TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật -Lễ Thánh Gia Thất -Năm C

Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan (Lc 2, 41-52).
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật XIII Thường Niên -Năm B

24/06/2024 07:18:49 |   790

Chúa Nhật XIII Thường Niên -Năm B

cn 13 TNb

Mc 5,21-43


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XIII Thường Niên -Năm B

Dẫn vào thánh lễ

Anh chị em thân mến! Ngay từ khởi thủy Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài, Thiên Chúa không tạo dựng sự chết, nhưng vì ác quỉ ghen tương nên sự chết đã vào thế gian. Sau này Đức Giêsu Kitô, con Thiên Chúa, tuy giầu sang, Người đã mang thân phận nghèo khó, đến ở với loài người để cứu con người khỏi tội lỗi, và nhất là hòa nhập với con người đau khổ để cảm thông. Vì thế, bài Tin Mừng của Chúa Nhật hôm nay cho chúng ta thấy, Chúa Giêsu đi khắp nơi để loan báo Tin Mừng, để chữa lành bệnh tật, cứu con người khỏi xiềng xích của Satan trói buộc, điển hình là người đàn bà băng huyết hôm nay suốt mười hai năm trời, sống trong khổ sở về thân xác và tinh thần, cũng như con gái ông Giairô. Để cảm tạ tình yêu vô biên của Thiên Chúa, chúng ta sốt sáng tham dự Thánh Lễ trong tâm tình thống hối ăn năn.

Ca nhập lễ

Hết thảy chư dân, hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa với tiếng reo vui.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã dủ lòng thương nhận chúng con làm nghĩa tử để chúng con trở thành con cái ánh sáng; xin đừng để chúng con sa vào cảnh tối tăm lầm lạc nhưng gìn giữ chúng con luôn rạng ngời ánh sáng chân lý Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: G Kn 1, 13-15; 2, 23-25

“Bởi ác quỷ ghen tương, nên tử thần đột nhập vào thế gian”.

Trích sách Khôn Ngoan.

Thiên Chúa không tạo dựng sự chết, chẳng vui mừng khi người sống phải chết. Người tác thành mọi sự cho có. Người tạo dựng mọi sự trên mặt đất đều lành mạnh, chúng không có nọc độc sự chết, và không có địa ngục ở trần gian.

Vì chưng, công chính thì vĩnh cửu và bất tử. Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, để sống vĩnh viễn. Nhưng bởi ác quỷ ghen tương, nên tử thần đột nhập vào thế gian: kẻ nào thuộc về nó thì bắt chước nó.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 29, 2 và 4. 5-6. 11-12a và 13b

Ðáp: Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con (c. 2a).

Xướng: Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con, và không để quân thù hoan hỉ về con. Lạy Chúa, Chúa đã đưa linh hồn con thoát xa âm phủ; Ngài đã cứu con khỏi số người đang bước xuống mồ. 

Xướng: Các tín đồ của Chúa, hãy đàn ca mừng Ngài, và hãy cảm tạ thánh danh Ngài. Vì cơn giận của Ngài chỉ lâu trong giây phút, nhưng lòng nhân hậu của Ngài vẫn có suốt đời. 

Xướng: Lạy Chúa, xin nhậm lời và xót thương con. Lạy Chúa, xin Ngài gia ân cứu giúp con. Chúa đã biến đổi lời than khóc thành khúc nhạc cho con; Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con sẽ tán tụng Chúa tới muôn đời.

Bài Ðọc II: 2 Cr 8, 7. 9. 13-15

“Sự dư thừa của anh em bù đắp lại sự thiếu thốn của những anh em nghèo khó”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, cũng như anh em vượt trổi về mọi mặt: về lòng tin, về hùng biện, về sự hiểu biết, về mọi hình thức nhiệt thành, cũng như về lòng bác ái của anh em, thì anh em cũng phải vượt trổi trong việc phúc đức này.

Vì anh em biết lòng quảng đại của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta: mặc dù giàu sang, Người đã nên thân phận nghèo khó, để nhờ việc nghèo khó của Người, anh em nên giàu có. Nhưng không lẽ để cho kẻ khác được thư thái, mà anh em phải túng thiếu, nhưng phải làm sao cho đồng đều. Trong hoàn cảnh hiện tại, sự dư giả của anh em bù đắp lại chỗ thiếu thốn của họ, để sự dư giả của họ bù đắp lại sự thiếu thốn của anh em, hầu có sự đồng đều như lời đã chép rằng: “Kẻ được nhiều, thì cũng không dư; mà kẻ có ít, cũng không thiếu”.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 6, 64b và 69b

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 5, 21-43

“Hỡi em bé, Ta bảo em hãy chỗi dậy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu đã xuống thuyền trở về bờ bên kia, có đám đông dân chúng tụ họp quanh Người, và lúc đó Người đang ở bờ biển. Bỗng có một ông trưởng hội đường tên là Giairô đến. Trông thấy Người, ông sụp lạy và van xin rằng: “Con gái tôi đang hấp hối, xin Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được sống”. Chúa Giêsu ra đi với ông ấy, và đám đông dân chúng cũng đi theo chen lấn Người tứ phía.

{Vậy có một người đàn bà bị bệnh xuất huyết đã mười hai năm. Bà đã chịu cực khổ, tìm thầy chạy thuốc, tiêu hết tiền của mà không thuyên giảm, trái lại bệnh càng tệ hơn. Khi bà nghe nói về Chúa Giêsu, bà đi lẫn trong đám đông đến phía sau Người, chạm đến áo Người, vì bà tự nhủ: “Miễn sao tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ được lành”. Lập tức, huyết cầm lại và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. Ngay lúc ấy, Chúa Giêsu nhận biết có sức mạnh đã xuất phát tự mình, Người liền quay lại đám đông mà hỏi: “Ai đã chạm đến áo Ta?” Các môn đệ thưa Người rằng: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy tứ phía, vậy mà Thầy còn hỏi ‘Ai chạm đến Ta?’!” Nhưng Người cứ nhìn quanh để tìm xem kẻ đã làm điều đó. Bấy giờ người đàn bà run sợ, vì biết rõ sự thể đã xảy ra nơi mình, liền đến sụp lạy Người và thú nhận với Người tất cả sự thật. Người bảo bà: “Hỡi con, đức tin của con đã chữa con, hãy về bình an và được khỏi bệnh”.}

Người còn đang nói, thì người nhà đến nói với ông trưởng hội đường rằng: “Con gái ông chết rồi, còn phiền Thầy làm chi nữa?” Nhưng Chúa Giêsu đã thoáng nghe lời họ vừa nói, nên Người bảo ông trưởng hội đường rằng: “Ông đừng sợ, hãy cứ tin”. Và Người không cho ai đi theo, trừ Phêrô, Giacôbê và Gioan, em Giacôbê. Các Ngài đến nhà ông trưởng hội đường và Chúa Giêsu thấy người ta khóc lóc kêu la ồn ào, Người bước vào và bảo họ: “Sao ồn ào và khóc lóc thế? Con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó”. Họ liền chế diễu Người. Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, chỉ đem theo cha mẹ đứa bé và những môn đệ đã theo Người vào chỗ đứa bé nằm. Và Người cầm tay đứa nhỏ nói rằng: “Talitha, Koumi”, nghĩa là: “Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy!” Tức thì em bé đứng dậy và đi được ngay, vì em đã được mười hai tuổi. Họ sửng sốt kinh ngạc. Nhưng Người cấm ngặt họ đừng cho ai biết việc ấy và bảo họ cho em bé ăn.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Để xứng đáng là những người được Chúa cứu chuộc và được tham dự vào hạnh phúc vĩnh cửu với Con Chúa, chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện, xin Chúa gìn giữ chúng ta luôn sống trong tình trạng ân sủng:

1. “Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa” – Xin cho các vị Mục tử theo gương Chúa Kitô nhân từ, mà ân cần đón tiếp và giúp đỡ tất cả những ai, cần được trợ giúp về phương diện tinh thần cũng như vật chất.

2. “Sự dư thừa của anh em bù đắp lại sự thiếu thốn của những anh em nghèo khổ” – Xin cho các tín hữu, nhất là những thành phần giầu có, biết quảng đại góp công của vào những công cuộc từ thiện, truyền giáo của Hội Thánh, cũng như trợ giúp những người nghèo.

3. “Con gái tôi đang hấp hối, xin Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được sống” – Xin cho các bậc cha mẹ đặt hết lòng tin tuyệt đối vào Đức Kitô như ông Giairô xưa, mà kiên trì xin ơn phục sinh phần hồn cho những đứa con sa ngã lạc đường.

4. “Bà đã chịu cực khổ, tìm thầy chạy thuốc” – Xin cho những người yếu đau bệnh tật trong giáo xứ, biết tin tưởng vào Chúa, Đấng yêu thương sẵn sàng giúp họ can đảm chấp nhận khổ đau như hiến vật dâng Chúa.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin cho chúng con đức tin vững vàng và tâm hồn đơn sơ, khiêm tốn của người phụ nữ, của ông Giairô, để mạnh dạn tìm đến với Chúa để được cứu giúp kịp thời, Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, Chúa dùng các bí tích để ban phát ơn cứu độ; xin cho cộng đoàn chúng con biết cử hành lễ tế thờ phượng này với tinh thần phục vụ của Ðức Kitô. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Ca hiệp lễ

Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể con người tôi hãy chúc tụng thánh danh Người.

Hoặc đọc:

Chúa nguyện rằng: Lạy Cha, Con cầu xin cho chúng, để chúng nên một như Ta, hầu thế gian tin rằng Cha đã sai Con.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chúng con vừa dâng lễ tạ ơn và đã được rước Mình và Máu Con Chúa là nguồn mạch sức sống dồi dào; xin cho chúng con hằng gắn bó cùng Chúa để sinh hoa quả tồn tại đến muôn đời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm
 

đừng sợ, chỉ cần tin thôi
Chúa Giê-su nói với bà ta: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con, con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.” (Mc 5,21-43)


Suy niệm: Trong Tin Mừng, Chúa Giê-su đã nhiều lần nói đến sức mạnh của lòng tin. Với đức tin, ta có thể thực hiện nhiều việc tưởng chừng nhưng “bất khả thi” đối với khả năng tự nhiên của con người. Chúa Giê-su đã chẳng khẳng định rằng với đức tin bằng hạt cải chúng ta có thể chuyển cả núi dời cả non đấy sao? Với lối kể chuyện ngắn gọn và chính xác, Tin Mừng Mác-cô hôm nay thuật lại cho chúng ta về những mẫu gương của lòng tin: ông trưởng hội đường nhờ lòng tin vào Chúa mà con ông được hồi sinh; người phụ nữ bệnh băng huyết đã 12 năm, không cần lý luận nhiều lời, bà chỉ sờ vào áo của Ngài với  tấm lòng tin tưởng, và chính nhờ lòng tin đó bà đã được cứu chữa.

Mời Bạn: Phải chăng ngày hôm nay, cậy vào những phương tiện kỹ thuật hiện đại, trình độ trí thức cao rộng cộng với tài lý luận sâu sắc, đức tin của con người hôm nay đã phai nhạt hay đã bị đánh mất? Chúa Giê-su Ki-tô mời gọi chúng ta tin vào Thiên Chúa và tin vào Ngài là Đấng Chúa Cha sai đến không phải để phế bỏ những phương tiện và khả năng Chúa ban mà là để chúng ta nhìn thấy sự hiện diện thiêng liêng và bàn tay uy quyền của Ngài ở với chúng ta giúp chúng ta vượt qua mọi thách đố của cuộc sống và xây dựng thế giới này tốt đẹp như thánh ý Chúa mong muốn.

Bạn chia sẻ một kinh nghiệm của bạn về một lần được cứu thoát, được chữa lành, hoặc tìm lại được đức tin đã mất.

Sống Lời Chúa: Trước khi làm việc, bạn dừng lại giây lát hướng lòng về Chúa với một cử chỉ diễn tả lòng tin.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con tin, nhưng xin ban thêm đức tin cho chúng con.

Ngày 30: Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu! Hội Thánh muốn chúng con sùng kính Mẹ Đồng Thụ Nạn với Chúa, để chúng con noi gương Mẹ, mà kết hợp cuộc đời đau khổ của chúng con với Cuộc Tử Nạn của Chúa, ngõ hầu mai sau, chúng con cùng được hưởng phúc trường sinh vinh hiển với Chúa như Mẹ. Xin cho chúng con luôn nhớ rằng: Khi ngắm nhìn sự đau thương của Chúa và của Mẹ, chúng con không được đồng hoá sự vâng phục của Chúa và Mẹ với tính thụ động, hay thuyết định mệnh, nhưng trái lại, xin cho chúng con luôn biết bắt chước Mẹ: vững tiến trong cuộc lữ hành đức tin, và trung thành hợp nhất với Chúa, cho tới khi đứng dưới chân thập giá, theo đúng chương trình cứu độ của Chúa Cha. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

 

ĐẤNG CHỮA LÀNH

CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN – NĂM B
+TGM Vũ Văn Thiên

Thế giới của chúng ta đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19. Đã gần 2 năm, đại dịch gây biết bao hậu quả nghiêm trọng trong mọi lãnh vực. Một con virus mắt thường không thấy mà có sức phá huỷ ghê gớm. Số người chết vì Covid-19 tính đến giữa tháng 6-2021 đã lên tới gần 4 triệu người. Một số người đã nhận định đại dịch là hình phạt của Thiên Chúa. Lời Chúa hôm nay khẳng định với chúng ta: không phải vậy. Thiên Chúa không bao giờ là tác giả của sự dữ. Không những thế, Ngài còn là Đấng chữa lành những thương tổn về tinh thần và thể xác của con người.

Thiên Chúa không tạo nên sự ác. Ngài cũng không muốn cho con người phải chết. Tác giả sách Khôn ngoan nói với chúng ta như vậy. Tình yêu thương của Thiên Chúa thể hiện qua việc Ngài tạo dựng vũ trụ trời đất và con người. Một tác giả đã viết: yêu thương tức là muốn cho người khác hiệu hữu (Aimer, c’est vouloir que l’autre soit). Chúng ta được hiện hữu trên đời là do kết quả tình yêu thương của Thiên Chúa. Một câu hỏi được đặt ra: nếu Thiên Chúa không tạo dựng sự chết, vậy sao con người vẫn phải chết? Vì quỷ dữ ghen tỵ nên cái chết đã xuất hiện trên thế gian. Vậy, tại sao sự dữ vẫn hiện hữu: thưa, do con người gây nên. Con người không tuân thủ trật tự Chúa đã xếp đặt, đi ngược lại ý muốn của Đấng Tạo Hoá, phá huỷ công trình sáng tạo của Ngài, nên sự dữ vẫn tồn tại trên thế gian.

Chúa Giêsu là Đấng Thiên sai. Chúa Cha đã sai Con của Ngài đến thế gian để tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất (x. Lc 19,10). Trong trình thuật của thánh Máccô hôm nay, chúng ta sẽ thấy có 4 nhân vật chính: Chúa Giêsu, người cha đang đau khổ, bé gái 12 tuổi đã chết và người phụ nữ mắc bệnh đã 12 năm.

Hai nhân vật, ông trưởng Hội đường và người phụ nữ, đều có điểm giống nhau là đức tin, tuy mỗi người thể hiện một cách khác nhau. Ông trưởng Hội đường thì trực tiếp đến gặp Chúa và xin Người chữa lành con gái ông đang đau nặng gần chết. Người đàn bà thì kín đáo tế nhị hơn, vì bệnh của bà không tiện nói ra, nhưng ý chính là bà tin vào quyền năng xuất phát từ Chúa Giêsu. Người phụ nữ chỉ mong sao chạm được vào áo Chúa; viên cai quản Hội đường lại sấp mình nài nỉ van xin. Cả hai hình thức đức tin đều xuất phát từ lòng xác tín và cậy trông. Hai người đều tin chắc chắn rằng Đức Giêsu có thể làm được điều họ đang kêu xin. Tuy vậy, xem ra sự xác tín của người phụ nữ có vẻ mạnh mẽ hơn. Bà không dám được Chúa biết đến hay can thiệp. Bà chỉ cần chạm vào áo Người. Trong khi đó, viên cai quản Hội đường, khi thấy con mình đã chết, đã bị dao động băn khoăn. Trong cả hai trường hợp, Đức Giêsu đều nhắc đến “đức tin”. Nếu Người ngỏ lời với người phụ nữ để khen đức tin của bà, thì với viên cai quản Hội đường, Người lại mời gọi ông hãy vững tin. Người hiểu tâm trạng của ông khi nghe tin con mình đã chết. Người cũng hiểu nỗi khổ đau của người phụ nữ mang bệnh lâu năm cần được chữa lành.

Trước nhu cầu của hai nhân vật này, Chúa Giêsu như một lang y vừa quyền thế vừa luôn sẵn sàng phục vụ. Xin lưu ý: chủ đề chính của Tin Mừng thánh Máccô là trình bày Chúa Giêsu như một người phục vụ. Hai phép lạ được trình bày đan xen, vừa gây sự hấp dẫn vừa diễn tả nhu cầu cấp thiết của các bệnh nhân: bé gái và người đàn bà.

Vì con người được tạo dựng “theo hình ảnh của Thiên Chúa” (x St 1,27), mỗi tín hữu có sứ mạng làm cho sự tốt lành của Chúa lan tỏa nơi lòng cuộc đời. Nếu hôm nay, Đức Giêsu không hiện diện hữu hình bằng xương bằng thịt để chữa lành những bệnh nhân, thì Người lại đang mượn cánh tay và tấm lòng của chúng ta để đem tình thương đến cho người bất hạnh, đem niềm vui cho người sầu khổ và đem tự do cho người bị giam cầm. Thánh Phaolô đã khuyên các tín hữu thành Côrinhtô hãy quảng đại trong cuộc lạc quyên giúp người nghèo. Theo vị Tông đồ dân ngoại, Đức Giêsu là gương mẫu cho chúng ta về lòng quảng đại, vì Người là Đấng “vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em được giàu có” (Bài đọc II). Mọi sự chúng ta có đều do Chúa ban. Hơn nữa, chúng ta giàu có là do Chúa đã trở nên nghèo vì chúng ta. Chính vì thế, san sẻ cho tha nhân là chúng ta làm cho hình ảnh Chúa trở nên rạng ngời nơi cuộc đời này. Sự sẻ chia không làm cho chúng ta nghèo đi, nhưng trái lại, giúp cho chúng ta trở nên phú quý hơn trong cuộc sống.

Người đàn bà bị bệnh đã mười hai năm được Chúa chữa lành. Bé gái con ông trưởng hội đường đã chết được Chúa cho sống lại…Biết bao điều kỳ diệu hôm nay Chúa vẫn đang thực hiện nơi lòng cuộc đời, nếu chúng ta có đức tin vững vàng và lòng cậy trông sâu xa. Ông Chesterton, văn sĩ, thần học gia và triết gia người Anh (1874-1936) đã viết: “Hãy cầu nguyện như thể mọi sự đều tùy thuộc vào Thiên Chúa. Hãy hành động như thể mọi sự đều tùy thuộc vào chúng ta”. Quả vậy, khi quyền năng của Thiên Chúa và thiện chí của con người gặp gỡ nhau, thì những điều kỳ diệu sẽ xảy đến trong cuộc đời.

CON CÁI ÁNH SÁNG
(CHÚA NHẬT TUẦN 13 TN NĂM B)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật 13 Thường Niên, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã rủ lòng thương nhận chúng ta làm nghĩa tử để chúng ta trở thành con cái ánh sáng, xin Chúa đừng để chúng ta sa vào cảnh tối tăm lầm lạc, nhưng gìn giữ chúng ta luôn rạng ngời ánh sáng chân lý Chúa.

Con cái ánh sáng, thì phải luôn rạng ngời ánh sáng chân lý Chúa, không được thất trung cùng Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Samuen quyển I cho thấy: Vốn là một tín hữu trung thành của Chúa, Saun đã dùng quyền lực của một quân vương để phục vụ các xác tín của mình, nhưng, trong một tình trạng nguy kịch, ông sinh hốt hoảng và làm chuyện mê tín xưa ông đã tìm cách diệt trừ, là đi coi đồng bóng. Vua Saun chết vì đã thất trung với Đức Chúa, chẳng tuân giữ lời Đức Chúa truyền. Đức Chúa đã chuyển trao vương quyền cho ông Đavít. Vì ông Saun lại còn kiếm một mụ đồng bóng mà thỉnh vấn nữa.

Con cái ánh sáng, thì phải luôn rạng ngời ánh sáng chân lý Chúa, phải khao khát làm cho mọi người được đến gần ánh sáng,  như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI nói: Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng, vì tôi đã được chính Đức Kitô sai đi. Tôi là tông đồ và tôi cũng là chứng nhân. Mục đích càng xa, sứ mạng càng khó, thì tình yêu Đức Kitô lại càng thôi thúc tôi mạnh mẽ hơn. Đấng cứu độ chúng ta là Đức Kitô Giêsu đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử. Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác. Tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng, nhờ Người và cho Người. Người có trước muôn loài muôn vật, và tất cả đều tồn tại trong Người.

Con cái ánh sáng, thì phải luôn rạng ngời ánh sáng chân lý Chúa, nếu không, sẽ rơi vào cạm bẫy của Satan và sẽ phải chết, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Khôn Ngoan đã cho thấy: Chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian. Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết. Con cái ánh sáng, thì phải luôn rạng ngời ánh sáng chân lý Chúa, hãy vững tin vào Chúa, vì Chúa sẽ thương giải cứu, như trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 29, vịnh gia đã cho thấy: Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài, vì đã thương cứu vớt, không để quân thù đắc chí nhạo cười con. Lạy Chúa, từ âm phủ Ngài đã kéo con lên, tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống. Con cái ánh sáng, thì phải luôn rạng ngời ánh sáng chân lý Chúa, bằng cách sống quảng đại và giàu lòng bác ái, như trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Đấng Cứu Độ chúng ta là Đức Giêsu Kitô đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh. Trong bài Tin Mừng, thánh Máccô tường thuật lại việc Đức Giêsu cứu sống con gái ông trưởng hội đường. Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Chính Người đã tỏ cho chúng ta thấy Thiên Chúa vô hình, chính Người là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo, và chính trong Người, mà tất cả tồn tại. Người là Thầy và là Đấng cứu chuộc nhân loại. Người là khởi nguyên và cùng tận, là Anpha và Ômêga, là nguyên lý nhiệm mầu và tối hậu giải thích lịch sử nhân loại và vận mệnh chúng ta. Chính Người là Đấng trung gian nối liền đất với trời. Vì chúng ta, Người đã sinh ra, đã chết và đã sống lại. Chính nhờ Người, mà chúng ta được nhận làm nghĩa tử và trở thành con cái ánh sáng. Ước gì đời sống của chúng ta luôn rạng ngời ánh sáng chân lý Chúa. Ước gì được như thế!

 

Tin Mừng Chúa Nhật XIII Thường Niên -Năm B

CN13TNb 2

Mc 5, 21-43
“Hỡi em bé, Ta bảo em hãy chỗi dậy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu đã xuống thuyền trở về bờ bên kia, có đám đông dân chúng tụ họp quanh Người, và lúc đó Người đang ở bờ biển. Bỗng có một ông trưởng hội đường tên là Giairô đến. Trông thấy Người, ông sụp lạy và van xin rằng: “Con gái tôi đang hấp hối, xin Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được sống”. Chúa Giêsu ra đi với ông ấy, và đám đông dân chúng cũng đi theo chen lấn Người tứ phía.

{Vậy có một người đàn bà bị bệnh xuất huyết đã mười hai năm. Bà đã chịu cực khổ, tìm thầy chạy thuốc, tiêu hết tiền của mà không thuyên giảm, trái lại bệnh càng tệ hơn. Khi bà nghe nói về Chúa Giêsu, bà đi lẫn trong đám đông đến phía sau Người, chạm đến áo Người, vì bà tự nhủ: “Miễn sao tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ được lành”. Lập tức, huyết cầm lại và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. Ngay lúc ấy, Chúa Giêsu nhận biết có sức mạnh đã xuất phát tự mình, Người liền quay lại đám đông mà hỏi: “Ai đã chạm đến áo Ta?” Các môn đệ thưa Người rằng: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy tứ phía, vậy mà Thầy còn hỏi ‘Ai chạm đến Ta?’!” Nhưng Người cứ nhìn quanh để tìm xem kẻ đã làm điều đó. Bấy giờ người đàn bà run sợ, vì biết rõ sự thể đã xảy ra nơi mình, liền đến sụp lạy Người và thú nhận với Người tất cả sự thật. Người bảo bà: “Hỡi con, đức tin của con đã chữa con, hãy về bình an và được khỏi bệnh”.}
          
Người còn đang nói, thì người nhà đến nói với ông trưởng hội đường rằng: “Con gái ông chết rồi, còn phiền Thầy làm chi nữa?” Nhưng Chúa Giêsu đã thoáng nghe lời họ vừa nói, nên Người bảo ông trưởng hội đường rằng: “Ông đừng sợ, hãy cứ tin”. Và Người không cho ai đi theo, trừ Phêrô, Giacôbê và Gioan, em Giacôbê. Các Ngài đến nhà ông trưởng hội đường và Chúa Giêsu thấy người ta khóc lóc kêu la ồn ào, Người bước vào và bảo họ: “Sao ồn ào và khóc lóc thế? Con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó”. Họ liền chế diễu Người. Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, chỉ đem theo cha mẹ đứa bé và những môn đệ đã theo Người vào chỗ đứa bé nằm. Và Người cầm tay đứa nhỏ nói rằng: “Talitha, Koumi”, nghĩa là: “Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy!” Tức thì em bé đứng dậy và đi được ngay, vì em đã được mười hai tuổi. Họ sửng sốt kinh ngạc. Nhưng Người cấm ngặt họ đừng cho ai biết việc ấy và bảo họ cho em bé ăn.
          
Ðó là lời Chúa.

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XIII Thường Niên -Năm B
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Giọng đọc: Thanh Tâm


 

GẶP GỠ
(CN XIII TN B) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Nếu tôi chạm vào gấu áo của Người thì tôi sẽ được khỏi bệnh(Mc 5, 28). Sự đụng chạm này đã linh nghiệm. Người phụ nữ được chữa lành khỏi bệnh băng huyết. Sức khoẻ của bà được phục hồi. “Người cầm lấy tay em bé và nói: Talithakum… lập tức em bé đứng dậy và đi lại được” (Mc 5,41-42). Cái cầm tay này đã linh nghiệm. Em bé đã được hồi sinh. Ôi, có những cái đụng chạm tuyệt vời, những cái đụng chạm làm phát sinh điều tốt đẹp. “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: Ai đã chạm đến Ta?” (c. 31).
          
Quả thật, trong một ngày, một tuần… không biết bao lần ta đụng chạm, tiếp xúc với tha nhân cách này hay cách khác. Có nhiều cái đụng chạm, tiếp xúc hóa thành sự gặp gỡ và phát sinh hiệu quả tốt đẹp nhưng cũng có nhiều cái đụng chạm, tiếp xúc trở nên sự đụng độ và gây ra hậu quả chẳng hay. Khi sinh thời, rất nhiều người đã tiếp xúc với Chúa Giêsu và họ đã hưởng nhận biết bao ơn lành. Tuy nhiên cũng không ít người tiếp xúc với Chúa mà kết quả xem ra xấu xa và tồi tệ hơn chẳng hạn như một số luật sĩ, biệt phái, Thượng Tế… Có thể khẳng định cái yếu tố khiến cho những sự tiếp xúc phát sinh những kết quả trái ngược như thế, đó là ý hướng, thái độ của người tiếp xúc: tin tưởng hay hoài nghi vì đố kỵ, ganh tương.
          
Này bà, lòng tin bà đã cứu chữa bà. Bà hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh”. “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi” (Mc 5,34.36). Những lời của Chúa Giêsu nói với người phụ nữ bị băng huyết và với ông trưởng hội đường khiến ta liên tưởng đến lòng tin. Thật vậy, đọc Tin Mừng ta phải chân nhận rằng chính do bởi lòng tin của người ta mà Chúa Giêsu đã làm phép lạ để chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ hay phục sinh kẻ chết... Hình như chỉ mỗi một lần Chúa biểu dương uy quyền để củng cố đức tin người ta như phép lạ hóa nước thành rượu tại Cana. Tuy nhiên xét cho cùng, phép lạ ấy cũng được xuất phát từ lòng tin của Mẹ Maria. Mẹ đã vững tin nên dù nghe câu trả lời như từ chối của Chúa Giêsu thì Mẹ vẫn biểu gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5). Niềm tin làm phát sinh nhiều hiệu quả tốt đẹp lạ thường. Niềm tin giúp ta vượt qua nhiều trở ngại, khó khăn. Niềm tin có sức chữa lành tật bệnh và khiến ta vui sống. Quả thật nếu không có lòng tin vào người thân cận và vào tha nhân thì ta thật khó mà tồn tại và phát triển. Chúa Giêsu đã từng nói với các môn đồ: Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải thì các con có thể lấp biển, dời non. Điều kiện có vẻ như tiên quyết mà Chúa Giêsu đòi hỏi ở những ai muốn Người thi ân giáng phúc đó là tin vào Người.
          
Tin Mừng còn cho ta hay rằng có không ít Thượng tế, luật sĩ và biệt phái không tin vào Chúa Giêsu. Một trong những nguyên cớ khiến họ không tin vào Chúa Giêsu đó là lòng ganh tương đố kỵ. Bài đọc thứ nhất, sách Khôn ngoan nói rõ: “Chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian. Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết” (Kn 2,24). Vì lòng ganh tương đố kỵ mà nhiều người đang lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ dù có tiếp xúc với Chúa thì cả “những cái họ đang có cũng sẽ bị lấy mất”.
          
Ganh đua và ganh tị xem ra gần giống nhau ở đích nhắm. Cả hai đều không muốn kẻ khác hơn mình. Trong khi người ganh đua thì tìm cách học hỏi, nỗ lực rèn luyện… để vươn lên cho hơn người thì kẻ ganh tị chỉ loay hoay tìm cách hạn chế, hạ bệ kẻ khác để họ phải thua mình. Dĩ nhiên, kẻ ganh tị sẽ không trừ một thủ đoạn nào. Đặc biệt khi kẻ ganh tị lại lợi thế hơn nhờ chức quyền, địa vị thì thủ đoạn sẽ tinh vi và nhiều khi đi đến chỗ bất nhân cách trắng trợn nếu không muốn gọi là vô liêm sỉ. Như lời tác giả sách Khôn ngoan thì đằng sau kẻ ganh tị luôn có bóng dáng của Thần Dữ và hậu quả là “sự chết” cho cả người bị ganh tị lẫn kẻ ganh tương đố kỵ.
          
Mẹ Hội Thánh, đặc biệt từ sau Công Đồng Vaticanô II luôn cổ võ con cái mình tích cực gặp gỡ, đối thoại với thế giới, với anh em khác đạo và với cả anh em vô thần. (x.MV 92; TG 12). Ai cũng mong cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa ta và tha nhân mang lại kết quả. Thánh Công Đồng dạy ta cần phải khiêm tốn lắng nghe trong chân thành và sẵn sàng đón nhận những khác biệt chính đáng của tha nhân. Để có được thái độ này tiên vàn ta phải có lòng tin vào tha nhân. Tin vào thiện ý và thiện chí của nhau là tiền đề của mọi cuộc tiếp xúc hay đối thoại.
          
Chúa Giêsu đã làm guơng cho ta về thái độ này. Ngoại trừ một số người mà Chúa Giêsu đã biết rõ lòng dạ chai đá của họ, thì để khơi gợi lòng tin nơi những người mà Người gặp gỡ, Người thường đi bước trước bằng cách tin vào họ. Chính nhờ tin vào một chút thiện hảo nơi tấm lòng thiếu phụ Samaria bên bờ giếng Giacop, Chúa Giêsu đã đốt lên niềm tin của chị. Tin Mừng thứ tư đặc biệt nhấn mạnh đến chủ đề lòng tin. Những bài tường thuật về công việc của Chúa Giêsu cũng như những bài diễn từ khá dài của Người thường xoay quanh chủ đề lòng tin. Mặc dù thấy rõ sự cứng lòng tin của nhiều người Do Thái thế mà Chúa Giêsu vẫn không ngừng rao giảng và dùng việc làm để minh chứng cũng đủ cho ta thấy Chúa luôn hy vọng, tin tưởng. Chúa ban ơn tha thứ vì Người tin ở ta. Chúa không ngần ngại sửa dạy cả những người có chức có quyền thời bấy giờ vì Người tin tưởng sẽ có ngày họ đổi thay.
          
Giữa Hội Thánh và Chính Quyền các cấp, giữa ta và anh chị em lương dân hay khác đạo, giữa ta với ta, bậc bề trên và người bề dưới trong đạo, điều lý tưởng là có sự tiếp xúc chứ không phải đụng độ, có sự đối thoại chứ không phải đối đầu. Để lý tưởng này được hiện thực, thiết nghĩ cần phải có lòng tin vào nhau. Những người biệt phái, tư tế, luật sĩ thời Chúa Giêsu, họ thiếu lòng tin thường là do bởi lòng ganh tị. Họ ganh tị vì không muốn cái anh thợ mộc Giêsu này hơn mình hay qua mặt mình.
          
Lòng tin thường phát xuất từ tình yêu. Hiện thực cuộc sống cho ta thấy điều này: tình yêu đến trước rồi đôi nam nữ dần tin nhau chứ không phải vì họ tin nhau trước rồi họ mới yêu nhau. Để xây dựng lòng tin, trước hết ta hãy có một chút tình. Ta hãy đi bước trước trong việc yêu thương như Chúa Giêsu yêu thương. Người không chỉ chăm sóc các môn đệ mà còn tìm mọi cách để cho các ông sinh hoa kết trái và tạo điều kiện để các ông “làm được nhiều việc lớn lao hơn cả những việc Người làm” (x.Ga 14,11-12).
          
Nếu như Chính quyền không sợ Hội thánh gây ảnh hưởng hay ngược lại, nếu như các tôn giáo không sợ nhau chiêu mộ tín đồ, nếu như bề trên không sợ bề dưới tài giỏi hơn mình và nếu… thì sự tiếp xúc, đối thoại chắc chắn sẽ hiện thực. Khi đã có lòng tin ở thiện ý và thiện chí của nhau thì sự gặp gỡ sẽ ở trong tầm tay chúng ta và kết quả là nhiều điều tốt đẹp sẽ diễn ra trước mắt chúng ta.

 

Chúa nhật tuần lễ thứ 13 thường niên -B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

CN13TNb a5


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mc 5, 21-43).

Khi ấy, Chúa Giêsu đã xuống thuyền trở về bờ bên kia, có đám đông dân chúng tụ họp quanh Người, và lúc đó Người đang ở bờ biển. Bỗng có một ông trưởng hội đường tên là Giairô đến. Trông thấy Người, ông sụp lạy và van xin rằng: “Con gái tôi đang hấp hối, xin Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được sống”. Chúa Giêsu ra đi với ông ấy, và đám đông dân chúng cũng đi theo chen lấn Người tứ phía.

Vậy có một người đàn bà bị bệnh xuất huyết đã mười hai năm. Bà đã chịu cực khổ, tìm thầy chạy thuốc, tiêu hết tiền của mà không thuyên giảm, trái lại bệnh càng tệ hơn. Khi bà nghe nói về Chúa Giêsu, bà đi lẫn trong đám đông đến phía sau Người, chạm đến áo Người, vì bà tự nhủ: “Miễn sao tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ được lành”. Lập tức, huyết cầm lại và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. Ngay lúc ấy, Chúa Giêsu nhận biết có sức mạnh đã xuất phát tự mình, Người liền quay lại đám đông mà hỏi: “Ai đã chạm đến áo Ta?” Các môn đệ thưa Người rằng: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy tứ phía, vậy mà Thầy còn hỏi 'Ai chạm đến Ta?'!” Nhưng Người cứ nhìn quanh để tìm xem kẻ đã làm điều đó. Bấy giờ người đàn bà run sợ, vì biết rõ sự thể đã xảy ra nơi mình, liền đến sụp lạy Người và thú nhận với Người tất cả sự thật. Người bảo bà: “Hỡi con, đức tin của con đã chữa con, hãy về bình an và được khỏi bệnh”.

Người còn đang nói, thì người nhà đến nói với ông trưởng hội đường rằng: “Con gái ông chết rồi, còn phiền Thầy làm chi nữa?” Nhưng Chúa Giêsu đã thoáng nghe lời họ vừa nói, nên Người bảo ông trưởng hội đường rằng: “Ông đừng sợ, hãy cứ tin”. Và Người không cho ai đi theo, trừ Phêrô, Giacôbê và Gioan, em Giacôbê. Các Ngài đến nhà ông trưởng hội đường và Chúa Giêsu thấy người ta khóc lóc kêu la ồn ào, Người bước vào và bảo họ: “Sao ồn ào và khóc lóc thế? Con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó”. Họ liền chế diễu Người. Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, chỉ đem theo cha mẹ đứa bé và những môn đệ đã theo Người vào chỗ đứa bé nằm. Và Người cầm tay đứa nhỏ nói rằng: “Ta-li-tha, Ko-u-mi”, nghĩa là: “Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy!” Tức thì em bé đứng dậy và đi được ngay, vì em đã được mười hai tuổi. Họ sửng sốt kinh ngạc. Nhưng Người cấm ngặt họ đừng cho ai biết việc ấy và bảo họ cho em bé ăn.

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XIII Thường Niên -B
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh


Suy niệm

Đau khổ mãi là một vấn nạn mà nhân loại chưa tìm được lời giải đáp thỏa đáng, vì sao có đau khổ, đau khổ từ đâu đến, khi con người đối diện với đau khổ, Thiên Chúa ở đâu, tại sao Ngài không lên tiếng và không cứu giúp con người? Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ 13 thường niên mời chúng ta trở lại với vấn nạn đó, để cùng nhau tìm lời giải đáp, cùng nhau đi tìm Thiên Chúa, Đấng chúng ta tin thờ và đã phó thác cuộc đời cho Ngài, dù lúc vui cũng như lúc buồn đau.

Từ thời Cựu ước, tác giả sách Khôn ngoan phần nào đã minh định cho mỗi người nhận ra vấn nạn đó đến từ đâu, Thiên Chúa sẽ làm gì để nâng đỡ con người, cùng con người vượt qua những thăng trầm cuộc sống ra sao: “Thiên Chúa không tạo dựng sự chết, chẳng vui mừng khi người sống phải chết. Người tác thành mọi sự cho có. Người tạo dựng mọi sự trên mặt đất đều lành mạnh, chúng không có nọc độc sự chết, và không có địa ngục ở trần gian. Vì chưng, công chính thì vĩnh cửu và bất tử. Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, để sống vĩnh viễn. Nhưng bởi ác quỷ ghen tương, nên tử thần đột nhập vào thế gian: kẻ nào thuộc về nó thì bắt chước nó”. Là một người Cha nhân lành, chắc chắn Thiên Chúa không bao giờ tạo ra sự dữ, tạo ra đau khổ để con cái phải ngụp lặn trong kiếp khổ đau, đau khổ, bệnh tật, nghèo đói đến từ ác quỷ, đến từ sự ganh tị của ma quỷ. Con người chỉ là nạn nhân của mọi thủ đoạn đó, chỉ vì yếu đuối mà con người dễ rơi vào cạm bẫy của chúng, nhận chịu những hệ quả đến từ sự ganh tị và thủ đoạn của ma quỷ.

Cái chết là một sự thật hiển nhiên, đến từ ma quỷ, cái chết này được hiểu theo cả hai  khía cạnh là tinh thần và thể lý. Chúng nó đã dùng cái chết để chia cắt con cái với người Cha yêu của họ, vì thế, đứng trước cái chết thể lý và tinh thần, con người tưởng nghĩ đó là do Thiên Chúa định liệu, chúng ta nghe lại câu chuyện thánh Maccô kể trong bài tin mừng Chúa nhật tuần 13 này: “Người còn đang nói, thì người nhà đến nói với ông trưởng hội đường rằng: “Con gái ông chết rồi, còn phiền Thầy làm chi nữa?” Nhưng Chúa Giêsu đã thoáng nghe lời họ vừa nói, nên Người bảo ông trưởng hội đường rằng: “Ông đừng sợ, hãy cứ tin”. Và Người không cho ai đi theo, trừ Phêrô, Giacôbê và Gioan, em Giacôbê. Các Ngài đến nhà ông trưởng hội đường và Chúa Giêsu thấy người ta khóc lóc kêu la ồn ào, Người bước vào và bảo họ: “Sao ồn ào và khóc lóc thế? Con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó”. Họ liền chế diễu Người. Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, chỉ đem theo cha mẹ đứa bé và những môn đệ đã theo Người vào chỗ đứa bé nằm. Và Người cầm tay đứa nhỏ nói rằng: “Ta-li-tha, Ko-u-mi”, nghĩa là: “Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy!” Tức thì em bé đứng dậy và đi được ngay, vì em đã được mười hai tuổi”. Thất vọng trước sự mất mát quá lớn của gia đình, viên đại đội trưởng, dù là một người dân ngoại, đã đi tìm Thiên Chúa, ông đã gặp và trình bày tất cả cho Ngài, Con Thiên Chúa vội vã đứng lên cùng đi với ông về nhà. Thiên Chúa vẫn mãi ở đó với con người, chỉ vì niềm tin còn có những gam tối của màu sắc tình yêu, nên họ quy gán cho Thiên Chúa và chưa dám trò chuyện với Ngài. Xuống thế làm người, Con Thiên Chúa luôn mong muốn được chia sẻ, được đồng hành và được ở bên con cái mọi ngày và mỗi ngày trong từng biến cố cuộc đời, con người có đủ tự tin để nói chuyện với Ngài không, tất cả đến từ niềm tin.

Hiểu được câu chuyện về đau khổ, về sự bế tắc trong cuộc đời của con người, thánh Phaolô trong lá thư gởi con cái giáo đoàn Co-rin-tho, thánh nhân đã nâng đỡ họ về niềm tin và khuyến khích họ hãy trò chuyện với Thiên Chúa, Đấng đang hiện diện bên cạnh mỗi người và trong mỗi gia đình: “Vì anh em biết lòng quảng đại của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta: mặc dù giàu sang, Người đã nên thân phận nghèo khó, để nhờ việc nghèo khó của Người, anh em nên giàu có. Nhưng không lẽ để cho kẻ khác được thư thái, mà anh em phải túng thiếu, nhưng phải làm sao cho đồng đều. Trong hoàn cảnh hiện tại, sự dư giả của anh em bù đắp lại chỗ thiếu thốn của họ, để sự dư giả của họ bù đắp lại sự thiếu thốn của anh em, hầu có sự đồng đều như lời đã chép rằng: “Kẻ được nhiều, thì cũng không dư; mà kẻ có ít, cũng không thiếu”. Thiên Chúa gầy dựng một gia đình hạnh phúc của Ngài ngay tại trần thế, trong mái ấm đó, Ngài mời mọi người cùng sống bên nhau, chia sẻ vui buồn sướng khổ với nhau và với Thiên Chúa, Đấng đang hiện diện với họ, họ sẽ được bình an và hạnh phúc đích thực ngay từ hôm nay và mai sau.

Thiên Chúa không bao giờ tạo ra đau khổ, Ngài cũng không muốn nhìn thấy đau khổ tồn tại trên thế giới này, bởi nó đang hành hạ con cái của Ngài, vì thế, khi chứng kiến con cái đang bị tác động bởi đau khổ, bệnh tật, nghèo đói, thiên tai, Thiên Chúa cũng đau khổ hơn con cái nhiều. Ngài hiện diện bên cạnh dù có lúc Ngài im lặng, nhưng thực ra Ngài đang lắng nghe, đang chia sẻ và đang ôm lấy con cái trong những biến cố thăng trầm cuộc đời. Nghe viên đại đội trưởng trình bày, Con Thiên Chúa liền đứng dậy và đi với ông ấy về nhà. Thiên Chúa ở đó, mong được nghe con cái chia sẻ mọi đau khổ, thăng trầm, để đứng lên đến với mỗi gia đình, chia sẻ, cảm thông và giúp chữa lành những vết thương lòng. Hơn nữa, Ngài còn muốn ôm lấy con cái vào lòng để sưởi ấm trái tim bị lạnh cóng, bị băng giá vì khổ đau, bệnh tật. Hãy là một viên đại đội trưởng, tìm về với Thiên Chúa và trò chuyện với Ngài khi còn cơ hội.

Dẫu biết đau khổ luôn làm cho con người mất định hướng, mất niềm tin và mất luôn giá trị của mình, nhưng con người nhiều lúc nghĩ rằng Thiên Chúa đã bỏ quên hay vô tình không còn quan tâm đến con người. Họ cho rằng Thiên Chúa tạo dựng nên con người nhưng thiếu sự quan tâm hoặc thiếu tình thương, thực tế qua câu chuyện của bài tin mừng, con người thoáng nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa quá gần gũi, Ngài ở đó, chờ đợi con người tìm về, và ngay lúc đó, Thiên Chúa lên đường cùng đi với họ lúc đau khổ, lúc tuyệt vọng. Dù có mang bệnh tật như người phụ nữ, chỉ là đụng đến áo Ngài, nhưng với niềm tin, họ đã được mọi thứ hơn cả những gì họ mong đợi. Thiên Chúa quả thực là Đấng Tình yêu, chỉ vì thiếu niềm tin và tính thực dụng của con người, nhiều lúc họ đã vô tình đẩy Thiên Chúa ra xa con người và vô tình để cho chính mình lần mò trong một hành trình đức tin mù quáng.

Lạy Chúa, chỉ vì thiếu niềm tin và lòng mến, con người như đang xa dần Ngài, xin đưa chúng con trở về, đưa chúng con trở lại vòng tay ấm áp của người Cha nhân lành, để chúng con cảm nghiệm hơi ấm của tình yêu Thiên Chúa, nhiều lúc chúng con chỉ cần đụng được tà áo của Ngài là chúng con được bình an, nhưng sự cố gắng chưa đủ lớn, sự khiêm tốn chưa đủ chiều sâu, nên chúng con chưa dám mạnh dạn đứng lên đi tìm Ngài, xin giúp chúng con can đảm vượt qua mọi giới hạn của con người, vượt qua mọi chướng ngại vật của thế gian, của dư luận, để chúng con đi tìm Chúa, thưa chuyện với Ngài và đó là lúc chúng con được chữa lành, được cứu sống và được vui mừng. Amen.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây