TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật XIV Thường Niên - Năm B

27/06/2021 12:44:11 |   1047

Chúa Nhật XIV Thường Niên - Năm B


Mc 6,1-6

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

Chúa Nhật XIV Thường Niên - Năm B

Dẫn vào thánh lễ

Anh chị em thân mến! Các bài đọc hôm nay giới thiệu cho chúng ta ba vị tiên tri cùng chung mọt số phận. Đó là Ezekiel, thánh Phao-lô và Chúa Giê-su. Ba vị đều bị xua đuổi, khước từ tại chính quê hương của mình, lý do đơn giản chỉ vì sứ điệp mà các vị rao giảng. Cả ba đều gặp sự chống đối quyết liệt của các thính giả ương ngạnh, kiêu căng trong chính dân tộc mình.

Thời ngôn sứ Ezekiel thì dân Israel tỏ ra là một dân phản nghịch, chống lại Thiên Chúa, mặc dù Thiên Chúa một mực yêu thương tha thứ cho họ. Thời Chúa Giê-su thì dân làng Narazeth đồng hương của Chúa Giê-su không tin Người, mặc dù họ thấy Người khôn ngoan lạ thường ở các làng chung quanh. Phải chăng vì lòng người cao ngạo hẹp hòi, mù quáng và thành kiến? Họ muốn Thiên Chúa phải lệ thuộc vào họ, phải làm những điều họ muốn và theo cách họ nghĩ.

Dân Chúa ngày hôm nay và bản thân mỗi người chúng ta phải làm thế nào để trở thành những người con hiếu thảo của Thiên Chúa? Trước hết chúng ta hãy thống hối ăn năn

Ca nhập lễ

Hết thảy chư dân, hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa với tiếng reo vui.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã dủ lòng thương nhận chúng con làm nghĩa tử để chúng con trở thành con cái ánh sáng; xin đừng để chúng con sa vào cảnh tối tăm lầm lạc nhưng gìn giữ chúng con luôn rạng ngời ánh sáng chân lý Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Ed 2, 2-5

“Ðây là nhà phản loạn, và họ sẽ biết rằng giữa họ vẫn có một tiên tri”.

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Trong những ngày ấy, sau khi nói với tôi, Thần Linh nhập vào tôi, và đỡ tôi đứng dậy. Tôi nghe Người nói với tôi rằng: “Hỡi con người, Ta sai ngươi đến với con cái Israel, đến với dân nổi loạn phản nghịch Ta, chúng và cha ông chúng vi phạm giao ước của Ta cho đến ngày nay. Ta sai ngươi đến để nói với những con cái dầy mặt cứng lòng rằng: ‘Chúa là Thiên Chúa phán như vậy’. Hoặc chúng nghe, hoặc chúng không nghe, vì đây là bọn phản loạn, và chúng sẽ biết rằng giữa chúng có một tiên tri”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 122, 1-2a. 2bcd. 3-4

Ðáp: Mắt chúng con nhìn vào Chúa, cho tới khi Người thương xót chúng con (c. 2cd).

Xướng: Con ngước mắt nhìn lên Chúa, Ngài ngự trị ở cõi cao xanh. Kìa, như mắt những người nam tôi tớ, nhìn vào tay các vị chủ ông. 

Xướng: Như mắt của những người tỳ nữ, nhìn vào tay các vị chủ bà, mắt chúng tôi cũng nhìn vào Chúa, là Thiên Chúa của chúng tôi như thế, cho tới khi Người thương xót chúng tôi. 

Xướng: Nguyện xót thương, lạy Chúa, nguyện xót thương, vì chúng con đã bị khinh dể ê chề quá đỗi! Linh hồn chúng con thật là no ngấy lời chê cười của tụi giàu sang, nỗi miệt thị của lũ kiêu căng. 

Bài Ðọc II: 2 Cr 12, 7-10

“Tôi rất vui sướng khoe mình về những sự yếu hèn của tôi, để sức mạnh của Ðức Kitô ngự trong tôi”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, để những mạc khải cao siêu không làm cho tôi tự cao tự đại, thì một cái dằm đâm vào thịt tôi, một thần sứ của Satan vả mặt tôi. Vì thế đã ba lần tôi van nài Chúa, để nó rời khỏi tôi. Nhưng Người phán với tôi rằng: “Ơn Ta đủ cho ngươi, vì sức mạnh của Ta được tỏ bày trong sự yếu đuối”. Vậy tôi rất vui sướng khoe mình về những sự yếu hèn của tôi, để sức mạnh của Ðức Kitô ngự trong tôi. Vì thế, tôi vui thoả trong sự yếu hèn của tôi, trong sự lăng nhục, quẫn bách, bắt bớ và khốn khó vì Ðức Kitô: vì khi tôi yếu đuối, chính là lúc tôi mạnh mẽ.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: 1 Pr 1, 25

Alleluia, alleluia! – Lời Chúa tồn tại muôn đời, đó là lời Tin Mừng đã rao giảng cho anh em. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 6, 1-6

“Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà và các môn đệ cùng theo Người. Ðến ngày Sabbat, Người vào giảng trong hội đường, và nhiều thính giả sửng sốt về giáo lý của Người, nên nói rằng: “Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?” Và họ vấp phạm vì Người.

Chúa Giêsu liền bảo họ: “Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình”. Ở đó Người không làm phép lạ nào được, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân, và Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin. Người đi rảo qua các làng chung quanh mà giảng dạy.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Sự cao ngạo sẽ không bao giờ có lối dẫn người ta đến gặp Thiên Chúa, trái lại còn làm cho con người xa Chúa và có thể giết chết sự sống. Vậy giờ đây chúng ta hãy khiêm tốn nguyện xin:

1. “Ta sai ngươi đến với…dân nổi loạn phản nghịch Ta…” – Xin Chúa trở nên nguồn vui và nguồn an ủi cho các vị chủ chăn, để giữa những chống đối, các ngài vẫn can đảm loan truyền lời chân lý đến cho mọi người.

2. Tôi vui thỏa trong sự …lăng nhục, bắt bớ, khốn khó vì Đức Ki-tô” – Xin trợ giúp các tín hữu, để khi họ bị hiểu lầm, thua thiệt, chống đối vì mang danh Ki-tô hữu, họ vẫn không nản chí thất vọng, nhưng luôn trung thành sống đức tin đã lãnh nhận.

3. “Ông này chẳng phải là bác thợ mộc sao? Họ vấp phạm vì Người” – Xin cho các tội nhân đừng vì hàng rào thành kiến, nghi kỵ đối với các vị có trách nhiệm rao giảng Lời Chúa, mà ngụy biện cho cuộc sống tội lỗi của mình, nhưng biết thành tâm, đón nhận những lời kêu gọi sám hối trở về cùng Chúa.

4. “Ở đó Người không làm phép lạ nào được” – Xin cho mọi người trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta được tâm hồn rộng mở trước ánh sáng thần linh, để Chúa có thể thực hiện được những điều kỳ diệu nơi chúng ta.

Chủ tế: Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, xin cho chúng con biết đặt hết niềm tin vào Chúa qua sự trung thành giữ các giới răn, để chúng con trở thành những người con hiếu thảo của Chúa Cha. Xin cho tình thân nghĩa Chúa dành cho không thành lời khiển trách như những người làng Narazeth, nhưng là niềm vinh dự và hạnh phúc cho chúng con. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, Chúa dùng các bí tích để ban phát ơn cứu độ; xin cho cộng đoàn chúng con biết cử hành lễ tế thờ phượng này với tinh thần phục vụ của Ðức Kitô. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Ca hiệp lễ

Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể con người tôi hãy chúc tụng thánh danh Người.

Hoặc đọc:

Chúa nguyện rằng: Lạy Cha, Con cầu xin cho chúng, để chúng nên một như Ta, hầu thế gian tin rằng Cha đã sai Con.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chúng con vừa dâng lễ tạ ơn và đã được rước Mình và Máu Con Chúa là nguồn mạch sức sống dồi dào; xin cho chúng con hằng gắn bó cùng Chúa để sinh hoa quả tồn tại đến muôn đời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Đức Kitô bị chối từ

Đoạn Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Kitô bị những người đồng hương từ chối.

Sự từ chối này có những lý do riêng của nó. Đó là họ chỉ nhận thấy Đức Kitô là con bác thợ mộc Giuse, bà con lối xóm với họ. Hoặc có thể họ không muốn nhìn nhận Ngài như một tiên tri, luôn đòi hỏi mọi người phải sám hối theo ý Thiên Chúa.

Hẳn rằng ngày hôm nay những người tín hữu chúng ta không còn bị nhầm lẫn về Đức Kitô một Thiên Chúa làm người. Nhưng chúng ta vẫn có thể dửng dưng và từ chối sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống hôm nay.

Nếu những thân nhân của Đức Kitô ngày xưa đã vấp phải những yếu tố nhân loại của Ngài, để không nhận ra Ngài, thì đó cũng là những chướng ngại làm chúng ta không nhận ra Ngài ngày hôm nay, một Đức Kitô trong tha nhân.

Không ít người trong chúng ta đã từ chối những giá trị, những việc làm của anh em đồng loại, bởi vì họ là những con người không cùng một niềm tin, hoặc họ bị coi chỉ là những con người tầm thường, có chút lầm lỗi trong dĩ vãng.

Cách nhìn và đánh giá như thế sẽ là một cách sống xa lạ với Tin Mừng, sẽ là một cách sống xa lạ với với điều chính Đức Kitô đã rao giảng vì Ngài đã chỉ đám đông và trả lời: Những ai thi hành ý muốn Thiên Chúa, thì họ chính là anh em, chị em và là mẹ tôi vậy. Những người dám hy sinh cho đồng loại, những người dám sống vì kẻ nghèo, đang là hình ảnh của Thiên Chúa mà mỗi người chúng ta không thể không nhìn nhận.

Cũng có thể ngày hôm nay, mỗi người trong chúng ta đang từ chối Đức Kitô khi xa lánh những đòi hỏi của Tin Mừng, được coi là những phiền nhiễu của Thiên Chúa. Một Tin Mừng kêu gọi phải yêu thương đồng loại như chính mình, phải hy sinh mạng sống cho người mình yêu. Một Tin Mừng kêu gọi phải bán hết của cải, làm phúc bố thí rồi mới bước theo Ngài. Tóm lại, Đó là một Tin Mừng kêu gọi sống trong một con người mới.

Từ chối những đòi hỏi cốt yếu của Tin Mừng chỉ để sống với những hình thức những nghi lễ bên ngoài, chắc hẳn là sẽ êm ái hơn. Nhưng đó chỉ là sự êm ái của những kẻ không muốn bị liên luỵ bởi Tin Mừng, của những kẻ không nhìn nhận Đức Kitô. Ai trong chúng ta khẳng định được rằng là mình đã không từ chối Đức Kitô.

Câu hỏi ngày hôm nay đó là chúng ta hãy tra vấn lương tâm, hãy tìm hiểu cách sống của bàn thân, để xem chúng ta đã thực sự đón nhận hay là đã từ chối Đức Kitô.
 

Chúa Nhật thứ 14 thường niên –Năm B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mc 6, 1-6).
 
Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà và các môn đệ cùng theo Người. Ðến ngày Sabbat, Người vào giảng trong hội đường, và nhiều thính giả sửng sốt về giáo lý của Người, nên nói rằng: “Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?” Và họ vấp phạm vì Người.
 
Chúa Giêsu liền bảo họ: “Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình”. Ở đó Người không làm phép lạ nào được, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân, và Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin. Người đi rảo qua các làng chung quanh mà giảng dạy.
 
Suy niệm
 
Mỗi ngày khi bước vào cuộc sống, chúng ta bắt gặp không biết bao nhiêu bảng hiệu quảng cáo rất hiện đại và phong phú. Đồng thời hai bên đường của dòng đời, nhiều loại hàng hóa làm cho chúng ta bị cuốn vào một cuộc sống mang màu sắc của vật chất, mẫu mả, hình thức bên ngoài. Trong khi đó, điều quan trọng vẫn là chất lượng của hàng hóa, thế nhưng người ta chỉ quan tâm một cách tương đối. Đời sống đức tin của người tín hữu Kitô hôm nay đang có chiều hướng dừng lại nơi công thức, chưa thực sự trở nên sống động và cụ thể trong mỗi hành động. Tuần lễ thứ 14 thường niên trở về, Lời Chúa mời mỗi tín hữu trở về với niềm tin thực tại, đó có phải là niềm tin đến từ trái tim và lòng mến, hay niềm tin đó đến từ những công thức, những nghi lễ, những mẫu mã bên ngoài, và Thiên Chúa tôi tin đang bị đóng khung trong bốn bức tường nhà thờ, hay Ngài đang hiện diện đó đây trên từng nẻo đường cuộc đời.
 
Khi bước vào sứ vụ tiên tri của mình, Ê-dê-ki-el một tiên tri lớn thời Cựu ước, đã mạnh dạn nói với cộng đoàn về thực trạng niềm tin của họ, một niềm tin chạy theo những hình thức, nghi lễ và cứng nhắc trong mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa: “Trong những ngày ấy, sau khi nói với tôi, Thần Linh nhập vào tôi, và đỡ tôi đứng dậy. Tôi nghe Người nói với tôi rằng: “Hỡi con người, Ta sai ngươi đến với con cái Israel, đến với dân nổi loạn phản nghịch Ta, chúng và cha ông chúng vi phạm giao ước của Ta cho đến ngày nay. Ta sai ngươi đến để nói với những con cái dầy mặt cứng lòng rằng: 'Chúa là Thiên Chúa phán như vậy”. Được chọn làm dân riêng của Thiên Chúa, dân Do-thái luôn được yêu thương, luôn được chăm sóc và luôn được bảo vệ, vậy mà, đã bao lần dân riêng đó đã quay lưng lại với Thiên Chúa, chạy theo những thói quen thực dụng của dân ngoại, do đó, họ bị cuốn vào mọi sinh hoạt tôn giáo của các thần ngoại bang. Thiên Chúa đã gởi các sứ giả của Ngài tới khuyên bảo, dạy dỗ và uốn nắn từng ngày, vậy mà họ vẫn chưa tỉnh ngộ. Các sinh hoạt tôn giáo của dân ngoại chỉ dừng lại nơi hình thức và nghi lễ, thiếu lòng mến và thiếu luôn chiều sâu nội tâm, đây là sự khác biệt giữa niềm tin vào Thiên Chúa và niềm tin vào các thần linh khác của dân Do-thái thời bấy giờ.
 
Khi bước vào hành trình của sứ vụ, thánh Phaolô thấy mọi công việc tốt đẹp, thành công, nếu không nói là nổi trội hơn các Tông đồ khác, trước những niềm vui đó, thánh nhân ý thức, đó không phải do tài năng, học thức, hay sức trẻ của mình, tất cả đến từ Thiên Chúa, đặc biệt là Chúa Thánh Thần, do đó, thánh nhân coi những thử thách, những thất bại là những chiếc dằm đâm vào thân mình để nhắc nhở đừng tự mãn, đừng kiêu căng tự phụ, tất cả là do Thiên Chúa thực hiện: “Anh em thân mến, để những mạc khải cao siêu không làm cho tôi tự cao tự đại, thì một cái dằm đâm vào thịt tôi, một thần sứ của Satan vả mặt tôi. Vì thế đã ba lần tôi van nài Chúa, để nó rời khỏi tôi. Nhưng Người phán với tôi rằng: “Ơn Ta đủ cho ngươi, vì sức mạnh của Ta được tỏ bày trong sự yếu đuối”. Vậy tôi rất vui sướng khoe mình về những sự yếu hèn của tôi, để sức mạnh của Ðức Kitô ngự trong tôi”. Thành công hay thất bại trong hành trình sứ vụ không dựa trên những tiêu chí của con người, của thế gian, tất thảy đến từ Thiên Chúa qua Chúa Thánh Thần. Để có thể suy nghĩ và hướng tất cả về một điểm, cần có một niềm tin trưởng thành, một lòng mến thủy chung và một sự khiêm tốn đủ. Cộng góp tất cả trong ân sủng của Thiên Chúa, mọi việc từ khởi sự tới hoàn tất đều có bàn tay Thiên Chúa hướng dẫn.

Chuyến trở về quê hương lần đầu của Đức Giêsu không có gì nổi bật ngoài sự thất bại. Nghe bài giảng, nghe những câu chuyện của Ngài hướng dẫn, cộng đoàn xem Ngài như một tiên tri lớn: “Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà và các môn đệ cùng theo Người. Ðến ngày Sabbat, Người vào giảng trong hội đường, và nhiều thính giả sửng sốt về giáo lý của Người, nên nói rằng: “Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy?Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?” Và họ vấp phạm vì Người”. Một lời đánh giá xem ra khách quan nhưng rất oan nghiệt cho người chứng nhân Tin mừng, tất cả chỉ vì gia đình nghèo, cha mẹ không có địa vị, tương quan với mọi người không có uy tín, thậm chí tiền bạc không có. Vì thế, Đức Giêsu như đọc được cách suy nghĩ đó và đã lên tiếng về nỗi niềm của bản thân Ngài nói riêng và của người chứng nhân Tin mừng: “Chúa Giêsu liền bảo họ: “Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình”. Chính thái độ giữ đạo và sống đạo hình thức của cộng đoàn trở thành yếu tố loại trừ Con Thiên Chúa ra khỏi tình liên đới cộng đoàn. Tất thảy chỉ vì gia đình của Ngài quá tầm thường, nghề nghiệp và địa vị của cha mẹ không có gì đáng quan tâm, bản thân Ngài cũng chẳng có gì xuất chúng. Có phải khi cá nhân có học vị, có địa vị, có tài năng, có tiền bạc, có uy tín trong tương quan ắt sẽ được trọng vọng, được đặt vào chỗ nhất, ngay cả trong sinh hoạt tôn giáo, còn không có những yếu tố đó, hãy chấp nhận một sự thật như Đức Giêsu đã nói.
 
Giữ đạo, sống đạo là chọn cho mình một con đường tâm linh, để khi đi trên con đường đó, người tín hữu làm nổi bật những giá trị của tôn giáo đó. Tín hữu Kitô giáo cũng vậy, chọn con đường Giêsu với những yêu sách từ bỏ chính mình, vác lấy thập giá cuộc đời, sống cho đời, sống cho người, chứ không được sống cho cái tôi và những tham vọng cá nhân. Có ý thức được như thế, người tín hữu mới can đảm loại trừ những hình thức sống đạo bao bì, mẫu mã ra khỏi tâm tình tôn giáo của mình, có chấp nhận những thương đau, những thiệt thòi, người tín hữu Kitô mới đủ niềm tin và lòng mến theo chân Thầy Chí Thánh tới đỉnh đồi Can-vê ngày nào.
 
Ơn gọi nào cũng là một huyền nhiệm, một bí tích do Đức Giêsu thiết lập, bước vào hành trình ơn gọi của mình, người Kitô hữu phải lấy Thiên Chúa là tâm điểm để quy chiếu mọi sinh hoạt cuộc sống, nơi mỗi bí tích, Thiên Chúa luôn ban đủ ơn cho con người để hoàn thiện bậc sống và nên thánh trong ơn gọi được chọn mời. Vì thế, đừng sống đạo theo mẫu mã, theo hình thức, công thức hay theo mô hình kinh tế thị trường là quảng cáo, là giới thiệu sản phẩm với màu sắc sặc sỡ nhưng chất lượng sản phẩm thì không đáng được trân trọng. Thiên Chúa đợi chờ nơi con người lòng nhân từ chứ Ngài không cần nhiều hy lễ. Hãy là những người Kitô hữu có niềm tin trưởng thành trong mỗi hoàn cảnh xã hội và thể chế hiện tại, để làm vinh danh Thiên Chúa chứ đừng bao giờ nuôi ý tưởng làm vinh danh cái tôi và bằng cấp, địa vị hiện tại của bản thân.
 
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã thất bại và bị coi thường khi trở về quê hương của mình, chỉ vì gia đình tầm thường, chỗ đứng của Ngài không có gì đáng quan tâm nơi cộng đoàn, xin Chúa ban thêm sự can đảm cho chúng con, để trong bất cứ cảnh ngộ nào, chúng con luôn là những Kitô hữu chính danh, là con người mang trong mình Chúa Kitô thực sự chứ không tin thờ Ngài bằng môi, bằng miệng, mà trong lòng chúng con không có Chúa, vắng bóng Chúa trong cuộc đời. Amen.

Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây