TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật VIII TNb - Lễ Chúa Ba Ngôi

20/05/2024 01:29:08 |   692

Chúa Nhật VIII Thường Niên -Năm B
Chúa Ba Ngôi

cn Chúa Ba Ngôi

Mt 28,16-20


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật VIII Thường Niên -Năm B
Chúa Ba Ngôi

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến!  Bài Tin Mừng Chúa Nhật VIII hôm nay cho chúng ta thấy môn đệ Gioan và biệt phái ăn chay, tất cả đều thực hiện những hãm mình khổ chế, nhưng mỗi trường phái có cách thức khác nhau và vào những ngày khác nhau, đến nỗi khi ta biết cách họ ăn chay ta sẽ biết họ thuộc trường phái nào.

Phải chăng môn đệ của Chúa không ăn chay? Chúa trả lời “Họ sẽ ăn chay ” nhưng hiện giờ chưa phải lúc. Không nên làm mờ nhạt niềm vui của ngày cưới giữa Thiên Chúa và nhân loại, không nÊn làm mất hương vị của việc cử hành Tin Mừng hiện thời.

Cuộc cách mạng Kitô Giáo không phải là việc sửa một số tập tục, nghi lễ xưa. Nó đòi hỏi một khung cảnh mới, một tâm tình mới. Một tâm tình làm biến đổi thành những chứng nhân của Tin Mừng.

Hiểu như thế chúng ta cùng nỗ lực biến đổi đời sống.

Ca nhập lễ

Chúa đã cứu trợ tôi, đã đưa tôi đến chỗ thênh thang rộng rãi, và đã cứu sống tôi, bởi vì Người thương tôi.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, xin an bài cho mọi việc ở trần gian luôn diễn tiến trong hoà bình trật tự, để tất cả chúng con được nhờ, và Hội Thánh được an vui thờ phượng Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Hs 2, 14b. 15b. 19-20

“Ta sẽ đính hôn với ngươi đến muôn đời”.

Trích sách Tiên tri Hôsê.

Ðây Chúa phán: “Ta sẽ dụ dỗ nó, đem nó vào sa mạc, và kề lòng, Ta nói khó với nó. Ở đó nó sẽ vọng lại như ngày còn thơ, như ngày nó lên từ đất Ai-cập.

“Ta sẽ đính hôn với ngươi đến muôn đời. Ta sẽ đính hôn với ngươi trong công bình và chính trực, trong tình yêu và thương xót. Ta sẽ đính hôn với ngươi trong sự trung tín, và ngươi sẽ biết Ta là Chúa”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 102, 1-2. 3-4. 8 và 10. 12-13

Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót (c. 8a).

Xướng: Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người. 

Xướng: Người đã tha thứ cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân; Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng. 

Xướng: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi. 

Xướng: Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. Cũng như người cha yêu thương con cái, Chúa yêu thương những ai kính sợ Người. 

Bài Ðọc II: 2 Cr 3, 1-6a

“Anh em là bức thư của Ðức Kitô do chúng tôi biên soạn”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, chúng tôi lại giới thiệu cho mình ư? hoặc như một vài người, chúng tôi cần phải có thư giới thiệu với anh em, hoặc của anh em sao? Thư của chúng tôi, chính là anh em, viết ngay trong lòng anh em mà mọi người biết được và đọc được. Ai cũng rõ anh em là bức thư của Ðức Kitô do chúng tôi biên soạn, được viết không phải bằng mực, mà là bằng thần trí của Thiên Chúa hằng sống, không phải viết trên những tấm đá, nhưng là viết trên tâm hồn anh em.

Chúng tôi tin tưởng như thế trước mặt Thiên Chúa nhờ Ðức Kitô. Không phải chúng tôi có thể nghĩ tưởng điều gì như là bởi chính chúng tôi, nhưng điều đó là do Thiên Chúa; chính Người là Ðấng đã làm cho chúng tôi trở nên thừa tác viên xứng đáng của Tân Ước, không phải của văn tự, mà là của thần trí: vì văn tự chỉ giết chóc, còn thần trí mới tác sinh.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 17, 17b và a

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Lạy Cha là chân lý; xin hãy thánh hoá chúng trong sự thật”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 2, 18-22

“Tân lang còn ở với họ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, họ đến nói với Chúa Giêsu rằng: “Tại sao môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, còn môn đệ của Ngài lại không ăn chay?” Chúa Giêsu nói với họ: “Các khách dự tiệc cưới có thể ăn chay khi tân lang còn ở với họ không? Bao lâu tân lang còn ở với họ, thì họ không thể ăn chay được. Nhưng sẽ đến ngày tân lang bị đem đi, bấy giờ họ sẽ ăn chay. Không ai lấy vải mới mà vá áo cũ, chẳng vậy, miếng vải vá sẽ rút lại mà kéo áo cũ, và chỗ rách lại tệ hơn. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, chẳng vậy, rượu sẽ làm vỡ bầu da, và rượu đổ, bầu da hư. Nhưng rượu mới phải để trong bầu da mới”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Sứ mạng của Đức Kitô đến trần gian là mang lại niềm và hạnh phúc cho con người. Tin tưởng vào tình thương Chúa chúng ta cùng dâng lời nguyện xin:

1. “Ta sẽ đính hôn với ngươi trong công bình và chính trực”,- Xin cho các vị Chủ chăn trong Hội Thánh luôn được kết hợp với Chúa mà hăng say loan báo Lời Chúa với lòng yêu thương, trong công bình và chính trực, để Hội Thánh mãi mãi là ánh sáng soi đường cho nhân loại thuộc mọi thời đại.

2. “Thư của chúng tôi chính là anh em, viết ngay trong lòng nh em mà mọi người biết được và đọc được” — Xin cho mọi tín hữu phản ánh nếp sống và lời rao giảng của các vị có trách nhiệm chăm sóc các linh hồn, nhờ thấm nhuần giáo huấn chân chính mà các ngài truyền đạt lại cho.

3. “Rượu mới phải đổ trong bầu da mới”.— Xin cho các thanh thiếu nữ biết giảm bớt những xa hoa trong việc trang sức, để tiết kiệm cho việc tông đồ bác ái trong Hội Thánh và xã hội, trong tinh thần đợi chờ Đức Lang Quân đến.

4. “Nhưng sẽ đến ngày Tân Lang bị đem đi, bấy giờ họ sẽ ăn chay” – Xin cho mọi người trong các cộng đoàn dân Chúa, biết mau mắn thực thi những chỉ đạo hợp thời của công đồng Vatican II, cũng như những tông thư, hiến chế, sắc lệnh của Hội Thánh, hầu kịp thời đổi mới tâm hồn sẵn sàng chờ ngày Đức Ki-tô ngự đến.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã đến ban Thánh Thần để mới bộ mặt trái đất, xin thương nhận lời chúng con dâng để thế giới được đổi mới và phát triển viên mãn theo thánh ý Chúa, hầu chúng con được bình an và hạnh phúc. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, Chúa đã ban cho chúng con của lễ này để dâng lên Chúa, thế mà Chúa lại thương coi đó là biểu hiện lòng thành của chúng con; xin cho của lễ Chúa ban tặng mang lại cho chúng con phần thưởng là hạnh phúc muôn đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Tôi sẽ hát mừng Chúa, vì Chúa ban ân huệ cho tôi,và tôi sẽ ca khen thánh danh Chúa là Đấng Tối Cao.

Hoặc đọc:

Chúa phán: “Này đây Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa rất nhân hậu từ bi, Chúa đã cho chúng con dự tiệc Thánh Thể, ước chi tiệc Thánh Thể này sau khi đã nuôi dưỡng chúng con trên đường dương thế, cũng đưa chúng con về quê trời hưởng phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Ba Ngôi -Năm B

 

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm vô cùng siêu việt, thẳm sâu, chính Chúa Giêsu mạc khải, nhân loại mới có thể biết được. Con người không thể dùng lý trí, các phương tiện khoa học dầu thật hiện đại để khám phá, kiểm chứng, thấu hiểu. Muốn cảm nhận được mầu nhiệm ấy, con người phải trở về nội tâm của mình, đặt hết niềm tin vào Lời Thiên Chúa dạy bảo. Đó là cách tốt nhất để sống mầu nhiệm cao cả này. Nếu Ba Ngôi là kiểu mẫu của gia đình, thì mọi thành viên trong gia đình cũng phải yêu nhau bằng tình yêu trao ban, tình yêu tự hiến, tình yêu rộng mở đối với mọi người và biết tha thứ. Trong tâm tình đó, chúng ta cùng thành tâm thống hối.

Ca nhập lễ

Chúc tụng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, vì Chúa đã tỏ lòng từ bi đối với chúng ta.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, Chúa đã sai Con Một là Lời chân lý và sai Thánh Thần, Ðấng thánh hoá muôn loài đến trần gian mặc khải cho chúng con biết mầu nhiệm cao vời của Chúa. Xin cho chúng con hằng tuyên xưng đức tin chân thật là nhận biết và tôn thờ một Thiên Chúa Ba Ngôi uy quyền vinh hiển. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Ðnl 4, 32-34. 39-40

Chính Chúa là Thiên Chúa, chớ không có Chúa nào khác“.

Trích sách Ðệ Nhị Luật.

Ông Môsê nói cùng dân chúng rằng: “Các ngươi hãy tìm hiểu những thời xa xưa trước kia, từ khi Thiên Chúa tác thành con người trên mặt đất, từ chân trời này đến chân trời nọ, có bao giờ xảy ra một việc vĩ đại như thế này chăng? Có bao giờ người ta đã nghe thấy những việc lạ lùng như vậy chăng? Có bao giờ một dân tộc đã nghe lời Thiên Chúa từ trong lửa phán ra như các ngươi đã nghe mà còn sống chăng? Có bao giờ Chúa đã dùng sự thử thách, dấu chỉ, điềm lạ, chiến tranh, cánh tay quyền năng mạnh mẽ và những thị kiến khủng khiếp, để chọn lấy cho mình một dân tộc giữa các dân tộc khác, như Chúa là Thiên Chúa các ngươi đã làm tất cả các điều đó trước mặt các ngươi trong đất Ai-cập chăng? Vậy hôm nay các ngươi hãy nhận biết và suy niệm trong lòng rằng: Trên trời dưới đất, chính Chúa là Thiên Chúa, chớ không có Chúa nào khác. Hãy tuân giữ các lề luật và giới răn mà hôm nay chính ta truyền dạy cho các ngươi, hầu cho các ngươi và con cháu mai sau được hạnh phúc và tồn tại trên phần đất mà Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho các ngươi”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 32, 4-5. 6 và 9. 18-19. 20 và 22

Ðáp: Phúc thay dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình (c. 12b).

Xướng: Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Ngài làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng Chúa.

Xướng: Do lời Chúa mà trời xanh được tạo thành, và mọi cơ binh chúng đều do hơi thở miệng Ngài. Vì chính Ngài phán dạy mà chúng được tạo thành, chính Ngài ra lệnh mà chúng trở nên thực hữu.

Xướng: Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Ngài, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Ngài, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn.

Xướng: Linh hồn chúng con mong đợi Chúa, chính Ngài là Ðấng phù trợ và che chở chúng con. Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài.

Bài Ðọc II: Rm 8, 14-17

“Anh em đã nhận tinh thần nghĩa tử; trong tinh thần ấy, chúng ta kêu lên rằng: Abba, lạy Cha!“.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, ai sống theo Thánh Thần Thiên Chúa, thì là con cái Thiên Chúa. Vì không phải anh em đã nhận tinh thần nô lệ trong sợ hãi nữa, nhưng đã nhận tinh thần nghĩa tử; trong tinh thần ấy, chúng ta kêu lên rằng: “Abba – lạy Cha!” Vì chính Thánh Thần đã làm chứng cho tâm trí chúng ta rằng: Chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy nếu là con cái, thì cũng là những người thừa tự, nghĩa là thừa tự của Thiên Chúa, và đồng thừa tự với Ðức Kitô: vì chúng ta đồng chịu đau khổ với Người, để rồi chúng ta sẽ cùng hưởng vinh quang với Người.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Kh 1, 8

Alleluia, alleluia! – Sáng danh Ðức Chúa Cha, và Ðức Chúa Con, và Ðức Chúa Thánh Thần; sáng danh Thiên Chúa, Ðấng đang có, đã có và sẽ đến. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 28, 16-20

“Làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.

Bài kết thúc Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi. Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần; giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ sự: Anh chị em thân mến! Vì yêu thương, Thiên Chúa đã tác tạo nên vũ trụ vạn vật này. Vì yêu thương, Ngài đã cho con một của Ngài là Ngôi Lời Nhập Thể nơi trần gian để cứu chuộc nhân loại. Vì yêu thương, Chúa Thánh Thần đến để thánh hóa và ở lại với nhân loại. Tin tưởng vào tình yêu Chúa Ba Ngôi, chúng ta cùng nguyện cầu:

1. “Trên trời dưới đất, chính Chúa là Thiên Chúa, chớ không có Chúa nào khác”. Xin cho các vị lãnh đạo trong Hội Thánh can đảm, hiên ngang lên tiếng loan báo cho thế giới, biết sự hiện diện của Thiên Chúa mà suy phục tôn thờ, như ông Moisen tuyên bố với dân Do Thái xưa.

2. “Không phải anh em đã nhận tinh thần nô lệ trong sợ hãi nữa, nhưng đã nhận tinh thần nghĩa tử”,- Xin cho mọi Kitô hữu biết quí trọng ơn được làm con Chúa, và luôn ra sức bảo tồn vinh dự ấy trong ơn sủng của Thiên Chúa Ba Ngôi.

3. “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã dược ban cho Thầy”.- Xin cho mọi thụ tạo trong hoàn vũ, nhận ra uy quyền tối cao của Đấng Cứu Độ và an tâm sống dưới sự che chở của Người, hầu trật tự trong gia đình và ngoài xã hội luôn vững bền.

4. “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.— Xin cho giáo xứ chúng ta, được hân hoan vì biết rằng Chúa Giêsu luôn hiện diện và đồng hành với chúng ta, đặc biệt qua bí tích Thánh Thể, để đến tâm sự và cầu nguyện với Người.

Chủ sự: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã vì yêu thương mà mạc khải cho chúng con mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi. Xin soi trí mở lòng chúng con thấu hiểu mầu nhiệm này, giúp chúng con cảm nhận tình Chúa vô biên, để chúng con luôn cố gắng giữ sao cho gia đình mình mãi mãi là cộng đồng của tình yêu Ba Ngôi, Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, này chúng con kêu cầu danh thánh Chúa, cúi xin Chúa nhận lời cầu nguyện và thánh hoá lễ vật chúng con dâng. Nhờ lễ vật này xin biến đổi chúng con thành của lễ hoàn hảo đời đời dâng tiến Chúa. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi, mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo, và sinh ơn cứu độ cho chúng con.

Cùng với Con Một Chúa và Chúa Thánh Thần, Chúa là Thiên Chúa duy nhất, là Chúa Tể duy nhất, không phải trong một ngôi đơn độc nhưng trong Ba Ngôi cùng một bản thể. Nhờ mặc khải Chúa ban, chúng con tin Chúa là Ðấng vinh hiển và chúng con cũng tin như thế về Con Chúa và Chúa Thánh Thần. Và khi tuyên xưng Chúa là Thiên Chúa chân thật và hằng hữu, chúng con tôn thờ Ba Ngôi tuy riêng biệt, nhưng cùng một bản thể duy nhất và một uy quyền ngang nhau. Vì thế, các Thiên thần và tổng lãnh Thiên thần ngợi khen Chúa và hàng ngày không ngớt lời ca tụng, đồng thanh tung hô rằng:

Thánh! Thánh! Thánh!…

Ca hiệp lễ

Vì anh em được làm con cái, nên Thiên Chúa đã sai Thánh Thần của Con Chúa vào tâm hồn chúng ta, mà kêu lên rằng: Abba, nghĩa là “Lạy Cha”.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cho bí tích chúng con vừa lãnh nhận, và lời chúng con tuyên xưng Chúa là một Chúa Ba Ngôi, đem lại cho hồn xác chúng con ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

sự sống nơi thiên chúa
“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần.” (Mt 28,16-20)


Suy niệm: Không ai biết Thiên Chúa là Đấng như thế nào, nếu không có Đức Giê-su mạc khải cho. Rất nhiều lần trong các sách Tin Mừng, Đức Giê-su nói về Chúa Cha và Thánh Thần. Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm cao cả, vượt trí khôn loài người, nhưng nhờ Ngài mà chúng ta hiểu được, dẫu còn mơ hồ, về đời sống của Thiên Chúa. Đặc tính ‘một mà là ba, ba mà là một’ cho thấy tình yêu là mối dây liên kết Ba Ngôi với nhau. Tình yêu đó Thiên Chúa không giữ cho riêng mình, nhưng đã cho nhân loại được thông phần khi dựng nên con người giống hình ảnh Ngài. Hơn nữa, chính Ngôi Hai cũng đã nhập thể làm một con người, đã yêu hết tình và yêu hết mình. Thầy Giê-su muốn chúng ta nên giống Người “cứ dấu này người ta sẽ nhận biết anh em là môn đệ của thầy, là anh em hãy yêu mến nhau” (Ga 13,35).

Mời Bạn: “Vạn sự đã do tình yêu sáng tạo, vạn sự được tình yêu nâng đỡ, vạn sự đi về tình yêu và đi vào trong tình yêu” (R. Tagore). Ta chỉ có thể hiểu được sự sống Thiên Chúa Ba Ngôi qua hai chữ tình yêu. Vũ trụ và con người được sáng tạo do tình yêu chia sẻ, được nâng đỡ do tình yêu quan phòng, được mời gọi đi vào tình yêu hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa. Mời Bạn sống tình yêu ấy.

Sống Lời Chúa: Khi làm dấu thánh giá, tôi ghi nhớ tình yêu Ba Ngôi tràn ngập tâm hồn mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Ba Ngôi, con thật bất xứng khi lãnh nhận hồng ân cao cả là tình yêu Chúa. Con xin hết lòng cảm tạ. Xin giúp con luôn sống tâm tình người con hiếu thảo của Chúa. Amen.

 

Chúa Ba Ngôi

Kinh Thánh đã nói gì về Chúa Ba Ngôi. Có lẽ câu văn nổi tiếng nhất bàn về Chúa Ba Ngôi được tìm thấy trong Phúc Âm thánh Matthêu, khi Chúa Giêsu truyền dạy các môn đệ: Các con hãy đi giảng dạy muôn dân và rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

Tuy nhiên hình ảnh đặc trưng nhất về Chúa Ba Ngôi là hình ảnh khi Chúa Giêsu chịu phép rửa. Lúc đó, Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên Ngài, rồi từ trời có tiếng nói: Này là con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng. Tiếng nói, chim bồ câu và Chúa Giêsu, ba hình ảnh này tạo nên một chân dung sống động về Chúa Ba Ngôi.

Thánh Phaolô cũng bàn về Chúa Ba Ngôi khi viết: Ân sủng của Đức Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em.

Còn thánh Luca trong sách Tông đồ Công vụ, cũng như trong Phúc Âm, đã nhìn nhận lịch sử cứu độ mang chiều kích của Chúa Ba Ngôi. Thời Cựu Ước là thời của Chúa Cha. Thời rao giảng Phúc Âm là thời của Chúa Con và thời hiện nay là thời của Chúa Thánh Thần. Kinh Tín Kính chúng ta đọc trong thánh lễ cũng đã tuyên xưng: Chúa Cha là Đấng sáng tạo. Chúa Con là Đấng cứu độ và Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hoá, trao ban nguồn sống.

Tuy nhiên chúng ta đừng bao giờ quên rằng: Chúa Cha ở đâu, thì Chúa Con và Chúa Thánh Thần cũng ở đó. Ba Ngôi luôn luôn là mầu nhiệm thâm sâu, vừa đơn nhất lại vừa đa dạng.

Tuy nhiên có cách nào giúp chúng ta sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi trong cuộc đời chúng ta hay không. Tôi xin giới thiệu một phương pháp vừa đơn giản lại vừa hữu ích đó là trong giờ cầu nguyện ban tối trước khi đi ngủ chúng ta hãy dành ba phút để hồi tâm.

Phút thứ nhất, chúng ta hãy rút ra những việc tốt trong ngày, chẳng hạn như giữ được sự bình tĩnh khi bị vu khống. Và chúng ta hãy thưa lên cùng Chúa Cha và cảm tạ Ngài về những điều tốt đẹp ấy.

Phút thứ hai, chúng ta hãy rút ra những việc làm sai trái, chẳng hạn như đã dửng dưng, không giúp đỡ cho một người khổ đau. Và chúng ta hãy thưa lên cùng Chúa Con, để xin Ngài tha thứ.

Phút thứ ba, hãy nhìn đến một ngày sắp tới với những khó khăn phải đương đầu và chúng ta hãy thưa lên cùng Chúa Thánh Thần, cầu xin Ngài ơn khôn ngoan và lòng can đảm để xử lý cho thích đáng. Và như vậy, cuộc đời chúng ta là một sự gắn bó mật thiết với Chúa Ba Ngôi trong mọi cảnh huống gặp phải.

NHẬN BIẾT & TÔN THỜ  
(LỄ CHÚA BA NGÔI NĂM B)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã sai Con Một là Lời Chân Lý và sai Thánh Thần, Đấng thánh hóa muôn loài đến trần gian mặc khải cho chúng ta biết mầu nhiệm cao vời của Chúa, xin Chúa cho chúng ta hằng tuyên xưng đức tin chân thật là nhận biết và tôn thờ một Thiên Chúa Ba Ngôi uy quyền vinh hiển.

Nhận biết và tôn thờ một Thiên Chúa Ba Ngôi uy quyền vinh hiển, là ân huệ nhưng không của Thánh Thần, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Phaolô nói: Phần chúng ta, chúng ta đã không lãnh nhận thần trí của thế gian, nhưng là Thần Khí phát xuất từ Thiên Chúa, để nhận biết những ân huệ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ban cho chúng ta thần khí khôn ngoan để mặc khải cho chúng ta nhận biết Người.

Nhận biết và tôn thờ một Thiên Chúa Ba Ngôi uy quyền vinh hiển, là niềm tin chắc chắn của Hội Thánh, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Athanaxiô đã tuyên xưng: Chúa Ba Ngôi chí thánh và toàn thiện, được nhận biết nơi Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất được rao giảng trong Hội Thánh; Người là Đấng ở trên mọi sự, qua mọi sự và trong mọi sự. Trên mọi sự vì Chúa Cha là nguyên lý và là nguồn mạch; qua mọi sự vì phải qua Ngôi Lời; và trong mọi sự vì trong Chúa Thánh Thần.

Nhận biết và tôn thờ một Thiên Chúa Ba Ngôi uy quyền vinh hiển, là mầu nhiệm được mặc khải tiệm tiến từ Cựu Ước sang Tân Ước, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Đệ Nhị Luật tường thuật lại việc ông Môsê kêu gọi dân: Anh em phải nhận biết và để tâm suy niệm điều này: trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính Đức Chúa là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa. Nhận biết và tôn thờ một Thiên Chúa Ba Ngôi uy quyền vinh hiển, cũng chính là thái độ cần phải có của người con thơ đối với Cha hiền, bởi vì, chúng ta là con cái Thiên Chúa, như trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng: chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Kitô. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 32, vịnh gia cũng đã diễn tả niềm vui sướng, khi nhận ra tình yêu thương quan phòng của Chúa: Hạnh phúc thay dân nào Chúa chọn làm gia nghiệp. Chúa để mắt trông nom người kính sợ Chúa, kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương, hầu cứu họ khỏi tay thần chết và nuôi sống trong buổi cơ hàn.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Xin dâng lời tôn vinh chúc tụng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa đã có, hiện có và đang đến, xin tôn vinh chúc tụng muôn đời. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Động lực thúc đẩy chúng ta ra đi rao giảng Tin Mừng, chính là tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa: Chúa Cha là người yêu, Chúa Con là người được yêu và Chúa Thánh Thần chính là tình yêu. Chính từ tình yêu, mà Ba Ngôi đã quyết định: tạo dựng nên loài người chúng ta, và đã cứu chuộc chúng ta. Thử hỏi có tình yêu nào: mà người được yêu, lại không cảm thấy: có nhu cầu, cần phải nói cho người khác biết về người mình yêu? Chúa Cha đã không tiếc: ban Con Một của Người cho chúng ta; Đức Giêsu đã yêu thương và thí mạng vì chúng ta; Chúa Thánh Thần không ngừng thánh hóa và luôn kiên nhẫn soi đường dẫn lối cho chúng ta đến sự thật toàn vẹn. Ước gì chúng ta có một ước muốn mãnh liệt, để chia sẻ về tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa cho tất cả mọi người. Ước gì được như thế!

 

Suy niệm Tin Mừng Lễ Chúa Ba Ngôi -Năm B

CBNb 3

Mt 28, 16-20
Làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.

          
Bài kết thúc Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi. Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần; giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.

 

Suy niệm Tin Mừng Lễ Chúa Ba Ngôi -Năm B
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Giọng đọc: Thanh Tâm


 

 

HÃY YÊU ĐI RỒI SẼ BIẾT SỰ THẬT
(LỄ CHÚA BA NGÔI) Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Chúa Thánh Thần sẽ dẫn chúng ta đến sự thật toàn vẹn (x.Ga 16,13). Nhờ lời mạc khải của Chúa Kitô, chúng ta biết rằng Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là Thiên Chúa duy nhất mà là Ba Ngôi riêng biệt là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chỉ một Thiên Chúa duy nhất mà là Ba Ngôi. Tuy Ba Ngôi riêng biệt nhưng chỉ là một Thiên Chúa. Một mầu nhiệm vượt quá trí suy của nhân loại.
          
Vì sao Ba Ngôi mà chỉ là một Thiên Chúa hay vì sao chỉ một Thiên Chúa mà là Ba Ngôi? Xin được trả lời cách thành thật rằng bản thân không biết. Vì tin vào Đức Kitô, Đấng có lời quyền năng và yêu thương tôi cho đến cùng, cho đến chết trên thập giá, nên tôi tin vào lời của Người. Chính Chúa Kitô đã phải trả giá rất đắt, là cái chết thập giá, cho sự mạc khải này trong bối cảnh Do Thái giáo chỉ tin có một Thiên Chúa duy nhất và độc nhất. Chúng ta đừng quên một trong những lý do khiến đám đông dân chúng và nhiều người lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ đã từng lấy đã ném Chúa Giêsu và lên án tử hình cho Người, vì Người tự cho mình là Con Thiên Chúa, ngang hàng với Thiên Chúa (x.Ga 10,31-33; Mt 26,62-66).
          
Thánh Kinh, đặc biệt Chúa Kitô không cho biết vì sao một Thiên Chúa mà là Ba Ngôi, nhưng đã mạc khải cho chúng ta biết mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi như thế nào. Đó là mầu nhiệm tình yêu liên đới, hiệp thông trọn hảo, đầy năng động và sáng tạo. Và chúng ta, loài thụ tạo cao cả nhất trong các loài hữu hình, ngay trong kiếp lữ thứ này, có thể cảm nghiệm phần nào đó mầu nhiệm ấy, khi sống trong Thánh Thần, Đấng là tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con, giữa Chúa con và Chúa Cha.
          
“Sự sống đời đời là chúng nhận biết Cha là Thiên Chúa duy nhất và Đức Giêsu Kitô mà Cha sai đến” (Ga 17,3). Làm sao để nhận biết sự thật này nếu không được Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa tác động. Chúng ta đã được nhận làm con trong Đức Giêsu. “Vì là con, nên Thiên Chúa sai Thánh Thần của Con Ngài ngự vào lòng chúng ta và kêu lên: Abba, Cha ơi!” (Gl 4,6). “Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa” (Rm 8,16). Không ai có thể tuyên xưng Đức Kitô là Chúa nếu không được Thánh Thần thúc đẩy (x.1Cor 12,3). Thánh Thần chính là nguồn tình yêu. Vì thế chỉ những ai ở trong tình yêu mới có thể hiểu biết sự thật. Và khi hiểu biết sự thật thì chính sự thật sẽ giải thoát chúng ta và đưa chúng ta vào sự sống đời đời.
          
Làm sao ta có thể biết nghĩa phu thê là gì khi ta chưa sống hết tình với người phối ngẫu? Làm sao ta có thể biết được thế nào là quê hương khi ta chưa hết lòng hết tâm với vận mệnh quốc gia dân tộc? Làm sao ta có thể biết được giá trị của con người trong cõi nhân sinh này khi ta chưa trải rộng con tim với người đồng loại, với người anh chị em cận kề, nhất là với những người cô thế cô thân?…
          
Hãy yêu đi rồi bạn sẽ biết nhiều lẽ huyền nhiệm của sự trao ban và đón nhận. Hãy hiệp thông cách thực sự thì bạn sẽ biết thế nào là tình liên đới. Đây là một cái lẽ biết theo nghĩa Thánh Kinh, tức là không chỉ nhìn thấy thực tại, thấy vấn đề bằng trí khôn, mà còn gắn bó thiết thân, chung lưng đấu cật, khi u buồn lẫn khi hoan lạc, lúc thuận lợi cũng như lúc gặp phải nghịch cảnh, gian truân.
          
Ngay trong cuộc sống này, có nhiều điều mà lý trí phải chào thua. Sự khôn ngoan đích thực không hệ tại ở trí óc, nhưng là ở trái tim. Có thể có trường hợp người ta đâm ra mù quáng vì yêu. Nhưng đó chỉ là thứ tình yêu vị kỷ, nghiêng chiều đam mê vụ lợi hoặc bất chính. Khi đã biết yêu với tình yêu trong sáng, quảng đại quên mình, với một tình yêu bắt nguồn từ tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa thì không một ai là không ở trong ánh sáng. Và chính ánh sáng sẽ soi dẫn chúng ta đến cùng chân lý.
          
Là kitô hữu, không gì hơn là biết quy chiếu về Tình Yêu Thiên Chúa Ba Ngôi để rồi biết yêu thương nhau bằng:
          
1. Một tình yêu thúc đẩy ta không chỉ muốn mà còn biết chủ động, tích cực làm cho người mình yêu phát triển và nên hoàn thiện.
          
2. Một tình yêu thúc đẩy ta tìm mọi cách để cho người mình yêu nên đáng yêu và được nhiều người yêu mến.
          
3. Một tình yêu thúc đẩy ta nỗ lực hết mình làm cho người mình yêu có đủ khả năng và sự nhiệt tình để yêu mến kẻ khác.
          
Khi ta sống được chút tâm tình yêu mến này, thiết tưởng rằng chúng ta sẽ chẳng còn băn khoăn với câu hỏi tại sao Ba Ngôi mà chỉ một Thiên Chúa, nhưng chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc vì biết cội nguồn của mình chính là Thiên Chúa Ba Ngôi.

Chúa nhật Lễ Chúa Ba Ngôi -B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Bài kết thúc Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. (Mt 28, 16-20)

Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi. Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần; giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.

Suy niệm

Sau khi đón Chúa Thánh Thần đến giữa lòng Giáo hội, tất cả mọi sinh hoạt, mọi công việc đều có sự hướng dẫn của Ngài. Đó là lời Đức Giêsu đã căn dặn các học trò trước khi Ngài về trời, và đó cũng là niềm tin của Giáo hội, bởi Giáo hội đang sống trong kỷ nguyên của Chúa Thánh Thần, Ngài đang hướng dẫn con cái trong hành trình trở về nơi con người được xuất hiện, nơi con người được trò chuyện với Thiên Chúa và cũng là quê hương đích thực của con người. Phụng vụ Lời Chúa trong Thánh lễ mừng trọng thể Chúa Ba Ngôi, mở ra cho chúng ta biết phần nào về Thiên Chúa, về bản tính của Ngài và Ngôi vị của Ngài thế nào, để niềm tin của người tín hữu Kitô ngày thêm vững vàng, đời sống của họ xác tín hơn và lời chứng của họ sống động hơn.

Sau những ngày tăm tối trên vùng đất Ai-cập, người Do-thái được Thiên Chúa giải cứu, đưa trở về quê hương. Bao nhiêu năm sống trong đất khách quê người, niềm tin của cha ông họ phần nào bị tục hóa, bị mai một, hơn nữa, họ còn từ chối Thiên Chúa, chạy theo các thần ngoại bang. Đó là một nỗi đau lớn của Thiên Chúa. Vì thế, trên hành trình trở về cố hương, Ngài sai Môi-sen nhắc lại cho họ biết, niềm tin của họ là một niềm tin độc thần, vị thần họ tôn thờ là Thiên Chúa duy nhất, không có ai khác có thể thay thế được: “Vậy hôm nay các ngươi hãy nhận biết và suy niệm trong lòng rằng: Trên trời dưới đất, chính Chúa là Thiên Chúa, chớ không có Chúa nào khác. Hãy tuân giữ các lề luật và giới răn mà hôm nay chính ta truyền dạy cho các ngươi, hầu cho các ngươi và con cháu mai sau được hạnh phúc và tồn tại trên phần đất mà Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho các ngươi”. Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, phải thờ phượng Ngài hết tâm hồn, hết trí khôn, hết linh hồn và hết sức lực của ngươi. Đó là lời tuyên xưng niềm tin mà Môi-sen đã đề nghị họ phải thuộc nằm lòng và hướng dẫn cho con cái họ biết, để sống với Thiên Chúa tử tế hơn, đáng yêu hơn.

Cảm nghiệm được niềm vui là con Thiên Chúa, thánh Phaolô trong lá thư gởi cho con cái tại giáo đoàn Roma, ngài nhắc lại cho họ hồng ân cao quý đó, họ được gọi Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh em với nhau trong cùng một thân thể là Đức Giêsu Kitô: Vì chính Thánh Thần đã làm chứng cho tâm trí chúng ta rằng: Chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy nếu là con cái, thì cũng là những người thừa tự, nghĩa là thừa tự của Thiên Chúa, và đồng thừa tự với Ðức Kitô: vì chúng ta đồng chịu đau khổ với Người, để rồi chúng ta sẽ cùng hưởng vinh quang với Người”. Lời nhắc này đồng nghĩa với lời tuyên xưng niềm tin của mỗi người, tôi tin vào ai, ai là cha tôi và ai là anh chị em của tôi, tôi tin vào Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô, tôi sẽ được gì và phải sống sao cho xứng với hồng ân đó.

Trước khi chia tay các môn đệ, Đức Giêsu nhắc lại cho họ biết sứ mạng của họ hiện tại và tương lai là gì, để họ ý thức hơn và sống đúng với ơn gọi của mình. Anh em hãy ra đi rao giảng tin mừng cho mọi thọ tạo và cử hành phép rửa cho họ, nhờ phép rửa đó, họ sẽ được gia nhập vào gia đình Thiên Chúa, được sáp nhập vào thân thể mầu nhiệm có đầu là Đức Giêsu Kitô: “Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần; giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Phép rửa nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa là phép rửa cứu độ, là phép rửa đem lại cho con người một đời sống mới, một vị thế mới và một tương lai mới, được làm con cái Thiên Chúa, được thừa hưởng gia nghiệp trên trời và được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa.

Khởi đầu năm phụng vụ với những ngày mùa vọng, người tín hữu được mời gọi chuẩn bị tâm hồn cách xứng đáng, để đón Con Thiên Chúa nhập thể cứu đời, theo dòng thời gian, các đại lễ khác, các mùa trong năm phụng vụ mời gọi tín hữu hướng về Thiên Chúa, Đấng họ thờ phượng, Thiên Chúa đó là một Thiên Chúa duy nhất, nhưng có ba ngôi vị: là Cha, và Con, và Thánh Thần. Mục đích của năm phụng vụ là ngày lễ Chúa Ba Ngôi, một mầu nhiệm trong niềm tin. Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, Ngài còn được gọi là Đấng Tình yêu, một tình yêu sung mãn, chính trong tình yêu sung mãn đó, con người được nhận lãnh muôn ân sủng. Từ tình yêu sung mãn đó, đã nảy sinh sự sống, chính từ tình yêu sung mãn đó giúp con người được cứu độ, được tham dự vào sự sống Thiên Chúa và cũng từ tình yêu sung mãn đó, con người được thánh hóa, được thăng tiến trong vị thế là con người và cũng là con Thiên Chúa. Ba ngôi vị Thiên Chúa luôn song hành với hành trình đức tin của người tín hữu, ba ngôi vị đó gắn bó với nhau, chia sẻ với nhau và cùng cứu độ con người. Vì thế, trong cuộc đời người tín hữu, không chỉ lãnh phép rửa là được tha tội tổ tông, được gia nhập cộng đoàn dân Chúa, nhưng còn được sống trong Ba Ngôi Thiên Chúa nữa.

Người tín hữu hôm nay được sai đi vào giữa lòng thế giới, đến với muôn dân, nâng đỡ cuộc đời họ, chia sẻ mọi trăn trở và giúp họ tìm lại được sức sống, tất cả những trách vụ đó nhằm giới thiệu về Ba Ngôi Thiên Chúa, Ngôi Cha đã cho con người sự sống, được làm người con của Ngài, Ngôi Con đã cứu chuộc họ, không phải chết đời đời nhưng được sống trong sự sống thánh thiêng, Thánh Thần Ngôi Ba sẽ giúp họ tìm thấy lối nẻo đến với anh em, tìm thấy sự bình an trong đời phục vụ và tìm thấy hạnh phúc trong ơn gọi của mình, tất cả như thánh hóa từng phút giây trong cuộc đời, trong mỗi ơn gọi của mình. Tất cả mọi sinh hoạt trong đời sống người môn đệ phải quy hướng về Chúa Cha, qua trung gian là Chúa Con, Đức Giêsu Kitô, trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đời phục vụ của các tín hữu Kitô.

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, nhờ Chúa Thánh Thần hướng dẫn, mỗi ngày chúng con biết thêm một chút về Ngài, hiểu thêm một chút về Ngài và gần gũi hơn một chút bên Ngài, xin giúp chúng con cố gắng hơn để được tắm mình trong dòng chảy của tình yêu sung mãn Ba Ngôi, bởi nơi dòng chảy đó, chúng con được bình an, được hạnh phúc và được cộng tác với Thiên Chúa Ba Ngôi trong chương trình cứu độ. Mỗi ngày sống, Thiên Chúa Ba Ngôi luôn hiện diện bên cạnh chúng con, xin mở đôi mắt đức tin và trái tim của chúng con, để nhận ra sự hiện diện gần gũi đó, cũng như trân trọng mời Ngài ở lại trong trái tim chúng con, biến cuộc đời chúng con trở thành những nốt nhạc nhỏ trong bản hợp xướng tình ca Thiên Chúa Ba Ngôi. Amen.

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây