TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật I Mùa Chay – Năm B

29/04/2021 06:26:07 |   1010

Chúa Nhật I Mùa Chay – Năm B


Mc 1,12-15


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật I Mùa Chay – Năm B

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Mùa chay mời chúng ta vào sa mạc với Chúa Giêsu để nhờ gương mẫu và sự giúp đỡ của Người, ta có cơ may nhìn thấy những điều cốt yếu nhất khi đối diện với Chúa và chính lòng mình. Trọng tâm của Mùa Chay là chuẩn bị tâm hồn đón mừng Chúa Phục Sinh, đón nhận ơn cứu độ Thiên Chúa thương ban cho chúng ta. Các bài đọc Thánh Kinh hôm nay tập trung vào việc Thiên Chúa đã cứu vớt con người: Thiên Chúa đã cứu ông Noe và con cái ông khỏi nạn lụt hồng thủy, Thiên Chúa đã dùng phép thanh tẩy để cứu toàn thể nhân loại khỏi chết; Thiên Chúa đã sai Con Một yêu dấu đến trần gian rao giảng Nước Trời, chịu chết trên Thập Giá và Phục Sinh để giải thoát mọi người. Điều kiện để được cứu là thống hối và tin vào Tin Mừng. Đó chính là sứ điệp Lời Chúa. Vậy giờ đây chúng ta cùng thành tâm thống hối    

Ca nhập lễ

Nó sẽ kêu cầu Ta, và Ta sẽ nhậm lời nó. Ta sẽ cứu gỡ và làm cho nó được vinh dự, Ta sẽ cho nó được sống lâu dài.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, hằng năm Chúa ban cho chúng con bốn mươi ngày chay thánh, để tôi luyện hồn xác chúng con. Xin giúp chúng con sống những ngày khắc khổ ấy, để học biết Ðức Ki-tô, và dõi theo gương Người, hầu xứng đáng hưởng ơn Người cứu độ. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: St 9, 8-15

“Giao ước giữa Thiên Chúa và ông Nôe sau khi ông này được cứu khỏi nướt lụt”.

Trích sách Sáng Thế.

Ðây Thiên Chúa phán cùng ông Nôe và con cái ông rằng: “Ðây Ta ký kết giao ước của Ta với các ngươi và con cháu các ngươi, với tất cả sinh vật đang sống với các ngươi, như chim chóc, gia súc, tất cả những thú vật đang sống trên mặt đất với các ngươi, những gì ra khỏi tàu và toàn thể thú vật trên mặt đất. Ta ký kết giao ước của Ta với các ngươi: nước lụt không còn tiêu diệt mọi loài nữa, cũng không khi nào còn lụt tàn phá trái đất nữa”. Và Thiên Chúa phán: “Ðây là dấu chỉ giao ước ký kết giữa Ta với các ngươi, và tất cả sinh vật đang ở với các ngươi và sau này mãi mãi. Ta sẽ đặt trên trời một cái mống, và nó sẽ là dấu chỉ giao ước giữa Ta với trái đất. Khi Ta quy tụ mây lại trên trời, mống sẽ xuất hiện trên mây, và Ta sẽ nhớ lại giao ước đã ký kết giữa Ta với các ngươi và mọi sinh vật, và không khi nào nước lụt tiêu diệt mọi loài như thế nữa!”

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 24, 4bc-5ab. 6-7bc. 8-9

Ðáp: Tất cả đường nẻo Chúa là ân sủng và trung thành dành cho những ai giữ minh ước và điều răn Chúa (x. c. 10).

Xướng: Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa; xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con.

Xướng: Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Ngài, lòng thương xót tự muôn đời vẫn có. Xin hãy nhớ con theo lòng thương xót của Ngài, vì lòng nhân hậu của Ngài, thân lạy Chúa.

Xướng: Chúa nhân hậu và công minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho tội nhân hay đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài.

Bài Ðọc II: 1 Pr 3, 18-22

Hiện giờ phép thánh tẩy cũng cứu thoát anh em giống như thể thức ấy“.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.

Anh em thân mến, Chúa Kitô đã chết một lần cho tội lỗi chúng ta, Người là Ðấng công chính thay cho kẻ bất công, để hiến dâng chúng ta cho Thiên Chúa; thật ra Người đã chết theo thể xác, nhưng đã nhờ Thần Linh mà sống lại. Với Thần Linh, Người đã đến rao giảng cho những tâm hồn bị giam cầm, cho những kẻ xưa kia có lúc không tin, đang khi lòng nhân từ Chúa còn khoan giãn lúc ông Nôe đóng tầu, nhờ đó một số ít người, gồm tất cả tám người, được cứu khỏi nước lụt. Và hiện giờ, phép thánh tẩy cũng cứu thoát anh em cũng giống như thể thức ấy, vì phép ấy không phải chỉ rửa sạch thân xác, mà đó là lời cầu xin Thiên Chúa ban cho một lương tâm ngay thẳng, nhờ sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, Ðấng ngự bên hữu Thiên Chúa, sau khi về trời, đã bắt các thiên thần, các quyền thần và các đạo binh suy phục Người.

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Mt 4,4b

Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.

Phúc Âm: Mc 1, 12-15

“Chúa chịu Satan cám dỗ và các Thiên Thần hầu hạ Người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa và Người ở đó suốt bốn mươi đêm ngày, chịu Satan cám dỗ, sống chung với dã thú và các Thiên Thần hầu hạ Người.

Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa, Người nói: “Thời giờ đã mãn, và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúa Giêsu đã chuẩn bị cho sứ vụ rao giảng bằng thời gian thử thách trong sa mạc. Để hiệp thông với Chúa trong chay tịnh thể xác và tinh thần, làm cho mùa hồng ân này thực sự hoán cải chúng ta, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin:

1. “Ta ký kết giao ước của Ta với các ngươi và con cháu các ngươi”.- Xin cho các vị lãnh đạo dân Chúa trở nên như những ông Noe, hướng dẫn các tín hữu cải hối để Chúa ban ơn giao hoà, hầu xứng đáng lãnh nhận hồng ân cứu độ.

2. “Chúa Kitô đã chết một lần cho tội lỗi chúng ta”.— Xin cho giới trẻ đang sống giữa những cạm bẫy của đam mê nhục dục, biết suy gẫm về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu mà can đảm chống lại mọi cơn cám dỗ, thắng vượt được những nguy cơ khiến họ phải xa lìa tình thương Chúa.

3. “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến”.- Xin cho mọi thành phần dân Chúa, biết mở rộng tâm hồn đón nhận hồng ân cứu độ Chúa ban trong thời thuận tiện này.

4. “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng“.- Xin cho mọi người trong giáo xứ chúng ta, mau mắn lắng nghe Lời Chúa kêu gọi trở về và canh tân đời sống, nên gương mẫu, thánh thiện hơn.

Chủ tế: Lạy Chúa Cha toàn năng, Thánh Thần Cha đã hướng dẫn Đức Kitô tiến vào hoang địa, sống những ngày thân mật với Cha, xin cho chúng con cũng nhờ Chúa Thánh Thần mà thi hành những điều Cha đã truyền ban, đặc biệt trong mùa chay thánh này. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, hôm nay là Chúa Nhật đầu mùa chay thánh, chúng con dâng lên Chúa những lễ vật này. Cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận và thương biến đổi chính cuộc đời chúng con thành của lễ đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, nhờ Ðức Ki-tô, Chúa chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con. Khi nhịn ăn bốn mươi đêm ngày, Người đã nêu gương chay tịnh, và khi phá vỡ mưu chước của con rắn xưa, Người dạy chúng con thắng mọi cơn cám dỗ: để khi cử hành mầu nhiệm Vượt Qua với tâm hồn trong sạch, chúng con có thể tới dự lễ Vượt Qua muôn đời. Vì thế, hiệp với toàn thể Thiên thần và các thánh, chúng con không ngừng hát bài ca chúc tụng Chúa, mà tung hô rằng:

Thánh! Thánh! Thánh!…

Ca hiệp lễ

Người ta không sống nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã thương lấy bánh bởi trời nuôi dưỡng chúng con, làm cho đức tin thêm mạnh mẽ, đức cậy được vững vàng, đức mến hằng tha thiết. Xin dạy chúng con biết khao khát tìm kiếm Ðức Ki-tô là bánh trường sinh đích thực, và biết lấy lời Chúa làm lương thực hằng ngày. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Nơi hoang dã

Có một vở kịch mang tựa đề là nơi hoang dã, kể lại câu chuyện như sau: Chàng thanh niên yêu say đắm cô gái hàng xóm. Thế nhưng cha nàng không ưng vì cuộc sống có phần bê bối của chàng. Ông ra sức dập tắt mối tình của chàng. Thất vọng, chàng đâm ra rượu chè bê bối. Ngày kia, sau khi đã uống rượu, chàng gây lộn và đánh nhau với một người trong quán, nên bị chủ quán tống cổ ra ngoài đường. Cha chàng rất hiểu và cảm thông với con mình. Ông từ từ giúp chàng lấy lại thế quân bình. Sau khi biết được cô gái hàng xóm cũng yêu chàng, thế là chàng quyết định hối cải và làm lại cuộc đời.

Vở kịch được trình diễn một cách rộng rãi và đã thu hút được nhiều người đến xem vì nó đưa ra một hoàn cảnh chung, vừa nhân bản, lại vừa gần gũi với cuộc sống hằng ngày. Nó vẽ lên phần nào cảnh hoang dã mà chúng ta đang sống.

Từ câu chuyện trên chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng hôm nay. Thực vậy, trước khi bắt đầu cuộc sống công khai, Chúa Giêsu đã vào sa mạc, nơi hoang dã để ăn chay, cầu nguyện và chịu cám dỗ suốt 40 đêm ngày. Theo Kinh Thánh, sa mạc hay nơi hoang dã đã là nơi trú ẩn của thần dữ, của thử thách.

Với chúng ta cũng vậy, chúng ta đang sống trong một nơi hoang dã, một thế giới tràn ngập những tạo vật man rợ dưới hình thức con người. Có gì hung dữ hoặc xấu xa cho bằng sự tàn bạo của con người thời đại. Giết người không gớm tay. Ngược đãi trẻ em cộng với những hành động gian tham, trộm cướp bất công. Có con thú dữ nào giết hại hằng triệu người mỗi năm? Thế nhưng, việc phá thai của con người thời nay còn vượt hơn con số đó rất nhiều.

Thú dữ mang hình người trong hoang địa của chúng ta đang phá huy không những sự sống thể xác, mà hơn nữa, còn đặc biệt phá huỷ sự sống tinh thần của chính chúng ta và của những người thân yêu. Chẳng hạn như những phim ảnh và sách báo đồi truỵ. Vậy liệu có phương cách nào để kềm chế những kẻ tàn phá thể xác và tâm hồn hay không?

Tôi xin thưa rằng có, đó là phương cách của Chúa Giêsu. Bởi vì chính Ngài đã đến để cứu chữa những gì đã hư đi. Cũng vì thế mà Ngài đã vào hoang địa để chiến thắng sự dữ bằng việc hãm mình và cầu nguyện. Chỉ trong đường lối của Chúa, chúng ta mới chiến thắng được sự dữ trong thế giới ngày hôm nay.

Đúng thế, chỉ bằng việc cầu nguyện và hy sinh, chúng ta mới có thể thuần hoá được những con thú tiềm ẩn trong cõi lòng chúng ta. Cùng với Chúa Giêsu, chúng ta hãy cầu nguyện và chấp nhận những hy sinh hãm mình, để nhờ đó chúng ta cũng sẽ chiến thắng được những cám dỗ suốt dọc cuộc đời chúng ta.

Chúa Nhật I Mùa Chay – Năm B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mc 1, 12-15).
 
Khi ấy, Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa và Người ở đó suốt bốn mươi đêm ngày, chịu Satan cám dỗ, sống chung với dã thú và các Thiên Thần hầu hạ Người.
 
Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa, Người nói: “Thời giờ đã mãn, và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”.
 
Suy niệm
 
Mùa chay là thời gian Mẹ Giáo hội mời con cái trở về với chính mình qua ánh sáng của Lời Chúa, để mỗi người thấy sự hữu hạn của bản thân, sự hữu hạn đó là mầm mống gây ra bao đau thương cho tha nhân, đồng thời, qua ánh sáng thần linh đó, con người nhận ra dung mạo của một Thiên Chúa tình yêu, một Thiên Chúa gần gũi với con người như người cha luôn đi bên cạnh con cái, luôn che chở, bảo vệ, sẵn sàng hy sinh cho con cái được bình an, được lớn lên và được làm người thực sự.
 
Ngay từ khởi thủy, con người luôn được đi bên cạnh Thiên Chúa, Ngài hiện diện với họ như một người bạn, như một người cha, tội lỗi đã chen vào, phá vỡ tương quan đó, con người rơi vào tình trạng nô lệ tội lỗi, để mình cuốn vào vòng xoáy của bao đau khổ, chết chóc. Thiên Chúa đã thanh luyện con người qua câu chuyện lụt đại hồng thủy, Ngài muốn con người chân nhận sự yếu đuối của mình cũng như sự hoành hành của sự chết chóc trong thế giới. Thế nhưng, sau cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, con người dù được Thiên Chúa cam kết sẽ gìn giữ, sẽ chăm sóc và bảo vệ họ, đổi lại, họ phải từ bỏ những gì là hệ quả của tội lỗi, sống ơn gọi là con Thiên Chúa vẹn toàn. Câu chuyện trong Bài đọc 1 gợi lên tâm tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho con người như thế nào: “Ðây Ta ký kết giao ước của Ta với các ngươi và con cháu các ngươi, với tất cả sinh vật đang sống với các ngươi, như chim chóc, gia súc, tất cả những thú vật đang sống trên mặt đất với các ngươi, những gì ra khỏi tàu và toàn thể thú vật trên mặt đất. Ta ký kết giao ước của Ta với các ngươi: nước lụt không còn tiêu diệt mọi loài nữa, cũng không khi nào còn lụt tàn phá trái đất nữa”. Thiên Chúa là thế, tấm lòng người cha là thế, nghiêm phạt con cái, nhưng rất đau khổ, sửa dạy con cái, nhưng rất yêu thương. Thế mà, con người đã sống ân tình đó ra sao, để rồi Thiên Chúa cứ mãi rơi lệ, Thiên Chúa cứ mãi buồn trách vì sự giả dối, ích kỷ.
 
Câu chuyện tình thương của Thiên Chúa được viết tiếp bởi những con người khiêm tốn nhưng có một trái tim thuộc về Ngài, đó là thánh Phêrô. Trong lá thư mục vụ của vị tông đồ trưởng, thánh nhân mong muốn con cái của mình hãy ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại qua mầu nhiệm nhập thể của Chúa Con, Ngài hiện diện để đưa con người ra khỏi gọng kìm của sự chết, đưa con người đi vào một thế giới tự do, không còn đau khổ, không còn chết chóc, không còn lệ thuộc vào bóng đen của Satan: “Chúa Kitô đã chết một lần cho tội lỗi chúng ta, Người là Ðấng công chính thay cho kẻ bất công, để hiến dâng chúng ta cho Thiên Chúa; thật ra Người đã chết theo thể xác, nhưng đã nhờ Thần Linh mà sống lại”. Con Thiên Chúa đến trong thế gian, Ngài đã mở cánh cửa về trời bấy lâu nay bị đóng lại, Ngài đã giải thoát cả những kẻ bị giam cầm sau cái chết. Tất cả những cử chỉ, những việc làm của Con Thiên Chúa, đều làm nổi bật bức tranh tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người: “Và hiện giờ, phép thánh tẩy cũng cứu thoát anh em cũng giống như thể thức ấy, vì phép ấy không phải chỉ rửa sạch thân xác, mà đó là lời cầu xin Thiên Chúa ban cho một lương tâm ngay thẳng, nhờ sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, Ðấng ngự bên hữu Thiên Chúa, sau khi về trời, đã bắt các thiên thần, các quyền thần và các đạo binh suy phục Người”. Niềm hy vọng đó như một luồng sáng cuối đường hầm, cho con người được hy vọng, được vui mừng trở về ngôi nhà đích thực của mình nếu mỗi ngày sống, họ cố gắng hoán đổi cuộc đời.
 
Cuộc sống con người mỗi ngày đối diện với muôn vàn thách đố, đặc biệt là những nhu cầu liên quan đến sự sống còn của bản thân. Cơm áo gạo tiền, địa vị xã hội, tham vọng bá chủ, luôn là những hấp lực, làm đảo lộn mọi sinh hoạt cuộc sống. Thánh Mac-cô giới thiệu cho chúng ta biết về những ngày đầu trong sứ mạng cứu độ của Đức Giêsu, Ngài vào hoang địa, nơi đó Ngài gặp những thử thách nào: “Khi ấy, Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa và Người ở đó suốt bốn mươi đêm ngày, chịu Satan cám dỗ, sống chung với dã thú và các Thiên Thần hầu hạ Người”. Khi làm người, Đức Giêsu cũng đối diện với muôn vàn cám dỗ, từ miếng ăn, đến danh vọng, đến cả uy tín trong cộng đồng nữa. Trước những ngọt ngào từ miếng bánh ngon ma quỷ vẽ lên, Con Thiên Chúa luôn dựa vào sức mạnh thần linh của Thiên Chúa, luôn lấy ánh sáng của Lời Chúa làm kim chỉ nam cho cuộc đời. Hơn nữa, Ngài đã vượt qua mọi cám dỗ nhờ mối tương quan giữa Ngài với Chúa Cha trong những giờ cầu nguyện mỗi ngày. Hơn nữa, Đức Giêsu còn giới thiệu cho con người biết phương cách để được trở lại ngôi nhà của mình trên trời, đó là sám hối, là trở về với ánh sáng của Tin Mừng: “Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa, Người nói: “Thời giờ đã mãn, và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”. Tất cả như là một câu chuyện tình giữa Thiên Chúa và con người, được chính người con của Thiên Chúa viết lên theo từng bước chân và những lời giáo huấn của Ngài, khi Ngài bước vào ngôi nhà của con người là thế giới này.
 
Và hôm nay, nhân loại đang đối diện với những mối lo vô cùng lớn lao, đó là dịch bệnh, là đói kém, là chiến tranh. Tất cả đến từ những lời dụ dỗ ngọt ngào của ma quỷ. Sự ích kỷ đã len lỏi vào trong mọi nếp sống của nhân loại, vũ trụ, trái đất, tài nguyên thiên nhiên là những món quà Tạo Hóa ban tặng cho con người, để con người sinh sống, hoàn thiện ơn gọi làm người khi cộng tác với Ngài làm cho trái đất, vũ trụ này hoàn hảo. Thay vì giúp nhau làm việc, cùng lao động trong chương trình của Thiên Chúa, con người bị cám dỗ là có thể làm được mọi sự, đổi thay thế giới, điều khiển vũ trụ và làm chủ luôn sự sống của con người. Mối nguy đó ngày càng hiển lộ khi trật tự thế giới, khi quỹ đạo sống của thiên nhiên và môi trường bị đảo lộn, dẫn đến sự sống con người bị đe dọa.
 
Một mối nguy đang rình rập con người hôm nay đó là sự sống của con người, là phẩm giá của một tạo vật mang hình ảnh của Thiên Chúa. Lạm dụng vào sự tiến bộ của khoa học để can thiệp vào sự sống, can thiệp vào sự hiện hữu của con người. Một cám dỗ đang lôi cuốn rất nhiều nhà khoa học vào vòng xoáy của tội lỗi. Thụ thai trong ống nghiệm, nhân bản vô tính, can thiệp vào sự phát triển của các thai nhi, kết thúc sự sống nơi những người già, những bệnh nhân lâu ngày, được coi là thành tựu của con người, nhưng vô tình đã đụng đến quyền năng của Thiên Chúa. Dựa vào quyền tự do của con người, dựa vào quyền được làm chủ bản thân, con người đang dần dần đẩy lùi sự hiện diện của Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống. Có phải vô tình, con người đang bắt ép Thiên Chúa phải dừng chân trong quỹ đạo tình yêu của Ngài chăng? Có phải con người đang lạm dụng vào khả năng của mình, để định đoạt vận mệnh thế giới và vận mệnh con người chăng? Thiên Chúa là tình yêu, chắc chắn Ngài không để cho tình yêu của Ngài bị chôn vùi trong sự ích kỷ và tham vọng của con người, chắc chắn Ngài không chấp nhận thua cuộc trước mọi thành công của con người, dù sao họ cũng chỉ là một tạo vật được hiện hữu do tình yêu của Tạo Hóa. Thế giới hôm nay có dám tuyên tín niềm tin của mình như thế không, đặc biệt là các tín hữu Kitô, cho dù con số các tín hữu có khiêm tốn. Dấu chân của Thiên Chúa vẫn ẩn hiện trong lịch sử nhân loại, tình yêu của Ngài vẫn là một dòng chảy không cạn kiệt. Hãy tin tưởng vào Thiên Chúa và sống theo ánh sáng của Lời Ngài, ắt con người sẽ được bình an và hạnh phúc sẽ ngự trị trong thế giới.
 
Lạy Chúa, xin giúp con biết lắng nghe lời dạy của Chúa để sống cho ra người thực sự, xin giúp con biết tin tưởng vào một Thiên Chúa luôn ở bên cạnh con người, luôn chia sẻ và hướng dẫn con người, để con người hoàn thiện ơn gọi làm môn đệ của Chúa trong một thế giới đang bị tục hóa vì sự ích kỷ, tham vọng đến từ con người. Amen.

Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

 
TIN MỪNG GIÚP HOÁN CẢI
(Chúa Nhật I Mùa Chay B)

“Thời kỳ đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,1…). Nội dung lời rao giảng của Đấng Cứu Thế, Giêsu Kitô thật ngắn gọn mà rõ ràng và đủ đầy ý nghĩa. Đang bước vào Mùa Chay thánh, xin được sẻ chia đôi tâm tình liên hệ đến vế sau lời rao giảng của Chúa Kitô: “Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng. Thử hỏi rằng phải chăng nhờ ăn năn sám hối nên chúng ta tin vào Tin Mừng hay nhờ tin vào Tin Mừng nên chúng ta sám hối ăn năn?

Để có được câu trả lời mang tính khả tín thì chúng ta cần làm rõ nội hàm của hai từ Tin Mừng. Hai từ Tin Mừng vừa nói lên sứ điệp gieo rắc niềm vui đích thực vừa nói đến chính niềm hạnh phúc, niềm vui trọn hảo. Như thế Tin Mừng ở đây chính là Chúa Kitô, là con người, cuộc đời, các hoạt động và lời giảng dạy của Người. Nước Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta. Nước Trời chính là Chúa Kitô và Tin Mừng cũng chính là Người. Và ai thấy Người là thấy Chúa Cha (x.Ga 14,9).

Đến thế gian này sứ mạng chủ yếu của Chúa Kitô là tỏ bày cho nhân loại nhận biết chân dung đích thực của Thiên Chúa tối cao cũng như chương trình ý định của Ngài trên toàn thể thụ tạo, cách riêng trên loài người chúng ta.

Bài đọc thứ nhất trích sách Sáng thế nói đến một Thiên Chúa tự nguyện ký kết giao ước với nhân loại. Người tự nguyện cam kết rằng sẽ không trừng phạt con người: “Ta lập giao ước của ta với các ngươi: mọi xác phàm sẽ không còn bị nước hồng thủy hủy diệt…” (St 9,11). Thiên Chúa sẽ không bao giờ quên giao ước Người đã lập. Và mọi đường lối của Người đều là yêu thương và thành tín (x.Tv 24). Lòng thành tín của Thiên Chúa đã hiện lộ cách rõ nét khi đến thời viên mãn với công cuộc nhập thể cứu độ của Chúa Kitô.

Để giúp con người từ bỏ tội lỗi, ăn năn sám hối và đổi thay nếu sử dụng phương pháp hù doạ, nghĩa là trình bày các hậu quả xấu xa phải gánh chịu, thì dường như dễ có kết quả tức thời nhưng lại không bền. Bên cạnh đó cái phương pháp này nhiều khi làm méo mó chân dung Thiên Chúa, Đấng tốt lành vô cùng, là Cha nhân hậu, giàu lòng xót thương.

Khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Chúa Kitô đã xác nhận lời tiên tri Isaia ứng vào sứ mạng của mình: “Thần Khí chúa ngự trên tôi, vì chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn…” (Lc 4,18-19). Một nội dung chính của Tin Mừng đó là: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

Mùa Chay thánh đã về, đoàn Kitô hữu thường được nghe các vị chủ chăn nói đến chủ đề tội lỗi. Đây là một việc làm chính đáng. Thế nhưng nếu quá chăm chăm dán mắt vào cái được gọi là tội lỗi thì nhiều khi chúng ta sẽ bị lệch lạc trong cái nhìn. Mầu nhiệm tội lỗi chỉ được sáng tỏ khi chúng ta quy chiếu cái nhìn vào Thiên Chúa và tình yêu Người đã dành cho chúng ta. Thiên Chúa, Đấng Tối Cao và giàu lòng xót thương là khởi điểm để chúng ta nhận ra thân phận tội lỗi của mình và cũng là đích đến khi chúng ta nỗ lực ăn năn hoán cải, đổi thay, trở về.

Một thực tế của Mùa Chay: Nơi nơi, xứ xứ đều có lời mời gọi sám hối và các cử hành bí tích Hoà Giải. Chuyện các Kitô hữu Công giáo, cách riêng người công giáo Việt Nam chen nhau đến tòa giải tội dịp Mùa Chay là chuyện quá phổ biến, ít ai chối cãi. Các vị mục tử có nơi phải sắp xếp lịch trình hợp lý mới có thể đáp ứng được nhu cầu này của đoàn tín hữu. Thế nhưng có chăng việc xưng thú lỗi lầm ấy chẳng qua là chỉ để thanh thản lương tâm chút nào đó hầu tham dự các Lễ nghi của Tuần Thánh và để đủ điều kiện rước Thánh Thể dịp Phục sinh? Đại Lễ Phục sinh đến thì mọi sự lại trở về như xưa. Mùa Chay vội qua như nó chưa từng đến. Một sự đổi thay mang tính tích cực và lâu bền chỉ có thể đặt trên nền tảng một cảm nghiệm sâu xa về Tin Mừng là tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta.

Không phải chúng ta sám hối ăn năn rồi chúng ta mới tin vào Tin Mừng là Thiên Chúa Tình Yêu, nhưng nhờ tin vào Tin Mừng là Thiên Chúa giàu lòng xót thương thì chúng ta mới thành tâm ăn năn sám hối, thay đổi đời sống cách cụ thể thiết thực và lâu bền. Ước gì chân dung Thiên Chúa Tình yêu được tỏ lộ nơi đoàn tín hữu Kitô, đặc biệt nơi các vị mục tử để nhiều tâm hồn lầm lạc biết ăn năn trở về. Và khi ấy chúng ta có thể nói rằng Mùa Chay không phải là mùa của sầu khổ, đau buồn mà đich thực là Mùa của hồng ân.

Mong sao không chỉ các đấng bậc trong Hội thánh mà cả đoàn tín hữu Kitô nhiệt thành loan Tin Mừng để tội nhân khi “tin vào Tin Mừng, thì biết sám hối ăn năn”. Tin Mừng cần được loan báo ở đây đó là: làm cho kẻ bị giam cầm thoát khỏi xiềng xích ngục tù, làm cho người mù được sáng mắt, trả tự do cho người bị áp bức, làm cho người nghèo hèn, kém phận biết họ được ưu ái, cho người tội lỗi biết họ luôn được đón chờ và thứ tha…

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột


SUY NIỆM CHÚA NHẬT I MÙA CHAY NĂM B 
Mc 1,12-15

HÃY HỐI CẢI

Giáo Hội bước vào Mùa Chay cùng với cả thế giới.
Cả thế giới đã sống Mùa Chay của mình từ hơn một năm qua.
Đến nay đã có hơn 110 triệu người bị nhiễm,
và 2,4 triệu người chết vì dịch bệnh Covid.

Cơn dịch bệnh kinh hoàng đã tác động đến toàn bộ cuộc sống
của hầu hết mọi người trên thế giới.
Đời sống tôn giáo cũng chịu ảnh hưởng nặng nề.
Nhà thờ đóng cửa, Thánh lễ Chúa nhật và các bí tích bị ngừng.
Nghi thức tiễn biệt người qua đời cũng làm trong vội vã.
Lo âu, buồn thảm, hoang mang, thất vọng.

Cả người có đức tin mạnh cũng thấy mình bị dao động.
Chúng ta đã và đang sống trong một Mùa Chay dài.
Mùa Chay của năm phụng vụ đi với Mùa Chay cuộc đời.
Điều đó làm cho Mùa Chay năm nay mang nét rất riêng.
 
Bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay thật ngắn,
kể lại chuyện Đức Giêsu bị Xatan cám dỗ, thử thách.
Nơi thử thách là hoang địa, vắng người ở, ít sự sống.

Đức Giêsu không tự ý đi vào hoang địa,
Ngài được Thần Khí dẫn vào, đẩy vào nơi vắng vẻ đó.
Có thể nói Thần Khí đưa Đức Giêsu vào một cuộc tĩnh tâm,
kéo dài nhiều ngày, trước khi bắt đầu thi hành sứ vụ.

Hoang địa vừa là nơi gần gũi thân tình với Thiên Chúa,
vừa là nơi diễn ra cuộc chiến ác liệt với Xatan.
Hoang địa là nơi Đức Giêsu chìm sâu trong cầu nguyện,
nhưng cũng là nơi Ngài nghe những mời mọc của Xatan,
trước khi quyết định hướng đi sắp tới của mình.

Khi chịu phép rửa, Đức Giêsu là Người Con mà Cha hài lòng.
Ngài cũng là Đấng Mêsia được Thần Khí ngự xuống.
Còn nơi hoang địa, Xatan cám dỗ Ngài không sống theo ý Cha,
không sống theo Thần Khí, không đi vào con đường hẹp.
Đây là một thử thách thật sự khó khăn.
Đức Giêsu đã vượt qua được cơn thử thách này.
 
Thế giới hôm nay cũng đang ở trong một cơn thử thách lớn.
Thiên Chúa cho phép những thử thách đau khổ xảy ra
trong đời các Kitô hữu (1 Pr 1,6; 4,12; 1 Cr 10,13; Gc 1,13-15),
đời từng người, và trong cả dòng lịch sử nhân loại.

Chúng ta không hiểu, và cũng khó chấp nhận thử thách,
vì nó quá tàn nhẫn, khiến ta nghĩ đến một Thiên Chúa độc ác,
vì nó đầy ngạo nghễ, khiến ta nghĩ đến một Thiên Chúa bất lực.
Nhưng thử thách dạy chúng ta nhiều điều.
Bất chấp mọi tiến bộ khoa học, kỹ thuật,
một con vi-rút nhỏ bằng một phần bảy mươi ngàn sợi tóc
đã làm náo loạn cả thế giới, và cho thấy con người mong manh.
Nhẫn nại và khiêm tốn cầu xin trong cơn thử thách
là điều phải làm song song với nỗ lực dập tắt dịch bệnh.
 
Thiên Chúa nói với con người qua những thử thách.
Thái độ của chúng ta là khiêm tốn lắng nghe.
Thử thách đưa đến những hậu quả khủng khiếp,
nhưng chúng ta tin “Thiên Chúa làm cho mọi sự sinh ích lợi
cho những ai yêu mến Ngài” (Rm 8,28).

Thử thách là lời mời gọi khẩn thiết của Thiên Chúa.
Ngài mời chúng ta liên đới với nhau hơn,
cùng nhau chống lại những bệnh dịch mới đe dọa sự sống
hơn là chạy đua vũ trang và gây chiến tranh khắp nơi.

Ngài mời chúng ta lo cho nhau hơn, coi nhau như người nhà,
phá đi những bức tường ngăn cách giữa các quốc gia.
Ngài mời chúng ta sống nhẹ nhàng hơn, thanh thoát hơn,
bớt mua sắm, bớt giờ cho internet, thêm giờ cho Chúa.  

Ngài mời chúng ta phong tỏa cái xấu, giãn cách với tội lỗi,
tránh xa mọi lây nhiễm bằng thứ khẩu trang nhiều lớp,
và cẩn thận rửa tay mình cho sạch mọi ô nhơ.
 
Nạn đại dịch là một lời mời, một nhắc nhở
của Người Cha đầy yêu thương dành cho con cái.
Nếu chúng ta đáp lại lời mời đó bằng hoán cải, canh tân,
thì đại họa có thể trở thành cơ hội tuôn trào ân phúc.
Và Mùa Chay này thành thời gian tuyệt vời dẫn đến Phục Sinh.
 
LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu là vị Thượng Tế nhân từ,
chắc Chúa buồn và thương
khi thấy chúng con đang vật vã với cơn thử thách.
Chúa cảm thông với những gì chúng con đang trải qua,
vì chính Chúa đã nếm nỗi đau của cuộc Khổ nạn.

Chúa đã xao xuyến trong Vườn Dầu,
đã khẩn khoản nài xin Cha cất chén đắng,
và cảm thấy bị Cha bỏ rơi khi hấp hối trên thập giá.
Chúa đã chịu thử thách về mọi mặt như chúng con,
nhưng vẫn giữ một niềm trung tín.
 
Lạy Chúa Giêsu là cây nho thật,
xin cho chúng con chấp nhận sự cắt tỉa của Chúa Cha,
để cành nho chúng con thêm trĩu quả.
Xin cho chúng con đừng mất niềm tin vào Thiên Chúa,
Đấng không để chúng con bị thử thách vượt quá sức mình.
Xin cho chúng con trưởng thành hơn, cứng cáp hơn
qua những thử thách đau thương,
để trở nên như lưỡi gươm thép được tôi luyện
cho cuộc chiến chống lại quyền lực của ác thần. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu SJ

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây