TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật V Thường Niên - Năm B

29/04/2021 08:38:52 |   1382

Chúa Nhật V Thường Niên - Năm B



 

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Tin Mừng hôm nay, kể lại Chúa Giêsu đến với nhạc mẫu của ông Simon, cầm tay bà và chữa bà khỏi cảm sốt. Đức Kitô không cho chúng ta câu trả lời về vấn đề đau khổ, cũng không giải thích tại sao con người phải đau khổ. Người cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc biến đổi đau khổ thành niềm vui, nếu đến với Người. Khi hấp hối trên Thập Giá Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta thấy rõ đau khổ là một phần trong chương trình của Thiên Chúa. Như thế, một khi kết hợp những gian nan thử thách của chúng ta với những gian nan thử thách của Đức Kitô, chúng ta có thể vui hưởng chiến thắng của Người. Tin Mừng không bảo đảm cho chúng ta thoát khỏi những nỗi khổ đau, nhưng đoan chắc với chúng ta rằng Thiên Chúa luôn ở với chúng ta, cho dù những nỗi khổ đau của chúng ta có lớn đến đâu. Tin tưởng và cậy trông, giờ đây chúng ta cùng thành tâm thống hối, để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh.

Ca nhập lễ

Hãy tiến lên, chúng ta hãy thờ lạy Thiên Chúa, và hãy tiến bước trước nhan thánh Chúa, Đấng tạo thành chúng ta, vì chính Chúa là Thiên Chúa chúng ta.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, chúng con là con cái trong nhà, chỉ đứng vững khi dựa vào ơn Chúa, xin Chúa hằng che chở chúng con. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: G 7, 1-4. 6-7

“Tôi phải buồn sầu mãi cho đến tối”.

Trích sách Gióp.

Bấy giờ Gióp nói rằng: “Khổ dịch là đời sống của con người trên trái đất, ngày của họ giống như ngày của người làm công. Cũng như người nô lệ khát khao bóng mát, như người làm công ước mong lãnh tiền công thế nào, thì tôi cũng có những tháng nhàn rỗi, có những đêm người ta bắt tôi làm việc cực nhọc. Nếu tôi đi ngủ, thì tôi lại nói: “Chừng nào tôi mới thức dậy, và chừng nào là đến chiều? Tôi phải buồn sầu mãi cho đến tối”. Ngày của tôi qua nhanh hơn chiếc thoi đưa, nó tàn lụn đi mà không mang lại tia hy vọng nào. Hãy nhớ rằng đời sống tôi chỉ là một hơi thở! Mắt tôi sẽ không nhìn thấy hạnh phúc”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 146, 1-2. 3-4. 5-6

Ðáp: Hãy chúc tụng Chúa, Ðấng cứu chữa những kẻ giập nát tâm can

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Hãy ngợi khen Chúa, vì Người hảo tâm; hãy ca mừng Thiên Chúa chúng ta, vì Người êm ái, thực Người rất đáng ngợi khen. Chúa xây dựng lại Giêrusalem, tập họp con cái Israel phân tán.

Xướng: Chính Người chữa những kẻ giập nát tâm can, và băng bó vết thương của lòng họ. Người ấn định con số các ngôi sao, và gọi đích danh từng ngôi một.

Xướng: Chúa chúng ta cao cả và mãnh liệt quyền năng, sự khôn ngoan của Người thực là vô lượng. Chúa nâng cao những kẻ khiêm cung, Người đè bẹp đứa ác nhân xuống tận đất.

Bài Ðọc II: 1 Cr 9, 16-19. 22-23

“Vô phúc cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc Âm”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, nếu tôi rao giảng Tin Mừng, thì không phải để làm cho tôi vinh quang, mà vì đó là một nhu cầu đối với tôi. Vô phúc cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng. Giả như nếu tôi tự ý đảm nhận việc ấy, thì tôi có công; nhưng nếu tôi bị ép buộc, thì tôi phải làm trọn nghĩa vụ đã giao phó cho tôi. Vậy thì phần thưởng của tôi ở đâu? Khi rao giảng Tin Mừng, tôi đem Tin Mừng biếu không, tôi không dùng quyền mà Tin Mừng dành cho tôi. Mặc dầu tôi được tự do đối với tất cả mọi người, tôi đã đành làm nô lệ cho mọi người, hầu thu hút được nhiều người hơn. Tôi đã ăn ở như người yếu đau đối với những kẻ yếu đau, để thu hút người yếu đau. Tôi đã nên mọi sự đối với tất cả mọi người, để làm cho mọi người được cứu rỗi. Tất cả những việc đó, tôi làm vì Tin Mừng để được thông phần vào lợi ích của Tin Mừng.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 10, 27

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Chiên của Ta nghe biết tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 1, 29-39

“Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi hội đường, Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các ngài.

Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám: và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người.

Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm thấy Người, các ông nói cùng Người rằng: “Mọi người đều đi tìm Thầy”. Nhưng Người đáp: “Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa”. Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúa Giêsu yêu thương con người và muốn họ bớt khổ, nên Người đã cùng lao động, giảng dậy, đi khắp các làng mạc, thành thị, chữa bệnh và trừ quỉ. Giờ đây chúng ta cũng dâng lên Người những lời cầu xin :

1. “Hãy nhớ rằng đời sống tôi chỉ là một hơi thở”.- Xin cho các vị Chủ chăn luôn sống tinh thần siêu thoát của Đức Kitô, dành giờ phút sống thân mật với Chúa, để đời sống thiêng liêng của các ngài ngày thêm phong phú và sứ vụ tông đồ thêm kết quả tốt đẹp.

2. “Vô phúc cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”.-Xin cho mọi Kitô hữu ý thức được trách nhiệm loan báo Tin Mừng, để kín múc nơi Chúa ánh sáng và chân lý hầu chiếu soi cho mọi tâm hồn cần nhận biết Chúa.

3. “Sáng sớm tinh sương Người chỗi dậy, đi đến một nơi vắng vẻ và cầu nguyện”.- Xin cho các người sống đời thánh hiến biết quí trọng các giờ kinh nguyện, vì đó là sức sống và hơi thở của đời tu trì.

4. “Mọi người đều đi tìm Thầy”,- Xin cho các tân tòng và dự tòng đang học hiểu giáo lý khai tâm, được trì chí và can đảm vượt mọi khó khăn trong việc tìm về ơn cứu độ.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin cho chúng con lòng mến Chúa thiết tha, tình thương anh em đậm đà, để chúng con có thể “nên mọi sự đối với tất cả mọi người, để làm cho mọi người được cứu rỗi” theo gương Thánh tông đồ Phaolô. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, trong muôn vật Chúa đã dựng nên, Chúa đã lấy bánh và rượu để nuôi dưỡng loài người; xin cho bánh rượu này cũng trở nên bí tích đem lại cho chúng con sự sống muôn đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Thiên hạ hãy cảm ơn Chúa vì Chúa nhân hậu, và những điều kỳ diệu của Ngài đối với loài người, bởi Ngài đã cho người đói khát được no nê, người cơ hàn được tràn trề thiện hảo.

Hoặc đọc:

Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. Phúc cho những ai đói khát điều công chính, thì họ sẽ được no thoả.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho chúng con cùng được chia sẻ một tấm bánh, cùng được uống chung một chén rượu; xin cho cộng đoàn chúng con đây biết thành tâm hiệp nhất trong tình yêu của Ðức Kitô, để nhờ đó mà cả thế giới này được hưởng ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Xoa dịu nỗi đau khổ
(Sưu tầm)

Qua đoạn Tin Mừng vừa nghe, tôi nhận thấy cuộc đời của Chúa Giêsu là một sự dung hoà tốt đẹp giữa đạo và đời. Thực vậy Ngài không phải chỉ hăng say rao giảng Phúc Âm, cứu rỗi phần hồn của chúng ta mà hơn thế nữa, bằng những hành động bác ái yêu thương, Ngài còn xoa dịu những nỗi đớn đau và thống khổ của chúng ta. Ngài đã đẩy lui cơn sốt cho bà mẹ vợ của Phêrô, Ngài đã chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền và dân chúng tuốn đến với Ngài thật đông đảo. Phải chăng đây cũng là điều chúng ta cần noi gương bắt chước và thực hiện trong cuộc sống của chúng ta, để nhờ đó bản thân chúng ta trở nên những chứng nhân sống động của Chúa và mọi người cũng nhờ đó mà nhận biết tình thương của Ngài.

Tại một trung tâm y tế thuộc mạn đông nam bang Carolina bên Hoa Kỳ, hình ảnh đầu tiên mà các bệnh nhân ghi nhận được, đó là nụ cười của cụ bà Florence. Từ 6 giờ sáng, bà cụ lái xe khoảng 10 cây số đến bệnh viện và ở lại đó 8 giờ trong một ngày và 7 ngày trong một tuần. Bà cụ có mặt bên cách bệnh nhân để chăm sóc họ và an ủi những thân nhân của họ. Còn những lúc rảnh rỗi, bà cụ lại cặm cụi đan những đôi vớ cho các bệnh nhân. Năm vừa qua, bà cụ đã đan được 395 đôi. Bà cụ không phải là một người có trình độ văn hoá cao, bởi vì lúc còn nhỏ, thân phụ bà cụ không muốn cho các con gái của mình được học hỏi nhiều. Lập gia đình, bà cụ có 7 người con và làm việc trong một tiệm thuốc tây. Tháng 4 năm 1983, sau một cuộc giải phẫu, bà cụ bắt đầu xuất hiện trong bệnh viện với chiếc nạng gỗ nhưng vẫn vui vẻ giúp đỡ mọi bệnh nhân. Trong năm 1988, với 365 ngày bà đã có mặt tại bệnh viện 2920 giờ. Bà nói: Năm nay tôi đã 92 tuổi, nếu được khoẻ mạnh thì tôi vẫn còn đến đây với nụ cười trên môi.

Từ câu chuyện trên chúng ta thấy nỗi đau khổ của bản thân sẽ được vơi nhẹ nếu chúng ta cố gắng xoa dịu nỗi khổ của người khác. Đúng thế, đau khổ không được chữa trị bằng sự chấp nhận đã đành, mà còn bằng những nghĩa cử chúng ta làm cho người khác. Bà cụ trong câu chuyện hẳn không phải là người không đau khổ. Tuổi già, bệnh tật, cô đơn, có ai mà lại thoát khỏi phần số đâu. Thế nhưng với nụ cười trên môi, với đôi chân khập khiễng bà cụ đã ra khỏi chính mình để đến với người khác. Ra khỏi chính mình đó là bước đầu tiên giúp chúng ta thắng vượt nỗi khổ đau riêng tư. Có ai sống mà lại không có khổ đau, không có thập giá, thế nhưng sức nặng của thập giá sẽ vơi nhẹ nếu như chúng ta biết ra khỏi chính mình để đến với tha nhân, giúp đỡ và xoa dịu nỗi khổ đau của người khác. Không ai quá nghèo để không thể cho đi. Một nụ cười cảm thông, một ánh mắt khích lệ, một bàn tay nâng đỡ, một chén cơm nhỏ bé được chia sẻ với tất cả tấm lòng yêu thương, phải chăng đó là những cái chúng ta có thể cho đi, phải chăng đó là những cái mà nhiều người đang mong đợi nơi chúng ta. Chính trong lúc cho đi như thế chúng ta cảm nghiệm được một niềm vui trong lành, vì cho đi thì vui sướng hơn là lãnh nhận và lời kinh hoà bình của thánh Phanxicô còn vang vọng như một câu kết luận: Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.

Chúa nhật thứ 5 thường niên - B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mc 1, 29-39).
 
Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi hội đường, Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các ngài.
Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám: và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người.
Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm thấy Người, các ông nói cùng Người rằng: “Mọi người đều đi tìm Thầy”. Nhưng Người đáp: “Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa”. Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ.
 
Suy niệm
 
Khởi đầu một ngày mới, con người thường có những dự tính, những kế hoạch cho mình để làm việc, để hoàn thiện những gì còn dang dở hay để bắt đầu một ngày mới tốt đẹp hơn, ý nghĩa hơn. Đức Giêsu, khi xuống thế làm người, Ngài cũng hòa mình vào cách sống và làm việc như bao người khác. Câu chuyện trong bài Tin Mừng Chúa nhật thứ 5 thường niên, được thánh Marcô thuật lại, đó là một ngày làm việc của Con Thiên Chúa làm người. Một ngày mẫu mực cho mọi ngày và cho cả cuộc đời của Ngài nơi dương thế. Cứu chữa, cảm thông, chia sẻ và dạy dỗ con người là những việc Ngài luôn thực hiện để giải thoát con người. Dù có làm việc bận rộn, Ngài luôn giữ mối tương quan gần gũi giữa Ngài với Chúa Cha, để mọi việc Ngài làm đều nằm trong quỹ đạo tình yêu của Chúa Cha. Một bài học hướng con người đến đời sống cầu nguyện.
 
Phận người đầy những vất vả, long đong, sinh ra để làm việc, để sống và để phát huy khả năng của con người. Đó là quy luật của con người. Tác giả sách Giop đã thuật lại cho chúng ta những nỗi niềm truân chuyên của phận người như thế nào: “Khổ dịch là đời sống của con người trên trái đất, ngày của họ giống như ngày của người làm công. Cũng như người nô lệ khát khao bóng mát, như người làm công ước mong lãnh tiền công thế nào, thì tôi cũng có những tháng nhàn rỗi, có những đêm người ta bắt tôi làm việc cực nhọc”. Sinh ra trong chốn trần gian, con người phải làm lụng vất vả để có cái ăn, cái mặc, để phát triển bản thân và để tạo dựng tình liên đới với tha nhân. Chính lúc làm việc, con người mới thấy sự hữu hạn của mình, để rồi sự hiện diện của tha nhân bên cạnh là một sự hiện diện cần thiết và gần gũi. Cuộc đời dài ngắn không ai biết được, chỉ biết rằng mỗi sáng thức dậy, tôi phải làm việc, tôi phải chạy đua với cuộc sống của mình bằng mọi nỗ lực. Cuộc đời có là gì đi nữa, tôi cũng phải làm việc: “Ngày của tôi qua nhanh hơn chiếc thoi đưa, nó tàn lụn đi mà không mang lại tia hy vọng nào. Hãy nhớ rằng đời sống tôi chỉ là một hơi thở! Mắt tôi sẽ không nhìn thấy hạnh phúc”.
 
Là một con người, ai cũng phải làm việc, là một người tín hữu Kitô, cần phải làm việc nhiều hơn, bởi trong ơn gọi làm người, tôi phải làm việc, trong ơn gọi là một Kitô hữu, tôi còn phải làm việc cho Thiên Chúa. Lời thánh Phaolô trong lá thư gởi giáo đoàn Co-rin-to, ngài đã khuyên bảo họ hãy làm việc cho bản thân, hãy làm việc cho Thiên Chúa và cho tha nhân nữa: “Anh em thân mến, nếu tôi rao giảng Tin Mừng, thì không phải để làm cho tôi vinh quang, mà vì đó là một nhu cầu đối với tôi. Vô phúc cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng. Giả như nếu tôi tự ý đảm nhận việc ấy, thì tôi có công; nhưng nếu tôi bị ép buộc, thì tôi phải làm trọn nghĩa vụ đã giao phó cho tôi”. Làm việc cho Thiên Chúa và trong Thiên Chúa là bổn phận và cũng là trách vụ của mỗi tín hữu. Với những thao thức của bản thân, cộng với những thôi thúc của Tin Mừng, người môn đệ Đức Kitô luôn đặt công việc của Thiên Chúa lên trên tất cả mọi chọn lựa và đó cũng là mục tiêu cho cuộc đời: “Tôi đã ăn ở như người yếu đau đối với những kẻ yếu đau, để thu hút người yếu đau. Tôi đã nên mọi sự đối với tất cả mọi người, để làm cho mọi người được cứu rỗi. Tất cả những việc đó, tôi làm vì Tin Mừng để được thông phần vào lợi ích của Tin Mừng”. Thánh Phaolô đã sống và làm việc như thế trong tinh thần phục vụ, còn tôi và bạn, chúng ta sẽ làm gì khi thế giới đang thiếu tình thương, thiếu tình người và thiếu chỗ dựa cho cuộc đời?
 
Đức Giêsu đã đến trong lịch sử loài người để thực hiện chương trình của Chúa Cha. Ngài đã làm việc không ngừng theo tấm gương của Cha. Công việc hàng ngày của Ngài là tìm thánh ý Cha trong một ngày mới, tìm đến với những tâm hồn bị thương tật, tìm đến những chiên lạc đang xa đàn, tìm đến với những con người đáng thương đang bị ma quỷ chế ngự. Đó, một ngày làm việc của Đấng Cứu Thế là vậy: “Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm thấy Người, các ông nói cùng Người rằng: “Mọi người đều đi tìm Thầy”. Nhưng Người đáp: “Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa”. Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ”. Thiên ý vẫn là kim chỉ nam cho Đức Giêsu trong mỗi ngày và mọi ngày, từ sáng sớm, Ngài chìm đắm trong tâm tình Cha – Con, để biết Cha muốn gì trong ngày đó. Bước chân thăm viếng và cánh tay rộng mở tình người đã trải dài tình yêu cứu độ của Thiên Chúa đến với mọi người. Chữa bệnh, trừ quỷ, đẩy lùi những nghĩ suy xấu xa, luôn làm cho Đấng Cứu Thế bận rộn: “Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các ngài. Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám: và cả thành tụ họp trước cửa nhà”. Thiên Chúa là thế, yêu con người, cúi xuống với con người, sống với con người và chết cho con người. Một tình yêu vô vị lợi, một tình yêu cho đi mà không tính toán. Và hôm nay, vòng xoay của tình yêu đó vẫn xoay đều và chảy mãi trong thế giới này nếu như mỗi người môn đệ của Ngài sẵn sàng hiến cuộc đời như là chiếc máng tình yêu, để ơn cứu độ đó đi vào lịch sử của mọi dân tộc và đến với mọi nhà, mọi người.
 
Cái bận rộn của Con Thiên Chúa trong mỗi ngày sống làm cho chúng ta suy nghĩ, Ngài đâu cần phải rong ruổi như thế, Ngài đâu cần phải đưa tay ra đỡ lấy các bệnh nhân, Ngài đâu cần phải trả lời những chất vấn của ma quỷ, bởi Ngài là Thiên Chúa quyền năng, thế nhưng, Ngài đã cúi xuống và làm tất cả những gì có thể, để con người được giải thoát, được tự do và được bình an. Con Thiên Chúa là vậy, còn con người có thấy sự hữu hạn của một tạo vật và chạy đến với Thiên Chúa mỗi ngày không. Thấy được sự bất lực của phận người trước cái hung hăng của ma quỷ, con người đã chạy đi tìm Thiên Chúa, họ đã tụ tập trước nhà chỗ Đức Giêsu trú chân. Họ đến với Ngài để được nhìn nhận là con người, họ đến với Ngài để được chữa lành, được giải thoát và hơn nữa là họ đến với Ngài để được yêu thương và vỗ về.
 
Cuộc sống hôm nay đang cuốn tất cả vào trong vòng xoáy của nó, lắm lúc còn cuốn luôn con người vào đó, biến con người như một cỗ máy của vật chất, lắm lúc còn biến con người thành một phương tiện của xã hội, hoặc một sản phẩm của khoa học. Trước những gì đang làm tục hóa giá trị của một con người như thế, người môn đệ Đức Kitô nên hành động như thế nào để tìm lại được chính mình, tìm lại được chỗ đứng của bản thân trước mặt Thiên Chúa, chắc phải học nơi cộng đoàn dân Do-thái ngày xưa là tìm đến với Đức Giêsu, để được chữa lành, để được yêu thương và để được giải thoát. Tìm đến với Ngài để được trợ giúp, con người còn cần phải làm việc nhiều và nhiều hơn nữa. Làm việc không phải để tích trữ nhưng là để cho đi, làm việc không phải để giàu có nhưng là để trở nên giàu tình người, làm việc không phải để có địa vị nhưng là để trở nên người phục vụ Thiên Chúa trong tha nhân. Chắc hẳn đó là những gì Thiên Chúa đang đợi chờ, đang mong mỏi và đang khao khát nơi người tín hữu Kitô hôm nay.
 
Lạy Chúa, Chúa luôn làm việc để con người được cứu độ, được sống và sống dồi dào, xin giúp chúng con biết bắt chước Thầy Chí Thánh cố gắng làm việc cho phần rỗi bản thân và cho tha nhân, để tất cả được Thiên Chúa yêu thương và cứu độ. Chúa đã làm việc vì con người và cho con người, xin cho chúng con khi phục vụ tha nhân, đừng tính toán, đừng vì lợi ích cá nhân, nhưng hãy là người làm công cần mẫn và chăm chỉ trong vườn nho của Chúa Cha, để mai sau chúng con được nhận lãnh phần thưởng cao quý là Nước Trời, là tình yêu cứu độ của Thiên Chúa tình yêu. Amen.

Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

 

TRÁNH NHƯNG KHÔNG TRỐN SỰ KHỔ ĐAU
(Chúa Nhật V TN B) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa - Ban Mê Thuột

 
Ông Gióp than thở: “Cuộc sống con người nơi dương thế chẳng phải là thời khổ dịch sao?… Gia tài của tôi là những tháng vô vọng, số phận của tôi là những đêm đau khổ ê chề.” (G 7,1-3). Vấn nạn đau khổ là vấn nạn muôn thuở của kiếp người. Không riêng gì các trang của sách Gióp, kho tàng văn chương của nhân loại từ cổ chí kim vẫn đầy dẫy các hình thái khổ đau của con người được trình bày, mô tả và mạn bàn. Nói đến chuyện đau khổ, bàn đến chuyện đau khổ qua các trang sách hay phim ảnh thì như rất dễ thu hút lòng người. Có nhiều nguyên cớ tuy nhiên cần chân nhận lý do chung này: người ta thấy có chút đồng cảm nào đó, vì chính họ cũng khổ đau. Đồng bệnh thì tương liên, chuyện đời là vậy.

Bài Tin Mừng Hội thánh cho trích đọc trong Chúa Nhật V TN B này tường thuật một ngày làm việc của Chúa Giêsu là chữa lành nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật về tinh thần lẫn thể xác. Sau khi chữa cho bà mẹ vợ ông Phêrô khỏi cơn sốt nặng thì “chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Chúa Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ” (Mc 1,32-34). Khó có thể chối cãi sự thật này đó là Chúa Giêsu tìm mọi cách xoa dịu khổ đau của con người. Thế nhưng tại sao khi người ta kéo nhau đến cùng Người thì Người lại đi nơi khác? Phải chăng Chúa Giêsu muốn “nhổ cỏ tận gốc”, tức là tìm cách diệt trừ căn nguyên của sự đau khổ?

Vì sao có đau khổ? Một câu hỏi rất khó tìm được câu trả lời cách rõ ràng và có tính thuyết phục. Anh em Phật tử thì chủ trương rằng đau khổ có căn nguyên nơi cái “dục” của con người. Vì ước muốn mà không được toại nguyện nên phải chịu đau khổ. Chính vì thế con đường thoát khỏi khổ đau được đề ra đó là “diệt dục”. Nếu nhìn cuộc đời con người với vòng đời “sinh - lão - bệnh - tử” là bể khổ thì làm sao giải thích được việc một người được sinh ra là khổ, cho dù “thoạt sinh ra thì đà khóc choé”? Người ta có thể muốn trẻ mãi không già, muốn mạnh khoẻ, không bệnh tật, muốn trường sinh bất tử, nhưng không một ai trên trần gian có thể tự mình “muốn” được hay không đựơc hoài thai trong dạ mẹ cũng như tự mình muốn được hay không được chào đời làm người.

Lão tử thì quan niệm đau khổ có ra là vì con người sống không hợp với Đạo, với lẽ trời, với sự vận hành của giới tự nhiên. Khi con người không làm chủ ước vọng của mình, để cho tham muốn của mình đi thái quá cũng gây ra khổ đau. Chính vì thế để diệt khổ đau không gì hơn là tiết chế tham muốn của mình một cách nào đó theo kiểu cách của thi nhân Nguyễn Công Trứ:
Tri túc, tiện túc, đãi túc hà thời túc.
Tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn.

Và sống thuận theo lẽ trời tự nhiên như Nguyễn Bỉnh Khiêm:
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá.
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.

Các triết gia, các nhà đạo đức học phân biệt đau đớn với đau khổ. Các loài vật vì không có lý trí và ý chí tự do nên chỉ có đau đớn mà không có đau khổ. Đau khổ là một phạm trù thuộc lý trí. Biết được chuyện chẳng may, chẳng lành mà không tránh được thì mới có khổ đau. Người ta thường dí dỏm rằng người điên không hề có khổ đau. Một giải thích ngắn gọn đó là vì họ không biết. Tuy nhiên, ngoại trừ một vài nguyên nhân khách quan như thiên tai, dịch bệnh… thì người ta đều chân nhận rằng chính tội lỗi con người là nguyên nhân lớn gây ra đau khổ cho đồng loại. Và Kitô giáo ủng hộ lập trường này, mặc dù vẫn quan niệm đau khổ là một huyền nhiệm.

Để có cái nhìn tương đối khách quan về đau khổ, thiết tưởng chúng ta cần xem xét bản chất đau khổ là gì? Đau khổ là tâm trạng khó chịu khi gặp phải sự dữ hay khi thiếu một điều thiện hảo nào đó. Rất khó và dường như không thể xem xét đau khổ như là hiện tượng độc lập, tự thân nó. Đã nói đến đau khổ là nói đến một ai đó đau khổ. Như thế sự đau khổ luôn gắn liền với nhận thức và ước muốn của con người. Con người cảm thấy đau khổ khi các hiện tượng khách quan lẫn chủ quan như cưỡng lại ý muốn của mình.

Đến thế gian, Chúa Kitô không giải thích cặn kẻ về khổ đau cũng như các nguyên nhân của nó. Tuy nhiên qua các hành vi, lời nói và chính cuộc sống của Người, Người dẫn chúng ta đi trên con đường kinh qua đau khổ để sống yêu thương. Dù rằng vẫn cố gắng đến quên ăn, quên ngủ để làm dịu cơn khổ đau của nhân loại, nhưng Người đã biết rõ cuộc đời con người khó có thể thoát được mọi nổi khổ đau, cả về thể lý lẫn tinh thần. Người đã tự nguyện chọn con đường đối diện với với đau khổ bằng một tình yêu vị tha bao la. Không phải diệt dục là hết khổ đau, vì chính hành vi diệt dục cũng là một cách muốn, cho dù các bậc minh triết trong Phật giáo diệt dục bằng sự “tri kiến”. Không phải cứ thuận theo lẽ tự nhiên là khổ đau biến mất vì sự vận hành của giới tự nhiên lắm khi quá nghiệt ngã. Biết dừng cái ham muốn của mình trong sự trung dung, vừa đủ thì hết khổ chăng? Cũng thật cam go vì biết thế nào là đủ, là vừa.

Trong niềm tin, với lời mạc khải, đặc biệt là qua con đường Chúa Kitô đã đi, chúng ta có thể quả quyết rằng chính khi hướng cái dục là lòng muốn đến tha nhân với các mục tiêu tốt đẹp kiểu “hãy thực hiện cho tha nhân những gì ta muốn tha nhân làm cho mình”, thì sẽ có cơ may vượt qua đau khổ. Thánh Âugustinô đã từng chỉ dạy: Hãy yêu đi thì bạn sẽ vơi hết khổ đau. Nếu có đau khổ thì cái đau khổ ấy cũng đã được yêu rồi”.

Cần phải diệt trừ tội lỗi là một nguyên nhân lớn gây ra đau khổ, đồng thời cần phải tránh các khổ đau cho bản thân cũng như cho tha nhân và tích cực xoa dịu khổ đau cho đồng loại hết khả năng có thể, vì đó là điều chính đáng và phải đạo. Tuy nhiên, nếu gặp phải sự đau khổ không như ý hay chẳng đặng đừng thì hãy can đảm đón nhận nó để sống yêu thương. Tình yêu vị tha mà kinh qua đau khổ là tình yêu thật đáng giá và đượm đầy tính vô cầu. Như thế không phải là tìm cách diệt dục hay hạn chế sự dục mà là hướng cái dục của chúng ta theo thánh ý Cha trên trời, Đấng tốt lành và nhân hậu. Là Kitô hữu, chúng ta tránh, nhưng không trốn sự đau khổ.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa - Ban Mê Thuột

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây