TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật Lễ Lá - Năm C

03/04/2022 12:16:26 |   1203

Chúa Nhật Lễ Lá - Năm C
Tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa

 

cn lela C

Lc 22, 14-23,56

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

Chúa Nhật Lễ Lá - Năm C
Tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Phụng vụ Lễ Lá hôm nay chia làm hai phần:

Phần I: Lc. 19,28-34: Chúng ta có cảm tưởng như Đức Giêsu xếp đặt trước tất cả, và những gì Người truyền cho các Tông đồ thi hành thì đều đã xẩy ra đúng như vậy.

Phần II: Lc.19,35-40: Đức Giêsu vào thành Giêrusalem với tư cách là Đấng Thiên Sai, được dân chúng đi theo và hoan hô như đón mừng một ông vua khải hoàn vào thành để lên ngôi vương quyền. Nhưng Đức Giêsu lại không đáp ứng khát mong của dân Do Thái về một vua Thiên Sai trần thế, mà Người lại chọn thái độ khiêm nhu hiền hòa của một vị vua mục tử bằng việc ngồi trên lưng lừa thay vì trên ngựa chiến.

Hôm nay, cùng với Hội Thánh toàn cầu, cộng đoàn giáo xứ chúng ta cũng khai mạc tuần thánh. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta ý thức được điều đó, và sốt sắng tham dự vào nghi lễ thánh thiện này.

NGHI THỨC TƯỞNG NIỆM CHÚA VÀO GIÊ-RU-SA-LEM

(1) Linh mục chào giáo dân như thường lệ; nói ít lời với giáo dân hoặc:

Anh chị em thân mến, chúng ta tụ họp nơi đây, để cùng toàn thể Giáo Hội khai mạc tuần thánh tưởng niệm mầu nhiệm Vượt Qua, tức là cuộc thương khó và Phục Sinh của Ðức Ki-tô. Ðể chuẩn bị Tuần Thánh, trong suốt mùa chay, chúng ta đã cầu nguyện, thống hối, chia sẻ tình thương và cơm áo cho nhau.

Chúa nhật lễ lá hôm nay là ngày kỷ niệm Ðấng Cứu Thế vào thành thánh Giê-ru-sa-lem để hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua đem lại cho loài người ơn cứu độ, chúng ta hãy đem cả niềm tin mà hăng hái bước theo Người. Xin Người ban ơn để chúng ta thông phần đau khổ Người đã chịu trên thập Giá, hầu được chia sẻ vinh quang Phục Sinh và sự sống của Người.

(2) Linh mục đọc một trong hai lời nguyện sau đây:

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin thánh X hiến những cành lá này, để chúng con cầm mà hoan nghênh Ðức Giêsu là Vua chúng con. Xin ban cho mọi người chúng con đây là tín hữu Chúa được theo Người vào thành thánh Giê-ru-sa-lem vĩnh cửu. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Hoặc:

Lạy Chúa, xin gia tăng lòng tin cho chúng con là những kẻ cậy trông vào Chúa. giờ đây chúng con cầm những cành lá này, nghênh đón Ðức Ki-tô khải hoàn vinh hiển. Xin Chúa thương nhận lời và ban cho chúng con được sống kết hợp với Người như cành liền cây hầu sinh hoa kết quả. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

(3) Linh mục thinh lặng rảy nước thánh trên lá. phát lá;

Công bố Tin Mừng:

Bài Phúc Âm: Lc 19, 28-4

“Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu đi trước lên Giêrusalem. Và xảy ra là khi Người đến gần Bếtphaghê và Bêtania, giáp núi gọi là núi Cây Dầu, Người sai hai môn đệ đi và bảo rằng: “Các con hãy đến làng trước mặt kia, vừa vào làng, các con sẽ gặp con lừa con cột sẵn đó chưa ai cỡi bao giờ; các con hãy mở dây mà dẫn về. Và nếu có ai hỏi các con “Tại sao các ông mở dây?”, thì hãy nói thế này: “Vì Chúa cần dùng đến nó”. Hai người được sai ra đi, và gặp lừa con đứng đó như Chúa đã bảo. Hai ông đang mở dây lừa con, thì chủ nó hỏi r?ng: “Sao các ông mở dây lừa con?” Hai ông đáp: “Vì Chúa cần đến nó”. Hai ông dắt lừa về cho Chúa Giêsu, trải áo lên mình lừa và đặt Chúa lên trên. Dọc đàng, người ta trải áo trên lối đi. Khi Người đến gần triền núi Cây Dầu, tất cả đoàn môn đệ hân hoan lớn tiếng ca ngợi Chúa về mọi phép lạ họ đã thấy mà rằng: “Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến! Bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời”. Một vài người biệt phái trong đám đông nói cùng Người rằng: “Thưa Thầy, xin hãy mắng các môn đệ Ngài đi”. Chúa Giêsu nói: “Tôi bảo cho các ông biết: nếu họ làm thinh, thì những viên đá sẽ la lên”.

Ðó là lời Chúa.

(4) Sau Tin Mừng, tùy nghi giảng vắn tắt. Ðể bắt đầu cuộc rước chủ tế kêu gọi:

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy noi gương dân thành Giê-ru-sa-lem mà hoan hỷ lên đường nghênh đón Ðức Ki-tô.

(5) Thứ tự: người cầm hương; thánh giá có gắn lá; Linh mục và giúp lễ; giáo dân tay cầm lá.

Hình thức thứ hai: Nhập lễ trọng thể

Giáo dân cầm cành lá trong tay tụ họp ngoài hay trong chính nhà thờ. Chủ tế, giúp lễ và đại diện giáo dân đến một nơi đã dọn sẵn ngoài cung thánh. (14) Ðang khi ấy hát Hoan hô Thái Tử… Rồi làm phép lá, công bố Tin Mừng; sau đó tiến lên cung thánh cách trọng thể, trong khi ấy hát “xưa Chúa vào thành thánh…”

Tới bàn thờ, chủ tế tuỳ nghi xông hương. Ðọc lời nguyện nhập lễ, tiếp tục như thường.

Hình thức thứ ba: Nhập lễ đơn giản

Như thường lệ

THÁNH LỄ

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin mau cứu giúp tôi, xin kíp bảo vệ tôi. Xin cứu tôi thoát hàm sư tử, và giữ mạng sống yếu hèn tôi khỏi sừng tê giác.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn cho Ðấng cứu chuộc loài người phải sống kiếp phàm nhân và chịu khổ hình thập giá để nêu gương khiêm nhường cho thiên hạ noi theo. Xin cho chúng con biết đón nhận bài học Người để lại trong cuộc thương khó, và được thông phần vinh quang phục sinh với Người. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

 Bài Ðọc I: Is 50, 4-7

“Tôi đã không giấu mặt mũi tránh những lời nhạo cười, nhưng tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn”.

(Bài ca thứ ba về Người Tôi Tớ Chúa)

Trích sách Tiên tri Isaia.

Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ nhọc nhằn. Mỗi sáng Người đánh thức tôi, Người thức tỉnh tai tôi, để nghe lời Người giáo huấn. Thiên Chúa đã mở tai tôi, mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu; tôi đã không che giấu mặt mũi, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi. Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không phải hổ thẹn; nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 21, 8-9. 17-18a. 19-20. 23-24

Ðáp: Ôi Thiên Chúa! Ôi Thiên Chúa! sao Chúa đã bỏ con? (c. 2a)

Xướng: Bao người thấy con đều mỉa mai con, họ bĩu môi, họ lắc đầu: “Hắn tin cậy Chúa, xin Ngài cứu hắn, xin Ngài giải gỡ hắn, nếu Ngài yêu thương”.

Xướng: Ðứng quanh con là đàn ưng khuyển, một lũ côn đồ bao bọc lấy con. Chân tay con chúng đều chọc thủng, con có thể đếm được mọi đốt xương con. 

Xướng: Phần chúng thì nhìn xem con và vui vẻ, đem y phục của con chia sẻ với nhau, còn tấm áo dài, thì chúng rút thăm… Phần Ngài, lạy Chúa, xin chớ đứng xa con, ôi Ðấng phù trợ con, xin kíp ra tay nâng đỡ. 

Xướng: Con sẽ tường thuật danh Chúa cho các anh em, giữa nơi công hội, con sẽ ngợi khen Người. “Chư quân là người tôn sợ Chúa, xin hãy ca khen Chúa, toàn thể miêu duệ nhà Giacóp, hãy chúc tụng Người, hãy tôn sợ Người, hết thảy dòng giống Israel!” 

Bài Ðọc II: Pl 2, 6-11

“Người đã tự hạ mình; vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.

Chúa Giêsu Kitô, tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không nghĩ phải giành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong địa ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô là Chúa để Thiên Chúa Cha được vinh quang.

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Pl 2, 8-9

Chúa Kitô vì chúng ta, đã vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu.

Bài Thương Khó: Lc 22, 14 – 23. 56 (bài dài)

“Sự Thương Khó Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”.

C: Người đọc Chung, Thánh Sử; S: Người đối thoại khác, hoặc Cộng đoàn. J: Chúa Giêsu

C. Bài Thương Khó Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, theo Thánh Luca.

Ðến giờ, Chúa Giêsu vào bàn ăn với mười hai tông đồ và bảo các ông:

J. “Thầy đã tha thiết ước ao ăn Lễ Vượt Qua này với các con trước khi chịu khổ nạn. Thầy bảo các con, Thầy sẽ chẳng bao giờ ăn lễ này nữa, cho đến khi lễ này được thực hiện trong nước Thiên Chúa”.

C. Rồi Người cầm chén, tạ ơn và phán:

J. “Các con hãy lãnh nhận chén này mà chia cho nhau: Thầy bảo cho các con biết: Thầy sẽ không uống thứ nho này nữa cho đến khi nước Thiên Chúa đến!”

C. Ðoạn Người cầm bánh và tạ ơn, bẻ ra và trao cho các ông mà phán:

J. “Này là Mình Ta hiến ban vì các con, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”.

C. Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén mà phán:

J. “Chén này là Tân ước trong Máu Ta sẽ đổ ra vì các con. Vả lại này tay kẻ nộp Ta đang ở gần Ta, ngay trên bàn này. Ðành rằng Con Người sẽ ra đi như đã được ấn định, nhưng vô phúc cho kẻ nộp Người!”

C. Bấy giờ các ông bắt đầu hỏi nhau xem ai trong nhóm họ là kẻ làm điều đó. Giữa các ông cũng xảy ra một cuộc tranh giành xem ai trong họ được coi là cao trọng hơn hết. Nhưng Người bảo:

J. “Vua chúa các dân ngoại thì thống trị dân, và những kẻ có quyền hành trên dân thì bắt dân gọi mình là ân nhân. Phần các con, thì không như thế, vì ai cao trọng hơn các con thì hãy trở thành như người nhỏ nhất, và kẻ làm đầu, hãy trở thành như người hầu bàn. Vì người ngồi ăn và kẻ hầu hạ, ai trọng hơn, nào chẳng phải là người ngồi ăn ư? Thế mà Thầy, Thầy ở giữa các con như người hầu hạ. Còn các con, các con đã kiên trì với Thầy trong các cơn gian nan của Thầy, và Thầy xếp đặt nước trời cho các con như Cha Thầy đã xếp đặt cho Thầy, để các con sẽ được ăn uống đồng bàn trong nước Thầy, và được ngồi trên toà xét xử mười hai chi tộc Israel!”

C. Rồi Chúa nói:

J. “Simon, Simon, này ma quỷ đã đòi sàng các con như sàng gạo, nhưng Ta đã cầu nguyện để con khỏi mất đức tin. Và phần con, khi đã trở lại, con hãy làm cho anh em con vững tin”.

C. Ông thưa Người:

S. “Lạy Thầy, con sẵn sàng theo Thầy, dù vào tù hay đi chịu chết”.

C. Nhưng Người đáp:

J. “Phêrô, Thầy bảo cho con biết: hôm nay khi gà chưa gáy, con đã chối rằng không biết Thầy”.

C. Và Người bảo các ông:

J. “Khi Thầy sai các con đi không mang theo túi tiền, không bị, không giày dép, nào các con có thiếu thốn sự gì không?”

C. Các ông thưa:

S. “Không thiếu gì cả”.

C. Vậy Người nói:

J. “Nhưng bây giờ ai có túi tiền, hãy cầm lấy, ai có bị, cũng hãy làm như vậy, và ai không có gươm, thì hãy bán áo choàng mình mà mua lấy gươm. Vì Thầy bảo các con hay: còn điều này chép về Thầy cũng cần phải được ứng nghiệm: “Người đã bị liệt vào số những kẻ gian ác”. Vì mọi điều đã chép về Thầy phải được hoàn tất”.

C. Các ông thưa Người:

S. “Thưa Thầy, này có hai thanh gươm đây”.

C. Và Người bảo:

J. “Ðủ rồi”.

C. Ðoạn Người ra đi lên núi cây ôliu như thường lệ. Các môn đệ cũng đi theo Người. Ðến nơi, Người bảo các ông:

J. “Các con hãy cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ”.

C. Rồi Người đi xa các ông một quãng bằng ném một hòn đá và quỳ gối cầu nguyện rằng:

J. “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin Cha cất chén này xa con. Nhưng xin đừng theo ý con muốn, một theo ý Cha”.

C. Bấy giờ có thiên thần từ trời hiện ra an ủi Người. Và lâm cơn hấp hối, Người cầu nguyện thiết tha hơn, và mồ hôi Người chảy ra như những giọt máu rơi xuống đất. Cầu nguyện xong, Người đứng dậy, trở lại chỗ các môn đệ, và thấy các ông còn đang ngủ vì buồn sầu. Người liền bảo:

J. “Các con ngủ ư? Hãy dậy và cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ”.

C. Người còn đang nói, thì này đây một lũ đông, và một người trong nhóm Mười Hai là Giuđa dẫn đầu. Hắn lại gần Chúa Giêsu để hôn Người. Chúa Giêsu bảo hắn:

J. “Giuđa, ngươi lấy cái hôn để nộp Con Người ư?”

C. Thấy các sự sắp xảy ra, những kẻ đứng chung quanh Người liền hỏi:

S. “Thưa Thầy, chúng con có nên dùng gươm mà chém không?”

C. Và một người trong các ông chém tên đầy tớ thầy thượng tế đứt tai phải. Nhưng Chúa Giêsu lên tiếng bảo:

J. “Thôi, đủ rồi”.

C. Và Người sờ vào tai người đầy tớ ấy mà chữa cho y lành lại. Rồi Chúa Giêsu bảo các kẻ đến bắt Người gồm các thượng tế, trưởng vệ binh đền thờ và kỳ lão rằng:

J. “Các ngươi cầm gươm giáo gậy gộc đi bắt Ta như bắt tên cướp ư? Hằng ngày Ta ngồi trong đền thờ giữa các ngươi mà các ngươi không bắt Ta. Nhưng đây là giờ của các ngươi và của quyền lực tối tăm”.

C. Chúng liền bắt Người và điệu tới nhà thầy thượng tế. Còn Phêrô đi theo xa xa.

Họ đốt lửa ngay giữa sân và ngồi vòng quanh, Phêrô cũng ngồi lẫn với họ. Một đứa đầy tớ gái thấy ông ngồi gần lửa, thì nhìn kỹ ông và bảo:

S. “Cả ông này cũng theo hắn”.

C. Nhưng ông chối và nói:

S. “Này chị, tôi đâu quen biết người ấy”.

C. Một lát sau, có người khác nhìn ông và nói:

S. “Chính ông cũng là người trong bọn đó”.

C. Nhưng Phêrô đáp:

S. “Này anh, đâu có phải tôi”.

C. Chừng một giờ sau, một người khác lại quả quyết rằng:

S. “Ðúng ông này cũng theo người ấy: vì ông ta cũng là người xứ Galilêa”.

C. Phêrô đáp:

S. “Này anh, tôi không biết anh muốn nói gì?”

C. Khi ông còn đang nói, thì lập tức gà liền gáy. Chúa Giêsu quay lại nhìn Phêrô. Bấy giờ Phêrô mới sực nhớ lời Chúa đã bảo ông trước: Khi gà gáy, con đã chối Thầy ba lần. Phêrô liền ra ngoài và khóc lóc thảm thiết.

Những kẻ canh giữ người, nhạo cười và đánh đập Người. Chúng che mặt Người, vả mặt mà hỏi Người rằng:

S. “Hãy đoán xem ai đánh ngươi đó”.

C. Và chúng còn thốt ra nhiều lời khác nhục mạ Người. Vừa sáng ngày, các kỳ lão trong dân, các thượng tế và các luật sĩ hội lại và cho điệu Người ra trước công nghị mà nói:

S. “Nếu ông là Ðấng Kitô, hãy nói cho chúng tôi hay”.

C. Người trả lời:

J. “Tôi có nói, các ông cũng chẳng tin tôi, và nếu tôi có hỏi, các ông cũng chẳng trả lời và cũng chẳng tha tôi. Nhưng từ giờ đây, Con Người sẽ ngự bên hữu Thiên Chúa toàn năng”.

C. Mọi người đều hỏi lại:

S. “Vậy ông là Con Thiên Chúa ư?”

C. Người đáp:

J. “Các ông nói đúng, Ta là Con Thiên Chúa”.

C. Bấy giờ họ nói:

S. “Chúng ta còn cần chứng cớ chi nữa? Vì chính chúng ta cũng nghe y nói”.

C. Ðoạn tất cả bọn họ đứng dậy và giải Người đến Philatô.

Họ bắt đầu tố cáo Người rằng:

S. “Chúng tôi đã thấy người này xúi giục dân nổi loạn, ngăn cản nộp thuế cho Cêsarê, và còn tự xưng là Kitô Vua”.

C. Philatô bảo các thượng tế và đám đông rằng:

S. “Ta không thấy người này có tội gì”.

C. Nhưng họ cố nài rằng:

S. “Người này đã làm náo động dân chúng, giảng dạy khắp xứ Giuđêa, bắt đầu từ Galilêa đến đây”.

C. Philatô vừa nghe nói đến Galilêa, liền hỏi cho biết có phải đương sự là người xứ Galilêa không. Và khi đã biết Người thuộc thẩm quyền Hêrôđê, quan liền sai giải Người cho Hêrôđê cũng có mặt tại Giêrusalem trong những ngày ấy. Hêrôđê thấy Chúa Giêsu thì mừng rỡ lắm, vì từ lâu, ông ao ước thấy Người, bởi đã nghe nói về Người rất nhiều, và hy vọng xem Người làm một vài phép lạ. Nhà vua hỏi Người rất nhiều lời, nhưng Người không đáp gì hết. Trong khi ấy, các thượng tế và luật sĩ ở đó tố cáo Người dữ dội. Còn Hêrôđê cùng các quan lính thì khinh dể và nhạo báng Người, đoạn khoác cho Người một cái áo choàng trắng và gởi trả Người cho Philatô. Chính ngày đó, Hêrôđê và Philatô trở thành bạn hữu, vì trước kia họ là thù địch với nhau.

Bấy giờ Philatô triệu tập các thượng tế, các thủ lãnh và dân chúng lại, rồi bảo họ:

S. “Các ngươi đã nộp cho ta người này như một kẻ xúi giục dân làm loạn, nhưng đây ta đã tra xét trước mặt các ngươi, và ta không thấy người này phạm tội nào trong những tội các ngươi tố cáo. Cả vua Hêrôđê cũng thấy như vậy, vì ta đã cử các ngươi đến nhà vua và nhà vua cũng không thấy có chi đáng tội chết cả. Vậy ta sẽ cho sửa phạt, rồi tha đi”.

C. Mỗi dịp lễ, quan tổng trấn phải phóng thích cho họ một người tù. Vậy toàn dân đồng thanh kêu lên:

S. “Hãy giết người này, và tha Baraba cho chúng tôi”.

C. Tên này vì dấy loạn trong thành và giết người, nên đã bị tống ngục. Nhưng Philatô muốn tha Chúa Giêsu, nên lại nói với dân chúng. Nhưng chúng càng la to hơn và nói:

S. “Hãy đóng đinh nó, hãy đóng đinh nó vào thập giá!”

C. Lần thứ ba, quan lại nói với dân chúng:

S. “Người này đã làm gì xấu? Ta không thấy nơi ông ấy có lý do để lên án tử hình. Vậy ta sẽ trừng phạt, rồi tha đi”.

C. Chúng lại la lớn tiếng, nhất định đòi đóng đinh Người vào thập giá, và tiếng la hét của chúng càng dữ dội hơn. Philatô liền tuyên án theo lời chúng yêu cầu. Vậy quan phóng thích tên đã bị cầm tù vì dấy loạn và giết người, là kẻ mà chúng đã xin tha, còn Chúa Giêsu thì quan trao phó để mặc ý chúng.

Khi điệu Người đi, chúng bắt một người xứ Xyrênê, tên Simon, ở ngoài đồng về, chúng bắt ông vác thập giá theo sau Chúa Giêsu. Ðám đông dân chúng theo Người, có cả mấy người phụ nữ khóc thương Người. Nhưng Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại bảo họ rằng:

J. “Hỡi con gái Giêrusalem, đừng khóc thương Ta, hãy khóc thương chính các ngươi và con cái các ngươi. Vì này, sắp đến ngày người ta sẽ than rằng: “Phúc cho người son sẻ, phúc cho những lòng không sinh nở và những vú không nuôi con”. Bấy giờ người ta sẽ lên tiếng với núi non rằng: “Hãy đổ xuống đè chúng tôi”, và nói với các gò nổng rằng: “Hãy che lấp chúng tôi đi”. Vì nếu cây tươi còn bị xử như vậy, thì gỗ khô sẽ ra sao?”

C. Cùng với Người, chúng còn điệu hai tên gian ác nữa đi xử tử. Khi đã đến nơi gọi là Núi Sọ, chúng đóng đinh Người vào thập giá cùng với hai tên trộm cướp, một đứa bên hữu và một đứa bên tả Người. Bấy giờ Chúa Giêsu than thở rằng:

J. “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”.

C. Rồi chúng rút thăm mà chia nhau áo Người. Dân chúng đứng đó nhìn xem, và các thủ lãnh thì cười nhạo Người mà rằng:

S. “Nó đã cứu được kẻ khác thì hãy tự cứu mình đi, nếu nó thật là Ðấng Kitô, người Thiên Chúa tuyển chọn”.

C. Quân lính đều chế diễu Người và đưa dấm cho Người uống và nói:

S. “Nếu ông là vua dân Do-thái, ông hãy tự cứu mình đi”.

C. Phía trên đầu Người có tấm bảng đề chữ Hy-lạp, La-tinh và Do-thái như sau: “Người này là vua dân Do-thái”. Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục Người rằng:

S. “Nếu ông là Ðấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa”.

C. Ðối lại, tên kia mắng nó rằng:

S. “Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao. Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta đã làm, còn Ông này, Ông có làm gì xấu đâu?”

C. Và anh ta thưa Chúa Giêsu rằng:

S. “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”.

C. Chúa Giêsu đáp:

J. “Quả thật, Ta bảo ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”.

C. Lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu, tối tăm liền bao trùm cả mặt đất cho đến giờ thứ chín. Mặt trời trở nên u ám, màn trong đền thờ xé ra làm đôi ngay chính giữa. Lúc đó Chúa Giêsu kêu lớn tiếng rằng:

J. “Lạy Cha, Con phó linh hồn Con trong tay Cha”.

C. Nói đoạn, Người trút hơi thở.

(Quỳ gối thinh lặng thờ lạy trong giây lát)

Thấy sự việc xảy ra, viên sĩ quan ca tụng Thiên Chúa rằng:

S. “Ông này quả thật là người công chính”.

C. Và tất cả dân chúng có mặt thấy cảnh tượng đó, và chứng kiến những sự việc xảy ra, liền đấm ngực trở về.

Ðứng xa xa, có những kẻ quen biết Người, và mấy phụ nữ đi theo Người từ xứ Galilêa, họ cũng chứng kiến. Tuy nhiên, có một công nghị viên tên là Giuse, người tốt lành và công chính. Ông này đã không đồng ý với mưu toan và hành động của các công nghị viên khác, ông quê ở thành Arimathia trong xứ Giuđêa, chính ông cũng trông đợi nước Chúa. Ông đến gặp Philatô và xin xác Chúa Giêsu. Ðoạn ông hạ xác Người xuống, liệm trong khăn và táng trong mồ đã đục sẵn, nơi chưa táng xác ai. Hôm đó là ngày chuẩn bị và sắp bước sang ngày Sabbat. Trong khi đó, những người phụ nữ đã đi với Người từ xứ Galilêa, cũng theo đến xem mồ và xác Người được táng như thế nào. Rồi các bà về sửa soạn thuốc thơm và dầu thơm. Nhưng trong ngày Sabbat, các bà nghỉ theo đúng luật.

Hoặc đọc bài vắn này: Lc 23, 1-49

C. Bài Thương Khó Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, theo Thánh Luca.

Khi ấy, tất cả công nghị đứng dậy và giải Người đến Philatô. Họ bắt đầu tố cáo Người rằng:

S. “Chúng tôi đã thấy người này xúi giục dân nổi loạn, ngăn cản nộp thuế cho Cêsarê, và còn tự xưng là Kitô Vua”.

C. Philatô bảo các thượng tế và đám đông rằng:

S. “Ta không thấy người này có tội gì”.

C. Nhưng họ cố nài rằng:

S. “Người này đã làm náo động dân chúng, giảng dạy khắp xứ Giuđêa, bắt đầu từ Galilêa đến đây”.

C. Philatô vừa nghe nói đến Galilêa, liền hỏi cho biết có phải đương sự là người xứ Galilêa không. Và khi đã biết Người thuộc thẩm quyền Hêrôđê, quan liền sai giải Người cho Hêrôđê cũng có mặt tại Giêrusalem trong những ngày ấy. Hêrôđê thấy Chúa Giêsu thì mừng rỡ lắm, vì từ lâu, ông ao ước thấy Người, bởi đã nghe nói về Người rất nhiều, và hy vọng xem Người làm một vài phép lạ. Nhà vua hỏi Người rất nhiều lời, nhưng Người không đáp gì hết. Trong khi ấy, các thượng tế và luật sĩ ở đó tố cáo Người dữ dội. Còn Hêrôđê cùng các quan lính thì khinh dể và nhạo báng Người, đoạn khoác cho Người một cái áo choàng trắng và gởi trả Người cho Philatô. Chính ngày đó, Hêrôđê và Philatô trở thành bạn hữu, vì trước kia họ là thù địch với nhau.

Bấy giờ Philatô triệu tập các thượng tế, các thủ lãnh và dân chúng lại, rồi bảo họ:

S. “Các ngươi đã nộp cho ta người này như một kẻ xúi giục dân làm loạn, nhưng đây ta đã tra xét trước mặt các ngươi, và ta không thấy người này phạm tội nào trong những tội các ngươi tố cáo. Cả vua Hêrôđê cũng thấy như vậy, vì ta đã cử các ngươi đến nhà vua và nhà vua cũng không thấy có chi đáng tội chết cả. Vậy ta sẽ cho sửa phạt, rồi tha đi”.

C. Mỗi dịp lễ, quan tổng trấn phải phóng thích cho họ một người tù. Vậy toàn dân đồng thanh kêu lên:

S. “Hãy giết người này, và tha Baraba cho chúng tôi”.

C. Tên này vì dấy loạn trong thành và giết người, nên đã bị tống ngục. Nhưng Philatô muốn tha Chúa Giêsu, nên lại nói với dân chúng. Nhưng chúng càng la to hơn và nói:

S. “Hãy đóng đinh nó, hãy đóng đinh nó vào thập giá!”

C. Lần thứ ba, quan lại nói với dân chúng:

S. “Người này đã làm gì xấu? Ta không thấy nơi ông ấy có lý do để lên án tử hình. Vậy ta sẽ trừng phạt, rồi tha đi”.

C. Chúng lại la lớn tiếng, nhất định đòi đóng đinh Người vào thập giá, và tiếng la hét của chúng càng dữ dội hơn. Philatô liền tuyên án theo lời chúng yêu cầu. Vậy quan phóng thích tên đã bị cầm tù vì dấy loạn và giết người, là kẻ mà chúng đã xin tha, còn Chúa Giêsu thì quan trao phó để mặc ý chúng.

Khi điệu Người đi, chúng bắt một người xứ Xyrênê, tên Simon, ở ngoài đồng về, chúng bắt ông vác thập giá theo sau Chúa Giêsu. Ðám đông dân chúng theo Người, có cả mấy người phụ nữ khóc thương Người. Nhưng Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại bảo họ rằng:

J. “Hỡi con gái Giêrusalem, đừng khóc thương Ta, hãy khóc thương chính các ngươi và con cái các ngươi. Vì này, sắp đến ngày người ta sẽ than rằng: “Phúc cho người son sẻ, phúc cho những lòng không sinh nở và những vú không nuôi con”. Bấy giờ người ta sẽ lên tiếng với núi non rằng: “Hãy đổ xuống đè chúng tôi”, và nói với các gò nổng rằng: “Hãy che lấp chúng tôi đi”. Vì nếu cây tươi còn bị xử như vậy, thì gỗ khô sẽ ra sao?”

C. Cùng với Người, chúng còn điệu hai tên gian ác nữa đi xử tử. Khi đã đến nơi gọi là Núi Sọ, chúng đóng đinh Người vào thập giá cùng với hai tên trộm cướp, một đứa bên hữu và một đứa bên tả Người. Bấy giờ Chúa Giêsu than thở rằng:

J. “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”.

C. Rồi chúng rút thăm mà chia nhau áo Người. Dân chúng đứng đó nhìn xem, và các thủ lãnh thì cười nhạo Người mà rằng:

S. “Nó đã cứu được kẻ khác thì hãy tự cứu mình đi, nếu nó thật là Ðấng Kitô, người Thiên Chúa tuyển chọn”.

C. Quân lính đều chế diễu Người và đưa dấm cho Người uống và nói:

S. “Nếu ông là vua dân Do-thái, ông hãy tự cứu mình đi”.

C. Phía trên đầu Người có tấm bảng đề chữ Hy-lạp, La-tinh và Do-thái như sau: “Người này là vua dân Do-thái”. Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục Người rằng:

S. “Nếu ông là Ðấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa”.

C. Ðối lại, tên kia mắng nó rằng:

S. “Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao. Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta đã làm, còn Ông này, Ông có làm gì xấu đâu?”

C. Và anh ta thưa Chúa Giêsu rằng:

S. “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”.

C. Chúa Giêsu đáp:

J. “Quả thật, Ta bảo ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”.

C. Lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu, tối tăm liền bao trùm cả mặt đất cho đến giờ thứ chín. Mặt trời trở nên u ám, màn trong đền thờ xé ra làm đôi ngay chính giữa. Lúc đó Chúa Giêsu kêu lớn tiếng rằng:

J. “Lạy Cha, Con phó linh hồn Con trong tay Cha”.

C. Nói đoạn, Người trút hơi thở.

(Quỳ gối thinh lặng thờ lạy trong giây lát)

Thấy sự việc xảy ra, viên sĩ quan ca tụng Thiên Chúa rằng:

S. “Ông này quả thật là người công chính”.

C. Và tất cả dân chúng có mặt thấy cảnh tượng đó, và chứng kiến những sự việc xảy ra, liền đấm ngực trở về.

Ðứng xa xa, có những kẻ quen biết Người, và mấy phụ nữ đi theo Người từ xứ Galilêa, họ cũng chứng kiến.

Lời nguyện tín hữu

Chủ sựAnh chị em thân mến!  Phụng vụ lời Chúa hôm nay dạy cho chúng ta hiểu rằng: muốn được chiến thắng vinh quang phải trải qua một cuộc chiến đấu gian khổ, đó là qui luật tất yếu. Hoàn toàn và triệt để tin tưởng vào cuộc chiến thắng của Đức Ki-tô, Chúa chúng ta, chúng ta cùng phấn khởi nguyện xin:

1. Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện”.— Xin cho những nhà nguyên thủ Quốc gia biết suy tư về phát triển những điều ích lợi cho dân tộc và toàn thế giới.

2. “Sao các ông mở dây lừa con?”.- Xin cho các tín hữu khi tưởng niệm việc Chúa vào thành Giêrusalem, biết hân hoan vui mừng được Chúa xử dụng cả tài sản và con người cho việc tông đồ.

3. “Người đã tự hạ mình vâng lời cho đến chết...”.- Xin cho những vị truyền giáo một tình mến nồng nàn, một đức tin nhạy bén để nhận ra rằng có ngày khải hoàn thì ắt có ngày vác Thập Giá, để không nản chí sờn lòng bỏ cuộc.

4. “Người hủy bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi”.- Xin cho mỗi người trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta biết thức tỉnh lương tâm, để nhận ra dấu chỉ của lòng Chúa xót thương kêu gọi hóan cải.

Chủ sựLạy Chúa, xin cho chúng con biết đặt chiếc áo kiêu căng, tự mãn cùng với các dam mê xấu lót đường Chúa đi, để mang tâm tình đơn sơ, khiêm tốn, vâng phục của Chúa hầu đáng tham dự niềm vui, sự bình an của những môn đệ Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, cúi xin Chúa nhớ lại cuộc khổ hình của Ðức Ki-tô và cho chúng con được làm hoà cùng Chúa. Thật chúng con chẳng làm gì nên công trạng, nhưng chúng con tin sẽ được Chúa mở lượng khoan hồng tha thứ, nhờ hiến lễ độc nhất vô song của Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời tiền tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con, nhờ Ðức Ki-tô, Chúa chúng con. Người là Ðấng vô tội, đã cam chịu khổ hình thay cho những người tội lỗi, và bằng lòng chịu kết án bất công thay cho kẻ gian tà. Người đã chết để tẩy trừ tội lỗi, và đã sống lại để thánh hoá chúng con. Vì thế, cùng với toàn thể Thiên thần và các thánh, chúng con ca ngợi Chúa, và vui mừng phấn khởi tung hô rằng:

Thánh! Thánh! Thánh!…

Ca hiệp lễ

Lạy Cha, nếu chén này không thể qua đi được mà con phải uống, thì xin theo ý Cha.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, tại bàn tiệc Thánh Thể, Chúa cho chúng con được thoả chí toại lòng. Nhờ Con Một Chúa chịu khổ hình thập giá, Chúa làm cho chúng con tin tưởng vững vàng sẽ được ơn cứu độ, thì nhờ mầu nhiệm Người đã phục sinh, xin cho chúng con đạt tới quê trời như lòng hằng mong ước. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

Con lừa
Sưu tầm

Hôm nay, Chúa Giêsu cưỡi trên lưng một con lừa để tiến vào thành Giêrusalem giữa những tiếng tung hô vạn tuế. Chính vì thế, chúng ta cùng nhau chia sẻ về hình ảnh con lừa.

Đối với nhiều người, hình ảnh con lừa chẳng phải là một hình ảnh hấp dẫn, bởi vì lừa là một con vật đần độn và ưa nặng. Tuy nhiên, trong một bài thơ, Chesterton diễn tả một chú lừa đã quan sát vẻ xấu xí của mình và tự nhủ:

“Chắc hẳn tôi đã được sinh ra khi mảnh trăng nhuốm máu, khi cá lượn trên không, lúc cây rừng cất bước và cây vả trổ gai. Ôi chiếc đầu kỳ quái, tiếng kêu ghê tởm, đôi tai khác nào cặp cánh lạc loài và dáng đi kỳ cục nhất trong các loài động vật bốn chân. Thế nhưng, tôi cũng có giờ của tôi chứ. Một giờ thật oanh liệt và êm dịu, khi bên tai tôi văng vẳng tiếng reo hò và ngành thiên tuế chập chờn dưới bước chân tôi đấy”.

Và chú lừa đã thốt lên:

“Quí vị cứ cười nhạo tôi đi, nhưng nên nhớ rằng tôi đã được chọn trong tất cả thú vật trần gian, để cõng trên mình Đấng Cứu Độ nhân loại”.

Mặc dù chúng ta thường nhạo báng giống lừa, nhưng các nhân vật trong Kinh Thánh lại ngợi khen chúng. Lừa là một giống vật hiền hoà, khác hẳn với loài ngựa, là giống vật dành cho chiến tranh. Tiên tri Giacaria đã tiên báo: Đấng Messia, tức là Đấng Thiên Sai, sẽ cưỡi trên lưng lừa mà tiến vào thánh Giêrusalem.

Và hôm nay, Chúa Giêsu đã thực hiện lời tiên báo ấy. Làm như thế, Ngài đã chu toàn hai điều xác quyết sau đây: Điều xác quyết thứ nhất, Ngài xác nhận mình là Đấng Thiên Sai, Đấng Messia của dân Do Thái. Điều xác quyết thứ hai, Ngài mạc khải cho chúng ta biết sứ mạng thiên sai của Ngài là gì?

Vào thời Chúa Giêsu, việc mạc khải này có thể dẫn tới những hiểu lầm tai hại. Thực vậy, có nhiều người nghĩ rằng sứ mạng của Đấng Thiên Sai hệ tại việc đoàn kết dân chúng lại, để đánh đuổi quân xâm lược Rôma ra khỏi đất nước họ. Thế nhưng, Chúa Giêsu cưỡi trên lưng con vật hiền lành mà tiến vào thành Giêrusalem. Hành động này đi ngược lại với ý tưởng trên. Đồng thời còn cho thấy Đấng Thiên Sai không phải là một ông vua chinh chiến, bắt kẻ thù phải làm nô lệ cho mình.

Ngài đến và đã quỳ gối rửa chân cho thần dân của Ngài, chứ không phải là để ngồi trên ngai vàng, rồi bắt mọi người phải hầu hạ mình. Ngài đoàn kết dân chúng sau lưng mình, không phải là để đi giao tranh với các dân tộc khác, nhưng liên kết họ để chiến đấu chống lại nghèo khổ, đói khát, thu hận và mọi hình thức bất công.

Ngài đến không phải để kết án, nhưng để tha thứ. Ngài đến không phải để phá đổ những giấc mơ của dân chúng, nhưng để làm cho những giấc mơ ấy trở thành hiện thực bằng một phương cách lạ lùng nhất. Ngài không cưỡng bức, nhưng kêu mời chúng ta bước theo Ngài.

Thế nhưng, chúng ta có đáp trả lời mời gọi ấy hay không, thì đó là việc làm riêng tư của mỗi người chúng ta. Còn giờ đây, chúng ta hãy vui mừng và cùng với các tín hữu ở khắp mọi nơi, hãy tung hô Chúa: Vạn tuế Đấng Nhân Danh Chúa mà đến.
 

 

 

CHÚA NHẬT LỄ LÁ – 2001

(Lc. 22:14-23,56) – Lm Lã Mộng Thường

Hôm nay chúng ta cử hành nghi thức làm phép lá, kỷ niệm dữ kiện được ghi lại nơi Phúc Âm về việc Đức Giêsu vào thành Giêrusalem một cách đương đường và được người dân Do Thái đón tiếp, trải áo choàng và những cành lá trên đường để cho con lừa Ngài cưỡi đi lên trên. Đây là những hành vi chứng tỏ sự tôn vinh của người dân đơn sơ mộc mạc ngày xưa.

Ngày nay chúng ta thấy nơi những cuộc đón tiếp các bậc vị vọng, quyền quý và đáng kính, người ta trải một đoạn thảm cho vị ấy bước lên trước khi được người đại diện cao cấp đón tiếp. Nghi thức này thường được dùng nơi triều đình các vua chúa ngày xưa. Chúng ta cũng thấy người ta dùng vải hoặc rẻ tiền hơn, dùng cuộn nilông mỏng trải lối cho đôi tân hôn tiến tới bàn thờ nơi hôn lễ. Sở dĩ dùng nilông mỏng có thể cho đỡ tốn phí nhưng thay vì người khác soạn chương trình đón tiếp mình thì ngày nay đôi tân hôn tự làm lấy mà thường thì không hiểu lý do, chỉ thấy kẻ khác làm sao mình bắt chước theo như vậy.

Cũng cùng một kiểu quen thói như thế, chúng ta mừng Lễ Lá đại khái kỷ niệm Đức Giêsu vinh quang vào thành Giêrusalem khởi đầu cho tuần thánh “tuần lễ tưởng niệm sự khổ nạn của Đức Giêsu”. Tôi không thể hiểu được cũng như không tưởng tượng được quý ông bà anh chị em nghĩ gì khi tham dự Lễ Lá hoặc tuần thánh.

Kiểm nhớ lại những cuộc tham dự tuần thánh ngày xưa khi còn ở Việt Nam hoặc nơi những cộng đồng Công Giáo người Việt có nhà thờ riêng, chúng ta thấy những sinh hoạt đạo đức ngắm nguyện, đi đàng Thánh Giá, nghi thức rửa chân, chầu lượt, tôn kính Thánh Giá… Nơi cộng đồng nhỏ bé lệ thuộc nhà thờ xứ người, phần nào chúng ta cảm thấy thiếu thốn và tiếc nuối những buổi lễ trọng đại, xôm tụ bày tỏ đầy lòng mộ mến Đức Giêsu… Tâm tình này chẳng khác gì sự lạc lõng nơi cuộc đời vất vưởng nơi xứ người. Chúng ta tiếc nuối thói quen, tập quán đạo đức của mình.

Tuy nhiên nếu để tâm nhận định về tâm tư đạo đức cá nhân, những gì được tuyên truyền, rao giảng xưa nay về sự khổ nạn và chết trên thập giá của Đức Giêsu, chúng ta được in đậm nơi tâm hồn lòng tri ân và mộ mến vì Ngài đã tự nguyện hy sinh mạng sống để chuộc những lỗi lầm của chúng ta. Lòng tri ân và mộ mến này phát sinh ước muốn để noi gương Đức Giêsu chịu sự khó trong cuộc đời. Khổ nỗi, dẫu muốn và cố gắng cách mấy, chúng ta vẫn cảm thấy hình như không học theo được Ngài bất cứ sự khổ nạn nào qua mọi hình thái nơi cuộc sống. Nếu ai để tâm trí suy nghiệm về tính cách nơi những sự việc chúng ta cố học theo gương Đức Giêsu, tất nhiên họ nhận thực được một điều đó là chúng ta chỉ có mơ ước hoặc bày tỏ mơ ước để được an tâm do đó lòng khát khao theo chân Ngài càng ngày càng trở nên khoảng trống vô hạn định và cuối cùng sự khát khao này bị chìm vào lãng quên, có chăng chỉ còn lại sự nhắc nhở những ngôn từ. Tại sao sự thể này phát sinh nơi tâm hồn mỗi người? Xin thưa, vì chúng ta đã chỉ cố gắng tập tành bắt chước trở nên như Đức Giêsu theo hình thức có thể nhận thấy bên ngoài theo nghĩa từ chương được ghi lại nơi Phúc Âm. Chúng ta triền miên thất bại bởi đã không để ý suy nghiệm những lời giảng dạy của Đức Giêsu nên chúng ta đã không nói được giống Ngài, đã không thể nào áp dụng được những lời Ngài giảng dạy trong cuộc đời. Thế nên, nhân ngày chủ nhật bước vào tuần thánh, tôi muốn trình bày cùng quý ông bà anh chị em nguyên tắc căn bản để noi gương và bước theo Đức Giêsu nơi hành trình đức tin.

Đặc tính then chốt chúng ta cần học theo Đức Giêsu đó là sự mở rộng tâm hồn để chấp nhận cuộc đời hầu nhận ra thánh ý Thiên Chúa nơi cuộc đời mình từng ngày, từng giờ, từng giây phút. Mọi sự, mọi việc trong cuộc đời, Đức Giêsu đều chấp nhận theo ý Đức Chúa Cha. Chúng ta nói Đức Giêsu xuống thế chết vì chúng ta. Chúng ta đã nói nghịch lại với Phúc Âm. Qua bài thương khó vừa được công bố, Phúc Âm ghi lại rõ ràng lời cầu nguyện của Đức Giêsu, “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin Cha cất chén này xa con. Nhưng xin đừng theo ý con muốn, một theo ý Cha”. Đức Giêsu xin Thiên Chúa cất chén đắng Ngài sắp phải chịu, và như vậy, Đức Giêsu đã chịu khổ hình, chịu chết trên thánh giá theo thánh ý Thiên Chúa Cha. Vì thánh ý Thiên Chúa muốn như thế, Đức Giêsu phải chấp nhận. Đã biết bao lần nơi cuộc đời chúng ta rơi vào cảnh, “trói lại mà đánh khen hay chịu đòn” nhưng những người khác không biết đấy là đâu gán cho chúng ta những danh hiệu đao to búa lớn, nào hy sinh, nào hiếu đễ, nào gan dạ, nào tốt lành, thánh thiện, nào nhu mì, nào đức hạnh…

Để tâm nghiệm chứng Phúc Âm, chúng ta sẽ nhận rõ được một điều; đó là chính Thiên Chúa đang dùng cuộc đời bắt chúng ta phải trải qua muôn cảnh khổ ải để giúp chúng ta thăng tiến nơi hành trình đức tin mà đã bao lâu nay không để ý suy nghiệm. Phúc Âm ghi lại mục đích cũng là nhiệm vụ chính yếu nơi cuộc đời Đức Giêsu đó là rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Ngài cũng dạy chúng ta, “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người” (Mt. 6:33). Chúng ta không cần biết, không cần suy nghiệm để nhận định Tin Mừng là gì. Chúng ta không cần biết Nước Thiên Chúa là gì, thì sao có thể học theo Đức Giêsu? Chúng ta chỉ quen thói nghe sao biết vậy và cùng lắm thì cố gắng lặp lại câu nói gán ép cho Đức Giêsu điều Ngài không muốn. Chúng ta gán ép cho Đức Giêsu tội kiêu ngạo mà đã không bao giờ để ý mình đã nói gì. Sống như Đức Giêsu, học theo Ngài có nghĩa suy nghĩ và áp dụng những lời dạy dỗ của Ngài nơi cuộc đời chứ không phải chỉ lặp lại những lời Ngài dạy cho qua hầu được hưởng nước thiên đàng.

Tôi thử đưa ra một thí dụ cụ thể, các bà mẹ đang hiện diện nơi nhà thờ. Các bà nuôi nấng con cái nhiều cách khác nhau. Dù một người mẹ có 5 hoặc 7 đứa con thì mỗi đứa con người mẹ nuôi mỗi kiểu cách tùy thời và tùy nơi nhưng tựu trung các bà đều là những người mẹ. Chúng ta muốn trở nên giống Đức Giêsu, những lời dạy của Ngài, những lời Phúc Âm phải trở nên tính chất của mỗi người chúng ta, và tính chất căn bản là suy nghiệm để nhận thực và vâng theo thánh ý Thiên Chúa từng giây phút nơi cuộc đời của mình.

Lẽ đương nhiên, dẫu chống trời, dẫu không chấp nhận, và càng trốn chạy càng cảm thấy khổ ải. Suy nghiệm Lời Chúa để phát triển năng lực chấp nhận cuộc đời đã được ban cho chúng ta đang thể hiện đặc tính của Đức Giêsu nơi trần thế. Amen.

Chúa Nhật Lễ Lá –Năm C
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 19, 28-4).

Khi ấy, Chúa Giêsu đi trước lên Giêrusalem. Và xảy ra là khi Người đến gần Bết-pha-ghê và Bê-ta-ni-a, giáp núi gọi là núi Cây Dầu, Người sai hai môn đệ đi và bảo rằng: “Các con hãy đến làng trước mặt kia, vừa vào làng, các con sẽ gặp con lừa con cột sẵn đó chưa ai cỡi bao giờ; các con hãy mở dây mà dẫn về. Và nếu có ai hỏi các con “Tại sao các ông mở dây?”, thì hãy nói thế này: “Vì Chúa cần dùng đến nó”. Hai người được sai ra đi, và gặp lừa con đứng đó như Chúa đã bảo. Hai ông đang mở dây lừa con, thì chủ nó hỏi rằng: “Sao các ông mở dây lừa con?” Hai ông đáp: “Vì Chúa cần đến nó”. Hai ông dắt lừa về cho Chúa Giêsu, trải áo lên mình lừa và đặt Chúa lên trên. Dọc đàng, người ta trải áo trên lối đi. Khi Người đến gần triền núi Cây Dầu, tất cả đoàn môn đệ hân hoan lớn tiếng ca ngợi Chúa về mọi phép lạ họ đã thấy mà rằng: “Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến! Bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời”. Một vài người biệt phái trong đám đông nói cùng Người rằng: “Thưa Thầy, xin hãy mắng các môn đệ Ngài đi”. Chúa Giêsu nói: “Tôi bảo cho các ông biết: nếu họ làm thinh, thì những viên đá sẽ la lên”.

Suy niệm

Để chuẩn bị cho một chuyến hành trình, cần phải tìm hiểu những gì liên quan đến chuyến đi, đặc biệt là những điểm đến, cùng những gì cần thiết cho mọi sinh hoạt của bản thân. Hành trình lên đồi Can-vê theo chân Thầy Chí Thánh là một chuyến đi đầy thú vị nhưng không kém phần mạo hiểm. Thú vị bởi có người dẫn đường là Con Thiên Chúa làm người, mạo hiểm bởi trong hành trình đó, người bộ hành phải từ bỏ ý riêng, chấp nhận đi theo sự chỉ dẫn của người dẫn đường. Hành trình đó dù ngắn nhưng đòi hỏi người bộ hành phải chuẩn bị rất kỹ, suy nghĩ, chọn lựa và quyết định cho riêng mình.

Mùa chay là thời gian dành cho người tín hữu Kitô suy nghĩ, chọn lựa và quyết định có nên theo Thầy Giêsu, lên đỉnh Núi Sọ, cùng Thầy bước vào cuộc phiêu lưu mà Thầy đã vâng lời Chúa Cha, đi vào lịch sử nhân loại, cứu độ con người. Tuần thánh là những ngày cao điểm của chuyến đi đó, với những chặng đường thương khó, tất cả đòi hỏi người bộ hành phải dấn thân, phải từ bỏ, thậm chí phải hy sinh. Lễ Lá là một điểm mốc đặc biệt, khởi đi từ sự kiện dân thành Giê-ru-sa-lem đón Đức Giêsu vào thành. Hôm nay họ tung hô Ngài với những gì trang trọng nhất, ngày mai, họ kết án Ngài với những lời sỉ vả nhục nhã nhất. Con người là thế.

Bước vào Thánh lễ đặc biệt này, bài Tin Mừng trình bày biến cố này được thánh Luca diễn tả rất trang trọng. Dân chúng đón Ngài thật hân hoan. Thế nhưng, đi vào phần phụng vụ Lời Chúa, Mẹ Giáo hội trích từ sách tiên tri I-sa-i-a cũng như trong thư của thánh Phaolô gởi giáo đoàn Phi-lip-phê, tất cả như là những nét vẽ của bức tranh trong mầu nhiệm tử nạn của Con Thiên Chúa. Lời tiên tri đã nói: “Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ nhọc nhằn. Mỗi sáng Người đánh thức tôi, Người thức tỉnh tai tôi, để nghe lời Người giáo huấn. Thiên Chúa đã mở tai tôi, mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui”. Hình ảnh người tôi tớ can đảm và trung tín được tác giả dùng để khắc họa dung mạo Đấng Cứu Thế thật mạnh mẽ, trước sức mạnh của tội lỗi và sự chết, Ngài vẫn can đảm, trước mưu lược và sự hận thù tột độ của ma quỷ, Ngài can đảm chống lại tất cả, để rồi kết thúc cuộc chiến đấu là đón nhận vinh quang của chiến thắng trong sức mạnh của Thiên Chúa.

Để có được chiến thắng vinh quang trước sức mạnh của tội lỗi và sự chết, Đức Giêsu đã từ bỏ tất cả, ngay cả ngai vàng trên trời cao, hạ mình xuống. Cảm nhận của thánh Phaolô về người Con Thiên Chúa, dám từ bỏ tất cả vì yêu, dám chết vì yêu thật sâu sắc và ý nghĩa: “Chúa Giêsu Kitô, tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không nghĩ phải giành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá”. Với thế gian thì đây là một sự điên rồ, với Thiên Chúa, đây là một niềm vinh dự, Con Thiên Chúa đã tự hạ, trở nên như con người, ngoại trừ tội lỗi, sống cho và sống cùng với con người, chết cho con người. Quả là một sự hy sinh xem ra nhảm nhí theo góc nhìn của thế gian, nhưng trước mặt Thiên Chúa, chúng ta nghe thánh Phaolô nói tiếp: “Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong địa ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô là Chúa để Thiên Chúa Cha được vinh quang”. Con Thiên Chúa đã vì yêu mà khước từ tất cả, chỉ mong sao con người được sống và sống dồi dào. Phần con người, đền đáp tình yêu là một nghĩa cử trân trọng và rất cần để được sống. Con người có đủ can đảm để đáp đền tình yêu Thiên Chúa dành cho mình không.

Bữa tiệc ly trước khi Thầy trò bước vào cuộc khổ nạn, như là hình ảnh báo trước về bàn tiệc cánh chung sau hết. Thầy trò gặp nhau, chia sẻ vui buồn, Thầy mong các trò luôn trung thành, các trò ước mơ theo Thầy đến cùng, dù có phải thế nào. Vậy mà, giữa cuộc chơi, có người rẽ ngang, có người phản bội, có người bỏ cuộc. Thầy hụt hẫng, trò bơ vơ. Chắc Thầy đau khổ rất nhiều trước những người học trò đã cất công dạy dỗ bao năm trời, từ lời ăn tiếng nói, từ cách sống đạo làm người đến những mầu nhiệm trên trời. Tất cả được Thầy chỉ dạy ân cần, thế mà đến lúc Thầy lâm nạn, kẻ trước người sau bỏ đi, khổ tâm nhất là có cả học trò chối không biết Thầy là ai. Khi chứng kiến Thầy làm dấu lạ hóa bánh ra nhiều, các ông hân hoan, bởi chọn lựa theo Thầy không sai lầm. Chứng kiến Thầy cho kẻ chết sống lại, người câm nói được, người què đi được, các ông vui sướng vì quyết định từ bỏ tất cả đi theo Thầy không phải là một quyết định lệch lạc, thế mà khi Thầy đối diện với sự hận thù của thế gian, các học trò không đủ can đảm đứng bên Thầy để chống lại sức mạnh của ganh tị, thù ghét và chống đối.

Thầy yêu dấu, chúng con quyết định theo Thầy, bởi chúng con thấy trong con người Thầy, có một sức mạnh linh thiêng, từ lời dạy dỗ, đến việc làm, từ thái độ ân cần, đến việc chia sẻ những trăn trở về con người. Chúng con hiểu được phần nào chiều sâu của tình yêu đó, nhưng suy nghĩ của chúng con chưa thực sự bắt nhịp với tần số của tình yêu trong Thầy, do đó, khi Thầy đứng yên nhận chịu sự xỉ nhục của con người, chúng con không thể hiểu được nên đành tháo lui. Khi Thầy để cho người ta đánh đòn, kết án tử bất công, chúng con không thể nào hiểu được sức mạnh của tình yêu như thế nào, do đó, chúng con để mình thành kẻ phản bội. Khi Thầy để cho người ta treo trên thập tự, đau đớn, trần trụi, đói khát, chúng con chưa thấy được giá trị của sự hy sinh, nên đành thất lỗi với Thầy. Tất cả những yếu tố đó dù rất tự nhiên của một con người, nhưng tại sao Thầy là Con Thiên Chúa mà để cho con người hành hạ, kết án, đóng đanh và nhạo cười như thế. Làm sao chúng con hiểu được chiều sâu nội tâm của tình yêu tự hiến đó. Thầy ơi, muộn màng, nhưng phần nào chúng con đã hiểu đôi chút, Thầy yêu chúng con đến hy sinh chính mình, hy sinh cả con người, sự sống và giá trị của ngôi vị Con Thiên Chúa làm người.

Mùa chay đang dần khép lại, Thiên Chúa đợi chờ nơi con người một sự cố gắng chân thành, khiêm tốn đủ. Ăn chay, cầu nguyện và bố thí là những việc làm cho các tín hữu, để biết mình, biết người và biết Thiên Chúa như thế nào. Những giờ nguyện ngắm, những Thánh lễ hàng ngày, là những dịp thuận lợi, giúp con người thấy được sự trần trụi của một tạo vật, thấy được chiều sâu của tình thương nơi người Cha là Thiên Chúa. Ngài mong con người hãy thay đổi hình ảnh Thiên Chúa trong suy nghĩ, trong ý thức, trong đời sống đức tin, để đến gần Ngài hơn trong tâm tình thống hối, phần con người, không thiếu những lúc nghĩ suy về sự thật của tình thương khác với Thiên Chúa mong chờ. Họ áp đặt sự thật của thế gian lên những việc làm của đức tin, áp đặt toan tính theo thế gian lên những việc làm cần thiết trong mùa chay. Vì thế, niềm tin sống đạo trong mùa chay của con người vô tình dừng lại nơi hình thức, nơi những lễ hội và những lợi nhuận thế gian, chứ chưa thực sự đi vào chiều sâu của tâm tình thống hối và trở về như Thiên Chúa mong muốn.

Tuần thánh là đỉnh cao trong hành trình đức tin của người tín hữu, những nghi thức trong tuần thánh không dừng lại bên ngoài, nhưng diễn tả hành động của tình yêu đến từ Thiên Chúa, đêm tối của tội lỗi nhiều lúc làm cho con người lầm lạc trong cách suy nghĩ, thứ bảy tuần thánh sẽ là lúc bức màn đen đó được thay thế bằng ánh sáng phục sinh. Ngọn nến phục sinh sẽ rọi chiếu cho người tín hữu tìm về với Đấng đã chiến thắng sự chết, nhưng để có thể bước theo ánh sáng đó, cần có một sự đổi thay tích cực và năng động, cần có một sự quyết tâm và sẵn sàng lên đường.

Lạy Chúa Giêsu, vì yêu thương con người, Chúa đã đi vào ngôi nhà của nhân loại với những hố sâu tội lỗi và khổ đau, từ đó Ngài kéo con người ra khỏi tình trạng đó, tiến vào niềm vui mới của mầu nhiệm phục sinh, xin cho chúng con biết can đảm, nắm lấy bàn tay của Chúa, để được giải thoát, trở thành con người tự do trong Thiên Chúa. Chúa đã chấp nhận cái chết nhục nhã vì người mình yêu, xin cho chúng con biết sống tinh thần phục vụ, biết chấp nhận những giới hạn của tha nhân trong đời phục vụ, biết cầu nguyện cho mọi người như Chúa dạy chúng con. Amen.

BÀI THƯƠNG KHÓ!
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Là Kitô hữu Công giáo, vào tuần Thánh thì một trong những chuyện xem ra khá vất vả cho những người có trách nhiệm phục vụ các Lễ nghi Phụng vụ và cả bà con tín hữu tham dự đó là “hát và nghe bài Thương Khó”. Những người hát thì vất vả cỡ nào còn tuỳ khả năng ca hát của họ, còn người nghe thì hầu như phải chịu đựng khá nhiều, nhất là khi nghe các “ca viên không chuyên” ê a, chưa kể đến các yếu tố âm thanh, thời tiết…

Chắc hẳn anh chị em bà con lương dân, khác đạo sẽ thấy lạ tai với cụm từ thương khó, một cụm từ không phổ thông. Lần giở các trang tự điển tiếng Việt, tôi không tìm thấy cụm từ ấy. Thế nhưng, hầu như Kitô hữu Công giáo nào khi nghe đến cuộc thương khó, cũng hiểu ngay đó là cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Cụm từ “cuộc thương khó” được dịch bởi từ La ngữ “Passio”, mà nguyên nghĩa là chịu đau khổ. Anh ngữ và Pháp ngữ đều dịch là “Passion”, cũng một nội hàm. Không hiểu vì sao khởi đi từ nghĩa gốc là “chịu đau khổ” thì từ Passion theo thời gian, có lẽ bắt đầu từ thế kỷ XII, lại có thêm nghĩa là dục vọng, một dục vọng mãnh liệt vượt mức bình thường, thành sự đam mê, thành “yêu say đắm”. Có mối tương quan gì chăng giữa các nghĩa của từ ngữ này bản thân không được rõ nhưng cũng xin mạo muội chia sẻ đôi tâm tình về cuộc khổ nạn của Chúa chúng ta, nhân sự gợi ý của hai ngữ nghĩa ấy. Chúa Giêsu chịu khổ nạn vì con người đam mê, yêu say đắm. Và vì đam mê, yêu say đắm con người nên Chúa Giêsu chịu khổ nạn.

1. Chúa Giêsu chịu khổ nạn vì con người đam mê, yêu say đắm. Vấn đề là ở đối tượng của sự đam mê hay yêu say đắm. Con người đã theo chước cám dỗ mà hướng chiều sự say mê vào chính bản thân mình. Biết sự lành sự dữ là một ước muốn chính đáng và hợp lý với loài có trí khôn. Tuy nhiên khi lấy bản thân mình, lấy lợi ích của mình để làm thước đo lành dữ thì quả là một sai lầm to lớn. Vì say đắm chính mình nên con người đã đặt danh dự, chức phận, lợi ích của mình lên hàng trên hết. Những gì có lợi cho tôi, làm cho tôi vinh dự, giúp tôi thăng tiến quyền chức đã trở thành điều lành theo quan điểm của tôi. Và như thế sự lành dữ không còn mang tính khách quan, nghĩa là do Thiên Chúa đặt định.

Các nhà Kitô học cũng như các chuyên gia Thần học Thánh Kinh đã phân tích các nguyên nhân phía nhân loại gây ra cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Trong các nguyên nhân ấy cần phải kể đến tham vọng quyền bính của nhóm Mười Hai mà đặc biệt là của tông đồ Giuđa. Sự thường, đi liền sau quyền bính chính là lợi lộc. Ngoài ra chúng ta cũng cần kể đến tham vọng quyền bính của những người lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ. Tổng trấn Philatô đã biết rõ: “chỉ vì ganh tị mà họ nộp Người” (Mt 27,18).

Một sự say đắm “quy ngã”, nghĩa là hướng về bản thân mình rất dễ dẫn đến những điều tồi tệ cho tha nhân và cho cả bản thân. Quá yêu mình thì người ta sẽ dễ coi thường tha nhân. Quá xem trọng lợi ích của mình thì người ta cũng dễ bị cám dỗ tìm cách hạn chế hay xâm phạm lợi ích của kẻ khác. Để bảo vệ quyền chức của mình người ta cũng dễ sẵn sàng hạ bệ kẻ khác bằng mọi cách thế, kể cả thủ đoạn.

2. Vì yêu say đắm con người nên Chúa Giêsu đã chịu khổ nạn. Vừa đặt câu hỏi lại vừa trả lời, tác giả Thánh Vịnh cho ta hay: “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm? Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân” (Tv 8,4-7). Ngoài câu trả lời: vì “Thiên Chúa là Tình yêu” (1Ga 4, 8), thì chúng ta không thể trả lời cách đầy đủ cho câu hỏi tại sao Thiên Chúa yêu con người đến thế, nhưng chúng ta lại biết rõ “cái thế này”: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Chúng ta còn thấy sự đắm say này qua việc Con Thiên Chúa làm người đã tự nhận làm con của loài người (Son of Man – Fils de l’ Homme). Đó là Đấng mà xưa ngôn sứ Đaniel qua thị kiến đã thấy “ngự giá mây trời mà đến” (Đn 7,13).

Sự đắm say của của Chúa Giêsu mang tính “hướng tha” nghĩa là hướng về người khác. Là Người Con Một, Người luôn hướng về Chúa Cha bằng sự hiệp thông, mến yêu, vâng phục. Vào trần gian, làm “con của loài người”, ý định của Người là “không phải để được người ta phục vụ nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28).

Tình yêu thì không có biên giới. Đã yêu thì không chấp nhận sự nửa vời. Và có thể nói say đắm là điểm tới của yêu thương. Đã đắm say thì có sự khổ nạn. Vấn đề đặt ra là hướng của sự đắm say là bản thân hay tha nhân. Khi ta say đắm bản thân thì ta sẽ gây đau khổ cho kẻ khác và ta lại huỷ hoại chính bản thân mình. Ngược lại khi ta đắm say tha nhân thì ta sẽ đón nhận khổ đau để tha nhân được cứu sống, được hạnh phúc và chính ta cũng sẽ được sống, triển nở và sống dồi dào.

Người ta thường gọi các thánh là những người “điên”. Có lẽ chữ “điên” hơi mang dáng vẻ hàm hồ và dễ bị ngộ nhận. Thiết nghĩ nên gọi các Ngài là những vị yêu Chúa, yêu tha nhân cách say đắm. Như thế ngoài những vị đã được Hội Thánh tuyên phong thì đã và đang có đó nhiều vị thánh không tên, những người đang yêu đồng loại cách đắm say. Họ đang dõi bước theo chân Chúa Giêsu, Đấng đã từng phán “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23). Với những vị đó, theo cách nói của thánh Âugustinnô, thì “bài thương khó” dù rằng khó và rất khó nhưng vẫn dễ thương, vì đã được thương rồi.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây