TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật LỄ THÁNH GIA THẤT

18/12/2021 09:39:45 |   1114

CHÚA NHẬT TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH

LỄ THÁNH GIA THẤT
 

Cn ThanhGia C

Lc 2, 41-52

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA THẤT

Ca nhập lễ

Các mục đồng hối hả ra đi, tới nơi họ gặp thấy bà Ma-ri-a cùng với ông Giu-se, và gặp thấy Hài Nhi đặt trong máng cỏ.

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Hội Thánh thiết lập lễ Thánh Gia vào năm 1921 khi mà đời sống gia đình trở nên lỏng lẻo. Trong ngày lễ Thánh Gia, bổn phận các gia đình công giáo là cùng nhau học hỏi và noi gương mỗi phần tử trong gia đình thánh:

Thật vậy, nếu con người là hình ảnh của Thiên Chúa, thì có thể nói: Gia đình là hình ảnh của Ba Ngôi Thiên Chúa. Thiên Chúa của chúng ta không phải là một Thiên Chúa đơn độc, mà là một Thiên Chúa mang tính gia đình, trong đó Ba Ngôi tuy khác biệt nhau nhưng luôn ý thức về nhau, hằng sống chung, hằng hoạt động chung, và kết hiệp thắm thiết với nhau như một gia đình, tới mức độ tuy là Ba Ngôi nhưng chỉ là một Thiên Chúa duy nhất.

Gia đình là hình ảnh của Ba Ngôi, thì mọi thành viên trong đó phải yêu thương nhau, hòa hợp với nhau đến mức hiệp nhất với nhau. Nhờ đó, gia đình trở thành một thiên đàng tại thế. Giờ đây, chúng ta cùng thống hối tội lỗi để cử hành Mầu Nhiệm Thánh.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã muốn đề cao Thánh Gia như tấm gương xán lạn để mọi người bắt chước. Xin làm cho chúng con cũng biết noi gương để ăn ở đúng lễ nghĩa gia phong, sống đùm bọc lẫn nhau trong tình yêu mến, hầu được chung hưởng niềm an vui vĩnh cửu trong nhà Chúa trên trời. Chúng con cầu xin…

Bài đọc 1: 1Sm 1,20-22.24-28

Mọi ngày đời ông Sa-mu-en sống, ông sẽ được nhượng cho Đức Chúa.

Lời Chúa trong sách Sa-mu-en quyển thứ nhất.

Ngày qua tháng lại, bà An-na thụ thai, sinh con trai và đặt tên cho nó là Sa-mu-en, vì bà nói: “Tôi đã xin Đức Chúa, và Người ban nó cho tôi”. Người chồng là En-ca-na lên với cả gia đình để dâng hy lễ thường niên cho Đức Chúa và để giữ trọn lời khấn hứa của mình. Bà An-na không lên, vì bà nói với chồng: “Đợi cho đến khi đứa trẻ cai sữa đã. Khi đó em sẽ đưa nó đi, nó sẽ ra mắt Đức Chúa và sẽ ở lại đó mãi mãi”.

Sau khi cai sữa cho con, bà đưa  nó lên với mình, mang theo một con bò mộng ba tuổi, hai thùng bột và một bầu da đầy rượu. Bà đưa con vào Nhà Đức Chúa tại Si-lô; đứa trẻ còn nhỏ lắm. Họ sát tế con bò và đưa đứa trẻ đến với ông Ê-li. Bà nói: “Thưa ngài, xin thứ lỗi, tôi xin lấy mạng sống ngài mà thề: tôi là người đàn bà đã đứng bên ngài, tại đây, để cầu nguyện với Đức Chúa. Tôi đã cầu nguyện để được đứa trẻ này, và Đức Chúa đã ban cho tôi điều tôi đã xin Người. Đến lượt tôi, tôi xin nhượng nó lại cho Đức Chúa. Mọi ngày đời nó, nó sẽ được nhượng cho Đức Chúa”. Và ở đó, họ thờ lạy Đức Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 127, 1-2. 3. 4-5

Ðáp: Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người (x. c. 1).

Xướng: Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người! Công quả tay bạn làm ra bạn an hưởng, bạn được hạnh phúc và sẽ gặp may. 

Xướng: Hiền thê bạn như cây nho đầy hoa trái, trong gia thất nội cung nhà bạn. Con cái bạn như những chồi non của khóm ô-liu ở chung quanh bàn ăn của bạn. Ðó là phúc lộc dành để cho người biết tôn sợ Ðức Thiên Chúa.

Xướng: Nguyện xin Thiên Chúa từ Sion chúc phúc cho bạn, để bạn nhìn thấy cảnh thịnh đạt của Giêrusalem hết mọi ngày trong đời sống của bạn, và để bạn nhìn thấy lũ cháu đoàn con!

Alleluia: Cl 3, 15a. 16a

Alleluia, alleluia! – Nguyện cho bình an của Chúa Kitô làm chủ trong lòng anh em. Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em. – Alleluia.

Bài đọc 2: 1 Ga 3,1-2.21-24

Chúng ta  được gọi là  con Thiên Chúa,  mà thực sự  chúng ta là con Thiên Chúa.

Lời Chúa trong thư thứ nhất của thánh Gioan tông đồ.

Anh em thân mến, anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa - mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa. Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người. Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên  Chúa; nhưng chúng ta sẽ  như thế nào, điều ấy  chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Ki-tô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.

Anh em thân mến, nếu lòng chúng ta không cáo tội chúng  ta, chúng ta được mạnh dạn đến cùng Thiên Chúa. Và bất cứ điều gì chúng ta xin, chúng ta được Người ban cho, bởi vì chúng ta tuân giữ các điều răn của Người và làm những gì đẹp ý Người. Đây là  điều răn của Người: chúng ta phải tin vào danh Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người, và phải yêu thương nhau, theo điều răn Người đã ban cho chúng ta. Ai tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa thì ở lại trong Thiên  Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy. Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, đó là nhờ Thần Khí, Thần Khí Người đã ban cho chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

Phúc Âm: Lc 2, 41-52

“Hai Ông Bà gặp Chúa Giêsu đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng, mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết.

Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrusalem để tìm Người. Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Người nói đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại.

Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: “Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con”. Người thưa với hai ông bà rằng: “Mà tại sao cha mẹ tìm Con? Cha mẹ không biết rằng Con phải lo công việc của Cha Con ư?” Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói.

Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông bà. Maria mẹ Người ghi nhớ những việc đó trong lòng. Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng, trước mặt Thiên Chúa và người ta.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Hôm nay toàn thể Hội Thánh hân hoan mừng lễ Thánh Gia. Trong tinh thần hợp nhất với Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse, chúng ta đồng thanh chúc tụng và cầu xin.

 1. “Thiên Chúa suy tôn người cha trong con cái, quyền lợi bà mẹ, Người củng cố trên đàn con”,- Xin cho những người làm con ý thức sự quan trọng và cần thiểt của đức hiếu thảo là có giá trị và hiệu năng, xóa bỏ tội lỗi và dẫn đến sự sống muôn đời.

 2. “Của dâng cho cha, sẽ không rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ, sẽ đền bù tội lỗi”.- Xin cho người tín hữu biết mình có cha mẹ trần thế và Cha trên trời mà thi hành những bổn phận được trao phó.

 3. “Cha mẹ không biết rằng con phải lo công việc của Cha con ư?”.- Xin cho gia đình nhân loại biết bảo tồn và cổ võ phẩm giá tự nhiên, cũng như giá trị thiêng liêng của đời sống gia đình, để cuộc sống gia đình là môi trường giúp con người thăng tiến.

 4. “Người theo hai ông bà về Nagiareth và Người vâng phục hai ông bà” Xin cho giới trẻ biết noi gương Chúa Giêsu luôn tìm cách phát huy đời sống đạo đức và nhân bản, hằng sẵn sàng vâng phục những lời giáo huấn của cha mẹ.

Chủ tếLạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết nỗ lực cải thiện bản thân để mỗi người chúng con nên những con ngoan của Giáo Hội và xã hội. Nhờ đó tinh thần vâng phục và yêu thương dược phát huy trong các cộng đoàn dân Chúa, Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con dâng của lễ đền tạ này lên trước Tôn Nhan: vì lời Thánh Mẫu Ðồng Trinh và thánh cả Giuse cầu thay nguyện giúp, xin Chúa làm cho mọi gia đình chúng con được sống vững vàng trong ơn nghĩa Chúa và được luôn trên thuận dưới hoà. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng Giáng Sinh

Ca hiệp lễ

Thiên Chúa đã xuất hiện trên mặt đất và sống giữa loài người chúng ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Cha nhân từ, Cha đã nuôi dưỡng chúng con nơi bàn tiệc Thánh Thể, xin cho chúng con hằng biết noi gương Thánh Gia Thất, để sau đời khổ ải, được cùng Chúa Giêsu Kitô, Ðức Mẹ và thánh cả Giuse hưởng vinh phúc muôn đời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm


LỄ THÁNH GIA THẤT: ĐỨC MARIA, THÁNH GIUSE VÀ ĐỨC GIÊSU
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 2, 41-52)
 
Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng, mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết.
 
Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrusalem để tìm Người. Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Người nói đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại.
 
Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: "Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con". Người thưa với hai ông bà rằng: "Mà tại sao cha mẹ tìm Con? Cha mẹ không biết rằng Con phải lo công việc của Cha Con ư?" Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói.
 
Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông bà. Maria, mẹ Người ghi nhớ những việc đó trong lòng. Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng, trước mặt Thiên Chúa và người ta.
 
Suy niệm
 
Mỗi lần nghe bài hát “ba ngọn nến lung linh” của nhạc sĩ, ca sĩ Ngọc Lễ, chúng ta thấy hình ảnh gia đình ẩn hiện đâu đó qua sắc màu của những cây nến. Dù màu sắc mỗi cây khác nhau, nhưng điểm chung ở đây là chúng phải chấp nhận tiêu hao, chấp nhận hủy mình, để cho thế giới chung quanh có được ánh sáng, sức nóng và niềm vui.
 
Ngày lễ Thánh Gia là dịp Mẹ Giáo hội mời gọi chúng ta trở lại với những giá trị của gia đình, bởi gia đình, nhìn từ bên ngoài chẳng có gì đặc biệt, chẳng có gì giá trị, chỉ có một vài người sống với nhau như một cộng đoàn nhỏ thôi, nhưng khi đi vào chiều sâu của gia đình, chúng ta mới thấy được những giá trị tinh thần, giá trị nhân bản, và giá trị thánh thiêng của một cộng đoàn nhỏ đó.
 
Con Thiên Chúa khi nhập thể đã chọn một gia đình nhỏ để đi vào lịch sử nhân loại, nơi đó, dù Ngài là Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa, nhưng Ngài đã tùng phục hai ông bà, mỗi ngày cộng tác với Mẹ Cha để xây dựng tổ ấm, giúp nhau trong công ăn việc làm như bao người con khác. Người cha của Ngài là thánh Giuse đã chấp nhận mọi rủi ro, mọi hiểm nguy, để bảo vệ người con duy nhất của mình. Đang đêm khuya, nghe tin kẻ thù tìm giết con, người cha đã chỗi dậy, lập tức đem mẹ và con đi trốn. Một cuộc ra đi đầy thách đố, chỉ vì trách nhiệm là Cha, với ước mong được bảo vệ con cái an toàn và bình an. Người mẹ đã hy sinh cả cuộc đời chỉ để dạy dỗ, để chăm sóc và giáo dục con mình mỗi ngày nên người, nên thánh và trưởng thành trong bổn phận hiếu thảo với Mẹ Cha, với mọi người
 
Khi con trai được 12 tuổi, cả hai ông bà đem tới đền thờ để mừng lễ Vượt Qua. Chắc việc mừng lễ là một phần nhỏ, nhưng quan trọng hơn là những bài học về đời sống tôn giáo. Hai ông bà đã hướng dẫn cho con cái con đường đến với Giave qua việc học hỏi Kinh thánh, tìm biết Lề luật, hòa nhịp với cộng đoàn. Trẻ Giêsu đã ở lại nơi đền thờ để tìm biết thêm về chương trình của Chúa Cha muốn nơi Ngài ra sao, chỉ một chút thiếu quan tâm, hai ông bà đã lạc mất con trai. Không có gì đau khổ cho bằng khi con bị thất lạc. Hai ông bà quay trở lại tìm cậu nhỏ Giêsu, và đã tìm thấy trong đền thờ. Cũng từ nơi đây, chúng ta học được một tâm tình sống cho các gia đình, đó là sự tôn trọng người chồng của Mẹ Maria. Khi gặp con, Đức Mẹ lên tiếng: sao con để cho Cha con phải vất vả tìm kiếm như thế? Thánh Giuse không lên tiếng trách móc vì biết đó là lỗi của mình, nhưng lời trách của Mẹ Maria như bộc bạch nỗi đau khổ của người cha, người chồng trong gia đình như thế nào, khi có một người con bị lạc mất, bị quên lãng.
 
Tìm lại được con trai, hai ông bà tiếp tục hành trình trở về quê quán. Nơi đó, trẻ Giêsu lớn lên từng ngày, cả về thể xác lẫn tinh thần. Cũng từ biến cố này, cậu trẻ Giêsu ý thức hơn về bổn phận làm con của mình, mỗi ngày được nhìn nhận về chỗ đứng trong gia đình và được cộng góp một phần nhỏ công sức, để xây dựng gia đình, để giúp đỡ Mẹ Cha nơi mái ấm tình thương gia đình. Có thể nói, từ biến cố lạc con trong đền thờ, hai ông bà đã dành hết cuộc đời để chăm sóc, bảo vệ, dạy dỗ và nuôi dưỡng cho cậu con duy nhất của gia đình. Hạnh phúc cho cậu bé Giêsu bởi cậu có người Cha, người Mẹ trên cả tuyệt vời.
 
Trở về với các gia đình nhân loại hôm nay, chúng ta thấy còn nhiều trăn trở cần được quan tâm. Vai trò người cha, trách vụ người mẹ, bổn phận người con, tất thảy chưa được ý thức, chưa được trân trọng và chưa được hoàn thiện. Trào lưu xã hội hôm nay luôn đề cao giá trị cá nhân. Tất cả đều phục vụ cho mọi nhu cầu cá nhân con người, từ những vật dụng nhỏ nhất cho đến các phương tiện liên lạc, từ phòng ngủ cho đến các dịch vụ đi lại, mỗi người không muốn phiền hà bất cứ ai và cũng không muốn ai đi vào thế giới riêng của mình, trào lưu đó đã len lỏi vào các gia đình, làm rạn nứt nền tảng căn bản của gia đình. Mỗi thành viên, mỗi ơn gọi nơi gia đình thay vì tìm đến với nhau trong sự hiệp nhất, thì đã tìm con đường đi vào thế giới riêng tư của mỗi người. Như thế, làm sao người cha có thể chăm sóc, bảo vệ và dạy dỗ con cái mỗi ngày một lớn lên cả thể xác lẫn tinh thần được, làm sao con cái có thể cảm nhận được tình thương bao la như biển thái bình từ trái tim người mẹ được, làm sao người cha, người mẹ có thể thấu hiểu và chăm sóc con cái mỗi ngày một lớn lên trong tình yêu, trong sự quan tâm và trong sự chở che của mẹ cha? Quả là một vấn nạn đang thách đố các gia đình, đặc biệt là các gia đình trẻ.
 
Hình ảnh gia đình còn được phục dựng lại nơi các cộng đoàn sống chung với nhau trong cùng một chí hướng. Nếu mỗi thành viên nơi các cộng đoàn đó không được nhìn nhận, không được yêu thương, không được tôn trọng đúng với giá trị nhân linh và trong tình người, thì làm sao nơi đó được gọi là một mái ấm tình thương khởi đi từ tin mừng được? Dù bao con người khác nhau vùng miền trở về cùng chung chia khát vọng nên thánh, nhưng họ cũng cần được che chở, bảo bọc và dưỡng nuôi như là gia đình thứ hai của mỗi người. Thiếu đi những yếu tố đó, giá trị của đời sống chung mang hình ảnh gia đình sẽ bị tục hóa và phai nhạt hình ảnh cộng đoàn đức tin.
 
Lạy Chúa Hài Nhi Giêsu, Chúa đã chấp nhận một gia đình nhỏ, dù thiếu thốn về vật chất nhưng rất ấm cúng về tình thương và tình người. Xin giúp chúng con mỗi ngày biết khám phá những giá trị thánh thiêng từ nơi gia đình, để chúng con cùng cầu nguyện với nhau và cho nhau, để chúng con cùng chia sẻ những âu lo với nhau và để chúng con cùng giúp nhau thăng tiến trong cuộc sống. Xin cho mỗi người chúng con luôn biết yêu mến gia đình của mình, kính trọng Mẹ Cha, yêu thương mọi thành viên nơi gia đình và biết chấp nhận những khác biệt nơi nhau, để gia đình chúng con sẽ là một gia đình thánh, một cộng đoàn đức tin, một cộng đoàn yêu thương và là một cộng đoàn luôn biết chăm sóc và bảo vệ sự sống. Amen.

MÁI TRƯỜNG GIA ĐÌNH
(Lễ Thánh Gia Thất) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa - Ban Mê Thuột.
 
Vào Hiệp hội Thương Mại quốc tế, đất nước chúng ta càng ngày càng mở cửa ra cho nền kinh tế thị trường phát triển. Cửa mở thì gió lùa vào, gió lành lẫn gió độc. Những người có chút lương tri đều băn khoăn trước những cơn gió độc làm băng hoại các giá trị tinh thần đạo đức. Một trong những cơn gió độc cần chân nhận đó là sự sa sút của tế bào xã hội đó là gia đình.

Bác sĩ Benjamin Spack đã có những nhận định về tình trạng trên cùng với những nguyên nhân như sau:

1. Vì thích độc lập, sống riêng rẽ nên các gia đình trẻ mất sự hỗ trợ, mất sự đùm bọc yêu thương của cha mẹ, anh chị em.
2. Cuộc sống kinh tế nghề nghiệp làm các gia đình hay thay đổi chỗ ở, làm mất tình làng nghĩa xóm (bà con xa không bằng láng giềng gần).
3. Cũng do sinh kế mà cả cha lẫn mẹ đều bôn ba cảnh cơm áo gạo tiền và vì thế thiếu thời giờ dành cho nhau, dành cho con cái.
4. Nạn ly hôn ngày càng phổ biến ảnh hưởng rất tai hại trên con cái, trên sự thiêng liêng của đời gia đình.
5. Óc thượng tôn của cải khiến vật chất thành thước đo giá trị làm cho con người thiếu niềm tin vào các giá trị tinh thần và đạo hiếu là một trong những số phận hẩm hiu ấy.

Hôm nay Hội Thánh mời gọi chúng ta hướng cái nhìn đến gia đình Nagiarét để chiêm ngắm nền tảng tuyệt vời của xã hội là gia đình thánh: Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh cả Giuse. Đặc biệt trong năm cùng với Hội Thánh Việt Nam chúng ta sống chủ đề Giáo Dục Gia Đình, cách riêng hướng về các gia đình đang gặp khó khăn xin cùng nhau nhớ lại lời dạy của Đức Phaolô VI: “Ước gì Nagiarét dạy chúng ta biết ý nghĩa của gia đình là trường học của Tin Mừng. Ở đó có một sự hiệp thông trong tình yêu, một vẻ đẹp khắc khổ nhưng sáng ngời, một sự linh thánh bất khả xâm phạm”. Gia đình chính là mái trường đào tạo con người cách hữu hiệu tuyệt vời mà không có nơi nào có thể sánh ví.

1. Gia đình: nơi huấn luyện con tim. Vì yêu thương hai trái tim chung nhịp đập tìm đến nhau và nên duyên vợ chồng. Tình yêu này trổ sinh hoa trái là những đứa con.

Con nằm giữa cha, con nằm giữa mẹ.
Cuộc đời nằm giữa yêu thương. (Tế Hanh)

Thi sĩ Tế Hanh diễn tả một hình ảnh quen thuộc nhưng rất thân thương. Hài Nhi Giêsu nằm đó trong máng cỏ giữa mẹ Maria và thánh Giuse hẳn gợi nhớ cho chúng ta nhiều điều. Chỉ với tình yêu và trong tình yêu của Đấng Tạo Thành thì người chồng, người cha, người vợ, người mẹ và cả đàn con mới có thể vượt qua nhiều sóng gió cuộc đời. Maria với bào thai trong dạ hẳn mang nhiều trăn trở, nhiều thao thức trước tấm lòng của Giuse, người bạn đã đính hôn với mình, và trước cả cái án tử hình ném đá theo luật hiện hành. Mẹ đã vượt qua, nhờ yêu Chúa và yêu người bạn đời. Giuse không muốn làm hại bạn mình chỉ vì yêu. Và bởi mến Chúa, sau khi được sứ thần báo mộng, ngài đã đón Maria và Hài Nhi trong dạ về nhà. Hai trái tim tràn đầy tình yêu đã góp phần cho Đấng là Tình Yêu chào đời, dù cho lòng người lúc ấy lắm bạc bẽo, vô tình.

2. Gia đình: nơi đào tạo niềm tin. Đã yêu hẳn nhiên dẫn đến sự tin cậy. Tin tưởng, tín nhiệm nhau là một trong những dấu chỉ của tình yêu. Tin Mẹ Maria, Thánh cả Giuse không một lời cật vấn, hỏi han. Tin vào Chúa, dù thánh ý Người chỉ bàng bạc trong giấc mộng, Giuse đã mau mắn thi hành là đón nhận Maria về nhà cũng như sau đó đưa Hài Nhi và Mẹ Người đi lánh nạn sang Ai Cập một thời gian rồi lại trở về quê hương. Đón nhận Ngôi Hai nhập thể bằng tiếng xin vâng là một hành vi quả cảm của cô thôn nữ làng quê Nagiarét. Hành vi ấy chắc chắn được thực hiện nhờ lòng tin vào người bạn đời, Giuse. Sau khi tìm được Giêsu tại đền Thờ trong chuyến lên Giêrusalem hành hương, cả Maria và Giuse dù chưa hiểu câu nói của Chúa Giêsu: “Sao Cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”, thì cả hai ông bà vẫn tin vào con. Chắc chắn với niềm tin của Maria và Giuse đã góp phần dệt nên một Đấng Cứu độ sau này khi đi rao giảng Tin Mừng thường đòi hỏi lòng tin nơi cử toạ, nơi những người muốn đón nhận ân phúc của Người. Và chúng ta không quên Người đã từng than thở rằng liệu khi Người trở lại còn thấy niềm tin trên mặt đất này chăng.

Niềm tin và tình yêu là hai yếu tố căn bản gìn giữ sự ổn định và phát triển của xã hội loài người. Đó cũng chính là những yếu tố nền tảng giúp con người phát triển và tồn tại. Khi con người không còn yêu thương nhau thì tai hoạ sẽ ập đến, vì lúc bấy giờ người với người là những con thú dữ chỉ biết tranh giành, ăn thua để sống còn. Khi con người không còn tin tưởng nhau thì sẽ không có chuyện gì tốt đẹp tồn tại. Không có niềm tin thì chẳng có hợp đồng, chẳng có thỏa thuận… Không có niềm tin thì chẳng có sự chung sống, và cũng chẳng có bất cứ sự cộng tác nào một cách đúng nghĩa. Nối đến đây chúng ta không thể không thấy xót xa khi nghĩ đến các gia đình gặp khó khăn nhất là các gia đình đang trong cảnh “chia đàn xẻ nghé”. Chúng ta cảm thông với nhiều người đang lâm cảnh “đáng thương” ấy mà trách nhiệm thì chỉ có Thiên Chúa mới có quyền phán xét. Tuy nhiên cái hậu quả mà con cái phải gánh lấy thì như nhãn tiền. “Con không cha như nhà không nóc”; “…Mồ côi mẹ lót lá mà nằm”. Mong sao các gia đình ấy không chỉ được cảm thông, nâng đỡ mà chính con cái của họ được bù đắp những mất mát đang phải gánh chịu.

Mái trường đầu tiên để con người học được chữ tình và chữ tin đó là gia đình. Gia đình đổ vỡ thì xã hội suy tàn và chính con người sẽ bị tận diệt. Mừng kính lễ thánh gia thất Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh cả Giuse hôm nay, một lần nữa thánh ý Chúa và lời dạy của Hội Thánh nhắc bảo chúng ta cần trân trọng giá trị cao quý của mái ấm gia đình, cần nỗ lực bảo vệ các giá trị cao quý của hôn nhân. Một trong những cách thế trân trọng và bảo vệ gia đình đó là hãy biến gia đình chúng ta thành mái trường đích thực, nơi đào tạo tình yêu, nơi huấn luyện niềm tin.

Gia đình
Sưu tầm

 

Tại những quốc gia Âu Mỹ nào chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Kitô thì ngày lễ Giáng sinh ngoài ý nghĩa tôn giáo như là ngày lễ cử hành Mầu Nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa. Lễ Giáng sinh còn mang ý nghĩa văn hóa xã hội nữa, như là ngày lễ của gia đình, ngày mà mọi thành phần gia đình sum họp bên nhau.

Giáo Hội đã luôn luôn nhắc nhở về mối tương quan giữa mầu nhiệm nhập thể và gia đình. Vì thế, trong chu kỳ phụng vụ luôn luôn cử hành lễ thánh gia đình Nagiarét vào Chúa nhật trong tuần bát nhật Giáng sinh. Giáo Hội muốn đặt gia đình trong ánh sáng của Mầu Nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa, và gia đình đầu tiên hưởng lấy ơn của mầu nhiệm Giáng sinh là thánh gia đình Nagiarét. Con Thiên Chúa nhập thể làm người nhận lấy một thể xác để thánh hóa mọi khía cạnh của cuộc sống con người. Ngài nhập thể trong một gia đình tại Nagiarét để thánh hóa thực tại đời sống gia đình.

Sự hiện diện của Chúa trong gia đình là yếu tố căn bản để liên kết mọi thành phần gia đình chung lại với nhau, để thánh hóa tình yêu con người, mặc cho tình yêu phàm trần đó một chiều kích thần thiêng được thấm nhuần trong tình yêu thần thiêng, trong tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu tự nhiên trở thành tình yêu bác ái.

Bài đọc hai trong thánh lễ của Chúa nhật trong tuần bát nhật Giáng sinh được diễn tả như là hiến chương của đời sống Gia đình Kitô: “Hãy để cho Chúa hiện diện trong gia đình. Hãy để cho Lời Chúa cư ngụ dồi dào trong anh em. Hãy đọc Lời Chúa trong gia đình”.

Năm thánh 2000, các Giám mục Việt Nam trong bức thư Mục Vụ chung gởi toàn thể dân Chúa như sau: “Đối với người Việt Nam, gia đình vẫn là rường cột của Giáo Hội và xã hội. Gia đình phải là một Giáo Hội thu nhỏ, nghĩa là nơi lấy sự thật của Tin Mừng làm qui luật sống và làm quà tặng cho cộng đoàn rộng lớn hơn. Gia đình không phải chỉ là đối tượng cho Giáo Hội chăm sóc về mục vụ mà còn là một trong những tác nhân đắc dụng nhất trong công cuộc loan báo Tin Mừng”.

Tông huấn đề ra các phương thế thực hiện như gia đình tham gia vào các sinh hoạt của giáo xứ, lãnh nhận các bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể và Bí tích Hòa giải, dấn thân phục vụ các gia đình khác. Bậc cha mẹ phải cố gắng biến những giây phút của gia đình qui tụ bên nhau thành cơ hội để cầu nguyện, đọc và suy niệm Sách thánh.

TẾ BÀO


(Lễ Thánh Gia Thất) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Hằng năm vào Chúa Nhật tiếp ngay sau đại Lễ Giáng Sinh, Giáo hội cho đoàn tín hữu Công giáo mừng kính Thánh Gia Thất, Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh cả Giuse. Chúng ta được nhắc nhớ về tầm quan trọng của gia đình trong việc làm người, việc xây dựng xã hội cũng như Giáo hội. Theo viễn kiến này xin có một cái nhìn về gia đình như là tế bào, tế bào của xã hội, của Giáo hội.

Tế bào là một đơn vị cấu trúc cơ bản có chức năng sinh học của sinh vật sống. Tế bào là đơn vị nhỏ nhất của sự sống có khả năng phân chia độc lập, và các tế bào thường được gọi là “những viên gạch đầu tiên cấu tạo nên sự sống” (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia). Dịp chuyển giao năm cũ năm mới, bước vào thế kỷ XXI, chương trình VTV3 đã vinh danh hai tín hữu Công giáo là nhạc sĩ Ngọc Lễ và ca sĩ Phương Thảo vì có công đề cao giá trị của gia đình qua âm nhạc, một phương thế có tính xã hội và dễ đi vào lòng người. Bài hát “Ba ngọn nến” được cất lên từ các thành viên của gia đình được vinh danh. “Ba là cây nến vàng. Mẹ là cây nến xanh. Con là cây nến hồng. Ba ngọn nến lung linh. Lung linh, lung linh tình mẹ tình cha…”.

Con Thiên Chúa chọn cách thế giáng trần từ một mái gia đình. Dù nghèo hèn nhưng tình mẹ tình cha mãi là chiếc nôi ấm cho Hài Nhi Giêsu chào đời, làm người. Sự hiện hữu của Con Thiên Chúa trong thân phận loài người nhờ Mẹ Maria cưu mang, sinh hạ, nhờ thánh cả Giuse giang tay đón nhận cả hai về nhà. Sự tồn tại của Hài Nhi nhờ tấm lòng và dòng sữa Mẹ Maria, nhờ sức lao công và sự bảo vệ của Giuse trước sự truy diệt của bạo vương Hêrôđê. Sự phát triển của Đấng làm người nhờ công lao giáo dục của bố mẹ Giuse – Maria. Một trong những ý nghĩa của việc đặt tên là giáo dục. Chính hai Đấng đã đặt tên cho trẻ là Giêsu theo lời sứ thần truyền (x.Mt 1,21; Lc 1,31).

Có thể nói rằng các tôn giáo và các chính thể xã hội đều nhìn nhận vai trò quan trọng của gia đình trong việc huấn luyện, giáo dục trẻ thơ thành người. Giáo hội Công giáo còn mạnh mẽ hơn khi xác quyết rằng vai trò ấy là không gì có thể thay thế. Thánh Giáo hoàng Phaolô VI nói: Gia đình là mái trường đầu tiên dạy chúng ta biết sống nên người, nên người con cái Thiên Chúa. Từ trong nôi ấm, trong vòng tay của mẹ cha, trẻ thơ cảm nhận thế nào là tình thương. Và dần dà các bé học biết tin yêu, phó thác.

Gia đình còn được xem là tế bào của xã hội và của Giáo hội. Một cơ thể sống luôn tùy thuộc vào trạng thái của các tế bào. Căn bệnh thế kỷ HIV-AIDS hay nạn dịch Covid-19 đang hoành hành cho chúng ta thấy tầm quan trọng của sức đề kháng của tế bào. Khi các tế bào cơ thể chúng ta mất sức đề kháng (liệt kháng) thì tính mạng sẽ bị đe dọa vì bất cứ sự tấn công nào của các loại virus độc hại. Nhìn vào xã hội các nơi trên thế giới, chúng ta phải nhìn nhận hiện thực này: Ở đâu giá trị gia đình bị hạ phẩm, nền tảng gia đình bị lung lay thì xã hội bị xáo trộn ngay và Giáo hội cũng gặp ngay nhiều vấn đề khó vượt qua.

Mừng kính Thánh Gia Thất Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh cả Giuse, Giáo hội kêu gọi đoàn con cái chiêm ngắm Gia đình thánh. Thánh Gia Thất là một tổ ấm đầy tình yêu trong sự liên đới và tinh thần trách nhiệm. Tin Mừng cho chúng ta biết chìa khóa hướng dẫn các Ngài, cả ba Đấng vuông tròn nghĩa vụ của mình, đó là: “Thực hiện lời Thiên Chúa truyền dạy” (x.Mt 1,24; Lc 1,38; Ga 4,34).

Đọc câu chuyện kể trên mạng xã hội: “linh mục quản xứ than thở với cặp vợ chồng già đang hạnh phúc bên nhau: “Không hiểu sao đám trẻ giờ lại dễ cạn tình, cạn nghĩa với nhau thế?”. “Thưa cha, có gì đâu, thời chúng con, hễ cái gì hư thì cố sửa mà dùng; giờ tụi nó hà, hỏng một tí là vứt bỏ, thay cái mới”. Không ai là hoàn hảo, không ai là không hề lầm lỗi, chúng ta cầu xin cho các đôi vợ chồng biết yêu thương nhau trong tình quảng đại để gìn giữ mái ấm gia đình. Xin cho các người cha người mẹ mặn nồng nghĩa phu thê, đồng tâm hiệp ý giáo dục con cái bằng tình yêu, gương sáng và lời lẽ khôn ngoan của mình. Thật phúc thay các gia đình có những người con tự nhiên vui vẻ hát ca: “Ba thương con, vì con giống mẹ. Mẹ thương con, vì con giống ba. Cả nhà ta cùng yêu thương nhau. Xa là nhớ. Gần nhau là cười” (Phan Văn Minh).

Lễ Thánh Gia Thất – C
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 2, 41-52).

Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng, mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết.
Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrusalem để tìm Người. Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Người nói đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại.
Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: “Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con”. Người thưa với hai ông bà rằng: “Mà tại sao cha mẹ tìm Con? Cha mẹ không biết rằng Con phải lo công việc của Cha Con ư?” Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói.
Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông bà. Maria mẹ Người ghi nhớ những việc đó trong lòng. Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng, trước mặt Thiên Chúa và người ta.

Suy niệm

Mỗi năm, khi lễ Thánh Gia trở về, mỗi người tín hữu cảm thấy bồi hồi với cảm xúc khó tả, trong những cảm xúc đó có tình gia đình, nơi thiêng liêng đã gắn bó với mỗi con người từ lúc sinh ra, cho tới khi ra đi trở về lòng đất mẹ. Chính nơi gia đình nhỏ bé đó đã cho mỗi người nhiều bài học về cuộc sống, về giá trị con người, về mối tương quan tình người cần thiết và ấm áp như thế nào. Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, đã đón nhận những cảm xúc đó như bao con người nơi mái ấm gia đình của Ngài là gia đình Thánh Gia, và cũng nơi đó, Con Thiên Chúa học những bài học làm người như bao cậu thiếu niên khác, chính những giá trị nhân bản dưới mái ấm gia đình, trở thành yếu tố đưa Ngài đến gần với người nghèo, người bất hạnh, trẻ mồ côi và bao người khó khăn khác.

Bước vào gia đình Giáo hội Công giáo, rất nhiều người thầm nghĩ nơi tôn giáo này chỉ hướng dẫn con người đến với Thiên Chúa, với trời cao, chứ làm gì có những bài học nhân bản để làm người, làm gì có những câu chuyện gia đình, như là những bài học nhân bản giúp mọi tín hữu sống tốt nơi gia đình và xã hội. Quả thực là một thiếu sót khi những anh chị em đó chưa đọc sách Huấn Ca, một trong những tác phẩm của Kinh Thánh nói về niềm vui gia đình, cùng với bổn phận, trách nhiệm của các thành viên sẽ ra sao, để xây dựng một gia đình trong ấm ngoài êm: “Thiên Chúa suy tôn người cha trong con cái; quyền lợi bà mẹ, Người củng cố trên đoàn con. Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi; ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng. Ai thảo kính cha mình, sẽ được vui mừng trong con cái, khi cầu xin, người ấy sẽ được nhậm lời. Ai thảo kính cha mình, sẽ được sống lâu dài. Ai vâng lời cha, sẽ làm vui lòng mẹ”. Cha Mẹ là những thầy dạy đức tin đầu tiên cho con cái không ai có thể thay thế. Đó là lời của thánh Công đồng Va-ti-ca-nô II khi nói về những giá trị của gia đình. Con cái có bổn phận và trách nhiệm phụng dưỡng Mẹ Cha. Đây cũng là một nét đẹp trong đạo hiếu của người Việt khi hướng về gia đình. Vậy, gia đình là một cộng đoàn Giáo hội thu nhỏ, để sinh dưỡng, dạy dỗ, và hướng dẫn mỗi người biết và sống đạo làm người với nhau, đặc biệt là với Thiên Chúa, người Cha giàu lòng thương xót.

Thánh Phaolô khi nói về gia đình, ngài vẫn dành một sự trân trọng đặc biệt, do đó, ngài đã hướng dẫn cho con cái thành Co-lo-xê cách xử sự cho phải đạo làm người nơi mái ấm gia đình, tất cả giúp cho con người lớn lên trong tình yêu, trưởng thành trong tình người và cảm thông trong tình huynh đệ cộng đoàn: “Anh em thân mến, như những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện. Nguyện cho bình an của Chúa Kitô làm chủ trong lòng anh em, sự bình an mà anh em đã được kêu gọi tới để làm nên một thân thể. Anh em hãy cảm tạ Thiên Chúa”. Con Thiên Chúa làm người, sinh ra trong một gia đình để thánh hóa ơn gọi hôn nhân và thánh hóa các gia đình, vì thế, mỗi thành viên trong các gia đình hãy cộng góp khả năng và sự cố gắng của mình, để xây dựng một gia đình trên thuận, dưới hòa. Chính nơi đó, mỗi người như tìm thấy sự bình an nội tâm sau một ngày làm việc vất vả ngược xuôi.

Đức Giêsu, dù là Con Thiên Chúa, nhưng khi chấp nhận cúi xuống bước vào lịch sử nhân loại, ngài chọn một gia đình để hòa mình vào cuộc sống của con người. khởi đi từ gia đình Na-za-reth, Con Thiên Chúa chào đời, được chăm sóc trong vòng tay mẹ cha, được dạy dỗ bởi tình yêu thương của mẹ cha, được lớn lên trong sự bảo bọc và nuôi dưỡng của các ngài. Còn hai ông bà, dù được gọi là Cha Mẹ của Đấng Cứu Thế, nhưng hai ông bà vẫn giữ những gì lề luật dạy, để hướng dẫn con cái sống tâm tình tôn giáo cách chân thành và xác tín: “Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua”. Đây là một chuyến đi đầy ý nghĩa với cậu bé Giêsu, để biết thêm về mối tương quan với Thiên Chúa như thế nào, đồng thời hiểu thêm về tình huynh đệ cộng đoàn, tình gia đình, đặc biệt là tình người ấm áp ra sao.

Được chứng kiến niềm vui cộng đoàn huynh đệ trong dịp đại lễ tại đền thờ Giê-ru-sa-lem, cậu bé Giêsu vui vẻ theo cha mẹ trở lại mái ấm gia đình dù Ngài còn công việc của Cha nơi đền thờ, trở về gia đình trong sự vâng phục, chia sẻ và yêu thương, Con Thiên Chúa đã chia sẻ với con người những khó khăn thăng trầm trong cuộc sống gia đình: “Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông bà. Maria mẹ Người ghi nhớ những việc đó trong lòng. Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng, trước mặt Thiên Chúa và người ta”. Nơi mái ấm gia đình thánh gia, Con Thiên Chúa đã vâng phục Cha Mẹ, bởi các ngài là những người được Thiên Chúa Cha mời cộng tác trong vai trò là Cha, là Mẹ Đấng Cứu Thế. Đức Giêsu đã thể hiện vai trò của một người con hiếu thảo, biết vâng lời, giúp đỡ và chia sẻ với mẹ cha trong những khó khăn của gia đình. Tất cả như là những bài học làm người của Con Thiên Chúa gởi đến cho nhân loại, để từ đây, mỗi người biết yêu quý gia đình, trân trọng mọi người và hiếu thảo với Mẹ Cha của mình.

Đức Giêsu khi còn ở trên trời hay khi bước vào ngôi nhà nhân loại, ở đâu Ngài vẫn coi đó là gia đình của mình, dù đó là gia đình nhân loại hay nhỏ hơn là gia đình thánh gia. Vì thế, gia đình luôn được Thiên Chúa ưu ái với sự hiện diện thánh thiêng và chăm sóc cho mỗi thành viên trong gia đình. Hơn thế nữa, Ngài còn ban đủ ơn cho mỗi người trong vai trò là con cái, để biết sống tốt đạo làm người, đạo làm con trong gia đình. Chúng ta đang sống trong thời đại của Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa, do đó, giữa gia đình Hội thánh luôn có bóng dáng của Thiên Chúa, luôn có dồi dào ân sủng của Ngài, nhưng con người có đủ niềm tin, có đủ khiêm tốn để nhận ra sự hiện diện thánh thiêng và gần gũi đó không, cũng như có đủ quảng đại để cộng tác với Ngài khi Ngài cần mượn cuộc đời và trái tim của mình không.

Sống trong một thế giới chủ nghĩa cá nhân luôn được đề cao, con người thấy mình như là tâm điểm của vũ trụ, của thế giới, do đó, gia đình không còn là nơi thiêng liêng đối với họ nữa, gia đình chỉ là quán trọ, là bến tàu tạm thời của cuộc đời, con người đang đánh mất dần những giá trị của gia đình, nơi đó tình yêu vợ chồng không còn thực sự là một tình yêu dâng hiến, thủy chung và tha thứ nữa, tình cha mẹ với con cái đã có nhiều thay đổi theo xu hướng bình đẳng xã hội, cha mẹ không được xâm phạm quyền riêng tư của con cái, không được chỉ dạy cho con cái trong bổn phận của cha mẹ nhưng chỉ được đồng hành để giúp đỡ. Có thể nói khi sự tiến bộ của khoa học, sự phát triển về mọi mặt của xã hội đã vô tình đảo lộn trật tự trong gia đình, tình gia đình đang bị xã hội hóa từng ngày, đạo hiếu đang âm thầm đi vào dĩ vãng, gia đình không còn là tổ ấm mà chỉ là quán trọ qua đường. Mừng lễ Gia Thất, Mẹ Giáo hội nhắc nhở cho con cái hãy trở về tìm lại gia đình của mình, hãy trân quý gia đình của mình, bởi đó là chiếc nôi cho mình chào đời, là trường học đầu đời và cũng là xưởng thợ dạy ta nên người.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chọn một gia đình để sinh ra trong tình thương của cha mẹ, để lớn lên trong tình thương gia đình, để học những bài học làm người, xin cho chúng con biết bắt chước Chúa, luôn hướng về gia đình trong tình yêu thương, luôn biết trân trọng tổ ấm của mình và biết sống đạo làm người, đạo làm con ngày một vẹn toàn hơn. Chúa đã thánh hóa gia đình bởi đó là ngôi nhà của Ngài, xin Chúa cho chúng con biết quý trọng gia đình, biết chu toàn mọi bổn phận của mình nơi gia đình, để gia đình mình xứng đáng được gọi là gia đình Thánh vì luôn có Thiên Chúa hiện diện, luôn ngập tràn tình yêu thương, luôn chan chứa tình người và luôn đong đầy tình hiệp nhất. Amen.

CHỦ NHẬT THÁNH GIA C 2000 (Lc. 2:41-52)
Lm. Lã Mộng Thường

Thoạt nghe lời Phúc Âm ghi lại câu Đức Giêsu trả lời về việc Ngài ở lại đền thờ khiến Đức Mẹ và thánh Giuse lo lắng tìm kiếm, có lẽ không ai trong chúng ta không ngạc nhiên chẳng kém gì Đức Mẹ. Bởi vậy, Phúc Âm đã viết, “Maria mẹ Người ghi nhớ những việc đó trong lòng.” Tôi nghĩ, nếu con cháu quý ông quý bà rơi vào trường hợp như vậy đồng thời trả lời theo kiểu của Đức Giêsu, chắc chắn sẽ được tặng bạt tai. Phúc Âm đặt nơi miệng Đức Mẹ câu nói nhẹ nhàng, tha thiết, “Con ơi, sao con làm cho chúng ta như thế? Kìa, cha con và mẹ đây đã đau khổ tìm con.” Dẫu Phúc Âm Luca và những dịch giả đã cố dùng những ngôn từ sao cho gọn gàng, thanh lịch nhưng câu trả lời vẫn mang đầy tính chất hạch sách, bất cần, khiến người mới nghe hay đọc đã cảm thấy chói tai, “Mà tại sao cha mẹ tìm con? Cha mẹ không biết rằng con phải lo công việc của Cha con ư?” Tuy nhiên nếu để tâm suy gẫm, câu trả lời đặt nơi miệng Đức Giêsu minh chứng công việc Ngài thực hiện quan trọng hơn bất cứ những sự việc gì xảy đến nơi cuộc đời dẫu gây nên phiền hà cho Ngài. Điều này giải thích rõ ràng hơn về ý nghĩa của những câu Phúc Âm nói về việc Đức Giêsu được sai đến thế gian để thi hành nhiệm vụ Thiên Chúa đã trao cho Ngài, và Đức Giêsu thường gọi Thiên Chúa là Cha; chẳng hạn, “Ai mến Ta thì sẽ giữ lời Ta, và Cha Ta sẽ yêu mến nó! Ai không mến Ta thì không giữ các lời Ta. Mà lời các ngươi nghe đây không phải là của Ta, nhưng là của Cha, Đấng đã sai Ta” (Gn. 14:24). Hoặc “Ai ghét Ta thì cũng ghét Cha Ta” (Gn. 15:23).

Chẳng những Đức Giêsu gọi Thiên Chúa là Cha mà Ngài còn dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha. Nơi kinh Lạy Cha, chúng ta đọc, “Lạy Cha chúng con ở trên trời.” Đã có một thời kỳ một số nhà chuyên môn về phụng vụ người Việt đặt vấn đề chúng ta nên xưng với Chúa là con hay là tôi! để rồi cũng đã có một thời chúng ta đọc. “Lạy Cha chúng tôi ở trên trời.” Theo ngôn từ tiếng Việt, chúng ta có thể cảm nghiệm ngay tâm tình xa cách hay hời hợt khi con cái quý vị xưng tôi với bố mẹ hay với ông bà. Điều này chứng tỏ ngay cả những vị được học hành chuyên môn về phụng vụ cũng không để ý suy nghiệm Phúc Âm.

Ai cũng đều nhận biết Đức Giêsu dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha, nhưng nếu tôi không lầm thì chúng ta đã được dạy dỗ theo quan điểm thế tục; do đó khi đọc kinh Lạy Cha, có lẽ tâm tình của chúng ta đối với Chúa cũng chỉ như một người con xưng tôi với bố mẹ hay một đứa cháu đối với ông bà. Nơi Phúc Âm Gioan Đức Giêsu tuyên bố rõ ràng, “Trong các tiên tri đã có viết: hết thảy chúng sẽ là môn sinh của Thiên Chúa. Phàm ai nghe và học nơi Cha thì sẽ đến với Ta” (Gn. 6:45). Câu này mang nghĩa, chính Thiên Chúa dạy dỗ và dẫn dắt chúng ta am hiểu những lời dạy của Đức Giêsu nơi Phúc Âm. Đồng thời, khi loan báo sự phiền hà sẽ đến với những ai suy nghiệm và rao giảng Tin Mừng Nước Trời, Đức Giêsu đã nói chính Thần Khí của Thiên Chúa hoạt động nơi người đó, “Khi người ta nộp các ngươi thì các ngươi đừng lo phải nói làm sao hay nói gì, vì ngay giờ đó sẽ cho các ngươi biết phải nói gì, vì không phải các ngươi nói, mà là Thần Khí của Cha các ngươi sẽ nói trong các ngươi” (Mt. 10:20). Đức Giêsu dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha và cũng cho chúng ta biết Thiên Chúa đang ngự trị và hoạt động nơi chính chúng ta. Đây là lý do tại sao Ngài khuyên dạy, “Hãy trở nên trọn lành như Cha các ngươi là Đấng trọn lành” (Mt. 5:48). “Hãy biết thương xót như Cha các ngươi là Đấng thương xót” (Lc. 6:36). Vì Thiên Chúa đang ngự trị và hoạt động nơi mỗi người thế nên chúng ta mới có thể trở nên thiện toàn hoặc thương xót như Ngài. Như vậy, Thiên Chúa là Cha của Đức Giêsu và cũng là Cha của chúng ta. Vấn đề còn lại chỉ là chúng ta có suy nghiệm Phúc Âm để cảm nghiệm được Thiên Chúa nơi mình hay không! Thiên Chúa hoạt động nơi Đức Giêsu cũng chính là Thiên Chúa đang hoạt động nơi mỗi người. Qua những chứng từ Phúc Âm, chúng ta có thể nhận biết câu trả lời đầy vẻ nghịch thường của Đức Giêsu chính là điều Ngài muốn cho Đức Mẹ và thánh Giuse nhận thức.

Hôm nay chúng ta mừng kính Thánh Gia, chúng ta mừng kính gia đình của Đức Giêsu, Đức Mẹ, và thánh Giuse, một gia đình đã nhận thức, cảm nghiệm được thực thể Thiên Chúa ngự trị và hoạt động nơi mọi loài mọi vật. Chúng ta chỉ có thể noi gương gia đình Thánh Gia về điểm này. Ngoài ra, bất cứ cách nào bắt chước theo gương gia đình Thánh Gia đều không thể thực hiện được, có chăng chỉ là mơ tưởng. Bởi thế, tôi mời gọi quý ông bà anh chị em, chúng ta hãy hợp nhất tâm trí dâng thánh lễ lên Thiên Chúa, và cầu cùng ba Đấng giúp chúng ta nơi hành trình suy nghiệm những lời Phúc Âm Đức Giêsu đã rao giảng. Amen.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây