TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật III Mùa Chay – Năm C

12/03/2022 09:39:00 |   1592

Chúa Nhật III Mùa Chay – Năm C
 

cn 3MC C

Lc 13, 1-9

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật III Mùa Chay – Năm C


Ca nhập lễ

Mắt tôi luôn hướng nhìn về Chúa, vì chính Người gỡ chân tôi khỏi lưới dò. Xin Chúa đoái nhìn và thương xót tôi, vì tôi cô đơn và thân tôi đau khổ.

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Chúng ta đã khởi đầu mùa chay với nghi thức xức tro một nghi thức thật cụ thể để diễn tả mục tiêu của mùa chay đó là sám hối và trở về.

Qua bài Tin Mừng, Đức Giêsu đã nói về hai biến cố thời sự làm cho nhiều người chết thảm khốc. Vào thời bấy giờ nhiều người nghĩ rằng những người bị giết hay bị tai nạn đều là người xấu, bị Chúa trừng phạt. Nhưng Chúa Giêsu đã xác định “không phải thế đâu”. Người nhắc cho mọi người ý thức thân phận tội nhân của mình và hết mọi người phải sám hối.

Trong tâm tình đó, hôm nay vào giữa mùa chay, một lần nữa Mẹ Hội Thánh mời gọi chúng ta tin tưởng vào lòn nhân từ hay tha thứ của Chúa để can đảm đứng dậy, thống hối về tất cả những yếu đuối lỡ lầm của chúng ta trong cuộc sống. Chúng ta cần sám hối thực sự để xứng đáng với lòn thương xót bao dung của Thiên Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa là Ðấng rất từ bi nhân hậu, Chúa đã từng chỉ dạy chúng con cách chữa lành những vết thương tội lỗi: là ăn chay hãm mình, siêng năng cầu nguyện và chia cơm sẻ áo cho kẻ khó nghèo. Này chúng con nhận biết mình yếu hèn lầm lỗi, và hết lòng sám hối ăn năn; xin Chúa thương đoái nhìn chúng con và đưa tay nâng đỡ. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Xh 3, 1-8a. 13-15

“Ðấng hiện hữu sai tôi đến với anh em”.

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, Môsê chăn chiên cho ông nhạc là Giêtrô, tư tế xứ Mađian. Ông lùa đoàn chiên qua sa mạc, đến núi Horeb là núi của Thiên Chúa. Thiên Chúa hiện ra với ông trong ngọn lửa cháy từ giữa bụi gai. Ông nhìn thấy bụi gai bốc lửa, nhưng không bị thiêu rụi. Môsê nói: “Ta hãy lại xem cảnh tượng kỳ lạ này, vì sao bụi gai không bị thiêu rụi”.

Thiên Chúa thấy ông lại xem, từ giữa bụi gai Người gọi ông: “Môsê! Môsê!” Ông thưa: “Dạ con đây!” Chúa nói: “Ngươi đừng đến gần đây. Hãy cởi dép ở chân ra, vì chỗ ngươi đang đứng là nơi thánh”. Chúa lại nói: “Ta là Thiên Chúa của Tổ phụ ngươi. Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp”. Môsê che mặt, vì không dám nhìn Thiên Chúa. Chúa nói: “Ta đã thấy dân Ta phải khổ cực ở Ai-cập. Ta đã nghe tiếng chúng kêu than kẻ đốc công áp bức. Ta biết nỗi đau khổ của chúng, nên Ta xuống cứu chúng thoát khỏi tay người Ai-cập và đưa ra khỏi đất ấy đến miền đất tốt tươi rộng lớn, đất tràn trề sữa và mật”.

Môsê thưa với Thiên Chúa rằng: “Này con sẽ đến với con cái Israel và bảo họ: Thiên Chúa của tổ phụ anh em đã sai tôi đến với anh em. Nếu họ hỏi con: “Tên Người là gì?”, con sẽ nói sao với họ?” Thiên Chúa nói với Môsê: “Ta là Ðấng Tự Hữu”. Chúa nói: “Ngươi sẽ bảo con cái Israel thế này: “Ðấng Tự Hữu sai tôi đến với anh em”.

Thiên Chúa lại nói với Môsê: “Ngươi sẽ bảo con cái Israel thế này: “Thiên Chúa của tổ phụ anh em, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp sai tôi đến với anh em”. Ðó là danh Ta cho đến muôn đời, đó là danh Ta phải ghi nhớ qua mọi thế hệ”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 102, 1-2. 3-4. 6-7. 8 và 11

Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót (c. 8a).

Xướng: Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người. 

Xướng: Người đã thứ tha cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng. 

Xướng: Chúa thi hành những sự việc công minh, và trả lại quyền lợi cho những người bị ức. Người tỏ cho Môsê được hay đường lối, tỏ công cuộc Người cho con cái Israel. 

Xướng: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Nhưng cũng như trời xanh cao vượt trên trái đất, lòng nhân Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. 

Bài Ðọc II: 1 Cr 10, 1-6. 10-12

“Ðời sống dân chúng đối với Môsê trong hoang địa được viết ra để răn bảo chúng ta”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, tôi không muốn để anh em không hay biết điều này, là tất cả cha ông chúng ta đã được ở dưới áng mây, đi ngang qua biển và tất cả nhờ Môsê mà được thanh tẩy, dưới áng mây và trong lòng biển; tất cả đã ăn cùng một thức ăn thiêng liêng, và uống cùng một thức uống thiêng liêng. Thật vậy, tất cả đã uống nước phát xuất từ tảng đá thiêng liêng đi theo họ: tảng đá ấy chính là Chúa Kitô. Tuy nhiên, không phải phần đông trong họ đã sống đẹp lòng Chúa, vì họ đã bị gục ngã trong hoang địa.

Bao nhiêu sự kiện đó nêu gương cho chúng ta, để chúng ta đừng chiều theo những dục vọng xấu xa như những người đó đã chiều theo. Anh em đừng lẩm bẩm kêu trách như một số người trong bọn họ đã làm, và đã vong mạng bởi tay một sứ thần huỷ diệt. Những việc đó đã xảy đến cho họ để làm gương, và đã được ghi chép để răn bảo chúng ta là những người đang sống trong thời đại cuối cùng. Thế nên, ai tưởng mình đang đứng vững, hãy ý tứ kẻo ngã.

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: 2 Cr 6, 2

Này là lúc thuận tiện, này là ngày cứu độ.

Phúc Âm: Lc 13, 1-9

“Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có những kẻ thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philatô giết mấy người Galilê, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh. Ngài lên tiếng bảo: “Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy. Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy”.

Ngài nói với họ dụ ngôn này: “Có người trồng một cây vả trong vườn nho mình. Ông đến tìm quả ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng: “Kìa, ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!” Nhưng anh ta đáp rằng: “Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân; may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Tình yêu hải hà của Thiên Chúa luôn luôn rộng mở trao ban cho những tâm hồn sẵn sàng đón nhận. Chúng ta phải biết lợi dụng ơn Chúa ban để sám hối trong mùa chay thánh này. Vậy chúng ta hãy cùng nhau dâng lời nguyện xin.

1. “Thiên Chúa của tổ phụ anh em đã sai tôi đến với anh em”– Xin lửa nhiệt thành cứu rỗi các linh hồn hun đúc tâm hồn các vị Mục tử để với đời sống thánh thiện, sự xả thân trong tác vụ, lòng quảng đại nhân từ, các ngài luôn là lời kêu gọi mọi người trở về cùng Thiên Chúa.

2. “Các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị hủy diệt” – Xin cho nguyên thủ quốc gia nhận thức được những biến động trên thế giới, như là cách Chúa cảnh tỉnh họ, biết tìm về với Chúa trong tinh thần phục thiện và thực thi bác ái.

3. “Thưa ông xin để cho nó một năm nay nữa” – Xin cho tội nhân nhận ra tình thương của Chúa mà can đảm dứt khoát với tội lỗi, để sống xứng đáng địa vị làm nghĩa tử của Chúa.

4. “Ai tưởng mình đang đứng vững hãy ý tứ kẻo ngã”.- Xin cho mọi Kitô hữu đang được sống trong ân sủng, biết đề phòng trước mọi mưu mô quỉ dữ để bảo vệ ơn thánh Chúa ban.

Chủ tế: Lạy Chúa, nhờ tình thương Chúa, chúng con được ươm trồng trong vườn nho Hội Thánh, xin cho chúng con luôn biết hấp thụ sức sống của ơn thánh, để bất cứ lúc nào chúng con cũng có thể mang lại hoa trái dồi dào. Chúng con cíìu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, nhờ những của lễ này, xin tha thứ tội lỗi chúng con đã phạm, và giúp chúng con biết thật tình tha thứ mọi lỗi lầm cho anh chị em chúng con. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.

Chúa đã thương ấn định cho con cái Chúa một thời gian đặc biệt/ để phục hồi sự trong sạch các tâm hồn, để khi lòng trí được thoát khỏi những tâm tình bất chính, con cái Chúa sử dụng của cải chóng qua/ mà gắn bó hơn với những thực tại bền vững muôn đời.

Vì thế, cùng với toàn thể Thiên thần và các thánh, chúng con hợp tiếng ca ngợi Chúa và tung hô rằng:

Thánh! Thánh! Thánh!…

Ca hiệp lễ

Đến chim sẻ còn kiếm được nhà, và chim nhạn tìm ra tổ ấm để làm nơi ấp ủ con mình cạnh bàn thờ Chúa, lạy Chúa thiên binh, ôi Đại Vương và Thiên Chúa của con: Phúc cho ai ngụ nơi nhà Chúa, họ sẽ ngợi khen Chúa đến muôn đời.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con, tuy còn ở dưới thế, được nếm thử lương thực trên trời. Xin cho mọi người chúng con biết đem cả cuộc đời hiện tại biểu dương những kỳ công tuyệt vời mà bí tích Thánh Thể vừa thực hiện nơi chúng con. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

HÃY SỐNG TRONG NIỀM VUI!

SUY NIỆM CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG – NĂM C

(Xp 3, 14-18a; Pl 4, 4-7; Lc 3, 10-18)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Lúc còn sinh thời, Mẹ Têrêxa Calcutta đã được thế giới biết đến nhờ vào lòng bao dung qua tình thương của Mẹ dành cho người nghèo! Tuy nhiên, điều mà thế giới ít biết đến, đó là món quà thiêng liêng mà mẹ dành tặng cho bất cứ ai, trong bất cứ hoàn cảnh nào, đó là: nụ cười.

Đã có nhiều cá nhân, đoàn thể, với những đối tượng khác nhau, họ đã xin Mẹ lời khuyên để sống bình an, hạnh phúc và tốt đẹp hơn! Khi được đề nghị như vậy, Mẹ đã nói: “Quí vị hãy về và ban tặng cho nhau những nụ cười… Hãy cười tươi với tất cả mọi người, bất luận người đó là ai! Với những nụ cười tươi như thế, quí vị sẽ lớn lên trong tình yêu hỗ tương”.

Còn đối với người Việt Nam, chúng ta cũng thấy mẫu gương này của Đấng Đáng Kính – Đức Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận: ngài đã cười với mọi người, kể cả kẻ thù; ngài cười lúc bình an; khi chịu đau khổ; hiểu lầm, thử thách; ngài cười lúc tự do; nhưng cũng không thiếu những nụ cười ngay khi bị tù đầy khốn cùng nơi nhà lao… lý giải cho điều này, ngài đã chia sẻ trong sách Đường Hy Vọng như sau: “Vui với người thương con.Vui với người ghét con.Vui lúc con hớn hở.Vui lúc lòng con đau khổ tê tái.Vui lúc mọi người theo con.Vui lúc con cô đơn bị bỏ rơi.Vui tươi và làm cho mọi người đến với con cũng cảm thấy bầu khí vui tươi, mặc dù lòng con tan nát. Đó là thánh thiện hơn mọi sự ăn chay, hãm mình” (ĐHV. số 539), bởi lẽ: một ông thánh buồn là một ông thánh đáng buồn.

Và ngài khuyên: “Con không có tiền? Con không có quà để tặng? Con không có gì cả. Con quên tặng họ niềm vui, tặng sự bình an mà thế gian không thể cho được, kho tàng vui tươi của con phải vô tận” (ĐHV. số 540).

Qua những mẫu gương đó, chắc hẳn chúng ta không khỏi thắc mắc rằng: tại sao các ngài có được niềm vui như thế? Thưa! Đơn giản: vì các ngài có Chúa trong mình và làm mọi việc vì lòng yêu mến Chúa và con người.

Chúa Nhật thứ 3 Mùa Vọng hôm nay còn được gọi là Chúa Nhật của niềm vui, hay Chúa Nhật Hồng. Phụng vụ Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy vui lên trong Chúa; hãy cảm nghiệm được tình thương và sự giải thoát của Thiên Chúa trong cuộc đời, nhất là tình thương cứu chuộc qua con của Người là Đức Giêsu. Tuy nhiên, để làm sao có được niềm vui cứu độ! Đây là điều chúng ta cùng nhau tìm hiểu qua ba bài đọc trong phụng vụ hôm nay.

1. Ý nghĩa Lời Chúa

Khi nói về niềm vui, chúng ta không thể chấp nhận một niềm vui giả tạo, nhưng niềm vui phải khởi đi từ chính nội tâm. Tâm tình này đã được tiên tri Sôphônia cảm nghiệm trong thời của Ngài.

Khi đối diện với cảnh nhiễu nhương, loạn lạc, cướp bóc, trả thù, tất cả những cái đó đã làm cho dân chúng thời bấy giờ rơi vào tình trạng hoang mang, sợ hãi và làm hao mòn thể xác, héo hon tinh thần… Hơn nữa, khi sống trong thảm trạng cơ cực, nhục nhã, đắng cay, bên trong thì suy đồi đạo đức, bên ngoài thì họa xâm lăng tứ phía…. Điều này đã làm cho dân Chúa luôn khao khát, mong chờ từng ngày với hy vọng được giải thoát khỏi cảnh khổ đau sầu thương họ đang chịu…

Tuy nhiên, ngay thời điểm đó, tiên tri Sôphônia đã tìm được niềm vui khi nhận ra sự tha thứ của Thiên Chúa, nên ngài hân hoan kêu gọi cũng như loan báo cho dân tin vui mừng: “Hỡi thiếu nữ Sion, hãy cất tiếng ca! Hỡi Israel, hãy hoan hỉ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy hân hoan và nhảy mừng hết tâm hồn! Chúa đã rút lại lời kết án ngươi và đã đẩy lui quân thù của ngươi. Vua Israel là Chúa ở giữa ngươi, ngươi không còn sợ khổ cực nữa” (Xp 3, 14-15).

Niềm vui ấy cũng được thánh Phaolô diễn tả qua bài đọc 2 trong thư gửi giáo đoàn Philipphê khi mời gọi và loan báo về ơn giải thoát qua sự kiện Chúa gần đến, ngài nói: “Anh em hãy vui luôn trong Chúa! Tôi nhắc lại một lần nữa: anh em hãy vui lên! Ðức ôn hoà của anh em phải sáng tỏ trước mặt mọi người, vì Chúa đã gần đến” (Pl 4,5).

Sang bài Tin Mừng, Gioan Tẩy Giả đã chỉ ra cho dân chúng thấy đâu là niềm vui thật và đâu là niềm vui giả tạo! Muốn có được niềm vui thực sự thì phải làm gì!

Giáo huấn của Gioan Tẩy Giả được bắt đầu bằng câu hỏi của dân chúng sau khi nghe ông rao giảng và kêu gọi sám hối để được hưởng trọn niềm vui của ơn cứu độ qua Đấng Cứu Thế: “Chúng tôi phải làm gì?”.

Để giúp cho mọi thành phần được ơn cứu độ, và hưởng trọn niềm vui đích thực, Gioan đã mời gọi họ dân chúng sống tình huynh đệ, sẻ chia: “Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy”; với những người thu thuế, ngài dạy họ:  “Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi”; còn với quân nhân, Gioan lên tiếng dạy họ cách dứt khoát: “Ðừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình”.

Những lời dạy của Gioan thật chí lý, thấu tình và thiết thực, không vòng vo, không trừu tượng, cũng như không quá khó! Những đường lối mà Gioan định hướng cho dân, ai cũng có thể làm được, nếu họ có đủ lòng khiêm tốn, sám hối và chân thành, nhất là nếu họ đặt mục đích tối hậu của cuộc đời mình nơi Chúa.

Khi dạy như thế, Gioan đã không buộc họ phải thay đổi nghề nghiệp, nhưng nếu để được hưởng trọn niềm vui đích thực thì phải thay đổi lối sống và cung cách hành xử.

2. Sống Lời Chúa

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta: hãy sám hối để thay đổi lối sống cho phù hợp với thánh ý Chúa.

Nếu lối sống cũ là một lối sống ích kỷ, nhỏ nhen, ưa sống hào nhoáng, hình thức bên ngoài, thì từ nay, hãy sống quảng đại, bao dung, tha thứ, nhất là tình thương ấy được ưu tiên cho người nghèo.

Nếu trước kia, chúng ta sống kiểu bề trên kẻ cả, lộng quyền, gian tham, bóc lột, thì từ nay, chúng ta phải sống trong tinh thần phục vụ, mình vì mọi người, chứ không phải mọi người vì mình, xây dựng sự công bằng, bác ái với nhau.

Nếu trước kia, chúng ta thường hay nói hành, nói xấu, vu vạ cáo gian, nhất là nhân danh điều tốt để làm chứng gian hại người, thì từ nay, chúng ta hãy sống trong sự thật, đơn sơ, chân thành…

Sống được như thế, chúng ta sẽ có niềm vui Tin Mừng đích thực, bởi tất cả những điều thiện hảo đó chính là hoa trái của sự sám hối.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con có được niềm vui sâu xa từ bên trong tâm hồn bằng việc thay đổi lối sống cho phù hợp với tinh thần của Chúa. Có được niềm vui đó, chúng con mới xứng đáng trở thành con của Chúa. Amen.

 

CHÚA NHẬT 3C MÙA VỌNG –2001
(Lc. 13:1-9) Lm Lã Mộng Thường

Bài Phúc Âm vừa được công bố bao gồm hai phần, mới thoạt nghe hay đọc tưởng chừng như chủ đích nói về sự ăn năn hối cải. Tuy nhiên, nếu để tâm nhận định, những sự thể được nhắc đến khuyến khích mọi người chúng ta nên đặt lại vấn đề nhận thức hầu giúp khả năng suy tư của chúng ta nơi hành trình đức tin nhận biết Tin Mừng Nước Trời. Phần thứ nhất của bài Phúc Âm nêu lên nhận định về những cái chết bất thường của một số người dân xứ Galilê bị ngược đãi, bị giết, và bị lấy máu hòa lẫn với máu thú vật để cúng tế, cũng như 18 người bị tháp Si-lô-ê sập đổ và đè chết. Tuy Phúc Âm nhắc đến những sự thể này nhưng Kinh Thánh không có nơi nào nhắc đến chuyện Philatô đã làm như vậy và đồng thời cũng không có tháp nào được gọi là tháp Si-lô-ê ở Jerusalem.

Thử bình tâm đôi phút nhớ lại về nhận định thường tình của mỗi người nói riêng và của đa số quần chúng nói chung, chúng ta đã quá quen thuộc với những suy tư nhân quả. Chẳng hạn, “Ở hiền gặp lành”, “Gieo gió gặt bão”, “Trồng cây dâu ăn trái dâu” để khuyến khích con người sống hiền lành ngay thẳng. Qua Ca Dao, người xưa cho rằng cuộc sống của một người còn ảnh hưởng đến con cháu sau này vì “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, hoặc, “Ông cha kiếp trước khéo tu, nên sanh con cháu võng dù nghênh ngang”.

Có người suy gẫm về những diễn biến cuộc đời cho rằng có sự quả báo nhãn tiền để giải thích sự thể xảy đến cho ai đó nơi vài trường hợp. Đọc nơi Cựu Ước, chúng ta thường gặp quan niệm về một Thiên Chúa phù trợ kẻ có lòng ngay và tiêu diệt hay trừng phạt những ai chống lại Ngài hoặc đàn áp con dân của Ngài. Thế nên, bất cứ những sự gì có vẻ bất tường, nhất là những sự kiện e sợ xảy đến cho mình, chúng ta tự động gán ép hay mường tưởng về một nguyên nhân tương xứng đi kèm. Nơi hai trường hợp được nêu lên mà bình thường mọi người đều có ý nghĩ không hay về nguyên nhân luân lýhay đạo đức đã kiến tạo nên sự thể đáng ngại, Phúc Âm đặt nơi miệng Đức Giêsu câu giải thích, “Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi sẽ bị hủy diệt như vậy”.

Thực ra xét theo phương diện vật chất, bất cứ ai cho dù chết cách nào, thân xác chúng ta sau một thời gian sẽ trở thành bụi đất. Thế nên, thân xác ai rồi cuối cùng cũng bị hủy diệt như nhau. Bởi vậy, sự ăn năn hối cải được Phúc Âm nhắc tới tất nhiên chỉ về trạng thái tâm hồn con người. Mọi người chúng ta đều hiểu, ngôn từ “Ăn năn hối cải” được phiên dịch do động từ Hy Lạp “Metanoia” có nghĩa thay đổi chiều hướng suy tư, suy nghĩ khác thường. Phúc Âm đặt nơi miệng Đức Giêsu câu trả lời khác thường đối với quan niệm nhận thức nhân sinh. Phúc Âm nhắc nhở chúng ta không nên nông nổi nhận định sự thể cuộc đời theo quan niệm hạn hẹp nhân sinh. Trường hợp cây vả trồng nơi vườn nho cũng thế, mới thoạt nghe, quả là quá dễ hiểu, và ai cũng đều nghĩ rằng cây vả không sinh trái thì đáng bị chặt bỏ. Cây vả tiếng Mỹ gọi là “fig tree” có trái như trái sung, khi chín ăn ngọt và thơm, đôi khi chúng ta thấy mọc bên đường.

Tuy nhiên, quý ông bà anh chị em đã quá quen với kinh nghiệm trồng cây, cấy rau, đều hiểu và thuộc nằm lòng câu ngạn ngữ, “Cây chạm lá, cá chạm vi”. Cây vả bị trồng nơi vườn nho, bị bóng rợp của giàn nho che khuất ánh nắng thì sao có thể lớn và sinh trái.

Xét như vậy, ông chủ đất ra lệnh chặt cây vả nhưng thực ra lên án người làm vườn vì đã không chịu suy nghĩ, nhận định nên trồng cây vả dưới bóng rợp của giàn nho. Nếu nhận định thâm trầm hơn theo lối viết ám định nơi Thánh Kinh thường gọi dân Chúa là vườn nho và chính Ngài là chủ vườn, bài Phúc Âm lên tiếng răn đe những vị lãnh nhận trách nhiệm rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Dân Chúa nơi bài Phúc Âm được ví như cây vả và người làm vườn là bất cứ ai khoác lên mình sứ vụ tông đồ truyền giáo, rao giảng ơn cứu độ, rao giảng Nước Chúa, hy sinh cho Chúa, hy sinh cứu các linh hồn, linh mục, tu sĩ, bề trên, bề dưới, và cả bề ngang v.v... đủ mọi thứ bề, đủ mọi chức tước. Bất cứ ai được trao trách nhiệm hoặc tự nhận trách nhiệm trước dân Chúa mà không suy nghiệm Phúc Âm để học theo Đức Giêsu để công bố, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, nhưng cổ võ cho những công chuyện nào đó, hoặc luân lý, hoặc phương diện thế tục khiến dân Chúa trở nên mù tối, không phát sinh hoa trái là sự thăng tiến nơi hành trình đức tin, hành trình nghiệm chứng Nước Thiên Chúa, đều là những tên làm vườn đáng bị lên án.

Lời Chúa là Thần Khí, là chính quyền lực của Ngài. Đây là lý do tại sao gọi Đức Giêsu là Ngôi Lời. Thần Khí, Lời Chúa, Ngôi Lời, Tin Mừng không được tuyên xưng, tuyên dương mà cổ võ cho luân lý thế tục, cho quyền hành, danh vọng, chức nọ, tước kia, thì những người làm vườn đã lạm dụng dân Chúa như thế phỏng đáng bị kết án như thế nào.

Suy như thế, bất cứ ai trong sứ vụ rao giảng Phúc Âm mà dùng bất cứ quyền lực hay phương tiện nào để tuyên truyền, cổ võ cho bất cứ gì không thuộc về Tin Mừng Nước Trời, hoặc rao giảng Phúc Âm theo nhận định thế tục chắc chắn đều bị lên án vì đã không giúp dân Chúa nhận biết và tìm kiếm Nước Thiên Chúa. Phúc Âm viết ông chủ vườn nho ra lệnh cho người làm vườn chặt cây vả không sinh hoa trái quả là thâm trầm, khôn ngoan, và quá tuyệt vời nơi lối văn chương diễn xuất. Chẳng lạ gì Phúc Âm đã cho rằng Đức Giêsu đến để khiến kẻ mù được sáng và người sáng suốt trở nên tối tăm (Gn. 9:39), đồng thời lên án, khốn cho những kẻ cất đi chìa khóa mở đàng hiểu biết (Lc. 11:52). Amen.

Chúa nhật tuần lễ thứ ba mùa chay - C
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 13, 1-9).

Khi ấy, có những kẻ thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philatô giết mấy người Galilê, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh. Ngài lên tiếng bảo: “Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy. Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy”.

Ngài nói với họ dụ ngôn này: “Có người trồng một cây vả trong vườn nho mình. Ông đến tìm quả ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng: “Kìa, ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!” Nhưng anh ta đáp rằng: “Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân; may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi”.

Suy niệm

Sám hối là một lời mời Thiên Chúa gợi nhắc cho con người hãy thực hiện trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt trong mùa chay, mùa của sám hối và cầu nguyện. Sám hối là nhìn vào chính con người thực của mình, để thấy những yếu đuối, những cách suy nghĩ của bản thân còn phù hợp với hành trình đức tin hiện tại, và cũng để thấy những gì cần phải thay đổi, cần phải loại trừ. Tất cả để trở nên một con người mới, một con người sống tinh thần mùa chay đúng nghĩa như lòng Chúa mong muốn. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ ba mùa chay đưa chúng ta trở lại với tâm tình sám hối theo tin thần Thánh kinh, để sự cố gắng của mỗi người không ra khỏi quỹ đạo tình yêu của Đấng Tình yêu. Thiên Chúa đã cúi xuống với con người, đã nghe tiếng kêu xin của con người và đã thấy những khổ đau của con người, phần Thiên Chúa là thế, còn phần con người là gì nếu không phải là sám hối, là canh tân đức tin và thành tâm trở về với Thiên Chúa, người Cha đang đợi chờ con người từng ngày.

Khi đối diện với những bất công, những đau khổ trong đất Ai-cập, người Do-thái đã kêu cầu Thiên Chúa, xin Ngài đoái thương giải thoát họ. Tiếng kêu cầu đó thấu tận trời xanh, Thiên Chúa đã cúi xuống, chọn một người thay mặt Ngài, đưa dân ra khỏi cảnh lầm than nô lệ tại đất khách quê người, đó là ông Môi-sen. Bài đọc 1 trích từ sách Xuất hành kể lại cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và ông Môi-sen trong sa mạc Si-nai, nơi đó Ngài nói lên nỗi niềm của Ngài cho ông ta biết, đồng thời mời ông lên đường giúp đỡ dân Ngài: “Thiên Chúa thấy ông lại xem, từ giữa bụi gai Người gọi ông: “Môsê! Môsê!” Ông thưa: “Dạ con đây!” Chúa nói: “Ngươi đừng đến gần đây. Hãy cởi dép ở chân ra, vì chỗ ngươi đang đứng là nơi thánh”. Chúa lại nói: “Ta là Thiên Chúa của Tổ phụ ngươi. Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp”. Môsê che mặt, vì không dám nhìn Thiên Chúa. Chúa nói: “Ta đã thấy dân Ta phải khổ cực ở Ai-cập. Ta đã nghe tiếng chúng kêu than kẻ đốc công áp bức. Ta biết nỗi đau khổ của chúng, nên Ta xuống cứu chúng thoát khỏi tay người Ai-cập và đưa ra khỏi đất ấy đến miền đất tốt tươi rộng lớn, đất tràn trề sữa và mật”. Một cuộc gặp gỡ rất thân tình giữa Thiên Chúa và con người, và cũng từ đây, con người thấy được tình yêu của một người Cha nơi Thiên Chúa như thế nào. Tác giả đã dùng ngôn ngữ con người làm nổi bật tình Cha yêu thương con cái và luôn sát cánh với con cái trong mọi hoàn cảnh cuộc đời.

Sau khi xây dựng các cộng đoàn giáo hội mới, các Tông đồ luôn nhắc nhở cho các tín hữu, hãy luôn ý thức về tình thương Thiên Chúa dành cho các bậc tổ tiên, cũng như chính họ hiện tại. Trong lá thư gởi cộng đoàn giáo hội tại Cô-rin-thô, thánh Phaolô cũng nhắc nhở mọi người về những gì các bậc tổ tiên đã lãnh nhận từ Thiên Chúa, để hôm nay, họ đừng đi ra khỏi con đường Ngài đang đồng hành với họ: “Anh em thân mến, tôi không muốn để anh em không hay biết điều này, là tất cả cha ông chúng ta đã được ở dưới áng mây, đi ngang qua biển và tất cả nhờ Môsê mà được thanh tẩy, dưới áng mây và trong lòng biển; tất cả đã ăn cùng một thức ăn thiêng liêng, và uống cùng một thức uống thiêng liêng. Thật vậy, tất cả đã uống nước phát xuất từ tảng đá thiêng liêng đi theo họ: tảng đá ấy chính là Chúa Kitô. Tuy nhiên, không phải phần đông trong họ đã sống đẹp lòng Chúa, vì họ đã bị gục ngã trong hoang địa”. Lời nhắc của thánh Tông đồ gởi đến cho các tín hữu hôm nay ý thức rằng, sau khi Thiên Chúa đã chọn một dân riêng cho Ngài, để thực hiện chương trình cứu độ, Ngài đã cúi xuống, đã lắng nghe và thấy tất cả những khó khăn, những khổ đau của kiếp người, Ngài chỉ mong con người cũng nhận ra điều đó, để sám hối, để đổi thay và luôn được bên cạnh Ngài trong hành trình đức tin.

Đau khổ luôn là nỗi ám ảnh đối với con người, nào là đau khổ thể xác vì bệnh tật, chiến tranh, nào là đau khổ tinh thần vì bị bỏ rơi, vì sĩ diện, vì kiêu căng, vì tự mãn và vì đánh mất cảm thức về tội nên không biết mình có tội lỗi gì. Lời khuyên bảo của Đức Giêsu trong bài tin mừng thôi thúc người tín hữu hãy cảnh tỉnh với chính mình trước, để biết dừng chân và sám hối, để biết phản tỉnh và sửa đổi bản thân: “Ngài lên tiếng bảo: “Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy. Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy”. Không thiếu những lần con người phạm tội nhưng cứ nghĩ rằng lỗi đó là do người khác gây nên, mình chỉ là nạn nhân, nhưng thực chất, cái tôi ích kỷ và tự mãn, là nguồn cội gây ra những tội lỗi trong cuộc đời. Người Do-thái nghĩ rằng những người bị tháp Si-lô-e đổ xuống đè chết là do tội của họ, do chính thái độ sống của họ gây nên. Quy chụp cho người khác để trốn tránh trách nhiệm của mình là một trong những xu hướng của xã hội hôm nay, dù đó là khía cạnh nào của cuộc sống. Lầm tưởng mình luôn là người trong sạch, luôn là người công chính, luôn là người thánh thiện, tạo cho người tín hữu một chiếc áo an toàn, an phận ngay trong vũng bùn tội lỗi mình đang sống.

Với những chuyến xuất hành của tuần lễ thứ 2 mùa chay, hành trình đức tin của người tín hữu cần được soi chiếu cẩn thận để thấy những cố gắng của mình. Từ bỏ những đam mê thế gian, người tín hữu mong được đi trên con đường tự do, họ được mời gọi đi ngang qua mầu nhiệm thập giá đau khổ để tiến về vinh quang của mầu nhiệm phục sinh, họ được mời dấn thân trong sự từ bỏ chính mình, để tiến về niềm vinh dự được chung phần hạnh phúc Nước Trời, họ đã cố gắng, họ đã quyết tâm như các Tông đồ xưa. Thế nhưng, người tín hữu quên rằng sau khi từ bỏ những gì thuộc về thế gian, họ vô tình đang trở thành nô lệ cho những nhu cầu cuộc sống tâm linh hàng ngày, đời sống tôn giáo là con đường chính bản thân tìm cho riêng mình để gặp gỡ Thiên Chúa. Vì thế, không thể dùng những hình thức của xã hội để bày tỏ tâm tình tôn giáo của mình, cũng như không thể biến tôn giáo thành lễ hội hay những sự kiện đặc biệt. Đời sống tôn giáo phải xuất phát từ cái tâm, từ chính trái tim của mỗi người, họ có lòng khát khao gặp gỡ Thiên Chúa hay không, họ có thực tâm mong được sống hạnh phúc trong mái ấm gia đình của Thiên Chúa hay không, tất cả đến từ khát vọng của mỗi người, chứ không đến từ đám đông hay đến từ những hình thức lễ hội bên ngoài.

Bước vào mùa chay, người tín hữu được mời gọi tham dự những nghi thức đạo đức, giúp họ phản tỉnh đời sống đức tin hàng ngày, họ cố gắng vượt qua mọi trở ngại để tham dự đầy đủ và trọn vẹn, và đó là một việc làm để được hưởng hạnh phúc Thiên đàng. Quả thực là một suy nghĩ thiển cận, bởi hành trình đức tin đâu chỉ tồn tại trong mùa chay mà thôi, hành trình đức tin đâu chỉ dừng lại nơi những nghi thức đạo đức mà thôi, họ quên bổn phận hàng ngày của mình là gì, có cần đổi mới và sám hối từng ngày và trong từng hoàn cảnh không. Mẹ Giáo hội mời con cái hãy tiết kiệm chi tiêu để giúp đỡ tha nhân đang khó khăn, đó là một chút hy sinh của bản thân, nhưng tiếc thay, người tín hữu nghĩ rằng đó là bố thí, là lấy chút ít dư thừa của gia đình, trao cho một ai đó vì bổn phận, vì phải có với mọi người, vì sĩ diện của gia đình, và hơn hết là vì lòng thương hại. Lời nhắc của Đức Giêsu trong bài tin mừng hôm nay mở ra một chân trời mới trong việc sống đạo, đừng nghĩ rằng một ai đó phải từ giã cuộc đời là do tội lỗi của họ hay gia đình của họ, chẳng lẽ Thiên Chúa quá nghiêm khắc với con cái Ngài thế sao. Không thiếu những lần con người đã đổ lỗi cho Thiên Chúa về những tai nạn trong cuộc sống, về những thiên tai từ môi trường, từ thiên nhiên, mà quên rằng đó là nhân tai chứ không phải thiên tai, đó là do lòng tham của con người chứ không đến từ sự ích kỷ của Thiên Chúa. Sám hối không chỉ là những lời đầu môi chóp lưỡi con người hay nói với nhau, nhưng phải xuất phát từ cái tâm, từ suy nghĩ và tâm tình sống đạo của mình. Thiên Chúa cần một tấm lòng hơn là cần của lễ, Ngài mong con người hãy sám hối, hãy phân định sự tự do đích thực của người tín hữu là gì, để giữ đạo, để sống đạo cách đúng đắn hơn.

Lạy Chúa Giêsu, khi chấp nhận thân phận của một con người, Chúa đã trở nên người con đích thực trong gia đình, trở nên thành viên có trách nhiệm trong tổ ấm, bước vào đời sống công khai, Chúa đã trở thành một thành viên đúng nghĩa của cộng đoàn tôn giáo, xin cho chúng con biết noi gương Chúa, dám thay đổi cuộc đời của mình trở thành người con của Giáo hội đúng nghĩa, trở thành anh chị em trong gia đình thiêng liêng của Chúa như lòng Chúa mong ước. Chúa đã từ bỏ tất cả, kể cả mạng sống, để thánh ý Chúa Cha nên trọn vẹn trong cuộc đời của Ngài, xin cho chúng con biết thay đổi con người của mình, từ suy nghĩ cho đến thái độ sống, để không phải chúng con đang sống mà là Đức Giêsu Kitô đang sống trong con người chúng con. Amen.

MAY QUÁ, MÌNH THOÁT NẠN! HAY MÌNH XỨNG ĐÁNG?
(Chúa Nhật III Mùa Chay C) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Có thể nói một trong những đặc tính của thời đại hôm nay đó là tính thời sự. Nhờ phương tiện thông tin ngày càng hiện đại nên tin tức đó đây tức thời được cập nhật qua các phương tiện nghe nhìn. Chỉ ngồi trước màn ảnh truyền hình một lát thì ta có thể biết khá tường tận nhiều sự việc vừa xảy ra trên thế giới. Chịu khó thống kê một chút, thì chúng ta có thể kết luận rằng nhóm “hung tin” hình như đang chiếm thế thượng phong về tần suất được tường thuật, chẳng hạn như: chiến tranh, dịch bệnh, động đất, sóng thần, lũ lụt, khủng bố, hỏa hoạn, bão tuyết…

Trước những tai ương hoạn nạn thì có những phản ứng khác nhau. Có người thì điềm nhiên như sự việc xảy ra là ở đâu đâu, không liên hệ gì đến mình. Cũng có thể thoạt đầu vẫn có cảm xúc ít nhiều nhưng rồi dần dà nghe thấy quá nhiều tai ương hoạn nạn, nên hóa thành vô cảm. Vô cảm trước hoạn nạn mà tha nhân đang gánh chịu là một thái độ đáng lên án. Thái độ này dễ nhận biết cách nào đó và chẳng ai muốn bị kết án là hạng người vô cảm, vì chính bản thân người vô cảm cũng ít nhiều nhận thấy cái sai trái của mình. Tuy nhiên có một phản ứng thoạt xem ra không đáng trách nhưng thật tai hại. Có thể gọi phản ứng này với câu nói ngoài miệng hay lời thầm trong lòng những người thuộc hạng này: “Hú hồn, may quá, mình vẫn bình yên, mình may mắn hơn! Hay mình đang xứng đáng?”.

“Mình may mắn hơn”. Một câu nói, đúng hơn là một phản ứng rất có thể có nơi nhiều người không bị tai ương hoạn nạn. Trước các biến cố cuộc đời, người ta vốn quen kết luận theo quy luật nhân quả “ở hiền thì gặp lành; làm ác thì chuốc dữ”. Chính vì thế khi một tai ương hay hoạn nạn xảy đến cho người này, người kia, thì người ta dễ quy kết nguyên nhân là do tội, do lỗi của các nạn nhân hay của mẹ cha, ông bà họ trước đây. Chính các tông đồ cũng đã từng hỏi Chúa Giêsu về nguyên nhân khiến cho một người bị mù từ lúc mới sinh mà Tin Mừng Gioan tường thuật: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến cho người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?” (Ga 9, 2).

Cũng vì thói quen nhìn các sự kiện theo mối liên hệ nhân quả nên khi những tai ương hoạn nạn không ảnh hưởng gì đến chúng ta thì chúng ta rất có thể không chỉ nghĩ rằng may quá, mình không vương nạn mà còn có thể tự hào rằng mình đang còn tốt lành, còn đang xứng đáng. Đây quả là một thái độ ít nhiều vừa tắc trách lại vừa đáng trách.

Một tai ương, hoạn nạn xảy ra, có thể là do sự vận động của giới tự nhiên theo quy luật của nó như chuyện hết mưa thì trời lại nắng…, cũng có thể là do tác động của con người như chuyện biến đổi khí hậu bất thường do hiệu ứng nhà kính…, cũng có thể là do lỗi hay tội của người này, tập thể kia gây ra cho chính bản thân họ hay cho tha nhân, chẳng hạn như chiến tranh hoặc nhiều tai nạn giao thông… Là Kitô hữu, chúng ta vốn tin nhận rằng mọi người đều là anh chị em với nhau, có cùng một Cha trên trời thì không thể nào có thái độ vừa tắc trách vừa đáng trách trước các hoạn nạn, tai ương mà tha nhân đang gánh chịu đó đây. Trái lại, chúng ta cần phải tích cực liên đới với họ và đồng thời phải biết cảnh tỉnh bản thân để hoán cải, đổi thay ngay hôm nay.

Sống tình liên đới: Thiên Chúa chúng ta tôn thờ không phải là một ông chủ vô tình hay một vị thần bàng quan với con dân. Khi mạc khải cho Môsê biết mình là “Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaác, Thiên Chúa của Giacóp”, thì Người muốn khẳng định rằng Người mãi đồng hành thiết thân với dân Người tuyển chọn và Người không bao giờ bỏ rơi dân Người. “Đức Chúa phán: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai Cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai Cập…” (Xh 3, 7-10). Sự liên đới của Thiên Chúa đã nên phổ quát và trọn hảo khi trao ban chính Người Con Một vì nhân loại chúng ta. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời…” (Ga 3, 16-17).

Sống tình liên đới với tha nhân, đặc biệt trong những hoàn cảnh hoạn nạn, tai ương mà tha nhân đang gánh chịu, thì trước hết cần ý thức rằng có thể do sự thiếu sót hay do tội lỗi của chính chúng ta đã làm cho tha nhân phải gánh chịu các cảnh bĩ cực ấy. Thứ đến, nếu giả như chúng ta “vô can” trong các hoạn nạn, tai ương ấy thì chuyện “máu chảy, ruột mềm” hay chuyện “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ” là chuyện tự nhiên, đương nhiên phải có trong nghĩa tình anh em một nhà, cùng một Cha trên trời. Hơn nữa, trong niềm tin, chính tội lỗi mới là tai ương, hoạn nạn đáng sợ nhất. Noi gương Chúa Kitô, vâng lệnh Chúa Kitô, chúng ta “phải làm việc này mà nhớ đến Người”: đó là dùng chính con người của mình, xác thân mình, máu huyết, sự sống của mình để gánh tội của nhau, để làm cho nhau nên thanh sạch, được sống và sống dồi dào (x.1Cr 11, 23-25).

Biết cảnh giác và tỉnh thức để hoán cải: Thánh Tông Đồ dân ngoại lưu ý: “Ai tưởng mình đứng vững, thì hãy coi chừng, kéo ngã” (1Cr 10, 12). Trước chuyện một số người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu họ đổ ra hòa lẫn với máu tế vật họ đang dâng hoặc chuyện mười tám người bị tháp Silôê đổ xuống đè chết, Chúa Giêsu đã cảnh báo người đương thời rằng chớ vội quy kết rằng họ có tội hoặc cho rằng mình vô tội hay đang xứng đáng, nhưng phải biết tỉnh thức mà sám hối ăn năn.

“Chưa tận thế đâu”. Một câu nói rất có thể có ích khi nhắc nhớ chúng ta chớ hấp tấp, nóng vội mà quên đi quy luật của thời gian. Tuy nhiên, câu nói trên cũng có thể tố cáo sự thiếu cảnh giác và tỉnh thức của chúng ta. Nhiều tổ chức, nhiều chương trình, kế hoạch hay công việc đòi hỏi có thời gian tính. “Dục tốc bất đạt” vốn là kinh nghiệm có từ ngàn xưa. Thế nhưng, trong chuyện sửa sai, nhiều khi không thể để đến ngày mai, vì sẽ không còn có cơ hội hoặc vì hậu quả xấu đã ra trầm trọng, thành tình trạng di căn, khó có thể khắc phục. Đặc biệt trong việc hoán cải tâm hồn thì luôn cần phải làm ngay trong hôm nay, giờ phút này. Xin đừng quên rằng không phải một ngày, không phải một giờ, nhưng có thể chỉ một phút, một giây sẽ quyết định số phận, quyết định hạnh phúc đời đời của bạn, của chính tôi.

Một trong những thái độ sống cần thay đổi đó là sự bàng quan, vô cảm, an phận trước cảnh bĩ cực của tha nhân hoặc tự nhủ: may quá, mình không vương nạn, mình đang xứng đáng!

ĐÓNG BĂNG TÂM HỒN
(Lc.16,19-31) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Văn phong dụ ngôn là một loại hình văn chương rất quen thuộc với người Do Thái thời Chúa Giê-su, dù vậy nó không đương nhiên dễ hiểu đối với Ki-tô hữu, kể cả hôm nay. Qua một câu chuyện có thể rất thường nhật, người kể muốn truyền đạt một chân lý nào đó. Chìa khoá để nắm bắt ý tưởng người kể muốn nói, bình thường ta cần chú ý đến câu kết của câu chuyện hoặc một chi tiết nào đó xem ra không ‘lôgich’ với tiến trình của câu chuyện.

Ông nhà giàu trong dụ ngôn trên khi đang trầm luân trong âm phủ (hay hoả ngục) lại có lòng nghĩ đến các anh em đang còn dương thế quả là một chi tiết nghịch lý thú vị. Tuy nhiên cái thú vị này lại hướng chúng ta trở về với ông thời còn tại thế. Gia cảnh giàu có, phải chăng vì ông ta biết cách kinh doanh? Điều này ta không rõ, nhưng Đức Giêsu không minh nhiên kể rằng nhờ làm ăn bất chính mà ông giàu có. Có tiền, có của thì ăn mặc lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình đâu phải là điều đáng lên án. Tuy nhiên điều đáng trách nơi ông ta là cái sự “không thấy” anh Ladarô nghèo khổ, mụn nhọt đầy mình nằm trước cổng nhà ông đang nhỏ “nước miếng” thèm thuồng của ăn thừa, thức ăn rơi vãi từ bàn ăn của ông ta mà chẳng được. Tất thảy vì một lẽ này: nhiều người và cả ông nhà giàu “đã có nhìn mà không thấy”.

Nhìn mà không thấy hẳn có nhiều nguyên nhân, thế nhưng cái nguyên nhân chính ở câu chuyện này hẳn ta phải rõ. Đó là sự vô tâm, lòng dửng dưng của ông nhà giàu trước cảnh tình khốn khổ của đồng loại. Không ai ngây ngô tin rằng nếu ở trần gian này gặp nhiều sự may lành thì mai sau sẽ “xuống hoả ngục” hoặc ngược lại nếu gặp sự khốn khổ ở đời này thì mai sau sẽ “lên thiên đàng”. Chính bởi cái tâm và cung cách sống của ta đối với tha nhân, nhất là đối với bần cùng, khốn khổ mới quyết định số phận chúng ta sau này. Nội dung Tin Mừng, đặc biệt Tin mừng Matthêu chương 25 cho ta khẳng định điều này. Quả thật ông nhà giàu trong dụ ngôn đã phải trầm luân dưới âm phủ là vì sự dửng dưng, sự vô tâm của ông trước cảnh tình của anh Ladarô nghèo khổ.

Đọc Tin mừng, chúng ta phải ngạc nhiên, vì có những tội ta xem là lớn và quả thật nó cũng gây tai hại thế mà Chúa Giêsu bỏ qua và tha thứ dễ dàng, chẳng hạn những tội về tính xác thịt. Cả đến tội ngoại tình như chuyện người đàn bà bị bắt quả tang trong Tin Mừng Gioan thì Chúa Giêsu lại ngõ lời rất nhân từ: “Ta cũng không kết tội chị. Hãy về và đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11). Trái lại, Ngài mạnh mẽ lên án sự vô tâm, sự dửng dưng trước người nghèo, người khốn khổ, người tội lỗi.

Tuy nhiên ta phải ngạc nhiên vì câu kết của dụ ngôn trên bằng lời của Abraham: “Môsê và các ngôn sứ mà họ chẳng còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ chẳng chịu tin” (Lc 17,31). Câu kết này làm ta nhớ lại lời của Chúa Giêsu: “họ có mắt mà không thấy, có tai mà chẳng nghe” (x.Mt 13,10-15). Đúng hơn, họ có nhìn mà không muốn thấy, có nghe mà chẳng chịu tin, tức là nghe theo. Thấy điều phải làm, nghe điều phải đạo mà vẫn làm ngơ hay tìm cách bào chữa hẳn có nhiều nguyên cớ. Cái lý do mà dụ ngôn này muốn nói chính là sự giàu có, nhiều tiền, đầy đủ của cải vật chất, đủ đầy tiện nghi.

Tiền của càng phình ra thì con tim càng bó hẹp lại. Tiện nghi càng đủ đầy thì khoảng cách giữa người với người càng xa. Thực tiễn đời sống đô thị cho chúng ta thấy hiện tượng này. Không thể làm tôi hai chủ được. Khi đã đặt của tiền vào tâm trí thì Thiên Chúa sẽ bị đẩy ra xa và dĩ nhiên tha nhân sẽ chẳng là gì cả. Xin chớ để sự giàu có đóng băng tâm hồn. Nếu xét giàu có là tình trạng sở hữu trên mức bình thường những cái có giá trị về vật chất hoặc tinh thần thì quyền lực, địa vị, thậm chí cả những “công lao đạo đức” cũng có thể khiến chúng ta hóa thành “giàu có” cách đáng tiếc.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây