Chúa Nhật II Phục Sinh – Năm C
Kính Lòng Chúa Thương Xót
Ga 20, 19-31
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄChúa Nhật II Phục Sinh – Năm C
Kính Lòng Chúa Thương Xót
Dẫn vào Thánh Lễ
Anh chị em thân mến! Cùng với các môn đệ, chúng ta đang sống trong những ngày sau cái chết của Chúa Ki-tô và cùng với các ngài, chúng ta đang sống và sinh hoạt vào thời điểm sau biến cố Phục Sinh, đó là vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, vốn được xem là ngày đoàn tụ của các Ki-tô hữu tiên khởi.
Đồng thời đó cũng là ngày đặc biệt mà Đấng Phục Sinh chọn để hiện diện giữa một cộng đoàn còn non trẻ để chia sẻ với họ niềm vuii Phục Sinh, đồng hành với họ trong việc cử hành Lời Chúa và nghi lễ bẻ bánh, và sau cùng là sai họ đi rao giảng Tin Mừng cho nhân loại.
Nhân loại đang trong cuộc hành trình đức tin, nhiều cạm bẫy và đầy cam go. Vì thế, chúng ta hãy xin Chúa thanh tẩy chúng ta sạch mọi tội lỗi để xứng đáng cue hành mầu nhiệm vượt qua này.
Ca nhập lễ
Như trẻ sơ sinh, anh em hãy ao ước sự thiêng liêng không phôi pha, để nhờ đó anh em lớn lên trong ơn cứu độ – Allêluia.
Hoặc đọc:
Anh em hãy nhận lãnh niềm vui vinh quang của anh em, hãy tạ ơn Chúa, Đấng đã kêu gọi anh em vào nước trời – Allêluia.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, hằng năm Chúa dùng ngọn lửa phục sinh để khơi lại niềm tin trong lòng dân thánh, cúi xin Chúa gia tăng ân sủng để chúng con hiểu rằng: chính Chúa Kitô đã thanh tẩy chúng con bằng phép rửa, đã tái sinh chúng con bằng Thánh Thần và cứu chuộc chúng con bằng Máu Thánh. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
Bài Ðọc I: Cv 5, 12-16
“Số người tin vào Chúa ngày càng gia tăng”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Khi ấy, các Tông đồ làm nhiều phép lạ và nhiều việc phi thường trong dân, và tất cả mọi người tập họp tại hành lang Salômôn; nhưng không một ai khác dám nhập bọn với các tông đồ. Nhưng dân chúng đều ca tụng các ngài. Số những người nam nữ tin vào Chúa ngày càng gia tăng, đến nỗi họ mang bệnh nhân ra đường phố, đặt lên giường chõng, để khi Phêrô đi ngang qua, ít nữa là bóng của người ngả trên ai trong họ, thì kẻ ấy khỏi bệnh. Ðông đảo dân chúng ở những thành phụ cận Giêrusalem cũng tuôn đến, mang theo bệnh nhân và những người bị quỷ ám. Mọi người đều được chữa lành.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 117, 2-4. 22-24. 25-27a
Ðáp: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở (c. 1).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”. Hỡi nhà Aaron, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”. Hỡi những người tôn sợ Chúa, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”.
Xướng: Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta. Ðây là ngày Chúa đã thực hiện, nên chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó.
Xướng: Thân lạy Chúa, xin gia ơn cứu độ; thân lạy Chúa, xin ban cho đời sống phồn vinh. Phúc đức cho Ðấng nhân danh Chúa mà đến; từ nhà Chúa, chúng tôi cầu phúc cho chư vị. Chúa là Thiên Chúa và đã soi sáng chúng tôi.
Bài Ðọc II: Kh 1, 9-11a, 12-13. 17-19
“Ta đã chết, nhưng đây Ta vẫn sống đến muôn đời”.
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.
Tôi là Gioan, anh em của chư huynh, đồng phần chia sẻ sự gian truân, vương quyền và kiên nhẫn trong Ðức Giêsu Kitô, tôi đã ở đảo Patmô vì lời Chúa và vì làm chứng Ðức Giêsu. Một Chúa Nhật nọ, tôi xuất thần và nghe phía sau tôi có tiếng phán lớn như tiếng loa rằng: “Hãy viết những điều ngươi thấy vào sách và gởi đến bảy giáo đoàn ở Tiểu Á”. Tôi quay lại để xem coi tiếng ai nói với tôi. Vừa quay lại, tôi thấy bảy chân đèn bằng vàng, và ở giữa bảy chân đèn bằng vàng đó tôi thấy một Ðấng giống như Con Người, mặc áo dài và ngang lưng thắt một dây nịt bằng vàng. Vừa trông thấy Người, tôi ngã xuống như chết dưới chân Người; Người đặt tay phải lên tôi và nói: “Ðừng sợ, Ta là Ðấng trước hết và là Ðấng sau cùng, Ta là Ðấng hằng sống; Ta đã chết, nhưng đây Ta vẫn sống đến muôn đời. Ta giữ chìa khoá sự chết và địa ngục. Vậy hãy viết những gì ngươi đã thấy, những điều đang xảy ra và những điều phải xảy ra sau này”.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 20, 29
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”. – Alleluia.
Phúc Âm: Ga 20, 19-31
“Tám ngày sau Chúa Giêsu hiện đến”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con”. Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”. Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Ðiđymô, không cùng ở với các ông khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”.
Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Ðoạn Người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin!”
Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tín hữu
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Sau khi sống lại, Chúa Ki-tô đã hiện ra nhiều lần, nhiều nơi và với nhiều người khác nhau để củng cố Đức tin của họ. Hôm nay, nghe lại việc Chúa hiện ra với Tôma, một nhân vật đặc biệt được Chúa quan phòng, để nên chứng nhân đáng tin cho hậu thế, chúng ta cùng nhau dâng lời nguyện xin:
1. “Không một ai khác dám nhập bọn với các Tông Đồ. Nhưng dân chúng đều ca tụng các ngài”– Xin cho các vị lãnh đạo dân Chúa, dù đang phải sống trong bối cảnh đầy thử thách gian nan và bất lợi của thời đại này, biết kiên vững sống trọn vẹn niềm tin vào Chúa Phục Sinh, và trung thành theo Đức Kitô đến cùng.
2. “Ta là Đấng hằng sống, Ta đã chết, nhưng đây Ta vẫn sống đến muôn đời”.- Xin Chúa thương khơi lại niềm tin cho mọi thành phần dân Chúa nhân dịp lễ Phục Sinh, để mọi thành viên trong Hội Thánh biết chiếu giãi niềm tin yêu và hy vọng của mình giữa thời đại điên đảo này.
3. “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” – Xin cho các nhà rao giảng biết noi gương các Thánh Tông đồ, bằng cách nhiệt tâm hoàn thành sứ mạng loan báo Tin Mừng, và can đảm đương đầu với những thách đố của thời đại.
4. “Tôma vì con đã xem thấy Thầy nên con mới tin” – Xin cho mọi người trong giáo xứ chúng ta trở nên chứng tá của Người, bằng sự cải thiện không ngừng đời sống bản thân, và tích cực dấn thân xây dựng xã hội trần thế ngày càng tốt đẹp hơn.
Chủ tế: Lạy Đức Giê-su Kitô Phục Sinh, Chúa đã sống lại để khơi lại niềm tin cho chúng con. Xin Chúa ban thêm Đức Tin cho chúng con, để dù gặp thách đố và đau khổ đến đâu, chúng con vẫn một lòng gắn bó với Chúa, với hy vọng sau này, chúng con sẽ được sống lại vinh quang cùng Chúa, Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận lễ vật của chúng con (và đặc biệt là của những anh chị em tân tòng) Chúa đã cho mọi người chúng con được đổi mới nhờ đức tin và nhờ bí tích thánh tẩy, xin cũng dẫn đưa chúng con tới hạnh phúc muôn đời. Chúng con cầu xin…
Lời tiền tụng Phục Sinh I
Ca hiệp lễ
Con hãy xỏ ngón tay vào đây, hãy nhìn xem những vết đinh, và đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin – Allêluia.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng, chúng con vừa lãnh nhận Mình và Máu Thánh Ðức Kitô là Ðấng đã chết và sống lại để ban sự sống đời đời cho thế gian. Cúi xin Chúa làm cho ân huệ quý báu này được tồn tại mãi trong tâm hồn chúng con. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
ĐỨC GIÊSU MẠC KHẢI LÒNG THƯƠNG XÓT QUA ƠN BAN BÌNH AN
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH – KÍNH LÒNG THƯƠNG XÓT – NĂM C
(Cv 5,12-16; Kh 1,9-13.17-19; Ga 20,19-31) Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
Trong Đêm Vọng Phục Sinh vừa qua, Giáo Hội công bố Tình yêu của Thiên Chúa trải dài trên nhân loại và trong cuộc sống của con người ngang qua các bài đọc trong phần phụng vụ Lời Chúa.
Hôm nay, Chúa Nhật II Phục Sinh, Giáo Hội cử hành đại lễ kính Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Qua thánh lễ này, Mẹ Giáo Hội muốn làm cho bản trường ca tình yêu của Thiên Chúa một lần nữa rõ nét hơn nơi trái tim và lòng dạ thương xót của chính Đức Giêsu, Đấng hiện thân lòng Thương Xót của Thiên Chúa.
1. Thiên Chúa có tên là Tình Yêu
Nói đến Thiên Chúa, ấy là chúng ta nói đến bản chất của Người là “Tình Yêu”. Chính thánh Gioan đã khẳng định như thế trong thư của ngài: “Thiên Chúa là Tình Yêu”.
Vì yêu, Ngài đã tạo dựng trời đất muôn vật; đã tuyển chọn Israel làm dân riêng; đã nghe thấy tiếng van xin thống thiết của dân Người và đã ra tay giải thoát, dẫn đưa họ từ Ai cập trong thân phận nô lệ trở về Đất Hứa, nơi tràn trề sữa và mật; đồng thời nuôi sống họ bằng Manna và chim cút; vì yêu, Thiên Chúa đã không chấp nhất những tội vô ơn bạc nghĩa của dân…
Bởi lẽ, ở đâu tội lỗi tràn đầy, ở đó ân sủng chứa chan gấp bội, và lòng thương xót của Thiên Chúa luôn phủ lấp muôn vàn tội lỗi, sẽ tẩy trắng như tuyết, sạch như bông…, nên Thiên Chúa đã không bỏ rơi kẻ tội lỗi, không oán giận, không trả thù bằng sự giận dữ hay chừng phạt, nhưng xót xa vì họ lầm đường lạc lối, đau đớn vì họ đang đi đến hố diệt vong!
Vì thế, nhiều lần nhiều cách, Người đã gửi các ngôn sứ, thẩm phán, vua chúa … để nhắc nhở và mời gọi dân đi trong đường lối thương xót của Thiên Chúa. Cuối cùng, Thiên Chúa đã trao ban chính Con Một của Người là Đức Giêsu, Ngài đã đến trần gian trong thân phận của con người, để dạy dỗ, yêu thương, tha thứ, chữa lành bệnh tật và đồng hành với chúng ta trong mọi biến cố của cuộc đời. Đỉnh cao của lòng thương xót ấy chính là cái chết đau thương trên thập giá vì con người… Và cũng chính tình yêu, Ngài đã khai mở Giáo Hội ngang qua lưỡi đòng đâm thâm. Chính từ cạnh sườn, Máu và Nước của lòng dạ xót thương đã chảy ra để lộ hiện dung mạo Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, nhằm khai sinh và nuôi dưỡng Giáo Hội bằng chính nguồn sung mãn của lòng thương xót…
2. Trao ban bình an là trao ban lòng dạ thương xót của Thiên Chúa
Không dừng lại ở đó, lòng thương xót của Thiên Chúa đã làm cho Đức Giêsu sống lại để chứng minh con đường cứu chuộc của Thiên Chúa nơi lịch sử cứu độ, trong cuộc đời, sứ vụ, sự chết và sự sống lại của Đức Giêsu. Tất cả được móc nối chặt chẽ trên cùng một con đường tình yêu, được khởi đi và kết thúc do lòng thương xót của Thiên Chúa.
Nên ngay sau khi sống lại, Đức Giêsu đã trao chuyển lòng thương xót của Thiên Chúa cho các môn đệ qua ơn ban bình an. Vì: nếu tình yêu là bản chất của Thiên Chúa; thì lòng thương xót chính là biểu hiện của tình yêu và nhân loại được mời gọi sáp nhập, dìm mình vào trong đại dương lòng thương xót ấy ngang qua sự bình an sâu thẳm của tâm hồn.
Tin Mừng hôm nay trình thuật việc Đức Giêsu hai lần hiện ra với các môn đệ. Cả hai lần, Ngài đều trao ban bình an cho các ông.
Khi trao ban cho các ông sự bình an, Đức Giêsu muốn cho các ông bình tâm để nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa ngang qua lịch sử cứu độ, nhất là trên chính cuộc đời của từng người, để các ông đọc lại cuộc đời của mình và dân tộc mình trên nền tảng thương xót của Thiên Chúa ngõ hầu các ông chan chứa niềm tin và hy vọng, nhằm can đảm làm chứng về lòng thương xót của Thiên Chúa, và nhất là nơi cuộc thương khó và phục sinh của Thầy Giêsu.
Muốn có được điều đó, các ông cần đón nhận sự bình an của Đức Giêsu trong tâm tình của những người có đức tin và lòng mến, chứ không như theo quan niệm thói đời về sự bình an khi phỏng chiếu nó theo kiểu may rủi…
Thật vậy, sự bình an mà Đức Giêsu trao tặng, chính là một ơn cao trọng, biểu lộ tình yêu và lòng dạ thương xót của Thiên Chúa, để nở hoa tình yêu và kết trái tha thứ. Thế nên, bản chất của nó khác xa một lời chào hay một nghĩa cử xã giao. Điều này chính Đức Giêsu đã nói: “Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như kiểu thế gian ban” (Ga 14,27).
Khi bình an của Đức Giêsu được trao ban và những ai được đón nhận, thì sự bình an ấy sẽ sinh hoa trái và làm cho người đón nhận được biến đổi. Điều này ta thấy diễn biến của tâm trạng Tôma, từ một người cứng lòng tin, đến nỗi ông thách thức luôn cả Đấng Phục Sinh!!! Tuy nhiên, Đức Giêsu thấu hiểu nỗi yếu đuối của ông, bởi vì qua biến cố Ngài chịu khổ nạn, tinh thần của Tôma đang hoảng loạn và hoài nghi mọi chuyện, nên Đức Giêsu một lần nữa đem lòng quý mến ông, thương xót ông, nên đã hiện ra và đáp ứng nhu cầu hiếu tri của người môn đệ cứng tin. Tôma đứng trước Đấng đầy lòng thương xót và được nghe thấy Thầy của mình không trách móc, nhưng lại yêu thương và mời gọi ông, cho ông được đặc ân sỏ ngón tay và lỗ đinh, thọc bàn tay vào cạnh sườn… Đến lúc này, Tôma đã đụng chạm được vào tận căn của lòng thương xót nơi Thầy mình, vì thế, ông đã thốt lên: “Lậy Chúa là Thiên Chúa của con” (Ga 20,28).
Đây là một lời tuyên xưng đức tin nơi tâm hồn bình an thực sự của Tôma. Cũng chính vì lời tuyên xưng đầy tin tưởng này mà Đức Giêsu đã trao ban mối phúc lòng thương xót: “Vì con đã thấy Thầy nên con đã tin; nhưng phúc cho những ai đã không thấy mà đã tin” (Ga 20,29).
Như vậy, hai lần hiện ra, Đức Giêsu đều muốn các ông rồi mai đây sẽ trở thành chứng nhân của lòng thương xót, ngang qua cuộc sống và hành động của chính mình, để Thầy và trò cùng đi chung con đường thương xót, nhằm trải dài ơn cứu chuộc của Thiên Chúa cho nhân loại.
3. Sống và thi hành sứ điệp lòng thương xót của Thiên Chúa trong cuộc đời Kitô hữu
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã nói: “Trong bất cứ thời kỳ lịch sử nào, và cách riêng trong thời hiện tại chúng ta đang sống, Giáo Hội phải coi một trong những nhiệm vụ chính yếu của mình là rao truyền và thể hiện Lòng Chúa Thương Xót đã được mạc khải một cách tuyệt vời trong Đức Kitô.”
Khám phá ra sứ điệp thương xót của Đức Giêsu ngang qua lời cầu chúc bình an cho các môn đệ, mỗi người chúng ta cũng hãy xin ơn bình an đó cho chính mình, và loan truyền sự bình an sâu thẳm ấy cho anh chị em chúng ta.
Đây là sứ mạng của mỗi chúng ta! Chúng ta không được dửng dưng với lòng thương xót và cũng không được thờ ơ khi thấy con người, nhân loại hôm nay vô tâm, quay lưng lại với lòng thương thương xót của Thiên Chúa. Chính Đức Giêsu đã nói với thánh nữ Faustina: “Ta khao khát lòng thương xót của Ta được tôn thờ” (NK, 998) ; “Hãy công bố sự tôn kính lòng thương xót của Ta cho mọi tạo vật” (NK 1572). “Người nào tín thác nơi lòng thương xót của Ta, thì sẽ không bị tàn lụi, vì tất cả những việc của người đó đều là việc của Ta, và những kẻ thù của họ đều sẽ bị tan tác dưới bệ chân Ta” (NK,723). “Ta đòi hỏi con việc làm cho lòng thương xót phát xuất từ tình yêu đối với Ta. Con sẽ tỏ bày lòng thương xót với những người chung quanh con, mọi nơi mọi lúc. Con không được lùi bước hay biện hộ hoặc tự miễn trách nhiệm cho bản thân việc đó. Ta ban cho con ba cách sử dụng lòng thương xót đối với người thân cận: Thứ nhất – bằng việc làm; thứ hai – bằng lời nói; thứ ba – bằng lời cầu nguyện. Trong cả ba cấp đó cần chứa đựng đầy lòng thương xót, và đó là bằng chứng không thể nghi ngờ được của tình yêu dành cho Ta” (NK, 742).
Lạy Chúa Giêsu, Đấng hiện thân của lòng thương xót, xin ban bình an cho chúng con, để chúng con trở nên sứ giả của lòng thương xót khi chúng con đem bình an của Chúa đến cho mọi người.
Lạy Chúa Giêsu, con tín thác cuộc đời chúng con cho lòng thương xót Chúa. Amen.
CHÚA NHẬT TUẦN 2C PHỤC SINH – 2001
Kính Lòng Chúa Thương Xót
(Gioan 20: 19-31) Lm Lã Mộng Thường
Qua bài Phúc Âm vừa được công bố, chúng ta thấy có những điểm nên để ý. Trước hết, các môn đệ của Đức Giêsu họp nhau nơi nhà mà các cửa nẻo phải đóng kín vì sợ người Do Thái. Đức Giêsu hiện đến cho các môn đệ coi dấu đanh và cạnh sườn của Ngài. Thứ đến, Đức Giêsu thổi hơi và nói các môn đệ hãy nhận lấy Thánh Thần đồng thời nói với các ông, “Các con tha tội ai thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai thì tội người ấy bị cầm lại”. Riêng đối với thánh Tôma thì chưa kịp xỏ ngón tay vào lỗ đinh đã vội vàng kêu lên “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi”. Và cuối cùng, Đức Giêsu đưa lên câu nói nửa nhận định, nửa chúc lành cho những người không thấy mà tin thực thể Đức Giêsu đã sống lại. Nếu đem so sánh tâm tình của chúng ta, những kẻ tuyên xưng rằng tin vào Thiên Chúa và tin nơi Đức Giêsu, với các môn đồ của Ngài ngày xưa, một điều chắc chắn chúng ta không thể nào hiểu rõ Đức Giêsu bằng họ. Như thế, lẽ tất nhiên chúng ta cũng không thể nào tin vào Đức Giêsu hơn chính những người đã sống kề cận với Ngài và được Ngài trực tiếp dạy dỗ.
Như vậy hai sự thể được ghi chép nơi Phúc Âm đó là các môn đồ sợ người Do Thái và thánh Tôma thách đố với các môn đồ khác về sự nghiệm chứng bằng cách mắt thấy tai nghe khuyến khích chúng ta nên đặt lại vấn đề về đức tin nơi mỗi người. Vấn đề được đặt ra chính là đức tin, tin nơi Đức Giêsu và tin vào Thiên Chúa mang ý nghĩa thực sự như thế nào? Ngay các môn đồ của Đức Giêsu biết Ngài một cách rõ ràng vẫn bị Phúc Âm đặt nơi miệng Đức Giêsu câu nói khá thâm trầm, chua cay, “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”. Nếu tin chỉ mang nghĩa cho rằng điều gì là đúng sự thực hoặc là có thực thì quả là vô nghĩa bởi cho dầu bất cứ ai trong chúng ta nghĩ hoặc tuyên truyền, tuyên xưng chúng ta đang hiện diện nơi nhà thờ lúc này và ở đây hay không thì cũng chẳng có gì khác lạ, không gì thay đổi hoặc giúp ích hay có thể làm phiền đến sự hiện diện của chúng ta lúc này. Thực thể được Phúc Âm gọi là tin rất khác biệt với quan niệm cũng như thói quen chúng ta thường nói đến. Phúc Âm chứng tỏ các môn đồ của Đức Giêsu đã không hiểu Đức Giêsu nói gì. Như vậy, những lời giảng dạy của Ngài đối với các ông chẳng khác gì nước đổ đầu vịt; đồng thời dẫu đã nhận biết Ngài sống lại nhưng các ông vẫn sợ người Do Thái. Do đó, có thể nói, dù các ông nhận biết, có cơ hội thực chứng bằng cách được trực tiếp đối diện Đức Giêsu sau khi Ngài sống lại hoặc tin nơi Ngài thì chứng nào vẫn tật nấy, các ông vẫn e sợ người Do Thái. Sau này, các môn đồ xả thân truyền bá và tuyên xưng về Đức Giêsu vì Thánh Thần thực hiện những việc lạ lùng chứ không phải tự các ông tin vào Đức Giêsu mà có thể làm được những sự khác lạ như thế.
Bởi vậy, tin vào Đức Giêsu, tin nơi Thiên Chúa tức là đạt tới trạng thái, đạt tới trình độ tâm linh mà Phúc Âm công bố và phải là việc của Thánh Thần chứ không phải cứ hô hào, tuyên bố rằng tin hay chỉ quan niệm hoặc cho rằng thực sự có một Thiên Chúa và Đức Giêsu đã chết và đã sống lại là đủ. Đây chính là lý do tại sao Phúc Âm đặt nơi miệng Đức Giêsu câu nói, “Kẻ nào tin vào Ta thì các việc Ta làm kẻ ấy cũng sẽ làm, và sẽ làm được những việc lơn lao hơn thế nữa” (Gn. 14:12). Đọc nơi Phúc Âm chúng ta thấy, không một tông đồ nào dám vỗ ngực tuyên dương có quyền năng hoặc chính họ làm được những sự lạ cả thể. Một thánh Phêrô mới buổi tối dám cả gan tuyên bố theo thầy, chết với thầy thế mà mấy mụ mất nết mới ho lên một tiếng đã vội chối dài. Thánh Phêrô ăn nói liều mạng như thế nhưng không bao giờ dám vỗ ngực xưng tên mà tất cả những điều ngài công bố sau này đều quy về sự việc của Thánh Thần của Đức Giêsu. Một thánh Phaolô cũng vậy, tất cả đều quy về Phúc Âm, những lời dạy dỗ của Đức Giêsu.
Nhận định như thế, câu hỏi tất nhiên phải đến đó là chúng ta tuyên xưng tin vào Đức Giêsu, tin vào Thiên Chúa… có nghĩa như thế nào? Đức tin mà chúng ta đã được dạy dỗ và đang ấp ủ có hợp với lời Phúc Âm hay không hay là chúng ta chỉ tưởng tượng rằng mình có đức tin để tự ru ngủ. Tại sao Phúc Âm có câu, “Quả thật, Ta bảo các ngươi, kẻ nào bảo núi này: Xê đi mà nhào xuống biển mà trong lòng không nghi ngại, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra thì nó sẽ thấy thành sự. Bởi thế, Ta bảo các ngươi, mọi điều các ngươi cầu nguyện kêu xin, các ngươi hãy tin là đã được và các ngươi sẽ thấy thành sự” (Mc. 11:23-24). Thánh Thần đang hoạt động nơi mỗi người mà chúng ta đã không để ý. Tương tự như thế, sự cầm buộc nơi mình cũng đều do chính mình. Nếu ai đã để tâm nhận định sẽ nhận ra sự cầm buộc điều gì nơi mình đều do quyền lực nơi chính mình. Vì nếu ai đó có muốn cầm buộc chúng ta điều gì cũng không ảnh hưởng chi. Chính những ý nghĩ, ước muốn, ước mơ, tham vọng… ẩn nấp dưới nhiều hình thức đang trói buộc mỗi người chúng ta.
Suy như vậy, Phúc Âm diễn giải thực thể nội tâm nơi mỗi người. Ai để tâm suy nghiệm sẽ được gọi là kẻ tin vào Đức Giêsu, và chỉ những ai suy nghiệm những lời khôn ngoan nơi Phúc Âm mới có thể cảm nghiệm được thực thể Tin Mừng mà Đức Giêsu rao giảng. Tất nhiên chúng ta không trực tiếp nhận biết Đức Giêsu như các môn đồ của Ngài, thế mà họ vẫn không thâu nhận được những điều Ngài giảng dạy… Bởi vậy, muốn tin vào Đức Giêsu chỉ có một con đường duy nhất đó là suy nghiệm Phúc Âm. Những ai không suy nghiệm Phúc Âm, cho dù là đấng bậc nào chăng nữa cũng chỉ được gọi là tôn thờ ngẫu tượng bởi, “Thiên Chúa là Thần Khí nên những kẻ thờ phượng cũng phải thờ phượng trong Thần Khí và sự thật” (Gn. 4:24). Amen.
Chúa nhật thứ hai phục sinh -C
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. (Ga 20, 19-31)
Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con”. Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”. Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Ðiđymô, không cùng ở với các ông khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”.
Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Ðoạn Người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin!”
Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.
Suy niệm
Niềm vui phục sinh đang ngập tràn tâm hồn các môn đệ và những người đi theo Đức Giêsu, một niềm vui có pha chút lắng lo và hoài nghi, bởi chứng kiến mồ trống, các môn đệ tin rằng Thầy mình đã sống lại, nhưng sống lại như thế nào, sống lại rồi Thầy mình đang ở đâu, vì các ông chưa hiểu biến cố đặc biệt này, dù đã được Thầy báo trước nhiều lần. Chúa nhật thứ hai phục sinh, chúng ta theo chân thánh Gioan tới phòng họp của các môn đệ, nơi đó, chúng ta gặp lại các môn đệ với những khuôn mặt bơ phờ, thoáng chút trăn trở vì dư luận về việc sống lại của Thầy đang xôn xao. Cũng trong căn phòng đó, chúng ta chứng kiến sự xuất hiện của Đức Giêsu với món quà đặc biệt là sự bình an của Thiên Chúa. Chính món quà đó đã làm niềm tin của các ông vững vàng hơn, rồi cũng trong căn phòng đó, thánh Gioan còn cho chúng ta thấy một môn đệ là Tô-ma được đặt ngón tay vào lỗ đinh của Thầy, được đặt bàn tay vào vết thương ở cạnh sườn, hành động đó giúp các ông xác tín hơn về tin đồn Thầy sống lại.
Với những lời đồn đoán xôn xao trong dịp lễ Vượt Qua của người Do-thái, nhiều người hiện diện tại Giê-ru-sa-lem muốn biết tường tận vấn đề, do đó, họ tìm tới các môn đệ của Đức Giêsu, để nghe các ông nói về biến cố đó. Hiểu được tính hiếu kỳ của dân chúng, các Tông đồ đã lên tiếng giải thích về biến cố Thầy Giêsu đã chết và sống lại như thế nào. Trước lời chứng sống động và hùng hồn của các ông, rất nhiều người tin và trở lại, họ rất trân trọng các Tông đồ: “Khi ấy, các Tông đồ làm nhiều phép lạ và nhiều việc phi thường trong dân, và tất cả mọi người tập họp tại hành lang Salômôn; nhưng không một ai khác dám nhập bọn với các tông đồ. Nhưng dân chúng đều ca tụng các ngài”. Họ ca tụng các Tông đồ vì các ông nói không như các Thượng tế của họ, lời chứng của các Tông đồ là lời chứng của những người trong cuộc và cũng là những người đã từng sống với nhân vật đặc biệt đó. Hơn nữa, đám đông tìm đến với các Tông đồ để nghe giảng dạy, không bởi tài năng của họ nhưng còn có sự tác động của Chúa Thánh Thần. Ngôi Ba Thiên Chúa đang soi lòng mở trí cho con cái, để họ hiểu hơn những gì Đức Giêsu đã dạy dỗ, đã thực hiện trong mầu nhiệm đau khổ và phục sinh vừa qua.
Bài đọc 2 được trích từ sách Khải huyền của thánh Gioan Tông đồ, tác phẩm này được viết trong giai đoạn thánh nhân phải tù đày vì Lời Chúa tại đảo Pat-mô. Tác giả cuốn sách này đã kể lại một thị kiến, thánh nhân đã gặp Đấng đã chết và sống lại, Đấng ấy đề nghị tác giả viết lại những lời dạy của Ngài: “Tôi là Gioan, anh em của chư huynh, đồng phần chia sẻ sự gian truân, vương quyền và kiên nhẫn trong Ðức Giêsu Kitô, tôi đã ở đảo Patmô vì lời Chúa và vì làm chứng Ðức Giêsu. Một Chúa Nhật nọ, tôi xuất thần và nghe phía sau tôi có tiếng phán lớn như tiếng loa rằng: “Hãy viết những điều ngươi thấy vào sách và gởi đến bảy giáo đoàn ở Tiểu Á”. Tôi quay lại để xem coi tiếng ai nói với tôi. Vừa quay lại, tôi thấy bảy chân đèn bằng vàng, và ở giữa bảy chân đèn bằng vàng đó tôi thấy một Ðấng giống như Con Người, mặc áo dài và ngang lưng thắt một dây nịt bằng vàng”. Hình ảnh Đấng uy nghi trên ngai vàng là hình ảnh của Đấng đã chiến thắng tội lỗi, chiến thắng sự chết và được Thiên Chúa Cha trọng thưởng, đặt làm quan án xét xử thế giới. Ngài là chủ tể vương quốc sự sống và sự bình an đích thực của Thiên Chúa. Lời kể đó giúp cho những ai tin vào Đấng đã chết và đã phục sinh, sẽ nhận được bình an và hạnh phúc của Thiên Chúa, một món quà mà ngay sau khi Ngài sống lại, Ngài đã trao tặng cho các Tông đồ.
Trước biến cố Thầy bị bắt, bị kết án tử, rồi nay nghe dự luận đồn đoán Thầy sống lại rồi, ngay cả những người theo Thầy cũng nói vậy, các Tông đồ rối trí, hoang mang, có người còn bỏ cộng đoàn đi về nhà, có người trở lại với nghề nghiệp cũ, ai còn luyến tiếc với Thầy thì ở lại với nhau trong căn phòng chật hẹp, cùng cầu nguyện và đợi chờ một phép mầu xảy ra. Quả thực, phép mầu đã xảy ra, đang lúc các ông còn cầu nguyện với nhau, Thầy xuất hiện, đứng giữa các ông: “Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con”. Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người”. Thầy cho các ông xem tay và cạnh sườn, bởi chỉ có con người mới có xương có thịt, có tứ chi, chứ ma quỷ làm gì có xương có thịt như con người. Tất cả nhằm đánh tan sự nghi ngờ của các ông. Hơn nữa, Thầy còn đem đến cho các ông món quà từ Thiên Chúa là sự bình an đích thực, để giúp các ông hiểu được mầu nhiệm thập giá và phục sinh cùng trên một dòng chảy cứu độ của Thiên Chúa. Sự bình an của Thiên Chúa là sự bình an đi ngang qua thập giá, đi ngang qua mầu nhiệm tử nạn, để hân hoan bước vào niềm vui phục sinh. Sự bình an đó không giống sự bình an của thế gian, một sự bình an giả tạo đến từ quyền bính, đến từ vật chất của cải, đến từ sự bao bọc của an toàn trong lâu đài.
Món quà thứ hai Đức Giêsu phục sinh đem tới cho các môn đệ là Chúa Thánh Thần. Để chuẩn bị cho các Tông đồ nhận lãnh Thánh Thần, Đức Giêsu đã giúp các ông định hình lại niềm tin của mình, xua tan sự hoài nghi và hoang mang trong tâm hồn. Ngài cho ông Tô-ma xem vết đinh và cạnh sườn, cho ông đặt ngón tay vào lỗ đinh, đặt bàn tay và cạnh sườn, tất cả giúp củng cố niềm tin cho Tô-ma cùng các anh em. Các ông chưa lãnh hội những gì Thầy đã dạy dỗ, bởi sau khi Thầy sống lại, Thầy không còn lệ thuộc vào thời gian và không gian nữa, Thầy không còn cần phải có chỗ tựa đầu, cần có cái ăn cái mặc, bởi Thầy đang sống trong thế giới thần linh của Thiên Chúa: “Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Ðoạn Người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin!”. Dư luận đang làm lung lạc niềm tin của các Tông đồ là những người đã được hướng dẫn để rồi lên đường làm chứng cho mầu nhiệm phục sinh của Thầy. Vậy mà họ thiếu sự xác tín trong niềm tin, thiếu chút lòng mến trong tình Thầy – trò, do đó, Đức Giêsu đã giúp các ông vượt qua khỏi giới hạn đó, đồng thời sự bình an đích thực sẽ giúp các ông mạnh dạn, tự tin lên đường, dám chấp nhận đau khổ, bắt bớ, đánh đập, tù đày, thậm chí còn nguy hiểm tính mạng. Sự bình an đích thực của Thiên Chúa đến từ niềm vui phục sinh ngang qua thập giá khổ đau đó, sẽ đưa các Tông đồ tới một sứ vụ mới trong tinh thần mới, bên cạnh đó, Thầy còn gởi tới cho họ một người bạn đồng hành là Chúa Thánh Thần Ngôi Ba Thiên Chúa. Ngài là Thần Chân Lý, là Tình Yêu, sẽ giúp họ hoàn thiện sứ mạng trong niềm vui và hy vọng.
Thế giới hôm nay, đặc biệt là Giáo hội đang sống trong niềm vui phục sinh, nhưng với tâm trạng âu lo vì chiến tranh, vì dịch bệnh, niềm tin của họ đang bị thử thách, đang bị dao động bởi thiếu sự bình an đích thực, thiếu sự cộng tác với Chúa Thánh Thần. Vì thế, hơn lúc nào hết, con cái của Giáo hội cần được sưởi ấm niềm tin đó bằng sự hiện diện của Đấng phục sinh. Ngài ở đó rất gần gũi, rất ấm áp, nhưng con người chưa đủ niềm tin, chưa đủ lòng mến, nên chưa nhận ra Ngài. Đời sống cộng đoàn, học hỏi Thánh Kinh và sức mạnh của Thánh Thể, sẽ là nguồn động lực giúp cho con cái Giáo hội vững niềm tin hơn, thêm lòng mến hơn, để được gặp Đấng Phục sinh như các Tông đồ, như Maria Madala và các bà khác.
Lạy Chúa Giêsu phục sinh, trong hành trình đức tin của chúng con còn rất nhiều bóng đen của sợ hãi và âu lo, còn rất nhiều hoài nghi và dửng dưng, xin Ngài ban thêm sức mạnh Thánh Thần, để nhờ tình yêu của Thiên Chúa từ Ngôi Ba, chúng con mạnh dạn đi tìm Đấng phục sinh giữa dòng đời. Chúa đã bước vào thế giới sự sống và bình an, xin nhắc nhở chúng con để mỗi người được đón nhận món quà của Đấng phục sinh là sự bình an của Thiên Chúa, là niềm vui hoan lạc trong Thánh Thần và sức mạnh của tình yêu đến từ Thiên Chúa Cha nhân lành. Amen.