Chúa Nhật II Mùa Vọng - Năm A
Ca nhập lễ
Này dân Xi-on hỡi, Chúa sắp ngự đến cứu độ muôn dân. Người sẽ lên tiếng thật oai hùng, khiến tâm hồn anh em hoan hỷ.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng ái tuất, xin đừng để chúng con mải mê thế sự, chẳng còn hăm hở đi đón mừng Con Chúa, nhưng xin dạy chúng con biết ham thích những sự trên trời, hầu được cùng Người vui hưởng phúc trường sinh. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
Bài Ðọc I: Is 11, 1-10
"Chúa lấy sự công minh mà xét xử người nghèo khó".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Ngày ấy, từ gốc Giêsê sẽ đâm ra một chồi và cũng từ gốc ấy sẽ đơm lên một bông hoa. Trên bông hoa ấy, thần linh của Thiên Chúa sẽ ngự xuống, tức thần khôn ngoan và thông suốt, thần chỉ dẫn và sức mạnh, thần hiểu biết và đạo đức, và thần ấy sẽ làm cho Ngài biết kính sợ Thiên Chúa.
Ngài không xét đoán theo như mắt thấy, cũng không lên án theo điều tai nghe, nhưng Ngài sẽ lấy đức công minh mà xét xử những người nghèo khó, và lấy lòng chính trực mà bênh đỡ kẻ hiền lành trong xứ sở. Ngài sẽ dùng lời như gậy đánh người áp chế, và sẽ dùng tiếng nói giết chết kẻ hung ác. Ngài lấy đức công bình làm dây thắt lưng, và lấy sự trung tín làm đai lưng.
Sói sống chung với chiên con; beo nằm chung với dê; bò con, sư tử và chiên sẽ ở chung với nhau; con trẻ sẽ dẫn dắt các thú ấy. Bò (cái) và gấu (cái) sẽ ăn chung một nơi, các con của chúng nằm nghỉ chung với nhau; sư tử cũng như bò đều ăn cỏ khô. Trẻ con còn măng sữa sẽ vui đùa kề hang rắn lục, và trẻ con vừa thôi bú sẽ thọc tay vào hang rắn độc. Các thú dữ ấy không làm hại ai, không giết chết người nào khắp núi thánh của Ta. Bởi vì thế gian sẽ đầy dẫy sự hiểu biết Chúa, như nước tràn đầy đại dương.
Ngày ấy gốc Giêsê đứng lên như cờ hiệu cho muôn dân. Các dân sẽ khẩn cầu Ngài, và mộ Ngài sẽ được vinh quang.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 71, 2. 7-8. 12-13. 17
Ðáp: Sự công chính và nền hoà bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người (c. 7).
Xướng: Lạy Chúa, xin ban quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua, và ban sự công chính cho hoàng tử, để người đoán xét dân Chúa cách công minh, và phân xử người nghèo khó cách chính trực.
Xướng: Sự công chính và nền hoà bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người cho tới khi mặt trăng không còn chiếu sáng. Và người sẽ thống trị từ biển nọ đến biển kia, từ sông cái đến tận cùng trái đất.
Xướng: Vì người sẽ giải thoát kẻ nghèo khó khỏi tay kẻ quyền thế, và sẽ cứu người bất hạnh không ai giúp đỡ. Người sẽ thương xót kẻ yếu đuối và người thiếu thốn, và cứu thoát mạng sống người cùng khổ.
Xướng: Chúc tụng danh người đến muôn đời, danh người còn tồn tại lâu dài như mặt trời. Vì người, các chi họ đất hứa sẽ được chúc phúc, và các dân nước sẽ ca khen người.
Bài Ðọc II: Rm 15, 4-9
"Chúa Kitô cứu rỗi hết mọi người".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, những gì đã viết ra là có ý để giáo huấn chúng ta, hầu nhờ Thánh Kinh thêm sức và an ủi, chúng ta được cậy trông. Xin Thiên Chúa, nguồn kiên tâm và an ủi, ban cho anh em biết thông cảm với nhau theo gương Chúa Giêsu Kitô, để anh em đồng thanh tôn vinh Chúa là Cha Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Vì thế, anh em hãy tiếp rước nhau như chính Chúa Giêsu đã tiếp nhận anh em, để làm rạng danh Thiên Chúa. Vì chúng tôi quả quyết với anh em: để chứng tỏ sự chân thật của Thiên Chúa, Ðức Giêsu Kitô đã phục vụ những người chịu phép cắt bì, hầu xác nhận lời hứa cùng các tổ phụ. Còn dân ngoại, họ tôn thờ Thiên Chúa vì lòng nhân từ Người, như lời chép rằng: "Vì vậy, lạy Chúa, con sẽ cao rao Chúa và sẽ ca tụng danh Chúa giữa các dân ngoại".
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Lc 3, 4. 6
Alleluia, alleluia! - Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng; và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 3, 1-12
"Hãy ăn năn thống hối, vì nước trời gần đến".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Ngày ấy, Gioan Tẩy Giả đến giảng trong hoang địa xứ Giuđêa rằng: "Hãy ăn năn thống hối, vì nước trời gần đến". Chính ông là người mà Tiên tri Isaia đã tiên báo: "Có tiếng kêu trong hoang địa rằng: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng".
Bởi vì chính Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Bấy giờ dân thành Giêrusalem, khắp xứ Giuđêa và các miền lân cận sông Giođan tuôn đến với ông, thú tội và chịu phép rửa do tay ông trong sông Giođan.
Thấy có một số đông người biệt phái và văn nhân cũng đến xin chịu phép rửa, thì Gioan bảo rằng: "Hỡi nòi rắn độc, ai bảo các ngươi trốn lánh cơn thịnh nộ hòng đổ xuống trên đầu các ngươi. Hãy làm việc lành cho xứng với sự thống hối. Chớ tự phụ nghĩ rằng: tổ tiên chúng ta là Abraham. Vì ta bảo cho các ngươi hay: Thiên Chúa quyền năng có thể khiến những hòn đá trở nên con cái Abraham. Ðây cái rìu đã để sẵn dưới gốc cây. Cây nào không sinh trái tốt, sẽ phải chặt đi và bỏ vào lửa. Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa các ngươi, để các ngươi được lòng sám hối; còn Ðấng sẽ đến sau tôi có quyền năng hơn tôi và tôi không đáng xách giày Người. Chính Ðấng ấy sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. Ngài cầm nia trong tay mà sảy lúa của Ngài, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt".
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tín hữu
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Từ lời rao giảng đến cách ăn mặc của Gioan Tẩy Giả đều mời gọi sám hối “Hãy hối cải vì Nước Trời đã gần bên”. Phải thay đổi tất cả những gì làm cho ta bị khựng lại không tiếp nhận được Thiên Chúa đến, tùy mỗi người có cái cản riêng cần phải hoán cải. Vậy chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa giúp:
1. “Ngày ấy gốc Giêse đứng lên như cờ hiệu cho muôn dân" Xin cho các vị Chủ chăn trở nên nguồn mạch an hòa, nguồn suối tình thương và là cán cân công lý, để nhờ các ngài mọi người nhận ra Thiên Chúa yêu thương con người đến nỗi ban Con Một xuống cắm lều giữa nhân loại.
2. “Chúa Kitô cứu rỗi hết mọi người”,- Xin cho các tín hữu đừng ỷ nại mình là Kitô hữu có bằng chứng phép Rửa Tội là được gặp Chúa, nhưng phải biết lấp đi những hố sâu ngăn cách tình yêu, lòng tha thứ để Chúa có thể ngự đến lòng họ.
3. “Anh em hãy thống hối vì Nước Trời đã đến gần" - Xin cho lời mời gọi của Thánh Gioan Tẩy Giả được các người trẻ hôm nay tiếp nhận, để lời giáo huấn của Hội Thánh có thể uốn nắn, chấn chỉnh và hoàn thiện họ, giúp họ luôn ở trong tư thế sẵn sàng, không gì đáng trách trong ngày Chúa quang lâm.
4. “Hãy làm việc lành cho xứng với lòng thống hối”,- Xin cho mỗi người trong giáo xứ chúng ta mau mắn đến giao hòa với Chúa và tha nhân nơi tòa cáo giải, để được kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể.
Chủ tế: Lạy Cha, chúng con đang đón chờ Đức Giêsu trở lại trần gian lần thứ hai. Xin cho chúng con biết đón Ngài bằng sự thay đổi quan niệm, yêu những gì ngay thẳng, công bình, và ghét những gì giả hình, quanh co, để có thể trở nên người hoàn hảo như Cha mong muốn. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô...
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ và những lời chúng con khiêm tốn nài van. Thật chúng con chẳng có công trạng gì, chỉ trông chờ lượng từ bi ban ơn trợ giúp. Chúng con cầu xin...
Lời tiền tụng mùa vọng I
Ca hiệp lễ
Vùng lên, Giê-ru-sa-lem hỡi! Đứng trên nơi cao mà nhìn: Kìa Thiên Chúa đem hoan lạc đến cho ngươi.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con được tham dự mầu nhiệm thánh và Chúa đã lấy bánh bởi trời mà nuôi dưỡng chúng con. Giờ đây xin Chúa thương dạy dỗ, để chúng con hằng khôn ngoan sáng suốt cân nhắc những thực tại trần gian, và luôn thiết tha với những thực tại bền vững trên trời. Chúng con cầu xin...
Suy niệm
Đấng sẽ đến
Sưu tầm
Mùa vọng là mùa trông đợi. Chúng ta trông đợi Chúa đến trong đêm giáng sinh. Đó là một sự trông đợi có tính cách nghi lễ nhằm kỷ niệm sinh nhật Chúa Giêsu tại Bêlem. Nhưng đồng thời mùa vọng còn là trông đợi Chúa lại đến vào ngày sau hết như lời Ngài đã hứa. Và lời rao giảng của Gioan được coi như là một lời kêu mời chúng ta tích cực chuẩn bị để bước vào thời đại mới ấy. Vậy thì đâu là sứ điệp của Gioan?
Trước hết ông đã rao giảng sự ăn năn hối cải vì Nước Trời đã gần đến. Những hình ảnh ông sử dụng gợi lên một cảnh tượng tiêu điều của sa mạc cát nóng, của hoang địa khô chồi cằn cỗi. Thế nhưng, người Do Thái và nhất là giai cấp lãnh đạo đã coi thường lời kêu gọi ấy. Họ nghĩ rằng mình là dân riêng của Chúa, nhưng thực ra họ chỉ là một loài rắn độc. Con rắn của ma quỷ, đối nghịch với Thiên Chúa. Vì thế Gioan đòi buộc họ phải sám hối ăn năn, đừng nại vào dòng dõi xác thịt. Dân riêng của Chúa trong thời đại mới được tạo nên nhờ sám hối khi lãnh nận dòng nước thanh tẩy.
Trong phần thứ hai của đoạn Tin Mừng, Gioan giới thiệu Đấng đến sau ông nhưng lại quan trọng hơn ông gấp bội. Gioan tự nhận không xứng đáng làm một kẻ nô lệ hèn hạ nhất của Ngài.
Theo tục lệ Do Thái, thì một kẻ nô lệ không buộc phải cởi giày hay xách dép cho chủ. Người môn đệ có thể giúp việc thầy như một nô lệ, trừ việc xách dép hay cởi giày. Trong việc tế tự, trước khi tư tế hành lễ thì một trong các nô lệ phục dịch tại đền thờ, sẽ cởi giày dép để tư tế đi chân không. Hạng người này bị loại vĩnh viễn khỏi mọi đặc quyền Do Thái. Người Do Thái không bao giờ được cưới hỏi với loại người này.
Nếu có ám chỉ đến tục lệ này thì Gioan cũng vạch rõ sự khác biệt giữa ông và Đấng Cứu Thế sẽ đến. Đấng sẽ đến có quyền phán xét, thiêu huỷ kẻ dữ và thánh hoá người lành. Trong khi đó, thanh tẩy của Gioan được hiểu như là một nghi thức áp dụng cho đoàn người hối cải, trông nhờ vào thanh tẩy của thời cứu chuộc để thoát khỏi sự phán xét sắp đến.
Trông chờ Chúa đến, cũng có nghĩa là chuẩn bị đón mừng Chúa trong đêm giáng sinh cũng như trong những biến cố cuộc đời. Và lời kêu gọi của Gioan vẫn có giá trị đối với chúng ta ngày hôm nay: Hãy sám hối, hãy trở nên người mới, trong cách suy nghĩ, trong cách cư xử đối với Chúa và đối với anh em. Bởi vì đón nhận Chúa là đi vào một cuộc sống mới, một thời đại mới.
Nói đến hối cải chúng ta thường chỉ dừng lại ở việc xét mình xưng tội, nhưng lại không mấy nghĩ rằng mình phải trở thành một con người mới, sống trong một thời đại mới, thời đại cứu chuộc, thời đại ân sủng và tình thương của Chúa.
Bài suy niệm Chúa nhật thứ I Mùa Vọng - năm A
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 3, 1-12).
Ngày ấy, Gioan Tẩy Giả đến giảng trong hoang địa xứ Giuđêa rằng: “Hãy ăn năn thống hối, vì nước trời gần đến”. Chính ông là người mà Tiên tri Isaia đã tiên báo: “Có tiếng kêu trong hoang địa rằng: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”.
Bởi vì chính Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Bấy giờ dân thành Giêrusalem, khắp xứ Giuđêa và các miền lân cận sông Giođan tuôn đến với ông, thú tội và chịu phép rửa do tay ông trong sông Giođan.
Thấy có một số đông người biệt phái và văn nhân cũng đến xin chịu phép rửa, thì Gioan bảo rằng: “Hỡi nòi rắn độc, ai bảo các ngươi trốn lánh cơn thịnh nộ hòng đổ xuống trên đầu các ngươi. Hãy làm việc lành cho xứng với sự thống hối. Chớ tự phụ nghĩ rằng: tổ tiên chúng ta là Abraham. Vì ta bảo cho các ngươi hay: Thiên Chúa quyền năng có thể khiến những hòn đá trở nên con cái Abraham. Ðây cái rìu đã để sẵn dưới gốc cây. Cây nào không sinh trái tốt, sẽ phải chặt đi và bỏ vào lửa. Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa các ngươi, để các ngươi được lòng sám hối; còn Ðấng sẽ đến sau tôi có quyền năng hơn tôi và tôi không đáng xách giày Người. Chính Ðấng ấy sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. Ngài cầm nia trong tay mà sảy lúa của Ngài, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt”.
Suy niệm
Chúa nhật thứ 2 Mùa Vọng trở về với niềm vui đến từ chồi non Đavid, một mầm sống đem sức sống mới cho nhân loại, cho con người. Niềm vui và hy vọng đó sẽ đến với mỗi tâm hồn, khi con người thành tâm hoán cải và thanh tẩy trong Nước và Thần Khí.
Mỗi khi mùa xuân trở về, những làn gió mát, những mầm sống bắt đầu trở mình, vươn lên từ lòng đất, từ những thân cây khô chắc của mùa đông. Tất cả tạo nên một niềm vui mới cho đất trời, đem lại cho con người sắc hương mới, và cũng là lúc điểm tô cho cuộc đời nhiều niềm vui. Lời Ngôn sứ Isaia vang lên khi dân riêng của Giavê đang lần mò trong một hành trình đen tối của cuộc đời, Giavê sẽ không để cho con cái ngài khổ đau, không để họ phải chìm đắm trong lệ sầu, Ngài sẽ đưa họ vào một thế giới mới, thế giới của niềm vui và tràn trề sức sống, mọi người sẽ được Thần Khí Giavê hướng dẫn sống theo đường lối của Giavê: “Ngày ấy, từ gốc Giêsê sẽ đâm ra một chồi và cũng từ gốc ấy sẽ đơm lên một bông hoa. Trên bông hoa ấy, thần linh của Thiên Chúa sẽ ngự xuống, tức thần khôn ngoan và thông suốt, thần chỉ dẫn và sức mạnh, thần hiểu biết và đạo đức, và thần ấy sẽ làm cho Ngài biết kính sợ Thiên Chúa”. Có niềm vui nào lớn cho bằng niềm vui được sống trong hoà bình, thiên nhiên, vạn vật muông thú cùng vui đùa với nhau như chung một gia đình, con người cũng hoà chung niềm vui đó khi: “sói sống chung với chiên con; beo nằm chung với dê; bò con, sư tử và chiên sẽ ở chung với nhau; con trẻ sẽ dẫn dắt các thú ấy. Bò (cái) và gấu (cái) sẽ ăn chung một nơi, các con của chúng nằm nghỉ chung với nhau; sư tử cũng như bò đều ăn cỏ khô. Trẻ con còn măng sữa sẽ vui đùa kề hang rắn lục, và trẻ con vừa thôi bú sẽ thọc tay vào hang rắn độc”. Hoà bình và hạnh phúc vẫn mãi là niềm vui và mơ ước của con người mọi thời, tất cả những ước mong đó sẽ đến nếu con người biết tin nhận một Thiên Chúa tình yêu, Ngài đang hiển trị và đồng hành với con người, đồng thời, biết lắng nghe và đi trong đường lối của Ngài.
Niềm vui của hoà bình tuôn chảy không ngừng nếu như có những chiếc máng của tình yêu từ nơi người môn đệ đích thực của Đức Kitô, chiếc máng đó sẽ đem ơn cứu độ, đem tình trời đến cho mọi người, mọi nhà và mọi dân tộc. Lời thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Roma đã gợi nhắc ơn gọi của người môn đệ là thế, bởi Đức Giesu đã đi bước trước cho con người khi Ngài sống tâm tình người môn đệ của Chúa Cha thật vẹn toàn: “chúng tôi quả quyết với anh em: để chứng tỏ sự chân thật của Thiên Chúa, Ðức Giêsu Kitô đã phục vụ những người chịu phép cắt bì, hầu xác nhận lời hứa cùng các tổ phụ. Còn dân ngoại, họ tôn thờ Thiên Chúa vì lòng nhân từ Người”. Con Thiên Chúa làm người, đem ơn cứu độ cho muôn người, bởi Thiên Chúa yêu thương tất cả và mong muốn mọi người được cứu độ, do đó, niềm vui Mùa Vọng sẽ là niềm vui chung của mọi người, lễ Giáng sinh sẽ là ngày vui và làm mới niềm vui hoà bình.
Câu chuyện cuộc đời thánh Gioan Tẩy giả như gợi nhắc cho người môn đệ hôm nay, hãy là người đi dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến, hãy là người cất cao tiếng hô trong sa mạc cuộc sống ồn ào này: “Ngày ấy, Gioan Tẩy Giả đến giảng trong hoang địa xứ Giuđêa rằng: “Hãy ăn năn thống hối, vì nước trời gần đến”. Chính ông là người mà Tiên tri Isaia đã tiên báo: “Có tiếng kêu trong hoang địa rằng: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”. Ông được sai đến trong vai trò ngôn sứ, ông lên đường trong sứ vụ của hoà bình, ông lên tiếng trong ơn gọi môn đệ, tất cả chuẩn bị cho Đấng Cứu Độ nhân loại đi vào trong lịch sử con người. Lời mời đó được cất lên cùng với sức mạnh của Thần Khí, tất sẽ biến đổi tâm hồn những người thành tâm thiện chí trong thế giới. Biết bao người đã tìm đến với Gioan để xin sám hối cuộc đời. Gioan đã sống ơn gọi của mình trọn vẹn khi không để mọi thứ của thế gian dính bén và lôi kéo, chính sự kiên định đó đã biến đổi ông trở thành một con người khiêm tốn, một con người luôn đặt mục đích đời mình lên trên tất cả mọi sinh hoạt. Ông cũng không ngần ngại nói lên sự thật nơi những con người chỉ biết thoả hiệp với dối gian, ông cũng lên tiếng phê phán những con người hèn nhát, chấp nhận vong thân trước hấp lực của quyền bính và tham vọng. Những yếu tố đó đang là những góc khuất, làm cho con đường trong tâm hồn mỗi người ngày một hoàn thiện, xứng đáng đón Con Thiên Chúa vào đời. Bên cạnh những nỗ lực của con người, luôn có sự đồng hành của Thần Khí. Sức mạnh của Thần Khí sẽ biến đổi mỗi người trở thành người môn đệ thích hợp với mỗi ơn gọi, mỗi hoàn cảnh và mỗi biến cố. Thần Khí sẽ giúp người môn đệ hôm nay dễ dàng thích ứng với ơn gọi của mình khi con người biết lắng nghe và bước đi trong ánh sáng của Thần Khí. Ngài sẽ hướng dẫn chúng ta biết tỉnh thức như thế nào, biết sẵn sàng như thế nào và biết chuẩn bị tâm hồn thế nào cho xứng hợp với đền thờ Con Thiên Chúa ngự trị.
Mỗi gia đình là một cộng đoàn đức tin, nơi đó cần có sự hiện diện của Thần Khí, cần có sự hiện diện của Đấng Cứu độ, bởi sức mạnh của Thần Khí sẽ giúp các thành viên trong gia đình sống hiệp nhất trong sự tôn trọng và sẻ chia, còn Đấng Cứu độ sẽ giúp gia đình trở thành một cộng đoàn Kitô hữu đích thực, và là những môn đệ chân chính của Đức Kitô, để tạo nên những nhịp cầu ngoại biên cho Con Thiên Chúa vào đời, vào trong từng lối nẻo của thế giới này. Để niềm vui cứu độ mỗi ngày được lan toả, cần có những tâm hồn quảng đại và những con người thánh thiện, vì thế, mỗi gia đình cần chung tay góp sức, cần sống ơn gọi của mình ngày một hoàn thiện, để có được những nẻo đường cần thiết cho những người sống cận kề gia đình mình, và những người cùng chung công việc trong cuộc sống.
Đời sống tu trì cũng là một ơn gọi đặc biệt mà Thiên Chúa mời, để từ những hy sinh, những nỗ lực trong đời phục vụ, các Tu sĩ từng ngày cố gắng chạm được vào những mảnh ghép tâm hồn đang lạnh cóng, cố gắng dừng lại bên những người bị xã hội bỏ rơi, cố gắng đến với những anh chị em kém may mắn hơn nhiều người. Với một lý tưởng cao đẹp trong đời tận hiến, các Tu sĩ chấp nhận cho Thần Khí biến đổi cuộc đời, phù hợp với những linh đạo, những hoàn cảnh xã hội và những môi trường đặc biệt, để cuộc đời họ là chiếc máng của tình thương, của tình người, của tình Trời, tuôn đổ muôn ân phúc cần cho những tâm hồn đang khát, đang đói và đang lạnh cóng. Nếu mỗi người Tu sĩ cảm nghiệm được niềm vui đời phục vụ là đem hoà bình và tình thương đến cho nhân loại, chắc sẽ không còn cảnh sống ganh tị, những thái độ hờn oán vì địa vị, vì quyền bính đang gặm nhấm tình huynh đệ trong các cộng đoàn.
Mùa Vọng với sắc màu tím nhưng không là buồn thảm, mà là hy vọng, là đợi chờ trong niềm vui và hoan lạc của Thần Khí. Nếu mỗi tín hữu Kitô hôm nay, cố gắng một chút xíu, để cộng tác với Thần Khí, chắc mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa vẫn tiếp diễn, để Ngài được đến với con người, được ở lại với con người, và được chết cho con người, và đó cũng là niềm hạnh phúc của con người là được sống cùng, sống với và sống cho Thiên Chúa và tha nhân mỗi ngày, trong mỗi ơn gọi của mình. Thần Khí Thiên Chúa vẫn miệt mài lao động để con người được cứu độ, được yêu thương, chỉ có con người, vì là một thụ tạo đầy những bất toàn, lắm lúc thiếu nỗ lực cộng tác với Thần Khí, lắm lúc dửng dưng trước tha nhân và lắm lúc sống với cái tôi mình quá nhiều, nên Con Thiên Chúa không thể đi vào trần gian được, bởi không có những con đường của tình yêu được dọn sẵn cho Ngài.
Lạy Chúa Giesu, vì yêu con người, Chúa đã đi vào trần gian qua mầu nhiệm nhập thể, Chúa đã làm người và đang làm người mỗi ngày, xin cho chúng con luôn nhận ra sự hiện diện của Ngài qua đôi mắt của niềm tin và tình thương. Chúa đã sống bên cạnh con người, nên Ngài đã hiểu con người có những hố sâu nào trong cuộc đời, xin giúp chúng con lấp đầy những hố sâu đó bằng tình yêu của Thần Khí, bằng tinh thần phục vụ trong khiêm tốn. Chúa đã đến trần gian và mỗi ngày Chúa vẫn đến với con người, xin cho chúng con luôn biết dọn dẹp cho Ngài những con đường tình yêu, để Ngài đến với chúng con và đến với mọi người, mọi gia đình. Amen.
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Sự Công Chính và Nền Hòa Bình Viên Mãn Sẽ Triển Nở…
(Chúa Nhật II Mùa Vọng A) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Hằng năm cứ mỗi dịp mùa Vọng về, đoàn tín hữu chúng ta lại được nghe điệp khúc: “Sự công chính và nền hòa bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại Người” (Tv 71,7). Đã là người, từ cổ chí kim, ai cũng hằng mong được sống trong an bình. Hòa bình mãi là niềm ước mong của mọi dân tộc, mọi quốc gia, dĩ nhiên là ngoại trừ những kẻ lắm tham vọng muốn bá quyền, muốn độc tôn, thống trị kẻ khác… Và dường như sự an bình, yên ổn vẫn đang còn là ước mơ, cho dẫu một đôi lúc, ở một vài nơi đã được nếm hưởng nhưng chưa chắc đã là được bình an thực sự.
Sẽ chẳng có hòa bình nếu không có công bình. Các Đức Giáo Hoàng gần đây đã từng nhấn mạnh điều này vào mỗi dịp đầu năm Dương lịch hay những khi kêu gọi chấm dứt chiến tranh. Quả thật, làm sao có được sự công bình nếu không có sự công chính. Nói đên sự công chính là nói đến sự công minh, chính trực trong tư tưởng, lời nói và hành động của con người. Như thế cái nguồn gốc của sự hòa bình là nơi chính bản thân con người. Tuy nhiên, vì con người là sinh vật có tính xã hội, do đó một nền hòa bình chính hiệu cần phải có những thể chế luật lệ công minh, những đường lối chính sách ngay thẳng, công bình.
Những hình ảnh “sói sống chung với chiên con; beo nằm chung với dê; bò con, sư tử và chiên sẽ ở chung với nhau; con trẻ sẽ dẫn dắt chúng…” chính là niềm ước mơ của mọi người, mọi thời. Với những lời của Tiên Tri Isaia qua bài đọc thứ nhất (Is 11,1-10) và lời giảng của thánh Gioan Tẩy Giả trong bài Tin Mừng (Mt 3,1-12), xin được góp một vài ý thô thiển để cùng dệt xây một nền hòa bình đích thực và chính hiệu.
1. “Ngài sẽ lấy sự công minh mà xét xử những người nghèo khó, và lấy lòng chính trực mà bênh đỡ kẻ hiền lành trong xứ sở” (Is 11,4). Ngày nay, cảnh người nghèo khó bị áp bức bóc lột, bị xét xử bất công vẫn tồn tại dưới nhiều hình thái. Nhiều nơi trên thế giới và ngay chính trên quê hương chúng ta hiện tượng này vẫn dẫy đầy đó đây. Câu ngạn ngữ “ở hiền, gặp lành” xem ra không phải lúc nào cũng đúng trong thực tiễn mà có vẻ như đang là ngược lại. Càng ở hiền thì càng gặp nhiều điều chẳng may, càng bị thua thiệt nhiều mặt. Chính vì thế người con cái Chúa cần phải nỗ lực, gắng công liên lỉ.
Dĩ nhiên, không phải ôm bom tự sát, không phải cầm gươm giáo, súng ống làm vũ khí, nhưng ta phải biết “dùng lời như gậy đánh người áp chế và dùng tiếng nói giết chết kẻ hung ác” (Is 11,4). Đức Bênêđictô XVI, thời chưa làm Giáo Hoàng đã từng cảnh báo các mục tử trong Hội Thánh không được câm nín trước bất công và tội ác. Là Kitô hữu, người con cái Chúa có bổn phận xây dựng một nền hòa bình chính hiệu để cho Nước Chúa trị đến. Phải chăng chúng ta đã vô tình hay hữu ý ngậm miệng làm thinh trước các bất công xã hội? Chúng ta đã mạnh mẽ làm chứng cho sự thật, bảo vệ công lý như thế nào? Phải chăng chúng ta chưa dám hay không dám lên tiếng bảo vệ người nghèo khó, bênh đỡ người hiền lành?
Không thiếu những lý do bào chữa, nhưng chúng ta cũng đành thú nhận rằng lắm khi vì đã “ăn xôi chùa, nên đành ngọng miệng”, hoặc có thể e sợ “há miệng sẽ mắc quai” hoặc rất có thể vì đã “có tật thì giật mình” nên chọn giải pháp làm thinh. Cũng có thể vin vào lý do tưởng như là khôn ngoan và hợp lý như là thời cơ chưa thuận lợi, chưa phải lúc…thế nhưng, chúng ta đừng quên đòi hỏi của Tin Mừng là dù khi thuận lợi hay không thuận lợi, thì lời chân lý phải được công bố.
2. Phê bình, góp ý để làm cho các đường lối, chủ trương, chính sách trong Hội Thánh và ngoài xã hội được ngay chính.
“Đường Chúa, ta uốn cho ngay…”. Ca từ của một bài hát trong mùa Vọng ta vốn thân quen vì được trích lời, ý, từ Thánh Kinh. Câu hát này có thể làm cho nhiều người hiểu lầm. Mọi đường lối của Chúa đều là từ bi và ngay chính. Cớ sao ta cần phải uốn cho ngay đường lối của Chúa. Không lẽ đường lối của Chúa chưa ngay thẳng hoặc đang cong queo? Chẳng một ai dám to gan khẳng định điều này khi họ là tín hữu Kitô đích thực. Thế thì ta cần phải hiểu chính xác về lời kêu gọi của Gioan Tẩy Giả vốn được trích từ lời của tiên tri Isaia: “Có tiếng hô trong hoang địa: Hãy dọn đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho bằng…(Is 40,3.5; Lc 3,4-5; Mt 3,3; Mc 1,2-3). Hóa ra đây là những đường lối của ta, cung cách sống của bản thân ta và cũng không loại trừ những thể chế, luật lệ, chủ trương, đường lối, chính sách của chúng ta.
Hiến Pháp, luật lệ các quốc gia và cả bộ Giáo Luật trong Hội Thánh chúng ta đã từng được chỉnh sửa, thay đổi, tất thảy chỉ vì chúng không còn phù hợp, thiếu chính đáng và rất có thể là chưa được “thẳng” ở điều này hay điểm kia. Thử đặt vấn đề rằng các đường lối, các luật lệ hiện nay vẫn còn nhiều điều cần sửa cho “ngay thẳng” hay không? Hẳn ta sẽ dễ dàng trả lời không chút nghi ngại là vẫn đang còn.
Tiến trình “tu thân - tề gia - trị quốc - bình thiên hạ” nhắc nhớ cho ta về động thái căn bản là chỉnh sửa cho ngay thẳng cõi lòng, cung cách sống của ta. Tuy nhiên, yếu tố xã hội vẫn có đó mức độ ảnh hưởng đáng kể trên suy nghĩ và hành động của ta. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong bức thư chung năm 2006 đã nhìn nhận sự thật này: “con người vừa là tác nhân vừa là nạn nhân của hoàn cảnh xã hội” (số 5). Và chắc chắn các cơ chế, luật lệ, các đường lối, chính sách quốc gia, xã hội có ảnh hưởng trên nhân cách và lối sống của con người thật đáng kể. Đất nước chúng ta đã nhìn nhận sai lầm của cơ chế bao cấp, của việc quá đề cao hình thái tổ chức vốn đã từng làm thui chột tinh thần trách nhiệm cá nhân và đã gây hậu quả xấu thật khó khắc phục một sớm một chiều. Và còn nhiều hậu quả xấu khác do bởi cơ chế, đường lối chính sách “không ngay thẳng” mà chúng ta đang phải hứng chịu đây? Việc chạy theo thành tích, chỉ nhắm đến lợi ích kinh tế trong giáo dục hay việc gạt các tập thể tôn giáo ra khỏi quốc sách giáo dục cũng là những “đường lối cong queo” mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam lên tiếng trong thư chung năm 2007 (x.số 11-12;18-19).
Mùa Vọng lại về, Kitô hữu chúng ta không chỉ mong chờ Chúa Kitô lại đến, nhưng chúng ta cần phải loan báo cho thế giới nhận biết rằng Chúa Kitô, Vua Hòa Bình đã đến trong thế gian. Một trong những cách thế loan bào tin vui ấy hữu hiệu nhất là cần nỗ lực làm cho nền hòa bình viên mãn hiện diện cách cụ thể một cách nào đó ngay môi trường ta đang sống.
Một tín hữu đã thành thật thú nhận rằng để sống lời Chúa dạy như trên chắc là phải tử đạo thôi. Quả không sai vì Đức Kitô đã phán: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,27). “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,9-10). Lịch sử minh chứng rằng hai mối phúc này thường đi sánh đôi qua mọi thời và mọi nơi.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột