TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật XVI Thường Niên -Năm A

17/07/2023 04:29:20 |   799

Chúa Nhật XVI Thường Niên -Năm A

Mt 13, 24-43


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XVI Thường Niên -Năm A

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Lời Chúa trong Chúa nhật XVI hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy nhận ra sự khoan dung, nhân hậu và nhẫn nại của Thiên Chúa nơi cuộc sống mỗi người. Qua dụ ngôn “Lúa tốt và cỏ lùng” chúng ta thấy Thiên Chúa là Đấng nhẫn nại và bao dung, chỉ muốn yêu thương và cứu vớt, luôn kiên trì chờ đợi người lầm lỗi trở về. Xin Chúa giúp chúng ta nhận ra điều đó và cho chúng ta hiểu rằng: Thời gian hiện tại có giá trị vĩnh cửu khi chúng ta biết sống chính trực, và biết đứng dậy quay trở về với Thiên Chúa ngay mỗi khi chúng ta trót lầm đường lạc lối.

Ca nhập lễ

Kìa Thiên Chúa phù trợ tôi, Chúa đang nâng đỡ tâm hồn tôi. Tôi đã tự nguyện hiến dâng lễ vật lên Chúa, và lạy Chúa, tôi sẽ ca tụng danh Ngài, vì danh Ngài thiện hảo.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, xin tỏ lòng nhân hậu với các tín hữu Chúa và rộng tay ban phát mọi ơn lành để chúng con thêm lòng tin cậy mến và chuyên cần tuân giữ những điều Chúa truyền dạy. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Kn 12, 13. 16-19

“Người ban cho kẻ tội lỗi ơn ăn năn trở lại”.

Trích sách Khôn Ngoan.

Ngoài Chúa, không có chúa nào khác chăm sóc mọi sự, ngõ hầu minh chứng rằng Chúa không đoán xét bất công. Vì chưng, sức mạnh của Chúa là nguồn gốc sự công minh, và vì Người là Chúa mọi sự, nên tỏ ra khoan dung với mọi người. Chúa chỉ tỏ sức mạnh Chúa ra khi có kẻ không tin vào uy quyền của Chúa, và triệt hạ kẻ kiêu căng không nhìn biết Người.

Vì là chủ sức mạnh, nên Chúa xét xử hiền lành, Chúa thống trị chúng ta với đầy lòng khoan dung: vì khi Chúa muốn, mọi quyền hành tuân lệnh Người. Khi hành động như thế, Người dạy dỗ dân Người rằng: Người công chính phải ăn ở nhân đạo, và Người làm cho con cái Người đầy hy vọng rằng: Người ban cho kẻ tội lỗi ơn ăn năn sám hối.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 85, 5-6. 9-10. 15-16a

Ðáp: Lạy Chúa, Chúa nhân hậu và khoan dung 

Xướng: Lạy Chúa, vì Chúa nhân hậu và khoan dung, giàu lượng từ bi với những ai kêu cầu Chúa. Lạy Chúa, xin nghe lời con khẩn nguyện, và quan tâm đến tiếng con van nài. 

Xướng: Các dân tộc mà Chúa tạo thành, họ sẽ tới, lạy Chúa, họ sẽ thờ lạy Ngài, và họ sẽ ca tụng danh Ngài. Vì Ngài cao cả và làm những điều kỳ diệu; duy một mình Ngài là Thiên Chúa. 

Xướng: Nhưng lạy Chúa, Ngài là Thiên Chúa từ bi, nhân hậu, chậm bất bình, rất mực khoan dung và thủ tín. Xin đoái nhìn đến con và xót thương con. 

Bài Ðọc II: Rm 8, 26-27

“Thánh Thần cầu xin cho chúng ta bằng những tiếng than khôn tả”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, có Thánh Thần nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta. Vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho xứng hợp, nhưng chính Thánh Thần cầu xin cho chúng ta bằng những tiếng than khôn tả. Mà Ðấng thấu suốt tâm hồn, thì biết điều Thánh Thần ước muốn. Bởi vì Thánh Thần cầu xin cho các thánh theo ý Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 6, 64b và 69b

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 13, 24-30 {hoặc 24-43}

“Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán một dụ ngôn khác cùng dân chúng rằng: “Nước trời giống như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Trong lúc mọi người ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo cỏ lùng vào ngay giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa lớn lên và trổ bông thì cỏ lùng cũng lộ ra. Ðầy tớ chủ nhà đến nói với ông rằng: “Thưa ông, thế ông đã không gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Vậy cỏ lùng từ đâu mà có?” Ông đáp: “Người thù của ta đã làm như thế”. Ðầy tớ nói với chủ: “Nếu ông bằng lòng, chúng tôi xin đi nhổ cỏ”. Chủ nhà đáp: “Không được, kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng. Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt. Và đến mùa, ta sẽ dặn thợ gặt: “Các anh hãy nhổ cỏ lùng trước, rồi bó lại từng bó mà đốt đi, sau mới thu lúa lại chất vào lẫm cho ta”.

{Người lại nói với họ dụ ngôn khác mà rằng: “Nước trời giống như hạt cải người kia gieo trong ruộng mình. Hạt đó bé nhỏ hơn mọi thứ hạt giống, nhưng khi mọc lên, thì lớn hơn mọi thứ rau cỏ, rồi thành cây, đến nỗi chim trời đến nương náu nơi ngành nó”.

Người lại nói với họ một dụ ngôn khác nữa mà rằng: “Nước trời giống như men người đàn bà kia lấy đem trộn vào ba đấu bột, cho đến khi bột dậy men”.

Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà phán những điều ấy với dân chúng. Người không phán điều gì với họ mà không dùng dụ ngôn, để ứng nghiệm lời tiên tri đã chép rằng: “Ta sẽ mở miệng nói lời dụ ngôn, Ta sẽ tỏ ra những điều bí nhiệm từ lúc dựng nên thế gian”. Sau khi giải tán dân chúng, Người trở về nhà. Các môn đệ đến gặp Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải thích dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe”. Người đáp rằng: “Kẻ gieo giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Còn hạt giống tốt là con cái Nước trời. Cỏ lùng là con cái gian ác. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy: Con Người sẽ sai các thiên thần đi thu tất cả gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác khỏi nước Chúa, rồi ném tất cả chúng vào lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng chói như mặt trời trong Nước của Cha mình. Ai có tai để nghe thì hãy nghe”.}

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là Đấng nhân hậu, chậm bất bình và giàu lòng khoan dung. Ngài luôn kiên nhẫn chờ đợi kẻ tội lỗi ăn năn trở lại. Tin tưởng vào điều đó, chúng ta cùng dâng lời cầu xin :

1. “Vì Ngài là Chúa mọi sự, nên tỏ ra khoan dung với mọi người”. Xin cho các vị Mục tử trong Hội Thánh thấm nhuần tinh thần khoan dung và từ ái của Chúa, để trong thời gian chờ đợi các tâm hồn hoán cải, các ngài qui tụ họ lại thành một tấm bánh được dậy men hiến dâng lên Chúa.

2. “Chúa Thánh Thần nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta”. Xin cho các Kitô hữu dù phải trải qua bao thử thách, vẫn âm thầm phát triển và lớn mạnh trong sự vững tin vào quyền năng của Thiên Chúa, như những hạt giống nhỏ bé phải chịu mục nát để đi đến sự tăng trưởng, sinh hoa kết trái.

3. Như bột cần men để dậy lên thế nào thì tâm hồn các thanh thiếu niên cũng cần sự thông hiệp với Chúa Kitô như vậy. Xin Chúa biến đổi tâm hồn cứng cỏi nguội lạnh của họ, để nhờ Chúa Thánh Thần tác động, họ thực tâm hối cải, năng lãnh nhận các Bí tích Hòa giải và Thánh Thể để đời sống của họ được sung mãn.

4. “Nước Trời như hạt cải nhỏ bé hơn mọi thứ hạt”. Xin cho mọi người trong giáo xứ chúng ta là những hạt cải bé nhỏ mà Đức Kitô đã ươm trồng trong ruộng trần thế, được nẩy sinh xanh tốt hầu lôi kéo muôn người gia nhập Hội Thánh Chúa.

Chủ tế:  Lạy Chúa, trong một cộng đoàn giáo xứ, có biết bao khác biệt, xin Chúa giúp chúng con biết bình thản và khiêm tốn chấp nhận nhau, tích cực cầu nguyện và giúp nhau kiện toàn đời sống Kitô hữu, để luôn sống xứng đáng là những cây lúa tốt trổ bông thánh thiện trong cánh đồng Hội Thánh. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa là Cha nhân từ, Chúa đã dùng hiến tế duy nhất của Ðức Kitô trên thập giá làm cho các hy lễ theo luật Môsê được đầy đủ ý nghĩa. Xin thánh hoá lễ vật chúng con dâng với cả tấm lòng thành, cũng như xưa Chúa đã vui lòng thánh hoá lễ vật của Aben. Nhờ đó, hiến lễ mỗi người chúng con dâng lên để tôn vinh Danh Thánh sẽ giúp mọi người đạt tới ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa đã làm những điều lạ lùng đáng ghi nhớ, Chúa thật là Đấng nhân hậu và từ bi; Người đã ban lương thực cho những ai tôn sợ Người.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Này Ta đứng ngoài cửa Ta gõ cửa, nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho Ta, Ta sẽ vào nhà người ấy, và sẽ dùng bữa tối với nó, và nó sẽ dùng bữa với Ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin phù trợ chúng con là đoàn dân Chúa. Chúa đã lấy bánh bởi trời và nuôi dưỡng chúng con, xin cũng giúp chúng con từ bỏ nếp sống cũ và hân hoan bước vào đời sống mới. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Tốt và xấu

Thế giới hôm nay vẫn còn là như một thửa ruộng, trong đó có cỏ lùng xen lẫn với lúa. Cái tốt xen lẫn với cái xấu. Chúng ta chỉ cần để ý một chút là có thể nhận ra trong giáo xứ, trong khu xóm, trong gia đình có những người tốt và những người xấu. Hơn nữa, cùng một con người, nhưng có lúc hành động tốt và có lúc hành động xấu.

Chọn cái tốt và làm điều tốt cũng như ghét cái xấu và tiêu diệt cái xấu, đó là bài học luân lý phổ thông nhất cho mọi người ở mọi nơi và trong mọi lúc. Bài học này nói thì dễ nhưng áp dụng vào thực hành lại chẳng dễ chút nào. Vì thế, chúng ta cần phải cố gắng liên tục, cố gắng không ngừng.

Tuy nhiên cái đích mà Chúa Giêsu nhắm tới không phải chỉ là những kẻ khô khan nguội lạnh mà còn là những người sốt sắng nóng nảy, bởi vì dụ ngôn trên kêu gọi sự nhẫn nại. Nhẫn nại với lịch sử, với người chung quanh và với chính bản thân mình. Đừng vội kết án như thể mọi sự đã xong xuôi, chẳng còn gì để mà nói, để mà trông chờ. Nó đã hư đã hỏng, chỉ còn việc nhổ lên và vất đi. Các nhãn hiệu tốt và xấu như được gắn chặt nơi mỗi con người một cách vĩnh viễn.

Nền tảng của sự nhẫn nại chính là tính chất của giai đoạn chúng ta đang sống. Giai đoạn hiện tại là một giao thời và sự hiện diện của Giáo Hội là một lời mời gọi chứ chưa phải là một lời kết án. Giai đoạn hiện tại còn là thời rao giảng Tin Mừng. Các môn đệ của Chúa được sai đi để đem đến ơn cứu độ. Nhưng đồng thời lòng ham muốn sai trái và tội lỗi vẫn còn được phép hoạt động. Sẽ tới một thời được gọi là mùa gặt, tức là cuộc phán xét trong ngày sau hết. Bấy giờ Chúa Giêsu sẽ đứng lên để làm công việc phải làm: phân định vĩnh viễn người lành kẻ dữ, người tốt kẻ xấu. Người lành thì sáng chói trong Nước Chúa còn kẻ dữ thì bị ném vào lửa, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng.

Nhẫn nại đi đôi với lạc quan và hy vọng. Dụ ngôn còn là một lời mơi gọi chúng ta phải biết nhìn về tương lai. Căn bệnh rồi sẽ khỏi, chiến tranh rồi sẽ hết, bất công không thể kéo dài một cách vĩnh viễn, kẻ phạm tội có thể hối cải và kẻ thất vọng sẽ tìm thấy chốn cậy trông.

Nhưng tin vào tương lai cũng là hoạt động cho niềm tin trở thành sự thật. Nhẫn nại không có nghĩa là khoanh tay ngồi im chờ đợi trong trạng thái thụ động. Người tín hữu tin ở sự chiến thắng của cái tốt, tin ở một tương lai tươi đẹp, tin ở công trình cứu chuộc của Thiên Chúa, cũng phải là người hành động một cách tích cực để huỷ diện cái xấu và làm phát sinh những cái tốt.
 

Nụ cười

Theo yêu cầu, một nhà đạo đức đã kể lại kinh nghiệm đời mình như sau:

– Giai đoạn đầu tiên, tôi được Thiên Chúa cầm tay, dẫn tới xứ sở của hoạt động và tôi đã ở lại đó nhiều năm. Tiếp đó, Ngài trở lại đưa tôi đến xứ sở của niềm đau, tại đây, trái tim tôi được thanh luyện khỏi mọi dính bén với của cải trần gian. Sau đó, Ngài dẫn tôi đến miền đất của cô đơn, ở đó mọi ti tiện nhỏ bé của bản thân đều bị thiêu rụi. Và rồi tôi có thể đi vào xứ sở của thinh lặng, trước mặt tôi, mầu nhiệm của sự sống và sự chết đều được bày tỏ.

Nghe thế, người ta liền hỏi:

– Phải chăng ngài đã đạt tới giai đoạn cuối cùng của cuộc tìm kiếm.

Nhà đạo đức trả lời:

– Chưa đâu, ngày nọ, Thiên Chúa nói với tôi: Lần này Ta đưa con vào thẳm cung của đền thánh để con được đi vào cõi lòng Ta.

Thế là tôi đã đến xứ sở của nụ cười.

Người Tây phương thường bảo: Một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn vậy. Niềm vui phải chăng là nét chính yếu trên khuôn mặt của một vị thánh.

Cựu Ước đã nói: Thiên Chúa là Đấng làm hoan lạc tuổi xuân con. Sở dĩ như vậy vì Ngài là niềm vui. Đi vào cõi lòng của Ngài là tìm được nụ cười muôn thuở của Ngài. Nụ cười không chỉ là thể hiện của niềm vui, mà còn là một thách thức trong những hoàn cảnh bi đát. Đó là nụ cười của Sara giữa cảnh già nua con sẻ. Thực vậy, khi Thiên Chúa cho biết bà sẽ thụ thai, mặc dù tuổi đã cao, thì bà đã bật cười.

Thiên Chúa thường khơi dậy những nụ cười như thế, bởi vì tư tưởng và lối của Ngài là những nghịch lý đối với con người. Thực vậy, cả cuộc sống cùng với lời rao giảng cái chết và sự phục sinh của Ngài là một chuỗi những nghịch lý trước mắt thế gian. Đang khi người đời chạy theo tiền bạc, địa vị và danh vọng thì Ngài lại tuyên bố: Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó. Đang khi người đời thích gây bạo động và hận thù, thì Ngài lại truyền dạy: Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà. Đang khi người đời cho rằng cái chết là một bất hạnh tột cùng, thì Ngài lại dạy đó là khởi đầu của ơn phúc, là cửa ngõ dẫn vào sự sống.

Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta cũng thấy được những điều nghịch lý về Nước Trời. Nhỏ bé như hạt cải nhưng khi mọc lên sẽ trở thành cây to. Ít ỏi như nhúm men nhưng sẽ làm dậy cả đấu bột. Cả hai hình ảnh này đều nói lên sức mạnh của Nước Trời Chúa Giêsu muốn thể hiện qua Giáo Hội của Ngài. Khởi đầu từ một nhóm người nhỏ bé, Giáo Hội dần dần quy tụ mọi dân nước trên thế giới. Xây dựng từ một đám dân chài dốt nát, Giáo Hội đã trở thành phổ quát. Và trải qua bao nhiêu bách hại, Giáo Hội ấy vẫn tiếp tục đứng vững.

Là con cái Giáo Hội, chúng ta được mời gọi đặt tất cả niềm tin tưởng vào Chúa. Tiến bước trong tình yêu quan phòng của Ngài luôn phù trợ chúng ta, dù trải qua gian nan thử thách, chúng ta luôn xác tín rằng: Với những ai yêu mến Chúa, thì Ngài sẽ làm cho mọi sự đều quy về sự thiện hảo. Với niềm tin tưởng ấy, chúng ta quả thực đang tìm được nụ cười muôn thuở của Thiên Chúa.
 

KIÊN NHẪN - HY VỌNG - THƯƠNG XÓT
“Đừng, sợ rằng khi nhặt cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt.”
(Mt 13, 29)

Suy niệm: Đức Giê-su dùng phương pháp tương phản để cho thấy hai đường lối khác biệt. Ông chủ: gieo giống tốt, ban ngày, công khai, quan tâm chăm sóc; kẻ thù (Satan): gieo cỏ lùng, ban đêm, lén lút, bỏ mặc. Cỏ lùng khi lớn lên giống như lúa, nếu nhổ đi sẽ ảnh hưởng tới cây lúa, cũng như có thể nhổ nhầm cây lúa. Ruộng là thế gian, trong “ruộng thế gian” này, người Ki-tô hữu là giống tốt được gieo vào, được mong mỏi đơm bông kết hạt; thế nhưng, họ vẫn có “nguy cơ” trở thành “cỏ lùng” khi để tâm hồn nên xấu xa tội lỗi. Chiến thắng cuối cùng vẫn thuộc về Thiên Chúa, Đấng đã gieo giống tốt vào ruộng thế gian, thậm chí “gieo” cả Con Một mình, là hạt lúa mì chịu mục nát, chết đi, sống lại, để sản sinh bao hạt lúa khác.

Mời bạn: Ta thường loại bỏ những người bất đồng quan điểm, không tương hợp với mình; hoặc do cho rằng họ “tội lỗi” hơn ta, nơi họ không có gì đáng tôn trọng. Bạn hãy ngắm nhìn Người gieo giống: kiên nhẫn, khoan dung, thương xót, chờ đợi, luôn hy vọng “cỏ lùng” sẽ có ngày hoán cải, trở thành lúa tốt. Không phải chờ đợi một hai năm, nhưng đến mùa gặt, ngày cuối đời. Bạn hãy suy ngắm, thực hành mẫu gương Người gieo giống ấy. Bạn biết không, ngày cánh chung Thiên Chúa sẽ xét xử bạn dựa trên việc bạn đã sống lòng thương xót với anh chị em mình chưa?

Sống Lời Chúa: Cầu nguyện cho một người đang sống xa lìa Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa luôn kiên nhẫn chờ đợi con hoán cải. Xin cho con kiên nhẫn, hy vọng, thương xót với anh chị em và với chính mình.

 

BAO DUNG VÀ CHỜ ĐỢI
Chúa Nhật 16 Thường Niên Năm A: Mt 13, 24-30 - Lm. Thái Nguyên

LmTN 190723a


Suy niệm

Thế giới con người ngay từ đầu đến giờ vẫn là sự đối đầu không ngừng giữa sự thiện và sự ác. Tuy nhiên, đứng trước thực tế của cuộc sống hằng ngày, người ta vẫn đặt ra vấn nạn: nếu Thiên Chúa là Tình Yêu, Ngài toàn năng và thánh thiện, thì tại sao Ngài không tiêu diệt sự ác mà để nó lây lan, khiến cho cuộc đời đầy họa tai và khổ ải? Tại sao người lành vẫn phải chuốc lấy những oan trái và nghiệt ngã như vậy? Đó cũng là điều mà dụ ngôn trong Tin Mừng hôm nay đặt ra.

Đứng trước tình trạng cỏ lùng ở giữa lúa, những người đầy tớ cũng đã ngạc nhiên và hỏi chủ mình rằng: không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Vậy cỏ lùng tự đâu mà có?”. Chủ trả lời là do kẻ thù đã làm điều đó, nghĩa là do quỉ dữ đã gieo vào. Nhưng sao chủ lại không cho đầy tớ diệt cỏ lùng? Vì chủ sợ làm như vậy có thể làm bật luôn rễ lúa. Thật vậy, vì cỏ lùng rất giống với cây lúa mì, nên khó phân biệt hai thứ, nhưng đến khi đơm bông thì có thể nhận ra dễ dàng.

Thiên Chúa để cho cỏ lùng mọc chung với lúa, kẻ xấu sống chung với người tốt. Chúa chấp nhận tình trạng vàng thau lẫn lộn. Ngài nhẫn nại với tội nhân, không muốn kẻ gian ác phải chết nhưng muốn nó ăn năn trở lại và được sống (Ed 18, 23). Cỏ lùng chẳng bao giờ thành lúa được, nhưng người xấu có thể hoán cải nên người tốt, tội nhân có thể thành thánh nhân. Sự thánh thiện của Thiên Chúa ở chỗ bao dung và chờ đợi. Dù sao, sự dữ vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Thiên Chúa, Đấng có thể biến sự dữ thành sự lành (x. St 37-50), Đấng chấp nhận cho cỏ lùng và lúa cùng lớn lên đến mùa gặt (Mt 13, 29-30), Đấng “cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương”. (Mt 5, 45).

Thật ra, cỏ lùng và lúa nằm ở nơi con tim mỗi người, luôn đong đưa giữa thiện và ác, giữa cao thượng và thấp hèn, giữa thiên thần và satan. Vì thế, chúng ta không có quyền tiêu diệt người ác, nhưng có bổn phận tiêu diệt sự ác trong con người, trước tiên nơi chính mình. Tự bản chất, cuộc sống đòi hỏi phải thanh tẩy sự ác không ngừng nơi bản thân, vì chính mình là mầm mống trước tiên gây đau khổ cho bản thân và đồng loại. Nếu Thiên Chúa thẳng tay diệt trừ theo lẽ công bình thì mỗi người chúng ta chắc không ai thoát được (x. Ga 8, 3-11). Trước mặt Chúa chẳng ai là người công chính (Rm 3, 10). Ngay trong những hành vi tốt đẹp nhất của tôi vẫn thấy có chút vị kỷ, chiếm đoạt. Vì thế, kẻ thù lớn nhất của đời mình là chính mình, là “cái tôi đáng ghét”.

Mảnh ruộng nào cũng luôn có cỏ lùng và lúa. Trong môi trường nào cũng có đủ hai hạng người ấy: triều đình nào cũng có những trung thần và nịnh thần; xã hội nào cũng có những thanh quan và tham quan; tôn giáo nào cũng có những người thành tín và bất trung. Sự hiện diện của người xấu cũng là tiếng chuông cảnh báo về bản thân tôi. Satan vẫn lợi dụng thời cơ để lén lút gieo vào trong tôi những hạt giống cỏ lùng, và gây nên những hư hại cho những người xung quanh: một thái độ hững hờ, thiếu quan tâm cũng đủ gây nên buồn phiền cho bạn hữu; một hành vi thiếu tế nhị và tôn trọng cũng đủ gây thương tổn cho tha nhân; một chút nóng giận, khích bác, hay vênh vang tự đắc cũng đủ gây bất hòa trong cộng đoàn; một lời nói vô ý thức hay một hành động thiếu trách nhiệm cũng đủ gây ra tai hoạ cho người khác…

Dụ ngôn cho biết: “Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa”. Nếu tôi không cảnh giác, sẽ có nhiều điều xấu xa xâm nhập vào lòng trí mình. Nếu tôi không luôn đặt mình ở trước mặt Chúa trong mọi công việc, thì đời sống tôi dễ trở thành miếng mồi ngon cho sự dữ hoành hành. Do hậu quả của tội nguyên tổ, con người dễ bị cám dỗ và hướng chiều theo điều xấu, dễ tự mâu thuẫn và bất đồng ngay trong chính bản thân. Đó cũng là kinh nghiệm của thánh Phaolô về việc tốt muốn làm mà lại không làm, cũng là kinh nghiệm hằng ngày của mỗi người chúng ta khi đứng trước những lựa chọn.

Nhưng rồi tiến trình hoàn thiện vẫn đang ở phía trước, hướng mọi người chúng ta vươn tới sự thiện hảo là chính Đức Kitô. Chúng ta không dung túng sự dữ, nhưng cũng không bạo động để chống lại ác nhân; không che chắn cho những điều xấu xa, nhưng vẫn nhẫn nại biến đổi trái tim của kẻ thù thành bạn hữu, vì tin vào sức mạnh của tình yêu. Chúng ta cũng không hy sinh kẻ khác nhưng hy sinh chính mình, để xây dựng một thế giới hòa bình. Đó cũng chính là con người Đức Giêsu trong Tin Mừng hôm nay, mà chúng ta phải mặc lấy tâm tình của Ngài: tâm tình bao dung, đón nhận và chờ đợi trên hành trình về quê trời.   

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
khi để cỏ lùng mọc chung với lúa,
Chúa chấp nhận có vàng thau lẫn lộn,
cho dù nhiều hỗn độn và nhiễu nhương,
Ngài vẫn luôn yêu thương và nhẫn nại,
không cho làm hư hại cả đôi bên.


Qua đó Chúa dạy cho chúng con biết,
không tránh được kẻ thù gieo tai ác,
gây đau thương và chua chát phận người,
làm cho cuộc sống này mất đẹp tươi.


Qua đó Chúa đã mời gọi chúng con,
hãy kiên tâm đừng vội chấp sai lầm,
đừng nôn nóng mà loại trừ người xấu,
cần nhìn vào chiều sâu và cảm thấu,
càng không nên khinh thị hay đối đầu,
vì chưa chắc mọi sự như thế đâu.


Qua đó Chúa cũng cho chúng con hiểu,
cỏ lùng và lúa tốt ngay trong lòng,
vẫn đong đưa điều dữ với điều lành,
bất đồng và mâu thuẫn không thể tránh,
sự thiện và sự ác vẫn phân tranh,
cái tốt và cái xấu luôn hình thành.


Chính bản thân của con còn chưa tốt,
nên đừng vội thốt ra lời phê phán,
càng không được xét đoán hay lên án,
kẻo làm cho cuộc sống mãi bất an.


Xin cho con tìm cách thế nhẹ nhàng,
biết mở đường dẫn lối trong tình bạn,
luôn đồng hành và khuyến khích bảo ban,
giúp cho nhau vượt thoát những nguy nan,
cố gắng biến kẻ thù thành bạn hữu,
để chờ ngày viên mãn phúc thiên thu. Amen.

 

 

 
 

GIẾT NGƯỜI ĐI THÌ TA Ở VỚI AI?
(Chúa Nhật XVI TN A) - Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 

“Thiên Chúa không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống” (x.Ed 18, 23). Câu Lời Chúa thường được lặp đi lặp lại trong suốt mùa Chay thánh nói lên tấm lòng của Đấng chúng ta tôn thờ. Phụng vụ Lời Chúa ngày Chúa Nhật XVI TN A khởi đầu bằng đoạn trích sách Khôn ngoan làm nổi rõ lòng từ nhân của Thiên Chúa đồng thời gieo rắc niềm hy vọng cho tội nhân xiết bao: “Chúa xử khoan hồng vì Ngài làm chủ được sức mạnh… Làm như thế, Chúa đã dạy dân rằng: người công chính phải có lòng nhân ái. Ngài đã cho con cái niềm hy vọng tràn trề là người có tội được Ngài ban ơn sám hối” (Kn 12, 16-19). Chúng ta lại được nghe Chúa Giêsu nói thêm một số dụ ngôn về Nước Trời, đặc biệt là dụ ngôn “cỏ lùng trong ruộng” (Mt 13, 24-29).

1. ĐỪNG NHỔ CỎ, KẺO NHỔ LẪN CẢ LÚA:

Một mệnh lệnh xem ra nghịch thường, nếu có một chút hiểu biết về nghề nông và kinh nghiệm trồng lúa. “Công cuốc, công cày là công bỏ; công làm cỏ mới là công ăn”. Trước khi thuốc diệt cỏ ra đời, thì làm cỏ là một khâu không thể xao lãng trong nghề nông. Gieo trồng mà không làm cỏ thì chắc chắn “xôi hỏng, bỏng tay”; “mất cả chì lẫn cả chài”. Ngay cả chút “giống” bỏ ra cũng chẳng mong thu lại được, nếu không chịu làm cỏ.


Theo văn phong dụ ngôn thì điều muốn nói, muốn trình bày, chỉ có một hoặc hai điều mà thôi. Và điều muốn nói thường ở nơi câu kết hoặc nơi một chi tiết nghịch thường của câu chuyện. Và ta có thể nói rằng nội dung chính của dụ ngôn “cỏ lùng trong ruộng” muốn dạy ta là đừng tự phong làm “thẩm phán” của bất cứ ai. Với lý trí suy xét và dưới ánh sáng Lời Mạc khải chúng ta có thể phân biệt điều tốt, điều xấu, hành vi chính đáng, phải đạo và hành vi bất chính… nhưng chúng ta thật khó mà quy kết ai là tiểu nhân, ai là quân tử. Cha ông ta đã từng truyền dạy kinh nghiệm rằng vẫn có đó nhiều người “khẩu phật mà tâm xà” và cũng có nhiều người “ngoài miệng thì nói nam mô mà trong bụng lại chứa một bồ dao găm”. Nhân sinh quan về sự nhập nhằng đen trắng, chính nhân quân tử hay tiểu nhân, mắt người phàm khó biện phân, thì Kim Dung, một cây bút nổi tiếng loại hình tiểu thuyết võ hiệp lịch sử kỳ tình Trung Hoa đã trình bày xuyên suốt qua các pho truyện của ông như “Anh Hùng Xạ Điêu, Thần Điêu Đại Hiệp, Cô Gái Đồ Long, Tiếu ngạo giang hồ…

Sau biến cố 1975, Chính quyền cộng sản đã ra lệnh bài trừ và tiêu hủy “các loại hình văn hóa phản động”, trong đó có tiểu thuyết của ngài Kim Dung. Lý lẽ đưa ra là cần minh bạch rõ ràng người xấu với kẻ tốt, phải rõ ràng “địch với ta”. Nếu không ta thì là địch. Nếu không theo cách mạng là phản động… Quả thật kiểu nhân sinh quan này tưởng rằng là triệt để nhưng thực ra là quá khích, độc đoán, một chiều… May thay, với thời gian, nhân sinh quan này hình như đang dần được chuyển hóa, đổi thay.

Con người, thường xem xét kẻ khác qua diện mạo bên ngoài, kiểu xem mặt mà bắt hình dong, vì thế, sai lầm là chuyện khó tránh. Thế mà ta lại cả gan muốn loại trừ người mà ta cho là xấu xa, là tội lỗi. Nếu giả như hễ ai đã phạm tội đều đáng bị loại bỏ, bị giết đi, thì thử hỏi có ai còn đáng sống. Và ngay chính bản thân ta cũng không đáng tồn tại. Giết người đi thì ta ở với ai? Hơn nữa, kẻ đáng giết trước hết, chính là ta!

2. HÃY BIẾT KIÊN NHẪN ĐỢI CHỜ:

Chỉ mình Thiên Chúa mới tỏ tường đâu là lúa, đâu là cỏ lùng. Chỉ có Chúa mới là Đấng thấu tỏ mọi bí ẩn tâm can con người. Thế mà Người lại chờ cho đến mùa gặt. Thiên Chúa không thích con người phải chết và cũng chẳng muốn tội nhân bị diệt vong. Chỉ một người tội lỗi sám hối ăn năn là cả triều thần thiên quốc vui mừng khôn xiết hơn chín mươi chín người công chính không cần sám hối ăn năn (x.Lc 15, 7). Lượng từ bi vô biên của Chúa nào ai đo lường được. Người kiên nhẫn đợi chờ vì Người là Đấng Toàn Thiện, là Cha từ nhân, Đấng chậm bất bình và rất mực khoan dung. Người kiên nhẫn đợi chờ vì Người biết con người là hữu thể đang chuyển thành (l’homme c’est l’être en devenir). Không một thánh nhân nào mà không có một quá khứ (quá khứ lỗi lầm), chính vì thế, chẳng có một tội nhân nào lại chẳng có thể có một tương lai (tương lai tốt đẹp). Với con người nhiều khi là không thể, vì quá khó, khó hơn cả lạc đà chui qua lỗ kim, nhưng với quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa thì mọi sự đều là có thể (x.Mt 19, 23-26).

3. CHỜ ĐỢi KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ NGỒI KHOANH
TAY HAY ĐỨNG NHÌN:

Rất có thể có nhiều người viện cớ rằng mình có thể sai lầm trong phán đoán để rồi không làm gì cả. Và cũng có thể có nhiều người vì lười biếng hoặc nhát đảm nên vô tình phạm đến đức trông cậy khi khoán trắng mọi sự cho Chúa. Chúng ta cần khử trừ sự xấu nhưng không được phép loại bỏ tội nhân. Ngoại trừ Mẹ Maria được Chúa gìn giữ vẹn tuyền, còn chúng ta, thảy đều là tội nhân cách này hay cách khác. Tuy nhiên, trong thực tế, giữa sự xấu với người xấu nhiều khi khó phân biệt ranh giới. Hơn nữa, có khi khoan dung với người xấu thì lại vô tình để cho sự xấu lan truyền. Vấn đề thật nan giải! Một trong những cách thế xem ra khôn ngoan là chỉ lên án hay cảnh báo các hiện tượng tiêu cực cách chung chung mà không ám chỉ trực tiếp một ai để rồi “ai có tật thì giật mình”. Tuy nhiên, làm sao tránh được chuyện công luận hướng ngay về một hay những ai đó khi có một sự xấu được nêu lên và bị kết án. Đã là phương thế, đặc biệt các phương thế mang tính tiêu cực như khử trừ, loại bỏ, lên án…, thì không một phương thế nào là hoàn hảo và tối ưu.

Một kinh nghiệm nhà nông, đó là nếu lúa tốt nhanh, thì cỏ sẽ bị che rợp và khó phát triển. Cần nỗ lực sử dụng các phương thế tích cực. Hãy làm chút men nồng. Chỉ một nắm men nhỏ thì cả khối bột sẽ dậy men (x.Mt 13, 33). Trong khi khoan dung, kiên nhẫn với tội nhân thì chúng ta cần nhân rộng các nghĩa cử bác ái, những hành vi đạo đức, thánh thiêng, cao thượng. Thà thắp lên một ánh nến còn hơn là ngồi nguyền rủa bóng tối. Một cây nến, hai cây nến, nhiều cây nến… cả không gian sẽ bừng sáng và đêm tối sẽ phải lùi xa.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây