TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật XV Thường Niên - Năm C

03/07/2022 09:29:47 |   1040

Chúa Nhật XV Thường Niên - Năm C
 

cn15TN C


Lc 10, 25-37


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XV Thường Niên - Năm C

Dẫn vào thánh lễ

Anh chị em thân mến! Trong cuộc sống chúng ta có nhiều câu hỏi: Tôi phải làm gì để có tiền? Tôi phải làm gì để học giỏi? Tôi phải làm gì để dành được địa vị Giám đốc? V.V., và có rất nhiều câu hỏi mà chúng ta đặt ra cho mình cũng như cho người khác khi nhu cầu đòi hỏi…Nhưng có lẽ chưa một ai trong chúng ta tự hỏi mình: “ai là anh em của tôi? ” như người thông luật trẻ hôm nay.

Đức Giêsu kể ra dụ ngôn về người Samaria nhân hậu và Người đã dạy nhà thông luật làm như người Samaria.

Trong Thánh Lễ này Chúa Giêsu chính là “Người Samaria nhân hậu”, đã thể hiện tình yêu qua hiến tế mầu nhiệm trên bàn thờ Thập Giá. Với lòng thống hối ăn năn, chúng ta hãy bước theo Đức Kitô để cùng Người, dâng lên Thiên Chúa Hy Lễ Tạ ơn hôm nay, hầu xứng đáng thông phần sự sống viên mãn của Người.

Ca nhập lễ

Phần tôi, nhờ công chính, tôi sẽ được nhìn thấy thánh nhan Chúa, tôi sẽ được no thoả khi Chúa tỏ bầy sự vinh quang của Chúa

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa cho kẻ lầm lạc thấy ánh sáng chân lý của Chúa để họ được trở về nẻo chính đường ngay; xin ban cho những người xưng mình là Kitô hữu biết tránh mọi điều bất xứng và theo đuổi những gì thích hợp với danh nghĩa của mình. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Ðnl 30, 10-14

“Lời ở sát bên các ngươi, để các ngươi thực thi”.

Trích sách Ðệ Nhị Luật.

Môsê nói cùng dân chúng rằng: “Nếu các ngươi nghe tiếng Chúa là Thiên Chúa các ngươi, hãy tuân giữ các giới răn và huấn thị của Người đã được ghi chép trong sách Luật này, hãy trở về cùng Chúa là Thiên Chúa các ngươi hết lòng và hết linh hồn các ngươi. Thánh chỉ ta truyền cho các ngươi hôm nay không quá khó khăn cũng không quá sức các ngươi. Nó không phải ở đâu trên trời, để các ngươi có thể nói: ‘Ai trong chúng tôi có thể lên trời mang luật xuống giảng cho chúng tôi nghe để chúng tôi thực hành được?’ Nó cũng không phải ở bên kia biển, để các ngươi viện lẽ nói rằng: ‘Ai trong chúng tôi có thể vượt biển, và mang nó về cho chúng tôi, để chúng tôi được nghe và thực hành điều đã truyền dạy?’ Nhưng lời ở sát bên các ngươi, nơi miệng các ngươi, trong lòng các ngươi, để các ngươi thực thi”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 68, 14 và 17. 30-31. 33-34. 36ab và 37

Ðáp: Các bạn khiêm cung, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh (c. 33).

Xướng: Lạy Chúa, con dâng lời nguyện cầu lên Chúa, ôi Thiên Chúa, đây là lúc biểu lộ tình thương. Xin nhậm lời con theo lượng cả đức từ bi, theo ơn phù trợ trung thành của Chúa. Lạy Chúa, xin nhậm lời con vì lòng khoan nhân trắc ẩn, theo lượng cả đức từ bi, xin nhìn đến tấm thân con. 

Xướng: Phần con, con đau khổ cơ hàn, lạy Chúa, xin gia ân phù trợ bảo toàn thân con. Con sẽ xướng bài ca ngợi khen danh Chúa, và con sẽ chúc tụng Ngài với bài tri ân.

Xướng: Các bạn khiêm cung, hãy nhìn coi và hoan hỉ, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh: vì Chúa nghe những người cơ khổ và không chê bỏ con dân của Người bị bắt cầm tù. 

Xướng:  Vì Thiên Chúa sẽ cứu độ Sion, Người sẽ tái thiết thành trì của Giuđa, con cháu của bầy tôi Chúa sẽ thừa hưởng đất này, và tại đây những người yêu danh Chúa sẽ định cư. 

Bài Ðọc II: Cl 1, 15-20

“Mọi vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Ðức Giêsu Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử mọi tạo vật; vì trong Người muôn loài trên trời dưới đất đã được tác thành, mọi vật hữu hình và vô hình, dù là các Bệ thần hay Quản thần, dù là Chủ thần hay Quyền thần: Mọi vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người. Và Người có trước mọi loài và mọi loài tồn tại trong Người. Người là đầu thân thể tức là Hội thánh, là nguyên thuỷ và là trưởng tử giữa kẻ chết, để Người làm bá chủ mọi loài. Vì chưng, Thiên Chúa đã muốn đặt tất cả viên mãn nơi Người. và Thiên Chúa đã giao hoà vạn vật nhờ Người và vì Người; nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hoà bình trên trời dưới đất.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 19, 38

Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến, bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 10, 25-37

“Ai là anh em của tôi?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có một người thông luật đứng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời”. Người nói với ông: “Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?” Ông trả lời: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình”. Chúa Giêsu nói: “Ông đã trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống”. Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Nhưng ai là anh em của tôi?” Chúa Giêsu nói tiếp:

“Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho chủ quán mà bảo rằng: ‘Ông hãy săn sóc người ấy và ngoài ra, còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ trả lại ông’. Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?” Người thông luật trả lời: “Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy”. Và Chúa Giêsu bảo ông: “Ông cũng hãy đi và làm như vậy”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúa Giêsu đã dạy chúng ta phải yêu thương mọi người, như Chúa đã yêu đến nỗi hy sinh tính mạng vì yêu. Đó cũng chính là điều kiện để vào hưỏng sự sống đời đời trong Nước Chúa. Với tâm tình yêu mến tri ân, chúng ta dâng lời nguyện xin.

1. “Lời ở nơi miệng các ngươi” – Xin cho các Mục tử trong Hội Thánh, luôn đặt đức ái làm tiêu chuẩn cho mọi hành động, biết quảng đại đáp ứng mọi nhu cầu của con người, qua chứng từ đời sống, các ngài dẫn nhiều linh hồn về với Chúa.

2. “Mọi vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người” — Xin cho các tín hữu ngày thêm gắn bó với Chúa, bằng việc thực thi giới luật yêu thương cách cụ thể, để họ trở thành những chứng nhân sống động của Tin Mừng giữa lòng xã hội.

3. “Ai là anh em tôi?” – Xin cho các tổ chức từ thiện trên thế giới, được nhiều người mặc lấy tâm tình của người Samaria nhân hậu, để nơi đói nghèo khổ cực được nâng đỡ; các vết thương vì chiến tranh hận thù bạo lực được băng bó hàn gắn bằng tình bác ái huynh đệ.

4. “Đức Giêsu Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử mọi tạo vật”,– Xin cho những người chối bỏ Hội Thánh biết chân nhận rằng: Chúa Kitô đã thiết lập Hội Thánh để phục vụ con người và là đường chắc chắn đưa loài người đến với Chúa.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin ngọn lửa tình yêu Chúa luôn bừng cháy trong chúng con, giúp chúng con biết thông cảm, chia sẻ, nâng đỡ nhau trong mọi nỗi buồn vui cuộc sống, đề mỗi ngày chúng con thêm xác tín về sự hiện diện của Chúa trong mọi người. Chúng con cầu xin.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, Hội Thánh Chúa thành tâm cầu nguyện và dâng lên Chúa lễ vật này; xin thương đoái nhìn và làm cho trở nên của ăn bổ dưỡng giúp chúng con vững bước trên đường nên thánh. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Đến như chim sẻ còn kiếm được nhà, và chim nhạn tìm ra tổ ấm, để làm nơi ấp ủ con mình, cạnh bàn thờ Chúa, ôi Chúa thiên binh. Ôi đại vương và Thiên Chúa tôi. Phúc cho những ai trú ngụ nơi nhà Chúa, họ sẽ ca tụng Chúa tới muôn đời.

Hoặc đọc:

Chúa phán: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy”.

Lời nguyện kết lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa lãnh nhận hồng ân Chúa ban, xin cho chúng con mỗi khi cử hành bí tích này được hưởng dồi dào ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Tội thờ ơ

Tôi đã chứng kiến không chỉ một lần cảnh đám đông vây quanh một đánh đánh lộn bên đường phố. Có khi đó là hai thanh niên quyết ăn thua đủ với nhau. Có khi đó là một người đàn ông đánh đập tàn nhận một người đàn bà. Có khi đó là hai cô gái sừng sổ với nhau. Điều đáng nói là mọi người dường như có vẻ dửng dưng, như chứng kiến một cánh đấm đá trên màn ảnh? Phải chăng con người ngày nay đã xơ cứng trước nỗi thống khổ của kẻ khác?

Thực tế có lẽ không đến nỗi quá quắt như vậy. Người ta chỉ thờ ơ để khỏi mang vạ vào thân giữa một xã hội mạnh ai nấy sống. Tuy thế cũng thật đáng buồn và đáng suy nghĩ. Tôi chắc có nhiều người cũng như tôi, không hẳn là mình không muốn can ngăn những cuộc ẩn đả xảy ra ngoài đường phố hay trong khu xóm. Có điều cái thói thờ ơ, để khỏi bị liên luỵ và được yên lòng, đã chiếm lĩnh lối sống ích kỷ, cầu an cá nhân của mình. Sống với tâm trạng như thế, chúng ta đọc sao được câu chuyện người Samaria nhân hậu của Tin Mừng.

Người Samaria là một anh chàng không có đạo, mà không có đạo cũng đồng nghĩa với không thể sống bác ái lương thiện. Quan niệm Do Thái hẹp hòi và thiển cận ấy, như một mẫu mực để những ai muốn có cuộc sống đời đời phải nhìn đó mà noi theo. Người Samaria ngoại đạo đã trổi vượt hơn những người chính thống, đạo đức nhất của xã hội và Giáo Hội lúc bấy giờ là thầy Lêvi và vị tư tế. Trổi vượt trong lãnh vực yêu thương, cứu giúp những người gặp vận nạn hiểm nguy trong cuộc sống. Còn chúng ta thì sao?

Tôi xin thưa chúng ta cũng phải trở nên là những người Samaria nhân lành của thời buổi hôm nay. Có nghĩa là chúng ta không phải chỉ sống cho riêng mình mà còn sống cho người khác. Chúng ta không chỉ lo toan cho cá nhân mà còn quan tâm tới hết mọi người chung quanh. Chúng ta không chỉ nghiêm túc trong giờ phụng vụ mà còn nghiêm túc trong mọi lãnh vực kinh doanh và sản xuất.

Trong xã hội, kẻ thờ ơ với tha nhân cũng nhiều, nhưng những người Samaria hiện đại cũng không thiếu. Họ có khi mang danh hiệu Kitô hữu, có khi mang danh hiệu Phật tử, có khi mang danh hiệu cộng sản và có khi chẳng mang một danh hiệu nào cả. Nhưng họ giống như Đức Kitô đã sống và họ tiếp cận được với Thiên Chúa cũng như với tha nhân. Vậy thì để trở nên những người Samaria thời buổi hôm nay, chúng ta đã thực sự có được một trái tim mở rộng, một thái độ quan tâm đến mọi người, mọi việc kế cận với chúng ta hay chưa?

Normal 0 false false false EN-US X-NONE X-NONE st1\:*{behavior:url(#ieooui) } /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-priority:99; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt; mso-para-margin-top:6.0pt; mso-para-margin-right:0cm; mso-para-margin-bottom:6.0pt; mso-para-margin-left:0cm; text-align:justify; mso-pagination:widow-orphan; font-size:14.0pt; font-family:"Times New Roman","serif";} Chúa nhật 15C Thường niên -1989
Lm. Lã Mộng Thường

Quý ông bà, anh chị em trong Đức Kitô.

Trên đường lái xe đi những thành phố xa, thỉnh thoảng tôi có rước một vài người đón xe dọc đường. Tôi có kể lại chuyện này cho những bạn bè Mỹ hoặc Việt Nam nghe. Ai cũng khuyên tôi không nên đón những người bắt xe dọc đường vì chuyện này rất là nguy hiểm. Họ nói với tôi, đã rất nhiều người bị cướp xe, bị đánh thừa sống thiếu chết, và tai hoạ không thể lường được.

Xã hội chúng ta đang sống dạy chúng ta như thế. Chúng ta muốn giúp người nhưng chúng ta không dám vì có thể rằng giúp người mang họa vào thân. Tuy nhiên, bài Phúc Âm hôm nay nêu lên vấn đề giúp đỡ những người khốn khó và dạy chúng ta hãy làm như thế.

Mới đọc hoặc nghe bài Phúc Âm hôm nay, thường chúng ta cảm thấy bài Phúc Âm nói lên sự ích kỷ của một thày tế lễ và một luật sĩ, không biết thương xót người bị đánh gần chết. Bài Phúc Âm ca tụng lòng thương người của người Samaritanô. Nhưng nếu đặt lại vấn đề tại sao có bài Phúc Âm hôm nay, câu trả lời sẽ là: bài Phúc Âm chỉ trích những lề luật cấm người ta giúp đỗ lẫn nhau.

Theo luật Mai Sen thời Chúa Giêsu có luật gọi là luật ô uế. Luật này minh định rằng người nào bị cùi, ghẻ lở, hoặc những người nào phạm tội đương đường trước công chúng đều bị gọi là ô uế. Ai ăn thịt heo hay đụng chạm vào con heo cũng bị ô uế vì con heo được coi như con vật ô uế. Luật ô uế này còn bao gồm rất nhiều trường hợp. Chẳng hạn ai đụng vào xác chết của người hay những con vật ở ngoài đường, ngoài ruộng cũng bị ô uế. Những người bị ô uế này không được tế lễ, không được bước vào đền thánh, và bị mọi người khinh khi.

Người nào đã bị ô uế, phải giữ một số luật khắt khe trong thời hạn ngắn nhất là bảy ngày, phải ăn chay, đoạn tắm rửa sạch sẽ đúng theo luật định kiêng cữ cho khỏi bị ô uế, lại phải đến gặp thày chánh tế trong thời gian thi hành nhiệm vụ để được chứng thực và được tuyên bố là đã sạch sẽ thì mới được coi là bình thường. Nếu thày tế lễ chưa tuyên bố, người đó vẫn còn bị ô uế.

Chiếu theo luật này, thì những người theo luật Mai Sen không dám đụng người bị cướp đánh gần chết nhất là thày tế lễ và luật sĩ đang trên đường lên đền thờ tế lễ. Đụng vào xác chết là phạm luật Mai Sen, sẽ không những không được tế lễ mà lại còn không được vào đền thờ. Điều này chẳng khác gì chúng ta không dám rước người đón xe dọc đường vì sợ bị mất cả xe, què cả người.

Tóm lại, hiểu tập tục của người Do Thái trong thời kỳ sơ khai của Giáo Hội, bài Phúc Âm hôm nay nói cho chúng ta biết rằng bất cứ những gì không có hại đến chúng ta mà ngăn cản chúng ta làm việc bác ái đều ngược lại với ý muốn của Chúa. Chúa muốn chúng ta ăn ở độ lượng, giúp đỡ những kẻ kém may mắn hơn chúng ta. Chúa muốn chúng ta thương và giúp kẻ khác như thương và giúp chính chúng ta.

Chúng ta dành đôi phút để cảm tạ Chúa vì đã ban cho chúng ta cuộc sống an bình. Hứa với Chúa là chúng ta sẽ cố gắng giúp những người cần đến chúng ta. Dâng lời hứa này hợp với thánh lễ để tôn vinh Chúa. Xin Chúa chúc lành nơi quí ông bà anh chị em.

Chúa nhật 15C Thường niên -2001
Lm. Lã Mộng Thường 

Chúng ta đã quá nhiều lần nghe hoặc đọc bài Phúc Âm vừa được công bố, và ai cũng đều cảm thấy quá dễ hiểu vì rõ ràng bài Phúc Âm dùng câu truyện của một nhà thông luật lệ để hỏi về điều kiện và phương thức để có sự sống đời đời. Bài Phúc Âm đặt nơi miệng Đức Giêsu câu hỏi ngược lại về luật yêu thương và dùng dụ ngôn người Samaritanô tốt lành để giải thích về điều mà chúng ta rất ít khi hoặc không bao giờ dám để ý. Dụ ngôn người Samaritanô tốt lành được tóm gọn nói lên sự làm ngơ mà bình thường chúng ta nói là không có lòng bác ái của một vị tư tế và vị trợ tế trong khi người Samaritanô bị người Do Thái coi là dân ngoại lại giúp đỡ kẻ khốn cùng.

Điều mà ít ai để ý đó là Phúc Âm dùng nhà thông luật để đặt câu hỏi, lại dùng hai vị tư tế và trợ tế là những người biết rành lề luật của đạo Do Thái, đồng thời lại nêu lên người Samaritanô bị người Do Thái coi như quân vô đạo thực hiện công việc tốt lành đối nghịch với những bậc vị vọng của người Do Thái.

Thử hỏi trên đường từ Jerusalem xuống Jericho đâu thiếu gì người qua lại, chứng kiến cảnh người bị cướp giựt gần chết nằm bên đường và tại sao Phúc Âm không nhắc đến những người khác đã làm ngơ đi qua mà lại dùng vị tư tế và trợ tế? Hơn nữa, nhà thông luật là người có địa vị nơi xã hội và chắc chắn ông ta phải làm việc liên quan đến luật lệ đâu cần phải hỏi ai về lề luật phương chi nói tới vấn đề phải thế nào để được sống đời đời. Nếu chỉ phiếm diện hiểu bài Phúc Âm theo nghĩa đen, bất cứ ai cũng có thể nói được Lời Chúa lên án vị tư tế và trợ tế, những người mang trách nhiệm dẫn dắt dân Chúa nơi đạo Do Thái là không có đức bác ái, không thương người, không giữ luật yêu thương trong khi ca tụng dân ngoại có lòng công chính và tốt lành hơn cả những đấng làm thày giữ trọng trách tế lễ. Và như vậy, dân được Chúa chọn riêng không công chính bằng dân ngoại! Nhìn lại cuộc đời ngày nay, những ai biết lái xe không dám đón khách lỡ đường vì đã quá nhiều trường hợp chỉ vì lòng tốt lành muốn giúp người mà mang họa vào thân.

Cuộc đời là thế, có những việc tốt lành chúng ta muốn thực hiện nhưng không thể được bởi chưa chắc việc tốt đối với mình đã được người khác cho là tốt mà nhiều khi còn bị những điều ong tiếng ve làm nhụt lòng thành. Hơn nữa, kinh nghiệm chứng minh, càng những kẻ không ra gì lại càng hay bới móc, phê bình người khác mà quên rằng chính những điều mình nói ra chứng minh lòng dạ của mình như thế. Hai vị tư tế và trợ tế rất thông hiểu lề luật Do Thái đã được ghi chép nơi kinh Torah, đặc biệt là hai cuốn Lêvi và Dân Số. Luật nhơ uế và luật thanh tẩy của người Do Thái nơi Kinh Thánh được ghi lại rất rõ ràng nơi sách Lêvi. Chẳng hạn, sách chép, “Thỏ vì tuy thuộc loại nhai lại, nhưng không có móng xẻ hai, nó sẽ là nhơ đối với các ngươi. Lợn, tuy chân nó có móng và móng xẻ hai nhưng không nhai lại, nó sẽ là nhơ đối với các ngươi. Thịt chúng, các ngươi sẽ không ăn, thây chúng các ngươi sẽ không đụng đến; chúng sẽ là nhơ đối với các ngươi” (Lv. 11:6-8). Về đàn bà, sách chép, “Nếu sinh con gái, nó sẽ mắc uế hai tuần, như thời kinh uế, và sẽ ở cữ sáu mươi sáu ngày để tẩy uế máu. Khi đã mãn những ngày tẩy uế của nó, dù là con trai hay con gái, nó sẽ đem đến nơi cửa Trưởng Tao Phùng cho tư tế, một con chiên sinh trong năm ấy, làm lễ thượng hiến và một bồ câu non hay chim cu làm lễ vật tạ tội. Và ngươi sẽ tiến dâng trước nhan Yavê mà làm phép xá tội trên nó, và nó sẽ được tẩy uế về việc xuất huyết. Đó là luật cho phụ nữ sinh trai hay gái. Nhược bằng nó không thể sắm được một con chiên thì nó sẽ lấy hai chim cu hay hai bồ câu non, một con làm thượng hiến, và một làm lễ tạ tội, và tư tế sẽ làm phép xá tội trên nó và nó sẽ được tẩy uế” (Lv. 12:5-8).

Hiểu luật nhơ uế như thế, chúng ta biết lý do tại sao có lễ Đức Mẹ dâng con vào đền thờ. Luật nhơ uế chẳng những ngăn cấm và bắt người Do Thái tuân giữ nhiều nghi thức mà còn lên án những người chẳng may bị tật nguyền hay mắc một số bệnh nào đó. Nơi sách dân số có ghi, “Yavê phán cùng Maisen rằng: Hãy truyền cho con cái Israel đưa ra khỏi trại mọi kẻ phong hủi, mọi kẻ mắc lậu, và mọi kẻ mắc uế vì vong linh. Dù là đàn ông hay đàn bà, các ngươi sẽ đưa chúng ra tận bên ngoài trại để chúng đừng làm nhơ uế trại là nơi Ta ngự trị” (Ds. 5:1-2). Đối với người chết, sách Dân Số chép, “Ai rờ đến người chết, đụng phải tử thi người ta sẽ mắc uế bảy ngày. Kẻ ấy sẽ rửa tội mình bằng nước thải (than đốt bò bằng gỗ bá hương) ngày thứ ba và ngày thứ bảy rồi sẽ được sạch, nhưng nếu nó không rửa tội mình ngày thứ ba và thứ bảy, nó sẽ không được sạch. Phàm ai rờ đến người chết, tử thi người ta đã chết mà không rửa tội mình thì sẽ làm nhơ uế nhà tạm của Yavê. Sinh linh sẽ bị diệt khỏi Israel! Vì nước thải đã không đổ xuống trên nó, nó sẽ mắc uế, sự nhơ uế cứ còn lại trong nó. Đây là luật: khi có người chết trong lều, thì phàm ai vào lều và mọi sự trong lều đều sẽ mắc uế bảy ngày. Phàm đồ vật nào bỏ ngỏ, trên không có nắp dây cột đều mắc uế. Phàm ai trên cánh đồng đụng đến nạn nhân gươm đâm, hay thây chết, hay xương người hay mồ mả đều sẽ mắc uế bẩy ngày.” (Ds. 19:11-16). Thử hỏi, lề luật Do Thái như thế, sao vị tư tế và trợ tế dám đụng đến người bị cướp gần chết dọc đường. Sở dĩ Phúc Âm dùng người Samaritanô giúp kẻ bị nạn vì người Samaritanô không theo lề luật Do Thái nên không bị lề luật buộc.

Xét như thế, bài Phúc Âm đưa lên dụ ngôn người Samaritanô tốt lành với ý minh chứng một điều, đó là bất cứ sự gì, quan niệm hay lề luật nào ngăn cản con người nhận thức và thực hiện những việc đáng làm và nên làm đều cần được đặt lại vấn đề. Nơi thư thứ nhất gửi tín hữu Thesalonikê, thánh PhaoLô khuyên chúng ta, hãy tránh điều dữ dưới bất cứ hình thức nào. Lời Chúa được trình bày như thế, đọc và suy nghiệm để thấu đáo hay không tùy thuộc mỗi người chúng ta. Amen.

Chúa nhật thứ 15 thường niên -C
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 10, 25-37).

Khi ấy, có một người thông luật đứng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời”. Người nói với ông: “Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?” Ông trả lời: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình”. Chúa Giêsu nói: “Ông đã trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống”. Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Nhưng ai là anh em của tôi?” Chúa Giêsu nói tiếp:

“Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho chủ quán mà bảo rằng: 'Ông hãy săn sóc người ấy và ngoài ra, còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ trả lại ông'. Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?” Người thông luật trả lời: “Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy”. Và Chúa Giêsu bảo ông: “Ông cũng hãy đi và làm như vậy”.

Suy niệm

Khi các phương tiện khoa học kỹ thuật phát triển với tốc độ quá nhanh, giúp rút ngắn khoảng cách về địa lý, tạo nên sự gần gũi giữa con người với con người trong mọi khía cạnh cuộc sống. Cũng từ đây, khoảng cách từ con người này tới con người kia rất gần, dù khoảng cách giữa hai con người gần gũi, nhưng khoảng cách từ trái tim đến trái tim thì ngược lại với khoảng cách địa lý. Vì khoảng cách từ trái tim đến trái tim ngày càng xa, nên tình người nhiều lúc ngay trong gia đình như đang xa dần, dù đó là một gia đình, một cộng đoàn xứ đạo, hay một lối xóm bình yên. Chúa nhật thứ 15 thường niên mời chúng ta thẩm định lại giá trị tinh thần của tình người, chính giá trị này giúp niềm tin vững chắc hơn và năng động hơn trong việc sống đạo. Có thể nói rằng niềm tin của người tín hữu Kitô hướng về Thiên Chúa phải bắt đầu từ tình người, nếu tương quan con người còn hời hợt, còn dửng dưng, còn vô tâm, làm sao có thể nói tôi yêu mến Thiên Chúa, làm sao có thể nói trong tâm hồn tôi có sự hiện diện của Thiên Chúa, bởi cái hữu hình là hình bóng, là biểu tượng cho cái vô hình, thế nên không yêu mến tha nhân được thì không bao giờ yêu mến Thiên Chúa như lòng Ngài mong chờ.

Trước khi chia tay với cộng đoàn dân riêng của Thiên Chúa, ông Môi-sen đã nhắc lại cho họ những lề luật mà Thiên Chúa đã ký kết với họ tại chân núi Si-nai. Những lề luật đó là lời đề nghị đến từ Thiên Chúa, Ngài yêu thương và chọn dân Dothai là dân riêng của Ngài, đổi lại, họ phải tuân giữ các lề luật của Ngài. Bài đọc 1 trích từ sách Đệ Nhị Luật hôm nay, cũng nhắc lại cho con người những lề luật mà Thiên Chúa đặt để trong tâm hồn, lúc Ngài cho chúng ta được gọi Ngài là Cha: “Môi-sen nói cùng dân chúng rằng: “Nếu các ngươi nghe tiếng Chúa là Thiên Chúa các ngươi, hãy tuân giữ các giới răn và huấn thị của Người đã được ghi chép trong sách Luật này, hãy trở về cùng Chúa là Thiên Chúa các ngươi hết lòng và hết linh hồn các ngươi. Thánh chỉ ta truyền cho các ngươi hôm nay không quá khó khăn cũng không quá sức các ngươi”. Thiên Chúa đã lắng nghe, đã thấu hiểu và đã cúi xuống với con người, Ngài chỉ mong con người tuân giữ các lề luật của Ngài, để tất cả được nên thánh. Lề luật của Thiên Chúa không chỉ dành cho riêng Ngài, nhưng còn hướng về tha nhân, về con người, đặc biệt là những người nghèo khổ, đói rách và bất hạnh. Thiên Chúa luôn ưu ái, quan tâm đến những người thiếu may mắn đó.

Là một tạo vật, con người được hiện hữu là do tình yêu thương của Thiên Chúa. Ngài muốn con người chân nhận điều đó, để sống trong sự tự do của Thiên Chúa, để nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Trong lá thư gởi giáo đoàn Cô-lô-sê, chúng ta nghe trong bài đọc 2, thánh Phaolô tông đồ mời các tín hữu hãy quy hướng về Thiên Chúa, bởi nơi Ngài, con người được hiện hữu, bởi nhờ Ngài, con người là anh chị em với nhau: “Ðức Giêsu Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử mọi tạo vật; vì trong Người muôn loài trên trời dưới đất đã được tác thành, mọi vật hữu hình và vô hình, dù là các Bệ thần hay Quản thần, dù là Chủ thần hay Quyền thần: Mọi vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người”. Mọi vật được tạo thành nhờ Người và trong Người, vì thế, tất cả những ai tin thờ một Thiên Chúa, sẽ là anh chị em, là người nhà của Thiên Chúa, do đó, nếu người tín hữu chỉ biết sống cho mình, chỉ biết quan tâm đến mình, thiếu đi sự quảng đại với tha nhân, họ sẽ không thuộc về Đức Kitô, dù họ là những tín hữu của Ngài.

Là một người thầy thuốc nên trái tim nhân hậu đầy tình người của tác giả, được hiển lộ qua dụ ngôn người Sa-ma-ri-a nhân hậu. Thánh Luca trình bày hình ảnh các nhân vật liên quan dụ ngôn thật tinh tế, các thầy tư tế, trợ tế, vì sợ lỗi luật, nên đã làm ngơ trước người bị nạn, còn người Sa-ma-ri-a, khi thấy thế, liền xuống ngựa, chăm sóc, đưa về quán trọ và gởi gắm, để anh ta được sớm bình phục: “Một người đi từ Giêrusalem xuống Giê-ri-cô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Sa-ma-ri-a đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc”. Người tư tế và thầy trợ tế là những người tuân giữ lề luật rất nhiệm nhặt, không sai một dấu chấm hay dấu phẩy, vì sợ sai luật mà họ bỏ qua sự giúp đỡ người bị nạn. Còn người được coi là dân ngoại, đã dừng lại, giúp đỡ, đưa anh ta về quán trọ để chăm sóc. Có thể không phải vì anh ta giàu có, cũng có thể không phải vì anh ta sợ sai lề luật hay truyền thống, nhưng anh ta dừng lại vì hình ảnh người bị hại đụng đến trái tim và sự đồng cảm trong con người anh. Thiên Chúa cần một tấm lòng hơn là những của lễ tiến dâng. Ngài trân trọng tấm lòng của người dân ngoại, bởi có yêu thương tha nhân được, có giúp đỡ họ được, thì mới có thể thờ phượng Thiên Chúa và yêu mến Ngài được.

Thiên Chúa đã diễn đạt tình yêu của Ngài dành cho con người qua thái độ cúi xuống bên cạnh con người. Ngay từ lúc chọn một dân riêng, Ngài đã ở bên cạnh họ, hướng dẫn họ nên thánh mỗi ngày. Khi thiết lập một giao ước, Thiên Chúa vẫn muốn họ khởi đi từ tình người qua việc quan tâm, chăm sóc và sẻ chia, để có thể vươn lên tới Thiên Chúa, là Cha mọi người. Con Thiên Chúa khi nhập thể, với sứ mạng cứu độ, Ngài không chỉ sống cho Ngài, mà sống cho con người, đặc biệt là những người nghèo khổ, tội lỗi và bị bỏ rơi. Cuộc sống con người hôm nay luôn có hai chiều kích: hướng lên là quy về Thiên Chúa, nguồn cội của con người, quay sang hai bên là đến với tha nhân, họ là những người con Thiên Chúa và Ngài đang ở trong họ. Vì thế, biết Thiên Chúa là biết lề luật Ngài hướng dẫn để nên gần gũi và giống Ngài, sống niềm tin là sống cùng tha nhân, sống cho tha nhân và sống với tha nhân, bởi qua tha nhân, người tín hữu gặp gỡ một Thiên Chúa đầy thương tích và đang đau khổ trong phận người.

Sống trong một xã hội con người chỉ biết đấu tranh để giành chiến thắng cho bản thân, mà thiếu đi chút cảm thông và tha thứ cho đồng loại, người tín hữu Kitô luôn phải đối diện với cuộc chiến nội tâm, một bên là lề luật Thiên Chúa, một bên là quyền lợi trong cuộc sống, tôi sẽ chọn bên nào. Sống giữa một xứ đạo, cần có những người may mắn biết chia sẻ và thông cảm với những người nghèo, những người bất hạnh, vì thế, nếu các tín hữu Kitô ý thức mình là con Thiên Chúa trong gia đình thiêng liêng là Giáo hội, nên chăng quan tâm đến những người khó khăn về tinh thần và vật chất, giúp đỡ và chia sẻ cho nhau trong tình người. Chính những việc làm nhỏ bé đó hun đúc cho niềm tin vững bền hơn giữa cuộc đời. Chỉ vì tấm gương soi có lớp bạc phía sau, nên người soi không thể thấy được người đối diện, mà chỉ thấy chính mình họ. Vật chất và tiền của, vô tình làm cạn kiệt tình người, phủ bóng trên cả giới răn của Thiên Chúa, vì thế khó có thể thấy đâu là anh chị em của mình, đâu là con cái Thiên Chúa.

Tinh thần hiệp hành của Đức giáo hoàng đương kim, một lần nữa mời gọi con cái hãy bước qua những thách đố của thời đại, để sống tình gia đình, cùng làm việc, cùng cầu nguyện, cùng chia sẻ những gì cần thiết cho sự sống cả thể xác lẫn tinh thần. Tinh thần đó không dừng lại nơi người giáo dân, nhưng còn mời tất cả mọi thành phần, hãy loại bỏ những định kiến về chủ nghĩa này, lý tưởng nọ, hay bằng cấp này, địa vị nọ, để tất cả cùng đồng hành, cùng hợp lực xây dựng ngôi nhà của Thiên Chúa ngày càng ấm áp tình người, rộn ràng tình Trời. Thiên Chúa đã cúi xuống với con người, mời con người hãy chỗi dậy, gạt bỏ những suy nghĩ lạc hậu bấy lâu nay, bước vào một hành trình mới trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, có làm được như thế, Giáo hội mới đứng vững trước làn sóng tấn công từ trào lưu tục hóa lề luật Thiên Chúa và tương đối hóa những giá trị thánh thiêng.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa hiện diện bên cạnh con người để chia sẻ và cảm thông với những giới hạn của con người, xin cho chúng con biết nối tiếp mong muốn của Chúa bằng việc quan tâm, chăm sóc và  chia sẻ với những người khó khăn và bất hạnh. Chúa đã trở nên nghèo như bao người nghèo, và nhận chịu những thiếu thốn như những người bất hạnh, xin giúp chúng con nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi những người đang cần sự giúp đỡ của chúng con, để chúng con biết trao cho họ chiếc khăn của sự cảm thông, biết trao cho họ ly nước của sự sống tình Trời, và biết trao cho họ chén cơm của tình người. Amen.

 

HÃY RA ĐI !
(CN XV TN C – Lc 10,25-37) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

Cứ mỗi lần đọc bài Tin mừng theo thánh Luca đoạn kể câu chuyện người Samaritanô nhân hậu, bản thân thấy nhột gáy làm sao. Vẫn biết đây là một câu chuyện kể, nhưng không hiểu tại sao Chúa Giêsu lại dùng sự hững hờ của một thầy tư tế và một thầy trợ tế để làm nổi rõ lòng nhân ái của một anh em lương dân. Dù rằng trong văn chương thường có những thủ pháp, chẳng hạn dùng thủ pháp tạo sự tương phản để nhấn mạnh chủ đề muốn nói. Thế nhưng nội dung câu chuyện vẫn khiến ta giật mình. Là Kitô hữu, chúng ta đều rõ trọng tâm của đời sống chúng ta là đức ái. Đề tài đức ái quả là bao la và đã có nhiều đấng khai triển. Xin mạo muội mạn bàn đôi nét về câu nói của Chúa Cứu Thế với người luật sĩ lúc bấy giờ: “Hãy đi và làm như vậy” (Lc 10,37).

Để làm được như người Samaritanô, thiết tưởng cần phải ra đi. Chúa Giêsu không chỉ truyền dạy “hãy làm như vậy” mà Người đã thêm hai từ “hãy đi”. Để có thể sống yêu thương, ta cần phải ra đi. Xin được chia sẻ bốn chiều kích ta cần phải đi ra để có thể biết ta là anh em của những ai, để có thể thực thi đức ái với người đang cần lòng thương xót.

1. Đi ra khỏi vị trí an ninh, yên ổn của mình: “Chim có tổ, chồn có hang, còn Con Người không có chỗ gối đầu” (Lc 9,58). Ba năm rong ruổi trên các nẻo đường, Chúa Giêsu đã sống đức ái với nhiều người thuộc mọi hoàn cảnh. Nhờ ra khỏi vị trí an ninh, yên ổn của mình mà Chúa Giêsu đã đến được với người Do Thái lẫn anh chị em lương dân, với người Giuđêa, người Galilêa lẫn người Samaria và đặc biệt với đại đa số người bệnh tật, bé nhỏ, nghèo hèn… vốn là những người đang cần lòng thương xót của Người hơn hết.

Xin tạ ơn Chúa vì đã và đang có nhiều vị mục tử tốt lành không dừng lại ở những dịp kinh lý định kỳ mà còn tích cực ra khỏi vị trí yên ổn của mình để đến với nhiều đàn chiên vùng sâu, vùng xa, nghèo hèn để thể hiện đức ái. Quả thật, dù biết phải sống đức ái, dù muốn trở nên người thân cận, người anh em với những người cần đến lòng thương xót của Chúa mà nếu không can đảm và tích cực ra đi, ra đi khỏi vị trí yên ổn của mình thì cái muốn và điều biết kia sẽ khó thành hiện thực.

2. Đi ra khỏi định kiến của mình: “Người này cũng là con cái của Abrraham” (Lc, 19,9). Chúa Giêsu đã ra khỏi thành kiến của người Do Thái thời bấy giờ về những người thu thuế. Giakêu đã nhận được lòng xót thương của Chúa. Lêvi đã trở nên môn đệ của Người. Chúa Giêsu cũng đã ra khỏi thành kiến của người Do Thái thời bấy giờ về anh em ngoại giáo, người Samaria. Người đã đến nhà viên đại đội trưởng, đến gặp và xin nước với chị phụ nữ Samaria trên bờ giếng Giacop… Ra khỏi định kiến của mình là một trong những điều kiện cần có để ta có thể tiếp cận với tha nhân như là người anh em, như là người cần đến lòng thương xót của Chúa qua chúng ta.

Tạ ơn Chúa, Mẹ Hội Thánh, đặc biệt qua Công Đồng Vatican II không chỉ là mở cửa ra với thế giới mà còn đã biết đi ra khỏi cái nhìn phiến diện với anh chị em lương dân, với bà con khác đạo và với cả người vô tín, để rồi tích cực sống đức ái trọn hảo. Không ra khỏi định kiến với một ai đó thì ta khó mà thực sự sống yêu thương.

3. Đi ra khỏi lề thói vị luật, vụ luật: Rất có thể vị Tư tế và vị trợ tế trong bài Tin Mừng ở trên vì câu nệ về qui định của luật tế lễ nên đã bỏ qua người anh em đang lâm nạn. Nhiều luật sĩ và biệt phái thời Chúa Giêsu đã không ra khỏi sự cứng nhắc vô tình vì vị luật và cả vụ luật. Chính vì thế mà con tim của họ đã hóa chai đá trước bao nỗi khổ của đồng loại. Chúa Giêsu đã nhiều lần cố tình vi phạm luật ngày hưu lễ, luật sạch nhơ để rồi đề cao luật đức ái: Luật đức ái là luật trên các luật.

Tạ ơn Chúa, Mẹ Hội Thánh, qua Bộ Giáo luật 1983 đã làm nỗi rõ ý tưởng này trong các nguyên tắc chính của bộ luật. Dù khẳng định “tính cách xã hội của Hội Thánh đòi hỏi một chiều hướng pháp lý tối thiểu, thế nhưng Hội Thánh vẫn nhìn nhận rằng yêu thương là giới răn cao trọng nhất (Nguyên Tắc thứ nhất). Tiếp đó qua Nguyên Tắc thứ hai và thứ năm, Hội Thánh trình bày một tinh thần vượt lên trên lề luật. “Giáo luật không thể mang lại ơn cứu rỗi được, bởi vì ơn cứu rỗi là kết quả của ơn thánh và sự hợp tác của lương tâm mỗi người. Giáo luật phải biết nhìn nhận và tôn trọng lương tâm” (Nguyên tắc thứ hai); “Luật pháp không thể chỉ nhằm cổ võ trật tự công cộng, nhưng còn để ý đến việc thăng tiến con người xét như là nhân vị nữa” (Nguyên tắc thứ năm). Một người sống “vị luật”, câu nệ luật, lợi dụng luật thì khó có thể yêu thương tha nhân như là anh em.

4. Ra đi khỏi vị thế cao quý của mình: “Vậy, nếu Thầy là Thầy và là Chúa mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,14). Chúa Giêsu đã đi ra khỏi vị thế là Thầy, là Chúa của mình để làm tôi tớ cho các môn đồ và để hầu hạ mọi người. Người đã tự nguyện ra khỏi vị thể là Chủ Tể của mình để làm huynh đệ với các môn sinh. “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa… Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu” (Ga 15,15). Thánh Tông đồ dân ngoại đã khẳng định chân lý này bằng bài ca tự hủy trong thư gửi tín hữu Philipphê. “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế…” (Phil 2,6-11).

Tạ ơn Chúa, các vị chủ chăn Hội Thánh gần đây đã bỏ dần đi sự hào nhoáng mang dáng dấp của vua chúa phong kiến của một thời. Các Ngài không chỉ tự xưng trong các văn kiện mà còn tích cực hành xử trong cụ thể như là “tôi tớ của các tôi tớ”. Quả thật khi ta chưa bỏ mình đi, chưa ra khỏi cung cách vị vọng trong thái độ sống thì ta khó mà cúi xuống để băng bó vết thương, để rửa chân cho người đang cần lòng xót thương của Chúa qua chúng ta.

Để biết ta là anh em của những ai, để tỏ lòng nhân ái với người cần lòng xót thương, không gì hơn hãy vâng nghe lệnh truyền của Đức Kitô: Hãy làm như người Samaritanô nhân hậu. Để làm được điều này, thiết tưởng không thể ở mãi trong vị trí yên ổn của mình, trong định kiến của ta về tha nhân, trong cung cách vụ luật hay trong vị thế cao quý của mình. Để được sống đời đời, không thể không sống đức ái. Để sống đức ái, không thể không ra đi. Kết thúc Thánh Lễ chúng ta được chúc ra đi bình an. Đây cũng là lời chúc ra đi để sống đạo yêu thương.

LUẬT SAMARITANÔ
(Chúa Nhật XV TN C) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Câu chuyện kể của Chúa Giêsu về người Samarianô nhân hậu đã khởi hứng cho một câu chuyện phim khá lý thú. Nội dung chuyện phim như sau: Một cô sinh viên trường y đang học năm cuối chương trình y khoa một lần kia chứng kiến một người đứng tuổi mập mạp đang trong cơn đột quỵ. Hoàn cảnh lúc ấy thật cấp bách, theo sự hiểu biết về y khoa mà cô sinh viên đã tiếp thu ở nhà trường thì cần phải có một tiểu phẫu nhỏ nơi cổ nạn nhân mới có thể cứu sống nạn nhân kịp thời trước khi đưa vào bệnh viện cấp cứu. Cô sinh viên ngành y ấy đã theo tiếng lương tâm mà làm tiểu phẫu trước khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Nạn nhân được cứu sống, nhưng lại bị một di chứng là khó phát âm vì khi làm tiểu phẫu, cô sinh viên chưa tốt nghiệp ấy bị một sai sót nhỏ. Cô sinh viên bị nạn nhân kiện. Nhiều thế lực không tốt cũng nhân cơ hội ấy để kiện luôn cả khoa và trường mà cô sinh viên đang theo học. Vụ kiện làm xôn xao dư luận, trở thành đề tại “hot” và cô sinh viên đang ở trong cảnh thế bí chỉ vì lý do chính là chưa tốt nghiệp, chưa có bằng chứng nhận được phép hành nghề y khoa. Và nhà trường cũng như bị liên lụy trách nhiệm đáng kể. Câu chuyện tưởng như không có hậu ấy đã thay đổi vào phút chót khi viên luật sư trẻ đầy tâm huyết đã tìm ra một luật để bào chữa đó là luật Samaritanô. Câu chuyện phim trở thành có hậu khi cô sinh viên được tòa tuyên vô tội.

Thánh tông đồ dân ngoại nói: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người thì đã chu toàn mọi Lề Luật” (Rm 13,8). Có thể nói rằng luật tình yêu là luật của các luật. Tuy nhiên cần xác định thế nào là yêu thương. Dưới khía cạnh tiêu cực, “đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại” (Rm 13,10). Khổng Tử dạy: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”. Theo Tanmút Do Thái giáo thì Rapbi Hinlen cũng nói: “Đừng làm cho người khác điều chính mình không thích”. Ông Tobia cha, đã khuyên bảo người con một đạo lý tương tự như trên: “Này con, hãy cẩn thận trong mọi việc con làm, và hãy tỏ ra con là nhà gia giáo trong mọi cách ăn thói ở của con. Điều gì con không thích thì cũng đừng làm cho ai cả” (Tb 4,14-15). Chúa Kitô đã đưa luật tình yêu này đến tận cùng với chiều kích tích cực: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì luật Môsê và các lời ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12).

Bài Tin mừng Chúa Nhật XV TN C tường thuật khi được Chúa Giêsu hỏi rằng trong Luật đã viết những gì thì vị thông luật đã trả lời đó là: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình”. Chúa Giêsu đã khẳng định rằng ông ta trả lời chính xác và hãy làm như vậy thì sẽ được sự sống đời đời làm gia nghiệp (x.Lc 10,25). Kitô hữu chúng ta ít băn khoăn hay tranh luận về giới luật phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn và hết trí khôn. Quả thật nếu đã tin nhận Thiên Chúa là căn nguyên và là cứu cánh của mọi vật mọi loài, nhất là loài người chúng ta thì việc phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự là lẽ tất yếu. Tuy nhiên, cũng như vị thông luật kia, chúng ta nhiều khi cảm thấy khó khăn với giới luật yêu tha nhân như chính mình.

Cựu Ước ghi rõ là phải yêu người thân cận như chính mình. Thế thì ai là người thân cận của chúng ta? Hạn từ người thân cận dường như giả thiết một sự giới hạn nào đó cả về mối tương quan cũng như điều kiện hoàn cảnh. Người Do Thái vốn ưu tiên đặt nặng mối dây tương quan niềm tin tôn giáo, kế đến là là mối tương quan màu da quốc tịch… Và chắc chắn kẻ thù không hề có trong phạm trù người thân cận. Chúng ta nhận ra điều này khi họ được dạy rằng “hãy yêu thương đồng loại và hãy ghét kẻ thù” (Mt 5,43).

Chúa Giêsu đã làm chưng hửng vị thông luật kia, khi mở rộng phạm trù người thân cận đến tất cả mọi người, không trừ ai. Người lại còn khẳng định tính tất yếu và vô điều kiện của giới luật yêu người. Câu chuyện “người Samaritanô nhân hậu” là một ví dụ minh họa rõ nét. Dù là luật của nghi lễ tế tự như trường hợp vị tư tế hay dù là một sự cẩn trọng, khôn ngoan cần có như trường hợp của vị trợ tế hay dù bất cứ lý do gì cũng không thể là nguyên cớ khiến ta xao nhãng hay thoái thác nghĩa vụ sống yêu thương. Theo nội dung câu chuyện kể, khi truyền cho vị thông luật là hãy đi và làm như người Samaritanô nhân hậu thì Chúa Giêsu nhắc nhớ vị ấy cũng như chúng ta rằng đừng hỏi ai là người thân cận của tôi mà hãy tự hỏi tôi là người thân cận của những ai. Chúng ta phải trở nên người thân cận của tất cả những ai đang cần đến lòng xót thương, ngay ở đây và lúc này.

Là Kitô hữu, chúng ta không thể bỏ qua nội dung dụ ngôn cuộc phán xét chung trong Tin mừng Matthêu đã được Giáo hội viết thành lời kinh “mười bốn mối thương người”. “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho Ta ăn; Ta khát, các ngươi đã cho Ta uống… Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta… Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói các ngươi đã không choTa ăn; Ta khát các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước, Ta mình trần, các ngươi đã không cho mặc…” (Mt 25,31-46).

“Hãy đi và hãy làm như người Samaritanô nhân hậu!” Một lệnh truyền mang tính cấp thiết vì nó liên hệ đến hạnh phúc vĩnh cửu của chúng ta. Lạy Chúa, con phải là người thân cận của ai đây? Không phải ở đâu xa hay là ngày mai, nhưng hôm nay và ở nơi này, lạy Chúa, những ai đang cần lòng thương xót, sự cứu giúp và nâng đỡ của con? Nếu thật lòng và xác tín với lời cầu nguyện trên, chắc chắn chúng ta sẽ biết phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây