TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Phục Sinh - Năm B

Ông đã thấy và đã tin. (Ga 20,1-10)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật III Mùa Vọng - Năm C

04/12/2021 10:28:56 |   1401

Chúa Nhật III Mùa Vọng - Năm C
 

Cn03 MV C

Lc 3, 10-18

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

Chúa Nhật III Mùa Vọng - Năm C

Ca nhập lễ

Anh em hãy vui luôn trong Chúa! Tôi nhắc lại: Anh em hãy vui lên! Vì Chúa đã đến gần.

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Hôm nay Chúa Nhật thứ III Mùa Vọng. Chúng ta đã đi được nửa đường của Mùa Vọng và lễ Giáng Sinh sắp đến. Chúa Nhật này được gọi là Chúa Nhật mầu hồng hay Chúa Nhật của niềm vui. Theo lời giáo huấn của Thánh Phaolô gửi tín hữu Philipphê: “anh em hãy vui luôn trong Chúa …đức ôn hòa của anh em phải sáng tỏ trước mặt mọi người, vì Chúa đã gần đến, anh em đừng lo lắng gì hết”.

Người Kitô hữu sống niềm vui của những người được Chúa yêu thương cứu chuộc. Chúng ta sống vui tươi nhưng không quên bổn phận phải yêu thương chia sẻ cơm áo cho tha nhân, sống công bằng và chính trực. Đó là nhưng việc cụ thể mà Tin Mừng hôm nay đề nghị với chúng ta. Vì cuộc đời Kitô hữu cũng là một Mùa Vọng kéo dài trong đợi chờ Chúa đến lần thứ hai vào ngày cánh chung.

Sự bình an và tươi vui đó chỉ có được nơi những người có niềm tin, có lòng khiêm tốn cậy dựa vào Chúa như Gioan Tiền Hô. Nếu chúng ta muôn được niềm vui, được lớn lên trước mặt Chúa thì giờ đây chúng ta hãy hạ mình xuống nhìn nhận những yếu đuối của chúng ta.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, này dân Chúa đem tất cả niềm tin đợi chờ ngày lễ Sinh Nhật Ðấng Cứu Thế. Xin hướng niềm vui chúng con về chính nguồn hoan lạc của mầu nhiệm Giáng Sinh cao cả để tâm hồn chúng con hoàn toàn đổi mới, mà họp mừng ngày cứu độ đã gần kề. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Xp 3, 14-18a

“Chúa sẽ hân hoan vì người”.

Trích sách Tiên tri Xôphônia.

Hỡi thiếu nữ Sion, hãy cất tiếng ca! Hỡi Israel, hãy hoan hỉ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy hân hoan và nhảy mừng hết tâm hồn! Chúa đã rút lại lời kết án ngươi và đã đẩy lui quân thù của ngươi. Vua Israel là Chúa ở giữa ngươi, ngươi không còn sợ khổ cực nữa.

Trong ngày đó, ở Giêrusalem thiên hạ sẽ nói rằng: Hỡi Sion, đừng sợ, tay ngươi sẽ hết rã rời! Chúa là Thiên Chúa ngươi, là Ðấng mạnh mẽ ở giữa ngươi, chính Người cứu thoát ngươi. Người hân hoan vui mừng vì ngươi. Người cảm động yêu thương ngươi, và vì ngươi, Người sung sướng reo mừng. Những kẻ hư hỏng bỏ lề luật, Ta sẽ quy tụ họ lại, vì họ cũng là con cái ngươi.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Is 12, 2-3. 4bcd. 5-6

Ðáp: Hãy nhảy mừng và ca ngợi, vì ở giữa ngươi có Ðấng Thánh của Israel thật cao cả (c. 6).

Xướng: Ðây Thiên Chúa, Ðấng Cứu Chuộc tôi. Tôi sẽ tin tưởng mà hành động, tôi không run sợ: vì Thiên Chúa là sức mạnh của tôi và là Ðấng tôi ca ngợi. Người trở nên phần rỗi của tôi. 

Xướng: Các ngươi sẽ hân hoan múc nước nơi suối Ðấng cứu độ: Hãy tung hô Chúa, hãy kêu cầu thánh danh Người, hãy công bố cho các dân tộc biết các kỳ công của Người, hãy nhớ rằng danh Người rất cao trọng. 

Xướng: Hãy hát mừng Chúa, vì Người đã làm những việc cả thể, hãy công bố việc này trên khắp địa cầu. Hỡi dân Sion, hãy nhảy mừng và ca ngợi, vì ở giữa ngươi, có Ðấng Thánh của Israel thật cao cả. 

Bài Ðọc II: Pl 4, 4-7

“Chúa gần đến”.

Trích thơ Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Philipphê.

Anh em thân mến, anh em hãy vui luôn trong Chúa! Tôi nhắc lại một lần nữa: anh em hãy vui lên! Ðức ôn hoà của anh em phải sáng tỏ trước mặt mọi người, vì Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo lắng gì hết, nhưng trong khi cầu nguyện, anh em hãy trình bày những ước vọng lên cùng Chúa, bằng kinh nguyện và lời cầu xin đi đôi với lời cảm tạ. Và bình an của Thiên Chúa vượt mọi trí hiểu, sẽ giữ gìn lòng trí anh em trong Chúa Giêsu Kitô.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Is 61, 1 (x. Lc 1, 18)

Alleluia, alleluia! – Thánh Thần Chúa ngự trên tôi. Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 3, 10-18

“Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, dân chúng hỏi Gioan rằng: “Vậy chúng tôi phải làm gì?” Ông trả lời: “Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy”. Cả những người thu thuế cũng đến xin chịu phép rửa và thưa rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì?” Gioan đáp: “Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi”. Các quân nhân cũng hỏi: “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” Ông đáp: “Ðừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình”.

Vì dân chúng đang mong đợi và mọi người tự hỏi trong lòng về Gioan rằng: “Có phải chính ông là Ðức Kitô chăng?” Gioan trả lời cho mọi người rằng: “Tôi lấy nước mà rửa các ngươi, nhưng Ðấng quyền năng hơn tôi sẽ đến, – tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, – chính Người sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. Người cầm nia trong tay mà sảy sân lúa của Người, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt!” Ông còn khuyên họ nhiều điều nữa khi rao giảng tin mừng cho dân chúng.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Sống thanh liêm và công bằng là như lội ngược dòng, là như leo núi, là đi vào cửa hẹp mà Chúa Giêsu luôn đề cao và mời gọi. Muốn sống được như thế chúng ta cần xin ơn Chúa giúp bằng lời cầu nguyện:

1. “Chúa là Thiên Chúa ngươi, là Đấng mạnh mẽ ở giữa ngươi” Xin cho Đức Giáo Hoàng, các Giám mục, các Linh mục mặc lấy tinh thần của Thánh Gioan Tẩy Giả, sống gương mẫu, khiêm nhường và thánh thiện, để có thể vạch lối chỉ đường cho muôn dân tìm về với Chúa.

2. “Anh em hãy trình bầy những ước ước vọng lên Chúa” – Xin cho các Kitô hữu biết phó thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa, và minh chứng lòng tin qua việc học và sống Lời Chúa, để họ trở nên chứng tá cho sự Thiên Chúa hiện diện giữa loài người.

3. “Chúng tôi phải làm gì” – Xin cho các tội nhân biết hồi tâm tự vấn “tôi phải làm gì”, để mau mau hoán cải đời sống, hầu xứng đáng lãnh nhận hồng ơn cứu độ

4. “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta...”.- Xin cho mọi người trong giáo xứ chúng ta, biết vâng nghe lời mời gọi của thánh Gioan Tiền Hô, để tu chỉnh cuộc sống, nhờ đó, chúng ta đáng được Chúa tiếp nhận trong ngày Người lại đến.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết dùng chính những phút giây hiện tại, mà sàng sẩy tâm hồn bằng việc hồi tâm nguyện cầu, khổ chế cùng với việc thực thi đức ái và khiêm tốn như cách thế chuẩn bị đón gặp Chúa trong hân hoan và hy vọng, Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con hằng biết dâng lên Chúa lễ tế chứng tỏ lòng tôn kính mến yêu. Ước chi hy lễ này hoàn toàn thể hiện được ý muốn của Ðức Kitô khi lập bí tích Thánh Thể, là đem lại cho cả thế giới ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng mùa vọng I

Ca hiệp lễ

Hãy nói vói những kẻ nhát gan: “Can đảm lên, đừng sợ! Này Thiên Chúa chúng ta sẽ ngự đến cứu độ chúng ta.”

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa rất từ bi nhân hậu, chúng con nài xin Chúa cho bí tích Thánh Thể này thanh tẩy chúng con sạch vết nhơ tội lỗi, và chuẩn bị tâm hồn chúng con mừng những ngày đại lễ sắp tới. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Chúng tôi phải làm gì?
ĐTGM. Ngô Quang Kiệt.

Khi nghe thánh Gioan Tẩy Giả rao giảng, hàng đoàn người lũ lượt kéo đến xin chịu phép rửa ăn năn sám hối. Hơn thế nữa, họ còn muốn thay đổi cuộc đời nên ai cũng hỏi thánh nhân: “Chúng tôi phải làm gì?”. Thái độ của họ thành khẩn, đơn sơ, hiểu biết và đầy quyết tâm. Để trả lời, thánh nhân đưa ra những hướng dẫn thật cụ thể. Đó là:

Phải làm những việc cụ thể. Hai thái độ cơ bản phải có là công bình bác ái. Bác ái là chia sẻ: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có, ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”. Như thế, bác ái không phải là bố thí những gì dư thừa, nhưng phải là chia sẻ trong tinh thần “nhường cơm sẻ áo” “hạt gạo cắn đôi”. Chia cả những gì mình đang cần thiết. Trong tinh thần huynh đệ. Trong tinh thần yêu người khác như chính mình. Cơm ăn áo mắc là những gì rất cụ thể thiết thực và vừa tầm tay mọi người. Ai cũng có thể chia sẻ được. Chỉ cần muốn là có thể làm được. Công bình cũng không phải là điều gì quá phức tạp. Chỉ đơn sơ giữ đúng luật pháp: nhân viên thu thuế “Đừng đòi hỏi quá mức ấn định”. Và khi thi hành luật pháp binh lính phải có lòng nhân ái chứ đừng cậy quyền thế áp bức và nhất là bóc lột người khác: “Chớ dùng vũ lực, cũng đừng vu khống mà tống tiền người ta”. Tuy đơn sơ, thiết thực nhưng lại rất quan trọng để được ơn cứu độ.

Phải làm trong đời sống cụ thể. Những việc cụ thể đó không phải tìm những nơi xa xôi mới thực hiện được. Mỗi người hãy thực hiện công bình bác ái trong đời sống thường ngày của mình, với những người sống chung quanh mình. Thánh nhân không kêu gọi người ta phải ra khỏi môi trường cũ. Ngài chỉ kêu gọi người ta từ bỏ nếp sống cũ. Người thu thuế cứ thu thuế. Binh lính cứ làm nhiệm vụ của binh lính. Nhưng làm với tinh thần mới. Điều quan trọng không phải là đổi mới nơi ở, nhưng là đổi mới chính mình, đổi mới ý nghĩ, đổi mới lời ăn tiếng nói, đổi mới việc làm. Tục ngữ có nói: “Dù có đi xa vạn dặm mà không chịu thay đổi thì bạn vẫn chỉ là con người cũ”. Cứ ở nhà mà dám đổi mới là ta đã đi những bước rất xa, sẵn sàng gặp được Chúa và lãnh nhận được ơn cứu độ.

Những người Do Thái thời Thánh Gioan Tẩy Gỉa thực lòng mong chờ Chúa đến. Nên đã hỏi ngay những việc cụ thể để làm. Và khi nhận được lời khuyên của thánh nhân, họ đã thực hành ngay tức khắc. Vì thế họ đã gặp được Chúa. Hôm nay ta cũng tích cực sửa chữa đời sống theo tinh thần công bình và nhất là theo tinh thần bác ái. Biết sống tinh thần chia sẻ. Dám cho đi cả những gì cần thiết. Mẹ Têrêsa Calcutta dạy ta: hãy cho đi cho đến khi cảm thấy đau đớn xót xa, thì sự cho đi mới thực sự có ý nghĩa. Biết cho đi như thế, chắc chắn ta sẽ gặp được Chúa.

Ta luôn bất bình với thế giới chung quanh. Ta mong ước đổi mới thế giới. Hãy nghe lời Thánh Gioan Tẩy Giả, đừng đòi hỏi người khác đổi mới nếu chính mình không đổi mới. Hãy đổi mới chính mình trước, rồi mọi người sẽ đổi mới. Khi mọi người đổi mới, thế giới sẽ đổi mới. Hãy bắt đầu sống tốt. Rồi mọi sự và mọi người quanh ta sẽ trở nên tốt. Sống tốt chính là bắt đầu thay đổi thế giới. Sống tốt chính là góp phần vào công cuộc cứu chuộc của Chúa.

Lạy Chúa, xin cho con bắt đầu cuộc đời mới ngay từ ngày hôm nay, để con được gặp Chúa. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1. Chia sẻ khác với bố thí thế nào? Thánh Gioan Tẩy Giả đòi ta chia sẽ hay bố thí?

2. Bạn có ước mong thế giới đổi mới nên tốt hơn không? Muốn thế bạn phải làm gì?

3. Bạn có mong ước Chúa đến với mọi người không? Muốn thế bạn phải dọn đường cho Chúa như thế nào?

Chúa Nhật III Mùa Vọng –C
Lm Pet. Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 3, 10-18).

Khi ấy, dân chúng hỏi Gioan rằng: “Vậy chúng tôi phải làm gì?” Ông trả lời: “Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy”. Cả những người thu thuế cũng đến xin chịu phép rửa và thưa rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì?” Gioan đáp: “Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi”. Các quân nhân cũng hỏi: “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” Ông đáp: “Ðừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình”.

Vì dân chúng đang mong đợi và mọi người tự hỏi trong lòng về Gioan rằng: “Có phải chính ông là Ðức Kitô chăng?” Gioan trả lời cho mọi người rằng: “Tôi lấy nước mà rửa các ngươi, nhưng Ðấng quyền năng hơn tôi sẽ đến, - tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, - chính Người sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. Người cầm nia trong tay mà sảy sân lúa của Người, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt!” Ông còn khuyên họ nhiều điều nữa khi rao giảng Tin Mừng cho dân chúng.

Suy niệm

Chúa nhật thứ 3, Mùa vọng, chúng ta được nghe giới thiệu về thánh Gioan Tiền hô, Ngài đến với sứ mạng dọn đường cho Đấng Cứu Thế ghé thăm mỗi gia đình, mỗi con người, mỗi cộng đoàn. Và hôm nay, thánh sử Luca tiếp tục giới thiệu cho nhân loại lời hướng dẫn sám hối của thánh Gioan. Dân chúng đón nhận sự xuất hiện của thánh Gioan Tiền hô như một vị dẫn đường cho họ tìm về với Gia vê, tìm lại giá trị của sự thánh thiêng mà bấy lâu, họ đã tục hóa, đã biến nó thành những nghi lễ mang hình thức và khô cứng theo cách nghĩ suy của loài người. Thánh Gioan không giới thiệu cho họ cách sám hối hoa mỹ, cách sửa đổi cuộc sống cầu kỳ, nhưng là khởi đi từ những sinh hoạt của mỗi ơn gọi, mỗi hoàn cảnh, mỗi công việc của mỗi người.

Dân chúng hỏi Gioan rằng: “Vậy chúng tôi phải làm gì?”. Phần đông dân chúng cảm thấy bế tắc trong sự cố gắng sám hối cuộc đời. Họ lên tiếng với Gioan, mong ông chỉ dạy, để rồi họ nhận được lời góp ý chân thành nhưng rất quyết liệt, lời chỉ dạy nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi cao độ. Ông trả lời với họ rằng : “Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy”. Khởi đi từ tình người, thánh Gioan mong muốn mỗi người, khi ước ao trở về với Gia vê, hãy thay đổi cách suy nghĩ, thay đổi thái độ sống với tha nhân. Đấng cứu thế vào đời cứu độ hết mọi người, đồng thời đón nhận mọi người vào trong ngôi nhà của Thiên Chúa, nếu chính những người xưng mình là Con Thiên Chúa, chưa thực sự đón nhận tha nhân, thì làm sao họ có thể sống hòa bình trong mái ấm tình thương của Thiên Chúa được ? làm sao có thể an tâm để tận hưởng niềm hạnh phúc trong gia đình Thiên Chúa, khi bên cạnh còn bao người anh chị em đói khát, lạnh cóng và khổ đau vì chính sự ích kỷ của con người, vì sự tàn bạo của chính anh chị em mình.

Bên cạnh những lời chỉ dạy dành cho dân chúng, thánh Gioan còn hướng dẫn những người, với công việc và chức vụ khác nhau, hãy tự vấn lại chính mình. Vì lợi dụng chức vụ và địa vị xã hội, bấy lâu nay đang bóc lột sức lao động của tha nhân, đang hành hạ anh chị em chỉ vì họ hiền lành, chỉ vì họ là những người dân vô tội. Cuộc sống con người cần có những phương tiện cơ bản như tiền bạc, công ăn việc làm, nhà cửa và bao nhiêu phương tiện khác, những người thu thuế, vì tham lam, vì xu nịnh, đã dồn ép dân lành vào đường cùng bằng sưu cao thuế nặng, họ chẳng biết kêu cầu với ai, nên họ chỉ còn một con đường là kêu cầu Gia vê, xin Ngài đoái nghe tiếng con nguyện cầu sớm tối. “Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi”. Thánh Gioan đề nghị họ đừng ức hiếp dân nghèo, đừng bóp cổ người lao động và đừng cướp đi thành quả lao động của tha nhân.

Rồi với những người lính, vì tương lai, vì miếng cơm manh áo, và đôi lúc còn vì sĩ diện, đã chèn ép những người thuộc hạ, những người vô tội, thêm vào đó là những lời vu khống, những lời xu nịnh, để có thể kiếm thêm những đồng tiền dơ bẩn. “Ðừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình”. Bởi có những lúc, họ đã đối xử với đồng loại như là kẻ xa lạ, như là thú vật, tất cả chỉ vì của cải, vật chất và lòng tham vô đáy của con người.

Sứ điệp của thánh Gioan xem ra nhẹ nhàng, nhưng Ngài đòi hỏi họ rất quyết liệt. Người cầm nia trong tay mà sảy sân lúa của Người, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt! Đó không phải là hình phạt đến từ con người, nhưng là đến từ Gia-vê, những ai nghe lời nhắc của thánh nhân, quyết tâm sửa đổi, quyết tâm sám hối, họ sẽ được Đấng Cứu Thế đưa vào vương quốc của tình yêu, vương quốc của sự sống đời đời, ngược lại, ai dửng dưng và vô tâm, không chấp nhận làm mới cuộc đời, sẽ như nia lúa lép, đổ vào lửa cháy đời đời.

Lời nhắc của thánh Gioan đã vang lên hơi 2 ngàn năm, thế nhưng, đến hôm nay, bao người vẫn dửng dưng trước thảm cảnh của nhân loại. Bóc lột sức lao động, hành hạ trẻ em, buôn bán phụ nữ, bắt cóc những người vô tội để trục lợi, đó là những phương thế con người hôm nay đang hành xử với đồng loại. Bất chấp quyền làm người, bỏ qua giá trị nhân phẩm, bao người nghèo đang bị bóc lột cả sức khỏe lẫn tinh thần. Bao người đang bị biến thành cổ máy làm tiền cho những người giàu có, tham lam. Bao vị quan tham đang tự đặt cái đầu mình lên máy chém chỉ vì cướp bóc của bao người dân vô tội.

Chính những người ngày đêm kêu gọi sống công bằng xã hội là những người đang cướp đi của người dân, của xã hội bao nhiêu tài nguyên, bao nhiêu sự sống của đồng loại. Thảm cảnh đó lắm lúc còn ẩn hiện nơi các gia đình. Cha mẹ thiếu sự công bình, thiếu sự quan tâm đúng mực, vô tình đã gây ra những nỗi đau tinh thần cho con cái, để chúng đối diện với những thất vọng chính từ gia đình và người thân. Tất cả chỉ vì đồng tiền, chỉ vì của cải, chỉ vì lòng tham. Nỗi bất công xã hội đó còn len lỏi vào trong đời sống tôn giáo nữa khi tiền bạc vẫn là một yếu tố đằng sau để tạo mỗi thân thiện, tạo sự gần gũi và ảnh hưởng cho tương lai, cho sự an phận của bản thân và đời phục vụ. Xem chừng mãnh lực của vật chất, vẫn là một tác nhân tác động đến đời sống chung nơi mỗi cộng đoàn hay sao?

Lạy Chúa, Chúa sai thánh Gioan Tiền hô đến dọn đường cho Con Chúa vào trần gian, thánh nhân đã mời gọi bao người sám hối và họ đã thay đổi cuộc đời. Xin Chúa một lần nữa, sai thánh Gioan đến với cộng đoàn giáo xứ, cộng đoàn phục vụ, cộng đoàn gia đình và mỗi người chúng con, để lời nhắc chân thành nhưng quyết liệt đó, giúp chúng con sám hối, thay đổi nghĩ suy, thay đổi tương quan, thay đổi luôn cả thái độ sống nội tâm của mình. Chính sự cố gắng đó là lúc chúng con đang sống tâm tình mùa vọng, đang đợi Chúa đem hồng ân trời cao đến cho mọi người, mọi nhà và hết thảy nhân loại. Amen.

 

NIỀM VUI ĐÍCH THẬT
(Chúa Nhật III Mùa Vọng C) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Cũng như Chúa Nhật IV Mùa Chay, Chúa Nhật III Mùa Vọng được gọi là Chúa Nhật mầu hồng. Không biết truyền thống này có từ bao giờ, nhưng hẳn chúng ta thầm hiểu ý của Giáo Hội khi cho phép mặc phẩm phục mầu hồng trong Thánh Lễ. Mầu hồng gợi lên niềm vui, niềm hân hoan. Các bài đọc Lời Chúa cũng tràn đầy niềm hân hoan, phấn khởi. Tất thảy vì một lẽ này: đổi mới vì sợ hãi thì sẽ hời hợt và chóng qua, trái lại vì hân hoan phấn khởi mà canh tân cuộc đời thì sẽ thiết thực và bền lâu.

Sau khi nghe Gioan Tẩy giả rao giảng, dân chúng tuôn đến tham vấn: “chúng tôi phải làm gì đây?” Không ẩn mình trong đám đông, nhóm thu thuế, anh em binh lính cũng đến để xin hướng dẫn cách cụ thể đối với trường hợp của mình (x.Lc 3,11-14). Chắc hẳn người dân
Israel thời bấy giờ đang khát khao sự xuất hiện của Đấng Thiên sai để giải thoát họ khỏi ách nô lệ ngoại bang. Và họ cũng như đã thông thuộc lời tiên báo của ngôn sứ Isaia năm nào về thời của Người: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi… Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Is 40,4-5). Qua phần Phụng Vụ Lời Chúa, chúng ta có thể nhận ra một vài lý do để phấn khởi, vui mừng:

- “Hãy nhảy mừng và ca ngợi, vì ở giữa ngươi có Đấng Thánh của
Israel thật cao cả”. Điệp khúc của đáp ca cho chúng ta một lý do để hân hoan đó là vì Đấng Thánh đang ở giữa chúng ta. Gioan Tẩy Giả cũng đã trả lời với một số tư tế và thầy Lêvi được phái đi từ Giêrusalem: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một Đấng đang ở giữa các ông mà các ông không biết” (Ga 1,26). Đấng ấy chính là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Có Chúa ở cùng, chính là hạnh phúc bất tận. Có Đấng cao cả cũng là Đấng đầy lòng từ bi và hay thương xót ở cùng, thì chúng ta đâu còn sợ gì. Dù người mẹ nào có bỏ con mình đi nữa thì Thiên Chúa không bao giờ bỏ chúng ta, vốn là hình ảnh của chính Người (x.St 1,27). Vấn đề là chúng ta đã thực sự nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa chưa? Câu trả lời nằm ở nơi thái độ của chúng ta, đó là có phấn khởi mừng vui hay không.

Nếu như chúng ta chưa thực sự mừng vui thì đó là một trong những dấu chỉ cho biết chúng ta chưa nhận ra Đấng Thánh, Đấng cao cả đang ở giữa chúng ta. Phận phàm hèn, làm thế nào để chúng ta có thể thấy Thiên Chúa, Đấng ngàn trùng chí thánh? Chính Chúa Giêsu đã minh nhiên cho chúng ta chìa khóa vấn nạn. “Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch, vì họ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8). Những lời khuyên của Gioan Tẩy Giả cho dân chúng cũng như cho binh lính và những người thu thuế xưa chính là cách thế giúp họ thanh tẩy tâm hồn để nên trong sạch. Và Ngài đã lưu ý rằng không phải cứ cúi mình xuống nhận dấu thanh tẩy mà được thanh sạch, nhưng phải thay đổi đời sống. Sau này chính Chúa Giêsu cũng đã khẳng định với người Pharisiêu đã mời Người dùng bữa rằng không phải do việc tẩy rửa bên ngoài mà làm cho chúng ta nên thanh sạch, nhưng phải đem những cái bên trong ra mà phân phát thì mọi sự sẽ nên thanh sạch cho chúng ta (x.Lc 11,37-41).

- Hãy vui mừng vì Thiên Chúa đã rút lại lời kết án. Thiên Chúa yêu thương chúng ta và vì chúng ta, Người cũng quy tụ những kẻ hư hỏng, người tội lỗi về (x.Soph 3,14-18). Niềm vui của người được tha thứ tội lỗi là niềm vui thật khó tả, hơn nữa, khi đó là một món nợ, vượt quá khả năng chi trả của chúng ta. Một người được thứ tha sẽ trở thành nguyên cớ để nhiều người tội lỗi khác tin tưởng trở về. Bất cứ tội lỗi nào cũng có tính lây nhiễm ít nhiều. Cũng thế và hơn thế nữa, ân phúc tha thứ nào cũng có sức năng động lan tỏa. Đây chính là lý do để ngôn sứ Xôphônia mời gọi chúng ta hãy hân hoan và hãy nhảy mừng hết tâm hồn (Xp 3,14).

- Hãy vui mừng vì Chúa Kitô đã chọn chúng ta, không vì công nghiệp của chúng ta mà chỉ vì tình yêu của Người. Thánh tông đồ dân ngoại đã nói với tín hữu Philipphê rằng nếu tự hào về công trạng theo lề luật, thì ngài có thể hơn rất nhiều người. Nhưng ngài bỏ tất cả đằng sau, ngài chấp nhận mọi thua thiệt, trước một mối lợi lớn là được biết chúa Kitô (x.Pl 3,1-16). “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em…” (Ga 15,16). Vì đã chọn chúng ta nên Chúa Giêsu tự nguyện liên đới với chúng ta cho đến cùng. Người không chỉ làm con chiên gánh lấy tội nhân trần mà còn đón nhận loài người như đàn em đông đúc để thông chia phần phúc gia nghiệp đã hứa ban (x.Ep 1,3-14).

Tuy nhiên, một vấn đề cần làm sáng tỏ đó là niềm vui đích thật được biểu lộ như thế nào? Chắc hẳn đó không phải là những tiếng cười ha hả của những bữa tiệc tùng đầy sơn hào hải vị và rượu bia, và cũng chẳng nhất thiết là trạng thái lâng lâng, ngay sau khi đạt được một thành công trong kinh doanh hay trong thi đấu thể thao… Một niềm vui đích thật đó là tâm trạng của người cảm nhận mình được yêu thương vượt quá mọi công trạng mình đã có, vượt quá mọi khả năng mình đang có hay sẽ có. Tâm trạng này chính là sự bình an tận đáy tâm hồn khiến chúng ta can đảm vượt qua mọi thử thách và gian khổ, đồng thời thúc đẩy chúng ta nỗ lực sống đức ái, nghĩa là biết yêu thương một cách không tính toán, không chỉ với người dễ thương mà còn với người khó thương, với cả những người thù ghét và bách hại chúng ta. Có thể nói rằng các thánh tử đạo là những người đã thể hiện niềm vui đích thực này cách rõ nét.

Nước Trời là vương quốc của tình yêu và của niềm vui đích thật. Chúng ta có thể luận suy chân lý này qua các hình ảnh tiệc cưới mà Chúa Giêsu đã dùng để minh họa về thực tại Nước Trời và các hình ảnh mà Người nói về tình trạng trầm luân đời đời, đó là nơi phải khóc lóc và nghiến răng (x.Mt 22,2; Mt 8,12). Mùa Vọng lại về, một trong những ý nghĩa của Mùa Vọng là chuẩn bị đón mừng mầu nhiệm Chúa nhập thể - nhập thế. Thiên Chúa đã làm người, đã vào trần gian và Người mãi ở với chúng ta cho đến tận thế (x.Mt 28,20).  Nước Trời đang ở giữa chúng ta (x.Lc 17,21).

Ước gì bà con lương dân, anh em khác đạo và cả những người tự nhận là vô thần, thấy được niềm vui đích thật nơi Kitô hữu chúng ta, một niềm vui được thể hiện qua sự an bình và tình yêu liên đới trong những chia sẻ cách vô vị lợi. Trăm nghe không bằng một thấy. Thiết tưởng rằng đó cũng là một lời loan báo Tin Mừng khả tín không thua, mà có khi lại hơn những tổ chức “lễ hội đình đám” bên ngoài trong dịp mừng Chúa Giáng Sinh.

CHỦ NHẬT 3C MÙA VỌNG (Lc 3:10-18)
Lm Lã Mộng Thường

Một điều chúng ta nên để ý, câu cuối của bài Phúc Âm được viết chỉ về Gioan, “Ông còn khuyên họ nhiều điều nữa khi rao giảng Tin Mừng cho dân chúng”.

Trước hết, câu này được viết không để ý đến đoạn Phúc Âm phía trên mà tuần trước chúng ta đã suy nghiệm. Nơi đoạn Phúc Âm đó nói về mục đích công việc của thánh Gioan Tiền Hô, “Có Lời Chúa kêu gọi Gioan, con Giacaria, trong hoang địa. Ông liền đi khắp miền sông Giođan, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội” (Lc. 3:3).

Thứ đến, nếu chấp nhận những điều Gioan rao giảng được gọi là Tin Mừng thì Tin Mừng này chắc chắn hoàn toàn không giống Tin Mừng Nước Trời mà Đức Giêsu rao giảng. Nơi bài Phúc Âm vừa được công bố, những điều Gioan trả lời dân chúng chỉ là những lời dạy luân lý nơi cuộc sống thường ngày mà người khác có thể nhận biết sao cho được gọi là công chính. Chẳng hạn, “Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn cũng hãy làm như vậy.” Hoặc đối với những người thu thuế, “Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi.” Hay đối với những quân nhân, “Đừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai, các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình.”

Bởi thế, Phúc Âm đặt nơi miệng Gioan câu so sánh vì thế của ông đối với Đức Giêsu, “Tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người.” Gioan rao giảng, kêu gọi con người chuẩn bị tâm hồn công chính hầu đón nhận những lời dạy dỗ của Đức Giêsu.

Xét như vậy, muốn bước vào hành trình đức tin, hành trình tâm linh, một người ít nhất cần có cuộc sống hài hòa về phương diện luân lý. Kinh nghiệm sống minh chứng rõ ràng đã có luật tất nhiên sẽ có kẽ hở và bất cứ sự thể nào cũng đều có ít nhất là hai phương diện đối nghịch nhưng không thể tách biệt.

Ai trong chúng ta cũng đều nhận biết, một sự việc được cho là đúng, sai, phải, trái đều tùy thuộc môi trường, thời điểm, điều kiện, và quan niệm của con người khi sự việc đó xảy ra. Tuy nhiên, phản ứng và thái độ của một người trước một dữ kiện hoàn toàn lệ thuộc tâm hồn và sự nhận thức của người đó. Chẳng hạn nơi thời Gioan rao giảng, những người thu thuế được coi như tay sai cho ngoại bang tức là người Rôma đang đô hộ người Do Thái. Thế nên, cho dù thu thuế đúng mức ấn định hay không đều bị người Do Thái khinh bỉ. Điều tâm lý này minh chứng lý do tại sao những người thu thuế bị coi là kẻ tội lỗi nơi Phúc Âm.

Suy như thế, câu hỏi được nêu lên, Đức Giêsu rao giảng về phương diện gì mà chỉ những con người đã có cuộc sống công chính về phương diện luân lý mới có thể đón nhận? Chúng ta đã được dạy dỗ kỹ lưỡng đến độ nhập tâm nên không cần phải ai nhắc nhở cũng đều trả lời trơn tru, thuộc lòng rằng Đức Giêsu xuống thế chuộc tội cho thiên hạ; rằng Đức Giêsu chết vì tội lỗi loài người; rằng vì Thiên Chúa yêu thương con người quá độ nên sai Con Một của Ngài làm lễ tế hy sinh, hiến mình chịu nạn chịu chết trên cây thánh giá để cứu chuộc lầm lỗi của con người; rằng vì tội phạm đến Chúa là Đấng cực thánh nên phải chính Con Một của Ngài đổ máu mình ra mới cân xứng tẩy rửa được sự phạm thánh.

Những ngày còn nhỏ, tôi hơi lười nên chỉ nhớ mang máng đôi lý do giải thích ơn cứu độ... Tôi nghĩ, quý vị có thể kể ra được nhiều hơn tôi nơi phạm vi này. Tuy nhiên, lật Phúc Âm chúng ta sẽ thấy; câu công bố đầu tiên của Đức Giêsu khi Ngài xuất hiện trước công chúng rao giảng nơi Marcô, “Thời buổi đã mãn và Nước Thiên Chúa đã đến! Hãy hối cải và tin vào Tin Mừng” (Mc. 1:15).

Đã có lần tôi trình bày về ý nghĩa động từ “hối cải” được dùng nơi Phúc Âm Marcô. Hối cải được dịch từ ngôn ngữ Hy Lạp Metanoia, có nghĩa hãy suy nghĩ vượt khỏi lối suy tư thế tục, hãy thay đổi quan niệm, thay đổi chiều hướng tư duy, bỏ quên quá khứ, cải tạo não trạng, suy nghĩ khác thường, hãy nghiệm chứng, suy nghiệm, lo buồn ăn năn, ưu tư hối hận.

Nếu đọc Phúc Âm kỹ lưỡng và nhận xét theo chiều hướng tổng hợp đoạn phân tích thành những giai đoạn nơi hành trình tìm kiếm, nhận thức Tin Mừng Nước Trời, Phúc Âm đặt nơi miệng Đức Giêsu nhiều câu giảng dạy về điều kiện tâm trí của một người để có thể suy nghiệm những điều Ngài công bố.

- Vải mới không vá áo cũ; rượu mới không đổ bì cũ... (Mt. 9:16-17). Tâm trí, lối suy tư bình thường thế tục của chúng ta giống như chiếc bì cũ không thể nào được dùng để chứa rượu mới là Phúc Âm. Chúng ta cần được đổi mới lối nhận định. Chúng ta cần suy nghĩ về lời Phúc Âm dưới nhiều khía cạnh.

- “Kẻ nào vừa tra tay cầm cày vừa ngó lui sau là người bất kham đối với Nước Thiên Chúa” (Lc. 9:62). Những ai vẫn lệ thuộc kinh nghiệm, quan niệm nhân sinh thì không thể nào nghiệm chứng được những lời Phúc Âm.

- “Kẻ yêu cha mẹ hơn Ta không đáng làm môn đệ Ta; kẻ yêu con trai, con gái hơn Ta không đáng làm môn đệ Ta” (Mt. 10:37). Những ai không dứt bỏ được những kinh nghiệm hiểu biết thông thường hoặc những sự thông thái thế tục, không thể nào suy nghiệm được lời Phúc Âm, sẽ không thể hiểu được Phúc Âm nói gì.

- “Kẻ cố tìm sự sống mình thì sẽ mất; còn kẻ đành mất sự sống mình vì Ta thì sẽ gặp lại” (Mt. 10:39). Những ai chỉ cho rằng ý nghĩ, suy tư của mình là đúng, không dứt bỏ được tất nhiên không thể nào nghiệm chứng được Tin Mừng Nước Trời, không biết được mình sẽ đi về đâu.

- “Nếu tay hay chân ngươi làm ngươi vấp phạm, hãy chặt mà quăng nó đi... Và nếu mắt ngươi làm ngươi vấp phạm thì hãy móc mà quăng nó đi” (Mt. 18:8-9). Bất cứ những gì ngăn cản nơi hành trình đức tin, hành trình tâm linh, hành trình nghiệm chứng Tin Mừng Nước Trời cần được dẹp bỏ.

Tóm lại, muốn tìm kiếm Nước Trời, muốn nghiệm chứng Tin Mừng Đức Giêsu rao giảng, chúng ta cần biết mở rộng lòng nhận biết chính mình thế nào đồng thời suy nghĩ những lời Phúc Âm qua mọi khía cạnh. Như vậy, những ngày tháng của mùa vọng là cơ hội nhắc nhở chúng ta để ý nhận thức những điều kiện tâm trí hầu thăng tiến nơi hành trình đức tin.


Chúa nhật thứ ba mùa vọng
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 3, 10-18).

Khi ấy, dân chúng hỏi Gioan rằng: “Vậy chúng tôi phải làm gì?” Ông trả lời: “Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy”. Cả những người thu thuế cũng đến xin chịu phép rửa và thưa rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì?” Gioan đáp: “Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi”. Các quân nhân cũng hỏi: “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” Ông đáp: “Ðừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình”.

Vì dân chúng đang mong đợi và mọi người tự hỏi trong lòng về Gioan rằng: “Có phải chính ông là Ðức Kitô chăng?” Gioan trả lời cho mọi người rằng: “Tôi lấy nước mà rửa các ngươi, nhưng Ðấng quyền năng hơn tôi sẽ đến, - tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, - chính Người sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. Người cầm nia trong tay mà sảy sân lúa của Người, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt!” Ông còn khuyên họ nhiều điều nữa khi rao giảng tin mừng cho dân chúng.

Suy niệm

Chúa nhật thứ ba mùa vọng trở về với sắc màu phụng vụ đầy hy vọng, niềm vui và bình an, đó là sắc màu hồng tươi. Từ sắc màu đầy niềm vui và hy vọng đó, người tín hữu Kitô như thấy ẩn hiện bóng dáng của Đấng Cứu Thế, đồng thời, cần phải hối hả hơn để dọn dẹp tâm hồn, sửa lại những lối nẻo trong cuộc đời, thay đổi ý thức và cách nhìn về một Thiên Chúa tình yêu. Cuộc đời của thánh Gioan Tiền hô cùng với sứ điệp của thánh nhân, gợi nhắc cho mỗi người cần có một sự đổi thay quyết liệt hơn, mạnh dạn hơn và khiêm tốn đủ. Chính sự cố gắng từng ngày của mỗi người, sẽ góp phần vào tâm tình sám hối và tỉnh thức để luôn sẵn sàng mở cánh cửa tâm hồn và cuộc đời cho Đấng Cứu Thế ghé lại và đồng hành với mình.

Trước bức tranh ảm đạm của đời sống tôn giáo trong cộng đoàn dân Do-thái, một dân tộc được mệnh danh là dân riêng của Thiên Chúa, tiên tri Sô-phô-ni-a đã xuất hiện, dù ngài không là một tiên tri lớn, nhưng sứ mạng cũng như sứ điệp của ngài đã thổi một luồng gió mới, đem lại nhiều sức sống tinh thần cho cộng đoàn. Tiên tri đã cất tiếng loan tin: “Hỡi thiếu nữ Sion, hãy cất tiếng ca! Hỡi Israel, hãy hoan hỉ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy hân hoan và nhảy mừng hết tâm hồn! Chúa đã rút lại lời kết án ngươi và đã đẩy lui quân thù của ngươi. Vua Israel là Chúa ở giữa ngươi, ngươi không còn sợ khổ cực nữa”. Còn gì hạnh phúc và vui sướng khi bước ra khỏi nhà là được hòa nhịp sống mới với mọi người. Vui lên anh em, hãy nhảy mừng hết tâm hồn, Chúa không còn kết án ngươi nữa. Quả thực là một lời khích lệ và cũng là một tin mừng cho mọi người. Nỗi lo sợ vì tội lỗi, vì sự bội phản bao trùm trên tất cả, thái độ bất trung và bất tín đã làm cho Thiên Chúa nổi giận, thế nhưng, Ngài là một Thiên Chúa tình yêu, đã quên đi mọi lầm lỗi và mong muốn đưa mọi người đến một vương quốc hòa bình và đầy niềm vui. Con người sẽ chọn lựa thế nào, hoặc là đồng hành với Thiên Chúa, đi vào vương quốc của Ngài, hoặc là tìm thú vui và khoái lạc ở trần gian bằng chủ nghĩa cá nhân và thực dụng của xã hội hiện thời.

Dù không một lần được gặp Đức Giêsu lịch sử, nhưng thánh Phaolô đã được gặp Đức Giêsu phục sinh, Ngài đã biến đổi thánh nhân trở thành một con người mới hoàn toàn, một con người sống và làm chứng cho mầu nhiệm phục sinh của Con Thiên Chúa. Hiểu được trách vụ của mình, thánh nhân đã gởi đến các cộng đoàn giáo hội sơ khai những lời động viên trong đời sống tôn giáo, đồng thời mời gọi mọi người hãy đón chờ Con Thiên Chúa trở lại trong niềm vui, trong sự cố gắng đổi thay cuộc đời của bản thân. Trong lá thư gởi cộng đoàn Phi-lip-phê, thánh nhân đã nói: “Anh em thân mến, anh em hãy vui luôn trong Chúa! Tôi nhắc lại một lần nữa: anh em hãy vui lên! Ðức ôn hoà của anh em phải sáng tỏ trước mặt mọi người, vì Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo lắng gì hết, nhưng trong khi cầu nguyện, anh em hãy trình bày những ước vọng lên cùng Chúa, bằng kinh nguyện và lời cầu xin đi đôi với lời cảm tạ”. Thiên Chúa rất hài lòng khi con người biết sống tâm tình tạ ơn. Hiểu được điều đó, thánh Phaolô đã nhắc mọi người hãy tạ ơn khi có thể, bởi chỉ có Thiên Chúa mới ban cho con người đủ ơn để con người hoán cải, để con người đổi thay và để con người làm mới chính mình từng ngày, đặc biệt trong mùa vọng. Có thể thánh Phaolô cũng đang mời gọi mỗi người hôm nay hãy sống niềm vui có Thiên Chúa trong tâm hồn, để cố gắng đổi thay và luôn tỉnh thức đón Ngài.

Tâm tình mừng vui của phụng vụ Lời Chúa trong tuần lễ này, mời nhân loại hướng về niềm vui tình người. Chính trong niềm vui này, con người tìm gặp lại chính mình, tìm lại được anh chị em trong đại gia đình của Thiên Chúa. Thánh Gioan nhắc nhở các thành phần trong cộng đoàn hãy cố gắng làm lan tỏa niềm vui tình người đó qua thái độ sống hàng ngày: “Khi ấy, dân chúng hỏi Gioan rằng: “Vậy chúng tôi phải làm gì?” Ông trả lời: “Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy”. Cả những người thu thuế cũng đến xin chịu phép rửa và thưa rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì?” Gioan đáp: “Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi”. Các quân nhân cũng hỏi: “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” Ông đáp: “Ðừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình”. Mỗi thành phần trong cộng đoàn tìm thấy cho mình một việc cần đổi thay. Thánh Gioan đã hướng dẫn họ sống niềm vui tình người khi biết chia sẻ, biết cảm thông và biết nâng đỡ nhau trong cuộc sống. Chính lúc biết chia sẻ, biết cho đi và biết phục vụ, con người tìm thấy chính mình nơi tha nhân, đặc biệt nơi những người bất hạnh và khổ đau.

Đọc lại bản văn Tin Mừng của tuần lễ thứ ba, chúng ta thấy lời mời của thánh Gioan hướng về niềm vui tình người rất thực tiễn. Để có thể gặp gỡ Con Thiên Chúa làm người, các tín hữu Kitô có mạnh dạn chấp nhận sự hiện hữu của Con Thiên Chúa trong tha nhân không, bởi Thiên Chúa không loại trừ bất cứ ai ra khỏi gia đình của Ngài. Có chấp nhận được tha nhân, có sẵn sàng chia sẻ tình thương với mọi người và cảm thông chất người nơi họ, người tín hữu mới có thể nhận ra Đấng Cứu Thế đang hiện diện ở đâu giữa cuộc đời. Lời nhắc của các tiên tri thời Cựu ước cũng không nằm ngoại lệ, bởi các ngài được sai đến với dân Do-thái để giúp họ biết chấp nhận sự hiện diện của những con người thấp cổ bé miệng đó là những người nô lệ, những người thuộc các nhóm dân thiểu số giữa cộng đoàn. Từ đây, khi bước vào vùng đất chảy sữa, người Do-thái biết tôn trọng lẫn nhau, biết phục vụ nhau trong sự trân trọng và yêu thương.

Giai đoạn chuẩn bị cho Con Thiên Chúa vào đời là một giai đoạn đầy những thăng trầm, thế nhưng, Chúa Cha đã có những kế hoạch để giúp dân riêng của Ngài sống giới luật yêu thương ngày càng hoàn thiện hơn. Khi Đức Giêsu đi vào lịch sử nhân loại qua mầu nhiệm nhập thể, Ngài đã hoàn thiện giới luật đó qua việc loại trừ những lề luật ngăn cản con người đến với nhau, phục vụ nhau và yêu thương nhau. Từ việc chữa bệnh cho người phong cùi, cho đến việc đụng đến quan tài của con trai bà góa thành Naim, từ việc chữa bệnh cho người bất toại trong ngày Sabat, cho đến việc đồng bàn với những người tội lỗi và thu thuế, Con Thiên Chúa đã nêu gương sống niềm vui tình người giữa một cộng đoàn nặng về lề luật và hình thức. Mẹ Giáo hội hôm nay đang mong chờ con cái hãy tiếp bước của Thầy Chí Thánh khi bước vào đời làm chứng cho Tin Mừng.

Sống trong một xã hội mà chủ nghĩa cá nhân luôn được đề cao, khởi đi từ gia đình, trong tương quan vợ chồng, tương quan cha mẹ và con cái, rồi sau là mối quan hệ trong xã hội. Dù là vợ chồng trong một tổ ấm, nhưng ai cũng muốn có một khung trời riêng bất khả xâm phạm, chính những suy nghĩ như thế, vô tình tạo ra những ngăn cách giữa vợ chồng với nhau, chỉ là bổn phận chứ chưa là của nhau trong tình yêu, chỉ vì con cái chứ chưa là một hy sinh cho nhau trong tình yêu. Cha mẹ vì yêu thương con cái, chăm sóc, chiều chuộng, bảo vệ con cái thái quá, tạo cho chúng một thói quen chỉ biết hưởng thụ chứ không dám cho đi, chỉ biết tiêu thụ chứ không biết hy sinh, chia sẻ cho tha nhân. Bước vào cuộc sống xã hội, con người chỉ biết tôn thờ cái tôi, sống ích kỷ hơn, hẹp hòi hơn và thiếu khoan dung, vì thế, bao tệ nạn vẫn tồn tại, bao người qua đời vì bệnh tật và đói nghèo, bao người bị bỏ rơi bên lề xã hội và cuộc sống, dù trên đầu họ có nhiều khẩu hiệu hãy bảo vệ sự sống, chăm sóc người già và trẻ em.

Một xã hội như thế thì tâm tình tôn giáo làm sao có được những khởi sắc, làm sao có được một cộng đoàn huynh đệ, như thưở giáo hội ban đầu thời các Tông đồ. Lời mời phục vụ, chia sẻ và đồng hành vẫn luôn luôn được gởi đến cho con cái. Để chuẩn bị cho những nẻo đường của Giáo hội trong tương lai, mỗi cộng đoàn được mời gọi hướng tới một Hội Thánh hiệp hành, luôn biết đồng hành, luôn biết hiệp thông và luôn biết chia sẻ với nhau cả về vật chất lẫn tinh thần. Tâm tình của Giáo hội trong tương lai là vậy, nhưng người tín hữu hôm nay có can đảm chấp nhận lời đề nghị của thánh Gioan Tiền Hô là hãy dừng lại trước những tham vọng, những toan tính theo kiểu thế gian, để nâng đỡ nhau, để trân trọng nhau và để chung chia mọi nỗi niềm trong cuộc đời với nhau. Có thể đó là những lời mời rất giản đơn nhưng đòi hỏi phải có một sự quyết tâm cao độ mới có thể dám dấn thân và thực hiện hoán cải cuộc đời. Ơn của Ta luôn đủ cho các con, Thiên Chúa đã hứa, còn lại là sự cố gắng của con người.

Lạy Chúa Giêsu, để thực hiện trọn vẹn sứ mạng của mình, Ngài đã nhờ thánh Gioan đi trước dọn đường, vừa là con đường trong tương quan xã hội, vừa là con đường trong tương quan tình người và tình Trời, xin cho chúng con mỗi ngày biết lắng nghe lời nhắc của thánh Gioan, để cố gắng đổi thay ý thức và thái độ sống của mình. Chúa đã chấp nhận cúi xuống vì yêu con người, trong đó có chúng con, xin giúp chúng con biết cúi xuống như Chúa, để phục vụ các linh hồn, phục vụ tha nhân và cộng đoàn. Những gì Chúa mong muốn qua sứ điệp của thánh Gioan, chỉ là vì không muốn con người phải hư đi, nhưng muốn họ được sống trong niềm vui cứu độ, một niềm vui đến từ tình yêu thương của Thiên Chúa, cội nguồn tình yêu. Amen.

 


NIỀM VUI ĐÍCH THẬT
(Chúa Nhật III Mùa Vọng C) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Cũng như Chúa Nhật IV Mùa Chay, Chúa Nhật III Mùa Vọng được gọi là Chúa Nhật mầu hồng. Không biết truyền thống này có từ bao giờ, nhưng chúng ta phần nào hiểu ý của Giáo Hội khi cho phép mặc phẩm phục mầu hồng trong Thánh Lễ. Mầu hồng gợi lên niềm vui, niềm hân hoan. Các bài đọc Lời Chúa cũng tràn đầy niềm hân hoan, phấn khởi. Tất thảy vì một lẽ này: đổi mới vì sợ hãi thì sẽ hời hợt và chóng qua, trái lại vì hân hoan phấn khởi mà canh tân cuộc đời thì sẽ thiết thực và bền lâu.

Sau khi nghe Gioan Tẩy giả rao giảng, dân chúng tuôn đến tham vấn: “chúng tôi phải làm gì đây?” Không ẩn mình trong đám đông, nhóm thu thuế, anh em binh lính cũng đến để xin hướng dẫn cách cụ thể đối với trường hợp của mình (x.Lc 3,11-14). Dân Israel thời bấy giờ đang khát khao sự xuất hiện của Đấng Thiên sai để giải thoát họ khỏi ách nô lệ ngoại bang. Họ vốn nằm lòng lời tiên báo của ngôn sứ Isaia năm nào về thời của Người: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi… Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Is 40,4-5). Qua phần Phụng Vụ Lời Chúa, chúng ta có thể nhận ra một vài lý do để phấn khởi, vui mừng:

- “Hãy nhảy mừng và ca ngợi, vì ở giữa ngươi có Đấng Thánh của Israel thật cao cả”. Điệp khúc của đáp ca cho chúng ta một lý do để hân hoan đó là vì Đấng Thánh đang ở giữa chúng ta. Gioan Tẩy Giả đã trả lời với một số tư tế và thầy Lêvi được phái đi từ Giêrusalem: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một Đấng đang ở giữa các ông mà các ông không biết” (Ga 1,26). Đấng ấy chính là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Có Đấng cao cả cũng là Đấng đầy lòng từ bi và hay thương xót ở cùng, chính là niềm hạnh phúc bất tận. Dù người mẹ nào có bỏ con mình đi nữa thì Thiên Chúa không bao giờ bỏ chúng ta, vốn là hình ảnh của chính Người (x.St 1,27). Vấn đề là chúng ta đã thực sự nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa chưa? Câu trả lời nằm ở nơi thái độ của chúng ta, đó là có phấn khởi mừng vui hay không.

Nếu chúng ta chưa thực sự mừng vui thì đó là một trong những dấu chỉ cho biết chúng ta chưa nhận ra Đấng Thánh, Đấng cao cả đang ở giữa chúng ta. Phận phàm hèn, làm thế nào để chúng ta có thể thấy Thiên Chúa, Đấng ngàn trùng chí thánh? Chính Chúa Giêsu đã minh nhiên cho chúng ta chìa khóa vấn nạn. “Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch, vì họ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8). Những lời khuyên của Gioan Tẩy Giả cho dân chúng cũng như cho binh lính và những người thu thuế xưa chính là cách thế giúp họ thanh tẩy tâm hồn để nên trong sạch. Và Ngài đã lưu ý rằng không phải cứ cúi mình xuống nhận dấu thanh tẩy mà được thanh sạch, nhưng phải thay đổi đời sống. Sau này chính Chúa Giêsu cũng đã khẳng định với người Pharisiêu đã mời Người dùng bữa rằng không phải do việc tẩy rửa bên ngoài mà làm cho chúng ta nên thanh sạch, nhưng phải đem những cái bên trong ra mà phân phát thì mọi sự sẽ nên thanh sạch cho chúng ta (x.Lc 11,37-41).

- Hãy vui mừng vì Thiên Chúa đã rút lại lời kết án. Thiên Chúa yêu thương chúng ta và vì chúng ta, Người cũng quy tụ những kẻ hư hỏng, người tội lỗi về (x.Soph 3,14-18). Niềm vui của người được tha thứ tội lỗi là niềm vui thật khó tả, hơn nữa, khi đó là một món nợ, vượt quá khả năng chi trả của chúng ta. Một người được thứ tha sẽ trở thành nguyên cớ để nhiều người tội lỗi khác tin tưởng trở về. Bất cứ tội lỗi nào cũng có tính lây nhiễm ít nhiều. Cũng thế và hơn thế nữa, ân phúc tha thứ nào cũng có sức năng động lan tỏa. Đây chính là lý do để ngôn sứ Xôphônia mời gọi chúng ta hãy hân hoan và hãy nhảy mừng hết tâm hồn (Xp 3,14).

- Hãy vui mừng vì Chúa Kitô đã chọn chúng ta, không vì công nghiệp của chúng ta mà chỉ vì tình yêu của Người. Thánh tông đồ dân ngoại đã nói với tín hữu Philipphê rằng nếu tự hào về công trạng theo lề luật, thì ngài có thể hơn rất nhiều người. Nhưng ngài bỏ tất cả đằng sau, ngài chấp nhận mọi thua thiệt, trước một mối lợi lớn là được biết chúa Kitô (x.Pl 3,1-16). “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em…” (Ga 15,16). Vì đã chọn chúng ta nên Chúa Giêsu tự nguyện liên đới với chúng ta cho đến cùng. Người không chỉ làm con chiên gánh lấy tội nhân trần mà còn đón nhận loài người như đàn em đông đúc để thông chia phần phúc gia nghiệp đã hứa ban (x.Ep 1,3-14).

Tuy nhiên, một vấn đề cần làm sáng tỏ đó là niềm vui đích thật được biểu lộ như thế nào? Chắc hẳn đó không phải là tiếng cười rôm rả của những bữa tiệc đầy sơn hào hải vị và rượu bia, và cũng chẳng nhất thiết là trạng thái lâng lâng, sau khi đạt được một thành công trong kinh doanh hay trong thi đấu thể thao… Một niềm vui đích thật đó là tâm trạng của người cảm nhận mình được yêu thương vượt quá mọi công trạng mình đã có, vượt quá mọi khả năng mình đang có hay sẽ có. Tâm trạng này chính là sự bình an tận đáy tâm hồn khiến chúng ta can đảm vượt qua mọi thử thách và gian khổ, đồng thời thúc đẩy chúng ta nỗ lực sống đức ái cách không tính toán, không chỉ với người dễ mến mà còn với người khó thương, với cả những người thù ghét và bách hại chúng ta. Có thể nói rằng các thánh tử đạo là những người đã thể hiện niềm vui đích thực này cách rõ nét.

Nước Trời là vương quốc của tình yêu và của niềm vui đích thật. Chúng ta có thể luận suy chân lý này qua các hình ảnh tiệc cưới mà Chúa Giêsu đã dùng để minh họa về thực tại Nước Trời và các hình ảnh mà Người nói về tình trạng trầm luân đời đời, đó là nơi phải khóc lóc và nghiến răng (x.Mt 22,2; Mt 8,12). Mùa Vọng lại về, một trong những ý nghĩa của Mùa Vọng là chuẩn bị đón mừng mầu nhiệm Chúa nhập thể - nhập thế. Thiên Chúa đã làm người, đã vào trần gian và Người mãi ở với chúng ta cho đến tận thế (x.Mt 28,20). Nước Trời đang ở giữa chúng ta (x.Lc 17,21). Ước gì bà con lương dân, anh em khác đạo và cả những người tự nhận là vô thần, thấy được niềm vui đích thật nơi Kitô hữu chúng ta, một niềm vui được thể hiện qua sự an bình và tình yêu liên đới trong những chia sẻ cách vô vị lợi. Trăm nghe không bằng một thấy. Thiết tưởng rằng đó cũng là một lời loan báo Tin Mừng khả tín không thua, mà có khi lại hơn những tổ chức “lễ hội đình đám” bên ngoài trong dịp mừng Chúa Giáng Sinh.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây