TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật V Phục Sinh – Năm C

08/05/2022 06:23:09 |   1381

Chúa Nhật V Phục Sinh – Năm C
 

cn 5PS C

Ga 13, 31-33a.34-35

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật V Phục Sinh – Năm C

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Bài Tin Mừng hôm nay là một đoạn trích trong bài từ biệt của Đức Giêsu, tuyên bố đã khởi đầu Giờ Người được tôn vinh, qua việc Tử Nạn và Phục Sinh đúng theo ý định của Chúa Cha. Sau đó Đức Giêsu ban cho các môn đệ một điều răn mới là “hãy yêu như Thầy đã yêu”. TÌNH YÊU ấy chính là dấu chỉ để người ngoài nhận biết ai mới thực là môn đệ của Người.

Lời mời gọi “hãy yêu như Thầy đã yêu” quả là một thách đố lớn cho chúng ta là những môn đệ của Ngài. Yêu đến tận cùng và yêu tất cả mọi người trong trật tự, như Chúa đã làm sẽ giúp chúng ta sống trọn vẹn ơn gọi làm người và làm môn đệ của Chúa.

Vậy, mỗi người chúng ta phải ý thức và can đảm sống theo gương mẫu và lời dạy của Chúa là từ bỏ chính bản thân tội lỗi của chúng ta.

Ca nhập lễ

Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu; Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt muôn dân – Alleluia.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, nhờ Ðức Kitô, Con Một Chúa, Chúa đã thương cứu chuộc chúng con và nhận làm nghĩa tử; xin lấy tình Cha mà âu yếm đoái nhìn: này chúng con là những kẻ tin kính Ðức Kitô, xin cho chúng con được trở nên những người tự do đích thực và đáng hưởng gia nghiệp muôn đời. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Cv 14, 20b-26

“Các ngài thuật lại những gì Thiên Chúa đã làm với các ngài”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phaolô và Barnaba trở lại Lystra, Icôniô và Antiôkia, củng cố tinh thần các môn đồ, khuyên bảo họ giữ vững đức tin mà rằng: “Chúng ta phải trải qua nhiều nỗi gian truân mới được vào nước Thiên Chúa”. Nơi mỗi hội thánh, các ngài đặt những vị niên trưởng, rồi ăn chay cầu nguyện, trao phó họ cho Chúa là Ðấng họ tin theo.

Sau đó, các ngài sang Pisiđia, đi đến Pamphylia. Sau khi rao giảng lời Chúa tại Perghê, các ngài xuống Attilia, rồi từ đó xuống tàu trở về Antiôkia, nơi mà trước đây các ngài đã được trao phó cho ơn Chúa để làm công việc các ngài mới hoàn thành. Khi đến nơi, các ngài tụ họp giáo đoàn, thuật cho họ nghe những gì Thiên Chúa đã làm với các ngài và đã mở lòng cho nhiều dân ngoại nhận biết đức tin.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 144, 8-9. 10-11. 12-13ab

Ðáp: Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa, con sẽ chúc tụng danh Chúa đến muôn đời (c. 1).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi loài, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa. 

Xướng: Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài. 

Xướng: Ðể con cái loài người nhận biết quyền năng và vinh quang cao cả nước Chúa. Nước Ngài là nước vĩnh cửu muôn đời, chủ quyền Ngài tồn tại qua muôn thế hệ. 

Bài Ðọc II: Kh 21, 1-5a

“Thiên Chúa sẽ lau khô mọi giọt lệ ở mắt họ”.

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.

Tôi là Gioan đã thấy trời mới và đất mới. Vì trời cũ và đất cũ đã qua đi, và biển cũng không còn nữa. Và tôi là Gioan đã thấy thành thánh Giêrusalem mới, tự trời xuống, từ nơi Thiên Chúa: tề chỉnh như tân nương được trang điểm cho tân lang của mình. Và tôi nghe có tiếng lớn tự ngai vàng phán ra: “Ðây là Thiên Chúa ở với loài người, và chính Thiên Chúa sẽ ở với họ. Người sẽ lau khô mọi giọt lệ ở mắt họ. Sự chết chóc sẽ không còn nữa, cũng không còn than khóc, không còn kêu la, không còn đau khổ: bởi vì các việc cũ đã qua đi”. Và Ðấng ngự trên ngai vàng đã phán rằng: “Này đây, Ta đổi mới mọi sự”.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 13, 34

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con”. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 13, 31-33a. 34-35

“Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi Giuđa ra khỏi phòng tiệc, Chúa Giêsu liền phán: “Bây giờ Con Người được vinh hiển và Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người. Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính mình, và Thiên Chúa sẽ cho Người được vinh hiển.

“Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa thôi. Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con, thì các con cũng hãy yêu thương nhau. Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! “Di chúc” của Chúa Giê-su: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Với quyết tâm cố gắng thực thi điều răn mới của Chúa, chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện:  

1. “Các Ngài thuật lại những gì Thiên Chúa đã làm với các Ngài” – Xin cho các vị Chủ chăn biết noi gương Đức Kitô, luôn làm hiển danh Thiên Chúa Cha bằng chính cuộc sống thánh thiện, quảng đại, hi sinh, hầu có thể chu toàn trách vụ mưu cầu ơn cứu rỗi cho muôn người.

2. “Người sẽ lau khô mọi giọt lệ ở mắt họ”  – Xin cho các tín hữu biết điểm tô vẻ đẹp rạng ngời của một Kitô hữu, bằng sự mến thương không gian dối, để thế giới tìm thấy nơi họ câu trả lời thỏa đáng về tình yêu Chúa Kitô cho con người.

3. “Mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau” – Xin cho nhân loại biết loại trừ mọi tranh chấp, hận thù, chia rẽ, để cùng nhau dựng xây một thế giới yêu thương và an bình.

4. “Các con hãy yêu thương nhau”.- Xin tình yêu Chúa hiệp nhất mọi người trong giáo xứ chúng ta, để tất cả biết cùng hướng về việc đại kết, mà sẵn sàng thông cảm tha thứ cho nhau, giúp nhau sống giới luật yêu thương một cách tích cực và chân thành.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin giới luật yêu thương của Chúa thấm nhiễm trong tâm hồn chúng con, giúp chúng con luôn nhớ được tình thương nhưng không Chúa ban, để chúng con biết trao ban cách quảng đại. Nhờ đó, chúng con thực sự là dấu chỉ và là lời mời gọi nhiều người về với Chúa, Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con tin Chúa sẽ thực hiện trong thánh lễ này một cuộc trao đổi kỳ diệu là làm cho bánh và rượu chúng con dâng tiến trở nên Mình và Máu Thánh Ðức Kitô, để chúng con được thông phần thiên tính của Chúa. Xin cho chúng con biết ăn ở thế nào cho phù hợp với chân lý chúng con tin nhận. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng Phục Sinh

Ca hiệp lễ

Chúa phán:”Thầy là cây nho thật, các con là nhành, ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái” – Alleluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin phù trợ chúng con là đoàn dân của Chúa. Chúa đã lấy bánh bởi trời mà nuôi dưỡng chúng con, xin cũng giúp chúng con từ bỏ nếp sống cũ và hân hoan bước vào đời sống mới. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Giới luật yêu thương

Thày ban cho các con một điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau.

Thiên Chúa là Tình yêu, mà con người được dựng nên giống hình ảnh Ngài, vì thế tự bản chất con người đã là tình yêu và trong trái tim của họ bao giờ cũng leo loét một ngọn lửa thương yêu. Thực vậy, chúng ta có thể xác quyết:

– Con người được dựng nên là để yêu thương.

Mục đích của cuộc sống không phải là lao động mà chính là yêu thương. Bởi đó, có người đã bảo:

– Yêu hay là chết.

Hẳn chúng ta còn nhớ ngày kia một tiến sĩ luật đã hỏi Chúa Giêsu:

– Thưa Ngài, giới răn nào là giới răn quan trọng nhất.

Và Chúa đã trả lời:

– Giới răn quan trọng nhất, đó là hãy kính mến Thiên Chúa hết lòng. Còn giới răn thứ hai cũng quan trọng như giới răn thứ nhất, đó là hãy yêu thương anh em như chính mình. Hai giới răn này gồm tóm mọi lề luật và lời các tiên tri.

Nếu suy nghĩ, chúng ta sẽ thấy: hai giới răn này không đặt trọng tâm vào trí khôn, nhưng vào con tim. Hai giới răn này thật quan trọng vì từ chúng xuất phát ra mọi giới răn khác và chi phối toàn bộ cuộc sống đạo đức, luân lý và xã hội của chúng ta. Tất cả lề luật được gồm tóm trong bốn chữ vắn gọn, đó là MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI. Hay chỉ trong hai chữ mà thôi, đó là YÊU THƯƠNG, như lời thánh Augustinô đã nói:

– Hãy yêu rồi làm điều mình muốn.

Và Chúa Giêsu trong lời trăn trối sau cùng trước khi ra đi chịu chết cũng đã nói:

– Thày ban cho các con một điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau…Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thày, là các con hãy yêu thương nhau.

Thế nhưng, con người thời nay lại không hiểu rằng tình yêu chính là mục đích và ý nghĩa của cuộc sống. Thử nhìn vào chương trình học vấn của mọi quốc gia, chúng ta sẽ thấy những chương trình ấy chú trọng đến chữ hiểu và chữ nhớ hơn là chữ yêu. Những chương trình ấy cố gắng sản xuất ra những chuyên viên, chứ không phải ra những người biết sống cuộc đời mình một cách trọn vẹn. Vì thế, chúng ta có thể chạy đến các lớp học, giật lấy những cuốn vở và nói với các em nhỏ rằng:

– Mục đích của đời sống không phải là học biết nhưng là yêu thương. Học để hiểu biết là điều cần thiết và tốt đẹp, tuy nhiên điếu cần thiết và tốt đẹp hơn, đó là học để yêu thương.

Trước hết, hãy tập yêu thích thiên nhiên: những bông hoa tươi thắm, những cánh chim tung bay, những làn gió nhẹ, những tiếng mưa rơi…Rồi từ đó khám phá ra sự hiện diện đầy quyền năng và yêu thương của Thiên Chúa.

Tiếp đến, hãy tập yêu thương anh em. Đừng làm hại ai nhưng sẵn sàng giúp đỡ mọi người, kể cả những kẻ thù địch, nhất là những người đau khổ và kém may mắn. Chính những hành động bác ái này mới thực sự có được một giá trị to lớn trước mặt Chúa.

Sau cùng, hãy tập yêu kính Thiên Chúa. Chúng ta nên nhớ rằng: sở dĩ chúng ta có là vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta. Đừng chần chừ, nhưng phải bắt đầu ngay từ ngày hôm nay bởi vì Đức Kitô đã chết vì chúng ta và cửa trời đang mở rộng để chờ đón chúng ta.

Tình yêu sẽ làm cho cuộc đời thêm ý vị và đáng sống. Chẳng hạn người mẹ vì yêu thương đã thức bao nhieu đêm dài bên cạnh chiếc nôi để chăm sóc cho đứa con đau yếu. Chẳng hạn người cha vì yêu thương đã chấp nhận những công việc nặng nhọc để đem lại chén cơm manh áo nuôi sống gia đình. Chẳng hạn các tu sĩ vì yêu thương đã từ bỏ một nếp sống tiện nghi để ra đi tới những vùng đất xa xôi hẻo lánh mà giúp đỡ các bệnh nhân và những người xấu số.

Và như vậy, tình yêu đã trở thành một cái gì quí giá nhất như lời thánh Phaolô đã dạy:

– Nếu tôi nói được mọi thứ tiếng của loài người…mà không có đức ái, thì tôi cũng chỉ là não bạt ầm vang mà thôi.

Hơn thế nữa, chúng ta không sống cô độc lẻ loi như một pháo đài biệt lập, hay như một hòn đảo giữa biển khơi. Trái lại, chúng ta sống là sống với, sống cùng. Đúng thế, chúng ta sống với thiên nhiên, sống với người khác và sống với Thiên Chúa. Sợi giây liên kết chúng ta lại với thiên nhiên, với người khác và với Thiên Chúa chính là tình yêu. Tình yêu đã tạo thành một chiếc cầu nối kết con người với thiên nhiên, với nhau và với Thiên Chúa. Chúng ta chỉ gắn bó với cái chúng ta yêu thích, chứ không phải với cái chúng ta hiểu biết.

Tình yêu đã nối kết con người lại với nhau, cũng như mối kêt con người lại với Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta phải mến Chúa và yêu người.

Điều sai lầm tệ hại nhất của nền văn minh hiện tại là đã quá chú trọng đến việc phát triển trí tuệ, mà sao lãng việc phát triển con tim. Cái ưu tiên trong con người chúng ta phải là tình yêu.

Chính vì thế, thánh Gioan đã không định nghĩa Thiên Chúa là hiểu biết, là lao động…nhưng đã định nghĩa Thiên Chúa là Tình yêu. Bởi đó, khi yêu thương, chúng ta trở nên giống Thiên Chúa. Khi yêu thương, chúng ta ở trong Thiên Chúa.

Thế nhưng, yêu thương là cho đi. Cho đi như Chúa Giêsu đã thực hiện trên thập giá. Cho đi tới giọt máu cuối cùng. Công bằng thì có giới hạn, còn yêu thương thì chẳng bao giờ có giới hạn. Chúng ta cứ phải yêu mãi, yêu hoài. Vì chính tình yêu sẽ đem lại ý nghĩa cho cuộc sống và sẽ chứ rỗi bản thân chúng ta.

Để kết luận, chúng ta cùng nhau khắc ghi tư tưởng sau đây của thánh Gioan Thánh giá:

– Khi cuộc sống này chấm dứt, chúng ta sẽ bị xét xử theo những hành động bác ái và chính tình yêu sẽ ấn định số phận đời đời của mỗi người chúng ta.

 

CHÚA NHẬT TUẦN 5 PHỤC SINH – C
(Gioan 13:31-33a, 34-35) Lm Lã Mộng Thường 

Bài trích phúc âm theo thánh Gioan.

Khi Giu-đa đi rồi, Đức Giê-su nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người”.

“Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau”.

Chúng ta đều biết, phúc âm Gioan là thành quả của sự chiêm nghiệm, sản phẩm của tâm hồn ngất trí suy nghiệm về cuộc đời và những sự dạy dỗ của Chúa Giêsu. Phúc âm Gioan được viết vào khoảng từ năm 90 đến năm 110 sau Công Nguyên, nghĩa là sau khi Đức Giêsu lên trời, đồng thời cũng sau ba phúc âm Matthêu, Marcô, và Luca; ba phúc âm này thường được gọi chung là phúc âm nhất lãm bởi nội dung và diễn trình quảng diễn tương tự nhau.

Có điều đặc biệt là chỉ phúc âm Gioan nói về các môn đệ phải biết yêu thương nhau; điều này khêu gợi nơi tâm tưởng người đọc liên tưởng đến khúc mắc có lẽ có điều gì phiền hà đã đang hiện hành, gây chia rẽ, bất mãn nên phải nói đến yêu thương nhau mới xứng đáng là môn đệ của Chúa; trong khi nơi phúc âm nhất lãm, có nhắc tới lại nói về sự yêu thương kẻ thù nghịch; chẳng những cầu nguyện cho họ mà dẫu bị tát má bên này lại còn nên chìa má bên kia cho họ tát.

Bình tâm nhận định về tâm tính con người hiện thực, những ưu ái đối với mình của những người sống quanh ta thường ít được nhắc tới và thường được chấp nhận như lẽ đương nhiên. Nhưng bất cứ sự gì không vừa lòng mình, nó dằng dai dằn vặt tâm trí, tâm tình chúng ta. Cũng thế, những gì hợp với mình như thái độ, lối sống, nhưng không hợp với hàng xóm, láng giềng cũng khiến thái độ, tâm tình của họ phần nào bị phiền hà; ấy là chưa nói tới hành vi, cử chỉ khi giao tiếp, liên hệ. Điều thường tình, không ai giống ai và cũng không ai hoàn toàn hòa hợp với bất cứ ai. Chúng ta thử nhìn thẳng vào cuộc sống hôn nhân của mọi gia đình sẽ chứng thực được thực thể bình thường nhưng thật đối nghịch này. Không cặp đôi vợ chồng nào sinh ra đã hoàn tòan hợp nhau, mà thực ra, chỉ vì nhau mà thay đổi, vì nhau mà cải thiện, cải cách.

Có lẽ điều hiển nhiên khác thường này đã khiến tác giả phúc âm Gioan chú trọng đến vấn đề yêu thương, Thiên Chúa Cha yêu thương Con một của Ngài; rồi vì yêu thương nhân thế nên sai Con một của Ngài xuống cứu vớt nhân loại, quả hơi nghịch với Thánh Kinh. Một bà Evà lỗi lầm vì lỡ không biết ngừa thai, có bầu, thích ăn rở, thèm của chua nên bị cái bầu kích thích ăn trái táo xanh, chưa chín, bởi chín thì nó đã thối rụng, sao có thể ăn, thế mà bị phạt dây dưa đến cả ông tổ loài người và con cháu sau này. Thế nhưng, một Thiên Chúa công bằng, ngay thẳng lại vui lòng thí Con một mình cho con cháu Evà giết hại lại hớn hở mà tha hết tội cho chúng dù chúng phạm thượng đến đâu miễn là không phạm đến Thánh Thần. Cái chủ thuyết yêu thương nơi phúc âm Gioan quả là nghịch thường và thế tục, hữu vi, chưa thoát khỏi giới hạn nhân sinh.

Nơi phúc âm nhất lãm, mệnh lệnh yêu thương kẻ thù mới thực sự làm cho con người quay quắt, không biết lối nào mà mò. “Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt. 5:44-48).

Đọc phúc âm, nếu cứ đọc được sao, hiểu vậy theo nghĩa từ chương, chắc chắn người đọc sẽ cho rằng phúc âm viết những gì không tưởng. Tuy nhiên, hãy nhảy vào câu chuyện dụ ngôn, đóng thử một đôi vai trò trong dụ ngôn đó mới thấy phúc âm thật lạ lùng. Thí dụ nơi mệnh lệnh dụ ngôn yêu mến kẻ thù địch rồi nghiệm lại bản thân. Phỏng có kẻ địch nào nguy hại và đốn mạt hơn chính mình đối với mình. Có câu nói, “Kẻ thù nguy hại nhất đối với tôi là chính tôi”. Nghiệm được như thế mới thấy sự hoàn thiện của Thiên Chúa nơi phúc âm không đơn giản như đầu óc thế tục có thể nghĩ tới.

Tóm lại, Lời Chúa qua bài phúc âm theo thánh Gioan khuyến khích chúng ta bình tâm suy nghiệm về thực thể hiện hữu và hoạt động của Thiên Chúa nơi mỗi người. Bình tâm hồi ức lại con người của mình ra sao, lối sống của mình có thể hiện được, minh xác được thực tại tối thượng nơi mình hay không. Cố gắng tỏ ra, hay thực hiện bất cứ gì hầu bày tỏ lòng yêu thương đến người khác mà không biết mình thế nào, không biết yêu thương chính mình thì mình đã chẳng yêu thương ai.

Chúa nhật thứ 5 mùa phục sinh
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 13, 31-33a. 34-35).

Khi Giuđa ra khỏi phòng tiệc, Chúa Giêsu liền phán: “Bây giờ Con Người được vinh hiển và Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người. Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính mình, và Thiên Chúa sẽ cho Người được vinh hiển.
“Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa thôi. Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con, thì các con cũng hãy yêu thương nhau. Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau”.

Suy niệm

Ngay từ buổi đầu, khi con người xuất hiện trên trái đất này, tình yêu thương đã hiện diện giữa gia đình, giữa cộng đồng. Đó là tình người, đó là tình Cha Mẹ với con cái, đó là tình làng nghĩa xóm, tình đồng nghiệp. Tình yêu thương đó được ví như là chất xúc tác, để kết nối các thành phần với nhau trong gia đình, kết nối các thành viên trong cộng đồng với nhau. Tình yêu thương đó còn là động lực tạo nên sức mạnh để giúp nhau chống chọi với thú dữ, với khắc nghiệt của thiên nhiên, của môi trường và chống lại kẻ thù. Chúa nhật thứ 5 mùa phục sinh trở về, Mẹ Giáo hội nhắc lại cho con cái tâm tình của Thầy Chí Thánh, đã nhắn gởi các môn sinh của mình tại phòng tiệc ly, trước khi bước vào cuộc khổ nạn. Đó là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Tình yêu thương đã có mặt trước khi Thầy đến thế gian, thế thì cái mới trong lời nhắn nhủ đó là gì, để các môn sinh của Ngài và các tín hữu hôm nay cần thực hiện mỗi ngày và mọi ngày.

Lời tâm sự của Thầy dành cho các môn sinh tại bữa ăn cuối, thôi thúc các ông lên đường sau khi gặp được Thầy đang sống, đang hiện diện bên cạnh. Các ông lên đường, vượt mọi khó khăn, băng qua mọi thách đố để thực hiện giới răn mới, giới răn mà Thầy đã thực hiện. Thánh Phaolô, vị tông đồ dân ngoại, cùng các tông đồ khác, đã vượt qua những trở ngại ban đầu, dấn bước vào cuộc phiêu lưu truyền giáo. Ngài đã chia sẻ kinh nghiệm đó với các bạn đồng môn, với các cộng đoàn mỗi khi ngài đặt chân tới thăm: “Trong những ngày ấy, Phaolô và Bar-na-ba trở lại Lys-tra, I-cô-ni-ô và An-ti-ô-ki-a, củng cố tinh thần các môn đồ, khuyên bảo họ giữ vững đức tin mà rằng: “Chúng ta phải trải qua nhiều nỗi gian truân mới được vào nước Thiên Chúa”. Nơi mỗi hội thánh, các ngài đặt những vị niên trưởng, rồi ăn chay cầu nguyện, trao phó họ cho Chúa là Ðấng họ tin theo”. Ngoài những  chia sẻ về kinh nghiệm, các tông đồ còn động viên các tín hữu, hãy cố gắng chấp nhận những khó khăn ban đầu, những thách đố, những cạm bẩy trong việc giữ đạo và sống đạo. Ganh tị, thù ghét và khinh dể luôn quấy rầy các cộng đoàn cũng như các tín hữu, tất cả cũng chỉ vì họ thực hiện giới răn mới mà Đức Giêsu phục sinh, muốn họ họa lại khuôn mặt của Thiên Chúa trong việc giữ đạo và thực hành đức tin hàng ngày.

Dù không còn hiện diện bằng xương bằng thịt như trước, nhưng Đức Giêsu vẫn ở bên cạnh các tông đồ, bên cạnh các tín hữu, hiện diện giữa các cộng đoàn. Ngài ở đó với con người, chia sẻ những trăn trở về cuộc sống, về ơn gọi Kitô hữu, về lời chứng từ cuộc sống của mỗi người. Bài đọc 2 trích từ sách Khải huyền của thánh Gioan kể lại cho chúng ta thị kiến mà tác giả đã thấy, đó là một Thiên Chúa đã và đang cúi xuống, đang hiện diện với con người mỗi ngày: “Và tôi nghe có tiếng lớn tự ngai vàng phán ra: “Ðây là Thiên Chúa ở với loài người, và chính Thiên Chúa sẽ ở với họ. Người sẽ lau khô mọi giọt lệ ở mắt họ. Sự chết chóc sẽ không còn nữa, cũng không còn than khóc, không còn kêu la, không còn đau khổ: bởi vì các việc cũ đã qua đi”. Và Ðấng ngự trên ngai vàng đã phán rằng: “Này đây, Ta đổi mới mọi sự”. Thiên Chúa sẽ đổi mới mọi sự, phần của Thiên Chúa là vậy, còn phần con người có dám mạnh dạn đổi mới mọi sự như thánh ý của Ngài không. Ngài mời con người đổi mới tư duy, đổi mới hình ảnh Thiên Chúa trong tâm hồn, đổi mới cách gặp gỡ Ngài, đổi mới thái độ giữ đạo và sống đạo hàng ngày nữa. Điều tất nhiên là khi cố gắng thay đổi, con người sẽ gặp những khó khăn, và Thiên Chúa sẽ gánh lấy những khó khăn đó cho con người. Đó là một cử chỉ của tình yêu mới.

Trước lúc bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giêsu bày tỏ trăn trở của Ngài với các học trò. Ngài muốn các ông tiếp nối sứ vụ của Ngài là họa lại bức tranh tình yêu tự hiến của Thiên Chúa, trong từng ngày sống. Dù biết tình yêu thương đã có mặt trên trái đất từ lâu, nhưng Đức Giêsu muốn các học trò thực hiện cử chỉ tình yêu theo một chiều kích mới: “Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa thôi. Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con, thì các con cũng hãy yêu thương nhau. Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau”. Thiên Chúa Cha yêu con người đã hy sinh người Con duy nhất của Ngài cho con người, Đức Giêsu yêu con người đến nỗi từ bỏ ngai vàng trời cao, xuống làm một con người tầm thường, sống vô danh tiểu tốt trong một gia đình nghèo, lớn lên không có nơi gối đầu, không có tên tuổi gì giữa cộng đoàn, chỉ là con bác thợ mộc làng. Ngài đã bày tỏ tình yêu và sứ vụ của Thiên Chúa trao cho Ngài bằng cách chăm sóc những người bất hạnh, đau khổ, bị xã hội loại trừ, bị cộng đồng ném đá, bị gia đình khinh miệt. Ngài ở bên cạnh họ và yêu họ, chăm sóc họ như người cha, người mẹ chăm sóc con cái trong nhà.

Từ khi Thiên Chúa Cha đi vào ngôi nhà của con người là thế gian, Ngài chứng kiến bao đau khổ, bao vất vả cũng như bao nỗi niềm bất hạnh của con người. Ngài đã chọn một con người, đặt làm tổ phụ một dân mới, dân riêng của Thiên Chúa, để từ mẫu hình cộng đồng này, Thiên Chúa thi thố tình yêu bằng việc chăm sóc và bảo vệ họ từng ngày. Theo chiều dài lịch sử, con người chưa thể nhận ra chiều sâu của tình yêu Thiên Chúa, họ cho rằng Ngài luôn nghiêm khắc với họ trong cuộc sống. mãi đến lúc Ngài đưa dân Ngài từ vùng đất nô lệ, trở về miền đất chảy sữa và mật, họ bắt đầu nhận ra giá trị của tình yêu. Thế nhưng, họ vẫn phản bội, vẫn đi tìm một thần linh khác thay thế Thiên Chúa. Vậy mà Thiên Chúa vẫn cứ đi theo họ, vẫn chăm sóc họ, hơn nữa Ngài còn quên hết những lầm lỗi của họ và cõng họ trên vai của Ngài, đưa họ tới đồng cỏ xanh, tới dòng nước trong lành, để nghỉ ngơi, để bồi dưỡng. Tình trời là thế, vậy mà khi Người Con Thiên Chúa vào đời, Ngài muốn nâng chiều sâu của tình trời đó lên một tầm cao mới, đó là mời con người hãy sống tình yêu đó, thực hiện tình yêu đó với tha nhân, với đồng loại như Thiên Chúa đã yêu họ.

Thiên Chúa yêu con người bằng một tình yêu tự hiến, một tình yêu vô vị lợi, tình yêu đó được thể hiện trọn vẹn trên đỉnh đồi Can-vê. Một tình yêu dám chết cho người mình yêu, dám quên những lần bội phản của người mình yêu. Một tình yêu chỉ biết tha thứ, chỉ biết chăm sóc, chỉ biết gắn bó trong tình thủy chung. Và Thiên Chúa đó đã và đang mời con người hãy yêu nhau như Thiên Chúa yêu con người. Thiên Chúa đã yêu như thế, nhưng con người có đủ tự tin để yêu như vậy không? bởi trong con người luôn tồn tại Tham – Sân – Si là những yếu tố làm cạn dần sức nóng của tình yêu, hơn nữa, con người khó quên những lầm lỗi của nhau, luôn trăn trở với ý định trả thù, luôn tính toán để vùi dập tha nhân khi họ gây ra cho bản thân những khổ đau, những tổn thương về lòng tự trọng. Nếu như con người kiểm soát được lý trí và ý chí để giữ đạo và sống đạo, thì việc thực hành giới răn mới này không phải là quá khó khăn, chỉ tiếc là khi gặp mặt những người mình không ưa, những người gây đau khổ cho bản thân, họ không còn làm chủ được lý trí và ý chí nữa, dẫn đến những hậu quả khôn lường. Bên cạnh đó, chương trình giáo dục con người nếu chỉ quan tâm về kiến thức, thiếu giáo dục nhân bản, giáo dục tính xã hội trong con người, chắc sẽ khó thấy hành vi tha thứ trong cuộc đời của con người.

Nhân bản Kitô giáo luôn hướng con người tới Chân – Thiện – Mỹ, hướng con người tới Đấng Thánh, vì thế người tín hữu Kitô luôn được mời gọi học hỏi Tin mừng, học hỏi về cuộc đời của Thầy Chí Thánh là Đức Giêsu. Hơn nữa, Mẹ Giáo hội luôn nhắc nhở con cái hãy ý thức mình là một Kitô hữu, một con người có Chúa Kitô hiện diện trong mình, nếu như người tín hữu hôm nay biết gạn đục khơi trong, biết chọn lựa, biết biện phân về những giá trị trong cuộc sống, họ sẽ dễ dàng thực hành lời tâm sự của Thầy trước lúc xa học trò. Có thực hiện những gì Thầy chỉ dạy, bắt đầu từ gia đình, từ cộng đoàn xứ đạo, người tín hữu mới thực sự giới thiệu một Thiên Chúa tình yêu cho thế gian, và giới thiệu bản thân là một người môn đệ của Con Thiên Chúa tình yêu. Lời chứng sống động nhất, thiết thực nhất và mạnh mẽ nhất chính là cuộc sống, là mối tương quan tình người hàng ngày. Vượt qua cánh cửa của hận thù là một thành công lớn, vượt qua cánh cửa của báo thù là bước ngoặt thứ hai để có thể tha thứ. Song hành với tha thứ là cầu nguyện cho những ai lỗi phạm đến mình. Sức mạnh của lời cầu nguyện chân thành, sẽ đưa giúp con người như là khí cụ của tình yêu Thiên Chúa, để trao ban, để cho đi, để cảm thông và để đồng hành với nhau trong kiếp người mong manh hôm nay.

Lạy Chúa Giêsu phục sinh, Chúa đã yêu con người đến chấp nhận cái chết bất công và đau khổ, xin cho chúng con biết hướng về Thánh giá mỗi khi tức giận hay hận thù bất cứ người nào trong cuộc sống. Chúa đã mời các môn đệ hãy yêu thương nhau như Chúa đã yêu họ, xin cho chúng con biết cố gắng vượt qua những trở ngại của thế gian như khinh dễ, như oán ghét, như báo thù, để chúng con được Chúa tha thứ, được Chúa yêu thương nhiều hơn, từ đây, chúng con cố gắng họa lại khuôn mặt tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người. Amen.

 

NHƯ THẦY ĐÃ YÊU THƯƠNG
(Chúa Nhật V Phục Sinh C) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa - Ban Mê Thuột

Có thể nói rằng Kitô hữu chúng ta vốn không xa lạ gì với giới răn mới mà Chúa Kitô truyền lại: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 13, 34). Nói đến Kitô giáo, cách riêng Công giáo, người ta nghĩ ngay đến hai từ “bác ái”. Bác ái không nguyên là yêu thương nhau theo kiểu ông bà tiên tổ truyền dạy là “thương người như thể thương thân” mà còn phải yêu thương nhau như Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta.

Trong thực tế, cách thế yêu thương cũng có năm bảy đường. Có người chủ trương yêu là cho roi cho vọt, lại có kẻ nghiêng chiều việc thương là cho ngọt cho ngào. Trong đời con cái Chúa cũng không thiếu người sống và hành xử cách khác nhau và nhiều khi như nghịch nhau mà vẫn cho rằng mình đã và đang yêu thương “như Chúa Kitô yêu thương”. Chính vì thế, việc lật mở và lần theo các trang Tin Mừng để xét xem Chúa Kitô đã yêu thương như thế nào là điều mà Kitô hữu cần thực hiện liên lỉ.

Có thể còn nhiều bất cập, nhưng xin mạo muội có một cái nhìn về tình yêu Chúa Kitô đã dành cho nhân loại chúng ta theo tiêu chí “toàn diện và lưỡng diện” như sau:

1. Chúa Kitô yêu thương con người cả phần hồn lẫn phần xác. Khi yêu thương, Chúa Kitô không chỉ chữa lành bệnh tật phần xác như cho kẻ què được đi, người câm nói được, người mù sáng mắt, người phung hủi được sạch… mà Người còn xua trừ ma quỷ, thứ tha tội lỗi… Chúa Kitô không chỉ ban lời hằng sống mà còn dùng quyền năng để nuôi đám đông dân chúng mà Tin Mừng tường thuật là có lần đến những năm ngàn người đàn ông chưa kể đàn bà và con trẻ và có lần khác thì bốn ngàn người đàn ông (x. Lc 7, 22; Mt 14, 13-21; Mc 6, 30-44; Lc 9, 10-17; Ga 6, 1-15).

2. Chúa Kitô quan tâm săn sóc con người cả đời này lẫn đời sau. Khi thi ân giáng phúc cho đám đông dân chúng no nê từ năm chiếc bánh và hai con cá xong, thì sau đó Người mời gọi họ hãy lo tìm kiếm lương thực đem lại sự sống trường sinh, đó là tin vào Người là Đấng mà Chúa Cha sai đến (x.Ga 6, 26-29). Mặc dù biết rằng con người không thể sống mãi ở đời này, Chúa Kitô vẫn thương bà góa nghèo thành Naim, nghĩ đến cảnh côi cút của bà, để rồi ra tay uy quyền cho người con trai duy nhất của bà được sống lại để phụng dưỡng mẹ già (x.Lc 7, 11-17).

3. Chúa Kitô vừa khoan dung tha thứ cho người có tội nhưng vừa kiên quyết diệt trừ tội lỗi và lên án các gương mù, gương xấu, đặc biệt khi chúng gây dịp tội cho những người bé mọn. Khi cứu sống người phụ nữ phạm tội ngoại tình bị bắt quả tang, Chúa Kitô đã không kết án chị ấy nhưng lại nghiêm nghị dạy rằng: Hãy về và đừng phạm tội nữa! Trên thập giá, dù khẩn xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ giết hại mình vì họ lầm chẳng biết, nhưng trước đó Chúa Kitô vẫn đã từng nhiều lần kết án những người làm gương mù gương xấu, gây cớ vấp phạm cho những người bé mọn, thậm chí Người đã từng dùng những lời gay gắt như kiểu nguyền rủa: “Khốn cho các ngươi…!” (x.Mt 18, 5-9; Ga 8, 11; Mt 23, 1-36; Lc 11, 37-54). Và Người cũng đã từng bện dây thừng thành roi để đánh đuổi những người vô tình hay hữu ý biến Đền thờ thành hang trộm cướp, thành nơi buôn bán (x.Ga 2, 13-17; Lc 19, 45-46; Mc 11, 15-17; Mt 21, 12-13). Như thế, cần khẳng định rằng Chúa Kitô vừa giáng phúc thi ân không ngơi nghỉ, nghĩa là làm điều tích cực, nhưng Người cũng vừa hết mình chiến đấu với sự dữ, nghĩa là khử trừ những hiện tượng tiêu cực, xấu xa.

4. Khi yêu thương, Chúa Kitô sẵn sàng đón nhận mọi khó khăn, đau khổ xảy đến cho mình, nhưng Người luôn tìm cách bảo vệ, gìn giữ những kẻ Chúa Cha đã ban cho Người khỏi những sự dữ (x.Ga 10, 28; 17, 11-12; 18, 8-9). Người sẵn sàng đón nhận lời vu cáo, nhưng vẫn công bố lời chân lý trước cả thần quyền lẫn thế quyền (x.Mt 26, 59-66; Ga 18, 33-38).

Yêu thương nhau như Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta quả là không dễ. Chúng ta đã nghe rằng một nửa sự thật chưa hẳn là sự thật thế mà nhiều khi chính ma quỷ cám dỗ chúng ta trình bày một nửa sự thật hầu để che đậy hoặc hợp pháp hóa một sự giả dối. Một cách tương tự theo nghĩa loại suy thì khi yêu thương nhau “như Chúa Kitô yêu thương” mà chỉ một vế hay một phần thì có thể chúng ta chưa thực sự yêu thương và cũng có thể chúng ta đang bị ma quỷ cám dỗ che đậy “sự vị kỷ” cách tinh tế mà nhiều khi bản thân chẳng biết, chẳng hay.

“Khốn cho các ngươi, hỡi các người Pharisiêu! Các ngươi nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương và đủ thứ rau cỏ, mà xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa. Các điều này phải làm mà các điều kia cũng không được bỏ” (Lc 11, 42). Tình trạng “gạn lọc con muỗi để nuốt cả con lạc đà” vẫn có đó nơi nhiều người tưởng rằng mình đang thực thi giới răn mới của Chúa Kitô, trong khi chỉ sống yêu thương cách phiến diện (x.Mt 23, 24). Mong sao không một ai trong chúng ta phải hứng chịu lời khiển trách của Chúa Kitô ngày xưa: “Khốn cho các ngươi, hỡi những nhà thông luật! Các người đã cất giấu chìa khóa của sự hiểu biết: các ngươi đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các ngươi lại ngăn cản” (Lc 11, 52), vì chúng ta không chỉ sống mà còn giảng dạy giới răn mới của Chúa Kitô một cách không toàn vẹn.

Để kết thúc những dòng chia sẻ trên, xin được bổ sung một tiêu chí để kiểm chứng xem chúng ta đã thực sự giữ giới răn mới của Chúa Kitô như thế nào, vì rất có thể chúng ta đang yêu thương theo kiểu cách của mình mà không như Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta. Đó là khi yêu thương nhau, chúng ta đã cúi xuống trong sự hạ mìnhbỏ mình chưa? (x.Ga 13, 1-17; Pl 2, 5-11).

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây