TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật V Phục Sinh -Năm B

“Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sinh nhiều trái”. (Ga 15, 1-8)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật II Thường Niên -Năm A

09/01/2023 05:35:30 |   702

Chúa Nhật II Thường Niên -Năm A

cn t2 TN A

Ga 1, 29-34


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật II Thường Niên -Năm A

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, toàn thể địa cầu thờ lạy và ca khen Chúa, lạy Đấng Tối Cao toàn thể Đất Nước ca khen thánh danh của Ngài.

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Có lẽ khi Tin Mừng Gioan được viết thì vẫn còn có người cho rằng ông Gioan Tẩy Giả là Đấng Mêsia chăng, cho nên ông đã nói một lần cho rõ ràng như chúng ta sẽ nghe trong bài Tin Mừng hôm nay. Thánh Gioan Tẩy Giả giới thiệu Đức Giê-su là Chiên của Thiên Chúa. Ông có nhiệm vụ chỉ Đấng Mêsia cho mọi người, nhưng ông không đến làng Nazareth cho cho người ta, trái lại chính Chúa Giê-su đã đến với ông giữa đám đông và ông thi hành nhiệm vụ: “Đây là Chiên Thiên Chúa.”

Chúng ta cũng có nhiệm vụ phải hoàn thành là giới thiệu Chúa cho tha nhân qua hành đông, lời nói của chúng ta hôm nay. Muốn được như thế mỗi người hãy sám hối để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh, để có nguồn sinh lực mà ra đi loan báo Tin Mừng.

Lời nguyện nhập lễ      

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin hướng dẫn chúng con biết hành động theo thánh ý Chúa, để nhờ kết hợp với con Một Chúa là Ðức Giêsu Kitô, chúng con đem lại hoa quả dồi dào là việc lành phúc đức. Chúng con cầu xin.

Bài Ðọc I: Is 49, 3. 5-6

“Ta đặt ngươi như ánh sáng các dân tộc, để ngươi nên ơn cứu độ của Ta”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Chúa đã phán cùng tôi: “Hỡi Israel, ngươi là tôi tớ Ta, vì Ta được vinh danh nơi ngươi”.

Và bây giờ, Chúa phán, Người đã huấn luyện tôi khi tôi còn trong lòng mẹ, để tôi trở nên tôi tớ Người, để đem Giacóp về cho Người, và quy tụ Israel quanh Người. Tôi được ca tụng trước mắt Chúa và Thiên Chúa là sức mạnh của tôi. Người đã phán: “Làm tôi tớ Ta chẳng có là bao, để tái lập các chi họ Giacóp, để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về; này đây Ta đặt ngươi như ánh sáng các dân tộc để ơn cứu độ của Ta tràn lan khắp địa cầu”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 39, 2 và 4ab. 7-8a. 8b-9. 10

Ðáp: Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa (c. 8a và 9a).

Xướng: Con đã cậy trông, con đã cậy trông ở Chúa, Ngài đã nghiêng mình về bên con, và Ngài đã nghe tiếng con kêu cầu. Ngài đã đặt trong miệng con một bài ca mới, bài ca mừng Thiên Chúa chúng ta. 

Xướng: Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở rộng tai con. Chúa không đòi hỏi lễ toàn thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: “Này con xin đến”. 

Xướng: Như trong quyển vàng đã chép về con: lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và pháp luật Chúa ghi tận đáy lòng con.

Xướng: Con đã loan truyền đức công minh Chúa trong Ðại Hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi.

Bài Ðọc II: 1 Cr 1, 1-3

“Nguyện cho anh em được ân sủng và bình an của Thiên Chúa, Cha chúng ta”.

Khởi đầu thư thứ I của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Phaolô, do thánh ý Chúa, được kêu gọi làm Tông đồ của Chúa Giêsu Kitô, và Sôtênê, anh em chúng tôi, kính chào Hội Thánh Chúa ở Côrintô, những người được thánh hoá trong Chúa Giêsu Kitô, được kêu gọi nên thánh, làm một với tất cả mọi người khắp nơi đang kêu cầu thánh danh Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta: Nguyện chúc cho anh em được ân sủng và bình an của Thiên Chúa Cha chúng ta, và của Chúa Giêsu Kitô.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: 1 Sm 3, 9

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe, Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 1, 29-34

“Ðây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xoá tội trần gian”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, ông Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình liền nói: “Ðây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xoá tội trần gian. Này tôi đã nói về Ngài: Một người đến sau tôi, nhưng đã có trước tôi, vì Ngài cao trọng hơn tôi. Và tôi, tôi đã không biết Ngài, nhưng để Ngài được tỏ mình ra với Israel, nên tôi đã đến làm phép rửa trong nước”. Và Gioan đã làm chứng rằng: “Tôi đã thấy Thánh Thần như chim bồ câu từ trời đáp xuống và ngự trên Ngài. Về phần tôi, tôi đã không biết Ngài. Nhưng Ðấng sai tôi làm phép rửa trong nước phán bảo tôi: “Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì đó chính là Ðấng làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần”. Tôi đã thấy và tôi làm chứng: chính Ngài là Con Thiên Chúa”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Ngày xưa Thánh Gioan Tiền Hô đã giới thiệu Chúa Giê-su cho các môn đệ của mình, thì ngày nay mỗi người chúng ta giới thiệu Chúa Giê-su cho anh chị em của chúng ta, không chỉ bằng lời mà thôi, nhưng còn bằng đời sống của chính mình. Muốn được như vậy chúng ta cùng dâng lời cầu xin:

1. “Ngươi là tôi tớ của Ta, vì Ta được vinh danh nơi người” – Xin cho các vị chủ chăn biết đem đời sống yêu thương và phục vụ để giới thiệu Chúa cho muôn người, hầu Nước Chúa được mở rộng khắp nơi.

2. “Nguyện chúc cho anh em được ân sủng và bình an của Thiên Chúa, Cha chúng ta” – Xin cho ân sủng và bình an của Thiên Chúa đổ tràn trên các Ki-tô hữu, để họ đem nguồn bình an cho muôn người qua cách sống bác ái và yêu thương.

3. “Tôi đã thấy và tôi làm chứng” – Xin cho các nhà truyền giáo cảm nghiệm sâu xa về Thiên Chúa tình yêu, để các ngài hăng say làm chứng về Chúa không biết mệt mỏi.

4. “Đây Chiên Thiên Chúa, đây đấng xóa tội trần gian” – Xin cho mọi thành phần trong giáo xứ chúng ta, bắt chước gương của Thánh Gioan Tiền Hô, giới thiệu cho những ai chưa biết hay đã quên Chúa, được trở về kết hợp với đoàn chiên duy nhất là Hội Thánh Chúa.

Chủ tế: Lạy Chúa Giê-su, khi Chúa chịu phép rửa tại sông Gio-đan, Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Ngài và Chúa Cha đã long trọng tuyên bố Ngài là con chí ái, vì Ngài đã trở nên như không để hiến tế chính mình cho Chúa Cha. Xin cho chúng con cũng biết sát tế hằng ngày bằng cuộc sống hiện tại, để Chúa lớn lên trong chúng con. Chúng con cầu xin…

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ chúng con dâng, và lấy quyền năng Thánh Thần mà thánh hoá, để nhờ của lễ này, chúng con được hưởng ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa đã dọn ra cho tôi mâm cỗ, và chén rượu tôi đầy tràn chan chứa.

Hoặc đọc:

Chúng ta đã biết, và tin vào tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã rộng ban cho chúng con Mình và Máu Thánh Ðức Kitô, con một Chúa là nguồn mạch sự sống dồi dào; xin cho chúng con được luôn luôn hoan hỷ vì ân huệ Chúa ban. Chúng con cầu xin.

Suy niệm

CHỨNG NHÂN CỦA ÁNH SÁNG

CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM A

(Is 49, 3. 5-6; 1Cr 1, 1-3; Ga1, 29-34) - + TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Chúng ta vừa mừng lễ Giáng Sinh. Một trong những thông điệp chính mà Phụng vụ mùa Giáng Sinh muốn gửi đến chúng ta, đó là: Chúa Giêsu là Ánh Sáng thế gian. Sự kiện Chúa Giáng sinh được so sánh như một ánh sáng bừng lên trong đêm tối, để soi sáng những ai đang đi trong lầm lạc và tội lỗi, giúp họ nhận ra Chân Lý và nhờ đó họ được cứu rỗi. Phụng vụ lễ Hiển Linh cũng nhấn mạnh đến chủ đề ánh sáng, đồng thời tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng cứu độ muôn dân.

Hôm nay, Chúa nhật thứ hai của Mùa Thường niên, một lần nữa, Lời Chúa lại nói với chúng ta về chủ đề này.

Bài trích sách ngôn sứ Isaia được gọi là “Bài ca về người Tôi Trung của Thiên Chúa”. Nhãn quan Kitô giáo nhận ra đây là những điều ngôn sứ diễn tả Đấng Thiên Sai, tức là Đức Giêsu. Qua Người Tôi Trung này, Thiên Chúa biểu lộ vinh quang của Ngài. Thiên Chúa đã đặt Người làm ánh sáng muôn dân, để đem ơn cứu độ của Thiên Chúa đến tận cùng trái đất. Sau này, Chúa Giêsu tuyên bố: “Tôi là Ánh Sáng thế gian, ai theo Tôi không còn đi trong tối tăm”. Trong lời mở đầu của Tin Mừng thứ bốn, tác giả cũng khẳng định Ngôi Lời là Ánh Sáng đã đến chiếu soi nhân loại (x. Ga 1,5). Trong khi thực thi sứ mạng loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu đã chứng tỏ sứ mạng của Người là đem ánh sáng thiên linh đến cho nhân loại. Giáo huấn của Người đã soi sáng cho nhân loại nhận biết Thiên Chúa, đồng thời mở con mắt đức tin và đức ái để nhận ra mọi người đều là anh chị em với nhau trong cùng một gia đình có Thiên Chúa là Cha. Người đi đến đâu là xua trừ tội lỗi, đẩy lui quyền lực của bóng tối, tức là ma quỷ, để giải phóng con người. Câu chuyện Chúa Giêsu chữa người mù từ khi mới sinh trong Tin Mừng Thánh Gioan cũng hàm chứa giáo huấn: Đức Giêsu là ánh sáng thế gian. Người đến để mở mắt người mù, cho họ thấy Chân Lý. Không chỉ là con mắt thể lý, mà là con mắt trí tuệ để đón nhận và tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Thiên Chúa Cha sai đến trần gian (x. Ga 9).

“Các con là ánh sáng thế gian”. Đó là lời mời gọi của Đức Giêsu. Tin vào Người là bước theo ánh sáng, đồng thời trở nên ánh sáng trong đời sống và trong cách ứng xử hằng ngày. Thánh Gioan tông đồ khẳng định với chúng ta: “Nếu chúng ta đi trong ánh sáng, cũng như Thiên Chúa hằng ngự trong ánh sáng, thì chúng ta được hiệp thông với nhau, và máu Đức Giêsu, Con của Người, thanh tẩy chúng ta sạch hết mọi tội lỗi” (1 Ga1,7). Người tin Chúa vừa được mời gọi trở nên ánh sáng giữa đời, đồng thời phải làm chứng nhân cho Ánh Sáng. Hình ảnh ông Gioan Tẩy giả một lần nữa lại xuất hiện, được Phụng vụ giới thiệu như chứng nhân của Ánh Sáng. Lời chứng của ông không phải là lời chứng của loài người, mà được Chúa soi sáng. Ông khẳng định: Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa, là Đấng xoá tội trần gian. Lời chứng của ông là những cảm nhận thực tế, được soi sáng bởi ơn trên. Ông là người đã bước theo Ánh Sáng và làm chứng nhân của Ánh Sáng cho dù phải hy sinh mạng sống của mình.

Sứ mạng của Giáo Hội và của các Kitô hữu là tiếp tục công cuộc loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu. Như vị Ngôn sứ thành Nagiarét năm xưa, Giáo Hội đem Chân Lý đến cho mọi dân tộc, mọi nền văn hoá và mọi quốc gia. “Ánh Sáng Muôn Dân”, đó là tựa đề của hiến chế tín lý quan trọng của Công đồng Vaticanô thứ hai, là kim chỉ nam cho Giáo Hội trong thời hiện đại này. Khi khẳng định: Giáo Hội là Ánh Sáng, cộng đoàn Kitô hữu trên toàn thế giới ý thức mỗi người phải thể hiện ánh sáng qua chính đời sống của mình, để rồi ánh sáng thánh thiện ấy có sức lan toả và chiếu soi mọi môi trường cuộc sống. Nói cách khác, đâu có người tín hữu Kitô, ở đó có ánh sáng của sự thánh thiện, bao dung, hài hoà, nhân ái và yêu thương.

Bài đọc II vừa là lời nhắn nhủ, vừa là lời cầu chúc mà thánh Phaolô dành cho các tín hữu ở Cô-rinh-tô. Thánh nhân nhắc các tín hữu đừng quên mình được kêu gọi làm thành một Dân thánh, trong sự hiệp thông với tất cả những ai tin vào Chúa Giêsu ở bất cứ nơi nào.

Đức Giêsu Kitô là Ánh Sáng soi chiếu trần gian, chúng ta hãy mở rộng tâm hồn đón nhận Ánh Sáng ấy, để rồi mỗi chúng ta trở nên chứng nhân của Ánh Sáng trong cuộc đời.

“Nếu bạn luôn hướng về phía ánh sáng Mặt Trời thì cái bóng của bạn sẽ bị đổ lại ở đằng sau. Mọi điều phiền muộn và đen tối cũng đều nên được chúng ta bỏ lại sau lưng, việc của ta là phải luôn hướng về phía trước với sự lạc quan, niềm tin vào một tương lai rực rỡ” (Sưu tầm).

Chúa nhật II mùa thường niên A
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 1, 29-34).

Khi ấy, ông Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình liền nói: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian. Này tôi đã nói về Ngài: Một người đến sau tôi, nhưng đã có trước tôi, vì Ngài cao trọng hơn tôi. Và tôi, tôi đã không biết Ngài, nhưng để Ngài được tỏ mình ra với Israel, nên tôi đã đến làm phép rửa trong nước”. Và Gioan đã làm chứng rằng: “Tôi đã thấy Thánh Thần như chim bồ câu từ trời đáp xuống và ngự trên Ngài. Về phần tôi, tôi đã không biết Ngài. Nhưng Đấng sai tôi làm phép rửa trong nước phán bảo tôi: ‘Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì đó chính là Đấng làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần’. Tôi đã thấy và tôi làm chứng: chính Ngài là Con Thiên Chúa”.

Suy niệm

Có niềm vui nào lớn lao cho bằng niềm vui được Thiên Chúa hướng dẫn, dìu dắt từng ngày trong sự bình an và hạnh phúc của Ngài. Có niềm vui nào lớn lao cho bằng niềm vui được gọi Thiên Chúa là Cha, được trở nên nghĩa tử của Ngài và được Ngài nâng niu trên đầu gối từng ngày. Dân riêng của Ngài là những người con đã trải qua những ngày tháng hạnh phúc và dạt dào niềm vui như thế. Bước vào những ngày đầu của mùa thường niên, phụng vụ Lời Chúa gợi nhắc cho con người thấy chiều sâu của tình yêu đến từ Thiên Chúa là nâng niu, chăm sóc, hướng dẫn và bảo vệ từng ngày trong cuộc đời, đồng thời cho con người được đụng chạm vào niềm hạnh phúc đó khi nghe lời bộc bạch của tiên tri Isaia cũng như của vị tông đồ dân ngoại, dẫu các ngài sống cách xa nhau về thời gian và không gian. Niềm vui và hạnh phúc hôm nay vẫn không đổi thay, nếu con người luôn dành chỗ nhất cho Thiên Chúa trong trái tim và tâm hồn của mình.

Dòng đời trôi theo từng năm tháng và cảm nghiệm về tình yêu của con người cũng có những đổi thay như vậy, tiên tri Isaia, một trong những vị tiên tri nổi tiếng của thời Cựu ước, đã bộc bạch niềm vui của ông và cũng là tâm tình của dân riêng Thiên Chúa khi được Giavê chăm sóc và yêu thương: “Và bây giờ, Chúa phán, Người đã huấn luyện tôi khi tôi còn trong lòng mẹ, để tôi trở nên tôi tớ Người, để đem Giacóp về cho Người, và quy tụ Israel quanh Người. Tôi được ca tụng trước mắt Chúa và Thiên Chúa là sức mạnh của tôi. Người đã phán: “Làm tôi tớ Ta chẳng có là bao, để tái lập các chi họ Giacóp, để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về; này đây Ta đặt ngươi như ánh sáng các dân tộc để ơn cứu độ của Ta tràn lan khắp địa cầu”. Thiên Chúa yêu thương và bày tỏ tình yêu đó bằng việc chăm sóc, huấn luyện từng ngày, để con người lớn lên không phải trở thành những người giàu có hay đầy tài năng, nhưng là trở thành những người dám trao gởi cuộc đời cho Ngài làm khí cụ, làm nhịp cầu để Ngài đi tới mọi nơi, mọi gia đình và mọi tâm hồn.

Trước một ân huệ lớn lao là được chọn làm tông đồ, làm người dọn đường cho Thiên Chúa đi vào thăm viếng các gia đình dân ngoại, thánh Phaolô như ôm lấy trong vòng tay của mình tất cả niềm hạnh phúc và vui sướng, bởi ngài chỉ là một người sinh sau đẻ muộn so với các môn đồ khác: “Phaolô, do thánh ý Chúa, được kêu gọi làm Tông đồ của Chúa Giêsu Kitô, và Sô-tê-nê, anh em chúng tôi, kính chào Hội Thánh Chúa ở Côrintô, những người được thánh hoá trong Chúa Giêsu Kitô, được kêu gọi nên thánh, làm một với tất cả mọi người khắp nơi đang kêu cầu thánh danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta: Nguyện chúc cho anh em được ân sủng và bình an của Thiên Chúa Cha chúng ta, và của Chúa Giêsu Kitô”. Được kêu gọi làm tông đồ, được thánh hóa trong ân sủng và tình yêu của trời cao, được sai đi tới mọi nơi trên thế giới cho đến tận cùng trái đất, thánh nhân quả thực vô cùng vui sướng và hạnh phúc, bởi đó ngài đã thốt lên: đối với tôi, sống là Đức Kitô, chết là một mối lợi. Chỉ có Thiên Chúa, chỉ có Tin mừng mới là chủ thể đối với cuộc đời của ngài.

Cùng chung một tâm tình như tiên tri Isaia và thánh Phaolô, thánh Gioan Tẩy giả vô cùng vui sướng và trân trọng giới thiệu sự hiện diện của Con Thiên Chúa cho thế giới, cho các học trò của mình và cho cộng đoàn. Thánh nhân không quan tâm tới bản thân, dám mạnh dạn thay thế chỗ đứng của mình bằng hình ảnh và sự hiện diện của Đấng Cứu Thế. Lời giới thiệu của ngài được tác giả thánh bản tin mừng thứ tư ghi lại, và hôm nay chúng ta được nghe công bố: “Khi ấy, ông Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình liền nói: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian. Này tôi đã nói về Ngài: Một người đến sau tôi, nhưng đã có trước tôi, vì Ngài cao trọng hơn tôi. Và tôi, tôi đã không biết Ngài, nhưng để Ngài được tỏ mình ra với Israel, nên tôi đã đến làm phép rửa trong nước”. Thánh Gioan đã dùng lại hình ảnh của con chiên trong thời lưu đày tại đất Ai-cập, để nhắc nhở cho con cái Israel biết rõ hơn về vai trò và sứ mạng của Đấng Cứu Thế, sự hiện diện của Ngài là sự hiện diện của sự sống, của bình an và hoan lạc Nước Trời, chứ không phải là sự hiện diện đem lại tự do và hạnh phúc của thế gian.

Ngập chìm trong nước mắt và đau khổ trên đất Ai-cập, dân Do-thái đã kêu cầu Giavê, Ngài đã cúi xuống, đã chọn Môisen đại diện cho Ngài, đem dân ra khỏi nỗi đau của kiếp nô lệ. Vua chúa và dân Ai-cập không cho dân ra đi, Thiên Chúa đã hướng dẫn cho các gia đình qua Môisen, mỗi nhà hãy bắt lấy một con chiên vô tì tích, làm thịt, nướng lên và ăn với rau đắng, còn máu thì lấy bôi lên khung cửa, lúc sứ thần Thiên Chúa đi ngang, thấy dấu máu sẽ vượt qua, không giết hại con đầu lòng của người và súc vật. Hình ảnh con chiên vô tì tích đó như là biểu tượng cứu thoát cho toàn dân, vì thế, hàng năm, họ mừng lễ Vượt qua và cùng ăn thịt chiên với nhau, để nhắc nhở mọi thế hệ, đừng quên ân huệ của Thiên Chúa. Và hôm nay, hình ảnh con chiên đó được gán cho Đấng Cứu Thế, Ngài xuất hiện không phải để giải thoát nhân loại khỏi cảnh tù tội đau khổ của thế gian, nhưng là giải thoát con người khỏi kiếp nô lệ của tội lỗi và sự chết. Con chiên đó đem lại niềm vui và hạnh phúc không chỉ cho một dân tộc nhưng là mọi dân tộc, niềm vui được tự do là người không dành riêng cho một số người nhưng là cho mọi người và mọi thế hệ.

Mỗi lần tham dự Thánh lễ, người tín hữu Kitô thường cất cao tiếng tung hô: đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian. Đó là lời tung hô của con người khi được tha thứ bởi máu của Con Chiên vô tì tích, đó cũng là lời cầu xin Con Chiên ban xuống cho mỗi người, mỗi gia đình sự bình an của Thiên Chúa trong cuộc sống, đặc biệt khởi đầu một ngày mới. Dù có cố gắng bao nhiêu, sự bình an của thế gian không thể đem lại hạnh phúc và an nhiên của cuộc đời con người, chỉ có Thiên Chúa mới làm được điều đó, và Đức Giêsu Kitô là Con Chiên của Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ duy nhất có thể thực hiện được những ước mong của con người. Từ đây, mỗi lần người tín hữu tham dự Thánh lễ, họ được Thiên Chúa chúc phúc, được Thiên Chúa ban bình an, được Thiên Chúa tha thứ mọi lầm lỗi trong cuộc đời. Tất cả đến từ Con Chiên Thiên Chúa. Vì chưa cảm nghiệm được niềm vui thánh thiêng và hạnh phúc lớn lao mỗi khi tham dự Thánh lễ, người tín hữu vẫn còn dửng dưng và bình thường hóa những ân huệ lớn lao đến từ Con Chiên Thiên Chúa là Đức Giêsu trong bí tích Thánh Thể. Đây có thể là một lời nhắc thực sự dành cho những ai chưa cảm nghiệm được niềm vui tham dự thánh lễ, cũng như chưa khiêm tốn đủ để mở tâm hồn đón nhận muôn ân sủng từ bàn tiệc Thánh lễ hàng ngày.

Lạy Chúa Giêsu, qua lời giới thiệu của thánh Gioan Tẩy giả, chúng con được biết hơn về chiều sâu của tình yêu đến từ Thiên Chúa, chính hình ảnh con chiên đã cứu thoát dân riêng của Ngài trên đất Ai-cập xưa, xin giúp chúng con mỗi ngày biết khám phá ý nghĩa của ơn cứu độ đến từ Con Chiên Thiên Chúa hôm nay là Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ trung gian duy nhất của nhân loại. Mỗi ngày, chúng con được tham dự Thánh lễ, được cất cao tiếng tung hô: Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian, nhưng chúng con chưa khám phá hết những ý nghĩa của lời tung hô đó, bởi Ngài đem đến cho chúng con sự tha thứ, ơn thương xót và những phúc lành từ trời cao, xin giúp chúng con mỗi lần tham dự Thánh lễ, biết mở rộng đôi mắt đức tin và khiêm tốn trong lòng mến, để chúng con đón nhận muôn vàn ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa qua bí tích Thánh Thể, bí tích của tình yêu. Amen.

 

VẠCH MẶT, CHỈ TÊN RỒI XOÁ BỎ
(Chúa Nhật II TN A) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

“Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian” (Ga 1, 29). Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giêsu với đám đông dân chúng thời bấy giờ là những người ít nhiều quen thuộc hình ảnh con chiên. Nói đến chiên thì người ta dễ liên tưởng đến việc gánh tội. Hình ảnh con dê tế thần hay con chiên gánh tội vốn dĩ khá quen thuộc với nhiều người thuộc nhiều môi trường xã hội, nhất là với người Do Thái.

Chúng ta không nghi ngờ gì về một trong những sứ mạng của Chúa Kitô khi đến trần gian đó là tẩy xoá tội lỗi con người. Và một trong những cách thế chính yếu mà Người xóa tội lỗi nhân gian đó là vạch mặt, chỉ tên tội lỗi và đầu mối của tội lỗi là thần dữ. Người đã từng minh nhiên vạch trần khuôn mặt của thần dữ hay là ma quỷ như sau: “Ngay từ đầu, nó đã là tên sát nhân. Nó đã không đứng về phía sự thật, vì sự thật không ở trong nó. Khi nó nói dối là nó nói theo bản tính của nó, bởi vì nó là kẻ nói dối, và là cha sự gian dối” (Ga 8, 44). Có thể khẳng định hai đặc tính của thần dữ là gian dối và độc ác. Thánh Gioan tông đồ đã nói với chúng ta rằng tội lỗi là sự gian ác. Ai phạm tội là làm điều gian ác và họ là người của ma quỷ (x.1Ga 3, 8-10).

Chính khi trong phận con chiên hiền lành gánh lấy án hình khổ giá cách bất công và nhục nhã là lúc Chúa Kitô cho chúng ta thấy chân tướng của sự tội. Do bởi ganh tương đố kỵ mà các lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ đã kết án Chúa Kitô cách bất công với nhiều chứng cứ gian dối (x.Mt 26, 59). Ngay cả Philatô cũng thừa biết rõ chính vì “ganh tị mà họ nộp Người” (Mt 27, 18). Ông đã khẳng định là không tìm thấy lý do nào để kết tội Chúa Kitô và dù ông đã tìm nhiều cách để cứu Người mà chẳng thể làm được vì ông nhát đảm, sợ cái ghế lung lay, mất chức, mất quyền (x.Ga 19, 8-16). Thập giá Chúa Kitô cho chúng ta thấy rõ tội lỗi chính hành vi gian dối và ác độc.

Hình ảnh người tôi trung của Thiên Chúa mà ngôn sứ Isaia loan báo vừa là người sẵn sàng “đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu, không che mặt khi bị người ta phỉ nhổ (Is 51, 8), vừa là người “làm ánh sáng muôn dân để đưa ơn cứu độ của Thiên Chúa đến tận cùng cõi đất” (Is 49, 6). Chúa Kitô chính là người tôi trung đích thực của Thiên Chúa. Khi đón nhận sự gian ác của con người thì chính là lúc Người soi sáng cho chúng ta thấy rõ khuôn mặt của sự tội. Biết rõ chân tướng của tội lỗi là tiền đề ắt có để thoát ra khỏi vòng kiềm toả của nó vậy.
Ở trong sự thật, sống trong chân lý thì chúng ta sẽ chiến thắng thần dữ, cha của sự gian dối. Khẳng khái trước Philatô, Chúa Kitô đã tuyên bố một trong những sứ mạng của Người khi vào trần gian đó là làm chứng cho sự thật, ai hâm mộ sự thật thì hãy nghe theo Người, và sự thật sẽ giải thoát nhân loại chúng ta (x.Ga 18, 37; 8, 32).

Sống trong tình yêu thì chúng ta sẽ chiến thắng thần dữ, tên sát nhân, nguồn cội của những hành vi ác độc. Một trong những sứ mạng của Đấng Cứu Độ khi vào trần gian đó là mạc khải tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu toàn diện và đến cùng. “Con Người đến thế gian không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20, 28). Quả thật, không có tình yêu nào cao cả cho bằng tình của người sẵn sàng hiến dâng mạng sống vì người mình yêu (x.Ga 15, 13).

Chúa Kitô vạch mặt, chỉ tên tội lỗi và nguồn gốc của nó để rồi xoá bỏ nó bằng việc trao ban Thánh Thần. Thánh Gioan Tẩy Giả đã xác nhận và làm chứng: “Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần”. Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” (Ga 1, 33-34). Khi chịu tử nạn trên thập giá, Trái Tim cực thánh Chúa Kitô đã bị đâm thâu, máu cùng nước đã chảy ra và Thánh Thần, Thần Chân Lý và là Nguồn Tình Yêu được trao ban (x.Ga 19, 31-37; 16, 13).

“Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người” (Ga 1, 51). Khi gợi nhớ cho Philipphê và Natanael về hình ảnh chiếc thang bắc từ đất lên trời mà tổ phụ Giacop ngày xưa mơ thấy (x.St 28, 10-22), thì Chúa Kitô đã khẳng định Người chính là con đường dẫn đưa nhân loại về trời. Dẫn đưa nhân loại về trời cũng có nghĩa là giải thoát nhân loại khỏi ách nô lệ tội lỗi, khỏi vòng kiềm toả của thần dữ. Có thể nói rằng hai thanh đứng của chiếc thang chính là sự thật và tình yêu. Sự liên kết mật thiết của tình yêu và sự thật sẽ trở thành khí cụ tiêu diệt tội lỗi và dĩ nhiên sẽ dẫn đưa chúng ta về với nguồn hạnh phúc đích thật, vĩnh cửu. Nếu chúng ta biết yêu thương nhau bằng việc làm với lòng chân thật và nếu chúng ta biết sống trong sự thật để yêu thương nhau, thì chúng ta sẽ được bình an vì Thiên Chúa đang ở cùng chúng ta, ở trong chúng ta (x.1Ga 3, 11-24).

Xin cùng nhìn lên thập giá để nhớ về người gian phi bị treo bên phải Chúa Giêsu. Cũng cất lời khẩn xin Chúa Giêsu cứu thoát mình như người bị treo bên trái, nhưng anh này đã khiêm tốn ở trong sự thật khi nhìn nhận mình đáng chịu hình phạt khổ giá vì tội đã phạm, đồng thời anh ta cũng có chút tấm lòng với Chúa Giêsu khi bào chữa rằng Ngài đây đâu có làm điều gì sai trái (x.Lc 23, 39-43). Chính nhờ có chút tấm lòng và biết sống trong sự thật nên lời khẩn xin của anh đã được nhậm lời và anh ta đã được về trời ngay hôm ấy.


 

Chiên Thiên Chúa hay Con Thiên Chúa
(Chúa nhật II Thường Niên A) - Giuse hạt bụi tro

tbd 130123a

 

Vào lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, chúng ta đã được nghe Chúa Cha giới thiệu về Chúa Giêsu: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”. Chúa nhật hôm nay, chúng ta lại nghe Gioan tẩy giả giới thiệu Chúa Giêsu: “Đây là Chiên Thiên Chúa! Đây Đấng xoá tội trần gian.”

Chúa Giêsu đúng thật là Con Thiên Chúa, nên Chúa Cha giới thiệu Ngài là Con yêu dấu của Ta thì dễ hiểu. Tại sao Gioan tẩy giả lại không giới thiệu Ngài là Con Thiên Chúa mà là Chiên Thiên Chúa? Danh hiệu này có ý nghĩa gì? Nói lên điều gì? Câu nói của Gioan hàm chứa cả một kho tàng mặc khải về sứ vụ của Con Thiên Chúa mà Người Do Thái nghe sẽ hiểu ngay, vì họ thường sát tế chiên để dâng hy lễ. Còn chúng ta thì không cảm nhận và hiểu nhiều về con chiên, nên phải giải thích mới có thể hiểu được.

Trong Cựu Ước, con chiên được nhắc đến nhiều lần, và mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Sáng thế 22,8 nói tới việc Isaác hỏi Abraham về con chiên để dâng làm lễ toàn thiêu cho Đức Chúa. Ápraham trả lời con chiên này Đức Chúa sẽ liệu. Sách Xuất hành 12,5 nói đến chiên vượt qua, con chiên không tỳ vết, bị giết để ăn thịt, còn máu thì bôi lên khung cửa, nhờ đó sứ thần của Đức Chúa không giết hại các con đầu lòng của Ítraen, mà chỉ giết các con đầu lòng của người Ai Cập. Isaia 53,7 so sánh người Tôi Trung của Đức Chúa phải chịu đau khổ như con chiên bị đem đi làm thịt, không hề mở miệng kêu la. Những hình ảnh con chiên trên đây ám chỉ những ý nghĩa sẽ thành hiện thực nơi Đức Giêsu. Ngài chính là Con Chiên vô tỳ tích mà Thiên Chúa đã chuẩn bị, để làm hy lễ vĩnh viễn cho ơn cứu độ của chúng ta.

Trong Tân Ước, Gioan Tẩy giả đã gọi Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian (x. Ga 1,29.36). Thánh Phaolô thì gọi Đức Giêsu là Chiên vượt qua đã chịu hiến tế vì tội lỗi chúng ta (x. 1Cr 5,7). Thánh Phêrô thì khẳng định người tân tòng được cứu chuộc nhờ máu của Đức Giêsu, là Con Chiên vẹn toàn vô tỳ tích (x. 1Pr 1,19). Sách Khải huyền 5,6-14 cũng nói đến một Con Chiên, là hình ảnh Đức Giêsu, đã đổ máu mình để cứu chuộc cả nhân loại. Như thế, trong Tân Ước, Đức Giêsu được coi là Con Chiên vượt qua, đã đổ máu mình ra để cứu chuộc nhân loại khỏi tội lỗi.
Cả hai tước hiệu Con Thiên Chúa và Chiên Thiên Chúa đều nói lên một sự thật về ơn gọi và sứ mạng của Chúa Giêsu Kitô. Là Chiên Thiên Chúa, Ngài có khả năng xóa bỏ tội trần gian, bằng cách hy sinh mạng sống mình (x. Ga 1, 29.36). Là Con Thiên Chúa, Ngài ban ơn cứu độ và sự sống đời đời cho những ai tin vào Ngài (x. Ga 3, 16-17; 20,31).

Trở về với lời chứng của Gioan, chúng ta thấy lời chứng này đã được Giáo Hội đưa vào trong Thánh Lễ tới hai lần. Lần thứ nhất cộng đoàn thưa “Lạy chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian, xin thương xót chúng con. Lạy chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian, xin thương xót chúng con. Lạy chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian, xin ban bình an cho chúng con”. Và lần thứ hai, trước khi rước Mình Máu Thánh Chúa, Linh mục cầm lấy bánh rượu và tuyên xưng với cộng đoàn: “Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng Đấng xoá tội trần gian, phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”.

Lời cầu nguyện và lời tuyên xưng này nhắc nhở chúng ta hãy luôn ý thức về thân phận tội lỗi của mình, và kêu cầu Chúa đoái thương tha thứ tỗi lỗi, để chúng ta được tham dự vào bàn tiệc Chiên Thiên Chúa, bàn tiệc của hy sinh và dâng hiến, của tình yêu và ơn cứu độ. Đồng thời, chúng ta cũng được kêu mời dâng hiến chính mình như một của lễ thật đẹp cho Thiên Chúa và tha nhân. Dâng Chúa cái gì đẹp, tốt và quý giá, chứ không phải những gì dư thừa, không đáng giá thì mới dâng cho Chúa.

Là người Kitô hữu, chúng ta vẫn hay được gọi là con chiên, còn các cha xứ thì được gọi là mục tử, người chăn chiên. Tên gọi ấy, cách nào đó, nói lên ơn gọi và sứ mạng của chúng ta. Chúng ta được mời gọi trở nên giống Chúa Giêsu, dâng hiến chính thân mình làm của lễ cho Chúa Cha qua đời sống tốt lành của mình. Nhờ đó, chúng ta trở thành con cái yêu dấu của Chúa Cha.

Điều này nghe có vẻ xa vời và thiếu thực tế trong đời sống đạo ngày nay. Thậm chí với cả những người sống đời dâng hiến. Càng ngày Giáo Hội càng thiếu những chứng nhân sáng ngời về đức tin, càng thiếu những vị thánh. Nguyên nhân là vì chúng ta học hỏi giáo lý quá ít, không nhiệt thành với công việc của Chúa và Giáo xứ. Và vì không hiểu được Chúa và Đạo Chúa nhiều, nên chúng ta không cảm nhận được Chúa đang sống trong cuộc sống của chúng ta, không để Chúa sống trong cuộc sống của chúng ta. Dường như đời sống đạo và đời là hai đời sống tách biệt nhau.

Gioan tẩy giả đã làm chứng và giới thiệu Chúa Giêsu cho chúng ta. Vì thế, chúng ta cũng hãy làm chứng cho Chúa, qua đời sống hằng ngày của mình. Tuy nhiên, trước khi có thể giới thiệu về Chúa thì chính chúng ta cần phải cảm nghiệm được Chúa đang sống trong cuộc sống của chính mình. Đó là một ơn mà hôm nay chúng ta phải xin Chúa ban cho chúng ta.

Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con. Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin giúp chúng con biết dùng lời nói và việc làm để loan báo Tin Mừng của Chúa cho anh chị em chúng con. Amen.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây