TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật XIX Thường Niên –Năm C

31/07/2022 09:17:46 |   1000

Chúa Nhật XIX Thường Niên –Năm C
 

cn19TN C

Lc 12,32-48

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XIX Thường Niên –Năm C

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Theo tác giả thư gửi tín hữu Do Thái, đức tin có thể làm nên những điều kỳ diệu, lòng tin tạo cho ta niềm hi vọng. Hy vọng hướng chúng ta về tương lai, về những điều chúng ta chưa thấy, nhưng sẽ đến. Người chúng ta tin tưởng càng cao cả, điều chúng ta tin tưởng càng lớn lao, thì niềm hi vọng của chúng ta càng nhiều, càng mãnh liệt.

Ông Abraham đặt niềm tin vào Thiên Chúa, vào những điều Thiên Chúa đã hứa. Trong đoạn Tin Mừng theo Thánh Luca hôm nay, Chúa Giêsu dạy hãy tỉnh thức, hãy đề cao cảnh giác, đừng để mình bị ru ngủ.

Giờ đây Chúa đến với chúng ta trong Thánh Lễ này và Ngài dẫn ta vào Bàn Tiệc Thánh Thể, hầu khai mở cho ta niềm hạnh phúc vĩnh cửu trên quê trời. Vậy chúng ta hãy gạt ra khỏi tâm hồn những giao động bất chính bằng trầm lặng ăn năn.

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin Chúa nhìn lại lời minh ước, và xin đừng nỡ lãng quên đời sống con người cơ khổ. Lạy Chúa, xin Chúa đứng lên xét xử, và xin đừng quên lãng những ai tìm kiếm Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con đã được phúc gọi Chúa là Cha; xin cho chúng con ngày càng thêm lòng hiếu thảo, hầu đáng được hưởng gia nghiệp Chúa hứa ban. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Kn 18, 6-9

“Như Chúa đã làm hại đối thủ thế nào, Chúa cũng đã làm cho chúng tôi được vẻ vang như vậy”.

Trích sách Khôn Ngoan.

Chính đêm ấy, cha ông chúng ta đã biết trước, để biết chắc mình đã tin tưởng vào lời thề nào mà được can đảm. Dân Chúa đã mong đợi sự giải thoát những người công chính và sự tiêu diệt kẻ thù. Vì như Chúa đã làm hại đối thủ thế nào, Chúa cũng kêu gọi để làm cho chúng tôi được vẻ vang như vậy.

Vì những con cái thánh thiện của các tổ phụ tốt lành đã lén lút tế lễ, và đồng tâm thiết lập luật thánh thiện, ấn định rằng những người công chính sẽ đồng hưởng vinh nhục, may rủi đều nhau; như vậy là họ đã xướng lên trước bài ca tụng của các tổ phụ.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 32, 1 và 12. 18-19. 20 và 22

Ðáp: Phúc thay dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình (c. 12b).

Xướng: Người hiền đức, hãy hân hoan trong Chúa; ca ngợi là việc của những kẻ lòng ngay. Phúc thay quốc gia mà Chúa là chúa tể, dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình.

Xướng: Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Ngài, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Ngài, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn. 

Xướng: Linh hồn chúng con mong đợi Chúa, chính Ngài là Ðấng phù trợ và che chở chúng con. Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài. 

Bài Ðọc II: Dt 11, 1-2, 8-19

“Ông mong đợi thành trì có nền móng mà Thiên Chúa là kiến trúc sư và là Ðấng sáng lập”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, đức tin là cốt yếu những thực tại người ta mong đợi, là bằng chứng điều bí ẩn. Vì nhờ đức tin mà các tiền nhân đã nhận được bằng chứng tốt.

Nhờ đức tin, Abraham đáp lại tiếng Chúa gọi, để ra đi đến xứ ông sẽ được lãnh làm gia nghiệp, và ông ra đi mà không biết mình đi đâu. Nhờ đức tin, ông đến cư ngụ trong đất Chúa hứa, như trong đất khách quê người, sống trong lều trại, cũng như Isaac và Giacóp, những kẻ đồng thừa tự cùng một lời hứa. Vì chưng, ông mong đợi thành trì có nền móng mà Thiên Chúa là kiến trúc sư và là Ðấng sáng lập.

Nhờ đức tin mà ngay cả bà Sara son sẻ được sức mang thai, mặc dầu bà đã già, bởi vì bà tin rằng Ðấng đã hứa sẽ trung tín giữ lời. Vì thế, do tự một người, mặc dầu người đó như chết rồi, mà có một dòng dõi đông đúc vô số như sao trên trời và như cát bãi biển.

Chính trong đức tin mà tất cả những kẻ ấy đã chết trước khi nhận lãnh điều đã hứa, nhưng được nhìn thấy và đón chào từ đàng xa, đồng thời thú nhận rằng mình là lữ khách trên mặt đất. Những ai nói những lời như thế, chứng tỏ rằng mình đang đi tìm quê hương. Giá như họ còn nhớ đến quê hương dưới đất mà họ đã lìa bỏ, chắc họ có đủ thời giờ trở về. Nhưng hiện giờ họ ước mong một quê hương hoàn hảo hơn, tức là quê trời. Vì thế, Thiên Chúa không ngại để họ gọi mình là Thiên Chúa của họ, vì Người đã dọn sẵn cho họ một thành trì.

Nhờ đức tin, khi bị thử lòng, Abraham đã dâng Isaac. Ông hiến dâng con một mình, ông là người nhận lãnh lời hứa, là người đã được phán bảo lời này: “Chính nơi Isaac mà có một dòng dõi mang tên ngươi”. Vì ông nghĩ rằng Thiên Chúa có quyền làm cho kẻ chết sống lại, do đó, ông đã đón nhận con ông như một hình ảnh.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc bài vắn này: Dt 11, 1-2, 8-12

“Ông mong đợi thành trì có nền móng mà Thiên Chúa là kiến trúc sư và là Ðấng sáng lập”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, đức tin là cốt yếu những thực tại người ta mong đợi, là bằng chứng điều bí ẩn. Vì nhờ đức tin mà các tiền nhân đã nhận được bằng chứng tốt.

Nhờ đức tin, Abraham đáp lại tiếng Chúa gọi, để ra đi đến xứ ông sẽ được lãnh làm gia nghiệp, và ông ra đi mà không biết mình đi đâu. Nhờ đức tin, ông đến cư ngụ trong đất Chúa hứa, như trong đất khách quê người, sống trong lều trại, cũng như Isaac và Giacóp, những kẻ đồng thừa tự cùng một lời hứa. Vì chưng, ông mong đợi thành trì có nền móng mà Thiên Chúa là kiến trúc sư và là Ðấng sáng lập.

Nhờ đức tin mà ngay cả bà Sara son sẻ được sức mang thai, mặc dầu bà đã già, bởi vì bà tin rằng Ðấng đã hứa sẽ trung tín giữ lời. Vì thế, do tự một người, mặc dầu người đó như chết rồi, mà có một dòng dõi đông đúc vô số như sao trên trời và như cát bãi biển.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống: không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 12, 32-48

“Các con hãy sẵn sàng”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Hỡi đoàn bé nhỏ, các con đừng sợ, vì Cha các con đã vui lòng ban nước trời cho các con. Các con hãy bán những của các con có mà bố thí. Hãy sắm cho các con những túi không hư nát, và kho tàng không hao mòn trên trời, là nơi trộm cướp không lai vãng và mối mọt không làm hư nát. Vì kho tàng các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó.

“Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức: Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt lưng, đặt chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng. Nếu canh hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ ấy. Các con hãy hiểu biết điều này là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức, không để nó đào ngạch nhà mình. Cho nên các con hãy sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến”.

Phêrô thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy nói dụ ngôn đó chỉ về chúng con hay về mọi người?” Chúa phán: “Vậy con nghĩ ai là người quản lý trung tín khôn ngoan mà chủ đã đặt coi sóc gia nhân mình, để đến giờ phân phát phần lúa thóc cho họ? Phúc cho đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người đó trông coi tất cả gia sản mình. Nhưng nếu đầy tớ ấy nghĩ trong lòng rằng: “Chủ tôi về muộn”, nên đánh đập tớ trai tớ gái, ăn uống say sưa: chủ người đầy tớ ấy sẽ về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, chủ sẽ loại trừ nó, và bắt nó chung số phận với những kẻ bất trung. Nhưng đầy tớ nào đã biết ý chủ mình mà không chuẩn bị sẵn sàng, và không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn đầy tớ nào không biết ý chủ mình mà làm những sự đáng trừng phạt, thì sẽ bị đòn ít hơn. Vì người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn”.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc bài vắn này: Lc 12, 35-40

“Các con hãy sẵn sàng”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức: Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt lưng, đặt chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng. Nếu canh hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ ấy. Các con hãy hiểu biết điều này là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức, không để nó đào ngạch nhà mình. Cho nên các con hãy sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến”.

Ðó là lời Chúa.

Lời ngyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Mỗi người chúng ta đã lãnh nhận nhưng không muôn hồng ân Chúa, nên hãy ý thức trách nhiệm trong việc tận dụng ơn thánh, để phát triển đời sống. Chúng ta dâng lời nguyện xin.

1. “Chúa cũng gọi chúng tôi để làm cho chúng tôi được vinh hiển như vậy”- Xin cho các Mục tử lòng nhiệt thành với sứ vụ Chúa trao, để như người quản lý trung tín và khôn ngoan, các Ngài phân phát kho tàng ơn thánh cho đòan chiên Chúa.

2. “Ông mong đợi thành trì có nền móng mà Thiên Chúa là kiến trúc sư và là Đấng sáng lập” – Xin cho mọi thành phần dân Chúa biết đặt giá trị của cuộc sống vĩnh cửu vào chính Thiên Chúa, Đấng dẫn đưa họ vào chiếm đoạt kho tàng vĩnh cửu là Nước Trời.

3. “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống: không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” – Xin cho giới trẻ một niềm tin vững mạnh và một lòng hăng say trước lời tuyên bố của Chúa Giêsu, để họ sẵn sàng phục vụ Chúa.

4. “Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay” Xin cho mọi người trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta luôn sống trong ân sủng, để sống vui với Chúa hôm nay và chung hưởng hạnh phúc với Ngài muôn đời.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, chính Chúa là cùng đích và là hạnh phúc đời đời của chúng con, xin giúp chúng con sử dụng đức tin Chúa đã ban ngày chịu Phép Rửa tội mà tiến về quê trời, hầu chúng con có thể sông cuộc đời thanh thoát, luôn kiếm tìm những gì thuộc về Chúa, Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Giáo Hội bánh và rượu này, để Giáo Hội dùng làm của lễ dâng lên Chúa; cúi xin Chúa nhân từ chấp nhận, và dùng quyền năng biến đổi thành bí tích cứu độ chúng con. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Hỡi Giê-ru-sa-lem, hãy ca tụng Chúa, Đấng đã cho ngươi ăn no tinh hoa lúa mì.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa lãnh nhận bí tích nhiệm mầu là Mình và Máu Ðức Kitô; xin cho bí tích này giải thoát chúng con khỏi tội lỗi, và giúp chúng con luôn vững vàng sống theo chân lý của Chúa. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Gìn giữ tâm hồn

Hồi đầu thế kỷ 20, thì két sắt là nơi cất giữ tiền bạc một cách chắc chắn nhất, nhờ một hệ thống khoá bằng số mà chỉ một mình người đặt các số ấy hay là người biết những số ấy mới mở được mà thôi.

Quân đội của một nước kia đã sử dụng một chiếc két sắt như thế để cất giấu số tiền lớn. Chiếc két sắt này được đem đến một địa điểm để phát lương cho lính, thế nhưng trên đường di chuyển, khi đi ngang qua một khu rừng đã bị một bọn cướp lấy mất. Bọn cướp hì hục nhưng không sao mở được. Chúng lấy búa đập vào két hy vọng rằng két sẽ bung ra nhưng chiếc két sắt vẫn cứ trơ trơ. Chúng cho vào lửa và đốt nhưng chiếc két sắt vẫn cứ y nguyên. Chúng khiêng chiếc két lên núi rồi đẩy xuống, nhưng cánh cửa vẫn không chịu bung ra. Sau cùng, bọn cướp gài chất nổ với hy vọng sẽ phá được chiếc két nhưng nó vẫn không hề suy suyển sau tiếng nổ kinh hoàng. Quá bực tức, bọn cướp đã quăng chiếc két xuống biển. Được tin này, quân đội cho người đến nơi trục chiếc két sắt lên và khi mở ra, sồ tiền trong két vẫn còn y nguyên.

Tâm hồn chúng ta cũng là như một chiếc két sắt, chỉ một mình chúng ta mới biết những con số để mở cửa cõi lòng chúng ta ma thôi. Nếu chúng ta không chịu mở thì ma quỷ dù tài ba đến đâu cũng không thể làm gì được. Bình thường thì những thất bại của chúng ta đối với ma quỷ, không phải vì những cám dỗ bên ngoài, mà vì những điều nằm trong chính thẳm sâu cõi lòng chúng ta.

Chỉ khi nào chúng ta bỏ ngỏ, chỉ khi nào chúng ta mở cửa thì ma quỷ mới có thể hoạt động và làm hại chúng ta được mà thôi. Ma quỷ có thể tấn công chúng ta mọi mặt, nhưng nếu chúng ta không tiếp tay với chúng, thì những cố gắng của chúng cũng chỉ là luống công vô ích mà thôi.

Cuộc đời chúng ta thì vắn vỏi, hơn thế nữa cái chết thì chắc chắn, nhưng giờ chết lại bấp bênh vô định. Chúng ta không biết mình sẽ chết khi nào, chết ở đâu và chết trong tình trạng ra sao. Cái chết có thể đến viếng thăm chúng ta bất cứ lúc nào. Vì thế qua đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa đã phán dạy chúng ta: Hãy tỉnh thức và sẵn sàng.

Chúng ta tỉnh thức và sẵn sàng bằng cách từng giây từng phút trong cuộc sống, hãy ra sức bảo vệ tâm hồn trước những đợt tấn công, những cám dỗ của ma quỷ, để rồi bất kỳ lúc nào Chúa đến viếng thăm, Ngài cũng sẽ thấy được nơi chúng ta một tâm hồn trong sạch và đôi tay đầy công nghiệp. Đúng thế, tâm hồn trong sạch và đôi tay chất đầy công nghiệp sẽ là như tấm hộ chiếu để chúng ta được bước vào nơi quê hương Nước Trời.
 

CHÚA NHẬT 19C THƯỜNG NIÊN – 2001
(Lc. 12:32-48) Lm Lã Mộng Thường

Khi suy gẫm bài Phúc Âm vừa được công bố để soạn giảng, tôi có cảm nghĩ chúng ta không ai dám để ý hoặc cố tình không muốn hiểu lời dạy, “Các con hãy bán những của các con có mà bố thí. Hãy sắm cho các con những túi không hư nát, và kho tàng không hao mòn trên trời, là nơi trộm cướp không lai vãng và mối mọt không làm hư nát”. Ai cũng có thể nhận thấy không nên thực hiện theo nghĩa đen lời khuyên này bởi nếu bán hết những gì mình có để bố thí thì người đầu tiên đáng được bố thí lại là chính mình. Thêm vào đó, giả sử bán hết, cho hết thì cuộc sống của chúng ta sẽ ra sao? Nhà cửa đâu cho chúng ta trú ngụ? Và sao chúng ta có thể sống bên vệ đường nơi mảnh đất mùa hè thì nóng như đổ lửa, mùa đông lạnh cóng cho dù áo trong, áo ngoài mà vẫn còn rét run…

Hơn nữa, nếu chẳng may rơi vào hoàn cảnh vô gia cư, cảnh sát cũng không để yên vì sống bờ sống bụi cũng là một cái tội nơi đất nước này. Thế rồi tương lai con cháu của chúng ta sẽ ra sao khi không có tiền đóng học phí cho nhà trường. Nhận định như vậy, nếu cứ theo gương năm cô trinh nữ khờ dại, bảo sao nghe vậy do không chịu suy nghĩ để áp dụng Lời Chúa theo nghĩa đen, chúng ta đã vô tình vì quá chân thành đến độ khờ dại tự biến mình thành kẻ vô gia cư và làm hại đến tương lai con cháu sau này. Tuy nhiên, tôi không nghĩ Lời Chúa đề nghị những điều phi lý. Điều chắc chắn chúng ta có thể đoan quyết đó là Lời Chúa chỉ dạy và dẫn dắt chúng ta thăng tiến trên hành trình đức tin, hành trình tâm linh, nhận biết về thực thể của chính mình. Vấn đề quan trọng, ắt có và đủ để có thể am tường, thấm nhập, và thực hiện Lời Chúa trong cuộc đời lại là một tâm hồn mở rộng, thực tâm suy nghiệm về những lời nói khôn ngoan nơi Phúc Âm.

Tôi mời gọi quý ông bà anh chị em cùng tôi suy nghiệm câu Phúc Âm kế tiếp, “Vì kho tàng các con ở đâu thì lòng dạ các con cũng ở đó”. Chúng ta thường hiểu hai tiếng “kho tàng” mang nghĩa của cải vật chất, tiền bạc, những sự giầu có nơi trần gian này. Thử xét, chúng ta có nhà, có xe, có tiền, không nhiều thì ít… nhưng thực sự lòng dạ của chúng ta hiện giờ đang ở nơi đâu? Tôi nghĩ, ai cũng biết rõ một điều đó là hoặc chúng ta đang để ý nghiệm xem những gì tôi phân tích có hợp lý hợp tình hay không hoặc chúng ta đang để tâm nơi chuyện toan tính nào đó chứ chưa chắc lòng dạ chúng ta ở nhà hoặc ở xe hay nhà băng. Lòng dạ chúng ta thay đổi điểm đích tùy thuộc ý định, ước muốn về những điều gì theo từng giai đoạn thời gian. Hơn nữa, lật nơi những bản dịch Kinh Thánh khác nhau, hai tiếng kho tàng được dịch thành “tài sản”, hoặc “tiền bạc”, hoặc “tham vọng”, hay “ước muốn”. Kinh nghiệm sống minh chứng, có những người đàn ông bỏ nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con khôn để xây tổ ấm với người đàn bà khác; hoặc cũng có những người đàn bà bỏ tất cả ra đi quên tình, bỏ nghĩa theo tiếng gọi mới của con tim. Lại cũng có những người vì tham vọng chính trị chính em hay quyền cao chức trọng, đôi khi chỉ là chút danh hão huyền mà đã làm cho gia đình tan nát. Đồng thời cũng có những người đã có quyền cao, chức trọng nhưng lòng dạ còn muốn thêm chút tình lẻ làm nguy hại gia đình người khác. Những thực trạng xã hội này minh chứng sự thật rõ ràng đó là khi ước muốn của con người ở đâu thì lòng dạ của họ cũng ở đó.

Qua nhận định như thế, câu Phúc Âm, “Vì kho tàng các con ở đâu thì lòng dạ các con cũng ở đó” phải được hiểu: vì ước muốn các con ở đâu thì lòng dạ các con ở đó. Khi tôi đang thực tập chương trình thăm viếng bệnh nhân tại bệnh viện “Southern Baptist Hospital” ở New Orleans, tôi phải ghé thăm một bà già người Mỹ mà y tá nói rằng bà ta buồn sầu không ai có thể khuyên giải rất có hại cho việc chữa trị. Nói qua nói lại về chuyện trời mưa trời nắng để tìm hiểu nguyên nhân, tôi không thể nào hiểu được bà cụ bị phiền hà vì chuyện gì. Tôi định bụng ghé thăm hôm sau may ra có giúp chi được bà cụ chăng nên trước khi cầu nguyện cho bà, tôi hỏi bà muốn tôi cầu nguyện cho bà điều chi đặc biệt. Thế là mắt bà dường như chợt sáng lên mang đầy nét hy vọng và nói, “Xin cầu nguyện cho con chó của tôi ở nhà vì từ hôm tôi vào bệnh viện không có ai nói chuyện với nó”.

Xét như vậy, Lời Chúa dạy qua Phúc Âm, “Hỡi các con bé nhỏ, các con đừng sợ vì Cha các con đã vui lòng ban nước trời cho các con. Các con hãy bán những của các con có mà bố thí” mang nghĩa chúng ta hãy quăng những gánh lo âu đi mà vui sống vì Thiên Chúa đã ban nước trời cho chúng ta, vì nước trời ở giữa chúng ta, vì Thiên Chúa đang ngự trị và hoạt động nơi mỗi người; chúng ta chỉ cần định tâm, dồn hết tâm trí suy tư về thực thể linh thiêng, huyền nhiệm là chính Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Vị thế của chúng ta trước nhan Chúa quá ư cao trọng nhưng đã không được nhận biết.

Nói tóm gọn, nếu để tâm nhìn lại cuộc đời mình, nhận thực con người mình thế nào để nhận ra mình đang thực sự ước muốn gì, chúng ta sẽ biết rõ ràng lòng dạ chúng ta đang được định hướng nơi nao. Là Kytô hữu, chúng ta tuyên xưng, chúng ta cho rằng mình tin nơi Đức Giêsu, mình tin tưởng nơi Thiên Chúa. Nếu thực sự chúng ta tin Đức Giêsu, những lời giảng dạy của Ngài, những lời khôn ngoan nơi Phúc Âm tất phải mang ước muốn tìm hiểu của chúng ta. Lời Chúa, lời Phúc Âm phải là những đề tài cho tâm trí chúng ta luôn luôn nghiệm xét. Và như vậy, bài Phúc Âm tuần này khuyến khích, thách đố mỗi người chúng ta tự nhận biết lòng dạ của mình đang được định hướng ra sao. Chúng ta chứng tỏ lòng tôn kính Thiên Chúa bằng cách nghiệm xét Phúc Âm hay cũng chỉ theo đạo tơ lơ mơ như những người khác đã bị chúng ta gọi là vô thần hay tôn thờ ngẫu tượng đều tùy thuộc lòng dạ chúng ta có để ý suy nghiệm Phúc Âm hay không.

HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN C

(Kn 18,6-9; Dt 11,1-2.8-19; Lc 12,32-48)

LM ĐAN VINH - HHTM

TỈNH THỨC ĐỂ SẴN SÀNG ĐÓN CHÚA ĐẾN BẤT NGỜ

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 12,32-48

(32) “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em. (33) Hãy bán của cải mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá. (34) Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em cũng ở đó”. (35) Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. (36) Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. (37) Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ”. (38) “Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ. (39) Anh em hãy biết điều này: Nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. (40) Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”. (41) Bấy giờ ông Phê-rô hỏi: “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người ?”. (42) Chúa đáp: “Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc. (43) Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta. (44) Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình. (45) Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: “Chủ ta còn lâu mới về”, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa. (46) Chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín. (47) Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. (48) Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.

2. Ý CHÍNH: Trong Tin mừng hôm nay, Đức Giê-su dạy các môn đệ phải sẵn sàng đón Người lại đến, bằng thái độ luôn tỉnh thức và sẵn sàng:

- Tỉnh thức như người đầy tớ trung tín, thức canh để sẵn sàng mở cửa đón chủ về nhà vào bất cứ giờ nào lúc đêm khuya (c 35-38).

- Tỉnh thức như người chủ nhà biết giờ kẻ trộm đến, sẽ sẵn sàng canh phòng không để nó đào ngạch khoét vách nhà mình (c 39-40).

- Tỉnh thức như người quản lý trung tín và khôn ngoan, luôn sẵn sàng chu toàn bổn phận cấp phát lương thực cho gia nhân theo lệnh của ông chủ (c 42-48).

3. CHÚ THÍCH:

- C 32-34: + Hỡi đoàn chiên bé nhỏ, đừng sợ: Các môn đệ được gọi là đoàn chiên bé nhỏ vì số lượng ít, không địa vị quyền hành và sống khó nghèo, đang khi kẻ thù của các ông thì vừa đông vừa mạnh lại vừa giàu có. Nhưng Đức Giê-su đã trấn an các ông: đừng vì thế mà khiếp nhược sợ hãi, vì “Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33), vì có Thầy luôn ở bên và vì Thiên Chúa sẽ ban phần thưởng thiêng liêng là Nước Trời đời đời cho các ông sau này. + Hãy bán của cải mình đi mà bố thí: Đức Giê-su khuyên các môn đệ phải có tinh thần siêu thoát và từ bỏ, thể hiện qua hành động sẵn sàng bán đi những của cải mình có mà phục vụ tha nhân. + Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách: Cần phải tích trữ của cải thiêng liêng không bị hư nát, không sợ bị kẻ trộm lấy mất... Những của cải thiêng liêng ấy có được nhờ làm các việc từ thiện và bố thí cho những kẻ nghèo. + Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em cũng ở đó: Nếu xác định kho tàng của mình là của cải thiêng liêng, thì các môn đệ sẽ liệu sao để có được nhiều thứ của cải ấy.

- C 35-37: + Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn: Đây là thái độ Mô-sê yêu cầu dân Do thái phải có khi ăn bữa tiệc chiên Vượt qua trước giờ xuất hành ra khỏi nước Ai cập (x. Xh 12,11). Đây cũng là thái độ của các tín hữu hôm nay chờ đợi giờ Đức Giê-su lại đến vào ngày thế mạt (x. Lc 12,37; 17,8). + Hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về: Ông chủ đi ăn cưới là hình ảnh tiên báo Đức Giê-su sắp lên trời trước khi Người sẽ trở lại lần thứ hai vào ngày tận thế. + Để khi chủ vừa về tới và gõ cửa là mở ngay: Chúa sẽ đến bất ngờ trong giờ chết của mỗi người, cũng như trong ngày tận thế chung của nhân lọai. Mọi người đều phải sẵn sàng mở cửa đón rước Người. + Thật là phúc cho họ !: Ở đây Đức Giê-su đã thêm một mối phúc nữa là: “Phúc cho những ai tỉnh thức sẵn sàng”. + Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn...: Việc này khó xảy ra trong thực tế, nhưng được dùng để diễn tả một thực tại thiêng liêng: Chúa sẽ ưu ái phục vụ lại các đầy tớ trung tín. Họ sẽ được no thỏa ân tình của Chúa như lời sách Khải huyền: “Này đây, Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa tối với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa tối với Ta” (Kh 3,20).

- C 38-40: + Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về: Người Do thái thường chia thời gian ban đêm làm bốn canh là: Chập tối, nửa đêm, gà gáy và tảng sáng (x. Mc 13,35). Canh hai hay canh ba tức là khoảng từ 9 giờ tối đến 3 giờ sáng là lúc người ta buồn ngủ nhất. Ở đây nhấn mạnh đến thái độ phải có của các môn đệ là luôn tỉnh thức để sẵn sàng đón Chúa đến bất cứ giờ nào. + Nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến...: Đây là dụ ngôn về ông chủ nhà cũng phải luôn tỉnh thức. Dụ ngôn nhấn mạnh đến khía cạnh bất ngờ của giờ chết mỗi người. Muốn khỏi bị bất ngờ thì người ta phải luôn tỉnh thức canh phòng. + Khoét vách nhà mình: Các vách tường nhà của người Do thái thường được xây bằng gạch sơ sài, nên dễ bị kẻ trộm khóet vách đột nhập vào nhà.

- C 41-44: + Phê-rô hỏi: “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người ?: Câu hỏi của Phê-rô là câu chuyển tiếp giữa lời khuyên chung cho tất cả các môn đệ (các câu 35-40) và lời khuyên riêng dành cho các Tông đồ là những người được ủy thác nhiệm vụ lãnh đạo cộng đoàn Ki-tô hữu (các câu 42-48). + Ai là người quản gia trung tín khôn ngoan mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở: Hai đức tính mà người lãnh đạo cộng đoàn phải có là khôn ngoan và trung tín. Nếu người quản lý cấp phát phần thóc gạo cho gia nhân đúng giờ, thì mới chứng tỏ mình là người trung tín. Anh ta sẽ được ông chủ tín nhiệm trao nhiệm vụ coi sóc tất cả gia sản của ông.

- C 45-48: + Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: “Chủ ta còn lâu mới về”...: Đức Giê-su nêu lên sự trở về chậm trễ và bất ngờ của ông chủ là chính Người, như là một cách để thử thách lòng trung thành của các Tông đồ và những người lãnh đạo cộng đoàn. + Đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa: Đây là tội thiếu tinh thần trách nhiệm, sa đà vào thói ăn chơi mà bỏ bê nhiệm vụ của người đầy tớ. + Chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra: Đức Giê-su sẽ đến bất ngờ và sẽ cô lập, ra vạ tuyệt thông cho những kẻ bất trung ấy. + Đầy tớ nào biết ý chủ...: Sự phán xét tùy thuộc vào mức độ ý thức và sự hiểu biết ý chủ của các đầy tớ. + Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều...: Thiên Chúa sẽ đòi mỗi người phải trả lẽ về các hồng ân đã nhận được và về trách nhiệm đã được trao phó.

4. CÂU HỎI: 1) Tại sao các môn đệ của Đức Giê-su không nên sợ hãi giờ chết ? 2) Đức Giê-su khuyên các môn đệ phải có thái độ thế nào để đón chờ Người tái lâm ? 3) Các người lãnh đạo cộng đòan cần có thái độ nào để đón chờ Chúa đến ? 4) Tại sao các môn đệ lại bị phán xét nặng hơn thường dân ?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa là mở ngay” (Lc 12,36).

2. CÂU CHUYỆN:

1) CHIẾC QUAN TÀI NHẮC NHỚ SỰ CHẾT:

Tại chùa Tô Châu, có một nhà sư tên là Viên Thủ Trung. Ông là một nhà chân tu. Nhà sư thường đặt trên bàn làm việc của mình một chiếc quan tài nhỏ làm bằng gỗ quí, có một cái nắp có thể mở ra đóng vào được. Khách đến chơi trông thấy chiếc quan tài thường hỏi nhà sư rằng: “Ngài chế tạo ra cái này để làm gì vậy ?” Nhà sư trả lời: “Người ta sống tất nhiên sẽ có lúc phải chết. Mà chết rồi là sẽ được đặt vào nằm trong cái hòm này. Tôi thực lấy làm lạ: người đời ai cũng chỉ biết đi tìm phú quí, công danh, tài sắc... mà chẳng hề nghĩ đến cái chết. Phần tôi, mỗi khi có điều gì không vừa ý, tôi liền ngồi vào bàn và nhìn ngắm chiếc quan tài một hồi lâu. Sau đó tôi cảm thấy tâm hồn được bình an.

Thật ít có ai lại có thói quen suy nghĩ về cái chết, và cũng ít người nào coi cái chết như một người bạn luôn đi bên cạnh để giúp mình vượt qua những nỗi chán chường cuộc sống như nhà sư trong câu chuyện trên. Phần nhiều, người ta thường bôn ba khắp nơi để kiếm tiền, và thu tích cho mình có nhiều tiền bạc, rồi khi có nhiều tiền thì tìm cách thụ hưởng các thú vui do tiền bạc mang lại, như thể họ sẽ không bao giờ phải chết. Lời Chúa dạy hôm nay đòi chúng ta có thái độ chờ sự chết đến bất ngờ giống như một người đầy tớ thức canh chờ mở cổng đón chủ nhà đi ăn cưới về nhà vào lúc nửa đêm.

2) DÂNG NGÀY MỖI SÁNG VÀ DÂNG LỜI NGUYỆN TẮT TRONG NGÀY:

Một nhóm bạn đang chơi bóng đá ngoài sân trường. Trong lúc nghỉ ngơi sau hiệp thi đấu, thầy quản giáo đã hỏi các em rằng: “Giả như Chúa cho các em biết các em chỉ còn sống được 15 phút nữa sẽ phải chết. Vậy các em sẽ làm gì trong thời gian ngắn này? Em thì trả lời sẽ về từ giã cha mẹ và những người thân. Em khác cho biết sẽ đi gặp cha linh hướng và xin xưng tội. Em khác nữa thì nói mình sẽ vào nhà nguyện chầu Thánh Thể thật sốt sắng. Còn một cậu bé vốn có lòng đạo đức nhất là Lu-y Gông-gia-ga thì lại nói: “Thưa Thầy, còn em cứ tiếp tục chơi ạ!” Khi được hỏi lý do tại sao lại cứ chơi khi biết mình sắp chết, thì cậu bé đã trả lời: “Vì mỗi sáng khi vừa thức dậy em đều dâng ngày mới cho Chúa. Và trong ngày em năng nói với Chúa lời nguyện tắt: ”Con xin làm việc này để biểu lộ lòng con yêu mến Chúa”. Em nghĩ nhờ luôn kết hiệp với Chúa, chắc chắn Chúa sẽ không bỏ em trong giờ sau hết”.

3) DÙNG TIỀN BẠC ĐỂ MUA BẠN HỮU KHI CÒN ĐANG SỐNG:

Lời Chúa Giê-su hôm nay dạy chúng ta: "Hãy bán của cải mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá. Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em cũng ở đó” (Lc 12,33).

Một bà lão ăn mày kia tên là MA-RY. Bất kể mùa đông giá rét, hằng ngày bà lão đều vất vả đi bộ rảo qua các đường phố xóm ngõ để ăn xin, trên người chỉ mặc một manh áo cũ đã bị sờn rách. Bà kể lể hoàn cảnh túng cực của mình, kèm theo vẻ ngoài tiều tụy nghèo khổ, nên đã được nhiều người thương tình bố thí. Tối đến bà lại trở về túp lều gỗ, ăn uống những món ăn do người ta bố thí. Vì sống quá kham khổ nên cuối cùng bà đã chết đột quị trong túp lều của mình không ai hay biết. Mấy ngày sau, khi xác chết đã bốc mùi, nhà chức trách được tin đã tìm đến nơi. Họ thấy bà lão đã chết đang nằm trên giường, nhưng ngón tay của bà như vẫn đang chỉ vào một góc nhà. Họ đã cho đào bới góc nhà ấy và cuối cùng đã tìm thấy một hộp sắt, trong hộp có chứa tới 127.000 đô la, một món tiền khổng lồ. Nhưng số tiền lớn lao đó hiện tại lại không giúp ích được cho chủ nhân của nó.

4) KHÔN NGOAN CHUẨN BỊ GIỜ CHẾT SẼ ĐẾN:

Kho truyện cổ Tây Phương có kể truyện về một anh hề trong cung điện nhà vua, được vua trao cho phủ việt là biểu tượng của vương quyền, để giúp vui cho nhà vua.

Một hôm nhà vua truyền gọi anh hề lại gần và nói:

- Ngươi hãy giữ lấy cây phủ việt nầy cho đến khi tìm được một người khác ngây ngô khờ dại hơn ngươi thì hãy trao cây phủ việt này lại cho hắn ta.

Từ đó, mỗi khi triều đình có tiệc thết đãi bá quan văn võ, anh hề đều được vời đến giúp vui. Với cây phủ việt trên tay và với dáng điệu ngông nghênh, anh hề đã rất thành công chọc cười mua vui cho nhà vua và quan khách. Rồi đến một ngày, nhà vua bị lâm bệnh nặng. Biết mình không qua khỏi, vua liền cho gọi anh hề lại gần và buồn rầu nói như tâm sự với anh:

- Này tên hề. Ta sắp sửa phải từ giã mọi người để đi du lịch đến một nơi rất xa.

- Thế Đức vua sắp đến nơi nào vậy? anh hề hỏi.

- Ta cũng chẳng biết nữa.

- Thế Đức vua đi có lâu không?

- Ta sẽ ra đi mãi mãi và không bao giờ trở lại nơi đây nữa.

- Thế Đức vua đã chuẩn bị hành trang mang theo chưa?

- Chưa hề.

Anh hề liền cười hóm hỉnh và lễ phép tâu nhà vua như sau:

- Vậy xin mời Đức Vua hãy cầm lấy cây phủ việt nầy. Thảo dân xin trao nó lại cho Đức Vua. Bởi vì mãi đến hôm nay thảo dân mới tìm được một người khờ dại hơn thảo dân.

5) LUÔN TỈNH THỨC NHƯ MỘT NGƯỜI QUẢN GIA TRUNG TÍN:

Tại Thụy sĩ, có một vườn hoa tuyệt đẹp, đủ loại hoa, đủ màu sắc. Nằm giữa vườn là một tòa nhà tráng lệ. Nhìn vườn hoa với cảnh phối trí, cắt tỉa, uốn nắn… ai cũng phải công nhận vườn hoa đã được chủ vườn chăm sóc kỹ lưỡng, kèm theo óc thẩm mỹ hiếm có. Một hôm một du khách đi qua nơi đây, thoáng nhìn khu vườn ông thấy rất say mê. Giữa lúc đó, người làm vườn bước ra cổng và chủ khách chào hỏi làm quen với nhau. Rồi từ chuyện hoa cỏ, cách chăm bón, trồng tỉa, phối hợp màu sắc… câu chuyện dần dần đưa họ đến chỗ thân tình.

Du khách hỏi: “Xin lỗi ông cụ. Ông ở đây được bao lâu rồi ?”- “Khoảng 40 năm.” – “Tôi đoán, có lẽ ông chủ của cụ rất sành về nghề cây cảnh, chắc giờ này ông ấy có nhà?” – “Ông ta không ở đây, thỉnh thoảng mới ghé qua đây thôi” – “Ông ta có hay trao đổi thư từ với cụ không?” – “Không, ông ta bận lắm” – “Ông không về cũng không thư từ, thì ai trả lương cho cụ?” – “Hàng tháng tôi đều nhận được ngân phiếu từ ông ta gửi qua bưu điện để chi phí mọi sự cho khu vườn này” – “Thế tội gì cụ phải chăm sóc kỹ lưỡng thế này, ông chủ có mấy khi đến thưởng ngoạn công trình của cụ đâu?” – “Tôi lại không nghĩ thế, mình là một gia nhân được chủ tín nhiệm trao phó việc bảo quản chăm sóc khu vườn này, thì mình phải tận tụy làm việc chứ. Để bất cứ khi nào ông chủ trở về nhà, ông sẽ hài lòng với công việc tôi đang làm. Hơn nữa, khi làm đẹp khu vườn cho chủ, thì chính tôi là người đầu tiên được thưởng ngoạn cảnh đẹp do tay mình chăm sóc”.

Người gia nhân trên đây thật đáng ca tụng. Ông làm việc không vì sợ nhưng vì yêu, không vì cặp mắt của chủ mà vì tinh thần trách nhiệm. Ông coi việc của chủ như việc của mình, nên đã hết lòng chu toàn công việc. Thái độ của ông chính là thái độ mà Chúa muốn mỗi người chúng ta phải có khi phụng sự Chúa. Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su đã dạy chúng ta: “Hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa liền mở ngay cho chủ. Nếu canh hai hoặc canh ba chủ trở về mà thấy như vậy thì phúc cho đầy tớ ấy”.

3. SUY NIỆM:

1) Tỉnh thức và sẵn sàng luôn: Tin mừng hôm nay nhắc nhở mọi người muốn được hưởng ơn cứu độ của Đức Giê-su thì cần “Tỉnh thức và sẵn sàng” như sau:

- Như người đầy tớ trung tín (c 35-38): Tỉnh thức không phải là không ngủ, nhưng là ngủ trong sự tỉnh thức, giống như người đầy tớ trung tín đợi chủ đi ăn cưới trở về nhà vào bất cứ giờ nào trong đêm, để khi chủ vừa về tới gõ cửa là mở ngay.

- Như người chủ nhà có trách nhiệm (c 39-40): Một người chủ nhà có tinh thần trách nhiệm sẽ luôn canh thức để tránh bị kẻ trộm đào ngạch khoét vách nhà mình. Một người làm việc với tinh thần trách nhiệm cao sẽ được hưởng hoa trái là hạnh phúc và bình an trong tâm hồn. Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta đã khuyên các tu sĩ dưới quyền rằng: “Hoa trái của thinh lặng là cầu nguyện. Hoa trái của cầu nguyện là đức tin. Hoa trái của đức tin là đức ái. Hoa trái của đức ái là phục vụ. Hoa trái của phục vụ là bình an“.

- Như người quản gia trung tín và khôn ngoan (c 42-48): Sự trung tín khôn ngoan được biểu lộ qua việc người quản gia luôn chu toàn công việc bổn phận là cứ đúng giờ cấp phát lương thực cho gia nhân. Vào thời Hội Thánh sơ khai, các tín hữu thành Tê-sa-lô-ni-ca đã tưởng lầm rằng ngày tận thế đã gần kề, nên có lối sống buông thả, lười biếng không chịu làm việc. Do đó, thánh Phao-lô đã viết thư chấn chỉnh lối sống ấy như sau: ”Khi còn ở với anh em, chúng tôi đã chỉ thị cho anh em: Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn. Thế mà chúng tôi nghe nói: Trong anh em có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào. Nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô, chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ những người ấy: hãy ở yên mà làm việc, để có của nuôi thân” (2 Ts 3,10-12).

2) Cụ thể phải tỉnh thức và sẵn sàng thế nào?

- Sống tốt giây phút hiện tại: Hãy luôn ý thức để sống thật tốt giây phút hiện tại bằng việc chu toàn bổn phận hằng ngày. Tránh chỉ lo tích trữ của cải cho mình, đừng quá bám víu vào những của cải trần gian như Lời Chúa dạy: “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em. Hãy bán của cải mình mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá” (Lc 12,32-34).

- Chu toàn việc bổn phận: Đối với những ai được Chúa trao quyền quản lý một gia đình, một dòng tu, giáo xứ, một tập đoàn lao động sản xuất... Hãy nhớ rằng: Mọi quyền bính đều bắt nguồn từ Thiên Chúa. Quyền bính là phương tiện để phục vụ tha nhân. Người ta có thể lạm dụng quyền bính để phục vụ bản thân và làm khổ kẻ khác, như tên quản lý trong bài Tin mừng đã: “Đánh đập tôi trai tớ gái”, “chè chén say sưa” vì nghĩ rằng còn lâu chủ mới về. Hắn ta sẽ bị phạt nặng vì đã biết ý Chúa mà cố tình bỏ bê việc bổn phận. Làm tốt việc bổn phận không phải làm cho xong, mà phải làm với tinh thần trách nhiệm cao và với lòng mến Chúa yêu người. Thi hào Tagore đã nói: "Tôi ngủ mơ thấy đời sống là vui. Tôi thức giấc thấy đời sống là bổn phận. Tôi làm việc và thấy bổn phận chính là niềm vui".

- Sẵn sàng đón Chúa đến bất cứ giờ nào: Sẵn sàng để biết sử dụng của cải đúng theo ý Chúa: Cụ thể là chia cơm sẻ áo cho những người nghèo đói, góp phần nuôi dưỡng các trẻ mồ côi, người già neo đơn và động viên an ủi nhưng người đau khổ bất hạnh…

- Ý thức chu toàn sứ mệnh loan báo Tin Mừng: Những ai không có tiền vẫn có thể làm việc tông đồ bằng sự phục vụ tha nhân. Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta và các nữ tu Thừa Sai Bác Ái đã không cho người nghèo hay người bệnh tiền bạc vật chất, nhưng cho sự phục vụ trong yêu thương. Đây cũng là một phương cách loan báo Tin Mng hữu hiệu trong xã hội hôm nay.

4. THẢO LUẬN: Bạn sẽ làm gì để sẵn sàng đón cái chết đến bất ngờ?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin cho con biết tỉnh thức để đừng bao giờ ngủ quên trong những đam mê lạc thú giả tạo. Xin cho con hiểu rằng: đồng tiền chỉ là phương tiện giúp con nên hoàn thiện hơn, giúp con có điều kiện thực thi bác ái là chia sẻ cơm áo cho người nghèo.- AMEN.

 

Chúa nhật thứ 19 thường niên -C

Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 12, 32-48).


Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Hỡi đoàn bé nhỏ, các con đừng sợ, vì Cha các con đã vui lòng ban nước trời cho các con. Các con hãy bán những của các con có mà bố thí. Hãy sắm cho các con những túi không hư nát, và kho tàng không hao mòn trên trời, là nơi trộm cướp không lai vãng và mối mọt không làm hư nát. Vì kho tàng các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó.

“Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức: Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt lưng, đặt chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng. Nếu canh hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ ấy. Các con hãy hiểu biết điều này là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức, không để nó đào ngạch nhà mình. Cho nên các con hãy sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến”.

Phêrô thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy nói dụ ngôn đó chỉ về chúng con hay về mọi người?” Chúa phán: “Vậy con nghĩ ai là người quản lý trung tín khôn ngoan mà chủ đã đặt coi sóc gia nhân mình, để đến giờ phân phát phần lúa thóc cho họ? Phúc cho đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người đó trông coi tất cả gia sản mình. Nhưng nếu đầy tớ ấy nghĩ trong lòng rằng: “Chủ tôi về muộn”, nên đánh đập tớ trai tớ gái, ăn uống say sưa: chủ người đầy tớ ấy sẽ về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, chủ sẽ loại trừ nó, và bắt nó chung số phận với những kẻ bất trung. Nhưng đầy tớ nào đã biết ý chủ mình mà không chuẩn bị sẵn sàng, và không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn đầy tớ nào không biết ý chủ mình mà làm những sự đáng trừng phạt, thì sẽ bị đòn ít hơn. Vì người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn”.

Suy niệm

Mỗi sáng thức dậy, con người đối diện với muôn vàn âm thanh từ cuộc sống, từ những tiếng ồn trên đường phố, cho đến những tiếng ồn trong tâm hồn bởi muôn vàn nỗi lo ẩn hiện đâu đó, làm cho bầu khí ngày mới bị vẩn đục. Khung cảnh bên ngoài như thế, phần nào ảnh hưởng đến tinh thần con người, làm cho nặng nề, như một tảng băng, đè lên đôi vai mong manh của phận người. Lời nhắc của Thánh Kinh trong tuần lễ thứ 19 thường niên là một tiếng chuông nhẹ nhàng, thức tỉnh con người, mong họ đừng rơi vào tuyệt vọng, đừng rơi vào trầm cảm, nhưng hãy vui lên, hãy tích trữ cho mình đủ năng lượng tinh thần, để có thể vượt qua những cạm bẫy của vật chất và tiền bạc, đồng thời, giúp con người có thêm nguồn năng lượng tích cực, để chống lại những lối sống ảo tưởng, đánh mất nhân vị và ý chí con người, dù đó là một tín hữu Công giáo.

Bất cứ thời đại nào hay giai đoạn nào của lịch sử, con người phải chung sống với muôn vàn sóng gió giữa biển đời. Với những mối lo, những trăn trở về cuộc sống, nhiều lúc làm cho con người mất niềm tin, mất lòng cậy trông. Tác giả sách Khôn ngoan đã thấu hiểu những nỗi niềm đó của con người, đã gởi lại cho hậu thế những tâm tình sống hết sức tinh tế nhưng không kém phần sâu sắc: “Dân Chúa đã mong đợi sự giải thoát những người công chính và sự tiêu diệt kẻ thù. Vì như Chúa đã làm hại đối thủ thế nào, Chúa cũng kêu gọi để làm cho chúng tôi được vẻ vang như vậy”. Dù đối diện với những thăng trầm trong một thế giới đầy biến động, nhưng dân Chúa vẫn luôn tin rằng, Thiên Chúa sẽ bênh đỡ họ, sẽ trao thưởng cho những ai vững niềm tin, đồng thời nghiêm phạt những ai coi thường lời nhắc của Thiên Chúa. Thiên Chúa cần nơi con người một tinh thần sẵn sàng cho một cuộc phiêu lưu đức tin, đừng tôn thờ ngẫu tượng bởi đó là những thần linh khác ngoài Thiên Chúa.

Tác giả thư gởi tín hữu Do thái trong bài đọc 2, đưa người nghe trở lại thưở ban đầu của lịch sử cứu độ. Khởi đi từ tổ phụ Abraham, ông và gia đình đã tin vào lời hứa của Thiên Chúa, đã vâng lời và lên đường, dù ngày mai ra sao, sống chết như thế nào, ông và mọi người không quan tâm, chỉ biết rằng, đi theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa luôn là một chọn lựa đúng đắn: “Anh em thân mến, đức tin là cốt yếu những thực tại người ta mong đợi, là bằng chứng điều bí ẩn. Vì nhờ đức tin mà các tiền nhân đã nhận được bằng chứng tốt. Nhờ đức tin, Abraham đáp lại tiếng Chúa gọi, để ra đi đến xứ ông sẽ được lãnh làm gia nghiệp, và ông ra đi mà không biết mình đi đâu. Nhờ đức tin, ông đến cư ngụ trong đất Chúa hứa, như trong đất khách quê người, sống trong lều trại, cũng như Isaac và Giacóp, những kẻ đồng thừa tự cùng một lời hứa”. Một lần bất tín, vạn lần mất tin, đây là kinh nghiệm của các tiền nhân để lại cho hậu sinh. Kinh nghiệm của ông tổ dân riêng Thiên Chúa cũng vậy, ông nhắc con cháu hãy vững tin vào lời hứa của Thiên Chúa, chính niềm tin là động lực giúp cho người môn đệ vững chân trước mọi nghịch cảnh cuộc đời, cũng như bình an trước những thử thách và trăn trở của cuộc sống.

Trở lại với bài Tin mừng Chúa nhật thứ 19 thường niên, lời nhắc của Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế, là một tiếng chuông gióng lên khi con người đang để mình bị cuốn vào vòng xoáy của vật chất, quyền bính và danh vọng. Với những dụ ngôn rất thiết thực và tinh tế, Đức Giêsu nhắc cho con người về số phận cuộc đời, không ai sống vĩnh cửu, không ai mang theo được gì khi đi vào thế giới bên kia: “Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Hỡi đoàn bé nhỏ, các con đừng sợ, vì Cha các con đã vui lòng ban nước trời cho các con. Các con hãy bán những của các con có mà bố thí. Hãy sắm cho các con những túi không hư nát, và kho tàng không hao mòn trên trời, là nơi trộm cướp không lai vãng và mối mọt không làm hư nát. Vì kho tàng các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó”. Con người chỉ hiện hữu trên trần gian này trong một khoảng nhất định, rồi giã từ thế giới, thời gian hiện hữu này, nếu khôn ngoan, con người hãy tìm kiếm, hãy tích trữ cho mình những gì cần cho tương lai, cho cuộc sống vĩnh hằng. Sẵn sàng và nhạy bén trước một xã hội dám đánh đồng những giá trị vĩnh cửu với những giá trị ảo tưởng hiện tại, nếu người tín hữu Kitô không có những phán đoán đúng, không có những chọn lựa và nhạy bén, điều tất yếu sẽ đến là họ sẽ sa vào cạm bẫy của ma quỷ.

Sống trong một xã hội mà tất cả những giá trị tinh thần bị đánh đồng với những vật thể vô tri vô giác, trong khi những giá trị tôn giáo bị coi là thừa thải, đạo đức con người, giá trị nhân văn chắc chắn không còn chổ đứng. Chỉ vì không chấp nhận đi theo đám đông, rất nhiều người bị chụp mũ, bị quy kết với tội này tội kia, trong một xã hội như thế, người tín hữu Kitô cần có một thái độ sống rõ ràng, không xu nịnh, không dửng dưng và cũng không hai mặt. Đức Giêsu đã lên tiếng cách đây hơn 2 ngàn năm về thái độ sống như thế, Ngài kêu gọi con người hãy tỉnh thức, hãy nhạy bén trong phán đoán, bởi trông trời vàng, người ta đoán sẽ có gió to, trông trời đỏ, sẽ có mưa lớn, thiên nhiên, trời đất còn có những dấu hiệu để nhận biết trong một tương lai gần, thế thì trong một xã hội như hiện tại, người tín hữu có thể phần nào dự đoán cho hành trình đức tin của mình sẽ đối diện với những thách đố nào.

Cám dỗ là một chiêu trò của ma quỷ, chúng đang vận dụng những lời đường mật của một xã hội coi trọng mẫu mã bao bì, để cám dỗ con cái của Thiên Chúa. Những phần quà ưu đãi, những gói hỗ trợ thật khủng, là những miếng mồi đang lôi kéo người tín hữu ra khỏi tình hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa cũng như giữa con người với nhau. Chúng đang dùng chính tài sản, vật chất của con người, để lôi kéo con người đi vào những con đường thênh thang, hưởng thụ cuộc sống, trải nghiệm cuộc đời, kết thúc cuộc chơi là đánh mất tình gia đình, tình anh chị em ruột thịt với nhau. Giờ cuối đời bất chợt đến, ai sẽ bảo đảm phần phúc cho con người đây, của cải vật chất, hay những giá trị Nước Trời, tỉnh thức trong suy nghĩ và chọn lựa là sự phân định khôn ngoan hôm nay, sẽ đưa con người đi vào ngôi nhà của Thiên Chúa mai sau.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã hướng dẫn cho con người biết và thấy những giá trị nào thuộc về thế gian, những giá trị nào thuộc về Nước Trời, để con người biết phân định và chọn lựa, Chúa còn cho con người sự khôn ngoan và thông minh để chọn lựa những điều tốt, xin nâng đỡ chúng con mỗi khi yếu đuối, mềm lòng, để chúng con khỏi sa vào những cơn cám dỗ của ma quỷ. Chúa đã nhắc chúng con hãy sẵn sàng cho ngày mai, cũng như biết tỉnh thức cho phút giây cuối đời, xin giúp chúng con luôn nhớ rằng, chỉ có Chúa mới là Đấng phán xét cuối đời, Đấng có thể cho bất cứ ai vào lửa cháy đời đời. Amen.

TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG
(Chúa Nhật XIX TN C) Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

“Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em” (Lc 12,32). Sự gì Thiên Chúa đã trao ban thì Người không bao giờ lấy lại. Nước Trời là vương quốc tình yêu, nơi tràn đầy hạnh phúc, hạnh phúc vĩnh cửu. Thiên Chúa đã trao ban Nước Trời. Có thể nói đây là điều kiện cần, là nguyên nhân tác thành hạnh phúc vĩnh cửu của con người. Thế nhưng còn cần sự đáp trả của phía con người, xét như là loài có ý thức và tự do. Và có thể gọi đây là điều kiện đủ để con người, từng người đạt đến hạnh phúc đích thực.

Chìa khóa của sự đáp trả phía con người đó là niềm tin. Khởi đầu nghi thức ban Bí tích Thánh Tẩy cho người trưởng thành, người xin lãnh nhận bí tích đã xin ơn đức tin và khẳng định rằng đức tin đem lại cho họ sự sống đời đời. Vậy thử hỏi tin là gì? Tác giả thư gửi tín hữu Do Thái dùng hình ảnh tổ phụ Abraham để giảng giải hành vi đức tin đó là đón nhận và thực thi lời Thiên Chúa phán dạy, cho dù nhiều khi với lý trí tự nhiên khó có thể hiểu cặn kẻ nội dung những lời được truyền. Chính nhờ đức tin mà Abraham đã vâng theo lệnh Thiên Chúa, dẫu cho lệnh ấy làm ông phải quặn thắt ruột gan, chẳng hạn như lệnh truyền hiến tế chính người con trai duy nhất (x.Dt 11,8-19). Tin là chấp nhận những gì Chúa phán dạy đều là chân thật vì Thiên Chúa không hề lừa gạt ai (x.Dz 3008).

Bài trích Tin Mừng thánh Luca Chúa Nhật XIX, Giáo hội cho chúng ta nghe những lời dạy của chính Con Thiên Chúa làm người, Giêsu Kitô. Để có được kho tàng ở trên trời là hạnh phúc vĩnh cửu, Chúa Kitô truyền dạy chúng ta hãy sống tỉnh thức và sẵn sàng.

Sống tỉnh thức: Thái độ tỉnh thức là không mê đắm, không bị trói buộc trong những sự tạm thời, chóng qua ở đời này. Dù cho những thiện hảo đời này có tốt, có đẹp bao nhiêu đi nữa thì chúng chỉ là nhất thời và qua đi. Chúa Kitô đã dùng hình ảnh bị mối mọt, bị ten sét, bị trộm cướp để minh hoạ sự thật này. Các bậc hiền giả xưa nay cũng chân nhận rằng sắc đẹp không qua khỏi làn da, của tiền không theo chúng ta vào nấm huyệt lạnh, công danh quyền chức chỉ là một thời.

Người sống tỉnh thức là người biết tự do với cả mạng sống mình ở đời này. Thân xác thì hơn áo mặc, mạng sống thì hơn của ăn và hạnh phúc vĩnh cửu thì hơn cả mạng sống đời này. Họ là những người không nao núng trước quyền lực chỉ có thể làm hại sự sống đời này của họ nhưng không thể làm hại đến sự sống đời đời.

Sống sẵn sàng: Suy xét đến cùng thì thái độ sống tỉnh thức chỉ dừng lại ở mặt tiêu cực. Kitô hữu sống tự do với các thực tại đời này không phải để cho bản thân thoát khỏi những hệ lụy tiêu cực của những sự chóng qua mà anh em Phật tử gọi là vòng khổ ải, nhưng là để sống yêu thương cho đến cùng. Đây là nội hàm của tinh thần sẵn sàng mà Chúa Kitô dạy.

Khi thánh Phêrô hỏi về dụ ngôn người đầy tớ tỉnh thức sẵn sàng đợi chủ đi ăn cưới về thì Chúa Giêsu đã giảng giải tinh thần sẵn sàng qua hình ảnh người quản gia trung tín, khôn ngoan phân phát thóc gạo đúng giờ cho kẻ ăn người ở. Sự sẵn sàng ở đây không hướng đến những người vai vế ở trên, nhưng là đối với những người ở phận dưới (x.Lc.12, 41-48; Mt 25, 45-50).

Những người ở phận dưới trước hết là những người mà chúng ta đang có trách nhiệm cách trực tiếp như đàn chiên Giáo hội trao phó, con cái, học trò… Họ cũng là những người thấp cổ, bé phận trong xã hội, những người xấu số, kém may mắn trước mặt ngưòi đời, nói chung là tất cả những tâm hồn bé mọn mà Tin Mừng đề cập. Thánh sử Matthêu đã tường thuật cho chúng ta dụ ngôn Chúa Giêsu kể về ngày cánh chung nhắc nhớ chúng ta luôn sẵn sàng chu toàn bổn phận yêu thương với những tâm hồn ấy.

Mỗi khi dâng Thánh lễ, Kitô hữu chúng ta đều đấm ngực ăn năn về nhiều tội đã phạm trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót. Vẫn có đó nhiều con cái Chúa chưa hình dung rõ ràng về những tội thiếu sót. Theo ngôn ngữ tiếng Việt thì người ta dễ lầm tưởng đó là những tội quên sót. Xin khẳng định rằng những tội mà chúng ta dễ quên hay dễ bỏ sót khi xét mình thì hình như không đáng gọi là tội. Nếu thực sự là tội theo đúng nghĩa thì một Kitô hữu trưởng thành, ngay chính không dễ gì quên hay bỏ sót. Tội thiếu sót là tội chúng ta đã bỏ qua những việc tốt, những việc phải làm trong khả năng và hoàn cảnh của chúng ta theo nghĩa vụ sống yêu thương. Bản dịch Anh ngữ thì hình như khá rõ về điều này: “I confess to almighty God, and to you, my brothers and sisters, that I have greatly sinned, in my thoughts and in my words, in what I have done and in what I have failed to do…”

Vì người ta lại bỏ qua những việc phải làm? Cũng có thể vì sự vô tâm. Tuy nhiên cần phải nói rằng số người sống vô tâm, bạc tình có lẽ không nhiều. Nhưng số người mắc phải tội “quên sót” thì không ít. Vì dính bén chút của tiền hay danh vọng, vì quá quyến luyến sự sống đời này nên người ta đã bỏ qua những việc cần làm, những việc phải làm theo khả năng và hoàn cảnh của mình, nhất là theo đòi hỏi tình yêu Tin Mừng. Một thực tế khó bề chối cãi, đó là người ta dễ dàng sẵn sàng với người phận trên, với kẻ nhiều tiền hay quyền cao chức trọng, nhưng lại thờ ơ với những người thấp cổ bé phận. Xin chớ quên lời của Chúa Kitô: Hạnh phúc Nước Trời hệ tại ở chính những nghĩa cử chúng ta đã làm cho các anh em bé mọn chứ không phải cho những người phận cao.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây