TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật III Phục Sinh - Năm C

24/04/2022 03:33:08 |   1531

Chúa Nhật III Phục Sinh - Năm C
 

cn3 phucsinh C

Ga 21, 1-19

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

Chúa Nhật III Phục Sinh - Năm C

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Sau khi Phục Sinh, mặc dù Đức Giêsu đã hiện ra nhiều lần để chứng tỏ sự sống lại của Người, nhưng các Tông Đồ vẫn chưa vững niềm tin. Các ông tưởng mọi sự như đã chấm dứt với cái chết của Thầy mình, thế là họ trở về với nghề cũ, nghề đánh bắt cá. Các ông không còn nhớ tới lời mời gọi của Đức Giêsu thuở ban đầu : “Ta sẽ cho các ngươi trở thành ngư phủ lưới người”. Như thế, kế họach của Thiên Chúa nơi Đức Kitô xem ra như thất bại. Thế nhưng, với mẻ cá lạ hôm nay, Đấng Phục Sinh đã một lần nữa nhắc các Tông Đồ về nhiệm vụ: đánh lưới người về cho Thiên Chúa.

Tuy nhiên để chu toàn được nhiệm vụ này, trước hết các ông phải là những người luôn lắng nghe và sống lời Chúa, để rồi nhờ sức mạnh của lời Chúa nâng đỡ, các ông đủ can đảm lên đường dẫn đưa mọi người về với Đấng Phục Sinh.

Giờ đây chúng ta thành tâm xin lỗi Chúa và xin lỗi nhau, để cử hành Thánh Lễ cho xứng đáng.

Ca nhập lễ

Toàn thể đất nước hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy ca ngượi vinh quang danh Người, hãy kính dâng Người lời khen ngợi hiển vinh – Alleluia.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã làm cho tâm hồn chúng con tươi trẻ lại, và chan chứa niềm vui vì được làm con Chúa. Xin cho chúng con hằng giữ mãi niềm vui Chúa ban, và nắm chắc hy vọng được phục sinh vinh hiển. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Cv 5, 27b-32. 40b-41

“Chúng tôi là chứng nhân các lời đó cùng với Thánh Thần”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, thầy thượng tế hỏi các tông đồ rằng: “Ta đã ra lệnh cấm các ngươi nhân danh ấy mà giảng dạy. Thế mà các ngươi đã giảng dạy giáo lý các ngươi khắp cả Giêrusalem; các ngươi còn muốn làm cho máu người đó lại đổ trên chúng tôi ư?” Phêrô và các tông đồ trả lời rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta. Thiên Chúa cha ông chúng ta đã cho Ðức Giêsu sống lại, Ðấng mà các ông đã giết khi treo Người trên thập giá. Thiên Chúa đã dùng quyền năng tôn Ngài làm thủ lãnh và làm Ðấng Cứu Ðộ, để ban cho Israel được ăn năn sám hối và được ơn tha tội. Chúng tôi là nhân chứng các lời đó cùng với Thánh Thần, Ðấng mà Thiên Chúa đã ban cho mọi kẻ vâng lời Người!” Họ ra lệnh đánh đòn các tông đồ và tuyệt đối cấm không được nhân danh Ðức Giêsu mà giảng dạy nữa, đoạn tha các ngài về. Vậy các ngài ra khỏi công nghị, lòng hân hoan vì thấy mình xứng đáng chịu sỉ nhục vì Danh Ðức Giêsu.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 29, 2 và 4. 5 và 6. 11 và 12a và 13b

Ðáp: Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con (c. 2a).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con, và không để quân thù hoan hỉ về con. Lạy Chúa, Ngài đã đưa linh hồn con thoát xa Âm phủ, Ngài đã cứu con khỏi số người đang bước xuống mồ. 

Xướng: Các tín đồ của Chúa, hãy đàn ca mừng Chúa, và hãy cảm tạ thánh danh Ngài. Vì cơn giận của Ngài chỉ lâu trong giây phút, nhưng lòng nhân hậu của Ngài vẫn có suốt đời. Chiều hôm có gặp cảnh lệ rơi, nhưng sáng mai lại được mừng vui hoan hỉ. 

Xướng: Lạy Chúa, xin nhậm lời và xót thương con, lạy Chúa, xin Ngài gia ân cứu giúp con. Chúa đã biến đổi lời than khóc thành khúc nhạc cho con; lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con sẽ tán tụng Chúa tới muôn đời. 

Bài Ðọc II: Kh 5, 11-14

“Chiên Con đã bị giết, xứng đáng lãnh nhận quyền năng, …vinh quang và lời chúc tụng”.

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.

Tôi là Gioan, đã thấy và nghe tiếng các thiên thần đông đảo vòng quanh ngai vàng, tiếng các sinh vật và các vị kỳ lão; số họ đông hằng ngàn hằng vạn, họ lớn tiếng tung hô rằng: “Chiên Con đã bị giết, xứng đáng lãnh nhận quyền năng, phú quý, khôn ngoan, sức mạnh, danh dự, vinh quang và lời chúc tụng”. Tôi lại nghe mọi thọ tạo trên trời, trên đất, dưới đất, trên biển và dưới biển, tung hô rằng: “Chúc Ðấng ngự trên ngai và chúc Chiên Con được ca tụng, danh dự, vinh quang, quyền năng đến muôn đời”. Bốn sinh vật thưa: “Amen”, và hai mươi bốn vị kỳ lão sấp mặt xuống và thờ lạy Ðấng hằng sống muôn đời.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 10, 27

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta”. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 21, 1-14 {hoặc 1-19}

“Chúa Giêsu đến, cầm bánh và cá trao cho họ ăn”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, lúc các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến. Công việc đã xảy ra như sau: “Simon-Phêrô, Tôma (cũng gọi là Ðiđymô), Nathanael quê tại Cana xứ Galilêa, các con ông Giêbêđê, và hai môn đệ khác nữa đang ở với nhau. Simon Phêrô bảo: “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông kia nói rằng: “Chúng tôi cùng đi với ông”. Mọi người ra đi xuống thuyền. Nhưng đêm ấy các ông không bắt được con cá nào. Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bờ biển, nhưng các môn đệ không biết là Chúa Giêsu. Người liền hỏi: “Này các con, có gì ăn không?” Họ đồng thanh đáp: “Thưa không”. Chúa Giêsu bảo: “Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được”. Các ông liền thả lưới và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá. Người môn đệ Chúa Giêsu yêu liền nói với Phêrô: “Chính Chúa đó”. Simon Phêrô nghe nói là Chúa, liền khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào và kéo lưới đầy cá theo, vì không còn xa đất bao nhiêu, chỉ độ hai trăm thước tay.

Khi các ông lên bờ, thấy có sẵn lửa than, trên để cá và bánh. Chúa Giêsu bảo: “Các con hãy mang cá mới bắt được lại đây”. Simon Phêrô xuống thuyền kéo lưới lên bờ. Lưới đầy toàn cá lớn; tất cả được một trăm năm mươi ba con. Dầu cá nhiều đến thế, nhưng lưới không rách. Chúa Giêsu bảo rằng: “Các con hãy lại ăn”. Không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi “Ông là ai?”, vì mọi người đã biết là Chúa. Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ; Người cũng cho cá như thế. Ðây là lần thứ ba, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ khi Người từ cõi chết sống lại.

[Vậy khi các Ngài đã điểm tâm xong, Chúa Giêsu hỏi Simon Phêrô rằng: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”. Người lại hỏi: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”. Người hỏi ông lần thứ ba: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Phêrô buồn phiền, vì thấy Thầy hỏi lần thứ ba: “Con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên mẹ của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho con biết: khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu mặc ý, nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn đến”. Chúa nói thế có ý ám chỉ Phêrô sẽ chết cách nào để làm sáng danh Thiên Chúa. Phán những lời ấy đoạn, Người bảo ông: “Con hãy theo Thầy”.]

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Sau khi sống lại và lên trời, Chúa Giê-su đã được Chúa Cha tôn phong làm Vua vũ trụ và Chúa muôn loài: Ngài hằng điều khiển và yêu thương chăm sóc mọi loài. Với lòng tin tưởng đó, chúng ta phấn khởi dâng lời cầu xin:

1. “Chúng tôi là chứng nhân các điều đó cùng với Thánh Thần” – Xin cho các vị lãnh đạo Hội Thánh được lòng mến Chúa nhiều hơn, để có thể hoàn thành tác vụ “chăm sóc đoàn chiên Chúa” một cách tốt đẹp như lòng Chúa mong ước.

2. “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta” – Xin cho mọi thành phần dân Chúa, được can đảm thi hành mệnh lệnh truyền giáo của Chúa, để góp phần cứu độ anh chị em đồng loại, dù bị chèn ép, và phải đương đầu với nhiều thách đố gay gắt của thời đại này.

3. “Chiên Con đã bị giết, xứng đáng lãnh nhận quyền năng, thiên tính, khôn ngoan…”.- Xin cho những người nghèo khổ dù phải chịu gian nan thử thách trong cuộc đời, vẫn một lòng tín thác, thần phục và suy tôn Chúa Phục Sinh, với hy vọng sau này sẽ được thông phần vào cuộc chiến thắng vinh quang của Người.

4. “Nhưng đêm ấy các ông không bắt được con cá nào”.- Xin cho mọi người trong Giáo xứ chúng ta biết tín thác vào sự hiện diện và hoạt động hữu hiệu của Chúa Phục Sinh, để việc thánh hó

a bản thân và sứ mệnh loan báo Tin Mừng của chúng ta đạt được kết quả tốt đẹp.

Chủ tế: Lạy Cha, Thiên Chúa tình yêu. Xin cho chúng con biết hết lòng suy tôn Con Cha, và làm chứng nhân cho Cha, bằng cách yêu thương, phục vụ hết mọi anh chị em đồng loại, đặc biệt là những người đau khổ và bé mọn chung quanh chúng con. Chúng con cầu xin…

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã ban cho Giáo Hội được niềm vui khôn tả; giờ đây xin vui lòng chấp nhận của lễ Giáo Hội đang hoan hỷ dâng lên và ban cho chúng con được hưởng nhờ hiệu quả là hạnh phúc muôn đời. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng Phục Sinh

Ca hiệp lễ

Các môn đệ đã nhận ra Chúa Giêsu khi Người bẻ bánh – Alleluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin ghé mắt nhân từ nhìn đến chúng con là đoàn dân của Chúa. Nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã cho tâm hồn chúng con được hoàn toàn đổi mới, xin cho cả thân xác yếu hèn của chúng con đây mai sau cũng được sống lại vinh hiển và hưởng phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Mẻ lưới
Sưu tầm

Qua đoạn Tin Mừng vừa nghe, chúng ta nhận thấy câu chuyện đã xảy ra trên bờ hồ Tibêriade, xứ Galiêa, nơi các môn đệ đã quen thuộc với nghề đánh cá. Đây cũng là nơi các ông đã được Chúa báo trước rằng: Các ông sẽ gặp Ngài tại Galilêa.

Suốt đêm hôm ấy các ông đã vất vả và cực nhọc mà chẳng đánh bắt được gì. Sáng đến, theo sự chỉ dẫn của một người lạ mặt trên bờ hồ, các ông đã đánh được một mẻ cá lớn. Mẻ cá lạ lùng này đã giúp các ông nhận ra Chúa Giêsu, Thầy của các ông. Người nhận ra Chúa đầu tiên cũng chính là Gioan, vị môn đệ được Ngài yêu thương.

Theo nhiều nhà chú giải thì mẻ cá lạ lùng này chính là một hình ảnh tượng trưng cho Giáo Hội. Thực vậy, các môn đệ theo lời Chúa chỉ dạy đã hoạt động và ngay khi không có chút hy vọng gì thì cũng vẫn có thể quy tụ mọi người từ mọi nơi thành một cộng đoàn duy nhất, vì các ông đã làm theo lời Đấng đã sống lại. Con số 153 con cá được đưa ra ở đây cũng có thể góp phần làm nổi bật ý tưởng trên. Theo thánh Hiêrônimô thì các nhà động vật học hồi xưa phân biệt được 153 loại cá. Do đó con số này tượng trưng cho tất cả mọi thứ cá trong biển. Và như thế, dưới cái nhìn của các nhà chú giải thì mẻ lưới của các tông đồ sẽ quy tụ toàn thể gia đình nhân loại để làm thành một cộng đoàn duy nhất.

Tuy nhiên, trong thực tế, việc thi hành sứ mạng của Chúa Giêsu Phục sinh không phải lúc nào cũng dễ dàng ngay cả đối với các môn đệ. Bài đọc I, trích sách Tông đồ Công vụ đã nêu lên những khó khăn của việc rao giảng Tin Mừng. Các môn đệ đã bị cấm không được rao giảng danh Chúa Giêsu. Lệnh cấm ấy lại xuất phát từ thẩy cả thượng tế. Trong chính cuộc đời rao giảng của Chúa Giêsu, Ngài cũng đã từng gặp phải những khó khăn từ phía những người lãnh đạo Do Thái giáo. Và cuối cùng Ngài đã phải chết vì tay họ.

Từ những điều vừa trình bày chúng ta đi tới một kết luận thực hành. Kết luận ấy như thế này. Công việc rao giảng Tin Mừng Chúa Phục Sinh, không phải chỉ là một bổn phận dành riêng cho linh mục tu sĩ, mà còn là một bổn phận chung của mọi người tín hữu. Chu toàn được bổn phận ấy không phải là một việc dễ dàng, trái lại ở mọi nơi và trong mọi lúc, người tông đồ đều có thể gặp phải những khó khăn, những phản kháng.

Trong những hoàn cảnh như thế, nếu chỉ cậy dựa vào sức lực và tài năng riêng của mình, chúng ta sẽ dễ dàng nản chí và chắc chắn sẽ đi tới chỗ thất bại. Trái lại nếu biết cậy dựa vào tình thương và ơn sủng của Chúa, chúng ta sẽ luôn có được một lòng hăng hay và nhiệt thành để rồi sẽ đi tới thành công, bởi vì đối với Chúa, không có điều gì mà Ngài không thể làm được.

Noi gương các môn đệ, chúng ta hãy vâng theo lời Chúa, ra khơi và thả lưới, để nhờ đó chúng ta sẽ đem về cho Chúa những tâm hồn sám hối.

CHÚA NHẬT 3C PHỤC SINH - C
(Ga 21: 1-14) Lm. Lã Mộng Thường

Câu cuối của bài Phúc Âm nói rõ ràng mục đích của đoạn Phúc Âm được viết, “Đây là lần thứ ba Chúa Giêsu đã hiện ra với môn đệ khi Người từ cõi chết sống lại”. Khi một chuyện gì hiển nhiên và mọi người đều biết, tất nhiên không ai cần phải nhắc tới. Như vậy, sở dĩ Phúc Âm phải nhắc đến sự hiện ra của Đức Giêsu với các môn đồ có lẽ vì vào thời đó dân chúng miền Trung Đông không tin có sự sống lại. Thử để ý suy nghiệm nơi tâm hồn mỗi người, chúng ta chỉ có thể chấp nhận lời Phúc Âm nói về sự sống lại của Đức Giêsu cũng như các môn đồ của Ngài rao giảng về sự sống lại. Đặc biệt nơi câu chuyện ngã ngựa của thánh Phao Lô nơi sách Tông Đồ Công Vụ, chính thánh nhân trải qua kinh nghiệm gặp gỡ Đức Giêsu nhưng không được đối diện với Ngài như các tông đồ khác.

Kinh nghiệm nơi cuộc sống minh chứng chúng ta chưa bao giờ gặp bất cứ ai đã chết một số ngày mà có thể sống lại ngoại trừ trường hợp chỉ một khoảng thời gian ngắn, và họ kể lại đã gặp được nguồn sáng kỳ diệu có sức cuốn hút linh hồn họ đến nỗi khi tỉnh lại họ không còn tha thiết gì với đời sống thế tục cũng như không sợ hãi sự chết; ngược lại họ luôn luôn chờ thời điểm chết để được trở về với nguồn sáng được họ mệnh danh là chính Thiên Chúa.

Cũng có những vị bác sĩ để tâm nghiên cứu về hiện tượng những người gặp gỡ được nguồn sáng xảy đến đối với những người chết hụt, đặc biệt bác sĩ giải phẫu người Mỹ có tên là Melvin Morse. Ông đã viết hai cuốn sách, một cuốn có tên là Near Death Experience, và cuốn khác, Transformed by the Light. Ông phỏng vấn 400 người nơi trường hợp kích ngất họ đã gặp được nguồn sáng và được họ chứng minh cho biết một số trong họ sau lần kích ngất và gặp gỡ nguồn sáng họ đã tự nhiên có được những khả năng lạ kỳ chẳng hạn nhìn thấy trước chuyện gì đó sẽ xảy ra.

Có những người đã cảm thấy phiền hà vì khả năng này bởi chính khả năng biết trước sự việc sẽ xảy đến mà không thể thực hiện bất cứ chuyện gì để giúp đương sự tránh thoát được điều nguy hại đang trờ tới, hoặc là họ không tin, hoặc là vì thời điểm quá kề cận không cách nào thông báo kịp trong khi họ cứ phải nhìn thấy những điều đáng sợ ấy thường xuyên. Điều đáng để ý đó là câu Phúc Âm, “Chúa Giêsu bảo rằng: ‘Các con hãy lại ăn.’ Không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi, ‘Ông là ai?’ vì mọi người đã biết là Chúa”. Câu này chứng tỏ hình dạng của Đức Giêsu sau khi sống lại khác với Ngài trước khi tử nạn. Từ đó, câu trả lời của Đức Giêsu về sự sống lại nơi vấn nạn về bẩy người anh em trai lần lượt thành hôn với một người đàn bà làm sáng tỏ thêm sự kiện các môn đồ không dám hỏi Đức Giêsu. Khi người thuộc bè Sađóc hỏi về sự kiện này, Đức Giêsu trả lời, “Còn những ai đã được xét là đáng hưởng đời sau, cùng sự sống lại từ cõi chết thì sẽ không cưới vợ lấy chồng! Vì chưng họ không thể chết nữa, bởi họ được như thiên thần và nên con cái Thiên Chúa, một khi đã là con cái của sự sống lại” (Lc. 20:36). Thêm một lần nữa chúng ta lại thấy Phúc Âm minh chứng các Tông Đồ đã không nhận ra hình dáng Đức Giêsu sau khi Ngài sống lại. Và nơi bài Phúc Âm vừa được công bố, khi các tông đồ còn đang nghi vấn thì Phúc Âm ghi, “Người môn đệ Chúa yêu nói với Phêrô: Chính Chúa đó”. Theo như truyền thống Giáo Hội thì Gioan, môn đệ Chúa yêu chính là người viết cuốn Phúc Âm thứ 4. Nếu ai đọc và để ý suy nghiệm, Phúc Âm Gioan được viết từ cảm nghiệm tâm linh chẳng những về thực thể Ngôi Lời của Đức Giêsu mà còn về thực thể tâm linh của mỗi người chúng ta. Thế nên, lý do Phúc Âm viết Gioan nhận ra Đức Giêsu và nhắc nhở Phêrô có thể với chủ đích khuyến khích chúng ta để tâm suy nghiệm Phúc Âm. Gioan đã để tâm nhận định những diễn biến và suy nghiệm nên nhận ra Chúa Giêsu trước các môn đồ khác. Tương tự nơi trường hợp thánh Phêrô và Gioan, hai người cùng chạy tới mồ khi nghe tin Chúa đã sống lại, Phúc Âm viết, Gioan trông thấy và đã tin.

Tóm lại, bài Phúc Âm khuyến khích chúng ta để tâm suy nghiệm những diễn biến nơi cuộc đời để nhận ra công việc huyền nhiệm Chúa đang thực hiện không những nơi chính mình mà còn nơi tạo vật. Sự sống lại của Đức Giêsu minh chứng cho mọi người nhận biết cuộc đời con người không phải chết là hết mà còn sự sống sau khi xác thân chúng ta chết và qua đi và linh hồn của chúng ta bước vào cõi sống vô hình một khi lìa thân xác.

PHẢI VÂNG LỜI THIÊN CHÚA HƠN LÀ VÂNG LỜI NGƯỜI PHÀM
(Chúa Nhật III PS C) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Bị điệu ra giữa Thượng Hội Đồng, bị chất vấn rằng vì sao không chấp hành lệnh nghiêm cấm không được giảng dạy nhân danh Giêsu nữa, Phêrô và các Tông đồ đã khẳng khái trả lời: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm” (Cvtđ 5,32). Câu trả lời thật tuyệt vời. Hầu như tất cả những ai đã tin vào Thiên Chúa đều phải “tâm phục, khẩu phục” trước câu nói này.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao để phân biệt đâu là lời của Thiên Chúa và đâu là lời của người phàm? Kitô hữu chúng ta vốn nhìn nhận tiếng Chúa phán qua thiên nhiên vũ trụ, qua các biến cố lịch sử, qua tiếng lương tâm. Nhưng cần thú nhận rằng các phương thức phán dạy ấy của Thiên Chúa dường như không minh nhiên rõ ràng với nhiều người. Chúng ta vốn tin nhận Lời Chúa qua Thánh Kinh, đặc biệt qua lời của Con Một Thiên Chúa nhập thể, Giêsu Kitô. Tuy nhiên cũng không dễ phân biệt đâu là cách thế trình bày của tác giả nhân loại và đâu là ý lời Thiên Chúa muốn truyền. Ngay đến các tông đồ là những người trực tiếp tai nghe lời Đấng Cứu Thế mà vẫn còn nhiều điều các ngài chưa thể hiểu (x.Ga 16,12-13). Trong lịch sử đã không thiếu nhiều trường hợp lời của Thiên Chúa đã bị cắt xén hoặc bị đưa khỏi ngữ cảnh, để phục vụ cho ý, lời của phàm nhân. Ngoài ra còn cần phải kể đến nhiều lời giảng dạy của Đấng Cứu độ mà không được ghi chép trong Kinh Thánh (x.Ga 20,30-31;21,25). Đó là một trong những nội hàm mà Giáo hội Công giáo gọi là Thánh Truyền.

Căn cứ bài Tin Mừng thánh Gioan (Ga 21,1-19) mà Giáo Hội cho trích đọc trong Chúa Nhật III mùa Phục Sinh năm C, xin cùng nghe và có đôi suy nghĩ về những lời từ miệng của Đấng Phục Sinh. Xin được ghép những lời của Chúa Kitô trong lần tỏ mình ra trên biển hồ Tibêria thành bốn cặp lời hữu quan, mang tính biện chứng như sau:

1. “Này các anh, có gì ăn không?” – “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá”.

Các anh có gì ăn không? Một lời cầu xin ư? Đúng vậy. Rất nhiều nhu cầu của tha nhân đang vọng vang bên tai chúng ta. Đó không chỉ là nhu cầu lương thực vật chất mà còn nhiều nhu cầu thiết yếu khác về tinh thần, tâm linh. Người ta không chỉ sống đúng nhân phẩm bằng cơm bánh mà còn bằng nhu cầu học hành, đi lại, nói năng, suy nghĩ, kết hội… Chắc hẳn thế nào các môn đệ cũng nhớ lại lời Thầy Chí Thánh trước đây: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Lc 9,13). Có người thầm thĩ, nói đúng hơn là than thở: “Chúa ơi, Chúa dựng nên mọi sự đều tốt đẹp, thế mà sao còn quá nhiều người đói khổ như ở Sômali, ở Haiti… còn quá nhiều người bị áp bức, chịu cảnh bất công nơi này nơi kia trên thế giới và ngay cả chung quanh con?” Chắc hẳn Chúa sẽ trả lời rằng: “Con ơi, Ta đã làm rồi đó. Ta đã dựng nên con. Đó là điều rất tốt đẹp” (x.St 1,31).

Chúng ta cũng đã từng phân trần: “Tài mọn, sức yếu như con làm sao kham nỗi? Hoàn cảnh thế sự lại quá khó khăn, Chúa biết đấy “một con én không làm nên mùa xuân”. Thế nhưng Chúa vẫn cứ gợi ý, ra lệnh hay mời gọi: “Cứ thả lưới!” Các ngư phủ lành nghề ngày xưa đã làm điều nghịch thường: thả lưới giữa ban ngày! Trước đây trên dưới ba năm Simon đã được một mẻ cá lạ lùng chất đầy hai thuyền nặng gần chìm và hôm nay ngài cùng với các bạn lại được một mẻ cá không kém: 153 con cá lớn, nghĩa là bắt gần hết cá dưới biển vì theo quan niệm thời bấy giờ thì dưới biển chỉ có 153 loại cá. Ngạn ngữ Tây: “Les paresseurs sont ceux qui toujours veulent faire quelque chose” (Những người lười biếng là những người luôn muốn làm một sự gì đó). Xin đừng mộng mơ! Xin chớ ngồi mà ước muốn suông hoặc chỉ biết chấp tay cầu nguyện! Hãy thả lưới dù trời đã sáng, nghĩa là cả lúc thế thời xem ra không thuận lợi.

2. “Anh em hãy đến mà ăn!” – “Đem ít cá mới bắt được tới đây!”

“Hãy đến mà ăn!” Lời mời gọi của Chúa Cứu Thế nhắc nhớ chúng ta rằng mọi người đều cần đến lương thực bởi trời. Mọi hiện hữu ở đời đều do bởi Thiên Chúa. Không có ơn Chúa thì chúng ta không thể làm được sự gì tốt đẹp (x.Ga 15,5). Đến với Chúa để kín múc nguồn sống, để nhận lấy năng lực yêu thương, phục vụ, trao ban. Đấng Cứu Độ không muốn chúng ta đến với Người với đôi bàn tay trắng. Dù có thể làm được mọi sự, nhưng Người cũng đã từng muốn cần đến năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ (x.Mt 14,17). Hằng ngày đến với Người qua bàn tiệc Lời Chúa, bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta đã mang gì để dâng cho Người?

3. “Con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” – “Hãy chăn dắt chiên (chiên con và chiên mẹ) của Thầy!”

Vì yêu Chúa Kitô nên chúng ta sẵn sàng đảm nhận phần việc của Người. Nhờ yêu Chúa Kitô nên chúng ta mới có khả năng chăn dắt các chiên lớn bé của Người. Không ai dại dột giao trứng cho ác. Người ta chỉ ký thác người thân yêu cho kẻ đáng tin cậy. Và người đáng tin, đáng cậy nhất đó là người yêu mến mình hết sức, hết lòng. Biết chăn dắt đàn chiên với cả tấm lòng yêu mến thì mới xứng là mục tử. Không có tình yêu thì không thể chuyên chăm dẫn đàn chiên đến đồng cỏ xanh và dòng suối mát. Không có tình yêu thì không thế can đảm chống trả sói dữ và liều mạng sống vì đàn chiên. Không có tình yêu thì chẳng thể quan tâm chăm sóc chiên gầy, chiên bệnh tật hoặc vất vả đi tìm con lạc và cả những chiên đang ở ngoài đàn.

4. “Anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” – “Hãy theo Thầy!”

Dưới đóa hoa hồng thường lấp ló những cành gai. Thập giá là hệ quả như tất yếu của tình yêu. Đường tình yêu là đường thập giá. “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” (Lc 9,23). Vấn đề đặt ra là bạn, tôi, chúng ta muốn theo ai? Đã quyết đinh theo Chúa Kitô thì không có con đường nào khác, ngoài con đường Người đã đi. Xin đừng quá chăm chú đến khúc gỗ sần sù. Đường Chúa đi là đường yêu thương. Khi đã lao mình vào biển tình yêu, hết lòng vì người mình yêu, hết tình vì người yêu mình, thì những khúc gỗ sần sù kia dù có ê vai nhưng rồi sẽ trở thành ách êm ái, gánh nhẹ nhàng (x.Mt 11,29-30).

Có ai yêu thương chúng ta như Đấng đã phó ban Người Con Một, vì hạnh phúc chúng ta? Có ai đầy quyền uy cao cả cho bằng Đấng đã dựng nên cả đất trời và đưa chúng ta từ chốn hư vô đến hiện hữu ở đời này? Vì thế, thái độ vừa chính đáng vừa khôn ngoan và phải đạo là: “Phải vâng lời Chúa hơn là vâng lời người ta.”

Chúa nhật thứ ba mùa phục sinh -C
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 21, 1-19).

Khi ấy, lúc các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến. Công việc đã xảy ra như sau: “Simon-Phêrô, Tôma (cũng gọi là Ðiđymô), Nathanael quê tại Cana xứ Galilêa, các con ông Giêbêđê, và hai môn đệ khác nữa đang ở với nhau. Simon Phêrô bảo: “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông kia nói rằng: “Chúng tôi cùng đi với ông”. Mọi người ra đi xuống thuyền. Nhưng đêm ấy các ông không bắt được con cá nào. Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bờ biển, nhưng các môn đệ không biết là Chúa Giêsu. Người liền hỏi: “Này các con, có gì ăn không?” Họ đồng thanh đáp: “Thưa không”. Chúa Giêsu bảo: “Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được”. Các ông liền thả lưới và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá. Người môn đệ Chúa Giêsu yêu liền nói với Phêrô: “Chính Chúa đó”. Simon Phêrô nghe nói là Chúa, liền khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào và kéo lưới đầy cá theo, vì không còn xa đất bao nhiêu, chỉ độ hai trăm thước tay.
Khi các ông lên bờ, thấy có sẵn lửa than, trên để cá và bánh. Chúa Giêsu bảo: “Các con hãy mang cá mới bắt được lại đây”. Simon Phêrô xuống thuyền kéo lưới lên bờ. Lưới đầy toàn cá lớn; tất cả được một trăm năm mươi ba con. Dầu cá nhiều đến thế, nhưng lưới không rách. Chúa Giêsu bảo rằng: “Các con hãy lại ăn”. Không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi “Ông là ai?”, vì mọi người đã biết là Chúa. Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ; Người cũng cho cá như thế. Ðây là lần thứ ba, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ khi Người từ cõi chết sống lại.
Vậy khi các Ngài đã điểm tâm xong, Chúa Giêsu hỏi Simon Phêrô rằng: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”. Người lại hỏi: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”. Người hỏi ông lần thứ ba: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Phêrô buồn phiền, vì thấy Thầy hỏi lần thứ ba: “Con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên mẹ của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho con biết: khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu mặc ý, nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn đến”. Chúa nói thế có ý ám chỉ Phêrô sẽ chết cách nào để làm sáng danh Thiên Chúa. Phán những lời ấy đoạn, Người bảo ông: “Con hãy theo Thầy”.

Suy niệm

Sau khi sống lại, Đức Giêsu chứng kiến sự thay đổi rất nhiều của các học trò, từ niềm tin cho đến đời sống cộng đoàn, họ hoang mang, sợ hãi, chán nản kèm theo sự thất vọng, người thì bỏ cộng đoàn về quê, người thì trở lại với công việc cũ để xóa tan những hy vọng đi theo Thầy, họ sẽ được hưởng bổng lộc và an phận cho cuộc sống. Trước nỗi niềm đó, Đức Giêsu đã hiện ra nhiều lần, dưới nhiều hình thức khác nhau, để củng cố niềm tin cho các học trò, để minh chứng lời tiên báo của mình trước đây là sự thật đến từ Thiên Chúa chứ không do con người. Phụng vụ Lời Chúa Chúa nhật thứ ba mùa phục sinh, trình bày diễn tiến những lần hiện ra của Đức Giêsu phục sinh theo cách trình bày của mỗi tác giả, tất cả góp phần minh định niềm tin cho các tín hữu trong cộng đoàn Giáo hội sơ khai cũng như con cái Giáo hội ngày hôm nay.

Khởi đi từ bài đọc 1 trích từ sách Công Vụ Tông đồ, tác giả là một học trò của vị Tông đồ trưởng, người đã mạnh dạn bước qua cánh cửa của sợ hãi, để loan tin vui cứu độ cho toàn thế giới. Thánh Phê-rô cũng như các Tông đồ, trong từng ngày sau biến cố phục sinh của Thầy, dù không gặp Thầy hằng ngày, nhưng các ông cảm nghiệm được sức mạnh nội tâm đến từ Thiên Chúa, đang thôi thúc họ phải nói, phải hành động, dù có bị cấm đoán, bị bắt bớ, các ông vẫn cam chịu tất cả, để tin vui cứu độ đó được gởi tới mọi người, mọi nhà: “Trong những ngày ấy, thầy thượng tế hỏi các tông đồ rằng: “Ta đã ra lệnh cấm các ngươi nhân danh ấy mà giảng dạy. Thế mà các ngươi đã giảng dạy giáo lý các ngươi khắp cả Giêrusalem; các ngươi còn muốn làm cho máu người đó lại đổ trên chúng tôi ư?” Phêrô và các tông đồ trả lời rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta”. Nghe tin Thầy đã sống lại, các ông nửa tin nửa ngờ, nhưng khi bước ra khỏi căn phòng sợ hãi, các ông được Chúa phục sinh biến đổi trở thành những con người mới, đầy nghị lực, can đảm và dám hy sinh, bởi các ông tin rằng việc mình đang làm là được cộng tác với Chúa phục sinh, đem ơn cứu độ cho con người. Vì thế, sợ hãi, bắt bớ, tù đày và bị loại trừ không làm các ông chùn bước, trái lại, các ông thấy tự hào vì được làm chứng cho một tình yêu tự hiến thật ý nghĩa.

Dù trong thị kiến nhưng thánh Gioan đã mượn lời của các vị trưởng lão, bộc bạch lời tuyên tín của mình hướng về Đức Giêsu Kitô phục sinh: “Tôi là Gioan, đã thấy và nghe tiếng các thiên thần đông đảo vòng quanh ngai vàng, tiếng các sinh vật và các vị kỳ lão; số họ đông hằng ngàn hằng vạn, họ lớn tiếng tung hô rằng: “Chiên Con đã bị giết, xứng đáng lãnh nhận quyền năng, phú quý, khôn ngoan, sức mạnh, danh dự, vinh quang và lời chúc tụng”. Chiên Con được tung hô trong vinh quang và quyền năng đó là Đấng đã chiến thắng tội lỗi, chiến thắng sự chết, được Thiên Chúa Cha trọng thưởng trên Thiên quốc, đó là phần thưởng dành cho người đã chiến thắng, và cũng là điểm đến cuối cùng cho người tín hữu nào tin vào một Đấng đã chết mà nay đang sống, phần thưởng đó dành cho người có một niềm tin thực sự, một niềm tin được bộc lộ bằng chính thái độ sống của bản thân, dám sống, dám chết cho tình yêu.

Không có Thầy ở giữa, nhóm học trò như mất định hướng cho ngày mai, kẻ thì rời cộng đoàn về quê tìm kế mưu sinh, kẻ thì trở lại với công ăn việc làm hàng ngày trong tâm trạng chán nản, chính lúc thấy học trò hoang mang, Đức Giêsu Kitô phục sinh đến với họ trong tình Thầy – Trò, Ngài bày tỏ sự quan tâm bằng việc chăm sóc cái ăn hàng ngày là nướng cá cho họ ăn, Ngài yêu thương họ bằng cách quên quá khứ của họ, Ngài động viên họ bằng việc giao trọng trách lớn, từ nay anh em sẽ là những kẻ lưới người như lưới cá: “Khi ấy, lúc các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến. Công việc đã xảy ra như sau: “Simon-Phêrô, Tôma (cũng gọi là Ðiđymô), Nathanael quê tại Cana xứ Galilêa, các con ông Giêbêđê, và hai môn đệ khác nữa đang ở với nhau. Simon Phêrô bảo: “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông kia nói rằng: “Chúng tôi cùng đi với ông Khi các ông lên bờ, thấy có sẵn lửa than, trên để cá và bánh. Chúa Giêsu bảo: “Các con hãy mang cá mới bắt được lại đây”. Simon Phêrô xuống thuyền kéo lưới lên bờ. Lưới đầy toàn cá lớn; tất cả được một trăm năm mươi ba con. Dầu cá nhiều đến thế, nhưng lưới không rách. Chúa Giêsu bảo rằng: “Các con hãy lại ăn”. Không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi “Ông là ai?”, vì mọi người đã biết là Chúa”. Sự ân cần của Thầy hôm nay chẳng khác gì ngày xưa khi Thầy chưa bước vào cuộc khổ nạn. Thái độ gần gũi đó giúp các ông càng tin tưởng hơn, đó là Thầy mình. Thầy trò cùng chia sẻ những nỗi niềm trống vắng, những nỗi niềm hụt hẫng khi không có Thầy đồng hành. Đó cũng là tâm trạng người tín hữu hôm nay, vắng bóng Chúa trong cuộc đời, con người dễ sa vào những lời đường mật của ma quỷ, chúng đưa con người đi trên những con đường thênh thang của hưởng thụ và tiêu thụ, chúng dẫn con người đi trên những xa lộ của chủ nghĩa cá nhân, vì thế, chằng bao lâu, con người thấy rằng cuộc đời đâu cần có sự hiện diện của Thiên Chúa, một sự hiện diện phiền toái và mất tự do.

Để các học trò của mình được vững tin trên mọi nẻo đường, Đức Giêsu đã trắc nghiệm niềm tin và lòng mến của các ông, giúp các ông đặt giá trị của niềm tin và lòng mến dành cho Thiên Chúa xứng hợp với giá trị của tình yêu: “Vậy khi các Ngài đã điểm tâm xong, Chúa Giêsu hỏi Simon Phêrô rằng: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”. Người lại hỏi: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”. Người hỏi ông lần thứ ba: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Phêrô buồn phiền, vì thấy Thầy hỏi lần thứ ba: “Con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy”. Ba mức độ của niềm tin, ba mức độ của tình yêu, niềm tin và tình yêu dành cho Thiên Chúa không thể sánh ngang với đồ vật, với phương tiện phục vụ cuộc sống được, niềm tin và tình yêu đó cũng không sánh bằng với niềm tin và tình yêu dành cho bạn bè, cho gia đình, cho người thân được, nhưng niềm tin và tình yêu đó phải trỗi vượt trên tất cả, chọn Thiên Chúa là gia nghiệp cuộc đời, thì phải sống hết tình, hết mình với Ngài, dù phải hy sinh. Đó là đỉnh cao của niềm tin và tình yêu tự hiến.

Chúa sống lại không làm thay đổi diện mạo bên ngoài của các Tông đồ, nhưng Ngài đã thay đổi suy nghĩ, thay đổi hình ảnh Thiên Chúa trong trái tim và tâm hồn họ, niềm tin của họ giờ đây không còn mang tính vụ lợi cho cuộc sống hiện tại, nhưng là siêu vượt lên một tầm cao mới, nơi đó niềm tin sẽ là chất xúc tác gắn bó con người với Thiên Chúa trong sự sống thiêng liêng. Chính trong sự gắn bó này, con người tìm được cho mình động lực để phục vụ, để hiến dâng và để nên một với Thiên Chúa. Khởi đi từ một thái độ quan tâm và chăm sóc trong công việc hàng ngày, Đức Giêsu phục sinh đã đưa các học trò ra khỏi vòng kim cô của thế gian, trở thành những người tự do, luôn vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời con người, luôn lắng nghe tiếng Thiên Chúa hơn là tiếng của thế gian. Mầu nhiệm phục sinh sẽ thay đổi tất cả những bất toàn trong hành động đức tin của người tín hữu hôm nay nếu họ chấp nhận để cho Đức Giêsu phục sinh uốn nắn và tái sinh.

Lạy Chúa Giêsu phục sinh, sự hiện diện của Chúa bên bờ biển cùng với hình ảnh phục vụ các học trò từ miếng ăn cho đến cái mặc, diễn tả một Thiên Chúa tình yêu luôn gần gũi với con người, xin cho chúng con học được bài học cúi xuống trong tinh thần phục vụ, để được gặp Chúa giữa dòng đời. Chúa muốn con người hãy vun đắp cho mình một niềm tin thật ý nghĩa và tinh ròng, để vượt qua mọi thách đố giữa cuộc đời, xin cho chúng con biết đặt Chúa vào giữa trung tâm cuộc đời và trái tim của mình, có như thế, chúng con không bao giờ cô đơn giữa dòng đời. Amen.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây