TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Phục Sinh - Năm B

Ông đã thấy và đã tin. (Ga 20,1-10)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật XI Thường Niên – Năm B

05/06/2021 10:43:38 |   610

Chúa Nhật XI Thường Niên – Năm B


Mc 4,26-34

 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XI Thường Niên – Năm B

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin nghe tiếng tôi kêu cầu. Lạy Chúa là Đấng cứu độ tôi, Chúa là Đấng phù trợ tôi, xin đừng bỏ rơi và đừng hắt hủi tôi.

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Cả ba bài đọc hôm nay cho chúng ta cái nhìn về một Thiên Chúa toàn năng, đầy quyền phép. Bài đọc I trích từ sách tiên tri Ezekiel: Thiên Chúa có thể biến cây khô trở thành cây tươi, cây thấp trở thành cây cao và ngược lại. Bài Tin Mừng theo Thánh Marcô lại cho chúng ta một nhận định về Nước Thiên Chúa, một Nước mạnh mẽ, không cần nhờ đến sức con người, nhưng do bàn tay quan phòng của Thiên Chúa.

Vì thế, Thánh Phaolô khuyên dạy các tín hữu Côrintô, hãy nỗ lực sống lành thánh để kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa, vì Ngài sẽ đánh giá hành động của chúng ta qua đức tin và lòng mến.

Với lòng tin mến, chúng ta cùng thống hối về những hành vi bất xứng với Chúa và tha nhân, trước khi cử hành Thánh Lễ.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa ban sức mạnh cho những kẻ cậy trông xin nghe lời chúng con cầu khẩn: loài người chúng con, thân phận yếu hèn, không thể làm được chi, nếu Chúa không nâng đỡ; xin Chúa hằng tuôn đổ hồng ân, giúp chúng con giữ huấn lệnh Chúa truyền, để chỉ muốn và làm những điều Chúa ưa thích. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Ed 17, 22-24

“Ta hạ thấp cây cao và nâng cao cây thấp”.

Trích sách ngôn sứ Êdêkien.

Ðức Chúa là Chúa Thượng phán như sau:

Từ ngọn cây, từ ngọn hương bá cao chót vót, Ta sẽ lấy, sẽ ngắt một chồi non; chính Ta sẽ trồng nó trên đỉnh núi cao vòi vọi. Ta sẽ trồng nó trên núi cao của Ít-ra-en.

Nó sẽ trổ cành và kết trái thành một cây hương bá huy hoàng. Muông chim đến nương mình bên nó, và ẩn thân dưới bóng lá cành. Tất cả cây cối ngoài đồng ruộng sẽ nhận biết chính Ta là Ðức Chúa.

Ta hạ thấp cây cao và nâng cao cây thấp, Ta làm cho cây xanh tươi phải khô héo và cây khô héo được xanh tươi.

Chính Ta là Ðức Chúa, Ta đã phán là Ta thực hiện.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 91, 2-3.13-14.15-16

Ðáp: Lạy Chúa, hạnh phúc thay được tạ ơn Ngài (c. 2a).

Xướng: Thú vị thay được tạ ơn Chúa, được mừng hát danh Ngài, lạy Ðâng Tối Cao, được tuyên xưng tình thương của Ngài từ buổi sớm và lòng thành tín của Ngài suốt canh khuya. 

Xướng: Người công chính vươn lên tựa cây dừa tươi tốt, lớn mạnh như hương bá Li-băng được trồng nơi nhà Chúa, mơn mởn giữa khuôn viên đền thánh Chúa Ta.

Xướng: Già cỗi rồi, vẫn sinh hoa kết quả, tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn, để loan truyền rằng: Chúa thực là ngay thẳng, là núi đá cho tôi ẩn náu, nơi Người chẳng có chút bất công.

Bài Ðọc II: 2Cr 5,6-10

“Dù còn ở trong thân xác, hoặc đã lìa bỏ thân xác, chúng tôi chỉ có một tham vọng là làm đẹp lòng Chúa”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

Thưa anh em, chúng tôi luôn mạnh dạn, và chúng tôi biết rằng: ở lại trong thân xác này là lưu lạc xa Chúa, vì chúng ta tiến bước nhờ lòng tin chứ không phải nhờ được thấy Chúa… Vậy, chúng tôi luôn mạnh dạn, và điều chúng tôi thích hơn, đó là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa. Nhưng, dù còn ở trong thân xác hoặc đã lìa bỏ thân xác, chúng tôi chỉ có một tham vọng là làm đẹp lòng Người. Vì tất cả chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước tòa Ðức Ki-tô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 19, 38

Alleluia, alleluia! – Hạt giống là lời Thiên Chúa, người gieo giống là Ðức Ki-tô. Ai tuân giữa lời Người, sẽ muôn đời tồn tại. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 4, 26-34
"Nước Thiên Chúa giống như hạt cải"

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mác-cô.

Khi ấy, Ðức Giêsu nói với dân chúng dụ ngôn này: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Ðêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức, hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Ðất tự động sinh hoa kết quả: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng là thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm ra gặt, vì đã đến mùa.”

Rồi Người lại nói: “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được? Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại nhỏ nhất trong các hạt giống trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng.”

Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà giảng lời cho họ, tùy theo mức họ có thể nghe. Người không bao giờ nói với họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Sức mạnh của Lời Chúa sẽ biến đổi tâm hồn chúng ta thành những thửa đất phì nhiêu, nếu chúng ta tiếp nhận Lời Chúa với lòng yêu mến. Vậy chúng ta hãy tha thiết cầu xin:

1. ”Ta sẽ trồng nó trên đỉnh núi Israel, nó sẽ đâm chồi, kết quả, và trở thành cây hương nam vĩ đại”.- Xin cho các vị Chủ chăn có đời sống thánh thiện, để các ngài nên mẫu mực sáng chói cho Hội Thánh, giúp Hội Thánh trở thành tán cây cứu rỗi bao phủ muôn người.

2. “Dù ở trong xác hay ra khỏi xác chúng ta hãy cố gắng sống đẹp lòng Chúa”.- Xin cho các Kitô hữu nhờ học hỏi Lời Chúa, họ đủ sức mạnh tinh thần đương đầu với những mưu mô của ba thù, hầu kiên tâm sống đẹp lòng Chúa.

3. “Hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên ”.- Xin cho các vị thừa sai không bị nao núng, trước những chống đối và thất bại khi thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng cứu độ, trái lại biết khiêm tốn tin tưởng vào Chúa, là Đấng sẽ làm cho những hạt giống các ngài gieo trồng được tăng triển nơi mọi tâm hồn.

4. ”Nước Trời như hạt cải…khi mọc lên rồi nó thành cây rau lớn nhất”.- Xin cho mọi người trong giáo xứ chúng ta, khi được đức tin Chúa gieo vào lòng, biết làm cho hạt giống đức tin ấy, mỗi ngày thêm lớn mạnh để các thế hệ tương lai được nương nhờ.

Chủ tế: Lạy Chúa, chúng con là những hạt giông được gieo trồng vào mảnh ruộng thế gian, với muôn vàn ân sủng và tình thương của Chúa, xin giúp chúng con biết phát huy những hồng ân ấy để luôn sông đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, Chúa rộng ban cho chúng con của ăn thức uống này, làm lương thực nuôi sống thể xác và làm bí tích đổi mới tâm hồn; xin cũng cho chúng con chẳng bao giờ thiếu thốn những gì cần thiết cho tâm hồn và thể xác chúng con. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Có một điều tôi xin Chúa, một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi.

Hoặc đọc:

Chúa nguyện rằng: “Lạy Cha chí thánh, vì danh Cha, xin hãy gìn giữ những kẻ Cha đã giao phó cho Con, để chúng nên một như Ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa tham dự bí tích Thánh Thể, là mối dây liên kết mọi người chúng con trong Chúa; xin cho bí tích này cũng làm cho hội Thánh được hiệp nhất và bình an. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

SỨC MẠNH KỲ DIỆU CỦA HẠT GIỐNG (Ed 17, 22-24; 2Cr 5, 6-10; Mc 4, 26-34)
Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.

Ngày 19 – 06 – 2018, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam hân hoan khai mạc Năm Thánh, kỷ niệm 30 năm ngày phong thánh cho Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Đậy là một sự kiện quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành ân sủng và đức tin của Giáo Hội Việt Nam. Chính vì điều này mà trong thư công bố Năm Thánh, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã viết: “Năm Thánh 2018 mời gọi mọi tín hữu chiêm ngắm và học hỏi gương sống đức tin của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Việc học hỏi này vừa giúp chúng ta hiểu biết hơn về lịch sử Hội Thánh và Các Thánh Tử Đạo, vừa thúc đẩy chúng ta noi theo gương sống của các ngài”; bên cạnh đó, “Năm Thánh 2018 nhắc nhở và thúc đẩy tất cả chúng ta sống tinh thần tử đạo trong môi trường hiện nay. Bằng cái chết của mình, Các Thánh Tử Đạo đã làm chứng trước mặt vua chúa, quan quyền và mọi người rằng Nước Trời là ‘kho tàng chôn giấu trong ruộng’ và ‘ngọc quý vô giá’ nên khi tìm được, các ngài sẵn sàng bán tất cả những gì mình có, kể cả mạng sống, để ‘mua thửa ruộng và ngọc quý đó’ (x. Mt 13,44-46). Ngày nay, các Kitô hữu cũng được kêu gọi sống tinh thần hi sinh, từ bỏ theo bậc sống của mình để làm chứng cho Chúa và Tin Mừng Nước Trời”.

Khi tôn vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam như vậy, Giáo Hội ca ngợi sự hy sinh cao quý của các thánh. Bởi vì các ngài đã chấp nhận trở thành hạt giống gieo vào lòng đất, thối đi và mọc lên để trở thành những cây to lớn mang lại hoa trái dồi dào cho Giáo Hội. Các ngài đã hy sinh tất cả, đánh đổi tất cả để làm vinh danh Chúa và phần rỗi của các linh hồn.

Có thể nói: các ngài chính là những hạt giống âm thầm, bền bỉ, trung kiên, nhỏ bé nhưng mãnh liệt.

1. Ý nghĩa các dụ ngôn

Hôm nay, qua Bài Tin Mừng, Đức Giêsu dùng dụ ngôn để nói cho dân chúng biết về mầu nhiệm Nước Trời.

Trước tiên là dụ ngôn người gieo giống. Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn nhấn mạnh đến sự kiên trì của người gieo và sức mạnh nội tại của hạt giống. Ngài nói: Hạt giống được gieo xuống đất, đêm hay ngày, người gieo dù ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nảy mầm, mọc lên và sinh hoa kết quả (x. Mc 4, 27-28).

Khi khẳng định điều này, Đức Giêsu muốn dạy cho dân chúng và nhất là các môn đệ bài học về sự sống tiềm tàng của hạt giống. Người gieo phải kiên trì, khiêm nhường và tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa. Lòng nhiệt tình của người nông phu sẽ được đến đáp xứng đáng. Bởi vì, việc hạt giống mọc lên và sinh hoa kết trái vượt ra xa khỏi tầm kiểm soát của con người.

Sống trong một hoàn cảnh như thế, người môn đệ sẽ nhận ra quyền năng của Thiên Chúa để cậy trông vào Người. Đây là tiến trình trưởng thành của đức tin. Điều này phù hợp với giáo huấn của thánh Phaolô: “Phaolô trồng, Apolô tưới, nhưng chính Thiên Chúa mới làm cho mọc lên (1Cr 3,6)”.

Thứ đến, Đức Giêsu dùng dụ ngôn hạt cải để nói về Nước Trời. Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn trình bày Nước Trời dưới một góc độ khác! Hạt cải nhỏ bé ở đây chính là Giáo Hội. Một Giáo Hội khởi đi từ nhóm người hết sức nhỏ bé vỏn vẹn chỉ có 12 người. Rồi hạt cải ấy bị biết bao khó khăn trù dập…. Ấy thế mà hạt cải vẫn lớn lên và to cao lạ thường, đến nỗi chim trời đến làm tổ và cư ngụ ở đó cách an toàn.

Điều kỳ diệu này cũng được tiên tri Ezekien nói đến trong bài đọc I hôm nay, ngài nói:

Từ ngọn cây hương bá cao chót vót, ta sẽ ngắt một chồi non. Ta sẽ trồng nó trên đỉnh núi cao, nó sẽ trổ cành kết trái thành cây hương bá huy hoàng. Ta hạ thấp cây cao và nâng cao cây thấp” (x. Ed 17, 22 - 24).

Lời tiên báo này, vị tiên tri muốn nói đến đường lối của Thiên Chúa thật phi thường không ai có thể ngờ được.

Còn với thánh Phaolô, qua Bài đọc II, ngài đã xác định yếu tố cần thiết để hạt giống đức tin được lớn lên và trưởng thành, đó là: hãy ra khỏi thân xác ích kỷ và hưởng thụ, để được gần Thiên Chúa và thuộc về Người. Nói cách khác, thánh nhân nhấn mạnh đến việc: hạt giống  tâm hồn của chúng ta được lớn lên là nhờ ơn Chúa và sự nỗ lực không ngừng. Một sự hy sinh liên lỷ. Tất cả những cộng góp đó, làm cho đức tin lớn mạnh và vững vàng…

2. Bài học cho người Kitô Hữu

Dựa trên ý nghĩa hai dụ ngôn, chúng ta lần dở lại lịch sử cứu độ, nhất là lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, hẳn ai cũng thấy: có những lúc Giáo Hội luôn gặp những thử thách từ nhiều phía. Thế nhưng, sự kiên trì và dũng cảm của các bậc tiền nhân đã làm cho hạt giống đức tin được lớn mạnh không ngừng và trổ sinh hoa trái thật xum xuê như hiện nay.

Sự lớn mạnh như vậy, không hệ tại nơi con người như trong bài Tin Mừng Đức Giêsu đã nói: hạt giống cứ âm thầm mọc lên. Chỉ cần có cơ hội là mở tung, phá vỡ vỏ hạt để đâm trồi nảy lộc.

Mỗi người Kitô Hữu cũng là những hạt giống mà Chúa đã gieo vào lòng đất Việt qua việc lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Hạt giống của mỗi người chúng ta đã biết bao lần gặp phải sóng gió, phong ba, bão táp ập đến. Nhưng  nhờ ơn Chúa, hạt giống đức tin ấy vẫn lớn lên ngay trong những thử thách và đã trổ sinh nhiều hoa trái thiêng liêng.

Tuy nhiên, vẫn còn đó biết bao hạt giống chưa chịu bức phá ra khỏi cái vỏ hạt xù xì xấu xa của mình để vươn lên đón ánh mặt trời và lớn lên như những hạt giống khác.

Sự khác biệt giữa mọc lên và nằm yên chính là việc có chấp nhận vượt ra khỏi vỏ bọc ích kỷ, tự phụ, kiêu căng để sẵn sàng bung ra với sự kiên trì, can đảm, nhằm đạt được những hoa trái thánh thiện và tốt lành của những đức tính như bác ái, từ bi, nhân hậu hay không?

Có sẵn sàng vượt ra khỏi định kiến cá nhân, bảo thủ, để nghĩ đến người khác như: vợ chồng, con cái biết nghĩ, biết sống cho nhau và vì nhau? Mái nhà của gia đình có thực sự là nơi an toàn để mọi thành viên hưởng nếm sự ngọt ngào của yêu thương, sự quan tâm và lòng liên đới hay là nơi cắn xé, chửi bới, la rày nhau?
Bao lâu trong mái nhà ấy, mỗi thành viên chưa nghiệm thấy và đụng chạm được sự bình an, hạnh phúc và niềm vui, thì bấy lâu gia đình ấy là hỏa ngục, nơi chôn giấu những hạt giống ích kỷ, vụ lợi, thực dụng, kiêu ngạo.

Ngược lại, mỗi người hãy làm cho gia đình mình chan chứa niềm vui khi mỗi người là những cành yêu thương, hoa nhân ái và quả đạo đức.

Được như vậy, mỗi gia đình là cung thánh của lòng thương xót, để nơi ấy, tình thương của Thiên Chúa được diễn đạt rõ nét cho anh chị em xung quanh. Là nơi an toàn cho những cánh chim đang mỏi mệt, thất vọng. Nói cách khác, khi sống xứng đáng là người Kitô Hữu thực thụ với những đặc tính yêu thương bác ái, chúng ta sẽ là nơi nương tựa của những người đau khổ, bất hạnh, bị bỏ rơi, những người cô thế cô thân, những người bị áp bức bóc lột, đói khát bần cùng. Trở thành điểm tựa và niềm hy vọng cho những ai đang đánh mất niềm tin, đang xa đọa vào những con đường tội lỗi để dẫn đưa họ về với Chúa.

Có thế, chúng ta mới thực sự làm cho Nước Chúa lan rộng khắp nơi và lớn mạnh không ngừng như hạt cải tuy nhỏ bé, nhưng lớn lên vĩ đại.

Lạy Chúa Giêsu, hạt giống nơi tâm hồn mà Chúa đã gieo vào lòng mỗi người ngày chúng con lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, Chúa mong ước cho hạt giống ấy mọc lên để thành những cây cao lớn làm nơi nương ẩn cho những ai cần đến.

Tuy nhiên, chúng con đã hồ đồ, ích kỷ, kiêu ngạo và không kiên định, nên làm cho hạt giống mà Chúa đã tin tưởng gieo vào tâm khảm chúng con bị chết nghẹt nơi thửa đất cằn khô sỏi đá. Xin Chúa tha thứ và ban ơn giúp sức, để chúng con kiên trì, can đảm vươn ra khỏi những vỏ bọc an toàn tạm thời để làm cho danh Chúa được cả sáng, Nước Chúa được trị đến trên khắp hoàn cầu. Amen.

 

Chúa Nhật 11 mùa thường niên –B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mc 4, 26-34).
 
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Nước Thiên Chúa giống như người kia đã gieo hạt xuống đất: người đó ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết nữa. Đất tự nó làm cây lúa mọc lên: trước hết thành cây, rồi đâm bông, rồi kết hạt. Và khi lúa chín, người ấy liền gặt vì đã đến mùa”.
 
Người còn phán: “Chúng ta sẽ lấy gì mà hình dung nước Thiên Chúa? Hay dùng dụ ngôn nào mà so sánh nước đó được? Nước đó giống như hạt cải, khi gieo xuống đất thì nhỏ bé nhất trong tất cả các hạt trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, nó mọc lên thành cây rau lớn nhất, và đâm những cành to, đến nỗi chim trời có thể tới núp bóng được”. Người dùng nhiều dụ ngôn như thế mà rao giảng lời Chúa cho họ, tuỳ sức họ có thể hiểu được, và Người chỉ nói với họ bằng dụ ngôn, nhưng khi ở riêng với các môn đệ, Người giải thích tất cả cho các ông.
 
Suy niệm
 
Bước vào những ngày sống của mùa thường niên, Mẹ Giáo hội mời con cái dừng chân bên lề cuộc sống, để nhìn lại mọi biến cố, mọi câu chuyện, trong đó có những biến cố, những câu chuyện khi xảy ra, đã để lại nhiều vết thương, nhiều nỗi đau, ngay cả những vết thương lòng, những vết thương lớn trong đời sống đức tin, trong tình gia đình của mỗi người. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ 11 mùa thường niên, gợi nhắc mỗi người dừng lại trong hành trình đức tin, hướng về quá khứ với những biến cố, những câu chuyện của tôn giáo, của con người, của lịch sử nhân loại, để thấy những dấu chân của Thiên Chúa ẩn hiện đó đây, và còn thấy sự cộng tác của con người khi đón nhận thập giá cuộc đời, ắt sẽ đem lại những niềm vui, đem lại những hoa trái tình yêu và lòng tin cho bao người.
 
Trước những biến cố cuộc đời và xã hội, con người luôn nghĩ đến việc may rủi, bao sự việc xảy ra cứ làm lỗi nhịp cuộc sống. Dưới góc nhìn của một ngôn sứ, những câu chuyện đó xảy ra đều có nguyên nhân. Lời tiên tri Ê-zê-ki-en trong bài đọc 1 như là một câu trả lời mà tiên tri đã thay Thiên Chúa nói với con người: “Đây Chúa là Thiên Chúa phán: “Chính Ta sẽ chặt ngọn cao nhất cây hương nam; Ta sẽ bẻ một chồi non từ ngọn mọc ra, và sẽ đem trồng nó trên núi cao chót vót. Ta sẽ trồng nó trên đỉnh núi Israel, nó sẽ đâm chồi, kết quả, và trở thành cây hương nam vĩ đại; các thứ chim trời đều đến ẩn náu dưới thân cây và làm tổ dưới tàn nó”. Mỗi biến cố xảy ra, mỗi bước chân in dấu trong hành trình làm người, tất thảy đều có ý nghĩa và mục đích của nó. Thiên Chúa dùng chính những câu chuyện đó, những sự kiện đó bày tỏ quyền năng và tình thương của Ngài dành cho con người, nếu con người đọc tất cả những dấu chỉ đó dưới ánh mắt niềm tin và lòng mến. Để có được góc nhìn siêu nhiên đó, đòi hỏi một niềm tin phải sâu sắc và vuông tròn với Thiên Chúa, phải chân nhận sự hiện diện của vũ trụ và con người đều ở trong quỹ đạo tình yêu của Ngài, con người mới thấy mình thật nhỏ bé trong đôi bàn tay lớn lao của Ngài.
 
Sau khi trở lại với Kitô giáo, thánh Phaolô đọc lại mọi biến cố, mọi câu chuyện về cuộc đời của bản thân, ngài thấy nơi đó có đôi bàn tay vô hình của Thiên Chúa dẫn dắt. Từ kinh nghiệm cuộc đời, cùng với hành trình truyền giáo do Chúa Thánh Thần hướng dẫn, thánh nhân đã bộc bạch với con cái ngài trong lá thư gởi cộng đoàn Cô-rin-tô. Cố gắng đặt cuộc đời nhỏ bé mình trong bàn tay lớn lao của Thiên Chúa, ắt sẽ thấy muôn điều kỳ diệu trong cuộc đời: “Anh em thân mến, chúng ta hằng bạo dạn, vì biết rằng bao lâu sống trong thân xác này, là chúng ta lưu lạc xa Chúa, vì chưng nhờ đức tin, chứ không phải vì đã thấy, mà chúng ta tiến bước. Chúng ta cũng bạo dạn và ao ước thà lìa xa thân xác để ở cùng Chúa. Và vì thế, dù ở trong xác hay ra khỏi xác, chúng ta hãy cố gắng sống đẹp lòng Chúa”. Thành công hay thất bại, niềm vui hay nỗi buồn, tất cả đến trong cuộc đời đều có ý nghĩa nếu đặt trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa. Ngay cả lúc còn sống hay có chết đi, Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương và bảo bọc con người, sự thật đó có được chấp nhận hay không là do niềm tin và lòng cậy trông.
 
Những câu chuyện Chúa Giêsu kể, những dụ ngôn Ngài dùng trong các bài giảng, tất cả đều hướng người nghe tới chỗ chấp nhận sự hiện diện của mình trong thế giới không do ngẫu nhiên, nhưng do tình yêu đến từ Thiên Chúa: “Người dùng nhiều dụ ngôn như thế mà rao giảng lời Chúa cho họ, tuỳ sức họ có thể hiểu được, và Người chỉ nói với họ bằng dụ ngôn, nhưng khi ở riêng với các môn đệ, Người giải thích tất cả cho các ông”. Hai dụ ngôn trong bài Tin mừng tuần lễ thứ 11 này, như là khởi đầu của một thái độ đức tin rất năng động. Một nguyên nhân ban đầu nhỏ bé như một hạt cải, chẳng có gì phải quan tâm, vậy mà sau đó nó cho một cây lớn mạnh, đem lại nhiều niềm vui cho cuộc đời. Một hạt giống gieo vào trong đám ruộng, mọc lên trong đêm tối hay ban ngày là chuyện của hạt giống, không liên quan đến chủ ruộng và người gieo, để rồi một cây mới xuất hiện, đem lại lợi ích và niềm vui cho bao người và cho cuộc sống. Kế hoạch của Thiên Chúa khác xa những sắp xếp của con người, Ngài chuẩn bị tương lai cho thế giới, cho nhân loại và cho mỗi người từ đời đời rồi, và hiện tại, từng biến cố, từng câu chuyện xảy ra, bởi thế, đón nhận nó ngay hiện tại không phải là một điều giản đơn, nhưng cần có một niềm tin khởi đi từ mầu nhiệm thập giá của Đức Giêsu, con người sẽ thấy bóng dáng tình yêu Thiên Chúa đẹp biết bao.
 
Sự lớn mạnh của giáo hội hoàn vũ hôm nay cũng không thiếu những giọt nước mắt của hôm qua. Sự tồn tại của mỗi giáo hội địa phương là sự cộng góp của bao người, có thể là thành viên cộng đoàn, nhưng cũng có thể từ những người xa lạ, vì chiến tranh, vì loạn lạc, gặp nhau trong sự đùm bọc, chia sẻ và cưu mang, để rồi sau đó, các cộng đoàn dân Chúa được lớn lên trong màu xanh hy vọng và niềm tin mỗi người được củng cố. Lịch sử Giáo hội đầy những đau thương, trên thân mình còn bao vết thương chằng chịt, trong những nỗi đau đó, bao anh chị em đã nằm xuống vì bạo quyền, vì tham lam, vì sự điên cuồng của con người, nhưng lời của Giáo phụ Ter-tu-li-a-nô đã nói: “máu của các thánh tử đạo là hạt giống làm nảy sinh các Kitô hữu”, nhờ đó, hôm nay có tôi, có bạn, có anh, có chị đó đây trong cộng đoàn, trong thế giới đại đồng này. Trong cuộc đời mỗi người cũng thế, có những biến cố trở thành ký ức cuộc đời với những thất bại ê chề, với những tang thương vì mất mát, nhưng đến hôm nay, niềm vui vỡ ào và hạnh phúc tình người lại thăng hoa và đơm bông kết trái. Tất cả không đến từ ngẫu nhiên của vũ trụ nhưng đến từ chương trình của đôi tay kỳ diệu đang điều khiển vũ trụ.
 
Đức Giêsu gieo vào trong thế giới những hạt giống tình yêu với mầu nhiệm nhập thể. Thưở ban đầu đó, thất bại và chống đối, loại trừ và khinh miệt luôn đe dọa tất cả, thế nhưng, trong bàn tay của Thiên Chúa, tất cả âm thầm mọc lên, tất cả âm thầm đâm rễ sâu vào lòng đất, vào lòng người, để rồi hôm nay, Giáo hội của Chúa ngày nào đó tưởng sẽ bị mai một, nay lớn mạnh và trở thành một gia đình huynh đệ, sống hiệp nhất và luôn biết sẻ chia cả về sự sống thể lý lẫn sự sống thiêng liêng. Để có thể đọc được những dấu chỉ đó, cần có những phút giây tách rời khỏi cuộc sống ồn ào và đầy biến động, con người mới có thể chấp nhận sức mạnh thiêng liêng của niềm tin và của tình yêu. Nếu không có những giọt nước mắt chia ly, cảnh tủi nhục cảnh gia đình ly tán, làm sao các Giáo hội trên thế giới có được những niềm vui sống đạo ấm áp tình người và muôn sắc màu văn hóa Âu – Á được thăng hoa, nếu không có những ngày nắng mưa vất vả của ngày gieo giống, làm sao có được niềm vui của ngày thu hoạch mùa màng. Ông chủ quảng đại đã gieo rất nhiều hạt giống trong thế giới, và từng ngày nó đã và đang mọc lên, bên cạnh đó để có những mùa bội thu, cần có sự chung tay góp sức của con người chăm sóc và vun xới. Thiên Chúa vẫn luôn làm việc và Ngài luôn mong con người cùng cộng tác với Ngài để làm việc, hãy gọt dũa những góc cạnh xù xì trong cuộc đời mình, để làm việc cho Thiên Chúa cách hiệu quả hơn cho tha nhân và có ý nghĩa cho bản thân.
 
Lạy Chúa Giêsu, với những dụ ngôn qua các bài giáo lý, Chúa dạy chúng con hãy sống niềm tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa tình yêu, xin cho chúng con luôn xác tín rằng, Thiên Chúa luôn yêu thương và mong muốn mọi người được sống trong gia đình Chúa và được tham dự sự sống thánh thiêng của Ngài. Chúa đã bước vào vinh quang của mầu nhiệm phục sinh khởi từ những đau khổ của thập giá, xin giúp chúng con khi chọn con đường mang tên Giêsu, biết chấp nhận cả những niềm vui, những thành công bên cạnh những đau khổ, những thất bại trong hành trình đức tin và trong cuộc sống hàng ngày. Amen.

Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây