Chúa Nhật IV Thường Niên - Năm A
Nghe MP3:
Ca nhập lễ
Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng tôi, xin cứu độ chúng tôi, từ khắp muôn dân, xin thu họp chúng tôi về, để chúng tôi được ca tụng thánh danh Chúa, và được vinh dự ngợi khen Chúa.
Dẫn vào Thánh Lễ
Anh chị em thân mến! Bát phúc là khúc mở đầu của bài diễn từ trên núi, diễn từ đầu tiên trong Tin Mừng Mathêu, bài diễn từ nhắm đến sự hoàn thiện mới thay thế cho sự công chính cậy nhờ vào lề luật cũ.
Đây chính là trọng tâm sứ điệp mà Đức Kitô muốn ký thác cho muôn thế hệ Kitô hữu và cho toàn thể nhân loại một “cánh cửa của niềm hy vọng” để qua đó chúng ta tiến bước vào miền hạnh phúc đích thực là Nước Trời.
Bài giảng nhấn mạnh đến bát phúc, nên ta có thể hiểu rằng sứ điệp của Chúa Giêsu được tóm gọn trong 8 mối phúc này và phần thưởng của nó là được hưởng phúc trên quê trời.
Cuộc sống của chúng ta không ngừng hoán cải để sống theo Tin Mừng Tám Môi Phúc Thật, và giờ đây chúng ta cùng thống hối để xứng đáng cử hành Tiệc Thánh.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, xin cho tất cả chúng con biết hết lòng thờ phượng Chúa, và thành tâm yêu mến mọi người. Chúng con cầu xin...
Bài Ðọc I: Xp 2, 3; 3, 12-13
"Ta sẽ để sống sót lại giữa ngươi, một dân tộc khiêm tốn và nghèo hèn".
Trích sách Tiên tri Xôphônia.
Hãy tìm Chúa, hỡi tất cả các người hiền lành trong nước, là những kẻ tuân giữ luật Chúa; hãy tìm công lý, hãy tìm sự khiêm nhường, nếu các ngươi muốn được che chở trong ngày thịnh nộ của Chúa. Ta sẽ để sống sót lại giữa ngươi một dân tộc khiêm tốn và nghèo hèn, biết tin tưởng vào thánh danh Chúa. Kẻ sống sót của Israel sẽ không làm điều bất công, sẽ không nói dối, miệng chúng sẽ không nói lời phỉnh gạt, vì chúng sẽ được chăn dắt và nằm ngủ không bị quấy rầy.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 145, 7. 8-9a. 9bc-10.
Ðáp: Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ (Mt 5,3).
Xướng: Thiên Chúa trả lại quyền lợi cho người bị áp bức, và ban cho những kẻ đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội. Ðáp.
Xướng: Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù, Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục, Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân; Thiên Chúa che chở những khách kiều cư.
Xướng: Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi quả phụ, và làm rối loạn đường nẻo đứa ác nhân. Thiên Chúa sẽ làm vua tới muôn đời. Sion hỡi, Ðức Thiên Chúa của ngươi sẽ làm vua từ đời này sang đời khác.
Bài Ðọc II: 1 Cr 1, 26-31
"Thiên Chúa đã chọn những điều hèn hạ đối với thế gian".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, anh em hãy xem ơn kêu gọi của anh em: Vì (trong anh em) không có mấy người khôn ngoan theo xác thịt, không có mấy người quyền thế, không có mấy người sang trọng. Nhưng điều mà thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để làm cho những người khôn ngoan phải xấu hổ; điều mà thế gian cho là yếu hèn, thì Thiên Chúa đã chọn để làm cho những gì là mạnh mẽ phải hổ ngươi. Thiên Chúa đã chọn những điều hèn hạ đối với thế gian, những điều bị khinh chê, những điều không không, để phá huỷ những điều hiện hữu, hầu mọi xác thịt không thể vinh vang trước mặt Người. Chính do Người mà anh em ở trong Chúa Giêsu Kitô, Ðấng do Thiên Chúa, đã trở nên sự khôn ngoan, sự công chính, sự thánh hoá và sự cứu rỗi cho chúng ta, ngõ hầu, như đã chép: "Ai tự phụ, thì hãy tự phụ trong Chúa".
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Lc 19, 38
Alleluia, alleluia! - Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến, bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 5, 1-12a
"Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng:
"Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Nước làm cơ nghiệp. Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả. Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa. Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời".
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tín hữu
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đi con đường thập giá, con đường của những đòi hỏi, hi sinh, con đường của từ bỏ chính bản thân mình. Đây là con đường duy nhất đem lại bình an và sự sông vĩnh cửu. Vậy chúng ta cùng dâng lời nguyện xin
1. "Họ sẽ được chăn dắt và nằm ngủ không bị quấy rầy”.- Xin cho vị Chủ chăn sống trọn tinh thần bát phúc, để các ngài hướng dẫn đoàn chiên mà các ngài chăn dắt, và là những thành trì kiên vững nâng đỡ tòa nhà Hội Thánh.
2. “Thập Giá là cớ vấp phạm cho người Do Thái, sự điên rồ đối với dân ngoại”.- Xin cho các nhà truyền giáo đang gặp phải những chống đối, biết chấp nhận Thập Giá Chúa như món quà Thiên Chúa trao tặng để làm hành trang về Nhà Cha.
3. “Phúc cho những ai biết xót thương”.- Xin cho các Kitô hữu biết chia niềm đau với những ai bất hạnh, vì chính họ cũng cần được Thiên Chúa xót thương.
4. “Phúc cho những ai xây dựng hòa bình”.- Xin cho mọi người trong giáo xứ chúng ta, biết đem bình an đến cho mọi người, bằng lời thiện chí và cử chỉ thân thiện để đáng được gọi là con Thiên Chúa.
Chủ tế: Lạy Chúa, để sống được Hiến Chương Nước Trời quả thật không dễ với chúng con. Xin cho chúng con luôn nhận ra rằng đây là con đường chắc chắn nhất đem lại bình an, và là con đường duy nhất đưa chúng con đến sự sống vĩnh cửu, để chúng con nỗ lực thực thi trong tâm tình yêu mến. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, chúng con xin kính cẩn dâng những lễ vật này lên bàn thờ Chúa để tỏ lòng thần phục suy tôn; cúi xin Chúa nhân từ chấp nhận và làm cho trở thành bí tích đem lại ơn cứu chuộc muôn đời. Chúng con cầu xin...
Ca hiệp lễ
Xin cho tôi tớ Chúa được thấy long nhan dịu hiền, xin cứu độ tôi theo lượng từ bi của Chúa. Lạy Chúa, xin đừng để tôi phải hổ ngươi vì đã kêu cầu Chúa.
Hoặc đọc:
Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì nước trời là của họ. Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Nước làm cơ nghiệp.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa đã lấy lương thực cứu độ để nuôi dưỡng chúng con; xin Chúa dùng sức mạnh dồi dào của bí tích này làm cho đức tin chân chính được tiến triển luôn mãi. Chúng con cầu xin...
Lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giê-su trong Đền Thánh (02/02)
Bài Đọc : Ml 3, 1-4
Lời Chúa trong Sách tiên tri Ma-la-khi
Này đây Chúa là Thiên Chúa phán: "Ðây Ta sai thiên thần Ta đi dọn đường trước mặt Ta!" Lập tức Ðấng Thống Trị mà các ngươi tìm kiếm, và thiên thần giao ước mà các ngươi mong ước, đến trong đền thánh Người. Chúa các đạo binh phán: "Này đây Người đến". Ai có thể suy tưởng đến ngày Người đến, và có thể đứng vững để trông nhìn Người? Vì Người sẽ như lửa thiêu đốt, như thuốc giặt của thợ giặt. Người sẽ ngồi như thợ đúc và thợ lọc bạc, Người sẽ thanh tẩy con cái Lêvi, và làm cho chúng nên sạch như vàng bạc. Chúng sẽ hiến dâng lễ tế cho Chúa trong công bình. Lễ tế của Giuđa và Giêrusalem sẽ đẹp lòng Chúa, như ngày xưa và như những năm trước. Ðó là lời Chúa toàn năng phán.
Hay Dt 2, 14-18
Lời Chúa trong thư gửi tín hữu Do Thái
Vì các con trẻ cùng chung thân phận máu thịt, chính Chúa Giêsu cũng giống như chúng, cũng thông phần điều đó, để nhờ cái chết của Người mà Người huỷ diệt kẻ thống trị sự chết là ma quỷ, và để giải thoát tất cả những kẻ sợ chết mà làm nô lệ suốt đời. Vì chưng Người không đến cứu giúp các thiên thần, nhưng đến cứu giúp con cái Abraham. Bởi thế, Người nên giống anh em Mình mọi đàng, ngõ hầu trong khi phụng sự Chúa, Người trở thành đại giáo trưởng nhân lành và trung tín với Chúa, để đền tội cho dân. Quả thật, bởi chính Người đã chịu khổ hình và chịu thử thách, nên Người có thể cứu giúp những ai sống trong thử thách.
Bài Tin Mừng: Lc 2, 22-40
Tin mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca
Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Lề luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa". Và cũng để dâng lễ vật cho Chúa, như có nói trong Luật Chúa, là một đôi chim gáy, hay một cặp bồ câu con.
Và đây ở Giêrusalem, có một người tên là Simêon, là người công chính, kính sợ Thiên Chúa, và đang đợi chờ niềm ủi an của Israel. Thánh Thần cũng ở trong ông. Ông đã được Thánh Thần trả lời rằng: Ông sẽ không chết, trước khi thấy Ðấng Kitô của Chúa. Ðược Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ ngay lúc cha mẹ trẻ Giêsu đưa Người đến để thi hành cho Người những tục lệ của Lề luật. Ông bồng Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:
"Lạy Chúa, giờ đây, Chúa để cho tôi tớ Chúa ra đi bình an theo như lời Chúa đã phán: vì chính mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là Ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa".
[ Cha mẹ Người đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà và nói với Maria mẹ Người rằng: "Ðây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ!"
Lúc ấy, cũng có bà tiên tri Anna, con ông Phanuel, thuộc chi họ Asê, đã cao niên. Mãn thời trinh nữ, bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi thủ tiết cho đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa. Chính giờ ấy, bà cũng đến, bà liền chúc tụng Chúa, và nói về trẻ Giêsu cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel.
Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo Luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành mình là Nadarét. Và con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người. ]
Suy Niệm (Linh Mục Giuse Đinh Tất Quý)
(Trích trong TGP Saigon.net)
"Mọi con trai đầu lòng
phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa."
(Lc 2,23)
Câu chuyện chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng hôm nay là một trong những câu chuyện rất đẹp về cuộc đời thơ ấu của Chúa Giêsu Kitô. Qua câu chuyện này, một lần nữa, chúng ta lại có dịp hiểu thêm về một vài khía cạnh đặc biệt trong cuộc đời của Ngài.
1. Qua câu chuyện hôm nay rõ ràng chúng ta thấy Chúa Giêsu muốn được trở nên một con người hoàn toàn giống chúng ta. Trong thư gửi Tín hữu Do Thái, Thánh Phaolô đã viết rất hay về vấn đề này. Ngài viết như sau: "Vì những kẻ được Người giúp đỡ không phải là các Thiên Thần, nhưng là con cháu Apraham. Bởi thế Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện để trở thành một vị Thương Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa để đền tội cho dân." (Dt 2,16-17)
Chúng ta khó có thể tìm thấy một diễn tả nào về Chúa Giêsu-làm-người hay hơn thế.
Như anh chị em đã biết Chúa đến với loài người chúng ta là để cứu chuộc con người chúng ta. Chúa đã không muốn thực hiện công việc cứu chuộc này từ xa. Để làm công việc này, Chúa đã làm người. Thánh Gioan đã viết: "Ngài đã hóa thành nhục thể và cư ngụ giữa chúng ta." (Ga 1,14)
Một Thiên Chúa cao cả, linh thiêng, đã nhận lấy một thân xác như mọi người chúng ta. Nguyên việc này thôi thì tôi tưởng cũng đã là một việc kỳ diệu rồi. Thế nhưng Chúa chưa muốn dừng lại ở đó. Nhận lấy một thân xác để được ở giữa loài người như một người, Chúa Giêsu vẫn chưa lấy làm đủ. Người còn muốn đi xa hơn như lời Thánh Phaolô nói, Người muốn trở nên giống mọi người trong mọi sự... "chỉ trừ tội lỗi."
Bài Tin Mừng hôm nay nói Chúa Giêsu được dâng tiến lên Thiên Chúa theo luật của Môise. Thực ra thì việc này là bổn phận của Đức Maria và thánh Giuse. Theo nghĩa vụ thì Thánh Giuse và Đức Mẹ phải làm như thế. Theo luật Môise cũng là tục lệ của người Do thái, thì những người con trai được sinh ra, nhất là con đầu lòng, sau 40 ngày, phải đưa đến Đền thờ, trước là dâng con cho Chúa, sau là bà mẹ phải làm lễ tẩy uế: Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môisê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa (Lc 2,22). Dù Đức Maria và thánh Giuse biết rằng trẻ Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng các ngài cũng vẫn chu toàn mọi lề luật: Như đã chép trong Lề luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa" (Lc 2,23). Dâng con trong đền thờ là để thánh hiến người con cho Thiên Chúa và cha mẹ có thể chuộc lại bằng cách dâng cúng của lễ như luật định.
2. Bên cạnh đó bài Tin Mừng hôm nay còn cho chúng thấy những bài học khác cũng không kém quan trọng. Tôi muốn nói đến sự vâng phục và lòng khiêm nhường, đặc biệt của Đức Maria.
Sự vâng phục thánh ý Chúa là một trong nét đẹp trong đời sống của Đức Maria và Thánh Giuse. Các Ngài đã thể hiện sự vâng phục này ngay từ khi các ngài được Chúa trao cho trách nhiệm cộng tác với Thiên Chúa trong việc thực hiện công cuộc cứu chuộc loài người. Thánh Giuse đã vâng phục thế nào thì mọi người chúng ta đã biết.
Còn với Đức mẹ Maria thì chúng ta thấy: Mẹ Maria đẹp đẽ hơn mặt trời, trong sáng hơn mặt trăng và rực rỡ hơn rạng đông, nhưng Mẹ đã tuân hành giữ luật của Thiên Chúa một cách thật hoàn hảo. Mẹ giữ luật vì lòng yêu mến Thiên Chúa. Mẹ đã lên đền làm lễ dâng con và thanh tẩy. Thánh Phanxicô Salêsiô nói: "Rất Thánh Trinh Nữ tự ý tuân giữ luật thanh tẩy vì Mẹ yêu mến và kính trọng Thiên Chúa. Mẹ hay Con Mẹ không buộc phải vâng phục, nhưng vì tình mến làm cho Mẹ tuân giữ. Mẹ tuân giữ luật để làm gương cho những người khác".
Thêm vào đó chúng ta còn thấy được nơi Đức Mẹ một tấm gương khác về lòng khiêm tốn
Chúng ta biết, dù được mọi đặc ân vượt mức trên mọi thụ tạo, Mẹ Maria vẫn hạ mình thẳm sâu dưới mọi tạo vật: Mẹ xao xuyến bối rối trước lời chào tán tụng của Thiên sứ Gabriel (Lc 1,29), và nhận mình là phận nữ tỳ thấp hèn của Chúa (Lc 1,48). Cả cuộc sống Mẹ Maria được dệt bằng đức khiêm tốn, nhất là từ ngày thiên sứ truyền tin qua ngày Mẹ thăm viếng thánh Elizabeth tới ngày Mẹ dâng Con trong đền thờ. Thánh Phanxicô Salesiô nói: "Cao sâu biết bao sự khiêm tốn mà Chúa chúng ta và Mẹ Maria đã thi hành khi lên đền thờ: Chúa đến đền thờ để được hiến dâng như tất cả các con trẻ của những người tội lỗi. Mẹ Maria đến để làm lễ thanh tẩy như tất cả các bà mẹ phàm trần. Cần gì mà Mẹ phải thanh tẩy, vì Mẹ đã không bị ô nhiễm do đặc ân tuyệt diệu từ lúc đầu thai mà các thần Cherubim và các Seraphim không tài nào sánh ví". Vậy mà Chúa Giêsu và Đức Mẹ vẫn làm như thế.
Mẹ đã làm thế bởi vì Mẹ thực sự nhận biết được Thiên Chúa là Đấng cao cả và biết mình chỉ là một thụ tạo thấp hèn.
Chúng ta hãy tập sống khiêm tốn như Đức Mẹ để được luôn xứng đáng với tình thương của Chúa.
Đức cố Giáo Hoàng Gio-an 23 kể lại một kinh nghiệm độc đáo của đời mình như sau: “Lúc tôi mới được bầu làm Giáo Hoàng để lãnh đạo Giáo Hội hoàn vũ, tôi rất lo lắng và sợ hãi trước một trách nhiệm quá lớn lao và nặng nề. Nhưng một đêm kia, trong giấc ngủ chập chờn không yên, tôi nghe có một tiếng nói phán bảo tôi: “Kìa Gio-an, đừng tự xem mình là quan trọng!”
Tôi choàng tỉnh dậy, ngẫm nghĩ thấm thía về ý nghĩa giấc chiêm bao. Và kể từ dạo ấy, tôi đã cố gắng áp dụng câu nói này trong đời tôi, trong mọi công việc của Giáo Hội mà tôi phải giải quyết mỗi ngày. Đừng tự xem mình là quan trọng! Và thật sự, tôi đã ăn ngon ngủ yên như trước khi được chọn làm Giáo Hoàng!
Khiêm nhường là một đức tính được Thiên Chúa yêu mến. Khác hẳn với tính tự cao, tự đại có thể được so sánh với những ngọn núi, triền đồi. Đức khiêm nhường giúp chúng ta đào sâu những trũng thấp, để đón nhận được những Hồng Ân của Thiên Chúa đã không dừng lại trên đỉnh núi hay triền đồi, những chảy tràn xuống và đọng lại chan chứa ở những nơi thấp nhất dưới chân đồi...
Có người hỏi Thánh Phanxicô thành Assidi (1182-1226) tại sao và bằng cách nào ngài làm được nhiều sự trọng đại, Ngài vui vẻ trả lời:
- Cũng dễ thôi, Chúa từ trời cao nhìn xuống và nói: “Ta kiếm đâu được một người yếu đuối nhất, bé mọn nhất, vô nghĩa nhất ở trần gian này!”
Ngài nhìn thấy tôi, Ngài nói:
- Đây là người Ta tìm được và Ta muốn hành động qua người này. Người ấy sẽ thấy rằng Ta dùng nó chỉ vì nó là con người hèn mọn nhất, khiêm hạ nhất.
Lạy Mẹ Maria đầy lòng khiêm nhu, xin uốn lòng mỗi người chúng con nên giống Mẹ. Amen.
Chúa nhật IV Thường niên – năm A
Lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong đền thánh
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 2, 22-32)
Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Lề luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa”. Và cũng để dâng lễ vật cho Chúa, như có nói trong Luật Chúa, là một đôi chim gáy, hay một cặp bồ câu con.
Và đây ở Giêrusalem, có một người tên là Simêon, là người công chính, kính sợ Thiên Chúa, và đang đợi chờ niềm ủi an của Israel. Thánh Thần cũng ở trong ông. Ông đã được Thánh Thần trả lời rằng: Ông sẽ không chết, trước khi thấy Đấng Kitô của Chúa. Được Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ ngay lúc cha mẹ trẻ Giêsu đưa Người đến để thi hành cho Người những tục lệ của Lề luật. Ông bồng Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: “Lạy Chúa, giờ đây, Chúa để cho tôi tớ Chúa ra đi bình an theo như lời Chúa đã phán: vì chính mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là Ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa”.
Cha mẹ Người đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà và nói với Maria mẹ Người rằng: “Đây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ!”
Lúc ấy, cũng có bà tiên tri Anna, con ông Phanuel, thuộc chi họ Asê, đã cao niên. Mãn thời trinh nữ, bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi thủ tiết cho đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa. Chính giờ ấy, bà cũng đến, bà liền chúc tụng Chúa, và nói về trẻ Giêsu cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel.
Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo Luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành mình là Nadarét. Và con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người.
Suy niệm
Hôm nay, Chúa nhật thứ 4 mùa thường niên trở về, nhưng Mẹ Giáo hội cho phép chúng ta mừng lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong đền thánh, như là một nghi thức của lề luật Mosê nhắc nhở cho cộng đoàn về những việc Giavê đã thực hiện trong hành trình yêu thương của Ngài. Đây là một nghi thức được mọi người Do-thái cử hành tại đền thờ nói lên tâm tình tri ân của dân chúng đối với Giavê, khi Ngài giải cứu họ khỏi bàn tay thống trị của dân Ai-cập, và cũng là tâm tình biết ơn và tuỳ thuộc của mỗi gia đình, khi dâng người con trai đầu lòng của họ cho Thiên Chúa.
Câu chuyện khởi đi từ biến cố vượt qua tại đất Ai-cập, sứ thần Thiên Chúa tiêu diệt những đứa con đầu lòng của người Ai-cập, loài vật cũng như loài người, nhưng với người Do-thái, họ được che chở, được bảo bọc. Từ đó, họ luôn biết ơn Thiên Chúa đã cứu thoát họ, cứu thoát con cái đầu lòng của họ, vì vậy, gia đình nào cũng dâng đứa con đầu lòng cho Thiên Chúa, và chuộc lại bằng những lễ vật theo lề luật quy định. Hình ảnh người con đầu lòng được cứu thoát như là hình ảnh của dân tộc Do-thái, đứa con đầu lòng của Thiên Chúa, được giải thoát khỏi ách nô lệ Ai-cập. Câu chuyện vượt qua đó được Ngôn sứ Malakhi gợi nhắc trong cuốn sách của Ngài: “Này đây Chúa là Thiên Chúa phán: “Đây Ta sai thiên thần Ta đi dọn đường trước mặt Ta!” Lập tức Đấng Thống Trị mà các ngươi tìm kiếm, và thiên thần giao ước mà các ngươi mong ước, đến trong đền thánh Người”. Biến cố vượt qua đó được nhắc đi nhắc lại trong mọi sinh hoạt của người Do-thái, đặc biệt trong đời sống phụng tự. Bên cạnh lòng biết ơn của dân chúng, Ngôn sứ còn nhắc cho họ luôn biết dâng lên Thiên Chúa của lễ như là lòng biết ơn, như là tâm tình ước mong được Thiên Chúa yêu thương, bảo vệ mỗi ngày trong cuộc đời: “Chúng sẽ hiến dâng lễ tế cho Chúa trong công bình. Lễ tế của Giuđa và Giêrusalem sẽ đẹp lòng Chúa, như ngày xưa và như những năm trước. Đó là lời Chúa toàn năng phán”. Chính nơi đền thờ này, Thiên Chúa giới thiệu người con của Ngài cho nhân loại, người con đó được gọi là Đấng cứu độ trần gian, là Con Chiên Thiên Chúa.
Người con đó được coi như người anh cả, đến đưa đàn em trở về với gia đình của mình. Lời tác giả thư gởi tín hữu Do-thái đã mô tả hình ảnh người con Thiên Chúa đến với gia đình nhân loại, hầu đưa mọi người đi vào chương trình mới của Chúa Cha: “Vì chưng Người không đến cứu giúp các thiên thần, nhưng đến cứu giúp con cái Abraham. Bởi thế, Người nên giống anh em mình mọi đàng, ngõ hầu trong khi phụng sự Chúa, Người trở thành đại giáo trưởng nhân lành và trung tín với Chúa, để đền tội cho dân. Quả thật, bởi chính Người đã chịu khổ hình và chịu thử thách, nên Người có thể cứu giúp những ai sống trong thử thách”. Người con đó còn là Đấng cứu giúp những ai đang gặp những khó khăn, thử thách trong đời sống tâm linh, Ngài sẽ hướng dẫn họ trên hành trình mới với bàn tay che chở và tình thương của Thiên Chúa.
Bước vào lịch sử nhân loại, Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, chấp nhận mọi lề luật của truyền thống, từ việc chịu phép thanh tẩy, chấp nhận để cha mẹ đưa tới đền thờ dâng cho Giavê như một của lễ đầu mùa nơi gia đình, trở về gia đình, sống và học làm người như bao người con khác. Được dâng cho Giavê theo tục lệ, và cũng là một dịp để được giới thiệu với muôn dân về sự hiện diện của Con Thiên Chúa trong thế giới. Ngài đến như Con Chiên hiền lành để gánh tội trần gian. Sự xuất hiện của Ngài như mà một niềm an ủi và là một niềm hạnh phúc cho những ai bấy lâu trông chờ Đấng Cứu Thế: “Và đây ở Giêrusalem, có một người tên là Simêon, là người công chính, kính sợ Thiên Chúa, và đang đợi chờ niềm ủi an của Israel. Thánh Thần cũng ở trong ông. Ông đã được Thánh Thần trả lời rằng: Ông sẽ không chết, trước khi thấy Đấng Kitô của Chúa. Được Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ ngay lúc cha mẹ trẻ Giêsu đưa Người đến để thi hành cho Người những tục lệ của Lề luật. Ông bồng Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: “Lạy Chúa, giờ đây, Chúa để cho tôi tớ Chúa ra đi bình an theo như lời Chúa đã phán: vì chính mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là Ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa”.
Đây còn là dịp để những người phụ nữ sau khi sinh sẽ được thanh tẩy khỏi sự ô uế theo luật. Họ được dâng lễ vật, được công nhận là người thanh sạch. Đức Maria, dù là Mẹ Đấng Cứu Thế, nhưng vẫn chấp nhận mọi tục lệ đó, như là một thành viên trong cộng đoàn dân riêng của Thiên Chúa. Sự hiện diện của người Con, sự thanh tẩy của người Mẹ, như là lời giới thiệu cho nhân loại, Thiên Chúa chấp nhận những giới hạn của con người, chấp nhận cả những luật lệ, giúp con người tránh bớt những sự ô uế đến từ dân ngoại và các thần ngoại bang. Tất cả cũng là lời giới thiệu, từ nay, Đức Giêsu là Đấng muôn dân mong đợi, đang hiện diện giữa họ, Ngài sẽ đem tới cho họ sức sống mới, niềm vui mới và hạnh phúc mới. Và đó cũng là những bài học của sự khiêm tốn. Thiên Chúa chấp nhận những giới hạn của con người và dùng cả ngôn ngữ của con người để diễn đạt một tình yêu sâu thẳm, một tình yêu tự hiến và cũng là một tình yêu không điều kiện, không vụ lợi.
Thiên Chúa đã cúi xuống với con người, đi vào lịch sử của con người và sống bên cạnh con người, lễ Đức Mẹ dâng mình cũng là dịp nhắc lại lời hứa của đời sống dâng hiến. Từ nay con thuộc về Chúa, sẽ sống cho Chúa và phục vụ các linh hồn, phục vụ những anh chị em bất hạnh. Lời mời là vậy, hành trang là thế và hành trình không thiếu những thăng trầm đang ở phía trước, mỗi người với ơn gọi của bản thân, chúng ta sẽ đáp lại lời mời ra sao, sẽ lên đường với hành trang của Thiên Chúa hay của thế gian, sẽ phục vụ vì phần rỗi các linh hồn hay phục vụ vì danh, vì lợi, vì bản thân. Con Thiên Chúa vẫn ở lại giữa nhân loại trong mọi biến cố cuộc đời, làm sao mỗi người nhận ra sự hiện diện đó để cộng tác, để đồng hành và để phục vụ Ngài, một hành động đòi hỏi sự quyết liệt của niềm tin và sự quảng đại của lòng mến nơi mỗi tín hữu Kitô.
Lạy Chúa Giêsu, bước vào trần gian với chương trình cứu độ nhân loại của Chúa Cha, Ngài đã chấp nhận mọi luật lệ của con người, trong đó có cả những giới hạn, những mong manh của phận người, quả là một sự khiêm hạ trong đời phục vụ, xin cho mỗi người chúng con học được tâm tình khiêm hạ từ nơi Đấng đang phục vụ chúng con, để mỗi người khi được phục vụ Thiên Chúa và tha nhân, biết đặt trọn tâm hồn, trái tim và vòng tay yêu thương vào đó, hầu mỗi việc làm, lời nói và thái độ sống, là hoạ lại từng việc làm và tâm tình của Đấng Cứu Độ. Xin cho trái tim chúng con cùng chung nhịp đập với trái tim Chúa, để tình yêu và niềm vui phục vụ mãi là sức sống và cùng đích cuộc đời của người môn đệ chân chính. Amen.
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh