TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật V Mùa Chay - Năm B

26/03/2021 03:25:00 |   1623
Chúa Nhật V Mùa Chay – Năm B


Ga 12,20-33


 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật V Mùa Chay – Năm B

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Ngay từ đầu mùa chay, phụng vụ đã kêu mời mỗi người chúng ta sám hối, để có thể xứng đáng đón nhận ơn cứu độ của Đức Kitô trong ngày đại lễ Phục Sinh sắp tới. Trong chiều hướng đó, suốt bốn chúa nhật vừa qua, Tin Mừng giới thiệu cho chúng ta những bộ mặt khác nhau của Chúa Giêsu, Đấng cứu độ duy nhất của chúng ta hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Trong Chúa nhật V mùa chay này phụng vụ cho thấy, khi chấp nhận cái chết Thập Giá, Chúa Giêsu đã trở nên hạt giống gieo vào lòng đất, chấp nhận mục nát để trể sinh nhiều bông trái. Sự tự hiến và tự hủy của Chứa Giêsu đã chứng minh một chân lý xem ra có vẻ nghịch lý “cho là nhận, chết là đường đưa tới sự sống”. Tuy nhiên, muốn sống tự hiến và tự hủy, chúng ta phải chấp nhận sống khiêm nhu, nhỏ bé, hy sinh, xả kỷ quên mình. Trong ý nghĩa ấy chúng ta chuẩn bị cử hành lễ Hiến Tế, trong tâm tình thống hối ăn năn.

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin Chúa minh xét cho tôi xin bênh vực quyền lợi tôi đối nghịch với dân vô đạo; xin cứu tôi khỏi tay người độc ác điêu gian, vì Chúa là Thiên Chúa tôi và là sức mạnh tôi.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, vì yêu thương nhân loại, Ðức Giêsu Ki-tô đã hiến thân chịu khổ hình; xin ban ơn trợ giúp, để chúng con biết noi gương Người tận tình yêu thương mọi anh em. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Gr 31, 31-34

“Ta sẽ ký kết giao ước mới và Ta sẽ không còn nhớ tội lỗi nữa”.

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Chúa phán: “Ðây tới ngày Ta ký kết giao ước mới với nhà Israel và nhà Giuđa, giao ước này không giống như giao ước Ta đã ký kết với tổ phụ của chúng trong ngày Ta cầm tay chúng dắt ra khỏi đất Ai-cập; giao ước ấy chính chúng đã phản bội, mặc dầu Ta thống trị chúng”. Chúa phán: “Ðây là giao ước Ta sẽ ký kết với nhà Israel sau những ngày đó. Ta sẽ đặt lề luật của Ta trong đáy lòng chúng, và sẽ ghi trong tâm hồn chúng; Ta sẽ là Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân của Ta”. Chúa phán: “Người này sẽ không còn phải dạy người nọ, anh sẽ không còn phải dạy em rằng: “Ngươi hãy nhìn biết Chúa”, vì mọi người từ nhỏ chí lớn đều nhìn biết Ta, vì Ta sẽ tha tội ác của chúng, và sẽ không còn nhớ đến tội lỗi của chúng”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 50, 3-4. 12-13. 14-15

Ðáp: Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch (c. 12a).

Xướng: Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội con theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác.

Xướng: Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con.

Xướng: Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ, với tinh thần quảng đại, Chúa đỡ nâng con. Con sẽ dạy kẻ bất nhân đường nẻo Chúa, và người tội lỗi sẽ trở về với Ngài.

Bài Ðọc II: Dt 5, 7-9

“Người đã học vâng phục và đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời”.

Trích thư gởi tín hữu Do-thái.

Khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng và rơi lệ dâng lời cầu xin khẩn nguyện lên Ðấng có thể cứu Người khỏi chết, và vì lòng thành tín, Người đã được nhậm lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người.

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Ga 12, 26

Chúa phán: “Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó”.

Phúc Âm: Ga 12, 20-33

“Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, trong số những người lên dự lễ, có mấy người Hy-lạp. Họ đến gặp Philipphê quê ở Bêtania, xứ Galilêa, và nói với ông rằng: “Thưa ngài, chúng tôi muốn gặp Ðức Giêsu”. Philip-phê đi nói với Anrê, rồi Anrê và Philipphê đến thưa Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đáp: “Ðã đến giờ Con Người được tôn vinh. Quả thật, quả thật, Ta nói với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó. Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến, và biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này. Nhưng chính vì thế mà Con đã đến trong giờ này. Lạy Cha, xin hãy làm vinh danh Cha”. Lúc đó có tiếng từ trời phán: “Ta đã làm vinh danh Ta và Ta còn làm vinh danh Ta nữa”. Ðám đông đứng đó nghe thấy và nói đó là tiếng sấm. Kẻ khác lại rằng: “Một thiên thần nói với Ngài”. Chúa Giêsu đáp: “Tiếng đó phán ra không phải vì Ta, nhưng vì các ngươi. Chính bây giờ là lúc thế gian bị xét xử, bây giờ là lúc thủ lãnh thế gian bị khai trừ và khi nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta”. Người nói thế để chỉ Người phải chết cách nào.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã cho chúng con là con cái Chúa được thấm nhuần đạo lý đức tin; giờ đây, xin cũng thương nhận lời chúng con khẩn nguyện và dùng lễ tế này thanh tẩy tâm hồn chúng con. Chúng con cầu xin…

Lời kinh tiền tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.

Chúa đã muốn chúng con dùng việc hãm mình mà tạ ơn Chúa, để nhờ đó, chúng con là những người tội lỗi, giảm bớt được tính kiêu căng, và khi giúp nuôi dưỡng những kẻ túng thiếu, chúng con trở nên những người biết noi theo lòng nhân hậu của Chúa.

Vì thế, cùng với vô số thiên thần, chúng con đồng thanh tôn vinh Chúa mà ca tụng rằng:

Thánh! Thánh! Thánh!...

Ca hiệp lễ

Thật Thày bảo thật các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con vừa được phúc kết hợp với Mình và Máu Thánh Ðức Ki-tô, xin cho chúng con được trở nên những chi thể sống động của Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

CHÚA NHẬT THỨ 5 MÙA CHAY – NĂM B
MỤC NÁT ĐI ĐỂ TRỔ SINH DỒI DÀO BÔNG HẠT
(Gr 31,31-34; Dt 5,7-9; Ga 12,20-33)
Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.

 
 
 

Theo quy luật tự nhiên, chúng ta thấy cỏ cây ngoài đồng được mọc lên là nhờ vào những hạt giống đã chấp nhận bị chôn vùi, mục nát, để trổ sinh những cây non khác.

Theo quy luật sinh tồn của loài người cũng vậy! Cuộc sống của người này phụ thuộc vào người kia, nhất là sự sống của con cái phụ thuộc và sự sống và hy sinh của cha mẹ.

Trong đời sống thiêng liêng cũng thế, con người có được sự sống thần linh, ấy là nhờ vào mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của Đức Giêsu. Ngài đã chấp nhận trở nên như hạt giống gieo vào lòng đất, để mục nát, để sinh ra và để nuôi sống chúng ta.

Như vậy, nếu hành trình của Đức Giêsu trên trần gian là hành trình mục nát của hạt lúa gieo vào lòng đất, thì với các môn đệ cũng như với tất cả chúng ta, những người mang danh của Ngài, chắc chắn không còn con đường nào khác để được hạnh phúc và sự sống đời đời mà không đi qua con đường của hạt lúa!

1. Con đường tự hủy của Đức Giêsu

Thiên Chúa yêu thương nhân loại vô bờ, nên đã cống hiến “hạt giống Giêsu” cho loài người. Vì muốn làm đẹp lòng Chúa Cha, nên ngay từ giây phút đầu tiên trong thân phận hạt lúa, Đức Giêsu đã sống trọn vẹn vai trò của mình, khi không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế”. Và: “Người đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (x. Pl 2, 6-8).

Thật vậy, con đường của Đức Giêsu đi là con đường tự hủy dẫn đến cái chết tức tưởi trên thập giá. Vì thế, việc hạ mình của Ngài đã làm cho rất nhiều người không thể hiểu được, nên đôi khi lại trở thành trò cười cho thiên hạ, thành sự thất vọng cho các môn đệ.

Chính vì Đức Giêsu lội ngược dòng như vậy, nên Phêrô đã không thể chấp nhận thầy của mình phải chịu như thế, nên khi được nghe loan báo về cuộc khổ nạn qua con đường khổ giá, ông đã mạnh mẽ lên tiếng can ngăn để Thầy khỏi bị những điều đó! (x. Mt 16, 22).

Nhưng Đức Giêsu đã nhất quyết vâng phục Thiên Chúa Cha để đi trọn vẹn con đường của hạt lúa trong thân phận tự hủy mà Cha của Ngài đã muốn Ngài phải đi. Chính vì điều đó, nên đến “Giờ” của Ngài: “Thiên Chúa đã siêu tôn Người, và ban tặng danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất, và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ, và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2,9-11).

2. Con đường tiếp bước của các môn đệ

Cùng một con đường như Thầy đã đi, các môn đệ là những người sẽ tiếp bước trên con đường ấy. Vì thế, nơi các ông không thể có một con đường nào khác để thay thế con đường tự hủy trong thân phận hạt giống mục nát.

Quả thật, Đức Giêsu đã nói với các ông: “Ai muốn theo Ta, phải bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Ta” (Mc 8,34).

Như vậy, đi theo Chúa là đi trên con đường khổ giá, con đường của hy sinh, con đường dẫn đến cái chết. Tất cả những điều đó đang rộng mở để đón chờ người môn đệ của Thầy Giêsu bước tới. Điều này đã được thánh Phaolô cảm nghiệm và chia sẻ, ngài nói: “Giờ đây bị Thánh Thần trói buộc, tôi về Giêrusalem. Không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi ở đó, trừ ra điều này, là tôi đến thành nào, thì Thánh Thần cũng khuyến cáo tôi rằng: xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi. Nhưng mạng sống tôi, tôi coi thật chẳng đáng gì, miễn sao tôi chạy hết chặng đường, chu toàn chức vụ tôi đã nhận từ Chúa Giêsu, là long trọng làm chứng cho Tin mừng và ân sủng của Thiên Chúa” (Cv 20,22-24).

Quả đúng như lời Đức Giêsu đã nói: “Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ” (Mt 10, 24). Vì thế, người môn đệ chân chính chắc chắn phải là người phác họa lại hình ảnh, lối sống và hành vi của Thầy mình cách rõ nét hơn bao giờ hết! Thế nên, với người môn sinh, không có gì vinh dự và hãnh diện cho bằng: “Được thông phần những đau khổ của Chúa, nên đồng hình đồng dạng với Chúa trong cái chết của Người, với hy vọng cũng được sống lại từ trong cõi chết” (Pl 3,10-11).

Khi nắm được quy luật tất yếu: “Phải qua đau khổ mới vào trong vinh quang”  (x. Lc 24,26), các môn đệ đã trung thành đi đến cùng con đường khổ giá bằng việc lấy chính mạng sống của mình để làm chứng cho Đức Giêsu. Tuy nhiên, không chỉ riêng các môn đệ, mà trải qua suốt dòng lịch sử, thời điểm nào cũng vẫn có người tiếp bước trên con đường tự hủy của hạt lúa mì, đó là chấp nhận từ bỏ ý riêng, sẵn sàng vâng phục và chấp nhận cái chết để đổi lấy sự sống đời đời.

3. Con đường dấn thân của mỗi chúng ta

Người ta vẫn thường nói: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Thật vậy, ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta được mời gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu, tức là chúng ta mang trong mình đặc tính, hình ảnh của Đức Giêsu và thuộc về Ngài hoàn toàn.

Nếu Đức Giêsu đã đi qua con đường vâng phục, đón nhận khổ giá và chấp nhận cái chết để cứu chuộc con người. Thì đến lượt chúng ta, có lẽ không con đường nào có thể đem lại cho mình sự sống đời đời ngoài con đường khổ giá và hy sinh. Vì thế, cùng một lời mời gọi cho các môn đệ khi xưa, hôm nay Đức Giêsu cũng mời gọi chúng ta: “Ai muốn theo Ta, phải bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Ta” (Mc 8,34).

Lời mời gọi này đã đưa chúng ta vào con đường của Đức Giêsu đã đi. Vì thế, chúng ta sẵn sàng mục nát đi cho ý riêng, để thay vào đó là hoa trái của đức vâng phục. Mục nát đi tính tự kiêu, tự phụ, khoe khoang, thích được ăn trên ngồi trước, được mọi người trọng vọng, để thay vào đó là hoa trái của lòng khiêm nhường. Mục nát đi sự dửng dưng, vô cảm để thay vào đó là sự liên đới, tình huynh đệ. Mục nát đi tính ích kỷ, óc bè phái để thay vào đó là hoa trái của lòng bao dung, quảng đại, yêu thương, thứ tha và hiệp nhất. Mục nát đi sự giả dối, gian tham, lọc lừa, để thay vào đó là hoa trái của sự thật thà, liêm chính. Mục nát đi thái độ được phục vụ, để thay vào đó là tinh thần hiến thân phục vụ mọi người. Mục nát đi những trào lưu tục hóa, dục vọng, để thay vào đó là hoa trái của sự thánh thiện. Và, mục nát đi những “chân lý nửa vời”, những hành vi tôn thờ ngẫu tượng, để thay vào đó là lòng khát khao đi tìm chân lý trọn vẹn là chính Chúa và tin tưởng tuyệt đối ở nơi Ngài….

Như vậy, khi chúng ta chấp nhận đi trên con đường của Đức Giêsu trong thân phận của hạt lúa, chắc chắn cuối con đường ấy, chúng ta sẽ gặp được niềm vui, bình an và hạnh phúc, nhất là được sự sống đời đời làm gia nghiệp.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban ơn giúp sức cho chúng con, để chúng con can đảm, trung thành đi đến cùng con đường mà chính Chúa đã đi khi xưa, ngõ hầu chúng con được hạnh phúc bất diệt trong ngày mùa sau hết. Amen.

Chúa nhật tuần thứ năm Mùa Chay - Năm B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 12, 20-33).
 
Khi ấy, trong số những người lên dự lễ, có mấy người Hy-lạp. Họ đến gặp Philipphê quê ở Bêtania, xứ Galilêa, và nói với ông rằng: “Thưa ngài, chúng tôi muốn gặp Ðức Giêsu”. Philip-phê đi nói với Anrê, rồi Anrê và Philipphê đến thưa Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đáp: “Ðã đến giờ Con Người được tôn vinh. Quả thật, quả thật, Ta nói với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó. Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến, và biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này. Nhưng chính vì thế mà Con đã đến trong giờ này. Lạy Cha, xin hãy làm vinh danh Cha”. Lúc đó có tiếng từ trời phán: “Ta đã làm vinh danh Ta và Ta còn làm vinh danh Ta nữa”. Ðám đông đứng đó nghe thấy và nói đó là tiếng sấm. Kẻ khác lại rằng: “Một thiên thần nói với Ngài”. Chúa Giêsu đáp: “Tiếng đó phán ra không phải vì Ta, nhưng vì các ngươi. Chính bây giờ là lúc thế gian bị xét xử, bây giờ là lúc thủ lãnh thế gian bị khai trừ và khi nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta”. Người nói thế để chỉ Người phải chết cách nào.
 
Suy niệm
 
Khi những ngày cuối của mùa chay đang gần kề, cũng là lúc hình ảnh của cây thập giá càng rõ nét hơn trên đỉnh đồi Can-vê, và cũng là lúc người tín hữu Kitô được mời gọi cách quyết liệt hơn, để can đảm dấn thân theo Thầy Chí Thánh bước vào con đường khổ nạn, được mời cùng vác thập giá với Thầy, được mời cùng lên núi Sọ và cùng đóng đinh với Thầy. Cái chết của Thầy Chí Thánh, đưa người môn đệ đi vào một hành trình mới, hành trình của hạt lúa đã chấp nhận mục nát, để rồi sinh ra nhiều bông hạt mới. Để có thể chấp nhận được mầu nhiệm đau khổ này, cần có một tình yêu đủ lớn, đủ mạnh và đủ rộng lượng, mới có thể theo Thầy đến cùng. Chúa nhật tuần thứ năm là chúa nhật cuối cùng Mẹ Giáo hội mời con cái mình hãy thẩm định lại niềm tin, tình yêu và lòng mến dành cho Thiên Chúa, để cùng với người Con Thiên Chúa, tiến vào con đường khổ nạn và hướng về sự vinh quang của niềm vui phục sinh.
 
Để đổi mới hương vị của tình yêu, Thiên Chúa đã nhắc lại lời cam kết của Ngài dành cho dân riêng và cho họ một chỗ đứng đặc biệt trong trái tim của Ngài. Lời nhắc này rất long trọng và để lại dấu ấn trong trái tim con người cũng như trái tim Thiên Chúa: “Chúa phán: “Ðây tới ngày Ta ký kết giao ước mới với nhà Israel và nhà Giuđa, giao ước này không giống như giao ước Ta đã ký kết với tổ phụ của chúng trong ngày Ta cầm tay chúng dắt ra khỏi đất Ai-cập; giao ước ấy chính chúng đã phản bội, mặc dầu Ta thống trị chúng”. Chúa phán: “Ðây là giao ước Ta sẽ ký kết với nhà Israel sau những ngày đó. Ta sẽ đặt lề luật của Ta trong đáy lòng chúng, và sẽ ghi trong tâm hồn chúng; Ta sẽ là Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân của Ta”. Lề luật của Thiên Chúa được đặt trong tâm hồn, trong suy nghĩ và ý thức của họ, để nhắc nhở con người thực thi mọi huấn lệnh của Thiên Chúa. Lề luật đó tượng trưng cho sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời của mỗi người. Mỗi bước đi của con người sẽ không còn bóng dáng của tội lỗi, của sợ hãi, bởi luôn có sự đồng hành của Thiên Chúa, bóng dáng Ngài sẽ che phủ cuộc đời nếu họ biết tin tưởng: “Ngươi hãy nhìn biết Chúa”, vì mọi người từ nhỏ chí lớn đều nhìn biết Ta, vì Ta sẽ tha tội ác của chúng, và sẽ không còn nhớ đến tội lỗi của chúng”. Có dân tộc nào dưới bầu trời này hạnh phúc và sung sướng cho bằng dân tộc được Thiên Chúa chọn làm dân riêng này. Sự trung tín sẽ là lời đáp trả cho giao ước tình yêu Thiên Chúa dành cho con người.
 
Trải qua những ngày đen tối của chặng đường khổ nạn, bao nhiêu người mới thực sự nhận ra sự hiện diện của Con Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại, từ một người lính xa lạ với Thiên Chúa, cho đến những người được gọi là thầy dạy tinh thần, họ đã phải thốt lên lời tuyên xưng của mình. Còn Đức Giêsu, mỗi ngày sống, mỗi công việc, Ngài đều mong đợi con người nhận ra sự hiện diện gần gũi của Thiên Chúa giữa lòng nhân loại. Trong phận người, Đức Giêsu luôn cầu nguyện cho con người, để họ không phải hư mất đời đời, nhưng được Chúa Cha tha thứ và cứu độ: “Khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng và rơi lệ dâng lời cầu xin khẩn nguyện lên Ðấng có thể cứu Người khỏi chết, và vì lòng thành tín, Người đã được nhậm lời”. Lời cầu nguyện chân thành của Đức Giêsu làm người đã được Chúa Cha đón nhận. Tâm tình này được tác giả thư gởi cộng đoàn dân Do Thái nhắc lại, để mọi thế hệ chân nhận một giá trị thiêng liêng của người tín hữu, con người được cứu độ là do tình yêu đến từ Chúa Cha, đến từ lời cầu nguyện của Đức Giêsu và sự hy sinh của Ngài. Công trạng và hy sinh của con người chẳng làm nên kỳ tích lớn lao đó, tất cả đến từ Thiên Chúa tình yêu, qua sự hiện diện của người Con duy nhất là Đức Giêsu trong dòng lịch sử của con người.
 
Bước vào lịch sử nhân loại trong phận làm con nơi gia đình Na-za-reth, Đức Giêsu mặc lấy những cảm xúc của con người như bao người. Do đó, khi tới gần ngày hiến dâng cho con người qua mầu nhiệm tử nạn, bóng dáng cây thập giá càng rõ nét trước mặt Ngài, vì thế nỗi sợ hãi đã xuất hiện trong suy nghĩ và trong mọi bước chân của Ngài: “Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến, và biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này. Nhưng chính vì thế mà Con đã đến trong giờ này. Lạy Cha, xin hãy làm vinh danh Cha”. Lúc đó có tiếng từ trời phán: “Ta đã làm vinh danh Ta và Ta còn làm vinh danh Ta nữa”. Nỗi xao xuyến trong tâm hồn của Đức Giêsu cũng chỉ là điều tự nhiên của con người khi đối diện với những thử thách, những đau khổ trong phận làm người. Ngài đã để cho cuộc đời trôi tự do vậy, hay Ngài đã gượng đứng lên, để cầu xin Cha đừng để Ngài đơn côi, đừng để Ngài tuyệt vọng cùng cực. Ngài đã thưa chuyện với Cha mình tất cả mọi cảm xúc đang ập đến khi bước chân đưa Ngài gần tới thành Giê-ru-sa-lem. Điểm dừng chân cùng với lời cầu nguyện này hướng chúng ta đến tình yêu của Thiên Chúa và sự gắn bó với Thiên Chúa từ con người, sẽ là động lực, giúp con người biết chấp nhận tất cả, đau khổ, bệnh tật, đói nghèo và cả cái chết bí ẩn. Chính lúc chấp nhận như thế, cuộc đời người môn đệ giống như hạt lúa rơi xuống đất, có mục nát đi, có tan biến đi mới sinh ra nhiều bông hạt mới, đem lại nhiều niềm vui cho bao người chung quanh: “Quả thật, Ta nói với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời”. Sức mạnh của tình yêu là chấp nhận tất cả, chấp nhận tất cả là chấp nhận đi vào mầu nhiệm tự hiến, để từ đây ơn cứu độ được trải dài tới mọi tâm hồn, được chảy mãi trong dòng chảy của lịch sử nhân loại, hầu có thể đến với mọi người qua muôn thế hệ.
 
Là con người, ai cũng đã trải qua những phút giây sợ hãi và muốn trốn chạy trước những đau khổ. Người tín hữu Công Giáo được mời gọi bước vào thế giới này, một thế giới đầy khổ đau, với sự tự tin và can đảm, dù có đối diện với muôn vàn nỗi sợ hãi hãy vững tin, hãy mạnh mẽ, bởi người tín hữu được Con Thiên Chúa hướng dẫn hãy cầu nguyện với Chúa Cha trong những phút giây sợ hãi đó, Ngài sẽ hiện diện, đồng hành với con người chấp nhận mọi khổ đau. Người tín hữu không được tránh xa mọi khổ đau như chạy trốn, nhưng khi đã chọn hành trình đức tin của mình theo chân Thầy Chí Thánh là Đức Giêsu, hãy đón nhận trong sự gắn bó với Thiên Chúa tình yêu. Sức mạnh của tình yêu sẽ là động lực đưa dẫn người tín hữu đón nhận thập giá cuộc đời trong niềm tin và phó thác. Hãy đến với Ta hỡi những ai mang gánh nặng nề, Ta sẽ nâng đỡ và bổ sức cho các ngươi.
 
Chúa Cha không bỏ rơi người Con của Ngài dù người Con đó có đối diện với nỗi sợ hãi trước cái chết, trước cả khổ giá trên đỉnh đồi, người Con đó cũng không bỏ rơi bất cứ người môn đệ nào chọn Ngài là lẽ sống, là gia nghiệp cuộc đời. Người Con đó luôn bên cạnh và nâng đỡ cho con người trước mọi nỗi khổ đau của phận người mong manh. Con người hôm nay trong hành trình đức tin của mình, có tin đủ, có yêu đủ và có mến đủ, để chấp nhận một chân lý như thế không, hay chuyện yêu đương của Thiên Chúa đối với con người, chỉ dừng lại nơi lý thuyết, nơi những lời đường mật, như bao chuyện hão huyền của thế gian sao? Chắc chắn Thiên Chúa không có những tính toán như con người, không có những suy nghĩ như con người, Ngài chỉ biết yêu, biết cho đi, biết sống và chết cho người mình yêu mà thôi. Con người hãy tạm dừng bên lề cuộc sống ồn ào, để thấy mình đang cần gì, đang mong gì trong hành trinh đức tin, để được đong đầy bằng sự khiêm tốn đức tin và lòng mến.
 
Lạy Chúa Giêsu, sợ hãi và lắng lo là những cảm xúc rất tự nhiên của con người mà Chúa đã trải qua trong phận người như chúng con, Chúa đã vượt thắng mọi cảm xúc đó nhờ gắn bó với Cha trong lời cầu nguyện và trong sức mạnh của tình yêu, xin hướng dẫn chúng con biết cầu nguyện trước mọi thử thách trong cuộc đời, cả những lúc đối diện với đau khổ, đối diện với những thập giá cuộc đời. Chúa đã chấp nhận tan biến đi như hạt lúa để đem lại ơn cứu độ và sự sống mới cho con người, xin hướng dẫn chúng con biết chấp nhận những hy sinh hiện tại, gạt bỏ những trào lưu hiện tại của một xã hội vật chất, để hướng về niềm vui và hạnh phúc trong Nước Trời mai sau. Amen.

Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh  


 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây