TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật V Phục Sinh – Năm A

02/05/2023 09:14:38 |   703

Chúa Nhật V Phục Sinh – Năm A

Ga 14, 1-12


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật V Phục Sinh – Năm A

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến,

Bài sách Tông Đồ Công Vụ tường thuật việc tuyển chọn bảy phó tế. Các tông đồ đã đặt tay để các vị này lo việc phục vụ, vì các tín hữu đã gia tăng rất nhiều. Thư thứ nhất của Thánh Phêrô cho thấy ngài củng cố niềm tin cho các tín hữu là những kẻ tin, họ cũng là những người được tuyển chọn, để rao giảng quyền năng của Đấng đã gọi họ từ nơi tối tăm mà vào ánh sáng kỳ diệu. Đến bài Tin Mừng Đức Kitô chuẩn bị tâm hồn cho các tông đồ để sau khi Ngài lìa bỏ các ông, các ông sẽ không thấy lạc lõng, hụt hẫng. Đồng thời Ngài đi là để dọn chỗ cho các ông, cũng như cho những ai tin vào Ngài. Qua ba bài đọc chúng ta nhận thấy Hội Thánh muốn nhắn nhủ các Kitô hữu, hãy ý thức mình là những người được hưởng hồng ân cứu độ nên luôn tin tưởng và phó thác vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Để đáp lại tình yêu của Thiên Chúa chúng nhau sốt sáng cử hành Thánh Lễ tạ ơn này.

Ca nhập lễ

Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu; Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt muôn dân – Alleluia.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, nhờ Ðức Kitô, Con Một Chúa, Chúa đã thương cứu chuộc chúng con và nhận làm nghĩa tử; xin lấy tình Cha mà âu yếm đoái nhìn: này chúng con là những kẻ tin kính Ðức Kitô, xin cho chúng con được trở nên những người tự do đích thực và đáng hưởng gia nghiệp muôn đời. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Cv 6, 1-7

“Họ chọn bảy người đầy Thánh Thần”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, số môn đồ gia tăng, nên xảy ra việc các người Hy-lạp kêu trách các người Do-thái, vì trong việc phục vụ hằng ngày, người ta khinh miệt các bà goá trong nhóm họ. Nên Mười hai Vị triệu tập toàn thể môn đồ đến và bảo: “Chúng tôi bỏ việc rao giảng lời Chúa mà lo đi giúp bàn, thì không phải lẽ. Vậy thưa anh em, anh em hãy chọn lấy bảy người trong anh em có tiếng tốt, đầy Thánh Thần và khôn ngoan, để chúng tôi đặt họ làm việc đó. Còn chúng tôi, thì sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ lời Chúa”.

Cả đoàn thể đều tán thành lời các ngài, và chọn Têphanô, một người đầy đức tin và Thánh Thần, và chọn Philipphê, Prôcô, Nicanô, Timon, Parmêna, và Nicôla quê ở Antiôkia. Họ đưa mấy vị đó đến trước mặt các Tông đồ. Các ngài cầu nguyện và đặt tay trên các vị đó.

Lời Chúa lan tràn, và số môn đồ ở Giêrusalem gia tăng rất nhiều. Cũng có đám đông tư tế vâng phục đức tin.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 32, 1-2. 4-5. 18-19

Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, như chúng con đã trông cậy Chúa

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng:  Người hiền đức, hãy hân hoan trong Chúa! Ca ngợi là việc của những kẻ lòng ngay. Hãy ngợi khen Chúa với cây đàn cầm, với đàn mười dây, hãy xướng ca mừng Chúa.

Xướng:Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng Chúa.

Xướng: Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Người, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Người, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn.

Bài Ðọc II: 1 Pr 2, 4-9

“Anh em là dòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.

Anh em thân mến, khi đến cùng Chúa là tảng đá sống động, bị người ta loại bỏ, nhưng đã được Thiên Chúa tuyển chọn và tôn vinh, chính anh em như những tảng đá sống động, xây dựng toà nhà thiêng liêng, chức vụ tư tế thánh thiện, để hiến dâng của lễ thiêng liêng đáng Thiên Chúa chấp nhận nhờ Ðức Giêsu Kitô. Vì thế, có lời Thánh Kinh rằng: “Ðây Ta đặt tại Sion tảng đá góc tường, được tuyển chọn và quý giá, ai tin Người, sẽ không phải hổ thẹn”. Vậy, vinh dự cho anh em là những kẻ tin; nhưng đối với những kẻ không tin, thì tảng đá mà thợ xây loại bỏ, đã trở thành đá góc tường, đá vấp ngã và đá chướng ngại cho những kẻ chống lại và không tin lời Chúa, và số phận của họ là thế. Còn anh em là dòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân tộc thánh thiện, dân riêng của Chúa, để rao giảng quyền năng của Ðấng đã gọi anh em ra khỏi tối tăm mà vào ánh sáng kỳ diệu của Người.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 6

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 14, 1-12

“Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với các con rồi; Thầy đi để dọn chỗ cho các con. Và khi Thầy đã ra đi và dọn chỗ cho các con rồi, Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó. Thầy đi đâu, các con đã biết đường rồi”. Ông Tôma thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi?” Chúa Giêsu đáp: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ các con biết và đã xem thấy Người”. Philipphê thưa: “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha, và như thế là đủ cho chúng con”. Chúa Giêsu nói cùng ông rằng: “Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy ư, Philipphê? Ai thấy Thầy là xem thấy Cha, sao con lại nói “Xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha”? Con không tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy ư? Những điều Thầy nói với các con, không phải tự mình mà nói, nhưng chính Cha ở trong Thầy, Ngài làm mọi việc. Các con hãy tin rằng Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy. Ít ra các con hãy tin vì các việc Thầy đã làm. Thật, Thầy bảo thật các con: Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm những việc Thầy đã làm. Người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế : Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu đã nói : “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”. Người là đường dẫn đến Chúa Cha, là chân lý mạc khải dung mạo Chúa Cha, là Đấng đã làm cho Thiên Chúa vô hình trở nên hữu hình. Nhờ Chúa Giêsu, giờ đây chúng ta dâng lên Chúa Cha những lời cầu nguyện.

1. Chúa Giêsu là đường dẫn nhân loại đến với Chúa Cha. Nhờ Lời Chúa Giêsu, xin cho mỗi người nhận ra phương thế giúp họ sống công chính, và góp phần xây dựng thế giới theo ý muốn của Thiên Chúa.

2. Chúa Giêsu là viên đá sống động, bị loài người loại bỏ, nhưng Chúa Cha đã tuyển chọn. Xin cho mỗi Kitô hữu hiệp thông sâu xa với Chúa Kitô, viên đá góc, để xây dựng nước Thiên Chúa.

3. Chúa Giêsu là chân lý giúp nhân loại nhận ra tình yêu của Chúa Cha. Xin cho mọi người lắng nghe lời Chúa Giêsu, để có thể nhận ra dung mạo Thiên Chúa trung tín, Đấng đã ban tặng Chúa Giêsu vì phần rỗi của nhân loại.

4. Chúa Giêsu là sự sống giúp chúng ta kết hiệp mật thiết với Chúa Cha. Xin cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta sống theo mẫu gương khiêm hạ phục vụ của Chúa Giêsu, để bày tỏ những giá trị vững bền của Tin Mừng mà chúng ta tin tưởng và rao giảng.

Chủ tế: Lạy Cha, xin lắng nghe lời cầu nguyện của chúng con. Với ơn Chúa Thánh Thần, xin làm cho chúng con trở thành dân thánh, được xây dựng trên đá tảng vững bền là Chúa Giêsu, Con Cha, nhờ đó, chúng con sẽ ca ngợi những kỳ công Cha đã thực hiện cho chúng con. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con tin Chúa sẽ thực hiện trong thánh lễ này một cuộc trao đổi kỳ diệu là làm cho bánh và rượu chúng con dâng tiến trở nên Mình và Máu Thánh Ðức Kitô, để chúng con được thông phần thiên tính của Chúa. Xin cho chúng con biết ăn ở thế nào cho phù hợp với chân lý chúng con tin nhận. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng Phục Sinh

Ca hiệp lễ

Chúa phán:”Thầy là cây nho thật, các con là nhành, ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái” – Alleluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin phù trợ chúng con là đoàn dân của Chúa. Chúa đã lấy bánh bởi trời mà nuôi dưỡng chúng con, xin cũng giúp chúng con từ bỏ nếp sống cũ và hân hoan bước vào đời sống mới. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

“ĐỪNG XAO XUYẾN?” (Cv 6,1- 7; 1Pr 2,4- 9; Ga 14,1- 12)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Trong buổi tĩnh tâm các linh mục quốc tế ngày 12.10.1998 tại thành phố Monterrey, nước Mexico, qua bài nói chuyện của đức cố Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận, ngài đã chỉ ra một số điểm sai xót của Đức Giêsu, một trong những điểm sai xót đó là những lời giảng dạy, hành động xem ra mâu thuẫn.

Ví dụ như: có lần, Ngài đưa ra lời mời gọi: phúc cho kẻ nghèo, kẻ phải đói, kẻ phải khóc, kẻ bị người ta oán ghét (x. Lc 6, 20-22); hay “ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Lc 9, 24); hoặc làm sao có thể ví Nước Thiên Chúa, Nước của Ðấng toàn năng, vô tận với một hạt cải (x. Lc 13, 18-19); và điều mâu thuẫn lớn nhất chính là “Con Thiên Chúa, Ðấng hằng sống”; “Đấng công chính!” lại phải chấp nhận sự chết và chết nhục nhằn trên thập giá??? (x. Lc 23, 47).

Những mâu thuẫn kiểu như thế, hôm nay lại được Đức Giêsu cất lên khi căn dặn các môn đệ: “Anh em đừng xao xuyến!” (Ga 14,1). Phải chăng lời của Đức Giêsu nói với các môn đệ giờ này xem ra có vẻ không tâm lý, mâu thuẫn với hoàn cảnh hiện tại, bởi lẽ các ông rất buồn vì Thầy trò sắp phải xa nhau. Vậy, câu hỏi được đặt ra là chính Đấng đang nói: “Anh em đừng xao xuyến!” (Ga 14,1), Ngài có xao xuyến không? Và từ đó, như một hệ luận, chúng ta tin hay không tin vào lời nói của Đức Giêsu!

1. Sự xao xuyến của Đức Giêsu

Thực ra trong cuộc đời của Đức Giêsu, Ngài cũng đã nhiều lần xao xuyến, chẳng hạn như:

Nhìn niềm tin trong viễn cảnh tương lai, Đức Giêsu đã thốt lên: “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18,8); rồi khi về Giêrusalem, Ngài cũng thốt lên lời than thở “Giêrusalem, Giêrusalem! […] Ðã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà các người không chịu” (Lc 13,34); hay trong bữa Tiệc Ly với các môn đệ, Ngài cũng trải qua nỗi xao xuyến thực sự, bởi vì chỉ còn một ít nữa thôi, Ngài sẽ từ biệt các môn đệ, sẽ bị bắt, do chính môn đệ thân tín của mình trao nộp, rồi Ngài cũng thấy trước được những đau khổ vì mình mà các ông phải chịu. Nỗi xao xuyến ấy bao trùm lên Thầy trò, khi kẻ đi người ở… Sự xao xuyến ấy càng tăng lên khi trong vườn Cây Dầu, Đức Giêsu cảm thấy sợ hãi, và Ngài đã than thở với các môn đệ: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức!” (Mc 14,34), và Ngài mướt mồ hôi máu. Sau đó, Ngài đã cầu nguyện tiếp: “Ápba, Cha ơi! Cha có thể làm được mọi sự, xin tha cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mc 14, 36). Cuối cùng, nỗi xao xuyến này được dâng lên đến tột đỉnh trên Thánh Giá, khi cơn đau đớn thấu con tim, báo hiệu giờ hấp hối đã gần, Ngài đã lớn tiếng kêu lên Thiên Chúa Cha: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 14, 34).

Như vậy, cả cuộc đời của Đức Giêsu đã trải qua những cơn xao xuyến. Thật ra, sự xao xuyến của Đức Giêsu cho thấy, Ngài vừa là Thiên Chúa và cũng là con người, nên những nỗi xao xuyến đó của Ngài như là con đường để dẫn đưa chúng ta là những người cũng xao xuyến đến sự sống đời đời.

Tại sao chúng ta lại xác tín điều đó, thưa, vì lời căn dặn của Ngài “Anh em đừng xao xuyến!” (Ga 14,1), là khả tín, đáng tin. Bởi vì sự xao xuyến này đã ngang qua cuộc đời của chính Đức Giêsu, và Ngài đã biến nó thành niềm hy vọng khi tin tưởng và tín thác nơi Thiên Chúa Cha là Đấng khơi nguồn và cùng đích của mọi sự.

2. Sự xao xuyến của các môn đệ

Sau Đức Giêsu, sự xao xuyến cũng không buông tha các môn đệ. Các ông xao xuyến là bởi vì trước khi nói những lời ly biệt, Đức Giêsu đã tiên báo Phêrô sẽ trối Thầy (x. Ga 13, 38); Giuđa thì bán Thầy (x. Ga 14, 21); các môn đệ sẽ bỏ chốn (x. Mt 26, 56). Như thế, các ông thấy trước những viễn cảnh đó sẽ xảy ra, nên các ông lo sợ cho giờ phút kinh hoàng này sẽ đến với Thầy mình và các ông đều bị liên lụy là lẽ tất yếu.

Nỗi xao xuyến của các ông còn là nỗi sợ cô đơn. Các ông đã bỏ mọi sự, vợ con, nhà cửa, sự nghiệp để đi theo, ấy vậy mà giờ đây các ông sắp phải chia tay Thầy của mình. Sự chia tay này theo lối hiểu của các ông chẳng khác gì “rắn mất đầu”; hay “tàu không người lái”. Vậy thì các ông sẽ đi đâu và về đâu đây???

Thêm một lý do nữa khiến các môn đệ xao xuyến, đó là: khi còn sống với các ông, Đức Giêsu hướng dẫn, dạy dỗ và dẫn dắt các ông từng ly từng tý, vậy Ngài sắp ra đi thì ai là người dẫn lối chỉ đường cho các ông?

Buồn sầu và xao xuyến của các môn đệ là lẽ thường tình nơi thân phận con người trước những điều không may, nguy hiểm, chia ly, từ biệt, rồi phải đối diện với chốn trần gian đầy tục lụy, thù hằn, thử thách và ngay cả cái chết như Thầy của mình.

Tuy nhiên, những sự xao xuyến đó của các ông đã được Đức Giêsu trấn an khi nói: “Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14,1). Chỉ có niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa mới có thể giúp các ông vượt qua mọi gian nan, thử thách xảy đến trong cuộc sống trần gian; còn khi các ông xao xuyến không biết về đâu thì chính Ngài đã nói: “Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14,3), rồi khi các ông xao xuyến không biết định hướng cho cuộc sống tương lai thì Đức Giêsu lại nói: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14, 6). Như vậy, qua lời trấn an của Đức Giêsu “Anh em đừng xao xuyến!” (Ga 14,1), Ngài muốn mặc khải cho các ông thấy rằng: quê hương họ ở trên trời (x. Pl 3, 19), mà Đức Giêsu sẽ là người đầu tiên trở về với nguồn cội, nơi mà từ đó được phát xuất ra để dọn chỗ cho họ.

3. Sự xao xuyến của con người ngày hôm nay

Trong thực tại cuộc sống, chúng ta thường gặp những cảnh ngộ nhiều lúc không được như lòng mong muốn. Tâm trạng này của mỗi chúng ta cũng chính là tâm trạng của các môn đệ khi xưa, nào là: quan điểm và thực trạng xã hội hoàn toàn xa lạ với đường lối của Thiên Chúa, của Tin Mừng; nào là ốm đau; bệnh tật; con cái hư hỏng; buôn bán không gặp thời; thất vọng vì những gương xấu trong cuộc đời; hay chính những chuyện tốt ta muốn làm mà cũng không được… Những sự xao xuyến ấy luôn luôn ở bên cạnh chúng ta, nó theo chúng ta như hình với bóng, vì thế, triết gia Martin Heideiger khi suy tư về con người, ông đã nói về sự xao xuyến này như sau: “Con người là một hữu thể bị ném ra cuộc đời, hiện hữu giới hạn trong thời gian, nghĩa là con người sống để mà chết. Và bởi con người sống và đi đến cái chết không thể tránh khỏi, nên con người mang nỗi khắc khoải khôn nguôi. Cái chết và nỗi khắc khoải được định nghĩa là thành tố làm nên con người hiện sinh. Đời người là như vậy. Chẳng ai làm người mà vô sự”.

Tuy nhiên, đối với người Kitô hữu, chúng ta có một niềm tin mạnh mẽ, đó là: đằng sau cái chết là sự sống vĩnh hằng. Niềm tin này hôm nay được Đức Giêsu mặc khải: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha của Thầy, có nhiều chỗ ở […] Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14, 1-3); hay lúc khác Đức Giêsu nói: “... tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6, 40).

Như vậy, chết không phải là hết. Cuộc sống này chỉ là một sự chuyển tiếp mà thôi. Khi tin như thế, Chúng ta có quyền hy họng vào lời căn dặn, trấn an của Đức Giêsu: “Anh em đừng xao xuyến!” (Ga 14,1).

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con không bị rơi vào tình trạng xao xuyến trước những điều bất trắc trong cuộc sống, xã hội và con người hôm nay, bởi xác tín rằng, quê hương chúng con ở trên trời, và mọi điều trái ý đó xảy đến như là một điều kiện cần cho được cứu rỗi. Có thế, chúng con hy vọng sẽ được vào nơi mà chính Chúa đã đi trước dọn đường và chuẩn bị cho chúng con. Amen.
 

HÃY TIN
Chúa Nhật 5 Phục Sinh: Ga 14, 1-12 - Lm. Thái Nguyên

LmTN 030523a

 

Suy niệm

Có biết bao điều làm cho con người xao xuyến: bệnh tật, tai ương, xã  hội suy đồi, sự dữ lan tràn… Ngay cả trong cộng đoàn Giáo Hội sơ khai vẫn có những bất công, và kêu ca. Cho đến hôm nay vẫn luôn có những tranh chấp và chia rẽ, đến nỗi có những cuộc khủng hoảng đức tin, khiến nhiều Kitô hữu đã đi theo các giáo phái hoặc gia nhập các tôn giáo khác. Giáo Hội xem ra đang thụt lùi và suy thoái. Đức Giêsu biết và thấy trước tất cả những điều đó, nhưng Ngài khuyên “Lòng chúng con đừng xao xuyến”, vì Ngài nhìn mọi sự từ trên cao, nên cái nhìn của Ngài bao quát hơn và trọn vẹn hơn: Ngài không chỉ thấy hiện tại đang bế tắc mà còn thấy cả một tương lai xán lạn.

Chúng ta có thể tóm gọn bài Phúc Âm bằng hai chữ: “Hãy Tin”. Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Ngài. Tin vào Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu, cũng là Cha đầy lòng thương xót đối với mỗi người chúng ta. Tin vào Thiên Chúa chính là tin vào Đức Giêsu là đường, là sự thật và là sự sống. Là Đường để chúng ta an tâm vững vàng bước đi trong cuộc đời này. Là sự thật để chúng ta thoát khỏi những mưu mô và giả trá của thế gian. Là sự sống để chúng ta được sống dồi dào hôm nay, và sẽ sống viên mãn trong Chúa mai ngày.

Tin vào Đức Giêsu cũng chính là tin vào Thiên Chúa, “vì ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”. Các môn đệ xưa thấy Chúa Giêsu bằng xương thịt, còn chúng ta thấy Chúa Giêsu bằng Lời Chúa. Qua Lời Chúa ta thấy rõ sự thật về con người Chúa Giêsu, không chỉ là Đấng quyền năng đem lại sự sống mới cho con người trên mọi phương diện, mà còn là Đấng đầy lòng thương xót, đón nhận chúng ta từ mọi tình trạng. Ngài là mẫu mực cho đời sống làm người của chúng ta. Tin vào Chúa cũng là tin vào chính mình, để biết xây dựng cuộc đời mình nên giống Chúa.

Tuy nhiên, ai không siêng năng đọc Lời Chúa, không thành tâm lắng nghe Lời Chúa, không sốt sắng suy niệm và sống Lời Chúa, thì không thể biết Đức Kitô và sống theo chân lý của Ngài. Chúng ta theo đạo không phải là theo một giáo thuyết, một mớ những hiểu biết, hay những giới luật cần thiết bên ngoài, mà là theo Đức Kitô, Đấng cứu độ chúng ta. Chẳng có chủ nghĩa, triết thuyết hay giáo thuyết nào đem lại cho ta nguồn sống linh thiêng; cũng không có chế độ hay chính sách nào giải phóng ta khỏi nô lệ tội lỗi và chính mình ngoài Đức Kitô, vì Ngài là Đấng ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Ngài. Biết bao người vẫn tìm kiếm chân lý và khao khát Thiên Chúa không ngừng, nhưngKhông ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”.   

Các nhà sáng lập tôn giáo chỉ đường cho ta đi tới chứ họ không phải là đường; họ giúp cho ta thấy sự thật chứ họ không phải là sự thật; họ dạy cho ta biết cách sống chứ họ không phải là sự sống. Họ có thể là những ngôi sao dẫn đường chỉ lối, nhưng vẫn không tránh được những thiếu sót. nhập nhằng, vì họ cũng chỉ là những con người. Chỉ có Đức Kitô là tất cả cho chúng ta trong mọi sự. Lời thánh Phêrô cho ta thấy được diễm phúc của cuộc đời Kitô hữu:“Vinh dự cho anh em là những người tin... anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa... Đấng đã kêu gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng huyền diệu.” (1Pr 2, 7-9).

Nhận ra sự diễm phúc của mình, nhưng tin không phải là một ý niệm hay một sự đồng thuận trong tư tưởng, mà tin là hành động: một hành động dấn thân bằng cả cuộc đời, tức là dám sống chết cho điều mình tin. Từ đức tin này, thánh Phêrô đã đề ra nguyên tắc để mọi người tham gia vào việc chung của Giáo Hội: “Anh em hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động xây nên ngôi đền thờ Thánh Thần”. Mỗi người là một viên đá, một thành viên độc đáo, một chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô là Giáo Hội. Vì thế mỗi người phải sống với tất cả trách nhiệm và lòng yêu mến thâm sâu của mình.

Nhưng ta nên biết rằng, đức tin ấy chứa đựng trong ta như trong bình sành dễ bể, vì thân phận người yếu đuối và mỏng giòn, dễ hướng chiều theo sự lôi kéo của ma quỉ, thế gian và xác thịt. Vì thế, mỗi ngày cần có giờ ở bên Chúa, đọc Lời Chúa, nghe tiếng Chúa. Thánh Thể phải là trung tâm của đời sống ta, và là cao điểm của sự kết hợp mật thiết với Chúa, để làm cho đức tin ngày càng lớn mạnh và sinh hoa kết trái. Ước chi mọi người xung quanh có thể nhìn thấy Đức Kitô Phục Sinh đang sống động nơi chúng ta qua đời sống chân thật và yêu thương phục vụ hằng ngày, và qua đó cũng nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Giữa một thế giới duy khoa học,
duy thực nghiệm và duy tương đối,
mà tin vào một Thiên Chúa vô hình,
người ta thấy thật xa xôi mù mịt.


Giữa một thế giới duy nhân bản,
duy lý trí và duy thực dụng,
mà tin vào một Thiên Chúa làm người,
thì đúng là mông lung và liều lĩnh.


Giữa một thế giới duy vật duy cảm giác,
mà tin Chúa dưới hình bánh mong manh,
nơi một linh mục mỏng giòn yếu đuối,
trong một Hội Thánh còn những bất toàn,
lại càng khiến người ta phải nghi nan,
vì trước mắt xem ra đầy giới hạn.


Giữa một thế giới văn minh vật chất,
đầy những lạc thú mà phải từ bỏ mình,
vác thập giá hằng ngày mà theo Chúa,
xem ra có vẻ ngây ngô và dại dột,
vì trước mắt không thấy gì tươi tốt,
dễ khiến cho con người phải bôn chôn.


Nhưng nếu không có đức tin vào Chúa,
đời con vẫn đầy dẫy những hoang mang,
nếu chỉ đặt hy vọng ở đời này,
con sẽ thấy đời mình bất hạnh thay,
vì bản thân mọi người đều phải chết,
và cuối cùng là chấm hết hư vô.


Chẳng ai cứu độ con ngoài chính Chúa,
là đường là sự thật là sự sống,
ai đi nữa cũng chỉ là hư không,
mọi chủ trương cũng chỉ là trống rỗng,
xin cho con vững một lòng tin mến,
để nhờ Ngài mà đến với Chúa Cha. Amen.

 

 
 

ĐỪNG XAO XUYẾN
Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.(Ga 14, 1)

Suy niệm: Biến cố Chúa Giê-su bị bắt, bị kết án và chết thảm trên thập giá là một cơn khủng hoảng nặng nề đối với các môn đệ. Ba năm theo Thầy với nhiều kỳ vọng, giờ đây thành mộng ảo biến tan như mây khói. Không có Thầy ở bên, các ông như đàn chiên tan tác không có người chăn. Thầy đã bị giết chết, số phận trò cũng bị đe doạ. Các ông, người thì trốn kỹ trong nhà, đóng cửa kín mít, người thì thất vọng bỏ về quê. Chúa Giê-su thấy nỗi xao xuyến không nhỏ đó của các ông, nên ngay trong bữa tiệc ly, Ngài đã trấn an: “Anh em đừng xao xuyến!” lại còn nhấn mạnh: “… cũng đừng sợ hãi” (x. Ga 14, 27). Sức mạnh giúp các môn đệ vượt thắng nỗi sợ là: “Tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”, bởi vì Ngài xác quyết: “Can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian.”

Mời Bạn: Xao xuyến gắn liền với kiếp người. Người ta xao xuyến vì ước mơ không đạt được, xao xuyến về những bất hạnh xảy tới mà mình không ngờ, xao xuyến trước sự ra đi của người thân… Đức Giê-su trước khi chịu khổ nạn đã trao cho các môn đê bí quyết “tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”; đó cũng là bí quyết cho chúng ta. Chúa Ki-tô phục sinh chứng thực cho lời khẳng định của Ngài: “Can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian.” Niềm tin vào Chúa phục sinh giúp chúng ta vượt thắng mọi xao xuyến trong cuộc đời.

Sống Lời Chúa: Bạn chiêm ngắm Chúa Ki-tô phục sinh trong giờ cầu nguyện,  để khám phá sự hiện diện tinh tế của Ngài trong các biến cố đời thường.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã phục sinh đem lại cho chúng con niềm xác tín chúng con sẽ được phục sinh với Chúa. Xin hướng lòng chúng con về với Chúa, để dù sống trong hoàn cảnh nào chúng con cũng không xao xuyến lo âu.

Chúa nhật tuần lễ thứ năm mùa phục sinh
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 14, 1-12).

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với các con rồi; Thầy đi để dọn chỗ cho các con. Và khi Thầy đã ra đi và dọn chỗ cho các con rồi, Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó. Thầy đi đâu, các con đã biết đường rồi”. Ông Tôma thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi?” Chúa Giêsu đáp: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ các con biết và đã xem thấy Người”. Philipphê thưa: “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha, và như thế là đủ cho chúng con”. Chúa Giêsu nói cùng ông rằng: “Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy ư, Philipphê? Ai thấy Thầy là xem thấy Cha, sao con lại nói “Xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha”? Con không tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy ư? Những điều Thầy nói với các con, không phải tự mình mà nói, nhưng chính Cha ở trong Thầy, Ngài làm mọi việc. Các con hãy tin rằng Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy. Ít ra các con hãy tin vì các việc Thầy đã làm. Thật, Thầy bảo thật các con: Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm những việc Thầy đã làm. Người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha”.

Suy niệm

Sống giữa một thế giới hỗn độn, cùng với bao nhiêu nỗi âu lo, con người phải gồng gánh trên đôi vai quá nhiều áp lực, nào là công ăn việc làm, nào là giáo dục con cái, nào là sự nghiệp ngày mai, nào là tương quan bạn hữu, tất cả đang kéo con người đi vào một vòng xoáy như một cơn lốc lớn giữa cuộc đời. Để lớn lên trong một thế giới như thế, con người có đủ nguồn năng lượng tinh thần và sức khỏe để vượt qua mọi áp lực đó thế nào, không thiếu những người đã gục ngã bởi họ không tìm được lối thoát cho bản thân và gia đình, có người kết thúc đời mình trong sự bi quan cùng cực, và con bao nhiêu người khác sống dở chết dở, không biết ngày mai sẽ ra sao. Chẳng lẽ cuộc đời đen tối vậy sao? Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ năm mùa phục sinh, sẽ giúp cho người tín hữu những chiếc chìa khóa thần kỳ, để mở toang những cánh cửa hy vọng đang bị khóa chặt, để con người đứng lên, trút bỏ mọi âu lo, mọi trăn trở, để sống và sống có ý nghĩa hơn, ngày mai có nhiều niềm vui và hy vọng hơn.

Các cộng đoàn giáo hội Công giáo thưở ban đầu đối diện với muôn vàn khó khăn, từ đời sống tinh thần cho đến đời sống thể lý, thế nhưng, nhờ biết nương tựa nhau, gắn bó và chia sẻ với nhau, họ đã vượt qua tất cả, bên cạnh đó, sức mạnh và nguồn năng lượng quan trọng giúp họ vượt lên chính mình, đó là Lời Chúa và đời sống cầu nguyện. Các Tông đồ đã hướng dẫn họ cầu nguyện chung với nhau, cùng đọc Lời Chúa, cùng suy niệm và cùng chia sẻ với nhau những món ăn tinh thần, món ăn tình người, tất cả như là một gia đình: “Trong những ngày ấy, số môn đồ gia tăng, nên xảy ra việc các người Hy-lạp kêu trách các người Do-thái, vì trong việc phục vụ hằng ngày, người ta khinh miệt các bà goá trong nhóm họ. Nên Mười Hai Vị triệu tập toàn thể môn đồ đến và bảo: “Chúng tôi bỏ việc rao giảng lời Chúa mà lo đi giúp bàn, thì không phải lẽ. Vậy thưa anh em, anh em hãy chọn lấy bảy người trong anh em có tiếng tốt, đầy Thánh Thần và khôn ngoan, để chúng tôi đặt họ làm việc đó. Còn chúng tôi, thì sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ lời Chúa”. Cộng đoàn sẽ là nơi giúp nhau cầu nguyện, giúp nhau lắng nghe lời dạy bảo của Thiên Chúa, giúp nhau vượt qua những khó khăn, khi biết chia sẻ công việc và trách nhiệm cho các thành viên. Đó là sự tài tình của Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa Ngôi Ba.

Thánh Phêrô đã ví Đức Giêsu như một viên đá sống động, làm chỗ dựa cho tòa nhà rộng lớn, là gia đình Công giáo, là cộng đoàn Giáo hội. Được chứng kiến sự phục sinh của Thầy mình, các Tông đồ mới bừng sáng, mới mạnh dạn lên đường, bởi lúc đó, các ông mới thấy rằng, chỉ có nơi Thầy mình, họ mới tìm được điểm tựa tinh thần an toàn cho cuộc đời và sứ vụ, đó là sự vững chắc của tảng đá góc, là Đức Giêsu phục sinh: “Anh em thân mến, khi đến cùng Chúa là tảng đá sống động, bị người ta loại bỏ, nhưng đã được Thiên Chúa tuyển chọn và tôn vinh, chính anh em như những tảng đá sống động, xây dựng toà nhà thiêng liêng, chức vụ tư tế thánh thiện, để hiến dâng của lễ thiêng liêng đáng Thiên Chúa chấp nhận nhờ Ðức Giêsu Kitô”. Từ viên đá góc vĩ đại đó, Thiên Chúa đợi chờ nơi mỗi tín hữu, sẽ là những viên đá năng động cho anh chị em tìm thấy một điểm tựa về tinh thần, giúp mọi người nhận ra đâu là thánh ý Chúa.

Chứng kiến bao vất vả, bao đau khổ và bao trăn trở của con người, dù họ có niềm tin vào Thiên Chúa, dù họ đã dành một chỗ nhất trong trái tim cho Ngài, nhưng vì phận người dễ bị thất bại, dễ rơi vào tình trạng thất vọng và tuyệt vọng, vì áp lực cuộc sống, Đức Giêsu đã nâng đỡ họ bằng cách mời họ lắng nghe sự hướng dẫn của Con Thiên Chúa, bởi giáo huấn của Ngài dẫn con người tới sự thật, sự sống đời đời: “Khi Thầy đã ra đi và dọn chỗ cho các con rồi, Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó. Thầy đi đâu, các con đã biết đường rồi”. Ông Tôma thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi?” Chúa Giêsu đáp: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ các con biết và đã xem thấy Người”. Nhận biết Thiên Chúa Cha là nhận ra khuôn mặt của Cha nơi người Con, người Con của Chúa Cha có trách nhiệm đến trần gian, để hướng dẫn con người biết con đường về với Chúa Cha, cội nguồn sự thật và sự sống đời đời. Ai tin và dám chấp nhận mọi đau khổ, mọi thử thách và cả thất bại, Ngài sẽ nâng đỡ, ủi an và chia sẻ với họ trên hành trình về Nước Trời.

Cuộc trò chuyện giữa Thầy trò được tác giả thánh là Gioan ghi lại, xảy ra sau khi Đức Giêsu cùng các học trò ăn bữa tối tiệc ly, trước khi Thầy bước vào cuộc khổ nạn. Dù đã báo trước cho các ông biết về cuộc thương khó, nhưng Đức Giêsu thấy được phần nào sự hoang mang, sợ hãi trên khuôn mặt các ông, trong đó chen lẫn cả những bế tắc cho tương lai của họ, Ngài đã động viên họ bằng cách hướng dẫn họ xây dựng tình huynh đệ cộng đoàn, đồng thời dựa vào đó để giúp nhau vượt qua mọi sóng gió. Lúc gặp những thử thách, anh em hãy tin vào Thiên Chúa, bởi Ngài là Đường, là Sự thật và là Sự sống, Ngài sẽ dẫn anh em đi qua những quảng đường đen tối, đầy sợ hãi, tới một vùng trời bình an, tới miền đất của hạnh phúc và đầy tràn tình thương yêu. Những người có mặt trong vụ án của Thầy, khi Đức Giêsu bị kết án, bị đóng đinh, giết chết, họ được coi là kẻ chiến thắng, tiếng tăm lừng lẫy, nhưng đến hôm nay, tên tuổi họ được nhắc lại với thái độ nào, trân trọng hay khinh miệt, là một vĩ nhân, một anh hùng, hay đó chỉ là những kẻ tội đồ.

Người tín hữu Công giáo cũng đang đi trên những con đường giống như các học trò của Thầy ngày xưa, họ đang đối diện với chiến tranh huynh đệ tương tàn, đối diện với nỗi sợ hãi dịch bệnh tràn lan, đối diện với áp lực công ăn việc làm, đối diện với sự thật khó nói, là nuôi dưỡng và dạy dỗ con cái trong chính gia đình của mình. Miếng cơm manh áo, dù nhỏ bé, nhưng là nhu cầu tối thiểu và hàng ngày, nên họ phải làm việc, phải lăn lộn giữa đời, thế mà nhiều người vẫn không tìm đủ chén cơm, cái áo cho mình và con cái ăn mặc, còn đau khổ nào cho bằng nỗi đau đó. Không thiếu những người Cha, người Mẹ đã nghĩ quẩn, dẫn cả gia đình vào ngõ cụt cuộc đời. Áp lực phải có việc làm, có chỗ đứng trong xã hội, phải thành công trong sự nghiệp, là một thách đố rất lớn, không thiếu những tín hữu Kitô đã liều mình, từ chối Thiên Chúa, từ chối niềm tin và tôn giáo, để có địa vị và có công việc, có tương lai tốt hơn, nếu không nói là thành công. Tôn giáo sẽ làm gì để giúp đỡ họ, tôn giáo có cất nhẹ gánh lo cuộc đời cho con người được chăng, Thiên Chúa sẽ làm được điều đó, nếu như con người biết tìm đến với Ngài, bởi người tin vào Đức Giêsu, là tin vào Thiên Chúa Cha, Đấng đã tạo dựng vũ trụ, con người, sẽ làm thay đổi tất cả: “Thật, Thầy bảo thật các con: Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm những việc Thầy đã làm. Người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha”. Thiên Chúa đang đợi chờ tôi phía trước, cuối con đường, tôi có đủ nghị lực, đủ can đảm, để đi hết con đường tôi đang đi hôm nay không?

Lạy Chúa, kiếp người mong manh, hữu hạn ngay từ ngày hiện diện trên thế giới này, cùng song hành với con người là những đau khổ, những thách đố cuộc sống, làm cho con người mất định hướng, mất niềm tin và mất luôn hình ảnh Thiên Chúa trong tâm hồn, xin Chúa thứ lỗi cho chúng con và hướng dẫn chúng con vượt thắng tất cả, luôn đi theo sự hướng dẫn của Ngài, bởi nơi Ngài mới có sự sống đời đời. Ai tin vào Thầy là tin vào Đấng đã sai Thầy, người ấy sẽ làm được những việc lớn lao, xin giúp chúng con đón nhận cuộc sống và trách nhiệm của mình, trong sự phó thác và ân sủng của Chúa, xin Chúa dẫn chúng con đi theo chính lộ, bởi Ngài là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Amen.


VƯỢT QUA CHƯỚNG NGẠI
(Chúa Nhật V Phục Sinh) Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột.

VẤN NẠN CỦA ĐỨC KITÔ:
“Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện” (Ga 14, 8). Bắt nguồn từ Do Thái giáo, niềm tin Kitô giáo cho hay rằng hạnh phúc thật là được chiêm ngưỡng thánh nhan Thiên Chúa. Thế mà xưa nay chưa từng có ai nhìn thấy tôn nhan Thiên Chúa mà còn sống. Ngay cả Môsê, vị ngôn sứ vĩ đại, người được ưu tuyển đàm đạo với Giavê diện đối diện mà cũng chỉ được phép nhìn thấy Thiên Chúa phía sau lưng Người (x.Xh 33, 21-23). Và chúng ta đừng ngạc nhiên trước lời yêu cầu của Philipphê. Tuy nhiên chúng ta cần phải ngạc nhiên với câu trả lời của Chúa Giêsu: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philipphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14, 9). Trong thân phận con người, cái yếu tố hữu hình, một trong những yếu tố của nhân tính mà Con Thiên Chúa đón nhận khi nhập thể, một khía cạnh nào đó, đã trở thành chướng ngại.

“Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà tự cho mình là Thiên Chúa” (Ga 10, 33). Giả như Chúa Kitô nhập thể, nhập thế trong thời đại hôm nay thì số phận của Người sẽ không khác xưa. Đấng vô hình lại ở trong kiếp hữu hạn, hữu hình ư? Đấng sáng tạo lại mang kiếp được tạo thành, mong manh sao? Thật khó mà chấp nhận cũng như đón nhận. Ngay cả các môn đệ, các tông đồ, ở với Thầy bấy lâu nay mà vẫn chưa biết rằng Thầy với Chúa Cha là một. Dù đã tuyên xưng Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống, nhưng trong tâm trí các tông đồ lúc bấy giờ thì Thầy cũng chỉ là một con người được Thiên Chúa sai đến, hay là một đại ngôn sứ mà thôi. Tâm trí các ngài còn nhiều tăm tối u mê, không thể hiểu thấu lời của Thầy cũng như căn tính của Thầy cho đến khi Thầy phục sinh từ cõi chết và Thánh Thần được trao ban (x.Ga 16, 13). Cho đến tận thế, với người chưa tin, Đức Kitô Giêsu dù “là viên đá bị thợ xây loại bỏ đã trở nên đá tảng góc tường mãi vẫn là viên đá làm cho vấp, tảng đá làm cho ngã” (x.1P 2, 7-8). Nhập thế vào đời, Chúa Kitô là hình ảnh của Chúa Cha. Đã là hình ảnh thì tồn tại sự hạn chế của cái khả giác.

VẤN NẠN CỦA HỘI THÁNH:

Tôi tin Hội Thánh là thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô. Tôi tin Hội Thánh là Hiền Thê tinh tuyền xinh đẹp của Đức Kitô. Tôi tin Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền… Những lời tuyên xưng trên đây phải chăng đã được chấp nhận và đón nhận cách dễ dàng với tất cả những người tin vào Đức Kitô (Công giáo, Chính Thống giáo, Anh giáo, Tin lành), chưa kể là với bà con ngoài Kitô giáo? Với người khác niềm tin, bất đồng chính kiến thì đã rõ. “Chúa Kitô loan báo Nước Trời và Hội Thánh lại đến!” (Alfred Loisy). Câu nói hàm chứa sự mỉa mai lẫn sự chê bai, ngờ vực của văn sĩ thế kỷ ánh sáng khiến chúng ta nhận ra vấn nạn luôn còn đó. Nhìn chung vấn nạn thường xoay quanh tính hữu hình của Hội Thánh Chúa.

Giáo lý Công giáo nêu rõ: “Chúa Kitô thánh thiện, vô tội, tinh tuyền, không hề phạm tội, chỉ đến để đền tội cho dân; còn Hội Thánh, vì ôm ấp trong lòng những kẻ tội lỗi, nên vừa thánh thiện vừa phải luôn thanh luyện mình. Do đó, Hội Thánh luôn nỗ lực sám hối và canh tân. Tất cả các chi thể của Hội Thánh, kể cả các thừa tác viên, phải tự nhận là người tội lỗi…” (GLCG chung số 827). Quả là một mầu nhiệm mà chúng ta không dễ thấu đạt và với anh em ngoài Hội Thánh thì càng khó hơn nhiều. Hội Thánh là hiện thân của Đức Kitô theo dòng thời gian. Thế mà nhiều khi chân dung Đức Kitô lại bị biến dạng do bởi một số chi thể “què quặt hay mù loà về tâm linh lẫn nhân cách” hoặc do bởi cái cơ chế đã có khi mang dáng vẻ thế trần của Hội Thánh. Các chướng ngại hay cớ vấp phạm xuất hiện do bởi các nguyên nhân khách quan cũng có nhiều mà do bởi các nguyên nhân chủ quan cũng không thiếu.

VƯỢT QUA CHƯỚNG NGẠI:

Vấn nạn của cái khả giác dường như là muôn thuở. Làm sao để vượt qua nó? Chúa Kitô đã khai mở: “Nếu ta không làm các việc của Cha Ta thì các ông đừng tin Ta. Còn nếu Ta làm các việc đó thì ít ra hãy tin các việc Ta đã làm” (Ga 10, 37-38). Những việc của Đức Kitô thực hiện là dẫn đưa nhân loại đến cùng sự thật, đến cùng sự sống, vì Người “là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6). Người đến thế gian này “là để làm chứng cho sự thật” (Ga 19, 37). Chính sự thật sẽ giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi và cho chúng ta được sống và sống dồi dào (x.Ga 8, 32; 10, 10).

Tuy nhiên một thực tế thật khó phủ nhận vẫn tồn tại. Đó là rất nhiều người đương thời với Chúa Giêsu đã nghe lời chân lý của Người, đã chứng kiến các kỳ công vừa cao cả vừa đượm đầy tình yêu của Người, vẫn chưa hoặc không biết Người và tin nhận Người. Chúa Giêsu đã mở thêm một con đường mới, có thể nói là con đường tuyệt hảo cuối cùng, đó là chịu treo trên thập giá và tuôn ban Thánh Thần từ Trái Tim Cực Thánh của mình. Ngay đêm tiệc ly, sau khi rửa chân cho các môn đệ Chúa Giêsu đã tỏ lộ cho các ngài: “Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con.  Thầy nói với anh em điều đó ngay từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, anh em tin là Thầy Hằng Hữu” (Ga 13, 18-19). “Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm” (Ga 19, 37). Và “Khi các ông giương Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết Ta Hằng Hữu” (Ga 8, 28). “ Phần Ta, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta” (Ga 12, 32).

Trước tình yêu tự nguyện trao ban, một tình yêu không điều kiện, một tình yêu không quản ngại hiến dâng của Đức Kitô và trước một tình yêu quảng đại của Nguời, Đấng sẵn sàng đón nhận những gì chúng ta đang có, đang là, dù đó có thể là những điều chưa tốt, những mặt hạn chế, những lỗi lầm, thì chúng ta mới có thể thốt lên như Tôma: “Lạy Chúa, Lạy Thiên Chúa của con”. Quả thật  nói như lời thánh Tông Đồ dân ngoại rằng không ai có thể tuyên xưng Đức Kitô là Chúa nếu không được Thánh Thần thúc đẩy.

Trở lại với chuyện của Hội Thánh. Trò không thể hơn thầy. Để Hội Thánh ngày càng trở nên bí tích của Đức Kitô cách khả tín và hữu hiệu hơn, thiết nghĩ rằng mỗi phần tử của Hội Thánh cần can đảm đối diện với sự thật, sống trong sự thật đồng thời tích cực thực thi công lý và tình yêu. Tuy nhiên, xin đừng quên chính khi bị đâm thâu cạnh sườn, chính khi bị treo lên cao để cho tình yêu tuôn ban thì đó mới là lúc căn tính của Hội Thánh được hiển lộ cách rõ nét. Chính khi bị nguyền rủa, chúng ta vẫn chúc lành; bị bắt bớ chúng ta vẫn yêu thương; bị vu khống, chúng ta vẫn chia lời ủi an, hay nói như thánh Phanxicô Axidi là đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp… (x.1Cor 5, 12-13), là lúc chúng ta làm cho tha nhân thấy rằng không phải ta sống mà là Chúa Kitô đang sống trong ta.

Đức Bênêđictô XVI tuyên bố “cuộc đời và các hoạt động của các vị thánh đã góp phần to lớn làm nên chân dung Hội Thánh”. Ngài Tertulianô khẳng định: “máu của các thánh tử đạo là hạt giống phát sinh người tín hữu”. Đức Gioan Phaolô II trong ngày tuyên phong hiển thánh 117 vị tử đạo Việt Nam đã nhấn mạnh rằng hạt giống ấy là ngoài các vị thánh tử đạo trước đây thì ngày nay là tất cả những ai đang chịu áp bức, bóc lột mà vẫn trung kiên trong niềm tin, là tất cả những ai đang tìm hiểu và sống mầu nhiệm thập giá Chúa Kitô. Thánh giá bài trừ sự gian dối, bài trừ tội ác và giúp ta sống trong bình an và tha thứ ngay tại môi trường ta đang sống.

Dù là điên dại với người Hy-lạp hay là cớ vấp phạm với người Do Thái thì thập giá vẫn mãi là dấu chỉ cao cả của tình yêu. Vì không có tình yêu nào cao cả cho bằng tình yêu của người hiến dâng mạng sống vì người mình yêu (Ga 15, 13). Và thập giá Chúa Kitô mãi là nguồn ơn cứu độ. Chính trên thập giá, Chúa Kitô đã trao ban Thánh Thần cho chúng ta từ Trái Tim bị đâm thâu của Người. Xin Thánh Thần Thiên Chúa, là Thần Chân Lý, là Nguồn Tình Yêu ở cùng chúng ta, ở cùng Hội Thánh cho đến ngày Đức Kitô quang lâm (x.Kh 22, 17). Nhờ Thánh Thần, chúng ta có thể tuyên xưng Đức Kitô là Thiên Chúa. Với Thánh Thần, chúng ta sẽ làm cho muôn dân nhận ra chúng ta là môn đệ của Đức Kitô và đích thực là Kitô hữu.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây