TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật XIV Thường Niên – Năm C

26/06/2022 12:40:01 |   1178

Chúa Nhật XIV Thường Niên – Năm C
 

cn 14TN C

Mc 6, 1-6

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

Chúa Nhật XIV Thường Niên – C

Dẫn vào thánh lễ

Anh chị em thân mến! Sợi chỉ đỏ xuyên suốt các bài đọc hôm nay là: Dù thế giới có bị tan nát, lưu đầy như số phận của dân Do Thái và thành thánh Giêrusalem trong bài đọc I, thì vẫn còn hi vọng. Bởi lời tiên báo cứu vớt của tiên tri Isaia. Lời này được thực hiện khi Chúa Giêsu sai các Tông Đồ và môn đệ đi rao giảng Nước Trời và bình an của Ngài.

Thánh Phaolô đã cảm nghiệm được hạnh phúc ấy nên nói: “Nhờ cây Thập Giá mà thế gian đã chịu đóng đinh cho tôi, và tôi đối với thế gian”. Mọi Kitô hữu cũng sẽ cảm nghiệm như thánh nhân, nếu hết lòng theo Chúa không chần chừ và tháo lui.

Trong Thánh lễ giờ đây, chúng ta cũng trao cho nhau bình an. Vâng, cần phải trầm tĩnh lại để thống hối về những bất hòa, xáo trộn, để lãnh nhận được bình an do Nhiệm Tích Thánh Thể mang lại cho chúng ta.

Ca nhập lễ

Hết thảy chư dân, hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa với tiếng reo vui.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã dủ lòng thương nhận chúng con làm nghĩa tử để chúng con trở thành con cái ánh sáng; xin đừng để chúng con sa vào cảnh tối tăm lầm lạc nhưng gìn giữ chúng con luôn rạng ngời ánh sáng chân lý Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Is 66, 10-14c

“Ðây Ta khiến sông bình an chảy vào nó”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Các ngươi hãy vui mừng với Giêrusalem, và hết thảy những ai yêu quý nó, hãy nhảy mừng vì nó. Hỡi các ngươi là những kẻ than khóc nó, hãy hân hoan vui mừng với nó, để các ngươi bú sữa no nê nơi vú an ủi của nó, để các ngươi sung sướng bú đầy sữa vinh quang của nó. Vì chưng Chúa phán thế này: “Ta sẽ làm cho sự bình an chảy đến nó như con sông, và vinh quang chư dân tràn tới như thác lũ. Các ngươi sẽ được bú sữa, được ẵm vào lòng và được nâng niu trên đầu gối. Ta sẽ vỗ về các ngươi như người mẹ nâng niu con, và tại Giêrusalem, các ngươi sẽ được an ủi. Các ngươi sẽ xem thấy, lòng các ngươi sẽ hân hoan, và các ngươi sẽ nẩy nở như hoa cỏ, và tôi tớ Chúa sẽ nhìn biết bàn tay của Chúa”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 65, 1-3a. 4-5. 6-7a. 16 và 20

Ðáp: Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa (c. 1).

Xướng: Toàn thể đất nước hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy ca ngợi vinh quang danh Người, hãy kính dâng Người lời khen ngợi hiển vinh. Hãy thưa cùng Thiên Chúa: kinh ngạc thay sự nghiệp Chúa. 

Xướng: Toàn thể đất nước thờ lạy và ca khen Ngài, ca khen danh thánh của Ngài. Hãy tới và nhìn coi sự nghiệp của Thiên Chúa, Người thi thố những chuyện kinh ngạc giữa con cái người ta! 

Xướng: Người biến bể khơi thành nơi khô cạn, người ta đã đi bộ tiến qua sông, bởi đó ta hãy hân hoan trong Chúa. Với quyền năng, Người thống trị tới muôn đời. 

Xướng: Phàm ai tôn sợ Chúa, hãy đến, hãy nghe tôi kể lại, Chúa đã làm cho linh hồn tôi những điều trọng đại biết bao! Chúc tụng Chúa là Ðấng không hất hủi lời tôi nguyện, và không rút lại lòng nhân hậu đối với tôi. 

Bài Ðọc II: Gl 6, 14-18

“Tôi mang trong mình tôi những dấu thánh của Chúa Giêsu”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.

Anh em thân mến, phần tôi, ước gì tôi đừng khoe mình về một điều gì khác, ngoại trừ về thập giá Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nhờ cây thập giá mà thế gian đã chịu đóng đinh cho tôi, và tôi cho thế gian. Vì chưng trong Ðức Kitô, có cắt bì hay không cũng chẳng có giá trị gì, điều quan trọng là trở nên một tạo vật mới. Nguyện chúc bình an và lòng thương xót đối với những ai rập theo quy tắc đó, và cho cả Israel của Thiên Chúa nữa. Từ nay trở đi, ước gì không ai làm phiền tôi nữa; vì tôi mang trong mình tôi dấu thánh của Chúa Giêsu.

Anh em thân mến, nguyện ân sủng của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ở cùng anh em! Amen.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy”. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 10, 1-9 {hoặc Lc 1-12. 17-20}

“Sự bằng yên của các con sẽ đến trên người ấy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa, và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người bảo các ông rằng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Ta sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giầy dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: ‘Bình an cho nhà này’. Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ.

“Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: ‘Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi’.

{“Khi vào thành nào mà người ta không tiếp đón các con, thì hãy ra giữa các phố chợ và nói: ‘Cả đến bụi đất thành các ngươi dính vào chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin phủi trả lại các ngươi. Nhưng các ngươi hãy biết rõ điều này: Nước Thiên Chúa đã đến gần’. Ta bảo các con, ngày ấy, thành Sôđôma sẽ được xử khoan dung hơn thành này”.

Bảy mươi hai ông trở về rất vui mừng và nói rằng: “Thưa Thầy, nhân danh Thầy thì cả ma quỷ cũng vâng phục chúng con”. Người bảo: “Ta đã thấy Satan từ trời sa xuống như luồng chớp. Này Ta đã ban cho các con quyền giày đạp rắn rít, bọ cạp, mọi quyền phép của kẻ thù, và không có gì có thể làm hại được các con. Dù vậy, các con chớ vui mừng vì các thần phải vâng phục các con, nhưng hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời”.}

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Trải qua bao thế hệ, tiếng Chúa vẫn luôn vang vọng trong tâm tư mỗi người. Ngài hằng kêu gọi chúng ta cộng tác vào chương trình loan báo Tin Mừng Cứu Độ của Thiên Chúa trên trần gian. Cùng với Mẹ Hội Thánh chúng ta dâng lời nguyện xin.

1. “Tôi tớ Chúa sẽ nhìn biết bàn tay của Chúa”– Xin cho các vị lãnh đạo dân Chúa lòng nhiệt thành rao giảng Nước Chúa, luôn phục vụ Lời Ngài như một tôi tớ trung thành, hầu dẫn đưa muôn dân tìm về với Chúa.

2. “Thầy sai các con đi như chiên con giữa sói rừng” – Xin cho người môn đệ Chúa hôm nay, biết dấn thân phục vụ Chúa và tha nhân, sẵn sàng đón nhận những gian truân thử thách trước mọi nghịch cảnh của thời đại, để đem tình yêu và bình an đến cho mọi người.

3. “Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi” – Xin khơi dậy trong tâm hồn các thanh thiếu niên lòng khát vọng rao truyền Chân Lý, giúp họ can đảm và quảng đại dấn thân phục vụ Nước Chúa, để thêm những tay thợ nhiệt thành trên cánh đồng truyền giáo.

4. “Các con hãy vui mừng, vì tên các con đã được ghi trên Trời” – Xin cho tất cả những ai đang gánh phần phục vụ trong các lãnh vực khác nhau trong giáo xứ chúng ta, luôn biết quên mình phục vụ cách vô vị lợi để giáo xứ thực sự là cộng đoàn hiệp nhất và yêu thương.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin cho chúng con sự bình an chân thực, phát sinh bởi đời sống chan hòa tình mến Chúa và yêu người, biết tích cực tham dự vào mầu nhiệm Thập Giá trong từng giây phút cuộc sông, để mãi mãi giữ được nét trinh trong của con người mới, chúng con sẽ trở nên lời ca ngợi tình thương Chúa đến muôn đời. Chúng con cầu xin…

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, Chúa dùng các bí tích để ban phát ơn cứu độ; xin cho cộng đoàn chúng con biết cử hành lễ tế thờ phượng này với tinh thần phục vụ của Ðức Kitô. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Ca hiệp lễ

Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể con người tôi hãy chúc tụng thánh danh Người.

Hoặc đọc:

Chúa nguyện rằng: Lạy Cha, Con cầu xin cho chúng, để chúng nên một như Ta, hầu thế gian tin rằng Cha đã sai Con.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chúng con vừa dâng lễ tạ ơn và đã được rước Mình và Máu Con Chúa là nguồn mạch sức sống dồi dào; xin cho chúng con hằng gắn bó cùng Chúa để sinh hoa quả tồn tại đến muôn đời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Bình an của Chúa

Ngày kia có một người đậu xe bên lề đường, rồi vào trong một cửa hàng để mua sắm mấy thứ cần thiết, khi quay trở ra thì thấy trên ghế ngồi có một mẩu giấy với hàng chữ: Thưa ông, tôi đã tính ăn cắp chiếc xe hơi này, nhưng tình cờ đọc thấy lời cầu phúc “Bình an cho quý bạn”, được dán trên tấm kính. Lời cầu chúc này khiến tôi dừng lại và suy nghĩ. Tôi tin chắc nếu tôi ăn cắp chiếc xe này, thì hẳn ông sẽ không còn được bình an và chính tôi cũng vậy. Vì đây là lần đầu tiên tôi ra nghề. Tôi cũng cầu chúc bình an cho ông và cho cả tôi nữa.

Câu chuyện ngộ nghĩnh trên đây khiến chúng ta nhớ tới lời Chúa qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay: Khi vào bất cứ nhà nào, trước tiên các con hãy nói: Bình an cho nhà này. Nếu ở đó có người yêu chuộng sự bình an, thì sự bình an sẽ ở lại trên người ấy, bằng không sự bình an sẽ trở lại với các con.

Áp dụng lời phán dạy này và câu chuyện trên, chúng ta thấy rằng: Tấm bảng gắn trên kính xe đã đem lại sự bình an của Đức Kitô cho kẻ đang dự tính ăn cắp xe. Kẻ ăn trộm này là người yêu chuộng sự bình an của Đức Kitô, nên sự bình an đã ở lại trên anh ta. Vậy đâu là sự bình an của Đức Kitô?

Kinh Thánh thường dùng danh từ bình an với bốn ý nghĩa. Ý nghĩa thứ nhất, trên bình diện quân sự thì bình an ám chỉ một tình trạng không có chiến tranh giữa các dân tộc. Ý nghĩa thứ hai trên bình diện cá nhân, thì bình an ám chỉ tình trạng yên ổn của từng người. Ý nghĩa thứ ba trên bình diện tôn giáo, thì bình an là mối liên hệ tình nghĩa tốt đẹp giữa Thiên Chúa và chúng ta. Cuối cùng, bình an còn được Kinh Thánh dùng để nói lên tình trạng trong đó mọi người trên mặt đất sống hoà thuận với Chúa, với người khác và với chính bản thân.

Đây là sự bình an mà Chúa nói đến khi Ngài tuyên bố: Ta để lại sự bình an cho các con, Ta ban sự bình an của Ta cho các con. Đây cũng chính là sự bình an mà các thiên thần đã cầu chúc trong đêm Giáng sinh: vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm. Sự bình an này chẳng la gì khác ngoài việc thực thi Nước Chúa trên trần gian. Để thực hiện sự bình an này, Đức Kitô đã xuống thế làm người để hoà giải con người với Thiên Chúa cũng như hoà giải con người với nhau. Bởi vì sự bình an đích thực phải là kết quả của sự hoà giải.

Như thế, để có được sự bình an của Chúa, chúng ta cũng phải sống tinh thần hoà giải. Có được sự bình an trong tâm hồn mà thôi chưa đủ, Đức Kitô còn muốn chúng ta mang sự bình an này đến cho những người chung quanh chúng ta. Chính vì thế mà chúng ta hãy cầu nguyện như lời kinh của thánh Phanxicô Assie: Lạy Chúa, xin hãy biến con thành khí cụ bình an của Chúa, để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm. Bởi vì như lời Chúa đã phán: Phúc cho ai xây dựng hoà bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
 

Chúa Nhật 14C Thường Niên – 2001
(Lc. 10:1-12; 17-20) Lm Lã Mộng Thường

Hai lần nơi bài Phúc Âm vừa được công bố, Đức Giêsu nhấn mạnh mục đích Ngài sai bẩy mươi hai môn đồ đi đến các thành Ngài có ý định sẽ tới. Ngài căn dặn họ, dù được đón tiếp hay không họ đều phải nói cho dân chúng biết “Nước Thiên Chúa đã gần đến”. Nếu đem so sánh với những câu Phúc Âm khác, lời tuyên bố “Nước Thiên Chúa đã gần đến” hình như đã bị dịch không được sát nghĩa vì khi được hỏi chừng nào Nước Thiên Chúa đến, Đức Giêsu đã rõ ràng trả lời, “Nước Thiên Chúa không đến một cách nhãn tiền, và người ta sẽ không nói được này nước trời ở đây hay nước trời ở kia; vì này, Nước Thiên Chúa ở giữa các ông”. Tuy nhiên, ngay nơi đầu bài Phúc Âm, Đức Giêsu giải thích thân phận những người được sai đi rao giảng Tin Mừng, “Này Ta sai các con như chiên ở giữa sói rừng”. Phúc Âm Matthêu thêm lời căn dặn, “Hãy ở khôn như con rắn và chân thực như chim câu” (Mt. 10:16). Lý do gì đã khiến các môn đồ ra đi rao giảng Tin Mừng lại mang thân phận như chiên ở giữa đàn sói? Và đồng thời tại sao khi các môn đồ trở về trình bày những sự việc cả thể họ đã thực hiện, Đức Giêsu phải giải thích, “Các con chớ vui mừng vì các thần phải vâng phục các con nhưng hãy vui mừng vì tên các con được ghi trên trời?” Đọc Phúc Âm chúng ta biết mục đích mà Đức Giêsu được sai đến chỉ là rao giảng Tin Mừng Nước Trời (Lc. 4:43). Lời công bố đầu tiên nơi cuộc đời rao giảng của Ngài chỉ là, “Thời buổi đã mãn và Nước Thiên Chúa đã gần bên! Hãy hối cải và tin vào Tin Mừng” (Mc. 1:15). Nơi Phúc Âm Matthêu Ngài căn dặn, “Khi người ta nộp các ngươi thì các ngươi đừng lo phải nói làm sao hay nói gì vì ngay giờ đó sẽ cho các ngươi biết phảinói gì, vì không phải các ngươi nói mà là Thần Khí của Cha các ngươi sẽ nói trong các ngươi” (Mt. 10:19). Thần Khí của Thiên Chúa chính là Thiên Chúa. Thần Khí Thiên Chúa nói trong chúng ta có nghĩa chính Thiên Chúa nói trong chúng ta. Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, Thiên Chúa là quyền lực sự sống nơi chúng ta, quyền lực hiện hữu nơi mọi loài mọi vật.  

Như thế, Nước Thiên Chúa là chính Ngài vì không có nơi nào mà Ngài không hiện hữu. Do đó, Tin Mừng Nước Trời, Nước Trời đã gần bên có nghĩa Thiên Chúa ở cùng chúng ta; Thiên Chúa ngự trị và hoạt động nơi mỗi người. Chẳng những con người của hai ngàn năm trước khi Đức Giêsu rao giảng Tin Mừng nơi đất Do Thái mà ngay cả ngày nay, chúng ta vẫn không dám chấp nhận những lời rao giảng của Ngài.

Ngày xưa, người ta đã kết án Ngài là phạm thượng cũng chỉ vì Ngài nói cho họ biết Ngài hay mọi người là con Thiên Chúa. Ngày nay chúng ta tuyên xưng mình là con Thiên Chúa nhưng vẫn chưa dám chấp nhận thực thể Tin Mừng do Ngài rao giảng. Ngày xưa chính những bà con thân thuộc của Ngài cũng đã cho rằng Ngài bị mất trí, và người thời đó đã nhân danh Thiên Chúa để giết Ngài; ngày nay chúng ta dẫu tuyên xưng tin nơi Ngài, tin nơi Thiên Chúa nhưng coi thường những lời Ngài rao giảng được ghi lại nơi Phúc Âm. Tệ hơn nữa, nếu có ai dám tìm tòi, suy luận về Phúc Âm và nói lên những lời không thuận với quan niệm tưởng tượng của chúng ta về Thiên Chúa, chúng ta đã vội lên án dầu chưa kịp suy nghĩ xem lời của họ nói có lý, có hợp Phúc Âm hay không. Chúng ta khinh thường Lời Chúa; cho dù mua Kinh Thánh để ở nhà nhưng không đọc, mà có chăng chỉ dùng Kinh Thánh để trang sức cho có vẻ con nhà có đạo. Tự suy nghĩ chúng ta thừa hiểu lý do tại sao Đức Giêsu đã căn dặn các môn đồ rằng họ được sai đi như chiên giữa đàn sói. Bất cứ ai dám suy nghiệm những lời giảng dạy của Đức Giêsu nơi Phúc Âm, đều bị người khác kết án, bởi những lời dạy này đã thức tỉnh họ nhận được bộ mặt thật mà họ muốn che dấu. Chúng ta nôn nao, háo hức, chiêm ngưỡng những sự lạ được coi là cả thể đây đó nhưng không để ý sự lạ cả thể Đức Giêsu đã nói đang xảy ra nơi chính mình. Lật Phúc Âm, chúng ta sẽ đọc được câu, “Quả thật Ta bảo các ngươi, kẻ nào bảo núi này, xê đi mà nhào xuống biển mà trong lòng không nghi ngại, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra thì nó sẽ thấy thành sự” (Mc. 11:23). Quyền lực của Thiên Chúa ở ngay nơi mỗi người nhưng chúng ta đã không suy gẫm Phúc Âm nên không nhận biết do đó đã không thể nào xử dụng được. Ai cũng mang sự hiện hữu; ai cũng có sự sống. Thiên Chúa là quyền lực hiện hữu nơi mỗi người, mọi sự, mọi loài; Thiên Chúa cũng là quyền lực sự sống nơi mỗi người.

Như vậy, đức tin chính là quyền lực của Thiên Chúa nơi mỗi người chúng ta. Nếu ai suy nghiệm Phúc Âm sẽ nhận thực được quyền lực này nơi mình. Tuy nhiên, nếu không suy nghiệm Phúc Âm chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ có thể nghiệm chứng được Tin Mừng Nước Trời, và tất nhiên cũng không thể biết được đức tin là gì. Amen.

Chúa nhật tuần lễ thứ 14 thường niên
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 10, 1-9).

Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa, và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người bảo các ông rằng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Ta sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giầy dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: 'Bình an cho nhà này'. Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ.

“Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: 'Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi'.

Suy niệm

Bước vào ngôi nhà của nhân loại, Con Thiên Chúa làm người trở nên một người bạn của con người, một người anh của một đàn em đông đúc. Thiên Chúa từng ngày làm sống lại tình người trong cộng đoàn, trong gia đình thế giới. Cũng trong ngôi nhà đó, Đức Giêsu còn mời gọi con người cộng tác với Ngài, để hoàn tất chương trình của Thiên Chúa Cha đã hứa với con người sau khi nguyên tổ phạm tội. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ 14 thường niên mở ra cho chúng ta thấy ngay từ thưở ban đầu, Thiên Chúa đã dành cho con người một sự ưu ái đặc biệt, khi người được mời quảng đại đáp lại tiếng mời gọi của Ngài. Thiên Chúa không hành động một mình trong chương trình cứu độ, Ngài mời con người đi vào quỹ đạo tình yêu đó bằng cách đáp trả từng lời mời, tùy theo mỗi người trong từng hoàn cảnh và ơn gọi khác nhau.

Tác giả sách tiên tri I-sa-i-a đã diễn tả niềm vui của thành Giê-ru-sa-lem là nơi Thiên Chúa ở giữa dân người. Thành Giê-ru-sa-lem là biểu tượng tôn giáo và cũng là biểu tượng tâm hồn mỗi người dân riêng của Thiên Chúa. Ngài rất vui thích hiện diện với con người khi con người mở tâm hồn và vòng tay đón tiếp, dành chỗ nhất cho Ngài: “Vì chưng Chúa phán thế này: “Ta sẽ làm cho sự bình an chảy đến nó như con sông, và vinh quang chư dân tràn tới như thác lũ. Các ngươi sẽ được bú sữa, được ẵm vào lòng và được nâng niu trên đầu gối. Ta sẽ vỗ về các ngươi như người mẹ nâng niu con, và tại Giêrusalem, các ngươi sẽ được an ủi. Các ngươi sẽ xem thấy, lòng các ngươi sẽ hân hoan, và các ngươi sẽ nẩy nở như hoa cỏ, và tôi tớ Chúa sẽ nhìn biết bàn tay của Chúa”. Thiên Chúa sẽ chúc phúc, tuôn đổ xuống cho con người gấp bội phần những gì con người mong đợi và cầu xin, bởi khi con người rộng rãi với Thiên Chúa, thì Ngài không bao giờ chấp nhận để thua sự quảng đại của con người. Ai đáp lại tình yêu Thiên Chúa, người ấy sẽ được ở trong nhà của Ngài, được Ngài nâng niu, vỗ về, được Ngài chăm sóc và bảo vệ mỗi ngày.

Trong bài đọc 2, chúng ta nghe những tâm tình của một người môn đệ của Thiên Chúa, người ấy còn có tên gọi khác là vị Tông đồ dân ngoại, đó là thánh Phaolô. Ngài đã trải lòng mình khi được gọi là môn đệ của Đức Giêsu: “Anh em thân mến, phần tôi, ước gì tôi đừng khoe mình về một điều gì khác, ngoại trừ về thập giá Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nhờ cây thập giá mà thế gian đã chịu đóng đinh cho tôi, và tôi cho thế gian”. Tự hào về thập giá Đức Giêsu là một lời tự sự, từ nay tôi trở thành môn đệ của Ngài, trở thành người đi trên con đường khổ nạn với Thầy, con đường có tên gọi là Giêsu. Niềm tự hào người môn đệ nên hướng đến là được chia sẻ với Thầy trong mầu nhiệm khổ nạn, để cùng Thầy sống lại trong niềm vui Thánh Thần. Những gì thuộc về lề luật không làm nên một người môn đệ đích thực, chỉ có thập giá của Thầy Chí Thánh, chỉ có những ai can đảm thay đổi chính mình, trở nên một tạo vật mới, người đó mới thực sự là môn đệ của Đức Giêsu: “Vì chưng trong Ðức Kitô, có cắt bì hay không cũng chẳng có giá trị gì, điều quan trọng là trở nên một tạo vật mới. Nguyện chúc bình an và lòng thương xót đối với những ai rập theo quy tắc đó, và cho cả Israel của Thiên Chúa nữa”.

Trở thành môn đệ của Đức Giêsu là chấp nhận tái sinh, chấp nhận đóng đinh chính mình vào thập giá của Thầy mình. Người môn đệ sống chết với Thầy như thế, sẽ là những chiếc cầu nối dài ơn cứu độ cho thế giới, cho tha nhân. Đó là tâm tình của những người được Đức Giêsu chọn thêm, để cộng tác với Ngài trong việc loan báo triều đại Nước Thiên Chúa: “Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa, và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người bảo các ông rằng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Ta sai các con như con chiên ở giữa sói rừng”. Bước vào trần gian với sứ mạng cứu độ con người, Đức Giêsu không hành động một mình, trước hết, Ngài chọn 12 người gọi là Tông đồ, những con người này mang sứ vụ đặc biệt, như là cột trụ của gia đình thiêng liêng sau này. Tiếp đó, Ngài chọn thêm những người khác, họ được gọi là môn đệ, với những sứ vụ, những trọng trách khác các Tông đồ. Các Tông đồ hay các môn đệ này, có những yếu tố chung đó là được chính Đức Giêsu chọn gọi, họ đã đi theo Thầy bấy lâu nay, họ đã sống bên cạnh Thầy và được Thầy hướng dẫn cho sứ vụ tương lai. Nay họ được chọn thêm và được sai đi trước để dọn đường cho triều đại Nước Thiên Chúa đến.

Thánh Giám mục Au-gus-ti-no đã nói: “vì anh em, tôi là Giám mục, cùng với anh em, tôi là Kitô hữu”. Thiên Chúa chọn gọi mỗi người vào một vị trí khác nhau, vào mỗi công việc khác nhau, nhưng tất cả đều là những người thợ trên cánh đồng truyền giáo của Ngài. Họ được gởi tới những trách vụ khác nhau: người được gọi làm Giám mục, người được gọi làm Linh mục, người được gọi làm Tu sĩ, người được gọi làm một nhà truyền giáo, người được mời gọi làm Cha, làm Mẹ trong các gia đình, tất cả cùng cộng tác, cùng liên đới với nhau để tạo nên một vườn hoa thiêng liêng nhiều sắc màu rực rỡ, để chuẩn bị cho Nước Thiên Chúa ngự trị giữa lòng thế giới.

Được mời, được gọi, được chọn, con người được Thiên Chúa lưu tâm và ưu ái, để rồi con người phải ý thức ơn gọi cao cả của chính mình, bởi ơn gọi đó đến từ Thiên Chúa chứ không phải do con người. Thiên chức Linh mục nhất phẩm hay Linh mục nhị phẩm, đều là những người sát cánh với Thiên Chúa, để chăm sóc, để nuôi dưỡng và hướng dẫn các linh hồn, các con chiên trong đoàn chiên của Thiên Chúa. Sứ vụ là thế, nhưng khi con người thực thi sứ vụ đó cần phải lắng nghe và thấu hiểu sự mong đợi của Thiên Chúa trong sứ vụ đó. Có hiểu được ý nghĩa thánh thiêng của sứ vụ, con người mới đủ can đảm bảo vệ sự thánh thiêng của thiên chức, không thể coi thiên chức này là một tác vụ, bởi sứ vụ đó đến từ Thiên Chúa, chứ không đến từ con người. Ơn gọi Tu sĩ hay một nhà truyền giáo cũng vậy, lời sai đi chỉ đánh dấu khởi đầu cho sứ vụ đó, còn bước vào môi trường, hoàn cảnh được gởi đến, con người sẽ sống sứ vụ như thế nào, sẽ đặt Thiên Chúa vào chỗ nào để phục vụ, để xây dựng cộng đoàn thiêng liêng của Thiên Chúa là Giáo hội.

Còn ơn gọi hôn nhân gia đình chỉ là một quy luật theo tính tự nhiên thôi sao. Nếu tìm hiểu kỹ lưỡng về giáo lý của bí tích hôn phối, hình ảnh của sự thánh thiêng trong ơn gọi này sẽ vô cùng cao quý trước mặt Thiên Chúa. Con người được cộng tác với Thiên Chúa để hoàn tất chương trình tạo dựng và chương trình cứu độ, đó là mục đích của ơn gọi hôn nhân, vì thế, để cùng nhau chu toàn trọng trách lớn lao đó, Thiên Chúa đòi hỏi con người phải chung thủy với nhau, phải là một cuộc hôn nhân bất khả phân ly, là một tổ ấm chỉ có một người nam và một người nữ sống bên cạnh nhau. Thiên Chúa thiết định lề lối cho ơn gọi hôn nhân là thế, nhưng con người đang tục hóa dần những giá trị thánh thiêng đó, bằng những bản hợp đồng hôn nhân. Tiếc thay, con người đang đánh mất ý nghĩa thiêng liêng của ơn gọi hôn nhân, đánh mất ý nghĩa của sứ vụ đặc biệt này.

Thiên Chúa chọn gọi các Tông đồ, trao cho các ông những trách vụ lớn lao, dù họ chỉ là những con người tầm thường. Các ông đã cố gắng vượt qua những trở ngại, vượt qua những rào cản của tình cảm, của sự nghiệp, của tham vọng, để trở thành những con người không có nơi gối đầu, đi tới đâu đều là nhà của mình. Họ đã đi hết hành trình đó trong niềm tin và phó thác. Không dừng lại nơi các Tông đồ, Thiên Chúa còn chọn thêm nhiều môn đệ nữa, để sai các ông đến những nơi Ngài sẽ đến, đó là các gia đình, đó là các dân tộc, đó là mọi tâm hồn. Tất cả mọi người đều được trao cho những sứ vụ khác nhau, tùy theo khả năng, điều kiện và hoàn cảnh. Và hôm nay, lời mời gọi đó vẫn được gởi đến cho từng người, ai sẽ đáp lại và ai sẽ chối từ, Thiên Chúa không thích sự biện minh của con người trước lời mời của Ngài, Ngài chỉ mong nơi con người một tấm lòng, còn tất cả Ngài sẽ định liệu và hướng dẫn. Không biết con người có đủ can đảm để thi thố lòng quảng đại của mình với tình yêu Thiên Chúa dành cho mỗi người ra sao, Ngài vẫn đợi chờ con người đáp trả từng ngày.

Lạy Chúa Giêsu, vì yêu thương, Thiên Chúa cho con người cộng tác với Ngài cách này cách khác, để đem niềm vui cứu độ đến cho mọi người, xin cho chúng con hiểu được ý nghĩa thánh thiêng từ lời mời đó, để đáp trả trong sự khiêm tốn, để cộng tác trong niềm hạnh phúc và để dấn thân trong sự cố gắng. Chúa luôn thao thức về những con chiên lạc chưa trở về với đàn chiên của Chúa, xin cho chúng con cố gắng vượt qua những thách đố trong thế giới thực dụng này, để cùng với Chúa Thánh Thần, quy tụ tất cả về cùng một đàn chiên dưới sự hướng dẫn của người mục tử nhân lành là Đức Giêsu Kitô. Amen.


ƠN AN BÌNH
(Chúa Nhật XIV TN C) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột 

“Ôi Thần Linh thân ái, xin mở rộng lòng con. Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí, ơn an bình”. Lời ca Kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô Axidi như đã ghi tạc vào lòng Kitô hữu Việt Nam chúng ta. Ơn bình an là một ơn trong những mà Kitô hữu thương khát mong. Và sự khát mong ấy được thể hiện qua các ý lễ của tín hữu Công giáo thường xin dâng Lễ.

Một linh mục bạn tôi dí dỏm rằng lần kia ngài đi cử hành Bí tích Xức Dầu bệnh nhân cho vợ của một người giáo dân trung niên trong xứ. Xức dầu xong, vừa về, chưa kịp vào nhà xứ, bỗng thấy anh trung niên ấy “hớn hở” chạy theo, trên tay cầm một phong thư, lắp bắp: “Thưa cha, cho con xin lễ, xin tạ ơn”. “Gì vậy anh, chị nhà khỏe lại hả?” “Thưa cha, nhà con đi rồi”. Tôi bèn phụ họa. Không bằng chuyện xứ mình. Cũng một lần nọ đi “xức dầu” cho vợ một trung niên về. Lát sau đó anh ta đến nhà xứ, tay cũng cầm phong bì xin lễ. “Sao đó, chị nhà khỏe lại rồi chứ?” “Thưa cha, nhà con khỏe lại rồi. Còn ăn uống và nói chuyện nữa chứ”. “Xin Lễ hả. Xin tạ ơn chứ gì?” “Thưa cha không. Xin cha dâng Lễ cầu bình an”.

Hẳn nhiên câu chuyện sau là chuyện không có thật. Nhưng cảnh đời giữa người với người cũng có thể có thật. Tha nhân cũng có thể là “hỏa ngục” hay là “sói dữ” như cách nói của triết gia Jean Paul Sartre.

Được bình an hay có nền hòa bình là một trong những khát mong cháy bỏng của con người xưa lẫn nay. Trước đây khái niệm bình an hay hòa bình vốn thường được hiểu theo nghĩa là không có những sự tiêu cực, xấu xa. Chẳng hạn như hòa bình là tình trạng không có chiến tranh. Bình an là tình trạng không gặp phải những điều khó khăn, bất trắc như tai ương, hoạn nạn… Ngày nay người ta quan niệm sự bình an hay hòa bình theo chiều kích tích cực hơn. Đó là tình trạng hài hòa trong các mối tương quan giữa người với người, giữa tập thể với tập thể, giữa người với môi trường sống, với vũ trụ vạn vật…

Thánh Kinh cho chúng cái nhìn sâu xa hơn về sự bình an. Ngôn sứ Isaia vẽ nên quang canh an bình như sau: “Này Ta tuôn đổ xuống thành Giêrusalem ơn thái bình tựa dòng sông cả, và Ta khiến của cải chư dân chảy về tràn lan như thác vỡ bờ. Các ngươi sẽ được nuôi bằng sữa mẹ, được bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối. Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy.” (Is 66,12-13). Khi sai bảy mươi hai môn đệ ra đi gieo rắc ơn an bình thì Chúa Giêsu đã truyền lệnh các ngài “đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép”. Sự bình an đích thực không hệ tại ở vật chất đủ đầy. Cha ông chúng ta đã từng cảm nghiệm “đa phú, đa ưu”. Tiền của càng chồng chất thì nỗi lo càng thêm nhiều. Chức cao, quyền trọng cũng không phải là những cái đem lại sự an bình. Thuyền to thì sóng lớn. Đây là một thực tế khá phổ biến mà ít ai tranh biện.

Sự bình an đích thực là tình trạng cảm nhận mình được yêu thương. Đó là tình trạng được sống trong tình yêu, cảm nhận mình được yêu thương vượt quá sự xứng đáng của mình, từ đó thúc đẩy mình nỗ lực sống yêu thương với một tình yêu vượt quá tình cảm tự nhiên thường tình. Người có sự bình an, khi được tha nhân đón nhận thì tự nhiên ở lại với họ, tự nhiên “dùng những gì người ta dọn cho”, nếu người ta không tiếp đón thì ra đi. Nhưng khi ra đi họ không quên rao truyền chân lý là “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”.

Sự bình an đích thực cũng không hệ tại ở những thành công, thành quả gặt hái được, cho dù đó là sự khuất phục của Satan. Các hiền nhân xưa đã từng chỉ dạy rằng điều quan trọng không phải ở chỗ thành công mà là thành nhân. Người có được ơn an bình là người xác tín mình được Thiên Chúa đoái thương nhận làm nghĩa tử. “Anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời” (Lc 10,20).

Không ai có thể trao ban điều mình không có. Để trao ban sự an bình cho tha nhân, để xây dựng hòa bình cho thế gian, chúng ta cần phải có sự bình an đích thực tận đáy tâm hồn. Để được điều này, thiết tưởng chúng ta cần noi gương thánh Tông Đồ dân ngoại, ngước nhìn, chiêm ngắm thập  giá Chúa Kitô. “Thưa anh em, ước gì tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian” (Gl 6,14). Chiêm ngắm thập giá Chúa Kitô để luôn xác tín rằng: “Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,38-39).

Khi đã có sự an bình đích thực thì chúng ta sẽ được thôi thúc trao ban nó cho tha nhân. Trong tình yêu chính khi trao ban là lúc lãnh nhận, càng trao ban thì càng được đón nhận lại nhiều lần hơn. “Phúc cho ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được goi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9).

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây