TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật III Thường Niên – Năm C

15/01/2022 10:27:26 |   1209

Chúa Nhật III Thường Niên – Năm C
CHÚA NHẬT LỜI CHÚA

 

cn t3tnC

Lc 1, 1-4.14-21

 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật III Thường Niên – Năm C

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh sử Luca thuật lại việc Chúa Giêsu trở về quê nhà ở Nagiareth. Vào ngày Sabat, theo thói quen Người vào hội đường và được viên trưởng hội đường trao cho vinh dự đọc Sách Thánh. Người mở sách và đọc đoạn sách ngôn sứ Isaia nói về người Tôi Trung của Thiên Chúa, nghĩa là ám chỉ về chính Ngài.

Vào hội đường với một tâm hồn hoàn toàn thuộc về Cha. Chúa Giêsu đã khai mở sứ vụ loan báo Tin Mừng của Người. Tuy nhiên, trong hội đường Nagiareth, làng quê của Người, Chúa Giêsu đã vén lộ con người và vai trò của Người cho mọi người. Chúa Giêsu là Đấng được Thiên Chúa xức dầu và được chính Thiên Chúa sai đi loan Tin Mừng cho người nghèo khó. Người khẳng định Đấng Mêsia là chính Người.

Tin vui đến với nhân loại, nhưng để có niềm vui thực sự chúng ta hãy thành tâm thông hối để xứng đáng tham dự Mầu Nhiệm Thánh.

Ca nhập lễ

Toàn thể địa cầu, hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, hãy ca mừng Chúa. Sáng láng và oai nghiêm toả trước thiên nhan Người, uy hùng và tráng lệ phủ trên ngai báu Người.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin hướng dẫn chúng con biết hành động theo thánh ý Chúa, để nhờ kết hợp với con Một Chúa là Ðức Giêsu Kitô, chúng con đem lại hoa quả dồi dào là việc lành phúc đức. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Nkm 8, 2-4a. 5-6. 8-10

“Họ đọc trong sách Luật và người ta hiểu được điều đã đọc”.

Trích sách Nơ-khe-mia.

Ngày ấy, thầy tư tế Esdras mang luật ra trước cộng đồng, gồm đàn ông, đàn bà và tất cả những ai có thể hiểu luật: hôm đó là ngày đầu tháng bảy. Từ sáng đến giữa trưa, thầy đứng ở công trường, trước cửa Nước, đọc sách trước mặt đàn ông, đàn bà và những người hiểu luật. Tất cả dân chúng đều lắng tai nghe đọc sách luật. Thầy thư ký Esdras đứng trên bệ bằng cây mà đọc sách; thầy mở sách ra trước công chúng, vì thầy đứng nơi cao hơn mọi người. Khi thầy mở sách, thì tất cả đều đứng lên. Esdras chúc tụng Chúa là Thiên Chúa Cao Cả. Toàn dân đưa tay lên đáp lại: Amen, amen. Họ cúi mình và phủ phục trước Thiên Chúa, mặt họ cúi sát đất. Một số người đọc từng đoạn trong sách luật Chúa, giải thích ý nghĩa, và người ta hiểu được điều đã đọc. Nơ-khê-mia là tổng trấn, Esdras là tư tế và là thư ký, các thầy Lêvi huấn luyện dân chúng, nói với họ rằng: “Ngày hôm nay được thánh hoá dâng cho Chúa là Thiên Chúa chúng ta; anh chị em đừng mang tang chế, đừng than khóc”. Vì lúc đó toàn dân khóc lóc khi nghe đọc các lời trong luật. Họ nói với dân chúng rằng: “Hãy đi ăn thịt béo và uống rượu ngon, hãy gửi phần cho kẻ không có dọn sẵn cho mình, vì ngày này là ngày thánh, dâng cho Chúa, đừng buồn sầu; vì niềm vui của Chúa là đồn luỹ của anh chị em!”

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 18, 8. 9. 10. 15

Ðáp: Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống (Ga 6, 64b).

Xướng: Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt. 

Xướng: Giới răn Chúa chánh trực, làm hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng soi con mắt. 

Xướng: Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thật, công minh hết thảy. 

Xướng: Xin Chúa nhậm những lời miệng con công bố, và sự lòng con suy gẫm trước thiên nhan, lạy Chúa là Tảng Ðá, là Ðấng Cứu Chuộc con. 

Bài Ðọc II: 1 Cr 12, 12-30 (bài dài)

“Anh em là thân xác Chúa Kitô, và là chi thể của Người”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, như thân xác là một mà có nhiều chi thể, và tất cả chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân xác, thì Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng, trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta chịu phép rửa để làm thành một thân xác, cho dầu Do-thái hay Hy-lạp, tự do hay nô lệ, và tất cả chúng ta cùng uống trong một Thánh Thần. Vì thân xác không chỉ gồm một chi thể, mà là nhiều chi thể. Nếu chân nói rằng: “Vì tôi không phải là tay, nên tôi không thuộc thân xác”, có phải vì thế mà nó không thuộc về thân xác đâu? Và nếu lỗ tai nói rằng: “Vì tôi không phải là con mắt, nên tôi không thuộc về thân xác”, có phải vì thế mà nó không thuộc về thân xác đâu? Nếu toàn thân xác là một, thì đâu là thính giác? Nếu toàn thân xác là tai, thì đâu là khứu giác? Vậy, Thiên Chúa đã đặt các chi thể, và mỗi chi thể ở trong thân xác như ý Người muốn. Nếu tất cả đều là một chi thể, thì còn đâu là thân xác? Thật vậy, có nhiều chi thể, nhưng có một thân xác. Con mắt không thể nói với bàn tay: “Ta không cần mi”. Ðầu cũng không thể nói với chân: “Ta không cần các ngươi”. Nhưng hơn thế nữa, các chi thể thân xác xem như yếu hơn, lại cần thiết hơn. Và những chi thể ta coi là ít vinh dự nhất, lại là những chi thể chúng ta đặt cho nhiều vinh dự hơn; và những chi thể thiếu trang nhã lại được ta trang sức hơn, còn những chi thể trang nhã lại không cần như thế: nhưng Thiên Chúa đã sắp đặt thân xác, cho cái thiếu vinh dự được vinh dự hơn, để không có sự bất đồng trong thân xác, mà là để các chi thể đồng lo công ích cho nhau. Nếu một chi thể phải đau, tất cả các chi thể khác đều phải đau lây; hoặc một chi thể được vinh dự, thì tất cả các chi thể cùng chia vui.

Phần anh em, anh em là thân xác Chúa Kitô và là chi thể của Người, mỗi người có phận sự mình. Có những người Thiên Chúa đã thiết lập trong Hội thánh, trước hết là các tông đồ, rồi đến các tiên tri, thứ ba là các tiến sĩ. Kế đến là quyền làm phép lạ, các ơn chữa bệnh, các việc từ thiện, quản trị, nói nhiều thứ tiếng. Vậy tất cả mọi người là tông đồ ư? Tất cả là tiên tri ư? Tất cả là tiến sĩ ư? Tất cả được ơn làm phép lạ ư? Tất cả được ơn chữa bệnh ư? Tất cả nói nhiều thứ tiếng ư? Tất cả được ơn diễn giải ư?

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài vắn này: 1 Cr 12, 12-14. 27

“Anh em là thân xác Chúa Kitô, và là chi thể của Người”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, như thân xác là một mà có nhiều chi thể, và tất cả chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân xác, thì Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng, trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta chịu phép rửa để làm thành một thân xác, cho dầu Do-thái hay Hy-lạp, tự do hay nô lệ, và tất cả chúng ta cùng uống trong một Thánh Thần. Vì thân xác không chỉ gồm một chi thể, mà là nhiều chi thể. Phần anh em, anh em là thân xác Chúa Kitô và là chi thể Người, mỗi người có phận sự mình.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 4, 18-19

Alleluia, alleluia! – Chúa đã sai con đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 1, 1-4; 4, 14-21

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Vì có nhiều người khởi công chép lại những biến cố đã xảy ra giữa chúng ta, theo như các kẻ từ đầu đã chứng kiến và phục vụ lời Chúa, đã truyền lại cho chúng ta, phần tôi, thưa ngài Thêophilê, sau khi tìm hỏi cẩn thận mọi sự từ đầu, tôi quyết định viết cho ngài bài tường thuật sau đây, để ngài hiểu chân lý các giáo huấn ngài đã lãnh nhận.

Bấy giờ Chúa Giêsu trở về Galilêa trong quyền lực Thánh Thần, và danh tiếng Người lan tràn khắp cả miền chung quanh. Người giảng dạy trong các hội đường và được mọi người ca tụng. Người đến Nadarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày nghỉ lễ, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng:

“Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng”.

Người gấp sách lại, trao cho thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta kho tàng quí báu là Lời Chúa. Chúng ta hãy khẩn khoản xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta hiểu biết, thực hành và đem Lời Chúa đến cho mọi người. Chúng ta cùng dâng lời cầu xin:

1. “Một số người đọc từng đoạn trong sách luật Chúa, giải thích ý nghĩa ”.- Xin cho các vị lãnh đạo dân Chúa dồi dào ơn Chúa Thánh Thần, giúp các ngài thi hành sứ mệnh loan báo Tin Mừng trong niềm tin yêu hy vọng.

2. “Anh em là thân xác Chúa Kitô và là chi thể Người”.- Xin cho các Kitô hữu được Lời Chúa luôn chiếu soi, để giữa cuộc sống với bao vất vả, khổ nhục, họ vẫn được Đức Kitô nâng đỡ hồn xác vì thuộc về Người.

3. “Người giảng dạy trong các hội đường”.– Xin cho những tâm hồn mê muội chai lỳ trong tội biết thay đổi cảm quan để mở rộng lòng đón nhận sứ điệp cứu độ, hầu họ được giải thóat và bình an.

4. “Người đến Nagiareth, nơi Người sinh trưởng”,- Xin cho mọi người trong giáo xứ chúng ta, biết rao truyền tin vui cứu độ ngay trong giáo xứ của mình, bằng việc tích cực xây dựng cộng đoàn yêu thương hiệp nhất.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin cho chúng con ý thức được sứ vụ loan báo Tin Mừng của mình, biết tận dụng mọi hoàn cảnh để rao giảng sứ điệp tình thương của Chúa, nhất là bằng chính đời sống khiêm tốn và bác ái, hy sinh, để danh Chúa được đời đời ca tụng, Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ chúng con dâng, và lấy quyền năng Thánh Thần mà thánh hoá, để nhờ của lễ này, chúng con được hưởng ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Các bạn hãy nhìn về Chúa, thì các bạn sẽ vui tươi, và sẽ không hổ ngươi bẽ mặt.

Hoặc đọc:

Chúa phán: “Ta là ánh sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ không đi trong u tối, nhưng sẽ được ánh sáng ban sự sống.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã rộng ban cho chúng con Mình và Máu Thánh Ðức Kitô, con một Chúa là nguồn mạch sự sống dồi dào; xin cho chúng con được luôn luôn hoan hỷ vì ân huệ Chúa ban. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Lời Kinh Thánh được ứng nghiệm
Sưu tầm

Hôm nay lời Kinh Thánh đã được ứng nghiệm. Nếu tìm hiểu Kinh Thánh, chúng ta sẽ thấy Chúa Giêsu đã thực thi mọi lời tiên tri nói về Ngài từ hàng trăm năm trước. Đó là một bằng chứng xác quyết Ngài là Con Thiên Chúa, là Đấng Thiên Chúa đã hứa ban cho nhân loại.

Chẳng hạn về việc Ngài được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria, thì tiên tri Isaia đã loan báo:

– Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi con trẻ ấy là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Chẳng hạn về việc Ngài sinh ra ở Bêlem, thì tiên tri Mikêa đã nói:

– Và ngươi hỡi Bêlem xứ Giuđêa, ngươi không phải là một thành trì nhỏ bé, bởi vì từ nơi ngươi sẽ xuất hiện Đấng cai trị nhà Israel.

Chẳng hạn việc Thánh Gia trốn sang Ai Cập, tiên tri Ôsê đã loan báo:

– Ta sẽ gọi con Ta ra khỏi đất Ai Cập.

Nhất là những biến cố trong quãng đời công khai và cuộc tử nạn của Ngài, cũng đã được ứng nghiệm một cách hết sức đầy đủ, chẳng hạn về cuộc khải hoàn, tiến vào Giêrusalem một cách long trọng, thì tiên tri Giacaria đã mô tả:

– Hỡi Giêrusalem, này vua ngươi đang đến, Ngài cưỡi trên lừa con.

Về cái chết của Ngài, tiên tri Isaia đã công bố:

– Người ta đánh đập Ngài, nhưng Ngài đã bằng lòng chấp nhận, như con chiên yên lặng trước người thợ xén lông.

Và còn nhiều biến cố, còn nhiều sự việc khác nữa, Chúa Giêsu đã thực hiện đúng như lời các tiên tri đã loan báo. Và như chúng ta đã xác quyết: Điều đó chứng tỏ Ngài là Đức Kitô, Con Thiên Chúa.

Mỗi lời tiên tri là một lời nói trước, về một biến cố nào đó sẽ xảy ra, liên quan đến hành động tự do của Thiên Chúa. Những lời nói trước về Đức Kitô, được Thiên Chúa tỏ bày cho các tiên tri, để rồi chính các tiên tri đã công bố hàng trăm năm về trước cho dân Do Thái.

Nếu suy nghĩ một chút, chúng ta phải tin nhận rằng Đức Kitô đã đến với chúng ta, Ngài là Thiên Chúa, là Đấng cứu độ muôn dân mong đợi, như trong đoạn Tin Mừng hôm nay, chính Chúa Giêsu đã dẫn chứng lời tiên tri Isaia, để xác quyết rằng Ngài là Thiên Chúa đã đến trong trần gian để cứu chuộc những người nghèo đó, khổ đau và bất hạnh. Hơn thế nữa, chính Chúa Giêsu cũng nói tiên tri về những chuyện sẽ xảy ra và tất cả đều đã được ứng nghiệm. Chẳng hạn Ngài đã tiên báo về sự sụp đổ của Giêrusalem: Rồi đây sẽ không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào.

Và sự thực đã xảy ra như vậy. Vào năm 70, tướng Titus, người Rôma, đã mang quân vây hãm Giêrusalem. Sau khi đã lọt được vào trong thành, họ đã đốt phá và san bằng thành phố.

Còn chúng ta thì sao? Trong giờ phút quan trọng này, chúng ta cũng đang sống lại những biến cố đã được ứng nghiệm: Thánh lễ là sự giáng sinh, là cái chết và phục sinh của Đức Kitô được lặp lại trên bàn thờ này. Thế nhưng chúng ta có đón nhận lời Chúa cùng với Bí tích Thánh Thể một cách trang nghiêm và sốt sắng, hay chúng ta lại cứng lòng như dân làng Nadarét, để cuối cùng đã xua đuổi Chúa, và tìm cách xô Ngài xuống vực sâu.

CHỦ NHẬT 3C THƯỜNG NIÊN 98
Lm Lã Mộng Thường

Quí ông bà, anh chị em trong Đức Kitô,

Thường khi đọc Phúc Âm, chúng ta quen nghĩ những câu truyện chữa lành, được gọi là phép lạ, là những việc Đức Giêsu thực hiện để tỏ sự cả sáng của Ngài, hoặc minh chứng Ngài là Thiên Chúa. Những câu truyện dụ ngôn cũng đã bị hiểu là những bài học luân lý.

Tuy nhiên, trong Kinh Thánh có đoạn, “Trong những ngày sau hết, Ta sẽ đổ Thần Khí của Ta trên mọi con cái xác phàm, các trẻ sẽ nói tiên tri, người già nằm chiêm điềm mộng và thanh thiếu niên sẽ thấy thị kiến”.
Như vậy, Lời Chúa nói về những sự kiện, sự việc xảy đến nơi mọi người. Nơi câu cuối bài Phúc Âm chúng ta vừa nghe, Lời Chúa đặt nơi miệng Đức Giêsu câu nói, “Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”. Câu này, tôi nghĩ, được áp dụng cho mọi người chúng ta đang hiện diện nơi nhà thờ, và đồng thời cũng được áp dụng cho mọi người.

Thử xét mấy câu Kinh Thánh vừa được nhắc tới qua bài Phúc Âm trích từ sách tiên tri Isaia: “Sai tôi đi rao giảng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức…”.

Người nghèo khó cần vật chất, thực phẩm, quần áo, chỗ ở, mà Kinh Thánh lại nói rao giảng Tin Mừng cho họ. Vậy chữ nghèo khó nơi Kinh Thánh có nghĩa những người khát khao Tin Mừng, khát khao tâm linh nên Đức Giêsu đến đem Tin Mừng cho họ.

Tương tự như thế, Đức Giêsu đến đem Tin Mừng chữa lành những tâm hồn sám hối. Tin Mừng giải thoát những người bị lề luật luân lý thế tục áp đặt quá nặng nề trong cuộc đời không sao tránh khỏi hệ thống kết án của thế tục. Tin Mừng soi sáng, mở lối cho những người đang bị cầm tù nơi sự trói buộc trong vòng hiểu biết thế tục, giúp cho những người bị mù lòa bởi sự hiểu biết thế gian, hoặc được coi là dốt nát trước mặt người đời nhận biết Tin Mừng Nước Trời.

Đồng thời Tin Mừng cũng giải thoát cho những người đang bị đè nặng dưới gông ách của những tổ chức thế tục nhận ra quyền tự do tâm linh đặt trên nền tảng Tin Mừng cứu rỗi. Phúc Âm viết rõ ràng, mục đích của Đức Giêsu đến trần gian là rao giảng Tin Mừng Nước Trời như thánh Mathêu ghi lại, “Ta còn phải sang các làng phụ cận rao giảng Tin Mừng Nước Trời vì đây là mục đích mà ta được sai đến”.

Vậy Tin Mừng là gì? Xin thưa, đó là chính ý nghĩa danh hiệu Emmanuel của Đức Giêsu. Tin Mừng Đức Giêsu rao giảng đó là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Quyền lực của Thiên Chúa đang hoạt động nơi mỗi người qua từng nhịp đập của con tim, từng hơi thở của buồng phổi, từng giây phút hiện hữu, hữu hình hay vô hình của mỗi người.

Xét như vậy, Đức tin chính là quyền lực của Thiên Chúa nơi mỗi người. Nói cách khác, mỗi người chúng ta đang mang sẵn quyền lực của Thiên Chúa nơi mình nhưng không biết cách nào để sử dụng.

Đây là lý do đã nhiều lần Đức Giêsu nói đến mà chúng ta không để ý. Chẳng hạn nơi câu truyện người mù được nhìn thấy, Đức Giêsu nói, “Đức tin con đã cứu con”, hoặc nơi câu truyện người đàn bà loạn huyết, Ngài trả lời, “Hãy vững tâm, lòng tin con đã cứu chữa con”. Nơi Phúc Âm thánh Gioan, Đức Giêsu còn nói rõ hơn, “Kẻ nào tin vào ta thì làm được mọi việc ta đã làm và còn có thể làm được những việc lớn lao hơn thế nữa” (Gioan
14:12).

Tóm lại, Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta về một thực thể đó là Thiên Chúa đang hiện diện nơi mỗi người. Quyền lực của Thiên Chúa đang hoạt động nơi mọi người. Đây chính là Tin Mừng Đức Giêsu đến rao giảng cho mọi tạo vật. Xin Chúa chúc lành nơi quí ông bà anh chị em. Mở rộng tâm hồn - xin Thánh Thần soi sáng - Nhận ra Chúa đang hoạt động nơi mỗi người.


Chúa Nhật III Thường Niên C
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 1, 1-4; 4, 14-21).

Vì có nhiều người khởi công chép lại những biến cố đã xảy ra giữa chúng ta, theo như các kẻ từ đầu đã chứng kiến và phục vụ lời Chúa, đã truyền lại cho chúng ta, phần tôi, thưa ngài Thêophilê, sau khi tìm hỏi cẩn thận mọi sự từ đầu, tôi quyết định viết cho ngài bài tường thuật sau đây, để ngài hiểu chân lý các giáo huấn ngài đã lãnh nhận.
Bấy giờ Chúa Giêsu trở về Galilêa trong quyền lực Thánh Thần, và danh tiếng Người lan tràn khắp cả miền chung quanh. Người giảng dạy trong các hội đường và được mọi người ca tụng. Người đến Nadarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày nghỉ lễ, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng”.
Người gấp sách lại, trao cho thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”.

Suy niệm

Mỗi ngày, từ lúc ánh mặt trời bắt đầu ló dạng cho tới lúc nó chìm xuống phía tây, biết bao nhiêu câu chuyện xảy ra trên mặt đất, trong cuộc đời của mỗi người. Mỗi câu chuyện, mỗi biến cố có những khó khăn, thăng trầm nhất định của nó, thế nhưng, tất cả đều có thể được giải quyết nếu con người có một niềm tin thực sự vào chính mình, đặc biệt niềm tin đó hướng về một Thiên Chúa. Bên cạnh đó, con người cần có những góc nhìn về bản thân cách khách quan, góc nhìn đó không dừng lại nơi thái độ sống, nhưng cần đi vào chiều sâu nội tâm, để thấy được mọi câu chuyện, mọi biến cố đến từ thiên tai hay nhân tai. Khi niềm tin đủ lớn và đủ mạnh, ánh sáng Lời Chúa mỗi ngày, sẽ giúp con người tìm thấy những phương thế để gỡ hết mọi âu lo, mọi trăn trở trong từng biến cố, từng câu chuyện cuộc đời.

Trở lại với hành trình của một dân tộc có tên gọi là dân riêng của Thiên Chúa, dù được chọn và được chăm sóc rất đặc biệt, họ cũng không thiếu những lần đánh mất niềm tin vào một Thiên Chúa tình yêu, vì thế, họ phải chấp nhận những ngày tháng lưu lạc nơi đất khách Ba-by-lon. Sau đó, họ đượ trở về trong niềm hân hoan, việc thờ phượng đối với họ không thể thiếu được, nhưng đền thờ không còn nữa, các nghi lễ cũng bị quên lãng. Trước những khó khăn về việc phụng tự, tư tế Esd-ras đã đứng lên kêu gọi toàn dân hãy mạnh dạn để tái thiết đền thờ, cùng nhau dâng lễ đền tội và cầu xin bình an: “Nơ-khê-mia là tổng trấn, Es-dras là tư tế và là thư ký, các thầy Lêvi huấn luyện dân chúng, nói với họ rằng: “Ngày hôm nay được thánh hoá dâng cho Chúa là Thiên Chúa chúng ta; anh chị em đừng mang tang chế, đừng than khóc”. Vì lúc đó toàn dân khóc lóc khi nghe đọc các lời trong luật. Họ nói với dân chúng rằng: “Hãy đi ăn thịt béo và uống rượu ngon, hãy gửi phần cho kẻ không có dọn sẵn cho mình, vì ngày này là ngày thánh, dâng cho Chúa, đừng buồn sầu; vì niềm vui của Chúa là đồn luỹ của anh chị em!”. Thảm kịch đó đến từ sự xao nhãng trong niềm tin, trong đời sống tôn giáo, vì thế, các tư tế kêu gọi họ hãy trở lại với chính mình, nhìn nhận sự yếu đuối, cố gắng đổi thay mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa, nếu có được những yếu tố đó, Thiên Chúa sẽ chăm sóc, sẽ bảo vệ và đồng hành với họ mỗi ngày.

Trước sự non trẻ của các cộng đoàn Giáo hội mới được thành lập, thánh Phaolô luôn nhắc nhở họ đừng sống theo kiểu thế gian như ganh tị, ích kỷ hay kiêu căng, nhưng luôn biết tôn trọng lẫn nhau trong tình huynh đệ cộng đoàn. Giáo hội tại thành Cô-rin-tô đang bị khủng hoảng do sự ganh tị, hiềm khích lẫn nhau trong đời sống tôn giáo, thánh nhân đã nhắc họ nhớ rằng có Chúa Thánh Thần hiện diện giữa cộng đoàn, sự lớn mạnh và trưởng thành của cộng đoàn là do niềm tin và thái độ sống: “Vậy, Thiên Chúa đã đặt các chi thể, và mỗi chi thể ở trong thân xác như ý Người muốn. Nếu tất cả đều là một chi thể, thì còn đâu là thân xác? Thật vậy, có nhiều chi thể, nhưng có một thân xác. Con mắt không thể nói với bàn tay: “Ta không cần mi”. Ðầu cũng không thể nói với chân: “Ta không cần các ngươi”. Nhưng hơn thế nữa, các chi thể thân xác xem như yếu hơn, lại cần thiết hơn. Và những chi thể ta coi là ít vinh dự nhất, lại là những chi thể chúng ta đặt cho nhiều vinh dự hơn; và những chi thể thiếu trang nhã lại được ta trang sức hơn, còn những chi thể trang nhã lại không cần như thế: nhưng Thiên Chúa đã sắp đặt thân xác, cho cái thiếu vinh dự được vinh dự hơn, để không có sự bất đồng trong thân xác, mà là để các chi thể đồng lo công ích cho nhau”. Sự lớn mạnh của cộng đoàn được quyết định từ mỗi thành viên, sự trưởng thành của mỗi thành viên đều do ý thức và niềm tin quyết định. Ánh sáng và sức mạnh của Lời Chúa luôn là một động lực, một nguồn sống phong phú giúp mỗi người lớn mạnh trong niềm tin và thái độ sống hàng ngày, cũng như ảnh hưởng rất nhiều tới sự trưởng thành của cộng đoàn giáo hội địa phương.

Sinh ra và lớn lên trong một cộng đoàn dân thánh, Đức Giêsu đã được hướng dẫn tham dự mọi sinh hoạt tôn giáo giữa cộng đoàn, dù đến ngày ra đi thực hiện công việc của Cha trên trời, Ngài không quên bổn phận làm con giữa cộng đoàn. Một giờ cầu nguyện trong hội đường theo lời kể của thánh Luca, đầy tính linh thánh. Cùng đọc sách thánh, cùng cầu nguyện với nhau, cùng nghe giải thích Lời Chúa, chính là nguồn sống của niềm tin, nguồn sức mạnh của đời sống cộng đoàn và là động lực giúp mỗi người trưởng thành trong niềm tin: “Bấy giờ Chúa Giêsu trở về Galilêa trong quyền lực Thánh Thần, và danh tiếng Người lan tràn khắp cả miền chung quanh. Người giảng dạy trong các hội đường và được mọi người ca tụng. Người đến Nadarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày nghỉ lễ, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng:”Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng”. Qua lời kể của tiên tri I-sa-i-a, Đức Giêsu gợi nhắc cho mỗi người về bổn phận của mình, hãy để cho sức mạnh của Lời Chúa hôm nay hướng dẫn họ, đồng hành với họ, và đó cũng một lần Ngài hé lộ sứ mạng của Ngài khi bước vào lịch sử nhân loại.

Cách kể chuyện tài tình của thánh Luca đưa người nghe thấy được tầm quan trọng của Lời Chúa hàng ngày. Hôm nay, ứng nghiệm lời các ngươi vừa nghe. Hôm nay chứ không là hôm qua, cũng không là ngày mai, nhưng là ngay lúc này, ngay hiện tại, Lời Chúa cần phải được thực thi, Lời Chúa cần phải được áp dụng vào đời sống con người. Hôm nay ơn cứu độ đến với nhà này ; hôm nay, anh sẽ được ở trên thiên đàng với Ta. Đức Giêsu mong muốn sức mạnh và ánh sáng của Lời Chúa luôn là kim chỉ nam cho cuộc đời mỗi người, luôn là động lực giúp họ vượt qua những thách đố giữa cuộc sống trần thế và cũng là ánh sáng dọi chiếu giúp họ tìm thấy con đường về trời trong tương lai. Sự cần thiết của Lời Chúa hôm nay như một thứ lương thực tinh thần không thể thiếu cho người tín hữu. Âm thanh quảng cáo, tiếng ồn ào của xã hội vật chất, những mỹ từ của những hình thức bên ngoài đang lấn át sức mạnh của tiếng Chúa từ lương tâm mỗi người. Vì thế, Mẹ Giáo hội đang mời gọi con cái hãy trở về nguồn, trở về với căn tính của người tín hữu Kito, sống hiệp thông, đồng hành với nhau, chia sẻ mọi thăng trầm và cùng nhau xây dựng Giáo hội của Thiên Chúa tại trần thế.

Thiên Chúa mong muốn lời của Ngài được thẩm thấu vào cuộc đời con người, vào tới điểm cuối cùng của tâm hồn. Có đi vào tới đó, Lời Chúa mới có thể giúp con người phản tỉnh chính mình. Lời Chúa không là một bản tin hàng ngày, nhưng đó là lời Thiên Chúa đang nói với tôi về phút giây hiện tại, về bổn phận hiện tại và trách vụ của mình đang được quan tâm như thế nào. Lời của Chúa có đi vào chiều sâu nội tâm bản thân, con người mới có thể dễ dàng nhận thấy sự khiếm khuyết của mình cùng những gì đang thiếu sót với Thiên Chúa, với tha nhân. Có nhận định được sự thẩm thấu của Lời Chúa, con người sẽ không để cho hấp lực của cuộc sống đè bẹp sức mạnh nội tâm của Lời Chúa cũng như ước mong của Ngài trong cuộc đời. Sức mạnh của Lời Chúa còn giúp bản thân sớm nhận ra chính mình đang sống trong tình trạng tự do hay đang là nô lệ cho một thế lực, một thói quen, một hành động thường ngày mà bản thân cho đó là điều hay lẽ phải. Khi Lời Chúa đi vào trong tâm hồn thực sự, sẽ giúp con người nhận ra được những chiếc vòng kim cô đang trói buộc lương tâm, trói buộc niềm tin và trói buộc những hành động nhân văn của con người. Hôm nay và mỗi ngày, Lời Chúa cần được cụ thể hóa, cần được hiện tại hóa cho mỗi người, từ đây, cuộc đời người tín hữu mới thực sự sống cho, sống cùng và sống với Thiên Chúa và tha nhân.

Lạy Chúa Giêsu, ước mong của Chúa khi bước vào ngôi nhà nhân loại là làm cho ngọn lửa tình yêu, ngọn lửa lòng mến và ngọn lửa niềm tin bừng cháy, xin cho ánh sáng và sức mạnh của Lời Chúa đi sâu vào tâm hồn, vào từng hơi thở và những hành động của chúng con hàng ngày, để cuộc đời của chúng con là những nhịp cầu ngoại biên, cho Chúa ghé thăm từng nhà, đi qua từng lối xóm trong cộng đoàn. Chúa mong cho Lời của Ngài trở thành ánh sáng soi lối đưa đường cho con người khỏi lầm lạc, trở thành sức mạnh cho con người vượt qua những cạm bẩy của thế gian, xin giúp chúng con biết lắng nghe Lời Chúa trong niềm tin và lòng mến, để cho Ngài được lớn lên trong con từng ngày. Amen.

 

LỜI QUYỀN NĂNG LÀ THẦN TRÍ VÀ LÀ SỰ SỐNG
(Chúa Nhật III TN C) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Mở cuốn Thánh Kinh, chúng ta thấy ngay sức mạnh của Lời, đó là tạo dựng nên vũ trụ vạn vật. “Thiên Chúa phán: “Phải có ánh sáng.” Liền có ánh sáng…” (x.St 1). Thánh Gioan khởi đầu Tin Mừng bằng những dòng tuyên tín về tính siêu việt, sự tiền hữu cũng như quyền năng của Ngôi Lời: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,1-3).

Thành thật cám ơn anh em Tin Lành đã góp phần một cách nào đó để rồi trong Công Đồng Vatican II Giáo Hội Công giáo mạnh mẽ khẳng định rằng Giáo Hội luôn tôn kính Lời Chúa ngang hàng với Thánh Thể Chúa Kitô (x. MK số 21). Với các bài Thánh Kinh trích đọc trong Chúa Nhật III TN C này, cách riêng bài đọc thứ nhất, Thánh Vịnh đáp ca và bài Tin Mừng, khiến chúng ta dễ nhận ra chủ đề là Lời Chúa và hiệu năng của Lời.

Khi khẳng định mình luôn tôn kính Lời Chúa như Thánh Thể Chúa Kitô, thì Giáo Hội tuyên tín rằng Lời Chúa không chỉ là những gì được Chúa phán dạy mà còn chính là một Hữu thể, một Ngôi vị siêu việt, có từ đời đời và đầy quyền năng. Và Lời quyền năng ấy cũng là Lời Tình Yêu. Chính vì thế hiệu quả của Lời được tuyên ban luôn là những sự tốt đẹp cả về sự hiện hữu lẫn cách thế hiện hữu (x. St 1). “Lạy Chúa, Lời Chúa là thần trí và là sự sống” (Đáp ca). Qua bài trích Tin Mừng thánh Luca của Chúa Nhật III TN C, chúng ta cùng xem xét một vài hiệu quả của Lời được tuyên ban vốn đã được Chúa Giêsu minh nhiên khẳng định “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,21).

Lấy lại lời Ngôn sứ Isaia, Chúa Giêsu minh định rằng Thánh Thần ngự trên Người, xức dầu tấn phong cho Người để Người loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Và những hiệu quả của Lời Người loan báo đó là: “công bố cho kẻ bị giam cầm được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa” (Lc 4,18-19).

Công bố năm hồng ân của Thiên Chúa: Đây là năm toàn xá đã được Thiên Chúa thiết lập trong Cựu Ước. Cuối một chu kỳ bảy năm là năm Sabat, thì phải để cho đất đai được nghỉ ngơi, không canh tác. Các nô lệ cũng được trả tự do… (x. Xh 21,2; Lv 25,1-7). Cuối chu kỳ bảy lần bảy năm và bắt đầu ngày mồng mười tháng bảy năm thứ bốn mười chín thì khởi đầu một năm toàn xá (x.Lv 25,8-54). Trong năm này đặc biệt cần phải thực thi ân tình cách khoáng đạt với người nô lệ, người nghèo, khách ngụ cư… như tha nợ, trả tự do, trả lại đồ cầm cố… Những quy định của năm toàn xá không nguyên chỉ để tái lập sự công bằng theo nghĩa công bằng phân phối, vì “ai giàu ba họ, ai lại khó ba đời!”, mà còn nói lên lòng nhân hậu vô biên của Thiên Chúa, đặc biệt dành cho những người nghèo hèn, bé mọn, cô thân, yếu thế. Tự sức mình, những người này như bất lực để giải thoát mình khỏi cảnh bần hàn, túng khổ. Và chỉ có Thiên Chúa mới có thể giải thoát họ.

Khi công bố năm hồng ân của Thiên Chúa, Chúa Giêsu muốn nói đến tình yêu vô điều kiện của Cha trên trời, Đấng đã yêu thế gian đến nỗi ban chính Con Một để cho thế gian được sống và sống dồi dào (x.Ga 3,16). Sự kiện Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta là một hồng ân vô giá, vượt quá mọi công trạng của loài người. Đấng Siêu Việt mà xưa dân Chúa rất đỗi kính sợ và cả kinh sợ, vì bất cứ ai thấy long nhan thảy đều phải chết, thì nay hiện diện giữa loài người và người ta có thể diện kiến, tiếp xúc, đụng chạm cách trực tiếp để được lãnh nhận ân phúc (x.1Ga 1,1).

Cho người mù được sáng mắt: Quả thật Chúa Giêsu đã dùng lời quyền năng của Người cho một vài người mù trong dân Israel thời bấy giờ được nhìn thấy ánh sáng. Tuy nhiên chắc chắn vẫn còn đó nhiều người về thể lý lúc bấy giờ chưa được lãnh nhận ân phúc. Như thế việc công bố Lời ở đây không nhắm đến sự mù hay sáng của đôi mắt thể lý. Chúa đến để công bố Lời giúp nhân loại nhìn thấy chân lý. Chân lý ấy chính là Người, Giêsu Kitô, cuộc sống, các hoạt động và những lời giảng dạy của Người. “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chúng cho sự thật” (Ga 18,37).

Chân lý nền tảng mà Chúa Giêsu đã từng long trọng khẳng định lại lời Kinh Thánh đó là chỉ có một Thiên Chúa duy nhất là Đấng dựng nên mọi sự và là Cha chung của mọi người. Chúng ta phải tôn thờ, yêu mến Người hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực. Yêu mến Chúa thì phải thực thi lời người phán dạy. Vì thế chúng ta phải yêu mến tha nhân như chính bản thân mình, dù họ thương ta hay ghét ta, dù họ làm ơn cho chúng ta hay bách hại chúng ta (x.Mc 12,28-34; Mt 5,43-48). Chính khi bước đi trong ánh sáng chân lý thì chúng ta sẽ được tự do. Sự thật sẽ giải thoát chúng ta khỏi cảnh tình nô lệ.

Giải thoát, trả tự do cho người bị áp bức, kẻ bị giam cầm: Chúng ta chớ quên rằng khi Chúa Giêsu công bố những lời này và khẳng định chúng đang ứng nghiệm thì người anh em họ của Chúa là Gioan Tẩy Giả đang ở trong ngục tù. Khi sai các môn đồ đến hỏi Chúa Giêsu rằng Người có phải là Đấng phải đến chăng, thì có lẽ Gioan Tẩy Giả đang băn khoăn và ít nhiều cũng đang ở trong đêm tối của đức tin (x.Lc 7,18-23).

“Thật, tôi bảo thật các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội. Mà kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi. Vậy, nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do” (Ga 8,34-36). Những lời khẳng định trên của Chúa Giêsu giúp chúng ta hiểu rõ sứ mạng của Người. Người đến thế gian là để giải phóng chúng ta khỏi cảnh nô lệ thần dữ, khỏi cảnh ngục tù của tội lỗi. Các bức tường gỗ đá của chốn lao tù vẫn không thể cướp đi sự tự do của tâm hồn. Chính tội lỗi mới làm cho chúng ta thành người nô lệ, mặc dù chân vẫn thong dong ngoài đời. Sau lời tuyên phán “Ta truyền cho anh: Hãy chỗi dậy, vác chõng mà về nhà” đôi chân của người bất toại được giải phóng. Nhưng rồi phải đến ngày đôi chân ấy lại bất động vì bệnh tật hay vì tuổi tác. Chính lời truyền phán: “Tội lỗi anh được tha” mới là lời giải thoát người bất toại khỏi cảnh nô lệ, giam cầm (x. Mc 2,1-12).

Vì yêu thương nhân loại, Thiên Chúa đã ban Ngôi Lời. Ngôi Lời là Ánh Sáng thế gian. Ánh sáng chân lý dẫn đưa con người thoát cảnh nô lệ tội lỗi đến cảnh đời tự do của phận người con được sống và sống mãi trong tình Cha trên trời. Hãy lắng nghe lời của Esdra: Đừng sầu thảm khóc lóc, nhưng hãy hân hoan vui mừng đón nhận Lời giải thoát, Lời yêu thương. Vậy hãy xét xem, bạn, tôi, chúng ta đã tham dự phần Phụng Vụ lời Chúa trong các Thánh Lễ, đặc biệt Thánh Lễ Chúa Nhật ra sao? Cũng hy vọng rằng các thừa tác viên của Lời trên giảng đài chớ quên rằng những chia sẻ của mình là một phần của Phụng Vụ Lời Chúa. Mong sao những lời ấy cũng có “quyền năng” vì là thần trí và là sự sống.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây