TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật VI Thường Niên – Năm C

05/02/2022 09:16:10 |   1245

Chúa Nhật VI Thường Niên – Năm C
 

cn t6 TNC
Lc 6, 17.20-26

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

Chúa Nhật VI Thường Niên – Năm C

Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến! Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật VI thường niên đề cập đến một vấn đề mà mọi người quan tâm, vì có liên hệ mất thiết với hết mọi người. Đó là vấn đề các mốì phúc và các mối họa trong cuộc sống. Hẳn nhiên là quan điểm của Chúa Giêsu về phúc và họa rất khác biệt với quan niệm thông thường của người đời. Là Kitô hữu chúng ta được mời gọi lắng nghe và đón nhận sự chỉ dạy của Chúa, để đạt được hạnh phúc thật và tránh được các mối họa thật sự nguy hiểm.

Sống trên trần gian, tự nhiên ai trong chúng ta cũng khát mong được hạnh phúc, được thoải mái, được dễ chịu, được mọi điều như ý. Chính vì niềm khát mong đó mà nhiều người đã tận dụng mọi cách, áp dụng mọi phương thế, bất chấp mọi thủ đoạn, dù tốt hay xấu, chính đáng hay bất chính, miễn sao đạt được điều khát mong.

Nhưng làm thế thay vì hạnh phúc lại mang tới một môi họa thật lớn mai sau. Giờ đây chúng ta muốn được hạnh phúc hãy thành tâm thống hối tội lỗi để xứng đáng tham dự bàn tiệc thánh.

Ca nhập lễ

Xin Chúa trở thành núi đá cho tôi trú ẩn, trở thành chiến luỹ kiên cố để cứu độ tôi. Bởi Chúa là Đá Tảng, là chiến luỹ của tôi, vì uy danh Chúa, Chúa sẽ dìu dắt và hướng dẫn tôi.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa thích ngự trong những tâm hồn ngay thẳng, xin tuôn đổ hồng ân giúp chúng con ăn ở thế nào, để trở nên đền thờ của Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Gr 17, 5-8

“Khốn thay cho kẻ tin tưởng người đời; phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa”.

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Ðây Chúa phán: “Khốn thay cho kẻ tin tưởng người đời, họ nương tựa vào sức mạnh con người, còn tâm hồn họ thì sống xa Chúa. Họ như cây cỏ trong hoang địa, không cảm thấy khi được hạnh phúc; họ ở những nơi khô cháy trong hoang địa, vùng đất mặn không người ở. Phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa, và Chúa sẽ là niềm cậy trông của họ. Họ sẽ như cây trồng nơi bờ suối, cây đó đâm rễ vào nơi ẩm ướt, không sợ gì khi mùa hè đến, lá vẫn xanh tươi, không lo ngại gì khi nắng hạn mà vẫn sinh hoa kết quả luôn.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6

Ðáp: Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa (Tv 39, 5c).

Xướng: Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa, và suy ngắm luật Chúa đêm ngày.

Xướng: Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa; lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt.

Xướng: Kẻ gian ác không được như vậy; họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi, vì Chúa canh giữ đường người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong. 

Bài Ðọc II: 1 Cr 15, 12. 16-20

“Nếu Ðức Kitô đã không sống lại, thì lòng tin của anh em cũng là hão huyền”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, nếu Ðức Kitô được rao giảng rằng Người đã từ cõi chết sống lại, thì làm sao có người trong anh em cho rằng không có sự sống lại từ cõi chết? Vì nếu kẻ chết không sống lại, Ðức Kitô cũng đã không sống lại. Nếu Ðức Kitô đã không sống lại, thì lòng tin của anh em cũng là hão huyền, và hiện anh em vẫn còn ở trong tội lỗi của anh em. Như thế ai đã chết trong Ðức Kitô, cũng bị tiêu huỷ cả. Nếu chúng ta chỉ hy vọng vào Ðức Kitô trong cuộc đời này mà thôi, thì chúng ta là những người vô phúc nhất trong thiên hạ.

Nhưng không, Ðức Kitô đã từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của những người đã yên giấc.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! – Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 6, 17. 20-26

“Phúc cho những kẻ nghèo khó. Khốn cho các ngươi là kẻ giàu có”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu từ trên núi xuống cùng với mười hai tông đồ, và dừng lại trên một khoảng đất bằng; ở đó có đông môn đệ và một đám đông dân chúng từ Giuđêa, Giêrusalem, miền duyên hải Tyrô và Siđon kéo đến để nghe Người giảng và xin Người chữa bệnh tật. Bấy giờ Người đưa mắt nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ tên các ngươi như kẻ bất lương. Ngày ấy, các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời. Chính cha ông họ cũng đã đối xử với các tiên tri y như thế.

“Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi. Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát. Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu khóc lóc. Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, vì chính cha ông họ cũng từng đối xử như vậy với các tiên tri giả”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Sống theo tám mối phúc thật, là lối sống đạo đẹp lòng Chúa nhất. Với ước mong nên hoàn thiện như Cha trên trời, chúng ta cùng dâng lời cầu xin:

1. “Phúc thay cho người tin tưởng vào Chúa” Xin cho Hội Thánh được Chúa hướng dẫn luôn phát triển, để mọi Kitô hữu luôn cảm thấy hạnh phúc vì có Chúa đồng hành.

2. “Nếu Đức Kitô không sống lại, thì lòng tin của anh em cũng là hão huyền ”.-Xin cho niềm tin vào Đức Kitô phục sinh, thúc đẩy những nhà hoạt động xã hội sẵn sàng hy sinh hơn nữa, để mưu tìm hạnh phúc cho mọi người, nhất là những người nghèo đói bệnh tật.

3. “Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó”.- Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta, khi tìm thoát cảnh nghèo khó, không đánh mất khát vọng Nước Trời, và biết sống theo tinh thần Tám Mối Phúc thật, yêu thương săn sóc những người yếu đau bệnh tật nhiều hơn.

4. Nói thì dễ làm mới khó.- Xin cho mỗi người chúng ta trong ngày Chúa Nhật khi đọc kinh “phúc thật tám mối “ thì cũng biết thực hành như vậy cho những anh chị em bệnh nhân, biết kết hợp hi sinh đời mình với Thập Giá Chúa Kitô, để không chán nản thất vọng.

Chủ tế: Lạy Chúa, chúng con chỉ trở nên môn đệ đích thực của Chúa, khi chúng con tuân giữ trọn vẹn lề luật của Chúa. Xin Chúa ban ơn giúp sức để chúng con mãi mãi tin yêu và sống theo luật Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho thánh lễ này, tẩy rửa và đổi mới chúng con, để chúng con đáng được phần thưởng muôn đời Chúa hứa ban cho những kẻ thi hành ý Chúa. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Thiên hạ hãy cảm ơn Chúa vì Chúa nhân hậu, và những điều kỳ diệu của Ngài đối với loài người, bởi Ngài đã cho người đói khát được no nê, người cơ hàn được tràn trề thiện hảo.

Hoặc đọc:

Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. Phúc cho những ai đói khát điều công chính, thì họ sẽ được no thoả.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con được thưởng thức bánh bởi trời, xin dạy chúng con không ngừng khao khát Chúa là nguồn sống đích thực. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Giúp đỡ

Báo Tuổi Trẻ số ra ngày 2.11.1994 có đăng bài viết về cô Vương Ngọc Sương, một người tàn tật, phải ngồi xe lăn mà còn mở lớp học tình thương cho trẻ em nghèo. Và hơn thế nữa, còn sử dụng căn nhà bé nhỏ của mình để chăm sóc một số bệnh nhân tàn tật giống như cô.

Câu chuyện xảy ra vào năm 1985, trong một tai nạn cô bị chấn thương cột sống, khiến cho đôi chân mất dần cảm giác. Chồng cô kiên nhẫn thăm nuôi cô được sáu tháng rồi biệt tăm, để lại cho người vợ tàn tật hai đứa con nhỏ. Giữa cảnh túng quẫn, cô được một người mẹ nuôi bên Pháp giúp đỡ. Điều đáng thán phục đó là cô đã vận dụng số tiền nhận được để phục vụ những người tàn tật và trẻ em nghèo túng.

Có một ông bố mà những đứa con đã được cô nhận nuôi, sau khi đến thăm cô đã phải bật khóc và nói:

- Tôi còn nguyên vẹn như thế này mà đã hư hỏng, trong khi chị tật nguyền lại phải lãnh hết việc nuôi dạy các con tôi.

Và từ đó ông cố gắng chừa bỏ tật nghiện rượu là nguyên nhân gây nên những đổ vỡ trong gia đình ông. Chính mẹ nuôi của cô ở Pháp cũng viết thư và cho biết:

- Mấy người Pháp đến Việt Nam thăm cô nay trở về cũng tỏ ra là những người sốt sắng sống đạo khác hẳn trước. Riêng phần mình, cô đã không ngần ngại thú nhận: trước kia cô đã từng dửng dưng với những khổ đau của người khác và đã từng làm mất lòng Chúa. Chính nhờ sự tàn tật mà cô được ơn hoán cải. Cô vui vẻ đón nhận mọi điều Chúa cho xảy ra nơi thân xác cô cũng như nơi môi trường cô đang sống.

Từ mẩu chuyện trên chúng ta nhận thấy: việc làm của cô là một phản ảnh trung thực cho lời giảng và việc làm của Chúa. Thực vậy Thiên Chúa đã chiếu cố đến hoàn cảnh của từng người. Ngài không chỉ loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó, mà còn là hiện thân của Tin Mừng đó. Bởi lẽ, vì yêu thương, Ngài đã xuống thế làm người, trở nên anh em với hết mọi người. Do đó, không một đau khổ nào chúng ta phải chịu mà không đụng tới lòng thương xót và chương trình cứu nhân độ thế do chính Ngài thực hiện. Ngài đã nghiệm thấy cái đói của một bà goá. Ngài đã chữa lành mọi kẻ phong cùi, bất luận họ là người Syria hay là người Do Thái. Vì thế mới có sự kiện đoàn lũ dân chúng từ khắp nơi, tuốn đến nghe Ngài giảng và để Ngài chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền.

Đồng thời Ngài cũng muốn chúng ta biểu lộ lòng thương xót với anh em bằng những hành động cụ thể, bởi vì khi chúng ta giúp đỡ anh em là chúng ta giúp đỡ cho Chúa. Nhờ đó mà chúng ta trở nên con cái của Chúa Cha, Đấng ngự ở trên trời:

- Các con hãy có lòng nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ.

Bởi đó, hãy giúp đỡ những người chung quanh, nhất là những kẻ bất hạnh và nghèo khổ, để nhờ đó chúng ta sẽ được nếm thử niềm hạnh phúc dạt dào như lời Ngài đã phán:

- Phúc cho những ai có lòng thương xót vì họ sẽ được xót thương.

 

CHÚA NHẬT TUẦN 6 THƯỜNG NIÊN – 2001

(Lc 6:17, 20-26) Lm Lã Mộng Thường

Thoạt nghe công bố Lời Chúa, chúng ta thường hiểu bài Phúc Âm theo thói quen nhận biết những sự vật và sự việc hữu hình nơi cuộc sống do đó ai cũng đều mang cảm nghĩ Lời Chúa nói lên những điều nghịch thường. “Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó”.

Trải qua bao ngày tháng nơi cuộc đời, ai không thực sự cảm nhận được nghèo là một cái tội. Chẳng những sự nghèo nàn ngăn chận, bó chân, buộc tay con người khiến không thể thực hiện những ước mơ, chẳng những cũng vì nghèo nên không thể giúp đỡ những kẻ khốn cùng chung quanh, không thể có được ít nhất cuộc đời sao cho bằng mày bằng mặt với mọi người, mà cũng vì nghèo nên nhiều khi bị những người khác khinh thường.

Thế mà Phúc Âm lại đường đường đặt nơi miệng Đức Giêsu cả loạt những điều trái ngược với thực tế. “Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi và loại trừ tên các ngươi như kẻ bất lương. Ngày ấy, các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời”.

Những ai đã chẳng may rơi vào hoàn cảnh Nguyễn Công Trứ đã bày tỏ nơi thời kỳ khốn khổ của ông, “Ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch” có lẽ sẽ cảm thấy nỗi thấm thía đến độ chán chường khi đọc lời Phúc Âm, “Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát”.”

Và nếu hiểu Phúc Âm theo nghĩa đen, chúng ta thực sự đã được dạy dỗ hoàn toàn sai lầm về việc giúp đỡ cho những người nghèo hoặc kẻ khốn cùng bởi đã cướp mất niềm hạnh phúc của họ. Hơn nữa, theo thiển ý, không ai trong chúng ta muốn trở nên nghèo khó. Thêm vào đó, giả sử nếu ai muốn trở nên nghèo khó thì đã không phải là kẻ nghèo khó mà có chăng lại khó mà nghèo.

Đàng khác, cũng chỉ vì hiểu Phúc Âm theo nghĩa đen, người ta đã bày ra nhiều thứ lạ đời. Chẳng hạn những vị thuộc các dòng tu có lời khấn khó nghèo. Khó nghèo đối với họ chỉ là không giữ tiền riêng nhưng được cung cấp đầy đủ. Sự khó nghèo này nói cho đúng, chỉ khó mà nghèo vì đâu ai phải lo bill bọng. Đâu ai phải đi chiếc xe được chế tạo trước ngày mình được sinh ra như chúng ta thường thấy nhan nhản trước mắt. Đâu ai phải cuống lên khi vợ ốm, con đau trong lúc gia đình hết gạo, không tiền, nay người này đòi nợ, mai kẻ khác nói móc, nói xéo e rằng mình ôm tiền của họ xuống tuyền đài không còn cơ hội trả.

Nói chung, không ai trong chúng ta thực hiện Lời Chúa theo nghĩa từ chương, nhưng vì không chịu đặt vấn đề tìm hiểu ý nghĩa lời Phúc Âm muốn nói gì nên chấp nhận những lời giảng giải đầy mâu thuẫn thế tục cho qua, để khỏi mang mặc cảm tội lỗi vì đã sống nghịch lại Lời Chúa, đã cố gắng dùng mọi mánh khóe, công sức để có được nhiều tiền như một phương tiện đảm bảo cho cuộc đời.

Có cuộc sống ngay lành, chăm chỉ, cần mẫn làm lụng để có của ăn, của để xây dựng gia đình nào có chi sai trái, ngược lại, đó là điều tốt lành, thánh thiện vì đã không biến mình thành gánh nặng cho xã hội hoặc những người chung quanh.

Thế sao Phúc Âm đặt nơi miệng Đức Giêsu câu nói, “Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát”. Thử hỏi, không đầy đủ sao có tiền cho nhà thờ? Tại sao có câu nói, “Có thực mới vực được đạo?” Nếu một người bụng đói, không tiền mua thực phẩm sống cho qua ngày thì chắc chắn cũng chẳng có thể bước tới nhà thờ phương chi nói tới giúp kẻ nghèo, hoặc nay tiền quyên góp, mai tiền bảo trợ.

Nhận xét thực trạng cuộc đời như thế, chúng ta cần mở rộng tâm hồn suy gẫm Lời Chúa một cách thâm trầm hơn, chẳng nên học thói ỷ lại của những cô phù dâu khờ dại, bảo sao nghe vậy. Theo Phúc Âm, người nghèo khó có nghĩa những ai để tâm trí tìm kiếm Nước Trời, những ai suy nghiệm lời Phúc Âm, những ai không đua đòi, chạy theo vẻ hào nhoáng thế tục.

Thử hỏi các cô, dẫu thuộc nằm lòng “cái nết đánh chết cái đẹp” nhưng các cô đã tiêu phí những bao nhiêu cho những bộ quần áo thời trang, rồi bút này, phấn kia, kem nọ, nước bông, nước hoa khiến người đứng gần cảm thấy khó thở. Các bà đều biết rõ câu châm ngôn, “Kẻ đã già mà còn làm dáng thì chẳng khác gì chiến nhẫn đồng mạ vàng”; Thế sao những hãng may, những tiệm bán nhung lụa vẫn nhan nhản, dẫu biết rằng cho dù thế nào chăng nữa cũng chỉ là “hơn nhau tấm áo manh quần”.

Dĩ nhiên, nơi cuộc sống, những điều cần có, nên có, và phải có, thì dẫu không muốn cũng không được nên đành phải có. Phúc Âm không lên án những người giầu hoặc có hình hài vóc dáng xinh tươi và ăn bận đẹp đẽ, nhưng Phúc Âm lên án tất cả những ai dùng cuộc đời mình đã được ban cho để chạy theo những nét phù du mà không cần biết đến giá trị tâm linh, không để ý thăng tiến nơi hành trình đức tin, trái lại sống hùa theo người khác hầu có được nỗi an tâm giả tạo, được tiếng tăm bằng vẻ hào nhoáng, hình thức, đánh lừa những ai ngây thơ, thiếu hiểu biết.

Những người được gọi là giầu có và bị kết án nơi Phúc Âm có nghĩa bất cứ ai không nhận biết giá trị, mục đích cuộc đời của mình. Đây là những người không dám tự xét mình được sinh ra để làm gì, không nhận biết chết rồi mình sẽ thế nào mà chỉ mơ tưởng điều mình chưa bao giờ tự suy nghiệm, nhận biết. Những kẻ giầu có theo Phúc Âm là những ai đã để người khác lừa dụ dù bằng bất cứ lý thuyết, chủ thuyết, hay sự giải thích hay ho, cao vời nào mà không bao giờ dám đặt vấn đề tự hỏi mình thực sự như thế nào.

Nói tóm lại, người nghèo khó nơi Phúc Âm là những ai để ý tìm kiếm Nước Thiên Chúa, những ai cảm thấy khát khao nhận biết về Chúa nơi cuộc đời mình. Những kẻ giầu có là người chấp nhận nghe sao biết vậy và lợi dụng những lời giảng dạy của người khác với những ý đồ bất chính; những kẻ không suy gẫm Lời Chúa dù họ ở bất cứ đấng bậc nào. Những người giầu có là những kẻ chạy theo thế tục hầu có nỗi an tâm giả tạo. Phúc cho các ngươi những ai tìm kiếm Nước Thiên Chúa, những người thực sự khát khao nhận biết Thiên Chúa nơi mình. Amen.

Chúa nhật tuần lễ thứ sáu thường niên
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 6, 17. 20-26).

Khi ấy, Chúa Giêsu từ trên núi xuống cùng với mười hai tông đồ, và dừng lại trên một khoảng đất bằng; ở đó có đông môn đệ và một đám đông dân chúng từ Giuđêa, Giêrusalem, miền duyên hải Tyrô và Siđon kéo đến để nghe Người giảng và xin Người chữa bệnh tật. Bấy giờ Người đưa mắt nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ tên các ngươi như kẻ bất lương. Ngày ấy, các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời. Chính cha ông họ cũng đã đối xử với các tiên tri y như thế.
“Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi. Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát. Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu khóc lóc. Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, vì chính cha ông họ cũng từng đối xử như vậy với các tiên tri giả”.

Suy niệm

Bước vào một năm mới với nhiều niềm vui và hy vọng từ những lời cầu chúc cho nhau, ai ai cũng mong công ăn việc làm của mình trong năm này sẽ thuận lợi, sẽ thành công và sẽ sung túc hơn năm cũ. Ước mong là vậy thế mà Chúa lại bảo là phúc cho anh em là những người nghèo khó, vì Nước Trời là của anh em. Thế có phải Thiên Chúa không mong muốn con người biết dùng khả năng và khối óc Thiên Chúa ban để tính toán, để làm ăn và để khởi nghiệp thành công sao. Chắc không phải là như cách suy nghĩ của con người. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ sáu thường niên mời con người trở lại với cuộc sống thường ngày trong những chọn lựa và tính toán, để thấy nơi đó, dù có vất vả ngược xuôi hay thuận buồm xuôi gió trong mọi công việc, Thiên Chúa vẫn ở đó với con người, chúc phúc cho con người và chia sẻ với con người trong mọi hoàn cảnh cuộc đời.

Cách đây gần 3 ngàn năm, dân riêng của Thiên Chúa đã không ít lần từ bỏ lời chỉ dạy của Ngài, chạy theo những trào lưu xã hội và tìm đến với những xu hướng của thời đại, để rồi bỏ quên lề luật và việc phụng tự hàng ngày. Thiên Chúa đã sai tiên tri Giê-rê-mi-a đến để sửa lại những gì lệch lạc, đồng thời lên tiếng cảnh tỉnh những con người âm thầm lôi kéo cộng đoàn đi vào con đường của thế gian, xa rời Thiên Chúa, Đấng đã dẫn đưa họ ra khỏi cảnh nô lệ của thế gian: “Đây Chúa phán: “Khốn thay cho kẻ tin tưởng người đời, họ nương tựa vào sức mạnh con người, còn tâm hồn họ thì sống xa Chúa. Họ như cây cỏ trong hoang địa, không cảm thấy khi được hạnh phúc; họ ở những nơi khô cháy trong hoang địa, vùng đất mặn không người ở. Phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa, và Chúa sẽ là niềm cậy trông của họ”. Con người thích thú trước những gì đem lại lợi ích và niềm vui cho họ trong cuộc sống, vì thế, đã bao đời nay, Thiên Chúa mời con người nhìn xa hơn về hạnh phúc đời sau, nhưng đó là một viễn cảnh, nên họ không quan tâm, chỉ biết sống thực dụng. Thói quen thực dụng đó của con người đã không ít lần làm cho Thiên Chúa rơi lệ, cạn kiệt tình mến đối với Ngài, vậy mà Thiên Chúa vẫn tha thứ, vẫn yêu thương và chăm sóc họ. Quả là một Thiên Chúa có trái tim người cha nhân hậu vô cùng.

Chứng kiến những niềm tin non trẻ của các cộng đoàn Giáo hội sơ khai, các Tông đồ luôn trăn trở bởi thái độ hững hờ của con người, dù rằng có các Ngài bên cạnh, họ vẫn chạy theo những lề thói mê tín của dân ngoại hoặc đem các tập tục của dân ngoại vào trong mọi sinh hoạt tôn giáo của mình. Cách biểu lộ niềm tin như thế vô tình xúc phạm đến tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho họ, thánh Phaolô đã nhắc nhở cho cộng đoàn Cô-rin-tô khi thấy niềm tin của họ bị dao động, bị xói mòn do thói quen sống hững hờ: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lòng tin của anh em cũng là hão huyền, và hiện anh em vẫn còn ở trong tội lỗi của anh em. Như thế ai đã chết trong Đức Kitô, cũng bị tiêu huỷ cả. Nếu chúng ta chỉ hy vọng vào Đức Kitô trong cuộc đời này mà thôi, thì chúng ta là những người vô phúc nhất trong thiên hạ. Nhưng không, Đức Kitô đã từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của những người đã yên giấc”. Người tín hữu Kitô là người tin vào một Thiên Chúa hiện diện nơi người Con là Đức Giêsu Kitô, người Con đó đi vào lịch sử nhân loại để đem con người tới bến bờ hạnh phúc đích thực là Nước Trời, chứ không dẫn con người đi tìm những khoái lạc trần gian, vì thế, những ai tin vào Ngài sẽ tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống ngay từ hôm nay, nhưng phải là một niềm tin chân thành và sắt son.

Bài giảng đầu tiên trong sứ vụ của mình, Đức Giêsu đã nói về các mối phúc, được thánh Matthêu ghi lại trong bản văn của ngài: Phúc thay những ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. nhưng bản văn của thánh Luca ghi lại các mối phúc trong bài giảng đó theo một lối nẻo khác: “Bấy giờ Người đưa mắt nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ tên các ngươi như kẻ bất lương”. Phúc cho các ngươi, phúc cho anh em là những người đang đứng trước mặt tôi đây, Đức Giêsu muốn gởi đến cho những ai đang lắng nghe Ngài giảng dạy, những ai đang mong kiếm tìm hạnh phúc và Nước Trời. Thiên Chúa chúc phúc cho những ai bị bóc lột, bị đàn áp, bị chèn ép trong cuộc sống, để rồi cuộc đời của họ trở nên bất hạnh, không được tôn trọng, không được yêu thương và không được đối xử công bằng trong cuộc sống. Thiên Chúa sẽ ở bên cạnh họ để che chở và bảo vệ họ như người Cha chăm sóc và bảo vệ cho con cái mình.

Cách trình bày của thánh Matthêu dễ đưa người đọc và người nghe tới cái nhìn khác về các mối phúc. Thiên Chúa như một người đứng xa xa chúc phúc cho ai có tinh thần khó nghèo, có ý hướng sống nghèo hay đang bị nghèo. Phải chăng Thiên Chúa dửng dưng trước nỗi khổ nghèo đói của con người ngay phút giây hiện tại sao? Còn thánh Luca khi trình bày các mối phúc, đã đưa người nghe và người đọc tới phút giây hiện tại họ đang sống, Thiên Chúa chúc phúc và hiện diện với những ai đang bị nghèo, đang đói khát. Cái nghèo, cái đói họ đang nhận chịu là do bị bóc lột, bị đàn áp, bị chèn ép, bị đối xử ngược đãi, thiếu công bằng và tôn trọng nhân phẩm. Những ai đang bị đối xử bất công như thế, Thiên Chúa sẽ đứng về phía họ, sẽ bảo vệ họ và sẽ yêu thương họ nhiều hơn. Thiên Chúa không tạo ra một thế giới bất bình đẳng, nhưng do lòng tham của con người, thời đại nào, giai đoạn nào của lịch sử nhân loại, người nghèo vẫn còn khắp nơi, vì bị bóc lột, phần thì bị hạn chế khả năng và tri thức, nên họ bị đối xử bất công. Thiên Chúa đã chọn con đường làm người, sống lang thang trên mọi nẻo đường, ngủ tạm bợ đâu đó trên đường đời và chết tủi nhục ngoài đường, trên khổ giá. Ngài chấp nhận tất cả để chia sẻ với cái nghèo khổ và vất vả của phận người đó.

Khốn cho các ngươi là những người giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi rồi. giàu có trong cuộc sống là điều ai cũng mong ước. nhưng giàu có theo ý Thiên Chúa muốn thì con người chưa quan tâm thực sự. thường con người chỉ quan tâm tới cái giàu bên ngoài, với những hình thức sang trọng, mà quên đi cái giàu của chiều sâu bên trong. Khi của cải vật chất dư dật, con người chưa thực sự bình an, chưa thể tìm thấy hạnh phúc trong đó, mà trái lại chỉ thấy bất an và bất hạnh. Tại sao con người không đi tìm cái giàu bên trong của lòng nhân hậu và tinh thần phục vụ tha nhân bằng những gì Thiên Chúa cho mình. Con người đi tìm cái giàu có cho hiện tại nhưng quên đi tìm cái giàu có cho tương lai. Biết bao nhiêu người đã tìm được cái giàu có hiện tại với vô số tiền bạc và sở hữu nhiều hiện vật vô giá, nhưng họ quên một điều quan trọng là trong đám tang của họ, chỉ có một chiếc xe chở quan tài chứ sau đó không có chiếc xe tải nào chở của cải, hiện vật vô giá đi theo, để giúp họ được bình an nằm xuống trong nấm mồ lạnh. Chẳng lẽ những chân lý đó con người không biết sao, hay đã biết nhưng cố tình che đôi mắt mình lại, để tiếp tục bóc lột người khác, tiếp tục làm giàu hiện tại, tiếp tục làm giàu theo chiều ngắn mà quên làm giàu theo chiều sâu, quên làm giàu cho tương lai của mình. Quả là một quên sót cần phải nhắc lại đây để cuộc sống con người vơi bớt khổ đau.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đi vào ngôi nhà nhân loại trong thân phận một em bé trần trụi, không một mái nhà, không một nơi trú thân, tất cả để trở nên con người nhỏ bé và nghèo khó, để thấu hiểu và cảm thông với con người, xin cho chúng con hôm nay biết bắt chước Chúa, ra khỏi vỏ bọc an toàn của mình, để chia sẻ với những người nghèo, với những người bất hạnh khổ đau. Chúa đã chấp nhận một kiếp người không chốn nương thân để cảm thông với những người đang phải nghèo vì bị bóc lột, bị ức hiếp, xin cho chúng con biết giúp đỡ và đồng hành với những người đang sống trong tình trạng thiếu thốn và bị loại trừ giữa xã hội. Xin Chúa thương che chở và bảo vệ họ trong vòng tay yêu thương của Chúa. Amen.

 

ĐÚNG ĐỊA CHỈ
(Chúa Nhật VI TN C) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa –  Ban Mê Thuột

Kitô hữu chúng ta không xa lạ gì với kinh Tám Mối Phúc Thật. Giáo Hội lại khẳng định bát phúc chính là bản Hiến Chương Nước Trời. Thế nhưng để hiểu nội dung, ý nghĩa của tám mối phúc thì không hẳn dễ dàng. Quả thật, đã có biết bao giấy mực xưa nay nói về các mối phúc ấy. Tám mối phúc như Tin Mừng thánh Matthêu tường thuật hay là chỉ có bốn mối phúc theo Tin Mừng thánh Luca? Vì sao nghèo khó, sầu khổ, khóc than, bị oán ghét, sỉ vả mà lại là có phúc? Một cuộc cách mạng về bậc thang giá trị hay là những thách thức với quan niệm của người đời xưa nay?

Không sợ sai lầm để khẳng định rằng sự khổ hay cái nghèo tự chúng không phải là mối phúc. Nhưng chính người nghèo, người đau khổ là những đối tượng được chúc phúc. Họ được chúc phúc vì họ đang còn biết mong chờ, biết hy vọng một điều gì đó tốt lành hơn đến từ trên cao. Bởi chưng họ đã như vô phương tự cứu mình và cũng chẳng còn có thể cậy dựa vào các nguồn lực ở dưới trần gian này. Và khi Đấng cứu độ đến thi ân giáng phúc, thì họ là những người biết mở rộng tâm hồn để đón nhận.

Chúng ta có thể hiểu điều này khi Chúa Giêsu sau khi chúc phúc cho những người nghèo, người bất hạnh, khốn khổ, thì Người đã báo họa những người bây giờ đang giàu có, vui cười, sung sướng, đang được mọi người ca tụng. Cái khốn của họ là ở thái độ tự thỏa mãn trong tình trạng đủ đầy sự may lành trần gian hiện có. Đã thỏa mãn thì sẽ chẳng khát khao điều gì hơn nữa. Cái khốn của họ còn thể hiện nơi việc họ đặt niềm tin cậy vào những thiện hảo chóng qua đời này, vào quyền lực của thế gian này, khi cho rằng chúng chính là hạnh phúc thật, là nguồn bảo đảm hạnh phúc thật.

Ngôn sứ Giêrêmia đã thẳng thừng: “Đức Chúa phán như sau: Đáng nguyền rủa thay kẻ tin ở người đời, lấy sức phàm nhân là nơi nương tựa, và lòng dạ xa rời Đức Chúa! Người đó sẽ như bụi cây trong hoang địa chẳng được thấy hạnh phúc bao giờ…” (Gr 17, 5-6).

Đã là hạnh phúc thật thì phải mãi mãi trường tồn. Những thực tại tốt đẹp ở trần gian này như của cải, chức quyền, bổng lộc… dù quý giá đến mấy thì cũng chỉ là những kho tàng “có thể bị ten sét, bị mối mọt đục khoét, bị mất trộm, mất cướp” (x.Mt 6, 19-21). Cái hữu hạn thì không thể đem lại hạnh phúc đích thật. Chỉ có Thiên Chúa, Đấng là nguồn mọi thiện hảo, là Đấng vô thủy vô chung, không hề đổi thay, mới là nguồn của hạnh phúc thật.

Bỏ hình để bắt bóng là một trong những chước cám dỗ muôn đời với con người, nhất là với những người vốn có chút của tiền, danh vọng hay quyền lực trong tay. Có thể nói nhiều luật sĩ, biệt phái, thượng tế thời Chúa Giêsu đã rơi vào chước cám dỗ này. Họ tự hào về lòng đạo đức qua việc giữ luật tỉ mỉ cách bên ngoài của mình. Họ tự cao về sự hiểu biết, về vị thế của mình trước mặt đám đông dân chúng. Họ tự mãn về của cải vật chất và chức quyền đang có trong tay. Chính vì thế khi Chúa Cứu Thế đến thì họ chối từ. Đã không tiếp nhận, họ lại còn tìm cách loại bỏ Đấng là nguồn của hạnh phúc thật.

Hạnh phúc thật sẽ đến với những ai biết đặt niềm tin cậy vào Thiên Chúa. Giêrêmia còn khẳng định: “Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa, và có Đức Chúa làm chỗ nương thân. Người ấy như cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong, mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì, lá trên cành vẫn cứ xanh tươi, gặp năm hạn hán cũng chẳng ngại, và không ngừng trổ sinh hoa trái” (Gr 17, 7-8).

Như thế khi chúc phúc cho người nghèo, người khốn khổ, bất hạnh… Chúa Giêsu xác nhận rằng họ đã biết đặt niềm tin cậy đúng địa chỉ, đó là vào chính Người, Đấng đang phán dạy họ. Tác giả Thánh Vịnh đã từng cảm nghiệm: “Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời, thì hơn tin cậy ở người trần gian…” (Tv 118, 8). Vậy thử hỏi thế nào là biết đặt niềm tin cậy vào Thiên Chúa? Khi đặt niềm tin cậy vào một ai đó thì chúng ta hoàn toàn giao phó cuộc đời của mình, tương lai của mình, số phận đời đời của mình cho người ấy. Động thái giao phó đời mình được biểu hiện bằng việc đi theo bước chân người mình tin cậy và sống theo lời người ấy chỉ dạy.

Đấng mà chúng ta tự nguyện đặt niềm tin cậy, tức là gắn bó và sống theo lời Người chỉ dạy đó là Giêsu Kitô. Chúa Kitô không chỉ là người có quyền năng trong lời nói và hành động mà Người còn bảy tỏ uy quyền tối thượng của Người bằng việc chiến thắng sự chết. Mầu nhiệm Chúa Phục Sinh là nền tảng để chúng ta đặt niềm tin cậy vào Người. Thánh Tông đồ dân ngoại khẳng định: “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em… Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1Cr 15, 17-19).

Đã là người thì ai cũng mong muốn và luôn kiếm tìm hạnh phúc. Tuy nhiên vẫn có nhiều người lầm tưởng tình trạng hạnh phúc là khi có đủ đầy tiện nghi vật chất, chức quyền, danh vọng hay được thỏa mãn một số nhu cầu nào đó. Cái ảo tưởng này sẽ tan vỡ, khi họ đối diện với những biến cố không may trong cuộc đời mà ít ai tránh được và nhất là khi đối diện với cái chết không ai thoát được. Hạnh phúc đích thật của con người là tình trạng được hiệp thông với Đấng đã cho con người từ hư vô được hiện hữu. Có thể nói đây là cái cảm nghiệm của các thánh nhân khi cận kề với giờ sinh ly tử biệt mà dân gian quen gọi là “sống thánh – chết lành”.

Với cái nhìn của lý trí, người ta cũng đã thoáng nhận ra những mối họa nhãn tiền trên số phận những người đặt niềm tin cậy vào những sự chóng qua đời này khi đồng thuận với nhau rằng sắc đẹp không qua khỏi làn da, vinh hoa phú quý không theo chúng ta đi vào nấm mộ lạnh. Ước gì với cái nhìn của đức tin, chúng ta thêm xác tín đâu là hạnh phúc thật để rồi biết đặt niềm tin cậy đúng địa chỉ.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây