TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật VI Phục Sinh -Năm B

“Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình”. (Ga 15, 9-17)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật IV Phục Sinh -Năm B

14/04/2024 07:11:07 |   395

Chúa Nhật IV Phục Sinh -Năm B
Chúa Chiên Lành. Cầu cho ơn thiên triệu

CN4PSb

Ga 10,11-18


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật IV Phục Sinh -Năm B

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Chúa Nhật IV Phục Sinh nhắc nhở các linh mục, tu sĩ về ơn gọi cao cả Thiên Chúa đã mời gọi. Nên Hội Thánh đã cho đọc Tin Mừng theo Thánh Gioan chương 10. Chương này cho thấy Chúa Giêsu là vị mục tử nhân lành, luôn yêu thương chiên của Người, dù chiên ngỗ nghịch, phản bội, hay yếu đuối. Lúc nào Người cũng tìm kiếm chiên lạc, hi sinh cứu chiên và qui tụ những chiên quanh một vị mục tử duy nhất, để tất cả được sống trong hiệp nhất, hòa thuận, yêu thương và bình an. Hội Thánh cũng mời gọi mọi người cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và tu sĩ. Tất cả mọi người đều được mời gọi làm trong vườn nho của Chúa là Giáo Hội. Vì thế, chúng ta không thể làm ngơ trước hiện tình thiếu hụt thợ làm vườn. Vậy chúng ta hãy dâng Thánh Lễ thật sốt sáng để cầu cho các linh mục, tu sĩ và xin có nhiều mục tử tốt lành. Nhưng để xứng đáng cử hành Thánh Lễ chúng ta cùng thành tâm hối lỗi…

Ca nhập lễ

Địa cầu đầy ân sủng Chúa, do Lời Chúa mà trời xanh được tạo thành – Allêluia.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Ðức Kitô, vị Mục Tử oai hùng của chúng con, đã khải hoàn tiến vào thiên quốc; xin cho chúng con là đoàn chiên hèn mọn cũng được theo gót Người vào chung hưởng hạnh phúc vô biên. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Cv 4, 8-12

“Ơn cứu độ không gặp được ở nơi một ai khác”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phêrô được đầy Thánh Thần, đã nói: “Thưa chư vị Thủ lãnh toàn dân và Kỳ lão, xin hãy nghe, nhân vì hôm nay chúng tôi bị đem ra xét hỏi về việc thiện đã làm cho một người tàn tật, về cách thức mà con người đó đã được chữa khỏi, xin chư vị và toàn dân Israel biết cho rằng: Chính nhờ danh Ðức Giêsu Kitô Nadarét, Chúa chúng ta, Người mà chư vị đã đóng đinh, và Thiên Chúa đã cho từ cõi chết sống lại, chính nhờ danh Người mà anh này được lành mạnh như chư vị thấy đây. Chính người là viên đá đã bị chư vị là thợ xây loại ra, đã trở thành viên Ðá Góc tường; và ơn cứu độ không gặp được ở nơi một ai khác. Bởi chưng, không một Danh nào khác ở dưới gầm trời đã được ban tặng cho loài người, để phải nhờ Danh đó mà chúng ta được cứu độ”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 117, 1 và 8-9. 21-23. 26 và 28cd và 29

Ðáp: Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường (c. 22).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Tìm đến nương tựa Chúa, thì tốt hơn nương tựa ở loài người. Tìm đến nương tựa Chúa, thì tốt hơn nương tựa những bậc quân vương. – Ðáp.

Xướng: Con cảm tạ Chúa vì Chúa đã nghe con, và đã trở nên Ðấng cứu độ con. Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta. – Ðáp.

Xướng: Phúc đức cho Ðấng nhân danh Chúa mà đến, từ nhà Chúa, chúng tôi cầu phúc cho chư vị. Chúa là Thiên Chúa của con và con cảm tạ Chúa, lạy Chúa con, con hoan hô chúc tụng Ngài. Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Ngài muôn thuở. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Ga 3, 1-2

“Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, các con hãy coi: tình yêu của Chúa Cha đối với chúng ta thế nào, khiến chúng ta được gọi là con cái Thiên Chúa, và sự thật là thế. Vì đó mà thế gian không nhận biết chúng ta, vì thế gian không biết Người. Các con thân mến, hiện nay, chúng ta là con cái Thiên Chúa, còn chúng ta sẽ ra sao thì vẫn chưa được tỏ ra. Chúng ta biết rằng: khi được tỏ ra, thì chúng ta sẽ giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 10, 14

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta”. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 10, 11-18

“Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán: “Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên. Kẻ làm thuê không phải là chủ chiên, và các chiên không phải là của người ấy, nên khi thấy sói đến, nó bỏ chiên mà trốn. Sói sẽ bắt chiên và làm chúng tản mát. Kẻ chăn thuê chạy trốn, vì là đứa chăn thuê, và chẳng tha thiết gì đến đàn chiên. Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta. Cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha, và Ta thí mạng sống vì đàn chiên. Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn; chúng sẽ nghe tiếng Ta. Và sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên. Vì lẽ này mà Cha yêu mến Ta, là Ta thí mạng sống để rồi lấy lại. Không ai cất mạng sống khỏi Ta, nhưng tự Ta, Ta thí mạng sống. Ta có quyền thí mạng sống và cũng có quyền lấy lại. Ðó là mệnh lệnh Ta đã nhận nơi Cha Ta”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến!  Đứng trước một thế giới văn minh, ơn gọi linh mục và tu sĩ nhiều nơi thiếu vắng, chúng ta hãy cầu nguyện thiết tha, xin cho cho nhiều bạn trẻ nam nữ thành tâm thiện chí dâng mình cho Chúa. Vậy chúng ta cùng nguyện xin :

1. “Không một Danh nào khác ở dưới gầm trời, đã được ban tặng cho loài người”.- Xin cho hàng giáo phẩm, giáo sĩ, tu sĩ, tông đồ giáo dân nhiệt thành rao giảng Danh Thánh Chúa Giêsu, vì chỉ có danh Người mới đem lại ơn cứu rỗi cho nhân loại.

2. “Khi được tỏ ra thì chúng ta sẽ giống như Người”.- Xin cho những nhà lãnh đạo quốc gia, những người thành tâm thiện chí muốn tìm biết Thiên Chúa, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, để họ được niềm vui và bác ái vì cảm nghiệm được phần nào sự hiện diện đầy ân sủng và tình thương của Ngài.

3. “Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta”,- Xin cho các Kitô hữu thấu hiểu được tình Chúa yêu thương nên đã hiến mình vì họ, mà sẵn sàng và mau mắn nhận ra nơi những người đau khổ, hầu nâng đỡ và đem họ về với Chúa.

4. “Ta còn nhiều chiên khác không thuộc đàn này”.- Xin cho giới trẻ trong giáo xứ chúng ta hôm nay, biết nhận diện được những chiên ngoài đàn mà đưa về cho Chúa.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin cho chúng con một tinh thần quả cảm, một ý chí cương quyết và một tình yêu nồng nàn đối với các linh hồn, để sẵn sàng dân thân vào mọi nơi, và mọi sinh hoạt của xã hội mà làm chứng cho Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con hằng vui sướng trong suốt thời gian mừng mầu nhiệm Vượt Qua; để mầu nhiệm thánh này không ngừng đem lại ơn cứu độ và trở nên nguồn vui bất tận cho mọi người tín hữu. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng Phục Sinh

Ca hiệp lễ

Đấng chăn chiên nhân lành đã phục sinh, Người đã phó mạng sống mình vì con chiên, và đã đoái thương chịu chết vì đoàn chiên – Allêluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa là mục tử nhân lành, chúng con là đoàn chiên đã được Chúa cứu chuộc bằng máu châu báu của Ðức Giêsu Kitô. Cúi xin Chúa giờ đây thương đoái, dẫn đưa chúng con vào đồng cỏ Nước Trời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

ĐẸP NGƯỜI ĐẸP ĐẠO
“Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại.” (Ga 10,32)

Suy niệm: Chúa Cha luôn hài lòng về Người Con vì Người Con ấy lúc nào cũng hiếu thảo, tìm mọi sự làm vinh danh Cha, thậm chí đến độ hy sinh mạng sống. Người Con ấy là người đẹp, vì biết làm đẹp lòng Chúa Cha; do đó, cũng làm đẹp Đạo Trời, Đạo do Cha thiết lập và sai Con đến loan báo, thiết lập, phát triển. Các linh mục và tu sĩ, những người anh em với Chúa Giê-su, bước theo chân Ngài, muốn theo gương Thầy Chí Thánh cũng phải sống theo mẫu gương ấy. Đành rằng cùng đích tối hậu của mọi Ki-tô hữu phải là tôn vinh Thiên Chúa và cứu độ con người, thế nhưng, với các linh mục, tu sĩ, cùng đích ấy phải được nhấn mạnh, ghi nhớ, thực hiện với tất cả khả năng trong đời thường mỗi ngày. Đòi hỏi này xem ra quá sức con người, nhưng với tình yêu,  ân sủng Chúa ban, họ có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh.

Mời Bạn: “Hy sinh mạng sống” theo nghĩa đen là tử đạo. Ngoài ra hạn từ này còn bao hàm sự từ bỏ triệt để, chết cho trần thế, chết cho những đam mê bất chính, tội lỗi… hầu toàn tâm toàn ý bước theo Chúa Giê-su.

Sống Lời Chúa: Đời linh mục, tu sĩ sống thánh hiến cần lời cầu nguyện, sự nâng đỡ vật chất và tinh thần từ cộng đồng dân Chúa. Lời mời gọi này hằng năm được khơi lại trong Chúa nhật Chúa Chiên Lành hôm nay. Mong ông bà và anh chị em tích cực hưởng ứng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy sai đi khắp cõi dương trần muôn nghìn sứ giả Phúc âm. Xin cho các linh mục, tu sĩ nam nữ tại Việt Nam luôn hy sinh quên mình cho cánh đồng truyền giáo hôm nay, nhờ vậy có mùa bội thu. Amen.

 

Chủ chăn và đoàn chiên

Chúa Giêsu muốn nói gì qua hình ảnh chủ chăn và đoàn chiên? Tôi xin thưa đó là sự gắn bó mật thiết.

Thực vậy, giữa chủ chiên và đoàn chiên có một sự gắn bó mật thiết với nhau thế nào, thì giữa Chúa Giêsu và những người được Chúa Cha trao cho Ngài cũng có một sự gắn bó mật thiết với nhau như vậy, bởi vì họ thuộc về Ngài và Ngài biết tên họ. Điều này cũng có nghĩa là Ngài biết tường tận từng người một với những ưu điểm và khuyết điểm, với những suy tư và tính toán, với những âu lo và khát vọng. Giữa Ngài và những người tin vào Ngài đã tạo nên được một sự cảm thông chân thành. Họ nhận ra tiếng Ngài và bước đi theo Ngài. Điều ấy không thể xảy ra cho những kẻ xa lạ.

Tất cả những sự kiện kể trên đều là những biểu hiện của tình yêu thương. Chúng ta không thể hồ nghi về những lời khẳng định của Chúa Giêsu, bởi lẽ Ngài đã chết để bảo vệ đoàn chiên của Ngài như một người mục tử tốt lành và nhân hậu. Ngài phán: Không ai yêu hơn người dám hy sinh mạng sống vì bạn hữu. Hay như thánh Phêrô đã viết trong: Chính Ngài đã gánh lấy tội lỗi chúng ta nơi thân xác của Ngài trên cây thập giá, để một khi đã chết cho tội lỗi, chúng ta sống cho sự công chính. Nhờ vết thương của Ngài, anh em đã được chữa lành. Xưa kia anh em như những con chiên lạc, thì giờ đây anh em đã trở về cùng vị mục tử, Đấng canh giữ linh hồn anh em.

Thế nhưng điều quan trọng hơn đó là mỗi người chúng ta phải làm gì và phải sống như thế nào, để được xứng đáng là những con chiên trong đoàn chiên của Chúa? Khi người chủ chăn đứng ngoài cửa và vên tiếng gọi, lập tức những con chiên nhận biết tiếng họ, chúng liền tụ lại quanh người ấy và bước đi theo sự hướng dẫn của người ấy. Và người ấy sẽ dẫn đoàn chiên của mình tới đồng cỏ xanh và tới dòng suối mát.

Với chúng ta cũng thế, là những con chiên trong đoàn chiên của Chúa, chúng ta phải biết nhận ra tiếng Chúa mời gọi. Nhưng nhận ra tiếng Chúa mời gọi mà thôi chưa đủ, điều quan trọng hơn, đó là chúng ta còn phải tụ lại bên Ngài và bước đi dưới sự hướng dẫn của Ngài bằng cách thực thi những điều Ngài truyền dạy, bằng cách tuân giữ những giới luật của Ngài.

Bởi vì chỉ bước đi theo sự hướng dẫn của Ngài, chúng ta mới có thể đạt tới miền đất hứa là quê hương Nước Trời mà thôi.


Chúa chiên lành

Có một chàng sinh viên, sau khi tốt nghiệp đại học, đã không chọn cho mình một ngành nghề chuyên môn, nhưng lại đi chăn cừu thuê. Anh cho biết: Mỗi ngày anh phải làm việc tới mười tám tiếng đồng hồ và làm tất cả bảy ngày trong tuần. Suốt thời gian ở trên núi, anh hoàn toàn cô đơn, chỉ bầu bạn với chú chó, chú ngựa và hai ngàn con cừu.

Mỗi tuần một lần, người ta đem đến cho anh thực phẩm, thư từ và đạn dược. Công việc của anh là làm sao giữ cho đàn cừu được ở chung một chỗ, dẫn chúng đến nơi có cỏ và có nước, đồng thời bảo vệ chúng khỏi thú dữ.

Anh kể: một buổi sáng nọ, có một nhóm cừu tự rời khỏi bày, thế là tôi phải bỏ tất cả thời gian để lần theo dấu vết của chúng. Ngay khi vừa mới tìm thấy, thì một cơn mưa bão ập xuống, khiến tôi và những con cừu vừa ướt lại vừa bị lạnh cóng suốt đêm.

Câu chuyện trên cho chúng ta thấy nghề chăn cừu thời nay thật là khó khăn và cực nhọc. Nhưng ngày xưa, khi chưa có súng đạn thì công việc của họ không chỉ cực nhọc mà còn rất nguy hiểm nữa.

Trong sách Samuel, Đavid đã trả lời cho nhà vua trước lúc giao tranh với Goliath như sau: Tâu bệ hạ, thần đã từng chăm sóc đàn cừu của phụ thân, bất cứ khi nào có một con sư tử hay một con gấu cướp đi một con cừu, thì lập tức, thần rượt theo và tấn công nó để cứu con cừu. Nếu con sư tử hay con gấu ấy quay vào tấn công thần, thần sẽ xông tới, chộp cổ họng và đánh nó cho đến chết. Thần đã giết nhiều sư tử và gấu. Thần cũng sẽ làm như vậy với tên Philitinh ngoại đạo này.

Từ những mẩu chuyện trên chúng ta đi vào đoạn Tin mừng hôm nay, trong đó Chúa đã nói: Ta là mục tử nhân lành, sẵn sàng hiến mạng sống mình vì đàn chiên. Nói cách khác Chúa Giêsu chính là vị mục tử mà tiên tri Egiechiel đã loan báo: Ngài chăm sóc những con bơ vơ yếu đuối, chữa lành những con bệnh hoạn và đi tìm những con bị lạc. Chúa Giêsu còn làm hơn thế nữa, Ngài tự hiến mạng sống cho đoàn chiên. Và từ cõi chết sống lại, Ngài đã chia sẻ vinh quang Phục sinh cho đoàn chiên của Ngài. Từ đó chúng ta hãy rút ra một vài điểm thực hành:

Điểm thứ nhất, đó là hãy tỏ lòng biết ơn Ngài vì nhờ sự chết và Phục sinh, Ngài đã cứu chúng ta khỏi manh mối của thú dữ là ma quỷ và tội lỗi.

Điểm thứ hai, đó là hãy bước đi dưới sự dẫn dắt của Ngài, nhờ vậy mà chúng ta chẳng bao giờ bị lầm đường lạc lối. Trái lại, cuộc đời chúng ta sẽ được bảo đảm an toàn, bởi vì như lời thánh vịnh cũng đã xác quyết: Chúa là Mục tử, Ngài dẫn lối chỉ đường cho con đi. Đi trong tay Chúa nào con thiếu chi con sợ chi. Cỏ non rợn đồng xanh con không bao giờ thiếu suối nước trường sinh con nghỉ uống no đầy.
 

Mục Tử Nhân Lành
ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

Dân Do Thái là dân du mục. Cuộc đời họ gắn liền với đoàn vật và những đồng cỏ. Nên khi Đức Giêsu đưa ra hình ảnh người mục tử và đoàn chiên, người Do Thái hiểu ngay tức khắc. Đức Giêsu đã dùng hình ảnh quen thuộc ấy để nói lên mối liên hệ của ta với Người và của Người với ta. Người là Mục tử nhân lành. Ta là đoàn chiên của Người. Người lãnh đạo đoàn chiên không phải bằng uy quyền áp chế, bằng kỷ luật khắc nghiệt, nhưng bằng tình yêu tha thiết. Tình yêu của Người được biểu lộ qua ba khía cạnh: hiểu biết, quan tâm chăm sóc và hy sinh cho đoàn chiên.

Tình yêu của Đức Giêsu là tình yêu hiểu biết. Sự hiểu biết này không phát xuất từ lý trí, do học hỏi, nhưng phát xuất từ trái tim, do tình yêu. Khi yêu, trái tim trở nên vô cùng nhậy bén đến độ hiểu được hết những âm thanh của tâm hồn và tai người thường không nghe thấy, nhìn thấy hết những gì ẩn kín trong tâm hồn mà mắt thường không nhìn thấy, cảm nhận được hết những chiều sâu thăm thẳm của tâm hồn mà không một nhà tâm lý học nào có thể cảm được. Khi Đức Giêsu nói: “Ta biết chiên Ta” có nghĩa là Người hiểu biết từng người trong chúng ta. Người không chỉ hiểu rõ hoàn cảnh sinh sống của chúng ta, mà còn thấu rõ tâm tư tình cảm của ta. Người biết những gánh nặng mà ta đang phải gánh. Người thông cảm với những đau đớn mà ta đang phải chịu. Người đau những nỗi đau trong tâm hồn ta. Người khổ những nỗi khổ đang dày vò ta. Người nhức nhối trong vết thương của tâm hồn ta.

Tình yêu của Đức Giêsu là tình yêu quan tâm chăm sóc. Sự hiểu biết sâu xa đến từ sự quan tâm chăm sóc. Sự quan tâm chăm sóc cũng phát xuất từ tình yêu. Có yêu mới quan tâm. Có quan tâm mới hiểu biết nhu cầu. Có hiểu biết nhu cầu mới biết đường chăm sóc. Đức Giêsu yêu thương ta nên Người quan tâm đến ta. Người biết rõ những nhu cầu của ta. Người chăm sóc ta. Có những tình yêu muốn chiếm hữu. Đó là thứ tình yêu ích kỷ. Có những chăm sóc khiến ta trở nên ấu trĩ, yếu ớt, không lớn lên được. Đó là thứ chăm sóc độc đoán ràng buộc. Đức Giêsu chăm sóc không phải để ràng buộc ta nhưng để giúp ta sống trong tự do. Người chăm sóc ta không phải để ta trở nên ấu trĩ, nhưng là để giúp ta trưởng thành. Người chăm sóc ta không phải để ta trở nên yếu ớt nhút nhát, nhưng là để giúp ta mạnh mẽ, tự tin. Vì thế, Nguơì cung cấp cho ta những lương thực lành mạnh. Người đưa ta đến những đồng cỏ non, đến những giòng suối trong. Lương thực Người mang đến, đó là Lời Chúa, là Mình Máu Thánh Chúa, là Thánh ý Chúa Cha. Những lương thực ấy sẽ cho ta được sống và sống dồi dào.

Tình yêu của Đức Giêsu là tình yêu hy sinh. Đây chính là dấu chỉ chắc chắn nhất của một tình yêu. Càng yêu mến nhiều càng sẵn sàng hy sinh nhiều. Yêu đến sẵn sàng hy sinh mạng sống là một tình yêu cao cả không có gì sánh được. Đức Giêsu đã xác nhận điều ấy khi Người nói: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15,13). Chính Người đã thực hiện điều ấy. Người là Mục tử nhân lành sẵn sàng liều mạng, một mình chống lại sói dữ để bảo vệ đoàn chiên. Người đã tự hiến mạng sống vì ta. Người đã chấp nhận chết đi để ta được sống.

Hạnh phúc cho ta được là đoàn chiên của Người. Ta được an ủi vì Người hiểu ta. Ta an tâm vì Người hằng quan tâm chăm sóc ta. Ta sung sướng vì Người yêu thương đến nỗi chết vì ta.

Người muốn ta chia sẻ hạnh phúc ấy cho mọi người. Người muốn ta lớn mạnh để đến lượt ta, chính ta trở thành mục tử nhân lành theo gương Người. Cha mẹ là mục tử của con cái. Thày cô giáo là mục tử của học sinh. Giám đốc là mục tử của công nhân. Y bác sĩ là mục tử của bệnh nhân. Anh chị lớn là mục tử của các em nhỏ.

Nhưng đặc biệt hơn hết, Người muốn có những người tiếp tục công việc của Người, chăm sóc đời sống tâm linh nhân loại. Chính vì thế, Giáo Hội dành ngày hôm nay để cầu nguyện cho ơn kêu gọi làm linh mục. Nhìn tình hình chung trên toàn thế giới, và riêng trong Giáo phận, ta thấy còn thiếu rất nhiều linh mục. Giáo dân cần linh mục như bệnh nhân cần bác sĩ. Giáo dân cần linh mục như học sinh cần thầy cô giáo. Giáo dân cần linh mục như một người bạn sẵn sàng cảm thông, chia sẻ vui buồn trong đời sống và như một người bạn đồng hành giúp đỡ trong cuộc hành trình tiến về đời sau.

Hãy cầu nguyện cho có nhiều thanh niên sẵn sàng hiến thân làm linh mục. Hãy khuyến khích con cháu dâng mình cho Chúa, làm linh mục để phục vụ anh em. Nhất là hãy cầu nguyện cho các linh mục được trở nên những mục tử như Đức Giêsu, vị Mục Tử nhân lành, biết yêu thương phục vụ đoàn chiên, hiểu biết tâm tư tình cảm của từng người, quan tâm chăm sóc từng con chiên và sẵn sàng hy sinh bản thân vì lợi ích của đoàn chiên.

Lạy Đức Giêsu, Mục Tử nhân lành, xin hãy ban cho chúng con nhiều mục tử tốt lành theo gương Chúa. Xin biến chúng con thành những mục tử tốt lành trong gia đình, trong khu phố, trong xã hội. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1- Đức Giêsu hướng dẫn đoàn chiên bằng cách nào? Bằng quyền lực hay bằng tình yêu thương?

2- Hãy kể ra những đặc tính của tình yêu của Đức Kitô.

3- Bạn có cảm thấy trách nhiệm là mục tử của mình không? Bạn đã đối xử với đoàn chiên của mình thế nào?

4- Bạn nghĩ gì về đời sống tu trì? Bạn có cầu nguyện cho cha Xứ của bạn không?



CHUNG HƯỞNG HẠNH PHÚC VÔ BIÊN
(CHÚA NHẬT TUẦN 4 PHỤC SINH)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 4 Phục Sinh, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Đức Kitô, Vị Mục Tử oai hùng của chúng ta, đã khải hoàn tiến vào Thiên Quốc, xin Chúa cho chúng ta là đoàn chiên hèn mọn, cũng được theo gót Người vào chung hưởng hạnh phúc vô biên.

Chung hưởng hạnh phúc vô biên là chung phần chiến thắng của Đức Kitô, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Khải Huyền tường thuật lại cuộc chiến giữa các thiên thần và Con Mãng Xà, đây cũng là cuộc chiến của các tín hữu, nhưng, đừng lo, bởi vì, họ đã thắng nhờ máu Con Chiên và nhờ lời họ làm chứng về Đức Kitô: họ coi thường tính mạng, sẵn sàng chịu chết. Sau khi chịu cực hình trong giây lát vì trung thành với giao ước của Thiên Chúa, thì giờ đây các tín hữu Chúa đang hưởng sự sống đời đời.

Chung hưởng hạnh phúc vô biên nhờ Đức Kitô, vị mục tử nhân lành đã hy sinh tính mạng vì đoàn chiên, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Ghêgôriô Cả đã nói: Như Chúa Cha biết tôi và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Dường như Đức Giêsu muốn nói rõ rằng: Điều minh chứng, tôi biết Chúa Cha và được Chúa Cha biết, ấy là, tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên, nghĩa là, nhờ tình thương, khiến tôi chịu chết cho đoàn chiên, tôi tỏ cho thấy là tôi yêu mến Chúa Cha tới mức nào.

Chung hưởng hạnh phúc vô biên là nhờ Đức Kitô, Đấng Cứu Độ Duy Nhất, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật lại việc thánh Phêrô mạnh dạn tuyên bố: Ngoài Đức Kitô ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ.

Chung hưởng hạnh phúc vô biên là được chung phần với Đức Giêsu, như trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Gioan đã nói: Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.

Chung hưởng hạnh phúc vô biên nhờ biết giữ vững niềm trông cậy vào Chúa, như trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 117, vịnh gia đã cho thấy: Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời, thì hơn tin cậy ở người trần gian. Cậy vào thần thế vua quan, chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói rằng: Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. “Biết” chính là “yêu”, Đức Giêsu đã yêu đoàn chiên đến hy sinh cả mạng sống mình. Để có thể chung hưởng hạnh phúc vô biên với Đức Kitô, vị mục tử nhân lành, chúng ta phải để cho Người “biết”: có biết, mới được yêu thương, được thấu hiểu, được cảm thương; được chữa lành, được giải cứu, được sống và sống dồi dào. Ước gì chúng ta biết ngoan ngùy vâng theo sự chăn dắt của Chúa, để chúng ta luôn được nuôi dưỡng trong đồng cỏ xanh tươi, mà Chúa đã dùng chính Máu mình để mua lấy cho chúng ta. Ước gì được như thế!

 

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật IV Phục Sinh -Năm B

PS4b 2

Ga 10, 11-18
“Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên”.

          
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
          
Khi ấy, Chúa Giêsu phán: “Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên. Kẻ làm thuê không phải là chủ chiên, và các chiên không phải là của người ấy, nên khi thấy sói đến, nó bỏ chiên mà trốn. Sói sẽ bắt chiên và làm chúng tản mát. Kẻ chăn thuê chạy trốn, vì là đứa chăn thuê, và chẳng tha thiết gì đến đàn chiên.
          
Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta. Cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha, và Ta thí mạng sống vì đàn chiên. Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn; chúng sẽ nghe tiếng Ta. Và sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên.
          
Vì lẽ này mà Cha yêu mến Ta, là Ta thí mạng sống để rồi lấy lại. Không ai cất mạng sống khỏi Ta, nhưng tự Ta, Ta thí mạng sống. Ta có quyền thí mạng sống và cũng có quyền lấy lại. Ðó là mệnh lệnh Ta đã nhận nơi Cha Ta”.
          
Ðó là lời Chúa.

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật III Phục Sinh -B
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Giọng đọc: Thanh Tâm




NHẬN DIỆN MỤC TỬ VÀ NGƯỜI CHĂN THUÊ
(Chúa Nhật IV Phục Sinh) -Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

          
Hằng năm cứ đến ngày Lễ Chúa Chiên Lành (Chúa Nhật IV Phục Sinh), cả Giáo Hội hướng đến việc cổ võ ơn thiên triệu trong bậc tu trì nói chung và cách riêng ơn gọi làm linh mục. Có thể luận suy rằng khi người ta yêu sách phẩm hạnh cần có của một bậc sống thì mặc nhiên người ta khẳng định sự cao quý và cần thiết của bậc sống ấy.

          
Một sự thật dễ thấy, đó là khi đề cập đến mặt tích cực và khi đó là một trong những nhân đức hay lý tưởng thì người ta dễ đón nhận và cũng dễ tự bằng lòng khi thấy mình chưa đạt đến. Một trong những luận lý để tự châm chước đó là phận người còn nhiều hạn chế, thiếu sót vì như lời người xưa: “nhân vô thập toàn”. Trái lại khi nói đến điều tiêu cực, hay mặt trái của vấn đề thì người ta khó đón nhận, vì ai ai cũng vấn vương chút sĩ diện, chút tự ái nào đó. Dù vậy, qua những lời của chính Chúa Kitô, chúng ta cũng cần xem xét đôi điều để phân biệt mục tử với người chăn thuê.

          
Đã nói là phân biệt hai thực thể nào đó thì chắc chắn giữa chúng phải có nét tương đồng khiến người ta dễ lầm lẫn. Vì thế, trước hết chúng ta cùng xem xét một vài nét xem ra tương đồng giữa người chăn thuê và vị mục tử:

          
1. Qua cửa ràn chiên:
Cả hai, vị mục tử và kẻ chăn thuê đều đường đường chính chính qua cửa ràn chiên mà vào và ra chứ không leo tường hay chui rào. Có thể nói rằng dù được tấn phong giám mục thành sự, được truyền chức linh mục thành sự, dù có sắc phong, có văn thư bổ nhiệm hợp pháp… thì cũng chưa hẳn đã là mục tử chính hiệu.
          
2. Biết chiên:
Dù rằng khó có thể có cái “biết” theo nghĩa Kinh Thánh đó là đồng thân, chung phận, nhưng người chăn thuê cũng biết con chiên một cách nào đó khả dĩ đáng gọi là biết theo nhãn quan nhân loại.
          
3. Chiên nghe tiếng và đi theo mục tử cũng như kẻ chăn thuê:
Ít ai phản đối sự thật này, vì người chăn thuê không phải là người lạ hay là kẻ trộm (x.Ga 10,5;8). Ngoại trừ một số ít chiên “cá biệt” hoặc bị gán nhãn mác là “chống giáo sĩ”, thì có thể nói là đại đa số giáo dân Công giáo, cách riêng giáo dân Công giáo Việt Nam đều ngoan, theo nghĩa là biết vâng nghe lời các đấng bậc.
          
4. Người chăn thuê và mục tử đều dẫn chiên đến đồng cỏ và nguồn nước:
Rất có thể chiên không được hưởng dùng các loại cỏ xanh tươi hay dòng nước mát trong cách tốt nhất, nhưng người chăn thuê vẫn không quên bổn phận cung cấp thức ăn và nước uống cho đàn chiên. Phải chăng đã và đang có đó nhiều vị giảng dạy, cử hành các Bí tích, làm mục vụ… mà còn thiếu tấm lòng mục tử?
          
Tiếp đến chúng ta cùng nhận diện những điểm khác biệt giữa người chăn thuê và vị mục tử. Đây là nội dung muốn chia sẻ. Hy vọng rằng khi trực kiến với hình ảnh mang tính phản diện thì chúng ta dễ giật mình hơn, không chỉ với những người đang trong phận vụ mục tử mà còn với cả những người trong danh phận con chiên.

          
1. Làm chỉ vì tiền:
Mục đích nhắm của bất cứ người làm thuê nào, nếu thực sự là làm thuê, thì đều vì tiền công. Người chăn thuê cũng có thể có tấm lòng với đàn chiên, nhưng ưu tiên số một vẫn là tiền công, dù là công nhật, công tháng, công năm hoặc hưởng lương theo sản phẩm.
          
2. Làm hết giờ hơn là làm hết việc:
Trong thân phận người làm thuê thì người ta rất mong đến giờ tan sở. Giả như người làm thuê nếu có làm hết việc thì ít khi hết lòng. Nếu người làm thuê làm ăn lương theo sản phẩm thì có đó chuyện làm hết sức, nhưng làm cách công tâm và hết tình thì chưa hẳn có. Trái lại, nếu đúng là mục tử thì có thể nhiều khi làm không hết việc, thậm chí có khi không được việc trước mắt, nhưng luôn thực thi hết lòng.
          
3. Không quan tâm đến chiên ngoài đàn:
Đây là một điều tất yếu đương nhiên. Đã là làm thuê thì ít có ai thích dài tay với những việc xem ra không quá đòi buộc phải làm hoặc có xao nhãng hay không làm cũng chẳng bị trừ lương. Đã là mục tử thì không thể quên lời của Thầy chí thánh, Giêsu: “Ta còn nhiều chiên ở ngoài đàn…”
          
4. Không bao giờ sẵn sàng hiến dâng mạng sống vì chiên:
Cần thú nhận rằng chẳng có ai dại gì tự nguyện bị thiệt thân vì những gì không thuộc về mình. Khi thấy sói đến người chăn thuê sẵn sàng bỏ chiên để giữ lấy mạng sống mình (x.Ga 10,12). Chuyện hiến dâng mạng sống vì chiên xem ra chẳng hề có trong tâm trí của người chăn thuê. Trái lại, đây là điểm không thể thiếu để thẩm định ai mới là mục tử.
          
Đọc lịch sử Giáo Hội và với chút luận suy thì chúng ta có thể khẳng định rằng đã và có thể đang có đó “kẻ trộm, kẻ cướp” trong vai mục tử. Thế nhưng đó chỉ là số rất nhỏ và rồi đoàn tín hữu cũng có thể dễ dàng phát hiện hạng người đến chỉ nhằm giết hại đàn chiên, hoặc nếu họ có ngụy trang cách khéo léo thì “cây kim lâu ngày trong bọc cũng sẽ lộ ra”. Trái lại sự nhập nhằng đen trắng giữa mục tử với kẻ chăn thuê thì hầu như rất khó nhận diện cả với đàn chiên và có thể với cả các đấng bậc trong vai vị mục tử.

          
Với bốn điểm đồng và bốn điểm dị, thầm mong khi phân biệt mục tử với người chăn thuê, chúng ta thêm xác tín rằng ngoài việc cần thiết cầu nguyện liên lỉ cho các mục tử trong Giáo Hội, thì đang còn đó nhiều việc đáng làm và nên làm. Cũng hy vọng rằng một số mục tử nào đó trong Giáo Hội, dù chưa hẳn xứng danh mục tử tốt lành nhưng không phải là những người chăn thuê. Và mong sao không hề có những kẻ chăn thuê đang mang danh mục tử.

          
Dù rằng ngay cả bậc thánh nhân được liệt vào hàng các Thánh mục tử thì không một ai thực sự là mục tử chính danh chính phận. Chỉ một mình Chúa Giêsu mới đích thực là mục tử. Dù là bậc cao trọng và đạo hạnh trong Hội Thánh thì vẫn tồn tại hai tính phần mục tử và chăn thuê nơi các đấng bậc. Mong sao phần tính chăn thuê chỉ là phần chiếm tỷ lệ rất nhỏ nơi con người và đời sống các ngài. Nếu phần tính chăn thuê đang là 30-50% hay quá bán thì quả là đáng quan ngại. Chắc chắn Thiên Chúa không bao giờ muốn đoàn chiên của Người sống và hành xử như “đoàn cừu của Panurge”, mà là như đoàn dân Thiên Chúa trưởng thành, đầy ý thức và tinh thần trách nhiệm, luôn tích cực cộng tác với ơn Chúa để dệt xây những mục tử tốt lành như lòng Chúa ước mong.


Chúa tuần lễ thứ tư mùa phục sinh -B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. (Ga 10, 11-18)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán: “Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên. Kẻ làm thuê không phải là chủ chiên, và các chiên không phải là của người ấy, nên khi thấy sói đến, nó bỏ chiên mà trốn. Sói sẽ bắt chiên và làm chúng tản mát. Kẻ chăn thuê chạy trốn, vì là đứa chăn thuê, và chẳng tha thiết gì đến đàn chiên. Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta. Cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha, và Ta thí mạng sống vì đàn chiên. Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn; chúng sẽ nghe tiếng Ta. Và sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên. Vì lẽ này mà Cha yêu mến Ta, là Ta thí mạng sống để rồi lấy lại. Không ai cất mạng sống khỏi Ta, nhưng tự Ta, Ta thí mạng sống. Ta có quyền thí mạng sống và cũng có quyền lấy lại. Ðó là mệnh lệnh Ta đã nhận nơi Cha Ta”.

Suy niệm

Hình ảnh người mục tử đi trước dẫn đoàn chiên của mình tiến về đồng cỏ xanh, rồi sau đó tìm về nguồn nước mát, luôn là một hình ảnh gần gũi, thân thiện và ấm áp. Đức Giêsu đã mượn hình ảnh đó để diễn tả một tình yêu gần gũi, thân thiện nhưng có chiều sâu, trong tương quan giữa Thiên Chúa và con người. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ tư mùa phục sinh gợi lên hình ảnh đó, để nhắc cho con cái trong gia đình Giáo hội, hãy cầu nguyện cho các vị chủ chăn của mình, để các ngài cố gắng họa lại hình ảnh người mục tử nhân lành, khi được gởi đến một cộng đoàn, một đoàn chiên. Thánh Gioan thường dùng một hình ảnh tinh tế đó là tương quan hai chiều, để nói về ơn gọi của người mục tử, và bổn phận của mỗi con chiên trong đoàn, làm sao để gắn bó trong tình hiệp thông, liên đới và trách nhiệm.

Sau khi được nhận lãnh Thánh Thần từ Đấng phục sinh, các Tông đồ mạnh dạn bước qua sự sợ hãi và những giới hạn của mình, đi về phía đoàn chiên đang đói,  đang khát và đang mong được chăm sóc, các ngài đã minh định cho mọi người biết, tài năng, sức lực và trí tuệ thế gian không thể làm được những việc như họ đã và đang thấy, chỉ có sức mạnh của Thiên Chúa từ Đấng phục sinh, mới có thể giúp cho con người chỗi dậy từ những đau khổ thể xác và tinh thần, cho họ được tự do và bình an: “Trong những ngày ấy, Phêrô được đầy Thánh Thần, đã nói: “Thưa chư vị Thủ lãnh toàn dân và Kỳ lão, xin hãy nghe, nhân vì hôm nay chúng tôi bị đem ra xét hỏi về việc thiện đã làm cho một người tàn tật, về cách thức mà con người đó đã được chữa khỏi, xin chư vị và toàn dân Israel biết cho rằng: Chính nhờ danh Ðức Giêsu Kitô Nadarét, Chúa chúng ta, Người mà chư vị đã đóng đinh, và Thiên Chúa đã cho từ cõi chết sống lại, chính nhờ danh Người mà anh này được lành mạnh như chư vị thấy đây”. Chỉ có một Thiên Chúa, một đức tin và một phép rửa mới có thể giải thoát con người, cứu độ con người và cho người được tự do, được hạnh phúc và được chữa lành. Niềm tin và lòng mến sẽ là phương thuốc hữu hiệu giúp con người tìm lại chính mình trong gia đình Thiên Chúa.

Đi tìm lời giải từ ngôn ngữ của trái tim, người ta chỉ tìm thấy một đáp án là con số 0, bởi ngôn ngữ của tình yêu thì huyền nhiệm, chiều sâu của tình yêu thì vô biên và bến bờ của tình yêu thì mênh mông, bởi thế, làm sao ngôn ngữ con người diễn đạt trọn vẹn tình yêu Thiên Chúa dành cho con người. Thánh Gioan Tông đồ đã dành phần còn lại cuộc đời tuổi xế chiều, để giải mã ngôn ngữ tình yêu của Thiên Chúa, cuối cùng, ngài thốt lên rằng: “Các con thân mến, các con hãy coi: tình yêu của Chúa Cha đối với chúng ta thế nào, khiến chúng ta được gọi là con cái Thiên Chúa, và sự thật là thế. Vì đó mà thế gian không nhận biết chúng ta, vì thế gian không biết Người. Các con thân mến, hiện nay, chúng ta là con cái Thiên Chúa, còn chúng ta sẽ ra sao thì vẫn chưa được tỏ ra”. Con người là gì mà Thiên Chúa phải bận tâm, còn được gọi Thiên Chúa là Cha nữa. Mối tương quan này chỉ có con cái trong nhà mới thấu hiểu phần nào, chứ người ngoài làm sao hiểu thấu.

Người mục tử đi trước, dẫn đoàn chiên ra đồng cỏ, trông thật dễ thương, đầm ấm. Trước khi ra đi, người mục tử gọi tên từng con một, anh ta biết chúng, còn chúng nghe tiếng người chủ của nó. Thế rồi, cả đoàn đi theo bước chân người mục tử. Còn hình ảnh nào đẹp cho bằng tình thương của người mục tử dành cho đoàn chiên, còn ân tình nào vẹn nghĩa cho bằng cả đoàn chiên nghe tiếng chủ, đi theo chủ và được ở bên cạnh chủ mình: “Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta. Cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha, và Ta thí mạng sống vì đàn chiên. Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn; chúng sẽ nghe tiếng Ta”. Biết chiên và biết từng con một, phải là một người mục tử sống hết tình, hết mình và hết bổn phận cho đoàn chiên. Còn đoàn chiên, để nghe được tiếng chủ, chúng nó phải biết phân biệt đâu là chủ nhân lành, đâu là người chăn thuê, để khi gặp khó khăn, chúng nó sẽ đi theo ai và phải xa lánh ai. Một tương quan hai chiều rất đẹp và có ích cho cả hai.

Người mục tử đích thực và người chăn thuê có những gì đặc điểm gì khác nhau, chắc chắn là nhiều rồi. Người mục tử đích thực, là người làm chủ đoàn chiên, là người biết từng con chiên, biết sở thích và thói quen của chúng, biết luôn cả những bệnh tật và thói xấu của chúng, vì thế, khi anh ta lên tiếng, đoàn chiên nghe theo, khi anh ta tới gần con nào, con đó sẽ cảm nhận được sự ân cần và yêu thương dành cho nó. Với những thói quen và thao thức của người mục tử đích thực, có thể nói rằng, người mục tử đích thực là người luôn sống hết mình với đoàn chiên, hết tình với từng con chiên và hết bổn phận với công việc được trao phó. Còn người chăn thuê, vì không là sở hữu, nên anh ta chỉ làm hết giờ dù chưa hết việc, chỉ làm hết việc nhưng chưa hết bổn phận, do đó, làm sao anh ta có thể biết và hiểu từng con chiên một, làm sao anh ta có thể đứng lại khi sói dữ tấn công đoàn chiên và làm sao anh ta cố gắng tìm đồng cỏ xanh và suối nước mát cho đoàn chiên.

Tất cả những ai là con người đều là một thành viên trong đoàn chiên của người mục tử nhân lành. Dẫu rằng được sinh ra và lớn lên trong một đoàn chiên đó, nhưng không thiếu những con chiên chưa nghe được tiếng chủ, chưa biết chủ mình là ai, chắc còn nhiều lý do khách quan và chủ quan. Với từng con chiên là thế, nhưng với chủ chăn thì người biết rõ và biết rất rõ từng con chiên. Để nghe được tiếng chủ chăn, con chiên cần có sự khiêm tốn và biết lắng nghe, tiếng chủ đích thực sẽ đến từ trái tim và tình yêu, vì thế, mỗi con chiên có một trái tim mở, có một sự khát khao mong tìm bình an và hạnh phúc, ắt sẽ nghe được đâu là tiếng của chủ và đâu là tiếng người chăn thuê. Vì mong cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào, người mục tử nhân lành luôn cố gắng để đưa những con chiên ngoài chuồng về cùng một đoàn, để chỉ có một đoàn chiên và một chủ chăn.

Hình ảnh gần gũi và ấm áp nhất về chủ và đoàn chiên là hình ảnh một gia đình. Cha mẹ sẽ là những chủ chăn đích thực, là người mục tử nhân lành, dám sống và chết cho đoàn chiên của mình. Họ luôn tìm những đồng cỏ xanh tươi cho đoàn con, tìm suối nước mát lạnh cho đoàn chiên mình. Họ sẽ dạy con cái sống tình liên đới với các thành viên trong đoàn chiên nhỏ, họ sẽ hướng dẫn con cái cách sống có ích và có nhân văn, nếu như chúng biết nghe lời chủ chăn. Mỗi một thành viên trong đoàn chiên nhỏ đó, biết lắng nghe, biết tôn trọng nhau và biết cố gắng thì sẽ là những nhân tố quan trọng cho một đoàn chiên lớn, một cộng đoàn giáo xứ, một cộng đoàn giáo họ. Vì thế, những bài học từ gia đình, luôn là những tài liệu căn bản, những bài học vỡ lòng cho con người thành nhân và thành thân. Hãy cầu nguyện cho những người mục tử nhân lành nơi các gia đình là Cha, là Mẹ của mỗi người.

Lạy Chúa là người mục tử nhân lành, Chúa đã sống hết mình với chúng con khi hiến dâng mạng sống, Chúa đã sống hết tình với chúng con khi trao chính Thịt và Máu Chúa để nuôi dưỡng chúng con và Chúa đã sống hết bổn phận khi chấp nhận chết để đưa chúng con về trời, xin giúp chúng con biết lắng nghe lời chỉ dạy của Chúa, biết sống theo đường lối của Tin mừng, để mỗi ngày chúng con có được một đồng cỏ xanh để ăn uống, một dòng nước trong lành để tắm mát và nghỉ ngơi trong vòng tay người mục tử nhân lành. Xin Chúa là người mục tử nhân lành đưa những con chiên không thuộc đoàn này về cùng một mái ấm gia đình của Thiên Chúa Cha, để chỉ có một chủ chăn duy nhất và một đoàn chiên theo Ngài. Amen.

 

Chúa tuần lễ thứ tư mùa phục sinh -B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

 

PS4b a4


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. (Ga 10, 11-18)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán: “Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên. Kẻ làm thuê không phải là chủ chiên, và các chiên không phải là của người ấy, nên khi thấy sói đến, nó bỏ chiên mà trốn. Sói sẽ bắt chiên và làm chúng tản mát. Kẻ chăn thuê chạy trốn, vì là đứa chăn thuê, và chẳng tha thiết gì đến đàn chiên. Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta. Cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha, và Ta thí mạng sống vì đàn chiên. Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn; chúng sẽ nghe tiếng Ta. Và sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên. Vì lẽ này mà Cha yêu mến Ta, là Ta thí mạng sống để rồi lấy lại. Không ai cất mạng sống khỏi Ta, nhưng tự Ta, Ta thí mạng sống. Ta có quyền thí mạng sống và cũng có quyền lấy lại. Ðó là mệnh lệnh Ta đã nhận nơi Cha Ta”.

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật IV Phục Sinh -B
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh


 

Suy niệm

Hình ảnh người mục tử đi trước dẫn đoàn chiên của mình tiến về đồng cỏ xanh, rồi sau đó tìm về nguồn nước mát, luôn là một hình ảnh gần gũi, thân thiện và ấm áp. Đức Giêsu đã mượn hình ảnh đó để diễn tả một tình yêu gần gũi, thân thiện nhưng có chiều sâu, trong tương quan giữa Thiên Chúa và con người. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ tư mùa phục sinh gợi lên hình ảnh đó, để nhắc cho con cái trong gia đình Giáo hội, hãy cầu nguyện cho các vị chủ chăn của mình, để các ngài cố gắng họa lại hình ảnh người mục tử nhân lành, khi được gởi đến một cộng đoàn, một đoàn chiên. Thánh Gioan thường dùng một hình ảnh tinh tế đó là tương quan hai chiều, để nói về ơn gọi của người mục tử, và bổn phận của mỗi con chiên trong đoàn, làm sao để gắn bó trong tình hiệp thông, liên đới và trách nhiệm.

Sau khi được nhận lãnh Thánh Thần từ Đấng phục sinh, các Tông đồ mạnh dạn bước qua sự sợ hãi và những giới hạn của mình, đi về phía đoàn chiên đang đói,  đang khát và đang mong được chăm sóc, các ngài đã minh định cho mọi người biết, tài năng, sức lực và trí tuệ thế gian không thể làm được những việc như họ đã và đang thấy, chỉ có sức mạnh của Thiên Chúa từ Đấng phục sinh, mới có thể giúp cho con người chỗi dậy từ những đau khổ thể xác và tinh thần, cho họ được tự do và bình an: “Trong những ngày ấy, Phêrô được đầy Thánh Thần, đã nói: “Thưa chư vị Thủ lãnh toàn dân và Kỳ lão, xin hãy nghe, nhân vì hôm nay chúng tôi bị đem ra xét hỏi về việc thiện đã làm cho một người tàn tật, về cách thức mà con người đó đã được chữa khỏi, xin chư vị và toàn dân Israel biết cho rằng: Chính nhờ danh Ðức Giêsu Kitô Nadarét, Chúa chúng ta, Người mà chư vị đã đóng đinh, và Thiên Chúa đã cho từ cõi chết sống lại, chính nhờ danh Người mà anh này được lành mạnh như chư vị thấy đây”. Chỉ có một Thiên Chúa, một đức tin và một phép rửa mới có thể giải thoát con người, cứu độ con người và cho người được tự do, được hạnh phúc và được chữa lành. Niềm tin và lòng mến sẽ là phương thuốc hữu hiệu giúp con người tìm lại chính mình trong gia đình Thiên Chúa.

Đi tìm lời giải từ ngôn ngữ của trái tim, người ta chỉ tìm thấy một đáp án là con số 0, bởi ngôn ngữ của tình yêu thì huyền nhiệm, chiều sâu của tình yêu thì vô biên và bến bờ của tình yêu thì mênh mông, bởi thế, làm sao ngôn ngữ con người diễn đạt trọn vẹn tình yêu Thiên Chúa dành cho con người. Thánh Gioan Tông đồ đã dành phần còn lại cuộc đời tuổi xế chiều, để giải mã ngôn ngữ tình yêu của Thiên Chúa, cuối cùng, ngài thốt lên rằng: “Các con thân mến, các con hãy coi: tình yêu của Chúa Cha đối với chúng ta thế nào, khiến chúng ta được gọi là con cái Thiên Chúa, và sự thật là thế. Vì đó mà thế gian không nhận biết chúng ta, vì thế gian không biết Người. Các con thân mến, hiện nay, chúng ta là con cái Thiên Chúa, còn chúng ta sẽ ra sao thì vẫn chưa được tỏ ra”. Con người là gì mà Thiên Chúa phải bận tâm, còn được gọi Thiên Chúa là Cha nữa. Mối tương quan này chỉ có con cái trong nhà mới thấu hiểu phần nào, chứ người ngoài làm sao hiểu thấu.

Người mục tử đi trước, dẫn đoàn chiên ra đồng cỏ, trông thật dễ thương, đầm ấm. Trước khi ra đi, người mục tử gọi tên từng con một, anh ta biết chúng, còn chúng nghe tiếng người chủ của nó. Thế rồi, cả đoàn đi theo bước chân người mục tử. Còn hình ảnh nào đẹp cho bằng tình thương của người mục tử dành cho đoàn chiên, còn ân tình nào vẹn nghĩa cho bằng cả đoàn chiên nghe tiếng chủ, đi theo chủ và được ở bên cạnh chủ mình: “Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta. Cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha, và Ta thí mạng sống vì đàn chiên. Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn; chúng sẽ nghe tiếng Ta”. Biết chiên và biết từng con một, phải là một người mục tử sống hết tình, hết mình và hết bổn phận cho đoàn chiên. Còn đoàn chiên, để nghe được tiếng chủ, chúng nó phải biết phân biệt đâu là chủ nhân lành, đâu là người chăn thuê, để khi gặp khó khăn, chúng nó sẽ đi theo ai và phải xa lánh ai. Một tương quan hai chiều rất đẹp và có ích cho cả hai.

Người mục tử đích thực và người chăn thuê có những gì đặc điểm gì khác nhau, chắc chắn là nhiều rồi. Người mục tử đích thực, là người làm chủ đoàn chiên, là người biết từng con chiên, biết sở thích và thói quen của chúng, biết luôn cả những bệnh tật và thói xấu của chúng, vì thế, khi anh ta lên tiếng, đoàn chiên nghe theo, khi anh ta tới gần con nào, con đó sẽ cảm nhận được sự ân cần và yêu thương dành cho nó. Với những thói quen và thao thức của người mục tử đích thực, có thể nói rằng, người mục tử đích thực là người luôn sống hết mình với đoàn chiên, hết tình với từng con chiên và hết bổn phận với công việc được trao phó. Còn người chăn thuê, vì không là sở hữu, nên anh ta chỉ làm hết giờ dù chưa hết việc, chỉ làm hết việc nhưng chưa hết bổn phận, do đó, làm sao anh ta có thể biết và hiểu từng con chiên một, làm sao anh ta có thể đứng lại khi sói dữ tấn công đoàn chiên và làm sao anh ta cố gắng tìm đồng cỏ xanh và suối nước mát cho đoàn chiên.

Tất cả những ai là con người đều là một thành viên trong đoàn chiên của người mục tử nhân lành. Dẫu rằng được sinh ra và lớn lên trong một đoàn chiên đó, nhưng không thiếu những con chiên chưa nghe được tiếng chủ, chưa biết chủ mình là ai, chắc còn nhiều lý do khách quan và chủ quan. Với từng con chiên là thế, nhưng với chủ chăn thì người biết rõ và biết rất rõ từng con chiên. Để nghe được tiếng chủ chăn, con chiên cần có sự khiêm tốn và biết lắng nghe, tiếng chủ đích thực sẽ đến từ trái tim và tình yêu, vì thế, mỗi con chiên có một trái tim mở, có một sự khát khao mong tìm bình an và hạnh phúc, ắt sẽ nghe được đâu là tiếng của chủ và đâu là tiếng người chăn thuê. Vì mong cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào, người mục tử nhân lành luôn cố gắng để đưa những con chiên ngoài chuồng về cùng một đoàn, để chỉ có một đoàn chiên và một chủ chăn.

Hình ảnh gần gũi và ấm áp nhất về chủ và đoàn chiên là hình ảnh một gia đình. Cha mẹ sẽ là những chủ chăn đích thực, là người mục tử nhân lành, dám sống và chết cho đoàn chiên của mình. Họ luôn tìm những đồng cỏ xanh tươi cho đoàn con, tìm suối nước mát lạnh cho đoàn chiên mình. Họ sẽ dạy con cái sống tình liên đới với các thành viên trong đoàn chiên nhỏ, họ sẽ hướng dẫn con cái cách sống có ích và có nhân văn, nếu như chúng biết nghe lời chủ chăn. Mỗi một thành viên trong đoàn chiên nhỏ đó, biết lắng nghe, biết tôn trọng nhau và biết cố gắng thì sẽ là những nhân tố quan trọng cho một đoàn chiên lớn, một cộng đoàn giáo xứ, một cộng đoàn giáo họ. Vì thế, những bài học từ gia đình, luôn là những tài liệu căn bản, những bài học vỡ lòng cho con người thành nhân và thành thân. Hãy cầu nguyện cho những người mục tử nhân lành nơi các gia đình là Cha, là Mẹ của mỗi người.

Lạy Chúa là người mục tử nhân lành, Chúa đã sống hết mình với chúng con khi hiến dâng mạng sống, Chúa đã sống hết tình với chúng con khi trao chính Thịt và Máu Chúa để nuôi dưỡng chúng con và Chúa đã sống hết bổn phận khi chấp nhận chết để đưa chúng con về trời, xin giúp chúng con biết lắng nghe lời chỉ dạy của Chúa, biết sống theo đường lối của Tin mừng, để mỗi ngày chúng con có được một đồng cỏ xanh để ăn uống, một dòng nước trong lành để tắm mát và nghỉ ngơi trong vòng tay người mục tử nhân lành. Xin Chúa là người mục tử nhân lành đưa những con chiên không thuộc đoàn này về cùng một mái ấm gia đình của Thiên Chúa Cha, để chỉ có một chủ chăn duy nhất và một đoàn chiên theo Ngài. Amen.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây