Chúa Nhật VI Phục Sinh – Năm A
Ga 14, 15-21
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật VI Phục Sinh – Năm A
Dẫn vào Thánh Lễ
Anh chị em thân mến,
Chúng ta đang sống tuần cuối của mùa Phục Sinh. Bài Tin Mừng cho chúng ta thấy Chúa Giêsu chuẩn bị cho các Tông Đồ đón nhận Chúa Thánh Thần. Thánh Thần vẫn đồng hành với Đức Kitô trên đường khổ giá và cho Ngài sống lại. Bốn mươi ngày tại thế, Chúa Kitô tập cho các Tông Đồ quen dần với sự vắng mặt của Ngài, để khi Ngài về trời các ông sẽ không cảm thấy hụt hẫng, nên thỉnh thoảng Ngài mới hiện ra với các ông. Hôm nay Ngài loan báo cho các ông về việc Ngài sẽ ra đi để về với Chúa Cha, nhưng sẽ không để các ông mồ côi. Lời hứa ấy làm cho các ông an tâm. Cùng với các Tông Đồ chúng ta cũng hãy dọn mình để lãnh nhận biến cố trọng đại này với tâm tình chờ đợi trong tin yêu và cậy trông. Không nản chí khi gặp đau khổ, không thất vọng khi gặp khó khăn. Để được như thế, mỗi người chúng ta hãy sống trong sạch, tuân giữ giới luật Chúa và nhất là hóan cải hàng ngày.
Ca nhập lễ
Các ngươi hãy rao truyền lời hân hoan, và người ta sẽ nghe, hãy rao truyền tới tận cùng trái đất rằng: Chúa đã giải phóng dân Người – Alleluia.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng, trong những ngày vui này xin cho tất cả chúng con biết đem lòng sốt sắng mừng Ðức Kitô phục sinh, để Người hiện diện trong cuộc đời chúng con và làm cho chúng con được đổi mới. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
Bài Ðọc I: Cv 8, 5-8. 14-17
“Các ngài đặt tay trên họ, và họ nhận lãnh Thánh Thần”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Philipphê đi xuống một thành thuộc sứ Samaria, rao giảng Ðức Kitô cho họ. Dân chúng chú ý đến những lời Philipphê rao giảng, vì họ cũng nghe biết và xem thấy các phép lạ ngài làm. Quỷ ô uế đã ám nhiều người trong họ, lúc đó kêu lớn tiếng và xuất ra. Nhiều người bất toại và què quặt được chữa lành. Bởi đó cả thành được vui mừng khôn tả.
Khi các tông đồ ở Giêrusalem nghe tin Samaria đón nhận lời Thiên Chúa, liền gởi Phêrô và Gioan đến với họ. Khi đến nơi, hai ngài cầu nguyện cho họ được nhận lãnh Thánh Thần: vì chưa có ai trong họ được nhận lãnh Thánh Thần, họ mới chỉ được chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Bấy giờ các ngài đặt tay trên họ, và họ nhận lãnh Thánh Thần.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 65, 1-3a. 4-5. 6-7a. 16 và 20
Ðáp: Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa!
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa! Hãy ca ngợi vinh quang danh Người; hãy kính dâng Người lời khen ngợi hiển vinh. Hãy thưa cùng Thiên Chúa: kinh ngạc thay sự nghiệp Chúa!
Xướng: Toàn thể đất nước thờ lạy và ca khen Ngài, ca khen danh thánh của Ngài. Hãy tới và nhìn coi sự nghiệp của Thiên Chúa, Người thi thố những chuyện kinh ngạc giữa con cái người ta!
Xướng: Người biến bể khơi thành nơi khô cạn, người ta đã đi bộ tiến qua sông, bởi đó ta hãy hân hoan trong Chúa! Với quyền năng, Người thống trị tới muôn đời.
Xướng: Phàm ai tôn sợ Chúa, hãy đến, hãy nghe tôi kể lại, Chúa đã làm cho linh hồn tôi những điều trọng đại biết bao. Chúc tụng Chúa là Ðấng không hất hủi lời tôi nguyện, và không rút lại lòng nhân hậu đối với tôi.
Bài Ðọc II: 1 Pr 3, 15-18
“Người đã chết theo thể xác, nhưng đã nhờ Thần Linh mà sống lại”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.
Anh em thân mến, anh em hãy tôn thờ Chúa Kitô trong lòng anh em, hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời thoả mãn cho mọi kẻ hỏi lý do của niềm hy vọng nơi anh em, nhưng phải làm cách hiền từ, kính cẩn, hãy có lương tâm ngay chính, để những kẻ lăng mạ đời sống đạo đức của anh em trong Ðức Kitô, phải hổ thẹn về điều họ gièm pha anh em. Vì nếu Thiên Chúa muốn, thì thà làm việc thiện mà đau khổ còn hơn là làm điều gian ác. Vì Ðức Kitô đã chết một lần cho tội lỗi chúng ta, Người là Ðấng công chính thay cho kẻ bất công, để hiến dâng chúng ta cho Thiên Chúa; thật ra Người đã chết theo thể xác, nhưng đã nhờ Thần Linh mà sống lại.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 14, 23
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy”. – Alleluia.
Phúc Âm: Ga 14, 15-21
“Thầy sẽ xin Cha và Người sẽ ban cho các con một Ðấng Phù Trợ khác”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn Thầy. Và Thầy sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con một Ðấng Phù Trợ khác, để Ngài ở với các con luôn mãi. Ngài là Thần Chân Lý mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết được Ngài; còn các con, các con biết Ngài, vì Ngài sẽ ở nơi các con và ở trong các con. Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con. Một ít nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần các con, các con thấy Thầy vì Thầy sống và các con cũng sẽ sống. Trong ngày đó, các con sẽ hiểu biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, và các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Ai nhận các luật Thầy truyền và giữ các luật đó, thì người ấy là kẻ mến Thầy. Và ai mến Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến, và Thầy sẽ yêu nó, và sẽ tỏ mình ra cho nó”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tín hữu
Chủ tế: Anh chị em thân mến, Chúa Cha đã tôn vinh Chúa Giêsu trong mầu nhiệm tử nạn và phục sinh. Chúng ta được tham dự vào vinh quang của Chúa Giêsu, khi kết hiệp mật thiết với mầu nhiệm Vượt Qua của Người. Giờ đây chúng ta dâng lên Chúa Giêsu những lời cầu nguyện, xin cho chúng ta được thông phần vinh quang với Người.
1. “Con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho con, bởi vì họ thuộc về Cha”. Xin cho các dân tộc và các ngôn ngữ trên khắp địa cầu, nhờ đón nhận Tin Mừng được thuộc trọn về Chúa.
2. “Xin Cha tôn vinh Con Cha, để Con Cha tôn vinh Cha”. Xincho các tín hữu được tham dự vào vinh quang của Chúa Giêsu, nhờ việc thực hành thánh ý Chúa.
3. “Đừng có ai trong anh em phải chịu khổ vì tội giết người, trộm cắp, làm điều gian ác”. Xin cho các tín hữu can đảm sống đức tin, xa tránh các việc xấu và hăng say làm việc đạo đức, bác ái.
4. Đức Mẹ Maria, các thánh Tông Đồ, và các tín hữu chuyên cần cầu nguyện. Xin cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta, chuyên cần lắng nghe và thực hành Lời Chúa, đồng thời siêng năng cầu nguyện, nhờ đó họ trở thành chứng nhân sống động Chúa đã phục sinh.
Chủ tế: Lạy Cha, xin nhận lời cầu nguyện của chúng con, xin ban Chúa Thánh Thần cho chúng con, để Ngài giúp chúng con hiểu biết, yêu mến và thực hành những huấn lệnh của Cha. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin vui nhận bao ý nguyện cầu, cùng với lễ vật chúng con tiến dâng làm hy lễ. Chúa đã thương thanh tẩy chúng con, xin cũng ban ơn phù trợ giúp chúng con ăn ở thế nào cho xứng với mầu nhiệm tình yêu của Chúa. Chúng con cầu xin…
Lời tiền tụng Phục Sinh
Ca hiệp lễ
Chúa phán: “Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ lời Thầy, Thầy sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con một Đấng phù trợ khác, để Ngài ở với các con đến muôn đời – Alleluia.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, nhờ mầu nhiệm Ðức Kitô sống lại, Chúa đã thương đổi mới chúng con cho đáng hưởng sự sống đời đời. Xin làm cho mầu nhiệm ấy sinh hoa kết quả tốt đẹp trong tâm hồn chúng con, và làm cho thần lương chúng con vừa lãnh nhận trở nên nguồn sinh lực dồi dào. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
NẾU NÓI YÊU THẦY MÀ KHÔNG GIỮ LỜI THẦY LÀ MÂU THUẪN
(Cv 8,5- 8.4- 7; Pr 3,5- 18; Ga 14,15- 21)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
Khi nói đến tình yêu, ai cũng biết nó là một khái niệm trừu tượng, vô hình, không thể nhìn thấy bằng giác quan. Tuy nhiên, nó lại hiện diện trong những gì là hữu hình. vì thế, tôi không thể yêu một cái gì đó, như bông hoa, con chim… mà trước đó tôi không hề biết gì về nó hay không hề có một khái niệm nào về chúng. Còn khi nói về tình yêu giữa người với người, chúng ta không thể nói tôi yêu người này, người kia mà tôi lại chưa một lần nghe kể, giáp mặt với người đó! Yêu nhau, chẳng lẽ lại bảo tôi yêu trong tư tưởng, tôi yêu trong khái niệm…??? Khi nói về tình yêu, chúng ta không có một định nghĩa nào mang tính chuẩn mực cho mọi tình huống, nhưng chỉ có một điều cụ thể: tình yêu là tổng hợp của cả hồn lẫn xác.
Hôm nay, bài Tin Mừng cho thấy, Đức Giêsu làm một cuộc trắc nghiệm và cũng như một điều kiện để biết được tình yêu của các môn đệ và cũng là của mỗi chúng ta với Ngài đang ở trong tình trạng như thế nào?.
1. Yêu mến và giữ Lời Chúa
“Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” (Ga 14, 15). Lời nhắn nhủ này mang đượm tình nghĩa Thầy trò và có giá trị thiêng liêng. Bởi vì tình cảnh chia ly sắp xảy ra với Đức Giêsu và các môn sinh trên bình diện tự nhiên để chuyển dần sang khía cạnh siêu nhiên.
Kẻ đi, người ở, biết bao là luyến tiếc, nhớ thương! Tuy nhiên, để hình ảnh của Thầy không bị lu mờ; tinh thần của Thầy không rơi vào quên lãng, thì việc làm cho lời của Thầy sống động trong cuộc đời qua hành vi của mình là điều quan trọng. Chính vì thế, Đức Giêsu nói: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” (Ga 14, 15).
Yêu, giữ và thực hành lời của ai, thì cho dù người đó không còn hiện hữu trên bình diện tự nhiên, thì khí cạnh siêu nhiên, họ vẫn sống qua cuộc đời và nơi hành vi của người yêu còn sống. Cũng vậy, khi các môn đệ yêu mến và giữ lời Đức Giêsu truyền dạy, thì các môn đệ trở nên hiện thân của chính vị Thầy mà mình là những người đang tiếp bước.
2. Yêu và hành động
Yêu mến…. thì sẽ thực thi…. phải luôn gắn liền với nhau. Yêu mến Đức Giêsu thì hẳn phải thực thi lệnh truyền của Ngài, mà lệnh truyền đó đã được Đức Giêsu gói trọn trong hai giới răn: “Mến Chúa và yêu người”. Yêu mến Thiên Chúa và thương yêu anh em đồng loại là hai mặt của một tình yêu. Thánh Gioan đã nói rất rõ: “Ai nói rằng mình biết Người mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối” (1 Ga 2, 4).
Đức Giêsu không chấp nhận một tình yêu trên bình diện lý thuyết, từ chương, hay một thứ tình yêu “cưỡi mây về gió”; hoặc“mông lung”. Vì thế, đã có nhiều lần Đức Giêsu phản đối những kinh sư và người Phrisêu: “Dân này Kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mt 15, 8); hay khi nói về tình yêu giả tạo, hào nhoáng, hình thức, Ngài nói: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Phrisêu giả hình! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế” (Mt 23, 27), bởi vì họ là những người “ngôn hành bất tất”.
Như vậy, Đức Giêsu căn dặn các môn đệ là phải yêu và thực hành tình yêu đó cách chân thật, vô vị lợi, dán chấp nhận hy sinh vì người mình yêu. Tình yêu đó được chính Đức Giêsu đã hành động, đi qua và Ngài đưa ra lời mời gọi: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34). Yêu như chính thầy là gì, nếu không phải là một tình yêu tự hủy, khiêm tốn, phục vụ và hiến dâng mạng sống vì người mình yêu.
Cùng một con đường, chung cách thể hiện, Đức Giêsu cũng mời gọi các môn đệ tiếp bước trên con đường mà Ngài đã đi, để tình yêu đó được nối dài, sống động và phong phú chứ không phải thứ tình yêu đóng khung, cứng nhắc.
Như vậy, chữ “nếu” không có nghĩa rộng là thích thì làm, không làm cũng chẳng sao. Nhưng chữ “nếu ” mà Đức Giêsu muốn nói ở đây phải hiểu theo nghĩa hẹp, tức là điều kiện thiết yếu, không có không được. Chữ “nếu” ở đây liên kết hai mặt của một tình yêu, nó đóng vai trò trung gian duy nhất để như một điều kiện cần phải có: “yêu Chúa” và “giữ lời Ngài” để từ đó phát sinh hệ luận là “yêu tha nhân như chính Thầy” (x. Ga 13, 34).
Như vậy, Đức Giêsu xác định thật rõ rằng: tình yêu chân chính thì phải được biểu lộ qua hành động. Không thể yêu cách vu vơ, chung chung…
3. Sống lời dạy của Đức Giêsu trong đời sống kitô hữu
Thánh Giacôbê đã nói: “Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2, 26). Tin Chúa, đi theo Chúa và yêu mến Chúa thì phải giữ lời và thi hành những gì Ngài truyền dạy. Đây là một điều khó khăn, không dễ, nó đòi hỏi con người phải cố gắng, phải từ bỏ và phải yêu mến lời thực sự.
Thật vậy, chúng ta không thể nói yêu Chúa trên đầu môi chóp lưỡi. Yêu như thế là tình yêu giả tạo. Yêu như thế là chúng ta đang xúc phạm đến bản chất của tình yêu giữa ta với Đức Giêsu. Ca dao tục ngữ Việt Nam có câu:
“Thương thương nhớ nhớ thương thương,
Nước kia muốn chảy mà mương chẳng đào” (Ca dao).
Nói yêu, nhưng không khai thông tình yêu đó bằng hành động thì chỉ như là một thứ tình yêu đất đá mà thôi.
Tuy nhiên, trái tim chai cứng, vô cảm này lại quá nhiều trong thời đại chúng ta. Nếu có ai đặt một câu hỏi: “Ông, bà anh chị em có yêu và tin Chúa không?” Có lẽ nhiều người trả lời là “có”, nhưng cũng không ít người khinh thường người hỏi, vì cho rằng câu hỏi đó vớ vẩn! Có đạo mà lại không yêu Chúa thì phải chăng là người dở hơi! Nhưng nếu hỏi tiếp: “Vậy ông bà, anh chị em, giữ đạo hay sống đạo?” Tới đây, nhiều người bắt đầu khựng lại và có lẽ cảm thấy xấu hổ vì nhiều khi niềm tin của chúng ta ở trong chứng minh thư, trong sổ Rửa tội, còn ở trong tâm, được thể hiện qua hành động thì ít lắm!
Đến đây, xin được kể một câu chuyện có thật của một vị linh mục đã trọng tuổi, ngài sống ở Mỹ. Sau 50 năm, ngài mới trở về Việt Nam lần đầu, và nhân dịp gặp gỡ chúng tôi, ngài kể: “Cách đây 50 năm, tại đất nước Mỹ, người ta có lòng sùng đạo. Nhà thờ được xây cất rất nhiều, các cuộc rước linh đình. Nhìn chung, tình hình giữ đạo rất giống Việt Nam hiện nay.
Tuy nhiên, vào thời điểm này, sau 50 năm, nhiều nhà thờ đã không còn có người đi lễ nữa. Nhiều dòng tu cũng vắng dần các ơn gọi trẻ. Đã có những nhà thờ và dòng tu phải bán đi vì không có tiền đóng thuế. Các linh mục phải đi theo họ đến những nơi du lịch để giải tội và dâng lễ. Nhiều Chủng Viện gom lại thành một, nhưng số lượng chủng sinh vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nếu có ai siêng đi lễ thì đôi khi nhận được những lời dè bửu và cho là bất thường. Những người được coi bình thường là cả đời người ta đến nhà thờ 3 lần: một lần Rửa Tội; lần khác là lễ cưới; và lần cuối cùng là chết. Trong ba lần đó, hai lần thụ động, tức là lúc Rửa Tội và lúc chết, còn một lần chủ động là lễ cưới”.
Sau đó, ngài đưa ra nhận xét: “Nếu Giáo Hội Việt Nam không coi đó là kinh nghiệm cho chính mình, không tập trú vào việc đào tạo lương tâm, không có những hoạt động phù hợp… nhằm giúp cho con cái mình sống đạo chứ không chỉ giữ đạo, thì tình trạng của Giáo Hội Mỹ cũng là hình ảnh, thực trạng của Giáo Hội chúng ta trong tương lai???”.
Đến đây, xin để lại nơi bạn và tôi câu hỏi: “Bấy lâu nay, chúng ta đã thực sự sống đạo hay chỉ là giữ đạo vì sợ tội, sợ mất linh hồn, sợ mất danh dự, sợ bị mang tiếng…?”; “Phải chăng chúng ta đã, đang an tâm với những thành quả về số lượng, mà quên đi, hay không chú tâm đến chất lượng tâm linh?”. Tưởng cũng nên nói thêm: giữ đạo là điều tốt, nhưng sống đạo mới là người trưởng thành.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một đức tin mạnh mẽ và một lòng mến dồi dào. Khi chúng con nói được rằng chúng con tin vào Chúa và thực thi giới răn của Ngài, thì chúng con biết sống những điều đó bằng một đời sống cụ thể. Ðể cuộc sống của chúng con là một chứng từ sống động cho mọi người nhận biết Chúa. Amen.
THẦN KHÍ SỰ THẬT
“Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận.” (Ga 14, 16-17a)
Suy niệm: Khi chỉ thị cho các môn đệ lên đường truyền giáo, “đừng mang theo túi tiền, bao bị giày dép, đừng chào hỏi ai dọc đường” (Lc 10, 4-5), Chúa muốn các ông đừng quá lo toan vật chất hay các nghi tiết xã giao rườm rà nhưng tập trung vào khía cạnh thiêng liêng trong sứ vụ. Có một nhân tố rất quan trọng các ông không ngờ tới mà Chúa đã âm thầm trang bị cho các ông, đó là Thánh Thần. Dù thế gian không biết, không thấy, và không đón nhận Thánh Thần (x. 14, 17) nhưng Ngài không thể không hiện diện trong trong sứ vụ tông đồ. Trước khi chịu chết Chúa Giê-su hứa ban Thánh Thần cho các ông. Sau khi sống lại, hiện ra với các tông đồ, Chúa thổi hơi trên các ông và trao ban Thánh Thần. Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần được ban xuống tràn đầy trên các tông đồ. Và Ngài sẽ ở cùng Hội Thánh luôn mãi.
Mời Bạn: Chúa Thánh Thần giống như gió len lỏi vào mọi ngõ ngách, mọi tâm hồn, mọi cơ chế, mọi tôn giáo, văn hoá. Đó là môi trường “sinh thái” của Chúa Thánh Thần, là “cảnh vực thần linh” để ta sinh ra, hoạt động và lớn lên. Nếu môi trường thiên nhiên phải xanh sạch đẹp, thì môi trường “sinh thái” Thánh Linh cũng phải được chăm lo giữ gìn để Chúa Thánh Thần có thể hoạt động.
Sống Lời Chúa: Tôi năng cầu xin ơn Chúa Thánh Thần để biết phân định hầu nhận ra những dấu chỉ Chúa Thánh Thần và không dập tắt Thần Khí (x. 1 Tx 5, 19).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần. Xin Ngài ngự đến và giúp chúng con biết tìm ra những phương thức mới mẻ để loan truyền danh Chúa. Amen.
SỰ SỐNG MỚI
Chúa Nhật 6 Phục Sinh năm A: Ga 14, 15-21 - Lm. Thái Nguyên
Suy niệm
Một người kia nằm mơ gặp một thiên thần đi bộ xuống phố. Một tay ngài cầm bó đuốc, tay kia cầm một xô nước. Anh ta liền hỏi thiên thần: “Ngài đi xuống phố kia làm chi vậy?”. Thiên thần đáp: “Ta được sai đến để tìm xem ai là người có đức tin và có lòng mến Chúa thực sự”.
Anh ta hỏi tiếp: “Sao Ngài lại phải cầm theo bó đuốc và xô nước?” Thiên thần đáp: “Ta muốn dùng bó đuốc để thiêu hủy các tòa nhà trên thiên đàng, và dùng xô nước để dập tắt ngọn lửa dưới hỏa ngục”. Anh lại hỏi: “Nhưng tại sao Ngài lại phải làm như thế?”
Thiên thần trả lời: “Để biết ai thực sự có đức tin và lòng mến Chúa. Một người có đức tin thực sự thì sẽ tuân giữ các giới răn, cho dù ta có phá hủy hy vọng sau này của họ là lên thiên đàng, và phá hủy nỗi sợ của họ sau này sẽ bị sa hỏa ngục đi nữa”.
Câu chuyện giấc mơ trên cho ta hiểu thế nào là đức tin và lòng mến Chúa thực sự. Lòng mến Chúa đích thực thì không đặt ra vấn đề thiên đàng hay hỏa ngục, vì như thế thì động lực của tình yêu mến không còn tinh ròng nữa. Đối với thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, được yêu Chúa là đủ rồi, dù ở đâu, làm gì, đi đâu, ngay cả khi phải ở trong hỏa ngục mà vẫn được yêu Chúa thì cũng đủ cho chị rồi.
Ta chỉ lo âu sợ hãi khi mình không có tình yêu. Khi đã có tình yêu thì lo âu sợ hãi không còn, vì chỉ còn lo sống cho tình yêu, như Harry Emerson đã phát biểu như sau: “Sợ hãi thì đe dọa, còn tình yêu lại gọi mời. Sợ hãi thì cầm tù, còn tình yêu lại giải phóng. Sợ hãi thì chua chát, còn tình yêu lại ngọt ngào. Sợ hãi thì gây ra thương tích, còn tình yêu lại chữa lành. Sợ hãi thì luôn lẩn tránh còn tình yêu lại hiện diện”.
Đã yêu thì chỉ còn có một điều là mong sống thật nhiều cho người mình yêu, cụ thể là làm những gì mà người yêu mong đợi. Đó cũng chỉ là một tình yêu đáp trả, vì Chúa đã yêu thương chúng ta trước khi chúng ta yêu mến Người. Và Chúa Giêsu đã tỏ lộ ra cho các môn đệ biết: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy”. Hay nói một cách khác phổ quát cho tất cả mọi người: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy”.
Bài Phúc Âm hôm nay là một lời an ủi của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ, khi Ngài sắp lìa bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha. Lời an ủi này không chỉ là một sự động viên khích lệ, mà là một lời hứa chắc chắn Người không để các ông mồ côi, Người sẽ xin Chúa Cha ban cho các môn đệ một Đấng Bảo Trợ là Chúa Thánh Thần, Người là Thần Khí Sự Thật, sẽ đến ở giữa các ông và trong các ông. Nhưng điều quan trọng là tình yêu mến trong lòng họ qua việc giữ lệnh truyền của Thầy. Tình yêu ấy làm cho Chúa Cha thương mến họ, cả Ba Ngôi đều ở trong họ, làm cho sự sống linh thiêng ngập tràn trên họ, và chính Chúa sẽ tỏ mình cho họ, khiến họ vững vàng trước mọi thử thách gian nan.
Mùa Phục sinh nhắc nhở ta nhìn lại sự sống của Chúa trong mình: “Anh em ở trong Thầy và Thầy ở trong anh em”. Kitô hữu tự bản chất là người đã được phục sinh, nhờ thông hiệp với Ðấng đang sống là Ðức Kitô. Sự thông hiệp này làm nên một sức sống mới và một kinh thiêng liêng mà thánh Phaolô đã nói lên: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20). Quả thật, sự sống của Chúa bắt đầu bừng lên khi ta bắt đầu sống yêu thương. Ngài sẽ tỏ mình cho ta khi ta dám cúi xuống tỏ tình thương với mọi người.
Thực tế cho thấy, lắm khi ta sống èo uột, khô khan, cằn cỗi, tầm thường, chỉ vì không dám sống giới răn yêu thương, không dám xả thân phục vụ anh chị em, chỉ quanh quẩn với bản thân, và loay hoay với những gì mình muốn để được an nhàn thư thái. Còn đời sống đạo thì nhiều khi chỉ lo giữ những điều tối thiểu và vừa đủ để được lên thiên đàng. Nếu như vậy chỉ là một thứ đạo thực dụng, như chuyện trao đổi ở đời, và như vậy ta xem Đức Kitô cũng chỉ là một vị thần đóng vai trò thưởng phạt, chẳng khác nào chuyện thần thoại Hy-lạp.
Không lạ gì mà những người lương dân thấy một số người có đạo mà không thấy có Chúa. Điều này có nguy cơ trở thành một thứ đạo mà con người dựng nên Thiên Chúa chứ không phải Thiên Chúa dựng nên con người. Làm sao cho người khác nhận ra Đức Kitô đang sống, đang hành động trong ta, đang có mặt ngay trong cuộc sống hôm nay giữa mọi người? Cuộc đời chúng ta tùy thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa, nhưng sự hiện diện của Đức Kitô phục sinh lại tùy thuộc vào thái độ sống của chúng ta: một thái độ mở ra, bao dung, đón nhận, vui tươi và nhiệt tình với mọi người, đem lại tự do và bình an cho nhau.
Cầu nguyện
Lạy Cha!
Ki-tô giáo là đạo Đấng đã sống lại,
nên Ki-tô hữu là người đã phục sinh,
đã đón nhận sự sống của Thánh Linh,
nhờ chính Đức Ki-tô hiến thân mình.
Sự sống lại là hồng ân Chúa ban,
nhưng con phải tuân giữ các luật điều,
và phải làm tất cả vì tình yêu,
không so đo hay tính toán chi nhiều,
không phàn nàn vì những điều con thiếu,
không quan trọng mình có được bao nhiêu.
Yêu mến đâu phải là tình cảm tự nhiên,
được đo lường theo mối dây thân thiện,
nhưng biểu hiện bằng hành động dấn thân,
với tự do và tinh thần quả cảm,
luôn dám sống dám yêu và dám làm,
dám đi ngược với lối sống thế gian.
Đức tin không hành động, đức tin chết,
tình yêu cũng không chỉ ở trong lòng,
nhưng còn là sáng lên trong hành động,
khơi sâu và mở rộng sự hiệp thông.
Cho con nghe được tiếng Chúa gọi mời,
để con biết sống một cuộc đời phấn khởi,
biết nhiệt tâm đem an hòa cho thế giới,
đem niềm vui thương mến đến mọi nơi.
Xin cho con đừng ngồi đó để chờ thời,
nhưng ra khơi tạo nên nguồn sống mới,
cho bao người còn đang sống chơi vơi,
đang khốn khó nguy nan giữa biển đời.
Xin cho con ghi nhớ lời Chúa phán,
biết thực thi những điều mà Chúa dạy,
để nêu cao một tình mến mỗi ngày,
cho tới lúc được xum vầy bên Chúa. Amen.
Chúa nhật tuần lễ thứ sáu mùa phục sinh
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 14, 15-21).
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn Thầy. Và Thầy sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con một Đấng Phù Trợ khác, để Ngài ở với các con luôn mãi. Ngài là Thần Chân Lý mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết được Ngài; còn các con, các con biết Ngài, vì Ngài sẽ ở nơi các con và ở trong các con. Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con. Một ít nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần các con, các con thấy Thầy vì Thầy sống và các con cũng sẽ sống. Trong ngày đó, các con sẽ hiểu biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, và các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Ai nhận các luật Thầy truyền và giữ các luật đó, thì người ấy là kẻ mến Thầy. Và ai mến Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến, và Thầy sẽ yêu nó, và sẽ tỏ mình ra cho nó”.
Suy niệm
Sau khi Đức Giêsu sống lại, Ngài đã hứa ban Chúa Thánh Thần cho các Tông đồ, Chúa Thánh Thần được gọi là Thần Chân lý, Ngài sẽ hướng dẫn các Tông đồ, các cộng đoàn Giáo hội sơ khai đi theo chương trình cứu độ của Thiên Chúa Cha. Ngài còn được gọi là Đấng Bảo Trợ cho Giáo hội, bởi nơi Ngài là nhịp cầu cho tình yêu tuôn chảy vào giữa lòng Giáo hội. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ sáu mùa phục sinh, cho chúng ta thấy toàn cảnh những sinh hoạt của các cộng đoàn giáo hội ban đầu dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Ngài đã làm thay đổi trái tim của các tín hữu, thay đổi cách nhìn của họ Thiên Chúa, về mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa Cha. Cũng từ nơi Thánh Thần Thiên Chúa, người tín hữu có một thái độ sống xứng đáng với tên gọi của mình là Kitô hữu.
Những bước chân của các Tông đồ trên hành trình truyền giáo đầy những thách đố, thế nhưng, các ngài luôn mạnh dạn, luôn tự tin, bởi bên cạnh luôn có sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Những vùng đất ngày xưa chưa có bóng dáng của Tin mừng, nay trở thành những cộng đoàn đầy sức sống như vùng Sa-ma-ri-a, vì thế, khi các Tông đồ đến đó, họ được lãnh nhận Thánh Thần, Đấng được gọi là Thần Chân lý, sẽ hướng dẫn họ biết trách nhiệm và ơn gọi của mình thế nào: “Khi các tông đồ ở Giêrusalem nghe tin Samaria đón nhận lời Thiên Chúa, liền gởi Phêrô và Gioan đến với họ. Khi đến nơi, hai ngài cầu nguyện cho họ được nhận lãnh Thánh Thần: vì chưa có ai trong họ được nhận lãnh Thánh Thần, họ mới chỉ được chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Bấy giờ các ngài đặt tay trên họ, và họ nhận lãnh Thánh Thần”. Chúa Thánh Thần đã loại trừ những lằn ranh phân cách giữa người Do-thái và các vùng dân ngoại, Ngài đã liên kết mọi tâm hồn trở thành một gia đình, đó là gia đình của Thiên Chúa, gia đình thiêng liêng. Từng ngày, Ngài hướng dẫn họ sống ơn gọi Kitô hữu đúng với hoàn cảnh, với khả năng và điều kiện, không phân biệt dân tộc hay tôn giáo, tất cả có cùng một Cha chung, có cùng một Thánh Thần, có cùng một con đường dẫn tới sự thật, sự sống đời đời.
Các Tông đồ đã cộng tác với Chúa Thánh Thần để phục vụ các linh hồn, phục vụ các cộng đoàn về đời sống tinh thần. Từng bước chân, từng bài giáo huấn của các Tông đồ, luôn giúp các tín hữu biết biện phân những giá trị trong cuộc sống, đâu là những việc làm thuộc về thế gian, đâu là những việc làm có sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, dù lời chứng của họ có gặp nhiều thử thách, nhiều gian nan, nhưng luôn đi trong ánh sáng của Chân lý, của Sự thật, thì tâm hồn họ luôn bình an, luôn hạnh phúc: “Anh em thân mến, anh em hãy tôn thờ Chúa Kitô trong lòng anh em, hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời thoả mãn cho mọi kẻ hỏi lý do của niềm hy vọng nơi anh em, nhưng phải làm cách hiền từ, kính cẩn, hãy có lương tâm ngay chính, để những kẻ lăng mạ đời sống đạo đức của anh em trong Đức Kitô, phải hổ thẹn về điều họ gièm pha anh em. Vì nếu Thiên Chúa muốn, thì thà làm việc thiện mà đau khổ còn hơn là làm điều gian ác”. Dù sống giữa thế gian, nhưng các tín hữu không thuộc về thế gian, họ là chứng nhân của tin mừng sự sống, là chứng nhân của tin mừng cứu độ, tất cả cho Thiên Chúa lớn lên giữa lòng thế giới.
Sau khi được gặp Đức Giêsu phục sinh, các Tông đồ quá vui mừng, mạnh dạn mở cánh cửa phòng, cánh cửa tâm hồn, ra đi loan báo tin mừng cứu độ, thế nhưng, nhiều lúc các ngài chưa biết mình sẽ nói gì, sẽ làm gì và sẽ sống như thế nào, để trở thành nhịp cầu cho Đấng phục sinh đến với mọi gia đình, mọi cộng đoàn. Chính trong những phút giây trăn trở đó, Đức Giêsu đã ban Chúa Thánh Thần cho các ngài, để các ngài biết phải làm gì, phải nói gì và phải sống thế nào: “Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn Thầy. Và Thầy sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con một Đấng Phù Trợ khác, để Ngài ở với các con luôn mãi. Ngài là Thần Chân Lý mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết được Ngài; còn các con, các con biết Ngài, vì Ngài sẽ ở nơi các con và ở trong các con”. Chúa Thánh Thần là Thần Chân lý, là Sự thật, tất cả đến từ Thiên Chúa Cha. Sự thật mà Chúa Thánh Thần hướng dẫn cho các Tông đồ, sẽ giúp cho các ông biết ý nghĩa, biết cách sống và biết cách làm chứng cho sự thật.
Chúa Thánh Thần là Thần Chân lý, là Sự Thật, sự hiện diện của Ngài giữa lòng Giáo hội, sẽ giúp cho Giáo hội từng ngày khám phá chiều sâu thiêng liêng và giá trị của ơn cứu độ. Ơn cứu độ đó là một sáng kiến của Thiên Chúa Cha, chứ không do con người, Ngài muốn trao cho con người niềm hạnh phúc được chia sẻ sự sống thần linh của Ngài, Ngài còn muốn con người được trở về chỗ đứng ngày xưa là con cái trong nhà của Thiên Chúa. Thế nhưng, có được bao nhiêu người biết được sự thật đó, hiểu được giá trị thiêng liêng của sự thật đó, để từng ngày đáp đền tình yêu và sống với ân sủng cao quý đó. Ngay chính bản thân con người được tạo dựng như thế nào và để làm gì, họ phải sống ra sao, kết thúc cuộc đời con người sẽ đi về đâu? bao nhiêu vấn nạn liên quan đến sự thật đó, nếu không có Chúa Thánh Thần, làm sao con người có thể tìm được những câu trả lời cho chính mình.
Biết sự thật như là khởi đầu cho một hành trình tìm hiểu về Chúa Thánh Thần, con người cần phải sống cho sự thật, chính lúc sống cho sự thật, họ mới cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Thánh Thần bên cạnh, trong hành trình đức tin và trong từng nhịp sống của mình. Để sống theo sự thật, đòi hỏi người tín hữu phải can đảm, phải mạnh mẽ mới có thể đối diện với những vấn nạn liên quan đến niềm tin, đến sự sống và đến hạnh phúc của con người. Nhiều lúc con người biết sự thật như thế, nhưng không dám sống theo sự thật, phá thai, ly hôn, ngoại tình và bao nhiêu cớ vấp phạm khác, con người biết đó là trái với sự thật, trái với giáo lý của Thiên Chúa, nhưng con người có đủ can đảm để xa tránh, để chối bỏ và để nói không với bao điều xấu trong mọi lãnh vực của cuộc đời.
Lắng nghe được tiếng nói của Chúa Thánh Thần, cần có những lời chứng, để chứng minh rằng, Chúa Thánh Thần đang hoạt động trong tôi. Biết một sự thật nơi ai đó, biết một sự thật giữa cuộc sống, nhưng vì sự ích kỷ, vì thiếu lòng tốt, vì thiếu tình bác ái, người tín hữu có đủ can đảm để làm chứng cho sự thật đó không. Vì thế, người tín hữu cần sự hiện diện bên cạnh, để hướng dẫn cách làm chứng cho sự thật, biết cách sống theo sự thật và biến cuộc đời trở thành lời chứng cho sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong thế giới này.
Giữa một thế giới có khuynh hướng tục hóa những giá trị về đạo đức, về phẩm giá con người, về ý nghĩa cuộc sống, sự thật luôn được coi là kim chỉ nam giúp người tín hữu biết phân định rõ ràng hơn, đâu là giá trị thánh thiêng của tôn giáo, đâu là sự thánh thiện của Thiên Chúa và đâu là những dụng ý thiếu tích cực của thế gian. Người tín hữu luôn cần có sự hướng dẫn của Thần Chân lý, của Đấng được gọi là Sự thật, Ngài sẽ giúp người tín hữu biến cuộc đời trở thành lời chứng trong sự tôn trọng tình người, tôn trọng tình huynh đệ cộng đoàn. Từ đó, Ngài sẽ dẫn dắt mọi tín hữu đi tới con đường vẹn toàn, con đường dẫn đưa họ tới ngôi nhà của Thiên Chúa Cha.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã ban Chúa Thánh Thần cho các Tông đồ, để Chúa Thánh Thần dẫn dắt họ sống và thực hiện trọn vẹn ơn gọi của minh, xin Chúa cũng ban Chúa Thánh Thần cho mỗi người tín hữu, để chúng con biết phải làm gì trong hoàn cảnh hiện tại, biết phải sống thế nào cho xứng đáng với tình yêu cứu độ. Khởi đầu của Giáo hội, Chúa Thánh Thần đã từng bước dìu dắt mỗi tín hữu biết trách vụ của mình cũng như biết con đường mình sẽ đi trong chương trình của Thiên Chúa Cha, xin hướng dẫn chúng con hôm nay, có thêm sự khôn ngoan của Ngài, có thêm lòng mến và đạo đức của Ngài, để chúng con chu toàn bổn phận theo ơn gọi của mình cách vẹn toàn. Amen.
CÂU TRẢ LỜI CHO NIỀM HY VỌNG
(Chúa Nhật VI PS A) Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Thánh Phêrô nhắn nhủ tín hữu ở các xứ: Pontô, Galat, Capadokia, Axia và Bithynia và với chúng ta, những người được Thiên Chúa tuyển chọn là: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1P 3, 15). Có thể nói động thái hy vọng là khao khát, là mong chờ điều tốt đẹp nào đó với niềm tin rằng sẽ đạt được. Niềm hy vọng của Kitô hữu chúng ta mà thánh Tông Đồ Cả nói ở đây chính là được hưởng phúc lành vĩnh cửu mà Thiên Chúa hứa ban. Và để đạt phúc lành này thì ngài khuyên bảo phải hiệp nhất nên một với nhau, biết cảm thông, yêu thương nhau như anh chị em, đừng lấy ác báo ác nhưng ăn ở nhân hậu (x.1P 3, 8-9). Để thực hiện điều này thánh nhân nhấn mạnh: “hãy tôn Đức Kitô, là Đấng Thánh, làm Chúa ngự trị trong lòng chúng ta”.
“Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy.” (Ga 14, 15). Điều răn mà Chúa Kitô truyền dạy đó là: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34). Mẹ Hội Thánh, cách riêng Hội Thánh Việt Nam căn cứ vào cuộc đời và lời giảng dạy của Chúa Cứu Thế đã cụ thể hóa giới luật tình yêu qua kinh “Mười bốn mối thương người” mà Kitô hữu chúng ta dường như thuộc nằm lòng, nhờ thường đọc trong các ngày Chúa Nhật và các ngày Lễ trọng.
Một sự thật mà chúng ta cần chân nhận, đó là không ít người con cái Chúa vô tình hay vì lý do nào đó mà lãng quên lời căn dặn, đúng hơn là lời khẳng định của Chúa Kitô: “phải làm điều này mà không được bỏ điều kia” (x.Lc 11, 42); đừng “gạn lọc con muỗi mà nuốt chửng cả con lạc đà” (x.Mt 23, 23-24), khi họ chỉ thực hiện một vài mối thương người mà thôi hoặc né tránh không thực thi một vài mối thương người này kia.
Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận rằng từ tín hữu giáo dân đến hàng mục tử một cách nào đó xem ra đã thực thi những nghĩa cử như “cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt, chôn xác kẻ chết và có thể thêm việc “cho khách đỗ nhà”. Tuy nhiên việc thăm viếng “kẻ tù rạc” và “chuộc kẻ làm tôi” thì hình như đang bị thiếu sót cách này cách khác. Phải chăng nếu không phải là người thân thích thì chúng ta vốn ngại dây dưa với những người đang trong vòng lao lý, cả những người thực sự có tội và cả những người bị kết án cách oan sai, bất công? Ngày nay không còn chế độ nô lệ như ngày xưa, nhưng tình trạng bị ràng buộc, bị kìm giữ cách bất công vẫn nhan nhản trước mắt chúng ta. Trên thế giới và ngay trên đất nước chúng ta vẫn còn đó tình trạng rất nhiều người không được sử dụng các quyền căn bản của họ xét như là con người (nhân quyền). Đây cũng là một hình thức nô lệ không hơn không kém.
Chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng Kitô hữu chúng ta xem ra ít tắc trách trong việc “lấy lời lành mà khuyên người, an ủi kẻ âu lo, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ làm mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết”. Thế nhưng việc “mở dạy kẻ mê muội và răn bảo kẻ có tội” thì dường như còn bị hạn chế về cả đối tượng lẫn phạm vi cần điều chỉnh hay sửa sai. Chúng ta, nhất là những vị mục tử vẫn chu toàn việc răn bảo kẻ có tội và mở dạy kẻ mê muội, nhưng thường là mở dạy hay răn bảo những người đồng đạo, những người dưới quyền và cũng thường trong những lãnh vực đạo đức mang luân lý cá nhân hay trong việc tuân giữ các luật buộc như “giữ Lễ Ngày Chúa Nhật, lãnh nhận các bí tích, kiêng việc xác, ăn chay…”. Cần thú nhận rằng những lỗi lầm mang tính công bằng xã hội hoặc những lệch lạc, sai lầm mang tính hệ thống, nhất là khi người lỗi phạm đang nắm quyền cao, vị lớn trong xã hội và cả trong giáo hội thì chúng ta có vẻ như đang xao lãng bổn phận “mở dạy và răn bảo”.
“Phải làm điều này mà không được bỏ qua điều kia”. Xin lặp lại lời của Chúa Kitô để cùng thức tỉnh nhau ra khỏi tình trạng “gạn lọc con muỗi mà nuốt chửng cả con lạc đà”. Yêu thương cách có chọn lọc, cách có tính toán thì không thực sự là yêu thương, và chắc chắn không “như Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta”. Yêu thương một cách có tính toán và chọn lọc như thế thì rất có thể có được sự bình an do thế gian ban tặng và dĩ nhiên cần khẳng định rằng đó không phải là sự bình an mà Chúa Kitô trao ban (x.Ga 15, 27).
Xin Thần Khí sự thật đổ đầy tâm hồn Kitô hữu chúng ta để chúng ta biết thế nào là yêu mến Chúa Kitô, thế nào là tôn Đức Kitô làm Chúa ngự trị trong lòng chúng ta, thế nào là làm chứng về niềm hy vọng của chúng ta. Có thể không trọn vẹn và chắc chắn không thể đủ đầy, tuy nhiên điều chúng ta phải cần làm cho xứng với danh môn đệ Chúa Kitô, đó là kiên trì nhẫn nại trong hiền hòa và bao dung thực thi cả “Mười bốn mối thương người”, không xao lãng hay loại bỏ bất cứ mối thương người nào. Đây là câu trả lời có tính thuyết phục nhất cho niềm hy vọng của chúng ta trước bà con lương dân và anh chị em khác đạo và trước cả những người tự nhận là vô thần.