TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật IV Mùa Vọng – Năm A

12/12/2022 02:56:13 |   1106

Chúa Nhật IV Mùa Vọng – Năm A

cn4 MV A

Mt 1, 18-24


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật IV Mùa Vọng – Năm A

Ca nhập lễ

Trời cao hỡi, nào hãy gieo sương, mây hãy đổ mưa, mưa Đấng Công Chính, đất rộng mở cho xuất hiện Vị Cứu Tinh.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã dùng lời thiên sứ truyền tin mà cho chúng con biết thật Ðức Kitô, Con Chúa, đã xuống thế làm người. Xin đổ ơn thánh đầy lòng chúng con, để nhờ công ơn Con Chúa chịu khổ hình thập giá, Chúa cũng cho chúng con được sống lại hiển vinh. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Is 7, 10-14

“Này trinh nữ sẽ thụ thai”.

Bài trích sách Tiên tri Isaia.

Ngày ấy, Chúa phán bảo vua Achaz rằng: “Hãy xin Thiên Chúa, Chúa ngươi, một dấu ở dưới lòng đất hay ở trên trời cao!” Nhưng vua Achaz thưa: “Tôi sẽ không xin, vì tôi không dám thử thách Chúa”.

Và Isaia nói: “Vậy hãy nghe đây, hỡi nhà Ðavít, làm phiền lòng người ta chưa đủ ư, mà còn muốn làm phiền lòng Thiên Chúa nữa? Vì thế, chính Chúa sẽ cho các ngươi một dấu: này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 23, 1-2. 3-4ab. 5-6

Ðáp: Chúa ngự qua, chính Ngài là Hoàng Ðế hiển vinh

Xướng: Chúa là chủ trái đất và mọi vật làm sung mãn nó, chủ địa cầu và muôn loài cư trú ở trong. Vì chính Ngài xây dựng nó trên biển cả, và Ngài giữ vững nó trên chỗ nước nguồn.

Xướng: Ai khá trèo lên cao sơn của Chúa, ai được đứng trong nơi thánh của Ngài? Người tay vô tội và lòng thanh khiết, người không để lòng xu hướng bả phù hoa.

Xướng: Người đó sẽ được Chúa chúc phúc cho, và được Thiên Chúa là Ðấng cứu độ ban ân thưởng. Ðó là dòng dõi người tìm kiếm Chúa, người tìm long nhan Thiên Chúa nhà Giacóp.

Bài Ðọc II: Rm 1, 1-7

“Ðức Giêsu, thuộc dòng dõi vua Ðavít, là Con Thiên Chúa”.

Bài trích thơ Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Rôma.

Phaolô, tôi tớ Chúa Giêsu Kitô, đã được kêu gọi làm Tông đồ và đã được tuyển chọn để rao giảng tin mừng Thiên Chúa. Tin mừng ấy Thiên Chúa đã hứa trước bằng lời các tiên tri trong Kinh Thánh về Con của Người; Người đã sinh ra theo huyết nhục bởi dòng dõi Ðavít, đã được tiền định là Con Thiên Chúa quyền năng theo Thánh Thần, đã sống lại từ cõi chết. Ðó chính là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ Người, chúng tôi đã nhận ân sủng và chức vụ tông đồ, để nhân danh Người, chúng tôi quy phục mọi dân tộc về Ðức Tin, trong đó có cả anh em là những người mà Chúa Giêsu đã kêu gọi.

Tôi chúc tất cả mọi người trong thành Rôma được Thiên Chúa yêu mến và kêu gọi nên thánh, được ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta, và của Ðức Giêsu Kitô là Chúa chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 1, 21

Alleluia, alleluia! – Này đây trinh nữ sẽ mang thai, hạ sinh một con trai, và người ta sẽ gọi tên Người là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa-ở-cùng-chúng ta. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 1, 18-24

“Chúa Giêsu sinh ra bởi Ðức Maria, đính hôn với Thánh Giuse con vua Ðavít”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse, bạn của bà, là người công chính, không muốn tố cáo bà, định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo.

Nhưng đang khi định tâm như vậy thì thiên thần Chúa hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: “Hỡi Giuse, con vua Ðavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần: bà sẽ hạ sinh một con trai mà ông sẽ đặt tên là Giêsu: vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội”.

Tất cả sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời Chúa dùng miệng Tiên tri phán xưa rằng: “Này đây một trinh nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”.

Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời thiên thần Chúa truyền: ông tiếp nhận bạn mình, nhưng không ăn ở với nhau cho đến khi Maria sinh con trai đầu lòng, thì Giuse đặt tên con trẻ là Giêsu.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Mẹ Maria đã phải trải qua những giây phút băn khoăn, trong việc thi hành thánh ý Chúa. Mẹ đã cầu nguyện và suy đi nghĩ lại. Noi gương Mẹ chúng ta cũng thành khẩn cầu xin :

1. “Nhà của ngươi và triều đại ngươi sẽ vững chắc đến muôn đời”. Xin Chúa hiện diện bên các vị chủ chăn và ban tràn đầy ân sủng, để các ngài nên máng chuyển ơn cứu rỗi cho muôn người như Đức Maria.

2 . “Theo mạc khải mầu nhiệm được giữ kín từ đời đời, nhưng nay được tỏ bày”.- Xin cho các tín hữu biết trân trọng và yêu mến những mầu nhiệm Thiên Chúa thương tỏ lộ, để như Đức Maria nhờ thấm nhuần tinh thần cầu nguyện mà gặp được Thiên Chúa. Nhờ đó. thế giới được cải thiện nhiều hơn.

3. Tình yêu đã thúc đẩy Đức Maria nôn nóng sửa soạn những vật dụng cần thiết,- Xin cho các bà mẹ công giáo, khi thi hành bổn phận người nội trợ, luôn có tâm tình của Mẹ Maria, sẵn sàng chấp nhận những khó khăn như những món quà chuẩn bị cho ngày Chúa đến.

4. “Này tôi là tôi tá Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền”.-Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta được tinh thần tuân phục ý Chúa như Mẹ, để chương trình cứu độ của Chúa được thể hiện tốt đẹp.

Chủ tế: Lạy Cha, kế hoạch cứu độ của Cha đã bắt đầu khai mở khi Đức Maria tuân phục ý Cha. Xin cho chúng con biết sống âm thầm, khiêm tốn, luôn sẵn sàng tuân phục ý Cha theo gương Ngài. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa

chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xưa Thánh Thần Chúa đã dùng quyền năng làm cho Ðức Trinh Nữ Maria thụ thai; giờ đây, xin Chúa cử Người đến thánh hoá lễ vật chúng con dâng trên bàn thờ này. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng mùa vọng II

Ca hiệp lễ

Này đây Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, chúng con vừa lãnh nhận bí tích Thánh Thể là bảo chứng ơn cứu chuộc muôn đời. Xin cho chúng con càng gần tới lễ Giáng Sinh càng thêm lòng sùng mộ để sốt sắng mừng mầu nhiệm Con Chúa giáng trần cứu độ chúng con. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Suy niệm

Emmanuel

Đối với người Do Thái, thì có con là một sự chúc lành của Thiên Chúa, còn son sẻ là dấu của kẻ bị Thiên Chúa bỏ rơi. Hơn thế nữa, son sẻ còn là một tình trạng tương đương với sự chết chóc. Thực vậy, chết là hết sống. Son sẻ là hết dòng sự sống. Tên tuổi sẽ bị dứt khỏi trần gian.

Quan niệm về đời sau của người Do Thái lúc bấy giờ còn rất mù mờ. Mọi hy vọng của họ là cuộc sống trần gian. Phần thưởng chính là dòng dõi nối tiếp mãi trên mặt đất này. Bởi đó việc tiếp tục có dòng dõi sau tai ương khốn quẫn đã được diễn tả bằng sức sống lại.

Thế nhưng, như lời Kinh Thánh đã xác quyết về Thiên Chúa: Tư tưởng của Ta không giống với tư tưởng của các ngươi và đường nẻo của Ta cũng không giống với đường nẻo của các ngươi. Như trời cao hơn đất bao nhiêu thì tư tưởng và đường nẻo của ta cũng cao hơn tư tưởng và đường nẻo các ngươi bấy nhiêu.

Chính vì thế, Thiên Chúa thường ghé mắt nhìn đến sự yếu hèn và bất lực, bởi đó mới nảy sinh những điều đáng ngạc nhiên trong hành động của Thiên Chúa. Ngài đã tỏ lộ quyền năng của Ngài trong sự bất lực. Đúng thế, sự đồng trinh của Đức Mẹ cũng là một cái chết, nhưng cái chết đó đã được Thánh Thần Chúa đem lại một sự sống mới. Đó cũng là điều diễn ra nơi thập giá với cái chết của Chúa Giêsu. Bởi vì sự phục sinh và sự sống mới, một sự sống dồi dào đã nẩy sinh từ cái chết đau thương của Ngài trên thập giá.

Đã từ lâu, Thánh Thần vẫn được giới thiệu như là nguyên nhân của sự sống. Khởi đầu, khi Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ, thì thần khí đã bay lượn trên nước và làm cho mọi sự được thành hình. Adong được nặn từ bùn đất, nhưng nhờ Thần Khí của Thiên Chúa mà có sự sống. Thần Khí cũng trở thành sự sống của Adong mới. Một trinh nữ thụ thai bởi quyền phép Chúa Thánh Thần đã nói lên sự can thiệp của Thiên Chúa.

Phụng vụ ngày Chúa nhật hôm nay cho chúng ta cải cảm tưởng rằng Chúa Giêsu đang đi vào lịch sử nhân loại. Ngài chính là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Ngài ở giữa chúng ta để cứu chuộc, để giải phóng, để dẫn chúng ta ra khỏi ách nô lệ tội lỗi.

Giáo Hội hôm nay chính là sự nối tiếp sự hiện diện hữu hình của Chúa giữa con người trong thế giới, một sự hiện diện cứu chuộc và giải thoát không phải chỉ về mặt thiêng liêng bằng cách trao ban các bí tích, mà hơn nữa một sự giải thoát toàn diện, khỏi tất cả những gì cản trở sự phát triển của con người và xã hội bằng sự dấn thân và liên đới với mọi nỗ lực xây dựng tình thương và công lý.

Chúa ở cùng chúng ta

Tại Việt Nam và nhất là tại Trung Hoa, người ta có tục tảo hôn, cha mẹ định liệu việc vợ chồng cho con cái từ khi chúng còn nhỏ. Trong tác phẩm “Vượt khỏi Đông và Tây”, tác giả John Wu đã mô tả như sau: “Trước đám cưới, vợ tôi và tôi chả bao giờ thấy mặt nhau. Cả hai chúng tôi đều được giáo dục theo đường lối cổ xưa của người Trung Hoa. Bố mẹ đã đính hôn chúng tôi với nhau khi chúng tôi mới lên sáu. Đến năm mười mấy tuổi tôi mới biết được nhà nàng ở đâu. Tôi khao khát được thoáng nhìn nàng thử xem, nên thỉnh thoảng lúc tan học về, tôi cố tình đi ngang qua nhà nàng, thế nhưng chả bao giờ tôi được may mắn nhìn thấy nàng”.

Từ đoạn văn trên chúng ta sẽ dễ dàng hiểu được mối liên hệ giữa thánh Giuse và Mẹ Maria trước lúc Chúa chào đời. Theo tập tục Do Thái, mỗi cuộc hôn nhân thường trải qua ba giai đoạn:

Giai đoạn thứ nhất là đính hôn. Việc này thường do cha mẹ hay người mai mối thực hiện, còn đôi bạn trẻ thường chẳng hề biết trước về cuộc đính hôn này.

Giai đoạn thứ hai là hứa hôn. Giai đoạn này thường kéo dài một năm để đôi bạn có dịp quen biết nhau… Khi đã hứa hôn, thì mọi người đều xem đôi bạn như là vợ chồng, mặc dù họ chưa thực sự chung sống với nhau. Lễ hứa hôn này được tổ chức rất long trọng, nên chỉ có sự ly dị mới xoá bỏ được nó.

Giai đoạn thứ ba là kết hôn theo đúng nghĩa. Thánh Giuse hay tin Mẹ Maria có thai khi hai người ở trong giai đoạn thứ hai, tức là đã hứa hôn với nhau.

Tuy nhiên tôi muốn chia sẻ về một điểm khác quan trọng hơn, đó là việc Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Thánh Matthêu đã khởi đầu Phúc Âm bằng việc trích dẫn lời tiên tri Isaia: Một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên Con Trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Đồng thời thánh Matthêu cũng đã kết thúc Phúc Âm bằng lời hứa của Chúa Giêsu: Này đây Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế. Vậy thì Thiên Chúa, Ngài đã ở cùng chúng ta như thế nào?

Trước hết, Ngài hiện diện giữa chúng ta qua việc sáng tạo, và đặc biệt qua quyền năng nâng đỡ của Ngài, bởi vì Ngài không phải chỉ tạo dựng mà còn gìn giữ nó được tồn tại trong một trật tự lạ lùng cho đến ngày hôm nay.

Tiếp đến, Ngài còn hiện diện giữa chúng ta qua lời Ngài trong Kinh Thánh. Chúng ta có thể sánh ví Kinh Thánh như là một bức thư của người cha gởi cho con cái mình. Người cha biểu lộ ý nghĩ của mình cho con cái trong bức thư như thế nào thì Thiên Chúa cũng mạc khải ý nghĩ của Ngài cho chúng ta trong Kinh Thánh như vậy.

Cuối cùng Ngài hiện diện giữa chúng ta một cách đặc biệt qua Đức Kitô, Con Một của Ngài. Cùng với việc giáng sinh của Đức Kitô, Thiên Chúa đã bước thêm một bước khổng lồ để đến và cư ngụ giữa chúng ta. Đồng thời nhờ đó chúng ta có thể nhìn ngắm, lắng nghe chính Thiên Chúa. Hay nói một cách khác với mầu nhiệm Giáng Sinh, Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta qua một cách cụ thể và sống động qua một con người bằng máu thịt của Đức Kitô.

Chúa Nhật 4 Mùa Vọng, Năm A
Tôi có đang ở cùng Thiên Chúa không?

tbd 161222b

Giuse hạt bụi tro

Ba bài đọc Lời Chúa hôm nay đều tập trung giới thiệu về gốc tích của Đấng Mêsia. Đấng ấy chính là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trọng tâm của trình thuật Tin mừng là việc mặc khải căn tính đích thực của Chúa Giêsu, được gói trọn trong danh xưng Emmanuel. Ngài không đơn giản chỉ là một con người thuộc dòng tộc Đavít, nhưng còn là một Thiên Chúa làm người, để ở cùng với con người. Nơi Ngài mọi lời hứa trong Kinh thánh đều được thành tựu.

Thánh Phaolô, trong bài đọc 2, đã giải thích rất rõ ràng cho chúng ta về hai gốc tích của Chúa Giêsu. Xét như một người phàm, Ngài xuất thân từ dòng dõi Vua Đavít, là con ông Giuse. Nhưng xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại, nhờ Thánh Thần, thì Ngài đã được đặt làm Con Thiên Chúa.

Chúa Giêsu vì là Thiên Chúa thật nên việc thụ thai phải do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Nhưng Ngài cũng là con người thật nên phải được sinh ra bởi một con người. Ngài cần có một người mẹ sinh ra Ngài. Đức Maria đã đại diện nhân loại lãnh nhận Con Thiên Chúa trong cung lòng của mình và sinh ra Ngài. Tuy nhiên, quyền năng Thánh Thần chỉ diễn ra trong âm thầm, riêng tư. Vì thế, Chúa Giêsu cũng cần có một người cha nhân loại, để có thể chính thức gia nhập gia đình nhân loại, thuộc về một dân tộc, một quốc gia, một giai đoạn lịch sử cụ thể. Qua trung gian thánh Giuse, Con Thiên Chúa đã được đưa vào dòng tộc vua Đavít một cách công khai, vì thánh Giuse thuộc dòng dõi Đavít.

Đối với người Do-thái, người Cha là người có quyền đặt tên cho con cái. Trong trường hợp của Chúa Giêsu, Người Cha thật sự của Ngài là Thiên Chúa, chứ không phải là thánh Giuse, nên chính Thiên Chúa, qua lời sứ thần, đã đặt tên cho Con Mình là Giêsu, nghĩa là Thiên-Chúa-Cứu-độ. Tuy nhiên, nếu để ý, chúng ta sẽ nhận ra rằng Chúa Giêsu còn có một cái tên khác rất có ý nghĩa. Đó cũng chính là tên mà tiên tri Isaia đã loan báo từ trước đó khoảng 750 năm: “Này đây, trinh nữ sẽ thụ thai và hạ sinh một con trai. Người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Is 7, 14).

Đây là tên gọi rất có ý nghĩa nhưng hay bị chúng ta lãng quên. Cái tên ấy nói lên một sự thật vô cùng quan trọng trong đời sống Kitô hữu của chúng ta, đó là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Vì hay quên điều này nên chúng ta sợ hãi trước thế gian, đau khổ trước thử gian thách gian nan, và thất vọng vì Thiên Chúa và cuộc sống. Tất cả cũng bởi vì chúng ta quên đi một sự thật là: có Thiên Chúa luôn ở cùng chúng ta, bảo vệ, che chở, ủi an chúng ta, nhưng chúng ta lại chẳng cậy dựa vào Ngài, mà chỉ toàn cậy vào sức mình mà thôi.

Tại sao Thiên Chúa lại muốn ở cùng chúng ta? Thưa vì Thiên Chúa rất yêu chúng ta, nên Người muốn ở cùng chúng ta. Khi yêu một ai đó, chúng ta muốn ở cùng người ấy. Chúng ta yêu người yêu của mình, nên muốn ở cùng với người ấy. Đúng không! Vì thế, chúng ta mới lấy người đó làm vợ, làm chồng của mình. Nếu không yêu thì chắc chắn chúng ta không lấy, và cũng chẳng muốn ở cùng người ấy. Khi hết yêu nhau, người ta chẳng muốn nhìn mặt nhau, chẳng muốn nghe giọng của nhau, chứ nói gì đến chuyện ở cùng nhau. Có đúng như vậy không?

Thiên Chúa rất yêu chúng ta nên muốn ở cùng chúng ta. Thánh Gioan tông đồ khẳng định chân lý này, khi nói: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời(Ga 3, 16). Chúa Cha yêu thương chúng ta, nên muốn ở cùng chúng ta, sống với chúng ta, bằng cách ban Người Con duy nhất của Người là Chúa Giêsu Kitô cho chúng ta. Qua Người Con ấy, Thiên Chúa đã trở nên hữu hình như chúng ta, sống kiếp phàm nhân như chúng ta, mang lấy thân phận con người yếu đuối của chúng ta.

Trong thánh lễ, bốn lần chủ tế chào cộng đoàn bằng công thức Chúa--cùng-anh-chị-em: khởi đầu thánh lễ, trước khi đọc Tin mừng, trước kinh tiền tụng, trước phép lành cuối lễ. Tại sao phải nói nhiều lần như vậy? Tốn thời gian, đúng không? Thưa không. Điều đó muốn nhắc nhở chúng ta về việc Thiên Chúa luôn ở cùng chúng ta, từ khởi sự cho đến hoàn thành mọi việc. Lời chào ấy vừa là lời cầu chúc, xin Chúa hiện diện và ban ơn cho chúng ta, vừa là lời tuyên bố xác nhận Chúa Kitô đang hiện diện ở giữa chúng ta. Có Chúa ở cùng chúng ta thì chúng ta sợ gì ai nữa? Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta: “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?(Rm 8, 31) Vấn đề then chốt là chúng ta có nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa đang ở cùng mình hay không. Đức tin và đức mến nằm ở chỗ đó.

Bây giờ chúng ta thử lật ngược lại vấn đề. Thiên Chúa luôn ở cùng chúng ta, vậy thì, chúng ta có ở cùng Thiên Chúa không? Hỏi gì lạ vậy! Con tin Chúa. Con theo Đạo Chúa thì chắc chắn con ở cùng Chúa chứ. Tuy nhiên, câu trả lời chưa chắc là như thế, mà nó tùy thuộc vào cách sống đạo của chúng ta. Có thể chúng ta tin Chúa nhưng không yêu Chúa, cần Chúa nhưng không theo Chúa. Chúng ta hay xin Chúa điều này điều kia, khi gặp khốn khó gian nan, còn những lúc khác thuận lợi thì... cho Chúa qua một bên. Trong một ngày sống, chúng ta nhớ tới Chúa bao nhiêu lần? Một tuần chúng ta đi lễ mấy lần? Nhiều người chỉ đi lễ Chúa nhật vì sợ phạm tội trọng, đã vậy còn đi trễ, còn ngồi ngoài, còn coi điện thoại, hút thuốc lá... Như thế thì yêu Chúa kiểu gì? Chúng ta có đem Lời Chúa ra thực hành không? Hay Lời Chúa trả lại cho Chúa, khi quay lưng, bước ra khỏi cánh cửa nhà thờ... Nếu chúng ta đang sống như thế, thì có lẽ, chúng ta chưa yêu Chúa và cũng chưa ở cùng Chúa đâu, mà chỉ coi Chúa như một người từ thiện, để đến xin một món gì đó theo nhu cầu của mình. Hãy tự xét xem mình có đang ở cùng Thiên Chúa.

Đẩy xa vấn đề đi thêm một chút nữa. Chúng ta có ở cùng người khác không? Người khác ở đây là những người thân yêu trong gia đình của chúng ta: ông bà, cha mẹ, anh chị em, vợ chồng, con cái... chứ chưa nói tới người dưng nước lã. Chúng ta có đang ở cùng họ không? Rất có thể chúng ta đang ở chung một mái nhà với họ nhưng sống riêng biệt với họ, ở chung mà không ở cùng. Ở cùng có nghĩa là chúng ta yêu thương họ, quan tâm chăm sóc họ, hy sinh phục vụ họ, làm tất cả mọi thứ để họ được vui vẻ, bình an và hạnh phúc, chứ không phải là la ó, chửi bới, đánh đập, bỏ bê, hắt hủi, không tôn trọng, không phụng dưỡng cha mẹ già yếu, còn tiền còn của thì còn tới, ra riêng rồi thì bỏ quên bố mẹ, thiếu quan tâm giáo dục con cái... Nếu chúng ta đang sống như thế, thì chúng ta đang không ở cùng những người thân yêu của chúng ta. Sống chung mà không ở cùng.

Cộng đoàn thân mến, Thiên Chúa yêu chúng ta vô ngần nên đã muốn làm người để được ở cùng chúng ta. Vì thế, để đáp lại tình yêu ấy, chúng ta hãy duyệt xét và chỉnh đốn lại con người mình cho ngay thẳng, để Chúa có thể đến và ở cùng chúng ta, để chúng ta có thể ở cùng Chúa và yêu Chúa hơn. Từ đó, chúng ta có thể yêu những người thân cận của mình và trân trọng những giây phút đang còn được ở cùng với họ.

Chúa Nhật IV Mùa Vọng – Năm A
Lm Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 1, 18-24).

Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse, bạn của bà, là người công chính, không muốn tố cáo bà, định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo.
Nhưng đang khi định tâm như vậy thì thiên thần Chúa hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: “Hỡi Giuse, con vua Ðavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần: bà sẽ hạ sinh một con trai mà ông sẽ đặt tên là Giêsu: vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội”.
Tất cả sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời Chúa dùng miệng Tiên tri phán xưa rằng: “Này đây một trinh nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”.
Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời thiên thần Chúa truyền: ông tiếp nhận bạn mình, nhưng không ăn ở với nhau cho đến khi Maria sinh con trai đầu lòng, thì Giuse đặt tên con trẻ là Giêsu.

Suy niệm

Vậy là thời gian chuẩn bị tâm hồn đón Chúa Cứu Thế đang dần trôi qua, Chúa nhật thứ 4 Mùa vọng đã khép lại những ngày mong đợi niềm vui Giáng sinh của mọi người, mọi nhà. Tiếng nhạc mừng Chúa sinh ra đã lớn dần lớn dần, đưa mỗi người đến gần hang đá hơn, đến gần với Chúa Hài Đồng hơn. Từ nơi hang đá, mỗi người chiêm ngắm một hình ảnh rất gần gũi với chúng ta đó là gia đình. Một gia đình được gọi là gia đình Thánh: Thánh Giuse, Đức Maria và Hài Nhi Giêsu.

Để có được gia đình thánh đó, chúng ta được mời trở lại với Thánh Kinh, để thấy được sự diệu kỳ Thiên Chúa dành cho những ai khiêm tốn, sống tín thác, đặc biệt họ luôn sống với tinh thần của người nghèo Giavê. Khởi đi từ sách Ngôn sứ Isaia trong bài đọc 1, tác giả thuật lại câu chuyện vua Achaz, vì sợ mất lòng Giavê Thiên Chúa, không dám cầu xin một ân huệ nào nữa trước sự vinh quang của Thiên Chúa, vậy mà, ông đã được nhiều gấp bội khi nghe loan báo về một Hài Nhi sẽ được sinh ra cho mọi người, với tên gọi đầy tình thương: “này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Lời loan báo này như hâm nóng niềm vui và hy vọng cho bao người đang trông đợi Đấng Cứu Thế, trong đó có cả Ngôn sứ Isaia. Một dấu lạ lớn lao cả thể sẽ xuất hiện trong dân và niềm vui đó lan toả đến mọi người, mọi nhà. Dù chỉ là một lời loan tin nhưng làm khơi dậy bao nhiêu tâm hồn đang ngụp lặn trong thất vọng, bao nhiêu con người đang lầm lũi trong đêm tối đức tin, và cũng đem lại sức sống cho bao tâm hồn chán nản, gục ngã trong cuộc đời.

Niềm vui được cứu độ, được làm con Thiên Chúa nhờ máu của Ngôi Hai nhập thể một lần nữa được thánh Phaolô nhắc lại trong tâm thư của ngài gởi giáo đoàn Roma. Với những lời nhắn nhủ kèm theo lời động viên, thánh nhân còn khơi gợi niềm vui cứu độ được trao bao cho mỗi người qua mầu nhiệm cứu độ của Con Thiên Chúa, để từ đó mỗi người ý thức hơn về sứ mạng và lời mời cộng tác với Thánh Thần, để loan tin vui cho muôn dân, cho mọi nhà: “Phaolô, tôi tớ Chúa Giêsu Kitô, đã được kêu gọi làm Tông đồ và đã được tuyển chọn để rao giảng tin mừng Thiên Chúa. Tin mừng ấy Thiên Chúa đã hứa trước bằng lời các tiên tri trong Kinh Thánh về Con của Người; Người đã sinh ra theo huyết nhục bởi dòng dõi Ðavít, đã được tiền định là Con Thiên Chúa quyền năng theo Thánh Thần, đã sống lại từ cõi chết. Ðó chính là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ Người, chúng tôi đã nhận ân sủng và chức vụ tông đồ, để nhân danh Người, chúng tôi quy phục mọi dân tộc về Ðức Tin, trong đó có cả anh em là những người mà Chúa Giêsu đã kêu gọi”. Niềm vui đó nếu như mỗi người, trong hoàn cảnh và khả năng của mình, cộng tác với Thánh Thần, chắc sẽ đem lại nhiều giá trị cứu độ cho bao người.

Lời mời cộng tác được Chúa Cha gởi đến cho mọi người, ai sẽ quảng đại đáp trả lời mời đó, chắc không thiếu, đặc biệt có những người mệnh danh là “người nghèo của Giavê” như thánh Giuse, như Đức Maria, như Gioan Tẩy Giả và bao nhiêu tâm hồn quảng đại khác. Câu chuyện về cuộc đời của thánh Giuse và Đức Maria trong bài Tin Mừng, là một minh hoạ thực tiễn cho thấy khi con người quảng đại đáp lại lời mời của Thiên Chúa, họ sẽ được Thiên Chúa chúc phúc, được ở lại trong sự quan phòng của Thiên Chúa trên mọi nẻo đường cuộc đời, lắm lúc thế gian không nhận ra được những giá trị thiêng liêng đó. Có thể nói một cách thực tiễn đây là một câu chuyện tình giữa chàng thanh niên Giuse và cô thiếu nữ Maria. Hai con người xa lạ, sống với những lý tưởng khác nhau, thờ phượng Thiên Chúa theo những lối nẻo khác nhau, nhưng khi họ được Thiên Chúa mời gọi cộng tác vào chương trình cứu độ, họ không chối từ, dù ban đầu có chút ngại ngùng vì chưa thông hiểu, nhưng khi nghe những lời chia sẻ của sứ thần, các ngài đã mạnh dạn thưa Xin vâng: “Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời thiên thần Chúa truyền: ông tiếp nhận bạn mình, nhưng không ăn ở với nhau cho đến khi Maria sinh con trai đầu lòng, thì Giuse đặt tên con trẻ là Giêsu”. Để người con của mình vào trần thế có một mái ấm gia đình, có người cha người mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục, Thiên Chúa đã mời một người thiếu nữ chân chất, dù học vị không có, nhưng có một trái tim đủ lớn, dù khả năng giới hạn, nhưng có một tình thương không bờ bến, cả hai con người đã chấp nhận bước vào một cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm, trong đó có cả những lề luật nghiêm khắc của tôn giáo, có những hình phạt nhục nhã của truyền thống tiền nhân nữa, vậy mà cả hai đã dấn thân mạo hiểm. Đây cũng là một hình mẫu về một gia đình Kitô giáo.

Hai con người đến với nhau qua lời mời của Thiên Chúa, chấp nhận những khác biệt của nhau, đón nhận nhau trong sự kính trọng, yêu thương nhau trong sự giới hạn của bản thân, và giúp đỡ nhau trong khả năng hạn hẹp của mỗi người. tất cả cho chương trình cứu độ của Thiên Chúa, tất cả để cho Ngài lớn lên, còn chúng tôi thì nhỏ lại. Sự hy sinh đầy mạo hiểm và chân chất đó đã được minh định là một gia đình ấm cúng, một tổ ấm đầy ắp tình thương và tình người. Sự khiêm tốn của những người nghèo Giavê cũng được minh định bởi những trách vụ lớn lao, là Cha của Đấng Cứu Thế, là Mẹ của Con Thiên Chúa. Từ đó trở về trước, có ai hạnh phúc cho bằng, từ đó về sau và mãi đời đời, có ai hạnh phúc cho bằng. Trong sự hạnh phúc và đầy ắp niềm vui đó, Con Thiên Chúa đã chào đời, đã nhận được sự hy sinh, đã nhận được sự chăm sóc và bảo vệ thật ý nghĩa trong mọi hoàn cảnh của kiếp người. Người Cha, người Mẹ nơi gia đình đó có một niềm tin đủ lớn, có một trái tim đủ rộng và có một vòng tay đủ ấm để cưu mang không chỉ Con Thiên Chúa mà cả nhân loại, để từ đó niềm vui cứu độ được chia sẻ, hình ảnh tổ ấm gia đình được coi là mẫu mực, trách vụ của mỗi người được coi là khuôn vàng thước ngọc, ơn gọi của mỗi thành viên được coi là ân huệ đến từ tình thương. Có phải đó là hình mẫu cho một ơn gọi hôm nay của người tín hữu Kitô và cũng là một điểm đến cho mọi gia đình Công giáo chăng?

Nhìn lại ơn gọi của người tín hữu Kitô hôm nay, đặc biệt ơn gọi hôn nhân, lắm lúc làm cho chúng ta ngậm ngùi và hoài nghi, có phải đó là một ơn gọi đến từ Thiên Chúa hay không? Hay đó chỉ là một nhu cầu tự nhiên của con người? Nếu là một ơn gọi, sao hôm nay người ta đang tục hoá dần, làm biến dạng giá trị thánh thiêng của ơn gọi rồi, nếu là một nhu cầu, sao con người lại đối xử với nhau tệ bạc thế? Thiên Chúa chấp nhận những giới hạn của con người, đặc biệt là giới hạn nơi đời sống gia đình, để cho Con của Ngài vào đời, cứu độ thế giới, điểm dừng chân của Con Thiên Chúa là gia đình chứ đâu phải là một người vô gia cư, để phiêu bạt trong thế giới này. Vậy gia đình là nơi được Chúa Cha chọn cho điểm xuất phát của ơn cứu độ trong thế giới, thế mà con người đã làm phai mờ giá trị thánh thiêng của ơn gọi gia đình, thậm chí còn bóp méo những ý nghĩa sâu xa về nguồn gốc sự sống phát xuất từ gia đình.

Mỗi người được Thiên Chúa mời gọi bước vào thế giới với kế hoạch đặc biệt, do đó, sống bậc hôn nhân hay ơn gọi dâng hiến, đều là những ơn gọi cao quý và đầy ân sủng của Ngài, lắm lúc con người quan niệm theo cách thế gian, cái gì nhiều là tầm thường, cái gì ít là quý giá, do đó, ơn gọi dâng hiến chỉ xuất hiện nơi một số ít người, còn ơn gọi hôn nhân là lẽ tự nhiên, vì thế, có dấu hiệu giảm nhẹ bên này và đề cao bên kia, thực ra, trước mặt Thiên Chúa, ơn gọi nào cũng đầy ắp sự thánh thiêng và ơn huệ của trời cao. Nếu không có một người Cha âm thầm, hy sinh cuộc đời cho con cái, thì sao có được một Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Nếu không có một người cha, người mẹ đạo đức thánh thiện, làm sao có được một Gioan Phaolô II vĩ đại. Và bao nhiêu vị thánh lớn đến từ hoa trái tình yêu của đời sống vợ chồng, đến từ ơn gọi hôn nhân.

Những ngày cuối của Mùa Vọng đưa mỗi người trở về với gia đình của mình, một nơi chốn bình yên nhất, ấm áp nhất và cũng thánh thiêng nhất trong phận người, và cũng nơi đó, Chúa Cha đã chọn để người Con của Ngài được sinh ra, được chăm sóc, được bảo vệ, được lớn lên và được dạy dỗ để trở nên một người môn đệ của Tin Mừng cứu độ, Thiên Chúa cũng mời gọi mỗi người chúng ta như thế trong mỗi gia đình, mỗi ơn gọi, mỗi hoàn cảnh và mỗi môi trường khác nhau, hãy quảng đại cộng tác với Thiên Chúa bằng khả năng và điều kiện mình có, để Tin Mừng cứu độ và niềm vui Giáng sinh đến được với mỗi người và mỗi gia đình.

Lạy Chúa, Chúa đã chọn một gia đình để chào đời, để được yêu thương và được dạy dỗ trong tình thương, xin cho mỗi người chúng con biết quý trọng gia đình của mình, đặc biệt là luôn thảo hiếu với Mẹ Cha, để chúng con được yêu, được chăm sóc, được lớn lên và trở thành người môn đệ của Tin Mừng cứu độ. Chúa đã chấp nhận những giới hạn của con người và mời gọi tất cả cùng cộng tác với Ngài, xin cho mỗi người chúng con quảng đại đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, để chúng con cùng lên đường trong tin yêu, cùng loan báo Tin Mừng trong niềm vui và cùng chung chia sứ mạng trong tình mến. Amen.

 

NGƯỜI TA SẼ GỌI TÊN CON TRẺ LÀ EMMANUEL
(CN IV Mùa Vọng A) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột.

Emmanuel: Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Đây thật là niềm mơ ước bất tận của con người nếu có niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng là căn nguyên và là cùng đích của mọi vật, mọi loài. Trong cuộc sống, nhất là trong cử hành Phụng Vụ Thánh Thể, không biết bao lần ta chúc nhau đuợc Thiên Chúa ở cùng: “Chúa ở cùng anh chị em – Và ở cùng cha”. Xin được chia sẻ đôi nét về sự biểu hiện của tình trạng được có Thiên Chúa ở cùng và một vài điều kiện để được Thiên Chúa ở cùng.

I. Sự biểu hiện của tình trạng có Chúa ở cùng: “Kính chào bà đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng bà” (Lc 1, 28).
Dựa trên lời chào chúc của sứ thần Gabriel với Mẹ Maria ta có thể chắc chắn rằng Mẹ chính là người được Chúa ở cùng. Tình trạng có Chúa ở cùng này được trình bày như là tình trạng “đầy ân sủng”. Một tâm hồn đầy ân sủng Chúa là tâm hồn được “rợp bóng” Thánh Thần, là Tình Yêu bản vị giữa Chúa Cha và Chúa Con, một Tình yêu hoàn toàn “hướng tha”. Chính vì thế người đầy ân sủng là người luôn lấy lợi ích của tha nhân làm mục đích của lẽ sống, của mọi hành vi của mình.

Tương tự một số nam nhân thời bấy giờ, chẳng hạn nhóm “tu trì” ở Qumrân, khi tự nguyện sống đời khiết tịnh, Mẹ Maria đã tự nguyện hiến dâng đời mình, tự nguyện hy sinh hạnh phúc cá nhân để góp phần cầu mong Đấng Thiên Sai mau đến. Sự cao cả của tấm lòng vị tha của Mẹ hiện rõ qua việc Mẹ tự nguyện chọn lấy tình cảnh như bị Thiên Chúa chúc dữ trước mặt người đời. Người Do Thái xưa và thời bấy giờ vẫn xem những phụ nữ không sinh con là đồ bị chúc dữ. Đã đính hôn với thánh Giuse, nghĩa là vẫn lập gia đình, thế mà Mẹ tự nguyện sẽ không có con thì quả là một quyết định anh dũng trong tình yêu vị tha. Không sinh con trong đời độc thân tự hiến đã là một hành vi cao cả, còn lập gia đình mà quyết định sẽ không có con thì có thể nói rằng đó là trường hợp ngoại thường. Căn cứ vào quy định của Giáo Luật về hôn nhân Công giáo thì đây là trường hợp kết hôn không thành sự vì loại bỏ một trong hai mục đích của hôn nhân.

Khi Sứ Thần truyền tin cho Mẹ rằng Mẹ sẽ thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần và sinh một con trai thì tiếng thưa “xin vâng” của Mẹ bày tỏ rõ nét tâm hồn tràn đầy tình yêu vị tha cách hoàn hảo. Các nhà chú giải Thánh Kinh cho ta hay nội hàm của hai từ xin vâng không phải là thái độ thụ động mà ngược lại đó chính là tâm tình tích cực trong hân hoan của thiếu nữ Sion. Vì tha nhân, vì hạnh phúc của nhân loại, Mẹ Maria đã chọn con đường Thiên Chúa vạch ra. Rất có thể bị Giuse hiểu lầm, rất có thể chuốc lấy nhuốc nhơ cho danh giá giá của mình và số phận Mẹ có thể bị kết liễu dưới những viên đá vô tâm cạn tình theo luật pháp thời bấy giờ. Mẹ hân hoan đón nhận tất cả chỉ vì hạnh phúc của đồng loại. Đúng là một trái tim tràn đầy ân sủng Chúa.

II. Một vài điều kiện để có Chúa ở cùng:

1. “Đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình…người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel (Mt 1,20-23).

Đón nhận nhau là một trong những nghĩa cử yêu thương. Đã yêu thì không chỉ đón nhận những gì dễ yêu, những gì đáng thương hay thích hợp với mình mà còn đón nhận cả những gì khó yêu, những điều mình chẳng muốn. “Thương cả đuờng đi” thì mới là thương yêu thật sự. Đón nhận cả những gì mà lòng mình không mong và nhiều khi chưa hiểu rõ thì mới là tình yêu không tính toán, không tham vọng cách ích kỷ.

Dù chỉ được Sứ Thần tỏ bày qua một giấc mơ thế mà Giuse đã mau mắn “tiếp nhận bạn mình”. Động thái tiếp nhận nhau như là bạn hữu đòi hỏi ta từ bỏ mình và tự hủy mình một cách nào đó. Khi đón nhận các môn đồ thành bạn hữu của mình Đức Kitô đã từ bỏ tước vị là Thầy, đã tự hủy thân phận là Chúa của mình (x.Ga 13). Khi đón nhận Maria và Con trẻ trong dạ về nhà, Giuse đã tự nguyện từ bỏ vị thế làm cha của Ngài. Nét cao cả của Giuse còn thể hiện qua việc Ngài đón nhận cả sự hiểu lầm của họ hàng, dòng tộc, xóm giềng khi họ nghĩ rằng Ngài chính cha ruột của con trẻ.

Việc thánh Giuse đón nhận Maria về nhà làm bạn cũng chính là việc Ngài đón nhận chương trình của Thiên Chúa. Dĩ nhiên đây là chương trình ngoài dự kiến, ngoài ý định của Ngài. Tin Mừng tường thuật “khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời Sứ Thần truyền” (Mt 1,24). Sự mau mắn, không đắn đo này nói lên thái độ tin tưởng trong an bình của chính Ngài. Đón nhận tha nhân với toàn bộ hiện trạng tha nhân đang có, đang là trong sự tin tưởng và an bình đó là một trong những điều kiện tuyệt hảo để được Thiên Chúa ở cùng.

2. “Bà sẽ hạ sinh một con trai mà ông sẽ đặt tên là Giêsu” (Mt 1, 21).

Theo Thánh kinh, việc đặt tên có ý nghĩa rất quan trọng. Tên là người và tên cũng là sứ mạng. Vì thế người đặt tên là người có trách vụ hướng dẫn và đào tạo. Khi dẫn các con vật đến với Ađam để Ađam đặt tên cho chúng, Thiên Chúa đã trao phó trách nhiệm cai quản, hướng dẫn muôn loài cho con người (x.St 2, 19). Khi đặt tên cho Abram thành Abraham, Thiên Chúa đã huấn luyện một người bán du mục cao niên, son sẻ đang chăn nuôi súc vật trong tư thế tìm sự bảo đảm, an toàn, trở thành một người cha của đoàn lũ con cái đông đúc trong niềm tin phó thác (x.St 17, 5). Khi đặt tên cho Giacop thành Israel, Thiên Chúa cũng đã huấn luyện một người láu cá “hất cẳng anh” thành một người đã “gặp gỡ, chiến đấu với Thiên Chúa” và dĩ nhiên sau đó tuân phục Thiên Chúa (x.St 32, 23-30).

Thánh Giuse đã dùng gương sáng, lời nói, hành vi của mình để dạy dỗ, hướng dẫn con trẻ thành một Giêsu, Đấng cứu nhân độ thế. Quả thật các áng văn Tin Mừng minh chứng cho ta thấy nhân cách và lối hành xử của Chúa Giêsu mang đượm dấu ấn của thánh Giuse. “Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng vậy” (x.Ga 5, 17). “Lương thực của Ta là làm theo thánh ý Cha Ta trên trời” (x.Ga 4, 34). “Ta không làm điều gì mà không nhìn việc Cha Ta làm” (x.Ga 5, 19). Các thái độ, hành vi, cung cách ứng xử của Đấng Cứu Thế chắc hẳn có sự góp phần không nhỏ của thánh Giuse, đặc biệt trong thời thơ ấu và ẩn dật của Người.

Có Emmanuel, có Thiên Chúa ở cùng chúng ta chính là hạnh phúc đích thật. Dù rằng ở trần gian này hạnh phúc ấy chưa vĩnh viễn nhưng nó có thể là đích thực một đôi lúc nào đó. Và những thời điểm có được hạnh phúc này chính là bảo chứng cho hạnh phúc hoàn hảo vĩnh viễn mai sau. Hạnh phúc ấy chính là tình trạng khi ta hết lòng vì lợi ích của tha nhân trong sự quên mình. Để có được điều này tiên vàn hãy biết tiếp nhận nhau với toàn vẹn con người của nhau, cả nhưng ưu điểm lẫn những hạn chế, cả những sự tốt lành lẫn những điều tồi tệ. Và đồng thời cần nỗ lực giáo dục dệt xây cho đời những Giêsu. Trước tòa án phong thánh cho Cha Gioan Maria Vianey, một cụ già đã thề trên Thánh Kinh rằng: “Con đã nhìn thấy Thiên Chúa nơi một con người”. Mong sao không phải đợi đến những dịp phong thánh mà ngay trong cuộc sống thường nhật người ta, bà con tín hữu lẫn anh em lương dân hay khác đạo có thể thốt lên rằng: “Thiên Chúa đang ở cùng chúng ta”.

 

THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA
(CN IV Mùa Vọng A) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Emmanuel: Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Đây thật là niềm mơ ước bất tận của con người nếu có niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng là căn nguyên và là cùng đích của mọi vật, mọi loài. Trong cuộc sống, nhất là trong cử hành Phụng Vụ Thánh Thể, không biết bao lần chúng ta chúc nhau được Thiên Chúa ở cùng: “Chúa ở cùng anh chị em – Và ở cùng cha”. Xin được chia sẻ đôi nét về sự biểu hiện của tình trạng được có Thiên Chúa ở cùng.

1. “Kính chào bà đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng bà” (Lc 1, 28).

Dựa trên lời chào chúc của sứ thần Gabriel với Mẹ Maria ta có thể chắc chắn rằng Mẹ chính là người được Chúa ở cùng. Tình trạng có Chúa ở cùng này được trình bày như là tình trạng “đầy ân sủng”. Một tâm hồn đầy ân sủng Chúa là tâm hồn được “rợp bóng” Thánh Thần, là Tình Yêu bản vị giữa Chúa Cha và Chúa Con, một Tình yêu hoàn toàn “hướng tha”. Chính vì thế người đầy ân sủng là người luôn lấy lợi ích của tha nhân làm mục đích của lẽ sống, của mọi hành vi của mình.

2. “Đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình… người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel (Mt 1, 20-23)

Đón nhận nhau là một trong những nghĩa cử yêu thương. Đã yêu thì không chỉ đón nhận những gì dễ yêu, những gì đáng thương hay thích hợp với mình mà còn đón nhận cả những gì khó yêu, những điều mình chẳng muốn. “Thương cả đường đi” thì mới là thương yêu thật sự. Đón nhận cả những gì mà lòng mình không mong và nhiều khi còn đang hiểu lầm cách nào đó hoặc chưa hiểu rõ thì mới là tình yêu cách vô cầu, không tính toán.

Dù chỉ được Sứ Thần tỏ bày qua một giấc mơ thế mà Giuse đã mau mắn “tiếp nhận bạn mình”. Động thái tiếp nhận nhau như là bạn hữu đòi hỏi chúng ta từ bỏ mình và tự hủy mình một cách nào đó. Khi đón nhận các môn đệ thành bạn hữu của mình Đức Kitô đã từ bỏ tước vị là Thầy, đã tự hủy thân phận là Chúa của mình (x.Ga 13). Khi đón nhận Maria và Con trẻ trong dạ về nhà, Giuse đã từ bỏ kế hoạch riêng của mình trước đó là: “không muốn tố giác Mẹ và định tâm lìa bỏ Mẹ cách kín đáo” (x.Mt 1, 19). Và chắc chắn thánh nhân tự nguyện hy sinh vị thế làm cha ruột của Con Trẻ.

Tin Mừng tường thuật “khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời Sứ Thần truyền” (Mt 1, 24). Việc thánh Giuse đón nhận Maria về nhà làm bạn cũng chính là việc Ngài đón nhận chương trình của Thiên Chúa trong niềm tin được thể hiện bằng tấm lòng thành và tinh thần trách nhiệm.

3. “Bà sẽ hạ sinh một con trai mà ông sẽ đặt tên là Giêsu” (Mt 1, 21).

Theo Thánh kinh, việc đặt tên có ý nghĩa rất quan trọng. Tên là người và tên cũng là sứ mạng. Vì thế người đặt tên là người có trách vụ hướng dẫn và đào tạo. Khi dẫn các con vật đến với Ađam để Ađam đặt tên cho chúng, Thiên Chúa đã trao phó trách nhiệm cai quản, hướng dẫn muôn loài cho con người (x.St 2, 19). Thánh Giuse đã dùng gương sáng, lời nói, hành vi của mình để dạy dỗ, hướng dẫn con trẻ thành một Giêsu, Đấng cứu nhân độ thế. Dữ liệu Tin Mừng cho thấy nhân cách và lối hành xử của Chúa Giêsu mang đượm dấu ấn của thánh Giuse. “Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng vậy” (x.Ga 5, 17). “Lương thực của Ta là làm theo thánh ý Cha Ta trên trời” (x.Ga 4, 34). “Ta không làm điều gì mà không nhìn việc Cha Ta làm” (x.Ga 5, 19). Thái độ, hành vi, cung cách ứng xử của Đấng Cứu Thế chắc hẳn có sự góp phần không nhỏ của thánh Giuse.

Có Emmanuel, có Thiên Chúa ở cùng chúng ta chính là hạnh phúc đích thật. Hạnh phúc ấy chính là tình trạng khi chúng ta hết lòng vì thiện ích của tha nhân trong sự quên mình. Để có được điều này tiên vàn hãy biết tiếp nhận nhau với toàn vẹn con người của nhau, cả nhưng ưu điểm lẫn những hạn chế của nhau và đồng thời biết nỗ lực dệt xây cho đời những con người luôn nhiệt tâm cứu nhân, độ thế.

Trước tòa án phong thánh cho Cha Gioan Maria Vianey, một cụ già đã đặt tay trên Thánh Kinh và khẳng định rằng: “Con đã nhìn thấy Thiên Chúa nơi một con người”. Mong sao không phải đợi đến những dịp phong thánh mà ngay trong cuộc sống thường nhật người ta, bà con tín hữu lẫn anh em lương dân hay khác đạo có thể thốt lên rằng: “Thiên Chúa đang ở cùng chúng ta”.

 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây