TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật XI Thường Niên – Năm A

02/06/2021 04:12:53 |   934

Chúa Nhật XI Thường Niên – Năm A
Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô



Ga 5,51-58

 

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Mỗi người chúng ta đều biết rằng, Thánh lễ Misa là lễ tưởng niệm và hiện tại hóa hy lễ vượt qua của Chúa Giêsu, là giao ước tình yêu mà Chúa đã thiết lập bằng Mình và Máu Người trong nhiệm tích Thánh Thể, hầu tiếp tục hy tế trên Thánh giá và làm lương thực dưỡng nuôi và dẫn ta về quê trời. Máu Chúa Kitô vẫn hằng đổ ra nơi bàn thờ mỗi ngày sẽ đổi mới con người cũ của chúng ta để sống xứng đáng hơn. Cùng với Mẹ Hội Thánh, giờ đây chúng ta long trọng cử hành lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu để nhắc nhở ta về lòng thương yêu khôn dò của Chúa Giêsu dành chomỗi người chúng ta. Vậy chúng ta hãy dọn lòng trong sạch, hầu xứng đáng tham dự yến tiệc Mình và Máu Chúa Giêsu trao ban trong thánh lễ này.

Ca nhập lễ

Ta sẽ lấy tinh hoa lúa mì nuôi dưỡng chúng, và cho chúng ăn no mật từ hốc đã chảy ra.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trối lại cho chúng con bí tích Mình Và Máu Thánh Chúa, để chúng con đời đời tưởng nhớ Chúa đã chịu khổ hình và sống lại vinh quang. Xin cho chúng con biết một niềm sùng kính mến yêu bí tích kỳ diệu này để luôn được nghiệm thấy ơn Chúa cứu chuộc chúng con. Chúa hằng sống và hiển trị cùng Thiên Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

 

 

 

Bài Ðọc I: Ðnl 8, 2-3. 14b-16a

"Người sẽ ban cho các ngươi của ăn mà các ngươi và cha ông các ngươi chưa từng biết tới".

Trích sách Ðệ Nhị Luật.

Môsê nói cùng dân chúng rằng: "Các ngươi hãy nhớ tất cả đoạn đường mà Chúa là Thiên Chúa các ngươi đã dẫn đưa các ngươi qua sa mạc suốt bốn mươi năm, để rèn luyện và thử thách các ngươi, để biết các điều bí ẩn trong lòng các ngươi và xem các ngươi có tuân giữ lề luật của Người hay không? Người đã để các ngươi vất vả thiếu thốn, và ban cho các ngươi manna làm của ăn mà các ngươi và cha ông các ngươi chưa từng biết tới, để tỏ cho các ngươi thấy rằng: Con người sống không nguyên bởi bánh, mà còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.

"Các ngươi hãy nhớ Chúa là Thiên Chúa các ngươi, Ðấng đã dẫn đưa các ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Và Người là Ðấng đã dẫn các ngươi vào nơi hoang địa mênh mông và kinh khủng có nhiều rắn hổ lửa, bò cạp, rắn lục, và không có một giọt nước nào; Người đã khiến nước từ tảng đá cứng rắn vọt ra. Trong hoang địa, Người đã nuôi các ngươi bằng manna mà cha ông các ngươi chưa từng biết tới".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 147, 12-13. 14-15. 19-20.

Ðáp: Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa

Xướng: Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa. Hãy ngợi khen Thiên Chúa của ngươi, hỡi Sion! vì Người giữ chặt các then cửa ngươi, Người chúc phúc cho con cái ngươi trong thành nội. - Ðáp.

Xướng: Người đã sai lời Người xuống cõi trần ai, và lời Người lanh chai chạy rảo. Người khiến tuyết rơi như thể lông cừu, Người gieo rắc sương đông như tro bụi trắng. - Ðáp.

Xướng: Người đã loan truyền lời Người cho Giacóp, những thánh chỉ và huấn lệnh Người cho Israel. Người đã không làm cho dân tộc nào như thế, Người đã không công bố cho họ các huấn lệnh của Người. - Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Cr 10, 16-17

"Có một tấm bánh, nên chúng ta tuy nhiều, cũng chỉ là một thân thể".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.

Anh em thân mến, chén chúc tụng mà chúng ta cầm lên chúc tụng Chúa chẳng phải là thông hiệp với máu Chúa Kitô sao? Tấm bánh mà chúng ta bẻ ra chẳng phải là thông phần vào Mình Chúa đó sao? Vì có một tấm bánh, nên chúng ta tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể, vì hết thảy chúng ta thông phần cùng một tấm bánh.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 6, 51-52

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời". - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 6, 51-59

"Thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân Do-thái rằng: "Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống". Vậy người Do-thái tranh luận với nhau rằng: "Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?" Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: "Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Ðây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời".

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúa Giêsu yêu thương ta vô cùng, đến nỗi đã ban chính Mình và Máu Người làm lương thực nuôi sống ta hằng ngày. Với lòng tin, mến, tạ ơn, chúng ta tha thiết dâng lời cầu xin :

1. “Người đã nuôi các ngươi bằng Manna mà cha ông các ngươi chưa từng biết tới” Xin Chúa Giêsu Thánh Thể là nguồn sức mạnh, bổ dưỡng và nâng đỡ Đức Giáo Hoàng, các Giám mục, các Linh mục, để giữa muôn vàn gian khổ và thử thách, các ngài vẫn kiên trì làm tròn sứ vụ Chúa trao phó.

2. “Vì có một tấm bánh nên chúng ta tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” Xin cho các Kitô hữu siêng năng và sốt sáng lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa để kết hợp ngày một hơn với Chúa Ba Ngôi và thông cảm với anh em đồng loại.

3. “Thịt Ta là thật của ăn, Máu Ta là thật của uống” Xin cho các Linh Mục luôn ý thức đến ân huệ cao trọng Chúa đã thương ban, hầu biết thánh hóa mình qua việc chu toàn bổn phận với tinh thần hi sinh, yêu mến Chúa và các linh hồn.

4 .“Bánh Ta ban chính là thịt Ta để cho thế gian được sống” Xin cho mọi người trong giáo xứ chúng ta, hằng ngày được phúc đón nhận Bí tích tình yêu biết noi gương Chúa, sẵn sàng hiến thân từng giây phút, và được nghiền nát để nên tấm bánh tiến dâng Chúa và đền tội.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu Kitô, chúng con cảm tạ Chúa đã thiết lập Bí tích Thánh Thể để nuôi sống linh hồn chúng con, xin giúp chúng con luôn sống trong sạch, xứng đáng làm tòa Chúa ngự mỗi ngày, để mai này được liên kết bền chặt với Chúa, trong vinh quang, Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, bao hạt lúa mới làm nên tấm bánh này, bao trái nho mới ép thành chén rượu đây, tượng trưng sự đoàn kết giữa con cái Chúa. Cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, và làm cho trở nên bí tích nhiệm mầu, đem lại cho Hội Thánh Chúa ơn hiệp nhất và bình an. Chúng con cầu xin...

Lời tiền tụng Thánh Thể

Ca hiệp lễ

Chúa phán:" Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy".

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tuy còn ở dưới thế, nhưng đã được tham dự bàn tiệc trên trời khi thông hiệp với Mình và Máu Thánh Chúa. Xin cho chúng con một khi lên cõi trời vinh hiển được cùng Chúa vui hưởng phúc trường sinh. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.


Suy niệm

Mình Máu Thánh Chúa
Sưu tầm

Dân Do Thái được giải thoát khỏi ách nô lệ của người Ai Cập và được đào luyện để trở thành dân riêng của Chúa. Một thứ giao kèo đã được thực hiện giữa Thiên Chúa và dân của Ngài. Thiên Chúa ban cho họ một lề luật quy định thái độ và cách sống của họ đối với Chúa, và của mọi người đối với nhau. Người Do Thái đã đồng thanh thề hứa xin thi hành mọi lời Chúa đã phán. Maisen lập bàn thờ và toàn dân cử hành nghi lễ ký kết giao ước với Thiên Chúa. Người ta giết bê để làm lễ tế. Máu bê một nửa được rưới trên bàn thờ, một nửa được rảy trên dân.

Ở đây lễ ký kết giao ước đã được thực hiện bằng máu bê. Và trong lịch sử của dân Chúa, giao ước này đã không được tuân giữ từ phía dân Ngài. Nhưng Thiên Chúa là Đấng luôn trung tín trong lòng yêu thương của Ngài. Và Ngài đã thực hiện một giao ước mới.

Nhưng lần này, giao ước được thiết lập không phải trong một nghi lễ, mà là bằng một cuộc sống. Lễ vật giao hoà không phải là chiên bò hay máu của chúng, mà là chính Con Thiên Chúa làm người, đã sống giữa con người, để mạc khải tình thương của Chúa đối với con người và cuối cùng đã đổ đến giọt máu cuối cùng không phải trên bàn thờ mà trên thập giá.

Tin Mừng của thánh lễ hôm nay cho chúng ta thấy: Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài đang chuẩn bị mừng lễ Vượt Qua, lễ kỷ niệm dân Chúa được giải thoát khỏi ách nô lệ người Ai Cập. Nhưng chúng ta lại cũng có thể thấy được rằng cảnh tượng diễn ra không còn ở trong một nghi lễ mà là ở trong chính cuộc sống. Hay nói cách khác trong chính việc cử hành lễ Vượt Qua này, cái ý nghĩa thâm sâu nhất, cái nội dung đích thực của mọi nghi lễ được cử hành đang trở thành hiện thực.

Chúa Giêsu và các môn đệ đang sống biến cố Vượt Qua, đang sống cuộc giao ước giữa Thiên Chúa và con người. Cử chỉ của Chúa Giêsu, hãy cầm lấy bánh, hãy cầm lấy rượu, mang ý nghĩa là Mình Máu Ngài, nói lên cái chết của Ngài, một cái chết cho nhiều người mà đại diện là 12 môn đệ, đồng bàn với Ngài, nhưng cũng là những người sẽ chối Chúa, sẽ bỏ Chúa để thoát thân, những con người tội lỗi, yếu đuối như bao con người tội lỗi và yếu đuối khác. Nhưng với bữa tiệc ly trở thành tiệc Thánh Thể này, khi trao cho các môn đệ Mình Máu Ngài, Chúa Giêsu tự báo cho các môn đệ ơn tha thứ, ơn cứu thoát. Khi lãnh nhận Mình Máu Chúa, các môn đệ lãnh nhận cho mình cuộc hy sinh của Chúa Giêsu và ơn cứu rỗi được dành cho con người.

Chính vì vậy mà sau khi Chúa Giêsu phục sinh, nghĩa là sau khi các môn đệ đã có những cử chỉ bất trung, các ông vẫn có thể đồng bàn với Người. Sự đồng bàn ở đây có ý nghĩa của một sự giao hoà. Giáo Hội trong suốt dòng lịch sử, đã không ngừng lặp lại cử chỉ này như Chúa Giêsu đã truyền dạy để tưởng nhớ đến Ngài. Nhưng không phải chỉ là một sự tưởng nhớ trong tưởng tượng, trong tình cảm, mà là trong chính cuộc sống bằng cách sống trọn vẹn ý nghĩa, nội dụng của nghi lễ mình làm.

Việc cộng đoàn Kitô hữu họp lại với nhau trong nhà thờ để cử hành thánh lễ phải là điểm khởi đầu và kết thúc của một giai đoạn dấn thân. Nghĩa là thánh lễ được cử hành trong nhà thờ cần phải được nối tiếp trong cuộc sống và cuộc sống cũng cần phải được cử hành trong thánh lễ tại nhà thờ chứ không được tách thánh lễ ra khỏi cuộc sống. Bởi đó chúng ta thực sự kéo dài thánh lễ trong cuộc sống bằng cách thực thi bái ái yêu thương hay chưa. Đồng thời chúng ta có biết gom góp những hy sinh của cuộc sống để dâng tiến trong thánh lễ hay chưa.

Thánh lễ Mình và Máu Chúa Giêsu
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 6, 51-59).
 
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân Do-thái rằng: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”. Vậy người Do-thái tranh luận với nhau rằng: “Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?” Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Ðây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời”.
 
Suy niệm
 
“Này là Mình Ta, được bẻ ra cho anh em”. Đây là lời Chúa Giêsu nói với các môn sinh của Ngài khi Ngài cầm lấy tấm bánh, bẻ ra và trao cho các ông trong bữa tiệc huynh đệ, thường gọi là Tiệc Ly. Nơi bàn tiệc đó, Đức Giêsu đã lập Bí tích Thánh Thể, trao cho nhân loại của ăn, trao cho nhân loại một giao ước đem đến sự sống và lập Bí tích Truyền Chức, cho con người được thông dự vào nghi thức bẻ bánh của Ngài.
 
Thánh lễ Mình và Máu Chúa Giêsu là một thánh lễ rất ý nghĩa đối với người tín hữu Kitô, bởi thánh lễ mời gọi người tín hữu trở lại phòng tiệc ly và đặc biệt là hy lễ thập giá, để cùng Đức Giêsu tiến dâng của lễ đẹp nhất, ý nghĩa nhất trong cuộc đời lên cho Chúa Cha. Trở lại với bài đọc 1 trong sách Đệ Nhị Luật, tác giả đã trình bày cho chúng ta nghe lời khuyên bảo của Môsê dành cho dân Do-thái trước khi ông đi xa, ông khuyên họ hãy nhớ lại tình yêu thương Giavê dành cho họ, Ngài chăm sóc họ như người mẹ chăm sóc con cái mình: “Môsê nói cùng dân chúng rằng: “Các ngươi hãy nhớ tất cả đoạn đường mà Chúa là Thiên Chúa các ngươi đã dẫn đưa các ngươi qua sa mạc suốt bốn mươi năm, để rèn luyện và thử thách các ngươi, để biết các điều bí ẩn trong lòng các ngươi và xem các ngươi có tuân giữ lề luật của Người hay không?”. Tự Thiên Chúa là sự sống viên mãn, là tình yêu tuyệt hảo, đâu cần đến những lễ vật hay các nghi thức phụng tự của con người, nhưng Thiên Chúa đã muốn thông chia tình yêu và sự sống đó cho con người, Ngài chọn một dân làm dân riêng, chăm sóc họ bằng một tình yêu rất chân thành, rất gần gũi và rất người, nhưng họ đã đáp lại tình yêu thương đó với những lối sống thiếu sự khiêm tốn, thiếu luôn cả tình người. Trước tình trạng đó, Môsê đã nhắc họ hãy ý thức tâm tình tri ân để sống tử tế hơn với Giavê: “Các ngươi hãy nhớ Chúa là Thiên Chúa các ngươi, Ðấng đã dẫn đưa các ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Và Người là Ðấng đã dẫn các ngươi vào nơi hoang địa mênh mông và kinh khủng có nhiều rắn hổ lửa, bò cạp, rắn lục, và không có một giọt nước nào; Người đã khiến nước từ tảng đá cứng rắn vọt ra. Trong hoang địa, Người đã nuôi các ngươi bằng manna mà cha ông các ngươi chưa từng biết tới”.
 
Trong bài  đọc 2, chúng ta được nghe lời nhắc của thánh tông đồ dân ngoại, khi ngài nói với cộng đoàn Corintho về sự liên kết giữa các thành viên trong gia đình giáo hội với nhau và mỗi người cùng với mọi người, đều được gắn bó với Thiên Chúa qua tấm bánh được bẻ ra, được trao ban, như là dấu chỉ của tình yêu tự hiến trên thập giá của Thầy Chí Thánh, cũng từ chén rượu là Máu Ngài, sự sống của Thiên Chúa được thông chia cho con người. Sự sống đó được trao ban bằng một giao ước mới của tình yêu mà máu là biểu tượng và cũng là dấu chỉ của giao ước: “Anh em thân mến, chén chúc tụng mà chúng ta cầm lên chúc tụng Chúa chẳng phải là thông hiệp với máu Chúa Kitô sao? Tấm bánh mà chúng ta bẻ ra chẳng phải là thông phần vào Mình Chúa đó sao? Vì có một tấm bánh, nên chúng ta tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể, vì hết thảy chúng ta thông phần cùng một tấm bánh”. Tuy nhiều người nhưng cùng chung một thân thể bởi tất cả được nuôi dưỡng bằng lương thực trường sinh, bằng sự sống đến từ Thiên Chúa.
 
Khi Đức Giêsu nói với dân chúng về thứ lương thực thần linh là Mình và Máu của Con Thiên Chúa: “Chúa Giêsu phán cùng dân Do-thái rằng: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”, họ đã chối từ, bởi trong nhận thức của họ là thịt và máu người không thể đem lại sự sống đời đời được. Họ chưa thể hiểu được ý nghĩa của thứ lương thực thần linh đó, mãi tới khi Đức Giêsu đi qua mầu nhiệm thập giá, tiến về sự phục sinh trong quyền năng Thiên Chúa, con người đã phần nào khám phá ra được ý nghĩa và giá trị của thứ lương thực đó. Để tham dự vào sự sống của Thiên Chúa, con người phải chấp nhận để cho tấm bánh được bẻ ra, được trao ban mà đỉnh cao là thập giá cứu độ, trên thập giá, Đức Giêsu đã trao tất cả cho con người, để con người được tẩy sạch mọi tội lỗi, được giao hòa với Thiên Chúa, đó là một giao ước của tình yêu, và tình yêu đó là tình yêu cứu độ, tình yêu sự sống và tình yêu trao ban. Rồi Ngài còn trao cho các môn đệ chén rượu đầy yêu thương, nơi chén rượu đó, với lời cầu nguyện, đã biến đổi thành Máu, máu của giao ước, máu của tình yêu, máu của sự sống: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy”. Máu là biểu tượng của sự sống và cũng là sự sống. Con Thiên Chúa đã lấy chính Máu của Ngài để làm biểu tượng, ký kết với con người một giao ước sự sống, một giao ước cho con người được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa. Sự sống đó khởi đi từ dòng máu tình yêu của Ngài trong thân thể huyền nhiệm, chảy tới mọi ngõ ngách của mỗi chi thể là con người, để tất cả tạo nên một thân thể mầu nhiệm và đầu là Đức Giêsu Kitô. Có thể nói Đức Giêsu lập Bí tích Thánh Thể để bày tỏ cho con người thấy chiều sâu nội tâm của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người khác hoàn toàn với tình yêu con người trao cho con người, tình yêu đó là tình yêu tự hiến, tình yêu bị đóng đinh vì người mình yêu, tình yêu trao ban tất cả, kể cả sự sống của Con Thiên Chúa. Ngài sẵn sàng ký kết với con người một giao ước sự sống, mà biểu tượng là chính Máu của Ngài.
 
Hành trình đức tin của con người luôn đối diện với muôn vàn thách đố, có những lúc họ đã chùn chân, thậm chí thối lui, chỉ có sức mạnh của tình yêu, chỉ có sự hy sinh của tình yêu mới là động lực và sức mạnh giúp họ vượt thắng tất cả. Đời sống hôn nhân gia đình ngày hôm nay là một điển hình, đối diện với những nhu cầu căn bản của cuộc sống là cơm, áo, gạo, tiền, họ còn phải đối diện với những thử thách khác, nếu như không có sức mạnh của tình yêu vào một Thiên Chúa luôn đồng hành, luôn nâng đỡ, làm sao con người có thể vượt thắng được tất cả. Khi bên ngoài thế giới, người ta xây dựng cho mình lối sống hưởng thụ và tiêu thụ, một lối sống phục vụ cho bản thân mà thôi, thì người tín hữu lại được mời bước vào hành trình sống phục vụ tha nhân, phục vụ những người bất hạnh, người tín hữu có đủ can đảm để dấn thân trong cuộc sống hiện tại không? Bên ngoài người ta đi tìm cho mình những phương thuốc trường sinh để kéo dài sự sống, phục vụ sự tồn tại của con người, thế mà trong hành trình đức tin, người tín hữu được mời trở thành tấm bánh trao cho tha nhân, trở thành sự sống cho người khác. Ơn gọi hiến dâng cũng không thiếu những đòi hỏi nghiệm nhặt hơn trong hành trình. Phục vụ tha nhân là phục vụ Đức Giêsu Kitô, là phục vụ Thiên Chúa, thế nhưng có được bao người nhìn ra được khuôn mặt của Đức Giêsu nơi những người nghèo, nơi những người bất hạnh, những người bị xã hội loại trừ. Đỉnh điểm của tình yêu Thiên Chúa là thập giá, là sự hy sinh tột cùng, phục vụ tha nhân trong sự yêu thương và cảm thông có phải là một sự hy sinh tất cả nơi con người tu sĩ, để Đức Giêsu nơi tha nhân được tôn trọng, được cảm thông và được ủi an. Hành động phục vụ đó có phải là đang thông truyền cho tha nhân một sự sống mới, sự sống đến từ tình yêu Thiên Chúa, đến từ tương quan anh chị em trong cùng một gia đình của Thiên Chúa sao? Tất cả đang trở nên những tấm bánh được bẻ ra trao cho anh chị em và tất cả cũng trở nên chén máu của tình yêu, máu sẽ đổ ra để đem lại sự sống cho nhiều người.
 
Lạy Chúa Giêsu Kitô phục sinh, trước lúc rời thế gian, Chúa đã lập Bí tích Thánh Thể để bày tỏ tình yêu viên mãn của Thiên Chúa cho con người và ước mong của Thiên Chúa là thông chia tình yêu và sự sống đó cho con người, xin cho chúng con luôn biết sống tâm tình cảm tạ khi nhận lãnh nguồn sống thiêng liêng là Bí tích Thánh Thể mỗi ngày nơi Thánh Lễ. Chúa đã trao chén Máu sự sống cho con người và mong ước những giọt máu đó sẽ đem lại sự sống cho bao người, xin cho chúng con được cộng tác với Chúa đem sự sống vĩnh cửu và tình yêu đó đến cho tha nhân trong sự phục vụ khiêm tốn và tôn trọng mọi người. Amen.
 

Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh


 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây