TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật II Thường Niên – Năm C

08/01/2022 09:06:18 |   1555

Chúa Nhật II Thường Niên – Năm C
 

cn t2tnC

Ga 2, 1-11

 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật II Thường Niên – Năm C

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, toàn thể địa cầu thờ lạy và ca khen Chúa, lạy Đấng Tối Cao toàn thể Đất Nước ca khen thánh danh của Ngài.

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Bài Tin Mừng hôm nay, trình thuật phép lạ đầu tiên Chúa Giêsu thực hiện trong cuộc đời công khai rao giảng Tin Mừng. Đây là phép lạ được thực hiện trong khung cảnh của một tiệc cưới và có sự can thiệp của Mẹ Maria.

Đức Giêsu đã dự tiệc cưới ở Cana, Ngài muốn chia sẻ và bảo vệ niềm vui của con người. Đừng để Đức Giêsu đứng ngoài hạnh phúc của chúng ta. Nếu chúng ta nghe lời Ngài: “đổ đầy các chum rỗng”, chúng ta sẽ gặp được hạnh phúc vĩnh cửu.

Qua thái độ, lời nói của Chúa Giêsu và Mẹ Maria trong đọan Tin Mừng hôm nay, chúng ta khám phá ra được bài học cụ thể cho gia đình, cũng như cho mỗi cá nhân, để mỗi người biết phải làm sao cho tình yêu, niềm vui và hạnh phúc luôn đầy tràn trong cuộc sống của chúng ta.

Trong Thánh lễ, Đức Giêsu trao tặng rượu của vương quốc vĩnh cửu cho chúng ta: Đó chính là Máu của Người, là bằng chứng tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người chúng ta.

Lời nguyện nhập lễ      

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin hướng dẫn chúng con biết hành động theo thánh ý Chúa, để nhờ kết hợp với con Một Chúa là Ðức Giêsu Kitô, chúng con đem lại hoa quả dồi dào là việc lành phúc đức. Chúng con cầu xin.

Bài Ðọc I: Is 62, 1-5

“Người chồng sẽ vui mừng vì vợ”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Vì Sion, tôi sẽ không im tiếng, và vì Giêrusalem, tôi sẽ không nghỉ ngơi, cho đến khi Ðấng công chính xuất hiện như ánh sáng, Ðấng Cứu độ Sion đến như ngọn đuốc sáng ngời. Mọi dân tộc sẽ thấy Người là Ðấng công chính của ngươi, và mọi đế vương sẽ thấy vinh hiển Người. Chính Chúa sẽ đặt cho ngươi một tên mới. Ngươi sẽ là triều thiên vinh hiển trong tay Chúa, và vương miện quyền bính trong tay Thiên Chúa ngươi, ngươi sẽ không còn gọi là kẻ bị ruồng bỏ, và đất ngươi sẽ không còn gọi là chốn hoang vu. Ngươi sẽ được gọi là “kẻ Ta ưa thích”, và đất ngươi sẽ được gọi là đất có dân cư, vì ngươi đẹp lòng Thiên Chúa, và đất ngươi sẽ có dân cư.

(Như) thanh niên sẽ ở cùng trinh nữ, con cái ngươi sẽ ở trong ngươi; (như) người chồng sẽ vui mừng vì vợ, Thiên Chúa ngươi sẽ vui mừng vì ngươi.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 95, 1-2a. 2b-3. 7-8a. 9-10ac

Ðáp: Hãy tường thuật phép lạ Chúa giữa chư dân 

Xướng: Hãy ca mừng Thiên Chúa bài ca mới, hãy ca mừng Thiên Chúa đi, toàn thể địa cầu. Hãy ca mừng Thiên chúa, hãy chúc tụng danh Người. 

Xướng: Ngày ngày hãy loan truyền ơn Người cứu độ. Hãy tường thuật vinh quang Chúa giữa chư dân, và phép lạ Người ở nơi vạn quốc. 

Xướng: Hãy kính tặng Thiên Chúa, hỡi người chư dân bá tánh, hãy kính tặng Thiên Chúa quyền thế với vinh quang, hãy kính tặng Thiên Chúa vinh quang xứng với danh Người. 

Xướng: Hãy mặc lễ phục, thờ lạy Thiên Chúa. Toàn thể địa cầu, hãy run sợ trước thiên nhan, hãy công bố giữa chư dân rằng Thiên Chúa ngự trị. Người cai quản chư dân theo đường đoan chính.

Bài Ðọc II: 1 Cr 12, 4-11

“Cùng một Thánh Thần ban phát ơn riêng cho mỗi người theo như Người quy định”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.

Anh em thân mến, có những hồng ân khác nhau, nhưng vẫn là một Thánh Thần; có nhiều chức vụ khác nhau, nhưng chính là một Chúa; và có những hành động khác nhau, nhưng chính là một Thiên Chúa, Người thực hiện hết mọi cái trong mọi người. Ơn Thánh Thần ban cho mỗi người mỗi khác, cốt để mưu cầu công ích. Người thì được Thánh Thần cho lời khôn ngoan, kẻ khác thì được lời thông minh, theo cùng một Thánh Thần; người khác được đức tin, trong cùng một Thánh Thần; kẻ khác nữa được ơn chữa bệnh, trong cũng một Thánh Thần đó; có người được ơn làm phép lạ, có kẻ được ơn tiên tri, người khác được ơn phân biệt các thần trí; có người được ơn nói nhiều thứ tiếng; người khác được ơn giải thích các thứ tiếng. Nhưng cùng một Thánh Thần duy nhất thực hiện tất cả những điều đó. Người ban phát ơn riêng cho mỗi người theo như Người quy định.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 19, 38

Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến, bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 2, 1-12

“Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, có tiệc cưới tại Cana xứ Galilêa. Và có mẹ của Chúa Giêsu ở đó. Chúa Giêsu và các môn đệ Người cũng được mời dự tiệc cưới. Và bỗng thiếu rượu, mẹ Chúa Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi”. Chúa Giêsu nói với mẹ: “Hỡi bà, Con với bà có can chi đâu, giờ Con chưa đến”. Mẹ Người nói với những người giúp việc: “Hễ Người bảo gì, thì phải làm theo”. Ở đó có sáu chum đá, dùng vào việc thanh tẩy của người Do-thái, mỗi chum đựng được hai hoặc ba thùng nước. Chúa Giêsu bảo họ: “Hãy đổ nước đầy các chum”. Họ đổ đầy tới miệng. Và Chúa Giêsu bảo họ: “Bây giờ hãy múc đem cho người quản tiệc!” Và họ đã đem đi. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu, ông không biết tự đâu ra, nhưng những người giúp việc đã múc nước thì biết, ông mới gọi tân lang mà nói: “Ai cũng đem rượu ngon ra trước, khi khách ngà ngà thì mới đem rượu xoàng hơn. Còn ông, ông lại giữ rượu ngon tới giờ này”. Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa, và đã tỏ vinh quang Người và các môn đệ Người tin Người.

{Sau đó Người xuống Capharnaum làm một với mẹ Người, anh em (Người) và môn đệ của Người, nhưng các Ngài chỉ lưu lại ở đó ít ngày thôi.}

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Ngày nay nhân loại đang hết rượu đức tin vì những biến chuyển trên thế giới. Chúng ta hãy xin Đức Maria can thiệp. Tin tưởng vào tình thương của Chúa, chúng ta cùng dâng lời cầu xin:

1. “Ngươi đẹp lòng Thiên Chúa và đất ngươi sẽ có dân cư”.- Xin cho các vị Chủ chăn có được tình mẫu tử như Đức Maria, hằng quan tâm đến đoàn chiên, nhất là những chiên ghẻ và lầm lạc, để nhờ tình yêu thương săn sóc, đoàn chiên chóng hiệp nhất dưới quyền một Chúa chiên.

2. “Có nhiều chức vụ khác nhau, nhưng chỉ là một Chúa”.— Xin cho các Kitô hữu ý thức trách nhiệm phải cộng tác vào ơn cứu độ của Chúa, để họ biết lắng nghe và thi hành Lời Chúa qua Tin Mừng, cũng như giáo huấn của Hội Thánh, hầu trở nên chứng nhân tình yêu cho Thiên Chúa chân thật và duy nhất.

3. “Họ hết rượu rồi”.- Xin Chúa thương cải biến những đức tin lạnh nhạt, thành rượu nồng của niềm tin mến Chúa nơi mọi người, nhờ đó họ sẽ sẵn sàng chấp nhận Thiên Chúa là Đấng đem hạnh phúc thật và vĩnh viễn cho mình.

4. “Ngài bảo sao hãy làm thế“.- Xin cho mọi người trong giáo xứ chúng ta, biết quan tâm đến những lệnh Chúa truyền, vì đó là những giáo huấn đem lại ơn cứu rỗi.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin cho chúng con nhận ra rằng, những ân điển khác nhau Chúa ban cho mỗi người, là để xây dựng Hội Thánh. Vì thế, biết giúp nhau làm triển nở những ân huệ đó, hầu làm vinh danh Chúa và mưu ích cho các linh hồn. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ chúng con dâng, và lấy quyền năng Thánh Thần mà thánh hoá, để nhờ của lễ này, chúng con được hưởng ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa đã dọn ra cho tôi mâm cỗ, và chén rượu tôi đầy tràn chan chứa.

Hoặc đọc:

Chúng ta đã biết, và tin vào tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã rộng ban cho chúng con Mình và Máu Thánh Ðức Kitô, con một Chúa là nguồn mạch sự sống dồi dào; xin cho chúng con được luôn luôn hoan hỷ vì ân huệ Chúa ban. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Tiệc cưới
Sưu tầm

Có nhiều người cho rằng: niềm vui không thể đi đôi với niềm tin. Chỉ có ăn chay hãm mình mới là sống đạo. Chỉ khi nào chấp nhận những hy sinh gian khổ thì mới có công phúc. Còn vui tươi hớn hở không phải là thái độ trọng kính đối với Thiên Chúa. Quan niệm sai lầm này khiến họ sống đạo một cách khô khan, nhăn nhó và phục vụ Chúa với nét mặt sầu thảm.

Thế nhưng, qua đoạn Tin Mừng hôm nay chúng ta thấy hoàn toàn khác hẳn. Dấu chỉ tiệc cưới Cana cho hay Thiên Chúa muốn chúng ta sống vui tươi, hồn nhiên và trong sáng, bởi VÌ cái tin mà Ngài đem đến không phải là tin buồn, tin sầu, nhưng là một tin vui, tin mừng. Và nếu chúng ta thực sự sống niềm tin ấy, thì khuôn mặt chúng ta sẽ rạng lên nét vui mừng. Đúng như một câu danh ngôn đã bảo:

– Un saint triste, triste saint. Một ông thánh buồn, là một ông thánh đáng buồn vậy.

Dấu chỉ tiệc cưới Cana dạy cho chúng ta biết rằng để gặp gỡ Đức Kitô chúng ta không cần phải là người thoát tục, trở nên như các thiên thần, nhưng chỉ cần hiểu rõ và trở thành loài người hơn, sống trọn vẹn ơn gọi làm người của chúng ta theo gương Chúa Giêsu nhập thể.

Và để có thể thực hiện ơn gọi làm người, thì cần phải tập và sống các nhân đức nhân bản mỗi ngày. Càng biết sống sâu đậm các nhân đức tự nhiên ấy, chúng ta càng trở nên giống Chúa Giêsu làm người.

Đó là nền tảng vững chắc đầu tiên của ơn gọi Kitô hữu, bởi vì nếu thiếu các nhân đức nhân bản này, người tín hữu sẽ mất quân bình, dễ trở thành cuồng tín và lệch lạc. Trước khi trở thành người Kitô hữu, thì chúng ta phải là người, theo đúng ý nghĩa của nó.

Ngoài ra dấu chỉ của tiệc cưới Cana còn cho chúng ta biết rằng của cải trần gian và các tiện nghi vật chất chúng không có gì là xấu xa và nguy hại. Chúng chỉ xấu xa và nguy hại khi làm cho chúng ta đánh mất chất người, biến chúng ta trở thành ích kỷ độc ác và bất công.

Thật ra chỉ có con người là đáng chê trách, chứ không phải là của cải. Chính vì thế, thánh Phaolô đã khuyên nhủ mọi người phải biết sử dụng đúng đắn tất cả những ơn sủng Thiên Chúa ban cho. Kẻ ít người nhiều, ai cũng nhận được một số ơn sủng tuỳ theo sự khôn ngoan quan phòng của Thiên Chúa. Cần phải tận dụng tất cả các ơn sủng đó, để làm vinh danh Chúa và mưu ích cho tha nhân. Chính các ơn sủng này làm thành sự phong phú của cộng đoàn dân Chúa.

Tóm lại ý thức được những ơn Chúa ban, chúng ta hãy biết tận dụng để phục vụ Thiên Chúa trong anh em, theo mẫu gương của Đức Kitô.

Normal 0 false false false EN-US X-NONE X-NONE st1\:*{behavior:url(#ieooui) } /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-priority:99; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt; mso-para-margin:0cm; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Times New Roman","serif";}

CHÚA NHẬT 2C THƯỜNG NIÊN
(Gioan 2:1-12) Lm. Lã Mộng Thường

Thoạt mới nghe hay đọc đoạn Phúc Âm vừa được công bố, mọi người đều có thói quen cho rằng Đức Giêsu làm phép lạ để chứng tỏ vinh quang của Ngài và minh chứng Ngài có quyền năng để các môn đệ tin theo như được chép, “Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên nầy tại Cana xứ Galilêa, và đã tỏ vinh quang Người và các môn đệ Người tin Người”.

Tuy nhiên nếu để ý đọc và nhận định lối diễn tả nơi Phúc Âm, chúng ta sẽ nhận thấy nhiều điều khác lạ chẳng ngờ. Giả sử hỏi mấy người thích nhậu về lý do tại sao Đức Giêsu biến nước thành rượu tất nhiên họ sẽ trả lời bởi vì rượu có mùi vị ngon hơn nước, nhưng đối với những người không thích rượu hoặc bị phiền hà vì kẻ uống rượu có lẽ họ sẽ cho rằng Phúc Âm viết sai vì Đức Giêsu tốt lành, thánh thiện, răn dạy người ta không nên rượu chè cờ bạc nên biến rượu thành nước mới đúng. Nếu áp dụng nơi trường hợp cuộc sống thường nhật, phần đông chúng ta cho rằng bài Phúc Âm khuyến khích con người cầu nguyện, đặc biệt nơi trường hợp khó khăn, nên khẩn cầu cùng Đức Mẹ chuyển lời.

Dĩ nhiên, nơi cuộc sống phức tạp, mọi người đều cảm thấy nhiều nỗi khó khăn lắm lúc dồn mình vào ngõ bí vô phương trốn thoát. Chính bởi không còn cách nào trốn chạy nên có bệnh đành vái tứ phương, chấp nhận nghe đâu chầu đấy, vì dù cầu cạnh bất cứ ai cũng không được do đó đành cầu khẩn cùng đấng linh thiêng mình có thể nghĩ tới. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy, khi nào không thể tìm được lối thoát chúng ta đành chấp nhận phó mặc cho cuộc đời đưa đẩy, trao tất cả những nỗi khốn cùng nơi quyền lực Thiên Chúa giải quyết;…sự lạ tất nhiên xảy đến một cách chẳng ngờ. Tiền nhân chúng ta có câu, “Trời sinh voi, trời sinh cỏ” mang ý nghĩa tín thác thân phận con người nơi quyền lực thiêng liêng giải quyết. Như vậy, sự cầu nguyện đúng đắn nhất lại chính là phó thác, phó mặc, chấp nhận để những gì quá tầm tay với nơi bàn tay quan phòng của Thiên Chúa.

Nếu nhận định theo văn từ, bài Phúc Âm vô tình để lộ điều nghịch thường nơi câu nói của người quản tiệc với tân lang. Ai cũng đều biết, quản tiệc chính là người sắp xếp hành trình tiệc cưới vì tân lang vào thời điểm này sao có thể điều hành được chi. Nếu Phúc Âm đặt vào miệng tân lang lời trách cứ quản tiệc thì mới hợp tình hợp lý. Đứng về phương diện luân lý, chúng ta đều chấp nhận con người mang đầy thiếu sót chẳng khác gì tiệc cưới đang vui, nửa chừng thiếu rượu do đó cần được tự xét, tự nghiệm để tránh những thiếu sót sao cho trở nên công chính.

Tuy nhiên, người công chính nơi xã hội này, được mọi người kính phục, thực hiện những điều nên và đáng làm theo truyền thống cũng như bảo vệ danh dự, coi chừng lại bị kết án nơi một xã hội khác. Chẳng hạn nơi một nước nhỏ nào đó vùng Trung Đông; chính bố mẹ đã sai người ở giết đứa con gái của mình cũng chỉ vì chị ta cầm giấy đến tòa án xin ly dị theo luật pháp vì người chồng lạm dụng và có cuộc sống quá bết bát. Xét như vậy, chúng ta lại cần mở rộng nhãn quan luân lý bởi coi chừng chính những gì tốt lành thánh thiện đối với mình có thể là mối nguy hại lớn lao đối với những người chung quanh. Điều này đòi hỏi suy tư và nhận thức chân thành, nhiều khi chúng ta đành phải chấp nhận những gì nghịch với thói quen hay quan niệm đã bao năm theo đuổi và trở thành cố tật.

Dưới nhãn quan tâm linh, đọc Phúc Âm chúng ta thấy rõ, Đức Giêsu không bao giờ tỏ vẻ uy quyền hay minh chứng vinh quang của Ngài vì Ngài chỉ thực hiện theo thánh ý Thiên Chúa. Ngay khi cầu nguyện trước cuộc tử nạn, Đức Giêsu cũng đã thốt lên, “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cất chén này khỏi con; song không phải theo ý con, mà là như ý Cha” (Mt. 26:39; Mc. 14:36; Lc. 22:42). Thêm vào đó, ngay cả những sự chữa lành chúng ta thường gọi phép lạ được ghi chép nơi Phúc Âm, Đức Giêsu đều tuyên bố đức tin chữa, đức tin cứu mà thôi.

Qua Phúc Âm, suốt cả cuộc đời, thái độ của Đức Mẹ rất âm thầm. Chỉ 2 lần ghi lại ngài lên tiếng nói với Đức Giêsu nhưng lần nào cũng bị trả lời nghịch hẳn sự thường tình. Nhận định như vậy, câu hỏi được đặt ra đó là mục đích của đoạn Phúc Âm viết về việc Đức Giêsu biến nước thành rượu mang ý nghĩa gì có thể giúp chúng ta thăng tiến nơi hành trình đức tin. Đã có người đơn sơ trả lời bởi thiếu rượu do các môn đồ của Đức Giêsu uống quá thành ra Ngài phải đỡ đòn. Điều này phi lý bởi dẫu thế nào và nơi bất cứ phong tục nào, thiếu rượu nơi tiệc cưới là điều tối kỵ bởi quan niệm thiếu rượu chính là dấu hiệu xui xẻo cho cuộc sống hôn nhân đôi lứa. Suy cho kỹ, câu trả lời chính là điều phát biểu nghịch thường đặt nơi miệng Đức Giêsu, “Giờ tôi chưa tới”.

Thử suy nghiệm nơi cuộc đời mỗi người, chính những lúc khốn cùng nhất, khi mà mọi khả năng, mưu mô, sức lực của chúng ta đã trở nên bất lực trước một hoàn cảnh nào đó, lời cầu nguyện, tâm nguyện của chúng ta mới thực sự hiệu nghiệm vì chính thời điểm đó chúng ta chấp nhận buông xuôi phó mặc vận mệnh nơi sự quan phòng của Thiên Chúa; chúng ta không xử dụng sự khôn ngoan thế tục; chúng ta hết đường tính toán. Thiên Chúa chỉ đến với chúng ta nơi lòng chân thành, thực tâm. Giờ của Chúa là thời điểm chúng ta dồn mọi năng lực, định tâm hướng về Ngài. Giờ của Chúa là khi chúng ta buông xuôi tất cả dành quyền cho Ngài chủ động. Đây chính là ý nghĩa của câu Phúc Âm đặt nơi miệng Đức Giêsu, “Hãy đến với Ta, hết thảy những kẻ lao đao và vác nặng, và Ta sẽ cho nghỉ ngơi lại sức” (Mt. 11:28). Amen.


Chúa nhật 2 Thường niên - năm C
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 2, 1-12).

Khi ấy, có tiệc cưới tại Cana xứ Galilêa. Và có mẹ của Chúa Giêsu ở đó. Chúa Giêsu và các môn đệ Người cũng được mời dự tiệc cưới. Và bỗng thiếu rượu, mẹ Chúa Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi”. Chúa Giêsu nói với mẹ: “Hỡi bà, Con với bà có can chi đâu, giờ Con chưa đến”. Mẹ Người nói với những người giúp việc: “Hễ Người bảo gì, thì phải làm theo”. Ở đó có sáu chum đá, dùng vào việc thanh tẩy của người Do-thái, mỗi chum đựng được hai hoặc ba thùng nước. Chúa Giêsu bảo họ: “Hãy đổ nước đầy các chum”. Họ đổ đầy tới miệng. Và Chúa Giêsu bảo họ: “Bây giờ hãy múc đem cho người quản tiệc!” Và họ đã đem đi. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu, ông không biết tự đâu ra, nhưng những người giúp việc đã múc nước thì biết, ông mới gọi tân lang mà nói: “Ai cũng đem rượu ngon ra trước, khi khách ngà ngà thì mới đem rượu xoàng hơn. Còn ông, ông lại giữ rượu ngon tới giờ này”. Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa, và đã tỏ vinh quang Người và các môn đệ Người tin Người.
Sau đó Người xuống Capharnaum làm một với mẹ Người, anh em (Người) và môn đệ của Người, nhưng các Ngài chỉ lưu lại ở đó ít ngày thôi.

Suy niệm

Mỗi khi được nghe lại câu chuyện Chúa Giêsu làm phép lạ hóa nước thành rượu tại tiệc cưới Ca-na, nhiều người cảm thấy niềm vui từ đôi tân hôn, từ gia chủ đang dâng trào và lan tỏa đến với mọi thực khách, cùng những người đang chăm chú lắng nghe câu chuyện. Từ một đám cưới bình thường như bao đám cưới khác, sự hiện diện của Con Thiên Chúa làm người, đã làm cho tất cả mọi người ngạc nhiên bởi các chum đựng nước đầy đã hóa thành rượu tự bao giờ không ai biết. Dấu chỉ của câu chuyện này gởi đến mỗi người hôm nay thật sâu xa, tinh tế, bởi bàn tiệc cuộc đời của con người không thiếu những lần con người không mời Thiên Chúa cùng tham dự để được chúc lành, để được chia sẻ và để được lan tỏa niềm vui.

Đứng trước những khó khăn về đời sống xã hội cũng như đời sống tôn giáo, dân Do-thái không thiếu những phút giây sa ngã, những khoảnh khắc quay lưng lại với niềm tin của mình, bởi sự yếu đuối của con người cộng với những lời mời hấp dẫn từ các dân ngoại bang, do đó, họ đã xa dần Thiên Chúa. Các tiên tri được gởi tới như là những vị sứ giả của Thiên Chúa, để kêu gọi hoán cải, để kêu gọi đổi thay cuộc đời, hơn nữa, các ngài còn thổi vào giữa cộng đoàn những luồng gió của hy vọng, của niềm vui và bình an. Tiên tri I-sa-i-a đã đem đến cho dân riêng của Thiên Chúa một niềm vui thực sự khi loan báo cho họ rằng: “Chính Chúa sẽ đặt cho ngươi một tên mới. Ngươi sẽ là triều thiên vinh hiển trong tay Chúa, và vương miện quyền bính trong tay Thiên Chúa ngươi, ngươi sẽ không còn gọi là kẻ bị ruồng bỏ, và đất ngươi sẽ không còn gọi là chốn hoang vu. Ngươi sẽ được gọi là “kẻ Ta ưa thích”, và đất ngươi sẽ được gọi là đất có dân cư, vì ngươi đẹp lòng Thiên Chúa, và đất ngươi sẽ có dân cư”. Thiên Chúa sẽ đặt tên cho họ, quả đúng như vậy, nếu họ biết đổi thay đời sống của mình. Mỗi người, trong hoàn cảnh và điều kiện, hãy thay đổi cách suy nghĩ, thay đổi niềm tin và mọi sinh hoạt của bản thân, họ sẽ nhận ra năng lượng tích cực đến từ Thiên Chúa đang ngập tràn tâm hồn họ trong những phút giây hiện tại.

Khi đồng hành với cộng đoàn giáo hội tại thành The-sa-lo-ni-ca, thánh Phaolô đã trình bày sự cao cả về ơn gọi của mỗi người, ơn gọi đó đến từ Thiên Chúa, Ngài ban cho mỗi người tùy thuộc khả năng và hoàn cảnh sống, những đặc sủng khác nhau, để tất cả trở nên những chứng nhân tích cực và sống động của ơn cứu độ đến từ Thiên Chúa: “Anh em thân mến, có những hồng ân khác nhau, nhưng vẫn là một Thánh Thần; có nhiều chức vụ khác nhau, nhưng chính là một Chúa; và có những hành động khác nhau, nhưng chính là một Thiên Chúa, Người thực hiện hết mọi cái trong mọi người”. Dù sống trong môi trường nào, dù cuộc đời có những thăng trầm đổi thay, nhưng con người luôn tin vào sự hiện diện gần gũi của Thiên Chúa, tin vào sức mạnh của tình yêu cứu độ, họ sẽ thực hiện vẹn toàn ơn gọi của mình như lòng Chúa mong ước. Hãy khiêm tốn với Thiên Chúa, chân thành với anh chị em, nhiệt tình với ơn gọi, quảng đại với tình trời, con người sẽ cảm thấy hạnh phúc và bình an trong phút giây hiện tại của mình.

Có sự hụt hẫng nào lớn cho bằng khi cha mẹ tổ chức đám cưới cho con cái nhưng giữa chừng hết rượu. Quả là một sự cố không ai có thể lường trước được, và cũng khó có ai giúp đỡ được. Rất may cho đôi bạn trẻ cũng như đại gia đình là trong số khách mời có Con Thiên Chúa làm người, Đức Giêsu. Hiểu được nỗi âu lo của đại gia đình, Đức Giêsu đã giúp họ với một dấu lạ đặc biệt, biến nước thành rượu ngon: “Chúa Giêsu bảo họ: “Hãy đổ nước đầy các chum”. Họ đổ đầy tới miệng. Và Chúa Giêsu bảo họ: “Bây giờ hãy múc đem cho người quản tiệc!” Và họ đã đem đi. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu, ông không biết tự đâu ra, nhưng những người giúp việc đã múc nước thì biết, ông mới gọi tân lang mà nói: “Ai cũng đem rượu ngon ra trước, khi khách ngà ngà thì mới đem rượu xoàng hơn. Còn ông, ông lại giữ rượu ngon tới giờ này”. Cuộc đời mỗi người như là một bữa tiệc, cùng nhau cộng tác làm việc, niềm vui sẽ dâng trào và đem lại nhiều hoa trái, nhưng cũng không thiếu những lúc có những thất bại, đau khổ, hoặc do tính tự mãn của con người, rượu niềm tin chỉ còn lại đôi chút mong manh, rượu tình thương đang cạn kiệt, rượu tình người vơi dần, làm sao để có thể nối dài niềm vui cuộc đời. Chỉ còn một phương thế duy nhất, trong bất cứ công việc nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào, hãy mời Thiên Chúa đến chúc lành, và đồng hành với chúng ta, Ngài sẽ giúp đỡ và sẽ có nhiều dấu lạ đến với mỗi người.

Niềm vui vỡ òa khi chủ tiệc được nếm chén rượu ngon sau khi nghe tin đã hết từ lâu. Những bình rượu đó từ đâu đến, những bình rượu đó do ai giúp đỡ, và bao câu hỏi khác làm cho chủ nhà càng thêm bối rối. Họ quên một điều đặc biệt là giữa số khách mời có Thiên Chúa hiện diện với họ, Ngài là tình yêu, Ngài bước vào ngôi nhà nhân loại bằng tình yêu tự hiến, Ngài sống cho, sống với con người cũng bằng tình yêu hy sinh, vì thế, trước những khó khăn của phận người, trước những bế tắc của cuộc sống, Ngài luôn sẵn sàng giúp đỡ nếu niềm tin nhắc họ nhớ đến Thiên Chúa và tin tưởng vào Ngài. Các Tông đồ cũng được mời dự tiệc và cùng chứng kiến tất cả những gì đang xảy ra trước mắt, các ông sững sờ bởi chính niềm tin của các ông còn mông lung và có chút hoài nghi. Do đó, khi chứng kiến dấu lạ đó, các ông đã thay đổi hình ảnh của Thầy mình trong suy nghĩ, trong tư tưởng và trong cả thái độ sống hàng ngày. Không chỉ các Tông đồ đổi thay tất cả nhưng chủ nhà cùng với đôi bạn trẻ cũng sẽ có cái nhìn mới về Đức Giêsu, Đấng là tình yêu, là Thiên Chúa làm người.

Bữa tiệc cuộc đời của gia đình nhân loại cũng đang dạt dào niềm vui và hạnh phúc. Dịch bệnh xuất hiện, tai ương ập đến, thiên tai khắp nơi, mọi người bàng hoàng, sợ hãi, những thùng rượu niềm tin bấy lâu, nay có dấu hiệu cạn kiệt, nay trống rỗng bởi con người đang muốn thay thế Thiên Chúa bằng những thần linh khác, những thùng rượu tình liên đới bấu lâu, nay khô cạn bởi chủ nghĩa cá nhân được vinh danh, những thùng rượu tình người bấy lâu, nay đang vơi dần bởi cuộc sống vội vã của con người, thử nhớ lại rằng trong thế giới này Thiên Chúa còn hiện diện nữa hay chăng, trong thế giới này Thiên Chúa còn đồng hành nữa hay chăng? Ngài luôn ở đó, bởi Ngài là một người cha hết mực yêu thương con cái. Tình yêu thương của Ngài sẽ được trao tặng đúng lúc và tương xứng với những gì con cái thực hiện, vì thế, rất cần sự nhạy bén của niềm tin, rất cần sự khiêm tốn của lòng mến, con người sẽ nhận ra sự hiện diện của Ngài qua những dấu lạ thật kỳ diệu trong bàn tiệc cuộc đời của nhân loại.

Gia đình là một tế bào của xã hội, là một cộng đoàn giáo hội thu nhỏ, nơi đó, mỗi thành viên có trách nhiệm đóng góp và xây dựng tổ ấm của mình, đồng thời, họ còn phải bảo vệ tổ ấm đó trong tình liên đới trách nhiệm, biết tôn trọng nhau trong tình hiệp thông và chia sẻ với nhau trong sứ vụ. Không thiếu những phút giây, những biến cố bất ngờ ập đến trong gia đình, gây ra bao hiểu lầm, bao sóng gió, bao rạn nứt của tình yêu và tình người. Nếu mỗi gia đình biết học sự khôn ngoan của gia đình có đám cưới tại Ca-na, là mời Thiên Chúa đến cùng chung chia mọi thăng trầm, mọi biến cố với gia đình, Ngài sẽ sẵn sàng và sẽ giúp đỡ chúng ta khi con người bất lực, khi con người gặp bế tắc. Các Tông đồ đã nhận ra Thầy mình là Con Thiên Chúa và đã tin, còn chúng ta hôm nay, sau nhiều biến cố trong chính gia đình mình, chúng ta vẫn chưa thể minh định niềm tin của mình vào Thiên Chúa. Ngài đang đợi chờ trước cửa mỗi gia đình, để khi chúng ta mở cửa, mời Ngài vào, Ngài sẽ đồng hành với chúng ta và sẽ đem chúng ta đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác trong cuộc đời.

Lạy Chúa Giêsu, còn niềm vui nào lớn cho bằng niềm vui khi được Thiên Chúa giúp đỡ lúc hoạn nạn, xin cho chúng con có đôi mắt sáng để nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời, bên cạnh mỗi người trong từng biến cố, để chúng con tin nhận vào tình thương bao la của Ngài. Chúa đã giúp con người vượt qua những phút giây bế tắc giữa dòng đời, đưa họ ra khỏi những thất vọng trong từng hoàn cảnh, xin cho chúng con từng ngày cảm nhận được chiều sâu của tình yêu phục vụ, tình yêu hy sinh từ nơi Ngài, để chúng con bắt chước phục vụ và hy sinh cho tha nhân trong cuộc sống. Amen.

 

ĐỂ CHO TÌNH MÃI MẶN NỒNG

(Chúa Nhật II TN C) Lm  Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột


Trăm năm hạnh phúc là lời chúc không thể thiếu trong các tiệc cưới. Tình duyên mãi sắt son và mặn nồng là điều ai cũng ước mong khi bước vào đời sống hôn nhân – gia đình. Nói về chữ tình thì có lẽ tình hôn nhân đứng hàng đầu so với các thứ tình nhân loại khác như tình mẫu tử, phụ tử, bằng hữu… Đức Bênêđictô XVI đã nhận định: “Tình yêu này, tình yêu giữa người nam và người nữ, trong đó hồn xác kết hợp bất khả phân ly và mở ra cho con người một lời hứa hạnh phúc dường như không cưỡng lại được, có vẻ là kiểu mẫu của tình yêu; bên cạnh tình yêu này, thoạt nhìn mọi hình thức khác của tình yêu hầu như mờ nhạt đi” (TĐ Thiên Chúa Là Tình Yêu số 2).

Tình yêu hôn nhân được đề cao không nguyên chỉ vì người ta thoáng nhận ra nét đẹp là sự hết lòng và tính vô cầu nơi tình yêu này mà còn thấy được tầm quan trọng của nó là làm nên gia đình vốn là tế bào của xã hội. Quả thật lịch sử minh chứng rằng ở đâu mà tình yêu hôn nhân bị hạ giá thì ở đó đời sống xã hội dễ bị xuống cấp, bất ổn và nền đạo đức dễ bị băng hoại. Thánh Tông đồ dân ngoại đã dùng tình yêu đôi lứa làm dấu chỉ cho tình yêu của Đức Kitô dành cho Hội Thánh. Nhiều Ngôn sứ như Hôsê, Isaia cũng dùng hình ảnh tình yêu hôn nhân để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân Người. “Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo người sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Chúa ngươi thờ” (Is 62,5).

Con Thiên Chúa đã làm người, chào đời trong một mái gia đình. Khởi đầu công cuộc rao giảng Tin Mừng và trong lần đầu tiên thể hiện quyền năng, Chúa Giêsu đã cứu giúp một đôi tân hôn khỏi bẽ mặt trước quan khách trong một tiệc cưới. Qua bài tường thuật của Tin Mừng thánh Gioan về phép lạ hóa nước thành rượu ngon của Chúa Giêsu tại tiệc cưới Cana chúng ta có thể rút ra đôi điều nhận định về đời sống hôn nhân gia đình:

- Luôn có đó nhiều sự kiện hay biến cố dù không mong vẫn cứ đến, dù chẳng muốn vẫn cứ xảy ra. Đã tổ chức tiệc cưới thì việc chuẩn bị rượu cách đủ đầy và có dư là điều như tất yếu. Với người Do Thái thời bấy giờ thì đây là chuyện hẳn nhiên, vì theo phong tục tập quán thì tiệc cưới có thể kéo dài từ ba đến bảy ngày. Tiệc cưới tại Cana có thể nói là đám tiệc không nhỏ. Chúng ta có thể luận suy điều này vì có người quản tiệc và số lượng chum nước dùng cho việc thanh tẩy (sáu chum nước, mỗi chum khoảng từ 80 dến 120 lít nước). Tiệc lớn, ắt gia đình phải khá giả. Nhà khá giả thì chuyện chuẩn bị rượu cho khách không phải là chuyện quá sức và dĩ nhiên ít khi bị xao lãng. Thế mà tiệc chưa tàn thì rượu đã hết!

Từng hỏi nhiều đôi hôn nhân chung sống từ mười, hai mươi năm trở lên rằng các bạn đã bất hòa với nhau bao nhiêu lần, thì được câu trả lời là đếm không hết. Lại hỏi tần suất những lần mà những chuyện không như ý lớn nhỏ xảy ra là bao nhiêu, thì được trả lời là khoảng trên dưới một tháng một lần, có khi nhiều hơn. Quả thật khi đã chung sống, chung mâm, chung nhà, chung… thì khó tránh được sự “chung đụng” do nhiều nguyên nhân khách quan hay chủ quan từ phía này hoặc phía kia. Nhìn nhận hiện thực cuộc sống để rồi chủ động tìm cách giải quyết, khắc phục, nghĩa là để duy trì và phát triển sự mặn nồng của tình yêu.

- Ngoài nỗ lực của bản thân người trong cuộc là đôi bạn thì rất cần đến sự giúp đỡ của người thân và cả những người hữu quan miễn là họ vốn có tấm lòng và sự bén nhạy với các tình huống. Tấm lòng và sự nhạy bén của Mẹ Maria trong tiệc cưới Cana thì chúng ta đã rõ. Không kể Chúa Giêsu, có lẽ khách dự tiệc hôm ấy đang ở cao trào của tiệc vui vì tình trạng “ngà ngà say”, nên dường như chẳng có ai phát hiện sự cố thiếu rượu. Với tấm lòng nhạy bén, Mẹ Maria đã nhận ra sự cố này để rồi đến xin Chúa Giêsu ra tay can thiệp, cứu giúp.

“Chuyện mình thì quáng, chuyện người thì sáng”. Sự thường người ngoài cuộc thì dễ có sự bình tâm để nhìn nhận vấn đề hơn. Tuy nhiên người ở ngoài này phải có cái tâm, cái tình và cái nhìn cách nào đó như tình người trong cuộc, nghĩa là xem chuyện người như chuyện của mình. Để cho tình yêu hôn nhân vững vàng trước những sóng gió bể đời, thì sự góp phần của mẹ cha, ông bà, thân bằng quyến thuộc là điều đáng trân trọng và đáng cầu mong. Xin đừng quên vai trò thiết yếu và hữu hiệu của người Mẹ đã nhận nhân loại chúng ta làm con khi Người đứng dưới chân thập giá năm nào (x.Ga 19,26-27). Đến với Mẹ thì chắc chắn chúng ta sẽ được Mẹ dẫn đến với Giêsu, Con của Mẹ là Đấng mà không có sự gì là không thể làm được.

- Đã yêu thì không chờ cơ hội cũng chẳng đợi đến thời đến buổi. Dù chưa đến giờ bày tỏ vinh quang, nhưng vì yêu thương Chúa Giêsu đã ra tay giáng phúc cho đôi tân hôn hôm ấy. Dù đã cùng với các môn đệ lánh riêng một nơi để nghỉ ngơi thế mà trước đoàn lũ dân chúng đông đảo như chiên không người chăn thì Chúa Giêsu đã tiếp tục giảng dạy họ nhiều điều (x.Mc 6,30-34). Tình yêu đòi hỏi chúng ta phải làm ngay hôm nay những gì ở trong tầm tay. Thiên Chúa là Tình Yêu và với Người thì mọi sự đều là hiện tại. Đã yêu hay sẽ yêu thì chưa hẳn là yêu. Động từ yêu cần phải luôn ở trong thì hiện tại.

- Sự kiện Chúa Giêsu làm cho sáu chum nước tức là khoảng sáu đến bảy trăm lít nước lã hóa thành rượu ngon hảo hạng khiến chúng ta nhận ra một quy luật của tình yêu đó là phải nhiều và mặn nồng hơn mãi. Có lẽ nhiều đôi bạn như chưa nhận thức đủ quy luật này. Tương tự như sự học, chuyện tình yêu như con thuyền đi dòng nước ngược. Không tiến thì ắt lùi.

- Để mặn nồng trong tình yêu thì lời căn dặn của Mẹ Maria quả là rất đáng lắng nghe và tuân giữ: “Người bảo gì thì hãy làm theo”. Thực thi lời Chúa dạy là điều tất yếu, nếu muốn vẹn chữ tình. Xin chớ dông dài luận lý trước mệnh lệnh Chúa truyền nếu chúng ta đã tin nhận Người là Đấng toàn tri và nhân hậu vô cùng. Vẫn có đó nhiều lứa đôi than vãn rằng con cầu xin mãi mà Chúa chưa ban cho gia đình ấm êm, thuận hòa. Trong nhiều lý do thì thường có lý do này là họ vẫn mãi cố chấp biện minh cho mình mà không thực thi điều Chúa phán trong lương tâm hay qua sự hướng dẫn của các mục tử hay qua sự khuyên bảo của những người khôn ngoan và đầy thiện ý.

- “Hãy đổ nước đầy các chum!” Đây là nước dùng cho việc thanh tẩy theo tục lệ của người Do Thái thời bấy giờ. Tập tục lúc bấy giờ, khi dùng bữa người Do Thái không ngồi trên ghế mà nằm nghiêng giữa sàn nhà. Vì thế việc rửa chân tay không chỉ mang tính lễ nghi thanh tẩy theo truyền thống mà còn để giữ vệ sinh cho sàn nhà, nơi các thực khách nằm mà dùng bữa. Để giữ sự mặn nồng tình yêu thì Chúa Giêsu lại ra lệnh làm một việc của sự thanh tẩy. Điều này nhắc nhớ chúng ta sự thật này: những bất hòa, bất ổn trong tình yêu hôn nhân gia đình thường có nguyên nhân là lỗi hay tội của ai đó hay của cả đôi bên. Thanh tẩy tâm hồn là điều cần thực hiện liên lỉ. Thanh tẩy không nguyên chỉ để cho tâm hồn mình trong sáng, tinh sạch mà còn vì hạnh phúc của người mình yêu thương.

Tu thân -Tề gia - Trị quốc - Bình thiên hạ. Cái nhìn của người xưa vẫn chưa hề lỗi vậy.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây