TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

CN Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

16/05/2021 06:47:25 |   1488

Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống


Ga 20,19-23

 


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống - Năm B

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống kết thúc mùa Phục Sinh. Biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần đã làm thay đổi con người các tông đồ. Chúa Thánh Thần ban cho các ông một sức sống mới từ Thiên Chúa. Kể từ giây phút đó, các ông đã đứng lên rao giảng về Đức Kitô Phục Sinh, Hội Thánh được khai sinh và bắt đầu đi đến tận cùng trái đất, một Hội Thánh luôn luôn có Chúa Thánh Thần hiện diện. Mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, mỗi người Kitô hữu đều cảm nhận được sức sống mới đang họat động trong cuộc đời mình. Bằng sự sống của Chúa chúng ta làm cho người khác sống đúng với phẩm giá con người. Để được như vậy chính chúng ta cũng phải được biến đổi nhờ Bí tích Thánh Thể.

Ca nhập lễ

Thánh Thần Chúa tran hoà khắp vũ trụ, Người nắm giữ mọi sự và thông biết mọi lời – Alleluia.

Hoặc đọc:

Tình yêu Thiên Chúa tràn đầy trên tâm hồn chúng ta, nhờ Thánh Thần Người ngự trong lòng chúng ta – Alleluia.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cử Thánh Thần đến thánh hoá Giáo Hội ngay từ buổi sơ khai, và sai đi rao giảng Tin Mừng cứu độ. Hôm nay khi mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng con nài xin Chúa tiếp tục công trình Chúa đã thực hiện và tuôn đổ ơn Chúa Thánh Thần cho mọi tín hữu trên khắp cùng thế giới. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Cv 2, 1-11

“Các vị được tràn đầy Chúa Thánh Thần và bắt đầu lên tiếng nói”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, tất cả các môn đệ đều tề tựu một nơi, bỗng từ trời phát ra tiếng động như tiếng gió mạnh thổi đến, lùa vào đầy nhà nơi họ đang sum họp. Lại có những lưỡi như thể bằng lửa xuất hiện và rải rác đậu trên từng người. Hết thảy mọi người đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần, và bắt đầu nói tiếng khác nhau tuỳ theo Thánh Thần ban cho họ nói.

Khi ấy, cư ngụ tại Giêrusalem, có những người Do-thái đạo đức từ khắp các nước dưới gầm trời tụ về. Nghe tiếng ấy phát ra thì đoàn lũ tuôn đến, tâm trí bỡ ngỡ, vì mỗi người đều nghe các môn đệ nói tiếng thổ âm của mình. Mọi người đều sửng sốt và bỡ ngỡ nói rằng: “Nào tất cả những người đang nói đây không phải là người Galilê ư? Nhưng tại sao mỗi người chúng tôi lại nghe họ nói tiếng bản xứ của chúng tôi: Chúng tôi là người Parthi, Mêđi, Êlam, Mêsopotamia, Giuđêa, Cappađôcia, Pôntô, Tiểu Á, Phrygia, Pamphylia, Ai-cập, Lybia, cận Cyrênê, và người Rôma cư ngụ ở đây, là Do-thái và tòng giáo, là người Crêta và Á-rập, chúng tôi đều nghe họ nói tiếng của chúng tôi mà ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa!”

[Mọi người đều sửng sốt bỡ ngỡ nói với nhau rằng: “Thế này nghĩa là gì?” Nhưng lại có người khác nhạo báng rằng: “Họ đầy rượu rồi”.]

Ðó là lời Chúa.

Ðáp ca: Tv 103, 1ab và 24ac. 29bc-30. 31 và 34

Ðáp: Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa đến, và xin canh tân bộ mặt trái đất (c. 30).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng:  Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa. Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, Ngài quá ư vĩ đại! Lạy Chúa, thực nhiều thay công cuộc của Ngài! Ðịa cầu đầy dẫy loài thụ tạo của Ngài. – Ðáp.

Xướng: Ngài rút hơi thở chúng đi, chúng chết ngay và chúng trở về chỗ tro bụi của mình. Nếu Ngài gởi hơi thở tới, chúng được tạo thành, và Ngài canh tân bộ mặt trái đất. – Ðáp.

Xướng:  Nguyện vinh quang Chúa còn tới muôn đời, nguyện cho Chúa hân hoan vì công cuộc của Chúa. Ước chi tiếng nói của con làm cho Chúa được vui; phần con, con sẽ hân hoan trong Chúa. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Cr 12, 3b-7. 12-13

“Trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.

Anh em thân mến, không ai có thể nói “Ðức Giêsu là Chúa” mà lại không do Thánh Thần. Vậy có nhiều thứ ân sủng, nhưng chỉ có một Thánh Thần. Có nhiều thứ chức vụ, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều thứ công việc, nhưng chỉ có một Thiên Chúa, là Ðấng làm mọi sự trong mọi người. Sự xuất hiện của Thánh Thần được ban cho từng người, tuỳ theo lợi ích.

Cũng như chỉ có một thân thể nhưng có nhiều chi thể, mà các chi thể tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể, thì Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể, cho dù là Do-thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do: tất cả chúng ta đã uống trong một Thánh Thần.

Ðó là lời Chúa.

Ca Tiếp Liên

Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến,

và tự trời toả ánh quang minh của Ngài ra!

Lạy Cha kẻ cơ bần, xin Ngài ngự đến;

Ðấng ban ân huệ, Ðấng soi sáng tâm hồn, xin ngự đến!

Lạy Ðấng an ủi tuyệt vời,

là khách trọ hiền lương của tâm hồn,

là Ðấng uỷ lạo dịu dàng.

Chúa là sự nghỉ ngơi trong cảnh lầm than,

là niềm an ủi trong lúc lệ rơi.

Ôi sự sáng chứa chan hồng phúc,

xin chiếu soi tràn ngập tâm hồn tín hữu của Ngài.

Nếu không có Chúa trợ phù,

trong con người còn chi thanh khiết, không còn chi vô tội.

Xin Chúa rửa sạch điều nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan,

và chữa cho lành nơi thương tích.

Xin uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng,

chỉnh đốn lại chỗ trật đường.

Xin Chúa ban cho các tín hữu,

là những người tin cậy Chúa, được ơn bảy nguồn.

Xin ban cho họ được huân nghiệp nhân đức,

được hạnh phúc cứu độ và được hoan hỉ đời đời.

(Amen. Alleluia.)

Alleluia:

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa Thánh Thần, xin xuống tràn ngập tâm hồn các tín hữu Chúa, và xin nhóm lửa tình yêu Chúa trong lòng họ. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 20, 19-23

“Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con: Các con hãy nhận lấy Thánh Thần”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con!” Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến, Thiên Chúa đã tuôn đổ Thánh Thần của Ngài vào trong tâm hồn chúng ta và biến đổi chúng ta trở nên con cái trong Đức Kitô. Giờ đây hiệp nhất trong một Thân Thể mầu nhiệm của Chúa Kitô, chúng ta xin Chúa Cha sai Thánh Thần đến thánh hóa Hội Thánh và đổi mới thế giới.

1. Chúa Thánh Thần làm cho dân chúng thập phương tại Giê-ru-sa-lem nghe Tin Mừng bằng thổ ngữ của họ. Xin cho Hội Thánh luôn kiên trì tìm kiếm những cách thức mới hữu hiệu để rao giảng chân lý cứu độ cho con người thời nay.

2. Chúa Thánh Thần là Đấng mang lại bình an và đổi mới mặt địa cầu. Xin cho các vị lãnh đạo chính quyền biết chăm lo cho hòa bình và lợi ích chung.

3. Chúa Thánh Thần là Đấng an ủi. Xin cho những người đau khổ, bệnh tật, tù đày, nhất là những ai đang cần đến lời cầu nguyện của chúng ta hôm nay, được cảm nghiệm lòng Chúa xót thương.

4. Chúa Thánh Thần là tình yêu và ơn tha thứ của Thiên Chúa. Xin cho những người đang sống ơn gọi hôn nhân và gia đình luôn biết mở rộng tâm hồn đón nhận nhau trong yêu thương chân thành.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin đổ đầy Thánh Thần Chúa trên chúng con, để chúng con cũng cảm nghiệm được sức mạnh của Thánh Thần đã ban cho các Tông Đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần, nhờ đó chúng con có được đức tin mạnh mẽ, đức cậy vững vàng, đức mến nồng nàn và can đảm ra đi giới thiệu Chúa cho mọi người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin thực hiện lời hứa của Thánh Tử Giêsu Kitô, mà cử Thánh Thần đến giúp chúng con thấu hiểu mầu nhiệm hy lễ, và hướng dẫn chúng con tới chân lý vẹn toàn. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con, nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con. Ðể hoàn thành mầu nhiệm Vượt Qua, hôm nay Chúa rộng ban Chúa Thánh Thần cho những người đã được Chúa nhận làm nghĩa tử, nhờ kết hợp với Con Một Chúa. Chính trong ngày khai sinh Hội Thánh, Chúa Thánh Thần đã làm cho hết thảy chư dân nhận biết Thiên Chúa và liên kết mọi ngôn ngữ khác biệt lại, để họ tuyên xưng cùng một đức tin. Vì thế, toàn thể nhân loại trên khắp địa cầu, lòng tràn ngập niềm vui ngày Chúa sống lại, đều mừng rỡ hân hoan. Ðồng thời, cả triều thần thiên quốc hát bài ca chúc tụng Chúa vinh hiển và không ngừng tung hô rằng:

Thánh! Thánh! Thánh!…

Ca hiệp lễ

Hết thảy mọi người đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần, và ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa – Alleluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã rộng ban cho Giáo Hội những hồng ân cao cả là Thần Khí và bánh bởi trời; xin bảo toàn ơn Chúa tặng ban, để Thần Khí Chúa luôn tác động mạnh mẽ trong đời sống chúng con, và bánh bởi trời ban sinh lực giúp cho người thế đạt tới ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin…

Ðể giải tán dân chúng, phó tế hay Linh mục nói:

Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an. Halêluia. Halêluia.

Ð. Tạ ơn Chúa. Halêluia. Halêluia.

Suy niệm
Chúa Thánh Thần

Lễ hiện xuống chính là ngày lễ 50 của Cựu Ước. Đó là cao điểm kết thúc cho mùa mừng lễ Vượt Qua, ngoài ra đó còn là ngày lễ tạ ơn vì Chúa đã cho mùa màng tốt tươi, cũng như để kỷ hiệm ngày Chúa công bố lề luật qua Môsê trên đỉnh núi Sinai.

Đối với chúng ta hôm nay, thì lễ Hiện Xuống cũng chính là cao điểm, kết thúc cho mầu nhiệm Phục sinh. Như ngày Hiển Linh đối với ngày Giáng Sinh thế nào thì ngày lễ Hiện Xuống cũng vậy đối với lễ Phục Sinh. Tôi xin đưa ra một vài hình ảnh để so sánh.

Trong ngày lễ Phục sinh, Đức Kitô như mặt trời hừng đông ló dạng. Còn trong ngày lễ Hiện xuống thì mặt trời ấy đã đứng bóng, chói loà và đem lại sức sống. Trong ngày lễ Phục sinh thửa vườn của Giáo Hội nở bông với những tín hữu mới được lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Còn trong ngày lễ Hiện xuống, những bông hoa ấy đã kết thành trái chín vàng trên cành cây. Người làm vườn là Đức Kitô đã trồng những mầm non mới. Còn mặt trời làm cho trái chín vàng đó là Chúa Thánh Thần. Trong ngày lễ Phục sinh chúng ta mới chỉ là những trẻ nhỏ của Thiên Chúa, chúng ta cần đến sữa mẹ là Chúa Thánh Thần. Chúng ta lớn lên trong nhà mẹ là Giáo Hội, một cách vô tư và hạnh phúc như những em nhỏ. Nhưng khi chúng ta trưởng thành, Giáo Hội, người Mẹ hiền của chúng ta, không ngần ngại bảo cho chúng ta biết rằng khoảng thời gian êm đẹp và thơ mộng ấy đã qua đi, giờ đây chúng ta là những lữ khách, sẽ gặp phải nhiều đau khổ, nhiều buồn phiền. Với lễ Hiện xuống, chúng ta trở nên là những người trưởng thành. Với lễ hiện xuống Chúa Thánh Thần làm việc và tác động.

Trước khi về trời Chúa Giêsu đã hứa không để cho chúng ta phải mồ côi, Người sẽ gởi đến cho chúng ta một Đấng an ủi, để nhắc lại những điều Người đã giảng dạy. Ngày hôm nay, Chúa Thánh Thần vẫn còn hoạt động trong Giáo Hội cũng như trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta hãy nghĩ tưởng đến Ngài, và chúng ta có thể gặp gỡ Ngài ở khắp mọi nơi. Ngài ngự trị trong tâm hồn chúng ta kể từ ngày chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa Tội, để biến tâm hồn và thể xác chúng ta thành đền thờ cho Thiên Chúa, như lời thánh tông đồ đã khuyên nhủ: Anh em không nhớ rằng thân xác anh em là đền thờ của Chúa Thánh Thần hay sao. Hãy mang lấy Thiên Chúa và hãy tôn vinh Người trong thân xác anh em. Chúng ta sẽ dễ dàng trở nên thánh thiện, nếu chúng ta luôn ý thức rằng Chúa Thánh Thần đang ngự trị trong chúng ta. Còn đối với Giáo Hội, Chúa Thánh Thần luôn thánh hoá và hoạt động bằng các bí tích. Chúa Giêsu đã về trời và trở nên vị trung gian bầu cử cho chúng ta trước toà Đức Chúa Cha. Nhưng Giáo Hội trên trần gian hằng được Chúa Thánh Thần giúp đỡ và hướng dẫn. Trong bí tích Thánh Thể Chúa Giêsu thực sự hiện diện, nhưng Ngài không thể tiếp nối những hành động mà ngày xưa Ngài đã thực hiện ở Palestin. Trong bí tích Thánh Thể Người chỉ là của lễ và của ăn cho chúng ta,. Thế nhưng, bí tích Thánh Thể lại chính là một dụng cụ Chúa Thánh Thần dùng để thánh hoá chúng ta.

Chúa Thánh Thần chính là linh hồn của Giáo Hội. Và như chúng ta đã biết Giáo Hội là nhiệm thể của Đức Kitô. Thân xác muốn sống thì phải có linh hồn. Vai trò của linh hồn thật là quan trọng, nó là nguyên lý của sự sống, nếu linh hồn lìa khỏi thì thân xác sẽ phải chết. Cũng vậy Chúa Thánh Thần là linh hồn của nhiệm thể Giáo Hội, chính Ngài trao ban và bảo tồn đời sống ơn sủng trong chúng ta. Nhờ Ngài mà chúng ta có thể cầu nguyện và làm được những việc tốt lành. Bởi đó, trong ngày mừng kính Ngài hôm nay, chúng ta hãy mặc lấy ba tâm tình sau đây: Tâm tình thứ nhất là tâm tình vui mừng. Chính vì thế mà Giáo Hội đã mời gọi chúng ta qua lời kinh Tiền Tụng: Trong niềm hân hoan chứa chan, toàn thể vũ trụ đều nhảy mừng. Tâm tình thứ hai là tâm tình tin tưởng vào sự hiện diện và vào quyền năng của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội cũng như trong tâm hồn mỗi người. Chúng ta phải cảm nghiệm và nhận ra quyền năng ấy. Và sau cùng chúng ta hãy mong mỏi xin Ngài ngự đến như lời Giáo Hội tha thiết nguyện cầu: Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến và đổ tràn đầy trong lòng các tín hữu những hồng ân của Ngài.
 

Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 20, 19-23).
 
Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con!” Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”.
 
Suy niệm
 
Khi nhắc đến Chúa Thánh Thần, chúng ta thường nghĩ ngay tới một luồng gió mát thổi nhẹ qua trái đất, thổi vào sự hiện diện của Giáo hội. Quả thực, sự hiện diện của Chúa Thánh Thần đã thay đổi rất nhiều, từ ý thức hệ của con người, cho đến những tập tục, những truyền thống của nhân loại. Tất cả những đổi thay đến từ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, nhằm tạo nên một nguồn năng lượng cho đời sống tâm linh cũng như mối tương quan giữa con người với con người. Mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, là lúc Mẹ Giáo hội nhắc nhở con cái khi đã chọn con đường mang tên Giêsu, đã lên đường cùng vác thập giá với Ngài, thì hãy để cho Chúa Thánh Thần đi vào trong cuộc sống của mình, từ sự hiện diện đó, Chúa Thánh Thần sẽ thay đổi tất cả, từ đây, cùng với sự cố gắng miệt mài của mỗi người, gia đình Thiên Chúa sẽ ngày càng hoàn thiện, cộng đoàn dân riêng của Thiên Chúa ngày càng sống đúng ý nghĩa với tên gọi của mình.
 
Trở lại với biến cố đặc biệt của cộng đoàn Giáo hội sơ khai khi được đón nhận vị khách đặc biệt là Chúa Thánh Thần. Khởi đi từ các Tông đồ, Chúa Thánh Thần đã biến đổi tiếng nói của các Tông đồ, từ những người dân chài quê mùa ở Ga-li-lê-a, các ông đã mạnh dạn trình bày về hình ảnh một Thiên Chúa làm người nơi Đức Giêsu, đám đông gồm đủ mọi nơi trên thế giới quy tụ, thế mà họ đã nghe các ông nói và đã hiểu tất cả những gì các ông trình bày: “Khi ấy, cư ngụ tại Giêrusalem, có những người Do-thái đạo đức từ khắp các nước dưới gầm trời tụ về. Nghe tiếng ấy phát ra thì đoàn lũ tuôn đến, tâm trí bỡ ngỡ, vì mỗi người đều nghe các môn đệ nói tiếng thổ âm của mình. Mọi người đều sửng sốt và bỡ ngỡ nói rằng: “Nào tất cả những người đang nói đây không phải là người Galilê ư? Nhưng tại sao mỗi người chúng tôi lại nghe họ nói tiếng bản xứ của chúng tôi: Chúng tôi là người Parthi, Mêđi, Êlam, Mêsopotamia, Giuđêa, Cappađôcia, Pôntô, Tiểu Á, Phrygia, Pamphylia, Ai-cập, Lybia, cận Cyrênê, và người Rôma cư ngụ ở đây, là Do-thái và tòng giáo, là người Crêta và Á-rập, chúng tôi đều nghe họ nói tiếng của chúng tôi mà ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa!”. Khác biệt về văn hóa, khác biệt về vùng miền và nhiều yếu tố khác, thế nhưng, tất cả đã hiểu trọn vẹn bài giáo lý đầu tiên về mầu nhiệm tình yêu của Chúa Cha đã thực hiện giữa lòng nhân loại. Chắc chắn các Tông đồ đã dùng một thứ năng lượng đặc biệt đó là sức mạnh của Chúa Thánh Thần, và Chúa Thánh Thần đã dùng thứ ngôn ngữ của trời cao để cho người nói và người nghe có thể tìm thấy niềm vui Nước Trời và tìm thấy gia đình thiêng liêng của mình.
 
Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần vào buổi bình minh Giáo hội đã có những thay đổi rõ rệt, từ suy nghĩ của các tín hữu về ơn cứu độ, về khuôn mặt của Thiên Chúa trong niềm tin, tình huynh đệ liên đới trong gia đình Thiên Chúa thật cần thiết cho con người như thế nào. Thánh Phao-lô đã trình bày rõ nét hơn trong lá thư mục vụ gởi cộng đoàn Co-rin-tô, thánh nhân đã mở tâm hồn của mình cho Chúa Thánh Thần đổi thay và ngài cũng đã lên đường dưới sự hướng dẫn của Ngôi Ba Thiên Chúa như thế nào: “Anh em thân mến, không ai có thể nói “Ðức Giêsu là Chúa” mà lại không do Thánh Thần. Vậy có nhiều thứ ân sủng, nhưng chỉ có một Thánh Thần. Có nhiều thứ chức vụ, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều thứ công việc, nhưng chỉ có một Thiên Chúa, là Ðấng làm mọi sự trong mọi người. Sự xuất hiện của Thánh Thần được ban cho từng người, tuỳ theo lợi ích”. Theo sự cảm nhận của thánh Phaolô, mỗi người có thể thấy lợi ích thiêng liêng lớn lao khi can đảm mở cánh cửa tâm hồn cho Chúa Thánh Thần đi vào cuộc đời. Nơi đó, Ngài hướng con người đi vào thế giới đại đồng của Thiên Chúa, trong thế giới đó, mỗi người tùy theo sự hướng dẫn của Ngài, sẽ góp phần xây dựng thân thể mầu nhiệm của Thiên Chúa thật trọn vẹn. Từ đây, Thánh Thần sẽ biến mỗi người là những nốt nhạc vui trong bản tình ca cứu độ của Chúa Cha, mỗi người là một cây trúc rỗng, để hơi thở của Thánh Thần đi vào, tạo nên những tiếng sáo vi vu đem lại sức sống tình yêu cho nhân loại.
 
Nỗi sợ hãi đã bao trùm cả căn phòng nơi các Tông đồ nhóm họp để nâng đỡ nhau sau khi Thầy đã chết. Không chỉ sợ hãi về thể lý, nhưng nỗi sợ hãi đó đã xâm chiếm cả tâm hồn, cả đức tin và cuộc đời của các ông. Trước nỗi đau về tinh thần của các học trò, Đức Giêsu phục sinh đã hiện diện, an ủi, khích lệ và minh định lại những gì Ngài đã nói trước với các ông về cuộc thương khó đó, đồng thời, Ngài đem sự bình an trời cao tới cho các ông. Một món quà từ Thiên Chúa, cũng từ món quà đó, Đức Giêsu còn trao ban cho họ sức mạnh của tình yêu và sự can đảm đến từ Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần: “Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”. Món quà của Thầy Chí Thánh đem đến cho các Tông đồ đã giúp các ông tìm lại được chính mình. Sau khi nhận sự bình an của Thầy, các ông đã ra khỏi vỏ bọc của sự hoài nghi và xích lại gần với Thầy hơn. Sự bình an đó còn giúp các ông củng cố lại mối tương quan giữa anh em trong cộng đoàn huynh đệ, khi cùng giúp nhau vượt qua mọi nỗi sợ hãi khác của kiếp người. Và sau nữa, sự bình an và Thánh Thần đã làm thay đổi cách suy nghĩ và thái độ sống hàng ngày của họ, họ đã can đảm mở cánh cửa phòng họp cũng là cánh cửa cuộc đời, bước ra với dân chúng và cất cao lời chứng về tin mừng phục sinh. Ngôn ngữ các ông dùng không phải là tiếng nói của các dân tộc khác, cũng không đến từ cái giỏi giang của con người, tất cả đến từ Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần đã cho các ông dùng thứ ngôn ngữ của niềm tin đến từ trái tim của người chứng nhân. Đây là một thứ ngôn ngữ mới của Chúa Thánh Thần. Chính ngôn ngữ này đã liên kết mọi người dưới gầm trời này lại thành một cộng đoàn dân riêng của Thiên Chúa.
 
Chúa Thánh Thần đã mở ra một kỷ nguyên mới của tình yêu. Tất cả mọi sinh hoạt trong kỷ nguyên này đều đến từ tình yêu. Từ ngôn ngữ là một phương tiện giao tiếp, nếu đến từ tình yêu và niềm tin, con người sẽ tìm thấy chính mình, tìm thấy giá trị bản thân và tìm lại được chổ đứng của mình trước mặt Thiên Chúa. Thứ đến, thái độ sống của con người nếu được khởi đi từ tình yêu và niềm tin, họ sẽ tìm thấy anh chị em của mình, tìm thấy tình gia đình thiêng liêng ở bất cứ nơi đâu họ đặt chân tới. Cũng với thái độ sống bằng tình yêu và niềm tin, con người có thể sống cho tha nhân, sống vì tha nhân bằng đời phục vụ vô vị lợi. Cao cả hơn hết, khi con người sử dụng ngôn ngữ và thái độ sống khởi đi từ tình yêu và niềm tin, họ sẽ vẽ lên một bức tranh tình Trời với những nét bút của tình người, rồi từ bức tranh đó, hình ảnh một người Cha chung yêu dấu là Thiên Chúa được khắc họa rõ nét và sống động hơn.
 
Người tín hữu Kitô hôm nay đang đi trong dòng chảy của một xã hội thực dụng và đề cao vật chất, chính trong dòng chảy đó, người tín hữu cần phải mạnh dạn sử dụng ngôn ngữ niềm tin đến từ trái tim nhiều hơn và năng động hơn, chính ngôn ngữ này giúp nhân loại vơi đi những ngờ vực trong cuộc sống và tìm lại được nhân phẩm của con người. Người tín hữu cũng cần phải thay đổi thái độ sống của họ khi đối diện với những giá trị của thế gian. Giá trị sự sống, giá trị nhân phẩm con người, giá trị hôn nhân, giá trị gia đình đều là những giá trị vượt trên mọi thứ của thế gian, do đó, nếu không dùng sức mạnh của niềm tin và tình yêu đến từ trái tim, người tín hữu khó có thể loan báo một tin mừng tình yêu, khó giới thiệu một Thiên Chúa làm người đã chết và sống lại vì yêu con người, và khó hơn nữa là giới thiệu khuôn mặt của Thiên Chúa nơi người nghèo, nơi những người bất hạnh.
 
Chúa Thánh Thần vẫn hiện diện trong lòng Giáo hội, nhiều lúc chúng ta đã quên sự có mặt của Ngài. Chắc phải đi tìm Ngài để cộng tác với Ngài giúp thay đổi chính mình, thay đổi thế giới và thay đổi tương lai. Sự cố gắng của mỗi người là một chiếc đàn, chấp nhận để uốn cong cho những dây đàn thật căng, để lan tỏa những nốt nhạc thanh thoát, sự cố gắng đó cũng là một cây trúc nhỏ, chấp nhận trở nên trống rỗng, để người ca công thổi luồng gió Thánh Thần vào, rung lên những điệu nhạc du dương giữa cuộc đời đầy những thăng trầm. tất cả cần sự cộng tác và chấp nhận thay đổi chính mình, để Chúa Thánh Thần dùng như là khí cụ của tình yêu, khí cụ của niềm tin, hầu tin mừng được loan báo đến mọi nơi, mọi dân tộc và mọi tâm hồn.
 
Lạy Chúa Giêsu phục sinh, trước khi về trời, Ngài đã ban Chúa Thánh Thần cho các Tông đồ, từ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, các Tông đồ đã mạnh dạn lên đường để loan báo tin mừng tình yêu cho các dân tộc, xin Chúa cũng ban Thánh Thần tình yêu cho chúng con, để trong ơn gọi và hoàn cảnh mỗi người, chúng con loan báo về tin mừng cứu độ đó. Nhờ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, các Tông đồ đã khắc họa rõ nét khuôn mặt Thiên Chúa trong tha nhân, trong thế giới, xin Chúa Thánh Thần giúp chúng con dùng đời sống mình, họa lại khuôn mặt của Thiên Chúa giữa cuộc đời, trong mỗi ơn gọi của chúng con. Amen.

Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây