TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật Lễ Thánh Gia Thất - Năm B

29/04/2021 09:02:57 |   1778

Chúa Nhật Lễ Thánh Gia Thất - Năm B


 

Lc 2,22-40

 
Bài Ðọc I: Hc 3, 3-7. 14-17a

"Ai kính sợ Chúa, thì thảo kính cha mẹ".

Trích sách Huấn Ca.

Thiên Chúa suy tôn người cha trong con cái; quyền lợi bà mẹ, Người củng cố trên đoàn con. Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi; ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng. Ai thảo kính cha mình, sẽ được vui mừng trong con cái, khi cầu xin, người ấy sẽ được nhậm lời. Ai thảo kính cha mình, sẽ được sống lâu dài. Ai vâng lời cha, sẽ làm vui lòng mẹ.

Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi, chớ làm phiền lòng người khi người còn sống. Nếu tinh thần người sa sút, thì hãy rộng lượng, ngươi là kẻ trai tráng, chớ đành khinh dể người. Vì của dâng cho cha, sẽ không rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ, sẽ đền bù tội lỗi, và xây dựng đức công chính của ngươi.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 127, 1-2. 3. 4-5

Ðáp: Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người (x. c. 1).

Xướng: 1) Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người! Công quả tay bạn làm ra bạn an hưởng, bạn được hạnh phúc và sẽ gặp may. - Ðáp.

2) Hiền thê bạn như cây nho đầy hoa trái, trong gia thất nội cung nhà bạn. Con cái bạn như những chồi non của khóm ô-liu ở chung quanh bàn ăn của bạn. Ðó là phúc lộc dành để cho người biết tôn sợ Ðức Thiên Chúa. - Ðáp.

3) Nguyện xin Thiên Chúa từ Sion chúc phúc cho bạn, để bạn nhìn thấy cảnh thịnh đạt của Giêrusalem hết mọi ngày trong đời sống của bạn, và để bạn nhìn thấy lũ cháu đoàn con! - Ðáp.

Bài Ðọc II: Cl 3, 12-21

"Về đời sống gia đình trong Chúa".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Anh em thân mến, như những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện. Nguyện cho bình an của Chúa Kitô làm chủ trong lòng anh em, sự bình an mà anh em đã được kêu gọi tới để làm nên một thân thể. Anh em hãy cảm tạ Thiên Chúa. Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em. Với tất cả sự khôn ngoan, anh em hãy học hỏi và nhủ bảo lẫn nhau. Hãy dùng những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca của Thần khí, cùng với lòng tri ân, để hát mừng Thiên Chúa trong lòng anh em. Và tất cả những gì anh em làm, trong lời nói cũng như trong hành động, tất cả mọi chuyện, anh em hãy làm vì danh Chúa Giêsu Kitô, nhờ Người mà tạ ơn Thiên Chúa Cha.

Hỡi các bà vợ, hãy phục tùng chồng trong Chúa cho phải phép. Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình, đừng đay nghiến nó. Hỡi những người con, hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là đẹp lòng Chúa. Hỡi những người cha, đừng nổi cơn phẫn nộ với con cái, kẻo chúng nên nhát đảm sợ sệt.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Cl 3, 15a. 16a

Alleluia, alleluia! - Nguyện cho bình an của Chúa Kitô làm chủ trong lòng anh em. Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 2, 22-40 (bài dài)

"Con trẻ lớn lên, đầy khôn ngoan".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Lề luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa". Và cũng để dâng lễ vật cho Chúa, như có nói trong Luật Chúa, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu con.

Và đây ở Giêrusalem có một người tên là Simêon, là người công chính, kính sợ Thiên Chúa, và đang đợi chờ niềm ủi an của Israel. Thánh Thần cũng ở trong ông. Ông đã được Thánh Thần trả lời rằng: Ông sẽ không chết trước khi thấy Ðấng Kitô của Chúa. Ðược Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ ngay lúc cha mẹ trẻ Giêsu đưa Người đến để thi hành cho Người những tục lệ của Lề luật. Ông bồng Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:

"Lạy Chúa, bây giờ, Chúa để cho tôi tớ Chúa đi bình an theo như lời Chúa, vì chính mắt con đã thấy ơn cứu độ mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa".

Cha mẹ Người đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà và nói với Maria mẹ Người rằng: "Ðây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ!"

Lúc ấy, cũng có bà tiên tri Anna, con ông Phanuel, thuộc chi họ Asê, đã cao niên. Mãn thời trinh nữ, bà đã sống với chồng được bảy năm. Rồi thủ tiết cho đến nay đã tám mươi bốn tuổi. Bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa. Chính giờ ấy, bà cũng đến, bà liền chúc tụng Chúa, và nói về trẻ Giêsu cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel.

Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành mình là Nadarét. Và con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài vắn này: Lc 2, 22. 39-40

"Con trẻ lớn lên, đầy khôn ngoan".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa. Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành mình là Nadarét. Và Con Trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người.

Ðó là lời Chúa.

 

Suy Niệm:

Với lòng thành tín của người cha nuôi, Thánh Giuse đã chẳng quản ngại trời đông giá rét, đêm tối đường xa. Người vội vã đem Hài Nhi và mẹ người trốn sang Ai Cập.

Hình ảnh người cha hiền, người chồng trung tín luôn yêu thương bảo vệ gia đình của Thánh Giuse phản ánh tính tuyệt vời của Thiên Chúa, của Ðức Giêsu đối với Giáo Hội, đối với nhân loại.

VUÔNG TRÒN BA MỐI TƯƠNG QUAN
(Lễ Thánh Gia Thất Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse) - Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Gia đình, hai từ nghe thật thân thương vì từ thuở tạo thiên lập địa và cho đến tận cùng lịch sử vì nó mãi là nôi ấm cho ta chào đời, làm người và là tế bào nền tảng của xã hội. Không ai có thể chối bỏ vai trò nền tảng căn bản của gia đình. Để nhấn mạnh điều này, Chúa Nhật ngay sau Lễ Giáng Sinh, Hội Thánh cho chúng ta kính nhớ Gia đình thánh: Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh cả Giuse. Tuần tự theo ba bài đọc phần Phụng Vụ Lời Chúa, xin chia sẻ đôi điều về gia đình với ba mối tương quan theo ba chiều: chiều đi lên, chiều đi ngang và chiều đi xuống.

1. Chiều đi lên: Ai kính sợ Chúa thì thảo kính cha mẹ, ông bà.

Bài trích sách Đức Huấn Ca trích đọc trong thánh Lễ hôm nay chủ yếu nhắn nhủ ta biết hướng về cội nguồn tổ tiên, ông bà cha mẹ trong tình thảo hiếu. Đạo thảo hiếu ở đây được đề cập bằng việc yêu mến, vâng lời các đấng sinh thành, đồng thời chăm chuyên phụng dưỡng các ngài khi tuổi đời các ngài đã về chiều. Để khuyến khích lòng thảo hiếu, tác giả sách Huấn Ca gợi mở những những kết quả thu được khi sống đạo thảo hiếu đó là sẽ được đền bù tội lỗi, cầu xin sẽ được nhậm lời, sẽ được trường thọ… Quả là những điều tốt đẹp đáng ao ước, tuy nhiên vẫn còn đó chút gì vị kỷ khi ta sống đạo hiếu thảo, nghĩa là thảo kính các bậc tiên tổ vì lợi ích của mình.

Xin được bổ sung một trong những cách thế tỏ bày tình thảo hiếu có lẽ đẹp lòng tổ tiên ông bà cha mẹ hơn cả. Đó là hãy biết làm rạng rỡ gia phong bằng chính cuộc sống ngay chính và hữu ích của mình. Chúng ta đừng quên, hễ một ai đó lỡ phạm điều gian ác hoặc sống bất lương thì khi phê phán họ, người ta thường  lấy ông bà, cha mẹ họ ra để rủa nguyền. Và ngược lại trước một con người sống ngay chính, làm nhiều điều hữu ích cho tha nhân và xã hội thì khi tôn vinh họ người ta không quên tán dương công đức cha mẹ, tổ tiên ông bà.

2. Chiều đi ngang: Trên hết mọi sự anh em hãy có đức yêu thương.
Để làm nổi rõ tình yêu thương trong đời sống phu phụ, thánh Phaolô tông đồ xác định rằng các đôi hôn nhân được kêu gọi để làm nên một thân thể. Họ không còn phải là hai nhưng là một huyết nhục. Được mời gọi nên thánh trong đời sống chung, hẳn các đôi hôn nhân có nhiều thuận lợi nhưng khó khăn cũng nhiều khôn xiết. Thuận vợ thuận chồng thì tát biển Đông cũng cạn. Có người đồng hành, có bạn tri âm, tri kỷ thì tam tứ núi cũng trèo, thất bát sông cũng lội, thập cửu đèo cũng qua. Tuy nhiên bên cạnh hoàn cảnh sống chung làm gia tăng sức mạnh thì cảnh đời sống chung cũng khó tránh khỏi nhiều đụng chạm hữu ý hay vô tình. Chính vì thế thánh tông đồ đã khuyên nhủ những người trong bậc sống hôn nhân rằng hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hòa, nhẫn nại và hãy tha thứ cho nhau.

Xin được lấy lại lời của tổ tiên loài người khi chợt thấy người bạn đường trăm năm được Chúa dẫn đến: “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (St 2,23). Có ai ghét xương thịt mình bao giờ. Mình ơi, hai từ mà ông bà cha mẹ Việt
Nam chúng ta vốn đã từng gọi nhau một cách nào đó nói lên xác tín này. Quả thật đời sống hôn nhân sẽ mãi mặn nồng êm ấm, cuộc sống phu phụ sẽ đơm kết hoa thơm trái ngọt khi vợ chồng luôn biết xem nhau là mình.

3. Chiều đi xuống: tận sức, hết lòng vì đàn con.
Bài Tin Mừng Thánh Matthêu tường thuật sự kiện thánh Giuse đã không ngại bao gian khó để bảo toàn sinh mạng của Hài Nhi Giêsu khi đem Con Trẻ và Mẹ Người đi lánh nạn bên Ai Cập. Dù là cha nuôi, nhưng thánh Giuse đã xem sự sống của Hài Nhi Giêsu như chính sự sống của bản thân mình.

Con cái là hoa trái tình yêu của mẹ cha, là bảo vật và là tương lai của gia đình. “Có vàng, vàng chẳng hay phô. Có con, con nói trầm trồ mẹ nghe”. “Ba sẽ là cánh chim, cho con bay thật xa. Mẹ sẽ là cánh hoa, cho con cài lên ngực…” Tất cả là cho con cái. Đó là tấm lòng và ý hướng của những người cha, người mẹ đong đầy tình phụ tử, mẫu tử.

Tuy nhiên vấn đề đặt ra là phải biết lo cho con cái đúng cách và đúng hướng để con cái phát triển cách quân bình và toàn diện, cả về thể lý lẫn tinh thần, cả về mặt nhân bản lẫn khía cạnh tâm linh. Chính vì thế mà bổn phận của mẹ cha là không chỉ nuôi dưỡng con cái đủ đầy mà cần phải giáo dục hướng dẫn con cái thành người, thành người con Chúa cách trưởng thành và hoàn thiện.

Hai Tin mừng theo thánh Luca và Matthêu ghi rõ: chính mẹ Maria và thánh cả Giuse là người đặt tên cho con trẻ là Giêsu (x.Lc 1,31; Mt 1,25). Chúng ta đừng quên việc đặt tên theo nghĩa Thánh kinh nói lên việc giáo dục, đào tạo. Nhờ vâng nghe lời dạy bảo của Giuse, Maria, trẻ Giêsu đã lớn lên theo năm tháng càng thêm khôn ngoan, thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta (x.Lc 2,51-52).

Mừng Lễ Thánh gia Nagiaret, ước gì chúng ta, các gia đình biết tận tâm thực hiện vuông tròn ba mối tương quan như trên là thảo hiếu với mẹ cha, ông bà, tiên tổ, là yêu thương, tương kính lẫn nhau trong tình phu phụ và hết lòng chăm lo dưỡng dục con cái với cả tình yêu và tinh thần trách nhiệm của đấng bậc sinh thành.

Khi gia đạo đã an hòa thì quốc gia sẽ thịnh trị và thiên hạ sẽ thái bình. Để có được điều này thì cả ba bài đọc hôm nay đều nhấn mạnh đến việc thực thi lời Chúa. Quả thật chính nhờ tuân giữ Lời Chúa thì ta mới có thể đảm đương các trách vụ cao trọng nhưng cũng đầy khó khăn trong đời sống hôn nhân - gia đình, nhất là trong thời đại hôm nay. “Phúc cho ai biết kính sợ Chúa và bước đi trong đường lối Người.” (Tv.127).

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

BẾP LỬA
sưu tầm

Lễ Giáng sinh là lễ của ánh sáng. Đêm Noel, không những trong ngôi thánh đường này, mà khắp nơi trên thế giới, ánh sáng rực rỡ hơn mọi ngày. Không phải chỉ là ánh sáng vật chất bên ngoài, nhưng chính là ánh sáng chân thật của Đấng Cứu thế bừng lên trong lòng thế giới. Sự kiện lớn lao ấy đã bắt đầu một cách khiêm tốn tại một nơi được dùng để nhốt thú vật, một nơi tối tăm hôi thối và ẩm ướt. Việc đầu tiên của thánh Giuse khi tới đó, là nhóm lên một bếp lửa, cho ấm áp và sáng sủa để dọn dẹp.

Trong triết học người ta thích định nghĩa ngôi nhà bằng bếp lửa. Nếu chỉ có bốn bức vách và hai mái che mưa nắng thì chưa được gọi là nhà, cần phải có một bếp lửa nữa mới thực sự là chỗ ở của con người.

Bếp lửa cần thiết không những để sưởi ấm mà còn để nuôi sống con người. Một trong những điểm làm cho con người khác hẳn con vật là biết dùng lửa. Khi bếp lửa được nhóm lên nơi hang đá Bêlem, thì chỗ cư ngụ của thú vật đã trở nên một tổ ấm, một mái nhà cho một gia đình nghèo khổ của thánh Giuse, Đức Mẹ và hài nhi Giêsu, cũng như đã trở nên một hình ảnh tượng trưng cho thế giới, cho nhân loại.

Thực vậy, từ đầu Thiên Chúa đã dựng nên vũ trụ và Ngài đã đem tình thương của Ngài đặt vào đó, và thế giới này trở thành một quê hương, một tổ ấm của con người. Thế nhưng con người đã từ chối tình thương ấy, khi xua đuổi Thiên Chúa. Con người đã dập tắt bếp lửa yêu thương mà Thiên Chúa đã nhóm lên trong lòng họ. Từ đó, chỗ ở của họ đã trở thành hoang vu, tình thương đã bị thay thế bằng hận thù, sự thật đã bị thay thế bằng gian tham lừa đảo.

Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn không bỏ mặc con người. Ngài đã sai con Ngài sinh ra trong cảnh tiêu điều tăm tối, để nhóm lại bếp lửa, biến đổi nơi hoang tàn trước kia trở thành một tổ ấm. Đức Kitô đã trở nên anh em của loài người. Ngài đã qui tụ tất cả lại trong gia đình con cái Thiên Chúa.

Vì vậy tiên tri Isaia đã xác quyết: Nhân loại bước đi trong u tối đã nhìn thấy ánh sáng chan hòa. Anh sáng ấy, ngọn lửa ấy không phải là của một que diêm, một bó đuốc, nhưng là của mặt trời. Đức Kitô là mặt trời công chính soi chiếu khắp chốn trần gian. Ngài là tình thương của Thiên Chúa sưởi ấm loài người.

Kể từ nay, thế giới biến thành một tổ ấm, một gia đình của con cái Thiên Chúa, vì có bếp lửa là chính Chúa Giêsu ở giữa. Hôm nay, ánh sáng không phải chỉ bao trùm trên những người chăn chiên, mà còn bao trùm trên toàn thể Bêlem, toàn thể xứ Giuđêa và toàn thể địa cầu.

Thế nhưng Bêlem vẫn ngủ mê, Giuđêa vẫn đắm chìm trong quên lãng và nhân loại vẫn vùi sâu trong lầm lạc. Chỉ có những tấm lòng đơn sơ nhỏ bé như những người chăn chiên mới đón nhận được ánh sáng ấy.

Đức Kitô đã biến thế giới này trở thành một tổ ấm, một gia đình cho những người con cái Thiên Chúa, nhưng điều ấy có ý nghĩa gì nếu chính gia đình nhỏ bé của chúng ta vẫn hoang tàn lạnh lẽo thiếu hẳn hơi ấm yêu thương, chỉ còn là một chỗ cho cãi cọ, xích mích và đay nghiến.

Bởi đó, hãy nhóm lại bếp lửa yêu thương cho gia đình chúng ta. Đây không phải là một chuyện quá khó, bởi vì lễ Giáng sinh nhắc cho chúng ta nhớ rằng: Anh sáng mặt trời đã tràn ngập, chỉ cần mở rộng cửa cho ánh sáng ấy tràn vào. Hãy đón Chúa Giêsu vào nhà để Ngài qui tụ mọi người thành con cái Thiên Chúa.

Hãy để tình yêu Ngài tràn ngập hầu gia đình chúng ta thực sự là một mái ấm đầy tràn hạnh phúc của những người con Thiên Chúa.

Chúa nhật Lễ Thánh Gia Thất
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 2, 22-40).
 
Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Lề luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa”. Và cũng để dâng lễ vật cho Chúa, như có nói trong Luật Chúa, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu con.
Và đây ở Giêrusalem có một người tên là Simêon, là người công chính, kính sợ Thiên Chúa, và đang đợi chờ niềm ủi an của Israel. Thánh Thần cũng ở trong ông. Ông đã được Thánh Thần trả lời rằng: Ông sẽ không chết trước khi thấy Ðấng Kitô của Chúa. Ðược Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ ngay lúc cha mẹ trẻ Giêsu đưa Người đến để thi hành cho Người những tục lệ của Lề luật. Ông bồng Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:
“Lạy Chúa, bây giờ, Chúa để cho tôi tớ Chúa đi bình an theo như lời Chúa, vì chính mắt con đã thấy ơn cứu độ mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa”.
Cha mẹ Người đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà và nói với Maria mẹ Người rằng: “Ðây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ!”
Lúc ấy, cũng có bà tiên tri Anna, con ông Phanuel, thuộc chi họ Asê, đã cao niên. Mãn thời trinh nữ, bà đã sống với chồng được bảy năm. Rồi thủ tiết cho đến nay đã tám mươi bốn tuổi. Bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa. Chính giờ ấy, bà cũng đến, bà liền chúc tụng Chúa, và nói về trẻ Giêsu cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel.
Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành mình là Nadarét. Và con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người.
 
Suy niệm
 
Hiệp với toàn thể Giáo hội, chúng ta long trọng mừng lễ Thánh Gia Thất, nơi có thánh Giuse, Đức Maria và Hài Nhi Giêsu. Một gia đình ấm áp, một cộng đoàn yêu thương, một tổ ấm luôn chăm sóc và bảo vệ sự sống cho nhau. Hướng về gia đình thánh đó, Mẹ Giáo hội mời gọi chúng ta trở về các gia đình Công giáo, các gia đình đó đây trên thế giới, đặc biệt hướng về những giá trị linh thánh của gia đình, của đời sống hôn nhân cũng như trách vụ của mỗi thành viên trong gia đình.
 
Trở lại với sách Huấn ca trong bài đọc 1, chúng ta nghe tác giả trình bày về ơn gọi và trách vụ Thiên Chúa trao cho mỗi thành viên nơi gia đình, để từ ơn gọi và trách vụ đó, mỗi thành viên hãy học nơi gia đình Thánh Gia, để xây dựng gia đình mình dựa trên giá trị của tình yêu và sự tự hiến: “Thiên Chúa suy tôn người cha trong con cái; quyền lợi bà mẹ, Người củng cố trên đoàn con. Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi; ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng. Ai thảo kính cha mình, sẽ được vui mừng trong con cái, khi cầu xin, người ấy sẽ được nhậm lời. Ai thảo kính cha mình, sẽ được sống lâu dài. Ai vâng lời cha, sẽ làm vui lòng mẹ”. Gia đình là một cộng đoàn đức tin, dù ở trong hoàn cảnh nào, mỗi thành viên hãy ý thức trọng trách của bản thân, để chung góp khả năng của mình, xây dựng gia đình mình trở thành cộng đoàn thánh, một cộng đoàn chỉ sống cho nhau và với nhau, đặc biệt, tác giả hướng tới trách vụ của người con, một bổn phận lớn lao và mang nhiều ý nghĩa thánh thiêng: “Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi, chớ làm phiền lòng người khi người còn sống. Nếu tinh thần người sa sút, thì hãy rộng lượng, ngươi là kẻ trai tráng, chớ đành khinh dể người. Vì của dâng cho cha, sẽ không rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ, sẽ đền bù tội lỗi, và xây dựng đức công chính của ngươi”. Con Thiên Chúa làm người trong chỗ đứng là người con, Ngài đã chu toàn trọng trách của bản thân mà Thiên Chúa đã gợi nhắc từ xa xưa, để tất cả mọi con cái trong gia đình, hãy học bài học đạo hiếu, và kiến tạo tổ ấm của mình trở thành cộng đoàn yêu thương.
 
Lời thánh Phaolô trong lá thư gởi cộng đoàn Coloxe quả là một lời nhắc rất thiết thực và tinh tế trong đời sống gia đình. Từ ơn gọi của người chồng, cho đến bổn phận của người vợ, cũng như đạo hiếu của con cái, tất cả đều hướng về một mục đích là xây dựng gia đình mình trở thành cộng đoàn thánh: “Anh em thân mến, như những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện. Nguyện cho bình an của Chúa Kitô làm chủ trong lòng anh em, sự bình an mà anh em đã được kêu gọi tới để làm nên một thân thể”. Từ nơi gia đình nhỏ của mỗi người, Thiên Chúa mời gọi các thành viên xây dựng một đại gia đình của Thiên Chúa, nơi đó, mỗi thành viên đều được yêu thương, được tôn trọng, được chăm sóc và được bảo vệ lẫn nhau. Tất cả hướng về mầu nhiệm hiệp nhất Thiên Chúa Ba Ngôi.
 
Lễ Thánh Gia được mừng trọng thể ngay sau lễ Giáng sinh, để mời gọi mọi tín hữu hướng về hình ảnh một Thiên Chúa làm người qua Hài Nhi Giêsu, đang hiện diện trong mỗi gia đình. Con Thiên Chúa làm người, sống trong một gia đình có Cha Mẹ là những con người chân chất. Chúa Cha muốn con mình hãy học những bài học làm con nơi gia đình nhân loại, để sống bổn phận làm con tốt hơn, khi Ngài là Con Thiên Chúa: “Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Lề luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa”. Và cũng để dâng lễ vật cho Chúa, như có nói trong Luật Chúa, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu con”. Để cho người con của Chúa Cha nhập thể làm người, Ngài đã chuẩn bị một gia đình, có cha có mẹ, từ nơi gia đình đó, Con Thiên Chúa học cách làm người, chấp nhận những bất toàn của con người, học thêm những bài học về đạo làm con phải có đối với cha mẹ của mình, từ đó, Con Thiên Chúa sẽ chu toàn trọng trách của người Con đối với Cha là Thiên Chúa. Và từ nơi gia đình đó, Con Thiên Chúa hướng dẫn con người học cách làm con Thiên Chúa như thế nào, phải tin tưởng, phải yêu mến, phải sống theo sự hướng dẫn của Chúa Cha, đó mới là người con yêu dấu, rất đẹp lòng Chúa Cha. Cũng từ nơi gia đình thánh đó, Con Thiên Chúa hướng dẫn mỗi thành viên, ý thức hơn, quan tâm hơn và có trách nhiệm hơn trong bổn phận của mình với các thành viên, với gia đình, với cộng đoàn mình đang sống. Quả là những bài học nhân bản Kitô giáo được chính Con Thiên Chúa là thầy dạy mẫu mực, hướng dẫn con người, để tất cả nên thánh trong môi trường gia đình của mình.
 
Ngày nay, khái niệm về gia đình là tổ ấm, là cộng đoàn yêu thương, là cộng đoàn đức tin đang được thay thế bằng một quán trọ, bằng một chốn nghỉ ngơi sau một ngày làm việc mệt mỏi. Các thành viên chỉ tìm cho mình một khoảng không gian đủ để thư giãn, để ngụp lặn trong những sở thích của bản thân cũng như để trò chuyện với bạn bè, chứ ít dành thời gian cho gia đình, cho con cái, cho Cha Mẹ, cho vợ chồng. Chính vì những yếu tố thế tục đang len lỏi vào gia đình, cũng làm tan chảy luôn những giá trị của bí tích hôn phối. Nơi đó không có là một ơn gọi, một bí tích nữa, chỉ tồn tại một hợp đồng hôn nhân, chỉ tồn tại một nơi hai người thấy bị lôi cuốn, bị hấp dẫn tìm đến cùng sống với nhau theo thỏa thuận, hai bên cùng có lợi. Gia đình là thế, liệu còn chỗ nào đủ ấm, đủ rộng cho Con Thiên Chúa đến và ở lại giữa gia đình, đồng hành với các thành viên. Mừng lễ Thánh Gia, mỗi gia đình có nên đứng lại bên lề cuộc sống, để nhìn về tổ ấm của mình đang ở vị thế nào, là một cộng đoàn đức tin đầy yêu thương, đầy tình người, đầy sức sống, hay chỉ còn là một bến đỗ cuộc đời của mỗi người, để rồi sáng ra đi, chiều tối trở về trong sự mệt mỏi và, đầy áp lực và cô đơn. Nhìn lại tất cả khi chưa muộn màng, để nhờ sự giúp đỡ từ Người Con hiếu thảo của Chúa Cha, gia đình mỗi người sẽ đầy ắp tiếng cười và niềm vui tình người.
 
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đi vào gia đình nhân loại qua gia đình Thánh, để hướng dẫn chúng con những bổn phận của người con Thiên Chúa, xin giúp chúng con luôn sống hiếu thảo với Chúa Cha, với Mẹ Cha trong nhà. Chúa đã chọn một gia đình để sống và hướng dẫn chúng con xây dựng gia đình của mình như thế, xin chỉ dạy chúng con biết yêu mến gia đình của mình, biết trân trọng tổ ấm thiêng liêng nhất của một con người, để yêu thương mọi thành viên trong đó, để biết chăm sóc và nâng đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống hiện tại. Amen.

Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây