TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật V Thường Niên - Năm C

29/01/2022 07:28:36 |   1040

Chúa Nhật V Thường Niên - Năm C
 

cn t5 TNC

Lc 5, 1-11

 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật V Thường Niên - Năm C

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Phụng vụ lời Chúa hôm này bàn về việc Thiên Chúa kêu gọi con người và con người đáp trả. Ngôn sứ Isaia được Thiên Chúa chọn gọi đi làm tiên tri của Ngài, Phaolô được Chúa kêu gọi và cải hóa từ một tay bắt bớ đạo Chúa, nay trở nên một vị Tông Đồ nhiệt thành truyền bá giáo lý của Chúa và là thầy dậy dân ngoại.

Thánh Phêrô trong bài Tin Mừng, vì quảng đại mau mắn bỏ mọi sự đáp lại tiếng Chúa gọi, ông từ một tay thuyền chài thô lỗ, quê mùa, dốt nát trở nên vị Tông Đồ lừng danh vào bậc nhất, có tài trí khôn ngoan thuyết phục được mọi bậc người gia nhập đạo Chúa, tin kính Chúa Kitô là Thiên Chúa, đến nỗi chỉ duy một bài giảng và nội trong một ngày, ngài đã thuyết phục được hơn ba ngàn người trở lại, chịu phép Thánh Tẩy và được trở nên con cái Chúa và Hội Thánh.

Phần chúng ta đã đáp lại tiếng Chúa như thế nào? Chúng ta phải cầu nguyện để nhận ra tiếng Chúa. Muốn được như vậy chúng ta hãy tham dự Thánh Lễ sốt sáng, nhưng để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh chúng ta cùng thành tâm hối lỗi…

Ca nhập lễ

Hãy tiến lên, chúng ta hãy thờ lạy Thiên Chúa, và hãy tiến bước trước nhan thánh Chúa, Đấng tạo thành chúng ta, vì chính Chúa là Thiên Chúa chúng ta.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, chúng con là con cái trong nhà, chỉ đứng vững khi dựa vào ơn Chúa, xin Chúa hằng che chở chúng con. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Is 6, 1-2a, 3-8

“Này tôi đây, xin hãy sai tôi”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Năm vua Ozias băng hà, tôi nhìn thấy Chúa ngự trên ngai cao, và đuôi áo của Người bao phủ đền thờ. Các Thần Sốt Mến đứng trước mặt Người, và luân phiên tung hô rằng: “Thánh, Thánh, Thánh! Chúa là Thiên Chúa các đạo binh, toàn thể địa cầu đầy vinh quang Chúa”. Các nền nhà đều rung chuyển trước tiếng tung hô, và nhà cửa đều đầy khói.

Lúc bấy giờ tôi mới nói: “Vô phúc cho tôi! Tôi chết mất, vì lưỡi tôi nhơ bẩn, tôi ở giữa một dân tộc mà lưỡi họ đều nhơ nhớp, mắt tôi đã trông thấy Ðức Vua, Người là Chúa các đạo binh”. Nhưng lúc đó có một trong các Thần Sốt Mến bay đến tôi, tay cầm cục than cháy đỏ mà ngài đã dùng cặp lửa gắp ở bàn thờ. Ngài đặt than lửa vào miệng tôi và nói: “Hãy nhìn xem, than lửa này đã chạm đến lưỡi ngươi, lỗi của ngươi được xoá bỏ, và tội của ngươi được thứ tha”. Và tôi nghe tiếng Chúa phán bảo: “Ta sẽ sai ai đi? Và ai sẽ đi cho chúng ta?” Tôi liền thưa: “Này con đây, xin hãy sai con”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 137, 1-2a. 2bc-3.4-5. 7c-8

Ðáp: Lạy Chúa, trước mặt các thiên thần, con đàn ca mừng Chúa (c. 1c).

Xướng: Lạy Chúa, con sẽ ca tụng Chúa hết lòng, vì Chúa đã nghe lời miệng con xin; trước mặt các thiên thần, con đàn ca mừng Chúa, con sấp mình thờ lạy bên thánh điện Ngài.

Xướng: Và con sẽ ca tụng uy danh Chúa, vì lòng nhân hậu và trung thành của Chúa. Khi con kêu cầu, Chúa nhậm lời con, Chúa đã ban cho tâm hồn con nhiều sức mạnh.

Xướng: Lạy Chúa, các vua địa cầu sẽ ca ngợi Chúa, khi họ nghe những lời miệng Chúa phán ra; và họ sẽ ca ngợi đường lối của Chúa: “Thực, vinh quang của Chúa lớn lao!” 

Xướng: Tay hữu Chúa khiến con được sống an lành. Chúa sẽ hoàn tất cho con những điều đã khởi sự. Lạy Chúa, lòng nhân hậu Chúa tồn tại muôn đời, xin đừng bỏ rơi công cuộc tay Ngài. 

Bài Ðọc II: 1 Cr 15, 1-11 (bài dài)

“Chúa hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông đồ”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng mà tôi đã rao giảng cho anh em, và anh em đã lãnh nhận và đang tin theo, nhờ đó anh em được cứu độ, nếu anh em tuân giữ lời lẽ tôi đã rao giảng cho anh em, bằng không anh em đã tin cách vô ích. Tôi đã rao truyền cho anh em trước tiên điều mà chính tôi đã nhận lãnh: đó là Ðức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng theo như lời Thánh Kinh. Người được mai táng và ngày thứ ba Người đã sống lại đúng theo như lời Thánh Kinh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với mười một vị. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em trong một lúc; nhiều người trong số anh em đó hãy còn sống tới nay, nhưng có vài người đã chết. Thế rồi Người hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông đồ. Sau cùng, Người cũng hiện ra với chính tôi như với đứa con đẻ non. Tôi vốn là kẻ hèn mọn nhất trong các tông đồ, và không xứng đáng được gọi là tông đồ, vì tôi đã bắt bớ Hội Thánh của Thiên Chúa. Nhưng nay tôi là người thế nào, là nhờ ơn của Thiên Chúa, và ơn của Người không vô ích nơi tôi, nhưng tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn tất cả các Ðấng: song không phải tôi, nhưng là ơn của Thiên Chúa ở với tôi. Dù tôi, dù là các Ðấng, chúng tôi đều rao giảng như thế cả, và anh em cũng đã tin như vậy.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài vắn này: 1 Cr 15, 3-8. 11

“Chúa hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông đồ”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, tôi đã rao truyền cho anh em trước tiên điều mà chính tôi đã nhận lãnh: đó là Ðức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng theo như lời Thánh Kinh. Người được mai táng và ngày thứ ba Người đã sống lại đúng theo như lời Thánh Kinh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với mười một vị. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em trong một lúc; nhiều người trong số anh em đó hãy còn sống tới nay, nhưng có vài người đã chết. Thế rồi Người hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông đồ. Sau cùng, Người cũng hiện ra với chính tôi như với đứa con đẻ non. Dù tôi, dù là các Ðấng, chúng tôi đều rao giảng như thế cả, và anh em cũng đã tin như vậy.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy mở lòng chúng con, để chúng con lắng nghe lời Con của Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 5, 1-11

“Các ông đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, dân chúng chen nhau lại gần Ðức Giêsu để nghe lời Thiên Chúa, lúc đó Người đứng ở bờ hồ Giênêsarét. Người trông thấy hai chiếc thuyền đậu gần bờ; những người đánh cá đã ra khỏi thuyền và họ đang giặt lưới. Người xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông đưa ra khỏi bờ một chút. Rồi Người ngồi trên thuyền, giảng dạy dân chúng.

Vừa giảng xong, Người bảo ông Simon rằng: “Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu, và thả lưới bắt cá”. Ông Simon thưa Người rằng: “Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết; nhưng vì lời Thầy, con sẽ thả lưới”. Các ông đã thả lưới và bắt được rất nhiều cá; lưới các ông hầu như bị rách. Bấy giờ các ông làm hiệu cho các bạn đồng nghiệp ở thuyền bên cạnh đến giúp đỡ các ông. Những người này tới, họ đổ cá đầy hai chiếc thuyền, đến nỗi những thuyền chở nặng gần chìm.

Thấy thế, ông Simon sụp lạy dưới chân Chúa Giêsu và thưa Người rằng: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi”. Ông kinh ngạc và tất cả mọi người ở đó với ông cũng kinh ngạc trước mẻ cá mà các ông vừa mới bắt được; cả ông Giacôbê và Gioan, con ông Giêbêđê, bạn đồng nghiệp với ông Simon cũng thế. Nhưng Chúa Giêsu phán bảo ông Simon rằng: “Ðừng sợ hãi: từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta”. Bấy giờ các ông đưa thuyền vào bờ, và đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Ơn gọi làm Kitô hữu, làm tông đồ Chúa, là một hồng ân lớn lao Thiên Chúa ban cho chúng ta. Với tâm tình cảm tạ, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin.

1. “Này tôi đây, xin hãy sai tôi”.- Xin Chúa ban ơn trợ giúp các vị Chủ chăn, để các Ngài luôn biết lắng nghe và làm theo ý Chúa, trong sứ vụ chinh phục các linh hồn về cho Nước Trời.

2. “Này tôi là người thế nào là nhờ ơn Chúa”.- Xin cho các tín hữu hiểu được giá trị của ơn gọi Kitô hữu, để họ tích cực hơn trong việc phát triển đời sống linh ân, hầu đời sống của họ sẽ là lời mời gọi nhiều người đến với Chúa.

3. “Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu và thả lưới bắt cá ”.- Xin cho các vị thừa sai biết noi gương Thánh Phêrô, luôn sống tinh thần khiêm tôn vâng phục các giáo huấn của Hội Thánh, để việc Tông Đồ của các ngài đem lại nhiều vinh quang cho Chúa và lợi ích cho các linh hồn.

4. “Từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta”.- Xin cho mọi người trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta ý thức lời mời gọi của Đức Kitô, biết mau mắn cộng tác vào công việc chài lưới thiêng liêng, để Nước Chúa mau trị đến.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin giúp chúng con vượt thắng được bản thân trong việc đóng đinh ý riêng vào Thánh Giá Chúa, để chúng con làm cho cộng đoàn giáo xứ chúng con, trở thành một xứ đạo như lòng Chúa mong muốn. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, trong muôn vật Chúa đã dựng nên, Chúa đã lấy bánh và rượu để nuôi dưỡng loài người; xin cho bánh rượu này cũng trở nên bí tích đem lại cho chúng con sự sống muôn đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Thiên hạ hãy cảm ơn Chúa vì Chúa nhân hậu, và những điều kỳ diệu của Ngài đối với loài người, bởi Ngài đã cho người đói khát được no nê, người cơ hàn được tràn trề thiện hảo.

Hoặc đọc:

Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. Phúc cho những ai đói khát điều công chính, thì họ sẽ được no thoả.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho chúng con cùng được chia sẻ một tấm bánh, cùng được uống chung một chén rượu; xin cho cộng đoàn chúng con đây biết thành tâm hiệp nhất trong tình yêu của Ðức Kitô, để nhờ đó mà cả thế giới này được hưởng ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Bất lực
Sưu tầm

Đang đi bên này sông, tình cờ nhìn thấy một người bạn thân lâu năm không gặp, đang đứng ở bên kia sông, bấy giờ chúng ta sẽ làm gì? Tôi xin thưa rằng chúng ta làm mọi việc có thể, nào gọi to, nào vẫy tay, nào kiếm một cái xuồng để qua sông. Thế nhưng có một điều chúng ta lại không làm đó là nhảy xuống sông để bơi qua bờ bên kia, vì làm như thế chúng ta sẽ bị cho là điên khùng.

Tuy nhiên, điều điên khùng này chính thánh Phêrô đã làm. Phúc Âm kể lại, khi nhìn thấy Chúa Giêsu đi trên mặt nước, thánh Phêrô cũng đã nhảy xuống nước mà tiến lại với Chúa Giêsu. Có lẽ lúc bấy giờ thánh Phêrô cũng đã thầm nghĩ: Điều Thầy đã làm thì tại sao tôi lại không làm được. Nhưng rồi ông bắt đầu nghi ngờ và bị chìm dần xuống mặt nước. Bấy giờ ông bèn van xin Chúa giúp đỡ. Chính trong cái bối cảnh này mà chúng ta nhận thấy Phêrô cần phải sửa chữa cái thói tự cao tự đại, quá ỷ vào sức riêng của mình. Ông cần phải ý thức được những giới hạn của mình, cũng như những khả năng nhỏ bé và những bất lực của mình để nhờ đó mà khiêm nhường hơn.

Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng đã dùng chiến thuật đó để răn dạy Phêrô. Sau một đêm vất vả chẳng bắt được một con cá nào, thế mà giữa ban ngày ban mặt Chúa Giêsu lại truyền cho ông phải thả lưới, và rồi sau đó một mẻ cá lạ lùng đã xảy ra. Sau mẻ cá lạ lùng ấy Phêrô đã thú nhận sự bất lực của mình: Lạy Chúa, xin hãy xa con vì con là kẻ tội lỗi.

Với mỗi người chúng ta cũng vậy, Chúa chờ mong chúng ta thú nhận sự bất lực, sự hạn hẹp của mình, để rồi tin tưởng và phó thác cho Ngài, cũng như để Ngài sẽ ra tay cứu giúp. Và đó chính là cái nền tảng để xây dựng đức tin.

Thế nhưng con người thời nay, đã hành động một cách khác hẳn. Với những thành công của khoa học, với những bước tiến nhảy vọt của kỹ thuật, người ta muốn lên ngôi bá chủ và không còn lệ thuộc vào Thiên Chúa nữa. Người ta không còn muốn cầu nguyện vì tưởng rằng sẽ không bao giờ còn cần đến một sự trợ giúp từ trời cao.

Thế nhưng nếu suy nghĩ cho chín chắn, chúng ta nhận thấy rằng: Khoa học càng tiến bộ thì lãnh vực của nó càng mở rộng, tưởng chừng như vô tận. Hơn nữa dù kỹ thuật có tân kỳ thì những sơ hở và trục trặc vẫn có thể xảy ra. Chỉ sơ hở một chút là sẽ tiêu ma cả một công trình nghiên cứu, như trường hợp đã xảy ra cho phi thuyền “Schalenger” của Mỹ, đã thiêu sống cả một phi hành đoàn gồm 6 người.

Đứng trước không gian vô tận, đứng trước thiên nhiên hùng vĩ, đứng trước những sự trục trặc của kỹ thuật, chúng ta mới nghiệm ra rằng: Tài năng con người thật nhỏ nhoi và có nhiều lãnh vực dường như con người cũng phải bó tay chưa khám phá ra nổi. Để rồi trong cố gắng, chúng ta vẫn phải khiêm nhường, nhờ đó mà chúng ta sẽ nhận được những sự trợ giúp của Thiên Chúa.

CHÚA NHẬT TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN – C
(Lc 5:1-11) Lm Lã Mộng Thường

Điểm hơi lạ nơi bài Phúc Âm vừa được công bố đó là Đức Giêsu phải xuống thuyền để giảng dạy dân chúng vì họ chen lấn đến gần Ngài. Cứ mỗi lần đọc về sự thể này cũng như nơi Phúc Âm Mátthêu và Marcô khi Ngài dạy về dụ ngôn “Người Gieo Giống”, tôi lại cảm thấy ngạc nhiên. Ngạc nhiên vì nơi nhà thờ nhỏ bé như thế này mà chúng ta phải dùng hệ thống âm thanh trong khi nhà thờ chỉ có thể chứa đựng được tối đa cỡ 500 người. Ở những nơi khác, Phúc Âm ghi lại Chúa Giêsu giảng dạy cho 5000 người, ấy là chỉ kể đàn ông. Như vậy, nếu tính cả đàn bà và trẻ con phỏng con số phải lên tới hơn chục ngàn bởi đàn bà mang nhiều tính chất tò mò nên sĩ số tham dự về bất cứ việc gì thường nhiều hơn đàn ông. Tôi không hiểu Đức Giêsu nói cách nào ở ngoài trời mà số đông dân chúng như thế có thể nghe được. Nơi trường hợp ngồi trên thuyền cách bờ hồ để giảng dạy, chẳng những tôi, mà ngay cả quí ông bà anh chị em có lẽ cũng chưa bao giờ được chứng kiến.

Bài Phúc Âm hôm nay được ghi nơi Kinh Thánh với tựa đề: “Kêu Gọi Môn Đồ Đầu Tiên”, nhưng chúng ta thường gọi là “Phép lạ bắt được nhiều cá”. Đây là bài Phúc Âm được “con cháu thánh Phêrô” ưa thích và đã in đậm nơi tâm hồn họ câu ngạn ngữ “Vâng lời thầy, con thả lưới”.

Nói về phép lạ, chúng ta thường nghĩ tới những sự lạ lùng khác thường hoặc chưa bao giờ xảy đến trong cuộc đời của mình mà chỉ nghe đồn thổi đây đó. Khi nghĩ về vệ tinh nhân tạo, phi cơ phản lực, máy điện toán, hay những chiếc xe được sử dụng để di chuyển, chúng ta cảm kích những người đã sáng chế các vật dụng đó.

Chúng ta thường mang tâm tình hướng ngoại và ca tụng những sự lớn lao xảy ra đây đó nhưng lại coi thường những sự lạ cả thể từng giây phút xảy đến nơi cuộc đời của mình. Thử hỏi trên thế gian này người ta đã có thể chế ra những bộ máy nào hoạt động liên tục 30, 40, 50, hay 100 năm không hề ngưng nghỉ. Tuy nhiên, con tim chúng ta đập, lá phổi thở từ ngày lọt lòng mẹ đến giờ mà chưa bao giờ ngưng dù chỉ một phút.

Phỏng chiếc máy điện toán có thể cảm thấy sảng khoái khi thâu nhận được những hình ảnh đẹp đẽ hoặc hùng vĩ nhờ những phương tiện nào đó? Chúng ta biết và cảm nhận được những tâm tình khác lạ, niềm vui lớn hoặc nhỏ, ngay cả những điều không hài lòng mà thường thì ít ai để ý đến lý do tại sao chúng ta có thể cảm nhận được như vậy. Hơn nữa, nơi mỗi người còn sẵn có thêm khả năng thực hiện những ý nghĩ, ý định của mình thành những sự kiện hữu hình hay những chuyện chẳng ngờ.

Bài Phúc Âm hôm nay nêu lên điểm chẳng ngờ đã xảy đến với thánh Phêrô đó là sự việc bắt được quá nhiều cá. Chính điều lạ lùng này đã khiến thánh Phêrô nhận ra sự hèn mọn của ngài để rồi năn nỉ cùng Đức Giêsu: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa tôi, vì tôi là người tội lỗi”. Tôi trộm nghĩ, biết bao con cháu thánh Phêrô nhưng hình như chưa bao giờ có ai học được gương quan thày của mình, mà có chăng ngược lại, do thói quen ăn đầu sóng nói cuối gió. Bởi đối diện với sự việc không bao giờ có thể tưởng tượng được, thánh Phêrô thực sự cảm thấy mình không là gì.

Đây là những thời điểm thức ngộ mà chúng ta thường gặp nhưng đã không để ý. Thời điểm chúng ta thực sự cảm nhận được có quyền lực lớn lao cả thể nào đó bao trùm nơi mình, nơi vạn vật mà không thể nào diễn tả và dù cố gắng diễn tả cũng không ai tin, không ai cho là đúng bởi chúng ta đã không nói được gì để người khác có thể cảm thông. Cũng chính thời điểm này mang lại tâm tình cảm nhận sự mỏng dòn của kiếp người nên phát sinh lòng thống hối vì đã bao lâu nay không để ý nhận biết do đó chúng ta đã chỉ sống theo thói quen hoặc mang nặng cung cách chấp nhận đã bị sinh ra thì phải sống.

Điểm chúng ta nên để ý đó là ngay khi thánh Phêrô nhận thực được sự yếu hèn của thân phận mình thì được Đức Giêsu kêu gọi làm môn đồ rao giảng Tin Mừng Nước Trời; Phúc Âm gọi là “kẻ chinh phục người ta”.

Dĩ nhiên, khi chúng ta nhận chân được mình thực sự như thế nào, có những điểm chi không nên không phải, cá tính mình có điều gì hay hoặc mang đặc tính dở nào; con người mình mang giá trị ra sao và sự liên hệ của mình đối với Thiên Chúa ở trạng thái nào, chúng ta sẽ tự nhận ra ơn gọi mình cần phải làm gì.

Thế nên, tôi mời gọi quý ông bà anh chị em từ nay hãy để ý đến những tâm tình về sự liên hệ của mình đối với Chúa. Tự nhận định về cuộc sống thường ngày của mỗi người, chúng ta sẽ biết được con người của mình thế nào. Đây chính là những chứng cớ rõ ràng cho chúng ta biết được mức độ tâm linh hay mức độ tu đức của mình. Nếu ai cố gắng để ý về sự liên hệ của mình với Chúa mà vẫn chưa nhận biết, thử đặt mình nơi trường hợp giả sử con tim của mình ngưng đập hay giả sử mình không có con tim hoặc cố gắng giải thích tại sao mình có thể suy nghĩ.

Để tâm nhận xét cuộc sống thường ngày của mình, chúng ta sẽ nhận ra mình thế nào và đồng thời sẽ nhận ra mình cần sống ra sao để thăng tiến sự liên hệ với Thiên Chúa và với những người chung quanh. Tuy nhiên, những ai đang sống nhưng không cần biết mình sống để làm gì, có lẽ hợp với lời Phúc âm “thà đừng được sinh ra thì hơn”. Amen.

CẢM CHO MÌNH – XÓT CHO NGƯỜI
(Chúa Nhật V TN C) Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

“Nemo dat quod non habet - Không ai có thể trao ban điều mình không có”. Câu ngạn ngữ Latinh trở thành như một quy luật mang tính tất yếu. Với trường hợp người được sai đi thì quy luật này càng rõ nét, trước hết với người được gọi là Đấng Thiên Sai, sau là với những người được Thiên Chúa hay Đức Kitô sai đi.

Vào trần gian, Chúa Kitô tin nhận mọi sự của Người là của Chúa Cha và do Chúa Cha ban tặng. Dù biết rằng mình với Chúa Cha là một, nhưng Chúa Kitô luôn ý thức mình bởi Cha mà ra. Tác giả thư gửi tín hữu Do Thái đã đặt vào miệng Đức Kitô những lời này: “Khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con” (Dt 10,5-7). Biết rằng mọi sự mình là, mình có đều do Chúa Cha ban tặng, vì thế Chúa Kitô đã trao ban lại tất cả cho con người.

Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật V TN C này giới thiệu cho chúng chân dung của một ngôn sứ Isaia, một tông đồ Phaolô và Simon Phêrô, người ngư phủ xứ Galilê. Cả ba đều được sai đi và có thể nói cách chung là được sai đi để “đánh lưới người”, tức là đưa con người về với Thiên Chúa, đúng hơn là giúp con người đón nhận tình yêu của Thiên Chúa.

Trở lại với câu ngạn ngữ La-tinh ở trên. Một trong những tiền đề để cho người được sai đi có tinh thần nhiệt thành chu toàn sứ mạng đồng thời gặt hái nhiều kết quả, đó là bản thân phải cảm nghiệm ân tình của Thiên Chúa dành cho mình, một ân tình vượt quá công trạng cũng như phận vị của mình.

Trước sự uy nghi chí thánh của Đấng Tối Cao, Isaia đã chân nhận mình “là một người môi miệng ô uế, ở giữa một dân môi miệng ô uế” (Is 6,5). Trời càng sáng thì các vết nhơ càng tỏ lộ. Diện kiến thánh nhan Đấng Chí Thánh, hẳn nhiên vị ngôn sứ thấy rõ thân phận ô uế, tội nhơ của mình. Thế mà dù chưa mở miệng kêu xin, Thiên Chúa vẫn sai các thần Sêraphim lấy than hồng thanh tẩy ngài: “Đây, cái này đã chạm đến môi ngươi, người đã được tha lỗi và xá tội” (Is 6,7).

Khi đi rao giảng Tin Mừng, thánh Tông đồ dân ngoại thường công khai thú nhận tội lỗi của mình trước đây là bách hại đạo thánh Chúa. “Thật vậy, tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông đồ, tôi không đáng được gọi là Tông đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa” (1Cr 15,9). Thánh nhân cảm nhận việc Chúa Kitô chọn gọi ngài là một ơn nhưng không và đó cũng là một dấu chỉ để đem niềm hy vọng cho nhiều người (x.Tm 1,15-16).

Trước uy quyền và nhất là ân tình của Thầy Giêsu, Simon Phêrô đã sấp mặt dưới chân Người mà thưa: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 5,8). Là phàm hèn yếu đuối, chỉ mới cho Thầy mượn chiếc thuyền một lát để Thầy giảng đạo, dĩ nhiên là ngoài giờ làm việc, thuyền rảnh, thế mà Thầy đáp lại bằng một mẻ cá lạ lùng, chất đầy hai thuyền nặng gần chìm. Người không chỉ đầy quyền năng mà còn rất đỗi hào phóng. Cảm cho mình thì sẽ biết xót cho người. Để nhiệt thành ra chỗ nước sâu mà thả lưới, thì người được sai đi không thể không cảm nghiệm:

- Tình Chúa thật bao la trước sự yếu đưối, tội lỗi đầy bất xứng của mình. Chúa đã thương yêu chúng ta không phải vì chúng ta đáng yêu hay thánh thiện, công cao, đức dày. Thánh Phaolô đã khẳng định rằng Chúa Kitô đã chết vì chúng ta ngay khi chúng ta còn là kẻ phản nghịch cùng Người. Chính nhờ được Chúa yêu thương nên chúng ta mới thành đáng yêu, mới có thể tích đức, lập công. Thánh Gioan Tông đồ xác quyết: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4,10).

- Quyền năng Chúa thật vô biên trước sự giới hạn, bất tài, kém lực của chúng ta. Trước uy quyền của Thiên Chúa, hẳn nhiên chúng ta dễ nhận ra sự bé nhỏ, giới hạn của mình. Trái với thái độ “ếch ngồi đáy giếng”, khi trí khôn càng phát triển, tầm nhìn càng mở rộng thì con người càng dễ nhận ra ngay mình chỉ là hạt bụi mong manh trước sự mênh mông, bao la của vũ trụ và nhất là trước Đấng làm cho vũ trụ hiện hữu.

- Với người tông đồ thì một trong những tiền đề giúp gặt hái thành công đó là biết đặt niềm tin cậy vào quyền năng của Thiên Chúa. Mọi sự là do bởi ơn Thiên Chúa ban. “Kho tàng ấy, chúng tôi chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi” (2Cr 4,7). Đối diện với những thách đố cả bên trong lẫn bên ngoài Giáo Hội, khi tuyên bố triệu tập Công đồng chung Vaticanô II, người ta kể rằng có lần kia sau gần cả giờ bên Nhà Chầu, Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã đứng lên và nói: “Giáo Hội này là của Chúa, do Chúa thiết lập. Con đi ngủ đây”.

Điểm đến của người ngôn sứ, người tông đồ hay người đánh cá người thường là “chỗ nước sâu”. “Này Thầy sai anh em đi như chiên con giữa bầy sói” (Lc 10,3). Để có thể mạnh dạn thưa như Isaia: “Dạ, con đây, xin sai con đi” hay như Phaolô quên hết mọi sự đằng sau mà lao mình về phía trước hay như Phêrô “bỏ hết mọi sự” để đi đánh cá người, thì tiên vàn người được sai đi phải cảm nhận quyền năng và ân tình của Thiên Chúa trên con người yếu đuối và đầy bất toàn của mình. Khi đã cảm cho mình thì sẽ biết xót cho người và rồi chúng ta sẽ mạnh dạn ra đi đánh cá người, không phải bằng sức riêng mình, nhưng bằng chính tình yêu và quyền năng của Đấng Cứu độ, Đấng luôn động viên chúng ta: “Đừng sợ!”. Đừng sợ, vì Thầy sẽ ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế (x.Mt 28,20). Đừng sợ, vì ơn Thầy luôn đủ cho con và sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối của con (x.2Cr 12,9). Đừng sợ, “hãy can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33).

Chúa nhật tuần thứ năm thường niên
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 5, 1-11).

Khi ấy, dân chúng chen nhau lại gần Ðức Giêsu để nghe lời Thiên Chúa, lúc đó Người đứng ở bờ hồ Giênêsarét. Người trông thấy hai chiếc thuyền đậu gần bờ; những người đánh cá đã ra khỏi thuyền và họ đang giặt lưới. Người xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông đưa ra khỏi bờ một chút. Rồi Người ngồi trên thuyền, giảng dạy dân chúng. Vừa giảng xong, Người bảo ông Simon rằng: “Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu, và thả lưới bắt cá”. Ông Simon thưa Người rằng: “Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết; nhưng vì lời Thầy, con sẽ thả lưới”. Các ông đã thả lưới và bắt được rất nhiều cá; lưới các ông hầu như bị rách. Bấy giờ các ông làm hiệu cho các bạn đồng nghiệp ở thuyền bên cạnh đến giúp đỡ các ông. Những người này tới, họ đổ cá đầy hai chiếc thuyền, đến nỗi những thuyền chở nặng gần chìm.
Thấy thế, ông Simon sụp lạy dưới chân Chúa Giêsu và thưa Người rằng: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi”. Ông kinh ngạc và tất cả mọi người ở đó với ông cũng kinh ngạc trước mẻ cá mà các ông vừa mới bắt được; cả ông Giacôbê và Gioan, con ông Giêbêđê, bạn đồng nghiệp với ông Simon cũng thế. Nhưng Chúa Giêsu phán bảo ông Simon rằng: “Ðừng sợ hãi: từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta”. Bấy giờ các ông đưa thuyền vào bờ, và đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người.

Suy niệm

Bước vào năm mới với những lời cầu chúc cho nhau thật ý nghĩa, thật ấm áp, tất cả như là lời động viên, và cũng là động lực cho mỗi người bước vào cuộc sống, bước vào công ăn việc làm tích cực hơn, năng động hơn. Nhưng để làm việc hiệu quả hơn, tích cực hơn, cần biết người biết ta, có như thế, mới chấp nhận hiện tại của mình, chấp nhận những hạn chế để làm việc tốt hơn. Phụng vụ Lời Chúa tuần thứ năm thường niên đưa chúng ta đi vào chiều sâu của đời sống tinh thần, nơi đó, chúng ta thấy được phần nào phận người của mình yếu đuối, mong manh thế nào. Dám chân nhận sự khiếm khuyết đó, con người mới thấy mình cần đến Thiên Chúa, cần đến tình yêu của Ngài, đặc biệt là cần đến lòng thương xót của Ngài.

Dù được chọn giữa muôn người để trở thành một tiên tri hướng dẫn dân riêng của Thiên Chúa sống tốt hơn, tiên tri I-sa-i-a đã cúi xuống thân thưa với Thiên Chúa về sự yếu đuối và tội lỗi, không xứng đáng với ơn trọng đại Ngài dành cho bản thân: “Lúc bấy giờ tôi mới nói: “Vô phúc cho tôi! Tôi chết mất, vì lưỡi tôi nhơ bẩn, tôi ở giữa một dân tộc mà lưỡi họ đều nhơ nhớp, mắt tôi đã trông thấy Ðức Vua, Người là Chúa các đạo binh”. Nhưng lúc đó có một trong các Thần Sốt Mến bay đến tôi, tay cầm cục than cháy đỏ mà ngài đã dùng cặp lửa gắp ở bàn thờ. Ngài đặt than lửa vào miệng tôi và nói: “Hãy nhìn xem, than lửa này đã chạm đến lưỡi ngươi, lỗi của ngươi được xoá bỏ, và tội của ngươi được thứ tha”. Đối với con người, tội lỗi và sự yếu đuối quả thật không xứng đáng với hồng ân Thiên Chúa ban tặng mỗi ngày, nhưng đối với Thiên Chúa, tấm lòng khiêm tốn và tình thương của Ngài còn lớn hơn gấp bội, nếu như con người luôn ý thức sự yếu đuối của phận người, biết Thiên Chúa nhân lành luôn đợi chờ tội nhân trở về. Thiên Chúa chờ đợi nơi con người một chút cố gắng, phần còn lại, Ngài sẽ thực hiện và hoàn tất theo thánh ý Ngài.

Ơn gọi tông đồ của thánh Phaolô quả là một điều kỳ diệu, tất cả đến từ tình yêu thương của Thiên Chúa. Ngài chọn thánh nhân từ một con người xa lạ với tin mừng phục sinh, xa lạ với các tín hữu Kitô, thế nhưng, khi đã được chọn gọi, thánh nhân nhiệt thành cộng tác với Thiên Chúa, xây dựng và chăm sóc đàn chiên của Ngài luôn vẹn toàn. Trước hồng ân lớn lao đó, thánh nhân bộc bạch về hồng phúc ơn gọi của mình: “Sau cùng, Người cũng hiện ra với chính tôi như với đứa con đẻ non. Tôi vốn là kẻ hèn mọn nhất trong các tông đồ, và không xứng đáng được gọi là tông đồ, vì tôi đã bắt bớ Hội Thánh của Thiên Chúa. Nhưng nay tôi là người thế nào, là nhờ ơn của Thiên Chúa, và ơn của Người không vô ích nơi tôi, nhưng tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn tất cả các Ðấng: song không phải tôi, nhưng là ơn của Thiên Chúa ở với tôi. Dù tôi, dù là các Ðấng, chúng tôi đều rao giảng như thế cả, và anh em cũng đã tin như vậy”. Biết ta biết người, mọi công việc tốt đẹp, biết mình phận nhỏ, biết Thiên Chúa là Đấng quyền năng, con người tất sẽ tìm được niềm vui và hạnh phúc trong vòng tay của Ngài. Thiên Chúa đã đồng hành với thánh Phaolô trong những ngày thực hiện ơn gọi chứng nhân tin mừng, đau khổ, thất bại, bắt bớ và đánh đòn không thể ngăn cản được lòng mến và sự trung tín của vị tông đồ dân ngoại, vì thế, Thiên Chúa đã trao cho ngài vòng nguyệt quế của người chiến thắng trong cuộc chiến chính nghĩa vì tin mừng tình yêu.

Kinh nghiệm của người đi biển bao nhiêu năm không thể ngăn cản sự khiêm tốn của một con người chất phát nơi thánh Phê-rô. Cho Thầy mượn thuyền để dạy dỗ dân chúng khi trong thuyền không có lấy một con cá, tất cả chỉ vì không may mắn sau một đêm cố gắng. Sau khi giảng dạy cho dân chúng xong, Ngài bảo các ông ra khơi đánh cá, Ngài còn bảo hãy thả lưới bên hữu thuyền nữa, làm sao một chàng thanh niên chưa đi đánh cá bao giờ lại bảo những người dân chài quăng lưới vào lúc này và bên đó được. Vậy mà vì đức vâng lời, các ông chèo thuyền ra, quăng lưới xuống bên hữu, điều kỳ diệu đã đến, một mẻ cá lạ lùng đầy ắp lưới. Kéo lưới lên, thánh Phê-rô vội quỳ xuống thưa với Đức Giêsu: “Thấy thế, ông Simon sụp lạy dưới chân Chúa Giêsu và thưa Người rằng: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi”. Ông kinh ngạc và tất cả mọi người ở đó với ông cũng kinh ngạc trước mẻ cá mà các ông vừa mới bắt được; cả ông Giacôbê và Gioan, con ông Giêbêđê, bạn đồng nghiệp với ông Simon cũng thế. Nhưng Chúa Giêsu phán bảo ông Simon rằng: “Ðừng sợ hãi: từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta”. Bấy giờ các ông đưa thuyền vào bờ, và đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người”. Từ một mẻ cá lạ lùng, các ông trên thuyền cùng với thánh Phê-rô nhận ra một điều vô cùng quan trọng, Thiên Chúa nhân từ đã cúi xuống, đang đồng hành và chia sẻ với con người tội lỗi, Ngài còn mời con người cộng tác với Ngài đem tin mừng tình yêu và cứu độ cho tất cả mọi người.

Từ chính mình, con người có thể quan sát mọi sinh hoạt chung quanh, có thể thấy được mọi biến chuyển trong thế giới cũng như mọi đổi thay trong cuộc đời, nhưng con người không thể biết về chính mình. Vì không dám ra khỏi chính mình, nên con người khó biết mình như thế nào, đang trong tình trạng ra sao và có gì cần phải thay đổi, cần phải hoàn thiện và cần phải loại trừ. Tiên tri I-sa-i-a cũng như thánh Phaolô và thánh Phê-rô, các ngài đã nhận ra con người của mình khi dám mạnh dạn bước ra khỏi cái tôi nhỏ bé nhưng đầy tham vọng, để cúi xuống, để thân thưa với Thiên Chúa, đấng đã yêu thương, chọn gọi họ trở nên những chứng nhân của niềm vui và hy vọng Nước Trời cho mọi người. Bóng đen của tội lỗi đã che phủ đôi mắt con người, vì thế, họ không thể nào nhận ra tôi là ai, tôi là gì trước mặt Thiên Chúa, chỉ khi nào con người dám bước ra khỏi vỏ bọc an toàn của cái tôi, chấp nhận sự hữu hạn của một tạo vật, con người mới có thể lớn lên trong tình yêu của Thiên Chúa.

Hiện hữu giữa một thế giới đang tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, cái tôi ích kỷ luôn được bảo vệ cẩn thận, không để ai xâm phạm, do đó, khi bước vào cuộc sống, lời mời gọi cộng tác trong sự hiệp thông để xây dựng gia đình của Thiên Chúa, con người chưa thực sự làm việc hết mình, hết tình và hết bổn phận. Trong mọi sinh hoạt cộng đoàn, va chạm và hiểu lầm là điều không thể tránh, nhưng chấp nhận để được mài dũa là một sự từ bỏ đòi hỏi cá nhân thật cam đảm. Có chấp nhận từ bỏ được, con người mới thấy trong ơn gọi cũng như trong đời sống tinh thần của mình còn nhiều hố sâu của ích kỷ cùng độc đoán. Người chứng nhân tin mừng trong thời đại mới cần vượt ra khỏi những quan niệm không còn phù hợp với hoàn cảnh, với công cuộc loan báo tin mừng, có can đảm lên đường, có mạnh dạn vượt lên chính mình, chân nhận sự yếu đuối, mới thấy được Thiên Chúa làm người đang đồng hành với mỗi người chứng nhân.

Thái độ khiêm tốn và chân thành của những con người trong Kinh thánh không phải là những điều vượt ra khỏi tầm tay của con người hôm nay, họ chỉ là những con người bình thường, nhưng niềm tin chân thành và khiêm tốn đưa họ đến với một ơn gọi trọng đại là tiên tri, là tông đồ, là người mục tử nhân lành. Nơi gia đình, nơi các cộng đoàn xứ đạo, Thiên Chúa đang đợi chờ những con người nhỏ bé với một niềm tin như thế, để cộng tác với Ngài xây dựng cộng đoàn dân thánh của Thiên Chúa. Sau mỗi công việc, chúng ta có dám mạnh dạn nói với Thiên Chúa như lời thánh Phê-rô xưa: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi” hay kể lể với Ngài để tính toán hơn thiệt trong mọi công việc hữu ích cho các linh hồn. Thiên Chúa cần lòng nhân chứ không cần lễ tế. Ngài đợi chờ nơi con người sự khiêm tốn, biết mình yếu đuối, biết Thiên Chúa nhân từ, để niềm vui tin mừng được loan truyền bằng chính đời sống của người chứng nhân trong thời đại mới này.

Lạy Chúa Giêsu, thánh Phê-rô đã quỳ xuống xin Chúa tha thứ cho phận người tội lỗi của ngài, xin Chúa cũng tha thứ cho chúng con, để chúng con trở nên người đầy tớ nhỏ bé trong vườn nho của Chúa là Giáo hội. Chúa đã chọn rất nhiều người cộng tác với Chúa để trở nên những người chài lưới các linh hồn, xin cho chúng con được góp phần nhỏ bé của mình trong việc kéo lưới, để không ai đứng ngoài ơn cứu độ của Thiên Chúa tình yêu. Amen.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây