trong mỗi ơn gọi của mình, hầu mai sau họ được Thiên Chúa đón tiếp vào ngôi nhà của Ngài là Nước Trời. Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Sống giữa thế gian, người tín hữu cần giữ hình ảnh Thiên Chúa trong tâm hồn cách xác tín và thánh thiêng, đừng đánh đồng với những giá trị của thế gian, đừng đặt Thiên Chúa ngang hàng với các thần linh khác. Thiên Chúa vui thích ở giữa dân Ngài để chia sẻ, để cảm thông chứ không phải để hòa tan, chứ không phải để vong thân.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã được Chúa Cha đón về trời trong tiếng hát của các Thiên Thần, đó là niềm vui của người tôi trung luôn thực hiện ý Cha, xin cho chúng con hôm nay trong bậc sống của mình, biết cố gắng chu toàn trọng trách của người tôi tớ bất tài, để mai sau được hưởng niềm vui Nước Trời. Chúa đã chấp nhận những đau khổ, những mất mát, những thiệt thòi trong phận con người, để rồi Chúa Cha đón Ngài về trời trong phận người như chúng con, xin giúp chúng con biết cố gắng từng ngày, biết chấp nhận để Chúa Thánh Thần mài dũa cuộc đời cho xứng đáng với ơn gọi làm con Thiên Chúa, để mai sau được ngụp lặn trong niềm hạnh phúc Nước Trời. Amen.
MỘT VÀI Ý NGHĨA CỦA MẦU NHIỆM CHÚA LÊN TRỜI
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa - Ban Mê Thuột
Cùng với Hội Thánh toàn cầu chúng ta mừng mầu nhiệm Chúa Giêsu lên trời. Mầu nhiệm Chúa lên trời dường như rất có ý nghĩa với anh em Chính Thống giáo qua các cử hành Phụng Vụ. Còn với Kitô hữu Công giáo chúng ta thì không mấy chú tâm mầu nhiệm này, vì mỗi năm chỉ một lần được đề cập theo niên lịch Phụng vụ. Đoàn tín hữu được nghe dẫn giải về mầu nhiệm này hình như cũng chỉ một lần trong Thánh lễ mừng Chúa về trời. Chúa Giêsu lên trời là gì? Việc Người lên trời có liên quan gì đến chúng ta, những người đang tại thế? Xin được chia sẻ đôi dòng suy tư và cảm nhận.
Chúa Giêsu lên trời là gì? Là Kitô hữu trưởng thành, không ai giữ mãi quan niệm Chúa lên trời là Chúa bay lên một nơi nào đó trên cao, trên chốn bồng lai, tiên cảnh đầy mây. Trời ở đây không phải chỉ nơi chốn nào đó theo nghĩa không gian mà là một tình trạng. Chúa lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha. Theo Thánh Kinh ngự bên hữu nghĩa là đồng hàng trong danh dự, phẩm vị và quyền năng. Chúa Giêsu lên trời nghĩa là sau khi hoàn tất công cuộc cứu độ, Người lấy lại vinh quang, uy quyền và danh dự của một vị Thiên Chúa đồng hàng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Người lấy lại những sự ấy là vì Người đã tự nguyện trút bỏ nó khi vào trần gian để thực thi chương trình cứu độ. “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2,6-7). Chúa tự nguyện bỏ đi vinh quang danh dự của Người để rồi lấy lại thì có liên quan gì đến chúng ta? Vậy chúng cần đào sâu một vài ý nghĩa của mầu nhiệm Chúa lên trời.
1. Chúa lên trời nghĩa là Người đã từ trời xuống: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3,13). Mầu nhiệm Chúa lên trời minh chứng cho nguồn gốc thần linh của Đức Kitô. Đấng chúng ta tôn thờ không phải là phàm nhân được tôn lên hàng thần thánh như “thuyết dưỡng tử” chủ trương (adoptionism). Người chính là Thiên Chúa có từ đời đời Và mọi sự, mọi loài nhờ Người mà được hiện hữu. “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa… Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,1-3).
2. Chúa lên trời nghĩa là Người đã hoàn tất công cuộc cứu độ: “Đức Kitô đã lên cao dẫn theo một đám tù; Người đã ban ân huệ cho loài người. Người lên trời nghĩa là gì, nếu không phải là Người đã xuống tận các vùng sâu thẳm dưới mặt đất? Đấng đã xuống cũng chính là Đấng đã lên cao hơn mọi tầng trời để làm cho vũ trụ được viên mãn” (Eph 4,8-10). Con người và mọi sự mọi loài từ đây có được con đường nên hoàn thiện, nên viên mãn, chính nhờ Người, với Người và trong Người, Giêsu – Kitô.
3. Chúa lên trời nghĩa là từ đây các thực tại trần thế có thể đi vào vinh quang bất diệt cùng với Đức Kitô. Khi trở về với vinh quang của một Thiên Chúa thì Đức Kitô đã làm cho các thực tại trần thế mà Người đã nhận lấy qua mầu nhiệm nhập thể, được nên hằng hữu với Người. Từ đây mọi sự, mọi loài đều có thể đi vào cõi bất diệt. Từ nay những sự bình thường và cả tầm thường ở đời này đều có thể trở nên phi thường nhờ Đức Kitô. “Vậy thưa anh em, nhờ máu Đức Giêsu đã đổ ra, chúng ta mạnh dạn bước vào cung thánh. Người đã mở cho chúng ta một con đường mới và sống động qua bức màn, tức là chính thân xác của Người” (Dt 10,19-20).
4. Chúa lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha để cầu bầu cho chúng ta. “Thưa anh em, Đức Kitô đã chẳng vào một cung thánh do tay người phàm làm ra, vì cung thánh ấy là hình bóng của cung thánh thật. Nhưng Người đã vào chính cõi trời, để giờ đây đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta” (Dt 9,24). Giờ đây chúng ta có một vị Thượng Tế cao cả trên trời, một vị Thượng Tế đã kinh qua cảnh sống của loài người chúng ta. Người hiểu và cảm thông với chúng ta trong mọi nỗi niềm của kiếp nhân sinh. Nghĩa là chúng ta đang có một đồng minh đầy uy quyền và rất đáng tin cậy.
Với những ý nghĩa của mầu nhiệm Chúa lên trời như trên, hẳn Mẹ Hội Thánh khao khát đoàn con luôn có thái độ vững tin và hy vọng trong niềm hân hoan phấn khởi. Sao lại không vững tin khi mà Đấng chúng ta tôn thờ và tiếp bước chính là Thiên Chúa thật, là căn nguyên và cùng đích của mọi vật, mọi loài. Sao lại không hy vọng khi mà cửa trời đã mở ra với chúng ta, với tất cả mọi loài thụ tạo. Sao lại không phấn khởi hân hoan khi mà ta luôn có đó Đấng hiểu ta, cảm thông với ta và đang bầu chữa cho ta trước ngai tòa Thiên Chúa.
Để cho niềm tin, niềm hân hoan và hy vọng ấy được hiện thực thì không gì hơn chúng ta hãy nỗ lực làm cho các thực tại trần thế này, từ chuyện cơm áo gạo tiền, chuyện con chuyện cái, chuyện nhà cửa đến xã hội quốc gia, chuyện Hội Thánh… được đi vào vĩnh cửu, bằng chính con tim của ta, một con tim đồng hình đồng dạng với Thầy chí Thánh, Giêsu Kitô. Nước Trời đã ở giữa chúng ta. Đừng có mãi mê nhìn trời nhưng hãy làm cho trái đất này và những chuyện của trần thế này mang giá trị đời đời. Và cách thế tuyệt vời là hãy sống và hoạt động, nghĩa là làm mọi sự đều nhân danh Giêsu, cứu nhân độ thế.