TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật VI Phục Sinh -Năm B

“Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình”. (Ga 15, 9-17)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật XI Thường Niên - Năm A

11/06/2023 09:46:54 |   614

Chúa Nhật XI Thường Niên - Năm A

Mt 9, 36-10, 8


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XI Thường Niên - Năm A

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin nghe tiếng tôi kêu cầu. Lạy Chúa là Đấng cứu độ tôi, Chúa là Đấng phù trợ tôi, xin đừng bỏ rơi và đừng hắt hủi tôi.

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, vậy anh em hãy xin chủ ruộng sai thợ ra gặt lúa về”. Đó là lời mời gọi của Đức Kitô gởi đến cho các môn đệ khi Người nhìn thấy đám đông dân chúng đang lầm than vất vưởng như đoàn chiên không người chăn dắt. Và đó cũng là lời kêu mời của Người gởi đến cho mỗi chúng ta, những người đang sống trong một thế giới lầm lạc và u mê, đang dần đánh mất đi những giá trị đích thực của Nước Trời, để chạy theo vật chất, tiền bạc và những đam mê bất chính.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta, khi lắng nghe lời Chúa trong Chúa nhật hôm nay, biết ý thức lại điều đó để luôn biết sống và làm chứng cho Chúa trong cuộc sống thường ngày của mình.

Giờ đây trước khi cử hành Thánh lễ, chúng ta hãy cúi đầu thống hối vì những thiếu sót của chúng ta.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa ban sức mạnh cho những kẻ cậy trông xin nghe lời chúng con cầu khẩn: loài người chúng con, thân phận yếu hèn, không thể làm được chi, nếu Chúa không nâng đỡ; xin Chúa hằng tuôn đổ hồng ân, giúp chúng con giữ huấn lệnh Chúa truyền, để chỉ muốn và làm những điều Chúa ưa thích. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Xh 19, 2-6a

“Ðối với Ta, các ngươi sẽ là một vương quốc tư tế, một dân tộc hiến thánh”.

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, con cái Israel đi đến hoang địa Sinai, và đóng trại ở đó. Israel cũng dựng nhà xếp trên triền núi. Còn Môsê thì lên cùng Thiên Chúa. Từ trên núi, Chúa gọi ông và bảo: “Ngươi hãy nói với nhà Giacóp và thông báo cho con cái Israel thế này: Chính các ngươi đã thấy những gì Ta làm cho người Ai-cập. Ta đã mang các ngươi trên cánh phượng hoàng và đem các ngươi đến với Ta. Từ nay, nếu các ngươi nghe lời Ta và giữ giao ước Ta, thì các ngươi sẽ là sở hữu của Ta được tách biệt khỏi mọi dân, vì cả trái đất là của Ta. Ðối với Ta, các ngươi sẽ là một vương quốc tư tế, một dân tộc hiến thánh”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 99, 2. 3. 5

Ðáp: Ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi (c. 3c).

Xướng: Hãy phụng sự Chúa với niềm vui vẻ, hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá. 

Xướng: Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa, chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người; ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi. 

Xướng: Vì chưng Chúa thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín còn tới muôn muôn thế hệ. 

Bài Ðọc II: Rm 5, 6-11

“Nếu chúng ta được giao hoà cùng Thiên Chúa nhờ cái chết của Con Ngài, ắt chúng ta sẽ được cứu độ trong sự sống của Ngài”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, Chúa Kitô theo kỳ hẹn đã chịu chết vì chúng ta là kẻ tội lỗi. Ít có ai chết thay người công chính, hoạ chăng có những người dám chết vì kẻ lành. Nhưng Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta. Vậy phương chi bây giờ, chúng ta đã nên công chính trong máu của Người, và nhờ Người chúng ta sẽ được cứu khỏi cơn thịnh nộ. Bởi chưng, nếu khi chúng ta còn là thù nghịch, mà chúng ta đã được giao hoà cùng Thiên Chúa nhờ cái chết của Con Ngài, thì huống chi khi đã được giao hoà, ắt chúng ta sẽ được cứu độ trong sự sống của chính Chúa Kitô, và không những thế, chúng ta còn được vinh hiển trong Thiên Chúa nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ Người mà bây giờ chúng ta được lãnh ơn giao hoà.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 6, 64b và 69b

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 9, 36 – 10, 8

“Sau khi triệu tập mười hai môn đệ, Người sai các ông đi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ dân chúng, liền động lòng xót thương họ: vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn, Người liền bảo môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa”.

Và Người liền triệu tập mười hai môn đệ, ban cho họ quyền năng trên các thần ô uế, để họ xua đuổi chúng, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Ðây là tên của mười hai tông đồ: trước hết là Simon cũng gọi là Phêrô, rồi đến Anrê em ông; Giacôbê con của Giêbêđê và Gioan em ông; Philipphê và Bartôlômêô; Tôma và Matthêu người thu thế; Giacôbê con của Alphê và Tađêô; Simon người Cananêô và Giuđa Iscariốt, kẻ nộp Người. Chúa Giêsu sai mười hai ông này đi và truyền lệnh cho các ông rằng:

“Các con đừng đi về phía dân ngoại, và đừng vào thành các người Samaritanô. Nhưng tốt hơn, các con hãy đi đến cùng chiên lạc của nhà Israel trước đã, và rao giảng rằng: “Nước Trời đã đến gần”. Hãy chữa lành người liệt, phục sinh kẻ chết, chữa lành người phung, và xua trừ ma quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc là nhiệm vụ quan trọng nhất của mọi thành phần trong Hội Thánh. Với ý thức cần phải giới thiệu Chúa cho người khác, chúng ta cùng dâng lời guyện xin:

1. “Tđã mang các ngươi trên cánh phượng hoàng và đem các ngươi đến với Ta”  Xin cho Hội Thánh là đoàn dân được Thiên Chúa yêu thương, chăm sóc và được tuyển chọn sống trong vương quốc của Ngài, luôn biết ý thức sống xứng đáng với ơn gọi ấy.

2. “Chúa Kitô theo kỳ hẹn mà chịu chết vì chúng ta là kẻ tội lỗi”  Xin cho thế giới sớm trở lại cùng Chúa, nên hoàn thiện nhờ ơn cứu độ của Đức Kitô được rao giảng khắp nơi.

3. “Họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn”  Xin cho các Mục tử biết hy sinh vì đoàn chiên để Nước Chúa mau trị đến.

4. “Chúa Giêsu sai mười hai Tông đồ đi”.- Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta có nhiều người biết quảng đại đáp lại lời mời gọi của Chúa, biết tận hiến đời mình để phục vụ Chúa và Hội Thánh.

Chủ tế: Lạy Chúa, Chúa đã sai chúng con đem Tin Mừng đến cho mọi dân mọi nước. Xin cho chúng con biết dùng đời sống ác ái yêu thương mà làm tròn sứ mạng này. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, Chúa rộng ban cho chúng con của ăn thức uống này, làm lương thực nuôi sống thể xác và làm bí tích đổi mới tâm hồn; xin cũng cho chúng con chẳng bao giờ thiếu thốn những gì cần thiết cho tâm hồn và thể xác chúng con. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Có một điều tôi xin Chúa, một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi.

Hoặc đọc:

Chúa nguyện rằng: “Lạy Cha chí thánh, vì danh Cha, xin hãy gìn giữ những kẻ Cha đã giao phó cho Con, để chúng nên một như Ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa tham dự bí tích Thánh Thể, là mối dây liên kết mọi người chúng con trong Chúa; xin cho bí tích này cũng làm cho hội Thánh được hiệp nhất và bình an. Chúng con cầu xin… 

Suy niệm
“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít” (Mt 9, 37)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh

Chúng ta đang sống trong một thế giới phát triển về mọi mặt: văn hoá, xã hội, chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật, công nghệ, các mối quan hệ quốc tế... Nhiều người nghĩ rằng con người có thể làm được mọi sự mà không cần đến Thiên Chúa, Thượng Đế, hay một vị thần linh nào đó. Thiên Chúa đã chết, hay không tồn tại, hoặc có tồn tại thì Ngài cũng chẳng can thiệp gì vào cuộc đời của mỗi người và lịch sử thế giới này. Vì thế mà lời của Chúa Giêsu nói trong Tin mừng hôm nay thật đúng “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít” (Mt 9, 37). Làm thế nào để có nhiều thợ gặt trong cánh đồng truyền giáo bát ngát mênh mông trên thế giới này?

Việc thứ nhất các tín hữu có thể làm để thế giới này có thêm thợ gặt là hãy cầu nguyện thật nhiều thật tha thiết với Thiên Chúa, chủ của mùa gặt sai nhiều thợ gặt đến: “Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9, 38). Đây không phải là suy nghĩ của con người, của Giáo hội, nhưng là lời mời gọi của Chúa Giêsu. Lời mời gọi ấy nhắc cho chúng ta hiểu rằng thu hoạch mùa màng: đưa về cho Chúa nhiều linh hồn là công việc của Thiên Chúa trước hết. Ngài là chủ, Ngài có cách, Ngài có đủ khả năng, và Ngài muốn con người cộng tác. Nếu chúng ta hết lòng tin tưởng cầu xin Thiên Chúa một cách chân thành và kiên nhẫn, chắc chắn Ngài sẽ hành động, và Giáo hội có đủ thợ gặt trong cánh đồng lúa đang chín rộ.

Thế đến, công việc trở nên thợ gặt thu hoạch mùa màng phong phú về cho Chúa cũng là công việc của mỗi tín hữu. Ai cũng có thể trở thành người thợ gặt lành nghề nếu họ để tâm vào công việc đó và biết cộng tác với ơn Chúa. Một linh mục hết lòng với sứ mạng cho đoàn chiên, linh mục ấy sẽ trở thành thợ gặt lành nghề giữa đoàn chiên. Một người cha nỗ lực chu toàn bổn phận làm chỗ dựa an toàn cho vợ con về cuộc sống đời thường cũng như đời sống đức tin sẽ trở thành người thợ giỏi của Chúa trong gia đình mình. Một người mẹ hiền hay một người vợ đảm đang biết làm tất cả từ những việc thường ngày đến bổn phận đức tin vì lòng thương gia đình, vì hạnh phúc của gia đình sẽ trở thành tay gặt cừ khôi trong gia đình mình và đem các thành phần gần Chúa hơn. Một bác sĩ, một kĩ sư, một thầy giáo, một nông dân kitô giáo hết lòng thi hành trách nhiệm của mình vì tình yêu Chúa và tha nhân chắc chắn sẽ trở thành một thợ gặt giỏi trong cánh đồng mênh mông bát ngát thuộc lãnh vực mình.

Chúa Giêsu đã đến rao giảng Tin mừng. Ngài hiểu được nhu cầu của con người: nhu cầu thể xác, nhu cầu tinh thần, nhu cầu tâm linh. Ngài từng bước đáp ứng những nhu cầu ấy. Thấy một người bị quỷ câm ám, Chúa giải phóng để người câm nói được; thấy các thành thị, làng mạc không người giảng dậy, Ngài vào trong các hội đường để rao giảng; thấy nhiều người ốm đau bệnh tật, Ngài ra tay chữa lành hết. Nhờ đó mà Tin mừng cứu độ vừa được rao giảng vừa được hiện thực hoá trong những hoàn cảnh cụ thể. Thợ gặt rành nghề của Chúa cũng phải quan tâm tới những nhu cầu thiết thực của con người và đáp ứng những nhu cầu chính đáng ấy trong khả năng bằng tình thương chân thành. Nếu làm được thế, thì quả ai cũng có thể trở thành thợ gặt giỏi trong cánh đồng lúa chín trĩu bông.

Để làm được điều đó một cách có hiệu quả, mỗi tín hữu cần gắn chặt đời mình với Chúa. Họ gắn kết với Chúa qua việc lắng nghe và thực hành lời Chúa; gắn kết với Chúa qua các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể; gắn kết với Chúa bằng đời sống cầu nguyện thâm sâu, liên lỉ; gắn kết với Chúa qua việc thực thi bác ái đối với tha nhân; gắn kết với Chúa qua việc tuân giữ giáo huấn của Giáo hội...

Lạy Chúa, quả thật thế giới hôm nay đang rơi vào tình trạng “lúa chín đầy đồng và thợ gặt lại ít”. Nguyện xin Chúa thương ban cho thế giới này nhiều thợ gặt lành nghề để đưa về cho Chúa nhiều linh hồn. Xin cho chúng con cũng biết sống thế nào để có thể trở thành người thợ gặt giỏi của Chúa trong chính môi trường sống và bậc sống của mỗi người tín hữu chúng con. Amen!

XIN BAN THÊM NHIỀU THỢ GẶT
Người liền bảo môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” (Mt 9, 37-38)

Suy niệm: Lời mời gọi truyền giáo là đề tài xuyên suốt của Đức Giê-su trong hành trình sứ vụ của Ngài. Từng lời nói, cử chỉ và hành động của Ngài đều nhằm thực thi sứ vụ đó. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đồng cảm với Đức Giê-su trong tình yêu thương, thấu hiểu và hết lòng phục vụ con người cách vô vị lợi, không tìm lợi lộc, danh vọng cho bản thân mình bởi vì: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10, 8). Cầu nguyện là hình thức dấn thân đầu tiên của các môn đệ cho sứ vụ rao giảng Lời Chúa. “Các con hãy xin” đó không chỉ là việc của hai ngàn năm trước nhưng là sứ mệnh của mọi thời đại và từng người chúng ta hôm nay.

Mời Bạn: Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo, và mỗi người chúng ta khi lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy là dự phần vào sứ vụ đem Chúa đến cho những người ta gặp gỡ. Bạn đã cầu xin “chủ mùa” sai nhiều thợ gặt thì khi được “chủ mùa” sai đi gặt lúa, bạn đừng từ chối, nhưng hãy sẵn lòng đáp lại lời mời gọi đó và làm chứng cho Chúa qua môi trường mình sống bằng một lời nói an ủi, khích lệ, một nụ cười thân thiện, một cử chỉ hòa giải, một ánh nhìn cảm thông, v.v…

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày luôn dành một lời cầu nguyện cho những “thợ gặt” đang dấn thân trên cánh đồng truyền giáo và đặc biệt cho chính mình sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa khi được Ngài gọi mời.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê–su, xin cho chúng con biết ý thức nhiệm vụ cao cả của mỗi người tín hữu chúng con là loan báo Tin Mừng của Chúa bằng lời cầu nguyện, bằng đời sống chứng nhân và bằng cả lời rao giảng nữa. Amen.

LÚA CHÍN ĐẦY ĐỒNG
Chúa Nhật 11 Thường Niên: Mt 9, 36-10, 8

LmTN 140623a


Suy niệm

Mở đầu bài Phúc Âm, thánh Matthêu cho biết Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương”. “Chạnh lòng thương” là từ mạnh nhất của tiếng Hy Lạp (Splagchnistheis), diễn tả về lòng trắc ẩn hay thương xót. Các sách Phúc Âm dùng từ này cho Đức Giêsu rất nhiều lần. Ngài động lòng trắc ẩn đối với người bệnh (Mt 14, 14), người mù (Mt 20, 34), người bị quỉ hành hạ (Mc 9, 22), trước cảnh tang tóc của bà góa Naim (Lc 7, 13), v.v… Ở đây, Đức Giêsu chạnh lòng thương, vì thấy dân chúng “lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt”.

Ðạo Do Thái đã đào tạo nên biết bao tư tế, kinh sư, luật sĩ, Pharisêu, họ là những người hướng dẫn tinh thần, lãnh đạo tôn giáo. Sao lại có tình trạng như thế? Thế nhưng có cũng như không. Điều làm cho Đức Giêsu thổn thức trong lúc này là dân chúng đang tha thiết trông mong Thiên Chúa, nhưng những cột trụ của Do Thái giáo đã bị tha hóa, xuống cấp trầm trọng. Họ chỉ biết hành quyền, làm tiền, sống hưởng thụ và gian trá. Đức Giêsu đã từng công kích nhiều lần: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình” (Mt 5, 23-29). Những kẻ lãnh đạo chỉ lo sống cho mình, không màng gì đến những tình cảnh khốn khó của dân Chúa, mà trái lại, còn làm cho cuộc sống dân ra nặng nề, do việc giải thích làm cho luật lệ trở nên ngặt nghèo.

Trong tình cảnh vất vưởng của dân Chúa như thế, trước tiên Đức Giêsu bảo các môn đệ: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ gặt ra gặt lúa về”. Cầu nguyện là cách dấn thân đầu tiên của các môn đệ cho sứ vụ. Đó là một lời báo động và cũng là một lời kêu gọi khẩn thiết. Mùa màng sẽ không thể thu hoạch nếu không có thợ gặt. Để khơi mào cho một cuộc cách mạng tôn giáo và mở rộng Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu đã chọn nhóm Mười Hai và đào luyện họ trở thành những người nòng cốt để tiếp tục sứ mạng của Ngài. Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta về những bước khởi đầu của việc thiết lập Giáo Hội, mà tất cả chúng ta có bổn phận góp phần vào.

Không chỉ chọn gọi và sai đi, mà Đức Giêsu còn ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, có quyền năng chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền. Rao giảng và chữa lành là sứ mệnh toàn diện ôm trọn cả con người xác hồn. Công bố sự thật ban ơn cứu rỗi của Chúa và chăm sóc cho cuộc sống phần xác được lành mạnh, chính là phát triển đời sống tự nhiên và siêu nhiên. Hay nói cách khác, Tin Mừng và cuộc sống liên kết với nhau, đời sống tôn giáo và phát triển xã hội cùng song hành. Chức vụ đi đôi với sứ vụ, không ai có quyền ngồi đó để hưởng thụ, mà phải ra đi đến với mọi người để phục vụ và làm chứng cho Chúa.

Cách thức chọn lựa người tông đồ của Đức Giêsu cũng thật lạ. Ngài không chọn những thành phần ưu tú và trí thức trong xã hội thời đó, mà chọn những người dân lao động, đa số là dân thuyền chài, nghĩa là những người rất thường tình, không có gì đáng nói. Thế mà cuối cùng đã trở nên những con người có khả năng thay đổi thế giới. Đó là điều kỳ diệu mà Chúa đã làm nên từ những con người bé nhỏ nhưng dám quảng đại đáp lại tiếng gọi linh thiêng. Ðiều này khiến chúng ta phải thay đổi quan niệm của mình về cách nhìn người hay dùng người trong Giáo Hội, nhất là cách Chúa dùng chúng ta trong công việc của Ngài.

Nhìn vào cánh đồng truyền giáo rộng bao la bát ngát, Giáo hội hôm nay vẫn luôn có một ưu tư lớn lao làm sao để có nhiều thợ gặt? Nhưng điều cần không phải là số lượng mà là phẩm chất. Nếu chỉ là số lượng thôi thì tình trạng của Giáo Hội cũng giống như thời Đức Giêsu: không thiếu gì các tư tế, kinh sư, luật sĩ, Pharisêu, nhưng tình trạng tôn giáo vẫn thụt lùi và cứng đọng, dân chúng cũng vẫn “như bầy chiên không người chăn dắt”. Có thể có nhiều giám mục, linh mục và tu sĩ, nhưng vẫn thiếu tông đồ, thiếu những mục tử đích thực để chăm lo cho đời sống dân Chúa. Có thể mọi hoạt động tôn giáo vẫn rầm rộ bên ngoài nhưng đời sống dân Chúa vẫn lầm than vất vưởng và đói khát. Không có những mục tử dám hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên, thì cũng là những kẻ “chăn thuê” hay những người làm “công chức” cho đền thờ, chẳng ăn nhập gì đến sứ mạng cao cả mà họ đã được trao ban.

Là Kitô hữu dù ở bậc sống nào, chúng ta cũng đã là người tông đồ của Chúa, có sứ mạng loan báo Tin Mừng, là đem Chúa đến với mọi người, là viên đá sống động để Chúa xây dựng Hội Thánh Ngài ở trần gian này. Như các Tông đồ, nhờ Thánh Thần, chúng ta phải trở nên những thợ gặt lành nghề trong cánh đồng truyền giáo. Và cũng như các Tông đồ, chúng ta đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy”.

Cầu nguyện

Lạy Cha!
Mỗi người chúng con sinh ra đời,
đều được Chúa gọi mời vào sứ vụ,
là được nên nhân chứng Đức Ki-tô
đem đến cho con người ơn cứu độ.


Nhưng nhiều khi con vô tình sao lãng,
làm phí phạm mất mát những ân ban,
khi nhìn lại con mới chợt bàng hoàng,
vì thấy Chúa vẫn còn đang mong đợi.


Có những khi con sống như người đời,
ham địa vị và tranh quyền đoạt lợi,
cũng hơn thua cũng mưu mô tính toán,
làm tông đồ mà khoe khoang tự mãn.


Có khi con sống đạo rất mơ màng,
chỉ cần được lên thiên đàng là đủ,
chẳng cần chi nhiệt tình với sứ vụ,
con cứ lo phòng thủ với biện minh,
để mình sống an nhàn khỏi hy sinh,
mà vẫn thấy đời mình là chân chính.


Con muốn bắt đầu lại từ hôm nay,
vượt qua một lối sống không hay,
đáp trả tình yêu Chúa quá cao dầy,
vẫn đong đầy từng ngày sống của con,
con không biết phải sống sao cho trọn,
nhưng lòng con chỉ chọn Chúa mà thôi.


Xin cho con sống sứ vụ hết mình,
như lệnh truyền khi Chúa đã phục sinh,
là đem đến Tin Mừng cho thiên hạ,
để mỗi ngày nhân loại thêm biết Cha,
đời chúng con đã được Chúa cho không,
chúng con cũng phải cho không như vậy. Amen.

Lm. Thái Nguyên

 

 

 

TÌNH CHO KHÔNG
(Chúa Nhật XI TN A) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Nền kinh tế hàng hóa càng phát triển theo các quy luật thị trường thì việc bán mua, trao đổi thường dựa trên việc thuận mua vừa bán. Tiền nào của đó (you get what you pay). Chuyện tiền trao cháo múc được xem như chuyện tất yếu, đương nhiên. Và thế là dần dà hình thành trong nghĩ suy và trong cung cách ứng xử, một sự đòi hỏi “có qua có lại”, “đôi bên cùng có lợi”. Chuyện cho không, biếu không, đúng là chuyện viễn vông hay của thời quá khứ xa xưa. Đây là một trong những nguyên cớ làm phát sinh sự vị kỷ, tâm lý thực dụng cá nhân chủ nghĩa.

Chia sẻ, trao ban cho tha nhân những gì mình là, mình có, một cách vô cầu, không chút điều kiện quả thật không dễ chút nào. Thế mà Chúa Kitô lại truyền dạy các môn đệ xưa và Kitô hữu chúng ta mọi thời rằng “Anh em đã lãnh nhận nhưng không thì hãy trao ban nhưng không” (Mt 10, 8). Làm sao để vượt qua nỗi khó khăn này hầu thực thi lời Chúa phán dạy? Chúa Kitô đã cho chúng ta chiếc chìa khóa để giải quyết vấn nạn:

Anh em đã lãnh nhận cách nhưng không: Vấn đề nan giải là ở điểm này. Người ta thường tự hào về những gì tốt đẹp mình có. Vì nghĩ rằng mọi sự mình đang có đều là do bởi công sức mình tạo nên. Và lắm khi còn lầm nghĩ rằng chính sự hiện hữu của mình cũng do mình dệt thành. Có nhiều điều mới thoạt nhìn thì xem chừng như là sản phẩm của riêng mình, nhất là khi chúng trở thành một thứ hàng hóa được pháp luật bảo hộ. Đó là những phát minh, những sáng chế trong văn học nghệ thuật hay trong lãnh vực khoa học công nghệ. Không ai được quyền xâm phạm bản quyền sản phẩm tôi làm ra nếu không có sự thỏa thuận, sự đồng ý của tôi, vì đó là của riêng tôi, do bởi tài năng, công sức riêng tôi. Để bảo vệ quyền tác giả, các quốc gia lẫn quốc tế có những luật lệ nghiêm nhặt. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có luật chống độc quyền. Dù sao đi nữa thì cái môi sinh mang tính thị trường hiện nay đã góp phần hình thành tâm lý vị kỷ và tự tin thái quá, nghĩa là quy về mình mọi thành công đạt được.

Dưới cái nhìn Kitô giáo thì mọi sự đều là hồng ân. Cái nhìn này khởi đi từ việc tin nhận sự hiện hữu mọi loài, sự hiện hữu của chính mình là do bởi tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa. Nếu Chúa rút hơi lại thì mọi loài sẽ trở về hư vô. Và vì thế “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv 126, 1). Chẳng một ai bỏ ra chút công sức nào để được làm người trên thế gian này. Cũng chẳng một ai phải trả đồng nào cho mặt trời mọc lên hay cho mỗi ngày có đủ đầy 24 giờ chẳng thiếu một giây. Người vô tín thì cho là chuyện tự nhiên, còn người có niềm tin thì nhìn nhận có một Đấng nào đó trao ban mà Kitô hữu gọi là Thiên Chúa.

Trở về với dòng lịch sử cứu độ chúng ta càng thấy rõ tính nhưng không, vô điều kiện này. Israel, dân Chúa xưa thường được các ngôn sứ nhắc nhủ rằng họ chẳng là gì cả. Họ là một dân nhỏ bé, thế mà Giavê Thiên Chúa đã chọn làm dân riêng, làm dân thánh, chỉ vì tình yêu của Người mà thôi. Thánh Tông đồ dân ngoại khẳng định với chúng ta: “Thưa anh em, khi chúng ta không có sức làm được gì, vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta. Hầu như không ai chết vì người công chính, họa may có ai dám chết vì người lương thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5, 6- 8).

Trong số mười hai vị Tông Đồ mà Chúa Giêsu chọn gọi để cộng tác với Người để thực thi chương trình cứu độ, thử hỏi có vị nào đáng mặt anh hùng theo các giá trị nhân bản. Dưới cái nhìn đạo đức của Do Thái giáo thời bấy giờ thì các ngài hẳn chưa đủ điểm trung bình, nếu chưa muốn nói là còn quá yếu kém nhiều phương diện. Thế mà Chúa Giêsu đã chọn các ngài sau một đêm thức trắng để cầu nguyện (x.Lc 6, 12-16). Người chọn các vị không phải để trang trí cho một vở tuồng sân khấu mà là để “ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 10, 1). Không phải các ông đã chọn Thầy Giêsu nhưng chính Thầy Giêsu đã chọn các ông, một sự chọn gọi xuất phát từ một tình yêu vô điều kiện và chỉ có thế thôi (x.Ga 15, 16).

Hãy trao ban cách nhưng không những gì đã lãnh nhận cách nhưng không: Chúa Kitô đã làm gương cho chúng ta về động thái trao ban này. Vì đã lãnh nhận tất cả từ Chúa Cha, Chúa Kitô sẵn sàng hiến dâng tất cả trong sự vâng phục tuyệt đối đến độ Người xác nhận “Lương thực của Người là làm theo ý Đấng đã sai Người” (x.Ga 4, 34). Vào trần gian, Chúa Cha đã trao ban cho người một thân xác và Người đã hiến dâng lại cho Cha qua hiến tế thập giá (x.Lc 26-3, 46). Sống vâng phục là một cách thế trao ban sự hiện hữu của mình cách hoàn hảo. Khi ta vâng nghe Lời Chúa phán dạy là ta đang hiến dâng chính cả con người chúng ta cho Đấng dựng nên chúng ta từ hư vô.

Thật là khó khi tự nguyện trao ban cho tha nhân một cách vô điều kiện những điều tốt đẹp ta có như của cải vật chất, công sức, thời giờ… Tâm lý thường tình “bánh ít trao đi thì mong bánh nhì gửi lại”. Thực tế thì hình như ít có ai “cho không”, “biếu không”, ngay cả trong các chương trình viện trợ không hoàn lại của các chính phủ hay các tổ chức, tập thể xã hội. Trao ban cách nhưng không đó là trao ban chỉ vì hạnh phúc người được trao ban, đồng thời chính người trao ban sẵn sàng tự hủy mình đi một cách nào đó. Một điều dường như là không tưởng nhưng thời sẽ thành hiện thực nếu ta biết kết hiệp với Đấng vốn là Thiên Chúa đã tự hủy mình ra không vì chúng ta (x.Phil 2, 6-11).

Để có thể yêu thương, hiến dâng, trao ban cho tha nhân những gì mình là, những gì mình có một cách vô cầu, thiết tưởng cần có một đời sống cầu nguyện sâu lắng và chuyên chăm kết hiệp với Thiên Chúa. Chính khi kết hiệp với Thiên Chúa qua sự cầu nguyện chúng ta mới có cơ may nhận ra những gì ta đang là, đang có, đều do bởi đã lãnh nhận cách nhưng không. Thánh sử Maccô làm rõ chân lý này khi tường thuật việc Chúa Giêsu chọn gọi mười hai tông đồ: “Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ” (Mc 3, 13-15).

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây