TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật IV Mùa Vọng – Năm C

11/12/2021 09:15:24 |   1265

Chúa Nhật IV Mùa Vọng – Năm C
 

Cn04 MV C

Lc 1, 39-45

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật IV Mùa Vọng – Năm C

Ca nhập lễ

Trời cao hỡi, nào hãy gieo sương, mây hãy đổ mưa, mưa Đấng Công Chính, đất rộng mở cho xuất hiện Vị Cứu Tinh.

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Tiên tri Mikêa tiên báo về một trinh nữ sẽ sinh con, và Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay cho biết trinh nữ Maria đã cưu mang Con Chúa và đang thi hành sứ vụ đem Chúa đến cho mọi người.

Chúa không muốn của lễ hy tế, của lễ hiến dâng, của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội, nhưng Chúa muốn tâm hồn trong sạch, tâm hồn sẵn sàng thi hành thánh Ý Chúa. Chúa Giêsu đã đến trong ý nghĩa đó và đã trở nên của lễ đẹp lòng Chúa Cha nhất.

Chúng ta đang sống trong những giây phút mong đợi cuối cùng, Chúa Giêsu sẽ đến với chúng ta. Đặc biệt trong thánh lễ này Người sẽ đến mang theo sứ điệp và tôn ý Chúa Cha. Mỗi người hãy thanh tẩy tâm hồn mình cho xứng đáng để đón nhận Chúa Giêsu và đón nhận ý của Chúa Cha và dâng lên Ngài của lễ đời sống tốt đẹp nhất của chúng ta.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã dùng lời thiên sứ truyền tin mà cho chúng con biết thật Ðức Kitô, Con Chúa, đã xuống thế làm người. Xin đổ ơn thánh đầy lòng chúng con, để nhờ công ơn Con Chúa chịu khổ hình thập giá, Chúa cũng cho chúng con được sống lại hiển vinh. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Mk 5, 2-5a

“Nơi ngươi sẽ xuất hiện Ðấng thống trị Israel”.

Bài trích sách Tiên tri Mikha.

Ðây lời Chúa phán: “Hỡi Bêlem Ephrata, ngươi nhỏ nhất trong trăm ngàn phần đất Giuđa, nhưng nơi ngươi sẽ xuất hiện một Ðấng thống trị Israel, và nguồn gốc Người có từ nguyên thuỷ, từ muôn đời. Vì thế, Người sẽ bỏ dân Người cho đến khi một người nữ phải sinh, sẽ sinh con. Số còn lại trong anh em Người, sẽ trở về với con cái Israel. Người sẽ đứng vững và chăn dắt trong sức mạnh của Chúa, trong thánh danh cao cả của Chúa là Thiên Chúa của Người. Và họ sẽ trở về, vì bấy giờ Người sẽ nên cao trọng cho đến tận cùng trái đất. Vì vậy, Người sẽ là chính sự bình an”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 79, 2ac và 3b. 15-16. 18-19

Ðáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cho chúng con được phục hồi, xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra, hầu cho chúng con được ơn cứu sống (c. 4).

Xướng: Lạy Ðấng chăn dắt Israel, xin hãy lắng tai nghe! Chúa ngự trên Vệ Binh Thần, xin hiện ra trong sáng láng. Xin thức tỉnh quyền năng của Chúa, và ngự tới để cứu độ chúng con. 

Xướng: Lạy Chúa thiên binh, xin thương trở lại, từ trời cao xin nhìn coi và thăm viếng vườn nho này. Xin bảo vệ vườn nho mà tay hữu Ngài đã cấy, bảo vệ ngành mà Ngài đã củng cố cho mình.

Xướng: Xin Chúa ra tay bang trợ người ở bên tay hữu Chúa, con người mà Chúa đã củng cố cho mình. Chúng con sẽ không còn rời xa Chúa nữa. Chúa cho chúng con được sống, và chúng con ca tụng danh Người. 

Bài Ðọc II: Dt 10, 5-10

“Này đây con đến để thi hành thánh ý Chúa”.

Bài trích thơ gởi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, khi đến trong thế gian, Chúa Giêsu phán: “Chúa đã không muốn của hy tế và của lễ hiến dâng, nhưng đã tạo nên cho tôi một thể xác. Chúa không nhận của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội. Nên tôi nói: ‘Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa, như đã nói về con ở đoạn đầu cuốn sách'”.

Sách ấy bắt đầu như thế này: “Của lễ hy tế, của lễ hiến dâng, của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội, Chúa không muốn cũng không nhận, mặc dầu được hiến dâng theo lề luật. Ðoạn Người nói tiếp: Lạy Chúa, này đây con đến để thi hành thánh ý Chúa”. Như thế đã bãi bỏ điều trước để thiết lập điều sau. Chính bởi thánh ý đó mà chúng ta được thánh hoá nhờ việc hiến dâng Mình Chúa Giêsu Kitô một lần là đủ.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 1, 38

Alleluia, alleluia! “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 1, 39-45

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Isave. Và khi bà Isave nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Isave được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc! Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi? Vì này, tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thế giới đang nỗ lực hoà giải những bất đồng để đi tới viễn ảnh một thế giới đại đồng “Tứ hải giai huynh đệ”. Cùng với tâm tình của Đức Maria hôm nay đem niềm vui đến cho gia đình ông Giacaria, chúng ta cùng nguyện xin.

1. “Người sẽ đứng vững và chăn dắt trong sức mạnh của Chúa”  Xin cho các vị Chủ chăn lòng nhiệt thành và bác ái, để trong mọi hoàn cảnh các ngài luôn hăng say với sứ vụ, đem Chúa là niềm vui cứu độ đến cho muôn người.

2. “Chính bởi thánh ý đó mà chúng ta được thánh hóa, nhờ việc hiến dâng Mình Chúa Giêsu Kitô một lần là đủ”.– Xin cho các tín hữu luôn cảm thấy được niềm vui ơn Cứu Độ, dù trong cảnh đời bi thương, để họ là nhân tố khơi dậy sự an hòa trong môi trường sống của mình.

3. “Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến với tôi”,- Xin cho các cuộc gặp gỡ của những vị lãnh đạo các quốc gia, luôn đem lại bầu khí hòa bình cho thế giới và sự thịnh vượng cho các dân tộc.

4. “Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã nói với em”,- Xin tình yêu của Chúa hun đốt tâm hồn các tu sĩ, để như Đức Maria đời sống họ sẽ là lời rao truyền sứ điệp tình yêu, thu hút nhiều người về với Chúa và Hội Thánh.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin biến chúng con nên những người trung gian đem Chúa đến cho muôn người, để như Đức Maria, tinh thần của Chúa thâm nhuần trong máu thịt của chúng con, chúng con có thể đem Chúa và muôn ân phúc của Chúa đến cho muôn người. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xưa Thánh Thần Chúa đã dùng quyền năng làm cho Ðức Trinh Nữ Maria thụ thai; giờ đây, xin Chúa cử Người đến thánh hoá lễ vật chúng con dâng trên bàn thờ này. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng mùa vọng II

Ca hiệp lễ

Này đây Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, chúng con vừa lãnh nhận bí tích Thánh Thể là bảo chứng ơn cứu chuộc muôn đời. Xin cho chúng con càng gần tới lễ Giáng Sinh càng thêm lòng sùng mộ để sốt sắng mừng mầu nhiệm Con Chúa giáng trần cứu độ chúng con. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Suy niệm

Niềm vui trong Thánh Thần
(Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Bài Tin Mừng hôm nay chứa chan niềm vui. Bà Elizabeth vui mừng vì được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm. Đức Maria vui mừng vì được Thiên Chúa đoái thương. Thánh Gioan Baotixita vui mừng vì được tha tội ngay từ khi còn trong lòng mẹ. Những niềm vui ấy hoà chung, biến buổi gặp gỡ thành một lễ hội vui mừng tạ ơn Thiên Chúa. Nguồn gốc của những niềm vui ấy là ơn Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần đã giúp chuẩn bị các tâm hồn đón nhận niềm vui ơn cứu chuộc. Ta thấy được ơn Chúa Thánh Thần qua những dấu hiệu sau đây.

Dấu hiệu thứ nhất: ơn khiêm nhường.

Tâm hồn có Chúa Thánh Thần sẽ trở nên khiêm nhường. Khiêm nhường vì biết thân phận mình hèn yếu, bé nhỏ, tội lỗi. Khiêm nhường vì biết tất cả những ơn nhận được không phải do công trạng của mình nhưng là do lòng thương xót của Chúa. Vì thế, khi nhận được tin làm mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Maria đã xưng mình là “nữ tỳ của Thiên Chúa”. Bà Elizabeth khiêm nhường tự hỏi: “Bởi đâu tôi được phúc đón tiếp Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. Và Đức Maria đã trả lời bằng một bài ca khiêm nhường ngợi khen Thiên Chúa vì tình yêu thương đã đoái thương đến phận hèn nữ tỳ của Chúa.

Dấu hiệu thứ hai: ơn bác ái.

Thánh Thần là tình yêu. Đến đâu là đốt lên lửa bác ái ở đấy, Ngài đã rợp bóng trên Đức Maria và lập tức Đức Maria được tràn đầy lòng bác ái, đã nghĩ đến bà chị họ. Đức Maria không nghĩ phải nghỉ ngơi tĩnh dưỡng và chuẩn bị cho bản thân trong thời kỳ sinh nở sắp tới, nhưng đã nghĩ phải ra đi giúp bà chị họ neo đơn, yếu mệt. Đây là một lòng bác ái mạnh mẽ, nên Đức Maria vội vã lên đường ngay, không chần chừ, không tính toán. Lòng bác ái không chỉ hướng về những người thân trong gia tộc mà còn mở rộng ra cho cả dân tộc, cả đồng loại. Nên trong bài Magnificat, Đức Maria đã nhớ đến công ơn tổ tiên và nhớ đến cả dân tộc.

Dấu hiệu thứ ba: ơn quên mình.

Được ơn Chúa Thánh Thần tác động, tâm hồn sẽ quên bản thân mình. Trước hết quên mình để hoàn toàn vâng theo thánh ý Thiên Chúa. Đức Maria đã hoàn toàn quên mình khi thưa với thiên thần: “Này tôi là nữ tỳ của Thiên Chúa, tôi xin vâng như lời thiên sứ truyền”. Không những quên mình cho thánh ý Chúa, Đức Maria còn quên mình vì tha nhân. Ngài quên mình cũng đang mang thai, cần được nghỉ ngơi, cần được chuẩn bị, chỉ nghĩ đến bà chị họ thai nghén ốm yếu, nên đã bỏ nhà ra đi thăm viếng. Ngài quên mình là khách mời trong tiệc cưới Cana, nên đã xuống bếp giúp đỡ việc bếp núc, và hoà vào cả nỗi lo của chủ nhà thiếu rượu. Ngài quên mình nên đã theo Đức Giêsu và can đảm đứng dưới chân thập giá, cùng chịu đau đớn nhục nhã với Con.

Dấu hiệu thứ tư: ơn phục vụ.

Lòng bác ái, sự khiêm nhường và sự quên mình được kết tinh ở cao điểm phục vụ. Tâm hồn được Chúa Thánh Thần tác động sẽ tìm phục vụ như tìm niềm vui, niềm hạnh phúc. Vì thế Đức Maria không quản thân phận là Mẹ Thiên Chúa đã đến phục vụ cho bà Elizabeth. Đức Maria cũng không nề hà mình đang thời kỳ thai nghén đã vui vẻ phục vụ người họ hàng cần sự giúp đỡ. Là Mẹ Thiên Chúa, Đức Maria đã tự nguyện trở nên tôi tớ để phục vụ con người. Đó chính là kết tinh của ơn Chúa Thánh Thần.

Với tất cả những đặc điểm của ơn Chúa Thánh Thần, cuộc gặp gỡ giữa Đức Maria và bà Elizabeth, cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và Thánh Gioan Baotixita còn trong bào thai đã trở thành cuộc gặp gỡ của niềm vui: niềm vui ơn cứu độ. Nhờ những chuẩn bị của Chúa Thánh Thần, hai người mẹ và hai bào thai đã họp thành cộng đoàn biết đón nhận và trao tặng ơn cứu độ. Đã tập họp thành Nước Thiên Chúa, đã là cộng đoàn đầu tiên đón nhận được ơn cứu độ, tiên báo cho Giáo Hội và Nước Thiên Chúa.

Chỉ còn vỏn vẹn mấy ngày nữa là đến lễ Giáng Sinh, ta hãy noi gương Đức Maria, nài xin Chúa Thánh Thần biến đổi tâm hồn ta nên xứng đáng đón nhận Chúa Cứu Thế. Ta hãy xin Đức Maria dạy ta biết sống theo ơn Chúa Thánh Thần trong khiêm nhường, bác ái, quên mình và phục vụ, để ta được niềm vui đón nhận ơn cứu độ.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1. Có những dấu chỉ nào cho thấy ơn Chúa Thánh Thần?

2. Nhờ đâu cuộc gặp gỡ giữa Đức Maria và bà Elizabeth tràn đầy niềm vui?

3. Những cuộc viếng thăm gặp gỡ của bạn có đem lại niềm vui cho người khác và cho chính bạn không?
 

GẶP GỠ: THÀNH SỰ TẠI NHÂN
(Chúa Nhật IV Mùa Vọng C) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Gặp gỡ là cùng có mặt tại một không gian, là sự giáp mặt, tiếp xúc giữa những người thân quen hay cùng có một mối liên hệ nào đó. Vào Chúa Nhật IV Mùa Vọng C này Giáo Hội khi dọn cho chúng ta bàn tiệc Lời Chúa, đặc biệt qua bài Tin Mừng, muốn giới thiệu hai cuộc gặp gỡ. Một là giữa hai chị em Isave và Maria và hai là giữa Thai Nhi Giêsu với bà Isave và Thai nhi Gioan Tẩy giả. Đã nói đến sự gặp gỡ thì hàm ý có những hiệu quả tốt đẹp phát sinh. Qua cuộc gặp gỡ giữa hai bà mẹ cũng như hai thai nhi trên, hiệu quả tốt đẹp đã xảy ra. Bà Isave đầy ân sủng Thánh Thần, xác nhận sự diễm phúc của cô em Maria cũng như nói lên hồng ân mà trẻ bé Gioan Baotixita trong dạ của bà đang hưởng nhận. Chúng ta đừng quên cuộc gặp gỡ ấy cũng đem niềm vui cho cả nhà Giacaria, vì nay đã có người góp sức cho việc hạ sinh trẻ Gioan. Điều này được hé lộ khi Tin Mừng tường thuật rằng Maria ở lại với gia đình Giacaria – Isave độ ba tháng mới trở về nhà mình (x. Lc 1, 56).

“Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ. Vô duyên đối diện bất tương phùng”. Câu đối của người xưa nhấn mạnh đến cái duyên, tức là phần số đã được trời sắp đặt, chuẩn bị, an bài từ trước, như là nguyên nhân chính làm nên sự gặp gỡ hay không gặp gỡ. Theo viễn kiến này, thì người ta cũng có thể nói như người xưa: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” hoặc như tác giả Thánh Vịnh: “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv 126, 1). Thế nhưng dưới cái nhìn của mạc khải thời Tân Ước, thì phải chăng chúng ta cũng có thể nói ngược lại: Mưu sự tại thiên. Thành sự tại nhân.

Mưu sự tại thiên: Thiên Chúa đã yêu thương, chọn gọi loài người từ ngàn xưa để ban cho con người hạnh phúc vĩnh cửu là thông phần sự sống với Người trong Con Một của Người là Đức Kitô. Thánh Phaolô đã trình bày ý định nhiệm mầu này bằng bản thánh ca: “…Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã chọn ta trước khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử, nhờ Đức Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu. Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra, chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi, theo lượng ân sủng rất phong phú của Người… (Ep 1, 3-14).

Thánh ý của Thiên Chúa là ban cho thế gian chính Con Một dấu yêu, trong một thân xác cụ thể, làm dấu chỉ và làm phương thế cho sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa với con người. Tác giả thư gửi tín hữu Do Thái đã nói: “Khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con” (Dt 10, 5-7).

Khi ban Người Con Một vào trần gian, Thiên Chúa muốn mạc khải cho biết nguồn gốc đích thực của mọi loài, cách riêng loài người chúng ta chính là Người, vị Thiên Chúa duy nhất đầy quyền năng đáng tôn thờ và cũng là người Cha đầy lòng thương xót đáng mến yêu trên hết mọi sự, đồng thời qua đó, mạc khải cho chúng ta biết mình là anh chị em với nhau, bất phân màu da, sắc tộc, ngôn ngữ… (x.Mt 5, 9; 43-48). Nói một cách không sợ sai lầm rằng chúng ta đã biết một trong những nội hàm của “mưu sự tại thiên”: Đó là Thiên Chúa muốn mọi người gặp gỡ Người để được hạnh phúc và gặp gỡ nhau để sống tình huynh đệ.

Thành sự tại nhân: Chúng ta vốn quen với câu nói của thánh giáo phụ Âugustinô: “Thiên Chúa dựng nên tôi không cần có tôi, nhưng Người không thể cứu tôi mà không cần có tôi”. Thánh giáo phụ vừa nói lên quyền năng cao cả của Thiên Chúa, vừa nói lên đường lối của Người, Đấng là Tình Yêu (x.1Ga 4, 8). Thiên Chúa đã thương ban cho loài người, hình ảnh của Người, có lý trí và ý chí tự do. Đây là hệ lụy tất yêu của tình yêu. Tình yêu đòi hỏi có sự ý thức và tự nguyện. Có thể dễ bị hiểu lầm là kiêu ngạo khi đề cao vai trò của nhân loại. Thế nhưng đó là một cách thế hành động của Thiên Chúa. Dù rằng đầy quyền năng và không có sự gì là không thể, nhưng Thiên Chúa lại muốn có sự tự do cộng tác của con người trong việc thi ân, cứu độ con người.

Để chuẩn bị một dân tuyển lựa, Thiên Chúa không bắt ép, nhưng mời gọi Abraham, một người chăn nuôi súc vật đã khá cao niên lên đường (x.St 12, 1-5). Để cho Ngôi Lời Nhập thể cứu đời, Thiên Chúa không ra chỉ thị mà lại ngỏ ý, đề nghị Maria, một thiếu nữ thôn dã cộng tác (x.Lc 1, 26-38). Khi công khai rao giảng tin mừng Chúa Giêsu thường lặp đi lặp lại câu nói: “Ai có tai để nghe thì hãy nghe!” (Mt 11, 15).

Điều gì cần có nơi phía loài người để thánh ý Thiên Chúa được thành sự? Chúng ta có thể nhận ra đó là lòng thành và sự khiêm nhu trong một tâm hồn đầy lửa mến, khát khao sự thiện. Để cho thánh ý Thiên Chúa được thành hiện thực, nghĩa là có sự gặp gỡ thực sự giữa Thiên Chúa với con người, giữa con người với nhau, thì phía con người không thể thiếu:

- Một sự hướng thiện trong tình mến: Biết bao cuộc họp mặt giữa người với người, giữa vị đại diện quốc gia này với quốc gia kia mà vẫn chưa trở thành sự gặp gỡ, nghĩa là chưa mang lại kết quả. Trong nhiều lý do rất có thể có lý do là một trong hai phía chưa thực sự có tình yêu thương nhau hoặc chưa thực sự hướng thiện, nghĩa là tìm kiếm điều tốt trong chân lý.

- Một tấm lòng thành đầy sự khiêm nhu: Khi sinh thời, cách riêng trong quãng đời rao giảng công khai, Chúa Giêsu đã tiếp xúc rất nhiều người nhưng vẫn có đó không ít người chưa gặp gỡ Người mà trong số đó có nhiều người biệt phái, luật sĩ. Lý do chính yếu mà Tin Mừng tường thuật, đó là vì họ thiếu lòng thành và sự khiêm hạ. Họ là những người có tai mà không nghe, đúng hơn là không thèm nghe; có mắt mà không thấy, đúng hơn là không muốn thấy. Làm sao có sự gặp gỡ khi một phía cố tình bịt tai, che mắt?

Trở lại với hai bà mẹ đang mang thai, một trẻ, một già là Đức Maria và bà Isave. Tình yêu của của hai bà mẹ dành cho Thiên Chúa, cho con người thì đã quá rõ. Một người tuy như là bất hạnh trước người đời vì son sẻ mà vẫn kiên trung trong sự công chính trước mặt Thiên Chúa và không ai chê trách được điều gì (x.Lc 1,6), một người thì tràn trề ân sủng (x.Lc 1,28), và cả hai đều đầy ơn Thánh Thần (x.Lc 1,35; 41). Lòng thành và sự khiêm hạ của Maria đã rõ nét qua lời thưa xin vâng và lời ca Magnificat “Chúa đã đoái thương phận hèn tớ nữ…” (x. Lc 1, 48). Bà Isave đã nhìn nhận tất cả là ơn Chúa “khi Người đã thương cất nỗi hổ nhục bà phải chịu trước mặt người đời” (Lc 1, 25).

Thiên Chúa không chỉ muốn mà còn tìm mọi cách để gặp gỡ con người, đồng thời giúp con người gặp gỡ nhau. Thế nhưng trong vấn đề này, chúng ta có thể nói rằng “mưu sự tại thiên mà thành sự tại nhân” vậy.

 

Chúa nhật IV Mùa vọng –C
Lm Pet. Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 1, 39-45)

Ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Isave. Và khi bà Isave nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Isave được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc! Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi? Vì này, tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”.

Suy niệm

Bài Tin mừng Chúa nhật cuối cùng của Mùa vọng giới thiệu cho chúng ta một nhân vật quan trọng trong lịch sử cứu độ nhân loại của Thiên Chúa Cha, đó là Đức Maria.

Biến cố Truyền tin đã đưa Đức Mẹ đi vào một sứ mạng mới là trở thành sứ giả của niềm vui, của niềm hy vọng, của ơn cứu độ. Mẹ cưu mang Con Thiên Chúa, đồng thời là ngôi nhà tạm cho Con Thiên Chúa hiện diện giữa nhân loại.

Sau khi nhận lời làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Maria không bước vào một cung điện nguy nga, không ở lại trong một lâu đài tráng lệ, cũng không đòi hỏi một địa vị cao sang nào trong gia đình hay trong cộng đoàn. Mẹ đã đi ra khỏi ngôi nhà của mình, ra khỏi cộng đoàn của mình, không phải để trốn tránh nhưng là để ra đi giới thiệu Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ mà bấy lâu muôn dân trông đợi, cho mọi người, mọi nhà, mọi cộng đoàn.

Thân gái dặm trường, Mẹ vượt qua những hiểm nguy, chấp nhận những mạo hiểm của cuộc sống, để đem niềm vui của Thiên Chúa đến với những anh chị em đang sống trong cảnh bất hạnh vì son sẻ, đơn lẻ vì tuổi già, côi cút của phận nghèo. Gia đình ông Giacaria đã đón nhận được niềm vui thực sự khi Mẹ Maria xuất hiện. Có lẽ Hài nhi Gioan là người hạnh phúc nhất, bởi sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế ngay bên cạnh ngài, dù ngài còn trong dạ Mẹ. Niềm vui đó được nhân đôi khi người vợ già của ông Giacaria được an ủi, được cảm thông từ người Mẹ Đấng Cứu Thế, hơn nữa còn được Đấng Cứu Thế viếng thăm và đem bình an trời cao đến cho bà cùng gia đình.

Câu chuyện thăm viếng của Mẹ Maria tới gia đình ông Giacaria như là một dấu chỉ Con Thiên Chúa đi vào trong gia đình nhân loại, để thăm viếng, để chúc lành, để ban bình an và hơn nữa là để cứu độ con người. Ngài đã đến nhà các gia nhân nhưng các gia nhân đã không nhận biết Ngài. Biến cố giáng sinh của con Thiên Chúa thật đặc biệt, từ ca đoàn các Thiên Thần cất tiếng hát véo von trên cánh đồng Bêlem, cho đến những vì sao lạ xuất hiện bên trời đông, đưa đường dẫn lối cho dân ngoại tìm về với Ngài. Từ những chú mục đồng quỳ lạy trước hang đá, cho đến những con vật đem đến cho Ngài hơi ấm trong mùa đông. Tất cả đã nhận ra Đấng Cứu Thế qua dấu chỉ là một em bé quấn tã năm trong máng cỏ. Tiếc thay, còn biết bao người chưa nhận ra niềm vui giáng sinh của Con Thiên Chúa. Từ Hêrôđê, một vị vua được báo tin có Con Thiên Chúa sinh ra trong thành, qua lời các nhà chiêm tinh, cho đến các nhà lãnh đạo tôn giáo, họ rất am tường Kinh thánh và biết các lời tiên báo của các Ngôn sứ, từ dân chúng thành Bêlem cho đến mọi người đó đây, họ biết sự kiện đó qua lời kể của các mục đồng, của những người nghèo Giavê. 

Ngày hôm nay, nhân loại mừng lễ Giáng sinh như một ngày hội lớn, người ta ăn mừng, người ta tặng quà cho nhau trong dịp lễ này, nhưng trong số đó có mấy ai hiểu được ý nghĩa của ngày lễ Giáng sinh, mấy ai nhận ra sự hiện diện của Đấng Cứu Thế trong lịch sử nhân loại, trong cộng đoàn mình đang sống, và ngay trong gia đình của mình. Có khi nào mỗi người Kitô hữu tự hỏi mình đón mừng lễ Giáng sinh như thế nào là xứng hợp với mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình? Có khi nào qua Mẹ Giáo hội, mỗi tín hữu nhận ra được ý nghĩa của lời mời sám hối, canh tân cuộc đời, để thực sự tâm hồn mỗi người là một hang đá ấm cúng cho Con Thiên Chúa làm người, và hơn nữa có bao giờ mỗi người tự hỏi rằng, tôi đã thực sự là một sứ giả của niềm vui Tin Mừng cứu độ, là một sứ giả của Thiên Chúa trong thế giới vật chất và hỗn loạn này đúng nghĩa chưa?

Lễ Giáng sinh về, người sứ giả của niềm vui và hy vọng sẽ đến với anh chị em đau khổ, nghèo túng và bất hạnh với món quà gì trên tay? Chắc hẳn sẽ là món quà tình người, món quà cảm thông và món quà yêu thương. Chắc chắn Con Thiên Chúa đang mong muốn có thêm nhiều Maria giữa cuộc đời hôm nay, để niềm vui Giáng sinh, niềm vui Con Thiên Chúa làm người được lan tỏa đến mỗi gia đình, mỗi tâm hồn và xa hơn nữa là làm cho xã hội ấm cúng hơn trong khi còn bao người chìm ngập trong sự lạnh cóng do bởi ích kỷ và thiếu cảm thông.

Lạy Chúa, Chúa muốn niềm vui cứu độ con người của Ngài được mọi người biết đến như là cánh cửa đưa họ vào nước Trời, nên Ngài mời gọi Đức Maria, rồi mời gọi chúng con cộng tác với Ngài như là những sứ giả của tình yêu trời cao. Xin cho mỗi người chúng con cảm thấy mình thật hạnh phúc được cộng tác với Thiên Chúa, rồi mỗi người mạnh dạn bước ra khỏi sự nhát đảm, bước ra khỏi sự dửng dưng, để cộng góp cuộc đời của mình vào trong chương trình cứu độ nhân loại. Xin cho chúng con đủ tin và đủ yêu mến Thiên Chúa, để lời chứng là cuộc đời của chúng con thêm xác tín và đem lại niềm vui cho mọi người. Amen.

Chúa nhật thứ 4 mùa vọng -2021
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 1, 39-45).

Ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Isave. Và khi bà Isave nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Isave được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc! Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi? Vì này, tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”.

Suy niệm

Khi mùa vọng đang dần khép lại, nhường chỗ cho niềm vui đại lễ Giáng sinh gần kề, cũng là lúc người tín hữu được mời gọi hãy cố gắng dọn đường cho Chúa ghé thăm gia đình và mỗi người trong cộng đoàn nhỏ bé của mình. Chúa nhật thứ 4 mùa vọng gởi đến cho chúng ta hình ảnh một cuộc viếng thăm rất đặc biệt của Đức Maria, một người nữ được Thiên Chúa chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Mẹ lên đường trong niềm vui và sự vội vã, hướng về một gia đình được coi là son sẻ, thiếu tình thương của Thiên Chúa, đó là gia đình ông bà Da-ca-ri-a. Hình ảnh cuộc viếng thăm đặc biệt này diễn tả tình yêu cúi xuống của Thiên Chúa, Ngài đến viếng thăm dân Ngài, cứu độ dân Ngài và chở che cho dân Ngài trên mọi nẻo đường, chuyến thăm viếng này còn gởi đến cho mỗi tín hữu tâm tình cộng tác của con người khi Thiên Chúa cần chính cuộc đời, dòng máu, hơi thở và nhịp sống của họ, để Ngài đi vào từng lối nẻo của thế giới.

Trước những lối sống trụy lạc của dân Do-thái trong đất Ca-na-an, Giave đã gởi rất nhiều tiên tri đến để loan báo cho họ biết về thái độ bất trung trong mọi sinh hoạt cuộc sống. Trong số các tiên tri đó có tiên tri Mi-kha, ngài là một vị tiên tri khá tầm thường, con cái người Do-thái, thế nhưng, trong ơn gọi của mình, tiên tri đã tố cáo những lối sống không phù hợp với một dân riêng của Thiên Chúa. Ông đề nghị họ hãy xa lánh những niềm tin lệch lạc, những lối sống luân lý xa lề luật, tất cả hãy sám hối, thay đổi, để đón nhận niềm vui của Thiên Chúa, bởi giữa cộng đoàn của họ sẽ xuất hiện một Đấng Công Chính: “Ðây lời Chúa phán: “Hỡi Bêlem Ephrata, ngươi nhỏ nhất trong trăm ngàn phần đất Giuđa, nhưng nơi ngươi sẽ xuất hiện một Ðấng thống trị Israel, và nguồn gốc Người có từ nguyên thuỷ, từ muôn đời. Vì thế, Người sẽ bỏ dân Người cho đến khi một người nữ phải sinh, sẽ sinh con. Số còn lại trong anh em Người, sẽ trở về với con cái Israel. Người sẽ đứng vững và chăn dắt trong sức mạnh của Chúa, trong thánh danh cao cả của Chúa là Thiên Chúa của Người”. Được Thiên Chúa chọn làm dân riêng, Ngài luôn chăm sóc, bảo vệ dân Do-thái trên mọi nẻo đường. Hơn nữa, Ngài còn đánh thức niềm tin và lương tâm của họ bằng nhiều cách, để họ không bước ra khỏi quỹ đạo tình yêu của Thiên Chúa, cho dù họ phải đối diện với muôn vàn hấp lực đến từ cuộc sống. Và hôm nay, Thiên Chúa đang đánh thức con người qua những mầu nhiệm, đặc biệt là mầu nhiệm nhập thể làm người của Đức Giêsu.

Được chứng kiến cuộc đời của Đấng Cứu Thế, tác giả thư gởi cộng đoàn dân Do-thái đã bày tỏ sự ngạc nhiên về thái độ cúi xuống của một Thiên Chúa làm người. Tác giả đã viết như sau: “Anh em thân mến, khi đến trong thế gian, Chúa Giêsu phán: “Chúa đã không muốn của hy tế và của lễ hiến dâng, nhưng đã tạo nên cho tôi một thể xác. Chúa không nhận của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội. Nên tôi nói: 'Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa, như đã nói về con ở đoạn đầu cuốn sách'”. Thiên Chúa cho con người một thân xác, một linh hồn, một hơi thở và một dòng máu, tất cả để con người tồn tại, và hôm nay, Thiên Chúa đang muốn mượn tất cả những yếu tố đó của con người để Con Thiên Chúa vào đời mỗi ngày, nhằm cứu độ người khác. Trước lời đề nghị đó, ai có thể mạnh dạn cho Thiên Chúa mượn cuộc đời của mình để giúp đỡ, phục vụ tha nhân trong thế giới này, Thiên Chúa cần nơi con người một tấm lòng, cần nơi con người một tinh thần quảng đại chia sẻ, để mọi người được tham dự vào mầu nhiệm tình yêu sự sống của Ngài.

Theo chân thánh Luca, tác giả sách Tin Mừng thứ ba, chúng ta cùng tới ngôi nhà gia đình ông Da-ca-ri-a để chứng kiến cuộc gặp gỡ đầy thú vị giữa những con người được mệnh danh là người nghèo của Giave. Đức Maria sau khi đón nhận lời của sứ thần Gap-ri-en, đã lên đường thăm viếng gia đình người chị họ. Được tin người chị họ đang có những niềm vui đặc biệt, Mẹ lên đường ghé thăm như để động viên người phụ nữ được coi là son sẻ bấy lâu, nay đã mang thai được 6 tháng: “Ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Isave. Và khi bà Isave nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Isave được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc! Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi?”. Niềm vui vỡ òa khi người chị họ thấy cô em xuất hiện cách bất ngờ, nhưng niềm vui đó cũng đem lại cho người chị một sự ngạc nhiên vô cùng, bởi khi cô em tới nhà thì hài nhi bày tỏ niềm vui đó cách đặc biệt: “Vì này, tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi”. Cậu bé nhảy mừng khi thấy Đấng Cứu Thế ghé thăm gia đình, ghé thăm chính mình nữa. Còn niềm vui nào lớn cho bằng diễm phúc đó.

Cựu ước đã chuẩn bị, đã dọn đường cho Đấng Cứu Thế đi vào lịch sử con người, để từ đây, ơn cứu độ mở đường cho con người được trở về với người Cha nhân lành là Thiên Chúa. Đức Giêsu xuất hiện trong phận con người trong cung lòng một người phụ nữ. Từ đây Con Thiên Chúa trở nên giống con người. Chuyến thăm viếng tới gia đình ông bà Da-ca-ri-a, về khía cạnh xã hội là một chuyến thăm viếng đầy niềm vui tình người. Nghe tin người chị họ bấy lâu nay không có con cái, nay đã mang thai vào lúc tuổi già, Mẹ Maria cố gắng ghé thăm để an ủi, chia sẻ, giúp đỡ và động viên trong tình người ấm áp. Mẹ đã chia sẻ hơi ấm tình người khi thấy bà chị như bị gạt ra bên lề của mọi sinh hoạt cộng đoàn tôn giáo. Mẹ không muốn để bất cứ ai có thể bị loại ra khỏi tình liên đới cộng đoàn, do đó, chuyến viếng thăm như gắn kết lại tình người, tình huynh đệ cộng đoàn, đưa gia đình người chị họ trở lại với mọi niềm vui của cộng đoàn. Và Thiên Chúa đang mong đợi mỗi người tín hữu, hãy có những chuyến thăm viếng đầy ắp niềm vui tình người như thế, để kết nối mọi tâm hồn, mọi gia đình lại, tất cả nên một trong tình yêu.

Chuyến viếng thăm của Đức Maria dưới góc nhìn tôn giáo thì đó là lúc Thiên Chúa viếng thăm dân người. Ngài đi vào lịch sử nhân loại qua cung lòng Đức Maria, trở nên người, Ngài đi tới thăm viếng mọi gia đình, mọi thành phần trong cộng đoàn, đặc biệt là những gia đình không được may mắn trong cuộc sống. Ngài mượn cung lòng Đức Maria như một nhà tạm để trú ngụ và để từng ngày đi vào mọi lối nẻo cuộc đời của nhân loại, nơi đó, Ngài chia sẻ với con người, cảm thông với con người và phục vụ con người, đưa họ trở lại với chỗ đứng ban đầu trong ngôi nhà Thiên Chúa. Chuyến viếng thăm của Đấng Cứu Thế đã làm thay đổi thế giới, từ đây, trong lịch sử nhân loại dấu chân của Con Thiên Chúa làm người in đậm trên mọi nẻo đường trong thế giới.

Con người luôn cần đến Thiên Chúa để được cứu độ, được sống và được yêu thương. Nếu mỗi ngày không có sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới này, liệu tình yêu thương có được tôn vinh, tình người có được trân trọng và tinh thần phục vụ có được đề cao giữa một thế giới có nhiều cạm bẫy về vật chất lẫn tinh thần. Con người cần đến Thiên Chúa là vậy, nhưng Thiên Chúa có cần đến con người không. Tất nhiên là có, để đi vào lịch sử nhân loại, Con Thiên Chúa phải mượn hình hài một con người, cũng mong manh, cũng trần trụi, cũng cần được che chở. Ngài còn mượn dòng máu, mượn hơi thở, mượn lương thực của con người để tồn tại, để lớn lên trong thân phận một con người. Từ đây, Con Thiên Chúa sinh ra trong một gia đình có Cha, có Mẹ, có gia phả, có nguồn cội như bao con người khác. Có phải hôm nay Thiên Chúa đã và đang mượn con người của chúng ta, mượn đôi tay, mượn đôi chân, mượn dòng máu, mượn trái tim và mượn vòng tay ấm áp của mỗi người để tiếp tục giáng thế, tiếp tục đi vào giữa lòng nhân loại, để cùng đau với người đau, cùng khóc với người khóc và cùng vui với người vui chăng?

Lạy Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ nhân loại, chúng con luôn tin rằng Chúa đã đến viếng thăm dân Người và cứu độ dân Người, Chúa đến trong phận con người để chung chia với con người mọi thăng trầm, mọi khổ đau và thiếu thốn, xin cho chúng con biết học bài học cúi xuống này của Chúa, để đón nhận anh chị em chung quanh, để yêu thương, phục vụ và cảm thông với mọi hoàn cảnh của các gia đình. Chúa đã ghé thăm gia đình ông bà Da-ca-ri-a như là gia đình nhân loại đang gặp những khó khăn cả về tinh thần lẫn vật chất, xin Chúa giúp chúng con biết đi ra khỏi vỏ bọc nhỏ nhen của mình, sẵn sàng đến với thế giới của mọi người mọi nhà, để thăm viếng và đồng hành với anh chị em trong mọi nẻo đường cuộc đời. Amen.


Chủ nhật 4C Mùa Vọng (Lc1:35-45)
Lm. Lã Mộng Thường

39 Trong những ngày ấy, chỗi dậy, Maria đon đả ra đi lên miền sơn cước, đến một thành xứ Yuđa: 40 bà vào nhà Zacarya và chào Êlisabet. 41 Và xảy ra là thoạt Êlisabet nghe lời Maria chào, thì hài nhi nhảy mừng trong dạ mẹ; và Êlisabet được đầy Thánh thần, 42 mà thốt lên một tiếng kêu lớn và nói: “Trong nữ giới, có người là diễm phúc! Và đáng chúc tụng thay hoa quả lòng người! 43 Và bởi đâu tôi được thế này, là mẹ Chúa tôi đến với tôi? 44 Vì này thoạt tiếng người chào vừa đến tai tôi, thì hài nhi trong dạ tôi nhảy mừng. 45 Phúc cho người, là kẻ đã tin rằng viên thành sẽ đến cho mọi điều Chúa truyền phán dạy cho người!”

Bài Phúc Âm vừa được công bố kể về câu chuyện gặp gỡ giữa hai người đàn bà, Đức Maria và người trong hàng thân thích của ngài là bà Isave vợ của ông Giacaria. Ông Giacaria cũng chỉ vì lý luận theo nhận thức bình thường nên đã bị câm cho tới khi đặt tên cho con mình là thánh Gioan Tẩy Giả. Chúng ta hãy tưởng tượng theo sự thể được viết nơi Phúc Âm Luca. Ông Giacaria là vị tư tế, có vợ là Isave, cả hai ông bà là người công chính đến nỗi sách Phúc Âm viết, “Đi đứng rập theo mọi điều răn giới luật của Chúa, vô phương trách cứ” (Lc. 1:6). Khi thiên thần hiện ra báo cho ông biết lời khẩn nguyện xin cho có con cái đã được nhận lời, và cũng vì công chính ngay thẳng theo ý nghĩ loài người nên ông đã bị câm một thời gian. Xét theo lối nhìn bình thường ai cũng có thể nhận thấy nếu không muốn nói hầu hết đều nghiệm chứng, hai ông bà đã vào tuổi lão thành làm sao có thể có con. Mà ông Giacaria nào có nói gì sai trái hoặc ngỗ nghịch, thực ra, chỉ đơn giản, chân thành, “Sự ấy làm sao tôi biết được vì tôi đã già rồi và vợ tôi cũng đã cao niên” (Lc. 1:18).

Nơi trường hợp Đức Maria, câu trả lời của ngài với thiên thần rõ ràng, mạnh dạn, và xác quyết hơn, “Điều ấy sẽ xảy ra làm sao được vì việc phu thê tôi không nghĩ đến” (Lc. 1:34). Thế nhưng mọi người đều ca tụng Đức Maria, ngay cả bà Isave vào thời buổi ông Giacaria, chồng của bà đang bị câm. Lý do gì, một người công chính, ăn nói nhã nhặn, hiền lành, trả lời một cách chân thành thì bị lãnh điều mà mọi người không ai muốn trong khi Đức Maria thẳng thắn đến độ chống đối lại được thậm phục. Nếu để ý khi đọc hai mẫu đối thoại của thiên thần với Giacaria và với Đức Maria, chúng ta sẽ nhận thấy sự nhã nhặn, hiền lành, và chân thành của ông Giacaria mang tính cách cố chấp vì ông trả lời sau khi thiên thần đã giải thích những đặc tính của Gioan Tẩy Giả. Ngược lại, sau khi được giải thích, Đức Maria không ngần ngại thay đổi quan niệm, “Này tôi là tôi tá Chúa, xin hãy thành sự cho tôi theo lời Ngài!” (Lc. 1:38). Suy gẫm câu cuối cùng của bài Phúc Âm, “Phúc cho bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng bà sẽ được thực hiện” để tìm chiều hướng áp dụng nơi cuộc sống, câu hỏi quá bình thường, chúng ta đã nghe đến độ nhàm tai, đã tự đặt vấn đề bao ngày nhưng vẫn chưa có được giải đáp nào rõ ràng lại trở về khuấy động tâm tư mỗi người. Câu hỏi đó đại khái ý nói, đâu là Lời Chúa để cho chúng ta tin và làm thế nào để lời của Ngài được thực hiện nơi mình? Nếu cho rằng, hay nhận thực Thiên Chúa ở khắp mọi nơi thì lẽ đương nhiên Lời Chúa đến với chúng ta ở bất cứ phương diện nào trong cuộc sống. Vấn đề còn lại chỉ là chúng ta có để tâm nghiệm chứng hay không. Nếu cho rằng Thiên Chúa chỉ ở trên trời, chắc chắn chúng ta phải bày ra lý thuyết linh ứng hay linh hứng để biện luận minh chứng chỉ một số người nào đó được Chúa dùng cách đặc biệt mà công bố ý Chúa, và để bắt chúng ta trở nên ngu muội chấp nhận sự thể có con rắn ăn đất hoặc mặt trời quay quanh trái đất. Tuy nhiên, dầu mặt trời quay quanh trái đất hay trái đất quay quanh mặt trời, dầu con rắn ăn đất hoặc đất ăn rắn, và cho dẫu muôn ngàn lý thuyết, chủ thuyết, luật nọ, luật kia, đã bao ngày qua, vẫn chưa ai có thể giúp chúng ta động được đến chéo áo của Chúa để biết nó mỏng manh hay thô ráp thế nào, cũng không ai chỉ cho chúng ta biết nó màu sắc ra sao. Chúng ta cần tự mình nghiệm chứng, tự mình suy tư để nhận ra Lời Chúa đang nói với chúng ta những gì. Đâu phải tự nhiên mà người ta rơi vào vòng nghiện ngập, xì ke, ma túy hoặc những thứ chẳng nên. Tôi nghĩ, đã đến lúc đầu óc con người bị chất chứa quá nhiều những lý thuyết, chủ thuyết vô bổ nếu không muốn nói là độc hại nên họ cần phải tìm đủ mọi phương cách giải độc dẫu phải dùng độc dược để tàn phá phần nào thân xác họ hầu có lối cho những chủ thuyết độc hại hơn thoát đi. Những sự hiểu biết thiếu nghiệm chứng chẳng khác gì người bội thực, dạ dày chất chứa đầy thực phẩm nhưng không thể tiêu hóa.

Kho tàng Lời Chúa chính nơi cuộc sống thường ngày chúng ta đang đối diện. Chúng ta trực diện với hiện thể của Chúa nơi mọi tạo vật, và sự khôn ngoan của Chúa được ghi lại như kết quả nghiệm chứng của dân Ngài gom góp thành cuốn Kinh Thánh, đặc biệt bốn cuốn Phúc Âm. Đức Giêsu được gọi là Ngôi Lời vì Ngài công bố sự khôn ngoan của Chúa. Kinh nghiệm của những người được công nhận giác ngộ để lại đó là chúng ta không cần phải ôm đồm, xao xuyến, ưu tư, lo lắng vì ước muốn biết hết mọi sự bởi những sự hiểu biết thế tục không đem lại an bình tâm hồn. Chỉ cần dồn hết tâm trí suy nghĩ một câu nào đó cho đến tận cùng, tới khi có thể áp dụng nơi mọi trường hợp, và tất cả những sự cần biết cho mình đều được sáng tỏ. Tôi đề nghị quý ông bà anh chị em để tâm suy nghĩ câu Phúc Âm Gioan, “Hết thảy chúng sẽ là môn sinh của Thiên Chúa. Phàm ai nghe và học nơi Cha thì sẽ đến với Ta” (6:45).

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây