TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật VI Phục Sinh – Năm C

14/05/2022 11:49:40 |   1428

Chúa Nhật VI Phục Sinh – Năm C
 

cn 6PS C

Ga 14, 23-29

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

Chúa Nhật VI Phục Sinh – Năm C

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Tin Mừng hôm nay gồm hai phần:

Hãy tuân giữ lời Thầy: Đức Giêsu khuyên các Tông Đồ hãy chứng tỏ lòng yêu mến Người bằng cách tuân giữ Lời Người dạy, để nhờ đó sẽ được kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa Ba Ngôi.

Hứa ban bình an: Đức Giêsu hứa ban bình an cho các Tông Đồ, một thứ bình an thực sự và nội tâm. Do đó, các ông đừng bối rối sợ hãi khi thấy bị bắt bớ, bách hại bên ngoài xảy ra. Đức Giêsu cũng hứa sẽ ở lại với các Tông Đồ cách thiêng liêng vô hình mãi mãi.

Đức Giêsu ban bình an là quà tặng riêng của Người cho các môn đệ, để họ không còn phải sợ hãi bất cứ một điều gì, mà vững tin, phó thác vào tình yêu và sự trợ giúp đầy yêu thương của Chúa Giêsu Phục Sinh và của Chúa Thánh Thần.

Ca nhập lễ

Các ngươi hãy rao truyền lời hân hoan, và người ta sẽ nghe, hãy rao truyền tới tận cùng trái đất rằng: Chúa đã giải phóng dân Người – Alleluia.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, trong những ngày vui này xin cho tất cả chúng con biết đem lòng sốt sắng mừng Ðức Kitô phục sinh, để Người hiện diện trong cuộc đời chúng con và làm cho chúng con được đổi mới. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Cv 15, 1-2. 22-29

“Thánh Thần và chúng tôi xét rằng không nên đặt thêm gánh nặng nào khác ngoài mấy điều cần kíp”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, có mấy người từ Giuđêa đến dạy bảo các anh em rằng: “Nếu anh em không chịu cắt bì theo luật Môsê, thì không được cứu độ”. Do đó, Phaolô và Barnaba đã tranh luận gắt gao với họ. Bấy giờ người ta quyết định là Phaolô, Barnaba và một ít người khác thuộc phe họ, lên Giêrusalem gặp các Tông đồ và niên trưởng, để xin giải quyết vấn đề này.

Bấy giờ các Tông đồ, kỳ lão, cùng toàn thể Hội thánh chấp thuận chọn ít người trong các ngài, và sai đi Antiôkia với Phaolô và Barnaba: đó là Giuđa, gọi là Barsaba, và Sila, những vị có uy thế giữa anh em. Các ngài nhờ tay hai ông chuyển bức thơ viết như sau:

“Anh em Tông đồ và kỳ lão chúng tôi kính chào các anh em thuộc dân ngoại ở Antiôkia, Syria và Cilicia. Chúng tôi nghe tin rằng có mấy người trong chúng tôi đã đến nói những lời gây hoang mang và làm cho tâm hồn anh em xao xuyến, chúng tôi không uỷ quyền cho họ, vì thế chúng tôi họp lại, đồng ý chọn một ít người và sai đến anh em làm một với Barnaba và Phaolô, những anh em yêu quý của chúng tôi, tức là những người đã liều mạng sống mình vì danh Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Vậy chúng tôi đã sai Giuđa và Sila đến nói miệng với anh em cũng chính những lời này: Thánh Thần và chúng tôi xét rằng không nên đặt thêm cho anh em gánh nặng nào khác ngoài mấy điều cần kíp này là anh em hãy kiêng đồ cúng thần, huyết, thịt thú chết ngạt và gian dâm; giữ mình khỏi các điều đó là anh em làm phải. Chúc anh em vạn an”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 66, 2-3. 5-6 và 8

Ðáp: Chư dân, hãy ca tụng Ngài, thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài (c. 4).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Xin Thiên Chúa xót thương và chúc phúc lành cho chúng con, xin chiếu giãi trên chúng con ánh sáng tôn nhan Chúa, để trên địa cầu người ta nhìn biết đường lối của Ngài, cho chư dân thiên hạ được biết rõ ơn Ngài cứu độ. 

Xướng: Các dân tộc hãy vui mừng hoan hỉ, vì Ngài công bình cai trị chư dân, và Ngài cai quản các nước địa cầu.

Xướng: Chư dân, hãy ca tụng Ngài, thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài! Xin Thiên Chúa chúc phúc lành cho chúng con, và cho khắp cùng bờ cõi trái đất kính sợ Ngài. 

Bài Ðọc II: Kh 21, 10-14. 22-23

“Người chỉ cho tôi thấy thành thánh do Thiên Chúa từ trời gởi xuống”.

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.

Thiên Thần đem tôi lên một núi cao chót vót khi tôi ngất trí, và chỉ cho tôi thấy thành thánh Giêrusalem từ trời nơi Thiên Chúa mà xuống, chói lọi vinh quang Thiên Chúa. Ánh sáng của nó toả ra như đá quý, giống như ngọc thạch, óng ánh tựa pha lê. Thành có tường lũy cao lớn, trổ mười hai cổng, trên các cổng có mười hai thiên thần, và có khắc tên mười hai chi họ con cái Israel. Phía đông có ba cổng, phía bắc có ba cổng, Phía nam có ba cổng, và phía tây có ba cổng. Tường thành xây trên mười hai móng có khắc tên mười hai tông đồ của Con Chiên. Còn đền thờ, tôi không thấy có trong thành, vì Thiên Chúa toàn năng và Con Chiên là đền thờ của thành. Thành không cần mặt trời, mặt trăng chiếu soi: vì đã có vinh quang Thiên Chúa chiếu sáng nó, và đèn của nó chính là Con Chiên.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy”. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 14, 23-29

“Thánh Thần sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. Kẻ không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Lời các con nghe, không phải là của Thầy, nhưng là của Cha, Ðấng đã sai Thầy. Thầy đã nói với các con những điều này khi còn ở với các con. Nhưng Ðấng Phù Trợ là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con. Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng. Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi. Các con đã nghe Thầy nói với các con rằng: Thầy đi, rồi Thầy trở lại với các con. Nếu các con yêu mến Thầy, thì các con hãy vui mừng vì Thầy về với Cha, bởi lẽ Cha trọng hơn Thầy. Giờ đây Thầy nói với các con trước khi việc xảy ra, để khi việc xảy ra, thì các con tin”.

Ðó là lời Chúa.

Ghi Chú: Khi cử hành Lễ Thăng Thiên vào Chúa Nhật tới, thì trong Lễ Chúa Nhật VI Phục Sinh hôm nay có thể đọc Bài đọc II và Bài Tin Mừng của Chúa Nhật VII Phục Sinh.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Lời Chúa hôm nay tha thiết mời gọi chúng ta hãy tuân giữ Lời Chúa, đặc biệt là giới luật yêu thương, để chúng ta xứng đáng đón nhận sự hiện diện của Chúa Ba Ngôi. Điều đó cần sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, chúng ta cùng nguyện xin:

1. “Thánh Thần và chúng tội xét rằng không nên đặt thêm cho anh em gánh nặng nào khác” – Xin Chúa ban sự khôn ngoan và thánh thiện trên các vị Chủ chăn, để giáo huấn của các Ngài luôn được tôn trọng và vâng giữ, hầu duy trì được mối dây hiệp nhất trong Hội Thánh.

2. “Thầy đi rồi Thầy trở lại với các con”. – Xin cho các tín hữu luôn nhớ đến ngày quang lâm hồng phúc của Chúa, để họ chuẩn bị bằng niềm mến tin, sự cậy trông và lòng trung thành tuân giữ các điều Chúa dạy.

3. “Thầy ban bình an của Thầy cho các con”, – Xin cho khát vọng sống hòa bình của con người được thể hiện, thức tỉnh lương tâm những người đầy tham vọng điên cuồng, để họ chỉ mưu tìm những gì đem lại an vui và hạnh phúc cho nhân loại.

4. “Ai tuân giữ Lời Thầy thì Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở với người ấy”, – Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta, biết sẵn sàng chấp nhận giáo huấn của Chúa qua mọi biến cố”, để chúng ta sẽ được sống trong nguồn ơn cứu độ.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin cho chúng con sự bình an của Chúa, đó là sự bình an của tâm hồn trong sạch, ngay thẳng, sẵn sàng đón nhận sự gọt dũa của Thánh Linh, để chúng con không bao giờ xao xuyến, nhát đảm lùi bước trước những đòi hỏi của ơn thánh trong đời sống Kitô hữu của chúng con. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui nhận bao ý nguyện cầu, cùng với lễ vật chúng con tiến dâng làm hy lễ. Chúa đã thương thanh tẩy chúng con, xin cũng ban ơn phù trợ giúp chúng con ăn ở thế nào cho xứng với mầu nhiệm tình yêu của Chúa. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng Phục Sinh

Ca hiệp lễ

Chúa phán: “Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ lời Thầy, Thầy sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con một Đấng phù trợ khác, để Ngài ở với các con đến muôn đời – Alleluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, nhờ mầu nhiệm Ðức Kitô sống lại, Chúa đã thương đổi mới chúng con cho đáng hưởng sự sống đời đời. Xin làm cho mầu nhiệm ấy sinh hoa kết quả tốt đẹp trong tâm hồn chúng con, và làm cho thần lương chúng con vừa lãnh nhận trở nên nguồn sinh lực dồi dào. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Các con hãy yêu thương nhau

Một con vật bị chết hay một món đồ bị mất, chúng ta lấy làm tiếc chứ không ai lấy làm thương. Tiếng thương là tiếng được dành riêng cho con người. Sở dĩ con người ta dễ thương là vì đã được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Nhưng hình ảnh ấy đã bị tội nguyên tổ làm cho đáng ghét. Dẫu vậy Thiên Chúa vẫn nhìn thấy nhân loại dễ thương, cho nên đã sai Con Một Ngài xuống thế để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với họ và sau cùng đã đổ máu ra để cứu chuộc họ.

Như vậy Thiên Chúa đã trút tình yêu của Ngài vào chúng ta, và Ngài mới thấy chúng ta dễ thương. Phần chúng ta cũng thế, nếu biết trút tình thương vào những người chung quanh, chúng ta sẽ thấy họ dễ thương. Nói như vậy không có nghĩa là phải bóp bụng mà thương bằng một tình thương bất đắc dĩ, một tình thương giả tạo, chỉ có bề mặt mà không có bề sâu, hờ hững và gượng ép. Không phải là như thế. Nếu không thành thực với mình, thương mà đầy thành kiến, thương mà đầy ngờ vực, thì làm sao tránh khỏi những cảnh chướng tai gai mắt.

Nếu chúng ta cứ đinh ninh rằng: xã hội chỉ toàn những kẻ trộm cặp, thì quả nhiên chúng ta sẽ gặp phải nhiều người bất lương. Trái lại nếu chúng ta cho rằng những người láng giềng là những người tử tế, hiền lành, thì chúng ta sẽ gặp được những kẻ dễ thương.

Ông Diogène nghĩ rằng chung quanh mình chỉ toàn những kẻ dễ ghét, vì thế ông đã đốt đuốc đi giữa ban ngày để tìm người mà cũng chẳng thấy được ai dễ thương cả. Trái lại Đức Kitô quan niệm rằng trong thiên hạ ai cũng dễ thương, nên dù đi qua giữa vùng đất thù địch Samaria, Người cũng không gặp thấy ai dễ ghét. Vì thế, bộ mặt xã hội chung quanh, phần lớn do lập trường, do tâm trạng của tôi như lời Thánh Kinh: Gieo gió thì gặt bão, gieo ghen ghét thì sẽ gặt thù hằn, gieo tình yêu thì sẽ gặt được mến thương.

Người sống bên cạnh chúng ta dễ thương hay dễ ghét, phần lớn là do nơi hình ảnh chúng ta sẵn có đối với họ. Rồi một khi đã quan niệm họ khó thương và dễ ghét, tự nhiên chúng ta sẽ tìm cách trốn tránh. Thế nhưng cách cư xử và thái độ thương yêu của chúng ta lại có một ảnh hưởng rất lớn, vì góp phần xây dựng cuộc đời cho họ, để họ thêm can đảm, thêm hứng khởi, thêm lạc quan. Một luật tâm lý rất tầm thường đó là ai cũng muốn được lý tưởng hoá trong tâm hồn kẻ khác. Bởi vì nếu người ta cho tôi là tốt, là đứng đắn, là thánh thiện, tự nhiên tôi cảm thấy có một bàn tay vô hình thúc đẩy tôi cố gắng hầu trả lời cho dư luận thơm đẹp kia.

Nếu Chúa Giêsu không nhìn Phêrô cách âu yếm thì người môn đệ thất trung ấy làm gì có thể hồi tâm tỉnh ngộ được. Nếu Chúa Giêsu thiếu dịu hiền và kiên nhẫn đối với Mađalena, thì làm sao cô gái giang hồ ấy đã có thể đứng dậy ra khỏi cảnh bùn nhơ tội lỗi.

Tóm lược những điều vừa trình bày, chúng ta đi tới một kết luật: Điều lạ lùng không thể nào hiểu nổi, đó là Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, yêu thương đến nỗi đã cúi xuống làm một người giống như chúng ta, biết đói biết khát, biết cười biết khóc, biết đau khổ biết buồn phiền, biết tủi nhục biết cảm xúc như tôi và vì tôi.

Nếu chúng ta hiểu được phần nào tại sao Thiên Chúa Đấng hạnh phúc vô cùng lại đem lòng thương tôi, dù tôi là kẻ rất khó thương, thì tôi sẽ không còn thấy cực nhọc khi phải tuân mệnh lệnh Chúa mà cư xử dễ thương với đồng loại nữa.

CHÚA NHẬT 6C PHỤC SINH – 2001
(Ga 14:23-29) Lm Lã Mộng Thường

Bài Phúc Âm vừa được công bố trình bày khá nhiều vấn đề tu đức. Thứ nhất, “Ai yêu mến Thầy sẽ giữ lời Thầy”. Vấn đề thứ hai đối nghịch với vấn đề thứ nhất, “Kẻ không yêu mến Thầy thì không giữ lời Thầy”. Kèm theo hai vấn đề này đó là Thiên Chúa ngự trị nơi những người tuân giữ lời dạy của Đức Giêsu, và những lời dạy của Đức Giêsu chính là thánh ý của Thiên Chúa Cha, Đấng đã sai Đức Giêsu đi rao giảng. Vấn đề thứ năm đó là Thánh Thần Thiên Chúa sẽ dạy cho con người mọi điều cần biết và sẽ nhắc nhở, soi sáng cho con người thấu hiểu những lời giảng dạy của Đức Giêsu. Vấn đề thứ sáu, Sự bình an Phúc Âm nhắc nhở đến không giống sự bình an chúng ta thường quan niệm hay mơ ước. Vấn đề cuối cùng, thêm một lần nữa Đức Giêsu nói rõ Thiên Chúa Cha cao trọng hơn Ngài. Chúng ta đều biết, những lời giảng dạy của Đức Giêsu được ghi lại nơi Phúc Âm dưới nhiều hình thức chẳng hạn những câu nói khôn ngoan, “Hãy ở khôn như con rắn và chân thực như chim câu”, hoặc dụ ngôn, câu truyện ba người đầy tớ, truyện cây vả, truyện đứa con hoang đàng, hay lối nói ám định, vải mới không vá áo cũ, người ta không đổ rượu mới vào bì cũ, v.v...

Muốn tuân giữ những lời dạy của Đức Giêsu, trước hết cần đọc Phúc Âm. Bởi vì chỉ đọc suông không mang lại ích lợi gì nên lại cần suy nghiệm những lời dạy, những ngụ ngôn, hay câu nói ám định, sao cho ý nghĩa có thể áp dụng nơi cuộc đời mỗi người một cách hợp lý hợp tình, biến những lời dạy nơi Phúc Âm thành sự khôn ngoan mình nên theo. Mời quý ông bà anh chị em thử thực tập suy nghiệm câu, “Hãy ở khôn như con rắn và chân thực như chim câu”. Nếu chỉ đặt vấn đề con rắn khôn ngoan thế nào và con chim câu chân thực ra sao, chúng ta không cách nào áp dụng câu nói này nơi cuộc đời. Cho rằng “Rắn khôn dấu đầu” để rồi áp dụng nơi việc đời theo sự khôn ngoan thế tục, “Xít cho bụi rậm”, câu nói này không thể nào áp dụng nơi mọi trường hợp.

Tuy nhiên, nếu ai đọc bộ Chu Dịch do cụ Phan Bội Châu soạn, chúng ta sẽ thấy nơi quẻ Khảm có lời chú giải, “Đương lúc lòng người còn bế tắc nếu mình cứ giữ một cách đường ngay mực thẳng” tất nhiên lời nói của mình khó lọt tai mà công việc cũng hỏng. Đồng thời nơi sách Trang Tử có câu nói, “Vì có thân xác như mọi người nên lối sống như mọi người nhưng lòng chúng ta khác hẳn”. Đem tổng hợp hai nhận định khôn ngoan này và so sánh với câu Phúc Âm chúng ta sẽ nhận ra được ý nghĩa thâm trầm “Ở khôn như con rắn và chân thực như chim câu”. Đại khái câu này có nghĩa, thái độ, cách cư xử của chúng ta nên hiền hòa, nhã nhặn nhưng trong lòng cần phải cân nhắc lợi hại, thiệt hơn, giữ sao cho tâm hồn mình công chính, thanh thản.

Tuy nhiên, nếu đem áp dụng câu này nơi trường hợp phải đối diện với những kẻ bất trắc và để ý nghiệm xét, chúng ta mới nhận biết lời Chúa dạy quá thâm trầm và vô cùng khôn ngoan. Có lần nói chuyện với một cụ già khi đề cập đến câu nói này, cụ lên tiếng, “Lời Phúc Âm nên đổi ngược lại mới đúng. Hãy khôn ngoan như con chim bồ câu và chân thực như con rắn”. Chúng ta thường ít khi bị đụng chạm với những người ăn nói bộc tệch, văng mạng vì đã biết họ như thế và lẽ đương nhiên, chấp với người điên thì điên hơn kẻ điên và chỉ có người dại mới chấp với kẻ say. Ngược lại, những kẻ bất trắc mưu đồ ẩn giấu dưới thái độ mềm mỏng dễ thương, khẩu phật tâm xà… chắc chắn chúng ta vì không để ý nên thường bị lạm dụng, tới khi chuyện xảy đến, có ăn năn thì đã muộn, mang tiếng hoặc mối hại lớn vì đã trở thành công cụ cho ý đồ bất chính của người khác bởi đã không chín chắn suy nghiệm, cân nhắc.

Qua sự thử nghiệm đơn sơ như thế, chúng ta thấy được lời Phúc Âm trình bày những sự khôn ngoan một cách ám định và ngắn gọn đòi hỏi chúng ta suy nghiệm chín chắn và thâm trầm để áp dụng chẳng những nơi hành trình tâm linh, hành trình nhận biết thực thể con người và sự hiện diện cũng như hoạt động của Thiên Chúa nơi mình, mà còn giúp chúng ta áp dụng sự khôn ngoan này nơi cuộc sống thường ngày vì chúng ta luôn luôn phải đối diện với muôn chiều hướng thế tục vây bọc. Nếu ai để tâm suy nghiệm Phúc Âm sẽ nhận rõ được một điều, đó là càng suy nghiệm về Phúc Âm bao nhiêu, chúng ta càng cảm nhận được sự không ngoan vô cùng của Lời Chúa bấy nhiêu. Tuy nhiên, nếu đã không để tâm suy nghiệm Phúc Âm, càng ngày chúng ta càng thấy Lời Chúa trình bày một cách quá tối tăm khiến lòng chán nản buông lơi. Qua nhận định này, chúng ta hiểu được câu nói khác nơi Phúc Âm, “Vì kẻ có thì sẽ được cho thêm cho mà nên dư dật; còn kẻ không có thì điều có cũng bị giựt mất” (Mt. 13:12).

Thử tự hỏi chúng ta có thường đọc và suy nghiệm về những câu nói hay câu truyện nơi Phúc Âm hay không chúng ta sẽ có câu trả lời rõ ràng mình có yêu mến Chúa hay không. Tuyên xưng hoặc cho rằng hay nghĩ rằng mình yêu mến Chúa mà không đọc Phúc Âm, không suy nghiệm Lời Chúa tất nhiên chỉ là tự lừa dối. Phúc Âm rõ ràng công bố thực trạng nghiệm chứng của chúng ta bằng cách đặt nơi miệng Đức Giêsu, “Ai yêu mến Thầy thì giữ lời Thầy” “Kẻ không yêu mến Thầy thì không giữ lời Thầy”. Câu này có nghĩa, ai tôn kính Thiên Chúa, tôn kính Đức Giêsu thì nghiệm chứng những câu nói khôn ngoan nơi Phúc Âm. Ai không nghiệm chứng Phúc Âm tất nhiên không thể tôn kính Thiên Chúa bởi muốn tôn kính thì cũng không biết Chúa là gì, Chúa như thế nào sao có thể tôn kính. Tóm lại, bài Phúc Âm hôm nay khuyến khích và thách đố chúng ta tự hỏi nơi lòng mình về sự thực hành lòng yêu mến Chúa nơi phương diện nhận biết về những lời dạy của Đức Giêsu qua Phúc Âm. Muốn tuân giữ những lời dạy của Đức Giêsu, chúng ta cần đọc Phúc Âm và để tâm nghiệm chứng trong cuộc đời. Ai không đọc, không suy nghiệm Phúc Âm được gọi là kẻ không yêu mến Thiên Chúa, không yêu mến Đức Giêsu.

Nói theo bài Phúc Âm vừa được công bố, bất cứ ai không đọc, không suy nghiệm Lời Chúa sẽ không được Thánh Thần soi sáng vì điều có cũng bị giựt mất và được gọi là không giữ lời dạy của Đức Giêsu. Nếu đem áp dụng nơi việc sống đạo, tham dự thánh lễ, đọc kinh, rước sách… đều là những sinh hoạt thờ phượng, sinh hoạt tôn giáo chứ không phải sự tuân giữ lời dạy của Đức Giêsu, cũng không phải lòng mến tin Thiên Chúa mà chỉ là phương diện bày tỏ lòng mến. Lòng yêu mến Thiên Chúa, lòng yêu mến Đức Giêsu chính là sự suy nghiệm những lời dạy của Đức Giêsu nơi Phúc âm. Amen.


THÁNH THẦN VÀ CHÚNG TÔI

(Chúa Nhật VI PS C) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột.

“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14, 23). Hạnh phúc thiên đàng là đây. Có Thiên Chúa ở cùng là điều mà Kitô hữu hằng khát khao. Trong Thánh lễ, điệp khúc: “Chúa ở cùng anh chị em – Và ở cùng cha” được cất lên những bốn lần: trước nghi thức khởi đầu Thánh lễ, trước khi đọc Tin Mừng, trước Kinh Tiền Tụng và trước khi chúc lành kết lễ. Có thể khẳng định rằng việc tuân giữ lời Chúa Kitô chính là chìa khóa để có hạnh phúc đích thực. Nội hàm của lời mà Chúa Kitô muốn nói ở đây chính là “tin vào Thiên Chúa và tin vào Người”, đồng thời thực hành “giới răn mới” mà Người long trọng truyền dạy (x.Ga 13, 34-35; 14,1).

Cần thú nhận rằng nhiều lúc chúng ta thật khó phân biệt ý lời của Chúa Kitô với ý lời của người phàm. Ngay thánh Phaolô tông đồ cũng đã từng thú nhận rằng “hiện nay chúng ta thấy lờ mờ như thấy qua tấm gương” (x.1Cr 13, 12). Chính Chúa Thánh Thần, Đấng mà Chúa Cha sai đến, cũng là Đấng mà Chúa Kitô ban tặng, sẽ giúp chúng ta hiểu đúng ý lời của Chúa Kitô để thực thi. “Thánh Thần và chúng tôi quyết định: Không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này: là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, kiêng ăn thịt loài vật không cắt tiết, và tránh gian dâm” (Cv 15, 28-29). Đây là lời công bố chính thức của Công đồng Giêrusalem, Công đồng đầu tiên của Hội Thánh thời các Tông đồ. Câu tuyên bố của các Tông đồ “Thánh Thần và chúng tôi quyết định…” một cách nào đó cho ta thấy trong quyết định ấy có phần của Thánh Thần và có phần của các ngài. Phần của Thánh Thần dĩ nhiên là chân lý tuyệt đối, còn phần của các tông đồ ít nhiều bị điều kiện hóa và khó tránh khỏi sự bất cập hoặc hạn chế mặt này, mặt kia. Vấn đề là chúng ta cần phân biệt đâu là phần của Thánh Thần và đâu là phần của các Tông đồ.

Tính bất cập, tương đối và bị điều kiện hóa của quyết định do phía các tông đồ có thể nói là đã lộ rõ khi các ngài dạy: “Kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, kiêng ăn thịt loài vật không cắt tiết”. Chưa nói gì đến niềm tin còn bất cập về máu huyết của Do Thái giáo xưa, ở đây, chúng ta thấy các Tông đồ đã đưa ra một giải pháp mang tính thỏa hiệp, giải quyết tình thế. Để xây dựng sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu gốc lương dân và gốc Do Thái giáo, đặc biệt qua các bữa ăn, các Tông đồ đã truyền giữ tập tục kiêng cữ về huyết cũng như thịt thú chết ngạt. Nhiều người dân Việt vốn thích món “tiết canh” chắc là phải bỏ mình lắm lắm! Còn về việc ăn thịt cúng thì chắc hẳn các Tông đồ không quên lời dạy của Thầy năm xưa: “Những gì bên ngoài vào trong con người thì không làm cho họ ra ô uế?” (x.Mc 7, 14-23). Sau này chính Thánh Phaolô cũng đã từng minh định với tín hữu Côrintô rằng ăn thịt cúng hay không thì chẳng sao cả, miễn là đừng gây cớ vấp phạm cho những người đang còn non kém về lòng tin (x.1Cr 8, 1-13).

Chúng ta cùng xem xét phần Thánh Thần chỉ dạy.

- Không đặt gánh nặng lên vai người anh em: Một trong những sứ mạng của Chúa Kitô khi đến thế gian là giải thoát con người khỏi vòng nô lệ thần dữ. Tiếp tục và hoàn thành sứ mạng của Chúa Kitô, Thánh Thần đã giải thoát chúng ta khỏi ách nặng nề của “chế độ lề luật”, khỏi “tinh thần nô lệ” mà việc bãi bỏ luật cắt bì của Cựu Ước là một điển hình. Từ đây, người Kitô hữu được mời gọi đến với Thiên Chúa trong tư cách những người con. Nhờ Thánh Thần và trong Thánh Thần chúng ta có thể thân thưa với Thiên Chúa “Abba” - “Cha ơi” (x.Rm 8, 14-17).

Nhiều người đã xem Công đồng Vaticanô II như là một Lễ Hiện Xuống mới. Sở dĩ có cái nhìn này vì người ta không chỉ thấy Giáo Hội đã để cho Thánh Thần thúc đẩy mình ra khỏi tháp ngà cố thủ, để đến với thế giới mà còn thấy Giáo Hội đã gỡ bỏ nhiều ách nặng nề bấy lâu nay đang đè trên vai, trên cổ mình, khiến đoàn dân Chúa khó có thể sống tinh thần nghĩa tử với Thiên Chúa và khó sống tinh thần huynh đệ với nhau cách thực sự. Chúa Thánh Thần vẫn đang hoạt động cho đến ngày Chúa Kitô lại đến (x.Kh 22, 17). Như thế, chắc hẳn vẫn còn đó nhiều gánh nặng đang kìm giữ chúng ta trong tinh thần nô lệ mà chúng ta cần phải gỡ bỏ cho nhau. Để được vậy, chúng ta, đoàn tín hữu, từ con chiên đến các mục tử, hãy tích cực mở rộng tâm hồn để đón nhận tác động của Chúa Thánh Thần, và dĩ nhiên, trên hết, trước hết cần phải biết nhạy bén với lời chỉ dạy của Thánh Thần qua các dấu chỉ thời đại.

- Tinh tuyền hóa niềm tin vào Thiên Chúa và lành mạnh hóa tương quan với nhau: Ẩn sâu dưới quyết định rằng phải kiêng ăn thịt đã cúng cho ngẫu tượng thì chúng ta nhận ra chân lý là “phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (x.Mt 4, 10; Lc 4, 8). Và qua lời truyền dạy rằng “tránh gian dâm” hay như một vài bản dịch khác là “không được kết hôn bất hợp luật”, thì chúng ta không chỉ thấy đó là một chỉ dẫn luân lý thuần túy trong đời hôn nhân, mà còn nhận ra một chân lý trong tương quan đồng loại, đó là tôn trọng quyền lợi của nhau trong sự hài hòa và trật tự khách quan. Cần phải tôn trọng, tuân giữ trật tự khách quan này ngay từ trong cái tế bào của xã hội, cái nền tảng của đời sống nhân loại đó là “hôn nhân – gia đình”.

Mạc khải đã nên trọn vẹn và hoàn hảo nơi cuộc đời và lời giảng dạy của Chúa Kitô. Một trong những sứ mạng của Chúa Thánh Thần là giúp chúng ta hiểu đúng lời mạc khải. Chúa Thánh Thần giúp chúng ta hiểu lời Chúa Kitô đã long trọng tuyên bố năm xưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Môsê và sách các ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai giới răn ấy” (Mt 22, 37-40).

Đã là người ai cũng mong đạt được hạnh phúc. Nhiều người có niềm tin và Kitô hữu chúng ta lại còn khát khao hạnh phúc vĩnh cửu. Và điều kiện như tất yếu để có hạnh phúc vĩnh tồn đó là thực thi lời của Chúa Kitô. Để thực thi lời của Chúa Kitô thì cần phải hiểu đúng lời của Người. Thực tế vẫn có đó sự lẫn lộn giữa lời của người phàm và lời của Đức Kitô. Không gì hơn hãy khẩn xin Chúa Thánh Thần ngự đến. Thánh Thần đã được ban tặng. Vấn đề còn lại là xin cho chúng ta có thái độ thức tỉnh và khiêm nhu để đón nhận tác động của Chúa Thánh Thần mà thôi.

Chúa nhật thứ sáu mùa phục sinh -C
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. (Ga 14, 23-29)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. Kẻ không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Lời các con nghe, không phải là của Thầy, nhưng là của Cha, Ðấng đã sai Thầy. Thầy đã nói với các con những điều này khi còn ở với các con. Nhưng Ðấng Phù Trợ là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con. Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng. Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi. Các con đã nghe Thầy nói với các con rằng: Thầy đi, rồi Thầy trở lại với các con. Nếu các con yêu mến Thầy, thì các con hãy vui mừng vì Thầy về với Cha, bởi lẽ Cha trọng hơn Thầy. Giờ đây Thầy nói với các con trước khi việc xảy ra, để khi việc xảy ra, thì các con tin”.

Suy niệm

Giáo hội đang sống trong thời đại của Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa. Ngài đang làm việc miệt mài, Ngài đang xây dựng một gia đình của Thiên Chúa dựa trên nền tảng tình yêu, chân lý và sự sống của Thiên Chúa. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ sáu mùa phục sinh, mời gọi mỗi người luôn ý thức về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, đồng thời, mời gọi mỗi người cộng tác với Chúa Thánh Thần, để biến đổi chính mình, đem lại niềm vui và sự sống mới cho gia đình, cho cộng đoàn và cho nhân loại. Chúa Thánh Thần hiện diện để mở trí, soi sáng giúp con người hiểu được những bài giáo huấn của Con Thiên Chúa làm người, Đức Giêsu đã dạy dỗ các môn đệ, dạy dỗ cộng đoàn nhưng hầu như chưa ai có thể hiểu những bài giáo lý đó, chỉ tới lúc Chúa Thánh Thần, Đấng được gọi là Thần Chân lý, là Sự thật, hiện diện cách đích thực trong gia đình Giáo hội, Ngài mới khai trí, mở lối cho con người từng ngày khám phá những giá trị của Chân lý, của Sự sống đến từ Thiên Chúa tình yêu.

Đời sống tôn giáo của các cộng đoàn giáo hội sơ khai gặp không ít khó khăn bởi rất nhiều người chưa chấp nhận mầu nhiệm phục sinh, chưa chấp nhận sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, vì thế, sự chia rẽ giữa cộng đoàn luôn là một vấn nạn. Bài đọc 1 trích từ sách Tông đồ Công vụ kể lại cho chúng ta những khó khăn mà các Tông đồ, các anh em tín hữu Kitô phải đối diện hàng ngày: “Trong những ngày ấy, có mấy người từ Giuđêa đến dạy bảo các anh em rằng: “Nếu anh em không chịu cắt bì theo luật Môsê, thì không được cứu độ”. Do đó, Phaolô và Barnaba đã tranh luận gắt gao với họ. Bấy giờ người ta quyết định là Phaolô, Barnaba và một ít người khác thuộc phe họ, lên Giêrusalem gặp các Tông đồ và niên trưởng, để xin giải quyết vấn đề này”. Với lý do bảo vệ tôn giáo của tổ tiên, bảo vệ lề luật, không ít người Do-thái đã nổi loạn, xúi dục các cộng đoàn chống lại các Tông đồ, và đó là chống lại Chúa Thánh Thần. Họ nại vào việc cắt bì theo truyền thống để nói về ơn cứu độ, về những ai đủ điều kiện gia nhập vào cộng đoàn dân Chúa. Những dấu chỉ bên ngoài đó không thể đem lại ơn cứu độ, nhưng phải cần đến niềm tin, cần đến thái độ chấp nhận một Thiên Chúa tình yêu, đã ban Người Con duy nhất cho nhân loại, Người Con đó đã sống giữa gia đình nhân loại, đã chết vì thái độ hung bạo của con người và nay Ngài đã và đang sống. Đây còn được coi là thái độ cố chấp của con người, phủ nhận sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, phủ nhận những công việc Ngài đang thực hiện qua những chứng nhân là các Tông đồ.

Trước vẻ đẹp nguy nga của ngai tòa Chiên Con, thánh Gioan đã được chứng kiến và đã viết lại trong sách Khải huyền, phần nào chúng ta thấy được phần thưởng lớn lao dành cho những người tin, chứ không dành cho những người đã chịu phép cắt bì: “Thiên Thần đem tôi lên một núi cao chót vót khi tôi ngất trí, và chỉ cho tôi thấy thành thánh Giêrusalem từ trời nơi Thiên Chúa mà xuống, chói lọi vinh quang Thiên Chúa. Ánh sáng của nó toả ra như đá quý, giống như ngọc thạch, óng ánh tựa pha lê”. Thành thánh đến từ trời là nơi dành cho những kẻ tin, những người quảng đại cộng tác với Chúa Thánh Thần, để xây dựng một gia đình cho Thiên Chúa, cũng như đã can đảm lên đường, loan báo về ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người. Vì thành trì đó không thuộc về thế gian, không có mặt trên thế gian, nên con người chưa thể thấy, chưa thể hiểu được như thế nào, do đó, họ còn hoài nghi về cõi phúc mai sau, còn hững hờ với những lời tiên báo của Con Thiên Chúa khi Ngài còn ở thế gian.

Trước khi rời thế gian để về trời, Đức Giêsu còn nhiều trăn trở trước thái độ vô tâm của con người. Vì thế, Ngài đã thổi hơi trên các Tông đồ, ban Chúa Thánh Thần cho các ông, đặc biệt trong những buổi sinh hoạt sau đó, Chúa Thánh Thần bắt đầu hiện diện chính thức và dẫn lối cho các Tông đồ đi loan báo tin mừng: “Lời các con nghe, không phải là của Thầy, nhưng là của Cha, Ðấng đã sai Thầy. Thầy đã nói với các con những điều này khi còn ở với các con. Nhưng Ðấng Phù Trợ là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con”. Đức Giêsu dạy dỗ con người những gì Chúa Cha đã nói với Ngài, dù vậy, con người chưa thể lãnh hội tất cả, phải đợi cho tới lúc Chúa Thánh Thần hoạt động, soi lòng mở trí cho các ông, họ mới bắt đầu thấy cần phải đổi mới chính mình, đổi mới ý thức về niềm tin, về Thiên Chúa và về giá trị của con người trước mặt Thiên Chúa.

Chúa Thánh Thần được mệnh danh là Thần Chân lý, là Sự thật. Ngài đến giúp con người nhận ra đâu là sự thật, đâu là một nửa sự thật, và đâu là những điều mạo danh sự thật, bóp méo những giá trị thuộc về Chân lý. Chấp nhận một Đức Giêsu lịch sử, đồng thời, Ngài đã chết và nay đang sống với Giáo hội cách thiêng liêng, là một sự thật hiển nhiên, nhưng ngay các Tông đồ, nếu không có Chúa Thánh Thần, sẽ mãi hoài nghi về mầu nhiệm này. Để biết đâu là sự thật, người tín hữu không thể dựa vào lý trí tự nhiên, nhưng cần có sự soi sáng của Chúa Thánh Thần. Ngài hướng dẫn con người biết và hiểu được giá trị thiêng liêng của sự thật. Biết và hiểu là những khái niệm ban đầu giúp con người tiến tới gần hơn với sự thật. Từ đây, con người có đủ can đảm, đủ khiêm tốn để chấp nhận sự thật hay không. Philatô biết việc kết án Đức Giêsu là không đúng sự thật vì tội nhân không có dấu hiệu phạm tội, thế mà ông vẫn để cho người Do-thái kết án Đức Giêsu, biết và hiểu đó là sự thật, nhưng vì những yếu tố liên quan đến quyền bính, địa vị, uy tín và của cải vật chất, nên Philatô và rất nhiều người đã bẻ cong sự thật.

Chấp nhận một sự thật trong cuộc sống, đã là một sự mạo hiểm, sống sự thật và làm chứng cho sự thật, cần một thái độ sống mạo hiểm hơn rất nhiều. Đức Giêsu khi đến trần gian, Ngài đã bộc bạch về sứ mạng cùng với sự điệp Ngài đem tới, Ngài vâng lời Chúa Cha đến cứu độ con người, sứ điệp Ngài đem tới là tình yêu cứu độ của Thiên Chúa Cha. Vì muốn cứu tất cả, Ngài đã tranh luận với nhiều tầng lớp trong cộng đoàn, để mở trí cho họ biết sự thật về ơn cứu độ đến từ Thiên Chúa. Thế nhưng, Ngài bị chống đội kịch liệt, bị khép vào tội chết về xúc phạm Thiên Chúa, xúc phạm đền thờ, xúc phạm lề luật. Những yếu tố đó đều quy về một Thiên Chúa, nhưng vì họ không chấp nhận sự thật nên tìm cách loại trừ Ngài. Trước sự tấn công của ma quỷ, Đức Giêsu vẫn luôn bảo vệ sự thật, dùng chính sự sống mình để nói lên sự thật cứu độ mà Ngài đem tới từ trời. Cái chết của Ngài là một lời chứng cho sự thật. Cái chết đó có sự chứng giám của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, Đức Giêsu biết con người chưa hình dung ra sự thật đó như thế nào, nên đã kết án tử cho Ngài. Vì thế, sau khi sống lại, Đức Giêsu đã ban Thần Chân lý là Chúa Thánh Thần, để Ngài soi trí mở lòng cho con người nhận biết ơn cứu độ đến từ Thiên Chúa Cha, qua mầu nhiệm tử nạn của Người Con duy nhất là Đức Giêsu.

Một nửa sự thật không bao giờ là một sự thật. Biết đâu là sự thật là một cố gắng của con người, biết rồi cần phải chấp nhận sự thật đó dưới ánh sáng của Lời Chúa và sự soi sáng của Chúa Thánh Thần. Có khiêm tốn thực hiện như thế, người tín hữu mới có thể sống sự thật đó qua lời chứng là cuộc đời của chính mình. Đối diện với một xã hội thực dụng và thiên về vật chất, người tín hữu chấp nhận sự thật ở một mức độ tương đối, cũng như sống sự thật cũng như thế. Những giá trị của tôn giáo, của Thánh Kinh không thể là tương đối, không thể là nửa vời được, không thể cùng một lúc người đầy tớ làm tôi hai chủ, người tín hữu không thể vừa thờ phượng Thiên Chúa vừa thờ các thần ngoại khác. Chỉ vì họ chưa gặp gỡ được Chúa Thánh Thần, chưa một lần nghe tiếng Ngài nhắc nhở, chỉ dạy, nên họ vô tình quên sự hiện diện của Chúa Thánh Thần là Thần Chân lý. Không thể đánh đồng sự thật với gian dối, không thể đánh đồng những giá trị của Thiên Chúa với những giá trị ảo của thế gian được. Đức Giêsu đã hiểu rõ bản chất hữu hạn của con người, nên Ngài đã ban Thần Chân lý cho con người. Chúng ta có đủ can đảm để đón nhận Ngài, mời Ngài đến, ở lại trong cuộc đời chúng ta, đồng thời hướng dẫn chúng ta tiến tới con đường trọn lành theo thánh ý Chúa trong cuộc đời.

Lạy Chúa Giêsu, hiểu được nỗi niềm của con người, Chúa đã ban cho con người Chúa Thánh Thần, là Thần Chân lý, để dạy dỗ, hướng dẫn chúng con sống ơn gọi của mình cách vẹn toàn, xin cho chúng con luôn biết đón nhận, lắng nghe lời dạy bảo của Chúa Thánh Thần, để cuộc đời của chúng con là nhịp cầu cho Ngài đi vào giữa lòng thế giới. Chúa luôn ở với con người trong các bí tích, để cùng với Chúa Thánh Thần, ban thêm nguồn sống và nâng đỡ chúng con giữa dòng đời, xin cho chúng con luôn biết cố gắng đón nhận các bí tích trong niềm tin và lòng mến, để được ở trong vòng tay yêu thương cùng với sự chăm sóc của Thiên Chúa tình yêu. Amen.

CHÚNG TA HÃY ĐỂ CHÚA THÁNH THẦN HƯỚNG DẪN HÀNH ĐỘNG CỦA CHÚNG TA
Chúa Nhật VI Phục Sinh Năm C
(Cv 15, 1-2. 22-29; Kh 21, 10-14. 22-23; Ga 14, 23-29)

Tác giả: Jaime L. Waters
Chuyển ngữ: Jos. Đăng Vũ
Nguồn: https://www.americamagazine.org/faith/2022/05/13/easter-peace-spirit-action-242989 (13.5.2022)
 

Trong bài Tin mừng theo thánh Gioan hôm nay, một lần nữa Chúa Giêsu nói về tình yêu thương, đòi buộc này như một yêu cầu đối với tư cách người môn đệ. Chúa Giêsu bày tỏ tình yêu thương này qua việc Ngài chữa lành, phục vụ các môn đệ và cách trọn vẹn nhất khi Ngài hy sinh mạng sống của mình trên thập giá. Những người theo Chúa Giêsu được kêu gọi để phục vụ lẫn nhau, lấy Chúa Giêsu làm gương mẫu. Bạn sẽ đáp ứng nhu cầu của phụ nữ và trẻ em như thế nào? Liệu các cuộc biểu tình có giúp họ có mức lương đủ sống, liệu họ có được quan tâm về việc chăm sóc sức khỏe và giáo dục một khi ồn ào này lắng xuống từ quyết định này của tòa án?

Tin Mừng hôm nay cũng mang đến niềm an ủi và hy vọng mà chúng ta đang cần. Chúa Giêsu hứa sẽ ban Thánh Thần để hướng dẫn và dạy dỗ chúng ta. Chúa Giêsu bảo các môn đệ của Ngài hãy nhận lấy Thánh Thần, Ngài khẳng định rằng sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong thế giới nằm nơi mỗi người chúng ta. Theo như Chúa Giêsu thì việc làm của chúng ta phải làm với tình yêu thương và sự phục vụ, và Chúa Thánh Thần sẽ thúc đẩy và nâng đỡ chúng ta qua công việc đó. Nếu chúng ta cầu xin sự giúp đỡ của Thiên Chúa để dẫn dắt chúng ta vượt qua các cơn khủng hoảng, thì chúng ta cũng phải cầu nguyện để tìm được sự hướng dẫn và can đảm từ Chúa Thánh Thần để giúp chúng ta hành động trong thế giới.

Chúa Giêsu cũng nói rằng Ngài ban bình an cho thế gian, điều mà Ngài đã nhấn mạnh trong những lần hiện ra sau khi Phục sinh cho các môn đệ. Rõ ràng, chúng ta rất cần sự bình an, vì trong thế giới hôm nay có quá nhiều đau khổ và chiến tranh. Tuy nhiên, chúng ta không thể có bình an khi hỗn loạn và bất công vẫn đang diễn ra. Hơn nữa, chúng ta phải ứng phó phù hợp để giúp đỡ những người phải chịu ảnh hưởng của chính trị mỗi ngày. Để có được sự bình an Phục sinh mà Chúa Giêsu ban cho thế gian, chúng ta phải cộng tác với công việc của Chúa Thánh Thần để việc làm của chúng ta mang lại hoa quả tốt đẹp.

Trong những lời từ biệt của Chúa Giêsu với các môn đệ, Ngài an ủi các ông khi các ông biết rằng Ngài sắp phải lìa thế gian. Chúa Giêsu muốn các môn đệ hiểu ý nghĩa các chết của Ngài và sẵn sàng cho việc Ngài sẽ Phục sinh và lên trời. Khi Chúa Giêsu nói: “Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi”, Chúa Giêsu nói về sự đau khổ của chính Ngài và cách những người theo Ngài có thể phản ứng trước sự mất mát đó. Chúa Giêsu cho thấy Ngài sẵn sàng chịu đau khổ và Ngài muốn những người theo Ngài tìm thấy sự bình an khi biết rằng tình yêu của Ngài sẽ tiếp tục ngay cả sau khi Ngài chết. Tình yêu Chúa Giêsu dành cho chúng ta: Agape - một tình yêu thiêng liêng, vị tha, có thể cho chúng ta niềm an ủi và cảm hứng để chúng ta tiếp cận với các nhu cầu của thế giới.

Khi chúng ta đang phải tiếp tục trải qua quãng thời gian không mấy bình an này, chúng ta phải thực hiện lời kêu gọi yêu thương và phục vụ một cách nghiêm túc. Nhiều nhà lãnh đạo trong Giáo hội đã coi việc phá thai là vấn đề ưu tiên hàng đầu và chúng ta sẽ sớm thấy kết quả mà các nhà lãnh đạo của chúng ta đang cố gắng thực hiện. Thay vì ăn mừng điều này như một chiến thắng hoặc than vãn đây là một mất mát, hãy tìm ra cách bạn sẽ phục vụ nhiều người cần sự giúp đỡ của bạn.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây