TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật XIII Thường Niên - Năm C

19/06/2022 02:22:07 |   1060

Chúa nhật XIII THƯỜNG NIÊN – C
 

cn 13TN C

Lc 9, 51-62

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN – C

Dẫn vào thánh lễ

Anh chị em thân mến! “Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng, thì không xứng đáng với nước Thiên Chúa”; Lời Chúa nói có nghĩa là phải dứt bỏ mhững gì cản trở sứ vụ người môn đệ như tiền bạc, vật chất, sự quyến luyến tình cảm cá nhân, gia đình, có khi cả đến sự hiếu thảo đối với cha mẹ nữa, mới có thể theo Đức Kitô được.

Những mẫu gương sáng ngời trong Thánh Kinh như tổ phụ Abraham, Môsê, hay như thái độ của Tiên tri Êlisê hoặc như các Tông Đồ Simon, Anrê, Matthêu… đi theo Chúa là chứng từ rõ nét nhất.

Với lòng thống hối ăn năn, chúng ta quyết tâm từ bỏ tội lỗi, để xứng đáng cùng Đức Kitô dâng lên Chúa Cha Hy Tế tạ ơn hôm nay.

Ca nhập lễ

Hết thảy chư dân, hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa với tiếng reo vui.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã dủ lòng thương nhận chúng con làm nghĩa tử để chúng con trở thành con cái ánh sáng; xin đừng để chúng con sa vào cảnh tối tăm lầm lạc nhưng gìn giữ chúng con luôn rạng ngời ánh sáng chân lý Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: 1 V 19, 16b. 19-21

“Êlisê đi theo Êlia”.

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Êlia rằng: “Êlisê, con ông Saphát, người Abel-Mêhula, ngươi hãy xức dầu phong y làm tiên tri thế ngươi”.

Êlia ra đi tìm gặp Êlisê con ông Saphát, đang cày ruộng với mười hai cặp bò, chính ông đang dẫn cày cặp thứ mười hai. Khi Êlia đến trước ông, thì đặt áo choàng mình trên ông. Lập tức ông bỏ bò lại và chạy theo Êlia mà nói rằng: “Tôi xin đi hôn cha mẹ tôi, rồi tôi theo ngài”. Êlia nói với ông: “Ngươi đi đi, rồi trở lại, ta có làm gì ngươi đâu?” Êlisê rời Êlia, rồi bắt một đôi bò làm thịt, lấy cày làm củi đốt quay thịt cho dân ăn. Ðoạn ông đi theo làm đầy tớ Êlia.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 15, 1-2a và 5. 7-8. 9-10. 11

Ðáp: Lạy Chúa, Chúa là phần gia nghiệp của con (c. 5a).

Xướng: Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa. Con thưa cùng Chúa: Ngài là Chúa tể con; Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của con, chính Ngài nắm giữ vận mạng của con

Xướng: Con chúc tụng Chúa vì đã ban cho con lời khuyên bảo, đó là điều lòng con tự nhủ, cả những lúc đêm khuya. Con luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự bên hữu con, con sẽ không nao núng. 

Xướng: Bởi thế lòng con vui mừng và linh hồn con hoan hỉ, ngay cả đến xác thịt của con cũng nằm nghỉ an toàn, vì Chúa chẳng bỏ rơi linh hồn con trong Âm phủ, cũng không để thánh nhân của Ngài thấy điều hư nát. 

Xướng: Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh, sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên nhan, sự khoái lạc bên tay hữu Chúa tới muôn đời. – 

Bài Ðọc II: Gl 4, 31b – 5, 1. 13-18

“Anh em được kêu gọi để được tự do”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.

Anh em thân mến, chính để chúng ta được tự do mà Ðức Kitô đã giải thoát chúng ta. Anh em hãy đứng vững, đừng để bị đặt dưới ách nô lệ một lần nữa.

Hỡi anh em, anh em được tự do, nhưng đừng lấy nê tự do mà sống theo xác thịt; trái lại, anh em hãy lấy bác ái của Thánh Thần mà phục vụ lẫn nhau. Vì chưng, tất cả lề luật tóm lại trong lời này: “Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi”. Nhưng nếu anh em cắn xé và phân thây nhau, anh em hãy coi chừng kẻo huỷ diệt nhau. Tôi nói điều này là: Anh em hãy sống theo thần trí, và đừng tìm thoả mãn theo đam mê xác thịt nữa. Vì đam mê xác thịt thì chống thần trí, và thần trí thì chống lại xác thịt; giữa đôi bên có sự chống đối nhau, khiến anh em không thi hành được những điều anh em mong muốn. Nhưng nếu anh em được thần trí hướng dẫn, anh em không còn sống dưới lề luật nữa.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: 1 Sm 3, 9

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 9, 51-62

“Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem. Dù Thầy đi đâu, tôi cũng sẽ theo Thầy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Vì gần tới thời gian Chúa Giêsu phải cất khỏi đời này, Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem, và sai những người đưa tin đi trước Người. Những người này lên đường vào một làng Samaria để chuẩn bị mọi sự cho Người. Nhưng ở đó người ta không đón tiếp Người, bởi Người đi lên Giêrusalem. Thấy vậy, hai môn đệ Giacôbê và Gioan thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy muốn chúng con khiến lửa bởi trời xuống thiêu huỷ chúng không?” Nhưng Người quay lại, quở trách các ông rằng: “Các con không biết thần trí nào xúi giục mình. Con Người đến, không phải để giết, nhưng để cứu chữa người ta”. Và các Ngài đi tới một làng khác.

Ðang khi đi đường có kẻ thưa Người rằng: “Dù Thầy đi đâu tôi cũng sẽ theo Thầy”. Chúa Giêsu bảo người ấy rằng: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ gối đầu”. Người bảo một kẻ khác rằng: “Hãy theo Ta”. Người ấy thưa: “Xin cho phép tôi đi chôn cha tôi trước đã”. Nhưng Người đáp: “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết; phần con, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa”. Một người khác thưa Người rằng: “Lạy Thầy, tôi sẽ theo Thầy, nhưng cho phép tôi về từ giã gia đình trước đã”. Nhưng Chúa Giêsu đáp: “Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng, thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúa Kitô là Đấng không đến để giết chết, nhưng để cứu sống, đang kêu mời chúng ta bước vào Thành Đô Trên Trời. Muốn thế, các môn đệ phải khước từ tất cả mọi sự, mới xứng đáng là môn đệ của Chúa. Vậy chúng ta hãy tin tưởng dâng lời cầu xin.

1. “Đoạn ông đi theo làm đầy tớ Êlia”. – Xin cho trong Hội Thánh khắp nơi, có nhiều tâm hồn quảng đại, biết mau mắn đáp lại tiếng Chúa kêu gọi, sẵn sàng dấn thân phục vụ cho sự nghiệp Nước Trời.

2. “Anh em hãy sống theo thần trí, và đừng tìm thỏa mãn theo đam mê xác thịt” – Xin cho các tín hữu biết dấn thân phục vụ Nước Trời trong môi trường sống của mình, để qua cách sống của họ, nhiều người nhận biết Chúa.

3. “Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ gối đầu” – Xin cho các Linh mục, các Tu sĩ và những người tận hiến đời mình cho Tin Mừng, luôn trung thành với lời đoan hứa ngày Tiến Chức, và Khấn Dòng, mà biết hy sinh quên mình, sống đời nghèo khó, để không tính toán với những thua thiệt trần gian.

4. “Phần con, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa” Xin cho các giáo lý viên trong giáo xứ chúng ta, luôn ý thức sâu xa về sứ mệnh cao cả đã được Chúa Kitô trao phó, mà tích cực loan báo Tin Mừng Cứu Độ cho mọi người.

Chủ tế: Lạy Chúa, Chúa không ngừng mời gọi chúng con theo Chúa và cộng tác vào chương trình cứu độ nhân loại. Xin Chúa thương nhận những ước nguyện chân thành chúng con vừa dâng, để ai đang dấn thân vì Nước Trời, luôn tín thác vào tình thương của Chúa và cương quyết theo Chúa cho đến cùng. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, Chúa dùng các bí tích để ban phát ơn cứu độ; xin cho cộng đoàn chúng con biết cử hành lễ tế thờ phượng này với tinh thần phục vụ của Ðức Kitô. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Ca hiệp lễ

Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể con người tôi hãy chúc tụng thánh danh Người.

Hoặc đọc:

Chúa nguyện rằng: Lạy Cha, Con cầu xin cho chúng, để chúng nên một như Ta, hầu thế gian tin rằng Cha đã sai Con.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chúng con vừa dâng lễ tạ ơn và đã được rước Mình và Máu Con Chúa là nguồn mạch sức sống dồi dào; xin cho chúng con hằng gắn bó cùng Chúa để sinh hoa quả tồn tại đến muôn đời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Dứt khoát

Vào năm 1924 ở nước Anh, Eric là lực sĩ chạy nhanh nhất trong cự ly 100m. Mọi người đều hy vọng anh sẽ đoạt huy chương vàng ở thế vận hội được tổ chức tại Paris năm đó. Thế nhưng vào phút chót một sự việc xảy ra làm cho mọi người đều ngỡ ngàng và bực tức. Số là việc thi đấu cho môn chạy 100m này lại nhằm vào ngày Chúa nhật. Eric nghĩ rằng việc phụng sự Chúa không cho phép anh thi đấu vào ngày Chúa nhật. Vì thế anh đành từ chối thi môn này. Vừa nghe tin Eric từ chối thi đấu, lập tức mọi người tìm cách gây sức ép đối với anh. Ngay cả hoàng tử xứ Wales cũng cố gắng thuyết phục anh vi phạm tiếng nói của lương tâm. Thấy anh không chịu đổi ý, báo chí nước Anh đã gọi anh là tên phản bội. Tuy nhiên Eric vẫn khăng khăng không chịu làm ngược với niềm xác tín của mình. Cuối cùng anh đề nghị với các huấn luyện viên chọn một lực sĩ khác thay cho anh trong môn chạy 100m, là môn anh chưa một lần thi đấu. Kết quả là trong thế vận hội năm ấy, nước Anh đã đạt hai huy chương vàng cho môn chạy 100m và 400m.

Từ câu chuyện trên, chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng chiều hôm nay với thái độ dứt khoát mà Chúa đòi hỏi, bởi vì Ngài đã phán dạy: Kẻ nào đã tra tay vào cày mà còn ngoái cổ lại đằng sau thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa. Chàng lực sĩ của chúng ta đã không bao giờ ngoái cổ lại đằng sau, mặc dù có những lý do chính đáng. Một khi đã quyết định theo Chúa, là anh cứ nhắm thẳng phía trước mà bước tới, chứ không ngó lại phía sau nữa, cho dù bị dư luận gọi là tên phản bội tổ quốc của mình. Còn chúng ta thì sao?

Mặc dầu chúng ta đã tin nhận và bước theo Chúa, nhưng chúng ta vẫn chưa dứt khoát lập trường, để thuộc hẳn về Ngài. Chúng ta giống như bà vợ của ông Lót, mặc dầu đã ra khỏi thành Sođoma, nhưng vì còn ngoái cổ lại để xem sự gì đang xảy rar ở phía sau, nên đã hoá thành tượng muối. Chúng ta giống như dân Do Thái trong cuộc xuất hành tìm về miền đất hứa. Trước những cực nhọc vất vả gặp phải, họ đã tưởng nhớ đến củ hành củ tỏi của Ai Cập và đã lên tiếng trách móc Maisen. Cũng vậy mặc dầu đã tin nhận và bước theo Chúa, nhưng chúng ta vẫn tưởng nhớ đến những củ hành củ tỏi, là những đam mê tội lỗi, là những ước vọng xấu xa, để rồi cuối cùng, vì chạy theo tiền bạc, chúng ta đã bán Chúa như Giuđa, vì hèn nhát chúng ta chối Chúa như Phêrô, vì sợ sệt chúng ta đã chạy trốn như các môn đệ, vì quá quyến luyến và vương vấn với tội lỗi, chúng ta đã cúi mặt bỏ đi như chàng thanh niên giàu có.

Để kết luận, chúng ta hãy kiểm điểm đời sống và hãy tự vấn lương tâm xem Đức Kitô đã chiến địa vị nào trong cuộc đời chúng ta? Ngài có phải là nhân vật số một của cõi lòng chúng ta hay chỉ là một hình ảnh đã bị phai mờ và chìm vào quên lãng.
 

 

CHÚA NHẬT 13C THƯỜNG NIÊN – 2001
(Lk. 9:51-62) Lm Lã Mộng Thường

Bất cứ ai nếu để ý khi đọc hoặc nghe Phúc Âm, họ sẽ nhận ra cơ cấu của Phúc Âm chính là sự sắp xếp và nối kết những câu nói khôn ngoan dưới hình thức câu truyện kể về cuộc đời và sự giảng dạy của Đức Giêsu. Đồng thời nơi những câu khôn ngoan này, văn từ dùng những sự vật và sự việc bình thường để ám định sự thể thuộc về hành trình tâm linh, hành trình đức tin. Chúng ta thường thấy kiểu viết khôn ngoan này khi đọc nơi các sách đạo học Đông Phương và thường được mệnh danh là những công án. Chẳng hạn, nơi Lão học, hai câu nổi tiếng nhất đó là, “Người biết không nói, kẻ nói không biết” và, “Không làm gì nhưng không việc gì không làm”. Trang học có câu chúng ta đã quá quen thuộc, “Được chim quên ná, được cá quên nơm, được ý quên lời” nhưng thường bị hiểu lầm dùng ám chỉ tính cách vô ơn theo ý nghĩa luân lý. Nơi Phật học có hơn 1700 công án thường được gọi công án nhà Phật. Câu nổi tiếng nhất mà cũng nghịch thường nhất do thiền sư Lâm Tế Lục khiến ngay cả những người nghiệm chứng Phật học mới thoạt nghe cũng phải bàng hoàng đó là, “Gặp Phật giết Phật, gặp tổ giết tổ, không theo phương pháp nào, không để ai lừa dụ”. Xét về tính chất của những câu nói được gọi là công án hay khôn ngoan, chúng ta nhận thấy rõ ràng điều đặc biệt đó là câu nói khiến người nghe phải ngỡ ngàng và làm đảo lộn sự suy nghĩ bình thường theo thói quen nhận thức nhân sinh. Nhờ đặc tính nghịch thường của những câu nói, các vị tổ thiền hoặc chân nhân hay thày dạy dùng chúng bắt môn sinh suy nghiệm. Theo các sách kể về cuộc đời của những vị đắc đạo để lại, có những vị suy nghiệm một câu cả một đời người; trái lại, có những người thoạt mới nghe đến câu nói đã giác ngộ chẳng hạn lục tổ Huệ năng của Nam Tông nhà Phật bên Trung Hoa. Nơi bài Phúc Âm vừa được công bố, chúng ta thấy có ba câu khôn ngoan viết theo kiểu công án và dùng ngôn từ ám định. “Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có nơi gối đầu”, “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết; phần con hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa”, và, “Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa”. Câu “Con Người không có nơi gối đầu” được Phúc Âm dùng để trả lời cho người tuyên bố đi theo Đức Giêsu tới bất cứ nơi nào. Chúng ta cũng thế, chúng ta tuyên xưng tin vào Thiên Chúa, tin vào Đức Giêsu, noi gương Đức Giêsu, và nơi những kinh nguyện chúng ta lặp lại những lời tuyên hứa theo chân Chúa. Thế nhưng, câu trả lời nơi Phúc Âm quả là ngược lại những gì chúng ta tuyên xưng. Mọi sự, mọi loài, từ tư tưởng, ước muốn vô hình đến con người, cầm thú, cây cỏ, các vật vô tri vô giác đều mang sự hiện hữu. Nói cách khác, mọi sự đều do quyền lực hiện hữu tối thượng hiện thể dưới nhiều hình thức khác nhau. Quyền lực hiện hữu tối thượng chính là Thiên Chúa. Đây là ý nghĩa câu nói “Thiên Chúa ở khắp mọi nơi”.”

Như vậy, mọi sự, mọi vật là một trong Thiên Chúa. Nơi đạo học Đông Phương mệnh danh sự thể này bằng câu nói, “Vạn vật đồng nhất thể”. Câu này có nghĩa, bất cứ sự việc, sự thể nào đều là hiện thể của quyền lực tối thượng mà thôi. Nhận thức như vậy, nếu đã là một với Thiên Chúa thì không còn nơi nào ngoài Thiên Chúa để tiến tới, để nương tựa vì không có gì, không có nơi nào ngoài Thiên Chúa. Nơi câu “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết”, cùng một văn từ hay ngôn từ “kẻ chết” nhưng mang hai nghĩa khác nhau, kẻ chết phần tâm linh và kẻ chết xác thân. Như vậy, Phúc Âm cho rằng bất cứ những ai không suy nghiệm Lời Chúa, lời khôn ngoan nơi Phúc Âm đều thuộc thành phần chết về đường tâm linh, vì đã suy nghiệm, không nhận biết, không phát triển nơi nhận thức về thực thể sự hiện diện của Thiên Chúa nơi mình. Nói cách khác, những ai không suy nghiệm Phúc Âm chẳng khác gì những thân xác biết thở, biết hoạt động, dù có sống đến bao lâu thì cũng không thể nào nhận biết hoặc thức ngộ về Tin Mừng Nước Trời và cũng không thể nào biết được đức tin là gì.

Thêm vào đó, nếu hiểu theo thực thể nhận thức, bất cứ những gì đã đi vào quá khứ thì không còn gì thay đổi hay phát triển. Những kiến thức của chúng ta, những kiến thức nơi sách vở, những quan niệm sẵn có đều được coi như đã chết, thì câu nói để kẻ chết chôn kẻ chết mang ý nói về điều kiện tâm trí để nhận biết, để suy nghiệm những lời khôn ngoan. Phúc Âm đặt nơi miệng Đức Giêsu lời thúc giục, “Phần con, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa” chứng tỏ sự rao giảng Nước Thiên Chúa quan trọng hơn bất cứ sự việc nào nơi cuộc đời con người. Tuy nhiên, nếu đã không suy nghiệm Phúc Âm, không nhận biết Nước Thiên Chúa là gì sao có thể rao giảng! Nơi câu, “Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng thì không xứng đáng vớiNước Thiên Chúa” chúng ta đều hiểu rõ ràng Phúc Âm chỉ dùng hình ảnh người đi cày để chỉ về trạng thái tâm tư một người cần phải đạt tới mới có thể suy nghiệm Phúc Âm. Bình thường nơi tính chất con người, chúng ta nhận thức sự vật và sự việc dưới nhãn quan nhận thức có sẵn và những nhận thức này điều khiển tâm não cũng như che khuất hoặc trói buộc tâm não lệ thuộc kinh nghiệm và nhận thức nơi quá khứ. Dĩ nhiên, nhận thức và kinh nghiệm thuộc về quá khứ được coi như đã chết vì không có gì thay đổi được. Bởi vậy, những ai đọc hoặc nghe Phúc Âm dưới nhãn quan thế tục nơi bất cứ phương diện nào, hoặc hiểu theo nghĩa đen tất nhiên không thể nhận thức được Nước Thiên Chúa, không xứng đáng nhận biết Nước Thiên Chúa.

Tóm lại, bài Phúc Âm nói về điều kiện tâm trí một người cần có để nhận thức thực thể Nước Thiên Chúa. Muốn nhận biết Nước Thiên Chúa, chúng ta cần suy nghiệm về Thiên Chúa, sự liên hệ giữa Thiên Chúa và con người. Sau khi nhận thức được Thiên Chúa với chúng ta là một, chúng ta thuộc về Thiên Chúa, mọi sự mọi loài chính là sự hiện thể của Thiên Chúa nơi những phương diện và hình thái khác nhau, chúng ta cần vất bỏ mọi quan niệm, kiến thức thế tục, không lệ thuộc bất cứ chiều hướng nào mà hoàn toàn mở rộng tâm hồn thì mới có thể đón nhận những lời khôn ngoan nơi Phúc Âm. Đây cũng chính là ý nghĩa câu nói Phúc Âm đặt nơi miệng Đức Giêsu, “Ai có tai thì nghe.” Bởi vậy, nếu kẻ chết đã có thể chôn kẻ chết thì người có tai với người không có tai cũng chỉ là một mà thôi. Điều đáng tội là chính chúng ta; cho rằng mình có tai nhưng nghe cũng như không! Có lẽ thà rằng đừng được nghe lại nhẹ gánh án phạt. Amen.

Chúa nhật tuần lễ thứ 13 thường niên -C
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 9, 51-62).

Vì gần tới thời gian Chúa Giêsu phải cất khỏi đời này, Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem, và sai những người đưa tin đi trước Người. Những người này lên đường vào một làng Samaria để chuẩn bị mọi sự cho Người. Nhưng ở đó người ta không đón tiếp Người, bởi Người đi lên Giêrusalem. Thấy vậy, hai môn đệ Giacôbê và Gioan thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy muốn chúng con khiến lửa bởi trời xuống thiêu huỷ chúng không?” Nhưng Người quay lại, quở trách các ông rằng: “Các con không biết thần trí nào xúi giục mình. Con Người đến, không phải để giết, nhưng để cứu chữa người ta”. Và các Ngài đi tới một làng khác.

Ðang khi đi đường có kẻ thưa Người rằng: “Dù Thầy đi đâu tôi cũng sẽ theo Thầy”. Chúa Giêsu bảo người ấy rằng: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ gối đầu”. Người bảo một kẻ khác rằng: “Hãy theo Ta”. Người ấy thưa: “Xin cho phép tôi đi chôn cha tôi trước đã”. Nhưng Người đáp: “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết; phần con, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa”. Một người khác thưa Người rằng: “Lạy Thầy, tôi sẽ theo Thầy, nhưng cho phép tôi về từ giã gia đình trước đã”. Nhưng Chúa Giêsu đáp: “Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng, thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa”.

Suy niệm

Trong triết học phương đông, người ta định nghĩa cuộc sống của con người chỉ gồm tóm trong ba ngày: ngày hôm qua, ngày hôm nay và ngày mai. Ngày hôm qua là quá khứ, trong đó có những thành công và thất bại, có đau khổ và hạnh phúc, tất cả là kinh nghiệm quý báu và cũng là hành trang để bước vào ngày sống hôm nay. Ngày hôm nay là những phút giây hiện tại mỗi người đang sống, không ai muốn mình đau khổ hay thất bại, không ai đợi chờ bất an và nước mắt, nhưng luôn mong cho ngày hôm nay được bình an, được may mắn và thành công. Do đó, nếu sống tốt ngày hôm qua thì hôm nay bạn sẽ có nhiều niềm vui làm việc tốt, để bước vào tương lai cách tự tin và mạnh dạn, để làm việc hiệu quả hơn. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ 13 thường niên mời gọi các tín hữu hãy hướng tới những phút giây hiện tại, để sống ơn gọi cách đúng đắn, thực thi bổn phận trong ơn gọi đó có ý nghĩa hơn, đừng dừng lại nơi lời sai đi hay những nghi thức bên ngoài, nhưng hãy tập chú vào mục đích của ơn gọi Thiên Chúa muốn tôi làm gì, sống như thế nào và phục vụ ra sao cho phù hợp với điểm đến cuối cùng của cuộc đời.

Câu chuyện sách các Vua kể lại trong bài đọc 1 về ơn gọi của tiên tri Ê-li-sê, người học trò của tiên tri Ê-li-a. Giave Thiên Chúa chọn Ê-li-sê như người kế nhiệm ơn gọi của Ê-li-a, sau khi được chọn, Ê-li-sê nhận ra câu chuyện cuộc đời từ nay sẽ chuyển sang một hành trình mới. Ơn gọi tiên tri rất cao quý đối với Ê-li-sê, do đó ông đã từ bỏ tất cả, ngay cả đôi bò ông đang cày ruộng và các dụng cụ khác, để lên đường theo thầy Ê-li-a trong vai trò là một tiên tri: “Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Ê-li-a rằng: “Ê-li-sê, con ông Sa-phát, người Abel-Mê-hu-la, ngươi hãy xức dầu phong y làm tiên tri thế ngươi”. Ê-li-a ra đi tìm gặp Ê-li-sê con ông Sa-phát, đang cày ruộng với mười hai cặp bò, chính ông đang dẫn cày cặp thứ mười hai. Khi Ê-li-a đến trước ông, thì đặt áo choàng mình trên ông. Lập tức ông bỏ bò lại và chạy theo Êlia mà nói rằng: “Tôi xin đi hôn cha mẹ tôi, rồi tôi theo ngài”. Ê-li-a nói với ông: “Ngươi đi đi, rồi trở lại, ta có làm gì ngươi đâu?” Ê-li-sê rời Ê-li-a, rồi bắt một đôi bò làm thịt, lấy cày làm củi đốt quay thịt cho dân ăn. Ðoạn ông đi theo làm đầy tớ Ê-li-a”. Xác định cuộc đời của mình từ ngày mai không phải là việc đồng áng, mà là tiên tri của Thiên Chúa, ông đã từ bỏ tất cả, ngay cả phương tiện làm việc, tất cả dành cho ơn gọi đặc biệt của mình là người của Thiên Chúa, là tiên tri. Ông đã sống ơn gọi của mình thật viên mãn, hết tình, hết mình và hết bổn phận của một tiên tri.

Ơn gọi của thánh Phaolô quả thực là một điều kỳ diệu, từ một người tìm bắt các môn đệ của Đức Giêsu, thánh nhân đã trở thành một vị tông đồ dành riêng cho dân ngoại, ngài đã từ bỏ quá khứ hào hùng với những địa vị và danh xưng thật sang trọng, để trở nên một người rốt hết, một người con đẻ non của Thiên Chúa, vì thế, khi hướng dẫn cho con cái thành Galata, ngài luôn nhắc họ hãy ý thức ơn gọi cao quý của mình là gì, để sống vẹn toàn, đừng cậy dựa vào của cải, địa vị hay danh vọng thế gian: “Hỡi anh em, anh em được tự do, nhưng đừng cậy dựa vào  tự do mà sống theo xác thịt; trái lại, anh em hãy lấy bác ái của Thánh Thần mà phục vụ lẫn nhau. Vì chưng, tất cả lề luật tóm lại trong lời này: “Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi”. Thiên Chúa tôn trọng sự tự do của con người khi mời gọi con người cộng tác, Ngài chỉ mong nơi con người một lời đáp trả thật quảng đại, để họ được nên thánh trong bổn phận và ơn gọi của mình. Với kinh nghiệm cuộc đời của mình, thánh nhân còn nhắn gởi chúng ta hôm nay hãy lấy tinh thần bác ái của Thánh Thần mà phục vụ và xây dựng Giáo hội của Thiên Chúa.

Cùng đồng hành với Thầy trên chuyến đi về Giê-ru-sa-lem, các môn đệ thấy khó chịu khi có những làng mạc không tiếp đón Thầy. không hài lòng với thái độ thờ ơ, các ông xin Thầy loại trừ những nơi nào có thái độ bất kính khi từ chối sự hiện diện của Con Thiên Chúa. Đức Giêsu đã giải thích cho họ về sứ vụ của Ngài không phải để tiêu diệt nhưng là để cứu sống: “Vì gần tới thời gian Chúa Giêsu phải cất khỏi đời này, Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem, và sai những người đưa tin đi trước Người. Những người này lên đường vào một làng Samaria để chuẩn bị mọi sự cho Người. Nhưng ở đó người ta không đón tiếp Người, bởi Người đi lên Giêrusalem. Thấy vậy, hai môn đệ Giacôbê và Gioan thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy muốn chúng con khiến lửa bởi trời xuống thiêu huỷ chúng không?” Nhưng Người quay lại, quở trách các ông rằng: “Các con không biết thần trí nào xúi giục mình. Con Người đến, không phải để giết, nhưng để cứu chữa người ta”. Đức Giêsu giải thích cho các ông hiểu hơn về ơn gọi của Ngài, đó là cứu sống chứ không phải giết chết. Mục đích tối hậu của Đấng Cứu Thế là cứu độ con người, Ngài muốn mời con người tiếp nối sứ vụ đó, để con người qua mọi thời sẽ được sống trong ngôi nhà của Thiên Chúa tình yêu.

Khi tin nhận Thiên Chúa là gia nghiệp cuộc đời của mình, người tín hữu được mời chọn một con đường cho hành trình đức tin, mỗi con đường là một ơn gọi: ơn gọi hôn nhân, ơn gọi Tu sĩ, ơn gọi Giáo sĩ, ơn gọi truyền giáo. Mỗi ơn gọi có một lời sai đi và có sứ vụ để thực hiện trong suốt hành trình. Lời sai đi như xác nhận điểm đến của đời phục vụ là đâu và bắt đầu từ đây, người môn đệ đó sẽ sống ơn gọi đó trong niềm tin vào một Thiên Chúa, luôn làm việc trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần qua giáo huấn của Giáo hội, họ sẽ không làm việc theo kế hoạch của thế gian hay của bản thân họ, nhưng là kế hoạch của Thiên Chúa. Còn sứ vụ là linh đạo của mỗi ơn gọi được chọn. Là ơn gọi hôn nhân, họ được mời gọi sống sứ vụ loan báo tin mừng trong môi trường gia đình, với bổn phận làm chồng, làm vợ, làm cha, làm mẹ và làm con như thế nào. Là Tu sĩ hay Giáo sĩ, sứ vụ của họ là phục vụ Thiên Chúa trong con người theo chương trình của Giáo hội, của hội dòng, chứ không theo chương trình của thế gian hay của một cá nhân nào. Vì thế, sứ vụ luôn là mục đích tối hậu của người môn đệ Đức Giêsu, khi họ mời bước theo Thầy trong ơn gọi mà họ được tự do chọn lựa.

Sứ vụ của Ê-li-sê hay của Ê-li-a hay của thánh Phaolô đều giống nhau vì được Thiên Chúa chọn và sai đi, cuộc đời của họ từ nay như một người thợ làm công trong các vườn nho của Thiên Chúa, nhưng hoàn cảnh, công việc và trách nhiệm thì mỗi người mỗi khác, mỗi ơn gọi mỗi khác. Các ông không lấy lời sai đi của mình làm cứu cánh, không để danh xưng của mình lấn át trách nhiệm của sứ vụ, dù cuộc đời kết thúc như thế nào, nhưng các tiên tri, các môn đệ của Đức Giêsu luôn làm tròn sứ vụ của mình trong niềm tin, trong sự khiêm tốn và yêu mến Thiên Chúa. Ngày nay, người tín hữu Kitô cũng tiếp nối ơn gọi các tiên tri, các Tông đồ của Đức Giêsu, họ được sai đi vào giữa lòng thế giới, họ được mời gọi đến với các anh chị em, đặc biệt là những người thiếu may mắn, hay những người sống trong những hoàn cảnh đặc biệt như tuổi già, bệnh tật, mồ côi, hay bị bỏ rơi bên lề xã hội. Sứ vụ của mỗi người là như thế, nhưng nhiều lúc vô tình họ lẫn lộn giữa sứ vụ và lời sai đi, lời sai đi như xác nhận khởi đầu một sứ vụ và điểm đến để làm việc, còn sứ vụ mới là mục đích của ơn gọi.

Được Thiên Chúa mời gọi sống những bậc sống và ơn gọi khác nhau, con người đáp trả trong sự tự do, khi bước vào hành trình một ơn gọi, Thiên Chúa muốn con người tìm thấy khuôn mặt của Ngài trong công việc và trong con người của tha nhân. Nên chăng người tín hữu hôm nay cần phân biệt rõ ràng hai yếu tố này trong cuộc đời, để ý Cha được vẹn toàn, sứ vụ được thành toàn, cần xác tín sứ vụ của mình được Thiên Chúa sai đến để làm gì, để phục vụ Thiên Chúa qua tha nhân, hay để phục vụ cho cái tôi, cho sĩ diện và uy tín của con người. Trong hành trình mỗi ơn gọi, người tín hữu cần xác định thật rõ ràng tôi là người đầy tớ vô dụng, người đầy tớ chỉ làm những việc phải làm trong vườn nho của Thiên Chúa, những việc của người thợ gặt trên cánh đồng truyền giáo bao la của Thiên Chúa. Xác định được sứ vụ và tất cả cho sứ vụ,  người môn đệ Đức Giêsu sẽ hết mình cho ơn gọi, hết tình cho bổn phận và hết cuộc đời cho sứ vụ được sai đi. Niềm vui của Thiên Chúa là có những người đầy tớ trung tín và khôn ngoan, có những người đầy tớ biết ý chủ và thực hiện theo ý của Ngài.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã thực hiện sứ vụ của mình khi vâng lời Chúa Cha đi vào trần gian, mỗi ngày, Chúa đều tìm ý Cha muốn để sống và chu toàn trọng trách đó, xin giúp chúng con luôn tìm thánh ý Chúa trong mỗi ơn gọi, để chúng con thi hành ý Chúa chứ không thực hiện ý con. Chúa đã vâng lời Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá, xin cho chúng con hiểu được giá trị của phần thưởng cho người đầy tớ trung tín và khôn ngoan là sự sống Nước Trời, để chúng con cố gắng từng ngày và chăm chỉ làm việc trong niềm tin và lòng mến. Amen.


THEO CHÚA ĐỂ ĐI ĐÂU VÀ LÀM GÌ?
(Chúa Nhật XIII TN C) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

“Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo”(Lc 9,57). Một vị tôn sư được dân chúng tôn phong vào hàng ngôn sứ, có lời quyền năng cũng như nhiều hành động phi thường chắc chắn sẽ lôi cuốn nhiều người đi theo. Chuyện “thấy người sang bắc quàng làm họ” là chuyện bình thường kiếp người. Đi theo người có quyền năng trong lời nói lẫn hành động hẳn nhiên dù ít nhiều cũng sẽ được lợi mặt này, mặt kia. Nhiều người không chỉ muốn theo Chúa Giêsu như là đám đông quần chúng mong hưởng nhận những phúc lành mà còn muốn trở thành những người thân cận, những môn đệ, những cộng sự viên thân tín. Và chắc chắn khi Thầy Giêsu lên ngai vinh hiển thì mình sẽ được dự phần quyền uy và dĩ nhiên kèm theo vinh hoa phú quý. Ngay nhóm Mười Hai cũng không thoát được ảo vọng vương bá này. Thế nhưng cả nhóm Mười Hai và nhiều người muốn theo Chúa Giêsu có ngờ đâu đích đến của hành trình Thầy chí thánh chính là Giêrusalem.

“Khi đã tới ngày Đức Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết lên Giêrusalem” (Lc 9,51). Chúa Giêsu lên Giêrusalem để làm gì? Xin thưa là để hoàn thành công cuộc cứu độ nhân trần bằng cái chết trên thập giá. Không phải Chúa Giêsu tự tìm cái chết nhưng Người lên Giêrusalem để sống yêu thương đến cùng, đó là hiến dâng mạng sống vì người mình yêu (x.Ga 15,13).

Trên hành trình lên Giêrusalem, có một số người muốn xin đi theo Chúa Giêsu. Thoạt nghe những câu trả lời của Chúa Giêsu với những người này, chúng ta có thể nghĩ rằng chúng có vẻ “cứng cỏi”, và chúng có thể làm nhụt nhuệ khí, làm nhụt thiện chí của họ. Thế nhưng để có thể sống yêu thương đến cùng thì cần phải đối diện với đòi hỏi như tất yếu là sự triệt để. Hành vi yêu thương đến cùng đòi hỏi sự triệt để cả trong sự từ bỏ lẫn trong sự hiến dâng.

Triệt để trong sự từ bỏ: “Con chồn có hang, chim có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9,58). Vốn giàu sang, Chúa Kitô đã tự nguyện sống nghèo khó để chúng ta được nên sang giàu (x.2Cr 8,9-12). Từ bỏ của cải vật chất, từ bỏ những tiện nghi không phải để tự hài lòng trong cảnh thiếu thốn nhưng là để dễ dàng sống yêu thương. “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết” (Lc 9,60). Chúa Giêsu còn mời gọi nhưng kẻ theo Người phải tự do với cả những tình cảm huyết nhục để dệt xây Nước Trời, vương quốc của tình yêu. Mối dây liên kết trong tình huyết nhục tự nó là điều tốt đẹp. Tuy nhiên còn có mối dây liên kết tốt hơn và cao cả hơn. Không phải chỉ khi cưu mang và cho Ngôi Lời nhập thể bú mớm mới là có phúc, nhưng chính khi nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa thì mới là có phúc hơn nhiều (x.Lc 11,27-28).

Triệt để trong sự hiến dâng: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (Lc 9,62). Đường cày không thể nào thẳng khi tay cầm cày mà mặt lại ngoảnh đằng sau. Tình yêu không thể chấp nhận sự nửa vời. Nóng thì nóng hẳn đi hoặc lạnh thì lạnh hẳn đi, nếu cứ hâm hẩm thì sớm muộn cũng sẽ bị đào thải (x.Kh 3,15-16). Chuyện bắt cá hai tay có thể áp dụng trong kinh doanh buôn bán nhưng tuyệt đối không thể có trong tình yêu đích thực.

Tuy nhiên, phận người chúng ta không dễ gì dứt khoát một lần cho tất cả. Vẫn có đó tình trạng vấn vương, ngập ngừng trong chuyện tình yêu, cả tình lứa đôi lẫn tình dâng hiến. Cái cảnh cầm cày mà còn ngó lại đằng sau thì có thể không nhiều, nhưng cảnh cầm cày mà còn nhìn bên này, quay bên nọ quả là không hiếm. Và chắc chắn khi nhìn ngang, nhìn ngửa thì đường cày sẽ chệch choạc, ngoằn ngoèo. Dẫu biết rằng Thiên Chúa, Đấng quyền năng, thừa sức vẽ nên đường thẳng bằng những nét cong, nhưng khi quá ỉ lại vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa thì chúng ta vô tình hay hữu ý rơi vào chước cám dỗ lỗi đức trông cậy (x.GLCG Chung số 2092).

Để có thể thẳng bước theo chân Chúa Kitô, để sống yêu thương cách triệt để, thì chắc chắn cần phải diệt trừ nhiều điều, mà dĩ nhiên trước hết đó là những điều bất chính, xấu xa. Và để có thể sống yêu thương đến cùng thì chúng ta còn cần phải biết tự do với cả những điều tự nó là không xấu. “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em mình, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 13,26-27). Hạn từ “từ bỏ” ở đây theo cách nói của người Do Thái không có nghĩa là loại trừ nhưng biểu thị sự so sánh. Khi nói “từ bỏ” một điều gì đó để chọn một điều khác thì muốn nói điều ấy “kém hơn” điều ta chọn. Khi đã tin nhận Chúa là tất cả, là trên hết thì việc tự do với các mối liên hệ huyết nhục, với cả mạng sống mình, là chuyện đương nhiên phải có.

Vấn đề đặt ra đó là cần thường xuyên xác định lại mục đích chúng ta theo Chúa Kitô. Mang danh là Kitô hữu, chúng ta không theo chủ thuyết này hay chủ nghĩa nọ, nhưng chúng ta chỉ theo một Đấng là Giêsu Kitô. Đức Kitô vừa là người chỉ đạo (dẫn đường), vừa chính là con đường dẫn chúng ta đến hạnh phúc đich thực (x.Mt 23,10; Ga 14,6). Đường Chúa Kitô dẫn chúng ta đi và cũng là con đường Người đã đi qua đó là đường tình yêu tự hiến vì hạnh phúc của loài người. Chính khi quên mình vì hạnh phúc của đồng loại thì chúng sẽ gặp lại bản thân và có hạnh phúc vĩnh tồn (thánh Phanxicô Axidi).

Theo Công giáo, bạn, tôi, chúng ta đang theo ai, đi đâu, làm gì? Một câu hỏi thiết tưởng mãi không thừa với những người vốn tự nhận là “có đạo”.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây