(Dnl 4,32-34.39-40; Rm 8,14-17; Mt 28,16-20)
Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.
Ngay trước lúc Chúa Giêsu lên trời, Ngài đã khẳng định và truyền cho các môn đệ: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,18-19).
Hôm nay, Giáo Hội mừng kính trọng thể lễ Chúa Ba Ngôi. Qua lễ này, Giáo Hội muốn cho con cái mình có dịp thuận tiện để xác tín mạng mẽ sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi đầy yêu thương trên cuộc đời của mình và trên nhân loại. Đồng thời, luôn sẵn sàng ra đi loan báo về mầu nhiệm tình yêu ấy cho nhân loại để mọi người nhận biết và tôn thờ Thiên Chúa, vì: “… trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa” (Đnl 4,39).
1. Ý nghĩa Lời Chúa
Bài đọc I trích sách Đệ Nhị Luật mà chúng ta vừa nghe đã khơi lên trong lòng dân Israel về một Vị Thiên Chúa luôn yêu thương con người cách trọn vẹn. Với Thiên Chúa, Người luôn coi dân Israel là một dân riêng, được hiến thánh, là thành phần ưu tuyển, để qua đó, Người thể hiện quyền năng và lòng yêu thương được thể hiện qua những kỳ công Người đã làm trên dân.
Vì thế, Môsê đã nhắc cho dân biết vị thế của họ trong trái tim Thiên Chúa rất đặc biệt, ông nói: “Có dân nào đã nghe tiếng Thiên Chúa phán bảo từ trong đám lửa như anh em đã nghe ?… Có Thiên Chúa nào đã chọn cho mình một dân tộc giữa các dân tộc khác bằng những dấu lạ, điềm thiêng… như Thiên Chúa của anh em, đã làm tại Ai Cập trước mắt anh em không?” (x. Đnl 4, 35 -40). Từ những diễn tả trên, Môsê mời gọi dân hãy trung thành giữ những lệnh truyền của Thiên Chúa vừa uy quyền, vừa yêu thương, nên chỉ tôn thờ một mình Người mà thôi.
Sang Bài Đọc II, thánh Phaolô mời gọi giáo đoàn Rôma hãy sống xứng đáng với vai trò của mình trong tâm thế của một người con trước Thiên Chúa là Cha Nhân Hậu chứ không phải trước một vị Thiên Chúa đáng sợ như dân ngoại. Hãy vui mừng vì được trở nên đền thờ Chúa Thánh Thần và được diễm phước gọi Thiên Chúa là Cha: “Abba, Cha ơi”. Khi gọi Thiên Chúa là Cha, Dân Chúa thực sự trở thành những người con đích thực, nên được đồng thừa tự với Đức Giêsu. Chính vì điều này, mà Thiên Chúa và con người trở nên gần gũi hơn bao giờ hết!
Với bài Tin Mừng, thánh sử Mátthêu thuật lại cuộc hiện ra cuối cùng của Đức Giêsu với các môn đệ, qua đó, Đấng Phục Sinh khẳng định quyền bính của Ngài khi nói: “Thầy đã được trao trọn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28,18). Đồng thời, Đức Giêsu truyền lệnh cho các môn đệ hãy đi loan báo Tin Mừng, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chiêu tập mọi người làm môn đệ để cho họ cũng được cảm nghiệm và sống trong tình thương của Thiên Chúa (x. Mt 28, 19-20).
2. Tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi tràn ngập trong ta
Dưới ánh sáng Lời Chúa, tình yêu của Thiên Chúa trải dài qua muôn ngàn thế hệ, khiến chúng ta chỉ có thể thốt lên tâm tình tạ ơn.
Tạ ơn Chúa vì do tình thương mà ta được dựng nên theo hình ảnh của Người.
Tạ ơn Chúa vì ta được lãnh nhận Phép Rửa nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, trở nên con Thiên Chúa, được gọi Thiên Chúa là Cha, trở thành dân của Thiên Chúa, là đền thờ Chúa Thánh Thần, được đồng thừa tự với Đức Giêsu.
Như vậy, Thiên Chúa luôn yêu ta bằng tình yêu tuyệt đối. Còn với chúng ta, chắc chắn không gì quý giá hơn khi một loài xác đất vật hèn, mỏng dòn yếu đuối, mà lại được tham dự vào sự sống thần linh của Thiên Chúa, Đấng là Chủ Tể mọi loài mọi vật trên trời dưới đất.
Tuy nhiên, “Đấng không thể gọi tên, Đấng bất khả đạt thấu, Đấng là nền tảng mọi sự” ấy (x. Karl Rahner, Science as a Confession, 389) lại sẵn sàng cho chúng ta được tựa nương vào Người như con cái trong vòng tay yêu thương của người cha, như gà con được ở dưới bóng cánh mẹ hiền.
Như vậy, tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu luôn luôn đi bước trước và mang tính trọn vẹn đến tuyệt đối như thánh Têrêsa Hài đồng đã cầu nguyện: “Lạy Chúa Ba Ngôi chí thánh, Chúa trở nên tù nhân bị giam hãm trong hồn con”.
Tất cả tình yêu ấy được chính Đức Giêsu mặc khải khi khẳng định như sau: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23). Còn với thánh Phaolô, ngài căn dặn: “Anh em lại không biết anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần của Thiên Chúa ở trong anh em sao”?(1Cr 3,16-17 ; x. 6,19).
Thật hạnh phúc vô biên cho chúng ta khi có một Thiên Chúa đầy nhân hậu, từ bi, luôn sẵn sàng lắng nghe, hiểu thấu và hiện diện với ta, cùng ta và trong ta như vậy!
3. Sống và diễn tả tình yêu của Thiên Chúa cho mọi người
Thánh Gioan Tông đồ đã nói: “Thiên Chúa là Tình yêu”. Ai ở trong Thiên Chúa thì ở trong tình yêu. Nói cách khác: ai không biết yêu thì không phải là người thuộc về Thiên Chúa.
Vì thế, bổn phận của chúng ta là: yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết mình, hết trí khôn và sức lực.
Những hành động cụ thể diễn tả tình yêu của ta đối với Thiên Chúa, đó là:
Tin tưởng và phó thác mọi sự cho Thiên Chúa quan phòng. Luôn yêu mến và thực hành Lời Chúa dạy. Luôn tôn thờ Người là Chúa Tể mọi loài mọi vật, ngoài Người ra, không có chúa nào khác để chúng ta tôn thờ.
Cần tránh những thứ làm cho chúng ta xa Chúa như: tôn thờ tiền bạc. Chạy đua danh vọng. Ham mê lạc thú. Mê tín dị đoan….
Ngoài ra, yêu mến Thiên Chúa và tôn thờ Thiên Chúa còn là sống linh đạo của Người trong cuộc sống của chúng ta.
Linh đạo đó là linh đạo tình yêu và hiệp nhất.
Nếu Ba Ngôi Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta bằng tình yêu tuyệt đối, trọn vẹn, không phân biệt, không tính toán, thì đến lượt chúng ta, mỗi người cũng phải yêu mọi người như vậy, dù người đó là ai, sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh, văn hóa, truyền thống nào đi nữa, chúng ta vẫn luôn được mời gọi yêu và yêu hết mình như Thiên Chúa.
Nếu Thiên Chúa Ba Ngôi luôn kết hợp chặt chẽ với nhau trong công trình cứu chuộc con người, như lời cầu nguyện của Đức Giêsu đã mạc khải trong lời cầu nguyện của Ngài: xin Cha cho “mọi người nên một, cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để cả chúng cũng nên một trong Ta …” (Ga 17, 21), thì đến lượt chúng ta, mầu nhiệm này phải được coi là nền tảng, là căn cốt, là bản lề cho đời sống đức tin và là mẫu mực cho đời sống Kitô hữu nói chung, cho đời sống từng gia đình giữa vợ – chồng, con cái, hay cho mọi người trong cộng đoàn nói riêng.
Có thế, mầu nhiệm siêu phàm của Chúa Ba Ngôi mới thực sự trở nên sống động ngang qua hành động, lời nói, lựa chọn và cung cách sống của chúng ta.
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, xin cho chúng con được thuộc trọn về Chúa. Luôn được sống trong tình yêu của Chúa và sẵn sàng làm sáng danh Chúa bằng đời sống hy sinh, yêu thương và hiệp nhất. Amen.
Chúa nhật IX thường niên - Chúa Ba Ngôi
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Bài Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 28, 16-20).
Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi. Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần; giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.
Suy niệm
Lớn lên trong gia đình Giáo hội Công giáo, người tín hữu nào cũng được học hỏi về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, một mầu nhiệm quan trọng trong các mầu nhiệm của đạo thánh. Từ mầu nhiệm này, người tín hữu luôn minh định niềm tin của mình hàng ngày, để hành trình đức tin của bản thân không bị lệch lạc, không bị tục hóa và cũng không rơi vào tình trạng mê tín hay cuồng tín. Chúa nhật thứ chín mùa thường niên được dành riêng để hướng về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, rồi từ đây trở lại với đời sống chứng nhân của mình, người tín hữu hơn ai hết hiểu rõ Thiên Chúa tôi đang tin thờ là vị Thiên Chúa nào, Ngài có ảnh hưởng gì đến cuộc đời mỗi người và chính bản thân, Ngài đến với tôi trước hay tôi đến với Ngài trước. Tất cả những vấn nạn này giúp người tín hữu có một niềm tin tinh tuyền và độc thần giữa một xã hội đa thần.
Sau khi tiếng kêu than từ đất Ai cập thấu tận trời xanh, Thiên Chúa đã cúi xuống, đem dân riêng Ngài ra khỏi kiếp nô lệ. Môi-sen người đã được trao sứ mạng dẫn đưa dân riêng của Thiên Chúa ra khỏi cảnh lầm than xứ người, đồng thời, ông cũng được trao sứ vụ củng cố niềm tin của cộng đoàn. Sống cảnh du mục đó đây trong sa mạc Si-nai, rồi bước vào vùng đất của người Ai-cập, dân Do-thái đối diện với một đời sống tôn giáo đa thần. Vì thế, khi được lên đường trở về đất hứa, trước khi đặt chân lên mảnh đất chảy sữa và mật, họ phải xác định lại niềm tin của mình là đa thần hay độc thần, bởi chỉ có một Gia-vê Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương và giải cứu họ: “Vậy hôm nay các ngươi hãy nhận biết và suy niệm trong lòng rằng: Trên trời dưới đất, chính Chúa là Thiên Chúa, chớ không có Chúa nào khác. Hãy tuân giữ các lề luật và giới răn mà hôm nay chính ta truyền dạy cho các ngươi, hầu cho các ngươi và con cháu mai sau được hạnh phúc và tồn tại trên phần đất mà Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho các ngươi”. Cả một hành trình dài của lịch sử dân riêng, niềm tin đa thần được thay thế bằng niềm tin độc thần, đây là một sự thay da đổi thịt từ bên trong lẫn bên ngoài, họ phải thay đổi khuôn mặt Gia-vê trong tâm trí họ, thay đổi quan niệm về một thần linh đặc biệt đã yêu thương và lắng nghe họ giữa cảnh tăm tối cuộc đời. Ngài còn đồng hành với họ trên từng bước chân cuộc đời. Tôi sẽ chọn Ngài là Gia-vê Thiên Chúa độc nhất để tôn thờ, hay chấp nhận nhiều thần ngoại bang khác, hiện diện trong cuộc đời và giúp cho đời sống hàng ngày của tôi hữu ích và tốt đẹp hơn?
Theo dòng lịch sử cứu độ, từ niềm tin đa thần, Gia-vê Thiên Chúa đã dùng chính con người như Môi-sen, các Tiên Tri, các Vua cùng những vị đại diện khác, uốn nắn đời sống tâm linh của cộng đoàn, đưa niềm tin đó đi vào quỹ đạo độc thần mà Thiên Chúa mong đợi. Khi Đức Giêsu nhập thể, Ngài vẫn minh định cụ thể là chỉ có Thiên Chúa duy nhất hiện diện ở trên trời chứ không có thần nào khác. Từ những tâm tình đó, thánh Phaolô đã hướng dẫn cho cộng đoàn giáo hội Roma hiểu rõ hơn về chiều sâu tâm linh của niềm tin đó, tất cả đều nhờ đến sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần: “Vì chính Thánh Thần đã làm chứng cho tâm trí chúng ta rằng: Chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy nếu là con cái, thì cũng là những người thừa tự, nghĩa là thừa tự của Thiên Chúa, và đồng thừa tự với Ðức Kitô: vì chúng ta đồng chịu đau khổ với Người, để rồi chúng ta sẽ cùng hưởng vinh quang với Người”. Khi đón nhận niềm tin đó dưới sự hướng dẫn của Ngôi Ba Thiên Chúa, con người mới khám phá vị thế của bản thân có một giá trị thiêng liêng và cao quý như thế nào trước mặt Thiên Chúa. Mối tương quan giữa con người với Đức Giêsu, người Con duy nhất của Thiên Chúa là một mối liên hệ thừa tự, là anh em với nhau cùng một Cha. Do đó, để có được một niềm tin độc thần, cần có thời gian và sự cố gắng rất nhiều từ Thiên Chúa và con người, Thiên Chúa kiên nhẫn đợi chờ và hướng dẫn bằng nhiều cách thế, con người cố gắng loại bỏ những gì không cần thiết, san định lại mối tương quan của bản thân với một Thiên Chúa duy nhất, từ đây, cuộc đời của các tín hữu sẽ đi theo quỹ đạo mới, quỹ đạo của tình yêu và gia đình.
Trước khi về trời, Đức Giêsu mong muốn mọi người chân nhận địa vị làm con của mình trong gia đình của Thiên Chúa, Ngài mời các Tông đồ, các môn đệ lên đường loan báo niềm vui đó, đón nhận niềm vui đó bằng việc lãnh nhận phép rửa, họ sẽ chính thức được gọi là con cái Thiên Chúa: “Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần; giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Để có được một niềm tin độc đáo ấy, cần có những khoảng lặng để phân định niềm tin và quan niệm sống của các tín hữu. Là Do-thái hay dân ngoại, chấp nhận một Thiên Chúa duy nhất không là một điều đơn giản nhưng là một quá trình thanh luyện. Niềm tin đó đến từ Thiên Chúa và đi trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần, đó mới thực là niềm tin đưa con người đi vào ngôi nhà của Chúa Cha, đưa con người đi vào gia đình thiêng liêng là Giáo hội, đưa con người đi vào mối tương quan anh chị em có cùng một Cha chung trên trời.
Phép rửa được cử hành nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa sẽ đưa con người đi vào gia đình Ngài. Để có được niềm tin độc thần, Thiên Chúa đã chấp nhận những khiếm khuyết ban đầu của con người trong niềm tin đa thần, Ngài đã hướng dẫn họ bằng tình thương, bằng đời sống phụng tự, bằng đôi tay bảo vệ và chăm sóc từng ngày. Hình ảnh người cha chăm sóc và bảo vệ cho đứa con mỗi ngày là một hình ảnh làm hiển lộ tâm tình Thiên Chúa chăm sóc và đồng hành với con người. Bản tính của Thiên Chúa chỉ là một từ muôn đời và cho đến muôn đời, nhưng để khám phá tình yêu Thiên Chúa với những thái độ cúi xuống, con người đã dùng những khái niệm cụ thể về ngôi vị, để làm sáng tỏ sự hiện diện của Thiên Chúa trong lịch sử con người. Nhiều lúc có sự lẫn lộn giữa bản tính của Thiên Chúa và ngôi vị, dẫn đến những niềm tin lệch lạc kèm theo cách sống đạo thiếu chuẩn mực. mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi có từ đời đời và trường cửu, chỉ tiếc là cách suy nghĩ, cách diễn đạt và áp dụng vào cuộc sống của các tín hữu có đổi thay theo từng giai đoạn lịch sử. Mừng lễ Chúa Ba Ngôi là cơ hội để các tín hữu Kitô xác định lại niềm tin của mình là đa thần hay độc thần, tin vào một Thiên Chúa duy nhất hay còn nhiều thần linh khác ẩn hiện trong dòng đời?
Chúng ta trách dân Do-thái bất tín khi dám đúc bò vàng để tôn thờ và coi đó là thần cứu mạng của họ, chúng ta trách họ dám bỏ Thiên Chúa khi đã định cư trong đất hứa, để rồi đi tìm các thần linh ngoại bang chung quanh. Chúng ta còn trách họ nhiều lần phản bội Thiên Chúa trong niềm tin, đúng sai sẽ không bàn tới nơi đây nhưng người tín hữu hôm nay có mạnh dạn tuyên tín rằng niềm tin của tôi là niềm tin độc thần không, tôi chỉ tin thờ một Thiên Chúa duy nhất mà thôi, bởi bên cạnh mỗi người và trong dòng đời, còn có những vị thần khác như thần Quyền bính; thần Tiền bạc; thần Xác thịt và bao vị thần khác đang hiển hiện đó đây. Chắc không thiếu những lần chúng ta đã vô tình chọn những vị thần đó và đặt vào chổ của Thiên Chúa trong trái tim và cuộc đời của mình rồi, đó là thái độ sống đơn sơ, chân thành hay có những tính toán theo kiểu thế gian? có lúc nào khuôn mặt Thiên Chúa chúng ta tin thờ được thay thế bằng một khuôn mặt Thiên Chúa do con người nhào nắn lên chăng? Đời sống ơn gọi nào, hoàn cảnh sống nào cũng khó tránh khỏi cám dỗ này, bởi chủ nghĩa cá nhân thực dụng và hấp lực của thế gian đang tác động trực tiếp vào niềm tin mong manh của người tín hữu Kitô.
Lạy Chúa Giêsu, khi làm người như chúng con, Chúa đã đối diện với muôn vàn cám dỗ như chúng con hôm nay, nhưng Chúa đã chiến thắng, bởi Ngài luôn cầu nguyện và thi hành ý của Cha trên trời, xin giúp chúng con biết chăm chỉ cầu nguyện để biết thánh ý Cha muốn con làm gì và làm như thế nào đúng với ý Cha. Chúa đã vượt qua những cơn cám dỗ lớn bằng sức mạnh của Lời Chúa, xin soi sáng cho chúng con biết đọc và học hỏi Lời Chúa nhiều hơn, để sức mạnh siêu nhiên của Lời Chúa đưa chúng con ra khỏi thế giới của bóng tối, đi vào thế giới của ánh sáng tình yêu. Tất cả để cho niềm tin của chúng con nên tinh ròng và hoàn thiện hơn trong cuộc đời. Amen.
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh