Chúa Nhật I Mùa Vọng –Năm B
Mc 13,33-37
CNMV I: Lạy Chúa! Cuộc sống thú vị, bởi vì, chúng con không biết được chắc chắn tương lai sẽ như thế nào. Chất lượng cuộc sống tùy thuộc vào chất lượng của sự đợi chờ. Chúa như ông chủ từ xa trở về; Chúa đến bất ngờ trong lúc chúng con vẫn cứ ăn uống, cưới vợ lấy chồng. Xin cho chúng con luôn biết tỉnh thức: để khi thấy những hiện tượng kinh hãi: biển gào sóng thét, chúng con vẫn cứ ngẩng đầu, vì biết mình sắp được cứu độ. Xin cho chúng con tỉnh thức để nhận ra tình yêu của Chúa, để mau mắn đáp lại tình yêu đó bằng những suy nghĩ, lời nói, và những việc làm cụ thể của mình. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật I Mùa Vọng –Năm B
Dẫn vào Thánh Lễ
Anh chị em thân mến! Mùa Vọng là mùa chờ đón Chúa đến. Chúa sẽ đến nhưng không chắc ta có gặp được Người. Vì Người đến bất ngờ và rất âm thầm. Muốn gặp được Chúa ta phải tỉnh thức. Tỉnh thức có nghĩa là đừng mê ngủ. Trong cuộc sống có những bóng đêm ru ta ngủ say khiến không gặp được Người. Chìm đắm trong giấc mộng, ta sẽ chẳng nghe được bước chân Chúa đi. Tỉnh thức cũng có nghĩa là tỉnh táo phân định. Chúa đến có tính cách rất âm thầm và rất nhẹ nhàng, đơn sơ, hiền lành, khiêm nhường như một người phục vụ. Phải tỉnh táo lắm mới nhận ra Người. Tỉnh thức cũng có nghĩa là ở trong tư thế sẵn sàng, làm việc không ngừng và quên mình phục vụ cho lợi ích chung, chứ không phải là không ngủ mà ngồi chờ. Vậy để bước vào năm Phụng Vụ mới, chúng ta hãy xin Chúa thứ tha mọi lỗi lầm thiếu sót và cùng nhau thống hối.
Ca nhập lễ
Lạy Chúa, con vươn linh hồn lên tới Chúa, con tin cậy vào Chúa, xin đừng để con tủi hổ. Xin đừng để quân thù hoan hỉ về con, vì tất cả những ai trông cậy Chúa, sẽ chẳng hổ người.
Không đọc Kinh Vinh Danh
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa Cha toàn năng, xin cho đoàn tín hữu chúng con hằng quyết tâm làm việc thiện, để đón chào Con Chúa đang ngự đến xét xử trần gian. Nhờ đó, chúng con sẽ được Người cho ở bên hữu, và gọi vào hưởng phúc Nước Trời. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
Bài Ðọc I: Is 63, 16b-17; 64, 1. 3b-8
“Xin Chúa băng qua các tầng trời mà ngự xuống”.
Trích sách Tiên tri I-sai-a.
Lạy Chúa, Chúa là Cha và là Ðấng Cứu Chuộc chúng con: danh Chúa đã có từ muôn đời. Lạy Chúa, tại sao Chúa để chúng con đi lạc xa đường Chúa, và làm cho tâm hồn chúng con trở nên chai đá, không còn biết kính sợ Chúa nữa? Vì các tôi tớ Chúa, các chi tộc thừa hưởng gia nghiệp Chúa, xin hãy đoái nhìn lại.
Xin Chúa băng qua các tầng trời mà ngự xuống: các núi đồi rung chuyển trước tôn nhan Chúa. Chúa đã ngự xuống và các núi đồi rung chuyển trước tôn nhan Chúa. Ðó là việc từ xưa đến nay chưa từng có ai nghe thấy; lạy Chúa, không tai nào nghe thấy không mắt nào nhìn thấy một chúa nào khác ngoài Chúa đã dành những hồng ân cho những ai trông đợi Chúa. Chúa đã đón tiếp kẻ hân hoan thi hành công lý, và nhớ đến Chúa khi đi trong đường lối Chúa.
Này Chúa thịnh nộ, vì chúng con đã phạm tội. Chúng con đã luôn luôn ở trong tình trạng tội lỗi, thì làm sao sẽ được cứu rỗi? Tất cả chúng con đều đầy vết nhơ, và công nghiệp chúng con đều như chiếc áo dơ bẩn.
Và không còn ai kêu cầu thánh danh Chúa, không còn ai tỉnh thức để bám lấy Chúa. Chúa đã ẩn nấp không cho chúng con nhìn thấy nữa, và Chúa đã phó mặc chúng con cho quyền lực tội lỗi. Tuy nhiên, lạy Chúa, Chúa là Cha chúng con, chúng con là đất sét, còn Chúa là người thợ gốm, tất cả chúng con đều do tay Chúa làm nên.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 79, 2ac và 3b. 15-16. 18-19
Ðáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cho chúng con được phục hồi, xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra, hầu cho chúng con được ơn cứu sống
Xướng: Lạy Ðấng chăn dắt Ít-ra-en, xin hãy lắng tai! Chúa ngự trên các Vệ Binh Thần, xin hiện ra trong sáng láng. Xin thức tỉnh quyền năng của Chúa, và ngự tới để cứu độ chúng con.
Xướng: Lạy Chúa thiên binh, xin thương trở lại, tự trời cao xin nhìn coi và thăm viếng vườn nho này. Xin bảo vệ vườn nho mà tay hữu Ngài đã cấy, bảo vệ ngành nho mà Ngài đã củng cố cho mình.
Xướng: Xin Chúa ra tay bang trợ người ở bên tay hữu Chúa, con người mà Chúa đã củng cố cho mình. Chúng con sẽ không còn rời xa Chúa nữa, Chúa cho chúng con được sống, và chúng con ca tụng danh Ngài.
Bài Ðọc II: 1 Cr 1, 3-9
“Chúng ta mong chờ Ðức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, tỏ mình ra”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.
Anh em thân mến, chúc cho anh em đầy ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta, và của Ðức Giê-su Ki-tô.
Tôi hằng cảm tạ Chúa thay cho anh em, vì ơn đã ban cho anh em trong Chúa Giê-su Ki-tô. Vì chưng, trong Ngài, anh em được tràn đầy mọi ơn: ơn ngôn ngữ và ơn hiểu biết, đúng như Chúa Kitô đã minh chứng nơi anh em, khiến anh em không còn thiếu ơn nào nữa trong khi mong chờ Ðức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, tỏ mình ra. Cũng chính Ngài sẽ ban cho anh em bền vững đến cùng, không có gì đáng trách trong ngày Ðức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, ngự đến. Thiên Chúa là Ðấng Trung Tín, đã kêu mời anh em hiệp nhất với Con của Người, là Ðức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Tv 84, 8
Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con. – Alleluia.
Phúc Âm: Mc 13, 33-37
“Các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về”.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.
Khi ấy, Chúa Giê-su phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc nào. Ví như người đi phương xa, để nhà cửa lại, trao quyền hành cho các đầy tớ, mỗi người một việc, và căn dặn người giữ cửa lo tỉnh thức. Vậy các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về, hoặc là chiều tối, hoặc là nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng, kẻo khi ông trở về thình lình, bắt gặp các con đang ngủ. Ðiều Ta bảo cho các con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức!”
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tín hữu
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Tỉnh thức không phải là việc dễ dàng, tự sức ta thật khó có thể, nên hãy tha thiết cầu nguyện xin Chúa trợ giúp:
1. “Tôi hằng cảm tạ Chúa thay cho anh em, vì ơn đã ban cho anh em trong Chúa Giê-su Ki-tô”. Xin cho các vị Chủ chăn được tinh thần nhiệt thành với nhiệm vụ Chúa ủy thác trên các linh hồn, để các ngài được khôn ngoan hướng dẫn đoàn chiên theo ý Chúa.
2.“Chúa là người thợ gốm, tất cả chúng tôi đều do tay Chúa làm nên”.- Xin cho các tín hữu ý thức rằng Chúa đến bất ngờ và thân phận mình yếu đuối, để đừng lãng quên Chúa là cứu cánh đời mình, mà hết lòng phụng sự, yêu mến, hầu khi Chúa đến họ xứng đáng đón rước Chúa.
3.“Chớ lo lắng thỏa mãn những dục vọng xác thịt”.- Xin cho giới trẻ hôm nay đang bị đam mê trần thế ru ngủ, xóa mờ ý thức về Chúa được tỉnh thức, sẵn sàng đón chờ giờ Chúa viếng thăm.
4.“Hãy tĩnh thức và cầu nguyện”.- Xin cho mọi người trong giáo xứ chúng ta, đang bị mưu mô của tà thần và sự lừa bịp của thế gian cuốn hút, nghe được tiếng Chúa kêu gọi mà mau mắn trở về, để được hưởng ơn cứu độ.
Chủ tế: Lạy Chúa, Chúng con thật yếu đuối trước những cám dỗ, xin Chúa Thánh Thần giúp chúng con biết khôn ngoan mưu tìm hạnh phúc bất diệt, để Lời Chúa sinh ơn cứu độ cho chúng con. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, đây là bánh rượu chúng con đã chọn lựa trong muôn vàn phúc lộc chính Chúa đã thương ban. Cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, và làm cho Thánh Lễ tạ ơn giờ đây chúng con dâng tiến, trở nên bảo chứng ơn cứu độ muôn đời cho chúng con. Chúng con cầu xin…
Lời tiền tụng mùa vọng I
Ca hiệp lễ
Chúa sẽ ban cho mọi điều thiên hảo, và Đất Nước chúng con sẽ sinh bông trái.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa đã dùng bí tích Thánh Thể để dạy chúng con là những kẻ lữ hành dưới thế biết mến yêu và gắn bó với những thực tại bền vững trên trời. Xin cho bí tích chúng con vừa cử hành đem lại cho chúng con muôn vàn ân sủng. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
Hãy tỉnh thức
Năm phụng vụ mới bắt đầu bằng một lời cảnh báo: Hãy tỉnh thức. Chúng ta không còn ở trong thời kỳ chờ đợi Chúa giáng sinh làm người, dù rằng năm phụng vụ mở đầu với mùa vọng, mùa chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh. Trái lại chúng ta đang ở trong thời kỳ chờ đợi Chúa đến hoàn tất công trình cứu độ nơi mỗi người, cũng như nơi toàn thể nhân loại.
Hãy tỉnh thức, đúng thế, người Kitô hữu phải chăng là người luôn sống cái mặc cảm coi thế gian và cuộc sống chỉ là một chuỗi những cạm bẫy sẵn sàng nhận chìm chúng ta trong hư đốn? Không phải là như vậy. Lời kêu gọi của Chúa Giêsu và của Giáo Hội ngày hôm nay bao gồm một cái nhìn lạc quan về lịch sử nhân loại. Chúa Giêsu đã có đó. Tội lỗi đã bị án diệt vong. Sự chết đã bị đánh bại, còn mầm mống sự sống mới cứ mỗi ngày một lớn mạnh.
Hãy tỉnh thức để nhận ra tất cả những cái mới mẻ ấy để có thể nhập cuộc. Bà con trong thôn ấp được kêu gọi tu sửa đường xá cho việc đi lại được dễ dàng. Các em học sinh tham gia phong trào tiết kiệm để có tiền giúp đỡ các bạn cùng lớp, cùng trường gặp tai ương hoạn nạn. Người đi buôn, không nói thách, không bán đồ giả, không dùng cân thiếu và thước hụt. Phải tỉnh thức và thấm nhuần tinh thần Phúc Âm để có thể nhận ra sự lớn mạnh của trật tự xã hội mới.
Trong Phúc Âm cũng như trọn cuộc sống, chúng ta có thể bắt gặp vô số những con người mê ngủ, nghĩa là tiếp tục suy nghĩ và lý luận về hành động của Thiên Chúa theo lối cũ, theo những định kiến, theo những hệ thống thần học họ tự đặt ra. Các thượng tế, luật sĩ và biệt phái đã ru ngủ mình trong sự tự mãn và sự thông hiểu Kinh Thánh. Cả thành Giêrusalem cũng đã tự ru ngủ mình trong thói quen, trong cái nếp cũ, nên đã sống bên ngoài biến cố Con Thiên Chúa làm người.
Chúa Giêsu có đó như vị cứu tinh họ mong đợi, nhưng họ đã không nhận ra Ngài. Không những không nhận ra Ngài mà còn tìm cách giết hại Ngài. Bởi vì họ không chấp nhận nghe và thấy những lời nói, những việc làm đi ra ngoài những gì họ đã nghe và đã thấy. Họ đã có những phản ứng hoàn toàn không thích hợp với những đòi hỏi của thời đại mới. Họ đích thực là những kẻ mê ngủ. Chính những mục đồng và những kẻ bị liệt vào hàng tội lỗi công khai như người thu thuế và gái điếm, những kẻ bệnh tật và nghèo khổ lại là những người có khả năng nhận ra cái mới mẻ của tiếng hát các thiên thần, của ánh sao, của những dấu lạ để rồi cuối cùng đã nhận ra Đấng Cứu Thế nơi một hình nhi mới sinh, bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ, hay nơi một Đức Kitô bị chết treo trên thập giá.
Liệu chúng ta đã thực sự tỉnh thức để nhận ra Chúa nơi những người anh em, và thánh ý Ngài qua các biến cố xảy đến hay không?
Tỉnh thức
Chọn bài Phúc Âm này để làm đề tài suy gẫm trong ngày đầu năm phụng vụ, Giáo Hội muốn nhắc nhở chúng ta một bài học rất hữu ích và cần thiết đó là hãy tỉnh thức và sẵn sàng để đón nhận Chúa vào ngày giáng sinh cũng như ngày Chúa gọi chúng ta đến tính sổ cuộc đời với Ngài.
Nhìn vào đời sống, chúng ta thấy tỉnh thức và sẵn sàng là điều kiện cốt yếu để được sống còn. Ngay như trong thế giới loài vật chúng ta cũng thấy như vậy. Một nông dân Mỹ bị đàn quạ khoang phá hoại ruộng ngô. Ông mang súng ra bắn, nhưng không sao lại gần được vì trên cây thông cao, có một con đậu để canh chừng khi các con khác đang ăn. Len lỏi lâu dưới hố sâu ông mới lại gần được mà con gác không hay biết. Một tràng đạn nổ vang, những con sống sót bay vù lên, nhưng chúng không bay đi xa, chúng xà xuống con canh gác với những tiếng kêu giận dữ. Con chim khốn nạn này bị đồng bọn xử một cách tàn nhẫn và nhanh chóng, không thể ở lại trong bầy, phải rời hàng ngũ mà đi nơi khác.
Câu chuyện trên đây cho thấy việc tỉnh thức và sẵn sàng là điều rất cần thiết, loài vật còn cảm thấy phương chi là con người. Nơi giống vật không chu toàn bổn phận tỉnh thức còn bị trừng phạt nặng nề, phương chi là con người.
Trong cuộc sống, chúng ta thường nói: Mấy ai học được chữ ngờ. Nghĩa là có nhiều biến cố xảy đến ngoài dự kiến của chúng ta. Nhưng có một cái bất ngờ, tuy không do chúng ta dự liệu, nhưng lại tuỳ thuộc chúng ta định đoạt số phận, đó là cái chết.
Đọc báo chí, nghe truyền thanh và xem truyền hình, chúng ta thấy cái chết phảng phất ở mọi nơi, và trong mọi lúc. Nào là thiên tai bão lụt giết chết hàng trăm người. Nào là núi lửa, động đất giết chết hàng ngàn người. Nào là chiến tranh, đói khổ giết chết hàng vạn người. Dẫu vậy có ai nghĩ rằng mình cũng sẽ phải chết, mà mấy ai đã tỉnh thức và sẵn sàng cho cái bất ngờ cuối cùng ấy.
Sống sao thì chết vậy. Muốn được chết tốt lành, muốn cho giờ chết không phải là giờ cay đắng bẽ bàng thì ngay từ lúc này, chúng ta phải lo sống tốt lành. Đối với những người còn hồ nghi về đời sau, họ nên khôn ngoan lý luận như nhà tư tưởng Pascal: Có đời sau hay không, điều ấy thật khó mà chứng minh rõ rệt, tuy nhiên tôi vẫn tin có là hơn, vì dù không có, thì tin như vậy cũng không thiệt hại gì. Còn như trong trường hợp mà có, thì không tin quả là điều nguy hiểm. Cho nên tin vào sống niềm tin ấy, thì khôn ngoan hơn.
Tỉnh thức và sẵn sàng ở đây có nghĩa là hãy khử trừ tội lỗi ra khỏi cuộc sống và tích trữ cho một kho tàng quý giá là những hành động bác ái, là những công nghiệp chúng ta lập được khi còn sống ở đời này, để bất kỳ lúc nào Chúa lên tiếng kêu gọi, chúng ta cũng có thể sẵn sàng thưa lên: Lạy Chúa, này con xin đến.
QUYẾT TÂM LÀM VIỆC THIỆN MÀ ĐÓN CHỜ CHÚA ĐẾN
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Mùa Vọng Tuần I, các nhà phụng vụ muốn chúng ta cầu xin cho mình: quyết tâm làm việc thiện mà đón chào Con Chúa đang ngự đến xét xử trần gian, nhờ đó, chúng ta sẽ được Người cho ở bên hữu và gọi vào hưởng phúc Nước Trời.
Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, vào những thời khắc bi thảm nhất của cuộc chiến bại, ngôn sứ Isaia dạy cho Dân Chúa biết cách thế để lại được Chúa thương, không phải bằng những nghi lễ lỗi thời, nhưng bằng một cuộc trở về tận thâm tâm: Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta. Đừng làm điều ác nữa. Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình… Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông.
Trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Syrilô đã trích lời của ngôn sứ Malakhi để cho thấy: Chúa sẽ giáng lâm lần thứ hai là để xét xử trần gian: Ai chịu đựng nổi ngày Người đến? Ai đứng vững được khi Người xuất hiện? Người như lửa của thợ luyện kim, như bột giặt của thợ giặt. Người sẽ ngồi để nung nấu và thanh tẩy, và thánh nhân cũng mượn lời của thánh Phaolô để nhắc nhở chúng ta: phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này.
Bài đọc một của Thánh Lễ, bài Đáp Ca, và Câu Tung Hô Tin Mừng là tâm tình nài xin Chúa trở lại xót thương và ban ơn cứu độ. Ngôn sứ Isaia xin Chúa xé trời mà ngự đến, cho núi non rung chuyển trước Thánh Nhan. Người ta chưa nghe nói đến bao giờ, tai chưa hề nghe, mắt chưa hề thấy: có vị thần nào, ngoài Chúa ra, đã hành động như thế đối với ai tin cậy nơi mình. Vinh gia, qua Thánh Vịnh 79, đã cầu xin: Lạy Thiên Chúa, xin phục hồi chúng con, xin toả ánh tôn nhan rạng ngời, để chúng con được ơn cứu độ.
Bài Tin Mừng chỉ vỏn vẹn có năm câu, mà câu nào cũng có từ “canh thức”. Canh thức vì không biết ngày nào giờ nào, và không biết khi nào Chúa đến. Qua các bài đọc và những yếu tố đi kèm, mà các phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay, chúng ta nhận thấy rằng: “Canh thức” chính là quyết tâm làm việc thiện trong khi chờ Chúa đến xét xử trần gian.
Chắc chắn, “canh thức” như thế thì không dễ chút nào. Do đó, trong bài đọc hai, thánh Phaolô đã khích lệ chúng ta: anh em không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mặc khải vinh quang của Người. Chính Người sẽ làm cho anh em nên vững chắc đến cùng, nhờ thế không ai có thể trách cứ được anh em trong Ngày của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô.
Ân sủng luôn cần có sự tự do cộng tác của chúng ta. Câu Tung Hô Tin Mừng mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay: Lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con thấy tình thương của Chúa và ban ơn cứu độ cho chúng con. Tình yêu đáp đền tình yêu, ân tình đền đáp ân tình. Một người con đi học xa nhà, nếu người đó cảm nhận được tình yêu của cha mẹ đã phải vất vả, chắt chiu từng đồng, để có tiền, gửi cho mình ăn học, thì người đó sẽ chăm chỉ học hành, và cố gắng sống tốt để không phụ ân tình mà cha mẹ đã dành cho mình. Ngược lại, nếu không nhận thấy tình yêu của cha mẹ, người đó sẽ dùng những “đồng tiền mồ hôi nước mắt” của cha mẹ mà phung phí vào việc chơi bời lêu lỏng, và trở nên hư đốn làm khổ cha khổ mẹ.
Nước Trời luôn mở cửa chào đón chúng ta. Chúa sẽ đến dẫn đưa chúng ta vào hưởng phúc muôn đời. Ước gì ngày Chúa đến, Chúa thấy chúng ta đang canh thức đợi chờ, xin cho chúng ta quyết tâm làm việc thiện để đón chờ Chúa, như Lời Tổng Nguyện mà các nhà phụng vụ muốn chúng ta cầu xin trong Chúa Nhật Mùa Vọng Tuần I này.
Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Vọng -Năm B
(Mc 13, 33-37)
“Các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về”.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.
Khi ấy, Chúa Giê-su phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc nào. Ví như người đi phương xa, để nhà cửa lại, trao quyền hành cho các đầy tớ, mỗi người một việc, và căn dặn người giữ cửa lo tỉnh thức. Vậy các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về, hoặc là chiều tối, hoặc là nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng, kẻo khi ông trở về thình lình, bắt gặp các con đang ngủ. Ðiều Ta bảo cho các con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức!”
TỈNH THỨC
(Chúa Nhật I Mùa Vọng B) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Khởi đầu niên lịch Phụng vụ mới với lời Chúa Kitô trong bài Tin mừng: “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến…” (Mc 13,33 tt). Phải tỉnh thức, phải canh thức để đón chờ sự gì? Câu trả lời thật hiển nhiên là để đón chờ Chúa lại đến trong vinh quang. Chúa Giêsu đã nói trước đó: “Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Lúc đó, sẽ sai các Thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời” (Mc 13, 26-27).
Quả thật, Kitô hữu chúng ta cũng như anh em lương dân hay bà con khác đạo, thường dễ có tâm tình lo sợ khi nghe nói đến cái ngày tận cùng của thế giới. Phận người nhuốm đầy tội nhơ, vì thế chúng ta thường e sợ khi nghĩ đến sự xét xử và lo lắng khi nghe nói đến ngày tận thế. Con người chúng ta vốn dính bén với những thực tại thế trần, từ của tiền đến danh vọng và cả mạng sống, vì thế, số người bình tĩnh đối diện với sự chết quả là xưa nay hiếm.
Lạy Chúa, xin hãy đến! Cầu thì cầu, xin thì cứ xin, nhưng niềm tin vẫn còn yếu kém. Trong nhiều lý do thì có lý do này: chúng ta chưa thật xác tín rằng Chúa đến để giải thoát chúng ta, để ban hạnh phúc vĩnh cửu cho chúng ta. Và vì thế chúng ta vẫn mãi chưa thật sự sẵn sàng và tỉnh thức. Quả thật vẫn còn đó nhiều nghịch lý. Giả như có ai đó hẹn sẽ đến bất chợt trong một đêm không biết giờ nào nhưng là để trao tặng cho ta món tiền kếch sù là dăm bảy hay vài chục tỉ đồng thì dù không nhắc đi nhắc lại, chúng ta vẫn tỉnh thức và sẵn sàng với bằng mọi giá để khỏi bỏ lỡ dịp may ngàn năm có một. Thế mà thật trớ trêu, ai trong chúng ta cũng muốn lên thiên đàng nhưng nếu Chúa cho lên ngay lúc này thì lại xin Chúa hãy khoan thực hiện.
Dù muốn hay không thì cái ngày tận cùng của thế giới cũng sẽ tới, cái ngày tận cùng của đời ta cũng sẽ tới. Vũ trụ này, thế giới này đã có thời điểm bắt đầu thì sẽ có thời điểm kết thúc. Con người chúng ta có lúc chào đời thì phải có lúc lìa đời. Một chân lý đương nhiên, như nhiên, dù không thích ta vẫn phải đối diện. Chẳng ai có thể biết được ngày giờ tận cùng của lịch sử vũ trụ, kể cả các thiên thần và kể cả người Con, ngoại trừ Chúa Cha (x.Mc 13,32). Chẳng ai có thể biết đích xác ngày mình giã từ trần gian. Chính vì thế Chúa Kitô nhấn mạnh: “Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: Phải tỉnh thức!” (Mc 13,37).
Thế nào là tỉnh thức, sẵn sàng? Căn cứ vào lời Chúa Kitô, chúng ta có thể biết một vài cách thế sống sẵn sàng tỉnh thức như sau:
Xét về mặt tiêu cực: Tỉnh thức sẵn sàng là thái độ dứt khoát với tội lỗi. “Anh em phải tỉnh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ” (Mc 13,36). Tình trạng ngủ mê là tình trạng mãi đắm chìm trong tội, là tình trạng mãi quyến luyến với các dục vọng bất chính, là tình trạng bị trói buộc bởi những thực tại trần gian chóng qua. Với một sợi chỉ mỏng manh cũng đủ làm con chim sẻ không thể cất cánh bay cao. Mùa vọng lại về, một lần nữa thử xét mình xem những gì đang làm chúng ta không thể sống tốt hơn, thanh cao hơn, hướng thượng hơn? Cần nhận diện cách trung thực và chính xác để rồi can đảm từ bỏ hoặc biết sống tự do với chúng.
Xét về mặt tích cực: Tỉnh thức sẵn sàng là thái độ sống biết quan tâm đến tha nhân, sống có tình, có lòng với người lân cận. Chúa Kitô đã minh họa thái độ sống tỉnh thức sẵn sàng này qua câu chuyện dụ ngôn năm cô trinh nữ khôn ngoan và năm cô trinh nữ khờ dại. Các cô khôn ngoan được xem là tỉnh thức vì có tấm lòng với cô dâu, chú rể, với hai họ, khi mang đèn thì biết chuẩn bị dầu đầy bình để đón chàng rể vì không biết chàng rể đến lúc nào. Ngược lại các cô khờ dại chẳng biết nghĩ đến ai, ngoài bản thân đến nỗi mang đèn mà không để ý gì đến dầu. Sống mà biết nghĩ đến tha nhân, sống có tấm lòng với người bên cạnh chính là một trong những cung cách sống sẵn sàng, tỉnh thức (x.Mt 25,1-13).
Chúa Kitô còn minh hoạ sự sẵn sàng tỉnh thức bằng việc chu toàn bổn phận với người dưới quyền, với người trong trách nhiệm của ta. Sau khi dạy các tông đồ phải tỉnh thức sẵn sàng vì chính giờ phút không ngờ thì Con Người sẽ đến, Chúa Kitô đã kể dụ ngôn về người đầy tớ trung tín được đặt lên coi sóc gia nhân để cấp phát cho họ đúng giờ, đúng lúc (x.Mt 24,45-51; Lc 12,41-48). Sự thường, người ta rất dễ sẵn sàng chu toàn trách nhiệm với người trên, nhưng với người dưới quyền thì xem ra hay xao nhãng. Bề trên gọi thì thưa vâng ngay, còn bề dưới hỏi thì phán rằng hãy chờ đấy. Không phải với người trên nhưng chính khi chu toàn bổn phận với người dưới quyền mới là lúc ta thực sự đang sống tỉnh thức sẵn sàng.
Mùa Vọng đã về. Chúng ta được mời gọi sẵn sàng tỉnh thức để đón chờ Chúa đến. Chúa đến để ban ân phúc cho chúng ta và cũng là để xét xử chúng ta. Gặp họa hay hưởng phúc đều do chính tấm lòng của chúng ta, do chính thái độ sống của chúng ta. Là loài có lý trí và ý chí tự do, xin đừng đổ thừa cho khách quan hay ngoại cảnh. Sống sẵn sàng, tỉnh thức là điều tất yếu, nếu không muốn phải bị diệt vong.
Chúa nhật I Mùa Vọng -Năm B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mc 13, 33-37).
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc nào. Ví như người đi phương xa, để nhà cửa lại, trao quyền hành cho các đầy tớ, mỗi người một việc, và căn dặn người giữ cửa lo tỉnh thức. Vậy các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về, hoặc là chiều tối, hoặc là nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng, kẻo khi ông trở về thình lình, bắt gặp các con đang ngủ. Ðiều Ta bảo cho các con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức!”
Suy niệm
Hôm nay, toàn thể Giáo hội bước vào một năm phụng vụ mới với tinh thần của mùa vọng. Tinh thần mùa vọng mang sắc màu tím nhưng không là u sầu buồn bã, nhưng đầy hy vọng và bình an. Hy vọng bởi Thiên Chúa luôn tin tưởng con người sẽ cố gắng vượt thắng mọi thách đố, để đón Ngài như ông chủ trong ngày trở về mái nhà của mình. Bình an bởi ông chủ đó sẽ đem đến cho những người làm công niềm vui của gia đình, niềm vui của ngày đoàn tụ và cũng là niềm vui của ngày hạnh phúc nhất của con người. Phụng vụ Lời Chúa của ngày Chúa nhật đầu năm phụng vụ mời gọi con người hãy hướng đến một niềm vui trọn vẹn khi Thiên Chúa ghé thăm dân của Người.
Câu chuyện tiên tri Isaia kể lại tâm trạng của những người Do-thái khi trông đợi Thiên Chúa cứu giúp họ trong cảnh lầm than nô lệ. Họ tin rằng Thiên Chúa xây dựng một ngôi nhà, kiến tạo một gia đình, chọn một dân tộc làm dân riêng, vì thế, Ngài không bỏ rơi tất cả, đặc biệt là con cái của Ngài, họ đã cầu xin Ngài sớm trở lại để giải thoát, chăm sóc và bảo vệ họ trong hành trình cuộc đời: “Xin Chúa băng qua các tầng trời mà ngự xuống: các núi đồi rung chuyển trước tôn nhan Chúa. Chúa đã ngự xuống và các núi đồi rung chuyển trước tôn nhan Chúa. Ðó là việc từ xưa đến nay chưa từng có ai nghe thấy; lạy Chúa, không tai nào nghe thấy không mắt nào nhìn thấy một chúa nào khác ngoài Chúa đã dành những hồng ân cho những ai trông đợi Chúa. Chúa đã đón tiếp kẻ hân hoan thi hành công lý, và nhớ đến Chúa khi đi trong đường lối Chúa”. Như một ngôi nhà không có chủ, sự vắng bóng Thiên Chúa trong hành trình cuộc đời đặc biệt trong giai đoạn họ phải lưu đày, con người phần nào cảm nghiệm được sự trống vắng bàn tay quan phòng của Thiên Chúa dành cho con người.
Sau khi được chọn gọi làm Tông đồ, thánh Phaolô từng ngày như được ngụp lặn trong biển hồ tình yêu của Thiên Chúa dành cho ngài, thánh nhân đã chia sẻ niềm hạnh phúc đó cho con cái trong các giáo đoàn, đặc biệt, ngài còn mong được hiệp thông với các giáo đoàn để tạ ơn Thiên Chúa về sự quan phòng yêu thương, bởi nhờ Đức Giêsu, mọi người được yêu, được cứu và được sống trong ngôi nhà tình yêu của Thiên Chúa: “Tôi hằng cảm tạ Chúa thay cho anh em, vì ơn đã ban cho anh em trong Chúa Giêsu Kitô. Vì chưng, trong Ngài, anh em được tràn đầy mọi ơn: ơn ngôn ngữ và ơn hiểu biết, đúng như Chúa Kitô đã minh chứng nơi anh em, khiến anh em không còn thiếu ơn nào nữa trong khi mong chờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tỏ mình ra”. Thiên Chúa đang ở giữa dân người, đồng thời Ngài cũng sẽ đến lần thứ hai để quy tụ tất cả mọi dân tộc về cùng một đại gia đình Thiên Chúa. Ai sẽ xứng đáng được đi vào vương quốc tình yêu của Thiên Chúa, nếu không phải là những người thành tâm thiện chí, những người có tâm hồn nghèo khó của Tin mừng.
Quả thực là một lời nhắc nhở rất chân thành, sự hiện diện của Đức Giêsu giữa thế giới này, như là một sự hiện diện của sứ giả, Ngài nhắc cho các môn đệ hãy tỉnh thức, hãy sẵn sàng, khi ông chủ trở về, khi ông chủ ghé thăm, mỗi người luôn sẵn sàng ra đón tiếp ông, chính thái độ tỉnh thức và sẵn sàng, sẽ được ông chủ đánh giá cao, sẽ được trọng thưởng với món quà vô giá là sự sống của Thiên Chúa, là hạnh phúc Nước Trời: “Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc nào. Ví như người đi phương xa, để nhà cửa lại, trao quyền hành cho các đầy tớ, mỗi người một việc, và căn dặn người giữ cửa lo tỉnh thức”. Một ngôi nhà sang trọng được giao lại cho các đầy tớ chăm sóc và làm chủ, còn niềm vui nào lớn cho bằng niềm vui được thay thế ông chủ trông coi nhà cửa, thế nhưng, đó cũng là một áp lực rất lớn, vì đó không phải tài sản của mình, càng không phải là chủ nhân, vì thế, hình ảnh ông chủ luôn hiện diện giữa ngôi nhà đó, chứ không phải hình ảnh các đầy tớ.
Trước khi trẩy đi phương xa, ông chủ đã xây dựng cho mình một ngôi nhà đầy đủ mọi tiện nghi, ông trao lại cho các đầy tớ, cho họ quản lý, trông coi và chăm sóc ngôi nhà đó. Quả thực, đó là một ngôi nhà vắng chủ. Nhưng người đầy tớ đã thay mặt ông chủ, trông coi ngôi nhà, chăm sóc và bảo vệ nó hàng ngày, bởi đó là một ngôi nhà vắng chủ, không thiếu những lúc ngôi nhà nhếch nhác, ngôi nhà xuống cấp, thậm chí dơ bẩn và còn bị biến dạng. Chẳng có gì đau khổ khi niềm tin bị tổn thương, ông chủ tin tưởng các đầy tớ, giao cho họ toàn quyền, thế mà họ đã đánh mất niềm tin của ông chủ, biến ngôi nhà thành sở hữu chủ của họ, thay vì chăm sóc, họ phá vỡ hình dạng bên ngoài, thay vì trông coi, họ bỏ mặc cho những kẻ xa lạ tự do ra vào, làm biến dạng ngôi nhà, thay vì bảo vệ ngôi nhà cẩn thận, họ cho kẻ xa lạ thuê lại, hoặc bỏ hoang hóa. Nếu như ông chủ trở về vào lúc họ không ngờ, vào giờ họ không biết, liệu rằng số phận của mỗi người sẽ ra sao, cuộc đời của họ sẽ đi về đâu, bởi họ đã đánh mất hình ảnh ông chủ trong ngôi nhà, chôn vùi niềm tin ông chủ dành cho họ khi trao ngôi nhà cho họ quản lý, chăm sóc và bảo vệ.
Vì thiếu trách nhiệm, vì thờ ơ với bổn phận của mình, những người đầy tớ đã làm thay đổi hình ảnh ông chủ trong ngôi nhà. Hình ảnh người chủ ngôi nhà đang bị biến mất, chắc chắn ngôi nhà đó sẽ trở thành ngôi nhà hoang, sẽ trở nên chốn nương mình cho kẻ trộm cướp. Vì thế, một điều chắc chắn là phải lấy lại hình ảnh của mình khi ông chủ trở về. Ông sẽ loại trừ những người đầy tớ vô ơn, bạc phước, những kẻ không làm theo ý ông, thay vào đó là những người biết làm việc, biết tôn trọng hình ảnh ông chủ và biết bảo vệ ngôi nhà và chăm sóc ngôi nhà theo ý muốn của ông. Hình ảnh ông chủ đó gần xa hướng về một Thiên Chúa đã xây dựng một ngôi nhà ở trần gian và trao cho con người trông coi, chăm sóc và bảo vệ theo ý của Ngài, thế nhưng, con người cách nào đó, đã và đang xóa dần hình ảnh Thiên Chúa, trông coi và chăm sóc ngôi nhà đó theo kế hoạch của con người. Những người đầy tớ đó đáng phạt hay đáng thưởng trong mắt Thiên Chúa đây?
Mùa vọng là thời gian cần thiết để nhắc nhở mỗi người về bổn phận của mình, chỉ là một đầy tớ vô dụng, đừng phá vỡ kế hoạch của Thiên Chúa, đừng chiếm đoạt quyền bính và tài sản của Ngài, đặc biệt, đừng xóa bỏ hình ảnh Thiên Chúa trong thế giới, trong gia đình và trong tâm hồn mỗi người. Để có thể sống vẹn toàn trách vụ người đầy tớ đó, cần tỉnh thức để đón ông chủ, cần sẵn sàng để biết ông trở về lúc nào, ngày nào mà đón tiếp chỉn chu và trân trọng. Chắc chắn người chủ nhân ngôi nhà sẽ có những phần thưởng đặc biệt cho những người đầy tớ biết ý chủ, để trông coi ngôi nhà, chăm sóc nó và bảo vệ cẩn thận trước những kế hoạch tàn phá của ma quỷ và thế gian.
Lạy Chúa, tâm tình mùa vọng gợi nhắc cho chúng con một thời gian đợi chờ trong hy vọng và mừng vui, xin giúp chúng con luôn biết bổn phận và trách nhiệm của mình trước mặt Chúa, để luôn tỉnh thức đón ông chủ trở về thăm lại ngôi nhà của ông. Mùa vọng còn nhắc chúng con rằng Chúa vẫn ở đó với con người dưới nhiều hình thức, để chúng con biết lắng nghe sự hướng dẫn của Chúa, để chăm sóc và bảo vệ ngôi nhà, bảo vệ gia đình của Chúa trong thế gian này, giúp mọi người trong gia đình luôn được sống trong sự bình an đích thực. Chúa cũng mong được ghé thăm ngôi nhà tâm hồn mỗi người chúng con, xin hướng dẫn chúng con, từ cảm nghĩ, đến lời nói, việc làm, để san bằng những lối mòn gồ ghề, lấp đầy những hố sâu oán hờn, kiến tạo những con đường nhỏ nhưng bằng phẳng và thẳng ngay, để Chúa ghé thăm ngôi nhà tâm hồn mỗi người. Amen.
TỈNH THỨC
Chúa Nhật 1 Mùa Vọng năm B: Mc 13, 33-37 - Lm. Thái Nguyên
Suy niệm
Cuộc sống có nhiều điều chúng ta phải chờ đợi. Có những chờ đợi nặng nề, căng thẳng, và làm ta lo âu, sợ sệt, vì không biết sẽ ra sao, có những hệ quả như thế nào? Nhưng cũng có những cuộc đợi chờ đầy thú vị và rất ý nghĩa trong đời, như đợi người yêu trở về từ nơi xa; như cha mẹ chờ con sớm đỗ đạt thành tài. Tuổi trẻ là tuổi của ước mơ và đợi chờ. Mơ ước càng cao càng phải phấn đấu; đợi càng lâu càng phải kiên trì. Sống là biết chờ đợi, và chờ đợi làm thành cuộc sống.
Mùa Vọng, mùa sống với tâm tình chờ đợi Chúa đến. Thật ra, Chúa đã đến và vẫn đang đến trong mọi nỗi vui buồn, trong mọi biến cố lớn nhỏ của đời sống ta. Nhưng ở đây, việc vô cùng hệ trọng là Chúa sẽ đến trong vinh quang mai ngày. Có lẽ ít ai ý thức về điều này, nhất là giới trẻ, vì thấy ngày giờ Chúa đến quá thiêng liêng, xa xăm, nên chỉ quan tâm những điều thiết thực và cấp bách mà mình đang mong đợi ngay trong cuộc sống này. Khi sống quá thực dụng, nên ta dễ đánh mất mục đích sống của đời mình, không biết mình đang sống cho ai vì ai? Đang đi đâu, về đâu? Chính vì vậy, mà Kitô hữu cần tỉnh thức, canh thức, để đón đợi giờ Chúa đến, vì Ngài đến bất thình lình.
Bổn phận người đầy tớ là phải tỉnh thức thâu đêm để chờ đợi chủ trở về. Chờ đợi không phải là ngồi khoanh tay bó gối một cách thụ động, vô hồn, nhưng là thái độ và tính cách của người đang thi hành sứ mạng được giao phó: sứ mạng là con cái Thiên Chúa, là môn đệ Đức Kitô. Để chu toàn sứ mạng này, thái độ cơ bản là đừng để mình bị ngủ mê trong những lo toan và bon chen danh lợi. Ngoài ra, cuộc sống vẫn đầy những thứ gây nghiện. Ma túy là mối đe dọa giới trẻ hôm nay, nhưng ma túy đâu phải chỉ là bạch phiến, hay cần sa, mà còn là tiếng tăm danh giá, tiền bạc của cải và đam mê lạc thú. Những thứ đó dễ gây nghiện nặng nề và biến con người thành nô lệ cho chính mình.
Từ ngữ tỉnh thức được lập lại 12 lần trong Tân Ước, tượng trưng cho con số thập toàn của 12 tháng trong năm, mời gọi ta hãy cảnh giác mình trong từng ngày, trong từng tư tưởng, lời nói, việc làm, để sống thiện hảo bằng tình yêu mến. Như vậy, tỉnh thức là sống trọn vẹn giây phút hiện tại, là chính bổn phận của mình trong mọi tương quan. Mà tương quan trước tiên là mối liên hệ mật thiết với Chúa trong đời sống cầu nguyện, để từ đó ta có thể kín múc được sức sống thần linh, và đem lại sự an lành cho những người chung quanh mình hằng ngày.
Tâm trí ta thường lơ đãng, lo nghĩ về nhiều thứ, xác một nơi hồn một nẻo, nên tâm không yên, trí không ổn. Cứ mong cho mọi sự theo ý mình, buồn lòng vì người này, khổ tâm vì người kia, chán nản vì điều nọ. Sống như vậy thì khó mà tỉnh thức, vì đã đánh mất tập trung vào hiện tại, khiến cho nguồn lực trong ta bị phân tán, năng lực bị phát tán. Những xáo trộn ngổn ngang sẽ kích hoạt trí tưởng tượng mạnh hơn, các sung năng sôi động hơn, tâm hệ bị lay chuyển nguy hại hơn, không còn khả năng cảm nếm hay nghe thấy điều gì khác hơn. Khổng Tử nói lên tình trạng đó như sau: “Tâm bất tại yên, thị nhi bất kiến, thính nhi bất văn, thực nhi bất tri kỳ vị” (tâm không yên thì có nhìn cũng không thấy, có nghe cũng không hiểu, có ăn cũng không biết mùi vị). Và như vậy ta không hề sống cuộc đời mình, và có thể đánh mất chính mình.
Hiện tại (present) là một món quà (present) Chúa ban tặng. Đức tin luôn ở thì hiện tại (Dt 11,1), vì Thiên Chúa là Đấng luôn ở trong hiện tại. Vì thế, “Đây là lúc thuận tiện, hôm nay là ngày cứu độ” (2Cr 6,2b). Nếu ta đón nhận toàn tâm, toàn ý, thì hiện tại mở ra cho ta chân trời mới, khả năng mới, sức sống mới. Hiện tại có thể là vui hay buồn, may hay rủi, hạnh phúc hay đau khổ, thành công hay thất bại… Những điều đó không quan trọng; quan trọng là nhận ra Chúa đang đến, đang có mặt. Hiện tại dù có cam go, khốn khó, ta vẫn cảm nhận nét bút kỳ diệu của Thiên Chúa trên những đường cong của cuộc đời. Nhờ đó ta không u mê trước mọi tình cảnh, nhưng sáng suốt trong mọi tình trạng.
“Có hai ngày trong năm ta không thể làm gì cả. Một là ngày hôm qua, hai là ngày mai. Hôm nay chính là ngày bạn hãy yêu, tin, làm, và chủ yếu là sống” (Đạt-lai Lạt-ma). Cuộc sống vật chất ngày càng cao và càng cung ứng cho ta nhiều thứ để hưởng thụ, càng dễ ru ngủ và đưa ta vào cơn mê mà không hay không biết. Là Kitô hữu, chúng ta luôn sống tỉnh thức: là giữ tâm hồn mình sạch tội, say mê phục vụ và sống cao độ tình yêu thương bác ái. Nhờ vậy, lòng trí chúng ta luôn bình an và hân hoan đợi chờ ngày Chúa đến, ngày hoàn tất những gì mà chúng ta đã tận lực sống cuộc đời mình cho Chúa và tha nhân.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Chúa dạy con phải biết tỉnh thức luôn,
để nhận ra Chúa Đấng thường hay đến,
Đấng cao xa nhưng vẫn ở gần bên,
chính là điều mà con dễ hay quên.
Chỉ trong tỉnh thức,
con mới sáng suốt trong mọi tình thế,
biết xử khôn ngoan trong mọi tình trạng,
biết sống vững vàng trong mọi tình huống,
và biết linh động trong mọi tình hình.
Chỉ trong tỉnh thức,
con mới phát hiện ra Chúa trong đời,
qua mọi người và mọi lúc mọi nơi,
qua vui buồn và sướng khổ hôm nay,
qua đổi thay và biến chuyển từng ngày.
Chỉ trong tỉnh thức,
con mới thoát sa lầy và cạm bẫy,
thoát cám dỗ trói buộc của thế gian,
thoát nguy nan và sự ác lan tràn,
để con sống vững vàng và trung tín.
Chỉ trong tỉnh thức,
con mới thật vui mừng bắt gặp Chúa,
đang âm thầm đến với cuộc đời con,
làm mới lại cuộc sống đã hao mòn,
để cho lòng tin mến con nên trọn.
Nhưng thực tế con lại dễ ngủ mê,
nhắm tương lai mà quên đi hiện tại
dễ lê thê với những chuyện trần thế,
theo đam mê đến quên mất nẻo về.
Chúa biết thân con nặng nề yếu đuối,
đừng để con lầm lũi trong mê muội,
nhưng tập trung vào Chúa Đấng sẽ tới,
Đấng lòng con khao khát mãi khôn vơi. Amen.