TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật VII Thường Niên – Năm C

12/02/2022 08:20:53 |   1235

Chúa Nhật VII Thường Niên – Năm C
 

cn t7 TNC

Lc 6, 27-38

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

Chúa Nhật VII Thường Niên – Năm C

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Đức Giêsu đưa ra hai cách hành xử: một là hành xử dựa trên mặt công bình không tình thương của phường tội lỗi, và hai là hành xử dựa trên luật yêu thương của môn đệ Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu đến thế gian không để thiết lập một mớ những nguyên tắc, một hệ thống luân lý hầu bóp nghẹt dân chúng. Chúa đến trước hết là vén mở tình yêu của Thiên Chúa và đưa con người vào mối quan hệ tình yêu với Chúa Giêsu.

Và Chúa Giêsu đưa ra huấn lệnh quan trọng nhất và tuyệt vời nhất là yêu thương thù địch. Đây là một giới luật xem ra nghịch với sự suy nghĩ và quan niệm của con người muôn thế hệ, sống yêu thương là gặp Chúa, vì Chúa là tình yêu. Sống hận thù là chối bỏ Đức Kitô. Là môn đệ của Đức Giêsu không thể sống con đường nào khác ngoài việc thể hiện lòng yêu thương. Để hồi tâm, chúng ta hãy xét xem mình đã thi hành giới luật yêu thương được bao nhiêu? Chúng ta cùng thành tâm hối lỗi…

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, tôi đã tin cậy vào đức từ bi của Chúa. Xin cho lòng tôi hân hoan vì ơn Chúa cứu độ, tôi sẽ hát mừng Chúa, vì Chúa ban ân huệ cho tôi.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin giúp mọi người chúng con hằng để tâm suy nghĩ những gì là thiêng liêng cao thượng, và biết dùng lời nói việc làm để thực thi những điều đẹp ý Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: 1 Sm 26, 2. 7-9. 12-13. 22-23

“Chúa trao đức vua trong tay tôi mà tôi không nỡ ra tay”.

Trích sách Samuel quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, Saolê cùng với ba ngàn quân sĩ tinh nhuệ của Israel kéo xuống hoang địa Ziphô để vây bắt Ðavít. Ban đêm Ðavít và Abisai đến nơi quân sĩ (của vua) đóng, và thấy Saolê đang nằm ngủ trong lều, cây giáo của ông thì cắm xuống đất ở phía đầu. Abner và quân sĩ thì ngủ chung quanh ông.

Abisai liền nói với Ðavít rằng: “Hôm nay, Thiên Chúa đã trao kẻ thù trong tay ngài; vậy giờ đây xin cho tôi lấy giáo đâm ông ấy một phát thâu xuống đất, không cần đến phát thứ hai”. Nhưng Ðavít nói với Abisai rằng: “Chớ giết ngài, vì có ai đưa tay phạm đến Ðấng Chúa xức dầu mà vô tội đâu?” Rồi Ðavít lấy cây giáo và bình nước ở phía đầu của Saolê và cả hai ra đi. Không ai hay biết và không ai thức dậy, nhưng mọi người vẫn ngủ, vì Chúa khiến họ ngủ say.

Ðavít sang phía bên kia, đứng trên ngọn núi đàng xa, đôi bên cách xa nhau. Ngài hô lên rằng: “Ðây là ngọn giáo của nhà vua, một trong các cận vệ của vua hãy qua đây mà lấy, Chúa sẽ báo đáp cho mỗi người tuỳ theo sự công minh và thành tín cuả họ, vì hôm nay Chúa trao đức vua trong tay tôi mà tôi không nỡ ra tay giết đấng được Chúa xức dầu”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 102, 1-2. 3-4. 8 và 10. 12-13.

Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót. (c. 8a).

Xướng: Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người. 

Xướng: Người đã tha thứ cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng. 

Xướng: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi. 

Xướng: Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. Cũng như người cha yêu thương con cái, Chúa yêu thương những ai kính sợ Người.

Bài Ðọc II: 1 Cr 15, 45-49

“Như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc địa giới, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh người thiên quốc như vậy”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, Ađam cũ là người có sự sống, còn Ađam mới thì có thần trí ban sự sống. Những điều có trước, không phải thuộc linh giới, mà là thuộc thể giới, rồi mới đến cái thuộc về linh giới. Người thứ nhất bởi đất mà ra, thì thuộc về địa giới, còn người thứ hai bởi trời mà đến, thì thuộc thiên giới. Người thuộc địa giới đó thế nào, thì những người khác thuộc địa giới cũng vậy; và người thuộc thiên giới đó thế nào, thì những người khác thuộc thiên giới cũng vậy. Bởi thế, như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc địa giới, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh người thiên quốc như vậy.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 6, 64b và 69b

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 6, 27-38

“Các con hãy tỏ lòng thương xót như Cha các con hay thương xót”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả má con bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại. Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy. Nếu các con yêu những kẻ yêu các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì cả những người tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ. Và nếu các con làm ơn cho những kẻ làm ơn cho các con, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng làm như vậy. Và nếu các con cho ai vay mượn mà trông người ta trả lại, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng cho những kẻ tội lỗi vay mượn để rồi được trả lại sòng phẳng.

Vậy các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn, và cho vay mượn mà không trông báo đền. Phần thưởng của các con bấy giờ sẽ lớn lao, và các con sẽ là con cái Ðấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác.

Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ. Ðừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Lòng từ bi nhân hậu của Chúa luôn đổ xuống trên tất cả mọi người không phân biệt một ai. Chúng ta cùng cảm tạ và dâng lời cầu xin.

1. “Adam mới thì có thần trí ban sự sống”. Xin cho Hội Thánh ngày càng làm lan rộng thêm giới luật yêu thương của Thiên Chúa đến tận cùng trái đất.

2. “Chúa trao đức vua vào trong tay tôi mà tôi không nỡ ra tay” – Xin cho các Kitô hữu thực hành đức bác ái Kitô giáo, thấm nhập vào mọi sinh hoạt của con người, để muôn người nhận ra họ là môn đệ Chúa Giêsu.

3. Chúa Giêsu đã nói: “Anh em đừng xét đoán thì khỏi bị xét đoán”. Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta, dứt khoát từ bỏ tật xấu hay xét đoán bất công người khác, vì không ai là người hoàn toàn vô tội trước mặt Chúa, là Đấng vô cùng thánh thiện.

4. “Đừng kết án thì các con khỏi bị kết án”.- Xin cho mọi người biết chân thực trong lời nói, đừng dùng miệng lưõi mà vu oan giáng hoạ cho ai, vì đó cũng là một cách giết người không súng đạn và gươm đao.

Chủ tế: Lạy Chúa, thánh Phaolô đã nói: “Ai yêu người thì đã chu toàn lề luật” Vậy xin Chúa ban ơn trợ giúp chúng con có thể chân thành yêu thương hết thảy mọi người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con thành kính tiến dâng lễ vật này, để tôn vinh Danh Thánh; cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, để lễ tế hôm nay đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Tôi sẽ kể ra mọi điều lạ lùng của Chúa. Lạy Đấng Tối Cao, tôi sẽ mừng rỡ hân hoan trong Chúa, và sẽ đàn ca danh Chúa.

Hoặc đọc:

Thưa Thầy, con tin Thầy là Đức Kitô- Con Thiên Chúa hằng sống, đã đến trong thế gian.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã hứa ban phúc trường sinh cho tất cả những ai ăn bánh này; giờ đây xin nhớ lại lời hứa mà ban cho chúng con được hưởng ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Suy Niệm

Yêu thương

Huyền thoại Hy lạp kể lại rằng: Narcisse là một vị thần rất đẹp trai, khiến cho nàng tiên Echo đem lòng yêu thương say đắm. Thế nhưng, Narcisse không những đã cự tuyệt mối tình say đắm ấy, mà còn biến nàng thành tượng đá.

Ngày kia, Narcisse đi lang thang, tình cờ chàng đến bên một giòng suối. Chàng nhìn ngắm bóng hình mình in trên mặt nước và cảm thấy ngất ngây vui sướng. Chàng cố sức nắm bắt bóng hình ấy, nhưng không tài nào nắm bắt được. Chính vì thế, chàng sinh ra buồn sầu, ủ rũ và qua đời. Sau khi chết, chàng hóa nên cây thủy tiên, mọc bên giòng suối.

Bởi đó trong tiếng Pháp, danh từ “narcisse” có nghĩa là kẻ hợm hĩnh về sắc đẹp của mình, còn danh từ “narcissisme” có nghĩa là lòng tự kiêu quá đáng.

Mỗi người chúng ta, không ít thì nhiều, cũng giống như chàng Narcisse đáng buồn ấy, bởi vì ai cũng yêu mình thái quá, ai cũng thích khoe rằng mình tài, mình giỏi, mình đẹp, mình hay… Ai cũng muốn mình là nhân vật số một, mình là “number one”, mình là trung tâm của thế gian, mình là cái rốn của vũ trụ. Ai cũng thường nghĩ rằng kẻ khác sinh ra là để phục vụ cho mình và rồi cuối cùng mình sống trong cô độc và chết trong quạnh hưu, còn bản thân cũng chẳng hóa kiếp thành cánh hoa thủy tiên mọc bên giòng suối hư vô.

Thế nhưng, Chúa Giêsu đã đến để giải thoát con người khỏi tình cảnh đáng thương ấy. Ngài chỉ cho chúng ta phương thức khai thông những bế tắc, bằng cách tận diệt cái tôi ích kỷ và kiêu căng để đến với tha nhân và yêu thương anh em đồng loại.

Cụ Phan bội Châu đã viết trong “Lưu cầu huyết lệ thư” như sau:

– Con chim sắp chết hót tiếng hót bi thương, con người sắp chết nói lời tâm huyết.

Lời tâm huyết của Chúa Giêsu trối lại cho các môn đệ trong phòng tiệc ly, trước khi Ngài ra đi chịu chết, đó là:

– Thày truyền cho các con một điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau.

Bản tính của Chúa chính là Tinh yêu và cốt lõi của đạo Chúa cũng chính là Tình yêu. Sở dĩ đạo Chúa được gọi là đạo Công giáo vì đã dạy một điều phổ quát, chung cho mọi người, đó là hãy yêu thương nhau.

Tất cả những ai yêu thương anh em, đều là người có đạo, đều là Kitô hữu, đều là môn đệ của Chúa. Thực vậy, Ngài đã truyền day:

– Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thày, là các con hãy yêu thương nhau.

Trong ngày sau hết, chúng ta sẽ bị tra vấn về những hành động bác ái, và công hay tội của chúng ta được ấn định dựa trên một tiêu chuẩn duy nhất đó là tình yêu, như chúng ta đã thấy trong hoạt cảnh của ngày phán xét:

Ai cho người đói được ăn, người khát được uống, người trần trụi được mặc, ai thăm viếng người đau yếu, người bị giam cầm, ai nhường cơm sẻ áo va tiếp đón khách lạ… thì sẽ được ân thưởng hạnh phúc thiên đàng.

Vậy chúng ta phải yêu thương anh em như thế nào?

Chính Chúa đã dạy:

– Các con hãy yêu thương nhau như Thày đã yêu thương các con.

Đây là một tiêu chuẩn, một đòi hỏi rất cao, cũng cao như tiêu chuẩn và đòi hỏi:

– Các con hãy nên trọn lành như Cha các con ở trên trời là Đấng trọn lành.

Yêu thương anh em như Chúa đã yêu thương chúng ta. Về số lượng, Chúa đã yêu thương hết mọi người, kể cả những kẻ thù địch, bằng chứng là trên thập giá, Ngài đã cầu nguyện cho những kẻ làm khốn mình:

– Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng lầm chẳng biết việc chúng làm.

Về phẩm chất, Chúa đã yêu thương chúng ta tới mức đã đổ hết máu mình ra để tầy xóa tội lỗi chúng ta như lời Ngài đá phán:

– Không ai yêu hơn người hiến mạng sống mình vì bạn hữu.

Trong cuộc sống, có những vị thánh, nhờ ơn Chúa, đã thực hiện được một ty cao cả như thế, chẳng hạn các thánh Tử đạo Việt Nam đã đổ máu đào để làm chứng cho Chúa, thánh Maximilianô Kolbê đã tình nguyện chết thay cho một bạn tù, Cha Đamiêng đã tình nguyện sống giữa những người phong cùi ở hải đảo Molokai để giúp đỡ họ, Mẹ Têrêxa thành Calcutta đã tận tình chăm sóc những người bất hạnh và nghèo khổ.

Còn chúng ta thì sao? Chúng ta đã thực thi giới luật yêu thương Chúa truyền dạy hay chưa? Nếu có, thì tình thương của chúng ta đã vượt khỏi những người thân quen, để tìm đến với những kẻ bất hạnh và khổ đau, nhất là đến với kẻ kẻ thù oán, ghét bỏ chúng ta hay chưa?

Chúng ta có giám hy sinh thời giờ, tiền bạc và công sức để giúp đỡ những kẻ chẳng may gặp phải tai ương hoạn nan, như người Samaria nhân từ đã làm cho kẻ gị cướp đánh dọc đường hay không?

Chúng ta có nhớ rằng số phận đời đời của chúng ta lệ thuộc vào những hành động bác ái yêu thương chúng ta đã làm hay đã không làm để giúp đỡ nhung người chung quanh hay không?

Dĩ nhiên, không phải mọi Kitô hữu đều có lòng bác ái yêu thương, nhưng chắc chắn rằng những người có lòng bác ái yêu thương đều là môn đệ của Chúa và như vậy họ đều là Kitô hữu, như lời Ngài đã xác quyết:

– Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thày, là các con yêu thương nhau.

Nếu bây giờ tạm gác bỏ những việc bên ngoài như xưng tội rước lễ, tới nhà thờ đọc kinh cầu nguyện…để chỉ căn cứ vào những việc bác ái yêu thương, thì liệu người khác có còn nhận ra chúng ta là Kitô hữu, là môn đệ của Đức Kitô nữa hay không?

Cầu nguyện

Lạy Chúa, trong cuộc sống có lẽ chúng con đã nghe và đã nói quá nhiều về tình yêu, nhưng còn việc làm thì lại chẳng được bao nhiêu. Chúng con chỉ mới yêu bằng tai, thương bằng miệng, chứ chưa thực sự yêu thương bằng việc làm, bằng hành động. Xin Chúa giúp chúng con biết giúp đỡ những người chung quanh, nhất là những kẻ nghèo túng và khổ đau, để nhờ đó chúng ta trở nên người môn đệ đích thực của Chúa.
 

CHÚA NHẬT 7 THƯỜNG NIÊN – 2001
(Lc. 6:27-38) Lm Lã Mộng Thường

Nơi cuốn Kinh Thánh, bài Phúc Âm vừa được công bố được mệnh danh là “Thương kẻ nghịch” hoặc “Yêu thương kẻ thù”. Cũng như nhiều đoạn Phúc Âm khác, Lời Chúa nêu lên những điểm không thể thực hiện đối với bất cứ ai nếu hiểu theo nghĩa từ chương; chẳng hạn, “Hãy yêu mến thù địch và làm ơn cho những người oán ghét các con”. “Ai vả má con bên nầy thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong”. “Ai lấy gì của con thì đừng đòi lại”. Hãy làm ơn và cho may mượn mà không trông báo đền”. Chúng ta thường có thói quen khi nghe hoặc đọc Kinh Thánh, nếu những câu nói nào coi bộ không hợp với quan niệm hay ý nghĩ của mình, chúng ta tảng lờ như không đọc hoặc không nghe.

Đã bao ngày tháng trong quá khứ, dân Chúa đã bị cấm không được đọc Thánh Kinh cũng chỉ vì e ngại họ hiểu hoặc giải thích không theo ý của những đấng bản quyền. Lâu dần thành thói quen thấm nhập tâm não và truyền từ đời nọ sang đời kia, sự e ngại chẳng nên đã biến dân Chúa trở thành mù tối, tệ hơn nữa, đã có những người cho rằng kẻ nào dám suy nghĩ về những câu nói nơi Kinh Thánh sẽ trở thành rối đạo.

Tôi trộm nghĩ, chỉ những người không dám tìm hiểu, suy tư, hoặc nghiệm chứng về những câu nói nơi Kinh Thánh chính là những người rối đạo vì không biết mình tin gì. Kinh nghiệm cuộc sống minh chứng, bất cứ sự gì chúng ta khao khát tìm hiểu, tất nhiên chúng ta sẽ đạt tới kết quả không sớm thì chầy.

Lời Chúa rõ ràng khuyến khích điểm này nơi Phúc Âm: “Hãy xin thì sẽ được; hãy tìm thì sẽ gặp; hãy gõ thì sẽ mở cho” (Mt. 7:7; Lc. 11:9). Hơn thế nữa, Phúc Âm đoan chắc đối với những ai thành tâm suy nghiệm Lời Chúa, “Vì kẻ có thì sẽ được cho thêm mà nên dư dật, còn kẻ không có thì điều có cũng bị giựt mất” (Mt. 13:12; Mc. 4:25; Lc. 8:18; 19:26).

Bất cứ ai để tâm suy nghiệm lời Phúc Âm thì càng ngày càng am hiểu thâm sâu về Tin Mừng Nước Trời. Những ai không cần biết Lời Chúa nói gì thì càng ngày càng trở nên mù tối. Vì thế, chẳng lạ gì G. C. Lichtenberg nêu lên câu nói, “Quyển sách là một cái gương soi. Nếu một con khỉ mà nhìn vào, dĩ nhiên không thể có cái ảnh của một vị thánh hiện lên”. Câu nói này phần nào giải thích kết quả lời kết án nơi Phúc Âm, “Khốn cho các ngươi, ký lục và biệt phái giả hình vì các ngươi khóa Nước Trời chận người ta lại! Các ngươi sẽ chẳng vào đã rồi, mà những kẻ muốn vào các ngươi cũng chẳng để cho vào” (Mt. 23:13).

Lời Chúa lên án nặng nề những ai đã không suy nghiệm Phúc Âm mà lại còn lạm dụng lòng chân thành của người khác để thực hiện mưu đồ riêng tư, “Khốn cho các ngươi giả hình, các ngươi giống như mồ mả tô vôi, mã ngoài hình như đẹp đẽ, nhưng bên trong thì đầy xương cốt thây ma và mọi thứ xú uế” (Mt. 23:27).

Phương cách chi và nơi phương diện nào chúng ta có thể thực hiện lời Phúc Âm hôm nay nơi cuộc sống? Sao chúng ta có được tấm lòng thực sự yêu mến kẻ thù? Trường hợp nào chúng ta bị lột áo ngoài mà có thể sẵn lòng cho lấy luôn cả áo trong, hoặc bị tát má này lại còn chìa má bên kia? Và ai có thể cho vay mà không bao giờ đòi nợ? Trước hết, nói đến kẻ thù theo quan niệm Công Giáo cũng như ý niệm con người thường an định, chính Chúa cũng không thể yêu mến kẻ thù của Ngài.

Tuy nhiên, ai tự suy gẫm về chính mình sẽ nhận thực được điều lạ lùng đó là kẻ thù độc hại, đáng ghét, nhưng cũng dễ thương nhất của mình lại là chính mình. Chúng ta thường nghe những lời bào chữa khi một người đã thực hiện chuyện không nên rằng tại người này hay người kia xúi giục hoặc bảo phải làm thế nọ thế kia. Điều rõ ràng đó là người đó đã không dám hoặc không nhận biết về chính họ mà chấp nhận trở thành công cụ cho kẻ khác lạm dụng.

Dĩ nhiên, đầy trong lòng mới có thể tràn ra bên ngoài. Nếu một người đã không muốn điều gì thì Chúa cũng không thể ép buộc họ thực hiện điều đó được. Lại có người đổ lỗi cho quỉ hay Satan. Xin thưa, quỉ hay Satan chính là lòng ham muốn nơi mình, ý nghĩ, ý định thế tục của mình mà thôi. Kẻ thù khốn nạn nhất của mình lại là tham vọng, ham muốn của mình. Quí ông bà anh chị em thử để tâm nhận định, đã bao lâu rồi mình cố chừa sửa một đôi điều không nên nào đó và chúng ta đã cảm thấy thế nào.

Như vậy, yêu mến kẻ thù nghịch có nghĩa nhận biết thực sự mình thế nào. Do đó, những ai còn muốn trở nên bất cứ gì tất nhiên vẫn còn đang chạy trốn đối diện với con người thực của mình, vẫn còn không dám nhận diện bản mặt thật của mình, vẫn còn cố đeo mặt nạ hòng che dấu một tâm hồn bất trắc, đáng khinh bỉ nơi mình. Thực tâm nhận định, dẫu ai khinh thường hoặc nói chẳng ra gì về mình cũng không sao nhưng nếu đã tự khinh thì không còn hỏa ngục nào khốn nạn hơn thế nữa.

Suy nghiệm từ nhận định này, nếu ai đã dám tự đối diện để chấp nhận chính mình mới có thể chấp nhận những người khác. Những ai đã tự khinh bỉ đều nhận thấy mọi người chung quanh coi rẻ mình mà thôi. Và như vậy, con người của mình thế nào thì mình sẽ nghĩ cho người khác cũng như thế.

Bất cứ những gì mình nghĩ về người khác đều biểu hiệu thực trạng tâm hồn của mình. Đây là phần nào ý nghĩa của câu Phúc Âm, “Đừng xét đoán thì các con khỏi bị xét đoán”. Nhìn thấy sự tốt lành thánh thiện nơi người khác tất nhiên mình đã thánh thiện. Nhìn thấy những sự sai lầm nơi người khác, nếu mình không lầm lỗi sao có thể biết đó là điều lỗi lầm. Tóm lại, yêu mến kẻ thù nghịch có nghĩa hãy tự nhận biết chính mình. Amen.

Chúa nhật tuần 7 thường niên -C
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 6, 27-38).

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả má con bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại. Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy. Nếu các con yêu những kẻ yêu các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì cả những người tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ. Và nếu các con làm ơn cho những kẻ làm ơn cho các con, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng làm như vậy. Và nếu các con cho ai vay mượn mà trông người ta trả lại, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng cho những kẻ tội lỗi vay mượn để rồi được trả lại sòng phẳng.
Vậy các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn, và cho vay mượn mà không trông báo đền. Phần thưởng của các con bấy giờ sẽ lớn lao, và các con sẽ là con cái Ðấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác.
Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ. Ðừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy”.

Suy niệm

Trước khi về trời, Đức Giêsu đã căn dặn các Tông đồ, các môn đệ cũng như cộng đoàn Giáo hội ban đầu, hãy yêu thương nhau như anh em trong cùng một mái nhà. Lời nhắc đó được coi là dấu chỉ để mọi người nhận biết ai là môn đệ của Thầy Chí Thánh. Nhắc đến tình yêu thương, con người luôn hướng về Thiên Chúa, Đấng được gọi là nguồn cội của tình yêu và cũng là chủ thể của tình yêu. Phát xuất từ Thiên Chúa là tình yêu, Đức Giêsu đi vào lịch sử nhân loại để cứu độ con người, tình yêu đã vượt qua mọi giới hạn của nhân loại, vượt qua mọi rào cản của sự chết, tình yêu đưa con người đi vào một quỹ đạo mới, trong quỹ đạo đó, con người sẽ được tình yêu như là kim chỉ nam hướng dẫn trong mọi sinh hoạt, mọi tương quan, để hoàn thiện chính mình như Thiên Chúa mong muốn, để xây dựng một đại gia đình huynh đệ thiêng liêng, có thể nâng đỡ nhau trong cuộc sống thường ngày cũng như giúp nhau chu toàn những trọng trách Thiên Chúa trao phó.

Ơn gọi của Đavid quả là một điều kỳ diệu đối với bản thân ông cũng như gia đình, vì thế, sau khi được chọn, David đã thực thi những gì Thiên Chúa chỉ dạy, ngay cả khi đứng trước kẻ đang tìm cách triệt hạ mình, ông cũng không nỡ nào hành động. Nghĩa cử đó rất đẹp lòng Thiên Chúa, rồi từng ngày, Thiên Chúa ở bên cạnh ông, che chở và bảo vệ ông như người Cha yêu thương, chăm sóc và bảo vệ con cái của mình: “A-bi-sai liền nói với Ðavít rằng: “Hôm nay, Thiên Chúa đã trao kẻ thù trong tay ngài; vậy giờ đây xin cho tôi lấy giáo đâm ông ấy một phát thâu xuống đất, không cần đến phát thứ hai”. Nhưng Ðavít nói với Abisai rằng: “Chớ giết ngài, vì có ai đưa tay phạm đến Ðấng Chúa xức dầu mà vô tội đâu?” Rồi Ðavít lấy cây giáo và bình nước ở phía đầu của Saolê và cả hai ra đi. Không ai hay biết và không ai thức dậy, nhưng mọi người vẫn ngủ, vì Chúa khiến họ ngủ say”. Thái độ sống của Đavid có thể bị dư luận cười chê nhưng với Thiên Chúa, đó là một chọn lựa đúng đắn, bởi người sống theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa luôn lấy tình yêu thương để thay thế cho sự báo thù và oán giận.

Trong những lá thư mục vụ gởi cho các cộng đoàn Giáo hội sơ khai, thánh Phaolô đã giải thích cho các tín hữu về sự cao quý của những người sinh ra trong Thánh Thần và nước, đó là những người đã được lãnh nhận bí tích Thánh tẩy, được trở nên con cái Thiên Chúa, Đấng là cội nguồn của tình yêu, do đó, là con cái Thiên Chúa, các tín hữu phải nên hoàn thiện trong tình yêu như Thiên Chúa mong muốn: “Người thứ nhất bởi đất mà ra, thì thuộc về địa giới, còn người thứ hai bởi trời mà đến, thì thuộc thiên giới. Người thuộc địa giới đó thế nào, thì những người khác thuộc địa giới cũng vậy; và người thuộc thiên giới đó thế nào, thì những người khác thuộc thiên giới cũng vậy”. Nên hoàn thiện như Thiên Chúa muốn là trở nên chứng nhân của tình yêu đích thực, trở nên người con thuộc về thiên giới là trở nên chứng nhân của Đấng đến từ thiên giới, là Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa thật.

Đức Giêsu khi bước vào lịch sử nhân loại, Ngài đã thổi một luồng gió mới bằng việc mời gọi con người thay đổi cách nhìn, cách suy nghĩ và tương quan giữa con người với nhau, đặc biệt là giữa Thiên Chúa với con người. Ngài mời con người đón nhận giới luật mới là giới luật của tình yêu. Giới luật này có giới hạn là vô tận, có thời gian thực hiện là vô thời gian, có phần thưởng là không mong đền đáp, không chờ trả công: “Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả má con bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại. Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy”. Để có thể thực hiện được những gì giới luật yêu thương đòi hỏi, người môn đệ cần có sự năng động của đức tin, sự linh hoạt của lòng mến và sự miệt mài của niềm cậy trông. Các nhân đức đó sẽ là nền tảng để những ai là tín hữu Kitô mạnh dạn thay đổi đôi mắt tinh thần của mình bằng đôi mắt của Thầy Chí Thánh, chính đôi mắt mới mang hình ảnh của Đức Giêsu, sẽ cho người môn đệ nhận ra đâu là anh em mình, đâu là Đức Giêsu đầy thương tích đang bị bỏ rơi.

Chiều sâu của tình yêu là không biên giới, không phân biệt kẻ thù và người thân cận, chỉ biết rằng, là con người, tất cả đều là con cái Thiên Chúa, là anh chị em chung một mái nhà, vì thế cần được yêu thương, cần được tha thứ và cần được giúp đỡ, sẻ chia. Sự năng động của tình yêu không dừng lại ở lý thuyết, nhưng tất cả là hành động, trước những khiếm khuyết của con người, cần nhạy bén để nhận ra và giúp đỡ họ. Thầy Chí Thánh đã đi bước trước để hướng dẫn các học trò của Ngài. Trước một người mẹ mất đứa con duy nhất, Thầy thổn thức sẻ chia, trước người phụ nữ bị kết án vì lề luật thế gian, Thầy thông cảm và đứng về phía chị, trước người học trò của mình có thái độ phản bội, Thầy đau khổ nhưng vẫn sẵn lòng tha thứ. Trước một đám đông ba ngày không có gì ăn khi theo học giáo lý, Thầy xót thương như đàn chiên không người chăn. Biên giới của tình yêu là thế, chương trình của tình yêu là vậy và kế hoạch của tình yêu đến từ trái tim chứ không đến từ lý thuyết hay hình thức bên ngoài.

Không chỉ người giàu cũng khóc mà người nghèo cũng khóc hàng ngày, là con người, ai cũng có những hoàn cảnh, những câu chuyện cho riêng mình, những hoàn cảnh, những câu chuyện đó sẽ vơi đi và được xoa dịu nếu những giá trị của Tin mừng luôn được người tín hữu Kitô mang theo bên mình để vào đời. Chấp nhận để người thợ cắt tỉa, những cây hoa muôn sắc sẽ cho đời những vẻ đẹp rực rỡ mà Tạo Hóa đã phú bẩm cho nó, chấp nhận bị vùi sâu trong lòng đất, những hạt giống sẽ cho những mầm sống mới để phát triển thành những cây đem lại bóng mát cho đời, đem lại sức sống cho người. Chiều sâu của tình yêu là thế, cần có sự hy sinh và sẵn sàng cho đi, hoa trái của nó sẽ trổ sinh bốn mùa. Một xã hội đang có xu hướng nghiêng về vật chất, nặng về của cải, thì những giá trị của tình yêu, những việc làm của tình yêu cần phải nở hoa và đơm trái trong cuộc đời của người tín hữu. Trước khi về trời, Thầy Chí Thánh đã hứa: “Hãy cho, thì sẽ cho lại các con; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy”. lời hứa đó không phải là một lời nói suông, nhưng là phần thưởng lớn lao cho ai dám sống và chết cho tình yêu. Chính Thầy chúng ta đã đi qua con đường đó khi bỏ trời cao, xuống làm người, trở nên kẻ rốt hết và rồi chết cho người mình yêu. Kết thúc câu chuyện đó là hình ảnh người tôi trung của Thiên Chúa được đưa lên trời trong vinh quang, được trọng thưởng trong Nước của Cha, đến nỗi khi nghe tên của Thầy, mọi đầu gối trên trời, dưới đất và trong địa ngục đều phải quỳ xuống.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã giới thiệu cho con người con đường ngắn nhất và nhanh nhất để tới Nước Trời, con đường đó ngang qua mầu nhiệm thập giá là đỉnh cao của mầu nhiệm yêu thương, xin giúp chúng con biết cố gắng từng ngày, đi theo con đường Chúa đã chỉ dạy, để cuộc đời chúng con là một chuỗi những cố gắng sống theo Tin mừng. Chúa đã chấp nhận tất cả, kể cả cái chết nhục nhã, để cứu rỗi hết thảy mọi người, tất cả chỉ vì yêu và yêu đến cùng, xin cho chúng con cảm nghiệm được chiều sâu của tình yêu tự hiến, để chúng con không chỉ nói yêu nhưng biết sống cho tình yêu, một tình yêu đến từ Thiên Chúa. Amen.

YÊU THƯƠNG
(CN VII TN C) - Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Khi nói đến Phật giáo thì người ta nghĩ ngay đến cụm từ “từ bi – hỉ xả”, nói đến Khổng giáo thì không thể không liên tưởng đến “trung dung – chính danh chính phận”, nói đến Lão giáo thì phải nói đến “vô vi” còn khi nói đến Công giáo thì người ta thường nhấn mạnh đến “công bình - bác ái”. Có thể nói đó là những nét đặc trưng của từng tôn giáo để người ta phân biệt. Đã từng hỏi bà con tín hữu rằng bác ái là gì thì dễ thường được câu trả lời là yêu thương. Tuy nhiên khi hỏi rằng nếu chỉ hiểu yêu thương theo nghĩa luân lý thì có khác gì tổ tiên ông cha dạy chúng ta “thương người như thể thương thân” hay “bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” thì chắc chắn còn đó nhiều tín hữu Kitô không thể trả lời cách rõ ràng và chính xác dĩ nhiên là cách tương đối mang tính khả tín.

Có thể trả lời không sợ sai lầm rằng bác ái là yêu thương nhau nhờ, trong, với và như Chúa đã yêu thương chúng ta, đặc biệt qua Đức Kitô, Con một Thiên Chúa đã làm người. Phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật VII TN C mà Giáo hội cho trích đọc, cách riêng qua bài đọc thứ nhất trích Sách Samuel quyển thứ nhất (1Sam 26, 2.7-9.12-13.22-23) và bài Tin Mừng theo thánh Luca (Lc 6, 27-38) trình bày tiến trình yêu thương cách cụ thể khởi đi từ mặt tiêu cực đến động thái tích cực.

- Yêu thương theo nghĩa tiêu cực là không làm hại tha nhân. Các triết gia và hiền giả xưa đã từng khuyên dạy điều này. “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Khổng Tử); “Điều gì anh ghét chịu đựng thì đừng làm cho bất cứ ai” (Philô); “Những gì khiến anh bực bội bởi tay người khác gây ra, thì đừng làm những sự ấy cho tha nhân” (Socrates). Ông Tobia cha cũng khuyên dạy cậu Tôbia con: “Điều gì con không thích, thì cũng đừng làm cho ai cả” (Tb 4, 15).

Bài đọc thứ nhất trích Sách Samuel tường thuật câu chuyện Đavít trong một tình huống thuận lợi tình cờ có thể giết chết Saolê nhưng ông đã không ra tay mặc dầu khi ấy Saolê đang lùng giết ông. Lý do mà Đavit đưa ra để ngăn không cho Abisai giết vua Saolê là vì Saolê là người đã được Thiên Chúa xức dầu.

- Yêu thương theo nghĩa tích cực là nỗ lực thực thi điều tốt, điều tốt nhất cho tha nhân theo khả năng và hoàn cảnh của mình bất kể họ là người thân hay kẻ lạ, là người dễ thương hay là đáng ghét, là người yêu thương mình hay là kẻ đang thù ghét mình và làm hại mình. Chúa Giêsu truyền dạy: “Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, và hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Để làm nổi rõ chân lý này Chúa Giêsu đã dùng lối nói ngoa ngữ nghĩa là nói quá đi như “ai vả má con bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong” (Lc 6, 1-27-30). Và lý do Chúa Giêsu đưa ra để đòi hỏi chúng ta phải sống yêu thương cách tích cực và đến cùng đó là vì tất cả mọi người dù là công chính hay tội nhân đều là con cái của Thiên Chúa, Đấng nhân hậu từ bi, là Cha toàn năng chí ái. Động thái yêu thương theo nghĩa tích cực này được tóm lại trong lề luật vàng mà Chúa Giêsu đã khẳng định là trọng tâm của mọi lề luật và lời các ngôn sứ: “Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy” (Lc 6, 31; x.Mt 7, 12).

Vấn đề đặt ra là làm sao ta có thể vượt qua tâm lý tự nhiên thường tình để yêu thương kẻ đang thù ghét ta, để làm ơn cho những người đã hãm hại ta cách bất công và vô cớ? Thiết nghĩ rằng chỉ có niềm tin được thể hiện qua việc rèn luyện nhân đức và nhất là biết nhìn vào Chúa Giêsu để biết sống yêu thương đúng cách thế phù hợp với từng đối tượng theo từng hoàn cảnh. Đọc Tin Mừng chúng ta thấy Chúa Giêsu không chỉ bày tỏ tình yêu khi động viên khích lệ người yếu đuối, cùng khổ, khi nhân hậu tha thứ người có tội biết khiêm nhu mà cả khi Người nghiêm khắc vạch trần những sai lầm của nhiều vị lãnh đạo trong Do Thái giáo hay cả vua Hêrôđê thì cũng là yêu thương họ muốn làm ơn cho họ.

Hội Thánh Công giáo đã cụ thể hóa đạo yêu thương trong kinh “Thương người có mười bốn mối: Thương xác bảy mối – Thương linh hồn bảy mối”. Yêu thương không chỉ là biết cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống… mà còn phải biết răn bảo kẻ có tội, mở dạy kẻ mê muội… Vấn đề là chúng ta phải biết áp dụng mối yêu thương nào cho đối tượng nào, hoàn cảnh nào cho phù hợp với cả tấm lòng son. Để thực hiện lý tưởng này chắc chắn cần phải có sự xác tín và cảm nghiệm sâu xa về tình Cha trên trời được thể hiện qua Đấng làm người là Giêsu Kitô, đồng thời không thể thiếu sự luyện tập sống yêu thương quảng đại cách tiệm tiến cụ thể từng ngày.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây