Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi
Ga 16,12-15
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄChúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi
Dẫn vào Thánh Lễ
Anh chị em thân mến! Mỗi Thánh Lễ đều là lời tôn vinh Ba Ngôi Thiên Chúa. Nhưng Chúa Nhật hôm nay Hội Thánh dành để tôn thờ mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi cách đặc biệt, làm nổi bật Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa trong chương trình Cứu Độ của Người. Đây là mầu nhiệm trung tâm của đức tin và mọi sinh hoạt Phụng Vụ của Hội Thánh.
Hiến tế giờ đầy, Đức Giêsu Kitô Ngôi Lời Thiên Chúa cho ta được tham dự vào sự sống sung mãn của Chúa Ba Ngôi. Muốn vậy, chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần thánh hóa chúng ta khỏi mọi tội lỗi, hầu xứng đáng hiệp thông trong mầu nhiệm Tình Yêu vô cùng cao cả và thâm sâu của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Ca nhập lễ
Chúc tụng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, vì Chúa đã tỏ lòng từ bi đối với chúng ta.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, Chúa đã sai Con Một là Lời chân lý và sai Thánh Thần, Ðấng thánh hoá muôn loài đến trần gian mặc khải cho chúng con biết mầu nhiệm cao vời của Chúa. Xin cho chúng con hằng tuyên xưng đức tin chân thật là nhận biết và tôn thờ một Thiên Chúa Ba Ngôi uy quyền vinh hiển. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: Cn 8, 22-31
“Khi địa cầu chưa sinh nở, sự khôn ngoan đã được sinh thành”.
Trích sách Châm Ngôn.
Ðây sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa phán: “Chúa đã tạo thành nên ta là đầu sự việc của Người, trước cả những sự việc Người đã làm rất xa xưa. Ta đã được thiết lập tự thuở đời đời, ngay tự đầu tiên, khi địa cầu chưa sinh nở. Ta đã được sinh thành khi chưa có vực sâu, khi chưa từng có những dòng suối nước. Trước khi Chúa củng cố những ngọn núi cao, trước khi có những quả đồi, ta đã sinh ra rồi. Khi Người chưa tạo tác địa cầu, đồng ruộng, cũng chưa tạo nên hạt bụi đầu tiên của cõi trần ai. Khi Người xếp đặt muôn cõi trời, có ta ở đó, khi Người vạch ra vòng đai trên mặt vực sâu, khi Người định chỗ cho mây trời trên cõi cao xa, và những suối nước tự vực sâu vọt lên mạnh mẽ, khi Người đặt cương giới cho biển cả để nước đừng có vượt quá cõi bờ, khi Người đặt nền tảng cho trái đất, bấy giờ ta làm việc ở sát bên Người. Và mọi ngày ta làm cho Người sung sướng, luôn luôn nhàn du ở trước nhan Người. Ta nhàn du trên quả địa cầu, và gặp thấy hạnh phúc ở giữa con cái loài người”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 8, 4-5. 6-7. 8-9
Ðáp: Lạy Chúa, lạy Chúa chúng con, lạ lùng thay danh Chúa khắp nơi hoàn cầu (c. 2a).
Xướng: Khi con ngắm cõi trời, công cuộc tay Chúa tạo ra, vầng trăng và muôn tinh tú mà Chúa gầy dựng, thì nhân loại là chi mà Chúa nhớ tới? con người là chi mà Chúa để ý chăm nom?
Xướng: Chúa dựng nên con người kém thiên thần một chút, Chúa trang sức con người bằng danh dự với vinh quang; Chúa ban cho quyền hành trên công cuộc tay Ngài sáng tạo, Chúa đặt muôn vật dưới chân con người.
Xướng: Nào chiên, nào bò, thôi thì tất cả, cho tới những muông thú ở đồng hoang, chim trời với cá đại dương, những gì lội khắp nẻo đường biển khơi.
Bài Ðọc II: Rm 5, 1-5
“Thánh Thần ban cho chúng ta lòng mến Chúa”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, khi được đức tin công chính hoá, chúng ta được bình an trong Chúa nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Ðấng cho chúng ta dùng đức tin mà tiến đến ân sủng, và đứng vững ở đó, và được hiển vinh trong niềm hy vọng vinh quang của con cái Chúa. Không những thế, chúng ta còn được vinh hiển trong gian nan, khi biết rằng gian nan rèn nhẫn nại, nhẫn nại rèn nhân đức, còn nhân đức rèn cậy trông. Nhưng cậy trông không đưa đến thất vọng, vì lòng mến Chúa được Thánh Thần, Ðấng ban cho chúng ta, đổ xuống lòng chúng ta.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Kh 1, 8
Alleluia, alleluia! – Sáng danh Ðức Chúa Cha, và Ðức Chúa Con, và Ðức Chúa Thánh Thần; sáng danh Thiên Chúa, Ðấng đang có, đã có và sẽ đến. – Alleluia.
Phúc Âm: Ga 16, 12-15
“Tất cả những gì Cha có, đều là của Thầy; Thánh Thần sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lĩnh hội được. Khi Thần Chân lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật, vì Người không tự mình mà nói, nhưng Người nghe gì thì sẽ nói vậy, và Người sẽ bảo cho các con biết những việc tương lai. Người sẽ làm vinh danh Thầy, vì Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con. Tất cả những gì Cha có đều là của Thầy, vì thế Thầy đã nói: Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tín hữu
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Nhờ hồng ân của Bí Tích Rửa Tội, mỗi Kitô hữu chúng ta được trở nên Đền Thờ sống động của Chúa Ba Ngôi. Trong niềm tin tưởng, yêu mến và cậy trông, chúng ta cùng hiệp dâng lời cầu xin.
1. “Ta nhàn du trên quả địa cầu và gặp thấy hạnh phúc ở giữa con cái loài người”.- Xin cho các vị Mục tử sống trọn thiên chức cứu chuộc của mình, trong việc hồi sinh các linh hồn qua Bí tích Hòa Giải và Thánh Thể.
2. “Lạy Chúa, lạy Chúa chúng con, lạ lùng thay Danh Chúa khắp nơi hoàn cầu”,- Xin cho những phát minh khoa học tiến bộ của thời đại hôm nay, giúp con người khám phá ra tình yêu của Thiên Chúa qua các điều kì diệu trong vũ trụ mà ca tụng và tin phục Chúa.
3. “Khi Thần Chân Lý đến, Người sẽ dạy cho các con biết tất cả sự thật”,- Xin cho mọi người tín hữu ý thức niềm vui Chúa Thánh Thần hướng dẫn, mà sống xứng đáng là những Kitô hữu chân thực.
4. “Cậy trông không đưa đến thất vọng, vì lòng mến được Thánh Thần đổ xuống lòng chúng ta”,- Xin cho mọi người trong giáo xứ chúng ta đang gặp đau thương sầu khổ, được Chúa Thánh Thần nâng đỡ và soi sáng, vượt thắng mọi gian nan thử thách.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi chí Thánh, xin cho chúng con một trái tim nhậy cảm trước ơn Chúa, biết yêu mến Chúa bằng một tình yêu trọn vẹn, đồng thời biết mở rộng lòng đón nhận và thương yêu tha nhân, để chúng con được hiệp thông với Chúa trong sự sống Thần Linh và đạt tới ơn cứu độ. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, này chúng con kêu cầu danh thánh Chúa, cúi xin Chúa nhận lời cầu nguyện và thánh hoá lễ vật chúng con dâng. Nhờ lễ vật này xin biến đổi chúng con thành của lễ hoàn hảo đời đời dâng tiến Chúa. Chúng con cầu xin…
Lời tiền tụng
Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi, mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo, và sinh ơn cứu độ cho chúng con.
Cùng với Con Một Chúa và Chúa Thánh Thần, Chúa là Thiên Chúa duy nhất, là Chúa Tể duy nhất, không phải trong một ngôi đơn độc nhưng trong Ba Ngôi cùng một bản thể. Nhờ mặc khải Chúa ban, chúng con tin Chúa là Ðấng vinh hiển và chúng con cũng tin như thế về Con Chúa và Chúa Thánh Thần. Và khi tuyên xưng Chúa là Thiên Chúa chân thật và hằng hữu, chúng con tôn thờ Ba Ngôi tuy riêng biệt, nhưng cùng một bản thể duy nhất và một uy quyền ngang nhau. Vì thế, các Thiên thần và tổng lãnh Thiên thần ngợi khen Chúa và hàng ngày không ngớt lời ca tụng, đồng thanh tung hô rằng:
Thánh! Thánh! Thánh!…
Ca hiệp lễ
Vì anh em được làm con cái, nên Thiên Chúa đã sai Thánh Thần của Con Chúa vào tâm hồn chúng ta, mà kêu lên rằng: Abba, nghĩa là “Lạy Cha”.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cho bí tích chúng con vừa lãnh nhận, và lời chúng con tuyên xưng Chúa là một Chúa Ba Ngôi, đem lại cho hồn xác chúng con ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
Chúa Ba Ngôi
Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi muôn đời vẫn là một mầu nhiệm cao vời nhất. Vì Chúa Ba Ngôi không phải là kết quả của việc con người suy luận. Sở dĩ chúng ta biết được là vì Thiên Chúa đã tỏ lộ. Thiên Chúa đã mạc khải, đã nói với con người bằng chính ngôn ngữ nhân loại. Ngôn ngữ đó không đủ khả năng diễn đạt tất cả những thực tại thuộc lãnh vực thần linh. Mầu nhiệm chỉ được mạc khải theo khả năng lĩnh hội của con người trong tương quan với thời gian và không gian.
Để mạc khải về Ngôi Hai, Thiên Chúa đã chuẩn bị hằng mấy mươi thế kỷ bằng việc kén chọn cho mình một dân tộc. Qua dân tộc đó, Ngài biểu dương sức mạnh và tình thương để họ thấy rằng trên trời dưới đất, chính Ngài là Thiên Chúa, chứ không có Chúa nào khác. Chính Chúa của Israel là Thiên Chúa duy nhất, mọi người phải tôn thờ và quy phục. Không có thần linh nào vượt trổi trên Ngài. Ngài là Đấng toàn năng cao cả, mọi giới răn và huấn lệnh của Ngài đem lại sự sống và sức mạnh cho những ai tuân giữ. Thiên Chúa ngự giữa dân Ngài để hướng dẫn chăm sóc bênh vực và nhất là yêu thương họ. Hình ảnh áng mây cột lửa nhà tạm… nói lên sự hiện diện của Ngài. Ngài yêu thương họ bằng tình phụ tử chiến đấu bên cạnh họ, nuôi dưỡng họ bằng mật ngọt và bằng lúa thơm.
Thiên Chúa là Đấng vô hình không ai có thể trông thấy Ngài trừ khi là Ngôi Con tự cung lòng Chúa Cha mà đến, và Người đã đến ở giữa chúng ta. Mầu nhiệm ngôi hiệp chứng tỏ con người có khả năng tuân nhận và thông hiệp với Thiên Chúa. Ngôi Hai làm người đê con người trở thành con Thiên Chúa. Chúa Cha và Chúa Con là một, Chúa Cha yêu mến Chúa Con và Chúa Con yêu mến Chúa Cha. Cả hai ở trong tình yêu và tình yêu ấy chính là Chúa Thánh Thần. Tình yêu liên kết ngôi Cha ngôi Con nên một thân thể. Đến giờ Chúa Giêsu phải về cùng Chúa Cha, nhưng Ngài không để các môn đệ mồ côi. Ngài sẽ xin Chúa Cha ban Thánh Thần cho các ông. Ta đi thì ích lợi cho các con, vì nếu Ta không đi thì Đấng yên ủi sẽ không đến cùng các con, song nếu Ta đi, thì Ta sẽ sai Người đến. Chúa Thánh Thần đã đến trong ngày lễ Hiện Xuống dưới hình lưỡi lửa. Các ông đã lấy cái chết để làm chứng cho niềm tin nơi Thiên Chúa, là Cha, Con và Thánh Thần. Chỉ có một Thiên Chúa, một đức tin, một phép rửa.
Công chúa Luise ngày kia bị một nữ tỳ trách móc. Không cầm nổi tức giận, công chúa bảo: Ngươi hãy nhớ, ta là con của đức vua. Nhưng người nữ tỳ trả lời: Còn tôi, tôi là con Thiên Chúa. Công chúa hiểu và về sau đã trở thành một vị nữ tu dòng Kín.
Qua bí tích Rửa Tội mọi người chúng ta đều được đóng ấn hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa đến cư ngụ trong linh hồn chúng ta. Hình anh đó phải lớn lên, lớn lên mãi, để mỗi ngày chúng ta càng trở nên giống Thiên Chúa trong tình yêu và trong sự thánh thiện. Yêu Chúa là tuân giữ những điều Chúa dạy. Ai ở trong tình yêu là ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong người ấy.
LỄ CHÚA BA NGÔI C -2001
(Gioan 16:12-15) Lm Lã Mộng Thường
Bài Phúc Âm vừa được công bố bao gồm một vài điểm ít khi chúng ta được nghe nhắc tới hoặc để ý. Điểm thứ nhất đó là còn nhiều vấn đề Đức Giêsu đã không nói vì các môn đồ, nói chung, con người thời đó chưa đủ khả năng nhận thức được. Điểm thứ nhì đó là khi Thánh Thần đến, Ngài sẽ dạy cho con người biết những sự thật. Điểm tiếp theo, Thánh Thần lãnh nhận từ Thiên Chúa Cha những điều Ngài sẽ dạy cho con người. Thánh ý Thiên Chúa Cha cũng chính là những điều giảng dạy của Đức Giêsu. Và như vậy, Thánh Thần đến để làm sáng tỏ những lời dạy của Đức Giêsu. Bởi Thánh Thần giúp con người am hiểu lời giảng dạy của Đức Giêsu, do đó Thánh Thần làm vinh danh Đức Giêsu. Nói tóm gọn hơn, Thánh Thần đến làm vinh danh Đức Giêsu bằng cách giúp con người am tường những lời dạy của Đức Giêsu cũng như chỉ bảo thêm nhiều điều Đức Giêsu đã không giảng dạy vì con người chưa đủ khả năng để hiểu. Những lời dạy dỗ của Đức Giêsu chính là thánh ý của Thiên Chúa Cha.
Phúc Âm thánh Gioan đặt nơi miệng Đức Giêsu câu nói, “Trong các tiên tri đã có viết, ‘Hết thảy chúng sẽ là môn sinh của Thiên Chúa.’ Phàm ai nghe và học nơi Cha thì sẽ đến với Ta” (Gn. 6:45). Điều này có nghĩa mọi người đều được Thiên Chúa dẫn dắt và được chỉ bảo bởi chính Thiên Chúa chứ không phải chỉ một số người đặc biệt nào đó. Thế nên, bất cứ ai cũng đều có khả năng suy tư nhận biết những sự khôn ngoan tự Thiên Chúa ban cho. Bởi vậy, chỉ những ai để tâm suy nghiệm những sự khôn ngoan và tìm hiểu về Thiên Chúa mới có thể nhận biết được những lời Đức Giêsu giảng dạy nơi Phúc Âm.
Qua bài Phúc Âm chúng ta vừa nghe, Thánh Thần đến để làm sáng tỏ những lời dạy của Đức Giêsu và chỉ bảo thêm cho chúng ta những điều Đức Giêsu chưa nói tới. Thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô của thánh PhaoLô cho chúng ta biết bẩy ơn của Chúa Thánh Thần (1Cor. 12:8-11). Những ơn này đều thuộc về tâm trí. Bởi thế có thể nói Thánh Thần Thiên Chúa làm việc nơi tâm trí của chúng ta. Như vậy, đạt được ơn Thánh Thần hay không tùy thuộc sự sử dụng tâm trí để tìm hiểu và suy nghiệm về Chúa hay không. Xét như thế, sự tìm hiểu và suy nghiệm được Phúc Âm gọi là nghe và học từ nơi Thiên Chúa. Câu Phúc Âm, “Khi Thần Chân Lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật” có nghĩa bất cứ những ai suy tư, nghiệm chứng về Thiên Chúa đều chấp nhận để Thánh Thần đến thực hiện công việc của Ngài. Những ai không xử dụng khả năng suy tư để nhận biết Thiên Chúa nơi mình đã tự động đóng cửa lòng không cho phép Thánh Thần làm việc. Suy luận đến đây, câu hỏi thường được nêu lên một cách e sợ: vậy nếu suy tư sai lầm hoặc không giống với người khác thì sao? Xin thưa, có câu nói, “Nếu đóng kín cửa ngăn ngừa phải đối diện với sai lầm thì chân lý cũng đành bó tay đứng ngoài”. Xét về thực chất con người, nào chúng ta có ai giống ai đâu! Và nếu giống về phương diện này thì khác về phương diện nào đó. Một khi chúng ta đã không giống nhau thì tất nhiên suy nghĩ khác nhau đâu có chi lạ lùng và trái nghịch. Hơn nữa, mục đích tiên vàn cũng như tối hậu của con người chỉ là tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài (Mt. 6:33), tức là nhận biết và nghiệm chứng thực thể Thiên Chúa đang hiện diện và hoạt động nơi chính mình. Mọi người đều có cùng một điểm tới nhưng bằng nhiều phương tiện cũng như hành trình khác nhau. Có thể nói mỗi người có phương cách cũng như điều kiện và thời điểm khác nhau để đạt tới điểm chung đó là nhận biết Thiên Chúa nơi mình. Và như vậy, không hành trình nào, không con đường nào có thể là khuôn mẫu cho tất cả mọi người hay một số người. Suy rộng hơn, tôn giáo cũng chỉ là phương tiện phần nào giúp con người nơi hành trình tâm linh. Tôn giáo không phải là mục đích của con người và tôn giáo cũng không phải là khuôn mẫu chung cho một số người đạt tới mục tiêu tâm linh tối hậu. Tôn giáo chỉ có thể giúp cho những người sơ cơ hoặc căn cơ thô thiển chẳng khác gì người mẹ giúp con mình tập đi nơi thời điểm chập chững. Khi đứa bé đã biết đi vững vàng, nó không cần người mẹ dìu nữa mà muốn đi tới đâu phải tự nó bước từng bước. Dù đường xa, dù hành trình vạn dặm thì cũng cần phải được khởi hành bằng một bước chân. Kinh nghiệm thực tế minh chứng, sau khi con mình đã biết đi, biết chạy vững vàng thì người mẹ không cần phảilo lắng cũng như không thể nào cấm đoán hoặc ngăn giữ con mình nên đi tới đâu hoặc về hướng nào bởi tất cả những sự cấm đoán hoặc khuôn mẫu chỉ là phương tiện giúp những người thiếu căn cơ hoặc chưa trưởng thành tránh các phiền hà hay thiệt hại cho họ mà thôi. Nơi Phúc Âm Gioan, Đức Giêsu rõ ràng tuyên bố Ngài là ánh sáng cho thế gian (8:12; 9:5); đồng thời nơi Phúc Âm Matthêu, ngài cũng nói, “Các con là muối cho đời” “các con là ánh sáng cho thế gian” (Mt. 5:13,14). Ngài không nói chúng ta là hũ đựng muối mà là muối ướp mặn đời. Ngài không bảo chúng ta là bóng đèn hay bó đuốc mà là ánh sáng cho thế gian. Chiếc hũ đựng muối không thể ướp mặn đời. Bóng đèn hay bó đuốc không soi sáng được chi. Mỗi người trong chúng ta là muối ướp mặn đời. Mỗi người chúng ta là ánh sáng cho đời. Sự thể chúng ta là muối, là ánh sáng cho đời vì Thánh Thần, vì Thiên Chúa đang hoạt động nơi mỗi người. Tôi cảm thấy, nếu suy nghiệm theo câu Phúc Âm này mọi người chúng ta đều gặp phải tình trạng lặng tâm kinh sợ. Kinh sợ vì vị thế của chúng ta quá cao trọng mà đã bao lâu nay chưa hề nghĩ tới. Chúng ta đã vô tình tự khinh khi chính mình bởi đã không suy nghiệm lời Phúc Âm.
Tóm lại, bài Phúc Âm nhắc nhở cho chúng ta biết chính Thánh Thần Thiên Chúa đang hoạt động nơi tâm trí, nơi linh hồn của mỗi người. Vấn đề còn lại chỉ là chúng ta có mở rộng lòng để tâm suy tư, nghiệm chứng Phúc Âm và để Thánh Thần có cơ hội dẫn dắt, chỉ đường cho chúng ta nơi hành trình nghiệm chứng Tin Mừng Nước Trời hay không. Hôm nay chúng ta mừng kính mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Xin ba Ngôi thúc đẩy và bằng mọi cách giúp chúng ta biết mở rộng lòng nhận thức Tin Mừng. Amen.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN – C
Ca nhập lễ
Lạy Chúa, xin nghe tiếng tôi kêu cầu. Lạy Chúa là Đấng cứu độ tôi, Chúa là Đấng phù trợ tôi, xin đừng bỏ rơi và đừng hắt hủi tôi.
Dẫn vào Thánh Lễ
Anh chị em thân mến! Trong trích đoạn thơ gửi tín hữu Galata hôm nay, Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta, nếu cứ xét theo lề luật thì chúng ta sẽ không thể sống công chính trước mặt Thiên Chúa được, nhưng nhờ lòng tin vào Đức Kitô chúng ta sẽ được giải thoát. Và trong bài trích sách Samuel quyển thứ hai cũng dạy: chính vì niềm tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa và lòng thống hối mà Thánh Vương Đavit, một con người phạm tội ngoại tình và giết người đã được Thiên Chúa thứ tha.
Qua bài Tin Mừng Chúa Giêsu cũng tha tội cho người phụ nữ vì bà yêu mến nhiều dù tội bà rất nhiều. Vì thế bài đáp ca cứ nhắc đi nhắc lại “Chúa đã tha thứ tội lỗi cho con” là tư tưởng xuyên suốt phụng vụ lời Chúa hôm nay.
Mỗi người chúng ta ai cũng có tội, vậy trong tâm tình thông hối chúng ta cùng nhau xin Chúa tha thứ để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa ban sức mạnh cho những kẻ cậy trông xin nghe lời chúng con cầu khẩn: loài người chúng con, thân phận yếu hèn, không thể làm được chi, nếu Chúa không nâng đỡ; xin Chúa hằng tuôn đổ hồng ân, giúp chúng con giữ huấn lệnh Chúa truyền, để chỉ muốn và làm những điều Chúa ưa thích. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: 2 Sm 12, 7-10. 13
“Chúa cũng đã tha tội cho vua rồi và vua sẽ không phải chết”.
Trích sách Samuel quyển thứ hai.
Trong những ngày ấy, Nathan thưa cùng Ðavít rằng: “Ngài chính là người đó”. Chúa là Thiên Chúa Israel phán rằng: “Ta đã xức dầu phong cho ngươi làm vua Israel và đã cứu ngươi khỏi tay Saolê. Ta đã ban cho ngươi nhà của chủ ngươi, trao cả cung phi của chủ ngươi vào lòng ngươi. Và tặng cho ngươi nhà Israel và Giuđa. Nếu bấy nhiêu đó còn ít, Ta cho ngươi thêm nhiều nữa. Vậy tại sao ngươi khinh thường lời Chúa mà làm điều gian ác trước mặt Ta? Ngươi đã dùng gươm giết Uria người Hêthê và bắt vợ y làm vợ mình, ngươi còn dùng gươm con cái Ammon mà giết y nữa. Do đó, lưỡi gươm sẽ không rời khỏi dòng dõi ngươi cho đến muôn đời, vì ngươi đã khinh dể Ta, và cướp vợ của Uria người Hêthê làm vợ mình”. Ðavít liền nói với Nathan rằng: “Trẫm đã phạm tội cùng Chúa”. Nathan thưa lại Ðavít rằng: “Chúa cũng đã tha tội cho vua rồi, và vua sẽ không phải chết”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 31, 1-2. 5. 7. 11
Ðáp: Lạy Chúa, Chúa đã tha thứ tội lỗi cho con (c. 5c).
Xướng: Phúc thay người được tha thứ lỗi lầm, và tội phạm của người được ơn che đậy! Phúc thay người mà Chúa không trách cứ lỗi lầm, và trong lòng người đó chẳng có mưu gian.
Xướng: Tôi xưng ra cùng Chúa tội phạm của tôi, và lỗi lầm của tôi, tôi đã không che giấu. Tôi nói: Tôi thú thực cùng Chúa điều gian ác của tôi, và Chúa đã tha thứ tội lỗi cho tôi.
Xướng: Chúa là chỗ dung thân, Chúa giữ tôi khỏi điều nguy khổ, Chúa đùm bọc tôi trong niềm vui ơn cứu độ.
Xướng: Chư vị hiền nhân, hãy vui mừng hân hoan trong Chúa, và mọi người lòng ngay hãy hớn hở reo mừng!
Bài Ðọc II: Gl 2, 16. 19-21
“Không phải tôi sống, mà là chính Ðức Kitô sống trong tôi”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.
Anh em thân mến, anh em biết rằng con người được công chính hoá không phải do các việc làm của lề luật dạy, nhưng chỉ là nhờ lòng tin vào Ðức Giêsu Kitô. Nên chúng ta đã tin vào Ðức Giêsu Kitô để được công chính hoá do lòng tin vào Ðức Kitô, chớ không phải do các việc làm của lề luật dạy. Do đó, không một ai được công chính hoá do các việc làm của lề luật dạy. Quả vậy, phần tôi, chính do lề luật mà tôi đã chết cho lề luật, để được sống cho Thiên Chúa. Tôi đã chịu đóng đinh vào thập giá làm một với Ðức Kitô. Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Ðức Kitô sống trong tôi. Hiện giờ tôi sống trong thân xác, là tôi sống trong lòng tin vào Con Thiên Chúa, Ðấng đã yêu mến tôi và đã phó mình vì tôi. Tôi không loại bỏ ơn Thiên Chúa. Nhưng nếu có sự công chính nào bởi lề luật, thì quả thực Ðức Kitô đã chết cách luống công.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Lc 19, 38
Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến, bình an trên trời, và vinh quang trên các tầng trời. – Alleluia.
Phúc Âm: Lc 7, 36-50 {hoặc Lc 7, 36 – 8, 3}
“Tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có một người biệt phái kia mời Chúa Giêsu đến dùng bữa với mình; Người vào nhà người biệt phái và vào bàn ăn. Chợt có một người đàn bà tội lỗi trong thành, nghe biết Người đang dùng bữa trong nhà người biệt phái, liền mang đến một bình bạch ngọc đựng thuốc thơm. Bấy giờ bà đứng phía chân Người khóc nức nở, nước mắt ướt đẫm chân Người, bà lấy tóc lau, rồi hôn chân và xức thuốc thơm. Thấy thế, người biệt phái đã mời Người nghĩ thầm rằng: “Nếu ông này là tiên tri thì phải biết người đàn bà đang động đến mình là ai và thuộc hạng người nào: là một người tội lỗi”. Nhưng Chúa Giêsu lên tiếng bảo ông rằng: “Hỡi Simon, Tôi có điều muốn nói với ông”. Simon thưa: “Xin Thầy cứ nói”.
– “Một người chủ nợ có hai con nợ, một người nợ năm trăm đồng, người kia nợ năm mươi. Vì cả hai không có gì trả, nên chủ nợ tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, người nào sẽ yêu chủ nợ nhiều hơn?” Simon đáp: “Tôi nghĩ là kẻ đã được tha nhiều hơn”. Chúa Giêsu bảo ông: “Ông đã xét đoán đúng”. Và quay lại phía người đàn bà, Người bảo Simon: “Ông thấy người đàn bà này chứ? Tôi đã vào nhà ông, ông đã không đổ nước rửa chân Tôi; còn bà này đã lấy nước mắt rửa chân Tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã không hôn chào Tôi, còn bà này từ lúc vào không ngớt hôn chân Tôi. Ông đã không xức dầu trên đầu Tôi, còn bà này đã lấy thuốc thơm xức chân Tôi. Vì vậy, Tôi bảo ông, tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều. Kẻ được tha ít, thì yêu mến ít”.
Rồi Người bảo người đàn bà: “Tội con đã được tha rồi”. Những người đồng bàn liền nghĩ trong lòng rằng: “Ông này là ai mà lại tha tội được?” Và Người nói với người đàn bà: “Ðức tin con đã cứu con, con hãy về bình an”.
{Sau đó Người rảo qua các thành thị và xóm làng, giảng dạy và loan báo Nước Thiên Chúa. Có nhóm Mười Hai cùng đi với Người, cũng có cả mấy người phụ nữ đã được chữa khỏi tà thần và bệnh tật: Maria gọi là Mađalêna, đã được chữa khỏi bảy quỷ ám, Gioanna vợ của Cusa viên quản lý của Hêrôđê, Susanna và nhiều bà khác: họ đã lấy của cải mình mà giúp Người.}
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tín hữu
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là Cha giầu lòng thương xót. Ngài luôn luôn tha thứ và sẵn sàng ra tay nâng đỡ, chở che và ban ơn cho những ai kêu xin Ngài. Vậy chúng ta hãy dâng lên Ngài lời nguyện xin:
1. “Ta đã xức dầu phong cho ngươi làm vua Israel”.- Xin cho các nhà cầm quyền trị nước ý thức rằng: quyền bính được trao ban là để phục vụ, để họ chăm lo mưu cầu hạnh phúc cho muôn dân trên toàn thế giới.
2. “Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà chính là Đức Kitô sống trong tôi”.- Xin cho các Kitô hữu nhận ra vai trò quan trọng của họ trong lòng Hội Thánh là được liên kết với Đức Kitô, để họ cộng tác với hàng Giáo phẩm bằng sự giúp đỡ tinh thần và vật chất.
3. “Tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều”.- Xin cho các tội nhân nhận ra tình trạng tội lỗi của mình, để họ chạy đến với lòng thương xót bao la của Thiên Chúa trong niềm tín thác, mến yêu, hầu xứng đáng lãnh nhận ơn giao hòa.
4. “Đức tin con đã cứu con, con hãy về bình an”.- Xin cho mọi thành phần trong giáo xứ chúng ta có được đức tin mạnh mẽ, dám mất tất cả vì yêu Chúa và tha nhân, nhờ đó sẽ được hạnh phúc trong tâm hồn như người đàn bà tội lỗi trong Tin Mừng.
Chủ tế: Lạy Chúa, lòng thương yêu của Chúa luôn là động lực thôi thúc cho chúng con đến với Chúa, xin cho chúng con biết hiệp nhất yêu thương nhau để làm chứng cho Chúa giữa một thế giới đầy hận thù và chia rẽ. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, Chúa rộng ban cho chúng con của ăn thức uống này, làm lương thực nuôi sống thể xác và làm bí tích đổi mới tâm hồn; xin cũng cho chúng con chẳng bao giờ thiếu thốn những gì cần thiết cho tâm hồn và thể xác chúng con. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Có một điều tôi xin Chúa, một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi.
Hoặc đọc:
Chúa nguyện rằng: “Lạy Cha chí thánh, vì danh Cha, xin hãy gìn giữ những kẻ Cha đã giao phó cho Con, để chúng nên một như Ta.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, chúng con vừa tham dự bí tích Thánh Thể, là mối dây liên kết mọi người chúng con trong Chúa; xin cho bí tích này cũng làm cho hội Thánh được hiệp nhất và bình an. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
Lòng Chúa xót thương.
Sự kiện mà đoạn Tin Mừng sáng nay vừa kể lại sẽ được ghi nhớ mãi mãi và chẳng bao giờ bị chìm vào quên lãng. Bởi vì nó là một đề tài cho những người đạo đức giả phản đối, nhưng lại là niềm vui mừng cho những tâm hồn tội lỗi.
Hôm đó một ông biệt phái mời Chúa Giêsu đến dùng bữa tại nhà mình và Chúa Giêsu đã chấp nhận lời mời ấy. Đang khi dùng bữa, thì Madalena, một thiếu phụ tội lỗi, nổi tiếng ở trong thành. Nàng bước vào với một bình dầu thơm trên tay. Mọi con mắt đều đổ dồn về phía nàng. Người ta chờ xem nàng sẽ làm những gì. Bất chấp những cái nhìn soi mói, nàng quỳ gối trước mặt Chúa Giêsu, khóc lóc cho quãng đời dĩ vãng. Rồi đổ thứ thuốc thơm xức chân Chúa Giêsu và lấy tóc mình mà lau.
Trước sự việc bất ngờ ấy, chắc hẳn nhiều người đã thoáng có ý tưởng khinh bỉ và chỉ trích. Nhưng Phúc Âm chỉ chú trọng tới lập trường của ông biệt phái. Ông thầm nghĩ rằng: Nếu Chúa Giêsu là một vị tiên tri hẳn phải biết người đang quỳ dưới chân mình chỉ là một kẻ tội lỗi và sẽ không chấp nhận những biểu lộ như thế. Thế nhưng Chúa Giêsu đã thấu suốt những ý nghĩ thầm kín của ông ta. Ngài muốn cho ông ta hiểu được giá trị của những hành động ấy, cũng như tỏ cho ông ta thấy lòng thương xót vô bờ của Ngài. Ngài bắt đầu bàng câu chuyện về hai con nợ. Một mắc nợ nhiều và một mắc nợ ít, rốt cuộc cả hai đều được tha thứ, thì lý đương nhiên kẻ được tha thứ nhiều thì sẽ yêu mến ông chủ nhiều hơn. Từ đó Chúa Giêsu đã đi tới kết luận: Tôi nói cho ông hay: tội lỗi của nàng tuy nhiều nhưng đã được tha thứ hết bởi vì nàng đã yêu mến nhiều.
Từ câu chuyện trên, tôi muốn đi tới một nhận định như thế này: Làm cho kẻ chết sống lại là một phép lạ vĩ đại, cũng thế, làm cho kẻ tội lỗi ăn năn là một phép lạ vĩ đại không kém. Ngày nay Chúa vẫn còn tác động và lôi kéo biết bao nhiêu tâm hồn như Madalena thuở trước. Từ chỗ bùn nhơ tội lỗi đã trở nên những người con yêu dấu. Một khi đã hoán cải cuộc đời và mặc lấy một cuộc sống mới, họ sẽ dấn thân, không một chút nề hà để phục vụ cho Thiên Chúa.
Thế nhưng để phép lạ ấy được thực hiện nơi bản thân chúng ta thì điều kiện chúng ta cần phải có đó là khiêm nhường và yêu mến. Khiêm nhường nhận ra thân phận yếu đuối và tội lỗi của mình. Yêu mến để được tha thứ và được tẩy sạch mọi dấu vết của tội lỗi, cũng để có được nghị lực sống đời sống mới. Như Madalena, chúng ta hãy tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa, để nhờ đó giục lòng sám hối ăn năn, thú nhận tội lỗi hầu lãnh nhận ơn Chúa thứ tha.
Lễ Chúa Ba Ngôi -C
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 16, 12-15).
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lĩnh hội được. Khi Thần Chân lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật, vì Người không tự mình mà nói, nhưng Người nghe gì thì sẽ nói vậy, và Người sẽ bảo cho các con biết những việc tương lai. Người sẽ làm vinh danh Thầy, vì Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con. Tất cả những gì Cha có đều là của Thầy, vì thế Thầy đã nói: Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con”.
Suy niệm
Mỗi lần con đặt tay lên trán làm dấu thánh giá, con tôn vinh một Thiên Chúa toàn năng, đầy yêu thương. Tình yêu thương từ nơi Thiên Chúa được diễn tả qua ba ngôi vị là Cha, là Con, là Thánh Thần. Dù có ngôi vị khác nhau nhưng vẫn là một Thiên Chúa duy nhất, thánh thiện và luôn đong đầy tình yêu. Mừng lễ Chúa Ba Ngôi, con người một lần nữa được bày tỏ niềm tin của mình cách trọn vẹn, xác tín và đầy lòng biết ơn. Dù có đi vào trần gian với một hình hài là con người, Đức Giêsu vẫn là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật, dù chỉ là một luồng gió nhẹ thổi vào giữa lòng Giáo hội, nhưng đó là Chúa Thánh Thần Ngôi Ba, Ngài hiện diện giữa lòng nhân loại, thổi những luồng gió mới của tình yêu, để biến đổi niềm tin, biến đổi con người cho phù hợp với chương trình cứu độ của Chúa Cha. Cũng từ đây, Ngôi Ba Thiên Chúa còn vén mở bức màn của mầu nhiệm tạo dựng, cho con người thấy công trình yêu thương của Chúa Cha thật hoàn mỹ, Ngài còn cho con người cộng tác với Ngài, để công trình yêu thương đó ngày một hoàn thiện hơn trong quỹ đạo tình yêu cứu độ của Thiên Chúa Cha. Mừng lễ Chúa Ba Ngôi còn vén mở bức màn của một tình yêu mở rộng, một tình yêu trao ban và sẵn sàng hy sinh, không tính toán, không tìm những lợi ích cho riêng một ngôi vị nào.
Lần giở lại những trang đầu của Kinh Thánh, chúng ta bắt gặp trình thuật sáng tạo trong sách Sáng Thế Ký, tác giả đã trình bày về sự hiện diện của Thiên Chúa, của Người Con duy nhất và của Đấng Khôn Ngoan là Thánh Thần. Bức tranh trong công trình tạo dựng đã có mặt Ba Ngôi của Thiên Chúa, các ngôi vị đã tô điểm cho công trình tạo dựng, đã thổi sự sống thần linh vào cho thế giới, cho con người, tất cả trở nên sống động và nổi bật mối hiệp thông trong tình yêu tạo dựng. Tác giả sách Châm Ngôn đã mượn lại tâm tình đó để nói về chiều sâu của tình yêu Ba Ngôi khi cho thế giới này hiện hữu, trong đó có con người: “Ðây sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa phán: “Chúa đã tạo thành nên ta là đầu sự việc của Người, trước cả những sự việc Người đã làm rất xa xưa. Ta đã được thiết lập tự thuở đời đời, ngay tự đầu tiên, khi địa cầu chưa sinh nở. Ta đã được sinh thành khi chưa có vực sâu, khi chưa từng có những dòng suối nước. Trước khi Chúa củng cố những ngọn núi cao, trước khi có những quả đồi, ta đã sinh ra rồi”. Thiên Chúa Ba Ngôi đã có mặt từ đời đời chứ không phải từ lúc xuất hiện vũ trụ và thế giới này, Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và con người, để tất cả được thông chia sự sung mãn của tình yêu Ba Ngôi, được tham dự vào sự sống đời đời của Thiên Chúa Ba Ngôi nữa, đó là một diễm phúc lớn lao của con người.
Khi được chọn làm Tông đồ của Đấng phục sinh, đặc biệt cho anh em dân ngoại, thánh Phaolô tâm niệm về ơn gọi của mình không đến do tài năng, không đến do những yếu tố của thế gian, nhưng tất cả do Thiên Chúa Ba Ngôi. Từ đó, thánh nhân luôn tìm thánh ý Thiên Chúa để thực hiện, luôn đi theo sự hướng dẫn của Thánh Thần, luôn từ bỏ tất cả để Thiên Chúa lớn lên trong mọi sự: “Anh em thân mến, khi được đức tin công chính hoá, chúng ta được bình an trong Chúa nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Ðấng cho chúng ta dùng đức tin mà tiến đến ân sủng, và đứng vững ở đó, và được hiển vinh trong niềm hy vọng vinh quang của con cái Chúa. Không những thế, chúng ta còn được vinh hiển trong gian nan, khi biết rằng gian nan rèn nhẫn nại, nhẫn nại rèn nhân đức, còn nhân đức rèn cậy trông. Nhưng cậy trông không đưa đến thất vọng, vì lòng mến Chúa được Thánh Thần, Ðấng ban cho chúng ta, đổ xuống lòng chúng ta”. Đó là lời ngài chia sẻ với cộng đoàn giáo hội tại thành phố Roma, nơi được coi là tận cùng thế giới vào thời điểm đó. Thiên Chúa Ba Ngôi đã dẫn ngài đi trên những nẻo đường chính ngài không thể biết trước, và làm những công việc con người không thể làm được. Chương trình cứu độ bằng tình yêu mở ra của Thiên Chúa đó, đã đưa bao tâm hồn trở về với mái ấm gia đình của Ngài ở trần gian là Giáo hội.
Đức Giêsu, người Con duy nhất của Chúa Cha, đã vâng lời Ngài, đi vào ngôi nhà của nhân loại trong phận con người. Người Con đó đã thực hiện ý Cha vẹn toàn, đã nói lại với con người tất cả những gì Thiên Chúa Cha muốn nói với con người. Người Con đó đã dùng ngôn ngữ và hoàn cảnh sống của con người, để truyền đạt chương trình cứu độ con người của Chúa Cha, tiếc rằng, con người chưa thể lãnh hội tất cả, chưa thể hiểu được chiều sâu của tình yêu cứu độ đó, nên đã khước từ sự hiện diện của Chúa Con. Không vì thế mà Chúa Cha hủy bỏ chương trình cứu độ, Ngài còn ban Chúa Thánh Thần cho nhân loại, để Ngôi Ba Thiên Chúa mở lòng, mở trí cho con người hiểu được chiều sâu thiêng liêng của ý định từ Chúa Cha. Suy niệm về tình yêu cứu độ đó, thánh Gioan đã viết lại chương trình cứu độ từ tình yêu của Thiên Chúa luôn có sự hiện diện của tất cả các ngôi vị: “Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “. . .Người sẽ làm vinh danh Thầy, vì Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con. Tất cả những gì Cha có đều là của Thầy, vì thế Thầy đã nói: Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con”. Là Ngôi Con hay Ngôi Thánh Thần, tất cả chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, các ngôi vị giúp cho con người phần nào hiểu được giá trị thánh thiêng của ơn cứu độ, của tâm tình cúi xuống đến từ Thiên Chúa, cũng từ đây, con người phần nào khám phá ra khuôn mặt của tình yêu, đó là mở ra cho tất cả mọi người, chứ không phải là một tình yêu khép kín.
Đức Giêsu đã vén mở bức màn tình yêu cứu độ của Thiên Chúa Cha cho con người biết ý nghĩa của mầu nhiệm Ba Ngôi như thế nào, chúng ta luôn tuyên xưng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, nhưng có ba ngôi vị, mầu nhiệm này cho con người thấy Thiên Chúa không đơn độc trong mầu nhiệm cứu độ con người, nhưng có ba ngôi vị cùng cứu độ con người. Đó là hình ảnh của một tình yêu mở ra, một tình yêu trao ban và thông hiệp với nhau. Và hôm nay, Thiên Chúa mong muốn con người họa lại bức tranh tình yêu cứu độ đó nơi mỗi tín hữu Kitô. Để cứu độ con người, Thiên Chúa mời con người cùng tham dự, cùng chia sẻ công việc và cùng giúp đỡ tha nhân cách này cách khác, trong những hoàn cảnh và ơn gọi tùy theo Thánh Thần ban cho mỗi người. Thiên Chúa xây dựng một ngôi nhà của Ngài tại trần gian là Giáo hội, Ngài mở rộng vòng tay đón tất cả mọi người dưới bầu trời này vào ngôi nhà đó, Ngài mời gọi con cái của Ngài chung tay góp sức, để ơn cứu độ đó đến được với mọi dân tộc, mọi gia đình và mọi tâm hồn. Lời mời đó đang từng ngày thôi thúc con người lên đường.
Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi quả thực đã được chính Thiên Chúa soi rọi cho con người biết ngay từ thưở ban đầu, lúc con người được tạo dựng, thế nhưng, vì sự sa ngã do lòng tham, con người đã xa dần Thiên Chúa, đi vào một thế giới đầy màu sắc nhưng là cạm bẫy, nơi đó, họ bị lôi kéo vào thế giới thần linh do con người dựng nên như là thần quyền lực, thần tiền bạc vật chất và thần xác thịt, những vị thần đó làm mê hoặc con người. Thiên Chúa đã dùng nhiều phương cách để lôi kéo con người ra khỏi mê hồn trận đó, từ thế giới đa thần trở về thế giới độc thần. Hành trình đó đầy gian nan và lắm thăng trầm, dù quyết tâm nhưng không thiếu những lần con người phản bội Thiên Chúa, cuối cùng, Ngài đã sai chính người Con duy nhất của Ngài là Đức Giêsu Kitô đến trần gian, đồng hành với con người, đặc biệt là chỉ cho họ thấy chỉ có một Thiên Chúa là Cha mọi người, đang cúi xuống để cứu độ con người, vậy mà họ đã chối từ sự hiện diện của người Con đó, kết tội Ngài là phạm thượng, nhân danh Thiên Chúa để kết án tử chính người Con của Thiên Chúa. Không có nỗi đau nào lớn cho bằng nỗi đau Thiên Chúa bị con người kết án và loại trừ, vậy mà Ngài vẫn yêu con người, vẫn tha thứ và cứu độ con người bằng một tình yêu vị tha, một tình yêu rộng mở.
Và hôm nay, trước một xã hội đang đề cao chủ nghĩa cá nhân, luôn nâng cái tôi lên trên tất cả những giá trị tinh thần khác, con người vô tình rơi vào vết xe đổ của dân Do thái thời xưa, đó là lạc vào thế giới đa thần giáo. Thiên Chúa bị đánh đồng với các thần linh khác, thậm chí còn nằm ở nấc thang khiêm tốn hơn các thần linh khác. Vậy thử hỏi mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi còn được trân trọng, được đặt lên trên tất cả những giá trị của thế gian không, bản thân mỗi tín hữu Kitô mỗi khi làm dấu là tuyên xưng một Thiên Chúa có Ba Ngôi hay chỉ là một hình thức chiếu lệ, một thói quen tôn giáo mà thôi. Chúng ta có nên cộng tác với Chúa Thánh Thần để thanh lọc lại niềm tin độc thần của mình, đó là tin và thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất, có ba ngôi vị trong chương trình cứu độ con người như Ngài đã và đang thực hiện trên khắp thế giới đó đây.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã giới thiệu người Cha của Ngài cho chúng con là Thiên Chúa tình yêu, là Cha chung mọi người, là Thiên Chúa duy nhất, xin cho chúng con luôn xác tín niềm tin của mình cách rõ ràng trong sự cố gắng, để chúng con không phải rơi vào con đường phản bội Thiên Chúa. Chúa đã tìm thánh ý Cha để thực hiện trong từng ngày và mọi ngày khi Chúa ở trần gian, xin chỉ dạy chúng con từng ngày biết sống cho Thiên Chúa Cha trong bổn phận là con, biết làm việc cho Thiên Chúa trong bổn phận là người đầy tớ bất tài, vô dụng. Thiên Chúa Cha cứu độ con người bằng một tình yêu rộng mở và hiệp thông, xin giúp chúng con biết rộng mở niềm tin của mình, để nhớ đến người nghèo khổ, nhớ đến anh chị em bất hạnh và nhớ đến những người chưa biết Chúa, hầu đưa họ về với đàn chiên của Chúa là gia đình Giáo hội. Amen.
HÃY YÊU ĐI RỒI SẼ BIẾT SỰ THẬT
(LỄ CHÚA BA NGÔI) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Chúa Thánh Thần sẽ dẫn chúng ta đến sự thật toàn vẹn (x.Ga 16, 13). Nhờ lời mạc khải của Chúa Kitô, chúng ta biết rằng Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là Thiên Chúa duy nhất mà là Ba Ngôi riêng biệt là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chỉ một Thiên Chúa duy nhất mà là Ba Ngôi. Tuy Ba Ngôi riêng biệt nhưng chỉ là một Thiên Chúa. Một mầu nhiệm vượt quá trí suy của nhân loại.
Vì sao Ba Ngôi mà chỉ là một Thiên Chúa hay vì sao chỉ một Thiên Chúa mà là Ba Ngôi? Xin được trả lời cách thành thật rằng bản thân không biết. Vì tin vào Đức Kitô, Đấng có lời quyền năng và yêu thương tôi cho đến cùng, cho đến chết trên thập giá, nên tôi tin vào lời của Người. Chính Chúa Kitô đã phải trả giá rất đắt, là cái chết thập giá, cho sự mạc khải này trong bối cảnh Do Thái giáo chỉ tin có một Thiên Chúa duy nhất và độc nhất. Chúng ta đừng quên một trong những lý do khiến dân chúng và nhiều lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ đã từng lấy đá ném Chúa Giêsu và lên án tử hình cho Người, vì Người tự cho mình là Con Thiên Chúa, ngang hàng với Thiên Chúa (x. Ga 10, 31-33; Mt 26, 62-66).
Thánh Kinh, đặc biệt Chúa Kitô không cho biết vì sao một Thiên Chúa mà là Ba Ngôi, nhưng đã mạc khải cho chúng ta biết mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi như thế nào. Đó là mầu nhiệm tình yêu liên đới, hiệp thông trọn hảo, đầy năng động và sáng tạo. Và chúng ta, loài thụ tạo cao cả nhất trong các loài hữu hình, ngay trong kiếp lữ thứ này, có thể cảm nghiệm phần nào đó mầu nhiệm ấy, khi sống trong Thánh Thần, Đấng là tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con, giữa Chúa con và Chúa Cha.
“Sự sống đời đời là chúng nhận biết Cha là Thiên Chúa duy nhất và Đức Giêsu Kitô mà Cha sai đến” (Ga 17, 3). Làm sao để nhận biết sự thật này nếu không được Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa tác động. Chúng ta đã được nhận làm con trong Đức Giêsu. “Vì là con, nên Thiên Chúa sai Thánh Thần của Con Ngài ngự vào lòng chúng ta và kêu lên: Abba, Cha ơi!” (Gl 4, 6). “Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa” (Rm 8, 16). Không ai có thể tuyên xưng Đức Kitô là Chúa nếu không được Thánh Thần thúc đẩy (x.1Cor 12, 3). Thánh Thần chính là nguồn tình yêu. Vì thế chỉ những ai ở trong tình yêu mới có thể hiểu biết sự thật. Và khi hiểu biết sự thật thì chính sự thật sẽ giải thoát chúng ta và đưa chúng ta vào sự sống đời đời.
Làm sao ta có thể biết nghĩa phu thê là gì khi ta chưa sống hết tình với người phối ngẫu? Làm sao ta có thể biết được thế nào là quê hương khi ta chưa hết lòng hết tâm với vận mệnh quốc gia dân tộc? Làm sao ta có thể biết được giá trị của con người trong cõi nhân sinh này khi ta chưa trải rộng con tim với người đồng loại, với người anh chị em cận kề, nhất là với những người cô thế cô thân?…
Hãy yêu đi rồi bạn sẽ biết nhiều lẽ huyền nhiệm của sự trao ban và đón nhận. Hãy hiệp thông cách thực sự thì bạn sẽ biết thế nào là tình liên đới. Đây là một cái lẽ biết theo nghĩa Thánh Kinh, tức là không chỉ nhìn thấy thực tại, thấy vấn đề bằng trí khôn, mà còn gắn bó thiết thân, chung lưng đấu cật, khi sầu buồn lẫn khi hoan lạc, lúc thuận lợi cũng như lúc gặp phải nghịch cảnh, gian truân.
Ngay trong cuộc sống này, có nhiều điều mà lý trí phải chào thua. Sự khôn ngoan đích thực không hệ tại ở trí óc, nhưng là ở trái tim. Có thể có trường hợp người ta đâm ra mù quáng vì yêu. Nhưng đó chỉ là thứ tình yêu vị kỷ, nghiêng chiều đam mê vụ lợi hoặc bất chính. Khi đã biết yêu với tình yêu trong sáng, quảng đại quên mình, với một tình yêu bắt nguồn từ tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa thì không một ai là không ở trong ánh sáng. Và chính ánh sáng sẽ soi dẫn chúng ta đến cùng chân lý.
Là Kitô hữu, không gì hơn là biết quy chiếu về Tình Yêu Thiên Chúa Ba Ngôi để rồi biết yêu thương nhau bằng:
1. Một tình yêu thúc đẩy ta không chỉ muốn mà còn biết chủ động, tích cực làm cho người mình yêu phát triển và nên hoàn thiện.
2. Một tình yêu thúc đẩy ta tìm mọi cách để cho người mình yêu nên đáng yêu và được nhiều người yêu mến.
3. Một tình yêu thúc đẩy ta nỗ lực hết mình làm cho người mình yêu có đủ khả năng và sự nhiệt tình để yêu mến tha nhân.
Khi ta sống được chút tâm tình yêu mến này, thiết tưởng rằng chúng ta sẽ chẳng còn băn khoăn với câu hỏi tại sao Ba Ngôi mà chỉ một Thiên Chúa, nhưng chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc vì biết cội nguồn của mình chính là Thiên Chúa Ba Ngôi.