TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật VII Thường Niên - Năm A

12/02/2023 06:40:12 |   856

Chúa Nhật VII Thường Niên - Năm A
 

cn t7 TN A

Mt 5, 38-48


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật VII Thường Niên - Năm A

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến,

Lối sống của con người thế tục là: cho đi để nhận lại. Còn lối sống của môn đệ Chúa Kitô là: cho đi và cho luôn cả thân mình. Trần gian dùng bạo lực đáp trả bạo lực, nhưng Chúa Giêsu dạy: chỉ có tình yêu mới phát sinh tình yêu và như thế người Kitô hữu có cả một môi trường bao la rộng mở để thực thi tình yêu.

Lý tưởng hoàn thiện của người Kitô hữu là tìm cách giống Cha trên trời, bằng cách biểu lộ tình yêu cho mọi người chung quanh.... và càng bắt chước Chúa Giêsu bao nhiêu, càng thấy mình vẫn còn xa mức hoàn thiện bấy nhiêu.

Như vậy, phải chăng là vượt quá tầm tay của chúng ta, nhưng chúng ta xác tín rằng có ân sủng của Chúa Thánh Thần sẽ biến đổi tâm hồn chật hẹp của chúng ta nên giống Đức Kitô cầu nguyện trên Thánh Giá “xin Cha tha cho chúng vì chúng chẳng biết việc chúng làm”.

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, tôi đã tin cậy vào đức từ bi của Chúa. Xin cho lòng tôi hân hoan vì ơn Chúa cứu độ, tôi sẽ hát mừng Chúa, vì Chúa ban ân huệ cho tôi.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin giúp mọi người chúng con hằng để tâm suy nghĩ những gì là thiêng liêng cao thượng, và biết dùng lời nói việc làm để thực thi những điều đẹp ý Chúa. Chúng con cầu xin...

Bài Ðọc I: Lv 19, 1-2. 17-18

"Hãy yêu thương bạn hữu như chính mình".

Trích sách Lêvi.

Chúa phán cùng Môsê rằng: "Ngươi hãy nói cho toàn thể cộng đồng con cái Israel: Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là Ðấng Thánh, là Thiên Chúa các ngươi. Ðừng giữ lòng thù ghét anh em, nhưng hãy răn bảo họ công khai, để khỏi mang tội vì họ. Ðừng tìm báo oán, đừng nhớ lại lời mắng nhiếc của kẻ đồng hương. Hãy yêu thương các bạn hữu như chính mình. Ta là Chúa".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 102, 1-2. 3-4. 8 và 10. 12-13.

Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót

Xướng: Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người.

Xướng: Người đã tha thứ cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng.

Xướng: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi.

Xướng: Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. Cũng như người cha yêu thương con cái, Chúa yêu thương những ai kính sợ Người.

Bài Ðọc II: 1 Cr 3, 16-23

"Tất cả là của anh em, nhưng anh em thuộc về Ðức Kitô, và Ðức Kitô thuộc về Thiên Chúa".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, Anh em không biết anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Nếu ai xúc phạm tới đền thờ của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt người ấy. Vì đền thờ của Thiên Chúa là thánh, mà chính anh em là đền thờ ấy.

Ðừng có ai lừa dối mình. Nếu có ai trong anh em cho mình là người khôn ngoan ở đời này, thì kẻ ấy hãy nên điên dại để được khôn ngoan: vì sự khôn ngoan của thế gian này là sự điên dại đối với Thiên Chúa, vì có lời chép rằng: "Chính Người bắt chợt những người khôn ngoan ngay trong xảo kế của họ". Lại có lời khác rằng: "Chúa biết tư tưởng của những người khôn ngoan là hão huyền". Vậy đừng có ai còn tự phô trương nơi loài người. Vì tất cả là của anh em, dù là Phaolô, hay Apollô, hoặc Kêpha, hoặc thế gian, sự sống hay sự chết, hoặc hiện tại hay tương lai. Tất cả là của anh em, nhưng anh em thuộc về Ðức Kitô, và Ðức Kitô thuộc về Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

 PHÚC ÂM: Mt 5, 38-48

"Các con hãy yêu thương thù địch các con".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con đã nghe bảo: 'Mắt đền mắt, răng đền răng'. Còn Thầy, Thầy bảo các con: đừng chống cự lại với kẻ hung ác; trái lại, nếu ai vả má bên phải của con, thì hãy đưa má bên kia cho nó nữa. Và ai muốn kiện con để đoạt áo trong của con, thì hãy trao cho nó cả áo choàng nữa. Và ai bắt con đi một dặm, thì con hãy đi với nó hai dặm. Ai xin, thì con hãy cho. Ai muốn vay mượn, thì con đừng khước từ.

"Các con cũng đã nghe dạy rằng: 'Hãy yêu thương tha nhân, và ghét thù địch'. Còn Thầy, Thầy bảo các con: Các con hãy yêu thương thù địch các con, hãy làm lành cho những kẻ ghét các con, và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ và vu khống các con, để các con nên con cái Cha các con ở trên trời, là Ðấng làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, và cho mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương. Vì nếu các con yêu thương những kẻ yêu thương các con, thì còn có công gì? Nào những người thu thuế không làm như vậy ư? Và nếu các con chỉ chào hỏi anh em các con mà thôi, thì các con có làm gì hơn? Nào dân ngoại không làm như vậy sao? Vậy các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Ðấng trọn lành".

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Giới luật yêu thương là giới luật đặc thù và tuyệt vời nhất của Kitô Giáo. Chúng ta hãy khẩn khoản nài xin Chúa giúp chúng ta biết qui hướng tình cảm của mình về Chúa, để có thể yêu thương, tiếp nhận mọi người không phân biệt thân thù. Chúng ta cùng dâng lời cầu xin:

1. “Hãy yêu thương bạn hữu như chính mình”, - Xin cho Hội Thánh Chúa có nhiều tâm hồn phục vụ vô vị lợi, không cầu lợi ích nhưng chỉ vì yêu thương, không phân biệt tương đồng hay đối nghịch, vì tin Chúa đang hiện diện nơi anh em là đền thờ Chúa Ba Ngôi.

2. “Tất cả là của anh em, nhưng anh em thuộc về Đức Kitô, và Đức Kitô thuộc về Thiên Chúa”,- Xin cho các tín hữu biết thực thi giới luật yêu thương cách trọn vẹn, để xứng đáng là con cái Thiên Chúa, Đấng yêu thương tất cả mọi người, và như thế họ đạt tới đỉnh cao của đức ái hoàn thiện.

3. “Nếu các ngươi chỉ chào hỏi anh em... thì có làm gì hơn dân ngoại?”.- Xin cho mọi người trên thế giới này biết tỏ dấu quảng đại thân tình với nhau, để những giao tiếp không phải chỉ là những xã giao bên ngoài mà là những tâm tình chân thành từ bên trong.

4. “Các con hãy yêu thương thù địch các con” - Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta, khi hát lên lời kinh hòa bình sẽ không phải hổ thẹn với lương tâm và với Chúa, vì đã thực thi từng lời cầu nguyện cuả thánh Phanxicô Assidi.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết khiêm tốn, quảng đại và yêu thương mọi người như Chúa Kitô đã truyền dạy, để nên nhân chứng cho thế giới nhận biết Chúa, Đấng hằng sống ...

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con thành kính tiến dâng lễ vật này, để tôn vinh Danh Thánh; cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, để lễ tế hôm nay đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin...

Ca hiệp lễ

Tôi sẽ kể ra mọi điều lạ lùng của Chúa. Lạy Đấng Tối Cao, tôi sẽ mừng rỡ hân hoan trong Chúa, và sẽ đàn ca danh Chúa.

Hoặc đọc:

Thưa Thầy, con tin Thầy là Đức Kitô- Con Thiên Chúa hằng sống, đã đến trong thế gian.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã hứa ban phúc trường sinh cho tất cả những ai ăn bánh này; giờ đây xin nhớ lại lời hứa mà ban cho chúng con được hưởng ơn cứu độ. Chúng con cầu xin...

Suy niệm



Yêu thương kẻ thù
Sưu tầm

Hãy yêu thương kẻ thù. Cứ sự thường người ta đối xử với nhau theo cái luật: Răng đền răng, mắt đền mắt, ân đền oán trả, hòn đất ném đi hòn chì ném lại. Chúng ta yêu thương những người yêu thương chúng ta và ghét bỏ những kẻ ghét bỏ chúng ta. Kẻ nào làm hại chúng ta thì chúng ta sẵn sàng để trả đũa, và người đời cho đó là lẽ thường tình, là thái độ khôn ngoan.

Thế nhưng, qua đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu bảo chúng ta phải vượt lên trên cái lẽ thường tình ấy. Ngài phán với chúng ta: Hãy yêu thương kẻ thù và làm ơn cho những kẻ ghét bỏ chúng ta. Bởi vì có thực hiện được điều đó, chúng ta mới xứng đang là con cái Thiên Chúa và mới trở nên giống Ngài, Đấng đã cho mưa xuống trên người lành cũng như trên kẻ dữ.

Chúa Giêsu không phải chỉ truyền dạy chúng ta mà chính Ngài đã làm gương trước cho chúng ta trong việc thực thi giới luật yêu thương này. Đúng thế, Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước, ngay cả trong khi chúng ta còn nằm trong tội lỗi, còn quay lưng chống lại Ngài như lời thánh Phaolô trong bức thư gởi tín hữu Rôma đã viết: Thiên Chúa đã chứng tỏ tình yêu của Ngài đối với chúng ta, đó là khi chúng ta còn tội lỗi, thì Đức Kitô đã chết để chúng ta được sống.

Đúng thế, Ngài luôn luôn mong ước những điều tốt, những điều phải cho những kẻ bách hại Ngài. Ngài chịu đau khổ và chịu chết để những ai bắt Ngài phải đau khổ và phải chết được hết đau khổ và chết chóc. Trước sự từ chối của con người không đáp trả tình thương yêu của Ngài, Ngài vẫn duy trì cái quyết định tuyệt đối của Ngài, đó là yêu thương chúng ta mãi mãi.

Một trong những đặc tính nổi bật của tình yêu nơi Thiên Chúa đó là sự tha thứ. Ngài đã sánh ví mình như người mục tử tốt lành lên đường tìm kiếm con chiên lạc. Và khi đã tìm thấy thì vác nó trên vai và đem về nhà. Rồi Ngài đã xác quyết: Một kẻ tội lỗi ăn năn sám hối sẽ làm cho cả thiên đàng vui mừng hơn là 99 người công chính không cần sám hối ăn năn. Không phải những kẻ khoẻ mạnh là là những người đau yếu mới cần đến thầy thuốc. Ta đến không phải để kêu gọi người công chính nhưng để kêu gọi kẻ tội lỗi biết đường sám hối ăn năn. Ngài sẵn sàng chịu chết trên thập giá để làm gì nếu không phải là để tha thứ cho chúng ta. Trong giây phút đớn đau nơi thập giá, Ngài cũng đã thứ tha cho tất cả những kẻ độc ác đã hành hạ Ngài bằng lời van xin: Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm.

Có hai người thổ dân Nam Phi rất ghét nhau. Ngày kia trong một hai người gặp đứa con gái nhỏ của kẻ thù đang đi trong rừng. Hắn liền bắt cô bé, chặt đứt ngón tay rồi thả ra. Cô bé vừa chạy vừa khóc, còn hung thủ vừa đi vừa la: Ta đã trả thù được rồi. Mười năm sau, cô bé lúc đó đã có chồng và có con. Ngày kia, một kẻ ăn mày tới xin ăn, bà nhận ra đó là kẻ đã chặt tay mình, nên vội vàng vào nhà, bảo tôi tớ đem cơm thịt và cá ra đãi. Khi kẻ thù đã ăn xong, bà bèn giơ bàn tay cụt ra cho coi và nói: Tôi cũng đã trả thù được rồi. Tên ăm mày thấy thế bèn khóc lóc xin được tha thứ.

Thiên Chúa đã yêu thương và tha thứ cho chúng ta, còn chúng ta thì sao? Liệu chúng ta có thực sự yêu thương và sẵn sàng tha thứ cho những kẻ ghét bỏ chúng ta hay không?

Chúa Nhật VII Mùa Thường Niên - A
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. (Mt 5, 38-48)
 
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con đã nghe bảo: 'Mắt đền mắt, răng đền răng'. Còn Thầy, Thầy bảo các con: đừng chống cự lại với kẻ hung ác; trái lại, nếu ai vả má bên phải của con, thì hãy đưa má bên kia cho nó nữa. Và ai muốn kiện con để đoạt áo trong của con, thì hãy trao cho nó cả áo choàng nữa. Và ai bắt con đi một dặm, thì con hãy đi với nó hai dặm. Ai xin, thì con hãy cho. Ai muốn vay mượn, thì con đừng khước từ.
 
"Các con cũng đã nghe dạy rằng: 'Hãy yêu thương tha nhân, và ghét thù địch'. Còn Thầy, Thầy bảo các con: Các con hãy yêu thương thù địch các con, hãy làm lành cho những kẻ ghét các con, và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ và vu khống các con, để các con nên con cái Cha các con ở trên trời, là Ðấng làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, và cho mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương. Vì nếu các con yêu thương những kẻ yêu thương các con, thì còn có công gì? Nào những người thu thuế không làm như vậy ư? Và nếu các con chỉ chào hỏi anh em các con mà thôi, thì các con có làm gì hơn? Nào dân ngoại không làm như vậy sao? Vậy các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Ðấng trọn lành".
 
Suy niệm
 
Bước sang tuần lễ thứ 7 mùa thường niên, Thầy Chí Thánh chúng ta là Đức Giêsu Kitô, mời gọi người môn đệ đích thực của Ngài, hãy trở nên thánh thiện như Cha của Ngài trên trời, là Đấng trọn lành. Quả là một lời mời rất trang trọng, nhưng dứt khoát và đòi hỏi người môn đệ phải cố gắng rất nhiều.
 
Trở nên thánh thiện và hoàn hảo trong cuộc sống hàng ngày vẫn là một ước mơ của bao người. Ai cũng muốn mình hoàn hảo trong cuộc sống, trong ơn gọi và trong hoàn cảnh hiện tại, nhưng để biến ước mơ thành hiện thực, quả là một thách đố lớn, đặc biệt trong hành trình đức tin. Khi được chọn làm dân riêng của Giavê Thiên Chúa, dân Do-thái được mời gọi trở nên thánh như Giavê là Đấng Thánh. Ngài đề nghị họ trút bỏ mọi vấn vương với các thần ngoại bang, bởi trong tâm lý chung của con người, khi gặp khó khăn có nhiều thần thánh giúp đỡ, ắt sẽ bình an và hạnh phúc hơn. Họ quên một điều quan trọng là Giavê vẫn là một vị thần trên các thần, vị Chúa trên các Chúa. Sách Lêvi đã ghi lại lời mời của Giavê dành cho dân Ngài như sau: “Ngươi hãy nói cho toàn thể cộng đồng con cái Israel: Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là Ðấng Thánh, là Thiên Chúa các ngươi. Ðừng giữ lòng thù ghét anh em, nhưng hãy răn bảo họ công khai, để khỏi mang tội vì họ. Ðừng tìm báo oán, đừng nhớ lại lời mắng nhiếc của kẻ đồng hương. Hãy yêu thương các bạn hữu như chính mình”. Để gặp gỡ được Giavê, Ngài mời con người hãy thay đổi tương quan giữa bản thân họ với tha nhân. Không được giữ lòng thù ghét, không được báo oán, không được mắng nhiếc, nhưng hãy yêu thương tha nhân. Quả là một lời đề nghị nhẹ nhàng nhưng quyết liệt. Giavê đề nghị con người thay đổi nhận thức của mình về tha nhân, vì sao phải tha thứ cho họ, vì sao không được báo oán, vì sao không được mắng nhiếc, vì sao phải tha thứ cho họ, bởi vì bản thân cũng còn nhiều khiếm khuyết đối với Giavê, đã bao lần con trở thành kẻ xa lạ với Ngài, đã bao lần con trở nên kẻ bội phản với Ngài, thế mà Ngài vẫn tha thứ, Ngài không nhớ lầm lỗi tôi, Ngài không nổi cơn thịnh nộ với tôi và Ngài vẫn yêu tôi mỗi ngày. Và Ngài cũng đối xử như thế với tha nhân của tôi, nên Ngài muốn tôi là người môn đệ của Ngài, hãy hoạ lại những thái độ sống đó trong hành trình làm người và làm con Thiên Chúa.
 
Xúc phạm đến tha nhân là xúc phạm đến Thiên Chúa, bởi Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện trong cuộc đời của tha nhân. Lời nhắc của thánh Tông Đồ Phaolô gởi cho cộng đoàn giáo dân Corintho cũng là một lời nhắc gởi đến mỗi người trong tuần lễ mới này: “Anh em không biết anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Nếu ai xúc phạm tới đền thờ của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt người ấy. Vì đền thờ của Thiên Chúa là thánh, mà chính anh em là đền thờ ấy”. Lời nhắc đó mời chúng ta trở lại với những lề luật của Đấng Phục sinh mà thánh nhân, từ một người không mấy thiện cảm với Ngài, đã được chọn và gọi, rồi trở thành một chứng nhân tin mừng Phục sinh cho dân ngoại. Thánh nhân cảm nghiệm được hồng ân lớn lao ngài nhận được từ Đấng phục sinh là tha thứ, là yêu thương. Rồi từ đây, thánh nhân được mời vào quỹ đạo của tình yêu, ngài cảm nghiệm được sức mạnh của tình yêu sẽ biến đổi tất cả, từ lòng người, đến sự hiệp thông trong cộng đoàn và tình liên đới giữa các cộng đoàn với nhau. Chính trong sự hiệp thông và liên đới đó, mỗi người sẽ nhận ra tha nhân là đền thờ của Thánh Thần, là ngôi nhà của Đấng phục sinh hiện diện cách thánh thiêng.
 
Trên những nẻo đường loan tin bình an của Đức Giêsu, Ngài mời gọi các môn đệ, cộng đoàn dân chúng hãy vượt qua những giới hạn của lề luật, đừng lấy chúng làm cứu cánh cuộc đời, cũng đừng coi lề luật là điểm đến cuối cùng, nhưng là Nước Trời, là Thiên Chúa tình yêu. Bởi đó, Ngài mời họ sống giới luật của tình yêu, một giới luật không có biên giới, không có điều kiện và cũng không mong đáp đền. Ngài cũng công nhận sự thánh thiện của những người lãnh đạo tôn giáo thời đó, nhưng Ngài đề nghị người môn đệ hãy thánh thiện và công chính hơn họ nữa, bởi họ chỉ dừng lại nơi đức công bình, còn người môn đệ của Đức Giêsu phải là người thực thi giới luật tình yêu, nấc thang cuối của sự trọn lành. Tuần lễ mới này, Ngài tiếp tục lời mời đó và đề nghị các môn đệ hãy có những chọn lựa dứt khoát và hãy biết chọn cho mình con đường nào ngắn nhất, nhanh nhất để đến với Thiên Chúa, con đường đó là con đường dẫn tới Thiên Chúa tình yêu. Để nhận ra con đường đó, đòi hỏi người môn đệ phải có đôi mắt sáng, để phân định đâu là nẻo chính đường ngay, đâu là đường rộng thênh thang dẫn tới diệt vong. Đức Giêsu hướng dẫn cho họ rằng: “Các con cũng đã nghe dạy rằng: 'Hãy yêu thương tha nhân, và ghét thù địch'. Còn Thầy, Thầy bảo các con: Các con hãy yêu thương thù địch các con, hãy làm lành cho những kẻ ghét các con, và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ và vu khống các con, để các con nên con cái Cha các con ở trên trời, là Ðấng làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, và cho mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương”. Phân biệt giàu nghèo, sang hèn và đẳng cấp trong xã hội là một sự bất công và cũng là mầm mống của tội chia rẽ. Mọi người sống dưới bầu trời này, đều nhận được ơn lành của trời cao, dù đó là người đã biết Thượng Đế hay chưa, dù đó là người thuộc tôn giáo này hay tôn giáo kia, dù đó là người hữu thần hay vô thần, họ đều nhận được muôn ân huệ của Thiên Chúa. Ngài không phân biệt sang hèn, giàu nghèo, có đạo hay không, Ngài cũng không phân biệt hữu thần hay vô thần, đảng này hay phe nọ, Ngài chỉ biết mỗi ngày mới là Ngài ban hồng ân trời cao cho con người. Bởi đó, lời mời hôm nay của Đức Giêsu là mời con cái Ngài hãy thể hiện bằng hành động, xoá đi những vết hằn phân biệt giữa con người với con người trong cuộc sống. Thiên Chúa là Cha chung của mọi người, và ai cũng được gọi Ngài là Cha, vì vậy, Ngài mời con cái Ngài: “các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Ðấng trọn lành”. Trọn lành để xứng đáng là Con Thiên Chúa, trọn lành để đáng được gọi Ngài là Cha, trọn lành để được thông phần sự sống đời đời của Thiên Chúa và trọn lành để xứng đáng được tham dự vào thân thể mầu nhiệm của Đấng Phục sinh.
 
Để trở thành người môn đệ của Đức Giêsu trong thế giới hôm nay, chúng ta được mời gọi hãy biết khước từ những giá trị thuộc về thế gian. Ai vả má bên trái, hãy đưa má bên phải cho họ luôn, ai chiếm áo ngoài, hãy đưa luôn áo trong cho họ, ai bắt đi một dặm, hãy đi với họ hai dặm. Những đề nghị đó hướng con người tới điểm sáng của tình yêu, đừng lấy những yếu tố của vật chất, của cải và quyền bính, để tính toán, để đánh giá và để phân chia đẳng cấp giữa con người với con người, nhưng mỗi người được mời lấy tình thương, lấy sự tha thứ và tinh thần phục vụ làm kim chỉ nam cho đời sống của người môn đệ. Sống ơn gọi nào cũng vậy, được sai đi và được mời phục vụ. Thế nhưng, không thiếu những người môn đệ được gởi đến đã phục vụ sai tinh thần của Tin Mừng, kim chỉ nam của họ không là công bằng, không là đức ái, nhưng là quyền lực, là địa vị, là tiền bạc và sĩ diện.
 
Nếu phương châm phục vụ của người môn đệ Đức Kitô là vậy, làm sao họ có thể giới thiệu cho thế giới một vị Thiên Chúa đã cúi xuống với con người, vị Thiên Chúa đó đã đi vào tận cùng của nhân loại là một đầy tớ, một đầy tớ đã quỳ xuống rửa chân cho chính đồ đệ của mình, một đầy tớ chấp nhận chết cho người mình yêu với thân thể trần trụi trên thập giá. Đi theo Thầy Chí Thánh không có gì là khó, sống theo mẫu gương Thầy Chí Thánh mới là một thách đố. Trở nên nhỏ bé và khiêm tốn trong tinh thần phục vụ mới là một đòi hỏi lớn lao, bởi muốn được như thế, người môn đệ phải rũ bỏ cái tôi của mình, phải giã từ chủ nghĩa cá nhân và trở nên một hạt muối tồn tại cho người khác, cho tha nhân, sống cho, sống cùng và sống với tha nhân. Tiếc thay, Đức Kitô hôm nay lắm lúc phải nuốt nước mắt vào trong vì còn chứng kiến bao cảnh tranh giành địa vị, quyền lực và của cải từ các môn đệ của Ngài. Các môn đệ ngày xưa dù đi theo Ngài trên mọi nẻo đường, nhưng các ngài chưa thể hoàn thiện ơn gọi, bởi cái tham – sân – si vẫn níu kéo đôi chân, còn người môn đệ của Ngài hôm nay, cũng bởi những yếu tố đó níu kéo, và còn bao yếu tố khác chen vào, làm cho tâm hồn họ bị dằn vặt và trái tim họ cứ loạn nhịp, chưa thể bắt được nhịp đập của trái tim tình yêu từ Thầy Chí Thánh.
 
Tình yêu đền đáp tình yêu, ân tình đền đáp ân tình. Chúa đã yêu chúng con và yêu cho đến cùng, xin cho mỗi người chúng con cảm nghiệm được niềm vui lớn lao là được Chúa yêu mỗi ngày, để chúng con yêu thương tha nhân, và sẵn sàng tha thứ cho tha nhân. Chúa đã chết cho tình yêu, xin cho chúng con sẵn sàng bước ra khỏi cái tôi của mình và giã từ chủ nghĩa cá nhân, để sống cùng với những người đau khổ, chia sẻ với những người bất hạnh, và yêu thương những người bị bỏ rơi. Lạy Chúa, xin cho trái tim con bắt kịp nhịp đập của trái tim Chúa, để con được xứng đáng là môn đệ Chúa. Amen.

 
VẠN NẺO YÊU THƯƠNG ĐỂ NÊN HOÀN THIỆN
(Chúa Nhật VII TN A – Mt 5,38-48) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

“Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Vì được nhận làm con cái nên Chúa Kitô truyền dạy chúng ta phải nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện. Một nét hoàn thiện của Cha trên trời mà Chúa Kitô mạc khải đó là giàu lòng từ bi, chậm bất bình và hết sức khoan dung, là luôn cho mưa rơi đều trên người lành lẫn kẻ dữ, cho mặt trời mọc lên soi sáng người công chính lẫn kẻ bất lương. Quả thật nếu chúng ta chỉ biết yêu thương những người dễ thương và thi ân cho những người thân thích thì có khác gì đâu nhiều anh em chưa biết Thiên Chúa và có khi còn chưa hơn gì những người được xem là tội lỗi. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để vượt qua mức công bình giao hoán kiểu “mắt đền mắt, răng đền răng…”, để sống yêu thương một cách quảng đại, vô điều kiện và đến cùng như Chúa Kitô mời gọi với kiểu nói “ngoa ngữ” là nếu bị vả má bên phải thì đưa cả má bên trái hoặc giả có ai muốn lấy áo trong của mình thì đưa luôn cho họ cả áo ngoài?

Trước hết cần phải hiểu rõ lối nói ngoa ngữ là kiểu nói phóng đại cốt chỉ nhằm muốn nhấn mạnh nội dung nói chứ không phải là dạy hình thức cách thế diễn tả. Khi bị bắt và bị điệu đến trước mặt Thượng tế Caipha, Chúa Giêsu đã bị một thuộc hạ ngài Caipha vả vào mặt thì Người đâu có đưa má bên kia cho anh ta vả thêm nhưng lại nghiêm giọng: “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?” (Ga 18,23). Với kiểu nói “má này, má kia; áo trong, áo ngoài, một dặm, hai dặm”, Chúa Kitô nhấn mạnh rằng nếu đã là yêu thì phải vô điền kiện, đã là yêu thì phải quảng đại và đi đến cùng. Và Người cho biết cái lý do duy nhất mà chúng ta được mời gọi sống yêu thương như trên đó là vì chúng ta đã được nhận làm con của Đấng là Cha của tất cả mọi người.

Nếu chúng ta tin nhận Đấng Toàn Năng là Cha của mình thì hệ quả tất yếu đương nhiên đến đó là phải nhận nhau và sống với nhau như anh chị em ruột thịt cùng chung một mái nhà. Cụm từ cùng chung một mái nhà muốn nói đến nghĩa tình huynh đệ, tỉ muội, khi còn ở trong vòng tay mẹ cha. Bởi chưng đã có đó chuyện lúc còn nhỏ thì anh bên em, khi có bánh anh lại chia, còn lớn lên có gia đình riêng thì ai giàu nấy ăn; lúc còn nhỏ thì chị ngã em nâng, nhưng khi đã lấy chồng thì có thể có trường hợp chị ngã, em lại đạp dìm luôn!

Thiết nghĩ rằng để có thể sống yêu thương nhau như lời truyền dạy của Chúa Kitô thì không gì hơn phải có niềm tin sâu sắc vào Đấng dựng nên chúng ta là Cha Toàn Năng chí ái và tiếp bước theo chân người Anh Cả Giêsu. Xin đừng quên những lời thắm thiết của Người đêm Tiệc ly: “Thầy truyền cho anh em giới răn mới là hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).

Yêu thương các môn đệ, Chúa Kitô không chỉ bao bọc, chở che các ngài mà còn thẳng thắn răn bảo, sửa dạy các ngài và đã có khi quở mắng là Satan. Yêu thương người đương thời thì Chúa Giêsu không chỉ chữa lành bệnh tật mà còn xua trừ ma quỷ; Người không chỉ khoan dung tha thứ cho người tội lỗi hối cải mà còn lên án, cánh báo những người cố chấp chai lì trong tội; Người không chỉ hoá bánh ra nhiều nuôi ăn dân chúng mà còn bện dây thừng thành roi đánh đuổi những người đã biến Nhà Chúa thành hang trộm cướp hay thành nơi buôn bán… Như thế yêu thương nhau không phải chỉ là bao bọc chở che nhau mà còn phải sửa bảo nhau khi cần phải sửa dạy. Thương người có 14 mối, thế mà nhiều khi chúng ta chỉ thương nhau cách bất cập, nghĩa là còn nhiều thiếu sót có khi là đáng trách. Chỉ biết trao cho nhau cơm áo gạo tiền thì cũng chưa hẳn đã là yêu nếu không biết can đảm sửa dạy kẻ mê muội, không biết răn bảo kẻ có tội.

Lời Chúa trong sách Lêvi mà Giáo Hội trích đọc Chúa Nhật này có câu: “Người không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó.” (Lv 19,17). Một sự thật mà lắm khi chúng ta vô tình hay hữu ý không dám trực diện, đó là khi người anh em lỗi phạm mà chúng ta không can đảm quở trách thì chúng ta một cách nào đó chúng ta đang “ghét” người anh em mình. Rất có thể chúng ta không minh nhiên ghét người anh em lỗi phạm nhưng chúng ta lại không dám thương họ như lời Chúa dạy vì sợ bị bách hại, sợ phải vác thập giá.

Dõi theo chân Chúa Kitô để sống yêu thương thì luôn có đó thập giá phải gánh vác. Ai không can đảm vác thập giá mình thì không xứng đáng làm môn đệ của Người. Yêu kẻ thù không phải là nhắm mắt làm ngơ hay tự bó tay chịu trận để kẻ thù mãi đắm chìm trong tội mà phải nỗ lực làm cho kẻ thù hoán cải, đổi thay. Cầu nguyện cho những người ngược đãi chúng ta không chỉ dừng lại ở động thái “lâm râm khấn vái” mà còn phải nắm tay lại giúp họ sửa đổi cung cách hành xử tàn nhẫn, bất công của họ. Tin Mừng cho chúng ta hay rằng sau khi cầu nguyện thì Chúa Giêsu không ngồi đó mà chờ đợi nhưng mau mắn thực thi thánh ý Chúa Cha bằng cả mọi nỗ lực gắng công của mình, có khi sau đó lênh đênh trên thuyền giữa sóng biển mà vẫn ngủ thiếp say li bì, có khi phải toát cả mồ hôi pha lẫn máu và đến cả khi thân thể chẳng còn hình tượng người ta nữa với trái tim bầm dập nát tan.

Biên giới của tình yêu là một tình yêu không biên giới. Đã tin nhận Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là Cha Toàn Năng thì phải nên hoàn thiện ngày mỗi hơn cho xứng với phận làm con.

BAO DUNG
Mt 5, 38-48 – CN 7 TN A - Lm. Thái Nguyên


Suy niệm

Có một nhân vật rất nổi tiếng rất tâm đắc với bài Tin Mừng hôm nay là Mahatma Gandhi, người được thế giới coi là vị đại thánh. Ông là cha đẻ của chủ trương bất bạo động trong hoạt động chính trị, để giành lại độc lập cho đất nước mình. Ông nói: “Bất bạo động là luật của loài người, bạo động là luật của loài thú”. Gandhi là người ngoại giáo nhưng đời sống của ông đã đạt tới cao điểm của tinh thần bao dung nhân hậu của Kitô giáo. Chúng ta thường sợ mang tiếng là hèn nhát, khiếp nhược, sợ kẻ ác thắng thế khi mình lùi bước. Chúng ta ít dám tin vào sức mạnh của lòng bao dung. Chính sự bao dung chứ không phải quyền lực có thể làm cho trái tim con người tan chảy. Gandhi đã thách thức chúng ta xem có dám sống Tin Mừng của Đức Kitô không?

Nhân loại đang sống trong một kỷ nguyên cực kỳ văn minh và tiến bộ, thế nhưng trong quan hệ giữa người với người, xem ra như thụt lùi, xuống cấp, có khi còn thấp hơn cả thời kỳ của luật “mắt đền mắt, răng đền răng”. Người ta cư xử với nhau theo kiểu “ăn miếng trả miếng,” giải quyết vấn đề bằng sức mạnh và bạo lực. Chúa Giêsu đã xóa bỏ thứ luật rừng và lối sống vay trả đó, Ngài chủ trương“đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa...”. Điều đó không có nghĩa là người môn đệ Chúa sống nhu nhược, hay chịu khuất phục trước sự ác, nhưng đừng lấy ác báo ác, vì “ác giả ác báo”, phải chiến thắng bản năng trả thù trong con người mình. Nếu lấy ác báo ác thì sự ác sẽ lan tràn và thâm nhập vào chính chúng ta. Ở đây, Chúa Giêsu muốn mở ra một con đường khác cho nhân loại: chiến thắng điều ác bằng điều thiện, vì “thiện giả thiện lai”.

Không những thế mà Đức Giêsu đòi hỏi phải “yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”. Khi chủ trương như thế, Đức Giêsu không đòi loại bỏ cảnh sát và pháp luật; cũng không lên án những cuộc chiến tranh tự vệ. Ngài chỉ muốn mời gọi các Kitô hữu hãy tránh thái độ báo thù và nêu cao lòng khoan dung tha thứ, để thoát khỏi vòng luẩn quẩn của oán thù, cũng là mở ra con đường để người kia hoán cải. Thật ra chẳng có ai là kẻ thù ta, nhưng vì lòng ích kỷ và ghen ghét mà chúng ta biến người khác thành kẻ thù. Tính ích kỷ và ghen ghét mới là kẻ nội thù đáng sợ nhất cần phải tiêu diệt.

Những giáo huấn trên của Đức Giêsu chính là nguyên tắc bất bạo động mà Gandhi đã khám phá ra, là kiểu mẫu của nền chính trị phục vụ hoà bình. Đức thánh Cha Phanxicô cũng từng xác quyết như sau: “Chính Chúa Giêsu đã mở ra con đường bất bạo động. Người đã bước đi trên con đường đó đến cùng, đến tận thập giá, ở đó Người trở thành sự bình an và chấm dứt mọi hận thù (x. Eph 2,14-16)… Với các Kitô hữu, bất bạo động không chỉ là một ứng xử mang tính chiến thuật nhưng là một lối sống, là thái độ của một người xác tín vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa đến nỗi không sợ hãi đối diện với sự ác bằng vũ khí của tình yêu và chân lý mà thôi… Mệnh lệnh ‘Hãy yêu thương kẻ thù’ (x. Lc 6,27) phải được xem như hiến chương của bất bạo động Kitô giáo. Điều đó không có nghĩa là bị khuất phục trước cái ác nhưng là lấy sự lành đáp lại điều ác (x. Rm 12,17-21) và do đó, bẻ gẫy dây chuyền của bất công” (Sứ điệp, số 3).

Chúa Giêsu nêu lên một lý do sâu xa khi sống một tình bao dung vô độ là để chúng ta được trở nên con cái của Cha trên trời, “Đấng cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương”. Thật ra, ngay trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa cũng đã phán cùng Môsê rằng: “Ngươi hãy nói cho toàn dân rằng: Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh”. (Lv 19,1-2.17-18). Nên thánh ở đây là có được tấm lòng bao dung đại độ như Thiên Chúa. Hòa bình và công chính, bình an và hoan lạc, tất cả chỉ sáng ngời khi lòng nhân ái, đặc biệt là tình thương tha thứ ngời sáng trong ta, trong mọi người.

Chúng ta muốn sống và làm việc ra sao cũng được, vì đó là tự do của chúng ta, nhưng nếu đời sống và việc làm của chúng ta không nói lên được tình yêu sâu xa, thì sự hiện diện của chúng ta trở nên vô nghĩa, vì đã không trở nên chính mình như tình yêu Thiên Chúa đã tác sinh. Tình yêu đó phải được vươn cao tỏa sáng để chúng ta trở nên hình ảnh sống động của Thiên Chúa trong thế giới hôm nay. Biết rằng lý tưởng sống càng cao, lòng bao dung càng rộng, thì sự trả giá càng lớn. Đó cũng chính là đường thánh giá của đời Kitô hữu đang tiến bước theo Thầy mình tới đỉnh Canvê, nhưng cũng là đỉnh quang vinh.

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
Tuổi trẻ thường hay suy nghĩ một chiều,
nên tâm trí có những điều tiêu cực,
khó nhận ra những giá trị đích thực,
để sống với tấm lòng thật bao dung.


Con bao dung không vì “cực chẳng đã”,
không vì sợ phải trả giá nặng nề,
hoặc chỉ muốn đề huề cho xong chuyện,
cho đời mình được hai chữ “bình yên”.


Con bao dung không phải kiểu hề hà,
không phải đồng lõa xuề xòa cho qua,
hoặc đưa chủ trương “Dĩ hòa vi quí”,
làm mất đi những gì là chân thật.


Con bao dung là chấp nhận khác nhau,
cho người khác được tự do thể hiện,
và sống với những điều họ xác tín,
dù có điều chưa đúng chưa hợp lý.


Con bao dung là chấp nhận liều lĩnh,
có nguy cơ và tai hại cho mình,
như tim Chúa bị đâm thâu là thế,
nhưng giúp cho đời vượt bến mê.


Con bao dung là muốn chống độc tài,
là một thứ quái thai trong nhân loại,
đã làm cho bao kẻ thành điên dại,
là thất bại lớn nhất của đời người.


Chính lòng nhân mới cảm hóa sâu xa,
không phải do tài ba hay quyền lực,
là tình yêu chứ không phải giáo điều,
là sống không nói nhiều như con nghĩ.


Xin cho con cứ bao dung đón nhận,
không câu nệ và càng không chấp nhất,
luôn chuyên cần thực hiện đức từ nhân,
để tình Chúa sáng lên giữa cuộc trần. Amen.

 

 
 

Chúa nhật tuần lễ thứ bảy thường niên -A
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 5, 38-48).

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đã nghe bảo: ‘Mắt đền mắt, răng đền răng’. Còn Thầy, Thầy bảo các con: đừng chống cự lại với kẻ hung ác; trái lại, nếu ai vả má bên phải của con, thì hãy đưa má bên kia cho nó nữa. Và ai muốn kiện con để đoạt áo trong của con, thì hãy trao cho nó cả áo choàng nữa. Và ai bắt con đi một dặm, thì con hãy đi với nó hai dặm. Ai xin, thì con hãy cho. Ai muốn vay mượn, thì con đừng khước từ.

“Các con cũng đã nghe dạy rằng: ‘Hãy yêu thương tha nhân, và ghét thù địch’. Còn Thầy, Thầy bảo các con: Các con hãy yêu thương thù địch các con, hãy làm lành cho những kẻ ghét các con, và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ và vu khống các con, để các con nên con cái Cha các con ở trên trời, là Ðấng làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, và cho mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương. Vì nếu các con yêu thương những kẻ yêu thương các con, thì còn có công gì? Nào những người thu thuế không làm như vậy ư? Và nếu các con chỉ chào hỏi anh em các con mà thôi, thì các con có làm gì hơn? Nào dân ngoại không làm như vậy sao? Vậy các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Ðấng trọn lành”.

Suy niệm

Bất cứ thời đại nào, dân tộc nào, tình yêu vẫn mãi là một món ăn tinh thần không thể thiếu được trong cuộc sống. Có thể nói, tình yêu còn được coi là động lực giúp con người vượt qua mọi thử thách trong, chiến thắng mọi kẻ thù, thực hiện những kế hoạch có phần hoang tưởng. Với người tín hữu Kitô, tình yêu giúp họ tìm gặp Đấng họ tin tưởng, gặp Đấng đã chết cho họ, Đấng ấy đã dạy họ hãy yêu để được nên giống Đấng ấy, vì thế, hãy yêu đi, hãy sống cho tình yêu, hãy thay đổi cái nhìn của mình về Thiên Chúa, về tha nhân, để yêu, để sống và để phục vụ. Chính khi yêu bằng một tình yêu đích thực, sẽ là một động lực giúp con người vượt qua giới hạn của sự thù ghét, vượt qua giới hạn của những luật lệ thế gian, giúp con người sống với nhau bằng một mối tương quan mới theo lề luật của tình yêu. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ bảy thường niên, mời gọi các tín hữu hãy sống giới luật của tình yêu, hãy thực hành giới luật đó để trở nên giống Đấng đã sống và chết cho tình yêu.

Sau khi được Môi-sen dẫn ra khỏi đất Ai-cập, qua từng biến cố, từng chặng đường, người Do-thái phần nào nhận ra sự hiện diện của Giavê là một sự hiện diện gần gũi, đầy yêu thương, thế nhưng, vì sự yếu đuối của phận người, không thiếu những lần họ đã phản bội tình yêu đó. Môi-sen đã hơn một lần cầu xin lòng nhân từ của Giavê, xin tha thứ cho họ, đồng thời, ông cũng hướng dẫn con cái Israel hãy biết sống theo những gì Giavê dạy dỗ: “Chúa phán cùng Môsê rằng: “Ngươi hãy nói cho toàn thể cộng đồng con cái Israel: Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là Ðấng Thánh, là Thiên Chúa các ngươi. Ðừng giữ lòng thù ghét anh em, nhưng hãy răn bảo họ công khai, để khỏi mang tội vì họ. Ðừng tìm báo oán, đừng nhớ lại lời mắng nhiếc của kẻ đồng hương”. Thiên Chúa mong muốn con người nên thánh khi họ được gọi là một dân riêng của Thiên Chúa, là Đấng Thánh, vì thế, trong mọi lề luật, Thiên Chúa đều hướng dẫn họ sống trọn lành, sống thánh thiện. Ngài không muốn họ phải hư đi, không muốn họ bị đồng hóa với những dân ngoại bang, nhưng phải thay đổi đời sống hàng ngày trong sự cố gắng của bản thân.

Cộng đoàn dân Chúa tại thành Corintho là những người ngoại giáo trở lại, họ còn để cho những tập tục, những sinh hoạt tinh thần của dân ngoại chen lẫn vào trong đời sống phụng tự của Kitô giáo, vì thế, thánh Phaolô đã khuyên bảo mọi người đừng để bản thân trở nên một con người hai mặt, lúc thế này, lúc thế kia, hãy biết chuyên tâm rèn luyện để trở thành con cái của Thiên Chúa: “Ðừng có ai lừa dối mình. Nếu có ai trong anh em cho mình là người khôn ngoan ở đời này, thì kẻ ấy hãy nên điên dại để được khôn ngoan: vì sự khôn ngoan của thế gian này là sự điên dại đối với Thiên Chúa, vì có lời chép rằng: “Chính Người bắt chợt những người khôn ngoan ngay trong xảo kế của họ”. Sự khôn ngoan của thế gian sao sánh được sự khôn ngoan đến từ Thiên Chúa, bởi Thiên Chúa là Đấng Thánh, thế nhưng, các cộng đoàn giáo hội sơ khai đến từ dân ngoại, phần vì còn ngại ngùng, phần vì bị dụ dỗ, họ đã để cho những lề luật cũng như truyền thống tâm linh ảnh hưởng nhiều đến niềm tin, đến tâm tình thờ phượng Thiên Chúa. Vì thế, dù con người có dùng kế hoạch nào cũng không bao giờ qua được đôi mắt của Thiên Chúa, Đấng Thánh đang hiện diện trong thế giới này.

Sống trong một đất nước luôn đề cao truyền thống và đặc biệt là lề luật tôn giáo, người Do-thái luôn coi lề luật là khuôn vàng thước ngọc, coi giá trị của lề luật là cứu cánh, vì thế, khi Đức Giêsu xuất hiện, Ngài lên tiếng về sứ vụ của Ngài là kiện toàn lề luật, đưa lề luật lên một tầm cao mới. Khởi đi từ luật công bằng, con người cần tôn trọng phẩm giá cũng như công sức lao động của nhau, có sống với nhau bằng sự công bằng đích thực, con người mới vươn lên một tầm cao mới, đó là những gì Đức Giêsu đã dạy bảo trong bài Tin mừng hôm nay: “Các con cũng đã nghe dạy rằng: ‘Hãy yêu thương tha nhân, và ghét thù địch’. Còn Thầy, Thầy bảo các con: Các con hãy yêu thương thù địch các con, hãy làm lành cho những kẻ ghét các con, và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ và vu khống các con, để các con nên con cái Cha các con ở trên trời, là Ðấng làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, và cho mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương”. Đây là giới luật của tình yêu. Nhắc đến tình yêu là nhắc đến một khái niệm xem ra khó hiểu, khó thấy, người ta chỉ thấy những việc làm của tình yêu, những câu chuyện hy sinh vì tình yêu, ngay cả sự sống bản thân. Để thực hành giới luật của tình yêu, cần có một sự thay đổi toàn diện, từ cái nhìn, đến nhận thức, từ quan niệm đến thái độ sống hàng ngày của bản thân.

Bước vào thế giới của tình yêu, con người cảm thấy mình nhỏ bé, nhưng cũng không kém phần thú vị, bởi tình yêu làm cho sức sống nội lực luôn tăng đột biến trước một công việc hay một con người mình yêu. Tình yêu còn là sức mạnh giúp con người vượt mọi trở ngại và thách đố, để có thể được gần gũi, được chiếm đoạt và được cận kề bên nhau. Cảm nghiệm được vị ngọt của tình yêu, khởi đầu cần một sự thay đổi tích cực từ bản thân, suy nghĩ, nhận thức của con người bấy lâu nay chỉ tạm dừng ở vạch công bằng. Sống công bằng phần nào giúp con người nhận ra mình và nhận ra nhau rồi, bước thêm một nấc thang nữa, con người như chạm được vào tình yêu, họ không còn quan tâm đến sự công bằng, chỉ mong sao chạm được người mình yêu, công việc mình yêu.

Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, Ngài cũng là Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn có tên gọi là Đấng Tình yêu. Chúa Cha đã yêu con người đến nỗi hy sinh cả đứa con duy nhất của mình cho con người. Có tình yêu nào lớn cho bằng tình yêu đó. Đức Giêsu, sứ giả của tình yêu Thiên Chúa, đi vào thế giới đã thể hiện bản chất của Thiên Chúa là tình yêu. Ngài không nỡ dập tắt tim đèn còn khói, Ngài không nỡ kết án một nạn nhân của tội lỗi, Ngài không nỡ dập tắt hy vọng của những con người tội nghiệp khi mang trên mình những căn bệnh nghiệt ngã, để rồi chữa lành cho họ, dù có vi phạm lề luật công bằng. Như một vở kịch của tình yêu, Ngài đã hiến dâng sự sống của mình, để giải thoát con người khỏi thân phận nô lệ tội lỗi và sự chết, dẫu chết trong đau khổ và oan ức, không một lời than trách, trái lại còn cầu xin sự tha thứ cho những kẻ giết mình.

Thế giới hôm nay đang lạnh cóng tình người, chiến tranh và thiên tai đã và đang cướp đi bao nhiêu sinh mạng, nếu con người trong xã hội tiến bộ này, biết sống theo những giới luật của tình yêu, chắc chắn chiến tranh sẽ chấm dứt, thiên tai có đến cũng vơi bớt những xót xa. Con người vẫn cố gắng thay đổi cách nhìn và nhận thức của mình, nhưng họ chỉ thực hiện giới luật của tình yêu với những ai mang đến cho họ lợi ích cách này cách khác, còn những người khác, họ chỉ thi hành luật tình yêu như là bố thí, để rồi người nhận phải mang ơn suốt đời. Giới luật của tình yêu là phục vụ không tính toán, phục vụ không đòi đền đáp, phục vụ ân nghĩa không chờ, nhưng làm sao để những tâm tình đó thẩm thấu vào mọi sinh hoạt của con người, khi họ đang sống trong một thế giới thực dụng, đề cao vật chất, giảm nhẹ những giá trị tinh thần, những giá trị tôn giáo.

Lạy Chúa, Chúa đến trong ngôi nhà của nhân loại, chứng kiến bao cảnh tang thương vì sự ích kỷ của con người, thấy rõ những toan tính rất hẹp hòi của nhân loại, ngay cả những người môn đệ của Chúa, những người được coi là lãnh đạo tôn giáo, xin cho chúng con hiểu rằng, cái chết của Chúa là đỉnh cao của tình yêu, nhờ đó chúng con mới được sống và được gọi là con cái Thiên Chúa. Cuộc sống con người ngày càng tiến bộ, nhưng các giá trị tinh thần, trong đó những giá trị nhân văn ít được quan tâm, ít được trân trọng, xin hướng dẫn chúng con, khởi đi từ những việc làm nhỏ bé trong tinh thần phục vụ, chúng con bước vào thế giới của tình yêu, nơi đó, sức mạnh của tình yêu sẽ biến đổi chúng con trở thành lời chứng sống động của mầu nhiệm thập giá và phục sinh, một mầu nhiệm đậm nét giới luật tình yêu. Amen.

Yêu Thương Là Nên Hoàn Thiện
Chúa Nhật VII TN A - Giuse hạt bụi tro

tbd 180223a

 

Có lẽ ai trong chúng ta cũng đã từng chứng kiến sự rạn nứt tình cảm của hai người bạn thân lâu năm, anh em một nhà xích mích vì phân chia gia tài, hoặc hai người đang yêu nhau thắm thiết thì phải chia tay. Thậm chí hai vợ chồng đã làm lễ kết hôn trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh thì cũng có thể đường ai nấy đi, dứt tình tuyệt nghĩa. Họ đến với nhau vì tình bạn, tình yêu, muốn gắn bó với nhau trọn đời, nhưng rồi, lại phải chia tay nhau như kẻ thù không đội trời chung, không bao giờ muốn gặp lại nhau.

Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi anh em”. Đây là một trong những giáo huấn khó thực thi nhất của Chúa Giêsu. Chính điểm này làm nên sự khác biệt giữa người Kitô hữu với những người khác. Chính giáo huấn này phản ánh chân thực nhất căn tính của người Kitô hữu là hình ảnh của Thiên Chúa tình yêu.

Chúa Giêsu không đòi chúng ta phải yêu kẻ thù như yêu chính mình, hay như yêu người yêu của mình. Không! Hai tình cảm đó khác nhau xa lắm. Chúng ta yêu những người thân yêu bằng một tình cảm hết sức tự nhiên, không cần phải cố gắng nhiều. Chúng ta yêu và được yêu lại. Rất dễ dàng! Còn yêu thương kẻ thù thì hoàn toàn khác. Đó là một tình cảm không tự nhiên, đòi hỏi một sự cố gắng và nỗ lực liên lỉ của lý trí và ý chí.

Yêu thương những người thân yêu, bạn bè từng có lỗi với ta đã là khó. Huống chi phải yêu thương kẻ thù của mình, tức là những người đã cố tình làm hại chúng ta, muốn chúng ta phải lao đao lận đận, phải chết. Quả thực, căn cứ trên tình cảm tự nhiên thì đây là một giáo huấn không thể thực thi. Khó lắm! Tại sao Chúa Giêsu lại dạy chúng ta yêu thương kẻ thù? Câu trả lời đơn giản thôi, nhưng lại rất phi thường. Bởi vì tình yêu làm cho chúng ta ra đáng yêu, nên giống Chúa Giêsu và giống Thiên Chúa là tình yêu hơn.     

Chúa Giêsu đưa ra hai ví dụ rất dễ hiểu mà ai cũng nhận ra. Thiên Chúa làm cho mặt trời mọc lên soi sáng người xấu cũng như kẻ tốt, và cho mưa rơi xuống cho người công chính cũng như kẻ bất lương. Như thế, Thiên Chúa yêu là yêu hết tất cả, đâu có phân biệt đâu. Chúa Giêsu cũng thế. Ngài đến thế gian để kêu gọi những người tội lỗi chứ không chỉ người công chính. Khi lựa chọn 12 tông đồ, Chúa Giêsu đã chọn lựa rất kỹ càng. Ngài thức suốt đêm để cầu nguyện, nhưng rồi, Giuđa thì bán Chúa, Phêrô thì chối Chúa, còn các tông đồ khác thì bỏ chạy hết. Chúa vẫn yêu thương và tha thứ cho các ông. Chúa cầu nguyện cho các ông. Trái tim Chúa vẫn đập, buồng phổi Chúa vẫn thở, vì yêu các ông cho tới cùng.

Vì thế, nếu chúng ta muốn trở nên con cái Thiên Chúa, thì chúng ta cũng phải yêu thương bằng một tình yêu không phân biệt như Chúa Giêsu đã yêu. Khoan hãy nói tới việc yêu thương kẻ thù, trước tiên chúng ta phải học yêu thương và tha thứ cho những thân yêu của mình: vợ chồng, con cái, anh chị em, bạn bè của mình. Có những người cứ đau mãi một vết thương, một lỗi lầm trong quá khứ. Mỗi lần khơi lên là nỗi đau như bị xát muối. Vết thương không lành là do chính chúng ta không chịu tha thứ, không chịu lành đó thôi.

Tình yêu thì bao dung, tha thứ và quảng đại với người mình yêu. Có ba mức độ của tình yêu thương: hành động, lời nói và lời cầu nguyện. Nếu chúng ta không thể yêu thương bằng hành động thì hãy yêu thương bằng lời nói, hoặc không nói gì cũng đã là yêu thương rồi. Nếu không thể yêu bằng lời nói thì ít ra chúng ta hãy yêu thương bằng lời cầu nguyện cho những người làm hại chúng ta. Đừng nên trả thù kẻ làm hại mình, vì như thế, chúng ta có hơn gì họ đâu. Làm như thế, chứng tỏ chúng ta còn xấu hơn họ nữa.

Cuối bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu lại đưa ra một giáo huấn xem ra cũng khó thực hiện như lời mời gọi hãy yêu thương kẻ thù: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”.

Phàm là con người, ai trong chúng ta cũng đầy dẫy những tham sân si. Vậy mà Chúa Giêsu lại bảo chúng ta hãy nên hoàn thiện như Chúa Cha là Đấng toàn thiện. Làm sao có thể chứ? Thật ra, chữ hoàn thiện theo tiếng gốc Hy-lạp (téleios), không phải là cái gì đó hoàn toàn tinh khiết, không có khiếm khuyết, lỗi lầm. Một sự vật được gọi là hoàn thiện khi nó đạt tới cứu cánh, mục đích của nó. Con người hoàn thiện khi đạt được mục đích mà Thiên Chúa đã đặt để khi tạo dựng nên họ.

Tới đây, câu hỏi được đặt ra là: khi nào thì chúng ta đạt được mục đích mà Thiên Chúa muốn chúng ta đạt được? Con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Hình ảnh là cái gì đó phản ánh chính thực tại gốc. Mục đích của hình ảnh là diễn tả chân thực hết sức có thể thực tại gốc của nó. Chúng ta biết rằng Thiên Chúa là tình yêu. Cho nên, khi chúng ta càng yêu thương là chúng ta càng phản ánh chính Thiên Chúa, càng giống như Thiên Chúa, và càng đạt được cùng đích của đời mình.

Yêu thương ai đây? Câu trả lời đầu tiên là phải yêu mến Thiên Chúa. Đó là điều răn thứ nhất và quan trọng nhất. Tuy nhiên, nó chỉ đến sau. Một câu trả lời khác: hãy yêu người thân cận như chính mình. Ngay cả điều này nữa, nó cũng đến sau. Điều phải làm trước tiên là chúng ta phải nhìn nhận, phải tin là Thiên Chúa đang yêu thương chúng ta.

Chúng ta có thực sự tin là Thiên Chúa đang yêu thương chúng ta không? Có lẽ chúng ta tin, nhưng mà tin không đủ. Nếu chúng ta tin thực sự, thì cuộc đời ta, mọi sự, mọi biến cố xảy ra trong đời, cả những đau khổ thập giá nữa, đều thay đổi ngay tức khắc trước mặt chúng ta. Chúng ta được mời gọi hãy nhìn lại cuộc đời mình, lôi ra ánh sáng và phủi bay đi những gì là buồn sầu, đe dọa, dằn vặt, mặc cảm, tự ti của chúng ta. Chúng ta sẽ thấy chúng không là gì khi so với tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta.

Tự bản tính, tình yêu có tính chất bung ra, thông truyền cho người khác. Thiên Chúa dựng nên ta vì yêu chúng ta và để chúng ta yêu Chúa, nên hiện hữu của chúng ta là một hiện hữu của tình yêu và cho tình yêu. Yêu kẻ thù hay yêu người thân thì cũng là một tình yêu mà thôi. Một khi đã yêu thì đâu cần phân biệt người đó là bạn hay thù đâu. Tình yêu không bao giờ phân biệt người yêu. Chúng ta không yêu là đang sống không đúng mục đích của cuộc đời mình. Chúng ta yêu thương là nên hoàn thiện như Cha chúng ta trên trời là Đấng hoàn thiện.

Như thế, hai giáo huấn hôm nay của Chúa Giêsu là: hãy yêu thương kẻ thù và nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện, tuy có vẻ khác nhau nhưng cùng nói lên một điều này là: chúng ta phải sống tình yêu trong cuộc đời mình. Trái tim còn đập là còn yêu thương. Chính nhờ điều này mà người ta sẽ nhận biết chúng ta là môn đệ Chúa Giêsu là chúng ta yêu thương nhau.

Từ hôm nay, chúng ta hãy học yêu thương và tha thứ cho những thân yêu của mình: vợ chồng, con cái, anh chị em, bạn bè của mình. Đó là tiền đề để chúng ta có thể yêu thương những người thù nghịch với mình. Đừng thù hận nữa, nhưng hãy yêu thương. Yêu thương bằng hành động, bằng lời nói hoặc lời cầu nguyện đều được. Miễn là chúng ta có yêu thương thì cuộc đời chúng ta sẽ có ý nghĩa hơn. Trái tim và tâm hồn chúng ta sẽ lớn hơn và đẹp hơn.

Xin Thiên Chúa là nguồn mạch tình yêu chúc lành cho tất cả chúng ta. Amen.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây