TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Phục Sinh -Năm B

“Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên”. (Ga 10, 11-18)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm A

15/01/2023 04:07:40 |   600

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm A
Chúa Nhật Lời Chúa

cn t3 TN A

Mt 4, 12-23


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật III Thường Niên -Năm A

 

Dẫn vào Thánh Lễ

Nếu Chúa Nhật trước phụng vụ giới thiệu cho chúng ta một Đức Kitô là tôi tớ khiêm hạ của Thiên Chúa, là Đấng đến để phục vụ chương trình cứu độ trong tư thế của một Người Con khiêm nhu, vâng phục, hi sinh…thì Chúa Nhật này phụng vụ giới thiệu cho chúng ta một Đức Kitô Ngôn Sứ, một Đức Kitô loan báo Tin Mừng, một Đức Kitô truyền giáo, một Vị Thừa Sai, một Nhà Giải Phóng.

Vâng, Đức Kitô đến để giải phóng chúng ta, để giải phóng nhân loại khỏi vòng tăm tối của quỉ ma, tội lỗi và sự chết, để đem tất cả vào sự sáng của niềm vui ơn cứu độ. Để cảm tạ Chúa, chúng ta cùng nhau đến đây hiệp dâng Thánh Lễ tạ ơn, nhưng để có thể xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh, chúng ta cùng thành tâm hối lỗi    

Ca nhập lễ

Toàn thể địa cầu, hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, hãy ca mừng Chúa. Sáng láng và oai nghiêm toả trước thiên nhan Người, uy hùng và tráng lệ phủ trên ngai báu Người.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin hướng dẫn chúng con biết hành động theo thánh ý Chúa, để nhờ kết hợp với con Một Chúa là Ðức Giêsu Kitô, chúng con đem lại hoa quả dồi dào là việc lành phúc đức. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Is 9, 1- 4 (Hr 8, 23b – 9, 3)

“Tại Galilêa các dân tộc và dân chúng thấy một ánh sáng vĩ đại”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Lúc đầu, đất Giabulon và Nephthali rất hèn hạ, trong tương lai dần dần trở thành đường biển, bên kia sông Giođan trở thành Galilêa các dân tộc. Dân chúng đi trong tối tăm đã thấy một ánh sáng vĩ đại, và một ánh sáng đã chiếu soi trên dân ở vùng bóng sự chết. Người đã gia tăng dân số, đã ban một nguồn vui lớn; thiên hạ hân hoan trước mặt Người, như hân hoan khi được mùa, nhảy mừng như khi phân chia chiến lợi phẩm. Vì ách đã đè trên họ, đòn ngang nằm trên vai họ, và gậy của kẻ lạm thu họ, Người đã bẻ gẫy tất cả như trong ngày Mađian.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 26, 1. 4. 13-14

Ðáp: Chúa là sự sáng và là Ðấng cứu độ tôi (c. 1a).

Xướng: Chúa là sự sáng, là Ðấng cứu độ; tôi sợ chi ai? Chúa là Ðấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai? 

Xướng: Có một điều tôi xin Chúa, một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi, hầu vui hưởng sự êm đềm của Chúa, và chiêm ngưỡng thánh điện của Người. 

Xướng: Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa. 

Bài Ðọc II: 1 Cr 1, 10-13. 17

“Tất cả anh em hãy đồng tâm hợp ý với nhau, và giữa anh em, đừng có chia rẽ”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, nhân danh Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tôi xin anh em tất cả hãy đồng tâm hiệp ý với nhau, giữa anh em đừng có chia rẽ; hãy đoàn kết chặt chẽ trong cùng một thần khí và cùng một tâm tình. Anh em thân mến, tôi đã được các người nhà Khloê cho hay rằng: giữa anh em đang có những sự bất đồng. Tôi có ý nói điều này, là mỗi người trong anh em nói: “Tôi, tôi thuộc về Phaolô; – “Tôi về phe Apollô”; – “Còn tôi, tôi về phe Kêpha”; – “Và tôi thuộc về phe Chúa Kitô”. Chúa Kitô bị phân chia rồi sao? Có phải Phaolô đã chịu đóng đinh vì anh em đâu? Hay là nhân danh Phaolô mà anh em chịu phép rửa? Ðức Kitô không sai tôi đi rửa tội, mà là đi rao giảng Tin Mừng, không phải bằng lời nói khôn khéo, kẻo thập giá của Ðức Kitô ra hư không.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 4, 23

Alleluia, alleluia! – Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 4, 12-23 (bài dài)

“Người vào Capharnaum để ứng nghiệm lời tiên tri Isaia đã tiên báo”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, nghe tin Gioan bị nộp, Chúa Giêsu lui về Galilêa. Người rời bỏ thành Nadarét, đến ở miền duyên hải, thành Capharnaum, giáp ranh đất Giabulon và Nepthali, để ứng nghiệm lời đã phán bởi miệng tiên tri Isaia rằng: “Hỡi đất Giabulon và đất Nepthali, đường dọc theo biển, bên kia sông Giođan, Galilêa của ngoại bang! Dân ngồi trong tối tăm đã thấy ánh sáng huy hoàng; ánh sáng đã xuất hiện cho người ngồi trong bóng sự chết”.

Từ bấy giờ, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói: “Hãy hối cải, vì nước trời đã gần đến!”

Nhân lúc Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy hai anh em là Simon, cũng gọi là Phêrô, và Anrê, em ông, cả hai đang thả lưới dưới biển, vì hai ông là ngư phủ. Người bảo hai ông rằng: “Các ngươi hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những ngư phủ lưới người ta”. Lập tức hai ông bỏ lưới đó mà theo Người. Ði xa hơn một đỗi, Người lại thấy hai anh em khác là Giacôbê con ông Giêbêđê, và Gioan em ông đang vá lưới trong thuyền với cha là Giêbêđê. Người cũng gọi hai ông. Lập tức hai ông bỏ lưới và cha mình mà đi theo Người.

Và Chúa Giêsu đi rảo quanh khắp xứ Galilêa, dạy dỗ trong các hội đường của họ, rao giảng tin mừng nước trời, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài vắn này: Mt 4, 12-17

“Người vào Capharnaum để ứng nghiệm lời tiên tri Isaia đã tiên báo”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, nghe tin Gioan bị nộp, Chúa Giêsu lui về Galilêa. Người rời bỏ thành Nadarét, đến ở miền duyên hải thành Capharnaum, giáp ranh đất Giabulon và Nepthali, để ứng nghiệm lời đã phán bởi miệng tiên tri Isaia rằng: “Hỡi đất Giabulon và đất Nepthali, đường dọc theo biển, bên kia sông Giođan, Galilêa của ngoại bang! Dân ngồi trong tối tăm, đã thấy ánh sáng huy hoàng, ánh sáng đã xuất hiện cho người ngồi trong bóng sự chết”. Từ bấy giờ, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói: “Hãy hối cải, vì nước trời đã gần đến”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Nhờ Chúa Thánh linh soi sáng, các môn đệ là những người được gọi để ở lại với Đức Giêsu từ khi Người công khai rao giảng về Nước Thiên Chúa. Vậy để được ở lại với Người, chúng ta cùng dâng lời cầu xin :

1. “Dân chúng đi trong tối tăm đã thấy một ánh sáng vĩ đại ”.- Xin cho các vị lãnh đạo dân Chúa trở nên ánh sáng chiếu soi thế gian, đưa dẫn mọi người tìm về cùng Chúa, lãnh nhận ân sủng và tình yêu của Ngài.

2. “Giữa anh em đừng có chia rẽ”.- Xin cho mọi người cùng tin nhận Đức Kitô, được hiệp nhất với nhau trong cùng một Thánh Thần Chân Lý và mến yêu, để cũng được thông hiệp sự sung mãn hạnh phúc muôn đời trong Ba Ngôi Thiên Chúa.

3. “Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành ngư phủ đánh bắt người”. Xin cho giới trẻ biết đáp trả lời mời gọi của Chúa, để tiếp nối công cuộc cứu rỗi của Chúa qua việc dấn thân vì phần rỗỉ muôn người.

4. “Hãy hối cải vì Nước Trời đã gần đến”.- Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta biết liên kết với nhau trong tình yêu thương hiệp nhất, để thân Mình Mầu Nhiệm Chúa Kitô là Hội Thánh được vẹn toàn trong ngày Chúa đến.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin tiếp tục chiếu sáng những khoảng tối đen trong tâm hồn chúng con, để nhờ ánh sáng Chúa soi dẫn chúng con luôn biết bước đi theo nẻo chính đường ngay. Chúng con cầu xin.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ chúng con dâng, và lấy quyền năng Thánh Thần mà thánh hoá, để nhờ của lễ này, chúng con được hưởng ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Các bạn hãy nhìn về Chúa, thì các bạn sẽ vui tươi, và sẽ không hổ ngươi bẽ mặt.

Hoặc đọc:

Chúa phán: “Ta là ánh sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ không đi trong u tối, nhưng sẽ được ánh sáng ban sự sống.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã rộng ban cho chúng con Mình và Máu Thánh Ðức Kitô, con một Chúa là nguồn mạch sự sống dồi dào; xin cho chúng con được luôn luôn hoan hỷ vì ân huệ Chúa ban. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

1. Ánh sáng thế gian

Chiều hôm ấy, hai cậu bé rủ nhau vào rừng chơi. Thế rồi một trận mưa bất thần đổ xuống. Mưa dai dẳng suốt hai tiếng đồng hồ. Đến lúc tạnh thì trời đã tối. Hai cậu bé vừa lạnh lại vừa sợ. Nỗi sợ hãi càng gia tăng khi hai cậu bé không còn tìm thấy con đường dẫn về nhà. Nhưng rồi một ánh sáng bỗng xuất hiện từ xa. Hai cậu bé khấp khởi mừng thầm. Cả hai đều cố gắng vừa kêu vừa gọi. Thì ra người anh đang cầm chiếc đèn đi tim hai cậu bé. Và cuối cùng đã đưa hai cậu bé trở về an toàn.

Từ câu chuyện trên, chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng hôm nay và chúng ta có thể xác quyết: Đức Kitô chính là người anh của chúng ta. Vâng lệnh Chúa Cha, Ngài đã xuống thế, thắp lên một ngọn lửa hầu dẫn đưa chúng ta trở về quê trời. Chính vì thế mà từ ngàn xưa, các tiên tri đã nói: Dân ngồi trong tối tăm đã nhìn thấy ánh sáng huy hoàng. Ánh sáng đã xuất hiện cho những người ngồi trong bóng sự chết.

Thế giới như đang chìm trong tăm tối và nhân loại đã quên mất con đường để trở về nhà. Nhưng rồi Đức Kitô đã đến như một thứ ánh sáng chói loà, xé tan bóng tối hầu soi sáng cho tâm hồn chúng ta. Ngài chính là ánh sáng, như chúng ta đã nghe Kinh Thánh xác quyết: Dân đi trong tối tăm đã nhìn thấy một ánh sáng. Trong phần đáp ca, chúng ta đã thưa lên: Chúa là sự sáng và là Đấng cứu độ tôi. Và cũng theo Kinh Thánh, thì ánh sáng được tựng trưng cho chính Thiên Chúa, như chúng ta vốn thường tuyên xưng: Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng. Chính Ngài cũng đã từng tuyên bố với dân chúng: Ta là ánh sáng thế gian. Ai theo Ta, sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ nhận được ánh sáng ban sự sống.

Đức Kitô là ánh sáng cho mỗi người chúng ta như thế nào? Xin thưa: Tất cả những khó khăn của đời sống đều được giải quyết trong ánh sáng của Đức Kitô. Điều gì là thật và điều gì là giả. Điều gì là thiện và điều gì là ác. Làm thế nào để đạt tới niềm hạnh phúc vĩnh cửu? Thế giới này là gì? Bản thân chúng ta là ai? Chúng ta bởi đâu mà đến và rồi sẽ đi về đâu? Chúa Giêsu sẽ giúp chúng ta tìm kiếm, Ngài soi sáng và hướng dẫn để chúng ta hiểu được những điều đã nêu lên. Với ánh sáng của Đức Kitô, chúng ta sẽ tìm thấy giải đáp thoả đáng.

Ai trong chúng ta cũng đều có những khó khăn, chẳng hạn như: sức khoẻ, kinh tế, cô đơn, tình yêu. Đưa ra vấn nạn thì dễ, nhưng giải quyết được những vấn nạn ấy mới là sự khó và đáng nói. Thế nhưng, một khi chúng ta bước theo Đức Kitô, chúng ta sẽ tìm thấy con đường phù hợp, bởi vì Chúa là đường, là sự thật và là sự sống. Hơn thế nữa, Ngài chính là ánh sáng soi đường dẫn lối cho chúng ta.

2. Ơn gọi.

Như chúng ta đã biết nỗi ưu tư số một trong cuộc sống công khai của Chúa Giêsu là tìm những người cộng tác với mình trong công cuộc rao giảng Tin Mừng và cứu độ trần gian. Chính vì thế mà ngay khi bắt đầu cuộc sống công khai, Ngài đã chọn cho mình những môn đệ.

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy, đang lúc đi dọc theo bờ biển, Ngài đã gọi Phêrô và Andrê: Các anh hãy theo tôi. Tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá. Liền sau đó, Ngài cũng đã gọi Giacôbê và Gioan. Thái độ của những môn đệ đầu tiên này thật là mau mắn và dứt khoát. Các ông đã bỏ chài lưới, bỏ ghe thuyền, bỏ cha già mà đi theo Chúa.

Còn chúng ta thì sao? Ngày hôm nay Chúa không hiện ra để kêu gọi chúng ta hay truyền dạy chúng ta phải làm điều nọ, điều kia, nhưng tiếng Chúa vẫn âm thầm gởi đến với chúng ta qua các sự kiện, qua các biến cố cuộc đời. Bởi vì mỗi biến cố là một dấu chỉ của thánh ý Chúa. Mỗi sự việc là một bài toán mà đáp số là sứ điệp Chúa muốn chúng ta đón nhận. Vì thế, cần phải tỉnh thức để nhận ra ý Chúa và sứ điệp của Ngài.

Thực vậy có nhiều người đã nghe được tiếng Chúa, một thứ tiếng vọng lên từ bên trong, tuy âm thầm nhưng rất rõ, mời gọi nhưng không kém phần thúc thách. Đáp lại tiếng Chúa là bước vào một khúc quanh mới của đời mình và từ đó bản thân được đổi khác.

Ơn gọi của Mẹ Têrêsa Calcutta là một thí dụ. Mẹ sinh năm 1910 tại Nam Tư. Năm 18 tuổi Mẹ nhập dòng Đức Bà Lorettô ở Ái Nhĩ Lan. Sau đó được cử sang Ấn Độ để vào tập viện. Mẹ đã cống hiến gần 20 năm trời cho việc dạy môn địa lý tại một trường của nhà dòng dành cho các thiếu nữ thuộc những gia đình khá giả. Nếu Chúa không lên tiếng gọi, thì chắc cuộc đời Mẹ sẽ trôi đi êm đềm bên đám học trò giàu có. Thế rồi vào một ngày nọ, nhân đi qua một đường phố ở Calcutta, Mẹ bắt gặp một người đàn bà đang hấp hối trên vỉa hè. Chuột và kiến đã kéo đến gặm nhấm con người bất hạnh đó. Mẹ liền vực người thiếu phụ tới nhà thương. Mẹ nhất định cứ đứng ở trước cổng cho đến khi người ta mở cửa đón nhận bệnh nhân sắp chết. Từ biến cố này Mẹ cảm nhận được lời mời gọi của Chúa, muốn Mẹ hiến mình cho những kẻ bị bỏ rơi. Và thế là Mẹ xin ra khỏi dòng, đến sống ở một khu vực tăm tối của thành phố. Chắc hẳn lúc đó, Mẹ không ngờ mình sẽ là người sáng lập một hội dòng mới chuyên lo việc bác ái, giúp đỡ những người nghèo khổ.

Lắng nghe và tìm biết ý Chúa qua các biến cố, qua các sự kiện đã đành. Điều quan trọng hơn là có dám đáp trả lời mời gọi của Ngài hay không. Nhiều khi chúng ta đắp tai ngoảnh mặt làm ngơ như không hề nghe thấy tiếng Chúa, để khỏi phải đáp trả, khỏi phải từ bỏ. Bởi vì chúng có quá nhiều những sợi dây vấn vương quấn chặt lấy cuộc đời và bản thân, khiến chúng ta không dễ gì tháo gỡ được. Những sợi dây vấn vương ấy là tiền bạc, địa vị, vui thú… Từ bỏ là đặt mọi sự dưới Chúa, coi Chúa là giá trị tuyệt đối, vượt lên trên tất cả. Và như thế phải có tình yêu mãnh liệt mới có thể từ bỏ lập tực những gì chúng ta đang ôm ấp bởi vì từ bỏ là thước đo tình yêu của chúng ta đối với Chúa.
 

Hãy có Cảm Thức của Lời
Chúa nhật Lời Chúa 2023 – Giuse hạt bụi tro


Hôm nay chúng ta cử hành Chúa Nhật Lời Chúa. Mỗi khi tham dự Thánh lễ, đọc kinh sáng tối, suy niệm và cầu nguyện chúng ta vẫn hay đọc Lời Chúa. Thánh lễ có hai phần chính thì một phần dài hơn là phụng vụ Lời Chúa. Điều đó chứng tỏ Lời Chúa rất quan trọng trong các sinh hoạt của Giáo Hội. Ngày nào Giáo Hội cũng suy tôn Lời Chúa, vậy thì, tại sao phải đặt thêm một Chúa Nhật gọi là Chúa Nhật Lời Chúa? Như thế có thừa không? Thưa không! Giáo hội muốn tôn vinh Lời Chúa và nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của Lời Chúa trong đời sống của chúng ta.

Thánh Giêrênimô đã nói: “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô”. Nếu không biết Chúa Kitô là ai, Ngài đã sống như thế nào, đã dạy chúng ta cái gì, đã cứu chuộc nhân loại bằng cách nào, thì định hướng đời sống của chúng ta bị lạc lối. Chúng ta sẽ là những người dại dột nhất trên trần gian, vì chúng ta tin và đi theo một Đấng mà chúng ta không biết rõ Ngài là ai. Chính Kinh Thánh sẽ nói cho chúng ta biết Chúa là ai, Chúa dạy chúng ta điều gì, phải sống sao cho đẹp lòng Chúa và mọi người. Do đó, Lời Chúa rất quan trọng trong đời sống của người Kitô hữu.

Khi nói về tầm quan trọng của Lời Chúa, Công Đồng Vaticanô II đã khẳng định: Giáo hội luôn tôn kính Thánh Kinh như chính Thân Thể Chúa. Giáo Hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như từ bàn tiệc Thánh Thể để ban phát cho các tín hữu... Lời Chúa là lương thực cho linh hồn, là nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Giáo Hội. (x. MK 21).

Như thế, Lời Chúa là lương thực cho linh hồn, là nguồn sống thiêng liêng cho chúng ta. Có ai trong cộng đoàn sống nhờ Lời Chúa, nuôi linh hồn bằng Lời Chúa chưa? Khi hỏi câu hỏi này con cũng tự vấn chính mình. Là một người tu, hằng ngày tiếp xúc với Lời Chúa, nhưng thực sự con vẫn chưa ý thức đủ Lời Chúa là lương thực cho linh hồn, là nguồn sống thiêng liêng cho con. Con vẫn chưa triệt để sống Lời Chúa, vì thế, con chưa nên thánh trong đời sống, vẫn còn tham sân si.

Có lẽ quý ông bà anh chị em cũng có cảm nghĩ như con. Vì chúng ta chưa ý thức đủ linh hồn chúng ta được sống và nuôi dưỡng nhờ Lời Chúa, nên không tha thiết với Lời Chúa. Có lẽ thân xác chúng ta là những người trưởng thành, nhưng linh hồn chúng ta vẫn chỉ là những em bé, vì chúng ta sống thiếu Lời Chúa, thiếu nguồn lương thực nuôi dưỡng linh hồn.

Biết Lời Chúa là một chuyện, nhưng có đem Lời Chúa ra thực hành hay không lại là một chuyện khác. Cầm điện thoại thì dễ hơn, vui hơn cầm cuốn Kinh Thánh lên và đọc. Uống nước chè, cà phê sáng trưa chiều với bạn bè, xóm giềng thì vui hơn đi đọc kinh và tham dự Thánh lễ.
Và vì ít tiếp xúc với Lời Chúa, nên chúng ta chưa có được cái gọi là “cảm thức của Lời”. “Cảm thức của Lời” nghĩa là trong cách suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta có sự ảnh hưởng của Lời Chúa. Khi đối diện với một hoàn cảnh nào đó, chúng ta cũng nghĩ tới câu hỏi: Chúa muốn tôi nói gì, làm gì trong tình huống này? Thật vậy, Kinh Thánh có thể ảnh hưởng nhiều trên thái độ của chúng ta khi đối diện với những hoàn cảnh khác nhau. Càng học hỏi Lời Chúa nhiều chừng nào, chúng ta càng biết rõ Chúa và cách sống của Chúa nhiều chừng ấy.

Câu hỏi được đặt ra là chúng ta phải sống cảm thức của Lời Chúa như thế nào đây? Con xin đưa ra một gợi ý thực hành, để giúp cộng đoàn nhớ tới và sống Lời Chúa như một cảm thức thường xuyên trong cuộc sống của chúng ta.

Khi gặp khó khăn thử thách, chúng ta có thể thân thưa với Chúa: Lạy Chúa Trời, xin tới giúp con – Muôn lạy Chúa, xin mau phù trợ (Tv 69). Những lúc bị cám dỗ ăn gian nói dối, chúng ta có thể nhớ tới câu: Hễ có thì nói có, không thì nói không. Thêm thắt điều gì là do ma quỷ (Mt 5,37). Khi làm việc lành phúc đức thì hãy nhớ tới câu: Khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm. Cha của anh em, Ðấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh em (Mt 6,3-4).

Khi giận hờn, không muốn tha thứ cho người khác thì hãy nhớ tới câu: Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em (Mt 6,14-15). Khi quá bận tâm việc cơm áo gạo tiền thì hãy nhớ Lời Chúa dạy: Anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy (Mt 6,34). Khi muốn xét đoán và nói xấu người khác, hãy nhớ câu: Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán (Mt 7,1). Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới? (Mt 7,3).

Nếu siêng năng đọc Lời Chúa, nhớ tới và áp dụng Lời Chúa, chúng ta sẽ có được cảm thức của Lời Chúa. Tâm hồn chúng ta sẽ vui hơn và bình an hơn. Tâm hồn khỏe mạnh thì chắc chắn sức khỏe thân xác cũng sẽ khỏe mạnh.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết lắng nghe lời Chúa dạy con trong cuộc sống. Xin cho con biết đem lời Chúa ra thực hành, vì lời Chúa là lương thực cho tâm hồn con. Amen.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây