TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật II Mùa Vọng – Năm A

27/11/2022 04:15:25 |   1158
Chúa Nhật II Mùa Vọng – Năm A
 
cn2 MV A

Mt 3, 1-12

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật II Mùa Vọng – Năm A
 

Ca nhập lễ  

Này dân Xi-on hỡi, Chúa sắp ngự đến cứu độ muôn dân. Người sẽ lên tiếng thật oai hùng, khiến tâm hồn anh em hoan hỷ.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng ái tuất, xin đừng để chúng con mải mê thế sự, chẳng còn hăm hở đi đón mừng Con Chúa, nhưng xin dạy chúng con biết ham thích những sự trên trời, hầu được cùng Người vui hưởng phúc trường sinh. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Is 11, 1-10

“Chúa lấy sự công minh mà xét xử người nghèo khó”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ngày ấy, từ gốc Giêsê sẽ đâm ra một chồi và cũng từ gốc ấy sẽ đơm lên một bông hoa. Trên bông hoa ấy, thần linh của Thiên Chúa sẽ ngự xuống, tức thần khôn ngoan và thông suốt, thần chỉ dẫn và sức mạnh, thần hiểu biết và đạo đức, và thần ấy sẽ làm cho Ngài biết kính sợ Thiên Chúa.

Ngài không xét đoán theo như mắt thấy, cũng không lên án theo điều tai nghe, nhưng Ngài sẽ lấy đức công minh mà xét xử những người nghèo khó, và lấy lòng chính trực mà bênh đỡ kẻ hiền lành trong xứ sở. Ngài sẽ dùng lời như gậy đánh người áp chế, và sẽ dùng tiếng nói giết chết kẻ hung ác. Ngài lấy đức công bình làm dây thắt lưng, và lấy sự trung tín làm đai lưng.

Sói sống chung với chiên con; beo nằm chung với dê; bò con, sư tử và chiên sẽ ở chung với nhau; con trẻ sẽ dẫn dắt các thú ấy. Bò (cái) và gấu (cái) sẽ ăn chung một nơi, các con của chúng nằm nghỉ chung với nhau; sư tử cũng như bò đều ăn cỏ khô. Trẻ con còn măng sữa sẽ vui đùa kề hang rắn lục, và trẻ con vừa thôi bú sẽ thọc tay vào hang rắn độc. Các thú dữ ấy không làm hại ai, không giết chết người nào khắp núi thánh của Ta. Bởi vì thế gian sẽ đầy dẫy sự hiểu biết Chúa, như nước tràn đầy đại dương.

Ngày ấy gốc Giêsê đứng lên như cờ hiệu cho muôn dân. Các dân sẽ khẩn cầu Ngài, và mộ Ngài sẽ được vinh quang.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 71, 2. 7-8. 12-13. 17

Ðáp: Sự công chính và nền hoà bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người (c. 7).

Xướng: Lạy Chúa, xin ban quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua, và ban sự công chính cho hoàng tử, để người đoán xét dân Chúa cách công minh, và phân xử người nghèo khó cách chính trực.

Xướng: Sự công chính và nền hoà bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người cho tới khi mặt trăng không còn chiếu sáng. Và người sẽ thống trị từ biển nọ đến biển kia, từ sông cái đến tận cùng trái đất.

Xướng: Vì người sẽ giải thoát kẻ nghèo khó khỏi tay kẻ quyền thế, và sẽ cứu người bất hạnh không ai giúp đỡ. Người sẽ thương xót kẻ yếu đuối và người thiếu thốn, và cứu thoát mạng sống người cùng khổ.

Xướng: Chúc tụng danh người đến muôn đời, danh người còn tồn tại lâu dài như mặt trời. Vì người, các chi họ đất hứa sẽ được chúc phúc, và các dân nước sẽ ca khen người.

Bài Ðọc II: Rm 15, 4-9

“Chúa Kitô cứu rỗi hết mọi người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, những gì đã viết ra là có ý để giáo huấn chúng ta, hầu nhờ Thánh Kinh thêm sức và an ủi, chúng ta được cậy trông. Xin Thiên Chúa, nguồn kiên tâm và an ủi, ban cho anh em biết thông cảm với nhau theo gương Chúa Giêsu Kitô, để anh em đồng thanh tôn vinh Chúa là Cha Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Vì thế, anh em hãy tiếp rước nhau như chính Chúa Giêsu đã tiếp nhận anh em, để làm rạng danh Thiên Chúa. Vì chúng tôi quả quyết với anh em: để chứng tỏ sự chân thật của Thiên Chúa, Ðức Giêsu Kitô đã phục vụ những người chịu phép cắt bì, hầu xác nhận lời hứa cùng các tổ phụ. Còn dân ngoại, họ tôn thờ Thiên Chúa vì lòng nhân từ Người, như lời chép rằng: “Vì vậy, lạy Chúa, con sẽ cao rao Chúa và sẽ ca tụng danh Chúa giữa các dân ngoại”.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 3, 4. 6

Alleluia, alleluia! – Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng; và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 3, 1-12

“Hãy ăn năn thống hối, vì nước trời gần đến”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Ngày ấy, Gioan Tẩy Giả đến giảng trong hoang địa xứ Giuđêa rằng: “Hãy ăn năn thống hối, vì nước trời gần đến”. Chính ông là người mà Tiên tri Isaia đã tiên báo: “Có tiếng kêu trong hoang địa rằng: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”.

Bởi vì chính Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Bấy giờ dân thành Giêrusalem, khắp xứ Giuđêa và các miền lân cận sông Giođan tuôn đến với ông, thú tội và chịu phép rửa do tay ông trong sông Giođan.

Thấy có một số đông người biệt phái và văn nhân cũng đến xin chịu phép rửa, thì Gioan bảo rằng: “Hỡi nòi rắn độc, ai bảo các ngươi trốn lánh cơn thịnh nộ hòng đổ xuống trên đầu các ngươi. Hãy làm việc lành cho xứng với sự thống hối. Chớ tự phụ nghĩ rằng: tổ tiên chúng ta là Abraham. Vì ta bảo cho các ngươi hay: Thiên Chúa quyền năng có thể khiến những hòn đá trở nên con cái Abraham. Ðây cái rìu đã để sẵn dưới gốc cây. Cây nào không sinh trái tốt, sẽ phải chặt đi và bỏ vào lửa. Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa các ngươi, để các ngươi được lòng sám hối; còn Ðấng sẽ đến sau tôi có quyền năng hơn tôi và tôi không đáng xách giày Người. Chính Ðấng ấy sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. Ngài cầm nia trong tay mà sảy lúa của Ngài, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Từ lời rao giảng đến cách ăn mặc của Gioan Tẩy Giả đều mời gọi sám hối “Hãy hối cải vì Nước Trời đã gần bên”. Phải thay đổi tất cả những gì làm cho ta bị khựng lại không tiếp nhận được Thiên Chúa đến, tùy mỗi người có cái cản riêng cần phải hoán cải. Vậy chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa giúp:

1. “Ngày ấy gốc Giêse đứng lên như cờ hiệu cho muôn dân”  Xin cho các vị Chủ chăn trở nên nguồn mạch an hòa, nguồn suối tình thương và là cán cân công lý, để nhờ các ngài mọi người nhận ra Thiên Chúa yêu thương con người đến nỗi ban Con Một xuống cắm lều giữa nhân loại.

2. “Chúa Kitô cứu rỗi hết mọi người”,- Xin cho các tín hữu đừng ỷ nại mình là Kitô hữu có bằng chứng phép Rửa Tội là được gặp Chúa, nhưng phải biết lấp đi những hố sâu ngăn cách tình yêu, lòng tha thứ để Chúa có thể ngự đến lòng họ.

3. “Anh em hãy thống hối vì Nước Trời đã đến gần” – Xin cho lời mời gọi của Thánh Gioan Tẩy Giả được các người trẻ hôm nay tiếp nhận, để lời giáo huấn của Hội Thánh có thể uốn nắn, chấn chỉnh và hoàn thiện họ, giúp họ luôn ở trong tư thế sẵn sàng, không gì đáng trách trong ngày Chúa quang lâm.

4. “Hãy làm việc lành cho xứng với lòng thống hối”,- Xin cho mỗi người trong giáo xứ chúng ta mau mắn đến giao hòa với Chúa và tha nhân nơi tòa cáo giải, để được kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể.

Chủ tế: Lạy Cha, chúng con đang đón chờ Đức Giêsu trở lại trần gian lần thứ hai. Xin cho chúng con biết đón Ngài bằng sự thay đổi quan niệm, yêu những gì ngay thẳng, công bình, và ghét những gì giả hình, quanh co, để có thể trở nên người hoàn hảo như Cha mong muốn. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô…

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ và những lời chúng con khiêm tốn nài van. Thật chúng con chẳng có công trạng gì, chỉ trông chờ lượng từ bi ban ơn trợ giúp. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng mùa vọng I

Ca hiệp lễ

Vùng lên, Giê-ru-sa-lem hỡi! Đứng trên nơi cao mà nhìn: Kìa Thiên Chúa đem hoan lạc đến cho ngươi.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con được tham dự mầu nhiệm thánh và Chúa đã lấy bánh bởi trời mà nuôi dưỡng chúng con. Giờ đây xin Chúa thương dạy dỗ, để chúng con hằng khôn ngoan sáng suốt cân nhắc những thực tại trần gian, và luôn thiết tha với những thực tại bền vững trên trời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

VỊ TIÊN TRI TỪ HOANG MẠC
Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Thư Do Thái viết rằng: “Ðã lắm phen cùng nhiều kiểu, xưa kia Thiên Chúa đã nói với cha ông nơi các tiên tri. Vào thời sau hết, tức là những ngày này, Người đã nói với ta nơi một Người Con.” (Dt 1, 1 -2). Vị tiên tri cuối cùng Cựu Ước cũng như khởi đầu Tân Ước không ai khác là Gioan Tẩy Giả. Một vị tiên tri đi ra từ hoang mạc với lời mời gọi hùng hồn “Dọn con đường Chúa đến!”

Tính cách của Gioan Tẩy Giả có lẽ ảnh hưởng từ lối sống của nhóm Ê xen, giữ thanh khiết tâm hồn bằng lối sống nhiệm nhặt trong hoang địa. Tâm tình tôn giáo sâu đậm, một lòng thiết tha sửa soạn “con đường của Thiên Chúa”. Thường nhóm Ê xen tổ chức như một tu viện ẩn, không tiếp xúc với dân chúng. Vào thời của Chúa Giê su, những người Ê xen đã thu nhận thêm khoảng bốn ngàn người. Họ vẫn giữ những nhiệm nhặt, tránh những xa hoa, những tham muốn thấp kém, họ bước vào thế gian như một tu sỹ thực thụ, một số có thể kết hôn, sống đời sống gia đình đạo nghĩa.

Gioan tẩy giả có lẽ là con người đặc biệt trong nhóm Ê Xen. Vẫn giữ đời sống thanh khiết, ẩn tu, ăn châu chấu, mật ong rừng, mặc áo lông lạc đà, đi ra từ hoang địa. Sứ điệp của ông mang tính khẩn thiết và nghiêm khắc: “Lưỡi rìu đã sẵn gốc cây; cây nào không sinh quả lành sẽ bị chặt và quăng vào lửa.” (Mt 3, 10).

Tại sông Gio đan, Goian tẩy giả làm phép rửa tỏ lòng sám hối cho nhiều người đã nghe sứ điệp rao giảng của ông. Thời đó, những người rao giảng như Gioan tẩy giả không hiếm; nhưng thần thái của Gioan tẩy giả có gì đó rất đặc biệt làm cho người ta kéo đến với ông nhiều hơn. Đủ các thành phần trong xã hội được lời rao giảng của ông thuyết phục, họ tuôn đến chịu phép rửa và hỏi ông: “tôi phải làm gì? (Lc 3, 10).

Gioan tẩy giả có sức hút mãnh liệt với quần chúng, nhiều người tự hỏi: “Không biết ông có phải là Đấng Messia phải đến?” (Lc 3, 16). Ông thẳng thắn trả lời: “Phần ta, ta thanh tẩy các ngươi bằng nước để lo hối cải; còn Ðấng sẽ đến sau ta, quyền thế hơn ta và ta không đáng xách dép cho Ngài; Ngài sẽ thanh tẩy các ngươi trong Thánh Thần và lửa” (Mt 3, 11).

Bài giảng của Gioan tẩy giả cũng liên hệ với chúng ta ngày nay. Không chỉ là những người bình dân, ngay cả những người biệt phái, sa đốc, binh lính, quan quyền… Tất cả đều cần sám hối để dọn mình đón nhận hồng ân cao cả nhất là chính Chúa sinh hạ trong tâm hồn.

Trong bài diễn văn tại bữa ăn sáng cầu nguyện quốc gia lần thứ 66, tại khách sạn Hilton, Washington city. Tổng thống Trump giảng về Chúa như một linh mục giảng đạo hùng hồn, ông nói “Đức tin là trung tâm của cuộc sống và niềm tự do của Hoa Kỳ” và trong giấy bạc của Hoa kỳ: “Chúng tôi tin tưởng nơi Thiên Chúa”.

Cần trở về với Thiên Chúa để có thể xây dựng trên nền tảng công chính, hoà bình, bác ái, yêu thương. Những giá trị cơ bản của con người vươn tới cũng là những giá trị của Tin Mừng. “Hãy sinh quả phúc đức, xứng với lòng hối cải !” (Mt 3, 8). Lời kêu gọi này chẳng bao giờ lỗi thời, vì con người cần được sống trong hoà bình và yêu thương, xoá tan mọi hận thù, tham lam, ích kỷ, gian dối...

Sám hối để Chúa sinh hạ trong tâm hồn! Không có Thiên Chúa, cuộc sống con người trở nên vô nghĩa và chẳng thể xây dựng công bình, bác ái. Đón nhận Chúa sinh hạ, “Người ta sẽ lấy gươm mà rèn nên lưỡi cày, lấy giáo rèn nên lưỡi liềm. Nước này không còn tuốt gươm ra đánh nước kia nữa”. (Is 2, 4).

 

TÌM MỘT CON ĐƯỜNG
TGM. Giuse Vũ Văn Thiên

“Tìm một con đường, tìm một lối đi
ngày qua ngày, đời nhiều vấn nghi
lạc loài niềm tin, sống không ngày mai
sống quen không ai cần ai”.

Đó là lời mở đầu bài hát “Và con tim đã vui trở lại” của Đức Huy. Bài hát mở ra một cái nhìn lạc quan giữa cuộc sống còn đầy nghi ngờ, chia rẽ và hận thù. Vâng, giữa bối cảnh hỗn độn và đầy vấn nghi đó, cần phải tìm một con đường để đem lại niềm vui cho con người, giúp họ sống tích cực yêu thương, bất kể trong hoàn cảnh nào.

Mỗi khi Mùa Vọng về, lại thấy xuất hiện hình ảnh Gioan Tẩy giả trong Phụng vụ. Vị ẩn sĩ này khiêm tốn chỉ nhận mình là một tiếng kêu trong sa mạc. Sa mạc là nơi hoang vu bát ngát, chỉ có nắng, gió và cát. Một tiếng kêu trong sa mạc nhiều khi như vô vọng và vô ích. Tuy vậy, tiếng kêu ấy vẫn vang lên, và đã lôi kéo nhiều người trở lại với Chúa. Ông được gọi là vị “Tiền hô”, nghĩa là người đi trước mở đường. Gioan Tẩy giả kêu gọi: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối thẳng để Người đi”. Con đường mà vị ẩn sĩ này nói đến, chính là con đường tâm hồn. Ông đã đưa ra những chỉ dẫn cụ thể với dân chúng và với từng hạng người đang xếp hàng xin ông thanh tẩy. Tựu trung những lời khuyên nhắm tới tâm tình sám hối, sửa lại những sai lầm, thay đổi cuộc sống và thân thiện với tha nhân. Lời phê phán của ông rất nghiêm khắc: “Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: chúng ta đã có tổ phụ Abraham. Cái rìu đã đặt sát gốc cây. Bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa”. Qua những lời này, ông cảnh báo: một thứ đạo đức bề ngoài không có khả năng cứu rỗi con người, nhưng cần có tâm tình đạo đức và đời sống nội tâm, thiện chí quay về với Chúa và phục thiện.

Mùa Vọng là mùa tìm một con đường để đến với Chúa, nhưng cũng là dọn một con đường để Chúa đến với mình. Thiên Chúa là Cha, luôn bao dung chờ đợi và giang rộng vòng tay ôm lấy các tội nhân để họ trở về và được tha thứ. Tuy vậy, nhưng tâm hồn ngổn ngang bề bộn những đam mê dục vọng hoặc đầy ắp những hận thù thì không thể đón Chúa. Khi thiện chí canh tân đời sống và thanh tẩy tâm hồn, chúng ta sẽ được đón Chúa đến. Con đường Chúa đến tâm hồn ta sẽ thênh thang rộng mở.

Và con tim đã vui trở lại
tình yêu đến cho tôi ngày mai
tình yêu chiếu ánh sáng vào đời
tôi hy vọng được ơn cứu rỗi
và con tim đã vui trở lại
và niềm tin đã dâng về người
trọn tâm hồn, nguyện yêu mãi riêng người mà thôi…

Nhạc sĩ Đức Huy không trực tiếp nhắc đến Chúa trong ca từ của ông, nhưng chúng ta thấy hiện rõ hình ảnh của một Đấng là đối tượng của tình yêu và niềm tin tuyệt đối. Đấng ấy, người Kitô hữu gọi là Cha. Hình ảnh “dẫu như tôi phải đi qua vực sâu tối, tôi vẫn không sợ hãi gì vì người gần bên tôi mãi” chính là ý tưởng của Thánh vịnh 23, câu 4 mà chúng ta vẫn thường xuyên hát trong Đáp ca của Thánh lễ cầu hồn.

Một khi có Chúa đến trong tâm hồn, con tim chúng ta sẽ được phục hồi và vui trở lại. Tình yêu đến thức tỉnh chúng ta và chúng ta sẽ nhận ra Chúa đang hiện diện trong cuộc đời. Đó là kết quả của thiện chí sám hối phục thiện.

Xã hội hôm nay đang có nguy cơ bị hoang mạc hóa. Mỗi người tín hữu được mời gọi trở nên một tiếng kêu giữa sa mạc để giới thiệu Chúa và chuẩn bị con đường cho Ngài đến giữa con người. Ta hãy xem ngôn sứ Isaia diễn tả một xã hội mơ ước trong tương lai, khi Chúa đến: «Sói sống chung với chiên con; beo nằm chung với dê; bò con, sư tử và chiên sẽ ở chung với nhau; con trẻ sẽ dẫn dắt các thú ấy. Bò (cái) và gấu (cái) sẽ ăn chung một nơi, các con của chúng nằm nghỉ chung với nhau; sư tử cũng như bò đều ăn cỏ khô. Trẻ con còn măng sữa sẽ vui đùa kề hang rắn lục, và trẻ con vừa thôi bú sẽ thọc tay vào hang rắn độc. Các thú dữ ấy không làm hại ai, không giết chết người nào khắp núi thánh của Ta. Bởi vì thế gian sẽ đầy dẫy sự hiểu biết Chúa, như nước tràn đầy đại dương» (Is 11,6-9). Vâng, chính chúng ta hãy cộng tác với Chúa để làm cho hình ảnh ấy trở thành hiện thực. Giáo Hội của Chúa Giêsu, xuyên suốt lịch sử, vẫn đang cố gắng để làm giảm thiểu bạo lực và chiến tranh. Giáo Hội cổ võ hòa bình và phát triển, giúp con người xích lại gần nhau hơn để sống trong sự thân thiện hài hòa. Nhờ lời cầu nguyện và cộng tác của Giáo Hội, các cường quốc trên thế giới đã có thể bàn bạc với nhau tìm ra những giải pháp xây dựng hòa bình và góp phần thăng tiến phẩm giá con người.

Hãy cùng tìm một con đường để dẫn đưa cuộc sống này tới niềm vui. Con đường ấy chính là Chúa Giêsu. Chính Người đã tuyên bố là Đường, là Sự thật và là Sự sống. Nhờ con đường Giêsu mà chúng ta gặp Chúa Cha là suối nguồn hạnh phúc và là nguồn mạch của sự thánh thiện. Đến với Chúa Giêsu, chắc chắn tâm hồn chúng ta sẽ được bình an, và con tim chúng ta sẽ vui trở lại sau những tháng năm u buồn. Hạnh phúc sẽ tràn trề như đại dương và tình yêu sẽ nối kết muôn người.

HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG A

Br 5, 1-9; Pl 1, 4-6.8-11; Mt 3, 1-12
LM ĐAN VINH - HHTM

 

SÁM HỐI ĐỂ CHUẨN BỊ TÂM HỒN ĐÓN CHÚA ĐẾN


I. HỌC LỜI CHÚA


1. TIN MỪNG: Mt 3,1-12

(1) Hồi ấy, ông Gio-an Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa miền Giu-đê rằng: (2) “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”. (3) Ông chính là người đã được ngôn sứ I-sai-a nói tới: “Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”. (4) Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn. (5) Bấy giờ, người ta từ Giê-ru-sa-lem và khắp miền Giu-đê, cùng khắp vùng ven sông Gio-đan, kéo đến với ông. (6) Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan. (7) Thấy nhiều người thuộc phái Pha-ri-sêu và phái Xa-đốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? (8) Các anh hãy sinh hoa quả xứng với lòng sám hối. (9) Và đừng tưởng có thể nghĩ bụng rằng: “Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham”. Vì tôi nói cho các anh hay: Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham. (10) Cái rìu đã đặt sát gốc cây: Bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa. (11) Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa. (12) Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân. Thóc mẩy thì cho vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi”.

2. Ý CHÍNH:

Tin Mừng hôm nay tường thuật sứ vụ tiền sứ của Gio-an Tẩy Giả. Ông chính là “Tiếng hô trong hoang địa kêu gọi người ta dọn đường đón Đấng Thiên Sai”. Ông đã thi hành sứ vụ bằng một lối sống khổ hạnh, nên được dân chúng tín nhiệm và lũ lượt kéo đến nghe giảng, thú tội và chịu phép rửa tại sông Gio-đan. Ông cũng nặng lời quở trách những kẻ đạo đức giả và loan báo Tin mừng về Đấng Thiên Sai sắp đến.

3. CHÚ THÍCH:

- C 1-3: + Ông Gio-an Tẩy Giả: Là con trai của tư tế Da-ca-ri-a và bà Ê-li-sa-bét. Gio-an là tên mà sứ thần đã đặt cho khi hiện ra với cha của ông trong Đền Thờ (x. Lc 1, 13). Gio-an là anh họ và lớn hơn Đức Giê-su sáu tháng tuổi (x. Lc 1, 36). Ông được đặc ân khỏi tội tổ tông truyền qua việc nhảy mừng khi nghe lời chào của Đức Ma-ri-a đang cưu mang thai nhi Giê-su đến viếng thăm (x. Lc 1, 44). Ngay từ nhỏ Gio-an đã sống ẩn mình trong hoang địa. Trước khi Đức Giê-su ra giảng đạo, ông đã đến rao giảng tại vùng sông Gio-đan và làm phép rửa cho những ai thành tâm sám hối dọn lòng đón Đấng Thiên Sai sắp đến (x. Lc 3, 3-6). Cuối cùng ông đã bị vua Hê-rô-đê giết vì đã dám lên tiếng can ngăn nhà vua lấy bà chị dâu làm vợ (x. Mt 14, 3-12). + Đến rao giảng trong hoang địa miền Giu-đê: Đây là vùng đồi núi khô cằn phía
Nam thành Giê-ri-khô, cách Biển Chết 6 cây số. + Anh em hãy sám hối: Sám hối (Mê-ta-noi-a) nghĩa là: nghĩ lại, thay đổi ý kiến, hoán cải, thay đổi hoàn toàn con người, từ nội tâm đến cách sống để trở về với Thiên Chúa. + Vì Nước Trời đã đến gần: Nước Trời hay Nước Thiên Chúa (trong các Tin Mừng khác). Đây là kiểu nói tránh nêu thánh danh Thiên Chúa. Người Do thái thời Đức Giê-su đang mong Đấng Mê-si-a đến thiết lập một Nước mang tính thế tục. Ở đây Gio-an kêu gọi dân chúng sám hối để chuẩn bị đón nhận Nước Trời do Đấng Mê-si-a thiết lập. + Ông chính là người đã được ngôn sứ I-sai-a nói tới…: Ngôn sứ I-sai-a sống vào thế kỷ thứ 8 trước Công Nguyên. Ngôn sứ này đã tuyên sấm về thân thế, nơi sinh và triều đại của Đấng Thiên Sai. Lời tuyên sấm của I-sai-a (40, 3-5), gợi lại cuộc giải phóng và hồi hương của dân Do thái từ Ba-by-lon. Lời này được một Ngôn sứ vô danh loan báo sắp xảy ra như một cuộc Xuất Hành thứ hai của dân Do thái. Lời tuyên sấm ấy ứng nghiệm nơi Gio-an Tẩy Giả và Đức Giê-su.

- C 4-6: + Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà: Cách ăn mặc của Gio-an giống như ngôn sứ Ê-li-a (x. 2V 1,8). Ông có sứ mệnh tiên báo về “Ngày của Thiên Chúa” sắp đến (x. Mt 3,1-23). + Ông làm phép rửa cho họ: Thời bấy giờ, người Do thái đã quen với các nghi thức tự mình thanh tẩy theo tục lệ và Lề luật. Ở đây Gio-an cử hành nghi thức thanh tẩy bằng nước cho những ai đến nghe giảng để bày tỏ lòng sám hối và chuẩn bị tâm hồn đón chờ Đấng Mê-si-a sắp đến. Phép rửa của Gio-an chỉ là một nghi lễ biểu lộ lòng sám hối, chứ không tha tội như bí tích Rửa tội do Đức Giê-su thiết lập sau này.

- C 7-9: + Phái Pha-ri-sêu: Pha-ri-sêu hay Biệt phái là một nhóm người có khuynh hướng duy linh, ái quốc quá khích, nhiệt tình với Luật Mô-sê và tuân giữ nhiều luật truyền khẩu. Về đời sống luân lý và đạo đức, họ thường chú trọng hình thức bên ngoài. Về mặt chính trị, họ là những kẻ thù của đế quốc Rô-ma, nên được dân chúng dành nhiều thiện cảm. + Phái Xa-đốc: Xa-đốc hay Văn nhân là nhóm người xu thời và phóng khoáng, không nhìn nhận truyền thống mà chỉ tuân giữ Lề luật. Họ theo khuynh hướng duy vật, thích văn hóa Hy-lạp. Họ giữ địa vị cao trong hàng hàng giáo phẩm và thường là người giàu có, nên dù chỉ là thiểu số nhưng lại có thế lực. Họ ủng hộ chính quyền Rô-ma, nên bị dân chúng không ưa. + Nòi rắn độc kia: Trong Kinh Thánh, con rắn đồng hóa với sự xảo trá lọc lừa (x St 3, 1). + Cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống: Theo các Ngôn sứ, cuộc chung thẩm và báo oán sẽ xảy ra khi thời đại của Đấng Mê-si-a bắt đầu. Lúc đó, mọi kẻ tội lỗi đều bị loại khỏi Nước của Đấng Mê-si-a (x. Is 30, 27-33). Ông Gio-an tiên báo vị thẩm phán thời cánh chung sẽ đến trong uy quyền, đang khi Đức Giê-su lại đến như người tôi trung hiền lành và khiêm nhường (x. Mt 12, 18-21). + Sinh hoa quả xứng với lòng sám hối: Việc ăn năn sám hối trong lòng phải được chứng minh bằng những việc bác ái cụ thể. + Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham: Áp-ra-ham sống vào thế kỷ 20 trước Công Nguyên. Ông là tổ tiên của người Do thái và tên ông nghĩa là “Cha của những kẻ tin vào Đức Chúa”. Người Do thái cho rằng chỉ cần là con cháu của Áp-ra-ham thì sẽ đương nhiên được cứu độ như lời Đức Chúa đã hứa (x. Lc 1, 55). Nhưng họ đã lầm, vì để được cứu độ người ta còn phải tuân phục thánh Ý Thiên Chúa nữa (x. Mt 8, 11). + Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham: Thiên Chúa chỉ ban ơn cứu độ cho những người có lòng ăn năn sám hối.

- C 10-12: + Cái rìu đã đặt sát gốc cây: Trong Cựu Ước, cây là hình ảnh ám chỉ các dân tộc (x. Is 6, 13). Cái rìu để sẵn gốc cây nhằm diễn tả cơn thịnh nộ của Thiên Chúa dành cho dân Do thái sắp xảy đến. + Tôi làm phép rửa cho các anh trong nước…: Gio-an đã so sánh sự khác biệt giữa mình với Đấng Thiên Sai như sau: Một là ông chỉ làm phép rửa bằng nước sông để khơi dậy nơi người chịu phép rửa tâm tình sám hối, còn Đấng Thiên Sai sẽ thanh tẩy người ta nhờ ơn Chúa Thánh Thần và lửa tin yêu. Hai là ông chỉ là người mang thân phận thấp kém đang khi Đấng Thiên Sai lại có thân phận cao quý. Ba là ông chẳng có quyền hành gì, đang khi Đấng Thiên Sai lại có quyền xét xử để thưởng người lành và phạt kẻ dữ. +
Tay Người cầm nia…: Các Ngôn sứ Cựu Ước thường diễn tả ngày tận thế bằng hình ảnh của một người đang sàng sảy sân lúa của mình (x. Is 9, 2). Ở đây vai trò của Đấng Thiên Sai được diễn tả giống như ông chủ của thửa ruộng trong dụ ngôn cỏ lùng (x. Mt 13,30).

4. CÂU HỎI:

1) Gio-an Tẩy Giả là ai? 2) Sứ mạng của ông là gì? 3) Phái Pha-ri-sêu khác với phái Xa-đốc ở những điểm nào? 4) Áp-ra-ham là ai? Điều kiện để được ơn cứu độ là gi? 5) Gio-an so sánh sự khác biệt giữa ông với Đấng Thiên Sai về phép rửa, thân thế và quyền năng thế nào?

 

II. SỐNG LỜI CHÚA


1. LỜI CHÚA: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3, 2).

2. CÂU CHUYỆN:

1) GIÁ TRỊ CỦA NHỮNG GIỌT NƯỚC MẮT SÁM HỐI THỰC SỰ:

Ông KHẤU CHUẨN thuở nhỏ tính tình du đãng, không biết giữ lề thói phép tắc, lại còn lười biếng, tối ngày chỉ biết chơi chim chơi chó chứ không lo học hành. Bà mẹ vốn nghiêm khắc thấy con như thế thì thường la mắng quở phạt, nhưng cậu bé vẫn chứng nào tật đó không chịu chừa cải. Một hôm, cậu trốn học đi chơi và bị thầy giáo mời bà mẹ đến trường làm việc. Khi về nhà bà rất giận dữ, nên khi cậu vừa về đến nhà đã bị bà cầm quả cân trên tay ném trúng chân làm cậu bị thương, máu chảy đầm đìa. Từ bấy giờ cậu mới biết sợ không dám tiếp tục chơi bời lêu lổng, mà chuyên lo việc đèn sách.

Về sau Khấu Chuẩn thi đỗ làm quan và thăng tiến nhanh lên đến chức tể tướng triều đình. Khi ông đạt được vinh hoa thì bà mẹ ông lại qua đời. Mỗi khi nhìn thấy vết thương ở chân do quả cân gây ra, thì ông lại nức nở khóc mà nói với mọi người rằng: “Ta phải cám ơn mẹ ta, vì thương ta mà ra tay đánh phạt ta, gây ra vết thương này. Nhưng cũng chính nhờ nó mà ta được nên người thành đạt như ngày hôm nay”.

2) SỰ THÀNH TÂM SÁM HỐI CÓ SỨC HÓA GIẢI HẬN THÙ:

GIĂNG-KAI (Zenkai) là một thanh niên Nhật-bản khỏe mạnh, là con trai của một gia đình Công giáo. Anh đến thành phố Ê-đô lập nghiệp. Anh được nhận làm cận vệ cho một quan chức cao cấp của thành phố này. Giăng-kai đem lòng yêu cô vợ trẻ của ông chủ. Rồi “cây kim lâu ngày cũng lộ ra”, một hôm ông chủ đã bắt gặp hai người phạm tội thông dâm với nhau. Đang lúc nóng giận, ông đã thách đấu kiếm với Giăng-kai. Trong cuộc đọ sức, Giăng-kai khỏe và tài giỏi hơn nên đã đâm ông chủ một nhát trúng ngực và ít ngày sau thì ông qua đời, để lại đứa con trai mới 7 tuổi. Giăng-kai đem bà vợ ông chủ đi chạy trốn. Hai người đến một vùng đồi núi hẻo lánh và phải sống những ngày nghèo khổ đói khát, nhiều khi phải đi ăn trộm lương thực của dân địa phương để ăn cho đỡ đói. Nhưng khi sống gần nhau, Giăng-kai mới phát hiện ra người phụ nữ trẻ đẹp kia chỉ là một mụ đàn bà lăng loàn trắc nết. Nhiều lần chị ta đã nặng lời mắng chửi Giăng-kai và sau cùng đã bỏ rơi anh để theo làm hầu thiếp cho một người giàu có và thế lực trong vùng. Anh cảm thấy buồn bã không thiết đến ăn uống. Càng suy nghĩ anh lại càng thấm thía cho tình đời đen bạc. Rồi anh quyết tâm sám hối bằng việc dành trọn quãng đời còn lại để làm một công việc gì hữu ích hầu chuộc lại phần nào tội của mình.

Một hôm thấy trên sườn núi gần đó có một con đường đèo lởm chởm và trơn trượt rất nguy hiểm cho những người qua lại. Nhiều người đã bị té xuống vực sâu chết thảm khi phải đi qua đoạn đường nguy hiểm này.

Anh quyết định sẽ đào một đường hầm xuyên qua núi để giúp người ta tránh khỏi các tai nạn rủi ro tương tự. Ban ngày anh vào làng làm thuê kiếm sống. Đêm đến anh đốt đèn và miệt mài đào hầm xuyên qua vách núi. Mười ba năm sau, khi Giăng-kai được 40 tuổi, thì con đường hầm đã gần hoàn tất. Ước tính chỉ hai năm nữa là anh sẽ hoàn thành con đường hầm. Ngày nọ, đứa con trai của ông chủ cũ giờ đã thành một trang thanh niên 20 tuổi khỏe mạnh tìm đến gặp Giăng-kai và đòi thách đấu để trả thù cho cha. Giăng-kai đồng ý nhưng yêu cầu hoãn lại 2 năm để có thời giờ hoàn thành tâm nguyện và được anh kia đồng ý.

Rồi khi thấy Giăng-kai hằng ngày phải làm việc quá vất vả, anh ta đã tình nguyện giúp một tay cho công việc chóng xong hầu sớm trả thù cho cha. Nhưng trong thời gian làm việc chung, chàng thanh niên khâm phục trước dũng khí và sự chuyên cần của kẻ thù. Cuối cùng thì công việc đào hầm cũng xong và dân chúng hai bên đã có thể đi qua đi lại dễ dàng. Bấy giờ Giăng-kai nói với chàng thanh niên: “Tâm nguyện của ta đã hoàn tất. Vậy anh hãy lấy đầu của ta để báo thù cho cha anh”. Nhưng chàng thanh niên kia đã nghẹn ngào xúc động nói: “Bây giờ làm sao con có thể giết chết thầy được, khi mà thầy đã thật lòng sám hối và đã làm được một việc lớn lao thế kia để đền tội?”.

Chính tinh thần sám hối và sự quyết tâm làm việc thiện của Giăng-kai đã có sức cảm hóa và biến đổi một kẻ vốn là kẻ thù trở thành bạn hữu của mình. Một con người đang mang tâm trạng thù hận mà còn phải mủi lòng trước sự thành tâm sám hối như vậy, phương chi Thiên Chúa lại chẳng đoái thương tha thứ và ban ơn cứu độ cho những tội nhân thật lòng sám hối hay sao?

3) HAI VỊ ẨN TU BẤT ĐẮC DĨ:

Ngày xưa, có hai thầy dòng quyết tâm nên thánh bằng cách ẩn tu. Để thực hiện việc nầy, cả hai thầy lên núi, tìm hai hang động cách xa nhau làm chỗ dung thân để sống trong thinh lặng và kết hợp với Chúa. Để cuôc sống ẩn tu đạt kết quả và khỏi bận tâm về những "sự thế gian", cả hai quyết định sống cô độc: hang ai nấy ở, mỗi người môt không gian riêng…

Rồi năm tháng qua đi. Cả hai chết lúc nào không ai biết. Hai hang động trở thành hoang phế, như hai chiếc mồ hoang lạnh giữa rừng sâu.

Một thời gian sau, có hai tên cướp bị săn đuổi, đã thay tên đổi họ, lần mò trốn lên quả núi nầy để ẩn danh tìm chút bình an cho cuộc sống thừa. Gặp được hai cái hang hoang lạnh của người xưa, cả hai đã chọn nơi đây làm chốn dừng chân để làm lại cuộc đời. Thế là hai tên cướp đã dọn sạch hai cái hang cũ để bắt đầu cuộc sống "ẩn tu bất đắc dĩ." Chỉ khác với hai thầy dòng trước đó điều này là cả hai tên cướp quyết định làm một con đường nối liền hai cái hang để có thể thường xuyên qua lại, thăm viếng, giúp đỡ, ủi an nhau… Dần dà, dọc theo con đường nối hai hang đã được trồng đầy hoa, làm cho khu vực hang động đầy sức sống và đẹp đẽ. Hai tên cướp năm nào giờ đây đã trở thành hai vị ẩn tu hiền lành, thánh thiện, đến nổi hương thơm thánh đức lan toả khắp vùng, khiến nhiều người rủ nhau lên núi để xin "Hai Thầy" cầu nguyện và hướng dẫn về đạo đức. Từ đó, xuất hiện nhiều con đường từ khu dân cư dẫn đến hang trên núi, hai bên đường đi cũng có nhiều cỏ hoa tươi thắm… Rồi khi hai "thầy cướp ẩn tu" qua đời, nhờ hương thơm nhân đức kèm theo các phép lạ do nhiều người đã nhận được mà dân trong vùng đã phong cho hai "thầy cướp ẩn tu" nầy làm thánh…

4) SÁM HỐI LÀ PHƯƠNG THẾ ĐỂ TÂM HỒN ĐƯỢC BÌNH AN:

Trong khi thực hiện bức hoạ nổi tiếng “Bữa tiệc ly”, LEONARD DE VINCI đã cãi lộn với một người bạn. Trong lúc nóng giận ông đã nhiếc mắng bạn bằng những lời gay gắt kèm theo cử chỉ doạ nạt. Khi cuộc cãi vã qua đi, LEONARD tiếp tục vẽ khuôn mặt từ bi của Chúa Giê-su. Nhưng dù cố gắng hết sức ông vẫn không thể vẽ thêm được nét cọ nào. Cuối cùng khi khám phá ra nguyên nhân khiến công việc ngưng trệ là do trong lòng bất an, họa sĩ liền bỏ giá vẽ, đi tìm người bạn mới bị ông xúc phạm để xin tha thứ. Sau đó ông đã bình tĩnh trở lại và đã hoàn tất được bức họa “Bữa Tiệc Ly” nổi tiếng.

5) SÁM HỐI RẤT CẦN ĐỂ NHẬN ĐƯỢC TÌNH THƯƠNG CỦA CHÚA:

Một ngày nọ, mẹ Têrêsa kể, «Có một anh nhà báo đã hỏi tôi một cầu hỏi kỳ lạ. Anh ta hỏi rằng:

- Ngay cả mẹ Tê-rê-sa mà cũng phải xưng tội hay sao?

Tôi trả lời:

- Vâng, đúng vậy, tôi đi xưng tội hằng tuần.

Tỏ ra ngạc nhiên, anh ta nói:

- Chắc phải khắt khe lắm nên một người tốt lành như mẹ mà cũng phải xưng tội.

Tôi hỏi lại:

- Đứa con bé bỏng hiền ngoan như thiên thần của anh đôi khi cũng làm điều sai. Vậy anh nghĩ gì nếu một ngày nào đó, con anh đến gặp anh và nói: "Ba ơi, con xin lỗi? Anh sẽ làm gì? Anh sẽ vòng tay ôm lấy đứa nhỏ và hôn nó. Tại sao vậy? Vì đó là cách anh nói với con rằng anh yêu nó. Chúa cũng làm như vậy. Tình yêu của ngài dành cho tôi thật dịu dàng”. Do đó khi chúng ta sai phạm điều gì, chúng ta càng cần phải đến gần Thiên Chúa hơn. Chúng ta hãy thưa với Ngài: “Con biết chính tội lỗi đã làm con lìa xa Cha. Con không xứng đáng làm con Cha nữa, nhưng con nài xin Cha hãy tha thứ tội lỗi cho con”.

Chúa là một Người Cha khoan dung. Lòng nhân từ của Chúa còn lớn hơn gấp bội những tội lỗi của chúng ta. Chắc chắn Ngài sẽ tha hết mọi tội cho ta. Như vậy, sám hối rất cần để chúng ta được nên tốt hơn. Không có sức mạnh nào giúp chúng ta kiềm chế các đam mê dục vọng và hướng lòng về Chúa bằng sự thành tâm sám hối các tội đã phạm.

6) LÝ DO MA QUỶ KHÔNG NHẬN ĐƯỢC ƠN THA TỘI:

Satan phàn nàn với Chúa:

- Ngài không công bằng. Nhiều tội nhân người phàm đã nhiều lần làm điều sai trái nhưng Ngài lại luôn đón nhận và tha thứ cho họ. Còn loài quỷ chúng tôi chỉ phạm tội có một lần mà Ngài lại phạt chúng tôi phải ở trong hoả ngục muôn đời!

Chúa nói:

- Loài người tuy nhiều lần phạm tội, nhưng chúng đều sám hối xin Ta tha thứ. Còn loài quỷ các ngươi có bao giờ thành tâm sám hối và nài xin Ta tha thứ hay chưa?

7) ÍCH LỢI CỦA SỰ HỒI TÂM SÁM HỐI?

Một ngày nọ, một nhà báo đã hỏi mẹ thánh Têrêsa một câu hỏi kỳ lạ. Anh ta hỏi rằng:

- Ngay cả Mẹ cũng xưng tội sao?

Tôi trả lời:

- Vâng, đúng vậy, tôi đi xưng tội mỗi tuần

Tỏ ra ngạc nhiên, anh ta nói:

- Chúa hẳn phải khắt khe lắm bởi đến Mẹ mà cũng phải xưng tội. 

Tôi hỏi lại:

- Đứa con bé bỏng hiền ngoan như thiên thần của anh đôi khi cũng đã làm điều sai lỗi. Vậy anh nghĩ gì nếu sau đó, con anh đến nói với anh: “Cha ơi, cho con xin lỗi, thig anh sẽ làm gì? Chắc anh sẽ ôm lấy con và hôn nó. Tại sao vậy? vì đó là cách anh nói với con rằng anh yêu nó. Chúa cũng làm như vậy đó: Ngài yêu tôi thật dịu dàng”. Do đó, mỗi cả khi phạm phải điều lầm lỗi, chúng ta hãy cho phép mình đến gần hơn với Chúa. Chúng ta hãy nói với Ngài: “Con biết lỗi lầm làm con xa Cha, con không xứng đáng làm con Cha nữa, nhưng con vẫn cầu xin được tha thứ”.

Nếu chúng ta mắc phải lỗi lầm hãy tìm đến Chúa và nói: “Con xin lỗi, con thực sự hối tiếc”. Chúa là một Người Cha khoan dung. Lòng nhân từ của Ngài còn lớn hơn tội lỗi của chúng ta. Ngài sẽ tha thứ cho ta.

Thiên Chúa không mong chờ nơi con người điều gì khác hơn là tấm lòng sám hối: “Chúa ở bên những người sám hối, và cứu chữa những ai sầu khổ” (Tv 33, 19). Chính lòng sám hối chân thành đã đem lại niềm vui cho cả Thiên đàng: “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (Lc 15, 7). 

8) SÁM HỐI LÀ PHƯƠNG THẾ MANG LẠI Ý NGHĨA CHO CUỘC ĐỜI MÌNH:

Làm cảnh sát hơn 20 năm, từng chạm trán với vô số tội phạm nhưng ký ức về một lần truy đuổi khiến tôi suốt đời không quên.

Hôm ấy, tôi mặc thường phục đi tuần trên phố. Tôi nhìn thấy một gã thanh niên tóc dài đang bám theo sau một phụ nữ trung niên. Dựa trên trực giác của người cảnh sát, tôi đoán gã kia là một tên trộm. Quả nhiên đúng như sự dự đoán của tôi, ở chỗ rẽ gần siêu thị, hắn ta thò tay vào túi của người phụ nữ. Tôi nhanh chóng xông đến nắm chặt cái tay đang chuẩn bị rụt lại của hắn. Khi tôi rút chiếc còng từ phía sau lưng, thì hắn lùi lại một bước, bất ngờ dùng tay kia đấm thẳng vào mặt tôi, rồi co chân bỏ chạy.

Tôi vừa đuổi vừa kêu: “Bắt trộm, bắt trộm”. Lúc bấy giờ, trên đường phố có rất đông người, nhưng ai nấy đều hốt hoảng tránh ra hai bên, sau đó bàng quan đứng nhìn. Tên trộm chạy mỗi lúc một xa, nhưng chẳng có ai chịu giúp tôi một tay. Đúng lúc tôi bắt đầu nản chí, thì trước mặt tôi xuất hiện một cảnh tượng kịch tính. Từ trong đám đông, một người ăn mày chạy ra, giơ ngang chiếc gậy cản đường tên trộm. Bị tấn công bất ngờ, tên trộm ngã sõng xoài xuống đường. Người ăn mày lại xông đến, ôm chặt lấy chân tên trộm. Tên trộm thấy vậy liền bò dậy, rút dao đâm người ăn mày. Đúng lúc đó, tôi chạy đến, đấm thẳng vào mặt tên trộm.

Người ăn mày được đưa vào bệnh viện. Một lúc sau, bác sỹ từ trong phòng cấp cứu bước ra nhìn tôi, lắc đầu thất vọng. Người ăn mày đã được đưa ra khỏi phòng cấp cứu, hơi thở anh ra rất yếu ớt. Tôi nắm chặt lấy tay anh ta, nghẹn ngào nói:

- Tôi xin lỗi anh.

Người ăn mày mở to mắt, dùng chút sức lực cuối cùng, thều thào nói với tôi:

- Tôi phải cảm ơn anh. Trước đây tôi cứ nghĩ mình sẽ lặng lẽ chết đi giống như một con chó. Chính anh đã giúp tôi có cơ hội để trở thành một người đàn ông thực sự. Tôi cảm thấy mình đã không sống uổng phí.

Mọi người có mặt ở đó đều rơi nước mắt.

Người ăn mày đã ra đi. Ra đi một cách oanh liệt, ra đi một cách đáng được trân trọng. Trong giây phút cuối cùng, anh đã tìm lại giá trị cho cuộc sống người ăn mày vốn dĩ bị coi là thấp hèn. Anh dùng cái chết để đổi lấy sự thừa nhận của xã hội đối với anh, cùng với sự tôn nghiêm của người đàn ông.

Người ăn mày này đã làm được một việc mà nhiều người khác trong xã hội không làm được đó là đã làm cho cuộc đời của mình trở thành ý nghĩa. 

3. SUY NIỆM:

1) HÃY ĂN NĂN SÁM HỐI:

Lời Chúa trong lễ Chúa nhật II mùa vọng hôm nay, kêu gọi mọi người hãy ăn năn trở về với Thiên Chúa để chuẩn bị tâm hồn đón mừng Chúa đến.

Trong tiếng Hy Lạp chữ mê-ta-noi-a (sám hối) vừa diễn tả sự hối tiếc về những lỗi lầm đã phạm đến Thiên Chúa để cầu xin ơn tha thứ, vừa đòi hỏi sự thay đổi sâu xa trong tâm trí và trong cuộc sống: thay đổi từ cách suy nghĩ, nói năng, đến thái độ ứng xử và hành động. Hôm nay, Hội Thánh giới thiệu cho các tín hữu chúng ta Gio-anTẩy Giả, vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu Ước và là tiền hô của Đấng Thiên Sai. Gio-an được sinh ra cách lạ lùng, lớn lên trong sa mạc với lối sống khổ hạnh giống như ngôn sứ Ê-li-a khi xưa: Ông mặc áo bằng da thú vật, ăn châu chấu với mật ong rừng, uống nước lã… Ông sống khổ hạnh để chờ ngày ra giảng đạo, thi hành sứ vụ đi trước mở đường giúp mọi người đón nhận Đấng Thiên Sai...

Bấy giờ Gio-an đã đến vùng sông Gio-đan rao giảng sự ăn năn sám hối. Ông nói: “Hãy sám hối vì Nước trời đã gần đến”. «Hãy sống công chính để đón chờ Đấng Cứu Thế sắp đến». Dân chúng lũ lượt kéo đến nghe ông giảng đạo, ăn năn thú tội và xin ông làm phép rửa bằng nước trong dòng sông Gio-đan.

2) NƯỚC TRỜI ĐÃ GẦN ĐẾN:

Đây là nội dung Tin Mừng mà Gio-an Tẩy Giả đã loan báo tại khu vực bờ sông Gio-đan.

- Đấng Thiên Sai cũng là Thẩm Phán công minh sẽ đến tách biệt người lành ra khỏi kẻ dữ, giống như người nông dân phân biệt thóc mẩy với thóc lép: “Thóc mẩy thì thu vào kho, thóc lép thì bỏ vào lửa mà đốt đi” (Mt 3, 12).

- Ngày Đấng Thiên Sai đến sẽ là ngày thịnh nộ: “Cái rìu đã đặt sát gốc cây. Bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3, 10). Người sẽ thanh tẩy người ta nhờ quyền năng Thánh Thần và lửa tin yêu như trong lễ Ngũ Tuần sau này. Nếu muốn được ơn cứu độ của Đấng Thiên Sai thì phải sám hối tội lỗi ngay từ bây giờ.

3) SÁM HỐI CỤ THỂ LÀ GÌ?

- Sám hối là tự vấn lương tâm về lời nói việc làm đã gây ra thù ghét lẫn nhau, về những cách ứng xử thiếu khoan dung. Sám hối là nhìn nhận phần trách nhiệm của mình trước bao cái xấu cái ác đã và đang xảy ra trên thế giới hôm nay. Nên nhớ rằng một khi can đảm lên tiếng sám hối công khai, Hội Thánh đã chứng tỏ thái độ quyết tâm hướng tới sự hoàn thiện.

- Chúng ta cần nghe lại giáo huấn của Gio-an Tẩy Giả trong Tin Mừng hôm nay, lôi kéo chúng ta khỏi thái độ tự mãn như người Pha-ri-sêu xưa: “Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham” (Mt 3, 8). Cũng vậy, đừng tưởng rằng hễ là người tín hữu thì đương nhiên chúng ta sẽ được vào Nước Trời. Hôm nay Gio-an mời gọi chúng ta thú nhận tội lỗi để được giao hòa với Thiên Chúa nhờ sự quyết tâm sám hối. biểu lộ các hành động khiêm tốn phục vụ Chúa đang hiện thân nơi tha nhân nghèo đói bệnh tật.

4) CẦN LÀM GÌ ĐỂ CHỨNG TỎ QUYẾT TÂM SÁM HỐI THỰC SỰ?

- Cách đây ít lâu có một bài báo viết về việc tẩy xóa những vết xăm trên thân mình của giới trẻ. Một điều lạ là sau khi bài báo xuất hiện, đã có trên 1000 lá thư từ các bạn trẻ khắp nơi gửi về tòa soạn để hỏi thêm chi tiết về cách tẩy xóa đi các vết xăm này. Từ đó, một cuốn phim tên là “Untatoo You” – “Hãy tẩy xóa vết xăm cho bạn” ra đời. Nội dung về những nguy hiểm của việc xăm mình và trình bày sự khó khăn của việc tẩy đi những dấu xăm nhỏ trên cánh tay, khuôn mặt, và những vết xăm lớn hơn trên ngực và phía sau lưng... Các tài tử đóng phim này chính là những bạn trẻ đã từng xăm mình. Họ đã chia sẻ cách thành thật về lý do tại sao lúc đầu họ đã xăm mình, và bây giờ tại sao họ lại muốn tẩy xóa các vết xăm đó đi.

- Hôm nay, cũng như các bạn trẻ sau khi đã khám phá ra cách tẩy xóa các dấu xăm trên người, đã cố gắng tẩy xóa nó đi, thì một khi ý thức mình đang có các vết nhơ tội lỗi trong tâm hồn, mỗi người chúng ta cũng cần xin Chúa giúp ăn năn sám hối các lỗi lầm đã phạm để nhận được ơn giao hòa với Chúa. Chúa sẽ tha thứ và tẩy xoá các vết nhơ tội lỗi, hầu chúng ta xứng đáng đón mừng đại lễ Giáng Sinh sắp đến.

Mỗi người quyết tâm sẽ tu sửa thói hư nào cụ thể trong những ngày Mùa Vọng này?

4. THẢO LUẬN:

Trong những ngày này, bạn thấy Giáo xứ, Hội đoàn, Gia đình và bản thân bạn có những điều nào cần cấp thời sám hối để chuẩn bị đón Chúa đến?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Sám hối không phải là điều dễ làm, vì chúng con thường không đủ khiêm tốn để nhìn nhận khuyết điểm lỗi lầm của mình. Xin cho chúng con biết dũng cảm điều chỉnh những sai lỗi, luôn biết tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng về sự thánh thiện của mình và tránh thói đạo đức giả hình của người Pha-ri-sêu xưa.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

Chúa nhật tuần thứ hai mùa vọng -A
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 3, 1-12).

Ngày ấy, Gioan Tẩy Giả đến giảng trong hoang địa xứ Giuđêa rằng: “Hãy ăn năn thống hối, vì nước trời gần đến”. Chính ông là người mà Tiên tri Isaia đã tiên báo: “Có tiếng kêu trong hoang địa rằng: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”.

Bởi vì chính Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Bấy giờ dân thành Giêrusalem, khắp xứ Giuđêa và các miền lân cận sông Giođan tuôn đến với ông, thú tội và chịu phép rửa do tay ông trong sông Giođan. Thấy có một số đông người biệt phái và văn nhân cũng đến xin chịu phép rửa, thì Gioan bảo rằng: “Hỡi nòi rắn độc, ai bảo các ngươi trốn lánh cơn thịnh nộ hòng đổ xuống trên đầu các ngươi. Hãy làm việc lành cho xứng với sự thống hối. Chớ tự phụ nghĩ rằng: tổ tiên chúng ta là Abraham. Vì ta bảo cho các ngươi hay: Thiên Chúa quyền năng có thể khiến những hòn đá trở nên con cái Abraham. Ðây cái rìu đã để sẵn dưới gốc cây. Cây nào không sinh trái tốt, sẽ phải chặt đi và bỏ vào lửa. Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa các ngươi, để các ngươi được lòng sám hối; còn Ðấng sẽ đến sau tôi có quyền năng hơn tôi và tôi không đáng xách giày Người. Chính Ðấng ấy sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. Ngài cầm nia trong tay mà sảy lúa của Ngài, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt”.

Suy niệm

Phụng vụ Lời Chúa tuần thứ hai mùa vọng, đặc biệt bài Tin mừng, giới thiệu cho chúng ta một nhân vật khá nổi tiếng, khá quan trọng, đó là thánh Gioan Tiền Hô. Trải qua một chiều dài lịch sử của dân tộc Do-thái, dân riêng của Thiên Chúa, biết bao nhiêu vị tiên tri, biết bao nhiêu thẩm phán, bao nhiêu vị vua được Thiên Chúa gởi đến, để nhắc nhở, cảnh báo và dẫn dắt cộng đoàn trở lại con đường Thiên Chúa muốn họ tiến bước, con đường đây không đơn thuần về không gian hay thời gian, nhưng con đường Thiên Chúa đợi chờ, đó là thái độ sống, đó là sự ý thức về chính mình, sự nhận thức về tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân như thế nào, để có thể cùng nhau tiến về một mái ấm gia đình, đó là Nước Trời.

Trước những thái độ sống bất tuân đối với Thiên Chúa, các tiên tri nói chung, đặc biệt tiên tri Isaia đã lên tiếng nhắc nhở cách nghiêm túc, yêu cầu họ phải đổi thay thái độ tôn giáo của mình. Song hành với những lời cảnh báo đó, là những bức tranh tinh thần vẽ lên một tương lai đầy hy vọng và mừng vui cho bất cứ ai can đảm và mạnh dạn thay đổi cuộc đời: “Ngày ấy, từ gốc Giêsê sẽ đâm ra một chồi và cũng từ gốc ấy sẽ đơm lên một bông hoa. Trên bông hoa ấy, thần linh của Thiên Chúa sẽ ngự xuống, tức thần khôn ngoan và thông suốt, thần chỉ dẫn và sức mạnh, thần hiểu biết và đạo đức, và thần ấy sẽ làm cho Ngài biết kính sợ Thiên Chúa. Ngài không xét đoán theo như mắt thấy, cũng không lên án theo điều tai nghe, nhưng Ngài sẽ lấy đức công minh mà xét xử những người nghèo khó, và lấy lòng chính trực mà bênh đỡ kẻ hiền lành trong xứ sở. Ngài sẽ dùng lời như gậy đánh người áp chế, và sẽ dùng tiếng nói giết chết kẻ hung ác. Ngài lấy đức công bình làm dây thắt lưng, và lấy sự trung tín làm đai lưng”. Thiên Chúa không phải là một vị thần ưa trừng phạt hay quá nghiêm khắc với con người, đặc biệt với dân riêng do Ngài tuyển chọn, Ngài chỉ mong nơi họ luôn có một sự năng động trong niềm tin, sống tích cực hơn với những giá trị của tôn giáo, có một nhận thức đúng hơn về sự hiện diện cúi xuống của Thiên Chúa, đó là những cố gắng của con người như là tâm tình sám hối đức tin, để được gia nhập vào cộng đoàn Nước Trời.

Thánh Phaolô đã đem đến cho cộng đoàn thành Roma niềm vui của mùa vọng khi ngài nhắc cho họ rằng, Đức Giêsu đem ơn cứu độ, đem niềm vui và hy vọng tới cho tất cả mọi người, mọi dân tộc, vì thế, mỗi người, mỗi cộng đoàn, hãy đón tiếp anh em mình như là một thành viên trong gia đình của Thiên Chúa: “anh em hãy tiếp rước nhau như chính Chúa Giêsu đã tiếp nhận anh em, để làm rạng danh Thiên Chúa. Vì chúng tôi quả quyết với anh em: để chứng tỏ sự chân thật của Thiên Chúa, Ðức Giêsu Kitô đã phục vụ những người chịu phép cắt bì, hầu xác nhận lời hứa cùng các tổ phụ. Còn dân ngoại, họ tôn thờ Thiên Chúa vì lòng nhân từ Người, như lời chép rằng: “Vì vậy, lạy Chúa, con sẽ cao rao Chúa và sẽ ca tụng danh Chúa giữa các dân ngoại”. Thánh Phaolô còn nhắc cho các tín hữu Kitô rằng, chính họ sẽ là nhịp cầu để cho Thiên Chúa đến với anh chị em dân ngoại, đến với những ai chưa được nghe, chưa được biết Thiên Chúa, từ đó, ngài còn mời họ hãy cùng nhau tạ ơn Thiên Chúa và cố gắng đổi thay cuộc đời, để xứng đáng với những gì Thiên Chúa trao ban.

Bước vào tuần thứ hai của mùa vọng, Mẹ Giáo hội giới thiệu một khuôn mặt mới rất đặc biệt, trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, qua mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Hai, đó là thánh Gioan Tiền Hô. Ngài xuất hiện như một luồng sáng mới, dù không có tài năng như các vĩ nhân, dù không có điều kiện học hành như các học giả đó đây, nhưng ngài có một sứ mạng khởi đi từ tình yêu, đó là kêu gọi mọi người hãy sám hối, hay thay đổi cuộc đời, để được vinh dự trở thành công dân Nước Trời: “Ngày ấy, Gioan Tẩy Giả đến giảng trong hoang địa xứ Giuđêa rằng: “Hãy ăn năn thống hối, vì nước trời gần đến”. Chính ông là người mà Tiên tri Isaia đã tiên báo: “Có tiếng kêu trong hoang địa rằng: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”. Bởi vì chính Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Bấy giờ dân thành Giêrusalem, khắp xứ Giuđêa và các miền lân cận sông Giođan tuôn đến với ông, thú tội và chịu phép rửa do tay ông trong sông Giođan”. Là một tiên tri, thánh nhân không để cuộc đời mình nhiễm bụi trần hay nô lệ cho những nhu cầu cuộc sống, thánh nhân sống siêu thoát với những gì thuộc về thế gian, vì thế, lời kêu gọi của ông được mọi người đón nhận, được mọi người lắng nghe, từ đó, bao nhiêu người đã đổi thay cuộc đời, đã nhận lãnh nghi thức thanh tẩy. Chứng từ cuộc sống cùng với lời rao giảng của thánh nhân, đã góp phần lớn dọn đường cho Đấng Cứu Thế đi vào ngôi nhà của Ngài là thế giới này, là mỗi gia đình, mỗi trái tim con người.

Mùa vọng là thời gian thánh giúp mọi người tín hữu Kitô phản tỉnh lại cuộc đời của mình. Thiên Chúa đã cúi xuống, đã làm người, sinh vào trong thế giới này với mục đích đem ơn cứu độ cho mọi người, phần con người, một khi đón nhận Ngài làm chủ cuộc đời, ắt phải có trách nhiệm đổi thay cuộc đời. Sự đổi thay Thiên Chúa đợi chờ không phải là một sự đổi thay về luân lý, về tính cách con người, nhưng là một sự đổi thay mang tính toàn diện. Hình ảnh Thiên Chúa bấy lâu nay trong suy nghĩ, trong nhận thức của tôi như thế nào, có phải là một kẻ thù hay là một vị cứu tinh của tôi, con đường Đức Giêsu giới thiệu có phải là con đường dẫn đến sự chết hay sự sống, thay suy nghĩ của tôi. Sự sống và sự thật Ngài giới thiệu cho nhân loại, có phải là nền tảng của mọi sinh hoạt con người, hay chỉ là một mớ lý thuyết suông và dại dột khi lấy nó là tôn chỉ cho cuộc đời mình. Nhìn nhận sự thật về khả năng nhận thức của bản thân như thế, là khởi đầu của tiến trình sám hối, là khởi đầu cho việc uốn nắn lại những con đường quanh co trong tâm hồn chính mình đó. Thiên Chúa đợi chờ sự cố gắng đó từ nơi tôi.

Mùa vọng còn mang một ý nghĩa sâu xa hơn đó là thời gian đón chờ Chúa đến, Ngài đến đem theo món quà từ trời đó là sự hòa bình cho thế giới, cho các gia đình, đặc biệt tái tạo lại mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người, giữa con người với con người cũng như giữa con người với môi trường vạn vật và thiên nhiên. Thế nhưng, hòa bình đâu chưa thấy, chỉ toàn là chiến tranh, từ những cuộc nội chiến đang diễn ra đâu đó, gây ra bao tang thương cho đất nước, cho con người và cho thế giới, ngay cả quê hươn của Đấng Cứu Thế cũng không ngớt tiếng súng của chiến tranh, toàn là hận thù và tang thương. Gần gũi nhất đối với mỗi người là gia đình. Đó là nơi bình yên để đi về, đó là nơi ấm áp tình người, đó là nơi tình huynh đệ luôn được đề cao, thế nhưng, có biết bao người con đã từ bỏ tổ ấm đó, ra đi trong tức tưởi, ra đi trong nước mắt chỉ vì không tìm được hơi ấm tình người, mà chỉ toàn là đau khổ và nước mắt. Với những nỗi niềm đó, làm sao lời kêu gọi sám hối của thánh Gioan có thể trở thành hiện thực, nếu mỗi người không cố gắng đổi thay nhận thức và thái độ sống của bản thân từng ngày.

Thiên Chúa đợi chờ nơi con người một chút cố gắng. Ngài không đóng hết mọi lối nẻo của con người, Ngài mời mỗi người hãy cố gắng nhận ra trong chính bản thân, có những tội lỗi nào như là nguyên nhân của mọi tội lỗi, để cố gắng sửa đổi và hoàn thiện, những mối tội đầu như thường quen gọi, luôn là nguyên nhân dẫn đến những rạn nứt trong gia đình, giữa anh chị em với nhau và giữa con cái với Cha Mẹ. Sự cố gắng của con người luôn đóng vai trò quan trọng trong mùa vọng này cũng như cả hành trình đức tin. Đổi thay và xa lánh những mối tội đầu, sẽ giúp cho người tín hữu ý thức được tinh thần sám hối Thiên Chúa mong muốn qua lời kêu gọi của Gioan, từ đây, con đường đi vào vương quốc của Thiên Chúa luôn rộng rãi và bằng phẳng, Thiên Chúa dễ dàng đến với con người, và con người cũng dễ dàng gặp gỡ, trò chuyện và gắn bó với Ngài.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến trần gian làm người, để chia sẻ phận người với chúng con, từ đó, Con Thiên Chúa có những phương cách giúp con người sám hối và thay đổi tâm hồn, xứng đáng đón nhận ơn cứu độ, xin giúp chúng con biết lắng nghe lời kêu gọi của Gioan Tiền Hô qua Mẹ Giáo hội, để đổi thay suy nghĩ và thái độ sống trong đức tin. Chúa cho chúng con một khả năng để nhận biết và có những chọn lựa đúng đắn trong hành trình đức tin của mình, xin ban thêm Thánh Thần tình yêu cho mỗi người, để nhờ hồng ân đó, chúng con biết đâu là nẻo chính đường ngay, đâu là sự thiện cần thiết cho con người, để chúng con luôn tỉnh thức, đón chờ Chúa đến lần thứ hai trong vinh quang. Amen.

 

SỰ CÔNG CHÍNH VÀ NỀN HÒA BÌNH VIÊN MÃN SẼ TRIỂN NỞ…
(Chúa Nhật II  Mùa Vọng A) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Hằng năm cứ mỗi dịp mùa Vọng về, đoàn tín hữu chúng ta lại được nghe điệp khúc: “Sự công chính và nền hòa bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại Người” (Tv 71, 7). Đã là người, từ cổ chí kim, ai cũng hằng mong được sống trong an bình. Hòa bình mãi là niềm ước mong của mọi dân tộc, mọi quốc gia, dĩ nhiên là ngoại trừ những kẻ lắm tham vọng muốn bá quyền, muốn độc tôn, thống trị kẻ khác… Và dường như sự an bình, yên ổn vẫn đang còn là ước mơ, cho dẫu một đôi lúc, ở một vài nơi đã được nếm hưởng nhưng chưa chắc đã là được bình an thực sự.

Đức Kitô đã đến thế gian. Người đã thiết lập triều đại Nước Thiên Chúa, thế nhưng triều đại của Thiên Chúa vẫn chưa hoàn tất. Chúa đã làm người để chúng ta được làm con cái Thiên Chúa. Trong kinh “Lay Cha”, khi dạy chúng ta khẩn khoản nài xin cho Nước Cha trị đến (hay xin cho triều đại Cha mau đến, như cách dịch của Nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh), hẳn là Chúa Kitô không dạy chúng ta chỉ biết “há miệng và ngửa tay” đón chờ, nhưng dạy ta phải biết nắm tay lại để chung xây triều đại của Thiên Chúa.

Sẽ chẳng có hòa bình nếu không có công bình. Các Đức Giáo Hoàng gần đây đã từng nhấn mạnh điều này vào mỗi dịp đầu năm Dương lịch hay những khi kêu gọi chấm dứt chiến tranh. Quả thật, làm sao có được sự công bình nếu không có sự công chính. Nói đên sự công chính là nói đến sự công minh, chính trực trong tư tưởng, lời nói và hành động của con người. Như thế cái nguồn gốc của sự hòa bình là nơi chính bản thân con người. Tuy nhiên, vì con người là sinh vật có tính xã hội, do đó một nền hòa bình chính hiệu cần phải có những thể chế luật lệ công minh, những đường lối chính sách ngay thẳng, công bình.

Những hình ảnh “sói sống chung với chiên con; beo nằm chung với dê; bò con, sư tử và chiên sẽ ở chung với nhau; con trẻ sẽ dẫn dắt chúng…” chính là niềm ước mơ của mọi người, mọi thời. Với những lời của Tiên Tri Isaia qua bài đọc thứ nhất (Is 11, 1-10) và lời giảng của thánh Gioan Tẩy Giả trong bài Tin Mừng Chúa Nhật II mùa Vọng năm A này (Mt 3, 1-12), xin được góp một vài ý thô thiển để cùng dệt xây một nền hòa bình đích thực và chính hiệu.

1. “Ngài sẽ lấy sự công minh mà xét xử những người nghèo khó, và lấy lòng chính trực mà bênh đỡ kẻ hiền lành trong xứ sở” (Is 11, 4). Ngày nay, cảnh người nghèo khó bị áp bức bóc lột, bị xét xử bất công vẫn tồn tại dưới nhiều hình thái. Nhiều nơi trên thế giới và ngay chính trên quê hương chúng ta hiện tượng này vẫn dẫy đầy đó đây. Câu ngạn ngữ “ở hiền, gặp lành” xem ra không phải lúc nào cũng đúng trong thực tiễn mà có vẻ như đang là ngược lại. Càng ở hiền thì càng gặp nhiều điều chẳng may, càng bị thua thiệt nhiều mặt. Chính vì thế người con cái Chúa cần phải nỗ lực, gắng công liên lỉ.

Dĩ nhiên, không phải ôm bom tự sát, không phải cầm gươm giáo, súng ống làm vũ khí, nhưng ta phải biết “dùng lời như gậy đánh người áp chế và dùng tiếng nói giết chết kẻ hung ác” (Is 11, 4). Đức Bênêđictô XVI, thời chưa làm Giáo Hoàng đã từng cảnh báo các mục tử trong Hội Thánh không được câm nín trước bất công và tội ác.

Quả thật, là Kitô hữu, người con cái Chúa có bổn phận xây dựng một nền hòa bình chính hiệu để cho Nước Chúa trị đến. Phải chăng chúng ta đã vô tình hay hữu ý ngậm miệng làm thinh trước các bất công xã hội? Chúng ta đã mạnh mẽ làm chứng cho sự thật, bảo vệ công lý như thế nào? Phải chăng chúng ta chưa dám hay không dám lên tiếng bảo vệ người nghèo khó, bênh đỡ người hiền lành? Nhiều câu hỏi thật không quá khó để trả lời nếu biết khiêm nhu và trung thực.

Không thiếu những lý do bào chữa, nhưng chúng ta cũng đành thú nhận rằng lắm khi vì đã “ăn xôi chùa, nên đành ngọng miệng”, hoặc có thể e sợ “há miệng sẽ mắc quai” hoặc rất có thể vì đã “có tật thì giật mình” nên chọn giải pháp làm thinh. Cũng có thể vin vào lý do tưởng như là khôn ngoan và hợp lý như là thời cơ chưa thuận lợi, chưa phải lúc… Thế nhưng, chúng ta đừng quên đòi hỏi của Tin Mừng là dù khi thuận lợi hay không thuận lợi, thì lời chân lý phải được công bố.

2. Phê bình, góp ý để làm cho các đường lối, chủ trương, chính sách trong Hội Thánh và ngoài xã hội được ngay chính.

“Đường Chúa, ta uốn cho ngay…”. Ca từ của một bài hát trong mùa Vọng ta vốn thân quen vì được trích lời, ý, từ Thánh Kinh. Câu hát này có thể làm cho nhiều người hiểu lầm. Mọi đường lối của Chúa đều là từ bi và ngay chính. Cớ sao ta cần phải uốn cho ngay đường lối của Chúa. Không lẽ đường lối của Chúa chưa ngay thẳng hoặc đang cong queo? Chẳng một ai dám to gan khẳng định điều này khi họ là tín hữu Kitô đích thực. Thế thì ta cần phải hiểu chính xác về lời kêu gọi của Gioan Tẩy Giả vốn được trích từ lời của tiên tri Isaia: “Có tiếng hô trong hoang địa: Hãy dọn đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho bằng… (Is 40, 3.5; Lc 3, 4-5; Mt 3,3; Mc 1, 2-3). Hóa ra đây là những đường lối của ta, cung cách sống của bản thân ta và cũng không loại trừ những thể chế, luật lệ, chủ trương, đường lối, chính sách của chúng ta.

Hiến Pháp, luật lệ các quốc gia và cả bộ Giáo Luật trong Hội Thánh chúng ta đã từng được chỉnh sửa, thay đổi, tất thảy chỉ vì chúng không còn phù hợp, thiếu chính đáng và rất có thể là chưa được “thẳng” ở điều này hay điểm kia. Thử đặt vấn đề rằng các đường lối, các luật lệ hiện nay vẫn còn nhiều điều cần sửa cho “ngay thẳng” hay không? Hẳn ta sẽ dễ dàng trả lời không chút nghi ngại là vẫn đang còn.

Tiến trình “tu thân - tề gia - trị quốc - bình thiên hạ” nhắc nhớ cho ta về động thái căn bản là chỉnh sửa cho ngay thẳng cõi lòng, cung cách sống của ta. Tuy nhiên, yếu tố xã hội vẫn có đó mức độ ảnh hưởng đáng kể trên suy nghĩ và hành động của ta. Hội Đồng Giám Mục Việt
Nam trong bức thư chung năm 2006 đã nhìn nhận sự thật này: “con người vừa là tác nhân vừa là nạn nhân của hoàn cảnh xã hội” (số 5). Và chắc chắn các cơ chế, luật lệ, các đường lối, chính sách quốc gia, xã hội có ảnh hưởng trên nhân cách và lối sống của con người thật đáng kể. Đất nước chúng ta đã nhìn nhận sai lầm của cơ chế bao cấp, của việc quá đề cao hình thái tổ chức vốn đã từng làm thui chột tinh thần trách nhiệm cá nhân và đã gây hậu quả xấu thật khó khắc phục một sớm một chiều. Và còn nhiều hậu quả xấu khác do bởi cơ chế, đường lối chính sách “không ngay thẳng” mà chúng ta đang phải hứng chịu đây? Việc chạy theo thành tích, chỉ nhắm đến lợi ích kinh tế trong giáo dục hay việc gạt các tập thể tôn giáo ra khỏi quốc sách giáo dục cũng là những “đường lối cong queo” mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam lên tiếng trong thư chung năm 2007 (x.số 11-12;18-19).

Mùa Vọng lại về, Kitô hữu chúng ta không chỉ mong chờ Chúa Kitô lại đến, nhưng chúng ta cần phải loan báo cho thế giới nhận biết rằng Chúa Kitô, Vua Hòa Bình đã đến trong thế gian. Một trong những cách thế loan báo tin vui ấy hữu hiệu nhất là cần nỗ lực làm cho nền hòa bình viên mãn hiện diện cách cụ thể một cách nào đó ngay môi trường ta đang sống.

Một tín hữu đã thành thật thú nhận rằng để sống lời Chúa dạy như trên chắc là phải tử đạo thôi. Quả không sai vì Đức Kitô đã phán: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14, 27). “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 9-10). Lịch sử minh chứng rằng hai mối phúc này thường đi sánh đôi qua mọi thời và mọi nơi.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây