Chúa Nhật IV Thường Niên –Năm B
Mc 1,21-28
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật IV Thường Niên –Năm B
Ca nhập lễ
Lạy Chúa, xin cho tất cả chúng con biết hết lòng thờ phượng Chúa, và thành tâm yêu mến mọi người. Chúng con cầu xin…
Dẫn vào Thánh Lễ
Anh chị em thân mến! Bài sách Đệ Nhị Luật hôm nay cho chúng ta thấy việc giáo huấn dân là cần thiết, và chính Thiên Chúa sẽ dùng những người đại diện Ngài để nói Lời của Ngài: “Ta sẽ đặt lời Ta vào miệng người”. Trong bài đọc hai Thánh Phao-lô cũng khuyên nhủ những người có nhiệm vụ rao giảng, đừng để mình bận tâm với những việc trần thế, nhưng hãy trở nên những dụng cụ thiết yếu cho việc tông đồ. Bài Tin Mừng cho ta thấy Chúa Giê-su đã làm những phép lạ, và lời rao giảng của Người đầy uy quyền, đến nỗi ma quỉ cũng phải câm miệng. Trong tâm tình của những người loan báo Tin Vui, chúng ta hãy tham dự Thánh Lễ với lòng biết ơn và thống hối.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, xin cho tất cả chúng con biết hết lòng thờ phượng Chúa, và thành tâm yêu mến mọi người. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: Ðnl 18, 15-20
“Ta sẽ gầy dựng một tiên tri và Ta sẽ đặt lời Ta vào miệng người”.
Trích sách Ðệ Nhị Luật.
Mô-sê nói với dân chúng rằng: “Chúa là Thiên Chúa các ngươi, sẽ gầy dựng giữa các ngươi và giữa những anh em các ngươi, một tiên tri như ta: các ngươi sẽ nghe lời người, như các nguơi đã xin cùng Chúa là Thiên Chúa các ngươi ở Khô-rếp khi có cuộc đại hội, và các ngươi nói rằng: Tôi không muốn nghe tiếng Chúa là Thiên Chúa tôi nữa, tôi không muốn thấy ngọn lửa vĩ đại này nữa, kẻo tôi phải chết. Và Chúa phán cùng tôi: sự họ đã nói, là tốt. Ta sẽ gầy dựng giữa anh em của họ một tiên tri như ngươi; Ta sẽ đặt vào miệng người những lời của Ta, người sẽ nói cho họ biết tất cả những điều Ta sẽ truyền cho người. Và nếu kẻ nào không nghe lời của Ta mà người sẽ nói nhân danh Ta, chính Ta sẽ xét xử nó. Nhưng tiên tri nào tự phụ, nhân danh Ta mà nói lời Ta không truyền phải nói, hoặc nhân danh các thần khác mà nói, thì sẽ chết”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9.
Ðáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: các bạn đừng cứng lòng
Xướng: Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Ðá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người.
Xướng: Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Ðấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người.
Xướng: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: “Ðừng cứng lòng như ở Mê-ri-ba, như hôm ở Ma-xa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta”.
Bài Ðọc II: 1 Cr 7, 32-35
“Người nữ đồng trinh lo lắng việc Chúa, để nên thánh”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.
Anh em thân mến, tôi ước mong anh em khỏi phải lo lắng. Người không có vợ thì lo lắng việc Chúa, và tìm cách làm đẹp lòng Chúa. Nhưng người đã có vợ thì lo lắng việc đời này, và tìm cách làm đẹp lòng vợ mình, và họ bị chia xẻ. Cũng thế, người phụ nữ không có chồng và đồng trinh thì lo lắng việc Chúa, để nên thánh phần xác và phần hồn. Còn người phụ nữ đã có chồng thì lo lắng việc đời này, và tìm cách làm đẹp lòng chồng mình. Tôi nói thế vì ích lợi cho anh em, chứ không phải để gài bẫy anh em đâu, nhưng là để hướng dẫn anh em đến đời sống đoan chính và hoàn toàn khắng khít với Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 1, 14 và 12
Alleluia, alleluia! – Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta; những ai đón nhận Người, Người sẽ ban cho quyền làm con cái Thiên Chúa. – Alleluia.
Phúc Âm: Mc 1, 21-28
“Ngài giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền”.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.
(Ðến thành Ca-phác-na-um) ngày nghỉ lễ, Chúa Giê-su vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.
Ðang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: “Hỡi ông Giê-su Na-da-rét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai, là Ðấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa Giê-su quát bảo nó rằng: “Hãy im đi và ra khỏi người này!” Thần ô uế liền dằn vặt người ấy, thét một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy. Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Cái gì vậy? Ðấy là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả thần ô uế và chúng vâng lệnh Người”. Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Ga-li-lê-a.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tín hữu
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Giữa cuộc đời chúng ta đang sống đầy bon chen này, có biết bao tiếng mời gọi ngọt ngào của thế gian, của các đam mê lạc thú bất chính, làm cho chúng ta có thể xa lìa Chúa. Vậy chúng ta hãy dâng lời nguyện xin:
1. “Ta sẽ gầy dựng một tiên tri và Ta sẽ đặt lời Ta vào miệng người”,- Xin cho quyền bính và sự thánh thiện của Hội Thánh luôn được tôn trọng, để lời giảng dạy đầy Thần Khí cùng đời sống gương mẫu của các Chủ chăn, thu phục được nhiều người sống trung thành và tin yêu Chúa.
2. “Tôi nói là vì ích lợi cho anh em”,- Xin cho mọi Ki-tô hữu biết tích cực tham gia vào sứ mệnh ngôn sứ của Đức Ki-tô qua cuộc sống, và đáp ứng những thao thức của con người thời đại, để dấn thân phục vụ anh em đồng loại.
3. “Có một người bị thần ô uế ám…” Xin cho các tội nhân ý thức tình trạng tội lỗi của mình là bị ma quỉ xích xiềng, để họ không phản kháng trước những lời khuyên dạy, nhưng biết khiêm tôn thực tâm trở về lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa.
4. “Hãy im đi và ra khỏi người này”.- Xin cho mọi người trong giáo xứ chúng ta biết dùng sức mạnh Lời Chúa mà xua trừ những xu hướng xấu, để trở thành những công dân nhiệt thành và thánh thiện của Nước Trời.
Chủ tế: Lạy Chúa, xin sự hiện diện đầy quyền năng của Chúa xua trừ sức mạnh của thần dữ nơi mỗi người chúng con, để chúng con được sống trong bầu khí thánh thiện, yêu thương, nhờ đó, đời sống của chúng con mang lại lợi ích cho phần rỗi cá nhân, và phần nào góp phần vào công cuộc cứu thế của Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô …
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, chúng con xin kính cẩn dâng những lễ vật này lên bàn thờ Chúa để tỏ lòng thần phục suy tôn; cúi xin Chúa nhân từ chấp nhận và làm cho trở thành bí tích đem lại ơn cứu chuộc muôn đời. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Xin cho tôi tớ Chúa được thấy long nhan dịu hiền, xin cứu độ tôi theo lượng từ bi của Chúa. Lạy Chúa, xin đừng để tôi phải hổ ngươi vì đã kêu cầu Chúa.
Hoặc đọc:
Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì nước trời là của họ. Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Nước làm cơ nghiệp.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa đã lấy lương thực cứu độ để nuôi dưỡng chúng con; xin Chúa dùng sức mạnh dồi dào của bí tích này làm cho đức tin chân chính được tiến triển luôn mãi. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
ĐỂ LỜI CHÚA QUẤY RẦY TA
“Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!” (Mc 1,21-28)
Suy niệm: “Kinh Thánh dạy ta cách tốt nhất để sống, cách cao quý nhất để chịu đau khổ, và cung cách thư thái khi qua đời” (J. Flavel). Cử tọa trong hội đường ngày ấy đã đi từ ngạc nhiên này đến kinh ngạc khác khi chứng kiến Thầy Giê-su giảng dạy “Đấng có uy quyền” (Mt 7,29), chứ không trưng dẫn những vị thầy nổi tiếng khác như các kinh sư; uy quyền ấy có sức lay động đến sóng gió hay các thần ô uế cũng phải tuân lệnh. Lời đầy uy quyền của Thầy Giê-su ngày ấy vẫn còn nguyên giá trị cho ngày hôm nay, nếu ta để cho Lời Ngài thấm nhập trong đời ta, chất vấn ta, quấy rầy sự an toàn, xô đổ sự tự mãn, lật nhào các kiểu suy nghĩ và hành xử của ta. Ta dám bật đèn xanh cho Lời ấy hoạt động trong đời mình không?
Mời Bạn: Đời bạn được che chở bằng các lớp khiên an toàn của sở thích, thói quen, lối sống. Chẳng hạn: bạn hài lòng với quan niệm chỉ cần dự lễ Chúa Nhật là đã chu toàn việc sống đức tin. Bạn sợ mất đi sự an toàn ấy lắm nên ngần ngại trước bất cứ lời mời gọi đổi mới, sống đạo tích cực hơn của Thánh Thần. Mời bạn can đảm để Lời Chúa thay đổi lối sống, thách thức sự an toàn quen thuộc, đổi mới cung cách sống đạo của bạn.
Sống Lời Chúa: Tôi tập nếp sống mới trong việc sống đức tin: đọc Lời Chúa mỗi ngày, dự lễ ít là một ngày trong tuần, tham gia một hội đoàn Công giáo…
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa xuất hiện trong hội đường, làm một cuộc cách mạng về sức mạnh, uy thế của Lời Chúa. Xin cho con vững tin vào sức mạnh, uy thế của Lời ấy trong đời mình, để rồi một cuộc cách mạng thầm lặng cũng diễn ra nơi đời sống con. Amen.
Chúa Giêsu và dân chúng
Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta thử tìm về thái độ của Chúa Giêsu đối với dân chúng. Như chúng ta đã biết Palestine là một xứ nóng, người ta thường sống ở ngoài đường. Cũng chính ở ngoài đường mà Chúa Giêsu thường tiếp xúc và giảng dạy cho dân chúng. Chung quanh Ngài lúc nào cũng có một đám đông thuộc đủ mọi hạng người: Đau yếu, tàn tật, mù lòa, phong cùi, khổ đau, nghĩa là những người cần đến một sự giúp đỡ nào đó. Ngoài ra còn có những bà mẹ và những đứa con, những người đạo đức và những kẻ tội lỗi. Ngài thường mở rộng vòng tay đón nhận, tiếp xúc và nâng đỡ họ.
Ngày kia khi thuyền vừa cặp bến, thì có một đám đông đã chờ đợi Ngài. Từ trong đám đông, ông Giairô tiến ra xin Ngài đến chữa cho đứa con gái của ông đang hấp hối. Chúa Giêsu liền bước theo ông mà chẳng nói một lời. Rồi giữa đám đông, bỗng dưng Chúa Giêsu quay mặt lại và hỏi: Ai đã động đến Ta. Câu hỏi này làm cho các môn đệ ngạc nhiên và nói: Thầy coi đám đông đang chen lấn thế mà Thầy lại hỏi ai động đến Thầy. Sở dĩ Ngài hỏi như thế là vì muốn giúp người đàn bà đau yếu đã làm hành động ấy được biểu lộ đức tin của mình. Sau khi bà ấy đã xác nhận, Ngài nói với ba: Đức tin của con đã cứu chữa con, vậy con hãy về bình an.
Chúa Giêsu không phải chỉ niềm nở tiếp đón mọi người, nhưng hơn thế nữa, Ngài còn biết cách nói với từng hạng người. Thực vậy với bọn biệt phái, là những kẻ đạo đức giả, vốn kiêu căng và tự mãn, Ngài không ngần ngại gay gắt chỉ trích: Các ngươi giống như mồ mả tô vôi. Các ngươi là những kẻ dẫn đường đui mù. Với những người tội lỗi thì khác, Ngài thấu hiểu nỗi đớn đau và sự giày vò của họ, nên Ngài đã nói với họ bằng tất cả sự tế nhị, để họ thấu hiểu và tìm thấy được niềm hy vọng.
Một đặc điểm đáng chúng ta lưu ý, đó là Chúa Giêsu luôn sử dụng những hình ảnh cụ thể để diễn tả những chân lý cao siêu. Chẳng hạn Ngài sánh vị Thiên Chúa như một người cha nhân từ mòn mỏi đón chờ đứa con hoang đàng trở về hay như người mục tử đi tìm kiếm con chiên bị lạc mất. Ngài đòi hỏi mỗi người chúng ta phải trở nên như muối mặn, như đèn sáng. Với những người đau yếu, Ngài nói với họ về bệnh tật, về sức khoẻ, nhưng từ đó Ngài dẫn họ tới bình diện siêu nhiên bằng cách nói với họ: Con hãy về bình an. Tội con đã được tha. Sự chữa lành phần xác chỉ là một khởi điểm cho một cuộc sống mới, cuộc sống thấm nhuần tình thương của Thiên Chúa.
Mặc dù phải tiếp xúc, phải giảng dạy, Ngài cũng biết giữ lấy những khoảng khắc thinh lặng. Ban sáng, ban tối và ban đêm Ngài thường tới những nơi thanh vắng để cầu nguyện. Trước sự tố cáo của bọn biệt phái đối với Người phụ nữ ngoại tình Ngài đã yên lặng. Trước toà án Philatô Ngài cũng đã yên lặng. Sự yên lặng của Ngài lúc này có giá trị như một lời nói. Từ những điều vừa trình bày chúng ta nhận thấy: Qua Đức Kitô, Thiên Chúa đã nói, đã đối thoại với chúng ta, bởi vì Ngài là Lời của Thiên Chúa. Lời ấy hoàn toàn khác biệt với lời của chúng ta. Thực vậy, lời của Thiên Chúa là lời tạo dựng: Ta muốn có trời đất muôn loài vậy lập tức liền có. Lời của Thiên Chúa là lời của chữa lành: Ta muốn con hãy chỗi dậy, Ta muốn con hãy lành sạch. Lời của Thiên Chúa là lời tình yêu: Thầy truyền cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau. Lời của Thiên Chúa là lời Tin Mừng cứu rỗi: Đức tin của con đã cứu chữa con.
Ma quỷ
Năm 1970, cuốn phim Quỷ Ám được trình chiếu và đã phá kỷ lục về số vé bán ra. Chuyện phim được xây dựng trên một trường hợp có thật của một cậu bé 14 tuổi, sống tại bang Maryland vào năm 1949. Tờ Newsweek đã mô tả như sau: Tranh ảnh, bàn ghế và cả chiếc giường của cậu bé đột nhiên di động. Về đêm cậu bé không thể nào chợp mắt. Sau khi được nhận vào bệnh viện trường đại học Geogetown cậu bé bắt đầu lâm râm trong miệng những lời nguyền rủa hung hãn bằng một thứ cổ ngữ. Cuối cùng cậu được trừ tà và được cứu thoát. Hiện nay cậu đang sinh sống tại thủ đô Washington. Một vị linh mục già trừ tà cho cậu đã hứa không bàn luận gì về việc này, nhưng ngài nhấn mạnh rằng kinh nghiệm ấy đã thực sự biến đổi cuộc đời mình.
Từ câu chuyện trên chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng hôm nay. Với sự việc Chúa Giêsu xua trừ ma quỷ chúng ta sẽ đưa ra 2 câu hỏi. Câu hỏi thứ nhất đó là nếu như Đức Kitô đã khai mạc vương quốc Thiên Chúa 2000 năm rồi, vậy tại sao đến hôm nay điều ác vẫn còn lan rộng, hay nói cách khác vương quốc của Satan vẫn còn tác oai tác quái? Dĩ nhiên câu trả lời sẽ như sau: Nước Thiên Chúa không đến tức khắc, nhưng là một bước tiến từ từ. Nó không phải là một biến cố chỉ xảy ra trong một lúc nào đó, mà là một chuyển biến liên tục suốt dọc dòng lịch sử. Ngài khai mạc vương quốc ấy, nhưng lại trao cho chúng ta hoàn tất. Đó là lý do tại sao trong kinh Lạy Cha chúng ta vốn kêu cầu: Xin cho Nước Cha trị đến. Đức Kitô đã gieo trồng, còn bổn phận của chúng ta là vun xới và chăm sóc để Nước Chúa được đâm bông kết trái.
Câu hỏi thứ hai được đưa ra đó là tại sao Nước ấy lại đến chậm như thế, hay nói cách khác tạo sao vương quốc của Satan lại lâu tàn lụi như vậy? Tôi xin thưa chỉ vì chúng ta đã không hoàn tất nhiệm vụ của mình một cách thoả đáng, đã không thực hiện những lệnh truyền của Chúa. Chẳng hạn có bao nhiêu người trong chúng ta đã thi hành giới luật yêu thương của Ngài. Sở dĩ chúng ta chưa yêu thương người khác, thậm chí cả những người thân yêu trong gia đình là vì chúng ta quá bận rộn với những công việc bên ngoài đến nỗi quên mất sự tuyệt vời của những người ấy. Vì chúng ta không biết dừng lại để nhìn ra được bản chất đích thực của họ, vốn là những tạo vật xinh đẹp, đáng được yêu thương, giống như chúng ta đã được chính Thiên Chúa yêu thương vậy.
Hãy sống đạo đức và thánh thiện, bác ái và yêu thương, nhờ đó Nước Chúa mỗi ngày một trị đến, đồng thời nhờ đó chúng ta đẩy lui được ảnh hưởng của quyền lực Satan.
Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật IV Thường niên -Năm B
Mc 1, 21-28
“Ngài giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền”.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.
(Ðến thành Ca-phác-na-um) ngày nghỉ lễ, Chúa Giê-su vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.
Ðang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: “Hỡi ông Giê-su Na-da-rét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai, là Ðấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa Giê-su quát bảo nó rằng: “Hãy im đi và ra khỏi người này!” Thần ô uế liền dằn vặt người ấy, thét một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy. Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Cái gì vậy? Ðấy là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả thần ô uế và chúng vâng lệnh Người”. Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Ga-li-lê-a.
Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật IV Thường niên -Năm B
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Giọng đọc: Thanh Tâm
LỜI NGÔN SỨ
(Chúa Nhật IV TN B) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa - Ban Mê Thuột
“Chúng tôi không dám nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi nữa, chúng tôi không dám nhìn ngọn lửa lớn này nữa, kẻo phải chết” (Đnl 18,16). Thấy dân chúng kêu ca có lý, Thiên Chúa hứa sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ và Người sẽ đặt lời của Người vào miệng ngôn sứ. Như thế, sứ ngôn là người nói thay cho Thiên Chúa, nói nhân danh Thiên Chúa, nói đúng Thánh ý Thiên Chúa. Sự tồn vong của ngôn sứ hệ tại ở sứ mệnh cao cả và cũng lắm gian truân này. Theo nhãn quan Cựu Ước thì ngôn sứ nào to gan nhân danh Thiên Chúa mà nói lời Người đã không truyền cho nói, hoặc nhân danh những thần khác mà nói, thì ngôn sứ đó phải chết (x.Đnl 18, 20).
Tuy nhiên làm sao để biện phân đâu là ngôn sứ thật và đâu là ngôn sứ giả? Làm thế nào để nhận biết một ngôn sứ thật nhưng không nói lời Thiên Chúa truyền mà chỉ nói lời của mình hay lời của các thần giả trá xui khiến? Một Đại Ngôn sứ, một ngôn sứ trên mọi ngôn sứ đã xuất hiện chính là Đức Kitô. Bài trích Tin Mừng thánh Maccô mà Hội Thánh giới thiệu trong thánh Lễ Chúa Nhật IV Thường Niên B gợi mở cho chúng ta hai tiêu chí để thẩm định sự chính danh, chính ngôn, chính phận của một ngôn sứ.
Lời có uy quyền: Dân chúng kinh ngạc vì Chúa Giêsu giảng dạy như một Đấng có uy quyền chứ không như các kinh sư. Lời nói của một đấng có uy quyền thì thuyết phục người nghe và làm cho người nghe biết nghe theo. Lời giảng dạy của Chúa Giêsu có uy quyền không chỉ vì nội hàm của chúng mà trên hết vì Người là Ngôi Lời, đồng thời chính Người là người tiên phong sống và thực hiện những gì Người giảng dạy.
Các Kinh sư cũng giảng dạy nhưng họ lại không sống điều mình giảng dạy khiến Chúa Giêsu đã từng nói với dân chúng rằng: “Các kinh sư và các người Pharisêu ngồi trên tòa ông Môsê mà giảng dạy. Vậy những gì họ nói thì anh em hãy làm và hãy giữ, nhưng đừng theo hành động của họ mà làm, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất trên vai người ta, nhưng chính họ lại không buồn động ngón tay vào” (Mt 23,2-4). Đức chân phước giáo Hoàng Phaolô VI đã từng nói: ngày nay người ta không thích nghe (nghe theo) những nhà giảng thuyết mà lại nghe theo những chứng nhân. Sở dĩ người ta nghe theo các nhà giảng thuyết vì họ đã là những chứng nhân, tức là đã thực hiện những gì mình giảng dạy.
Lời có sức khử trừ sự dữ và thông ban sự sống: Dân chúng sững sờ nói với nhau: “Thế nghĩa là gì? Lời giảng dạy thì mới mẻ, Người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!” (Mc 1,27). Thần ô uế bị trục xuất thì người bị quỷ ám được chữa lành. Lời của ngôn sứ thật là lời phát xuất từ Thiên Chúa. Xưa Thiên Chúa đã phán với Giêrêmia: “Đây Ta đặt lời Ta vào miệng ngươi. Coi, hôm nay Ta đặt ngươi đứng đầu các dân các nước, để nhổ, để lật, để hủy, để phá, để xây, để trồng” (Gr 1,9-10).
Cả hai hiệu quả là diệt trừ sự xấu, sự dữ và trao ban sự sống luôn cùng đi sánh đôi. Nếu chỉ tuyên phán những lời hứa tốt đẹp hay ngược lại chỉ nói những lời quở trách phê phán mà thôi thì rất có thể là do thần dữ xúi khiến. “Đức Chúa các đạo binh phán như sau: “Đừng nghe lời các ngôn sứ (giả hiệu) tuyên sấm, chúng phỉnh phờ các ngươi; điều chúng nói chỉ là thị kiến do tưởng tượng, chứ không phải do miệng Đức Chúa phán ra. Chúng dám nói với những kẻ khinh miệt Ta: “Đức Chúa phán: anh em sẽ được bình an!” Và với những kẻ lòng chai dạ đá: “Tai họa chẳng bao giờ ập xuống anh em” (Gr 22,16-17). Vì tuyên bố những lời dối trá phỉnh phờ dân nên ngôn sứ giả Khanangia đã phải bị trừng phạt nhãn tiền (x.Gr 28,1-17).
Sứ mạng ngôn sứ của mọi Kitô hữu: Từ khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, mọi Kitô hữu đều đã được thông phần vào ba chức vụ của Chúa Kitô là ngôn sứ, tư tế và vương giả. Đường lối của Thiên Chúa thì trước sau như một. Xưa nhiều lần, nhiều cách Người đã nói với tổ tiên cha ông chúng ta qua các ngôn sứ, đến thời viên mãn Người đã nói với loài người chúng ta cách trọn vẹn qua chính Người Con Một làm người là Chúa Giêsu Kitô (x.Dt 1,1-2). Và mãi cho đến ngày tận thế, Thiên Chúa vẫn còn tiếp tục nói với loài người qua những con người. Nhân loại này, thế gian này vẫn mãi cần đến sứ ngôn để nhận biết thánh ý Thiên Chúa. Con người, đặc biệt các Kitô hữu được mời gọi làm ngôn sứ của Thiên Chúa để nhân danh Thiên Chúa, nói lời của Người.
Sứ mạng ngôn sứ thật cao cả và cũng thật lắm gian truân, nguy hiểm. Sự hiểm nguy, gian truân không chỉ đến do người đời bách hại mà còn có thể do bởi chính các ngôn sứ, vì lý do nào đó, đã không nói lời của Thiên Chúa mà chỉ nói lời của mình, thậm chí còn nói lời do thần dữ xui khiến. Để tránh những tai họa này, không gì hơn, Kitô hữu chúng ta, cách riêng những người chuyên lo việc giảng dạy hãy xét xem mình đã thực hiện ra sao điều mình giảng dạy, hãy xét xem những lời mình giảng dạy có sức thuyết phục như thế nào và đồng thời hãy xét xem các lời tuyên dạy của mình có đủ đầy hai phương diện đó là vừa xua trừ sự xấu, sự dữ và vừa làm phát sinh tình yêu, phát sinh sự sống như thế nào?
Chúa tuần lễ thứ tư thường niên -B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mc 1, 21-28).
(Ðến thành Capharnaum) ngày nghỉ lễ, Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.
Ðang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: “Hỡi ông Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai, là Ðấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: “Hãy im đi và ra khỏi người này!” Thần ô uế liền dằn vặt người ấy, thét một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy. Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Cái gì vậy? Ðấy là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả thần ô uế và chúng vâng lệnh Người”. Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Galilêa.
Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật IVThường niên -Năm B
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh