TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật IV Phục Sinh - Năm B

23/04/2021 12:45:16 |   1182

Chúa Nhật IV Phục Sinh - Năm B
Ngày Thế giới cầu nguyện cho Ơn Thiên Triệu


Ga 10,11-18

 


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật IV Phục Sinh - Năm B

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Chúa Nhật IV Phục Sinh nhắc nhở các linh mục, tu sĩ về ơn gọi cao cả Thiên Chúa đã mời gọi. Nên Hội Thánh đã cho đọc Tin Mừng theo Thánh Gioan chương 10. Chương này cho thấy Chúa Giêsu là vị mục tử nhân lành, luôn yêu thương chiên của Người, dù chiên ngỗ nghịch, phản bội, hay yếu đuối. Lúc nào Người cũng tìm kiếm chiên lạc, hi sinh cứu chiên và qui tụ những chiên quanh một vị mục tử duy nhất, để tất cả được sống trong hiệp nhất, hòa thuận, yêu thương và bình an. Hội Thánh cũng mời gọi mọi người cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và tu sĩ. Tất cả mọi người đều được mời gọi làm trong vườn nho của Chúa là Giáo Hội. Vì thế, chúng ta không thể làm ngơ trước hiện tình thiếu hụt thợ làm vườn. Vậy chúng ta hãy dâng Thánh Lễ thật sốt sáng để cầu cho các linh mục, tu sĩ và xin có nhiều mục tử tốt lành. Nhưng để xứng đáng cử hành Thánh Lễ chúng ta cùng thành tâm hối lỗi…

Ca nhập lễ

Địa cầu đầy ân sủng Chúa, do Lời Chúa mà trời xanh được tạo thành – Allêluia.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Ðức Kitô, vị Mục Tử oai hùng của chúng con, đã khải hoàn tiến vào thiên quốc; xin cho chúng con là đoàn chiên hèn mọn cũng được theo gót Người vào chung hưởng hạnh phúc vô biên. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Cv 4, 8-12

“Ơn cứu độ không gặp được ở nơi một ai khác”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phêrô được đầy Thánh Thần, đã nói: “Thưa chư vị Thủ lãnh toàn dân và Kỳ lão, xin hãy nghe, nhân vì hôm nay chúng tôi bị đem ra xét hỏi về việc thiện đã làm cho một người tàn tật, về cách thức mà con người đó đã được chữa khỏi, xin chư vị và toàn dân Israel biết cho rằng: Chính nhờ danh Ðức Giêsu Kitô Nadarét, Chúa chúng ta, Người mà chư vị đã đóng đinh, và Thiên Chúa đã cho từ cõi chết sống lại, chính nhờ danh Người mà anh này được lành mạnh như chư vị thấy đây. Chính người là viên đá đã bị chư vị là thợ xây loại ra, đã trở thành viên Ðá Góc tường; và ơn cứu độ không gặp được ở nơi một ai khác. Bởi chưng, không một Danh nào khác ở dưới gầm trời đã được ban tặng cho loài người, để phải nhờ Danh đó mà chúng ta được cứu độ”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 117, 1 và 8-9. 21-23. 26 và 28cd và 29

Ðáp: Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường (c. 22).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Tìm đến nương tựa Chúa, thì tốt hơn nương tựa ở loài người. Tìm đến nương tựa Chúa, thì tốt hơn nương tựa những bậc quân vương. – Ðáp.

Xướng: Con cảm tạ Chúa vì Chúa đã nghe con, và đã trở nên Ðấng cứu độ con. Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta. – Ðáp.

Xướng: Phúc đức cho Ðấng nhân danh Chúa mà đến, từ nhà Chúa, chúng tôi cầu phúc cho chư vị. Chúa là Thiên Chúa của con và con cảm tạ Chúa, lạy Chúa con, con hoan hô chúc tụng Ngài. Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Ngài muôn thuở. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Ga 3, 1-2

“Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, các con hãy coi: tình yêu của Chúa Cha đối với chúng ta thế nào, khiến chúng ta được gọi là con cái Thiên Chúa, và sự thật là thế. Vì đó mà thế gian không nhận biết chúng ta, vì thế gian không biết Người. Các con thân mến, hiện nay, chúng ta là con cái Thiên Chúa, còn chúng ta sẽ ra sao thì vẫn chưa được tỏ ra. Chúng ta biết rằng: khi được tỏ ra, thì chúng ta sẽ giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 10, 14

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta”. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 10, 11-18

“Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán: “Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên. Kẻ làm thuê không phải là chủ chiên, và các chiên không phải là của người ấy, nên khi thấy sói đến, nó bỏ chiên mà trốn. Sói sẽ bắt chiên và làm chúng tản mát. Kẻ chăn thuê chạy trốn, vì là đứa chăn thuê, và chẳng tha thiết gì đến đàn chiên. Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta. Cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha, và Ta thí mạng sống vì đàn chiên. Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn; chúng sẽ nghe tiếng Ta. Và sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên. Vì lẽ này mà Cha yêu mến Ta, là Ta thí mạng sống để rồi lấy lại. Không ai cất mạng sống khỏi Ta, nhưng tự Ta, Ta thí mạng sống. Ta có quyền thí mạng sống và cũng có quyền lấy lại. Ðó là mệnh lệnh Ta đã nhận nơi Cha Ta”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến!  Đứng trước một thế giới văn minh, ơn gọi linh mục và tu sĩ nhiều nơi thiếu vắng, chúng ta hãy cầu nguyện thiết tha, xin cho cho nhiều bạn trẻ nam nữ thành tâm thiện chí dâng mình cho Chúa. Vậy chúng ta cùng nguyện xin :

1. “Không một Danh nào khác ở dưới gầm trời, đã được ban tặng cho loài người”.- Xin cho hàng giáo phẩm, giáo sĩ, tu sĩ, tông đồ giáo dân nhiệt thành rao giảng Danh Thánh Chúa Giêsu, vì chỉ có danh Người mới đem lại ơn cứu rỗi cho nhân loại.

2. “Khi được tỏ ra thì chúng ta sẽ giống như Người”.- Xin cho những nhà lãnh đạo quốc gia, những người thành tâm thiện chí muốn tìm biết Thiên Chúa, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, để họ được niềm vui và bác ái vì cảm nghiệm được phần nào sự hiện diện đầy ân sủng và tình thương của Ngài.

3. “Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta”,- Xin cho các Kitô hữu thấu hiểu được tình Chúa yêu thương nên đã hiến mình vì họ, mà sẵn sàng và mau mắn nhận ra nơi những người đau khổ, hầu nâng đỡ và đem họ về với Chúa.

4. “Ta còn nhiều chiên khác không thuộc đàn này”.- Xin cho giới trẻ trong giáo xứ chúng ta hôm nay, biết nhận diện được những chiên ngoài đàn mà đưa về cho Chúa.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin cho chúng con một tinh thần quả cảm, một ý chí cương quyết và một tình yêu nồng nàn đối với các linh hồn, để sẵn sàng dân thân vào mọi nơi, và mọi sinh hoạt của xã hội mà làm chứng cho Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con hằng vui sướng trong suốt thời gian mừng mầu nhiệm Vượt Qua; để mầu nhiệm thánh này không ngừng đem lại ơn cứu độ và trở nên nguồn vui bất tận cho mọi người tín hữu. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng Phục Sinh

Ca hiệp lễ

Đấng chăn chiên nhân lành đã phục sinh, Người đã phó mạng sống mình vì con chiên, và đã đoái thương chịu chết vì đoàn chiên – Allêluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa là mục tử nhân lành, chúng con là đoàn chiên đã được Chúa cứu chuộc bằng máu châu báu của Ðức Giêsu Kitô. Cúi xin Chúa giờ đây thương đoái, dẫn đưa chúng con vào đồng cỏ Nước Trời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

ĐỨC GIÊSU LÀ CỬA CHUỒNG CHIÊN

CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH A – CHÚA CHIÊN LÀNH

(Cv 2,36- 41; 1Pr 2,20- 25; Ga 10,1- 10)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

 

 

 

Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta được hỏi hay chính bản thân đặt ra cho mình câu hỏi: “Đức Giêsu là ai?”. Đây có thể là câu hỏi quan trọng nhất trong cuộc đời của con người nói chung và của những người tin Đức Giêsu nói riêng. Câu hỏi đó hôm nay chúng ta được chính Đức Giêsu mặc khải khi nói: “Ta là cửa chuồng chiên”.

Tại sao lại là “cửa chuồng chiên?”

1. Cửa chuồng chiên là gì?

Trước khi nói đến “cửa chuồng chiên”, chúng ta nên nhắc lại hình ảnh người mục tử chăn chiên nơi đất nước Dothái:

Ở đất nước này, người ta thường hay có những đàn gia súc như chiên hoặc cừu. Mỗi đàn như thế thường có người chăn dắt. Bổn phận của các mục tử chăn chiên chính là lo sao tìm được cho chúng những đồng cỏ xanh tươi, những dòng suối mát trong lành. Bảo vệ chúng khỏi bị tấn công bởi những sói dữ, hùm beo… Khi chăm lo cho chúng như thế, người mục tử phải biết rõ từng con: con nào đau ốm; ghẻ lở; con nào đi hoang, lạc đàn… Biết để làm gì? Thưa để yêu thương, để chăm sóc… để có tương quan thân tình.

Khi đêm về, người mục tử có trách nhiệm dẫn chiên về dàn và cho chúng vào chuồng. Lúc này, họ lại được ví như “cửa chuồng chiên”.

Hình ảnh “cửa chuồng chiên” là một hình ảnh được dùng để biểu đạt cho sự an toàn.

Thật vậy, khi nói đến cửa thì ai cũng hiểu là để đóng vào hoặc mở ra. Khi đóng vào thì như một sự bảo vệ để khỏi bị kẻ thù tấn công và trộm cắp. Đóng vào để tránh sương gió lùa vào. Đóng vào thì mọi người an tâm ngon giấc.

Còn khi cánh cửa mở ra, ấy là nó có tác dụng chào đón một luồng gió mới vào nhà, làm cho nhà khỏi bị ẩm mốc, hôi hám. Mở ra là để cho mọi người và súc vật trong nhà được tự do ra vào, lui tới…

2. Đức Giêsu là Mục Tử và là Cửa Chuồng Chiên

Khi tự cho mình là Mục Tử và Cửa Chuồng Chiên, Đức Giêsu muốn sống những đặc tính của người mục tử và vai trò của cửa chuồng chiên trong khi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng. Mặt khác, Ngài cũng muốn giới thiệu và trao cho các Tông đồ và môn đệ những đặc tính của người mục tử nhân lành và cửa chuồng chiên trong Giáo Hội.

Thật vậy, Đức Giêsu chính là Mục Tử Nhân Lành, Ngài đã biết rõ từng con chiên, Ngài đã yêu thương chúng và làm cho chúng được hạnh phúc. Ngài đã chữa lành mọi vết thương thân xác và tâm hồn để cho chiên được bình an, và Ngài đã hy sinh cả mạng sống để cho chiên được sống và sống dồi dào.

Khi mời gọi các Tông đồ, môn đệ và những ai dấn thân trên con đường loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu cũng mời gọi họ hãy đi trên con đường mà Ngài đã đi. Con đường đó là gì, nếu không phải là con đường của hiền lành, khiêm nhường, vâng lời và yêu thương. Con đường đó chính là con đường của hạt lúa mục nát, con đường của thánh giá…?

Trở nên như Ngài, tức là cũng phải trở nên như những cánh cửa của chuồng chiên. Như vậy, các ngài như là người lính canh chừng. Canh chừng cho khỏi kẻ thù tấn công là những thứ học thuyết vô bổ, tạm thời, chóng qua vô ích. Canh chừng để đàn chiên không bị kẻ thù gian dối, lọc lừa và tội lỗi lôi kéo. Canh chừng như một người cha, người mẹ canh giấc ngủ của con mình. Nếu cần, hình ảnh người Mục Tử hi sinh cả mạng sống của mình cho đoàn chiên cũng là lời mời gọi cho các mục tử ngày nay trong Giáo Hội.

3. Mọi kitô hữu đều là mục tử nhân lành và cửa chuồng chiên

Khi nói đến ngày thế giới cầu nguyện cho ơn Thiên Triệu, nhiều người nghĩ đây là ngày dành riêng cho các linh mục và tu sĩ. Nghĩ như vậy không sai. Nhưng nếu hiểu theo nghĩa rộng, thì hôm nay cũng là ngày của mỗi chúng ta, những người đã lãnh nhận Phép Rửa tội nhân danh Chúa Ba Ngôi để thi hành chức năng Tư tế, Ngôn sứ và Vương đế của Đức Giêsu Kitô.

Vì thế, khi kết hợp với Đức Giêsu là vị Mục Tử tối cao, mỗi người đều có thể và như một trách nhiệm phải là mục tử và cửa chuồng chiên cho mình và gia đình mình.

Mục tử và cửa chuồng chiên cho mình và gia đình, tức là hãy tự lo cho chính mình. Lo cho chính mình là biết làm điều lành, tránh điều ác. Biết trở nên gương sáng, chứng nhân cho người khác. Những bậc làm cha mẹ khi thi hành sứ vụ mục tử này chính là sống sự chung thủy với nhau, trở thành những người mẫu mực, khôn ngoan, luôn làm gương sáng, yêu thương các con mình. Biết lo cho các con mình được học hành, trao dồi đạo đức cho chúng, dạy cho chúng biết mến Chúa và yêu người… Biết cảnh giác và canh trừng trước những nguy hại của thời buổi kinh tế thị trường, công nghệ thông tin… Biết giáo dục con cái hướng thiện, làm ăn chân chính…

Với những người làm con, chúng ta nghĩ ngay đến bổn phận trước tiên phải có chính là sự hiếu kính với tổ tiên, ông bà, cha mẹ… biết làm những gì có lợi cho đời sống thiêng liêng trước rồi mới nghĩ đến những lợi nhuận vật chất sau.

Nói chung, mọi thành phần trong gia đình phải lo chu toàn bổn phận cách tốt đẹp trong sự yêu mến Chúa, kính trọng và yêu thương nhau, để xây dựng tình đoàn kết, hiệp nhất trong gia đình.

Làm được như thế, ấy là lúc chúng ta thể hiện vai trò mục tử phổ quát của mình cách rõ nét nhất.

4. Cầu nguyện cho ơn Thiên Triệu

Hôm nay, Giáo Hội cũng dành riêng Chúa Nhật này để cầu nguyện cho ơn Thiên Triệu; đồng thời Giáo Hội cũng muốn mọi thành phần trong Giáo Hội biết liên đới với nhau để cùng giúp nhau chu toàn sứ mạng đem Chúa đến cho muôn dân.

Vì thế, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các bạn trẻ, biết quảng đại đáp lại lời mời gọi đầy yêu thương của Chúa, sẵn sàng dấn thân trên con đường loan báo Tin Mừng cho muôn dân. Xin cũng cầu nguyện cho các linh mục đang làm mục vụ khắp nơi trên thế giới, được trở nên mục tử đích thực của Chúa giữa trần gian. Gặp được nhiều điều thuận lợi trong khi thi hành sứ vụ. Xin cũng nhớ đến các linh mục đang gặp khó khăn trên hành trình ơn gọi cũng như sứ vụ loan báo Tin Mừng.

Hôm nay, Giáo Hội cũng mời gọi con cái mình hãy đóng góp phần mình vào trong việc vun trồng ơn gọi bằng cách khuyến khích con em mình tiến bước trên hành trình dâng hiến; sẵn sàng hy sinh dâng con cho Chúa, đồng thời quảng đại giúp đỡ các Chủng Viện, Dòng Tu trong khả năng của mình, để góp phần vào việc đào tạo ơn gọi linh mục, tu sĩ cho Chúa và cho Giáo Hội.

Lạy Chúa Giêsu mục tử tối cao, chúng con tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo Hội những mục tử, tài đức, khôn ngoan, thánh thiện và đạo hạnh. Xin Chúa tiếp tục thánh hóa các ngài, để các ngài trở nên những mục tử như lòng Chúa ước mong. Xin Chúa cũng đón nhận sự chân thành, cộng tác của mỗi người chúng con trong việc bảo vệ, cổ võ và vun trồng ơn Thiên Triệu. Amen.

Chúa nhật thứ tư mùa phục sinh
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 10, 11-18).
 
Khi ấy, Chúa Giêsu phán: “Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên. Kẻ làm thuê không phải là chủ chiên, và các chiên không phải là của người ấy, nên khi thấy sói đến, nó bỏ chiên mà trốn. Sói sẽ bắt chiên và làm chúng tản mát. Kẻ chăn thuê chạy trốn, vì là đứa chăn thuê, và chẳng tha thiết gì đến đàn chiên. Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta. Cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha, và Ta thí mạng sống vì đàn chiên. Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn; chúng sẽ nghe tiếng Ta. Và sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên. Vì lẽ này mà Cha yêu mến Ta, là Ta thí mạng sống để rồi lấy lại. Không ai cất mạng sống khỏi Ta, nhưng tự Ta, Ta thí mạng sống. Ta có quyền thí mạng sống và cũng có quyền lấy lại. Ðó là mệnh lệnh Ta đã nhận nơi Cha Ta”.
 
Suy niệm
 
Hàng năm, Chúa nhật thứ tư mùa phục sinh được dành riêng để cầu nguyện cho ơn gọi thiên triệu nói riêng là các Linh mục và các Tu sĩ Nam Nữ nói chung. Có thể nói đây là một ngày cầu nguyện đặc biệt cho việc truyền giáo khởi đi từ những người sống ơn gọi thánh hiến, bởi công việc của họ mỗi ngày là phục vụ tha nhân, phục vụ các linh hồn và hiến mạng sống cho mọi người. Hình ảnh người mục tử dẫn đoàn chiên ra đồng cỏ xanh tươi hay tới dòng suối trong lành, là hình ảnh gợi nhắc về một đời dâng hiến để phục vụ và hy sinh. Tất cả khởi đi từ cuộc đời dâng hiến và phục vụ của Đức Giêsu Kitô, người mục tử nhân lành.
 
Trở lại với bài đọc 1 trong sách Tông Đồ Công Vụ, tác giả tường thuật lại những bài giáo lý của các Tông đồ, khi các ngài dẫn cộng đoàn trở lại với cuộc đời của Đấng Cứu Thế. Nhập thể trong thân phận một con người, Đức Giêsu đã hy sinh tất cả, chấp nhận tất cả, chấp nhận luôn những giới hạn của phận người, chấp nhận luôn cả những khiếm khuyết trong cuộc sống. Thánh Phêrô đã giới thiệu cho cộng đoàn hình ảnh người mục tử nhân lành là Đức Giêsu đã sống cho đoàn chiên như thế nào: “Chính nhờ danh Ðức Giêsu Kitô Nadarét, Chúa chúng ta, Người mà chư vị đã đóng đinh, và Thiên Chúa đã cho từ cõi chết sống lại, chính nhờ danh Người mà anh này được lành mạnh như chư vị thấy đây. Chính người là viên đá đã bị chư vị là thợ xây loại ra, đã trở thành viên Ðá Góc tường; và ơn cứu độ không gặp được ở nơi một ai khác”. Chấp nhận trở nên một hòn đá góc trong sự khiêm hạ, Đức Giêsu đã trở nên điểm tựa cho cuộc đời của bao người, tất cả đến từ tinh thần phục vụ và hiến dâng mạng sống. Một sự khiêm hạ mà con người đã loại trừ, đã chối bỏ, đã trở thành phương tiện cứu độ cho bao người. Tất cả đến từ tâm tình của người mục tử đã hy sinh tất cả cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào.
 
Sự hy sinh của người mục tử cho đoàn chiên không thể quan sát bằng con mắt bình thường, nhưng tất cả đến từ trái tim. Thánh Gioan Tông đồ đã đi bước trước trong mối tình muôn thưở đó khi ngài nhắc gởi con cái, hãy dùng trái tim và tình mến, tất sẽ hiểu được phần nào chiều sâu nội tâm của tình yêu tự hiến nơi người mục tử dành cho đoàn chiên: “Các con thân mến, các con hãy coi: tình yêu của Chúa Cha đối với chúng ta thế nào, khiến chúng ta được gọi là con cái Thiên Chúa, và sự thật là thế. Vì đó mà thế gian không nhận biết chúng ta, vì thế gian không biết Người. Các con thân mến, hiện nay, chúng ta là con cái Thiên Chúa, còn chúng ta sẽ ra sao thì vẫn chưa được tỏ ra. Chúng ta biết rằng: khi được tỏ ra, thì chúng ta sẽ giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy”. Đức Giêsu đã dùng hình ảnh người mục tử đồng hành với đoàn chiên của mình như thế nào, để diễn đạt phần nào tình yêu Chúa Cha dành cho nhân loại. Người mục tử đích thực sẽ ở bên cạnh chiên mình khi gặp sói dữ hay gặp điều chẳng may, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chiên của mình. Tình yêu đích thực đó trở nên sống động và rõ nét hơn khi người Con duy nhất của Chúa Cha đi vào lịch sử nhân loại để thực hiện lời hứa cứu độ của Chúa Cha.
 
Hình ảnh người mục tử dẫn đoàn chiên của mình đi ra đồng cỏ để chúng có cái ăn hay tới dòng suối để chúng có cái uống quả là một hình ảnh rất đẹp mà Đức Giêsu đã dùng, tất cả để diễn tả tình yêu thương Thiên Chúa dành cho con người, khi Ngài chăm sóc họ cách ân cần và dịu dàng. Không dừng lại nơi sự ân cần đó, Đức Giêsu còn bày tỏ tương quan giữa người mục tử và chiên của mình qua những cái ‘Biết’ rất ấm áp: “Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta. Cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha, và Ta thí mạng sống vì đàn chiên. Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn; chúng sẽ nghe tiếng Ta. Và sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên”. Có những người mục tử chỉ làm hết giờ nhưng chưa hết việc, và nếu có hết việc cũng chưa hết tâm, có hết tâm cũng chưa hết tình, bởi họ chỉ là những người chăn thuê, người làm công, còn người mục tử đích thực sẽ bảo vệ đoàn chiên, sẽ chăm sóc chu đáo và sẽ yêu thương từng con chiên một trong đoàn chiên của mình: “Khi ấy, Chúa Giêsu phán: “Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên. Kẻ làm thuê không phải là chủ chiên, và các chiên không phải là của người ấy, nên khi thấy sói đến, nó bỏ chiên mà trốn. Sói sẽ bắt chiên và làm chúng tản mát. Kẻ chăn thuê chạy trốn, vì là đứa chăn thuê, và chẳng tha thiết gì đến đàn chiên”. Từ đây, chúng ta có thể hiểu được phần nào cái ‘biết’ của Đức Giêsu dành cho mỗi con chiên. Động từ biết ở đây không dừng lại những cái biết bên ngoài, biết về hình dáng, biết về màu sắc, biết về nguồn gốc, nhưng cái biết đây là biết tâm tính, biết sức khỏe, biết hoàn cảnh từng con chiên trong đoàn chiên. Quả là một cái biết đầy năng lượng của tình yêu.
 
Trước khi về trời, Đức Giêsu mong ước những người mục tử hãy họa lại cái biết của Ngài khi thực hiện vai trò của người mục tử. là Linh mục hay là vị chủ chăn nào, trong trái tim của họ là nơi dành cho đoàn chiên và mỗi con chiên, đó là cái biết của người mục tử nhân lành. Biết để chăm sóc, biết để đồng hành và biết để cảm thông, biết để sống tình liên đới và biết để chia sẻ trong mọi hoàn cảnh. Hình ảnh người mục tử đây không giới hạn nơi các Linh mục và các vị chủ chăn khác như bấy lâu vẫn quan niệm, nhưng tâm tình người mục tử này còn được họa lại nơi các gia đình, các cộng đoàn huynh đệ.
 
Người cha, người mẹ trong mỗi gia đình có thực sự biết mỗi đứa con và hết mọi đứa con trong tổ ấm của mình không? Hay chỉ dừng lại theo quan niệm chúng chỉ là những đứa trẻ chưa hiểu biết gì, nên thiếu sự chăm sóc, thiếu sự quan tâm, thiếu sự đồng hành và thiếu luôn sự hy sinh cho con cái mình. Ngược lại, những người con trong các gia đình đã thực sự sống cái ‘biết’ đối với cha mẹ mình chưa, hay chỉ dừng lại với suy nghĩ, họ là cha mẹ, phải chăm sóc, nuôi dưỡng và dạy dỗ chúng tôi. Nếu là vậy, điều tất nhiên chỉ là những cái biết bên ngoài, cái biết của hình thức và cái biết của giả tạo. người chồng, người vợ trong các tổ ấm cũng không ngoài quỹ đạo tình yêu đó, chấp nhận nhau là một nửa của mình, người chồng có sống được cái ‘biết’ thực sự đối với người bạn đời của mình không? Có thực sự cảm thông với phận người phụ nữ, phận làm vợ, làm mẹ vất vả như thế nào, để chia sẻ, để yêu thương và để nâng đỡ trong mọi công việc, mọi bổn phận và trách vụ. Với người vợ cũng thế, có để tâm sống cái ‘biết’ dành cho người chồng chưa? Hay chỉ biến người bạn ấy là một cỗ máy kiếm tiền và đáp ứng mọi nhu cầu trong sinh hoạt của mình.
 
Đời phục vụ nơi các cộng đoàn huynh đệ cũng phản ánh phần nào cái ‘biết’ của người mục tử đích thực. Biết mỗi thành viên, biết mọi thành viên, biết những khác biệt và tâm tính của nhau để giúp nhau, để nâng đỡ và để cảm thông, hay biết để chì chiết nhau, biết để dìm nhau trong mọi sinh hoạt của đời dâng hiến. Có nỗi đau nào khi cùng song hành trên một con đường mà thiếu cái biết của người mục tử như Thầy Chí Thánh là Đức Giêsu, và như thế, vô tình để lại những vết thương lòng cho tha nhân, cho những người cùng chí hướng, cùng chung một ơn gọi của tình yêu tự hiến. Và ơn gọi nào, môi trường nào cũng cần có một cái biết của người đã hy sinh cho  đoàn chiên, đã sống hết tình, hết mình cho đoàn chiên mình yêu thương.
 
Lạy Chúa Giêsu, vị mục tử nhân lành, Chúa đã yêu thương đoàn chiên và đã hy sinh tất cả cho đoàn chiên của mình, xin giúp mỗi người chúng con, trong bất cứ ơn gọi nào, luôn cố gắng sống tâm tình hy sinh và yêu thương đoàn chiên như Chúa đã yêu. Chúa biết rõ mỗi con chiên và cả đoàn chiên, xin giúp chúng con họa lại tâm tình đó trong gia đình chúng con, trong cộng đoàn huynh đệ, trong gia đình xứ đạo và trong đời phục vụ của mỗi người, để chúng con trở nên những người mục tử như lòng Chúa mong muốn. Amen.

Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh


NHẬN DIỆN MỤC TỬ VÀ NGƯỜI CHĂN THUÊ

Hằng năm cứ đến ngày Lễ Chúa Chiên Lành (Chúa Nhật IV Phục Sinh), cả Giáo Hội hướng đến việc cổ võ ơn thiên triệu trong bậc tu trì nói chung và cách riêng ơn gọi làm linh mục. Có thể luận suy rằng khi người ta yêu sách phẩm hạnh cần có của một bậc sống thì mặc nhiên người ta khẳng định sự cao quý và cần thiết của bậc sống ấy.

Một sự thật dễ thấy, đó là khi đề cập đến mặt tích cực và khi đó là một trong những nhân đức hay lý tưởng thì người ta dễ đón nhận và cũng dễ tự bằng lòng khi thấy mình chưa đạt đến. Một trong những luận lý để tự châm chước đó là phận người còn nhiều hạn chế, thiếu sót vì như lời người xưa: “nhân vô thập toàn”. Trái lại khi nói đến điều tiêu cực, hay mặt trái của vấn đề thì người ta khó đón nhận, vì ai ai cũng vấn vương chút sĩ diện, chút tự ái nào đó. Dù vậy, qua những lời của chính Chúa Kitô, chúng ta cũng cần xem xét đôi điều để phân biệt mục tử với người chăn thuê.

Đã nói là phân biệt hai thực thể nào đó thì chắc chắn giữa chúng phải có nét tương đồng khiến người ta dễ lầm lẫn. Vì thế, trước hết chúng ta cùng xem xét một vài nét xem ra tương đồng giữa người chăn thuê và vị mục tử:

1. Qua cửa ràn chiên: Cả hai, vị mục tử và kẻ chăn thuê đều đường đường chính chính qua cửa ràn chiên mà vào và ra chứ không leo tường hay chui rào. Có thể nói rằng dù được tấn phong giám mục thành sự, được truyền chức linh mục thành sự, dù có sắc phong, có văn thư bổ nhiệm hợp pháp…thì cũng chưa hẳn đã là mục tử chính hiệu.

2. Biết chiên: Dù rằng khó có thể có cái “biết” theo nghĩa Kinh Thánh đó là đồng thân, chung phận, nhưng người chăn thuê cũng biết con chiên một cách nào đó khả dĩ đáng gọi là biết theo nhãn quan nhân loại.

3. Chiên nghe tiếng và đi theo mục tử cũng như kẻ chăn thuê: Ít ai phản đối sự thật này, vì người chăn thuê không phải là người lạ hay là kẻ trộm (x.Ga 10,5;8). Ngoại trừ một số ít chiên “cá biệt” hoặc bị gán nhãn mác là “chống giáo sĩ”, thì có thể nói là đại đa số giáo dân Công giáo, cách riêng giáo dân Công giáo Việt Nam đều ngoan, theo nghĩa là biết vâng nghe lời các đấng bậc.

4. Người chăn thuê và mục tử đều dẫn chiên đến đồng cỏ và nguồn nước: Rất có thể chiên không được hưởng dùng các loại cỏ xanh tươi hay dòng nước mát trong cách tốt nhất, nhưng người chăn thuê vẫn không quên bổn phận cung cấp thức ăn và nước uống cho đàn chiên. Phải chăng đã và đang có đó nhiều vị giảng dạy, cử hành các Bí tích, làm mục vụ… mà còn thiếu tấm lòng mục tử?

Tiếp đến chúng ta cùng nhận diện những điểm khác biệt giữa người chăn thuê và vị mục tử. Đây là nội dung muốn chia sẻ. Hy vọng rằng khi trực kiến với hình ảnh mang tính phản diện thì chúng ta dễ giật mình hơn, không chỉ với những người đang trong phận vụ mục tử mà còn với cả những người trong danh phận con chiên.

1. Làm chỉ vì tiền: Mục đích nhắm của bất cứ người làm thuê nào, nếu thực sự là làm thuê, thì đều vì tiền công. Người chăn thuê cũng có thể có tấm lòng với đàn chiên, nhưng ưu tiên số một vẫn là tiền công, dù là công nhật, công tháng, công năm hoặc hưởng lương theo sản phẩm.

2. Làm hết giờ hơn là làm hết việc: Trong thân phận người làm thuê thì người ta rất mong đến giờ tan sở. Giả như người làm thuê nếu có làm hết việc thì ít khi hết lòng. Nếu người làm thuê làm ăn lương theo sản phẩm thì có đó chuyện làm hết sức, nhưng làm cách công tâm và hết tình thì chưa hẳn có. Trái lại, nếu đúng là mục tử thì có thể nhiều khi làm không hết việc, thậm chí có khi không được việc trước mắt, nhưng luôn thực thi hết lòng.

3. Không quan tâm đến chiên ngoài đàn: Đây là một điều tất yếu đương nhiên. Đã là làm thuê thì ít có ai thích dài tay với những việc xem ra không quá đòi buộc phải làm hoặc có xao nhãng hay không làm cũng chẳng bị trừ lương. Đã là mục tử thì không thể quên lời của Thầy chí thánh, Giêsu: “Ta còn nhiều chiên ở ngoài đàn…”

4. Không bao giờ sẵn sàng hiến dâng mạng sống vì chiên: Cần thú nhận rằng chẳng có ai dại gì tự nguyện bị thiệt thân vì những gì không thuộc về mình. Khi thấy sói đến người chăn thuê sẵn sàng bỏ chiên để giữ lấy mạng sống mình (x.Ga 10,12). Chuyện hiến dâng mạng sống vì chiên xem ra chẳng hề có trong tâm trí của người chăn thuê. Trái lại, đây là điểm không thể thiếu để thẩm định ai mới là mục tử.

Đọc lịch sử Giáo Hội và với chút luận suy thì chúng ta có thể khẳng định rằng đã và có thể đang có đó “kẻ trộm, kẻ cướp” trong vai mục tử. Thế nhưng đó chỉ là số rất nhỏ và rồi đoàn tín hữu cũng có thể dễ dàng phát hiện hạng người đến chỉ nhằm giết hại đàn chiên, hoặc nếu họ có ngụy trang cách khéo léo thì “cây kim lâu ngày trong bọc cũng sẽ lộ ra”. Trái lại sự nhập nhằng đen trắng giữa mục tử với kẻ chăn thuê thì hầu như rất khó nhận diện cả với đàn chiên và có thể với cả các đấng bậc trong vai vị mục tử.

Với bốn điểm đồng và bốn điểm dị, thầm mong khi phân biệt mục tử với người chăn thuê, chúng ta thêm xác tín rằng ngoài việc cần thiết cầu nguyện liên lỉ cho các mục tử trong Giáo Hội, thì đang còn đó nhiều việc đáng làm và nên làm. Cũng hy vọng rằng một số mục tử nào đó trong Giáo Hội, dù chưa hẳn xứng danh mục tử tốt lành nhưng không phải là những người chăn thuê. Và mong sao không hề có những kẻ chăn thuê đang mang danh mục tử.

Dù rằng ngay cả bậc thánh nhân được liệt vào hàng các Thánh mục tử thì không một ai thực sự là mục tử chính danh chính phận. Chỉ một mình Chúa Giêsu mới đích thực là mục tử. Dù là bậc cao trọng và đạo hạnh trong Hội Thánh thì vẫn tồn tại hai tính phần mục tử và chăn thuê nơi các đấng bậc. Mong sao phần tính chăn thuê chỉ là phần chiếm tỷ lệ rất nhỏ nơi con người và đời sống các ngài. Nếu phần tính chăn thuê đang là 30-50% hay quá bán thì quả là đáng quan ngại. Chắc chắn Thiên Chúa không bao giờ muốn đoàn chiên của Người sống và hành xử như “đoàn cừu của Panurge”, mà là như đoàn dân Thiên Chúa trưởng thành, đầy ý thức và tinh thần trách nhiệm, luôn tích cực cộng tác với ơn Chúa để dệt xây những mục tử tốt lành như lòng Chúa ước mong.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây