Chúa Nhật IV Mùa Chay – Năm B
Ga 3,14-21
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật IV Mùa Chay – Năm B
Dẫn vào Thánh Lễ
Anh chị em thân mến! Càng tới gần lễ lá, phụng vụ như muốn giới thiệu cho dân Chúa thấy bóng dáng cây Thập Tự, một cây thập tự bao hàm cả một mầu nhiệm tinh thương. Cuộc đối thọai giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô ban đêm, cho thấy rõ chiều kích thâm sâu của ơn cứu độ. Muốn đạt được Nước Trời, con người phải đặt hết niềm tin vào Chúa Giêsu chết treo trên Thập Giá. Hôm nay chúng ta đã đi được nửa con đường mùa chay. Đây là lúc chúng ta duyệt xét lại những dốc lòng hồi đầu mùa chay, và tự hỏi cuộc sống chúng ta đã hân hoan đáp lại tình yêu Thiên Chúa chưa? Tình yêu của Ngài có tìm được cách diễn tả qua nếp sống chúng ta chưa? Trong tâm tình cảm nhận tình yêu của Chúa Giêsu chịu hiến tế trong mầu nhiệm Thánh Thể, chúng ta cùng xin lỗi Chúa.
Ca nhập lễ
Hỡi Giê-ru-sa-lem, hãy hân hoan, và hỡi tất cả các ngươi là những kẻ yêu quý thành ấy, hãy tụ họp lại; hỡi các người là những kẻ ưu phiền, hãy hân hoan vui mừng, để các ngươi nhảy mừng và hưởng no đầy nguồn an ủi các ngươi.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa đã sai Con một giáng trần để thực hiện công trình kỳ diệu là cho loài người được hoà giải với Chúa. Xin ban cho toàn thể dân Chúa khắp hoàn cầu được lòng tin sống động để hăm hở đón mừng lễ Vượt Qua sắp tới. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: 2 Sb 36, 14-16. 19-23
“Cơn thịnh nộ và lòng từ bi của Chúa được tỏ bày qua sự lưu đày và giải phóng của dân tộc”.
Trích sách Sử Biên Niên quyển thứ hai.
Trong những ngày ấy, tất cả những đầu mục tư tế và dân chúng đều bất trung, bắt chước những sự ghê tởm của các dân ngoại. Họ làm dơ bẩn đền thờ Chúa đã được Chúa thánh hoá tại Giêrusalem.
Chúa là Thiên Chúa tổ phụ họ, đã luôn luôn đêm ngày sai sứ giả đến với họ, vì Người thương xót dân Người và đền thờ của Người. Nhưng họ nhạo báng các sứ giả Chúa, coi thường lời Chúa, và nhạo báng các tiên tri, đến nỗi, sau hết, cơn thịnh nộ của Chúa đã đổ lên dân Người, và vô phương cứu chữa. Quân thù đã đốt đền thờ Chúa, phá huỷ tường thành Giêrusalem, phóng hoả tất cả các lâu đài và thiêu huỷ mọi đồ vật quý giá. Nếu có ai thoát khỏi lưỡi gươm, thì bị dẫn về Babylon để làm nô lệ nhà vua và con cái vua, cho đến thời vua nước Ba-tư thống trị; như thế ứng nghiệm lời Chúa dùng miệng tiên tri Giêrêmia mà phán, cho đến khi đất nước được mừng ngày Sabbat; vì trong tất cả những ngày xáo trộn, họ sẽ không giữ được ngày Sabbat trọn bảy mươi năm trường.
Năm thứ nhất triều đại Cyrô, vua xứ Ba-tư, để lời Chúa dùng miệng tiên tri Giêrêmia phán trước được thực hiện, thì Chúa thúc đẩy tâm hồn hoàng đế Cyrô, vua xứ Ba-tư, nhà vua ra lệnh truyền rao khắp đất nước, và ban chiếu chỉ rằng: “Ðây hoàng đế Cyrô, vua xứ Ba-tư tuyên bố: Chúa là Thiên Chúa trời đất đã ban cho trẫm mọi nước trên mặt đất, và chính Người đã ra lệnh cho trẫm xây cất cho Người một đền thờ ở Giêrusalem trong xứ Giuđa. Ai trong các ngươi thuộc về dân Chúa? Thiên Chúa sẽ ở với nó, và nó hãy tiến lên”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 136, 1-2. 3. 4-5. 6
Ðáp: Lưỡi tôi dính vào cuống họng, nếu tôi không nhớ đến ngươi (c. 6a).
Xướng: Trên bờ sông Babylon, chúng tôi ngồi khóc nức nở, khi tưởng nhớ đến núi Sion. Trên những cây dương liễu miền đó, chúng tôi treo các cây lục huyền cầm của chúng tôi.
Xướng: Vì nơi này, quân canh ngục đòi chúng tôi vui vẻ hát lên. Họ giục chúng tôi rằng: “Hãy vui mừng; hãy hát cho chúng ta nghe điệu ca Sion!”.
Xướng: Lẽ nào chúng tôi ca hát ngợi khen Thiên Chúa trên đất khách quê người? Hỡi Giêrusalem, nếu tôi lại quên ngươi, thì cánh tay tôi sẽ bị khô đét.
Xướng: Lưỡi tôi dính vào cuống họng, nếu tôi không nhớ đến ngươi. Nếu tôi không đặt Giêrusalem trên tất cả mọi niềm vui thoả.
Bài Ðọc II: Ep 2, 4-10
“Anh em chết bởi tội và được cứu rỗi bởi ân sủng”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, Thiên Chúa là Ðấng giàu lòng từ bi, vì lòng yêu thương cao cả mà Người đã yêu thương chúng ta, đến nỗi khi tội lỗi làm cho chúng ta phải chết, thì Người làm cho chúng ta sống lại trong Ðức Kitô, nhờ ơn Ngài mà chúng ta được cứu rỗi; Người đã cho chúng ta được cùng chung sống lại và đồng ngự trị trên nước trời trong Ðức Giêsu Kitô, để tỏ cho hậu thế được thấy sự phong phú dồi dào của ơn Chúa mà lòng nhân lành Chúa đã ban cho chúng ta trong Ðức Giêsu Kitô? Vì chưng, bởi ơn Chúa, anh em được cứu rỗi nhờ đức tin. Ðiều đó không phải do anh em, vì đó là ân huệ của Chúa; cũng không phải do việc làm, để không ai được tự phụ. Vì chúng ta là thụ tạo của Người, đã được tạo thành trong Ðức Giêsu Kitô, để làm các việc lành mà Chúa đã dự liệu, hầu chúng ta đem ra thực hành.
Ðó là lời Chúa.
Câu Xướng Trước Phúc Âm: Ga 3, 16
Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban Con Một Mình, để tất cả những ai tin Con Ngài, sẽ được sống đời đời.
Phúc Âm: Ga 3, 14-21
“Thiên Chúa đã sai Con Ngài đến để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: “Như Môsê đã treo con rắn lên ở sa mạc thế nào, thì Con Người cũng sẽ phải treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Người, sẽ không bị huỷ diệt, nhưng được sống đời đời. Vì Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa; và đây án phạt là sự sáng đã đến thế gian, và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng, vì hành động của họ xấu xa. Thật vậy, ai hành động xấu xa thì ghét sự sáng, và không đến cùng sự sáng, sợ những việc làm của mình bị khiển trách; nhưng ai hành động trong sự thật thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được sáng tỏ là họ đã làm trong Thiên Chúa”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tín hữu
Anh chị em thân mến! Thiên Chúa đã không dậy bài học tha thứ suông, nhưng đã dậy bài học tha thứ bằng chính mạng sống của Ngài. Chúng ta cùng cầu xin để có lòng tha thứ như Chúa Kitô :
1. “Ai trong các ngươi thuộc về dân Chúa? Thiên Chúa sẽ ở với nó” Xin cho các vị Chủ chăn xác tín rằng mình là người của Chúa và Chúa hiện diện nơi các ngài, để hướng dẫn đoàn chiên thi hành ý Chúa.
2. “Thiên Chúa là Đấng giầu lòng từ bi, vì lòng yêu thương cao cả mà Người đã yêu thương chứng ta”.- Xin cho các linh mục, tu sĩ và tông đồ giáo dân sống tinh thần thương xót của Chúa, để sự hiệp nhất giữa các cộng đoàn Kitô hữu với nhau được thể hiện, và giúp cho nhiều người muốn tìm hiểu, đón nhận ánh sáng đức tin.
3. “Ai tin Con Người thì không phải hư mất”.- Xin cho các tội nhân đặt lòng tin cậy vào Đức Kitô Đấng cứu chuộc, để được can đảm dứt khoát với tội lỗi, mà trở về với Chúa trong mùa chay thánh này.
4. “Sự sáng đã đến thế gian và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng.” Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta, một khi đã cảm nhận được ánh sáng Ngôi Lời, thì cũng biết chiếu tỏa ánh sáng ấy cho các tâm hồn.
Chủ sự: Lạy Chúa, nhờ ánh sáng đức tin và các nhiệm tích chúng con đã lãnh nhận, xin cho chúng con biết đem nguồn ơn cứu rỗi đến cho những tâm hồn đang lạc đường chân lý, để họ tìm về cùng Chúa và hưởng tình thương Chúa dành cho. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, chúng con hoan hỷ dâng lên Chúa lễ vật này là của lễ đem lại phúc trường sinh. Xin gia tăng lòng kính tin sùng mộ giúp chúng con dâng thánh lễ này cho xứng đáng, hầu mưu ích cho cả trần gian. Chúng con cầu xin…
Lời kinh tiền tụng
Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, nhờ Ðức Ki-tô Chúa chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Vì Chúa ban cho các tín hữu hằng năm được hân hoan đón chờ mầu nhiệm Vượt Qua với tâm hồn đã được thanh tẩy, để khi nhiệt tâm thi hành việc đạo đức và bác ái, nhờ năng chịu các bí tích mà được tái sinh, thì các tín hữu đạt tới sự viên mãn của ơn làm con Chúa.
Vì thế cùng với các Thiên thần và tổng lãnh thiên thần, các Bệ thần và Quản thần, cùng toàn thể đạo binh thiên quốc, chúng con không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng:
Thánh! Thánh! Thánh!..
Ca hiệp lễ
Giê-ru-sa-lem được kiến thiết như thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể. Lạy Chúa, vì nơi đây các bộ lạc, các bộ lạc của Chúa tiến lên để ngợi khen danh Chúa.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa là ánh sáng muôn đời chiếu soi mọi người sinh ra trong trần thế, xin rộng ban ân sủng làm cho tâm hồn chúng con được bừng sáng huy hoàng, để chúng con hằng biết suy tưởng những điều đẹp lòng Chúa, và chân thành yêu mến Chúa mỗi ngày một hơn. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
TIN THÌ ĐƯỢC SỐNG (2Sb 36, 14-17, 19-23; Ep 2, 4-10; Ga 3, 14-21)
Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.
Biểu tượng của nghành y chính là con rắn quấn quanh cây gậy. Hình ảnh này được bắt nguồn từ thần thoại Hy Lạp và truyền thuyết “Con giun”. Bên cạnh đó, biểu tượng này còn có nguồn gốc từ một câu chuyện được kể trong Kinh Thánh Cựu Ước khi dân Dothái trên đường trở về Đất Hứa (x. Ds 21, 4b-9).
Hôm nay, kết thúc phần hội thoại với ông Nicôđêmô, Đức Giêsu đã nhắc tới sự kiện này như tiền đề cho một chủ đề lớn, đó là cái chết và ơn cứu chuộc do Ngài mang lại ngang qua thập giá, để qua đó, những ai ngước nhìn và tin thì sẽ được cứu độ.
1. Sự liên hệ giữa con rắn đồng và Đức Giêsu
Khởi đi từ việc Đức Giêsu đem chuyện con rắn đồng trong Cựu Ước, nơi sa mạc để so sánh với chính Ngài: “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy” (x. Ds 21,4-9).
Để hiểu được ý nghĩa của việc Đức Giêsu so sánh trên, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về câu chuyện con rắn đồng trong Cựu Ước, để làm toát lên hình ảnh tiên trưng về Đức Giêsu sau này.
Câu chuyện về con rắn được tác giả sách Dân Số trình thuật rằng: vì yêu thương, Thiên Chúa đã nghe được tiếng ai oán của dân bên đất Aicập kêu than do nỗi thống khổ của họ phải chịu bởi những tên cai của nhà vua Aicập hành hạ…!
Trước cảnh tượng đó, qua Môsê, Thiên Chúa đã ra tay giải thoát họ, để dẫn họ về Đất Hứa. Tuy nhiên, trên đường, họ đã nổi loạn, kêu trách nặng lời với Thiên Chúa và Môsê nhiều lần. Vì thế, Thiên Chúa đã không cho họ được đi trên con đường thẳng để tiến vào Đất Hứa (x. Ds 14,25. 33). Người cũng không cho bất kỳ một ai trong đám dân này được đặt chân vào đó! Hơn thế, Người đã cho rắn độc trong sa mạc tiến ra và cắn chết nhiều người!
Thấy vậy, dân chúng đã van nài Môsê kêu cầu lên Thiên Chúa để xin tha thứ vì sự phản bội, vô ơn mà họ đã trót phạm, đồng thời, xin Người ra tay cứu sống cho những người bị rắn cắn. Môsê đã thay mặt cho toàn dân để chuyển cầu lên với Thiên Chúa.
Thiên Chúa đã nhận lời Môsê và truyền cho ông làm con rắn treo lên cây cột, nếu ai bị rắn cắn mà nhìn lên thì liền được sống. Ông Môsê đã làm như vậy và nhiều người đã được sống nhờ nhìn lên con rắn này.
Con rắn đồng chính là biểu tượng về lòng thương xót của Thiên Chúa, và cụ thể là hình ảnh báo trước về chính Đức Giêsu bị treo trên thập giá sau này!
Qua câu chuyện trên, Thiên Chúa muốn dạy cho dân một bài học nhớ đời, đó là: vô ơn, bội nghĩa và đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa thì sẽ phải chết. Ngược lại, nếu tin tưởng tuyệt đối vào Người, thì sẽ được sống.
Khi nhắc lại biến cố này trong câu chuyện với ông Nicôđêmô, Đức Giêsu muốn cho ông hiểu rằng: cần phải có một bước tiến cụ thể, rõ ràng, xác quyết với niềm tin, chứ không phải khơi khơi bề ngoài hay phụ thuộc vào kiến thức mà mình có. Những thứ đó chỉ làm cho ông thỏa mãn sự hiếu tri mà thôi. Vì thế, nó không thể đem lại cho ông ơn cứu chuộc. Ơn cứu chuộc chỉ đến với ông khi ông nhận thức về tội lỗi của mình; cảm nghiệm và tin tưởng tuyệt đối vào tình thương của Thiên Chúa và ơn cứu chuộc ngang qua chính Người Con của Người qua mầu nhiềm thập giá (x. Ga 3,15).
2. Ý Nghĩa Lời Chúa với đời sống đức tin của chúng ta
Qua câu chuyện và những mặc khải của Đức Giêsu cho ông Nicôđêmô, Ngài cũng mời gọi chúng ta hãy quan tâm đến đời sống đức tin của mình ngang qua những cảm nghiệm sau:
Trước hết là ý thức về thân phận yếu đuối của mình:
Cuộc sống của chúng ta không thiếu gì những bất toàn. Chính vì những yếu đuối do bản tính của con người, nên chúng ta dễ hướng chiều và làm theo sự tội. Vì thế, tội lỗi đã làm cho con người đau khổ, thất vọng, nhất là nó nhấn chìm và làm cho chúng ta mất ơn cứu chuộc.
Lời mời gọi nhìn lên con rắn đồng là hình ảnh và cũng là lời mời gọi chúng ta hướng nhìn lên Thánh Giá Chúa Kitô, để ý thức mình tội lỗi và cần được cứu chuộc.
Thật vậy, mỗi khi chúng ta nhìn lên Chúa chịu đóng đinh, hẳn ai cũng cảm thấy thật xấu hổ, bởi vì do tội lỗi của chính mình mà Con Thiên Chúa quyền năng lại phải chịu treo trần trụi trên Thánh Giá như một kẻ tử tội…!
Khi nhìn lên Thánh Giá Chúa, chúng ta hiểu được ý nghĩa cái chết của Đức Giêsu và chúng ta sẽ không thể không sám hối ăn năn, bởi vì nơi ấy, Đức Giêsu đã gánh lấy hết tội lỗi của nhân loại để cho con người được sống và sống dồi dào.
Thứ đến, là cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa:
Mỗi khi nhìn lên Thánh Giá Đức Giêsu, chúng ta nhớ lại lời Kinh Thánh đã nói: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16). Thật vậy, tội lỗi của con người rất nặng nề, khiến chúng ta chắc chắn phải chết, nhưng Thiên Chúa đã yêu chúng ta bằng một tình yêu tuyệt đối và trọn vẹn khi trao ban chính con của Người đến để yêu và yêu đến cùng. Tình yêu ấy được chứng minh bằng cái chết trên thập giá. Qua đó, Đấng chịu treo trên thập giá mặc khải cho chúng ta hiểu rằng: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống cho bạn hữu” (Ga 15,13
Như vậy, mỗi khi chúng ta nhìn lên Thánh Giá Đức Giêsu, chúng ta cảm nghiệm được tình yêu thương của Thiên Chúa ngang qua Đức Giêsu nơi cái chết của Ngài thật lớn lao vô kể….
Cuối cùng, nhìn lên Thánh Giá Chúa để chúng ta được cứu chuộc:
Khi đã phạm tội, con người không thể tự thân cứu chuộc được mình. Cũng như những người Dothái xưa, khi đã phạm tội và bị rắn cắn, họ không còn có thể tự cứu được mình khỏi chết, mà chỉ còn cách, đó là: nhìn lên rắn đồng thì mới được cứu sống.
Chúng ta cũng cùng chung số phận, nên khi phạm tội, con người không thể nào đụng chạm được ơn giải thoát nếu không có lòng thương xót của Thiên Chúa!
Như vậy, mỗi khi nhìn lên Thánh Giá với Đấng chịu treo trên đó, chúng ta sẽ nhớ lại những tội lỗi do yếu đuối của mình đã xúc phạm đến Chúa, đồng thời, biết cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa, luôn ăn năn, tin tưởng vào hiệu quả của Đấng chết thay cho nhân loại được cứu chuộc.
3. Sứ điệp Lời Chúa
Sứ điệp Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy tin tưởng tuyệt đối vào Đức Giêsu, vì Ngài là Con Thiên Chúa làm người, là Đấng gánh tội và cứu chuộc trần gian.
Khi tin vào Đức Giêsu tuyệt đối, chúng ta được mời gọi đi trên con đường mà Ngài đã đi để được cứu chuộc. Con đường ấy là: tự hủy, yêu thương và vâng phục. Bên cạnh đó, chúng ta được mời gọi thuộc về Đức Giêsu là Ánh Sáng, khi sống những giá trị Tin Mừng trong cuộc sống và khước từ những thứ thuộc về bóng đêm của tội lỗi như: ích kỷ, kiêu ngạo, khoe khoang, bất hòa, chia rẽ….
Tuy nhiên, muốn được tiếp bước trên con đường của Đức Giêsu và thuộc về Ngài là Ánh Sáng, chúng ta phải sống Lời Chúa mời gọi cụ thể trong Mùa Chay này, đó là: hãy sám hối, ăn năn và canh tân đời sống….
Lạy Chúa Giêsu, xưa Chúa đã phán: “Khi nào Ta được đưa lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta” (Ga 12,32), xin hãy lôi kéo chúng con lên với Chúa để được Chúa yêu thương và cứu chuộc. Amen.
Chúa nhật tuần thứ bốn mùa Chay
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 3, 14-21).
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: “Như Môsê đã treo con rắn lên ở sa mạc thế nào, thì Con Người cũng sẽ phải treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Người, sẽ không bị huỷ diệt, nhưng được sống đời đời. Vì Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa; và đây án phạt là sự sáng đã đến thế gian, và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng, vì hành động của họ xấu xa. Thật vậy, ai hành động xấu xa thì ghét sự sáng, và không đến cùng sự sáng, sợ những việc làm của mình bị khiển trách; nhưng ai hành động trong sự thật thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được sáng tỏ là họ đã làm trong Thiên Chúa”.
Suy niệm
Nhìn về đồi Can-vê, tôi thấy nhiều cây khổ giá, trên các cây khổ giá, có những tội nhân đang quằn quại trong tuyệt vọng. Trong khung cảnh bi thảm vậy, làm sao có ơn cứu độ được? Làm sao nhân loại, trong đó có bạn và tôi, được giải thoát khỏi sự ràng buộc của tội lỗi, của sự chết, để sống trong tự do của sự thật, của chân lý. Tất cả đều phi lý nếu không có ánh sáng của Lời Chúa. Phụng vụ Lời Chúa tuần thứ bốn mùa chay là chìa khóa mở cho chúng ta cánh cửa huyền bí đó, để chúng ta khám phá ơn cứu độ con người được nhận lãnh đến từ đâu? Đến từ những cây khổ giá đó, hay đến từ những tử tội nằm trên các cây khổ giá đó, hay đến từ những người đã can đảm treo các tử tội lên đó, tất cả sẽ được hiển lộ để hành trình đức tin của nhân loại được xác tín hơn và mối tình Thiên Chúa – Con người trở nên sâu đậm và đầy nghĩa tình.
Sau những ngày dài từ đất Ai-cập về tới đất hứa, dân Do Thái được chứng kiến bao dấu lạ đến từ Thiên Chúa. Một dấu lạ cả thể là họ được chứng kiến bàn tay hùng mạnh của Thiên Chúa đã trao cho họ mảnh đất đầy sữa và mật, mà Ngài đã hứa với các tổ phụ của họ. Định cư trên mảnh đất đó trong sự yêu thương và nuôi dưỡng của Thiên Chúa, thế mà dân tộc được gọi là dân riêng của Thiên Chúa đã không ít lần phạm tội, quay lưng lại với tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho họ. Còn nỗi đau nào lớn cho bằng khi người mình yêu thương phản bội, đi tìm một thần linh khác để phụng thờ. Trước sự hững hờ ấy, Thiên Chúa vẫn đợi chờ, vẫn trông mong họ thay đổi ý thức và thái độ sống, để Ngài yêu thương và chăm sóc từng ngày: “Trong những ngày ấy, tất cả những đầu mục tư tế và dân chúng đều bất trung, bắt chước những sự ghê tởm của các dân ngoại. Họ làm dơ bẩn đền thờ Chúa đã được Chúa thánh hoá tại Giêrusalem. Chúa là Thiên Chúa tổ phụ họ, đã luôn luôn đêm ngày sai sứ giả đến với họ, vì Người thương xót dân Người và đền thờ của Người”. Thiên Chúa là thế đó, luôn yêu thương và mãi mãi yêu thương, dù có bị lạnh nhạt, dù có bị bội phản và dù có bị trách cứ. Còn phần dân riêng, được yêu, được chăm sóc, được bảo vệ, thế mà cứ luôn gây ra bao phiền muộn cho Thiên Chúa: “họ nhạo báng các sứ giả Chúa, coi thường lời Chúa, và nhạo báng các tiên tri, đến nỗi, sau hết, cơn thịnh nộ của Chúa đã đổ lên dân Người, và vô phương cứu chữa. Quân thù đã đốt đền thờ Chúa, phá huỷ tường thành Giêrusalem, phóng hoả tất cả các lâu đài và thiêu huỷ mọi đồ vật quý giá. Nếu có ai thoát khỏi lưỡi gươm, thì bị dẫn về Babylon để làm nô lệ nhà vua và con cái vua”.
Dòng chảy của tình yêu từ Thiên Chúa không bao giờ vơi cạn, khởi đi từ một dân tộc được chọn làm dân riêng với bao lần thất tín, Ngài vẫn yêu thương họ, về đến quê hương trên mảnh đất lời hứa, một mảnh đất chảy sữa và mật ong, họ được định cư, thế mà vẫn sống thất tín với Đấng tình yêu. Mãi đến lúc Con Thiên Chúa làm người, tình yêu đó được diễn đạt cách rõ nét hơn. Cái chết trên thập giá của Đức Giêsu là đỉnh cao của tình yêu cứu độ đến từ Chúa Cha, vậy mà nhân loại lại nhạo cười, chê trách, và đến hôm nay, thế giới vẫn coi đó là một sự điên rồ. Hiểu được phần nào mầu nhiệm tình yêu đó, thánh Phaolô đã trình bày dung mạo tình yêu Thiên Chúa cho con cái ngài trong thành Êphêsô: “Anh em thân mến, Thiên Chúa là Ðấng giàu lòng từ bi, vì lòng yêu thương cao cả mà Người đã yêu thương chúng ta, đến nỗi khi tội lỗi làm cho chúng ta phải chết, thì Người làm cho chúng ta sống lại trong Ðức Kitô, nhờ ơn Ngài mà chúng ta được cứu rỗi; Người đã cho chúng ta được cùng chung sống lại và đồng ngự trị trên nước trời trong Ðức Giêsu Kitô, để tỏ cho hậu thế được thấy sự phong phú dồi dào của ơn Chúa mà lòng nhân lành Chúa đã ban cho chúng ta trong Ðức Giêsu Kitô? Sức mạnh của tình yêu không ai có thể hiểu được, và chiều sâu của tình yêu đến từ Thiên Chúa lại trở nên huyền nhiệm như thế nào. Con người sống trong tội như thế mà Thiên Chúa vẫn cố gắng để đưa họ ra và đặt họ vào trong môi trường tự do của chân lý, của sự thật, để họ khám phá khuôn mặt của tình yêu đến từ Thiên Chúa như thế nào, bởi họ được cứu không do công trạng của họ, nhưng do tình yêu và thái độ đức tin của con người: “Bởi ơn Chúa, anh em được cứu rỗi nhờ đức tin. Ðiều đó không phải do anh em, vì đó là ân huệ của Chúa; cũng không phải do việc làm, để không ai được tự phụ”.
Chiều sâu nội tâm của tình yêu vẫn mãi là một huyền nhiệm, dù đó là tình yêu nhân loại, bởi thế, tình yêu đến từ Thiên Chúa vẫn mãi là một không gian thánh thiêng con người chưa thể lãnh hội được. Yêu đến nỗi trao cho người mình yêu cả người con duy nhất, chắc chắn con người chưa thể thực hiện được điều đó, vậy mà Thiên Chúa đã làm: “Vì Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ”. Tình yêu đích thực là một tình yêu không tính toán, không vụ lợi và không còn điều kiện. Thiên Chúa đã thi thố tình yêu của Ngài dành cho con người là như thế. Người Con duy nhất của Ngài là Đức Giêsu, Ngài cũng trao cho con người, chỉ với một ước mong con người thấu hiểu tình yêu đó và đổi thay cuộc đời chính mình. Vậy mà con người vẫn hững hờ, con người lại đi tìm một thứ tình yêu giả tạo và đầy màu sắc của thế gian. Cái chết của người Con duy nhất của Thiên Chúa đã cứu độ con người, trong huyền nhiệm đó, Thiên Chúa chỉ mong con người hướng nhìn lên thánh giá với thái độ khiêm tốn của đức tin, họ sẽ được cứu độ, họ sẽ được Thiên Chúa yêu và yêu mãi.
Ngước nhìn lên đồi Can-vê, con người vẫn thầm nghĩ rằng, thập giá nơi treo Con Thiên Chúa đã cứu chuộc họ. Thập giá chỉ là một khổ hình dành cho các tử tội, và trên đỉnh đồi kia năm ấy, có tới ba cây thập giá, trên ba cây thập giá đó, sự đau khổ và tuyệt vọng đang quyện lấy ba tử tội. Vậy nếu thập giá không cứu độ con người được thì sự đau khổ tuyệt vọng của các tử tội đó cứu độ con người chăng? Chắc không phải là thế, ơn cứu độ của con người đến từ tình yêu, đến từ chiều sâu nội tâm của tình yêu vô vị lợi của Thiên Chúa. Chúa Cha đã chấp nhận hiến tế người con duy nhất để cứu nhân loại, một sự hiến dâng không có ngôn ngữ nào diễn tả trọn vẹn. Tình yêu đó đã được người Con Thiên Chúa cụ thể hóa bằng việc chấp nhận một bản án bất công, chấp nhận một cây thập giá nặng nề, chấp nhận một sự trần trụi và cô đơn trên thập giá, và chấp nhận hiến dâng cả sự sống cho con người. Quả là một chiều sâu huyền nhiệm mà con người không thể dùng lời nói hay tâm tình sống để hiểu và để diễn đạt, vậy Thiên Chúa đợi chờ nơi con người điều gì trước tình yêu đó. Ngài đợi chờ nơi con người một thái độ khiêm tốn của đức tin. Ai ngước nhìn lên con rắn đồng sẽ được sống, và ai ngước nhìn lên thập giá trông thấy người Con yêu của Chúa Cha, họ sẽ được cứu độ, được sống và được gọi Thiên Chúa là Cha tình yêu.
Sự đáp trả của con người hôm nay có gì đó tương xứng với mong đợi của Thiên Chúa hay còn nhiều trăn trở khi họ đang sống chung với một thế giới tiêu thụ và hưởng thụ. Nhận và trải nghiệm và xu hướng của người tín hữu hôm nay, vậy trước giá trị vô biên của tình yêu đến từ Thiên Chúa, con người cũng chỉ biết hưởng thụ và tiêu thụ thôi sao. Có đâu mà hững hờ và vô tâm vậy, Thiên Chúa yêu mãi và con người cũng chỉ biết đón nhận mãi thôi sao. Đến đây, chúng ta mới hiểu được mong ước từ Thiên Chúa là con người hãy cố gắng ngước nhìn lên thập giá để thấy chiều sâu nội tâm của tình yêu Thiên Chúa, rồi từ đây, con người đáp trả bằng sự hoán đổi cuộc đời, thay đổi dung mạo Thiên Chúa trong tâm hồn và trong thái độ sống của mình. Chấp nhận sự hiện diện của tha nhân và chấp nhận luôn sự khác biệt của họ, cũng là một trong những sự khiêm tốn của đức tin, bởi có những lúc Đức Giêsu trở nên khiếm khuyết nơi tha nhân, trở nên bệnh tật nơi tha nhân, trở nên đau khổ nơi tha nhân. Mầu nhiệm tình yêu vẫn mãi là một con đường rất đẹp nhưng không bằng phẳng, luôn có điểm đến là niềm vui khi phải đi qua những khổ đau và bất hạnh, thậm chí là cô đơn và thất vọng.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã làm nổi bật chiều sâu của tình yêu Chúa Cha trên thập giá, để con người hiểu được giá trị của con người và giá trị của tình yêu Thiên Chúa, xin giúp chúng con can đảm bước vào hành trình của tình yêu đó, dù có gặp bao thử thách và khổ đau. Chúa đã chấp nhận cái chết trong sự đau khổ để tình yêu được thi thố tận cùng, xin giúp chúng con cố gắng thay thế sự hận thù bằng tình yêu, thay thế bạo lực bằng sự tha thứ, thay thế khổ đau và bất hạnh bằng sự cảm thông và chia sẻ trong sự khiêm tốn của đức tin tình yêu. Amen.
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
CHUYỆN THƯỞNG PHẠT
(Chúa Nhật IV mùa Chay B)
Chúa hạ con xuống rồi Người lại nâng con lên. Chúa dìm con xuống hố sâu và Người lại nhấc con lên… Bàng bạc đâu đó cái ý tưởng này trong các lời ca, trong nhiều cái nhìn tu đức và cả trong một vài kiểu cách diễn tả của Thánh Kinh, đặc biệt là Cưụ Ước. Khi dân được tuyển chọn bất trung, phản bội, Thiên Chúa trừng phạt dân, thông thường bằng cách đày ải dân vào kiếp nô lệ ngoại bang để bày tỏ cơn thịnh nộ. Nhưng rồi sau đó Người lại giải thoát dân để bày tỏ lòng thương xót.
Lời mạc khải là Lời của Thiên Chúa, nhưng lại được trình bày bằng ngôn ngữ nhân loại, qua những con người cụ thể của một thời gian, không gian, nền văn hoá nhất định. Chắc chắn khó có thể tránh khỏi chuyện gán cho Thiên Chúa những tâm tình, ý nghĩ, đường lối, cung cách hành xử mang đậm nét con người. Vì thế chuyện “suy bụng ta ra bụng người” vẫn ít nhiều có đó trong các trang Kinh Thánh.
Thiên Chúa đày ải và lại giải phóng dân, không chỉ để cho dân nhận ra quyền năng và tình yêu của Người, mà còn để dân phải gắn bó, trung thành với Người ư? Không lẽ chuyện vừa đấm vừa xoa, chuyện kế sách “cây gậy và củ cà rốt”, chuyện dìm người ta xuống nước cho gần chết ngạt rồi sau đó thả tay ra cho người ta hít thở để người ta rối rít cám ơn mình… cũng là “chuyện tình” giữa Thiên Chúa với nhân loại ư? Chắc chắn tuyệt đối không phải thế. Nếu giả như Thiên Chúa cũng hành xử với con người theo kiểu cách mà nhiều nhà cầm quyền khôn ranh, hay nhiều thể chế độc tài gian ác đã hành xử thì Người chỉ đáng cho chúng ta “kinh sợ, khiếp hãi” mà không bao giờ đáng được kính mến.
Để có cái nhìn tương đối khá chính xác và “gần” chân lý hơn, thiết tưởng không gì hơn hãy lắng nghe những lời do miệng Con Thiên Chúa làm người phán: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3,15).
1. Thiên Chúa không phải là tác giả của sự dữ. Là Đấng toàn thiện, nên sự dữ không thể và không bao giờ do Thiên Chúa gây ra. Thế mà con người rất nhiều khi gặp phải sự dữ thì lại gán ghép cho Thiên Chúa. Xưa kia, khi đi trong hoang địa, dân Chúa đã phản loạn và khi rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người thì người ta cho rằng Thiên Chúa trừng phạt họ bằng cách “cho” rắn bò ra cắn chết họ. Cái ý nghĩ về chuyện “trời phạt” đã từng có trong tâm thức của con người xưa nay. Nhờ lời mạc khải, đặc biệt là lời hoàn hảo của Đấng Cứu độ, chúng ta mới biết rằng Thiên Chúa không phải là ông thần thích báo thù hay trừng phạt. Tuy nhiên, có nhiều lúc Người lại “để” cho sự dữ xảy ra mà không ra tay ngăn cản để cảnh tỉnh con người về tình trạng tội lỗi của họ hoặc để thanh luyện tình yêu của họ đối với Người, giúp họ ngày càng yêu mến Người cách vô vị lợi và chân thành hơn.
Không kể những sự dữ mang tính mầu nhiệm mà ta không thể suy thấu, thì có thể nói hầu hết các sự dữ xảy ra là do hậu quả của tội lỗi của con người gây ra cho nhau hay cho chính bản thân mình. Con người ta, khi “chẹt chân thì dễ há miệng” và “hữu sự thì dễ vái tứ phương”. Như thế, những sự dữ vẫn có đó ý nghĩa của nó với kiếp người chúng ta. Những sự khốn khó ở đời này vẫn còn đó vai trò của người thầy dạy giỏi. Cho dù đôi khi cái khó bó cái khôn, nhưng sự thường thì “gian nan rèn nhân đức”. Dưới khía cạnh nhân bản thì gian khổ là cơ hội giúp ta rèn luyện sự nhẫn nại, sự bền chí… còn dưới chiều kích đức tin, thì gian khổ giúp ta biết khiêm nhu và tín thác vào tình yêu và của Thiên Chúa. Thánh Tông đồ dân ngoại khẳng định: “Quả vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa; cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện” (Ep 2,8-9).
2. Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương. Có thể nói đây là ý chính của phần Phụng Vụ lời Chúa mà Hội Thánh dọn cho chúng ta trong Chúa nhật IV Mùa Chay B này. Trong cảnh tha hương lưu đày, dân Chúa xưa luôn hướng về Đền thánh Giêrusalem. Khi bày tỏ nổi lòng của dân: “Giêrusalem, lòng này nếu quên người thì lưỡi xướng ca sẽ dính với hàm” (Tv 136), tác giả Thánh Vịnh mời gọi dân suy đến tấm lòng của Thiên Chúa. Các sứ ngôn sau khi cảnh báo dân về tội phản nghịch của họ cùng với các hình phạt sẽ phải hứng chịu thì liền sau đó thường bày tỏ lòng xót thương vô bờ của Thiên Chúa. “Ta sẽ chữa chúng khỏi tội bất trung, sẽ yêu thương chúng hết tình, vì cơn giận của Ta sẽ không còn đeo đuổi chúng” (Hs 14,5). Cố nhạc sĩ họ Trịnh đã từng ca thán: “Chúa đã bỏ loài người. Phật đã bỏ loài người”. Thế nhưng Kinh Thánh khẳng định rằng dù cho có người mẹ nào nhẫn tâm bỏ con mình đi nữa thì Thiên Chúa sẽ chẳng bao giờ bỏ loài người. Thánh Phaolô nói với tín hữu Êphêsô: “Thưa anh em, Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô” (Ep 2,4).
Thiên Chúa không thể bỏ con người. Một lời khẳng định xem ra khá hàm hồ, nhưng thật chính xác vì “Thiên Chúa không thể chối bỏ chính Người, vì Người là Tình Yêu (x.1Ga 4,8). Dù trời cao hay đất thấp, dù thiên thần hay thiên phủ… không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, trong Đức Kitô Giêsu (x.Rm 8,39). Như thế, nếu chúng ta vẫn chìm trong bóng tối thì chính chúng ta phải chịu trách nhiệm vì đã khước từ ánh sáng.
Thiên Chúa là Đấng ân thưởng. Và chính chúng ta mới là những người luận phạt. Nếu chúng ta chọn ánh sáng tức là tin vào Chúa Giêsu và sống theo lời của Người thì chúng ta được Thiên Chúa ân thưởng. Trái lại nếu chúng ta chối từ Chúa Kitô thì chúng ta, chứ không ai khác, là người kết án, luận phạt chính bản thân mình.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột